Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương chin

14/10/201310:33(Xem: 12770)
Chương chin

coitroi1


Chương chin

Mặc dầu trời chưa sáng hẳn, khách đến uống cà phê càng lúc càng đông đến độ thiếu cả ghế ngồi. Tôi đứng dậy trả tiền để nhường ghế cho người ta rồi cùng nàng quay trở về nhà. Trên đường đi, cả hai chúng tôi đều im lặng. Xa mút ở đầu đường là phương đông, nơi mà mặt trời đang cố gắng phóng chiếu ánh sáng của nó để vạch đường mây mà ló dạng, vô tình tạo nên một góc trời hồng tía tráng lệ. Ở đầu đường đó, dường như quẹo trái là qua đường Nguyễn Huệ, có quán cà phê mở nhạc ngoại quốc mà có lần tôi và Mộng Huyền ghé vào sau một chuyến vượt biển thất bại… Mộng Huyền bây giờ là cố nhân, là cổ nhân, là người thiên cổ lụy. Tôi muốn được ngồi ở quán cà phê ấy ngay lúc này để dành một khoảng thời gian nào đó tưởng niệm đến Mộng Huyền nhưng làm vậy thì bất công với thiếu nữ đang bước đi bên cạnh tôi quá.

“Anh liều ghê, cái gì cũng nhận về phần mình!” bất chợt nàng nói.

“Tất cả thầy tu Phật giáo ở vào trường hợp của anh, đều sẽ làm như vậy.”

“Cũng tùy thôi anh ạ. Không phải ai cũng ứng xử theo cách của anh đâu. Ở xã hội này, liều như anh chỉ thiệt vào thân. May mà anh hãy còn sống… Nhưng xét cho cùng thì chuyện anh làm cũng đúng thôi. Tấm lòng của anh nó như vậy, thì cứ để nó như vậy, đâu cần uốn nắn hay chỉ bày nó cách tự vệ… Vậy rồi Tri xử sự ra sao với lời khai ấy của anh?”

***

Ngày hôm sau và những ngày kế tiếp, Tri cho gọi tôi ra khai cung làm việc liên tục, từ thứ ba cho đến thứ sáu. Những ngày này vẫn chỉ có một mình Tri làm việc với tôi chứ không có ông cán bộ già khó tính nữa. Thứ ba và thứ tư, mỗi ngày Tri đều lập biên bản và đưa tôi ký tên. Biên bản lại ghi rõ những gì tôi đã đóng góp cho lực lượng Phục quốc của ông Trần Văn Lương. Sáng thứ năm, Tri đưa giấy bút cho tôi, bảo viết hai bản tự khai, một bản kể lại tuần tự theo thời gian các hoạt động của tôi từ năm 1982 đến năm 1984; một bản viết lại toàn bộ những gì tôi đã làm từ năm 1984, khi bắt đầu có dính líu với lực lượng Phục quốc. Chiều thứ năm, Tri lại bảo tôi viết thêm một bản tự khai về chuyện “dự tính” tự thiêu của tôi nhằm chống lại bản án tử hình thầy Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát (nếu có). Trong bản tự khai về việc tự thiêu, Tri yêu cầu tôi nói luôn cả ý nghĩa tự thiêu trong Phật giáo mà anh đã nghe tôi nói bằng miệng trước đó vài ngày. Bản tự khai ấy, dĩ nhiên tôi đã nhận hết lỗi về phần tôi để cứu Thiện Đắc. Qua ngày thứ sáu, dù tôi đoán rằng đã hết chuyện để khai–sau khi Tri lập ba biên bản và tôi viết ba bản tự khai–Tri lại gọi tôi ra.

Lần này, Tri đưa tôi vào một căn phòng khá rộng thuộc dãy nhà ngang nằm gần phía con lộ chính. Phòng này có vẻ như là một nhà kho hay phòng chứa tang vật gì đó. Phòng có hai cửa sổ trước và sau, cửa sổ trước mở ra sân trại, cửa sổ ở vách sau thì mở ra phía con lộ chính. Tôi thấy nhiều lớp rào kẽm gai bên ngoài cánh cửa sổ ấy. Dọc theo hai bên vách là nhiều hộc tủ lớn có nhiều ngăn, mỗi ngăn có đánh số. Tri đóng cánh cửa ra vào, cài then lại, rồi đến ngồi với tôi. Chưa bao giờ cán bộ chấp pháp làm việc khai cung mà lại đóng cửa như thế. Đã vậy, trên bàn có để sẵn hai tách cà phê nóng còn ngút khói. Tri cười thân mật, nói:

“Thực ra chúng ta đã làm việc xong từ chiều hôm qua. Anh khỏi cần khai cung hay viết tự khai gì nữa. Nhưng tôi muốn gọi anh ra để anh em mình có cơ hội nói chuyện cho vui. Ở trong dó tù túng lắm, phải không anh Khang? À, mời anh dùng cà phê cái đã. Đây là cá nhân tôi đãi anh chứ không phải của trại hay của nhà nước đâu, đừng ngại. Hút thuốc nhé. Anh nói là trước đây anh có hút nhưng đã cai mà, thế thì cũng biết hút chứ chẳng phải không. Thôi thì hút với tôi bữa nay cho vui. Chiều nay tôi về lại Hà Nội rồi.”

Bởi cái vẻ chí tình trong cách mời của Tri, tôi bưng tách cà phê, nhấp một ngụm nhỏ, rồi đón lấy một điếu từ gói thuốc của Tri đưa mời.

(Kỳ thực trong thời gian gần đây, tôi đã bắt đầu hút thuốc trở lại. Tôi biết rằng việc hút thuốc có hại cho thể chất, nhưng về mặt tinh thần, nó cho tôi chút cảm giác hạnh phúc nào đó. Một thứ khoái cảm lâng lâng nhè nhẹ. Một chút ngây ngất quên đời. Có người bảo đó chỉ là cách để chạy trốn thực tại, nhưng thực ra, tôi không chạy trốn thực tại mà là đắm mình trong cái thực tại của khói thuốc. Trong cái thực tại bừng cháy của cảm giác, hay ngay cả ảo giác, khi hút thuốc, tôi không cần biết cuộc đời vây bọc chung quanh. Vả chăng, cảm giác và khói thuốc chẳng phải là thành phần của cuộc đời hay sao? Cho nên, tôi sống trong thực tại khói thuốc chứ không phải chạy trốn thực tại cuộc đời–dù rằng đôi lúc cuộc đời đầy ưu phiền hệ lụy này cũng rất đáng quên. Tôi không ngoa ngụy để bào chữa cho việc hút thuốc của tôi trong thời gian ở tù đâu. Bởi vì có một lúc ngồi trầm tư, tôi nhận thấy rất rõ ràng cái điều mà một đạo nhân cần phải từ bỏ là tính chất mê, nghiện, say đắm… chứ không phải là các đối tượng quyến rũ của trần gian. Nói vậy không có nghĩa rằng cứ việc tự do đón nhận các đối tượng, nhưng để biết: một khi dục vọng (mẹ đẻ của mọi thứ say mê nghiện ngập) còn tồn tại thì bất cứ đối tượng nào để say mê đều mang cùng một tính chất như nhau cả. Như thế, giữa một thiền sư nghiện uống trà và tôi nghiện hút thuốc, chẳng có gì khác nhau lắm đâu, dù rằng trên hình thức, người ta thấy sự nghiện trà của vị thiền sư ấy có vẻ thanh nhã, đạo vị hơn việc hút thuốc của tôi rất nhiều. Chỗ quan trọng nhất là vị thiền sư và tôi phải dứt khoát trừ bỏ được dục vọng; và một khi dục vọng bị đánh tan rồi, tất cả các nỗi đam mê lớn hay nhỏ, thanh nhã hay thô lậu, thuần khiết hay nhơ bẩn… đều tự động rã ngũ.)

Tri bật lửa cho tôi. Tôi tự nghĩ, “chắc anh ta không có âm mưu gì đâu. Đã kết cung cả rồi và mọi chuyện đâu đã vào đó, anh ta đâu cần mua chuộc mình làm gì nữa. Nhưng biết đâu… chuyện lấy cung lại bắt đầu từ một buổi nói chuyện bâng quơ như vầy. Phải cẩn thận mới được.” Tôi vừa nghĩ đến đó thì Tri đã tiếp:

“Anh Khang à, ở trại này họ đối xử với anh như thế nào?”

“Đối xử như thế nào là sao? Thì đối xử như mọi tù nhân khác chứ có gì đâu.”

“Ý tôi muốn hỏi là chế độ ăn uống, thăm nuôi… ở đây như thế nào?”

“Có lẽ cũng như bao nhiêu trại giam khác trên đất nước này thôi. Anh làm trong ngành công an thì hẳn anh phải biết chứ.”

“Anh Khang nói vậy là không nắm rõ cơ cấu trong ngành nội vụ rồi. Tôi làm sao biết được chuyện của mấy trại giam vì nó thuộc phần vụ của Cục Quản lý Trại giam kia mà!”

“À, ra là vậy. Nói chung thì tôi không để ý lắm về chế độ ăn uống, thăm nuôi… Cứ đến giờ phát cơm thì nhận cơm, cho thăm nuôi thì nhận được quà, vậy thôi.”

“Nhưng tiêu chuẩn gạo hàng tháng là bao nhiêu cân, anh biết chứ?”

“Làm sao mà biết được?”

“Ồ, họ không cho anh biết à? Thế mỗi ngày được phát cơm mấy bữa, mỗi bữa được bao nhiêu cơm?”

“Mỗi ngày hai bữa, trưa và chiều, mỗi bữa được khoảng hơn một bát cơm!”

“Cái gì? Một bát cơm? Khiếp thế, làm sao mà sống nổi, đói chết!”

Tôi phì cười, nói nửa đùa nửa thật:

“Bộ anh ở cung vàng điện ngọc hay sao mà không biết cái hiện tình đói khổ của đất nước chứ hả? Đâu phải chỉ có tù nhân mới đói, thường dân thiên hạ ở ngoài cũng đói nhan nhản ra đó, có lạ lùng gì đâu. Có khi nào anh viếng thăm các vùng kinh tế mới không? Anh có biết cuộc sống của người dân trên kinh tế mới như thế nào không?”

“Có, tôi có lên Long Thành, vùng kinh tế mới mà anh lập chùa, hoạt động chống nhà nước… nhưng lên để điều tra về cơ sở của anh thôi, chứ không tìm hiểu về cuộc sống của người dân trên ấy.”

“Vậy thì anh và những đồng chí của anh nên dành thì giờ mà tìm hiểu thêm về đời sống nhân dân mọi thành phần. Chắc anh cũng thừa biết rằng nếu nhà cầm quyền không hiểu rõ được đời sống thực tế của nhân dân thì nhà cầm quyền đó chỉ tồn tại trên đất nước như một đám lục bình trôi trên sông.”

Tri im lặng, có vẻ suy nghĩ. Một lúc, anh gật đầu, nói:

“Anh nói có lý. Có lẽ vì cái chế độ này nó tạo ra chúng tôi như thế đấy. Chế độ thư lại giấy tờ mà. Tôi chỉ biết những con số và những dòng chữ rất giống nhau ở trên các bản báo cáo. Ồ thôi, nói cái chuyện đó chán quá, ta nói chuyện khác cho vui nhé. À, ông cụ bà cụ thân sinh của anh cũng khỏe lắm. Nói để anh yên tâm.”

“Sao? Anh có gặp ba mẹ tôi à?” tôi giật thót mình khi nghe Tri nói vậy. Có lẽ nào vì chuyện của tôi mà cả ba mẹ tôi đều vào tù? Thấy tôi có vẻ lặng người sửng sốt, Tri tiếp ngay:

“Vâng, trước khi gặp anh, tôi đã làm việc với anh Hiền, anh ruột của anh, rồi tôi ra Nha Trang gặp hai ông bà thân sinh của anh để hỏi thêm một vài vấn đề… Bà cụ tiếp tôi ở căn nhà nhỏ đường Hậu Giang. Ồ, bà cụ hiền lành, nhân hậu lắm; bà thật thông minh, tinh tế, nói năng hòa nhã lịch thiệp, khôn khéo, ai tiếp xúc qua là quý mến ngay. Tôi dự tính chuyến ra Bắc chiều nay sẽ ghé Nha Trang thăm bà cụ lần nữa. Anh ngạc nhiên à? Thì chuyến trước tôi đến bà cụ để điều tra chuyện hai anh em của anh, còn chuyến này thì ghé thăm, thăm thực sự như thăm một người thân hay một người mà mình quý mến, hay thăm một gia đình nhân sĩ trí thức ở miền Nam mà tôi có dịp biết đến. Có thể tôi sẽ kể chuyện của anh và anh Hiền để bà cụ đỡ lo. Anh có cần nhắn gì không?”

Tôi nhẹ nhõm mừng là ba mẹ tôi không can hệ gì nhưng cũng dụ dự chưa biết nói lời nào để nhắn, đành cười trừ. Tri nói giọng thân mật:

“Chắc anh Khang còn ngại vì mới hôm qua tôi là cán bộ điều tra, nay lại nói chuyện linh tinh… anh ngại cũng phải. Cái chế độ này, ở trong tù hay ngoài xã hội cũng thế thôi, cứ tạo nghi ngờ trong lòng mọi người, làm sao người ta trở thành anh em hay bạn bè của nhau!”

Tri ngưng một lúc, hớp cà phê, kéo một hơi thuốc, rồi tiếp:

“Nói thật anh Khang nghe, hơn mười năm làm việc trong ngành, tôi chưa bao giờ gặp một phạm nhân… à, một con người lạ thường như anh. Chỉ trong vòng vài ngày tiếp xúc mà tôi học được từ anh rất nhiều điều bổ ích. Tôi không nói về cái hữu ích về kiến thức liên quan đến ngành nghề của tôi, mà về thái độ và quan niệm sống của một người dân, hay của một con người trên cuộc đời. Dĩ nhiên tôi biết rằng một chế độ… khắt khe như chế độ ngoài Bắc thì chẳng làm sao mà đào tạo được cái gì xuất sắc, dị thường. Nhưng tôi vẫn lấy làm lạ là mảnh đất miền Nam, với chế độ mà ngoài tôi gọi là Mỹ-Ngụy tay sai, lại sản sinh ra nhiều con người tài hoa đến thế. Tôi chưa có cơ hội tiếp xúc nhiều với giới trí thức hoặc giới trẻ miền Nam nên không làm sao nắm được là thành phần nhân sĩ trí thức chiếm bao nhiêu phần trăm nhân số miền Nam, nhưng qua tiếp xúc những người trong gia đình anh khi tôi đến làm việc, tôi đã giật mình. Riêng anh và anh Hiền, mỗi bản tự khai các anh viết ra là cả một đoạn hồi ký hay. Tôi đọc mà say mê như đọc tiểu thuyết. Văn anh Hiền thì dữ dội, lôi cuốn, văn của anh thì trong sáng, nhẹ nhàng, mà đầy tự tin, đầy quyết tâm. Tôi nhận ra ở con người anh và con người anh Hiền, một cái gì na ná như là thái độ bất cần đời, nhưng không phải. Các anh vẫn sống hết mình vì cuộc đời. Nhất là anh, nói thực, nếu anh không ở trong hoàn cảnh này, tôi muốn liên lạc kết giao với anh thường xuyên… Anh Khang biết không, cho dù ông nội, ông ngoại tôi đều là Ủy viên Trung ương Đảng, bố tôi thì nằm trong ban Bí thư Trung ương, cho dù các anh chị em tôi đều được sinh ra và đào tạo từ chế độ xã hội chủ nghĩa, cho dù chúng tôi đang tận tụy công tác phục vụ Đảng và Nhà nước, tôi vẫn có thể nói với anh rằng,” Tri nói hơi nhỏ giọng xuống, “chế độ cộng sản giống như một nhà máy sản xuất thức ăn đóng lon–hình như trong Nam người ta gọi là đồ hộp phải không anh?–nhưng là loại đồ hộp để cất vào kho chứa chứ không phải loại để tiêu thụ. Tôi nói vậy tự anh hiểu. Tóm lại là chế độ ấy không đào tạo ra những con người. Nó nghiền nát nhân tính một cách tàn bạo, khủng khiếp. Tuổi trẻ miền Bắc, mấy thế hệ nối tiếp nhau, được nuôi lớn trong cái giàn máy khổng lồ ấy, thử hỏi anh, chúng tôi có thể làm gì! Chỉ làm đồ hộp thôi. Chỉ nằm ì ra đó thôi! Mỗi người chúng tôi có mối liên hệ chằng chịt hay một thứ bổn phận không thể từ chối đối với cái giàn máy đó: không chịu theo khuôn thì bị phế thải, vâng, bị phế thải. Anh đừng ngại, ở đây chẳng ai nghe đâu, mà có nghe cũng chẳng làm gì được mình đâu! Anh cho tôi nói chuyện nhé, vì về lại ngoài Bắc, tôi không nói được cảm nghĩ này với ai cả, ngay cả với những người trong gia đình… Đôi khi uất nghẹn muốn ra giữa chợ đời mà hét to lên một tiếng, hoặc muốn xách súng vào trung tâm điểm của cơ quan giàn máy, cứ lần lượt mà bắn hết từng bộ phận đầu não, cho đến từng cái lon đồ hộp! Ôi, cái uất nghẹn lặng lẽ ấy… ôm lâu trong lòng lại biến dạng thành một thứ ung nhọt kỳ quái, một thứ ung nhọt xơ cứng như băng…”

Nói đến đây, Tri có vẻ uất nghẹn thật. Mắt anh long lanh như khóc. Môi anh rung rung. Nhưng tôi thì thầm nghĩ rằng, Tri ví thân phận cán bộ của anh như là thành phần bị cái giàn máy nhà nước cộng sản nghiền nát thì không được chính xác lắm. Thực ra, không phải cán bộ nhà nước là thành phần trực tiếp bị cái giàn máy khổng lồ kia nghiền nát, chỉ có nhân dân mới bị nghiền nát; còn cán bộ thì là những con ốc tán hay những cơ phận giúp đỡ giàn máy đứng vững và hoạt động.

Tri bưng tách cà phê lên nhấp, rồi đốt thêm điếu thuốc khác. Anh đưa thuốc mời tôi, tôi đón, không từ chối. Chúng tôi im lặng hút thuốc. Nắng mai chiếu xiên vào cửa sổ sau lưng Tri. Từng đám bụi lấp lánh nắng, lăn tăn cuốn theo những chiếc lá vàng nhỏ rơi từng đợt từng đợt từ vài cành táo nhơn đong đưa sau dãy rào kẽm gai. Rảy tàn thuốc xuống sàn đất, Tri lại tiếp:

“Tôi nói điều này không biết anh Khang có đồng ý không. Như vầy, tôi nghĩ cái biến cố 30-4-1975 cũng là một dịp may, một cơ hội cho đất nước chúng ta chứ chẳng phải không đâu. Anh đừng cười, để tôi nói cho hết ý: tôi cho rằng trước đây miền Nam đã có cơ hội để mở mắt và để sống với tư tưởng tự do cũng như ý niệm về dân chủ của các nước văn minh khác trên thế giới, trong khi đó, nhân dân miền Bắc phải sống dưới một chế độ… độc tài khủng khiếp… Nếu không có cái ngày 30-4-1075 đó thì miền Bắc muôn đời vẫn thế, chẳng làm sao mà thay đổi được. Nhờ giải phóng miền Nam, nhìn thấy miền Nam, tiếp xúc với nhân dân cũng như các thành phần chính quyền cũ của miền Nam, người miền Bắc mới sáng mắt ra, mới thực sự nhận thức được rằng có một thứ đời sống khác hơn, tươi sáng hơn mà lâu nay họ tìm kiếm, mong đợi. Cho nên, có thể nói rằng miền Nam giải phóng miền Bắc thì miền Nam thắng, miền Bắc giải phóng miền Nam thì miền Nam vẫn cứ thắng như thường. Bởi vì lẽ thắng bại đôi khi không nằm ở chỗ chiếm lĩnh được cái vũ đài chính trị hay quân sự.”

“Mà phải chiếm lĩnh cái vũ đài nhân tâm,” tôi tiếp lời Tri.

Tri gật đầu tán đồng ngay:

“Đúng, phải được lòng dân. Khi quân đội miền Nam cũng như Hoa Kỳ rã ngũ và rút đi không đánh nữa thì chính cái tinh thần dân chủ tự do ở miền Nam đã tràn ngập ra Bắc, chiếm lĩnh trận địa nhân tâm, đánh thức bao nhiêu cái đầu óc đã mụ đi vì mù quáng hoặc vì sức ép của giàn máy. Những người cầm quyền miền Bắc sau ngày giải phóng miền Nam đã phải đối đầu với một đạo quân vô hình nhưng khủng khiếp hơn đạo quân chính qui của quân đội Việt Nam Cộng Hòa nhiều. Người ta không sợ tàn quân miền Nam nổi lên đánh lại đâu. Điều này làm sao xảy ra được chứ! Khi chưa tan rã thì quân đội hai miền còn đánh cầm cự với nhau mấy chục năm, còn bây giờ một bên thì tăng cường quân số, kiểm soát toàn lãnh thổ, một bên thì giải thể, tan rã hoàn toàn… lấy cái gì mà quật lại! Người ta chỉ sợ cái tinh thần tự do dân chủ thôi. Rồi đây, trên đất nước này, chỉ còn một cuộc chiến tranh duy nhất là cuộc chiến giữa chế độ độc tài và phong trào đòi hỏi tự do dân chủ dấy lên từ nhân dân. Nhân dân ở đây không phải là nhân dân miền Nam hay miền Bắc, mà là nhân dân Việt Nam. Anh Khang có đồng ý với tôi quan điểm ấy không?”

Tôi gục gặc, không nói, nhưng thật xúc động. Ý nghĩ của anh cộng sản trẻ này làm tôi phấn khởi và tin tưởng vào tương lai của đất nước vô cùng. Té ra miền Nam đang giải phóng ngược miền Bắc bằng tinh thần tự do dân chủ! Cái điều này đơn giản như thế mà lâu nay tôi hầu như không để ý đến. Nhưng có thực vậy chăng? Miền Nam có tự do dân chủ thực sự để làm công việc giải phóng miền Bắc không? Không.

Có thể nói rằng tinh thần tự chủ độc lập của dân tộc đã được nuôi dưỡng và phát triển liên tục từ các triều đại xa xưa của đất nước, điển hình là qua triều đại Lý-Trần, khi mà nhân dân được góp mặt trong các hội nghị quan trọng quan hệ đến sự sống còn của quốc gia. Tinh thần ấy bị mai một, lãng quên, hoặc bị dìm chết bởi các thế lực xâm lăng và thực dân nước ngoài cũng như đã bị tinh thần hủ nho đề cao trung quân ái quốc, tôn thờ lãnh tụ, cố tình đè bẹp đi. Cho nên, người ta thấy rằng hai chế độ Cộng hòa của miền Nam trước đây cũng chưa thực sự có tự do dân chủ; nhưng ít ra, tinh thần tự do dân chủ đã từ Tây phương trực tiếp theo chân quân đội viễn chinh Mỹ thâm nhập vào mảnh đất màu mỡ trù phú với cánh cửa luôn mở rộng của miền Nam. Miền Nam chưa có chế độ thực sự tự do dân chủ nhưng tinh thần tự chủ sẵn có từ ngàn xưa đã được đánh thức, được nhận dạng qua sự có mặt của nền văn hóa Tây phương. Tinh thần tự chủ đáng ra là vốn liếng thì bây giờ trở thành như là một thứ bài học mới. Dù sao, một bài học đã biết mà chưa áp dụng triệt để cũng còn đỡ hơn là không biết gì cả. Từ chỗ này, tôi thấy rằng, khi trình độ dân trí và văn hóa của hai khối dân chênh lệch nhau quá xa hoặc nền văn hóa bản địa quá vững chắc thì lúc va chạm, cái nhỏ sẽ tan biến trong cái lớn, cái thấp sẽ bị mất hút trong cái cao, cái ít bị chìm lỉm trong cái nhiều… Miền Bắc dưới chế độ cộng sản y như là một ông cụ già lụ khụ cứ quẩn quanh trong nhà để coi ngó; còn miền Nam thì cứ y như một chàng trai khỏe mạnh sung sức, thích bay nhảy tự do, thích hoạt động bên ngoài. Ai sẽ ảnh hưởng ai? Chàng trai sẽ ủ dột bi quan theo cụ già hay cụ già sẽ tươi tỉnh yêu đời lên bởi tính năng động của chàng trai? Rõ ràng là trước sau gì ông cụ cũng phải chịu thua, không thể trì níu kiểm soát gì được chàng trai trẻ.

Thấy tôi chẳng nói gì, Tri kín đáo thở dài một tiếng. Một lúc, anh nói:

“Hoàn cảnh xã hội đã tạo một bức màn ngăn cách giữa tuổi trẻ chúng ta. Có một bức tường thành kiến rõ rệt giữa nhân dân miền Nam và miền Bắc. Anh Khang có thấy vậy không? Anh nói tôi nghe về chuyện đất nước đi, hay anh còn ngại… chưa tin tôi, phải không?”

Tôi cười, nói:

“Anh lầm rồi. Anh không nhớ rằng những hoạt động trước đây của tôi, cùng với bao nhiêu bản tự khai của tôi viết cho các anh, đã là cách thẳng thắn bày tỏ quan điểm của tôi rồi đó sao? Nếu sợ thì tôi đã không làm, anh ạ. Có điều, lâu nay các anh chỉ giảng tôi nghe lập trường và quan điểm chủ nghĩa xã hội với lý tưởng cộng sản… nên tôi mới mở miệng nói lời đôi co. Nay anh nói theo cách khác, cách mà anh thực sự nghĩ trong đầu, thì tôi thích thú lắng nghe, ngạc nhiên mà lắng nghe, chứ không phải tôi không muốn trao đổi. Quan điểm của tôi thì quá rõ ràng rồi, anh đã đọc thấy trong các bản tự khai của tôi. Anh đâu cần phải nghe thêm. Bây giờ đến lượt anh nói đó. Anh nói tiếp đi, tôi thực sự muốn biết tuổi trẻ các anh, những người sinh ra và trưởng thành trong chế độ cộng sản thực sự nghĩ gì về hiện trạng khổ đau của dân tộc cũng như viễn ảnh tương lai của đất nước.”

Tri gật đầu, mắt sáng lên long lanh, hăng say nói:

“Theo một vài người bạn trẻ của tôi ở ngoài Bắc, thì đa phần người dân miền Nam cứ một mực cho rằng chúng tôi là thứ cần phải trừ khử, tiêu diệt, mới mong đem lại hạnh phúc, ấm no cho đất nước. Anh Khang có thấy đó cũng là một thứ thành kiến không? Khi người cộng sản nghĩ rằng chỉ có họ đúng, còn những người không cộng sản thì sai, họ đã có thành kiến nặng phải không anh? Thế thì khi những người không cộng sản một mực cho rằng cộng sản là sai, chẳng phải họ cũng có thành kiến đó sao?”

“Đúng là cả hai bên đều mang thành kiến.”

“Thế theo anh Khang, chúng ta phải làm gì để giải tỏa cái thành kiến đó? Chẳng phải rằng chúng ta, tuổi trẻ Việt Nam, phải ngồi lại nói chuyện với nhau để thảo luận về một hướng đi mới cho dân tộc không?”

Tôi vui mừng nói ngay:

“Phải, chúng ta phải đối thoại trong tinh thần dân chủ. Hai bên phải gạt bỏ hết những chủ thuyết, những lý tưởng, những lập trường này, lập trường nọ, để lắng nghe nhau, phác họa một con đường mới cho dân tộc. Chúng ta phải học cái tinh thần tự do dân chủ, vì chỉ có tự do dân chủ thực sự, chúng ta mới phá được cái bức tường thành kiến đó mà thôi. Nhưng đất nước chúng ta, hay nói cho đúng hơn, các nhà cầm quyền trên đất nước ta, chưa bao giờ biết áp dụng dân chủ. Người ta luôn luôn muốn đàn áp tinh thần dân chủ vì đó là cách duy nhất để bảo vệ quyền lợi chấp chính của họ. Cứ như vậy thì bảo sao có tiến bộ, có đổi thay… và làm sao trách được là có những lực lượng phản kháng nổi dậy.”

“Phải rồi, chắc chắn người miền Nam quen với nề nếp đấu tranh đòi cái quyền tự do bình đẳng sẽ không thể nào chịu ngồi yên trước một chế độ khắt khe như chế độ xã hội chủ nghĩa. Các anh đứng lên phản kháng là chuyện ắt phải có. Nhưng rồi anh cũng biết đấy, không có chính quyền nào chịu ngồi yên để cho các lực lượng phản kháng nổi dậy cả. Họ phải dập tắt để giữ gìn an ninh xã hội, cũng là cách để bảo vệ quyền bính của họ nữa chứ. Thành thử, kẻ phản kháng và chính quyền trở thành hai đối lực không thể ngồi chung với nhau được. Buồn là buồn ở chỗ đó. Chúng ta muốn nói chuyện với nhau, nhưng sẽ không bao giờ có cơ hội. Hoặc là các anh vào tù, hoặc là chúng tôi vào tù. Chúng tôi không muốn thất bại, không muốn mất quyền bính, thì chúng tôi phải dẹp các anh. Mà cái điều khổ cho thành phần tuổi trẻ, hay nói đúng hơn, thành phần cán bộ trẻ như tôi, là trong khi mình ôm cái hy vọng là có cơ hội bắt tay với những người trẻ khác trên khắp đất nước để tiến hành một cuộc vận động xây dựng kiến thiết xứ sở thì cấp trên…–ừ, mấy con ốc tán rỉ sét đã bám chân cứng ngắt vào giàn máy, không sao vặn mở ra nổi–cứ lệnh cho mình phải đi bắt, đi dẹp, đi xử… những anh em bạn bè của mình. Oái oăm là ở chỗ đó. Mình không làm thì mình chết, còn làm thì vô tình cứ trở thành kẻ thù, trở thành đối lực của nhau…” Tri đưa gói thuốc mời tôi, rồi rút một điếu khác, đưa lên môi, bật lửa, tiếp, “cho nên… anh Khang biết không, cấp trên bảo tôi vào Nam thẩm tra vụ án của anh Khang, tôi rất thích thú, và nói thật, tôi rất hân hạnh làm việc, nói chuyện với anh. Anh còn trẻ hơn tôi ba, bốn tuổi, nhưng tôi không dám nhìn anh như một người bạn… mà phải hơn thế kia. Anh như một người anh, một người thầy thì đúng hơn. Thảo nào nhiều người quý mến và nghe lời anh đến thế. Tôi không nhìn anh như các nhân sự khác trong lực lượng Phục quốc, bởi vì đa phần những người của lực lượng này đều ít nhiều có dính dấp đến chế độ cũ: hoặc là sĩ quan quân đội, hoặc là cán bộ công chức cao cấp. Những người ấy họ tham gia phong trào Phục quốc là để lấy lại những gì họ đã mất… Tôi đánh giá lực lượng Phục quốc như thế. Phục quốc là muốn lấy lại nước của họ, nước của họ là chế độ Cộng hòa miền Nam trước đây–một chế độ mà nhà nước miền Bắc không thể nào chấp nhận, và cũng chẳng phải là điều mà bọn trẻ miền Bắc chúng tôi mong đợi. Nếu lý tưởng Phục quốc là như thế thì… nói xin lỗi, cũng chẳng có gì đáng để tôi để bụng lắm đâu. Chẳng qua cũng giống như một số vụ án chống đảng, âm mưu lật đổ chính quyền nhà nước do những đảng viên Cộng sản điều động chủ trương. Họ cũng làm cách mạng đấy, nhưng cách mạng để hồi phục chỗ đứng, chỗ ngồi của họ… hoặc để đòi hỏi một thứ bình đẳng quyền lợi nào đó trong cái mâm cỗ ‘đảng viên ưu đãi’ mà họ nghĩ là họ phải được hưởng. Từ nhiều năm nay, cách mạng trong nước ta chỉ có ý nghĩa như thế: lấy lại những gì mình bị mất hoặc đòi hỏi ăn đồng chia đều! Hờ, cách mạng như thế thì chẳng có ý nghĩa gì cả trong mắt tôi. Nhưng chính vì trong lực lượng Phục quốc có anh, một tu sĩ Phật giáo đã lìa bỏ cuộc đời từ thuở bé, bản thân không dính dáng gì đến chính quyền cũ, nên mới khiến tôi có cái nhìn khác đi về lực lượng Phục quốc. Anh đứng lên làm công cuộc cách mạng không phải để ‘phục quốc’ hay hồi phục lại cái gì đã mất mà để tìm kiếm một cái gì đất nước này chưa từng được hưởng. Anh đứng lên vì tương lai đất nước chứ không phải vì cái dĩ vãng vàng son hiển hách nào đó của những người thuộc chế độ cũ. Và cũng chính vì ông Trần Văn Lương khôn khéo móc nối anh, nhờ anh đẻ ra cho Phục quốc một cương lĩnh cao đẹp nên mới tạo được cái chính nghĩa rực sáng cho lực lượng ấy thôi. Tự thân lực lượng Phục quốc chỉ có chính nghĩa đối với người dân miền Nam cảm tình với chế độ cũ hoặc những người không đội trời chung với cộng sản; nhưng nhờ ước vọng cao đẹp của anh về tương lai đất nước gói ghém trong đường hướng và cương lĩnh của lực lượng, nó trở nên có chính nghĩa, hoặc ít nhất là có một gợi ý hấp dẫn, đối với cả những người miền Bắc cấp tiến muốn thay đổi đất nước. Nói cho cùng thì ông Lương nắm tất cả nhân lực, nhưng tinh thần của Phục quốc thì do anh thổi vào. Một số nhân sự Phục quốc khai rằng họ thấy cương lĩnh Phục quốc hay và hợp lý quá nên tham gia chứ không biết ông Lương là ai cả. Từ ngoài Bắc, tôi có đọc qua số tài liệu tịch thu được của Phục quốc. Tôi thích lắm… Rất tiếc là tôi phải làm công tác của tôi thôi. Trách nhiệm mà. Nhưng anh Khang à… không sao đâu. Cái chuyện tôi vừa nói chỉ là nhận xét của tôi chứ cán bộ chấp pháp các cấp dưới không đánh giá anh như vậy đâu. Họ đánh giá theo chức vụ thôi. Cho nên anh thấy đó, trong biên bản kết cung đâu có nói gì… phải không? Chỉ nói đơn giản là anh có hợp tác, giúp soạn viết tài liệu… chứ không nhấn mạnh tầm quan trọng hay tác dụng của tài liệu đó. Tóm lại là… họ không kết án anh nặng lắm đâu. Dĩ nhiên chuyện án nặng hay nhẹ chẳng phải là điều anh quan tâm, tuy thế, ở cương vị tôi, một người bạn trẻ quý mến anh, tôi lại muốn làm một cái gì đó để giúp anh nhẹ bớt… chắc anh hiểu. Nhưng tôi cũng chẳng làm gì được. Cái chuyện xét xử thì do bên Viện Kiểm sát. Phần vụ của tôi là điều tra nội vụ, thụ lý hồ sơ thôi. Tôi đã cố gắng hết sức để tránh bớt được cho anh chừng nào hay chừng nấy… nhưng cũng có chừng mực thôi. Vả lại, các bản tự khai của anh nói thật quá, tôi chẳng làm sao khác hơn dược. Chẳng hạn cái vụ của anh Thiện Đắc, nếu anh không nhận thì cũng chẳng ai biết là anh. Đôi khi tôi muốn điều chỉnh hoặc góp ý anh… là nên khai như thế nọ thế kia cho nhẹ bớt tội, nhưng nghĩ lại thấy rằng điều đó chỉ tổ làm phụ lòng anh mà thôi. Anh đâu cần được giúp đỡ theo cách đó. Anh đã quyết định nói thẳng từ đầu đến cuối, quyết định chấp nhận mọi hậu quả thì phải để anh toại ý… Dù sao, tôi vẫn hy vọng một ngày rất gần, anh được tự do. Tôi sẽ theo dõi xem tình trạng mức án của anh để chờ đón anh. Tôi muốn gặp anh ở một hoàn cảnh khác, không phải trong một trại giam, cũng không phải trong cương vị một cán bộ ngành nội vụ với một người đối lập với chính quyền nhà nước. Ngày gặp nhau, sẽ là một ngày tươi đẹp, sáng sủa hơn bây giờ nhiều… Ngày ấy là ngày của tuổi trẻ chúng ta.”

Tri nói đến đó thì đôi mắt lại rưng rưng và cái mũi anh đỏ ửng lên. Tôi ngạc nhiên nhìn anh một cách kín đáo. Anh có vẻ là một anh chàng công tử bột hoặc một nhà thơ, một họa sĩ, chứ không phải là một cán bộ thuộc ngành nội vụ. Da dẻ anh trắng trẻo, một loại nước da láng mịn như con gái. Đôi mắt anh long lanh với hàng lông mi hơi cong. Mái tóc mềm với những sợi quăn cúp sát vào da đầu. Rõ ràng đó là cái tướng mít ướt đa cảm nhẹ dạ quen thuộc. Cái tướng đó nhạy cảm và dễ khóc, thương ai thì thương hết lòng, làm việc gì thì làm chí thú đam mê, lúc nào cũng nghĩ một cái gì tốt đẹp cho người khác mà quên cái hại sẽ rước vào thân… Ôi, cái hạng người ấy làm sao có thể tồn tại được giữa một xã hội khô khan cứng ngắt như “cái giàn máy” với những chiếc răng cưa khổng lồ từng phút từng giây nghiền nát mọi yếu tố thơ mộng riêng tư… Ôi, mảnh đất khô cằn với chất phân bón đầy độc tố ở ngoài kia, làm sao có thể sản sinh được một con người như thế kia nhỉ? Chắc còn nhiều người khác nữa chứ không phải một mình anh chàng Tri dối diện mình. Họ sinh ra và lớn lên trên mảnh đất cằn cỗi ấy, dưới sự chụp phủ của cái giàn máy khổng lồ ấy, thì tự dưng phải suy tư, nói và hành động theo khuôn. Nhưng ở đâu cũng vậy, phải có những ngoại lệ. Và ngoại lệ ấy thường khởi đi từ những con người dị cảm kiểu như Tri.

Thấy Tri im lặng vì còn đang cố che giấu cảm xúc, tôi nói:

“Tôi biết đợt khai cung với anh là đợt khai cung quyết định mức án của tôi: qua đó, tôi đã sẵn sàng chấp nhận mọi hậu quả có thể ảnh hưởng đến sinh mạng của tôi nữa. Vì vậy, tôi không có hy vọng được trả tự do sớm đâu. Nhưng tôi hy vọng rằng, tôi sẽ cùng với những người tuổi trẻ yêu thương đất nước này, nếu có nằm xuống thì xin nguyện làm chất phân bón tươi tốt để ươm mầm xán lạn hơn cho tương lai của các thế hệ sau vươn dậy.”

Nghe tôi nói vậy, Tri càng xúc động hơn. Tay anh run bần bật, cố gắng rút ra một điếu thuốc, ngậm vào môi, mặt cúi thấp, mồi lửa. Một lúc, anh nói:

“Tôi tiếc cho anh quá. Phải chi… phải chi… Hơ, tuổi trẻ chúng ta thật bất lực. Chúng ta chỉ có mặt để phục vụ cho người lớn.”

Tôi bật cười:

“Nếu không khéo, chúng ta cũng sẽ trở thành những người lớn và bắt bọn trẻ sau này phục vụ chúng ta đó.”

Tri cũng cười theo. Nụ cười thật buồn. Chúng tôi ngồi im lặng, hút thuốc. Không còn gì để nói nữa. Một lúc, Tri đứng dậy, bắt tay tôi:

“Thôi, anh về lại phòng nhé. Chúc anh nhiều sức khỏe. Mong gặp lại anh một ngày nào đó thật bất ngờ.”

Tôi gật đầu, không biết nói gì. Tri tiễn tôi đến dãy hiên ngoài của văn phòng trưởng trại, ở đó có Phương và một anh cán bộ đang ngồi lật sổ tính toán gì đó. Thấy Tri bước đi song song với tôi có vẻ thân mật bình đẳng, Phương nhìn với đôi mắt lạ lắm, như có một vẻ nghi kỵ gì đó. Chờ tôi và Tri bước lên bậc thềm, Phương nói với Tri:

“Đồng chí để anh ấy đây, tôi cho người đưa vào,” rồi Phương quay sang tôi, “anh Khang làm việc bữa nay với bộ nội vụ là kết thúc rồi hả? Khỏe rồi nghen.”

Tôi cười, không nói. Tri nhìn tôi lần cuối rồi lặng lẽ băng qua khoảng sân rộng, hướng về phía cổng trại. Tôi ngồi một lúc thì được một cán bộ bảo vệ đưa về phòng giam. Vừa vào tới khu vực sân chơi, tôi bỗng nhác thấy bóng dáng Thiện Đắc với bộ đồ vạt khách ngắn, tay xách giỏ, hướng về phía cán bộ trực. Có lẽ Thiện Đắc được trả tự do. Ôi, mừng thay cho anh ấy! Như vậy là bản tự khai về chuyện tự thiêu của tôi đã có tác dụng. Cám ơn Tri. Cám ơn Tri lắm.

***

Về phòng giam, tôi là người ăn cơm sau cùng. Mọi người đang nghỉ trưa. Ăn xong, tôi giăng mùng mà không ngủ được. Cứ suy nghĩ vẩn vơ về những lời thổ lộ chân tình của Tri cũng như hình ảnh Thiện Đắc xách giỏ đi về. Có một cái gì buồn buồn thấm vào tim tôi theo làn gió buổi trưa chốc chốc làm lung lay nhè nhẹ cái mùng. Tôi như một người bị mất bạn, hay như một người chết bị bỏ lại một mình trong nghĩa địa sau cái đám tang rình rang những người thân và người phúng điếu. Hôm nào được tự do trở về, có lẽ tôi sẽ tìm được Thiện Đắc ở căn nhà trên đường Nguyễn Thiện Thuật. Còn Tri, anh chàng cán bộ Hà Nội làm cái ngành dữ tợn tráo trở không thích hợp với cá tính kia, về tới Hà Nội là chìm lỉm trong giàn máy, làm gì có cơ hội để gặp lại! Ôi, những người bạn trẻ đầy nỗi băn khoăn thao thức cho tương lai đất nước! Phải chăng chúng ta chỉ có thể nói với nhau đôi lời để ngậm ngùi, để thầm khóc, thầm uất nghẹn, rồi thôi? Và giàn máy cứ tiếp tục quay, tiếp tục nghiền nát bao nụ chồi xanh tươi? Còn có gì để nhắn nhủ với nhau nữa chăng?

Nằm một lúc thì kẻng báo thức đã vang lên từng hồi khô khan, chói tai. Phòng giam chộn rộn lên. Ai nấy lo thu dọn mùng chiếu theo nội qui. Tôi đang rửa mặt thì nghe tiếng vỗ tay bôm bốp. Lại có cán bộ vào.

“Vĩnh Khang, ra làm việc,” cán bộ cầm mẩu giấy gọi lớn.

Tôi bước vội ra ngoài. Quái lấy áo quần đưa ra phía cửa sổ cho tôi mặc thật nhanh để đi theo viên cán bộ.

Ra đến khu vực văn phòng trại, tôi lại gặp Phương. Phương nhoẻn miệng cười với tôi, nói:

“Tưởng vụ của anh đã xong hồi sáng rồi chứ. Không biết sao chiều nay đồng chí ấy lại quay trở lại. Anh đứng đây chờ một chút há, đồng chí ấy sẽ ra ngay.”

Phương vừa dứt lời đã thấy Tri từ phía căn phòng khi sáng chúng tôi ngồi nói chuyện bước vội về hướng tôi. Đến sát bên tôi, Tri nói nhỏ:

“Mình ra ngoài phòng ấy đi,” nói rồi Tri bước trước, tôi bước theo sau.

Vào phòng rồi, Tri đứng tần ngần nhìn ra ngoài trời một chốc rồi đóng cửa chính lại, mở hé cửa sổ phía sân trại, mở toang cửa sổ phía đường cái. Trở lại bàn, Tri vừa ngồi xuống vừa nói:

“Tôi bảo ông Tuân về trước bằng xe cơ quan ngay buổi xế hôm nay, còn tôi thì đến sáu giờ chiều mới đi bằng tàu hỏa ra Nha Trang có chút việc, sau đó mới ra ngoài Bắc. Như tôi có nói, tôi muốn ghé thăm ông bà cụ của anh. Anh Khang cần nhắn gởi gì không? Giấy bút với phong bì này, anh viết đi, viết tự do những gì anh muốn, tôi sẽ mang ra cho ông bà cụ.”

Tôi lắc đầu, cám ơn.

“Anh Khang vẫn chưa tin tôi sao?”

“Không phải vậy. Tôi… tôi không muốn lợi dụng bất cứ cái tình riêng nào để rồi phiền lụy đến người khác.”

Tri bật cười:

“Anh tưởng rằng mấy người cán bộ ở trại này dám lục xét tôi sao?”

“Không phải… nhưng…”

Tri dúi giấy bút vào tay tôi:

“Thôi, không nhưn nhị gì cả, viết đi, viết vài dòng cho ông bà cụ thấy được tuồng chữ của anh mà yên lòng. À, vừa viết vừa uống cà phê đi nhé. Trời nóng quá nên tôi mua cà phê sữa đá.”

Vẻ chân tình của Tri khiến tôi không ngần ngại nữa, cầm bút viết ngay vài dòng cho ba mẹ tôi. Viết xong tôi đưa cho Tri nguyên trang giấy không xếp lại, ngầm ý rằng Tri có thể đọc kiểm duyệt, nhưng Tri không đọc; anh xếp vội lá thư, bỏ vào bì rồi tự anh liếm phong bì, dán kín lại, đẩy phong bì đến phía tôi:

“Anh đề bì luôn.”

Tôi cảm động, cúi xuống viết lên bì rồi đưa Tri:

“Cám ơn anh.”

Tri xua tay, nói:

“Anh còn muốn nhắn gì thêm ngoài lá thư này không?”

“Không, nhưng tôi muốn biết một điều, chẳng biết anh có thể nói thực tôi nghe không?”

“Anh cứ tự nhiên.”

“Hồi trưa tôi thấy Thiện Đắc xách giỏ bước ra khỏi khu trại, có phải anh ấy được về không?”

“Phải, anh ấy được trả tự do. Thì cũng nhờ cái bản tự khai của anh xác nhận rằng chuyện tự thiêu là do anh chứ không có Thiện Đắc dính vào. Tôi tức tốc lo giải quyết vụ đó ngay, đây là ý kiến của anh mà, phải không?”

“Phải, cám ơn anh.”

“Có gì đâu. Thực ra chuyện Thiện Đắc bị bắt cũng là cái chuyện tầm phào của công an Sở thành phố Hồ Chí Minh. Họ chỉ làm cho có chuyện, làm để chứng tỏ sự tích cực trong dịp 30 tháng 4 mà thôi. Bỏ qua chuyện đó đi, mình nói chuyện khác há. Anh Khang còn muốn nói gì với tôi trước khi chia tay không?”

Tôi mỉm cười, chưa biết nói gì. Tri đưa thuốc mời tôi. Chúng tôi im lặng hút thuốc, uống cà phê. Nắng buổi chiều chiếu xiên vào cửa sổ phía sau lưng tôi, tạo một ô ánh sáng hình chữ nhật dưới đất, phản chiếu lên khuôn mặt Tri, cho thấy cái vẻ bịn rịn tội nghiệp của anh chàng cán bộ miền Bắc xa xôi này. Anh nhấc ly cà phê lên uống, đôi mắt lớn nhìn tôi như muốn khẩn cầu một điều gì. Một lúc, anh nói:

“Ở ngoài Bắc, tôi không có bạn,” ngưng một lúc, anh tiếp, “chỉ có các đồng chí.”

Tôi cười nói:

“Ở trong Nam này, tôi lại có rất nhiều bạn nhưng khá ít người đồng chí.”

“Như thế tốt hơn chứ, phải không? Đồng chí chỉ quan hệ với nhau qua công tác và một thứ lý tưởng nào đó, còn tình bạn thì thường khi khởi đầu bằng cái chân tình hay cái xúc cảm về… về cái… gì nhỉ?”

“Xúc cảm đồng phận,” tôi tiếp lời, rồi bỗng xúc cảm nói luôn một hơi, “chúng ta sinh ra trên đất nước này là để lớn lên trong cái đồng phận khốn khổ của tuổi trẻ quê hương… để rồi từ cái đồng phận khốn khổ mù lòa ấy, chúng ta cố tình hủy diệt nhau, vô tình chém giết nhau…”

“À, phải rồi, đồng phận, đồng phận, chữ hay quá. Tuổi trẻ Việt Nam có mặt một cách mù lòa, vô cảm theo chứng di truyền bệnh hoạn của một lũ người lớn cuồng si điên loạn…”

Nói đến đó, Tri hơi cúi mặt xuống, kéo dài một hơi thuốc, phà khói với đôi mắt lim dim, mặt đỏ lên như một anh chàng say, nói tiếp với giọng rưng rưng:

“Anh Khang ơi, anh có hiểu được nỗi khổ của tôi, của một người quý mến anh, cảm phục con đường anh chọn, nhưng phải ghi xuống trên văn bản những lời buộc tội anh không?”

Tôi cười:

“Đâu phải lỗi anh. Anh không lấy cung thì có người khác lấy cung. Huống gì tôi đâu hối tiếc về việc làm của tôi.”

Tri thở dài. Phà khói thuốc. Khói thuốc cuồn cuộn nổi lên theo luồng nắng.

“Nếu anh Khang cũng sinh ra và lớn lên ở ngoài Bắc như tôi, không biết anh sẽ ra sao nhỉ? Anh có giống tôi không? Anh sẽ làm gì anh nhỉ?”

“Tôi sẽ bỏ chùa đi làm cách mạng.”

“Ngoài Bắc không có tu sĩ trẻ như anh đâu, chỉ có mấy sư cụ bảy tám mươi tuổi, làm kiểng cho chính sách tự do tôn giáo của chế độ thôi. Anh không thể là tu sĩ đâu. Anh là một thi sĩ, một văn sĩ, hay là một cán bộ của nhà nước, như tôi vậy thôi. Vậy rồi anh làm gì, nói gì, nghĩ gì?”

“Lên đường làm cách mạng.”

“Anh sẽ chết anh Khang ạ.”

“Vâng, tôi sẽ chết, giống như bây giờ, tôi cũng sẽ chết.”

Tri nhìn sững tôi một lúc, rồi gật đầu nhẹ, mắt nhìn ra cửa sổ, suy nghĩ gì đó, một lúc, anh nói:

“Nhìn tướng anh thấy hiền, mà sao anh cứng rắn, liều mạng quá. Tôi… chuyến này về Bắc chắc tôi bị lây cái tính của anh! Không chừng một ngày nào đó tôi với anh Khang gặp nhau trong trại giam này với tình đồng chí, đồng nghiệp đó nghe.”

Chúng tôi cùng cười.

“Anh Khang à, khi trưa tôi có đi một vòng quanh chợ, mua cái này làm quà cho anh,” nói rồi, Tri đứng dậy lôi từ góc tủ ra một cái giỏ đệm cỡ nhỏ nhưng có vẻ khá nặng. “Đây chẳng có gì nhiều, chỉ là chút quà tôi biếu anh để gọi là tỏ lòng quý mến thôi. Nếu anh có thể xem tôi như một người bạn, xin anh vui mà nhận cho.”

Tôi xua tay nói:

“Không dược. Tôi không nhận đâu. Tình bạn thì nhận, còn quà này xin anh miễn cho.”

“Sao thế anh Khang? Anh không nhận tôi buồn lắm. Đây là của tôi biếu anh, có phải đâu là của đảng hay nhà nước. Quên phứt cái giàn máy, quên phứt đi cái chuyện tôi là cán bộ, anh là phạm nhân… nếu chúng ta là bạn, thì chút quà này chẳng phải là điều biểu lộ bình thường tự nhiên sao?”

“Không được. Tôi chẳng hiểu tại sao không được, nhưng tự trong lòng, tôi thấy bứt rứt khó chịu như thế nào đó. Tóm lại là tôi không thấy thoải mái để nhận giỏ quà của anh. Cám ơn anh và xin lỗi anh vậy.”

Tri chưng hửng một lúc rồi nói:

“Hay anh ngại sự dị nghị của bạn tù trong phòng giam?”

“Ơ… hình như đó cũng là một trong những lý do. Tôi không muốn công khai nhận một tình bạn mới–qua món quà vật chất–để đánh đổi bao nhiêu tấm lòng của những người bạn cùng cảnh ngộ. Cái tình bạn giữa anh và tôi… chẳng có thể giải thích được với ai. Thôi thì âm thầm ghi nhận. Không cần biểu lộ bằng cách này. Từ sáng đến giờ nói chuyện với anh khá nhiều, tôi đã hiểu được phần nào cá tính, tâm trạng và tấm lòng của anh. Vậy đủ rồi anh Tri ạ.”

Tri gục gặc nhưng mặt cũng buồn dàu dàu:

“Thôi thì theo ý anh vậy. Anh Khang, thôi mình chia tay. Anh giữ gìn sức khỏe nhé,” nói rồi Tri đứng dậy, đưa một tay ra bắt tay tôi. Anh xiết chặt tay tôi một lúc.

“Chào anh. Thượng lộ bình an nghe,” tôi nói.

Tri bỏ giỏ quà lại trong phòng đó, tiễn tôi băng qua sân trại để hướng về phía dãy văn phòng chính. Đi một khoảng ngắn, Tri dừng lại, ngập ngừng một lúc rồi nói nhỏ:

“Anh Khang à, nếu một ngày nào đó họ đưa anh ra xử án mà kết án tử hình… anh nhớ xin chống án nhé. Vì theo kinh nghiệm nghề nghiệp, tôi biết rằng nếu bị can xin chống án thì thường thường là được giảm án. Anh phải sống, anh Khang à. Đôi khi trong cuộc đời, mình cũng phải làm bộ yếu mềm, nhu nhược đi một chút mới tồn tại được để tiếp tục con đường mà mình chọn lựa. Cách duy nhất để tồn tại trong xã hội này là phải dối. Từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, đều phải dối nhau, giả đò tin tưởng nhau mà sống. Anh không sống được bằng cách đó thì cũng nên tự cho phép mình một lần vào dịp chống án đó, nhé anh.”

Tôi mỉm cười, gật đầu, nhưng không chắc là mình gật đầu ưng thuận về cái gì.

Đưa tôi đến thềm hiên, giao tôi cho Phương xong, Tri quay ra phía căn phòng khi nãy. Tôi đứng lại bên thềm hiên nhìn mây trắng bay qua khoảng trời xanh rộng bát ngát. Chỉ một lúc ngắn thì đã có anh chiến sĩ bảo vệ bước ra, dẫn tôi về lại phòng giam.

Chờ tôi cởi bỏ áo và quần dài ra rồi, anh trưởng phòng trờ tới tôi, hỏi:

“Sao, bữa nay đã kết thúc chưa? Thiệt tình chưa thấy ai bị kêu ra làm việc nhiều như thầy. Chúng nó quần ông thầy cả mấy tháng, hết đợt này tới đợt nọ. Thầy đạt kỷ lục khai cung của trại giam rồi đó.”

“Có lẽ bữa nay bắt đầu yên, chỉ còn chờ đưa ra tòa nữa thôi.”

Tôi vừa dứt lời đã nghe tiếng vỗ tay bôm bốp. Lại có cán bộ vào. Phòng giam im lặng chờ đợi. Khoa bước đến chỗ lồng khung, theo sau là một anh nuôi xách một cái giỏ đệm. Khoa đảo mắt nhìn quanh phòng một lúc rồi nói:

“Anh Khang, có gia đình thăm nuôi đột xuất,” nói rồi Khoa mở cửa cho anh nuôi đưa cái giỏ vào trong.

Khoa đi rồi, phòng giam nhốn nháo cả lên.

“Rồi, ông thầy lại có thăm nuôi!”

“Sao lại thăm đột xuất vậy ta? Tháng trước ông thầy đã được thăm nuôi thì gia đình phải biết thể lệ thăm nuôi là vào ngày 15 với 30, vậy sao lại thăm đột xuất?”

“Thôi, thắc mắc mà làm gì, ông ấy có thăm nuôi thì mừng cho ông ấy!”

Tôi lẳng lặng bước đến chỗ giỏ quà, nhìn thoáng là biết ngay giỏ quà của Tri đã đưa tôi khi nãy. Tôi chỉ đứng nhìn cái giỏ chứ không xách mang về chỗ của mình, cũng chẳng đụng vào nó. Tôi đứng lưỡng lự một lúc rồi nói:

“Cái giỏ này đột xuất có nghĩa là cái giỏ mà tôi không chờ đợi. Vậy tôi biếu hết cho mấy anh em chưa có thăm nuôi,” nói rồi tôi quay về chỗ tôi.

Cả phòng reo lên. Anh trưởng phòng chạy lại bên tôi, hỏi lại:

“Sao, vậy là sao? Làm cái gì kỳ cục vậy? Sao không nhận quà chứ?”

“Nhận rồi đó, nhận rồi biếu lại. À, hay anh giúp tôi phân chia giỏ quà ấy cho mấy người chưa có thăm nuôi, được không? Anh làm trưởng phòng thì anh làm chuyện đó hay hơn ai hết mà!”

Trưởng phòng ngó tôi:

“Thiệt sao?”

“Thiệt, giúp tôi đi.”

Vậy là anh trưởng phòng tập họp mấy người “mồ côi” lại, chia đều cái giỏ. Phòng giam bấy giờ chỉ còn ba người chưa có thăm nuôi. Chia xong, anh trưởng phòng trở lại chỗ tôi, nói:

“Nè, bộ của cô nào tặng hay sao mà không dám nhận, nhận thì sợ lụy tình sao chớ? Hì hì, nói giỡn với thầy chơi chứ không có ý gì đâu. Mấy chàng mồ côi vui dữ, tự nhiên lại trúng mánh. Có một hủ chao, một bình nước tương, một bịch đường cát trắng, một kí đường tán vàng, một kí muối bọt, lại có cả sáu gói thuốc Sông Cầu với nửa cây thuốc rê Tam Hiệp. Ông Lực với thằng Tân thì chia nhau mấy gói thuốc Sông Cầu, còn thằng Ken thì ôm trọn nửa cây thuốc rê. Đã quá. Không phải gia đình của thầy thăm, phải không? Ừ, tôi cũng đoán vậy, vì quà thăm nuôi không giống như tháng trước. Kỳ này mua đồ của chợ Biên Hòa thôi mà.”

Tôi không nói gì, sửa soạn ăn cơm chiều.

Sau khi điểm danh, cửa sắt đóng lại, đèn phòng bật lên, bỗng thấy Ken lần dò đến bên cạnh tôi, dúi vào tay tôi một mẩu giấy, nói nhỏ:

“Thầy Khang à, có một mẩu giấy nhét trong thuốc rê, chắc của gia đình nhắn tin với thầy đó. Thầy cầm đi, coi chừng có đứa biết nó báo quản giáo đó.”

Tôi vo mẩu giấy trong tay, vờ đi vòng vòng trong phòng giam một chặp rồi đến bên cửa sổ, đứng yên một lúc cho không ai để ý mới mở ra, đọc dưới ánh mờ của một ngọn đèn ngoài hiên hắt đến.

Anh Khang, xin lỗi anh nhé, tôi muốn anh nhận gói quà này. Tự tay tôi đi chợ mua sắm lấy để biếu anh, lẽ nào anh từ chối. Tôi nói với ban trực trại là của gia đình anh nhờ tôi mang vào giúp. Dĩ nhiên là họ không thể không nhận. Thế thì anh cũng vui lòng nhận cho tôi vui nhé. Cho dù cái giàn máy có nghiền nát tôi ở miền ngoài, tôi vẫn luôn nhớ rằng tôi có một người bạn rất cao đẹp ở miền trong, một người con chí hiếu của quê cha đất mẹ chứ không phải của bất cứ chế độ nào. Và dù thế nào đi nữa, tôi vẫn luôn tin tưởng rằng tương lai đất nước là của tuổi trẻ chúng ta. Mong ngày hội ngộ. T.”

Tôi vò mẩu giấy lại, nói thầm: “Vâng, tương lai đất nước là của những người tuổi trẻ chúng ta.”

Tôi bước đến tìm Ken:

“Anh Ken, cho tôi một điếu thuốc rê đi.”

”Đây nè, thuốc này của thầy cho tôi, thầy muốn lấy bao nhiêu lại chẳng được, lấy nguyên nửa cục này đi.”

“Không, một điếu thôi, một điếu để khỏi phụ lòng một người bạn phương xa.”

Rồi tôi đứng bên cửa sổ, phà khói thuốc vào màn đêm.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]