Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chính quyền Johnson nhìn lại Biến cố 1-11-1963.

28/10/201307:47(Xem: 14959)
Chính quyền Johnson nhìn lại Biến cố 1-11-1963.
TIẾT LỘ TỪ “BẢN GHI NHỚ CHO ÔNG MOYERS”:
MỸ KHÔNG CẢN NỔI CUỘC ĐẢO CHÁNH
VỐN ĐÃ MANH NHA TỪ TRƯỚC NGÀY ÔNG NHU TỔNG TẤN CỐNG CHÙA CHIỀN 20-8-1963


Chính quyền Johnson nhìn lại Biến cố 1-11-1963.

Bản Ghi Nhớ viết ngày 30 tháng 7-1966 của Bộ Ngoại Giao/CIA gửi Tòa Bạch Ốc
(Giải mật ngày 20-4-1998 - Bản lưu cho Thư Viện Tổng Thống Lyndon B. Johnson)

(LỜI NGƯỜI DỊCH:

Lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm là cuộc cách mạng chung của quân và dân Miền Nam, từ nhận thức chân thực rằng nhà Ngô cần bị lật đổ vì họ vừa không xứng đáng vừa không đủ khả năng lãnh đạo miền Nam nữa, do đó không khởi nguồn từ xúi giục của bất kỳ ngoại nhân nào, kể cả từ Hoa Kỳ.

Trước ngày 11 tháng 6-1963, ngày Bồ Tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân, từ năm 1960, đã có những cuộc chống đối, thậm chí đảo chánh bằng võ lực, thất bại. Và ngay trong buổi chiều 11/6 đó, sau khi có tin Ngài Quảng Đức tự thiêu, Trung Tá Đỗ Khắc Mai, Tham Mưu Trưởng Không Lực VNCH, đã bày tỏ ý định vận động một cuộc lật đổ nhà Ngô; ý định này được ghi lại trong Điện văn 165, đề ngày 11-6-1963, do Tòa Đại Sứ Mỹ gửi về Bộ Ngoại Giao Mỹ ghi theo tiết lộ của một mật báo viên.

Từ ngày 11-6-1963 trở đi, cho tới khi nhà Ngô sụp đổ, đã có thêm một số âm mưu đảo chánh khác, vận động từ phía các sĩ quan cấp tá và nhiều lãnh tụ đảng phái,kể cả những cọng sự viên thân tín của ông Diệm. Trong những người tham dự âm mưu lật đổ nhà Ngô có cựu Đại sứ Trần Văn Chương, thân phụ của bà Ngô Đình Nhu, theo Bản Ghi Nhớ số 118 đề ngày 16-9-1963, viết bởi Paul M. Kattenburg, Phó Giám Đốc Đông Nam Á Sự Vụ tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.

Hồ sơ mật được dịch sau đây cho thấy một điều minh bạch nữa, rằng ngay sau khi ông Nhu ra lệnh Lực Lượng Đặc Biệt tấn công các chùa cuối tháng 8-1963, Tướng Lê Văn Kimđã nói với một viên chức Mỹ rằng ông và một số tướng lãnh đang có ý muốn đảo chánh nhà Ngô, nhưng tới nhiều tuần lễ sau, chính phủ Mỹ vẫn còn do dự;Cần ghi nhận về một điện văn ngày 24-8, còn gọi là Cable 243 hay DEPTEL 243 hay Telegram 243, chỉ thị Đại sứ Lodge phải áp lực ông Diệm gạt bỏ ông bà Nhu ra khỏi chính phủ, nghĩa là vẫn sẽ duy trì Đệ Nhất Cọng hòa và riêng ông Diệm vẫn làm Tổng Thống, và nếu điều kiện nầy không thỏa đáng thì được hiểu là Mỹ đồng ý một “sự thay thế” lãnh đạo tại miền Nam.

Hai ngày sau trận tổng tấn công vào các chùa do ông Ngô Đình Nhu thực hiện, và TRƯỚC KHI chính phủ Mỹ có những buổi họp cấp cao có tính chính sách tại Washington hay tại Sài Gòn nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tại Nam Việt Nam, Tướng Lê Văn Kim ngày 23-8-1963, đã gặp Rufus Phillips, Giám đốc USOM Rural Affairs, và nói rằng quân đội VNCH đã sẵn sàng đảo chánh để lật đổ chế độ nhà Ngô vì đó là cách duy nhất để giữ lòng dân– vì quân đội và dân chúng đều bất mãn tột độ khi Phật Giáo bị đàn áp.

Tuy nhiên, cho tới giữa tháng 9-1963,chính phủ Mỹ còn do dự không biết nên ủng hộ hay không đối với các tướng lãnh VNCH đang muốn lật đổ nhà Ngô.

- Ngày 14-9-1963, Bộ Ngoại Giao Mỹ tin là nhà Ngô phải bị lật đổ, trong khi Bộ Quốc Phòng Mỹ và CIA tin là không nên lật đổ nhà Ngô. (Xem đoạn ghi số 6)

- Ngày 16-9-1963, Tổng Thống Kennedy chủ tọa một buổi họp ở Bạch Ốc, do dự trước nhiều luận cứ về nên hay không nên lật đổ nhà Ngô, nên chỉ thị đưa một pháí đoàn sang VN để khảo sát tình hình cụ thể. (Xem đoạn ghi số 7)

- Ngày 23-9-1963, phái đoàn gồm Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara, Tướng Taylor và một số ít viên chức cao cấp bay từ Mỹ sang VN để khảo sát mọi phương diện, xem có thể chiến thắng CS nếu giữ nhà Ngô hay không. (Xem đoạn ghi số 7 và 8)

- Ngày 2-10-193, phái đoàn trở về Mỹ, báo cáo tức khắc với TT Kennedy rằng phái đoàn đồng thuận là Mỹ phảỉ áp lực ông Diệm cải tổ triệt để, trong đó có việc loại trừ ông bà Nhu. (Xem đoạn 8)

- Đầu tháng 10-1963, có khoảng 2 hay 3 âm mưu đảo chánh đang chuẩn bị tiến hành.(Xem đoạn 11)

- Vài ngày trước cuộc đảo chánh 1-11-1963, Mỹ lo ngại cuộc đảo chánh do các Tướng Dương Văn Minh và Tướng Trần Văn Đôn có thể thất bại vì thiếu quân, muốn ngăn cản nhưng thấy không cản nổi.(Xem đoạn 12)

Bản Ghi Nhớ này viết ngày 30-6-1966, bởiWilliam P. Bundy(viên chức CIA, Phụ Tá Ngoại Trưởng về Viễn Đông Á Vụ, cũng là cố vấn đối ngoại cho các Tổng Thống Kennedy và Johnson) theo yêu cầu của Bill Moyers(Trưởng Phòng Thông Tin của Tổng Thống Johnson) để giải thích về diễn tiến những quyết định của chính phủ Kennedy 3 năm trước đóđối với chế độ ông Diệm.

Bản gốc hồ sơ lưu ở Thư Viện Tổng Thống Lyndon B. Johnson, hồ sơ về Việt Nam, hộp 263, trong xấp hồ sơ Roger Hilsman(người tiền nhiệm của William P. Bundy trong chức vụ Phụ Tá Ngoại Trưởng về Viễn Đông Á Vụ). Dưới đây sẽ dịch theo bản lấy từ Thư Viện Đại Học George Washington University:

http://www.gwu.edu/~nsarchiv/NSAEBB/NSAEBB101/vn29.pdf

Ghi nhận, bản văn chỉ còn 4 trang, có thể trang sau vẫn chưa giảỉ mật hay đã bị thất lạc. Bản văn gốc sẽ kèm dưới đây. Toàn văn dịch bởi Cư sĩ Nguyên Giác.)

BẮT ĐẦU BẢN VĂN

TỐI MẬT Ngày 30 tháng 7-1966

BẢN GHI NHỚ CHO ÔNG MOYERS -- CHỈ ĐỂ ĐỌC THÔI

ĐỀ TÀI: Cuộc thảo luận về chế độ Ngô Đình Diệm trong tháng 8 tới tháng 10-1963.

Câu hỏi cụ thể của ông giành cho tôi về bức điện văn đề ngày 24-8-1963 mà nhiều người biết, trong đó đã chỉ thị cho Đại sứ Lodge và Phái bộ [Ngoại Giao Mỹ] khởi sự thăm dò để tìm người lãnh đạo thay thế ông Diệm. Điện văn đó thực sự phức tạp hơn và có lẽ ít minh bạch hơn bản tóm lược một câu đó. Bản này kèm theo đây, gọi là TAB A.

Theo lời Michael Forrestal (LND: Phụ tá của cố vấn an ninh quốc gia của TT Johnson) nói với tôi hồi giữa tháng 9-1966 (tôi không có mặt ở văn phòng từ giữa tháng 8 tới giữa tháng 9-1963), tin nhắn đó được chấp thuận qua điện thoại bởi Tổng Thống Kennedy từ Hyannisport, lúc đó là một đêm Thứ Bảy. Có một dị biệt lớn về trí nhớ giữa ông Forrestal và Tướng Krulak (lúc đó là đại diện ở VN của Phòng Tổng Tham Mưu Quân Lực Hoa Kỳ) về tình hình có phải Tướng Taylor(LND: lúc đó, năm 1963, Tướng Taylor là Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Hoa Kỳ) đã có chấp nhận tin nhắn này chưa. Tôi tin mọi người đều nhớ rằng ông Gilpatric (LND: Thứ Trưởng Quốc Phòng năm 1963) nói qua điện thoại từ trang trại của ông ở Bờ Biển Eastern Shore, trên nền tảng rằng vấn đề này chủ yếu là chính trị. Bộ Trưởng Ngoại Giao Rusk và Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara đều đi xa ngoaì thủ đô và không liên lạc được cho tới đầu tuần lễ kế tiếp.

Trong khi Điện văn ngày 24-8-1963 là một phần chủ yếu của câu chuyện và thực sự phản ảnh một “điểm chuyển biến” chân thực trong suy nghĩ của chính phủ Mỹ, có rất nhiều điêù liên hệ mà tôi nghĩ sẽ là sai lầm khi đơn giản chỉ nhìn vào điện văn đó. Các sự kiện trước đó và sau đó sơ lược như sau:

  1. Lodge được bổ nhiệm tới Sài Gòn trong tháng 6-1963, và nơi đó bắt đầu tức khắc có tin đồn trong giới báo chí rằng Lodge sẽ làm sáng tỏ tình hình và làm gì đó về ông Diệm. Tôi không thể nói ai có trách nhiệm về mấy chuyện [tin đồn] đó, nhưng người tiền nhiệm của tôi, ông Hilsman, cứ mãi gặp xui xẻo kiểu đó. Tất nhiên, ông Diệm xem việc Lodge tới [nhậm chức Đại sứ] như một thách thức có tính toán với ông ta.
  1. Vào ngày 18-8-1963, trong khi Lodge trên đường tới Sài Gòn, Diệm và Nhu ra lệnh quân đội xông vào các chùa ở Sài Gòn, đẩy tới bước chuyển biến cho cuộc khủng hoảng Phật Giáo vốn đang âm ỉ từ tháng 5-1963. Tính toán thời điểm [tấn công chùa] này hẳn là nhắm việc Lodge tới VN.
  1. Sau vài ngày tìm hiểu xem có phải quân đội VNCH tham dự trận tổng tấn công các chùa hay không, bức điện văn ngày 24-8 mới gửi đi.
  1. Trong tuần lễ kế tiếp, như các điện văn gửi đi ở cấp cao kèm trong hồ sơ TAB B nơi đây cho thấy, chúng ta [chính phủ Mỹ] lại tới lui lần nữa về khả thể của việc quân đội VNCH đảo chánh ông Diệm. Đây chủ yếu là hoạt động của CIA, và tôi đã lục xem từ các hồ sơ của tôi một thứ tự ngày tháng về những liên lạc chủ yếu của CAS (LND: văn phòng CIA ở Sài Gòn) trong trọn thời kỳ từ tháng 8 tới hết tháng 10-1963. Hồ sơ này đính kèm, ghi tên là TAB C. Chủ yếu, chúng ta lặng lẽ tiếp cận với các sĩ quan quân đội chính yếu, những người đó nói với chúng ta rằng họ không thể đảo chánh vào lúc đó được. Tuy nhiên, không ngờ vực gì nữa, ý nghĩ rằng họ có thể hành động, và nếu họ đảo chánh, chúng ta sẽ ủng hộ họ, đã được đưa ra lúc đó.
  1. Vào ngày, hay vào khoảng ngày, 7 tháng 9-1963, Tổng Thống Kennedy -- dựa vào những cuộc thảo luận mà tôi không có hồ sơ hay không biết, đã tổ chức một cuộc họp báo chỉ trích ông Diệm nặng nề. Thời gian ngắn sau đó, chúng ta ngưng các giao dịch trong Chương Trình Commodity Import Program (LND: chương trình này là hình thức viện trợ tiền mặt Mỹ Kim cho chính phủ ông Diệm, chiếm 80% tổng số viện trợ từ Mỹ cho VNCH -- xem giải thích từ sách A History of the Vietnamesecủa K. W. Taylor, trang 565), một chương trình căn bản cho việc hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của chính phủ VNCH. Việc ngưng như thế không có nghĩa thực tế là viện trợ ngưng, vì có một khoản viện trợ ít nhất 2 tới 3 tháng đã gửi sang rồi.
  1. Vào giữa tháng 9-1963, có một cuộc tranh cãi gay gắt trong chính phủ Mỹ, và một loạt lộ tin trên báo chí rất đáng tiếc trong đó nêu rõ hai phía tranh cãi – Hilsman và những viên chức khác trong Bộ Ngoại Giao tin là phải lật đổ ông Diệm, trong khi Bộ Quốc Phòng, Văn Phòng Tổng Tham Mưu, và CIA (cả ở Washington và cả ở Việt Nam) đều chống lại bất kỳ thay đổi nào. Bản thân tôi trở về từ Châu Âu ngày 14-9-1963, và còn nhớ sinh động rằng Mike Forrestal tức khắc gặp tôi để nói rằng những người như tôi, những người không chọn lập trường dựa trên cảm xúc nào hết, bây giờ nên tham dự trọn vào tình hình này và xem chúng ta có thể làm vấn đề rõ ràng hơn không.
  1. Vào giữa tuần lễ của ngày 16-9-1963, TT Kennedy chủ toạ một buổi họp nhỏ trong Bạch Ốc, quyết định rằng cách duy nhất để chọn một lập trường chắc chắn cho chính phủ là để cho Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara và Tướng Taylor dẫn một nhóm ít người tức khắc tới Sài Gòn khảo sát kỹ. Tôi làm việc với Bộ Trưởng McNamara trong việc chọn người vào phái đoàn này, trong đó có Bill Sullivan từ Bộ Ngoại Giao, Mike Forrestal từ Bạch Ốc, và Bill Colby từ CIA. Nhóm này lên đường ngày 23-9-1963.
  1. Phái đoàn McNamara/Taylor ở lại Việt Nam cho hết ngày 1-10-1963, làm nhiều chuyến khảo sát nhưng tập trung chủ yếu vào các liên lạc rộng r ải nhất có thể được trong mọi nơi để đánh giá tình hình chính trị. Phái đoàn trở về Mỹ ngày 2-10-1963, và tức khắc trình một bản báo cáo đầy đủ lên TT Kennedy, mà tôi kèm đây bản do tôi hiệu đính ghi tên là TAB D. Bản báo cáo tự nó nói lên được điều muốn trình bày rồi. Rủi ro thay, dư luận công chúng dựa vào bản tin Bạch Ốc phổ biến ngày 2-10-1963 lại nêu lên tiên đoán của phái đoàn McNamara/Taylor rằng sẽ có thể giảm nỗ lực quân sự Hoa Kỳ từ cuối năm 1965. Tuy nhiên, cốt tủy bản báo cáo là kết luận của nó rằng ông Diệm phải cải tổ triệt để rồi chúng ta mới có thể hy vọng chút nào rằng ông ta có thể là một lãnh tụ hiệu quả. Kết luận đồng thuận tuyệt đốinày của pháí đoàn củng cố cho suy nghĩ của cấp cao Hoa Kỳ rằng chúng ta có thể buộc phải tìm người khác thay thế ông Diệm. (Theo tôi nhớ, quan điểm của Phó Tổng Thống lúc đó không nêu lên trong các buổi họp lúc đó, mặc dù là có thể đã được nói riêng với TT Kennedy, và có thể không phù hợp với bản báo cáo và với sự đồng thuận đưa ra từ bản báo cáo.)
  1. Tuy nhiên, từ một quan điểm hành động, các quyết định là sẽ tiếp tục ngưng các giao dịch của chương trình Commodity Import Program, để Lodge chờ liên lạc với ông Diệm để áp lục ông Diệm phải cải tổ, và rằng – như đối với bất kỳ cuộc đảo chánh nào có thể xảy ra – chúng ta sẽ không thúc đẩy một cuộc đảo chánh nào như thế, nhưng sẽ liên lạc thân cận với các lãnh đạo quân sự, những người có thể liên hệ tới các nỗ lực như thế. Điểm cuối cùng vừa nói là đề tài của một bản phụ đính Tối Mật của Bản Ghi Nhớ Hành Động NSC (Hội Đồng An Ninh Quốc Gia), mà tôi không có phóng ảnh chính xác nào, mặc dù tôi có bản nháp trong đó xác nhận các điểm tôi đã nói ở trên.
  1. Trong tháng 10-1963, ông Diệm từ chối gặp Đại sứ Lodge cho tới rất trễ cuối tháng đó, gần trước khi xảy ra cuộc đảo chánh. Tôi nhớ rằng Lodge cuối cùng đã gặp ông Diệm ở Đà Lạt, khoảng các ngày 27 hay 28 tháng 10-1963, và nói mạnh mẽ đòi cải tổ, với một số đáp ứng từ Diệm. Tuy nhiên, ông Diệm không có bất kỳ hành động nào trước ngày đảo chánh, ngày 1 tháng 11-1963.
  1. Về việc liên lạc với quân đội VNCH, chủ yếu thực hiện bởi một viên chức CIA trực tiếp nhận lệnh từ Lodge. Các thông tin chuyển cho chúng ta cho biết có sự chuyển động, và thông điệp duy nhất từ phía Mỹ là, nếu việc thay đổi chính phủ xảy ra bất kỳ lúc nào hay vì bất kỳ lý do nào, Hoa Kỳ sẽ ủng hộ tân chính phủ nếu nó thực sự hiệu quả và sẵn sàng tiến hành cuộc chiến. Tuy là tổng quát, thông điệp này khuyến khích những người âm mưu đảo chánh. Vào đầu tháng 10-1963, họ có vẻ như rời rạc, và hình như cùng lúc là có ít nhất 2 hay 3 âm mưu đảo chánh cùng tiến hành. Tuy nhiên, vào cuối tháng 10-1963, chúng ta thấy rõ từ nguồn CIA rằng âm mưu hành động nghiêm túc từ nhóm của Tướng Trần Văn Đôn có thể thực sự sắp xảy ra.
  1. Do vậy, trong vòng 2 hay 3 ngày trước ngày 1-11-1963, có một loạt buổi họp cuối cùng để chúng ta xem rằng chúng ta có nên làm gì để ngăn cản hay gián đoạn một cuộc đảo chánh nếu nó xảy ra. Chúng ta quan ngại sâu sắc về tình thế cân bằng lực lượng ở Sài Gòn, và đã nghĩ rằng hoàn toàn có thể xảy ra một trận tắm máu ở Sài Gòn từ cuộc đảo chánh với kết quả không dứt điểm nổi, và sẽ gây ra hỗn loạn công quyền. Tuy nhiên, chúng ta cuối cùng kết luận rằngchúng ta đã không có sức áp lực hay có các mối liên lạc để ngăn cản cuộc đảo chánh– mà chúng ta cũng không thể, một cách tự tin, chọn lập trường ngược lại để tiết lộ cho ông Diệm những gì chúng ta biết có thể đang sôi sục.

Do vậy, cuối cùng, chúng ta không theo phe nào, và nhóm các Tướng Trần Văn Đôn và Tướng Dương Văn Minh đã tiến hành cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963 với thành công lớn.

Trong cuộc đảo chánh này, điều chúng ta rất tiếc nhất là việc giết anh em Diệm và Nhu. Trong khi chúng ta trước đó đã lập lại nhiều lần với các lãnh tụ quân sự rằng chúng ta...

HẾT BẢN DỊCH

Bản gốc Anh Văn của Bộ Ngoại Giao/CIA gửi cho Tòa Bạch Ốc ngày 30-7-1966

[Phóng ảnh cho Thư viện Lyndon Baines Johnson – Copy LBJ Library]

LBJLibrary

MEMORANDUM_02

MEMORANDUM FOR MR. MOYERS, July 30, 1966
DECLASSIFIED – Authority JFK#577-10001-10455, Date 4-20-98 (pages 1 and 2)

BAN_GHI_NHO_02

BẢN GHI NHỚ CHO ÔNG MOYERS, 30 tháng 7 năm 1966
GIẢI MẬT – Cơ quan Thẩm quyền JFK#577-10001-10455, ngày 20-4-98 (trang 3 và 4)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]