Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương bốn

14/10/201310:26(Xem: 13696)
Chương bốn

coitroi1


Chương bốn

Tôi kể ngang đó thì nàng có vẻ ngồi không yên. Nàng đứng dậy, bước đến chỗ bàn nước lấy cái bình thủy, lại châm thêm nước sôi vào bình trà. Tôi lặng lẽ nhìn theo. Đầu mày nàng nhíu lại, lộ một tí bất mãn, một tí hoài nghi. Hình như nàng muốn nói điều gì đó mà chưa nói được hoặc đang lựa lời mà nói. Chờ nàng ngồi trở lại vào ghế, tôi đốt thêm điếu thuốc khác, định kể tiếp thì nàng bất chợt hỏi.

“Anh thực sự đã xả giới, không còn là thầy tu trước khi vào tù? Trước cả khi quen Mộng Huyền?”

“Ừ,” tôi đáp.

“Như vậy…” nàng do dự không nói hết câu.

“Như vậy đâu cần phải gìn giữ chuyện ăn chay cho nhọc xác rồi đổ bệnh, phải không?”

“Phải rồi, với lại… anh đâu cần từ chối tình yêu của Mộng Huyền… Hay chỉ là lúc đó? Sau này gặp lại Mộng Huyền thì anh khác?”

“Đó là lần chót, sau này không bao giờ gặp nữa. Mộng Huyền đã chết trên biển.”

Nàng sửng sốt một lúc không nói nên lời. Tôi xua tay tỏ ý là chuyện ấy đã qua lâu rồi, không quan trọng lắm đâu. Và tôi tiếp tục kể câu chuyện tù dang dở.

***

Tôi ngủ thêm được một giấc ngắn, cho đến khi kẻng báo thức gióng vang. Tôi ngồi dậy, nhìn quanh cảnh phòng giam, tự dưng thấy mới. Hơn một tháng vào phòng giam, vừa xong chuyện khai cung lại rơi vào những ngày bệnh nằm liệt, tôi hầu như không để ý gì lắm đến những bạn tù chung phòng. Họ có đó mà như không. Bây giờ, tự dưng tôi thấy họ là những người bạn mới, gần gũi. Tôi ngồi im một lúc, mỉm cười chào những người bước qua bước lại.

“Thầy Khang hôm nay có vẻ khỏe nhiều đó nghen,” Vận nói. Ban đầu tôi dặn anh đừng gọi tôi bằng “thầy” anh làm theo, nhưng sau đó, thấy cả phòng ai cũng biết tôi là tu sĩ cả, anh gọi tôi bằng “thầy” trở lại.

“Vâng, thấy khỏe lắm,” tôi đáp.

Vận ngồi vấn điếu thuốc rê, hỏi tôi hút không, tôi nói không. Anh đi mồi thuốc nơi những anh tù người Hoa ngồi tụm một góc, hút thuốc phì phà sau bữa điểm tâm. Một chập anh trở lại, vừa cười vừa nói một câu gì đó mà tôi không nghe rõ. Tôi hỏi lại, anh nói:

“Chưa chắc thấy khỏe trong người là đã qua khỏi cái chết đâu nghe. Cái ông Tàu lớn tuổi kia nói vậy đó. Nói gì mà hồi quang phản chiếu đó… tức là lúc gần chết, người ta thường trải qua một giai đoạn rất tỉnh táo, khỏe khoắn lạ lùng…”

Tôi bật cười:

“Không đâu. Tôi sẽ qua.”

Vận rít thuốc, nghiêng đầu về phía tôi, nói nhỏ:

“Hồi tối hình như thầy Khang có ngồi thiền hay cầu nguyện gì đó, phải không? Chuyện đó phải tránh không thôi tụi nó báo cáo lên cán bộ thì nguy lắm. Tôi nói với thầy hôm đầu tiên mới vào rồi mà.”

“Tôi biết, nhưng lúc ấy khuya rồi, vả lại, tôi chỉ cần một lần thôi, sau này không làm vậy nữa đâu.”

“Chỉ nhắc thầy vậy thôi. À, hôm nay thầy có hy vọng là được thăm nuôi không?”

“Thăm nuôi? Không đâu. Ở chùa hay gia đình tôi chưa biết chuyện tôi bị bắt, làm gì có chuyện thăm nuôi. Tôi bị bắt ngoài đường, tôi quên nói anh biết vậy.”

“Ngoài đường à? Vậy là có chỉ điểm hoặc bị theo dõi rồi. Ớn thật, cái chuyện hoạt động này, sao tôi thấy nghi quá. Hình như có nội gián. Nè, thầy Khang biết không, trong phòng này còn có mấy người Phục quốc nữa đó. Như tay Hà Văn Giang kia kia, nằm nơi góc đó. Hắn ta ở Bàu Cạn, trước 1975 là người nhái, hải quân. Còn ông già ngồi gần cửa sổ kia, tên là Trịnh Viết Bình. Mới vào mấy ngày trước, cũng tham gia Phục quốc. Ông này là trùm giáo xứ Tân Cang, Hố Nai.”

“Cái gì? Trùm giáo xứ Tân Cang à?” tôi hỏi lại.

“Vâng, thầy Khang biết ông ấy sao?”

“Không. Nhưng tôi có một cơ sở hơn một mẫu điều ở Tân Cang… vả lại, tôi biết anh Lương có cha ruột là ông trùm giáo xứ ở đó. Nhưng ông Lương thì họ Trần, còn ông già này, anh nói là họ Trịnh, phải không?”

“Vâng, họ Trịnh. Hờ, tôi nói thiệt thầy Khang nghe, đôi lúc tôi nghi ngờ ông Lương là tay tình báo của cộng sản, giả đò dựng lên Phục quốc để lưới hết đám đối lập tụi mình đó.”

Tôi giật mình khi nghe Vận nói vậy. Mới hôm nào tôi mới vào, chính anh nói là tin tưởng ông Lương tuyệt đối, bây giờ đã có mầm nghi hoặc rồi. Chế độ công an trị của cộng sản cứ gây tạo hết mối nghi này đến mối nghi khác trong lòng người dân, thậm chí vào tù rồi cũng không khỏi. Tôi nghĩ nếu một chí sĩ bị bắt vào tù mà cứ nghi là mình bị ông lãnh tụ gạt thì còn đâu ý chí để phấn đấu và làm gì chịu đựng nổi thử thách ngục tù, Tôi có nhiều lý do để sống còn mà không cần niềm tin vào lãnh tụ (ông Lương không hề là biểu tượng hay là lãnh tụ gì đối với lý tưởng và tinh thần đấu tranh của tôi cả), nhưng Vận thì cần lắm. Anh theo Phục quốc vì tin tưởng lãnh tụ Lương. Tôi an ủi:

“Đừng nghĩ vậy. Theo cách cán bộ Sài Gòn và Đồng Nai hỏi cung tôi lâu nay, tôi tin ông Lương không phải của cộng sản đâu. Ông ấy có lòng thực đó. Công an đang cố công tìm bắt ông ấy, cứ hỏi tôi nơi ẩn náu của ông ấy hoài.”

“Vậy hả, thầy tin ông ấy thực hả?” Vận hỏi lại.

“Tin,” tôi đáp, nhưng ngay sau đó, một thoáng nghi ngờ nổi lên trong tôi.

Có lẽ nào Vận là ăng-ten của cộng sản, muốn điều tra tôi chăng? Xì, lại nghi ngờ bậy bạ nữa rồi! Mới kêu gọi niềm tin của Vận, giờ lại nghi ngờ Vận! Thiệt là hết chỗ nói. Cái xã hội đa nghi này không ngờ cũng ảnh hưởng tâm tình mình dễ sợ như vậy! Tôi xua ngay ý nghi kỵ của mình bằng cách nói thêm với Vận:

“Nói anh nghe này, nếu bây giờ được thả ra mà gặp lại ông Lương, tôi cũng sẽ tiếp tục cộng tác với ông ấy, bày keo khác. Tôi tin ông ấy thực đó.”

Vận gật gù. Hình như đến lúc này anh ta mới thực sự lấy lại được niềm tin đối với lãnh tụ của anh. Chúng tôi ngồi im lặng nhìn bạn tù lăng xăng qua lại. Hôm nay ngày thăm nuôi, cán bộ không mở cửa cho các phòng ra sân chơi. Tù nhân, anh nào anh nấy đứng ngồi không yên. Những người có gia đình thăm nuôi định kỳ, biết trước hôm nay có gia đình mang quà đến, thì tủm ta tủm tỉm ngồi chờ anh nuôi xách giỏ vào đọc tên. Những người chưa được thăm nuôi lần nào thì cứ vây quanh lồng khung, hoặc bu ở hai cửa sổ, nhìn mấy cái giỏ lát do anh nuôi xách vào, hy vọng có chút thân thuộc gì của gia đình gởi gắm nơi đó. Hết giỏ thăm nuôi này đến giỏ thăm nuôi khác được đưa đến tận phòng. Mỗi lần có một hai giỏ để xách vào, mọi người yên lặng lắng nghe đọc tên. Ai có tên thì hí ha hí hửng bước đến lồng khung kéo cái giỏ vào trong; giỏ lớn quá không luồn qua song sắt được thì lấy ra từng món. Ai không có tên thì chuyển niềm hy vọng vào giỏ đồ kế tiếp. Anh nuôi vào thì hy vọng anh xách theo giỏ quà thăm nuôi mình. Cán bộ vào thì hy vọng gọi tên mình ra ngoài gặp mặt gia đình. Nguyên ngày thăm nuôi là ngày của hy vọng. Và tôi, mặc dù đã nói với Vận rằng tôi bị bắt vào đây không người thân nào biết, nhưng tôi vẫn cứ hy vọng là biết đâu, bằng một cách nào đó, gia đình hay vài người bạn tu nào đó của tôi, đã hay tin và sẽ mang quà đến thăm! Sự đói thiếu và kiệt sức khiến tôi cũng có cái hy vọng hão huyền và vô lý như vậy. Mà không phải đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh thăm nuôi ở phòng giam này đâu. Đây là lần thứ ba. Ở đây nửa tháng được thăm nuôi một lần vào ngày 15 và 30; trong hai ngày thăm nuôi đó, có một ngày được gặp mặt gia đình, có nghĩa là một tháng được gặp mặt gia đình một lần. Tôi vào đây ngày 10-6 mà bây giờ là 15-7, tức là đã trải qua ba lần thăm nuôi. Cả ba lần ấy, tôi đều ít nhiều đặt hy vọng vào. Thảm!

Mãi đến chiều, khi kẻng báo hết giờ làm việc, những người giàu tưởng tượng và hy vọng–trong đó có tôi–mới chịu buông bỏ giấc mơ được quà. Dù sao, từ sáng đến giờ, đã có nhiều người bạn tù mang quà đến biếu tôi. Chẳng rõ vì sao hai lần thăm trước không ai nghĩ đến việc biếu tôi chút muối hay chút tương, mà bây giờ, tự dưng lại đồng loạt kéo đến, kẻ món này, người món nọ… Có người lại biếu cả cái giỏ lát để tôi đựng thức ăn nữa. Vậy là tôi bắt đầu có chút tài sản để trên chỗ đầu nằm. Này nhé, trong giỏ tôi có nửa hủ tương bột, nửa kí muối đậu, nửa kí muối trộn ớt bột và tiêu, một xấp bánh tráng chừng mười hai cái, hai vắt miến khô, một gói mì ăn liền, mấy trái chuối già hương, một gói kẹo cau nhỏ, hai miếng bánh cốm. Chưa có gia đình thăm nuôi mà có một giỏ như vậy thì kể cũng là đầy đủ lắm. Dù rằng tâm thức có thể bay bổng ở một phương trời cao rộng nào, thân xác của tôi nơi đây vẫn cứ thèm khát và đòi hỏi những nhu cầu có khi rất nhỏ nhặt chẳng đáng là bao. Nhưng chuyện biếu quà cho tôi không phải là thông lệ chia sớt cho những người “mồ côi” của phòng giam mỗi kỳ thăm nuôi–vì cái thông lệ ấy chỉ xảy ra vào buổi tối, sau khi điểm danh, cửa sắt đóng lại và đèn phòng được bật lên. Vào mỗi tối của ngày thăm nuôi, anh trưởng phòng thường đứng ở lồng khung, nhắc lại vài vấn đề liên quan nội qui, dặn dò đôi điều cán bộ quản giáo nhắn nhủ, nêu lên vài ưu hay khuyết điểm của vài cá nhân nào trong phòng giam, và cuối cùng là kêu gọi “lá lành đùm lá rách.” Ai có thăm nuôi thì hãy nghĩ đến những người chưa hoặc không được thăm nuôi. Rồi một cái thau nhựa được đặt ra ở giữa phòng, những người có thăm nuôi lần lượt đem quà đến bỏ vào đó. Nhưng vì chính anh trưởng phòng cũng là một anh “mồ côi” (tức là không bao giờ được thăm nuôi), mà kẻ “mồ côi” này lại không chiếm được chút tình cảm nào của phòng, nên lời kêu gọi của anh trở nên gượng gạo, chẳng mang lại kết quả gì. Cái thau để giữa phòng vẫn cứ trống không, có chăng chỉ là vài viên kẹo để ngậm cho vui.

Đêm nay, anh trưởng phòng lại vỗ tay bôm bốp, kêu gọi mọi người yên lặng để nghe anh nói:

“Thưa anh em, hôm nay lại thêm một ngày vui của phòng giam. Có thêm vài người mới liên lạc được với gia đình và đã được thăm nuôi. Con số mồ côi trong phòng giảm xuống. Hy vọng trong thời gian ngắn nữa thôi, phòng chúng ta ai nấy đều có thăm nuôi đầy đủ, có thế đời sống cải tạo mới được hồ hởi. Tuy nhiên, phòng chúng ta hãy còn một số anh em chưa được phép liên lạc với gia đình, và vì thế mà chưa được thăm nuôi. Quản giáo nhắn lời bảo các anh em ấy nên thành thật khai báo, học tập cải tạo tốt, để được viết thư cho gia đình mà xin quà. Trường hợp của tôi thì khác, gia đình tôi ở tuốt ngoài Bắc nên chuyện thăm nuôi hơi bị trở ngại. Có anh em nghĩ tôi mồ côi chứ thực ra tôi chẳng có mồ côi đâu! À, nhân tiện nói chuyện mồ côi, tôi cũng xin kêu gọi anh em nào may mắn được thăm nuôi, hãy chia sẻ chút quà gì đó cho mấy anh em kém may mắn. Cái thau đâu rồi, để ra đây! Đấy, chúng ta gom góp, mỗi người một ít, của ít lòng nhiều, để biếu mấy người kém may mắn. Không phải tôi kêu gọi cho tôi đâu. Trong phần đóng góp của anh em, tôi không dám nhận bất cứ món gì. Tôi chỉ kêu gọi cho mấy anh em mồ côi thực sự kìa. Vâng, chẳng hạn như anh Lương, anh Danh, anh Đương… A, đây là món quà đầu tiên của ông Năm tình nguyện chia sẻ… Cứ bỏ vào thau. Thay mặt anh em kém may mắn, cám ơn ông Năm. À này, trong khi anh em đóng góp quà biếu, tôi cũng xin nhắc lại vài nội qui quan trọng trong sinh hoạt phòng. Thứ nhất, không được nói chuyện thì thầm riêng với nhau, có nói gì thì cứ nói tự nhiên, nói sao mà người đi qua đi lại cũng nghe được, chứ xầm xì kiểu đó thì quản giáo lại bảo rằng mình đang có âm mưu gì. Điểm thứ nhì, trong phòng giam không được thực hành các nghi lễ tôn giáo như tụng kinh, cầu nguyện… Các anh đã biết rồi mà, ngay cả chuyện làm dấu thánh giá trước khi ăn cũng không nên làm, hoặc có làm thì cũng kín đáo một chút. Các anh đừng tưởng tôi không có tôn giáo nên mới nói vậy. Thực ra tôi cũng có đạo đấy chứ có phải người lương đâu. Nhưng ở đây ta không nên thực hành các nghi thức tôn giáo ấy. Không phải ý kiến của tôi đâu, nội qui cấm hẳn hoi mà. Sở dĩ tôi nhắc vậy là vì hôm qua có người ngồi tụng kinh cầu nguyện suốt đêm. Gì chứ cái đó thì dứt khoát không được.”

Đôi mắt anh đảo nhanh một vòng, phớt qua tôi. Nhiều cặp mắt đổ về hướng tôi. Tôi đưa tay lên, xin nói:

“Đêm qua tôi ngồi, không gây bất cứ tiếng động nào, cũng chẳng phiền gì đến ai. Tôi không thốt ra một lời nào thì sao gọi là tụng kinh? Tôi không quỳ lạy, không chắp tay, không ngước cổ lên trời mà cầu khẩn, không làm một dấu hiệu gì của tôn giáo, sao gọi là cầu nguyện? Chắc anh lầm thôi. Nhưng nếu chuyện tôi ngồi xếp bằng im lặng như vậy cũng bị cấm, tôi xin lỗi vậy.”

“Ô, có gì đâu mà xin lỗi. Anh chẳng có lỗi gì với tôi cả. Tôi chỉ nhắc về chuyện nội qui phòng thôi. Vì những gì anh làm thế nào quản giáo cũng biết. Quản giáo biết thì quản giáo khiển trách cả tôi lẫn anh đấy. Anh nói ngồi im lặng như thế không phải nghi thức tôn giáo, thế nó là nghi thức gì đây? Chẳng phải anh ngồi xếp bằng, mắt lim dim như Phật Tổ đấy à? Còn chuyện im lặng thì ai lại chả biết là anh tụng kinh hay cầu nguyện thầm chứ!”

Tôi định giải thích về chuyện ngồi thiền, nhưng một giọng nói từ cuối phòng chen vào:

“Thôi, vừa rồi. Người ta bệnh cả tháng, sắp chết tới nơi, ngồi im lặng được thêm mười đêm nữa cũng nên khuyến khích chứ một đêm ăn nhằm gì chứ!”

Cả phòng quay nhìn về hướng người ấy. Đây là một anh trong đám tù người Hoa, thường tụm lại với nhau ở góc tường bên phải lồng khung, thuộc đội 1, đối diện với đội 4 của tôi. Anh tù này tên Quái. Anh không cao, nhưng người vạm vỡ. Đuôi mày xếch, mắt hơi nhỏ, mũi lớn. miệng rộng, cằm vuông, tóc cứng như dựng ngược lên. Anh cười thì thấy hiền khô, nhưng khi nghiêm mặt thì thấy cũng dữ dằn lắm.

Anh trưởng phòng nhìn Quái, hỏi lại:

“Anh nói sao? Anh xúi dục chuyện tụng kinh cầu nguyện trong phòng giam à?”

“Mẹ, xúi dục cái gì chứ! Người ta là ông thầy tu, bệnh gần chết, ngồi niệm Phật trước khi chết, không được sao!”

“Anh chửi thề tôi đấy à? Anh nói đ. mẹ ai? Anh muốn bị kỷ luật đấy à!”

Quái đứng dậy:

“Tao nói mẹ chứ có nói đ. mẹ mầy đâu mà mầy lấy kỷ luật ra hù tao! Mầy đừng có tưởng làm trưởng phòng là ngon nghen!”

Hai ba người tù ngồi gần đó cũng đứng dậy, níu Quái lại, kéo anh ngồi xuống. Phía lồng khung, anh trưởng phòng cũng sừng sộ bước ra giữa phi đạo như muốn chờ đợi, thách thức. Đương, anh phó phòng (tức là anh chàng có khuôn mặt giống nịnh thần), cùng với Lý (anh chàng cặm cụi ngày đêm đan lưới để tặng không cho các cán bộ, và cũng là anh chàng có vẻ mặt nhăn nhó như là chẳng bao giờ vừa ý cái gì trên đời), xúm xít can ngăn anh trưởng phòng. Tôi thấy vì chuyện nhỏ của mình mà thành chuyện lớn trong phòng thì cũng nhột lắm, đứng dậy định nói một lời nào đó, nhưng chưa kịp nói, đã bị anh trưởng phòng nạt:

“Thôi, hôm nay ngày thăm nuôi, bàn chuyện này nữa làm không khí trong phòng mất vui. Bỏ qua đi. Nhưng với anh Khang, tôi nhắc anh rõ điều đó để đừng tái phạm. Anh có nghe hay không thì tùy anh, cán bộ xử lý anh thì anh thiệt chứ phần tôi cũng chẳng được lợi hay hại gì đâu. Thưa các anh em, bây giờ bắt đầu tiết mục văn nghệ. Anh em nào muốn ca hát gì thì cứ tự do, ca lên cho vui nào!”

Dứt lời, anh trưởng phòng quay về chỗ anh. Phòng giam bắt đầu rộn ràng tiếng nói cười. Dù anh trưởng phòng đề nghị chuyện ca hát, cũng chưa thấy ai tình nguyện bước đến chỗ lồng khung để mở màn. Tiệc vui của phòng bắt đầu bằng chuyện ăn uống. Nhóm nào chơi theo nhóm nấy. Nhai bột chóp chép. Nhấp trà rột rột. Rít thuốc lào phì phò. Có một nhóm ngồi với nhau thành một vòng chữ nhật thật lớn, chạy theo bốn cạnh của cái bục xi măng của đội 1. Nhóm này có mấy anh người Hoa làm chủ tiệc. Tiệc trong tù cũng giống như tiệc ngoài xã hội, có lời mời của chủ thì khách mới đến dự. Họ có mời anh trưởng phòng nhưng anh này từ chối, có lẽ vì còn ngại chuyện xảy ra khi nãy, mà cũng có thể vì anh biết rằng đám người Hoa này chỉ mời lấy lệ theo phép lịch sự thôi chứ họ chẳng ưa gì anh. Tôi thấy có tất cả bảy người Hoa, ba người thuộc đội 1, hai người thuộc đội 2 và hai người thuộc đội 3. Số còn lại, đa phần là tù chính trị, một vài tù lớn tuổi không biết tội gì, và một người xăng xái chịu làm công tác phục dịch, nấu nước, rửa chén… Họ từ các đội kéo đến theo lời mời của nhóm tổ chức chứ không phải đều là người của đội 1. Một số người thuộc đội 1 không được mời, cũng bỏ đi vòng vòng chơi chỗ khác để nhường chỗ cho người ta làm tiệc. Hai anh trong nhóm tổ chức bước đến chỗ tôi, mời với giọng thân tình:

“Sư phụ, mời qua uống miếng trà với tụi này đi.”

Tôi chưa kịp phản ứng gì thì một anh nắm lấy tay tôi kéo lên, anh kia đẩy sau lưng, dìu tôi đến chỗ đội 1.

Ngồi vào vòng, tôi được hai anh này tự giới thiệu là Sang và Dưỡng, hai chiến sĩ thuộc tổ chức Nghĩa Quân Phục Quốc của Trần Cao Hùng. Quái và một thanh niên người Hoa khác, tên Dần, cũng thuộc tổ chức ấy. Bốn người này gốc “Tàu Nùng”. Ba người Hoa còn lại có một người lớn tuổi, tên Thai, hai người còn trẻ, một người tên Vinh, một người tên Soái, đều tội vượt biên. Ông Thai và anh Vinh là người Hoa Chợ Lớn; Soái là người Hoa ở Bạc Liêu. Cụ Trịnh Viết Bình, trùm giáo xứ Tân Cang, cùng với Vận, Giang, Vàng, Lưu, cũng có mặt; họ đều thuộc lực lượng Phục quốc của ông Lương. Hai người khác là Nhiễu và Danh, dân Tân Phú, cũng thuộc Nghĩa Quân Phục Quốc như đám người Hoa. Ông Vương thuộc tổ chức của linh mục Vàng nổi tiếng trong vụ nhà thờ Vinh Sơn năm 1976 thì không thấy có mặt trong tiệc, một phần vì ông chẳng uống trà, một phần vì ông rất sợ chuyện giao tiếp với thành phần tù chính trị để rồi bị vạ lây, phần khác là vì ông nổi tiếng keo kiệt, không được cảm tình của bất cứ ai trong phòng. Lại có hai anh cựu quân nhân chế độ trước, bị bắt vì tội vượt biên–hai chàng này rất tán thưởng tôi hát và đã mời tôi uống trà vào ngày tôi mới nhập phòng. Nhìn lại thành phần tham dự, tôi mới thấy đây là lực lượng hùng hậu nhất của phòng giam chứ không phải từ phía quyền lực “chính danh” của anh trưởng phòng. Số tù nhân còn lại trong phòng giam không tham dự tiệc trà này, tội vượt biên là nhiều nhất. Mà tội vượt biên, trước kia thường gọi là “phản quốc trốn ra nước ngoài” thì nay được gọi bằng một hỗn danh là “chính trị xu hướng” nên xem ra cũng gần gũi với đám tù chính trị chúng tôi lắm. Vậy là, phòng giam này, và có thể là cả trại giam này, tù hình sự chỉ là thiểu số; tù chính trị đối lập với nhà nước hoặc gián tiếp chống đối nhà nước mới thực sự là đông đảo. Suy ra, các trại giam khác có thể cũng đều như vậy.

Sang, Dưỡng, Quái và Dần, bốn anh Tàu Nùng, thuộc nhóm tàn quân của Lý A Sáng, có chiến khu ở Tân Phú. Lực lượng võ trang của Lý A Sáng bị hai tiểu đoàn bộ đội cộng sản càn quét đánh tan ở Tân Phú vào năm 1979. Lãnh tụ Lý A Sáng bị thương và bị bắt trong đợt đó, nhưng kể về sau, không ai nghe được tin tức gì về ông cả. Đa số tàn quân đều chết trận, số còn lại bị bắt (như Dần, Quái, Dưỡng) hoặc tiếp tục gia nhập lực lượng võ trang Nghĩa Quân Phục Quốc của Trần Cao Hùng (như Sang).

Sau sự tan rã của lực lượng Lý A Sáng, năm 1980, Trần Cao Hùng đứng ra thành lập và lãnh đạo Nghĩa Quân Phục Quốc, cũng đóng trong rừng Tân Phú, lôi kéo được một số sĩ quan quân đội Cộng hòa, khá nhiều thanh niên Tàu Nùng và kể cả một số cán bộ cộng sản miền nam như ông Tân cha ruột của Nhiều (trước làm Tỉnh ủy tỉnh Sông Bé), Nhiều (thượng úy bộ đội, làm việc trong Ban chỉ huy Huyện đội huyện Tân Phú), Danh (một đàn em của Nhiều, cũng thuộc huyện đội Tân Phú). Đến năm 1981, cánh nội gián của Nghĩa Quân Phục Quốc hoạt động tại huyện Tân Phú bị phá vỡ khiến ông Tân, Nhiều, Danh… (tức là những cán bộ cộng sản nằm vùng cho Phục quốc) bị bắt; nhưng cánh võ trang trong chiến khu vẫn được bảo toàn, rút sâu hơn vào rừng già Tân Phú. Đến năm 1983, ông Trần Văn Lương, lãnh tụ Lực Lượng Việt Nam Phú Quốc tìm cách liên kết với lực lượng Nghĩa Quân Phục Quốc của Trần Cao Hùng. Hùng mến phục Lương, đem lực lượng võ trang của mình sát nhập vào Lực Lượng Phục Quốc của Lương và trở thành cánh tay trái của Lương về quân sự. Cuối năm 1984, Lương đến gặp tôi để nhờ góp ý soạn thảo cương lĩnh của Phục Quốc, rồi mở rộng mặt tuyên truyền kêu gọi toàn dân đứng dậy. Bị nội gián, cánh của Lương tại Long Thành cũng như lực lượng võ trang của cánh Trần Cao Hùng tại Tân Phú bị bắt gần hết, ngay cả Trần Cao Hùng và Lê Văn Của (cánh tay mặt của Hùng) cũng vào trại giam B5, nơi chúng tôi đang ngồi uống trà với nhau. Nghe nói cả Hùng và Của đều bị biệt giam.

Trà khá ngon. Nội qui thăm nuôi không cho người ngoài gởi trà và cà phê vào, nhưng lại được phép đưa thẳng tiền mặt cho tù nhân mỗi khi được gặp mặt. Tù nhân cất tiền, khi nào cán bộ quản giáo dẫn trưởng phòng và vài tù nhân tin tưởng đi chợ tại căng-tin của trại giam, thì gởi mua trà, cà phê, thuốc lá, rau tươi, tương, chao, nước mắm… các thứ. Những lần như thế, nhóm Nghĩa Quân Phục Quốc đều có mua trà. Nhóm này vì gia đình có đất vườn mênh mông tại Tân Phú nên đời sống lúc ở ngoài lẫn khi vào tù đều khá giả. Họ không bao giờ bị đói thiếu, do đó mới có cái thú tiêu khiển thượng đẳng của đời sống tù là uống trà.

Còn chuyện nấu nướng trong phòng giam cũng là chuyện đặc biệt đáng kể. Anh chàng người Nam đòi đấu võ với tôi lúc tôi mới vào phòng, tên là Hiệp–nhưng trong phòng cứ gọi biệt danh anh là Ken, vì anh bị bắt với tội sử dụng cô-ken (cocaine, ma tủy)–luôn luôn có mặt trong các tiệc trà của bất cứ đội nào, nhóm nào. Anh ở tù lâu, không có thăm nuôi, nên tự biết cách xoay xở để sống. Anh xin ở đâu được hai lon nhôm (loại lon đựng sữa bột guigoz): một cái để nguyên dùng làm xoong; một cái được cắt thành cái lò có ba chân đưa lên, chĩa ra ba phía để chịu đựng cái lon nấu nước đặt lên trên, khoét một lỗ lớn ở thân lon, giữ lại đáy lon để làm lò nấu bằng “hỏa tốc”. (Hỏa tốc, chẳng biết là từ lóng được nặn ra từ đâu mà lại trở thành một danh từ nhằm để chỉ cho một thứ nhiên liệu chứ không phải là một phó từ chỉ sự khẩn cấp, nhanh chóng, nhạy bén. Hỏa tốc nói cho rõ thì chỉ là nhựa cao su bị đốt; nội qui trại không cho mang củi, xăng dầu, than… vào phòng giam nên tù nhân gom góp các bịch ni-lông, các bình nhựa, can nhựa, để thay dầu hỏa mà nấu nước hay nấu chín thức ăn. Muốn nấu bằng hỏa tốc, cũng phải biết cách chứ không phải ai cũng nấu được. Phải biết để dành vải sợi và ni lông. Vải cắt thành từng miếng nhỏ vừa gọn lòng bàn tay, xếp thành lớp, lót ở dưới đáy lò, ni-lông đốt cháy đặt trên vải để lửa được cháy bùng và giữ được lâu. Phải có cái dùi hay đũa thép làm bằng cọng kẽm gai đập lại cho ngay, mài nhọn ở đầu để khều nhựa trong lò (trong tù gọi là dùi hỏa tốc). Người nấu phải ngồi canh chừng và chêm ni-lông vào khi cần để giữ lửa đừng tắt). Ken có lò, có xoong, lại sẵn sàng chịu bỏ công nấu nướng, nên nhiều người nhờ anh nấu thứ này thứ nọ rồi chia cho anh một phần. Các tiệc trà, anh xung phong làm người nấu, và anh cũng ngồi một bên vòng tròn, uống ké.

Trà pha hơi đậm, rót một chén đầy; cứ xoay vần, hết người này đến người khác, mỗi người nhấp một ngụm nhỏ. Hai gói thuốc rê loại ngon đặt ở giữa phòng, người dự tiệc tự do hút. Nghe nói thuốc rê Tân Phú là thuốc ngon nhất trong các loại thuốc rê có trong tù. Thuốc này của các anh tù thuộc nhóm Nghĩa Quân Phục Quốc, do gia đình gởi vào cứ mỗi nửa tháng, mỗi người được một cây, mỗi cây quấn được khoảng gần một ngàn điếu thuốc nhỏ. Thuốc do gia đình họ trồng từng rẫy lớn để bán.

Sang nghiêng người qua phía tôi, nói nhỏ:

“Thầy Khang đừng giận trách tụi này nghe. Tháng vừa qua, thầy mới vào, tụi này còn ngại lắm. Nghe thầy là tù chính trị, lại dính líu đến lực lượng của tụi này thì phải đón mừng chứ, nhưng vẫn ngại là cán bộ gài người vào để điều tra nên tụi này cứ tảng lờ. Với lại thấy thầy cứ bị cán bộ kêu ra ngoài làm việc, cũng ớn lắm.”

Quái ngồi kế Sang, chen vào:

“Sau này thấy thầy bệnh nặng sắp chết mà chẳng có cán bộ hay thằng ăng-ten nào trong phòng này dòm ngó, tụi này mới tin thầy là thứ thiệt.”

Dưỡng ngồi gần Quái cũng xen vào:

“Thấy thầy ngồi xếp bằng một đêm, tụi này càng tin tưởng hơn. Thằng cộng sản có thể chịu khổ nhục kế được, có thể đóng đủ thứ kịch được, nhưng không thể bệnh đến tàn thân mà còn ngồi suốt một đêm như thế được. Thầy Khang à, nói nhỏ thầy nghe: tụi này đang căng thẳng với thằng trưởng phòng, muốn lụi nó từ lâu rồi. Thầy biết không, nó cứ đi báo cáo từng chuyện nhỏ. Tụ tập nói chuyện nó cũng báo cáo. Đón tù mới nó cũng báo cáo. Cho nên, tụi này đâu dám xúm xít đón thầy khi thầy mới vào. Khi nãy thằng Quái hù nó một tiếng là tụi này muốn chơi thẳng đó. Cái nước này, một là nó phải đổi qua phòng khác, hai là tụi này vào kỷ luật. Để vài ngày nữa rồi thầy biết. Cái thằng khốn nạn đó, nó chỉ là thằng cướp cạn trên tàu hỏa thôi, vậy mà làm trưởng phòng, thầy nghĩ có tức không! Không phải tụi này muốn tranh gì cái chức trưởng phòng, nhưng thực sự là chẳng muốn nó ngồi đó mà đì mình, Cho thằng nào lên làm trưởng phòng lại chẳng được, miễn là biết điều một chút thôi. Thằng này không biết điều, nó tận tụy khai báo lập công, làm sao mình sống nổi chứ. Không khí trong phòng từ khi nó lên làm trưởng phòng, tự nhiên căng thẳng, ngứa ngáy vô cùng!”

Tôi nghe vậy thì cũng gật gù chứ chẳng biết nói chi. Quái hỏi về chuyện hoạt động và nguyên do vào tù của tôi. Tôi kể ngắn gọn. Ông Bình, trùm giáo xứ Tân Cang, người tù cao tuổi nhất trong phòng, ngồi kế tôi, nghe xong chuyện, bèn nghiêng qua tôi, nói nhỏ:

“Thằng Lưỡng nó có nói chuyện về thầy cho tôi nghe. Tôi quí thầy lắm, hân hạnh được gặp thầy. Ôi chao, nó nói rằng thầy trẻ lắm, nhưng tôi đâu ngờ là trẻ cỡ nầy!”

Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

“Lưỡng nào vậy bác?”

“À, Lưỡng tức là Lương đó mà. Nó là con trai trưởng của tôi đấy.”

“A, anh Lương nói có cha ruột ở Tân Cang, té ra là bác đây. Nhưng… anh ấy họ Trần mà, còn bác thì họ Trịnh?”

“Nó lấy tên giả thôi. Tên thật của nó là Trịnh Viết Lưỡng. Nó cứ lấy ba chữ T, V, L, mà đặt tên, cho nên có khi để là Trương Văn Lân, có khi là Trần Văn Lương, cũng là nó cả. Hờ, Lưỡng nó mến thầy lắm, nó nói lâu nay nó đâu có quen thầy tu bên Phật giáo, vậy mà rồi quen thầy, nó thấy thân mật, gần gũi, thích thú lắm! Tiếc rằng thầy phải vào đây, chứ nếu còn ở ngoài, cùng với nó làm việc thì hay biết mấy,” ông nói nhỏ giọng hơn một chút, “Lưỡng bây giờ đang hoạt động ở lục tỉnh, chưa bị bắt đâu. Truyền đơn bên ngoài rải nhiều nơi lắm, náo động cả lên. Bọn cộng sản cuống cuồng lo tìm bắt Lưỡng.”

Ở lồng khung, đã có người tự nguyện lên ca hai bản. Cả phòng tôn trọng, im lặng lắng nghe. Nhóm uống trà cũng có người góp vui, ca hát và dùng cả thau nhôm thau nhựa để vỗ nhịp thay trống nữa. Anh Ken chủ lò thì lúc nào cũng vậy, chẳng ca hát, nhưng đóng góp bằng màn biểu diễn võ thuật với bài Tứ môn quyền của Thiếu lâm. Màn văn nghệ kéo dài đến giờ báo nghiêm. Rời chỗ tiệc trở về chỗ nằm, tôi thấy vui vui trong lòng. Tôi biết thành phần đối lập với chính quyền như chúng tôi chẳng bao giờ cô đơn cả.

***

Hai ngày kế tiếp nhằm cuối tuần, cán bộ quản giáo chỉ xuống mở cửa buổi sáng, đóng cửa buổi chiều, chứ không cho chúng tôi ra sân chơi. Hai ngày đó, tôi không còn bị bệnh kiết lỵ đày đọa nữa. Tôi trở lại bình thường thật nhanh chóng.

Qua ngày đầu tuần, quản giáo xuống mở cửa gọi trưởng phòng ra ngoài làm việc đâu chừng một giờ đồng hồ. Trả trưởng phòng về phòng giam, quản giáo gọi Đương, anh phó phòng, ra làm việc nửa giờ; sau đó, gọi cả Lý, anh chàng đan lưới lập công. Trả Lý về phòng, quản giáo gọi Quái ra ngoài. Vậy là chúng tôi đoán biết có chuyện sắp xảy ra.

Quái theo quản giáo mấy tiếng đồng hồ rổi mà chẳng thấy trở lại. Đến xế chiều, quản giáo đến phòng một mình, bảo đưa giỏ đồ của Quái cho anh đem đi. Trong phòng biết rằng Quái đã bị phạt kỷ luật. Một là tội chửi thề, “phạm thượng” đối với anh trưởng phòng; hai là, có ý bênh vực một thành phần tu sĩ phạm trọng tội đối với chính quyền như tôi.

Quái bị kỷ luật, tôi đoán là sẽ đến lượt tôi một lúc nào đó. Tôi chờ đợi, nhưng chẳng thấy gì xảy ra. Từ ngày tôi nhập trại này, chỉ có cán bộ thụ lý hồ sơ gọi tôi đi khai cung chứ chưa bao giờ quản giáo gọi tôi ra làm việc về chuyện sinh hoạt trong phòng giam cả. Theo thông lệ, bất cứ người tù nào, nhất là tù mới, cũng đều bị quản giáo gọi ra ngoài để vặn hỏi thêm các chi tiết cần thiết có liên quan đến tội trạng của người ấy hầu cung cấp cho cán bộ thụ lý hồ sơ; có khi quản giáo muốn khai thác tin tức trong phòng giam nơi từng cá nhân bị gọi ra; có khi quản giáo tìm thêm người để giao công tác làm ăng-ten. Vậy mà quản giáo chưa hề đá động gì đến tôi từ hơn một tháng nay. Tôi có cảm giác là anh quản giáo này vì lý do gì, muốn tránh né nói chuyện với tôi. Dù vậy, qua các bạn tù nói lại, tôi biết anh gọi ai ra ngoài cũng hỏi người đó một cách cặn kẽ về tôi.

Tôi có ý chờ đợi quản giáo gọi ra nói chuyện để may ra có thể hiểu thêm về chuyện Quái bị kỷ luật biệt giam. Tôi áy náy mãi trong lòng là Quái đã vì chuyện của tôi mà chịu phạt.

Quả nhiên, hai ngày sau khi Quái bị biệt giam, quản giáo Khoa gọi tên tôi. Anh dẫn tôi ra khỏi khu nhà giam tập thể, đến một dãy bàn bằng gỗ thô kệch, băng ghế dài đóng dính vào bàn, đặt ngoài trời, ở một khoảng khá vắng vẻ dưới bóng mát của mấy cây trứng cá. Theo hướng dẫn của anh, tôi ngồi vào băng ghế đối diện. Anh ngập ngừng một lúc, hai tay xoa vào nhau, nở một nụ cười cố gắng thân thiện, khá hiền lành. Tuổi anh khá lớn, xấp xỉ bốn mươi. Cằm vuông, trán hơi vồ, mắt lớn và lộ. Anh có một mụt ruồi đen khá to mọc ở gần khoé miệng bên trái, ngang cánh mũi. Có lẽ mụt ruồi làm cho nét mặt anh có một vẻ dịu dàng giống đàn bà. Trước mặt anh không có hồ sơ hay bất cứ mảnh giấy nào. “Làm việc” với quản giáo là vậy, không giống như lúc đi khai cung với các cán bộ thụ lý hồ sơ, lúc nào cũng thấy biên bản, giấy má, bút, tập…

“Anh Khang năm nay bao nhiêu tuổi rồi?”

“Hai mươi sáu,” tôi đáp.

“Anh còn trẻ lắm. Nghe nói anh là nhà sư trụ trì của chùa gì đó trên Long Thành, phải không? Anh ở chùa thì lo tu niệm, dính dáng làm gì đến bọn Phục quốc phản động để rồi cản trở chuyện tu hành!... Theo tôi biết, anh vẫn còn trong thời kỳ khai cung, vì hồ sơ của anh chưa chuyển qua viện Kiểm sát tỉnh. Chuyện khai cung của anh kéo dài, không đơn giản như các bị can khác, có phải vì anh không thành thật khai báo?”

“Tôi có làm điều gì thì đã khai và nhận biết điều đó, chỉ tại cán bộ chưa muốn kết thúc đó thôi.”

“Anh chỉ thành thật phần nào về bản thân và các hoạt động của anh thôi, chứ chưa thành thật về các tên đồng lõa khác. Nếu anh tăng gia sự thành thật đúng mức thì may ra hồ sơ kết thúc sớm, từ đó anh mới được phép liên lạc với gia đình để được thăm nuôi, lo học tập cải tạo tốt mà trở về với xã hội làm người công dân mới.”

Tôi lặng thinh. Anh cũng im một lúc như lựa lời, rồi tiếp:

“Anh thấy sinh hoạt trong phòng giam thế nào? Có thoải mái không?”

“Cũng thường. Tôi mới vào, chưa nắm rõ sinh hoạt trong phòng lắm.”

“Nhưng chắc anh cũng cảm thấy có những chuyện lộn xộn này nọ xảy ra trong phòng giam chớ?”

Câu hỏi của anh làm tôi sực nhớ đến Quái. Tôi nghĩ thật nhanh trong đầu, rồi hỏi lại:

“À, anh muốn nói đến chuyện lộn xộn của anh Cang trưởng phòng và anh Quái, phải không?”

“Không phải chỉ chuyện đó, tôi muốn hỏi chung về tình hình trong phòng, anh thấy có gì bất thường không?”

“Tôi chưa rõ tình hình trong phòng, tôi chỉ biết cái chuyện vừa xảy ra giữa anh Cang và anh Quái. Chuyện đó, tôi nghĩ chắc có hiểu lầm.”

“Lầm làm sao được. Anh Quái có chửi thề, lớn tiếng đôi co với trưởng phòng, chuyện rõ ràng như vậy mà.”

“Chằng qua anh Quái lớn tiếng vì muốn bênh vực tôi thôi. Nếu cán bộ cũng như anh trưởng phòng, cho rằng chuyện tôi ngồi thiền suốt đêm là vi phạm nội qui thì xin phạt tôi, cho anh Quái được trở về phòng. Tôi nói thực đó.”

Khoa có vẻ tái mặt thấy rõ. Anh không ngờ tôi dám cả gan đòi đi biệt giam kỷ luật. Anh nhìn tôi một lúc rồi nói:

“Đâu được. Chuyện kỷ luật trong trại giam, ai vi phạm người ấy bị phạt, không có chuyện thay thế. Nếu cả anh và anh Quái vi phạm thì hai người cùng chịu kỷ luật. Vậy tôi hỏi, có phải anh nhận là anh có ngồi cầu nguyện trong phòng giam không?”

“Tôi có ngồi thiền chứ không ngồi cầu nguyện.”

“Thì ngồi thiền hay cầu nguyện có khác gì đâu.”

“Khác chứ. Cầu nguyện là xin xỏ phép lạ hay quyền năng của một đấng thần linh nào đó ở ngoài, đến cứu rỗi hay giải thoát cho hoàn cảnh của mình; ngồi thiền là hình thức trau luyện tâm, phát triển sức mạnh tinh thần. Điều này tôi nghĩ rất cần thiết, giống như con người cần thiết chuyện tập thể dục để bảo vệ sức khỏe của thân xác vậy.”

“Tập thể dục thì đúng rồi, đảng và nhà nước rất sáng suốt, theo đúng nếp sống văn minh xã hội chủ nghĩa, mỗi ngày đều cho các anh ra sân chơi để tập thể dục năm phút. Chứ còn chuyện phát triển sức mạnh tinh thần, anh muốn nói cái tinh thần nào đây? Ở đây chỉ có duy nhất cái tinh thần yêu nước xã hội chủ nghĩa, biết hối cải, ăn năn, học tập tốt theo đường lối chính sách của nhà nước; chỉ duy nhất con đường cải tạo tinh thần đó, các anh mới được trở về xã hội, phục hồi quyền công dân mà thôi. Tóm lại là ngồi thiền hay ngồi cầu nguyện đều là các hình thức sinh hoạt tôn giáo bị cấm trong nội qui của trại. Anh không được áp dụng bất cứ thứ lễ nghi tôn giáo nào trong phòng giam.”

“Đó là anh giải thích thêm vậy thôi chứ trong bản nội qui mà tôi nghe trong phòng đọc, ở phần nói về các lễ nghi tôn giáo, không hề nhắc đến hai chữ ‘ngồi thiền.’ Chỉ cấm cầu nguyện, tụng kinh, chắp tay hay làm dấu thánh giá… Mà ngồi thiền, thực ra không phải lễ nghi tôn giáo. Ngồi thiền cũng giống như tập thể dục thôi, một cái thì tập cho tâm, một cái thì tập cho thân, cán bộ khuyến khích tôi mới phải chứ.”

Anh lúng túng một hồi, rồi bất chợt dịu giọng hỏi:

“Vậy cách ngồi thiền của anh thế nào, anh diễn tả lại tôi xem thử.”

“Đại khái là tôi chỉ ngồi xếp bằng, im lặng, không bật lên một tiếng tụng kinh hay cầu nguyện nào, Tôi cũng không chắp tay, không làm dấu, không cúi lạy ai. Tôi chỉ ngồi như thế.”

“Trong khi ngồi anh suy nghĩ cái gì?”

“Không suy nghĩ gì cả. Tôi dẹp hết mọi suy nghĩ tính toan thường ngày.”

“Như vậy thì… vô ích quá! Có lợi gì đâu mà anh phải làm thế.”

“Những suy nghĩ làm mệt nhọc đầu óc, ảnh hưởng không tốt đến thể xác. Dẹp bỏ suy tưởng cũng giống như dọn dẹp sạch sẽ một căn phòng. Phòng sạch sẽ thì mát mẻ, thoải mái. Thân và tâm đều thoải mái thì hết bệnh.”

“Cái đó có vẻ duy tâm quá, chẳng thực tế chút nào. Mà anh ngồi không như vậy cả đêm à?” quản giáo hỏi lại.

”Vâng, cứ ngồi như vậy. Cán bộ nghĩ xem, ngồi như vậy có làm thiệt hại ai đâu chứ.”

“Ờ, không thiệt hại ai, nhưng… người khác nhìn thấy hình như trong lòng có nẩy sinh một sự cảm mến nào đó… mà như vậy thì không tốt cho chuyện học tập cải tạo của anh và cho những người trong phòng giam.”

“Cán bộ nói sao, tôi không hiểu.”

“Vì… vì nếu ai trong phòng giam cũng có cảm tình riêng với anh thì sinh hoạt trong phòng không còn bình thường nữa, sẽ có sự thiên vị, mất đi tính cách bình đẳng.”

Tôi cười thầm trong lòng, chẳng biết nói gì nữa, làm bộ gật gù lấy lệ. Quản giáo chớp chớp mắt, nói:

“Cho nên, nghe nói là ngày thăm nuôi vừa rồi, tự dưng nhiều người mang quà đến biếu tặng anh, cả một giỏ đầy, vừa có thăm là nghĩ ngay đến anh, chẳng cần ai kêu gọi mà anh cũng chẳng cần mở miệng. Anh cứ ngồi một chỗ mà mọi người tự động đem quà đến, trong khi xưa nay, trưởng phòng kêu gọi đóng góp giúp các anh em chưa có thăm nuôi khác thì chẳng ai chịu đóng góp, hoặc có đóng góp thì đóng góp cho có lệ thôi. Anh có thấy sự việc này là trở ngại cho đời sống tập thể phòng giam không?”

Tôi giật mình, tự thấy cái lý do tôi muốn ẩn mình che giấu tông tích tu sĩ của tôi trước đây quả thật là hợp lý. Rõ ràng là trên thực tế, khi tôi lộ diện là một tu sĩ, sự tiếp xử của những người chung quanh trở nên khác, không còn bình thường nữa. Tôi ăn cơm không, ngồi im lìm một đống, nằm liệt một chỗ, đứng trần truồng trong nhà tắm như mọi tù nhân, đi cầu hôi thối như mọi người, chẳng ai thèm để ý; nhưng khi tôi ngồi thiền–chưa biết là tôi ngồi thiền có tập trung hay không–cả phòng đã thay đổi thái độ.

Bây giờ thì tôi gật gù thật, tôi nói:

“Tôi không để ý chuyện đó. Chẳng qua chỉ tại tôi bị kiết lỵ kéo dài gần hai mươi ngày, không có thuốc chữa trị, tôi bèn dùng phương pháp ngồi thiền để tự điều chỉnh sự bất ổn của thân xác và tinh thần tôi mà thôi. Tôi không cố ý chinh phục cảm tình của người khác. Còn nếu chuyện ngồi thiền của tôi phạm nội qui, xin cứ phạt. Tôi chỉ xin cán bộ một điều là trả anh Quái trở về phòng, bởi tôi không muốn vì chuyện của tôi mà anh ấy phải bị phạt.”

“Thôi, anh hiểu điều đó và đừng tái phạm là được rồi. Chuyện của anh không đáng bị kỷ luật đâu. À, anh nghĩ là anh Quái có chửi thề với anh trưởng phòng không?”

“Anh ấy không văng tục, chỉ nói với giọng bất bình, hơi cộc thôi.”

Quản giáo gục gặc, xoa hai bàn tay, nhìn đồng hồ, nói:

“Thôi, được rồi. Tôi chỉ yêu cầu là anh đừng bao giờ ngồi thiền trong phòng giam nữa, dù chuyện ngồi thiền không phải là nghi thức tôn giáo.”

“Tôi hứa.”

“Tôi đưa anh về phòng,” vừa nói, quản giáo đứng dậy.

Tôi đứng dậy theo. Khoa bảo tôi đi trước, về hướng phòng giam. Đi một đoạn, anh bỗng kêu tôi đứng lại, hỏi:

“Anh có biết là trong phòng giam có sự căng thẳng ngấm ngầm giữa nhóm này nhóm nọ không?”

Tôi biết anh thừa sức để có nhận xét ấy, nhưng cứ nói “không.” Anh hơi ngờ vực nhìn tôi một lúc, nói:

“Tôi hỏi điều này chẳng phải là hại gì các anh em trong đó đâu. Tôi muốn phòng giam do tôi quản lý phải có không khí vui vẻ, anh em bạn tù phải hòa hợp với nhau, vui vẻ cùng học tập tốt, đừng vi phạm nội qui kỷ luật của trại, vậy là tốt rồi; chứ nếu cứ căng thẳng xảy hết chuyện này đến chuyện nọ, người này vừa hết bị kỷ luật lại đến người khác, vậy thì chán quá. Các phòng giam khác đâu có tình trạng đó. Tôi bị ở trên khiển trách là không biết cách quản lý các anh. Anh nói thật tôi nghe ý kiến của anh đi. Anh là thầy tu mà, tôi nghĩ anh có thể góp ý kiến tốt.”

“Tôi chưa hiểu cán bộ muốn nói về chuyện gì. Tôi muốn biết rõ ràng hơn thì mới góp ý được.”

“Vậy tôi hỏi anh, theo anh nghĩ, anh Cang làm trưởng phòng có được anh em mến phục, chịu nghe không?”

Tôi suy nghĩ một lúc rồi nói:

“Theo tôi thì phòng giam hay cả trại giam này cũng giống như đất nước xã hội bên ngoài, nếu người lãnh đạo không đủ tài đức thì khó tạo được đời sống vui vẻ hòa thuận.”

“Anh muốn nói rằng anh Cang không đủ tài đức?”

“Tôi mà nói thẳng ra thì e cán bộ cho rằng tôi thiên vị, hoặc cho là tôi có thành kiến với anh Cang hay cả anh Đương nữa.”

“Không, anh cứ nói. Tôi đã nói tôi tin tưởng anh mà.”

“Vậy tôi xin nói ý kiến của tôi vầy: phòng giam của tôi ba phần tư là thành phần có ăn học, có đời sống xã hội ổn định, chỉ bất đồng quan điểm với nhà nước… ý tôi muốn nói là làm những việc trái với đường lối chính sách nhà nước, nên phải vào tù thôi; vậy mà phải chịu sự kiểm soát và răn dạy của hai người ăn cướp như Cang và Đương, thử hỏi không khí trong phòng làm sao khỏi căng thẳng!”

“Phải rồi, anh nói đúng, ủa, mà nãy giờ anh nói vậy là có ý gì đây?”

“Là ý như vậy đó, Cang và Đương không đủ tài đức để làm gương cho tập thể, bảo sao có sự ổn định cho phòng giam. Tình trạng này kéo dài, sẽ còn nhiều người khác bị kỷ luật nữa chứ không phải chỉ anh Quái. Mà không chừng ngày nào đó có thể nguy hiểm cho anh Cang anh Đương nữa đó!”

Khoa nhìn tôi với đôi mắt nửa nghi ngại nửa tin tưởng. Một lúc sau, anh mới gật đầu, ra dấu bảo tôi tiếp tục đi về hướng phòng giam.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]