Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

23. Rừng Khổ Hạnh

14/03/201418:28(Xem: 22341)
23. Rừng Khổ Hạnh


Mot_Cuoc_Doi_01
23. Rừng Khổ Hạnh





Từ ngoại ô Rājagaha, đi chênh về hướng tây nam, sáu bảy hôm sau là họ gặp dòng sông Nerañjarā. Đây là cả vùng đồng ruộng, ao hồ, đầm lầy nên sự bộ hành khá vất vả. Lác đác đó đây là xóm làng, cư dân khá đông đúc mà đời sống có vẻ no đủ hơn miền quê bên ngoài Kapilavatthu của chàng.

Siddhattha đã đi tham vấn nhiều nơi, đại biểu cho nhiều học phái, nhóm tu khác nhau; nhất là vừa bước qua hai thiền chứng cao nhất đương thời - thế mà vẫn chưa giải quyết được những vấn đề sâu thẳm nhất của nội tâm. Có lẽ học hỏi ở đâu cũng thế thôi, sao không tự tìm kiếm nơi chính mình, khai phá con đường bằng nỗ lực của chính mình?

Chỉ thời gian mấy ngày, như chiếc bóng theo chân Siddhattha Gotama, năm người bạn đồng tu cảm thấy bị cuốn hút mãnh liệt bởi ngôn ngữ, cử chỉ, phong thái của chàng. Chỉ riêng Koṇḍañña đã an trú được nấc thiền thứ ba, bốn người còn lại mới đi vào được nấc thiền một, hai nên họ muốn chàng dẫn lên những cấp độ cao hơn. Siddhattha hoan hỷ chỉ bày.

Thế là cứ mỗi độ đêm về, trong miếu hoang, dưới những lùm cây, Siddhattha Gotama hướng dẫn bạn hữu một cách tận tình, lại còn giảng giải rất chi li, khúc chiết, còn dễ dàng nắm bắt hơn các bậc thầy của họ.

Tìm một đoạn sông cạn, họ vượt qua sông Nerañjarā, đi một đỗi đường nữa, họ đến một dãy núi thuộc tụ lạc Uruvelā. Phía xa dưới chân núi là một thị trấn sầm uất có thành lũy của quân đội thuộc đế quốc Māgadha, trấn giữ phía tây nam kinh đô. Đưa mắt nhìn tổng quát địa thế sông núi, những sườn đá chớn chở, có lẽ là có nhiều hang động thiên nhiên, Siddhattha Gotama nói với các bạn:

- Sắp đến thời kỳ gió mùa, mưa bão. Có lẽ đây là nơi thuận lợi nhất cho chúng ta dừng chân. Vừa có thể tu tập vừa có thể đi khất thực để nuôi mạng.

Chỉ một ngày sau là mọi người đã thu xếp ổn định chỗ ở tu của mình. Ai cũng có hang động riêng không xa nhau lắm. Riêng Siddhattha Gotama thì được Koṇḍañña nhường cho một cái hang tốt nhất. Nó có một mái vòm dây leo hoa nở, trong động là một tảng đá bằng. Vất vả một chút là phải lo quét dọn phân dơi.

Ngày thứ nhất họ đi khất thực. Thấy thức ăn nhiều quá, nào cơm, bánh, chuối, xôi, nước sốt cà-ri... ăn không hết, phải đặt trên tảng đá ngoài sơn động để bố thí cho khỉ, sóc, chim... Siddhattha đề nghị ăn ít lại; từ nay, thay phiên nhau, chỉ đi khất thực hai người là có thể tạm thời đủ cho sáu miệng ăn. Nên tiết kiệm thì giờ để tu tập. Ai cũng đồng ý như thế. Họ coi Siddhattha như bậc thầy nên muốn chàng chỉ việc ngồi mà tu thôi.

Thế là ngồi tĩnh lặng trong sơn cốc tương đối mát mẻ, suốt mấy ngày đêm liên tiếp, Siddhattha Gotama ôn lại tất cả mọi kiến thức cũng như rà soát toàn bộ sự thực nghiệm tâm linh. Chàng thấy rằng, tư tưởng Vệ-đà, thành tựu cao nhất là ở bộ Vệ-đàn-đà vẫn còn nhiều thiếu sót ở lãnh vực tu chứng bản thân. Áo-nghĩa-thư rõ ràng là sự bổ túc của người sau nên hệ thống triết lý có vẻ hoàn chỉnh hơn. Các giáo phái thuộc truyền thống bị quy định bởi một Atman bất tử nên không thể giải thích cho rốt ráo những thiện ác, phải trái, tốt xấu... trên đời này. Riêng sự lập luận từ hệ thống tư tưởng của các học phái con đẻ của Vệ-đà thì tương tự những người mù sờ voi, chúng chỉ là sự manh mún, chắp vá của thực tại chứ chưa phải là thực tại. Đôi nơi cục bộ, áp đặt, một chiều. Ngoài truyền thống, do phản ứng cực đoan nên nảy sinh quá nhiều biện thuyết ngông cuồng. Chỉ có những kẻ ngu si mới tin vào các thuyết bất khả tri, hoài nghi, định mệnh, hư vô, ngụy biện của họ. Và tệ nhất là anh chàng duy vật luận thô thiển, máy móc... nhan nhản ở kinh thành Rājagaha.

Riêng sự thực nghiệm, Siddhattha thấy rõ một điều: Tư tưởng, nhận thức là cái dòng chảy trùng trùng, kế tục trùng trùng giọt nước sinh và diệt. Từ chúng mà khởi sinh bất an, xao xuyến, lo âu, phiền não, sợ hãi... Lúc đi vào các tầng thiền là các dòng nước cảm giác, tri giác, tư tưởng lần hồi được yên lắng, yên lắng rồi ngưng dứt. Do ngưng dứt nên được thanh tĩnh và phúc lạc. Nhưng khi rời thiền chứng thì các dòng nước kia lại trôi chảy trở lại, chúng phan duyên với các đối tượng ngoại giới... rồi tình trạng vẫn y hệt như cũ. Có lắng, có trong thật sự, nhưng cáu bợn vẫn còn dưới đáy sâu tâm hồn.

Thế rồi Siddhattha Gotama vào ra, lên xuống các tầng thiền để ngắm xem, một lượt, hai lượt nữa. Do khá thuần thục nên bây giờ, chàng chỉ cần khởi tâm rồi trú tâm là có thể đi vào định dễ dàng. Tại đây, chàng rút ra một kết luận: “Đây chỉ là trạng thái an định tạm thời chứ chưa phải là cái rốt ráo, toàn diện. Ta phải thực tập nhiều cách khác nhau để chiêm nghiệm xem thử cái gì là đúng, cái gì là sai, cái nào giải quyết nội tâm rốt ráo và cái nào không rốt ráo?”

Siddhattha tiếp tục suy nghĩ: “Pháp môn khổ hạnh chắc phải có một giá trị nào đó chứ? Nếu không có giá trị gì, tại sao nó lại được duy trì, tồn tại, phổ biến trên thế gian như thế? Nó có dựa trên một sự thực khả dĩ nào chăng?” Trong đầu óc Siddhattha Gotama chợt hiện lên ba hình ảnh như ba tỷ dụ:

“-Thứ nhất là, như một cây còn tươi xanh, ngâm trong nước thì ta không thể nào cọ xát, để phát sinh ra lửa được. Tương tự thế, người nào tự ngâm mình trong nước của dục lạc ngũ trần thì tinh thần người ấy không thể thăng hoa, nói gì chứng đắc những pháp cao thượng.

Thứ hai là, như một cái cây còn tươi xanh, nằm trên bờ nước thì cũng đừng hy vọng, đừng nỗ lực vô ích muốn cọ xát để lấy lửa. Tương tự thế, có những sa-môn, bà-la-môn xuất gia, muốn thoát ly thế tục; nhưng lại thường hay nằm gần dục lạc ngũ trần, khao khát dục lạc ngũ trần thì khó có thể đạt được những cảnh giới cao thượng.

Thứ ba là, như một thân cây khô, hoàn toàn không còn nhựa, lại ở cao xa trên bờ nước; nếu muốn có lửa, người ta có thể cọ xát mà mất rất ít công sức, chẳng mấy khó khăn. Cũng vậy, những sa-môn, bà-la-môn đã lìa xa dục lạc ngũ trần, không còn bị chi phối của dục lạc ngũ trần, lại còn muốn làm cho khô cạn nước dục lạc ngũ trần thì người ấy sẽ chứng đắc những pháp tối thắng, giải thoát toàn mãn.”

Sau rốt, Siddhattha Gotama lại nghĩ: “Ta đã lìa xa dục lạc ngũ trần rồi. Xa nhưng chưa diệt. Vậy ta hãy thử công phu tu tập rút cho cạn kiệt nước dục lạc ngũ trần xem sao! Phải thực tập ngay chính nơi bản thân mình, sau đó mới biết là nó đúng hay sai!”

Siddhattha Gotama bèn tìm gặp các bạn, trình bày mọi lý lẽ, nhận thức cùng kinh nghiệm tu chứng của mình, rồi kết luận:

- Ta muốn thực tập con đường điều phục thân xác, chế ngự toàn vẹn mọi cảm giác theo truyền thống khổ hạnh tự ngàn xưa. Các bạn nghĩ thế nào?

Vì tin tưởng vào thầy của mình nên những người bạn đồng tu đều gật đầu đồng ý.

Là khu rừng nhiệt đới vào cuối mùa khô hạn nên cây cối bắt đầu rụng lá. Đây đó, từng cụm, từng vùng là những thân cây sāla cao lớn sừng sững là còn hiên ngang xanh lá. Ven khu rừng thưa, áp sát chân đồi ra tận bờ sông Nerañjarā là những thảm thực vật lỗ chỗ xanh vàng. Những cụm cây thân thảo, cây hoa... còn thưa thớt lá. Riêng các loại tre trúc thì sâm si rậm rạp, mọc tràn lan, vô trật tự nhưng chúng lại rất xanh mát ở ven sông.

Khái quát rừng cảnh như thế thì cũng chẳng có gì là đẹp đẽ, hữu tình cho lắm; còn sự yên tĩnh thì cũng tương đối vì động vật các loại lui tới, thăm viếng khá nhiều. Trên các hang động, trên các kẽ đá, vòm cây... các chú dơi treo lủng lẳng như những túi đen nhung, tối tối là chúng bay tản mác, bay rần rật giữa không gian để săn mồi, chụp bọ, ăn trái... Thỉnh thoảng các loại chồn bay, bay từ cây này sang cây khác. Sóc thì đủ loại, đủ sắc nhởn nhơ chạy nhảy, leo chuyền hoặc túc tắc ăn hạt, cắn củ. Lâu lâu lại xuất hiện một bầy khỉ đen, bầy khỉ nâu đỏ, bầy khỉ vàng xám đến phá phách, la hét chí chóe... Chúng cõng con, dắt cái đùa giỡn khắp nơi. Chúng đến như một cơn bão và ra đi, trả lại sự yên tĩnh cho rừng lặng. Trên đám đất bằng, cỏ vàng úa, bầy linh dương ghé ngang, màu sắc rất đẹp, thanh thản gặm những chòm lá còn sót lại. Mấy đàn nai cũng thế, hồn nhiên rảo qua, thân hình gầy khô vì khan hiếm cái ăn. Chim chóc thì muôn loại, hót lưu liên, tấu nhạc từng khúc, từng hồi; một vài giọng lanh lảnh, cao vút, réo rắt... rồi bay về phương khác.

Siddhattha Gotama ở riết trong hang suốt thời gian gió bão và những trận mưa đầu mùa. Ngoại cảnh không dao động được chàng. Lúc này, chỉ còn một người đi khất thực, họ giới hạn thức ăn nên khẩu phần của mỗi người chỉ bằng nắm tay.

Mặc cho mưa gió gầm gào, Siddhattha tiếp tục kiên trì cách điều phục xác thân. Chàng ngậm cứng hai hàm răng lại, chận lưỡi trên nóc họng, để đè nén tâm. Ví như một lực sĩ dùng toàn bộ sức mạnh đè đầu đè cổ một người yếu đuối, không cho vẫy vùng, không cho nhúc nhích. Cũng vậy, chàng đè tâm, nén tâm, không cho bất cứ một tư tưởng lao xao nào khởi lên. Khi làm như thế, do tổn hao quá nhiều sức lực nên cơ thể nóng ran lên, mồ hôi tuôn chảy ra hai bên nách. Tuy nhiên, dù quyết chí có dũng mãnh, nghị lực có phi thường nhưng tâm niệm lao xao vẫn không lắng dứt, sự an tĩnh tâm hồn cũng không tìm thấy.

Siddhattha Gotama lại chuyển qua cách điều phục xác thân bằng cách nín thở, nín thở càng lâu càng tốt. Khi thực tập như thế, chàng nghe cơn đau khủng khiếp từ trong đầu, vì âm thanh của tiếng gió thoát qua hai lỗ tai, giống như ống bệ thợ rèn thụt lên thụt xuống...

Lại nín thở nữa, trong đầu chàng, một cơn gió hung dữ thốc lên, đâm sâu, khoét sâu vào óc như ai đó lấy lưỡi búa bửa cái đầu ra làm nhiều mảnh. Và hai lỗ tai máu rỉ ra, khốc liệt đau đớn! Tuy nhiên, kiên trì, tăng thêm sức mạnh ý chí, chàng nín thở với thời gian lâu hơn nữa. Và cái đầu của chàng nhức nhối như bị người ta lấy cái niềng sắt nung đỏ niềng lại, siết chặt.

Tuy nhiên, Siddhattha Gotama vẫn kiên cường chịu đựng, tìm cách nín thở lâu hơn thế nữa. Bây giờ, có lẽ cái đầu đã tê liệt cảm giác, cơn đau chợt thọc sâu vào bụng. Như một tay đồ tể thiện xảo mổ bò, y thọc lưỡi dao bén vào bụng, sau đó lách lưỡi dao đi sang hai mạng sườn. Sự đau đớn tưởng như cùng độ rồi. Lại nín thở thêm nữa, từ bụng, cơn đau kinh khiếp lan truyền ra cả toàn thân; y hệt như người ta túm lấy cái thân của chàng, đem đặt trên một lò than hồng, quay lui quay tới để nướng trui. Mọi cảm giác ở nơi thân, có lẽ đã quá sức chịu đựng của nó. Siddhattha thấy mình vẫn còn bất khuất, nhưng chàng chỉ buồn là sự an tịnh tâm hồn vẫn không tìm thấy.

Sau hơn bốn tháng thực hành hạnh nín thở, Siddhattha ngồi trơ bất động như tượng đá. Có một số chư thiên ở gần đấy nói chuyện với nhau:

- Có lẽ sa-môn Gotama chết rồi chăng?

- Không phải là chết rồi mà là đang chết.

- Chẳng phải chết rồi, chẳng phải đang chết; là pháp hành của bậc A-la-hán đấy!

Riêng năm người bạn đồng tu, cũng thực hành nín thở như vậy nhưng rất giới hạn, họ không thể đi đến tận cùng như Siddhattha Gotama; do vậy sự kính trọng chàng trong lòng họ lại được tăng thêm một bậc.

Thấy thực hành phép nín thở không mang lại hiệu quả mong muốn, chàng từ bỏ hang động, tìm đến những chỗ hoang vắng, heo hút trong rừng sâu. Bây giờ mùa mưa qua rồi, qua thật nhanh do chàng trú sâu trong phép tu, không có ý niệm về thời gian nên chàng muốn ngồi ở ngoài trời, dưới cái lạnh đã gần đóng băng! Siddhattha Gotama nghĩ rằng, giữa quạnh hiu của rừng già có cái gì đó làm người ta khiếp đảm, dựng cả tóc gáy. Phải đến ngồi tại đó để xem sự sợ hãi nó đến như thế nào, nó đe dọa như thế nào, nó khủng bố như thế nào. Phải vượt thoát tất cả mọi sự sợ hãi bất cứ từ đâu đến, khi ấy mới nói đến chuyện tu tập để đạt được những thành tựu cao hơn.

Thế rồi chàng ngồi, trong đêm sâu mù mịt, không trăng không sao, chỉ có những tiếng gió thổi rì rào và hơi lạnh càng khuya càng buốt giá.

Một cành cây gãy lắc cắc... chàng lại tưởng một con dạ-xoa hung dữ khua hai hàm răng đang từ từ, rón rén bước đến sau lưng chàng. Sự sợ hãi ùa đến, lạnh buốt sống lưng rồi rần rần chạy khắp cơ thể, lên đến đỉnh đầu, và hai hàm răng chàng tự dưng cứng lại. Siddhattha ngồi yên, ý chí kiên định, vững vàng, nhất tâm ngồi yên... để lắng nghe sự sợ hãi ấy... Lát sau, sự sợ hãi tan dần, nóng ấm trở lại với cơ thể, sự sợ hãi đã ra đi...

Trong đêm tối đen, bóng con gì trườn xào xạc trong lau lách! Con trăn chăng? Phải rồi, một con trăn to lớn làm cho những cành cây, bóng lá lung lay... định đến nuốt chàng đây. Thế rồi một mùi nồng nặc tanh tưởi lan tỏa... Sự sợ hãi ập đến chàng như cơn gió thốc mạnh, lát sau làm cho chàng bủn rủn, tê liệt cả người. Bủn rủn, tê liệt... chàng kiên định lắng nghe, sự sợ hãi đã đồng hóa cả thân tâm, chỉ còn một khối duy nhất. Lắng nghe, lắng nghe, bất động, kiên trì... lát sau, sự sợ hãi giãn ra, như tự cởi nút thắt buộc... từ giã chàng và ra đi không dấu tích.

Thế rồi, đêm này sang đêm khác, có những đêm nhợt nhạt ánh sao trời... tiếng cú rúc, bóng một con nai đi ngang qua, tiếng một con dơi vút qua đầu, tiếng hú của vượn, tiếng cọp “bép bép” đâu đó bên tai...; chúng đều đem đến sự sợ hãi cho chàng. Lúc thì thót bụng. Lúc thì quả tim đập thình thịch. Lúc thì toát mồ hôi. Lúc thì cứng như đá cả toàn thân. Siddhattha Gotama ghi nhận hết, cảm giác toàn bộ chúng; và dẫu sự sợ hãi có đến tột cùng, chàng vẫn ngồi yên lặng, không nhúc nhích.

“- Ồ - Chàng nghĩ - Khi sợ hãi tác động tâm lý, nếu tâm lý yếu đuối, bạc nhược... thì thân thể sẽ bị cuốn theo. Như vậy, thân tâm nằm trong định luật tương quan. Trường hợp khác, tuy thân tâm tương quan, tâm sợ, thân ảnh hưởng; nhưng nếu ý chí kiên định thì sự sợ hãi sẽ được giải tỏa; cả thân và tâm đều được giải thoát xích xiềng. Như vậy, có cái gì đó ở trong tương quan mà nhìn ngắm tương quan?”

Một chút tư duy lóe sáng lạ lùng ấy đã làm cho Siddhattha mỉm cười. Quả thật, núi rừng quạnh hiu thật khó kham nhẫn, thật khó chịu đựng... nhưng nó cũng là nơi tối thắng để trầm tư, chiêm nghiệm những máy động ẩn mật, sâu hút trong lòng ta.

Mùa lạnh đã đến rồi, chỉ một manh áo mỏng, Siddhattha Gotama vẫn dễ dàng duy trì khổ hạnh. Năm người bạn đồng tu đôi khi bất kham, phải đốt một đống lửa. Họ thú nhận là không thể tinh tấn kiên định như chàng được. Siddhattha Gotama nói với họ rằng, thật là may mắn cho chúng ta tìm được một khu rừng thuộc Trung Bắc Ấn Độ, nếu lên phương Bắc, các đạo sĩ ở Tuyết Sơn còn phải chịu đựng cái rét cay nghiệt hơn nhiều.

Ngày tháng qua đi, thân thể của sáu người chỉ còn là bộ xương còm cõi lui tới. Khi vật thực mỗi ngày chỉ còn bằng quả cam, quả ổi thì năm người bạn, đều đã kiệt sức, lả đi. Riêng Siddhattha Gotama khuyên các bạn, đừng chia phần cho chàng nữa, và chàng muốn chỉ ăn cái gì kiếm được như vài nắm lá, rau hoặc củ trái đâu đó...

Chưa hết mùa lạnh, tấm áo năm xưa của Siddhattha đã rách te tua và cái bát đất của chàng cũng đã bị lũ khỉ quăng vỡ. Hôm kia, từ khu rừng đi ra gần tận mép sông, Siddhattha muốn ngồi thiền giữa bãi nghĩa địa xương trắng, chợt chàng nhìn thấy một tấm vải bó tử thi. Quan sát, đấy là xác của một người nữ không còn nhìn rõ khuôn mặt. Xác đã thối rửa. Chàng kéo tấm vải ra, tấm vải còn tốt. Chàng xuống sông tắm, giặt tấm vải, tạm thời vắt cho ráo rồi phơi trên khóm cây. Chỉ với một ít động tác mà chàng đã run rẩy, quờ quạng, nằm lả bên mép bờ... Lúc nắng hanh lên, Siddhattha tỉnh lại, quàng tấm vải vào người rồi thất thểu bước đến một khu rừng xa hơn nữa.

Mùa xuân qua đi, mùa hạ đến... ngày ngày Siddhattha chỉ ăn uống rất ít và ngồi ngoài trời mặc cho nắng nung đốt. Cái lạnh qua được thì cái nóng cũng phải qua được. Chàng thử nghiệm. Bây giờ chỉ duy trì chút nước để xem thử cái đói, cái không ăn nó hành hạ xác thân như thế nào.

Thế rồi, cái thân khô đi, quắt lại. Cơ thể do ăn quá ít nên đưa tay sờ bụng thì đụng lưng. Thò tay đến đâu thì lông rụng từng đám. Tuy nhiên, Siddhattha còn thử nằm trên gai nhọn, còn thử không ngồi mà chỉ đứng, còn thử ngồi chồm hổm trên gót chân nhiều ngày mà không thay đổi oai nghi...

Đến năm ngày sau thì Siddhattha không còn tắm rửa, nhưng có nguyện ăn vật gì trong tầm tay lượm được. Vải bó tử thi đã rách, chàng lấy da cây, rơm, cỏ khô, lá... để kết quanh người. Đôi khi chàng ngồi một đống, một hòn nơi nghĩa địa thiêu xác hay tại bãi cỏ chăn bò. Bọn trẻ nghịch ngợm đến khạc nhổ trên người, tiểu tiện nơi mình chàng hoặc đứng xa để ném đất, ném đá... Thấy hành hạ kiểu gì cái “ông người kia” vẫn bất động, chẳng nói, chẳng la, chẳng phản ứng gì; chúng lại đến gần, lân la lấy cọng cỏ ngoáy vào hai lỗ tai chàng...

Lại có lúc, chàng trốn vào rừng sâu, không còn nghe, không còn muốn thấy bóng dáng của con người. Năm người bạn đồng tu còn duy trì chút ít vật thực nên còn thấy một chút máy động của sự sống. Còn chàng, qua nhiều năm đã khổ hạnh tận cùng, họ không còn nhìn ra Siddhattha năm xưa nữa. Tay và chân của chàng là các lóng tre đen đỉu, khúc khuỷu nối kết với nhau. Hai bàn tọa của chàng trông giống như hai cái móng trâu. Xương sống và cột tủy của chàng lồi ra trông giống như một cái chuỗi hạt. Xương sườn của chàng lồi ra, lộ rõ như những hanh rui của một ngôi nhà đổ nát. Đồng tử của chàng thụt sâu vào bên trong hố mắt như cái giếng sâu. Da đầu thì nhăn nheo như trái mướp đắng phơi khô. Lưng và bụng dính làm một. Nếu muốn đại tiện hoặc tiểu tiện thì chàng phải ngã úp mặt xuống đất, lâu lắm mới gượng dậy nổi.

Lúc này, năm người bạn đồng tu đã thán phục tận cùng. Còn chư thiên thì bàn luận với nhau:

- Nước da của sa-môn Gotama màu gì nhỉ?

- Màu xanh!

- Không, màu chàm!

- Không đúng, màu chàm đất!

- Không phải, cả màu đen, màu xanh, màu xám và cả màu chàm đất hòa trộn với nhau!

- Còn thân thể thì sao?

- Là bộ xương khô!

- Bộ xương khô sao lại còn sống?

- Gọi là bộ xương khô sống!

Có một vị thiên lớn hơn, oai đức hơn thì nói:

- Các bạn đừng hý ngôn nữa. Hãy xem ý chí và nghị lực tối thượng của Người. Mai sau, chắc chắn Người sẽ thành tựu Con đường Bất tử.

Từ khi dùng miếng mồi Chuyển luân Thánh vương vẫn không quyến rũ được Siddhattha Gotama ở ngoài cổng thành Kapilavatthu, Ma vương theo dõi ngài từng bước chân, từng hơi thở, từng tâm niệm. Gần suốt sáu năm ròng rã, Ma vương thấy người con trai bất khuất, kiên cường ấy chưa hề có một giây phút ngã lòng hay mềm yếu. Như một cội cây mà bộ rễ đã cắm quá sâu vào lòng đất, khó có cơn gió bão nào lay động được. Rồi thời gian qua, dường như ý chí kiên định, kiêu dũng ấy càng được củng cố chắc khỏe hơn... Hãy nhìn kìa! Ma vương tự nói với mình, ngay khi khổ hạnh đã đến giai đoạn cuối cùng, chỉ còn bộ xương khô, chư thiên bàn tán với nhau không biết sống hay chết mà ông ta vẫn khư khư bất động như đỉnh Sineru. Thế là ông ta sẽ thành Phật mất thôi! Bây giờ ta phải lựa lời ngon ngọt để ông từ bỏ khổ hạnh mới được.

- Này ông sa-môn! Ma vương nói - Hãy nhìn xem thân hình tiều tụy, bạc nhược, còm cõi, xấu xí của ông kìa! Ở đấy, chỉ một phần sống lắt leo trong một ngàn phần chết. Hãy tỉnh thức mà đứng lên, này ông sa-môn. Sự sống quý báu vô cùng. Một cọng cỏ cũng muốn sống. Một cái kiến cũng muốn sống. Có sống thì ta mới làm được việc này việc kia có ích cho mình và có ích cho đời. Ông sa-môn có thể cứ sống đời đạo sĩ, bồi bổ lại thân xác và cúng tế thần lửa. Cúng tế thần lửa là một hành động tín ngưỡng tối thượng đem lại nhiều phúc lạc cao quý cho mai sau...

Chỉ nghe miệng lưỡi, không nhìn, không hướng tâm, Siddhattha Gotama cũng biết đấy là Ma vương; ngài muốn dạy cho nó một bài học:

“- Này, Namuci(1), ngươi là kẻ xấu xa, quỷ quyệt mà còn bày trò giở giọng tốt lành, thân thiện. Ngươi là đại biểu cho bóng tối, ngu si, độc ác, gian trá và tội lỗi. Ngươi đến đây không phải vì lợi ích cho ta, mà chính vì dục vọng đê hèn và tham vọng quyền lực tối tăm của ngươi. Đừng nói chuyện công đức và phước báu với ta. Ta tu hành như thế nào thì ta tự biết. Đấng thần lửa là trò mê tín của thế gian do các ông thầy tư tế ngụy tạo ra. Đừng bày trò linh thiêng để mê hoặc quần chúng ngu si. Ta có một đức tin rất vững chắc (saddhā), ta có một sự nỗ lực, tinh cần rất quyết liệt (viriya), ta có một năng lực kiểm soát, chú tâm, theo dõi tâm rất cẩn mật (sati), ta có một bình tĩnh, định tĩnh khó gì có thể xao động nổi (samādhi), ta có một sự tỉnh thức, tỉnh táo, thông tỏ toàn bộ vận hành của thân tâm (paññā). Với năm sức mạnh như vậy mà ngươi còn đến đây muốn lung lạc, đường mật với ta sao?

Có một điều ngươi nói đúng, Ma vương ạ! Gió thổi mãi hoặc lửa đốt mãi thì tứ đại sẽ bất hòa. Gió ngưng thổi, lửa tắt ngúm thì tứ đại sẽ tiêu vong. Hiện tại, ta biết rõ lửa trong ta đã nguội, nước trong ta đã khô. Nước khô, lửa nguội thì máu ta sẽ cạn. Máu cạn thì mật cũng cạn và thịt cũng theo đó mà teo tóp, nhăn nheo như trái mướp khô. Điều ấy đúng với định luật khi chẳng có gì nuôi dưỡng sắc chất. Tuy nhiên, thể xác được triệt tiêu tham muốn thì tinh thần không còn bị ngục tù, nô lệ nữa. Và như vậy, tinh thần sẽ được thăng hoa, nhẹ nhàng, thanh tịnh, vô nhiễm. Tâm càng thanh tịnh thì định càng an trụ. Định càng an trụ thì tuệ càng sáng suốt. Chắc ngươi cũng biết thế chứ? Ta là một hữu tình bằng xương, bằng thịt, ta cũng biết đau đớn, vật vã, quằn quại khi cái đói giày vò, hành hạ. Tuy nhiên, ta sẽ chiến thắng! Ta treo lên ngọn cờ ý chí một chùm cỏ Munja! Ta thà chết giữa chiến trường tâm linh vinh quang còn hơn sống nhục nhã trong thất bại! Ngươi hãy đi đi thôi!”

Thế là Ma vương, một lần nữa, thua cuộc, thất thểu bỏ đi.

Như được rèn thêm ý chí, con người kiên nghị, bất khuất ấy không chịu bỏ cuộc; đôi khi chàng ngồi một chỗ để cho nắng, mưa, gió, sương... hành hạ; chỉ lượm được cái gì trong tầm tay để ăn, kể cả phân bò non. Nếu xung quanh không có gì thì chàng nhịn ăn từ ngày này sang ngày khác.

Siddhattha không ăn không uống gì trong nhiều ngày thì có tiếng nói vọng rõ ràng bên tai:

- Nếu sa-môn Siddhattha không dùng gì thì chư thiên sẽ cho thấm vật thực vào các lỗ chân lông.

- Như thế là không được! Siddhattha đáp - Như thế chẳng khác gì ta là kẻ dối trá.

- Thế thì sa-môn Gotama hãy thọ thực trở lại, nếu không, ba ngày nữa sẽ chết.

- Ta đâu có sợ chết.

- Sa-môn Gotama quả thật không sợ chết, nhưng Con đường Bất tử thì sao? Sa-môn đã chứng đắc quả vị Vô thượng như lời nguyện thuở xưa chưa?

Siddhattha rùng mình, người như tỉnh táo trở lại, một ý nghĩ khởi sanh nơi chàng: “Sự khổ hạnh, ta cũng đã khổ hạnh tận cùng. Ta cũng đã vắt kiệt nước dục lạc ngũ trần ở nơi ta để cho cái thân không còn một chút cảm giác nào - thế nhưng nội tâm ta cũng không an ổn. Trong quá khứ, hiện tại hay vị lai - các sa-môn, bà-la-môn nếu có hành khổ hạnh, chịu mọi sự đau đớn, quằn quại, khốc liệt, kinh khủng - thì có lẽ cũng không hơn ta được. Ta đã cảm nghiệm sự tương quan giữa thân và tâm; nó là cái gì không thể tách rời. Hành hạ xác thân, như vậy cũng có nghĩa là hành hạ tâm trí. Khổ hạnh, theo sự thấy biết lẫn sự chiêm nghiệm sâu sắc của ta là một pháp môn sai lầm.”

Như đọc được ý nghĩ của Siddhattha, trời Sakka muốn củng cố nhận thức đúng đắn cho chàng, nên như viên lực sĩ co duỗi cánh tay, đã hiện xuống khu rừng Uruvelā trong dáng dấp một gã chăn bò lang thang ôm cây đàn ba dây.

Chàng nhạc sĩ lang thang như vô tình ngồi nơi tảng đá dưới gốc cây, bắt đầu thử dây đàn. Sợi thứ nhất, quá “chùng” nên âm thanh “bùng bình... bùng bình” không ra gì cả. Chàng nhạc sĩ mỉm cười, qua sợi dây thứ hai, hắn vặn “căng” lên, căng mãi nên sợi dây đứt phựt! Đến sợi dây thứ ba, hắn cẩn thận, từ từ, căng ra nhưng căng từ từ, đến độ chừng mực, vừa phải... rồi hắn gảy một khúc nhạc. Ôi chao! Âm thanh như từng hạt bảo châu thanh trong va động giữa không gian; sau đó, lại du dương, trầm bổng, thánh thót như giọng chim hòa tấu.. như cung đàn muôn điệu của mùa xuân. Thế rồi, gã nhạc sĩ lang thang rời tảng đá, vừa đi vừa gảy vừa hát. Ôi, tiếng đàn, khúc nhạc, lời ca... như quyện lẫn, chan hòa, vui tươi, hoan hỷ... chảy tràn ra, len thấm vào mây trời, len thấm vào từng đầu cây, cọng cỏ... xa dần rồi biến mất.

Siddhattha ngồi lặng. Nắng loãng nhẹ và mỏng, hiu hiu, mơn man, vuốt nhẹ lên làn da khô gầy, đen đỉu. Một cảm giác dễ chịu, an bình đi sâu vào tâm hồn. “Chùng quá thì không gảy được. Căng quá thì đứt. Khi nào sợi dây đàn căng đúng độ, chừng mực... thì âm thanh mới tuyệt hảo.”

Siddhattha lại nhớ rằng, thuở ấu thơ, lúc đi dự lễ hạ điền với vương phụ, chỉ cần ngồi hít thở thanh thản là đi được vào định sơ thiền. Trong tháng năm thực tập thiền bốn nấc của đạo sư Ālāra, đôi khi chàng trú thâm sâu vào hỷ lạc. Do thân an vui, tươi mát nên tâm cũng được an vui, tươi mát. Như vậy là có một loại thực phẩm, đó là hỷ lạc, nó nuôi dưỡng tâm nên thân cũng được khỏe khoắn, nhẹ nhàng, dễ chịu.

Và kể từ khi đi lên các tầng thiền vô sắc là ta đã từ bỏ hỷ lạc, chỉ còn cảm giác xả quân bình, và sống trong thế giới của không, của thức, của tưởng vi tế.

Rồi chàng nghĩ tiếp: “Đời sống, cái được gọi là đời sống là cái gì nhỉ? Nếu được gọi là đời sống thì phải là toàn bộ thực tại, toàn bộ thân và tâm, nghĩa là toàn bộ thân sắc, cảm giác, tri giác, ý chí và nhận thức. Vậy tại sao ta muốn từ bỏ cái này, tìm kiếm cái kia? Tại sao ta đã có thời gian muốn từ bỏ cảm giác - chỉ sống với cái “tưởng” mà thôi? Còn khổ hạnh là gì? Triệt tiêu thân xác chăng? Ta muốn diệt cái thân xác chăng? Và dẫu ta đã tận trừ cảm giác và thân xác cho đến hồi gần như chết thì ta có được gì? Dây đàn căng thì nó sẽ đứt.”

Như tìm ra đáp số. Chàng chậm rãi đứng dậy, dịu dàng đưa mắt nhìn quanh. Hít một hơi thở đầy, chàng chợt nghe hương rừng thơm ngát. Nhiều sắc hoa nở đẹp mà từ lâu chàng đã không thấy. Một chú sóc vàng chợt xù đuôi trong hốc cây, thò lõ mắt nhìn chàng. Siddhattha cúi xuống nhìn mình. Thật là không còn nhân dạng gì. Tấm áo vỏ cây, lá cây... đều rách nát tả tơi. Chỉ còn bộ xương khô lủng lẳng đeo dính các đốt xương lại với nhau. Nước da vàng ròng mỹ diệu với sắc tướng phi phàm, bây giờ rõ là bóng ma một con quỷ đói. “Ta phải tìm một tấm vải bó tử thi nào còn lành lặn, xuống sông tắm rửa sạch sẽ rồi ta sẽ bắt đầu đời sống tu tập theo lời mách bảo của gã nhạc sĩ lang thang, nghĩa là không “chùng”quá mà cũng không “căng” quá!”

Kiếm một cây gậy, chàng chống từ từ và chậm rãi lê từng bước qua bên kia nghĩa địa. Đi năm bảy bước, chàng phải dừng lại để thở. Riết rồi cũng đến nơi. Tìm là có. Ồ, một tấm vải màu vàng đất bó gọn một tử thi chẳng rõ nam nữ quăng bỏ đây đã lâu. Chàng nói nhỏ: “Hãy cho ta tấm vải mà ngươi đã không còn sử dụng nữa. Ít hôm nữa thôi là thân xác ngươi cũng trả về cho tứ đại.” Chàng rút tấm vải, phải dùng sức mạnh, thở gấp mới lấy tấm vải ra được. Tấm vải dính máu, dính mủ đã khô.

Siddhattha lần đến bờ sông, dựa bên mép sông có mấy tảng đá, chàng giặt sạch tấm y, phơi trên đá, sau đó tắm rửa, kì cọ rất lâu. Dừng lại, thở một hồi rồi chà xát cho kỳ hết bụi đất, cáu ghét, lớp da chết trên người. Sau đó, do mệt quá, Siddhattha nằm ngủ một giấc vô tư, vô lự. Khi tỉnh dậy, chàng nghe tinh thần sảng khoái, lấy tấm y vàng đất đã khô ráo, quàng vào người rồi cất bước lên hướng rừng. Do sức lực dường như đã sử dụng hết năng lượng cuối cùng, chàng nằm gục trên đám cỏ. Nằm bất tỉnh như thế không biết bao lâu - thì có một bé gái, theo lệ thường mang sữa đề-hồ, bánh, hoa trái đến cúng cho thần linh tại gốc cây gần đó. Trông thấy một vị sa-môn gầy khô, nằm thoi thóp thở, cô bé biết nhà tu khổ hạnh này do đói đã quá lâu ngày nên kiệt lực. Động mối từ tâm, cô bé đã tự ý quỳ xuống bên cạnh, lấy ngọn lá làm thìa, đổ chút ít sữa vào miệng. Khi những giọt sữa đầu tiên đi từ môi, chàng nhắp nhắp, qua lưỡi, thấm xuống cổ họng rồi đi vào dạ dày; cảm giác dễ chịu từ từ lan thấm cả châu thân. Cô bé mỉm cười, trao nguyên hũ sữa có nắp đậy cho chàng. Chỉ lát sau là chàng uống hết hũ sữa, người tỉnh táo trở lại.

Chàng nói:

- Cảm ơn cháu gái. Cháu ở đâu? Đến đây có việc gì, mà cho ta một bát sữa kỳ diệu đến thế?

Cô bé mỉm cười, rạng rỡ niềm vui:

- Cháu ở trong làng. Chủ của cháu, một bà chủ tốt bụng thường sai bảo cháu đến gốc cây gần bờ sông để cúng sữa, bánh trái cho vị thần linh.

Siddhattha mỉm cười:

- Rồi cháu thấy ta sắp chết nên đã tự ý dâng hũ sữa cho ta, vậy không sợ bà chủ rầy la sao?

- Không! Cô bé mở tròn mắt đen láy - Bà chủ cháu tốt bụng lắm. Bà chủ không rầy la đâu, mà còn khen ngợi nữa. Bà chủ thường dạy: Giúp một người đói khổ, cứu một người sắp chết là sẽ được phước đức nhiều lắm.

- Ồ, tốt lắm! Giỏi lắm! Cháu tên gì thế?

- Dạ, cháu tên Puṇṇā (1). Bà chủ của cháu là Sujātā, con gái của ông triệu phú Senānī, ở tại làng Senāni cũng gần đây thôi.

Thế rồi, tất cả đề-hồ, bánh trái còn lại, cô bé dâng hết cho Siddhattha Gotama; và chàng đã ăn từ từ, ăn dần dần; nhơ thế, khôi phục sức khỏe rất nhanh mà không bị tháo dạ.

Ngày hôm sau, Siddhattha Gotama từ bỏ hang động, xuống sống ở cội cây có tàn xanh bóng mát cạnh bờ sông. Chàng đã quyết định từ bỏ con đường khổ hạnh cực đoan, sẽ đi theo lộ trình trung đạo.


(1)Tên khác của Ma vương. Có 5 loại Ma vương: Chư thiên ma vương (devaputta), phiền não ma vương (kilesa), pháp hành ma vương (saṅkhāra), ngũ uẩn ma vương (pañcakhandha), tử thần ma vương (maccu).

(1)Trước đây, tư liệu Nam Bắc tông gì cũng nói người dâng sữa cho Bồ Tát trong rừng khổ hạnh là nàng Sujātā (Tu-xà-đề), điều ấy đúng. Sujāta khởi tác ý, nhưng người thực sự dâng sữa tận miệng cho Bồ Tát là cô bé Puṇṇā, người ở gái. Tư liệu của tôi được lấy từ Dictionary of Pāḷi proper names, quyển 2, trang 1186.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]