Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương mười bảy

14/10/201311:31(Xem: 12226)
Chương mười bảy

coitroi2


Chương mười bảy

Đang chạy thẳng và nhanh, xe bỗng giảm tốc độ rồi quẹo trái, chạy từ từ. Đám tù đoán là đang vào trại K4. Xe bít bùng, ngồi bên trong chẳng thấy gì, nhưng nhờ tiếng bánh xe nghiến rào rạo trên đường mà biết là đường có trải đá sỏi. Xe quẹo trái thêm một lần nữa rồi chạy thẳng thêm một đoạn, dừng lại. Các cán bộ bảo vệ mở cửa sau cho chúng tôi lần lượt nhảy xuống. Xếp thành hai hàng dọc theo bờ rào thưa của một khu trại nằm bên phải của đầu xe. Trong khi chờ đợi điểm danh và đưa vào khu trại, chúng tôi đứng bên ngoài, nhìn ngắm cảnh trí chung quanh.

Chúng tôi đang đứng bên một bờ hồ lộng gió. Hồ rộng. Từ bờ này nhìn sang bờ kia chỉ thấy những dạng người nhỏ xíu. Có những người tù mặc đồng phục màu lam sẫm trông như nhà tu mặc áo quần vạt hò đang làm việc bên bờ hồ phía kia. Một dãy lầu cao có lẽ đang được nhóm thợ tù cất lên bên ấy. Thấp thoáng quanh khu lầu, còn có những nữ tù hì hục gánh đất. Bên bờ này, gần chỗ chúng tôi đứng, một căn nhà lục giác bằng gỗ có lối kiến trúc đẹp và khá cổ điển như một ngôi chùa Nhật, như một con bọ tròn trùng trục, lón nhón đứng cao khỏi mặt nước bằng những cái chân tròn trịa và chắc nịch. Một cái cầu gỗ cong bắc từ bờ dẫn đến căn nhà ấy. Từ cây cầu cho đến hành lang và các kèo cột của căn nhà đều được sơn màu nâu sậm. Các vách ván thì được đánh vẹc-ni bóng lộn. Một vài con cá lớn quẫy mạnh đuôi làm nghiêng ngã đám lục bình trôi tấp dưới chân cầu. Dọc theo mặt hồ, lá súng lá sen như chen nhau, cái thì an phận nằm bẹp sát mặt nước, cái thì kiêu hãnh vươn lên đong đưa theo gió. Mặt nước loáng ánh vàng của mặt trời dìu dịu buổi chớm thu. Một đàn chim sẻ vụt bay lên từ bụi rậm rồi lần lượt đậu trên nhánh hoè cao đầy hoa vàng. Bên trên những nhánh hòe trổ hoa ấy, nền trời xanh biếc bao la đang ôm gọn vài cụm mây trắng nhỏ lang thang.

Trước cảnh đẹp yên bình đó, lòng tôi lắng xuống, nhẹ hẫng. Tôi quên là tôi đang đứng trong vòng đai của nhà tù lao động cải tạo. Một chốc sau, những xúc cảm tạm ngủ yên trong tôi nhiều ngày tháng trước bỗng chuyển mình trỗi dậy, và tôi nghe chừng cái khát vọng tự do của tôi như một thân cây lớn, mạnh mẽ vươn mình lên, đâm chồi nứt nhánh tua tủa. Tôi đứng đó mà lòng càng lúc càng chìm đắm vào một trạng thái ngây ngất giả tạo của niềm vọng tưởng về tự do. Tôi tự hỏi, tại sao, cho đến giây phút này, dù đang sống ngoài xã hội hay đứng lặng bên hồ sen trại giam, tôi vẫn chưa bao giờ thực sự tự do, thực sự thoát ly mọi ràng buộc của thế giới ngoại tại lẫn tâm thức nội tại? Câu hỏi lơ lửng trong đầu khiến tôi quên đi trần gian trong khoảnh khắc. Và chính ở cái khoảnh khắc hoang trống mọi tư duy vọng tưởng đó, tôi bất chợt nhìn thấy được thấp thoáng cái bóng dáng cội nguồn của mọi trói buộc—không phải bằng cái thấy của tri giác hời hợt mà bằng sự trực nhận sâu xa lắng vào tận căn để của tự tâm.

Sự cột trói luôn luôn được hình thành từ sự nối kết của hai đầu mối nhị nguyên đối nghịch. Tháo gỡ hai đầu mối ấy thì mới có giải thoát thực sự. Điều này không phải chỉ ứng dụng cho tâm thức mà còn cho xã hội. Mâu thuẫn xã hội giữa giai cấp này với giai cấp kia, hay chủ nghĩa này với chủ nghĩa kia, không phải chỉ đi theo một chiều thứ lớp là cái phản đềloại trừ cái tiềnđề để tiến đến một tổng hợp đềhoàn thiện hơn, mà chính là đẩy con người và xã hội rơi tõm vào trùng vây trói buộc chằng chịt của mê muội, chấp trước, trong đó, những đối lực kiên cố không thể nào dung chứa được nhau mà cứ phải ràng rịt cột trói nhau và nương tựa nhau, tạo nên một thứ xã hội cuồng điên, man trá và ruỗng nát từ bản chất.

“Đứng ngay hàng lại coi nào!” Một cán bộ hét lên làm tôi thức tỉnh quay về với thực tế là tôi đang đứng trong hàng của một đội ngũ “cải tạo viên” mới của trại cải tạo lao động K4.

“Bước vào cổng từng người một, theo cán bộ dẫn đường,” viên cán bộ lại hét.

Chúng tôi im lặng, như đàn cừu ngoan, lần lượt bước vào cổng. Mỗi người vừa bước vào cổng thì đếm số thứ tự theo sát con số của người đi trước mình. Rồi theo hướng dẫn của cán bộ trại, chúng tôi tập trung phía trước văn phòng của Khu C. Nghe nói Khu A nằm phía bên kia quốc lộ, đối diện với Khu C này. Khu A là khu chính của trại K4. Khu B thì ở đâu tôi chẳng rõ, cũng chẳng cố tìm hiểu. Ngoài ba khu này còn có Khu Ruộng ở Xuân Phước. Tôi cũng chẳng biết Khu Ruộng ấy ở đâu.

Thủ tục nhập trại khá rườm thế nào đó mà chúng tôi cứ ngồi chồm hổm ở trước văn phòng Khu C hơn một giờ đồng hồ, chẳng thấy ai đến nhận để cho vào phòng cất đồ. Khu C vắng hoe, chẳng thấy tù nhân qua lại. Phía bên phải chỗ chúng tôi ngồi, có một dãy nhà tôn, trong đó, một toán thợ mộc đang hì hục bào, cưa, đục, đẽo. Bên trái chúng tôi là bệnh xá, có ông bác sĩ hay y tá thấp người đeo cái ống nghe lủng lẳng trên cổ, da đen điu như mọi, bước ra ngó một lúc rồi quay vô. Mấy bệnh nhân bên trong bệnh xá lố nhố ngồi nằm, ngóng nhìn chúng tôi như muốn tìm người quen.

Ngồi chờ một lúc bỗng nghe ba tiếng kẻng đâu đó ở góc trại gióng lên. Toán thợ mộc liền nghỉ tay, lục tục lo ăn trưa. Năm phút sau, một đoàn người từ chỗ làm việc ngoài khu trại, kéo về khu để lãnh cơm trưa. Tôi ngồi đưa lưng ra ngoài nên không nhìn thấy họ từ xa. Chỉ nghe tiếng lổn ca lổn cảng của những cái ca nhôm lúc lắc trong giỏ xách của họ, chen lẫn với tiếng cùm sắt kéo rột rạt trên đường sỏi. Và khi nghe tiếng đếm số của họ cất lên lúc bước vào cổng, tôi mới quay đầu lại nhìn thì bất chợt rùng mình, ớn lạnh: họ là một lũ người xác xơ ốm đói, dơ dáy như ăn mày ăn xin ngoài xó chợ. Mặt mày người nào người nấy phờ phạc, khổ đau, đầy vẻ oán hận và tủi nhục. Dù được tạo hóa ban cho sức tưởng tượng phong phú đến đâu, tôi nghĩ rằng không anh chàng nghệ sĩ nào có thể phác họa ra nổi cảnh tượng thê lương não ruột của một đoàn tù rách nát nơi trại cải tạo lao động này. Đoàn tù đó có vẻ như đã bị đánh mất đi cái nét người thông thường. Rõ ràng họ chỉ như những bóng ma xanh lướt, mắt sâu hoắm, ném những cái nhìn vô hồn vào người đối diện. Không, diễn tả như vậy vẫn chưa đủ. Họ còn giống như loài quỉ đói được mô tả trong kinh Phật. Áo quần rách nát không còn hình dạng của y phục. Có vẻ như là họ đang quấn những mảnh vải nhỏ, cốt yếu là để che lấy hạ bộ. Mình trần lộ hai xương vai như hai hốc đá. Tay chân lỏng khỏng ốm tong ốm teo, xương sườn nổi lên từng cặp đôi hai bên ngực. Má hóp, miệng khô, da mặt sần sùi, hốc hác như người chết mới đội mồ sống lại. Họ là những bộ xương biết đi. Đúng là “địa ngục trần gian.” Ngày hôm nay tôi mới thực sự chứng kiến. Sống hơn mười năm dưới chế độ cộng sản, tôi từng kinh qua nỗi đói nghèo khổ nhọc của đồng bào ở vùng kinh tế mới, và đã nếm cảnh tù của Sài Gòn, của Biên Hòa, của biệt giam hay phòng giam tập thể, nhưng chưa bao giờ có thể mường tượng ra nổi cảnh huống khổ đau này của dân tôi. Tôi nhìn họ một lúc thì ứa nước mắt. Lại có một cái gì đó chuyển động ở trong tôi.

Họ bước vào sân, xếp thành năm hàng, ngồi xuống bên cạnh khu trại mộc, cùng quay mặt nhìn về hướng văn phòng khu như chúng tôi. Rồi họ được anh nuôi mang thùng cơm đến, xúc cho mỗi người một ca cơm gạt bằng (khoảng hai chén cơm lưng). Một anh nuôi khác bưng cái xoong nước muối pha màu (mà cứ gọi là nước mắm) phát cho mỗi người một phần ba chén. Cơm, mắm vừa phát ra cho người nào, người đó xúc ăn liền tại chỗ. Tiếng nói, tiếng cãi nhau, tiếng năn nỉ ỉ ôi, tiếng phàn nàn, tiếng xúc cơm, tiếng nhai, tiếng lục soạn giỏ, tiếng gọi nhau xin thức ăn… làm rộn cả sân.

Có thể chỉ trong một thời gian ngắn nữa, đoàn tù chính trị chúng tôi cũng sẽ trở thành những đội viên trong đám tù rách nát trơ xương ấy, tôi thầm nghĩ vậy.

Ăn xong, chưa kịp nghỉ ngơi, đám tù đói rách đã phải đứng dậy, xếp hàng ra khỏi cổng, đi đến “hiện trường lao động” làm việc tiếp. Chúng tôi ngồi lại ở khoảnh sân tráng xi măng ngập nắng. Một lúc thì có toán tù mặc đồng phục xám, có vẻ tươm tất khoẻ mạnh, khuân đến một đống sắt đựng trong cái thùng gỗ. Nguyên do chậm trễ là ở đây. Trong thùng đầy “cùm sắt cá nhân,” tức là loại cùm hai mảnh: một cái vật bằng sắt hình chữ U (tù nhân gọi là cái U) để xỏ vào cổ chân, hai là thanh sắt dài xỏ xuyên qua hai cái khoen tròn nơi hai đầu chữ U đó. Loại cùm này tôi đã từng đeo khi vào biệt giam ở trại B5 nên không lạ gì. Cán bộ ra lệnh chúng tôi, từng người một, bước vào văn phòng. Hai người tù chỉ huy (trong trại gọi là chức năng) cứ theo lệnh cán bộ mà đóng cùm vào chân chúng tôi. Vòng sắt chữ U nhỏ hay lớn thì tùy theo kích thước của cổ chân mỗi người, còn thanh sắt xỏ ngang dài hay ngắn thì hình như dựa vào khuôn mặt hiền lành hay hung dữ. Tôi là người tù chính trị trẻ tuổi nhất trong đám, được lãnh thanh sắt nhỏ, nhẹ, ngắn chừng hai gang tay—có nghĩa là chỉ “đeo dao” thôi, còn mấy anh đeo cây sắt dài từ nửa thước đến một thước thì gọi là “đeo kiếm.”

Đóng cùm cho chúng tôi xong, người ta còn phát cho chúng tôi mỗi người một cái U khác, bỏ vào giỏ xách mang theo. Họ dặn cái U đó là “gia tài cải tạo” không vì lý do gì mà đánh mất, phải giữ gìn nó cẩn thận; đánh mất có nghĩa là có ý đồ trốn trại, sẽ bị phạt kỷ luật, biệt giam và bỏ đói. Rồi người ta hộc tốc cho chúng tôi vào một phòng giam trống, bề ngang chừng ba thước, bề dài khoảng mười thước. Mỗi phòng giam có một cái sạp gỗ với nhiều mảnh ván nhỏ ghép lại, chiếm hết hai phần ba diện tích căn phòng, chừa lại một thước bề ngang cho lối đi. Chúng tôi được lệnh gấp rút leo hết lên trên sạp, ngồi đưa lưng vào phía vách. Hai chân đưa ra phía lối đi. Cái chân không đeo dao kiếmthì tròng vào cái U phát mang theo khi nãy, hai đầu U có hai khoen tròn thì chĩa lên trên và đầu mối của hai khoen tròn nằm về hướng lối đi để người kiểm soát dễ dàng trông thấy. Khi sắp đặt chúng tôi mau chóng ngồi hết trên sạp với cái U tròng sẵn vào chân rồi, một “chức năng” đứng xéo ở cuối phòng, dùng một thanh sắt dài (trường kiếm) xấp xỉ chiều dài của sạp gỗ, xỏ vào hai khoen tròn nơi cái u của người dưới cùng, lần lượt luồn qua hết các U của chúng tôi. Đầu thanh sắt đến ngang chân người nào, người đó phải mau mắn dùng tay đón nó, đưa nó ngay vào hai khoen của cái U mình mang, kẻo “chức năng” thúc mạnh tới thì đâm vào chân, nghiến vào tay… Chức năngvừa xỏ thanh sắt, vừa la lối hối thúc. Tôi thầm nghĩ, làm gì mà gấp dữ vậy, xỏ một cây sắt vào sáu mươi cái khoen của ba mươi người chứ có phải chuẩn bị đánh giặc đâu mà dồn với thúc! Nhưng chỉ trong vòng vài ngày sau, tôi đã kịp thời nhận biết rằng thế giới lao động của trại cải tạo này nó như vậy đó: bất cứ việc gì, động tác gì cũng phải đem hết sức bình sinh của mình ra mà thực hiện một cách mau mắn, nhanh nhẹn, gấp rút, trong một thời gian ngắn nhất—ngay cả chuyện ăn uống và làm vệ sinh cá nhân (xin đừng hiểu lầm mấy chữ “vệ sinh cá nhân” ở đây là súc miệng, đánh răng, rửa mặt, rửa tay… vì cải tạo viên “chính thức” ở trại K4 không có thì giờ để làm các việc nhỏ nhặt chẳng cần thiết và chẳng liên quan gì đến công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa này). Không có vấn đề chậm rãi, từ từ, khoan thai, từ tốn, nhẹ nhàng, thư thả, thong dong, nhàn tản, nhàn hạ, ung dung, lai rai, lẩm rẩm…

Không có vấn đề đếm hơi thở trong chánh niệm tỉnh thức của những ông đạo sơ sơ đang tu tập an nhàn trong thiền môn; chỉ có đếm nhân số mà thôi. Bốn người nhóm thành một tổ, lao động chung một việc nào đó, cứ vừa ra công làm việc hết sức vừa đếm số từ 1 đến 4; mỗi người mang một số, con số của người nào, người đó hô lớn lên theo thứ tự. Người nào không hô thì ba người còn lại ắt phải biết rằng người đó đang trốn trại. Trong khắp trại cải tạo, đâu đâu cũng nghe hô: “Một, hai, ba, bốn…” Có chỗ chia nhóm 10 người, đếm từ một đến 10; thì đỡ nhọc hơn, khá lâu mới đến lượt mình phải hô. Người ngoài cuộc có thể tưởng tượng khá lạc quan rằng việc hô đếm nhân số trong khi làm việc cũng là một phương pháp tu tập, giữ tâm trong chánh niệm, nên cám ơn trại tù đã cho mình cơ hội tốt… Nhưng trên thực tế, trại cải tạo không có vấn đề “làm việc” mà chỉ có “lao động cật lực” có nghĩa là làm hết sức của mình trong thời gian gấp rút, qua đó, hơi thở không còn kiểm soát hay đếm được nữa; trong khi vận dụng tất cả bắp thịt và sức lực của mình để khuân vác, đập đá, cuốc xới… hễ nghe người bên cạnh hô số của họ thì lập tức lo hô số của mình; làm nhanh cỡ nào cũng có một cai tù “chức năng” lấy roi quất vào lưng hoặc la lối chửi rủa bên cạnh để thúc đẩy công việc đi nhanh hơn.

Ở trại cải tạo lao động cũng không có vấn để mỉm cười hay toét miệng cười. Vì chuyện cười chẳng chứng minh được cái gì tích cực cả. Một cách cụ thể: khi các bắp thịt và hệ thần kinh nơi mặt chuyển động để tạo nên một nụ cười ắt phải ảnh hưởng đến sự trì trệ chậm lụt của các bắp thịt khác trong cơ thể. Như vậy, cười chỉ làm giảm sức lao động và trễ nãi lao động mà thôi, không lợi ích gì cho trại cải tạo cả. Huống chi, một nụ cười nở ra giữa hiện trường lao động hay trước mặt cán bộ, nếu không hàm nghĩa châm biếm cá nhân cán bộ thì cũng mang ý mỉa mai chuyện lao động. “Anh cười cái gì? Cười mỉa mai hay cười xã giao? Mỉa mai thì anh chết chắc! Còn xã giao hả, anh là tù nhân mà có quyền xã giao với cán bộ à?” Cho nên, trong khi đôi tay hay đôi chân vận dụng các cơ bắp để lao động thì đầu phải cúi xuống, môi mím lại để biểu lộ quyết tâm đạt chỉ tiêu lao động, mắt chằm hăm nhìn vào công việc mình đang làm với vẻ thành khẩn, hăng say… lúc nào cũng phải tha thiết chứng minh cái tình yêu cuồng nhiệt của mình đối với chủ nghĩa xã hội, cũng như thể hiện niềm tin sắt son, bất diệt, không điều kiện của mình đối với Đảng và Nhà nước…

Mới nhập trại, chúng tôi được nghỉ lao động ngày đó. Chỉ nằm rồi ngồi, ngồi rồi nằm, trên cái sạp gỗ dơ có toán du kích rệp thỉnh thoảng nhào ra cắn một phát vào lưng rồi rút nhanh vào kẽ ván. Ba mươi người trên một sạp gỗ, nằm san sát nhau, vai chen vai, cùi chỏ gác cùi chỏ. “Vai sánh vai tiến bước trên đường dài sá chi!”Chúng tôi được phát cho bữa cơm trưa khá muộn. Ăn rồi, chẳng có nước rửa cái ca và cái muỗng, chỉ lấy nước uống do anh nuôi phát mà tráng sơ qua, rồi lấy nước đó uống, xong lại nằm. Chưa được đi lao động nên hãy còn rảnh rỗi. Nhàn cư vi bất thiện. Người ta nghĩ ngay đến cái “khoái” cuối cùng của tứ khoái. Ai cũng thắc mắc: “Cùm cả hai chân như vầy thì làm sao mà đi cầu được!” Vậy mà cũng được hết. Gọi anh nuôi hỏi thăm, anh đem vào cho hai cái lon sơn. Gì chứ lon sơn thì tôi đã kinh qua lúc ở biệt giam B5 rồi, có điều là lúc đó ở riêng một mình, còn bây giờ, có mặt 29 người khác trong cùng phòng giam! Người ta bàn tán, cãi cọ nhau ì ầm. Người thì bảo để tôi “ị” cái đã rồi tính gì thì tính kẻo nó sổng ra tới quần. Người lại bảo, phải chuyền cho mọi người lần lượt “tè” trước chứ không thôi lại bể bọng đái. Anh nuôi bước vào la một tiếng, mọi người im phắc. Anh nuôi mà cũng có quyền dữ há. Ừ thì anh vào đây trước anh bảo sao làm vậy. Anh la thì mình phải nín. Vậy rồi theo lệnh của anh nuôi, người ta chuyền hai cái lon để lo cấp kỳ chuyện “nhỏ” trước, còn chuyện “lớn” thì anh nuôi sẽ cho cái lon khác. Ba mươi người mà hai cái lon thì đâu đủ thiếu gì, phải sáu lon! Một số ít người, trong đó có tôi, chỉ làm được chuyện “nhỏ,” không cách chi làm được chuyện “lớn” trước mặt bá quan văn võ đang hiện diện ngay trên cùng một sàng, nhất là với hai chân bị cùm và trước mặt những người đang ở không chẳng có chuyện gì làm ngoài chuyện ngó qua ngó lại, sẵn sàng thấy, nghe và đánh hơi được cái gì bất thường xảy ra. Thấy ba, bốn cái lon đều ngập cả rồi, anh nuôi vào xách đem đi đổ. Thực ra anh chàng này chẳng phải là anh nuôi mà chỉ là một anh tù được cắt công tác trực vệ sinh cho đám tù chính trị mới vào đang bị cùm chân mà thôi. Anh xách mấy lon sơn đi rồi, mấy người tù chính trị nói đùa với nhau: “Tưởng oai lắm, la hét om sòm, cuối cùng cũng đi đổ bô cho bọn mình thôi!”

Đến khoảng gần 6 giờ chiều, các toán lao động lục tục trở về xếp hàng bên ngoài dãy phòng giam (dãy này có tất cả 6 phòng, mỗi phòng chứa từ 25 đến 30 người). Toán lao động hình hài xác xơ, đầy bụi đất, mỏi mệt ngồi chồm hổm theo hàng, trong khi mấy anh chức năng cầm roi hò hét inh ỏi (từ đây trở về sau, cán bộ thì gọi là cán bộcòn mấy anh “công nhân” hay “chức năng” —cách gọi của trại tù cộng sản—xin gọi là cai tù cho đúng và dễ hiểu; vì những anh tù thâm niên và có thành tích “lao động tốt” này đã được cán bộ trại giam cắt ra làm cai tù thay thế cán bộ; như vậy, cán bộ rảnh tay bớt việc mà nếu có chuyện gì xảy ra thì cũng đổ thừa cho bọn cai tù. Hạng tù làm cai tù này làm việc còn hăng say tích cực hơn cả cai tù thứ thiệt, vì muốn lập công lấy lòng cán bộ trại để được về sớm; vả lại, làm cai tù thì dĩ nhiên là khỏe hơn là làm tù khổ sai). Đang ngồi bên trong phòng giam nhìn ngắm toán tù lao động ngoài sân với niềm thương hại, cám cảnh… bỗng thấy một “cai tù” trẻ xông xông từ ngoài bước vào, hét lớn:

“Rút U, ra sân gấp!”

Đám tù chính trị chúng tôi còn phân vân chưa biết phải làm gì thì anh tù trực vệ sinh đã mau mắn chạy vào, hai tay nắm cái chuôi của thanh “trường kiếm” đang xỏ xâu những cổ chân ngọc ngà của chúng tôi, rút mạnh, rẹt, rẹt. Anh nào không kịp lấy hai tay giữ cho cái U của mình đứng thẳng và cố định thì nó sẽ ngã theo chiều kéo của “trường kiếm,” bẻ quặp cổ chân và bàn chân sang một bên, rồi từ đó, thanh “trường kiếm” kéo lướt qua một cái, kéo hết cái thân dài mười thước của nó ra khỏi những cái U một cách vô tình, cứa trên cổ chân một vệt như thí nghiệm độ bén của nó. Nhanh như chớp. Chỉ thấy một cái gì thật nóng nơi cổ chân. Nhìn lại, thấy máu tươm. Vài anh tù đau quá la lên:

“Làm gì mà bất nhơn vậy! Có kéo cũng kéo từ từ chứ!”

Cai tù giá cây roi lên:

“Câm mồm! Không có la. Bước mau ra sân, mau, mau!”

Đám tù chính trị ùa xuống khỏi sàng, túa ra sân, hấp tấp xếp hàng rồi ngồi chò hõ nối đuôi đám tù lao động đã ngồi sẵn. Đã nói rồi, cái gì cũng phải nhanh, gấp, rút! Chậm thì roi vụt tới sau lưng.

Xếp hàng xong, chờ cai tù kiểm nhân số. Trước mặt đoàn tù xếp hàng năm, mỗi hàng khoảng trên ba mươi người, là một cánh cổng rào bằng kẽm gai mở sẵn. Chúng tôi ngồi, nhìn thẳng tới chỉ thấy cái tòa nhà lầu đang xây cất ở bờ bên kia của hồ sen. Có nghĩa là cái cổng rào kia dẫn xuống hồ sen nuôi đủ loại cá ăn phân người (vâng, phân của một ngàn cải tạo viên, cộng với mấy chục cán bộ trại đều được cần kiệm theo lời Bác Hồ, một phần thì ủ thành phân Bắc—dù phân người có được thải ra ở miền Nam thì cũng cứ gọi là phân Bắc—để bón rau tươi, một phần thì đem nuôi cá). Đám tù chính trị chúng tôi mới tới, đâu biết bọn cai tù đang giở trò gì. Đương không lại kêu ra xếp hàng chung với toán tù lao động mới về, lại hướng mặt về phía cái hồ cá dơ bẩn đó! Không lý giờ này lại bắt đi lao động ca đêm? Xúc cá? Vớt rong, vớt bèo? Hay là… nhảy xuống hồ cho cá rỉa thịt, lóc xương? Vừa thắc mắc thì đã thấy câu trả lời đến ngay. Một cai tù hét lớn:

“Bắt đầu, xuống! Mau, mau, mau! Đếm từ 1 đến 10 thì tất cả phải rời khỏi hồ. Mau, mau!”

Cai tù chưa dứt lời thì đám tù lao động ngồi phía trước đã chồm tới, chạy. Chúng tôi chưa biết cơ sự gì cũng phải lo chạy theo. Ùn ùn kéo về phía cổng rào. Đúng là một đàn vịt bị lùa xuống ao. Bọn tôi tuy còn thắc mắc, chưa biết công việc gì sẽ phải làm trước mặt, nhưng cứ chạy theo họ sát nút. Chân đeo cùm sắt dài, chúng tôi chạy rất khó khăn, cứ vấp mãi. Tiếng cùm sắt khua lên leng keng, rổn rảng.

“Mau, mau! Một… mau, mau lên kẻo không kịp!”

Cái gì mà không kịp? Cái gì chờ đợi phía trước vậy? Phần thưởng gì đây?

“Mau, mau lên! Hai… mau, mau!”

Số 2 đã đếm mà chúng tôi chỉ mới tới được cánh cổng rào. Đến đây thì đã có thể nhìn thấy được quang cảnh trước mắt mình: tắm! Trời đất, tắm! Tắm ở cái ao sình nuôi cá! Tôi chưng hửng đứng khựng lại một khắc thì đã bị một người phía sau lấn xô tới. Mau, mau, kẻo hết giờ. Sau cổng rào một khoảng ngắn là khoảng ba chục bậc cấp cao, xây bằng đá tổ ong, dẫn xuống hồ. Chúng tôi lại phải ì à ì ạch mắt vừa nhìn tới khoảng trước một chút để nhắm đường, vừa nhìn dưới chân để khỏi vấp té, chân vừa thả xuống mỗi bậc cấp vừa dạng ra để tránh đạp nhầm “lưỡi kiếm.” Đã vậy, còn phải vừa chạy vừa cởi quần áo nữa chứ! Đám tù lao động vì đã biết trước là sẽ “được” tắm nên cởi trần sẵn, tới hồ thì nhảy tõm xuống ngay (cán bộ không cho cởi truồng mà tắm vì bên kia bờ, có một số tư gia của cán bộ nằm dọc theo hồ). Còn chúng tôi, có biết ất giáp gì đâu mà chuẩn bị vậy là trong lúc chạy xớn xa xớn xác như gà vịt mất trứng, vừa phải lo cởi dần mấy hạt nút áo. Và thật là cực hình để chạy xuống bậc cấp thật nhanh với cái chân đeo cùm sắt dài, nặng trĩu và kềnh càng.

Ba! Mau, mau!”

Tôi đã cởi xong áo và chỉ còn vài bậc cấp nữa là đến hồ.

Bốn! Mau, mau!”

Thảy đại cái áo sơ mi xuống bậc cấp gần nhất, tôi nhảy ùm xuống hồ nước. Hai tay vội vã khoát nước lên người. Nước mát. Vâng, nước mát quá! Nhưng tắm kiểu này thì làm sao sạch được. Nhìn quanh thấy bạn tù ai cũng hụp xuống cho ướt đầu cổ, tôi cũng bắt chước làm theo. Hụp xuống. Nước đục ngầu. Sình bị quậy lên mù mịt. Tôi thất kinh ngoi đầu lên lại thì đã nghe đếm số 8. Vốc nước rửa mặt thật nhanh. Rồi hấp tấp kì cọ. Đã đếm số 9. Nhắm mắt, hít thở, hụp đầu xuống nước một lần nữa. Ngoi dậy đã thấy bầy vịt rời ao, lại ì à ì ạch chồm người lên bậc cấp mà lên bờ. Cùm sắt khua loảng xoảng. Tôi vụt chạy theo. Hì hà hì hục lên đến cổng rào, vội vàng vào sân xếp hàng lần nữa. Lại kiểm điểm nhân số trước khi cho vào phòng giam. Đầu cổ, mình mẩy còn ướt nhem. Ai nấy vội cởi quần ra mà vắt cho ráo nước, lấy quần xà-lỏn khác mặc vào, quần ướt thì vắt ngay trên giỏ đồ của mình đặt ở đầu nằm. Các động tác trên đều được làm với tốc độ chớp nhoáng. Vừa mặc quần khô vào đã thấy anh cai tù trẻ xông xông bước vào, hét lớn:

“Vô U, mau, mau!”

Anh trực vệ sinh lại nhào tới, đưa thanh “trường kiếm” ra, xâu chúng tôi lại. Cai tù đi qua đi lại hối thúc, thấy đã cùm đâu vào đó rồi mới chịu bước ra. Đám tù chính trị lúc ấy mới nằm xuống treo giò lên mà nghỉ ngơi. Treo giò là vì thanh “trường kiếm” xỏ xâu cẳng chân chúng tôi được gác lên hai con ngựa gỗ nhỏ cao hơn một gang tay mà cái U cao nhất thì cũng chỉ một tấc hai; như vậy, gót chân chúng tôi bị treo hỏng lên, không chấm được tới mặt sàng. Nhưng thà thanh sắt được gác lên hai con ngựa gỗ, chịu treo chân lên, còn hơn bị thanh sắt nặng ấy đè lên chân chúng tôi, không sao chịu được. Tôi ngồi sát về phía cùm cho đỡ đau chân. Tưởng rằng có thể được ngồi yên một lúc, nào ngờ anh cai tù trẻ khi nãy lại xồng xộc bước vào, hỏi giọng xấc xược:

“Ngồi dậy hết, ngồi dậy hết coi nào, mấy ông là tù sĩ quan, phải không?”

Một giọng khàn khàn trong đám tù chính trị trả lời:

“Tù chính trị. Cũng có vài sĩ quan chế độ trước ở đây. Nhưng gọi chung là tù chính trị thì đúng hơn.”

Cai tù quay lại, quắc mắt nói:

“Sĩ quan hay chính trị thì cũng như nhau thôi, còn cãi bướng! Mấy ông nghe nói nè, ngày mai mấy ông bắt đầu ra lao động ở ngoài này,” anh chỉ tay ra phía bờ rào, gần cái cổng rào kẽm gai dẫn xuống hồ cá, “nhớ mang theo cái U. Còn nữa, tám giờ tối có phát thanh bài học chính trị, tất cả phải ngồi dậy, ngồi ngay lưng, nghiêm chỉnh lắng nghe, không ai được nằm.”

Anh bước ra tới cửa, nhưng rồi lại quay vào, hỏi:

“Mấy ông từ trại B5 chuyển qua, chắc còn thuốc đót? Ông nào có cho xin vài điếu?”

Tôi nhớ trong giỏ xách của tôi hình như còn gói thuốc đầu lọc Sài Gòn của Nhiều biếu, tôi đã hút một nửa ở B5, còn lại khoảng nửa gói. Nhiều là người có nhiều thuốc rê nhất trong phòng giam số 7 của B5. Anh không hút thuốc điếu nhưng thỉnh thoảng có mua để mời các cán bộ quản giáo trong khi ra làm việc, gọi là để xin vài ưu tiên gì đó cho anh em trong phòng giam (chẳng hạn được đi chợ thêm hoặc được ra sân chơi lâu một chút…); riêng anh thì thích thuốc rê hơn. Lúc đầu tôi ở biệt giam ra, anh đưa tôi một gói thuốc đầu lọc Sài Gòn, nói là đã mua trong dịp đi căng–tin, để dành biếu tôi, ăn mừng tôi được ra khỏi biệt giam. Tôi định nói thật với anh tù trẻ theo thói quen của mình là tôi có thuốc nhưng nghĩ lại, thấy không cần phải khai báo chuyện này làm gì, bởi vì đâu cần phải mời thuốc một anh chàng thất học mà vô lễ để anh tưởng rằng mình nịnh nọt hoặc sợ hãi anh; vì vậy tôi làm thinh, chứ chẳng phải tiết kiệm gì mấy điếu thuốc. Anh thấy không ai trả lời, bèn đi vòng vòng, lên giọng:

“Thuốc đót cũng chẳng có nữa sao? Vậy thì thuốc điếu, thuốc rê cũng được, ai có?”

Một, hai người giong tay. Anh cai tù trẻ đến lấy thuốc rê của một người tình nguyện, vừa vấn vừa liếc đầu phòng cuối phòng, thấy tôi, anh nhìn một lúc, bước đến gần nói:

“Tướng tá mầy như vầy mà không có thuốc đót hả?”

Tôi chưa kịp trả lời thì anh lấy hai ngón tay kẹp tay áo của tôi, vò vò thử coi loại vải tốt xấu, rồi nói:

“Áo tốt quá, của đế quốc Mỹ mà, phải không?”

“Tôi không biết. Ở nhà gởi vào áo nào thì mặc áo đó thôi.”

“Ở nhà gởi vào? Vậy tức là có thăm nuôi rồi, thăm nuôi mà không có thuốc đót hả?”

“Không có,” tôi đáp.

“Đưa cái giỏ của mầy tao coi.”

“Anh có quyền đó à?"

“Mẹ! Mầy đừng có nói ngang nghe!” anh vừa nói vừa giơ tay định tát tôi.

Tiến, anh tù ngồi kế tôi dang tay ra can, nói:

“Cho xin đi, có chuyện gì thì nói với nhau, đừng làm vậy!”

Anh cai tù trẻ gườm gườm nói:

“Tụi bây tù sĩ quan bênh vực nhau hả?”

Tiến nói:

“Đây chẳng phải chuyện bênh vực, chỉ là muốn hòa thuận với nhau thôi. Bữa nay không có thuốc, khi nào có sẽ đưa.”

Tôi nói:

“Tôi có thuốc, nhưng hỏi xin đàng hoàng lịch sự thì tôi cho, cả cán bộ quản giáo xuống đây cũng vậy thôi. Không có cái lệnh nào mà bảo tôi đưa thuốc cho cán bộ hút được cả!”

Anh cai tù trẻ lại nhá tay định xấn tới tôi, hai người tù ngồi hai bên tôi đưa tay can ngăn. Anh cai tù lầm bầm chửi thề chửi tục một lúc rồi bước ra. Tiến nói với tôi:

“Cái bọn này! Gặp tôi ở B5 thì tôi dần cho nó một trận nhừ tử. Bây giờ mình ở trong cùm, lại đến sau, đâu biết phe cánh gì của nó ra sao mà dám hó hé với nó. Thầy Khang nhịn tụi nó đi kẻo phiền lắm!”

“Tôi đâu có ghiền thuốc, vài điếu thuốc cho nó thì dễ thôi. Có điều, cũng tùy chuyện mà nhịn. Nó mất dạy như vậy mà nhịn nó thì nó cứ mất dạy hoài, không thay đổi được. Cứ mỗi lần nó hô lên một tiếng mà mọi người đều hai tay dâng thuốc cho nó thì nó cứ lên mặt, tưởng nó là cha chú, bức hiếp kẻ khác hoài.”

Vừa dứt lời đã thấy anh cai tù trẻ quay trở lại, đi chậm chậm từ đầu phòng đến cuối phòng rồi quay ngược trở lại, vừa đi vừa gườm gườm với đôi mắt hằn học, dữ tợn, như để thị uy. Hình như anh muốn nói điều gì đó, nhưng rồi đổi ý, không nói. Đến gần cửa ra vào, anh bỗng khịt mũi mấy cái, hét lớn:

“Thằng nào ỉa trịn trong quần?”

Không ai trả lời. Anh cai tù quắc mắt nhìn một hai người ở phía đầu phòng, hỏi:

“Hình như ở khoảng này. Ai? Nói mau!”

Một ông già giong tay lên, nói lí nhí:

“Tôi… tại vì bị cùm như vầy, không kịp… xin mở cùm giùm cho để tôi ra ngoài rửa ráy, giặt đồ.”

Anh cai tù chẳng nói chẳng rằng, xấn tới bộp tai ông già mấy cái liên tiếp. Tôi nghe nóng ran trong người như thể chính mình bị bộp tai. Người tôi như muốn chồm lên. Cách tôi khoảng hai mươi người, một anh tù khác cao to hình như cũng muốn tung người khỏi cùm sắt để nhào tới anh cai tù. Một người ngồi kế bên đã giữ anh lại. Cả phòng im phắc. Có tiếng ông già khóc thút thít. Ông già mặt mày hiền khô. Tiến đã giới thiệu trước với tôi khi sáng rằng ông ta là giáo sư trung học trước năm 1975, tham gia lực lượng Phục quốc ở Long Khánh. Nhìn ông, tôi nhớ đến người cha già hiền lành của mình. Tôi tưởng tượng nếu cha tôi lâm vào hoàn cảnh này, bị một thanh niên mười tám mười chín tuổi, đáng tuổi con mình bộp tai như vậy… Thực là hết chỗ bàn nói. Cái xã hội này, với đầy những biểu ngữ kêu gọi thực hiện nếp sống văn minh, vậy mà càng lúc càng thấy sản sinh ra nhiều hạng người cộc cằn, vô lễ, thất học, không còn biết quí trọng những người già cả và những người lớn tuổi hơn mình, chỉ biết cậy quyền cậy thế, tham lam lợi lộc. Ôi, nói làm gì văn hiến bốn nghìn năm để tôi phải tận mắt chứng kiến những cảnh trái tai gai mắt này… Nhìn ông già mếu máo khóc trước chàng thanh niên võ biền đang nhứ tay định đánh đập thêm, tôi không kềm lòng được, khóc, không khóc ngoài mặt mà khóc rưng rức ở trong lòng. Tôi chồm lui về phía đầu nằm của mình thọc tay vào giỏ xách. Tiến quay lại hỏi:

“Thầy định làm gì vậy?”

“Lấy thuốc cho nó.”

“Thôi, thầy đừng làm vậy. Hồi nãy không cho, bây giờ lại cho! Nó tự ái không chịu lấy đâu. Vả lại… nó sẽ nghĩ mình sợ nên chịu thua nó.”

“Thì chịu thua nó lần này đi, rồi dạy nó sau.”

Tôi cầm gói thuốc trong tay, vừa ngồi ngay trở lại đã nghe giọng anh cai tù hét:

“Cởi ra, cởi quần ra, mau!”

Ông già vừa khóc vừa cố gắng cởi cái quần xà-lỏn ra khỏi cái chân bị cùm. Loay hoay một lúc, ông nói:

“Xin rút cây sắt dùm cho chứ cùm như vầy làm sao cởi!”

“Mẹ mầy, rút sắt để tụi bây nhào ra, xúm nhau trốn trại đó hả! Cởi không được thì xé, xé mau!”

Ông già chưa kịp làm gì với đôi bàn tay gầy xương xẩu thì anh cai tù giằng lấy cái quần đang kéo tới chân của ông, xé toạc ra, rồi cầm cái quần lên, vất mạnh vào người ông, hét:

“Nhai, nhai cho hết cái quần cứt của mầy, mau!”

Máu nóng trong người tôi lại sôi lên sùng sục. Tôi vội rút một điếu thuốc đầu lọc đưa lên môi, bật lửa. Phía kia, anh cai tù tiếp tục bắt nạt ông già, buộc ông phải nhai cái quần dính phân của ông. Anh cai tù cứ nhứ tay đòi bộp tai, đòi đánh khiến ông già phải đưa cái quần lên miệng, nhưng chỉ đưa đến gần rồi cứ ngồi đó mà khóc. Khói thuốc thơm tỏa ngập phòng giam trong thoáng chốc. Anh cai tù quay phắt lại, thấy tôi hút thuốc, anh hơi khựng lại một lúc. Theo thế thường thì lẽ ra thái độ và hành động của tôi khiến anh phải tức giận thêm mới phải, đàng này, tôi thấy rõ anh dịu xuống ngay. Anh bị khói thuốc thơm thôi miên, lôi cuốn. Té ra những người vừa thất học vừa thiếu liêm sỉ thì cảm hóa và xoay chiều họ dễ biết bao. Tôi nói ngay:

“Thôi tha ông ấy đi, đến đây hút một điếu cho vui.”

Anh hơi ngập ngừng, miệng tiếp tục chửi rủa, rồi tay chống nạnh, hướng về chỗ tôi. Tôi đưa gói thuốc mời anh, anh quay mặt qua phía ông già, mắt còn trợn trừng, miệng còn chửi lầm bầm, và tay cứ việc rút điếu thuốc, mồi lửa.

“A, thuốc Sài Gòn hả, tôi khoái thứ này lắm, lâu quá mới được hút! Anh Hai có thuốc đót mà hồi nãy làm khó em!”

“Tôi đâu có thuốc đót, chỉ có thuốc đầu lọc thôi.”

“Thì đầu lọc là đót đó mà.”

“Ai mà biết. Nè, cầm thêm mấy điếu để dành hút. Còn vụ ông già kia, anh cho ông ấy ra ngoài rửa ráy đi, đừng đánh ông tội nghiệp.”

“Dễ thôi, anh Hai. Nhưng bực mình ổng quá đi.”

“Cứ coi ông ấy như ba mình ở nhà vậy. Đối xử với ba mình làm sao thì đối xử với ông ấy như vậy.”

Anh cai tù ngó tôi một lúc, một thoáng buồn hiện lên trên mặt anh. Anh kéo thêm một hai hơi thuốc thật dài rồi quay trở ra, nói với ông gì:

“Ông ra ngoài rửa đít rồi thay quần thật nhanh. Ê, thằng kia, rút U rồi đưa ông già này ra hồ!”

Anh tù trực vệ sinh chạy vào, rút cây sắt. Ông già được dẫn đi. Phòng giam vui vẻ, được thả giò thong thả một lúc. Ai nấy nói chuyện bình thường trở lại. Anh cai tù quay trở lại chỗ tôi, đốt điếu thuốc khác, vừa đốt xong, đã nói:

“Ba em chết rồi. Em giết ổng chứ ai. Vì vậy mới vào đây. Nhà đã nghèo mà ổng cứ say sưa, uống rượu, về nhà còn đánh đập má em, em bênh má định đánh lại ổng thì bị ổng xách dao rượt đuổi… cuối cùng, chờ ổng ngủ say, em lụi ổng mấy dao. Hờ, lúc đó em mới mười bốn tuổi. Thực ra đâm ổng rồi, em đau khổ lắm. Em hối hận ngay nên mới ngồi bên cạnh ổng mà khóc cho đến khi công an đến bắt. Em đâu có chạy trốn. Em chẳng hiểu sao em lại giết ổng. Chắc tại nhà nghèo quá, khổ quá! Hồi đó em theo ba đi câu cá, lưới cá ở sông, vui lắm. Ổng còn làm diều cho em chơi. Lúc em bệnh thương hàn, ổng cõng em đi suốt đêm từ trong rừng ra tới nhà thương huyện. Em… em không hiểu sao em lại giết ổng. Em ngu quá, anh à.”

Anh cai tù ngồi ghé xuống khoảnh ván còn thừa ra phía trước, chỗ gần cái chân bị cùm của tôi. Nghe anh kể, tôi cảm thông ngay, bao nhiêu bất bình lúc nãy nhường chỗ cho một mối thương tâm, tội nghiệp. Tôi vỗ vai anh, nói:

“Biết ăn năn thì ba sẽ tha thứ, không chấp trách đâu.”

“Thiệt hả? Nếu em ăn năn ba em có biết không?”

“Biết. Lúc em ngồi khóc bên cạnh xác ông ấy, ông ấy biết.”

“Vậy ổng có tha thứ cho em không?”

“Lúc đó thần thức của ông ấy tỉnh táo lắm. Ư… em không hiểu chữ thần thức, phải không? Có thể tạm hiểu như là linh hồn vậy. Linh hồn của ba em tự biết cái gì đã xảy ra và cái gì xui khiến em làm vậy. Ông ấy đã tha thứ cho em rồi, điều còn lại là em phải làm sao sống đàng hoàng, đừng hại ai, đừng làm buồn lòng ai… có vậy ba em mới yên lòng được.”

“Anh Hai à, anh tên gì vậy?”

“Khang, còn em?”

“Em tên Lộc. Em xin lỗi anh Khang, khi nãy em…”

“Không sao đâu Lộc. Nhìn lại ông già kia kìa. Nếu ba em còn sống, chắc cũng cỡ tuổi ổng, phải không?”

“Ba em trẻ hơn.”

“Nếu ba em bị người khác đánh đập… em thấy sao?”

“Em… em biết lỗi rồi. Cám ơn anh.” Lộc đứng dậy tính rời chỗ tôi, nhưng rồi đứng lại nói, “khi nào anh cần gì, nói em biết nghe. Em ở đây bốn năm rồi, em quen hết công nhân với chức năng ở đây đó anh Khang.”

Lộc đến chỗ cửa phòng, hối thúc anh trực vệ sinh xỏ xâu chúng tôi lại. Ông già bị Lộc đánh khi nãy đã về lại từ mấy phút trước, còn run rẩy e sợ Lộc giở trò du đãng bộp tai ông thêm. Nhưng Lộc chỉ đứng im, dựa vào ngạch cửa chờ anh trực vệ sinh xỏ U. Rồi Lộc đến trước ông già nói lí nhí mấy lời, tôi nghe không rõ lắm, nhưng đoán là Lộc đã xin lỗi ông ấy. Tôi thở phào sung sướng.

Trong giờ cơm chiều, tôi nhìn ra ngoài bắt gặp một khuôn mặt quen thuộc đang đi chầm chậm dọc theo hành lang như tìm kiếm người quen trong số tù mới chuyển đến. Thấy tôi, người ấy hơi giật mình, mắt sáng lên, đứng lại ở trước cửa, nhíu mày nhìn. Tôi liền đưa tay lên vẫy. Người ấy bước đến, chào:

“Khang mới chuyển đến hồi trưa này, phải không?”

“Ừ, Thiện Hiền thì sao?”

“Cũng hơn một năm rồi. Từ Long Đất chuyển đến. Khang có nhớ thời gian Khang trốn ở nhà bà Bàng, tôi có nhắn Khang là tôi sẽ đến đó kêu Khang đi vượt biên khi có chuyến?”

“Ơ… có chuyện đó hả, tôi quên mất.”

“Mau quên quá vậy! Lúc đó tôi nhắn cô Như Tâm dặn Khang đừng đi đâu, chờ tôi đến gọi đi. Đến khi đi thật, tôi đến thẳng nhà bà Bàng nhưng bà ấy nói Khang không còn ở đó nữa. Đó, chuyến đó tôi bị bể rồi bị bắt ở Long Đất, vào tháng 7 năm 1985. Cũng may là Khang không đi chung chứ nếu chung thì cũng dính vào đây sớm rồi.”

Tôi cười:

“Không đi chung thì cũng gặp ở đây chứ có khỏi đâu. Nhưng anh bị bắt hồi tháng 7 năm 1985, vậy là tôi bị trước anh 2 tháng chứ không phải anh bị bắt trước tôi đâu.”

“Vậy à! Khang bị về vụ… đó, chứ đâu phải vượt biên, phải không?”

“Ừ, vụ đó, cho nên mới nằm chung phòng với mấy anh em này. Thiện Hiền làm gì mà được đi rông rông thoải mái vậy?”

“Tôi ở trong tổ hái thuốc Nam, lại là thầy giáo kèm dạy học cho một thằng lõi con mười tuổi, con một ông cán bộ gộc của công an Tỉnh Đồng Nai. Hái thuốc Nam thì hai ngày đi một buổi sáng; buổi chiều thì dạy cho thằng nhỏ học chữ với học toán. Cho nên cũng khá nhẹ nhàng, rảnh rỗi. Mình dạy kèm cho con cán bộ nên được ưu tiên đi ra đi vào tự do trong khuôn viên trại.”

“Ở đây người ta có biết Thiện Hiền là tu sĩ không?”

“Chắc không ai biết đâu, tôi đâu có khai tu sĩ. Họ thấy tôi hiền, nghiêm mà lại biết chữ nên mới cắt tôi dạy kèm thằng nhóc mất dạy đó. Ô, cái thằng này mới mười tuổi mà đã biết cậy quyền cậy thế, bắt nạt biết bao nhiêu tù nhân trong trại này. Nó chỉ sợ có tôi thôi. Tôi đang bắt nó làm bài tập nên mới đi rảo rảo xuống đây tìm người quen, té ra gặp Khang. Không ngờ rồi cũng có ngày tái ngộ, Khang nhỉ. Thôi, biết Khang ở phòng này, khi nào có dịp, tôi ghé thăm… nhưng chắc khó lắm, vì tụi chức năng ở đây để ý từng người, có chuyện gì nghi ngờ chúng báo cáo lên cán bộ ngay, phiền lắm. À có thầy Quảng Bình cũng bị giam ở trại này, tội vượt biên. Khang biết thầy ấy không?”

“Tên nghe quen lắm, nhưng chắc phải gặp mặt mới nhớ. Thầy ấy ở phòng nào?”

“Đang ở bệnh xá, bị bại liệt chân.”

“Dữ vậy!”

“Hơ, ở đây bị liệt chân là chuyện thường thôi. Cùm chân một thời gian, hoặc bị kỷ luật chừng nửa tháng thì thành bại liệt, lạ gì đâu chứ. Thầy ấy bị bắt, không khai là tu sĩ, cuối cùng bị phát giác là khai man nên cán bộ cho biệt giam kỷ luật rồi tăng án thêm 2 năm. Khang có khai là tu sĩ không?”

“Tôi không cần khai họ cũng biết rồi. Họ tự động ghi hồ sơ tôi là tu sĩ ngay từ đầu.”

“Vậy cũng căng lắm đó. Ít khi nào họ trả tự do cho tu sĩ. Đã lỡ bắt rồi thì hình như không muốn thả ra nữa. Vượt biên như thầy Quảng Bình thì còn đỡ chứ Khang dính vào chính trị, e khó có ngày… Thôi, tôi phải đi nghe. Khang ráng giữ gìn sức khoẻ. Khi đi lao động, cố gắng làm hết mình kẻo bị tụi nó cúp cơm, đánh đập, cho vào kỷ luật… sẽ bệnh hoạn, bại liệt… ớn lắm!”

“Tôi biết.”

Thiện Hiền bước ra. Thấp người, vai ngang, dáng đi như gấu. Tôi và Hiền bằng tuổi nhau. Chúng tôi quen nhau vào năm 1976 khi tôi ra Vạn Giã tìm mối ghe vượt biên. Từ khi tôi rời Nha Trang vào năm 1978, chúng tôi không còn gặp nhau nữa. Tu sĩ trẻ chúng tôi dưới chế độ cộng sản có nhiều công việc phải miễn cưỡng dấn thân vào, và công việc nào cũng chiếm đi khá nhiều tâm sức và thì giờ. Chúng tôi vừa kịp lớn thì đã phải đối đầu với một thứ độc tố tinh thần tràn lan trên xứ sở. Để tự vệ và sống còn, chúng tôi phải chống lại hoặc đành lòng rời nước mà đi. Thành phần tu sĩ Phật giáo chúng tôi đang có mặt trong các nhà tù cộng sản chỉ bởi hai phương hướng hành động đó. Có thể sẽ có người nói rằng sở dĩ chúng tôi vào tù cũng chỉ vì chúng tôi vọng động, không chịu ở yên một chỗ để lo tu, lại đi dính vào thế sự… để thiệt vào thân, cản trở chuyện tu hành. Bốn năm trước, trong thời gian tôi tổ chức Đoàn Phật Tử Phụng Đạo, lo việc cứu giúp dân nghèo ở kinh tế mới, đã có vài tăng sĩ nói với tôi ý đó và mai mỉa cười vào những việc tôi làm. Sau này, tôi bị công an truy nã về tội có liên can đến lực lượng Phục quốc, họ càng cười tôi thêm. Tôi nghe bạn bè thuật lại từng lời biếm nhẻ của họ mà không có cơ hội nào để nói chuyện với họ. Không phải tôi cần gặp họ để biện minh cho những việc làm của tôi, mà chỉ muốn gặp họ để nói với họ rằng, chính từ cái vị thế bất khả phân ly giữa Phật giáo với dân tộc gần hai ngàn năm trên đất nước này mà người tăng sĩ Phật giáo, ở bất cứ thời đại nào, cũng luôn luôn có mặt ở ngay tuyến đầu của mọi hiểm nguy để chống đỡ và gánh chịu tất cả nỗi thống khổ khốn cùng của dân tộc. Nói rằng “Phật giáo với Dân tộc là một”là nói ngoa nếu ở giai đoạn cực kỳ khổ đau của toàn dân, những người con Phật từng thệ nguyện ban vui cứu khổ lại an phận thủ thường, hoặc điềm nhiên tọa thị, hoặc a tòng xu phụ với bạo lực cường quyền để bóp nát bao chồi hy vọng và quyền sống của sinh dân! Cho nên, dù thế nào đi nữa, tôi vẫn tha thiết muốn họ hiểu rằng, không phải chỉ có tôi cần sự dấn thân của họ, mà đất nước này, cả dân tộc này, đang chờ đợi sự lên đường của họ. Họ chỉ cần đồng loạt cất bước thì ngay ở bước chân đại nguyện đầu tiên đó, đất nước sẽ chuyển mình ngay.

Ngồi im nơi phòng giam vào khoảng thời gian trống trải trước giờ phát cơm chiều, tôi bất lực nhìn hai cổ chân bị xiềng của mình. Và trong một phút buồn lặng trong lòng chẳng biết tỏ cùng ai, tôi chợt cất khẽ một lời kêu gọi mông lung, gởi vào khoảng trời mây nhá nhem ngoài khung cửa sổ: hỡi những người bạn trẻ đồng hành của tôi, hai chân tôi bây giờ đang bị cùm xích, không đến với bạn được, không cùng song hành với bạn được; nhưng nếu được cởi trói, tôi sẽ tiếp tục bước lại từ đầu bước chân đại nguyện của người tăng sĩ Phật giáo trước cơn khổ lụy của quê hương.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]