Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương mười

14/10/201310:37(Xem: 12196)
Chương mười

coitroi1


Chương mười

Tôi giúp nàng kéo cánh cửa sắt xếp qua một phía. Vào nhà. Nàng lại khóa cửa sắt từ phía trong. Đến ngang chỗ cầu thang dẫn lên lầu, nàng đứng lại, do dự. Dường như sau khi từ quán cà phê ở góc đường xôn xao tiếng người và xe cộ, về đến nhà, chúng tôi đều cảm thấy an ổn và thân thiết với nhau hơn trong khung cảnh riêng tư một nam một nữ như vầy. Một cảm giác vừa ấm cúng, thích thú, mà cũng vừa bồi hồi, lo sợ… Giống như có một bức tường ngăn mong manh mỏng mảnh giữa hai chúng tôi mà chỉ cần động nhẹ thì nó sụp đổ ngay. Cho nên, thay vì lên lầu trở vào căn phòng có chiếc giường nàng đã dọn sẵn chăn màn cho tôi đêm qua mà tôi chưa kịp ngã lưng, tôi ngồi lại ở xa-lông phòng khách. Thấy vậy, nàng cũng không bước lên lầu mà đi thẳng xuống nhà bếp, nấu nước sôi hay làm thứ gì đó. Chỉ một vài phút trống ngồi một mình, trong tôi đã lảng vảng nhập nhòa hai thứ cảm giác sâu đậm của tự do và mất mát. Tôi thấp thỏm, đứng dậy. Nàng từ dưới bếp bước lên.

“Anh định đi đâu hở?”

“Không, không đi đâu… Anh muốn tìm miếng nước.”

“Em đang nấu nước sôi chế trà, hay anh muốn uống nước lạnh?”

“Ừ, cho anh nước lạnh.”

Nàng quay xuống bếp rồi trở lại thật nhanh với ly nước lạnh cầm tay. Tôi đón ly nước. Tay chúng tôi chạm nhau.

“Anh có mệt không? Hôm nay anh dự trù đi đâu, để em chở anh đi há? Hay anh muốn nằm nghỉ rồi chiều hãy đi?”

“Chưa biết nữa… nhưng chắc không ngủ được đâu, phải đi. Chưa gặp mặt các bạn bè thì chưa yên lòng.”

“Anh không có người thân nào ở Sài Gòn thì đi công chuyện gì xong cứ về đây, em đưa anh một chìa khóa, nghe?”

“Có mấy người chị ruột, nhưng họ đều đi Nha Trang cả rồi.”

“A, các chị về quê ăn Tết à, sớm quá vậy?”

Tôi biết không phải các chị tôi về Nha Trang ăn Tết, nhưng không cải chính, im lặng ngồi xuống xa-lông. Nước sôi đang reo dưới bếp. Nàng quay đi. Càm giác mất mát đè ngộp tim tôi làm cho cảm giác tự do vuột mất. Tôi nhắm mắt định tâm một lúc. Nàng quay trở lại với cái khay nhỏ đặt bình trà và hai cái tách.

“Bây giờ hãy còn sớm, các bạn anh chắc còn ngủ chưa dậy đâu, thôi thì ngồi đây kể em nghe tiếp, rồi khi nào anh muốn đi, em đưa anh đi.”

“Em nghe chuyện cả đêm rồi chưa thấy mệt thấy chán sao?”

“Ô, thêm vài đêm thức trắng cũng được nữa kìa! Anh kể nữa đi. Đúng ra chuyện chưa hết thì em chưa cho anh rời khỏi nơi đây đâu!”

“Đến chỗ nào rồi?”

“Chia tay anh chàng cán bộ Hà Nội.”

***

Thấm thoát đã trải qua mấy kỳ thăm nuôi. Tôi được nhận quà hàng tháng của gia đình, nhưng chưa bao giờ được gặp mặt ai. Thỉnh thoảng trên hộp bánh có ký tên Như Tâm hoặc mẩu giấy nhỏ với ba nét chữ khác nhau dúi trong gói bột ngũ cốc cho biết rằng có sự quan hệ mật thiết giữa Như Tâm và gia đình tôi. Có lẽ mỗi tháng đến kỳ thăm nuôi thì Như Tâm mang quà đến nhà chị tôi (ở Sài Gòn) để gửi vào cho tôi. Có điều là chưa có dấu hiệu gì của những người bạn đồng học ở tu viện Già Lam, cũng như những người cùng sinh hoạt trong Đoàn Phật Tử Phụng Đạo hay Hội Lạc Long… Điều này làm tôi đâm lo lắng, băn khoăn, không biết bạn bè của mình có ai bị tù hay không.

Những băn khoăn thắc mắc của tôi được trả lời phần nào trong đợt thăm nuôi giữa tháng 11 của năm 1985. Ngày ấy đối với tôi thật bất ngờ, vì đó là lần đầu tiên tôi được phép gặp mặt một người thân của tôi sau hơn sáu tháng bị bắt vào tù.

Cũng với vài người khác được gọi tên, tôi xếp hàng, theo sự hướng dẫn của một viên cán bộ, bước ra một dãy nhà tôn nhỏ nằm cách khu trại giam chừng năm trăm thước. Cán bộ chỉ gọi tên xong rồi nói gọn một câu: “Ra gặp mặt!” Nói gọn như thế nên đám tù khó lòng biết được là mình sẽ gặp mặt ai, ngoại trừ những người đã được phép gặp mặt người thăm nuôi mình từ những đợt thăm nuôi trước.

Sau gần mười phút đứng đợi ở ngoài, bên cạnh một hàng rào thưa, tôi được gọi tên, bước vào một trong vài phòng của cái nhà tôn đó. Có hai cửa ra vào từ hai phía vách đối nghịch nhau: một từ phía trong trại giam bước ra, một từ phía đường cái bước vào. Một cái bàn dài và lớn đặt giữa hai phòng, hai đầu bàn giáp mí hai vách tường còn lại, chia phòng thành hai khu vực riêng biệt: khu vực của người thăm nuôi và khu vực của tù nhân. Mỗi khu vực có một viên cán bộ mặc đồng phục, đeo súng, đứng kiểm soát. Đám tù được gọi tên và bị thúc hối bước nhanh vào phòng, ngơ ngác nhìn trong đám người đến thăm ở phía đối diện để tìm một khuôn mặt quen thuộc; tìm thấy rồi mới vội vàng chọn chỗ ngồi mặt đối mặt với người ấy, bắt đầu nói chuyện.

Người đi thăm nuôi và gặp mặt tôi là chị Thuần, người chị ruột lớn hơn tôi hai tuổi. Chị ấy không biết gì về các hoạt động của tôi liên quan đến lực lượng Phục quốc, nhưng có một dạo, chị tình nguyện lên sống trên vùng kinh tế mới vài tháng, đảm trách hai lớp học bổ túc văn hóa miễn phí do chùa tôi tổ chức để giúp cho các trẻ em thất học trong vùng. Chị khá thân với tôi trong thời gian ấy. Nay vừa thấy tôi, chị đã mếu máo và chực bật khóc. Xa gia đình từ thuở nhỏ, tôi đã quen với sự tự chế về cách biểu lộ tình cảm và sự xúc động tâm lý nên tôi thật bỡ ngỡ khi thấy chị ấy khóc. Tôi ngồi im nhìn chị một lúc. Chị cố gắng lắm mới kềm được nước mắt, rồi mở lời:

“Khang khỏe không?”

“Khỏe,” tôi vừa gật đầu vừa đáp, nhưng thấy tiếng mình nhỏ quá, chìm hút giữa bao tiếng la hét của những người chung quanh, tôi cố gắng nói lớn lên một chút: “Khỏe!”

Chị gật đầu, suy nghĩ một lúc rồi cũng la lớn tiếng:

“Có nhận quà thăm nuôi mấy lần trước rồi hả? Đầy đủ không?”

Tôi chỉ cười nhẹ, rồi tự hỏi lại mình theo các thắc mắc mà các bạn tù chưa được gặp mặt người thăm nuôi thường nói với nhau trong phòng giam: Mấy lần trước là mấy lần? Đầy đủ là sao? Tháng nào nhận được giỏ quà thì biết là gia đình có đến thăm nuôi, tháng nào không nhận thì nghĩ là gia đình không đến. Đến hay không đến cũng chẳng đoán trước được. Có thư từ hay dấu hiệu gì để đoán trước hoặc kiểm chứng được rằng mình có nhận đủ quà thăm nuôi hay không! Mỗi tháng trại cho phép thăm nuôi hai lần, làm sao biết được gia đình đi thăm một lần hay là hai lần! Ngộ nhỡ gia đình thăm hai lần mà mình chỉ nhận được có một lần thì làm sao gia đình và làm sao chính mình biết là mình nhận đủ hay thiếu? Chưa hết, làm sao biết được là giỏ quà có đầy đủ tất cả những món đồ mà gia đình gởi vào? Mỗi tháng đến ngày thăm nuôi, tù nhân thấy anh nuôi xách vào một giỏ thức ăn, đặt xuống đất trước cửa phòng giam rồi rứt mẩu giấy nhỏ gắn ở miệng giỏ lên, gọi tên. Tên ai thì người đó đến nhận giỏ quà. Chỉ có thế. Không có giấy kê khai bao nhiêu món quà và bao nhiêu thức ăn thức uống trong giỏ. Vậy thì làm thế nào biết được giỏ quà có nhận đủ hay không?

Dù vậy, chuyện đó cũng chẳng quan trọng gì, nên tôi nói đại:

“Đầy đủ.”

“Anh Hiền cũng ở cùng một trại này với Khang, có biết không?”

“Biết.”

“Nhưng anh ấy mới chuyển từ Nha Trang đến trại này nên chưa được phép gặp mặt, chỉ được thăm nuôi thôi.”

Nhắm chừng anh cán bộ đứng cách chị tôi một khoảng khá xa không làm sao nghe rõ được lời tôi giữa bao tiếng nói cười lao xao chung quanh, tôi hỏi chị ngay:

“Cả nhà bình an hả?” – chị gật đầu, tôi tiếp, “vậy bạn bè của Khang thì sao? Chị có biết gì không?”

Chị tôi kín đáo đảo nhanh mắt một vòng rồi nói:

“Có cái thư gia đình gởi vào cho Khang, trong đó có vài hàng của bạn bè Khang viết nữa…”

“Bạn bè nào vậy?”

“Thầy Nguyên Lạc bạn của Khang đó mà. À, có Tửu và sư cô Như Tâm… tháng nào cũng mang quà đến. Đây là hai người chính lo chuyện thăm nuôi Khang đó,” chị nhỏ giọng xuống,” ở đây họ đâu cho phép đưa thư tay, phải không? Hình như phải qua khâu kiểm duyệt của ban quản giáo gì đó của trại… Mấy người đi thăm nuôi ở ngoài kia nói với chị như vậy, không biết có đúng không.”

“Chắc là phải vậy. Chị ra hỏi thử các cán bộ trực thăm nuôi xem sao.”

“Chị chưa nói hết: lá thư gởi Khang chị đã đưa cho cán bộ y tế rồi.”

“Sao vậy? Cán bộ y tế đâu có trách nhiệm nhận thư đâu mà đưa làm gì, coi chừng đó! Thư có viết gì… vi phạm nội qui không?”

“Chị có đọc qua rồi, không sao đâu. Nói ra bây giờ thì không được, nhưng đọc thư thì chắc Khang hiểu hết đó. Để chị kể lại Khang nghe: khi nãy chị gởi thuốc trị bệnh cho Khang nơi cán bộ coi về y tế thì cô ấy nói là có biết Khang. Cô ấy hỏi chị muốn nhắn hoặc có thư từ gì gởi cho Khang thì để cô đem vào đưa tận tay cho Khang. Chị mừng quà nên đưa luôn lá thư. Đưa xong ra ngoài sân đứng đợi tới phiên vào gặp mặt mới nghe mấy người kia nói lá thư thì phải đưa cán bộ quản giáo.”

“Cô ấy tên gì?”

“Tên là… à, đúng rồi, tên Phương, cô ấy mang kiếng cận, Khang quen không?”

Tôi phì cười:

“Có quen gì đâu! Biết thôi. Tại mỗi lần đi khai cung là gặp cô ấy nên phải biết.”

“Vậy… lá thư đó có sao không?”

“Không sao đâu.”

“Nhận thư và thuốc rồi, cô ấy cứ giữ chị ngồi đó, hỏi tùm lum chuyện làm chị cũng hơi sợ.”

“Chị đã nói gì với cô ấy?”

“Không có gì đâu. Cô ấy đâu có hỏi về ai khác, chỉ hỏi toàn là chuyện Khang, tính tình làm sao, là em thứ mấy trong gia đình, thích cái gì, làm gì, học hành ra sao… đại khái là hỏi về cá nhân Khang đó mà.”

“Vậy thì không sao. À, không phải thầy Nguyên Lạc đã đi xa rồi?”

“Không, thầy ấy không đi.”

“Thầy ấy có cho biết là có người bạn nào của Khang bị…?”

“Hình như có… Thôi, để đọc thư rồi biết. Hy vọng cô Phương sẽ đưa thuốc và kèm theo cả thư cho Khang, còn như không đưa thì cũng đừng gây phiền phức gì. Khang còn dặn dò gì nữa không?”

Tôi ngập ngừng một lúc, ngó trước ngó sau, rồi nói:

“Dặn các bạn bè của Khang… đừng đi lại nhiều mất thì giờ; ở đâu thì ở yên đó đi, vậy khỏe hơn.”

“Ừ, chị hiểu rồi.”

Rồi chị tôi rời chỗ ngồi, đến bên anh cán bộ đứng kiểm soát phòng nuôi, đưa một xấp tiền giấy lên, hỏi gì đó, anh cán bộ gật đầu. Chị quay trở lại, đưa tiền cho tôi, nói lớn:

“Cán bộ cho phép gởi tiền riêng cho Khang xài, Khang cất đi.”

Xong, chị xoay qua hỏi chuyện về quà thăm nuôi, cái chuyện thực tế rất cần thiết cho người ở tù. Chị muốn biết tôi cần món gì, thức ăn gì để mang đến vào đợt sau. Tôi vừa dặn dò chị xong thì hết giờ. Buổi gặp mặt ngắn ngủi hình như chưa đến mười phút.

Tối hôm ấy, phòng giam tổ chức văn nghệ như thường lệ. Tiếng chách-chùm vỗ nhịp của mấy anh Tàu Nùng nơi đáy thau nhựa và gà-mên nhôm dường như đã bồi thêm trong tôi một nỗi xôn xao, bất an, lo lắng. Khi sáng, tôi hỏi có người bạn nào của tôi bị tù không, chị tôi nói “hình như có.” Ba tiếng vừa mơ hồ vừa xác định ấy làm tôi hoang mang khôn tả. Tôi mong Phương sớm trao thư cho tôi để biết được tin tức chính xác hơn.

Tôi trằn trọc mãi với cái nghi vấn rằng ai trong số bạn bè tôi đã bị vào tù. Tôi không muốn bất cứ bạn nào của tôi phải chịu chung số phận với tôi cả. Một mình tôi gánh chịu, đủ rồi. Xin cho mọi người đều bình an…

Sáng hôm sau, đang ngồi trò chuyện với vài người bạn tù ở góc phòng, tôi nghe tiếng vỗ tay báo hiệu và vài tiếng to nhỏ xì xầm cho biết rằng Phương, cô nữ cán bộ đặc trách về y tế, đang bước đến phòng giam chúng tôi. Áo sơ mi lụa mỏng màu xanh lá cây với chiếc quần tây màu đen, ống hơi bó, Phương đủng đa đủng đỉnh tiến vào chỗ lồng khung trong sự im lặng chờ đợi và bao cặp mắt thèm khát của đám nam tù nhân dán vào cô. Phương thủng thỉnh ngồi xuống, soạn cái giỏ thuốc, lấy ra một cuốn sổ, vừa lật vừa nói mà chẳng nhìn ai:

“Hôm qua có một số thân nhân của các anh gởi thuốc vào. Tôi đọc tên người nào người đó đến lãnh thuốc nghen.”

Theo nội quy, có cán bộ vào đến phòng giam thì tù nhân phải im lặng, không được đi qua đi lại, nhưng đặc biệt đối với Phương, cô nữ cán bộ y tế, hình như tù nhân không bị bắt buộc phải im răm rắp và ngồi chết cứng một chỗ như đối với các cán bộ quản giáo. Tôi vẫn nghe được những tiếng xì xầm hoặc cười rúc rích to nhỏ. Tôi còn thấy vài anh tù dời chỗ, lom khom chạy đến gần lồng khung để được ngắm Phương rõ ràng hơn. Có lẽ vì Phương đến phòng giam trong tư cách y tá hơn là tư cách cán bộ thụ lý hồ sơ hoặc quản giáo nên nội quy không nghiêm khắc lắm.

Cô lật tới lật lui cuốn sổ một lúc rồi gọi tên, Khoảng bốn, năm người đến nhận thuốc rồi mà chẳng có tên tôi. Tôi nóng ruột lắm, nghĩ rằng lá thư gia đình gởi tôi đã bị cô này đưa ban quản giáo kiểm duyệt rồi dìm luôn.

“Hết rồi. Sinh hoạt bình thường đi. Nè, anh trưởng phòng, có ai bệnh nặng mà không thuốc chữa thì nhớ báo cáo gấp nghe,” Phương vừa đứng dậy vừa nói.

Rõ ràng là cô đã xếp sổ để cất vào giỏ và chuẩn bị rời phòng mà chẳng đá động gì đến lá thư tôi chờ đợi. Rõ ràng là đám tù đã đứng dậy, nói chuyện và theo sự cho phép của Phương: sinh hoạt bình thường. Bất chợt, như vừa sực nhớ ra, cô bước đến cửa thì quay trở lại, lôi cuốn sổ ra lại, nói:

“À, hình như còn một tên nữa. Để coi… đây rồi, Vĩnh Khang, có không?”

Tôi bước đến chỗ lồng khung. Vì Phương đã cho phép sinh hoạt bình thường, nên việc cô quay lại chút xíu để đưa thuốc cho tôi không bắt buộc cả phòng giam phải im lặng ngồi xuống như thường lệ. Chỉ một vài người tù đứng quanh lồng khung, bao nhiêu người khác cứ qua lại, nói cười. Té ra, Phương đã cố tình trao thuốc cho tôi bằng cách này: tránh được sự chú ý của cả phòng.

“Anh có gặp mặt người nhà hồi hôm qua rồi phải không? Sướng quá rồi há. Được thăm nuôi, được gặp mặt, rồi lại được nhận thuốc phòng bệnh, chữa bệnh nữa. Đây, có gói thuốc của người nhà anh gởi vào cho anh. Thuốc nhiều lắm, ở đây có ai nhận thuốc men nhiều như anh đâu. Đúng ra anh không được nhận thuốc nhiều như vầy mà chỉ được một vài thứ thông dụng thôi, bao nhiêu thứ khác phải gởi cán bộ y tế, khi nào cần thì đăng ký xin lấy. Nhưng đặc biệt cho anh, đưa hết một lần để tùy nghi sử dụng. Anh kiểm tra lại rồi ký tên vào sổ này,” nói rồi cô luồn gói thuốc vào cho tôi, sau đó đưa cuốn sổ và cây bút. Tôi còn hoang mang chờ đợi lá thư nên nhìn cô dọ hỏi và bắt gặp đôi mắt cô nhìn tôi đăm đăm. Tôi lờ đi, cúi xuống ký tên. Ký xong, tôi đưa trả cuốn sổ và cây bút, cô đón nhận thế nào đó mà mấy ngón tay cô lại đụng vào mấy ngón tay tôi. Xong, cô thọc tay vào giỏ xách, nhắm vào một chỗ cố định nào đó, lôi ra một phong thư, bước thêm nửa bước gần hơn về phía tôi, đôi mắt chớp chớp nhìn tôi như muốn nói một điều gì nhiều hơn trong vài lời ngắn gọn của cô:

“Lá thư này của chị Thuần gởi cho anh. Ưu tiên lắm mới nhận thư này đó nghe.”

Tôi đón lá thư, nói nhỏ:

“Cám ơn.”

Phương cười duyên, tần ngần đứng lại một lúc rồi quay đi.

Tôi mang lá thư về chỗ nằm của mình và ý thức thật rõ rằng Phương đã cố ý tạo một hoàn cảnh đặc biệt ít người chú ý để trao thuốc và thư cho tôi. Dù sao, một lá thư đưa tận tay như vậy cũng dễ gây ngộ nhận đối với vài bạn tù vây quanh tôi lúc ấy. Làm sao biết được thư này là của gia đình gởi tôi hay là thư của chính cô nữ cán bộ y tế lãng mạn trao cho một nam tù nhân? Hoặc là một thư mật báo hay thứ mật lệnh gì đó của cán bộ trại gởi vào cho một tay tình báo đang chịu khổ nhục kế trong tù? Thật là phiền nếu bị ngộ nhận như vậy. Tôi đảo mắt nhìn quanh một vòng xem thử có ai để ý đến mình không. Không ai cả. Mọi người đang sinh hoạt bình thường như mọi ngày. Không ai nhìn ngó gì đến tôi. Họ đang bận chơi cờ tướng, đánh domino, cười nói xì xầm hoặc om sòm với nhau từng cặp, từng tốp. Vài người ngồi hay nằm dài, im lặng trầm tư. Không khí không có vẻ gì là có một sự ngờ vực với tôi.

Tôi yên tâm ngồi tựa lưng vào tường, mở lá thư ra. Một lá thư nhưng mà có ba tuồng chữ. Mỗi tuồng chữ chỉ viết dăm hàng. Tuồng chữ của Thuần, người chị kế đi thăm nuôi và gặp mặt tôi hôm qua, là chính, vì được viết ngay theo trang giấy. Hai tuồng chữ còn lại thì có vẻ như là viết ké ở lề trái. Tôi chỉ nhìn thoáng qua, rồi lo đọc thư của chị Thuần trước. Lá thư được viết với sự e dè:

“Khang thương,

Ba mẹ và cả nhà đều bình an mạnh khỏe, không ai bệnh hoạn gì. Cả nhà chỉ mong Khang và anh Hiền ráng giữ sức khỏe, học tập và lao động tốt để sớm được về với gia đình. Có cần thứ gì thì xin cán bộ cho viết thư nói rõ để gia đình biết mà lo liệu.

Hải, Tửu và Tâm cũng thường ghé thăm nhà để gởi quà cho Khang. Thôi vài lời cho Khang biết đại khái chuyện nhà. Nhớ giữ sức khỏe, nghiêm chỉnh học tập đúng chính sách cải tạo để được trở về với gia đình.

Thương mến, Thuần.”

Thư chị ấy là chính nhưng chuyện nói ra thì chẳng có gì quan trọng lắm. Những lời chị viết có thể nói thẳng khi gặp mặt.

Tôi đọc tiếp qua hai dòng chữ viết bên lề trái của lá thư. Xem ra thì hai dòng chữ này viết ké nhưng có vẻ lại nói được nhiều chuyện tôi muốn biết. Như vậy, thư của chị Thuần chỉ là cái cớ để người khác nhắn lời vào mà thôi. Tuồng chữ thứ nhất rõ ràng là chữ của Nguyên Lạc, một người bạn thân đã từng âm thầm đứng sau lưng tôi trong các sinh hoạt có tính cách dấn thân tích cực. Vào những ngày cuối cùng tôi sắp bị bắt vào tù, Võ Quốc Linh–một người bạn thân khác của tôi–đến rủ tôi đi vượt biên, tôi đã nói Linh để Nguyên Lạc đi thế vào chỗ tôi. Chẳng hiểu sao nay Nguyên Lạc hãy còn đây để viết dòng chữ này cho tôi:

“Anh em ở ngoài đều khỏe và mong Khang được về sớm. Linh, Huy, Tuấn và Như đều về bên ngoại đi làm công nhân. Cháu Hân con chị Sở phá quá, chẳng ai răn dạy gì được. Bác Nhân và chú Thể, đã chuyển hộ khẩu đến sống ở kinh tế mới với các anh Sỹ, Siêu để lao động sản xuất rau tươi. Chúc Khang lúc nào cũng an lạc.”

Đọc xong, tôi thấy ngộp thở, bàng hoàng trong lòng. Câu chuyện Hân và bác Nhân khiến tôi đau lòng hết sức. Hân con chị Sở, thực ra là Hân làm việc cho công an Sở thành phố Sài Gòn, người đã giao nộp tôi cho công an mấy tháng trước. Bác Nhânchính là Thượng tọa Đức Nhân. Dọn đến ở với anh Sỹ (Tuệ Sỹ), anh Siêu(Trí Siêu – Lê Mạnh Thái) tức là cũng vào tù, vì hai người này đang ở tù, ai cũng biết. Thư nói rõ là Hân quấy phá, có nghĩa là bên ngoài, Hân đã công khai ra mặt như là một đặc tình của công an chứ không còn giấu giếm như trước nữa. Tôi biết Hân đang tận tụy làm điềm chỉ viên để báo cáo công an đi bắt quý thầy và các bạn bè có liên hệ với tôi.

Thượng Tọa Đức Nhân đã cao tuổi, bệnh hoạn, sức khỏe rất kém, vậy mà ngài vẫn sẵn sàng dấn thân để mưu tìm cho dân tộc một ngõ thoát ra khỏi cái vòng mê muội của các thứ chủ nghĩa phi nhân ngoại lai từng làm điêu đứng đất nước trong nhiều năm qua. Tôi nghĩ là Thượng Tọa chỉ ôm ấp cái hoài bão đó chứ chưa có cơ hội để thực hiện. Vậy mà hôm nay, vì lý do nào đó, ngài đã bị bắt. Phải chăng do Hân báo cáo láo như thế nào đó? Rõ ràng là Thượng Tọa không liên can gì đến các hoạt động của tôi cũng như vụ án của các thầy Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thái (vì nếu có liên can, hẳn Thượng Tọa đã bị bắt cùng lúc với các thầy kia từ tháng 3 năm 1984).

Còn chú Thểmà Nguyên Lạc viết trong thư tức là Nguyên Thể, khi xưa là một chú tiểu ở chung chùa Núi (Linh Phong) với tôi ở Nha Trang. Khi tôi vào học Cao đẳng Phật học ở Già Lam và Vạn Hạnh vào năm 1980, Nguyên Thể cũng rời Nha Trang sau đó, vào sống ở Long Khánh, vừa làm rẫy vừa tự học. Tháng 10 năm 1984, khi tôi mời một vài bạn bè tại Sài Gòn tụ họp tại chùa của tôi trên kinh tế mới Bàu Cạn để bàn thảo phương thức thành lập một tổ chức cứu nguy dân tộc–như là một cách xử thế hành đạo của người con Phật trước hiện trạng khổ đau của đất nước–thì Nguyên Thể cũng tình cờ đến thăm và dự tính ở lại chơi với tôi vài ngày. Bởi vì đã quen nhìn Nguyên Thể như một chú tiểu ngày nào còn để chỏm ở chung một chùa với tôi, và vì nghĩ rằng Nguyển Thể chỉ có mỗi mối đam mê là đọc sách, học hành, nên tôi không ngỏ một lời nào với Nguyên Thể về nguyên do các bạn bè khác của tôi tụ tập. Tôi sắp đặt cho Nguyên Thể nghỉ đêm ở một căn tịnh thất của chùa, cách biệt với thảo am của tôi, nơi chúng tôi sẽ hội họp. Hân thấy tôi không mời Nguyên Thể họp thì gợi ý:

“Sao Khang không mời Nguyên Thể tham dự?”

“Thôi,” tôi đáp.

“Thôi, là sao? Bộ Khang nghĩ Nguyên Thể không có khả năng à?” Hân hỏi dồn.

“Không phải vậy. Tôi chỉ cảm thấy là… nên để Nguyên Thể yên. Tôi không muốn chú ấy dây dưa vào chuyện này. Để chú ấy ăn học, tu niệm thuần túy thì hay hơn.”

“Hình như Khang vẫn coi Nguyên Thể như một đứa em trai nhỏ, lo sợ quá đáng cho nó. Vậy chứ Thiện Lạc, tuổi trẻ hơn Nguyên Thể nữa, sao Khang lại đồng ý cho vào họp?”

“Thiện Lạc hay Nguyên Thể, đối với tôi, đều là những đứa em còn ngây thơ lắm. Thực ra tôi cũng không có ý mời Thiện Lạc tham dự, tôi chỉ mời Tâm Huy, và Tâm Huy kéo Thiện Lạc theo. Vả lại, theo Tâm Huy nói, Thiện Lạc tuy trẻ nhưng có nhiệt huyết và có chí hướng dấn thân rõ rệt; còn Nguyên Thể thì… tôi thực sự chưa hiểu được tâm tình chú ấy ra làm sao cả. Tuy rằng tôi và chú ấy có sống chung chùa một thời gian ở Nha Trang, nhưng lúc đó chú ấy còn nhỏ xíu, vả lại chúng tôi chia tay nhau đã nhiều năm, đâu hiểu nhau nhiều…”

“Tôi có tìm hiểu rồi,” Hân nói với vẻ tự tin. Thấy tôi không nói gì, Hân tiếp, “khi nãy Khang bận tụng kinh, tôi có ngồi nói chuyện riêng với Nguyên Thể hơn một giờ đồng hồ. Nguyên Thể cũng có tinh thần dấn thân đấy chứ. Chú ấy có vẻ phật lòng vì Khang đã không ngỏ một lời nào với chú về chuyện hội họp hôm nay. Khi tôi trình bày ý định của Khang về việc vận động thành lập tổ chức đấu tranh, Nguyên Thể phấn khởi muốn tham gia ngay, nhưng còn ngại rằng Khang coi thường chú ấy, sẽ không đồng ý cho chú góp mặt. Theo tôi thì rất nên cho Nguyên Thể tham gia. Dù sao, trong thời buổi này, tìm được một người cùng chí hướng, có khả năng, đâu phải chuyện dễ; huống chi, Nguyên Thể cũng đã từng chung sống một thời gian với Khang dưới một mái chùa… Đồng ý đi há, để tôi nói với Nguyên Thể.”

“Ý kiến của mấy anh em khác thế nào?” tôi hỏi lại.

“Ai cũng tán đồng, chỉ chờ quyết định của Khang thôi.”

“Vậy bây giờ tôi đồng ý thì Nguyên Thể có tự ái gì không? Có nghĩ là tại sao tôi là người duy nhất chú ấy thân và quen biết trong số những người có mặt ở đây lại không mời chú tham gia lại để những người như anh…”

“Ối, khỏi lo. Đã có thiện chí thì đâu có chấp gì ba cái chuyện nhỏ đó. Thôi, Khang đồng ý rồi há. Tôi nói với Nguyên Thể đó nghe,” Hân thúc giục.

Tôi ái ngại đồng ý trong im lặng. Thế là Nguyên Thể tham gia, và cuối cùng, chú ấy đã vào tù, cùng chung số phận với tôi hôm nay. Như vậy, trước mắt có thể biết rõ là trong số bảy người sáng lập Hội Lạc Long lúc ấy, nay đã vào tù 3 người là tôi, anh tôi và Nguyên Thể. Hân thì khỏi phải bàn nữa. Còn Thiện Lạc và Đỗ Trí Dũng, chẳng rõ trôi dạt nơi đâu. Chỉ có duy nhất Tâm Huy là thực sự bình an. Tôi vừa buồn về chuyện Thượng Tọa Đức Nhân và Nguyên Thể vào tù, nhưng đồng thời cũng rất vui khi biết được tin tức về Tâm Huy qua vài dòng của Nguyên Lạc.

Mấy chữ của Nguyên Lạc báo tôi biết rằng Võ Quốc Linh, Tâm Huy, Hạnh Tuấnvà Giác Nhưđã ra được nước ngoài. Hạnh Tuấn và Giác Như thì chẳng nói làm gì vì hai người này không liên can gì đến các hoạt động đấu tranh của thầy Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát mà cũng chẳng dính líu gì đến các hoạt động của tôi cả. Họ đều học chung một khóa với tôi tại tu viện Già Lam và Vạn Hạnh. Cả hai đều nổi tiếng là mọt sách, siêng năng, cặm cụi học hành chẳng biết mỏi mệt. Họ có từ ngoài Trung chạy vào Sài Gòn rồi từ Sài Gòn đi ra nước ngoài thì cũng để lo mạy mọ chuyện học mà thôi. Chỉ có Võ Quốc Linh, và nhất là Tâm Huy, lọt được ra nước ngoài mới là điều làm tôi sung sướng, thấy nhẹ nhõm trong lòng. Tôi thở phào một hơi thật dài, sung sướng mỉm cười.

Đã có một thời, tôi nghĩ rằng Tâm Huy là con mọt sách chỉ biết lo học, và điều này đã khiến tôi hơi buồn lòng. Dù sao, Tâm Huy có hứa hẹn với tôi là sẽ hết mình hợp tác làm việc sau khi anh học xong ở Già Lam. Trong thời gian tôi bỏ lớp học ra ngoài vận động nhân sự và tạo dựng các cơ sở ở vùng quê, kết hợp với các lực lượng chống cộng, thì Tâm Huy trong khóa học Già Lam đã chứng tỏ là một sinh viên tăng xuất sắc, và anh đã liên tục đỗ thủ khoa liên tiếp trong nhiều kỳ thi của chương trình Phật học này. Đầu năm 1984 thì anh được ban giáo thọ của Già Lam đề cử đảm trách dạy môn Câu Xá Luậncho các khóa học đến sau. Rồi khi lực lượng đấu tranh của Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát bị đổ vỡ trong cùng năm ấy, lớp học Già Lam tan rã, Tâm Huy đáp lời mời của tôi, đã đến chùa của tôi trên kinh tế mới, cùng tôi và năm người bạn đã nói ở trước, lập nên Hội Lạc Long.

Chẳng may, trong số bảy người lại có Hân, một đặc tình của công an Sở Sài Gòn. Bi kịch tan vỡ và phân ly bắt đầu từ đấy. Và suốt bao tháng lẩn trốn loanh quanh Sài Gòn rồi cuối cùng vào tù, tôi luôn mong mỏi sao những anh em còn lại khác đều được thoát, nhưng ngày lại ngày, tôi chẳng được một tin vui nào từ phía họ. Cho đến hôm nay mới nghe được tin Tâm Huy. Không những tôi vui vì Tâm Huy được thoát nạn, mà còn ấp ủ thêm một hy vọng rằng khi ra được nước ngoài, có thể Tâm Huy sẽ tiếp tục chí nguyện của anh, góp sức với các lực lượng đấu tranh ở hải ngoại để làm được điều gì đó cho quê hương ngày mai.

Dẫu vậy, niềm vui và hy vọng về Tâm Huy cũng bị cái chuyện chẳng vui của Thượng tọa Đức Nhân và Nguyên Thể làm cho nhạt bớt đi. Nghĩ đến hai người này, tôi thấy xót xa phiền não trong lòng vô cùng. Hân bán đứng tôi và Nguyên Thể, hai người em kết nghĩa của anh ta, thì thật là tán tận lương tâm; tuy thế, tôi vẫn chưa hề có ý nghĩa căm ghét hay hận thù gì Hân, và vẫn còn hy vọng rằng khi biết tôi im lặng không khai gì về Hân với công an Đồng Nai và cán bộ Bộ nội vụ, có thể một lúc nào đó, Hân sẽ phục thiện, thay đổi. Tôi vẫn còn hy vọng là lấy những năm tháng tù đày của tôi để cảm hóa Hân. Nhưng hôm nay, Hân nỡ bán đứng luôn cả Thượng tọa Đức Nhân thì hết nước nói rồi, không còn thuốc chữa nữa rồi. Anh ta đã giốc hết thể xác và linh hồn vào cái chỗ cùng tận của tính phi nhân. Tôi cảm nghe một dòng máu nóng ran, bốc dậy rùng rùng trong cơ thể. Bây giờ làm sao đây? Dưới sự kiểm soát và thúc đẩy của Sở công an Sài Gòn, hoặc trong cái tham vọng to lớn hay bé tí nào đó mà Hân cứ tiếp tục dẫn đường cho mấy anh công an nhà nước ruồng bố bắt giam lần lượt các tăng sĩ Phật giáo của giáo hội, thì tôi phải làm sao? Có lẽ ngoài tôi ra, không ai trong số bạn bè tôi có thể gặp và thuyết phục Hân từ bỏ hành động mê muội của anh. Tôi vẫn còn tin tưởng như vậy, vì không ai ngoài tôi, biết rõ chỗ Hân ở và công việc Hân làm. Nhưng tôi đang ở tù, làm thế nào để gặp Hân hoặc bằng cách nào đó, chặn đứng được Hân?

Tôi vừa thở dài bất lực vừa nhìn dòng chữ lạ viết kế bên lời nhắn của Nguyên Lạc. Tuồng chữ viết nét tròn này, tôi chưa từng thấy qua. Tôi thực không biết đó là chữ của ai, viết thật ngắn mà lại không ký tên: “Bệnh nặng có thể được về.

Ai đây? Ai viết cái ám hiệu gì đây? Bệnh nặng thì được về? Có thật thế không? Một tù nhân bị kết tội nặng như tôi có thể được công an trả tự do khi bệnh nặng chăng? Nhưng bệnh nặng thì nặng cỡ nào? Và làm sao có thể bệnh nặng nếu trên thực tế mình không bệnh gì cả? Câu nhắn gửi này có vẻ như xúi giục tôi phải giả đò bệnh nặng để được trả tự do vậy! Chi chứ chuyện giả đò thì tôi tệ lắm. Người ta đấm đá, mình làm bộ đau đớn và ngã quị mà còn khó nữa huống chi đương không lại ngã đùng ra mà bệnh nặng!

Chắc hẳn là gia đình và bạn bè tôi không bao giờ dám ghi dòng chữ ấy cho tôi qua một lá thư mà họ biết trước rằng sẽ có cán bộ trại giam kiểm duyệt. Vậy, dòng chữ ấy chỉ có thể là do một cán bộ nào đó viết. Và cán bộ đó là ai, tôi đoán được ngay: Phương. Đúng vậy, chỉ có Phương mới có cơ hội để viết cho tôi cái dòng chữ có vẻ yểu điệu con gái đó.

Phương muốn gì đây? Giúp tôi ư? Tại sao lại giúp? Cô là cán bộ y tế của trại giam, có thể cô biết được cách để tôi được trả tự do. Nhưng tôi tự do thì cô được cái lợi gì chứ? Chẳng phải cô là đảng viên, là cán bộ trung thành của nhà nước đó sao! Giúp làm gì một người chống lại cái guồng máy mà cô đang bảo vệ? Hay là… cô cũng như Tri, anh cán bộ Bộ nội vụ, đã chán chê “cái giàn máy khổng lồ” mà mình vừa phải giữ gìn vừa kinh tởm, muốn gián tiếp giúp đỡ kẻ khác thực hiện việc phá hủy giàn máy, hay ít ra cũng có cảm tình với những người đã thay mình làm việc đó, dù thành công hay thất bại?

Nhưng chuyện tự do bằng cách “bệnh nặng,” theo tôi nghĩ, chẳng phải điều đơn giản như câu “bí quyết” đầy vẻ quyến rũ của Phương ghi cho tôi đâu. Làm sao tôi có thể được tự do khi sự vụ của tôi chưa đưa ra tòa xét xử?

Tôi vừa nghi ngờ, nhưng cũng vừa hy vọng. Phải, ước mơ duy nhất của một người tù–cho dù là người có tư tưởng chấp nhận tù tội như tôi–là được trả tự do. Cho nên chỉ một câu ngắn ngủi của Phương cũng đã đem lại cho tôi rất nhiều hy vọng. Tôi đã ở tù hơn sáu tháng, đã học được khá nhiều điều hay, đã kinh qua những phút kề cận với nỗi chết, đã nếm cái mùi tủi nhục, đói khổ, thèm khát, bệnh tật, nóng bức, lạnh rét, ghẻ chóc, nhớ nhung, tù túng… vậy cũng tạm đủ rồi. Tôi không cần thiết phải học thêm bất cứ thứ gì trong tù nữa. Tôi nên được tự do để tiếp tục con đường dang dở, không cần phải chấp nhận hoàn cảnh tù tội này nữa! Huống chi, nghĩ đến hình ảnh Hân đang lăm lăm dẫn công an tìm bắt bạn bè tôi… tôi thấy bất nhẫn. Tôi có trách nhiệm về chuyện đó. Tôi có bổn phận phải đối phó với Hân. Tôi phải gặp mặt Hân, và tôi phải được tự do để thực hiện công việc đó.

***

Nửa tháng trôi qua, niềm hy vọng và nỗi háo hức được tung ra khỏi ngục tù trong tôi dù cao độ vẫn không nẩy ra được một sáng kiến nào cho việc “bệnh nặng.” Bệnh nặng mong được thuốc chữa, mong được hết bệnh, e còn dễ hơn là tự dưng khỏe mạnh lại muốn “bệnh nặng.” Mà bệnh nặng gì đây thì mới hội đủ điều kiện để được trả tự do? Chắc là chỉ tạm thời thả ra để điều trị, hoặc chỉ được đưa đến một bệnh viện nào đó bên ngoài, rồi tìm cách trốn. Có thể là vậy. Phương sẽ giúp tôi bằng cách đó sao?

Kỳ thăm nuôi cuối tháng 11, tôi có ý chờ đợi xem gia đình đến thăm gặp mặt có tiết lộ thêm điều gì mới có liên hệ đến dòng chữ “bệnh nặng có thể được về”không; nhưng gia đình tôi lại không thăm tôi vào ngày đó khiến cho sự việc cứ mờ mịt, nằm mãi trong nghi vấn.

Sau ngày thăm nuôi, Phương đem thuốc vào phòng giam, gọi những người có tên đến nhận. Phát thuốc rồi. Phương còn có vẻ nấn ná, ngồi đó lục soạn gì đó trong giỏ xách khá lâu. Cuối cùng, đứng dậy, Phương hỏi:

“Có ai bệnh nặng không?”

Ấp ủ hai chữ “bệnh nặng” nửa tháng qua như một công án, một thoại đầu của thiền, nay nghe Phương hỏi, tôi giật mình đánh thót một cái, thấy ngay một câu trả lời minh bạch hiện ra trong đầu, một câu trả lời không cần bất cứ một tính toán so đo nào, một cái gì vụt sáng lên trong tôi như thể thiền sinh được thiền sư điểm nhãn khai quang vậy. Tôi đưa tay lên, nói ngay:

“Có.”

Mọi người cùng quay nhìn về hướng tôi. Phương nhìn tôi hơi nở một nụ cười, nói giọng đầy khích lệ:

“Anh đến đây.”

Tôi bước đến gần khung cửa sắt.

“Anh bệnh nặng thế nào?”

“Tôi bị đau bao tử từ lúc nhỏ. Hiện giờ thì không đau, nhưng lâu lâu lại nổi lên, quặn thắt bên trong… đau lắm. Vậy có phải là bệnh nặng không?”

Phương ngập ngừng một lúc rồi nói:

“Đâu, anh bước đến gần đây, để tôi khám thử.”

Tôi bước thêm nửa bước, gần sát song sắt. Tù nhân chúng tôi lúc nào ở trong phòng giam cũng cởi trần mặc quần xà-lỏn nên cô y tá khỏi mất công chờ đợi tôi vén áo. Cô luồn tay vào giữa hai song sắt, dùng các đầu ngón nhấn nhấn nơi bụng tôi, nhấn bốn phía quanh rốn, rồi lần xuống hơi thấp ở khoảng gần hai bên xương chậu, dưới thắt lưng chút xíu. Tôi mắc cỡ, rụt lại một chút. Cô cười tủm tỉm, tiếp tục nhấn, dò tìm chỗ đau. Cô nhấn khá mạnh, phần khác cũng vì móng tay cô khá dài, nên tôi vừa đau vừa nhột, phải giật thót bụng mỗi khi cô nhấn vào chứ chẳng phải là bị đau ở bên trong. Cô dọ xét phản ứng của tôi khá kỹ, thấy tôi hơi run người một chút là nói ngay:

“Đau phải không? Đau chỗ này phải không?”

“Vâng, đau,” tôi đáp ngay mà thấy tức cười trong bụng.

Phương ngừng tay, lôi trong giỏ xách ra một cuốn sổ, lấy bút ghi chú gì đó, rồi nói:

“Chưa chắc là đau bao tử đâu, có thể liên hệ đến ruột đó. Tôi tình nghi là đau ruột dư. Cái bệnh này nguy hiểm lắm, có thể chết được nếu không phát hiện sớm và giải phẫu kịp thời. Tôi chỉ tình nghi thôi, chưa xác định. Hiện giờ chưa có đủ dụng cụ khám. Tôi sẽ sắp xếp anh ra bệnh xá của trại để khám lại. Anh có thuốc bao tử để uống không? Có hả. Ừ, thì tạm thời uống thuốc đó khi nào thấy đau, há. Thôi, sinh hoạt bình thường đi.”

Nói rồi, Phương xách giỏ quay đi.

Qua ngày hôm sau, Phương và Khoa, cùng hai anh nuôi bước đến phòng giam chúng tôi. Khoa nói:

“Anh Khang đâu, mang đồ đạc cá nhân ra đây.”

Tôi bước ra, Khoa hỏi Phương:

“Có cần khiêng cáng không vậy?”

Phương gật đầu, ra dấu cho hai anh nuôi kia giữ cáng. Tôi xua tay nói:

“À… xin khỏi, tôi bước đi được, không phiền hai anh đâu, để tôi đi theo được rồi. Hiện giờ tôi không thấy đau.”

Phương ngó tôi, hai mắt như lườm, muốn ra dấu tôi là hãy đồng ý leo lên nằm trên cáng cho anh nuôi khiêng đi. Tôi thấy kỳ cục quá vì mình đâu có “bệnh nặng” trong lúc này, nên nhất quyết không chịu leo lên. Khoa cười nói:

“Tánh anh Khang như vậy đó mà, ảnh không muốn phiền ai đâu. Thôi cứ để ảnh tự đi cũng được.”

Phương lầm bầm mà như cố ý cho Khoa và hai anh nuôi kia nghe:

“Khó tính quá! Thôi, đi.”

Vậy là tôi theo họ đi lòng vòng một lúc, hướng về một dãy nhà ngang có mấy cây phượng rợp bóng phủ kín ở hai bên và phía sau. Đó là bệnh xá của trại.

Tôi tạm thời trở thành bệnh nhân bị bệnh nặngcủa trại giam.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]