Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 03

19/10/201308:39(Xem: 7802)
Phần 03

Truyện Cổ Phật Giáo

Tập 3
Thích Minh Chiếu
Sưu tập

---o0o---

Phần Ba


10/ Ca Lưu Ðà Di
11/ Phật Pháp nan văn
12/ Tâm nhìn
13/ Nắm tro tàn
14/ Sự tích chim tu hú

Ca Lưu Ðà Di 

Ưu Ðà Di (UDÀYI ) là một viên đại thần rất được sủng ái của đức vua Tịnh Phạn. Ông có biệt tài tổ chức các vấn đề kinh tế tài chánh và ngoại giạo. . . Nhưng cũng có một tật khá lớn là vô cùng háo sắc, đắm nguyệt say hoa. Chính ông là người đã hiến kế cho đức vua Tịnh Phạn lập tam cung lục viện, tuyển mộ cung phi đem sợi tóc mỹ nhân để cột chân Hoàng tử Tất Ðat Ða dạo nọ.

Khi đã được tin con mình đã thành đạo, đi bố giáo nhiều nơi mà chưa chịu về thăm nhà, vua Tịnh Phạn vô cùng nôn nóng, liên tiếp Ngài phái liền chín vị cận thần thân tín mời Ðức Ðạo Sư về thành Ca Tỳ La Vệ. Ðáp lại sự chờ mong của đức vua, sau khi gặp Phật và nghe pháp, chín vị sứ giả đều tỉnh ngộ, quên phứt đi sứ mệnh của mình, xin cạo tóc sống đời Sa môn và lần lượt đắc quả cả. Lần thứ mười Ưu Ðà Di phụng mạng ra đi, thỉnh được Ðức Ðạo Sư trở về thăm quê cũ, dù ông cũng rất lấy lòng cảm động khi nghe những thời pháp của Ngài, nhưng Ưu Ðà Di vẫn trở về phò vua giúp nước như trước.

Mãi đến lúc vua Tịnh Phạn mất, Ưu Ðà Di mới từ quan, bỏ lại hàng chục tòa dinh thự nguy nga cùng hàng trăm thê thiếp lộng lẫy, cạo bỏ râu tóc sống đời khất sĩ. Ðể ghi dấu lần đổi thay vĩ đại này ông đổi tên là Ca Lưu Ðà Di (KALUDÀYI). Tuy đã thay đổi thức ăn, hình thức, cùng nếp sinh hoạt nhưng các cố tật của Ca Lưu Ðà Di vẫn còn, vì thế ông đã gây ra khá nhiều rắc rối cho Ðức Ðạo sư, Tăng đoàn cũng như chính bản thân ông.

Vừa gia nhập Tăng đoàn, Ca Lư Ðà Di đã đến gặp Ðức Ðạo sư than phiền rằng diện tích tấm tọa cụ do Ngài hạn định cho chư Tăng thật là khiêm tốn so với thân hình to béo của Sư. Ðức Thế Tôn liền chế luật cho phép Sư được mở rộng kích thước tấm nệm ngồi, mỗi bề thêm nửa tấc.

Có được tấm tọa cụ ưng ý, Ca Lưu Ðà Di vẫn chưa tọa thiền được, vì tiếng quạ kêu ồn ào làm tâm tư xao động. Thế là trong lúc các bạn đồng phạm hạnh đang ngồi thiền định, Ca Lưu Ðà Di liền đi chẻ tre, chuốt cung tên để đi bắn quạ. Sau giờ tỉnh tọa, các thầy Tỳ kheo kinh hoảng khi thấy xác quạ nằm đầy vườn, vì vua quan thành Ca Tỳ La vốn lừng danh với tài xạ thủ. Chuyện đến tai Phật, Ca Lưu Ðà Di bị Ngài khiển trách một trận nên thân. Chưa hết, một hôm trên đường đi kinh hành, đức Ðạo sư bắt gặp một sàng tòa cao ngất nghểu đặt giữ gã ba đường, Ca Lưu Ðà Di đang nằm đong đưa trên chiếc gường dây nầy. . . Ðương sự được mời xuống và Ðức Ðạo sư phải chế thêm một giới cấm nữa: “Không được giăng võng quá cao”.

Nhờ sự hướng dẫn của Ðức Ðạo sư và các bạn đồng phạm hạnh Ca Lưu Ðà Di gọt rửa dần nhhững tập khí quan liêu vương giả, duy có một điều gây rắc rối không ít cho Sư và Tăng đoàn là Sư khó lòng tự chủ khi thấy bóng mỹ nhân.

Một hôm đang ngồi trong tịnh thất, chợt thoáng thấy một thiếu nữ diễm lệ đi ngang, quên phứt là mình đã xuất gia, Ca Lưu Ðà Di liền tụt xuống giường thiền chạy ra chận đường người đẹp. chuyện đến tai Phật, Sư bị rầy la nặng nề và thề chừa hẳn.

Lời thề chỉ giữ được một nửa: lần khác Ca Lưu Ðà Di không chạy ra chận đường người đẹp nhưng ngồi trong tịnh thất Sư không nín được dăm lời trêu chọc. Lần này Ca Lưu Ðà Di lại phủ phục dưới chân Ðức Ðạo sư nguyện. . . sẽ không chọc ghẹo người đẹp nữa. . . Xui xẻo cho Sư nhiều Hoàng phi và cung nữ của vua Bình Sa, trên đường đi lễ Phật lại đi qua tịnh thất của Sư. Đương sự liền khua chìa khóa lẻng kẻng để gợi sự chú ý của thiên hạ. để trừ hậu hoạn, Ðức Ðạo sư cho phép Ca Lưu Ðà Di được dời tịnh thất ra cuối vườn để tránh cảnh.

Chuyện rắc rối lại xảy đến với nhà sư đa tình này trên đường đi khất thực: Ca Lư Ðà Di ôm bát đứng bất động trước nhà mỹ nhân. . . Ðức Ðạo sư đành chế giới:

“Tỳ kheo khất thực xong phải đi không được nấn ná lại nhà người đẹp”.

Ðiều luật này được Ca Lưu Ðà Di hết sức tôn trọng, Sư chỉ đứng ngoài đường lộ dòm vào thôi. Có người mách Phật, Ngài lập tức chế giới. Ca Lưu Ðà Di liền ngồi trên ngạch cửa, Ðức Ðạo sư cấm ngồi nơi cửa, Sư bèn chui vào kẹt cửa của gia chủ. . . Nhiều phen Sư bị các ông bố hoặc đấng phu quân của mỹ nhân vây đánh phải chạy thục mạng, vất cả y cùng bát.

Tai tiếng của Ca Lưu Ðà Di bay tới tấp đến hương thất của Ðức Ðạo sư, sau các lời khiển trách, Ngài từ bi đích thân giáo hoá Sư, cấm không được rời xa Ngài. Nhờ vậy, Ca Lưu Ðà Di dần dần bỏ được thói cũ, tinh cần tu tập, không bao lâu đắc A La Hán quả.

Việc lớn đã xong, Tôn giả Ca Lưu Ðà Di dùng hết năng lực của mình để phụng sự mọi người. Tôn giả tỏ ra xứng đáng xuất sắc trong việc giúp Ðức Phật tổ chức Tăng đoàn và hướng dẫn quần chúng bình dân, vì hành chánh và ngoại giao là một trong những biệt tài của Tôn giả. Tôn giả còn được Ðức Ðạo sư phái đi giảng hòa những vụ tranh chấp trong dân chúng. Và bất cứ cuộc hiềm khích nào, dù gây go cách mấy, khi Tôn giả đã nhúng tay vào đều được hòa giải rất tốt đẹp.

Về sau do những dư nghiệp của quá khứ, Tôn giả Ca Lưu Ðà Di đã điềm nhiên thị tịch dưới nhát dao của tên hung bạo, khi Tôn giả muốn cứu hắn ra khỏi bùn nhơ của dục vọng.

“Ðốn cây mà chưa đào hết cội rễ thì nhánh vẫn ra hoài, đoạn trừ ái dục mà chưa sạch căn gốc thì khổ não sanh trở lại mãi”.

Phật Pháp Nan Văn

Một thuở nọ, Phật ngự tại tịnh xá Kỳ Hoàn có 500 thiện tín đến xin Ngài giảng pháp. Ðức Thế Tôn không hề phân biệt gia cấp dòng họ sang hèn. Với ai, Ngài cũng giảng dạy bình đẳng như nhau, giống như nước mưa rơi từ không trung xuống thấm nhuần ngàn cây nội cỏ một cách vô tư.

Nhưng dù Ngài ân cần giảng dạy, mấy người kia ngồi nghe pháp một cách lơ đãng. Ông thì ngũ gục; ông lấy tay gõ hoài trên mặt đất; người cứ lay mãi một nhánh cây; kẻ ngó mông lung trên trời; chỉ có một người chăm chú nghe. Tôn giả A Nan đứng quạt hầu Phật, ngạc nhiên về cử chỉ của năm ông khách nên khi họ vừa ra về, Ngài liền hỏi Phật:

- Bạch Thế Tôn, thời pháp của Ngài giảng như sấm rền vang không trung, mà chỉ có một người chăm chú nghe, còn mấy người kia đều lơ đảng hết sức.

- Này A Nan, ông chưa biết rõ về năm người ấy?

- Bạch Thế Tôn, không.

- Người đầu tiên đã làm thân rắn 500 đời, thường khoanh tròn nằm ngủ nên đến kiếp này hắn cũng còn giữ cố tật ấy, chẳng có lời nào của ta lọt vào tai hắn.

- Bạch Thế Tôn. Những kiếp ấy xảy ra liên tiếp hay có xen kẽ? Khi thì hắn mang thân người, lúc mang thân trời.

- Khi khác làm rắn. Không thể nào kể được những kiếp luân hồi của hắn. Nhưng có 500 kiếp liên tiếp, hắn làm rắn và thường ngủ li bì.

Người dùng tay gõ gõ trên mặt đất, đã 500 đời làm nối kết tổ trong lòng đất nên kiếp này hắn vẫn còn giữ thói quen ấy.

Người cứ lay động nhánh cây, là 500 đời làm khỉ quen leo trèo nên bây giờ hắn không tài nào ngồi yên một chỗ.

Người hay nhìn mông lung trên trời, đã từng làm chiêm tinh 500 đời, nên bây giờ vẫn còn thói quen.

Người chăm chú nghe lời ta, đã từng đọc tụng kinh Vệ đà 500 đời nên quen chăm chú cần mật như lúc nghe mật chú.

- Nhưng Bạch Thế Tôn, lời Ngài dạy, con thấy thấm tận xương tủy, mà lại sao họ lại lơ là?

- A Nan, bộ ông tưởng giáo lý của ta dễ nghe lắm sao?

- Bạch Thế Tôn! Chẳng lẽ Ngài cho nó khó nghe?

- Ðúng thế.

- Tại sao?

- Này A Nan, những người này trong vòng luân hồi đã trãi qua nhiều kiếp chưa - từng nghe đến tên Tam Bảo, cho nên bây giờ họ không thể thâm nhập giáo pháp. Ra vào cuộc tử sanh vô tận, họ chỉ quen nghe tiếng nói của súc sanh. Hơn nữa, họ còn tiêu phí gần hết thì giờ trong việc ăn uống, vui chơi, múa hát, và không thể nghe theo lời ta giảng.

- Bạch Thế Tôn! Vì lý do vì họ không thể nghe pháp?

Không lửa nào mạnh như lửa tham ái, đốt cháy hết mọi loài chẳng chừa một cọng cỏ. Vào kiếp hỏa, hỏa tai thiêu rụi toàn thế giới không chừa lại một thứ gì nhưng lửa này cháy có giới hạn trong một thời gian, trong vòng một thái dương hệ. Vì thế ta nói rằng không lửa nào bằng lửa tham ái, không kềm kẹp nào bằng sân hận, không lưới nào như lưới si mê, và không dòng sông nào bằng sông ái dục. Ngài nói kệ:

Lửa nào bằng tham dục?

Ngục nào bằng tâm sân?

Lưới nào bằng mê đắm?

Sông nào bằng ái hà?

(Pháp cú 251)

Thích Nữ Như Thủy – Như Ðức

“Chiều chiều nghe tiếng chuông ngân

Lòng như xoá hết tham sân hận thù.

Cuộc đời là kiếp phù du

Sớm còn, tối mất, mau tu thân mình”.

Tâm Nhìn

Xưa có một vị Tỳ kheo, cất một cái am trên một sườn núi vắng vẻ để tu tập thiền định. Dưới chân núi là một con sông, có một chuyến đò qua lại. Vị Tỳ kheo muốn hạ sơn hoá đạo phải đi qua chuyến đò ấy. Kẻ đưa đò là một lão mẫu tuổi trên 50, còn khoẻ mạnh.

Một hôm, khách qua sông thấy kẻ đưa đò không phải là lão mẫu nữa, mà một thiếu nữa rất duyên dáng đẹp đẽ, dung nghi trang trọng, cử chỉ thanh cao. Hỏi ra mới hay rằng, người con gái không biết người ở xứ nào, một ngày nọ, tới xin lão mẫu ở trọ và giúp bà một tay đưa khách qua sông.Thấy nàng xinh đẹp, lại đoan trang, lão mẫu vô cùng thương mến.

Từ đó, khách sang sông thăm thầy ngoạn cảnh mỗi ngày mỗi đông. Có lẽ ai cũng thích qua đò để được ngắm dung nhan giai nhân và cái vẻ thướt tha mềm mại của tay ngà đưa mái chèo nhẹ trên mặt nước. Thầy Tỳ kheo thỉnh thoảng có việc phải hạ sơn, cũng qua đò. Nhưng có điều lạ, khi qua bên kia sông rồi, khách chỉ trả có một tiền, cô gái đòi thầy phải trả hai tiền. Vị Tỳ kheo ngạc nhiên hỏi tại sao lấy tiền đắt hơn. Cô gái cười nói: Mọi người qua đò chỉ có qua đò thôi. Còn thầy, ngoài việc qua đò, thầy còn ngắm tôi nữa nên phải trả gấp đôi. Không lý cãi cọ lôi thôi với một cô gái, vị Tỳ kheo đành phải chịu trả cho cô hai tiền.

Lần sau, có việc phải hạ sơn. Vị Tỳ kheo bước xuống đò không dám nhìn cô mà úp mặt xuống lòng đò. Ðến bến, mọi người lên trả tiền đò, đến lượt thầy, cô gái bắt trả gấp tư.Thầy hỏi: Lần trước, cô bảo tôi qua đò nhìn cô phải trả gấp hai, nay tôi không hề nhìn cô mà chỉ úp mặt xuống đò, tại sao cô đòi gấp tư? Cô gái nói rất nghiêm trang: Mấy lần trước, thầy chỉ dùng mắt nhìn nơi mặt và bên ngoài của tôi. Hôm này thầy dùng tâm và nhìn hết toàn thân bên trong của tôi nên phải trả gấp tư. Nghe xong, thầy Tỳ kheo phát lên cười và hình như có sở ngộ. Ngoảnh lại cô gái đò đã biến đi đâu mất. Từ đó, chỉ còn lão mẫu đưa khách sang sông . . .

“Tâm không vọng động, pháp pháp toàn chơn. Tâm là nguồn gốc của Thiện Ác. Muốn đoạn cội rễ trước phải chế ngự Tâm. Tâm có định, ý mới sáng suốt, sau mới chứng Ðạo”.

Nắm Tro Tàn

Ngày xưa. . . thuở Ðức Phật còn tại thế, một hôm có người mẹ ôm xác con tìm đến Ðức Phật để khóc lóc và xin cứu sống cho đức con của bà vừa mới chết.

Người mẹ đau khổ tin vào thần thông và lòng từ bi vô biên của Ðức Phật sẽ cứu sống cho con mình.

Ðức Phật thông cảm nỗi khổ đau của người mẹ mất con và truyền cho bà đi xin một nắm tro mang về Ngài sẽ cứu. Nắm tro đó phải ở trong một căn nhà mà 3 đời chưa có người thân thích chết.

Người mẹ đau khổ vâng lời và ôm xác con vào xóm để xin tro tàn theo lời Ðức Phật dạy. Nhưng đi từ trưa đến tối, nhà này sang nhà khác, bà mẹ đau khổ đều nhận được những câu trả lời giống nhau: “Gia đình chúng tôi cũng có người đã chết”. Chưa tuyệt vọng, người mẹ đau khổ vẫn cố gắng đi thêm vài nhà nữa. Vì sợ nắm tro xin trong một gia đình có người chết sẽ không linh nghiệm nên bà mẹ thương con vẫn cố gắng kiếm tìm.

Vẫn như những lần trước, bà mẹ đau khổ đều nhận được những cặp mắt e ngại, những cái lắc đầu.

Suy đi tính lại, đã hơn một buổi và không nhớ rõ là đã vào mấy gia đình, người mẹ tuyệt vọng lẩm bẩm: “Nhà nào cũng có thân nhân đã qua đời: thân thích, họ hàng ba đời biết bao nhiêu, làm sao tránh được cái chết”. Trên đường trở về tìm Ðức Phật, người mẹ mất con không còn kêu gào thảm thiết như lúc trước, tuy lòng thương nhớ con vẫn chưa nguôi. Quỳ trước Ðức Phật, người mẹ mất con kể rõ chuyến đi vừa rồi và thuật lại những lời từ chối của chủ nhà.

Nhân đó, Ðức Phật giảng về sự sanh tử, vô thường của kiếp người. Có sanh tất có khổ, có sống tất có chết. Người mẹ mất con đã thấu rõ sanh tử, vô thường, không riêng gì mình đau khổ vì có thân nhân qua đời, mà hầu hết mọi người đều nhận chịu định luật hủy diệt đó.

Cuối cùng, người mẹ đành ôm xác con về chôn cất.

Minh Hưng

“Chiều nay một tiếng than buồn diết,

Ðinh đóng vào săng tiếng trả lời”.

Sự Tích Chim Tu Hú

Ngày xưa, có hai nhà Sư Năng Nhẫn và Bất Nhẫn. Hai người cùng cạo đầu xuất gia từ ngày còn trẻ và cùng tu ở một ngôi chùa hẻo lánh. Sau một thời gian dài tu luyện thì bỗng một hôm, Năng Nhẫn được Ðức Phật cho thành chánh quả.

Bất Nhẫn thấy mình tu hành không kém gì bạn mà không được hưởng cái may mắn sớm như bạn thì rất buồn bực. Chàng đến trước toà sen hết sức kêu nài với Ðức Phật, bày tỏ lòng chân thành tu đạo cùng mọi sự khổ hạnh đã trải qua của mình. Ðức Phật bảo chàng:

- “Nhà ngươi chuyên tâm cầu đạo, lại là người trong sạch, thật đáng khen ngợi. Nhưng tính tình nhà ngươi vẫn như con trâu chưa thuần, chưa thể đắc đạo được. Vậy hãy cố gắng tỏ rõ tấm lòng nhẫn nhục trong một cuộc khổ hạnh trường kỳ, rồi sẽ theo bạn cũng chưa muộn”.

Bất Nhẫn nghe lời bèn lên núi chọn một gốc cây bắt chước người xưa ngồi xếp bằng tu theo lối trường định. Chàng cương quyết ngồi im lặng như thế mãi trong ba năm, dù có phải thế nào cũng không chịu dậy.

Từ hôm đó, Bất Nhẫn như một vật vô tri giác. Những con sâu con kiến bò khắp người chàng. Những con thú cà vào người chàng. Những con chim ỉa phẹt lên đầu chàng. Chàng đều không hề bận tâm. Chàng chỉ tâm tâm niệm niệm những nghĩa lý đạo Phật.

Cứ như thế, trải qua hai mùa hè và sắp sửa qua một mùa hè thứ ba là kết liễu cuộc tu luyện. Tự dưng một hôm có hai vợ chồng con chim chích ở đâu đến làm tổ ngay trong vành tai của Bất Nhẫn. Chàng cứ để yên, mặc chúng muốn làm gì thì làm. Chúng đi về tha rác lên đầu, lên mặt. Rồi chim mái đẻ trứng. Rồi cả một thời kỳ hai vợ chồng thay phiên nhau ấp. Cho đến lúc những con chim con kêu léo nhéo suốt ngày. Nhưng Bất Nhẫn không lấy thế làm khó chịu.

Một hôm, lúc ấy chỉ còn mười ngày nữa thì Bất Nhẫn hết hạn ngồi dưới gốc cây. Hôm đó, chim vợ đến lượt đi tìm thức ăn cho con. Suốt cả một buổi chiều nó vẫn không kiếm được một chút gì. Mãi đến gần tối, lúc lượn qua một cái hồ, chim vợ mới thấy một con nhện đang giăng tơ trong một đóa hoa sen. Nhện nhác thấy chim liền ẩn vào giữa những cánh hoa làm chim mất công tìm mãi. Không ngờ hoa sen vừa tắt ánh mặt trời đã cúp ngay những cánh của nó lại, nhốt chim vào trong. Chim cố tìm lối chui ra nhưng những cánh hoa vây bọc dày quá đành chịu nằm lại đó.

Ở nhà chim chồng hết bay đi kiếm vợ lại trở về. Ðàn con đói mồi nháo nhác suốt đêm. Mãi đến sáng mai, chờ lúc hoa nở, chim vợ mới thoát được bay về tổ. Một cuộc cải lộn nổ ra bên tai Bất Nhẫn. Ghen vợ, chim chồng nhiếc vợ hết lời, nhưng chim vợ hết sức bày tỏ nỗi lòng trinh bạch của mình. Cuộc đấu khẩu kéo dài suốt cả một buổi sang và có cơ chưa chấm dứt. Bất Nhẫn rất khó chịu. Thêm vào đó, đàn chim con khóc đói chiu chít điếc cả tai. Nhè một lúc vợ chồng chim tiếp tục cuộc cải vã. Bất Nhẫn bỏ tay lên tai giật cái tổ chim vất mạnh xuống đất và nói: “Ðồ khốn! Chỉ có mỗi một chuyện đó mà chúng mày làm điếc tai ông từ sáng đến giờ!”.

Thế là công sức tu luyện của Bất Nhẫn sắp hoàn thành thốt nhiên vứt bỏ nó trong chốc lát.

Nhưng Bất Nhẫn vẫn không nản chí. Trước tòa sen, chàng hứa sẽ kiếm cách tỏ rõ sự hối lỗi của mình. Chàng tìm đến một khúc sông nước chảy xiết, tình nguyện làm người chèo đò đưa khách bộ hành quá giang mà không lấy tiền. Chàng quyết chở cho đến người thứ một trăm mới chịu nghỉ tay.

Lần ấy Bất Nhẫn tỏ rõ một người rất nhẫn nại. Tuy bến sông thường vắng khách, chàng vẫn không chịu bỏ dở công việc. Luôn trong hai năm chàng chở được chín mươi tám người mà không xảy ra việc gì.

Một hôm vào khoảng giữa thu, nước sông tự nhiên tràn về chảy xiết hơn mọi ngày. Trời bỗng đổ trận mưa lớn, giữa lúc đó có một người đàn bà dắt một em bé đòi qua sông. Hắn có vẻ là vợ một viên quan sở tại, chưa bước xuống thuyền đã dọa Bất Nhẫn: -Chú nhớ chèo cho vững nghe không. Che mui cho kín. Nếu để chúng ta mà ướt thì liệu chừng kẻo roi quất đít đó.

Nghe nói thế Bất Nhẫn bừng bừng nổi giận, nhưng chàng nín được và giữ vẻ mặt tươi cười đáp:

- Bà và cậu đừng sợ gì cả. tôi xin cố sức.

Rồi chàng vận dụng hết tài nghệ để đưa hai mẹ con nhà nọ qua bên kia sông được vô sự. Lúc sắp lên bờ, người đàn bà bỗng kêu lên:

- Ta quên khuất đi mất. Có một gói hành lý bỏ quên ở quán bên kia. Vậy nhà ngươi chịu khó chèo sang lấy hộ.

Bất Nhẫn nín lặng cắm cổ chèo qua sông giữa sóng gió. Mãi đến gần tối, chật vật lắm chàng mới đưa được gói hành lý sang cho người đàn bà. Nhưng khi soát lại gói, người đàn bà nọ lại kêu lên:

- Thôi rồi! Còn một đôi giày của thằng bé bỏ gầm giường. Thế nào ngươi cũng phải gắng lấy cho ta một lần nữa.

Người đàn bà nói chưa dứt lời thì Bất Nhẫn đã giơ tay chỉ vào mặt:

- Cút đi đồ chó ghẻ! Ta có phải sinh ra để hầu hạ mẹ con nhà mày mãi đâu.

Nhưng người đàn bà ấy vốn là Ðức Phật Quan Âm hiện hình xuống thử lòng người đệ tử khổ tu đó, bấy giờ lại hiện nguyên hình và cất tiếng bảo chàng:

- Nhà ngươi vẫn chưa thực tâm nhẫn nhục, như thế thì tu gì mà tu. Có tu hú!

Bất Nhẫn thẹn quá đành cúi đầu nhận lỗi.

Phật Bà Quan Âm sau đó bắt Bất Nhẫn hóa thành một giống chim mà người đời sau quen gọi là chim tu hú. Họ bảo thứ chim đó vào khoảng cuối hè sang thu hay xuất hiện, đúng vào lúc xảy ra câu chuyện giữa Bất Nhẫn với Phật Bà.

Nguyễn Ðổng Chi

“Sân si nghiệp chướng không chừa
Bo bo mà giữ tương dưa làm gì!”

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]