Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiết 3: Các đặc tính sai biệt của pháp

11/08/201019:42(Xem: 10426)
Tiết 3: Các đặc tính sai biệt của pháp

ACARYA VASUBANDHU
ABHIDHARMAKOŚABHĀṢYAM
阿 毘 達 磨 俱 舍 論
A-TÌ-ĐẠT-MA CÂU-XÁ LUẬN I 
dịch theo bản Sanskrit
TUỆ SỸ
BAN TU THƯ PHẬT HỌC 2547 – QUÝ MÙI

Tiết 3: Các đặc tính sai biệt của pháp

1. Kiến – Vô kiến

Lại nữa, trong 18 giới đã được nói, những giới nào là hữu kiến (sanidarśana)?[1]Những giới nào là vô kiến (anidarśana)?[2]

[29a-b] Ở đây, một hữu kiến là sắc.[3]

Thật vậy, nó có thể được chỉ cho thấy ở chỗ này hay chỗ kia. Những giới còn lại được nói là vô kiến.

2. Hữu đối – Vô đối

Có bao nhiêu giới là hữu đối (sapratigha)?[4]Bao nhiêu là vô đối (apratigha)?[5]

[29b-c] Hữu đối là 10 (giới) có sắc.[6]

Mười giới được bao hàm trong sắc uẩn được nói là hữu đối.

Đối (pratigha),[7]tức sự đối kháng (pratighata);[8]có ba thứ. Đối kháng bằng sự ngăn che, đối kháng bởi hoạt trường, và đối kháng bởi đối tượng.

a/ Đối kháng bằng sự ngăn che,[9]là ngăn cản sự phát sinh của cái khác trong môi trường của mình.[10]Thí dụ, bàn tay bị ngăn nơi bàn tay khác, hay nơi hòn đá. Hoặc hòn đá đối với bàn tay hay hòn đá khác.

b/ Đối kháng bởi cảnh vực,[11]như hoạt trường của con mắt đối với các cảnh vực khác thuộc sắc. Prajñapti[12]nói: «Có loại mắt bịphản kích[13]trong nước chứ không bị trên đất liền, như cá chẳng hạn. Có loại mắt bị phản kích trên đất liến, nhưng không bị trong nước, như mắt người phổ thông chẳng hạn. Hoặc bị cả hai, như cá sấu,[14]ếch, quỷ tì-xá-xà,[15]thợ lặn bắt cá, v.v… Hoặc không bị cả hai, tức là trừ các trường hợp kể trên. Có loại mắt bị phản kích ban đêm, ban ngày thì không; như dơi, cú. Hoặc ngày, chứ ban đêm thì không; như phổ thông loài người. Hoặc cả ngày và đêm; như chó, dã can, ngựa, beo, mèo. Hoặc cả hai đều không; trừ các trường hợp kể trên.

c/ Đối kháng bởi đối tượng,[16]là tâm và tâm sở trong các đối tượng cá biệt của chúng.

Lại nữa, sự khác biệt giữa cảnh vực (viṣaya) và đối tượng (ālambana) là gì? Cảnh vực, là môi trường trong đó nó có tác dụng (kāritra). Cái gì được tâm và tâm sở bám vào, cái đó là đối tượng.

Tại sao, khi vận hành trong cảnh vực của mình, hay trong đối tượng, nó được nói là bị phản kích (pratihanyate)? Bởi vì vượt ra ngoài phạm vi đó, nó không hoạt động. Hoặc ở đây, đối kháng tức là sự va chạm;[17]nghĩa là nó hoạt động trong cảnh vực của chính nó.

Ở đây, mười hữu đối, là chỉ cho sự đối kháng bởi ngăn che (āvaraṇapratighāta), vì chúng ngăn che lẫn nhau.

Những pháp nào là hữu đối vì có sự đối kháng bởi cảnh vực, thì đồng thời cũng vì có sự đối kháng bởi ngăn che? Có bốn trường hợp. Thứ nhất,[18]bảy tâm giới, một phần pháp giới, tức những gì tương ưng với tâm. Thứ hai,[19]năm cảnh vực. Thứ ba,[20]năm căn. Thứ tư,[21]một phần pháp giới, trừ các pháp tương ưng với tâm.

Những pháp nào là hữu đối, vì có sự đối kháng bởi cảnh vực, và bởi đối tượng? Đó là trường hợp sau. Những gì vì có đối kháng bởi đối tượng thì cũng vì có sự đối kháng bởi cảnh vực. Nhưng cũng có trường hợp, vì có sự đối kháng bởi cảnh vực mà không phải vì có sự đối kháng bởi đối tượng; đó là năm căn.

Đại đức Kumāralāta nói: «Ở nơi cái nào mà tâm ý muốn khởi lên, nhưng bị đối kháng bởi những cái khác, cái đó được biết là hữu đối. Vô đối, được biết là ngược lại.»

Đã nói xong hữu đối và vô đối.

3. Thiện – Bất thiện – Vô ký

Trong 18 giới này, bao nhiêu giới thiện (kuśala)? Bao nhiêu giới bất thiện (akuśala)? Bao nhiêu giới vô ký (avyākṛta)?

a. Duy vô ký

avyākṛtā aṣṭau

ta evārūpaśabdakāḥ //29/

此除色聲八無記

[29c-d] Vô ký, là tám giới này,

Chúng không có sắc và thanh.

Tám giới nào? Tức là 10 giới hữu đối, trừ đi sắc và thanh. Tức các giới gồm năm căn, hương, vị, và xúc. Tám giới này không xác định được là thiện hay bất thiện, nên chúng là vô ký. Thuyết khác nói, đối với quả dị thục (vipāka), chúng không xác định. Phản nạn nói: thế thì, trong vô lậu cũng như vậy?[22]

b. Thông cả ba

tridhā’nye

餘三種

[30a] Còn lại, gồm cả ba.

Mười giới còn lại gồm cả thiện, bất thiện, và vô ký.

Trong đó, bảy giới (tâm giới, cittadhātavaḥ) là thiện khi liên hệ với vô tham các thứ;[23]là bất thiện khi liên hệ với tham các thứ; ngoài ra là vô ký.

Pháp giới, là thiện, nếu nguyên khởi liên hệ với tự tính của vô tham các thứ, và trạch diệt; là bất thiện, nếu nguyên khởi liên hệ tham các thứ. Ngoài ra, là vô ký.

Hai giới sắc, là thiện hay bất thiện, khi kết hợp với thân biểu và ngữ biểu, có nguyên khởi từ tâm thiện hay bất thiện. Ngoài ra, chúng là vô ký.

4. Giới hệ

Trong 18 giới này, bao nhiêu giới hệ thuộc Dục giới (kāmadhātu)? Bao nhiêu giới trong Sắc giới (rūpadhātu)?

a. Dục giới

kāmadhātv āptāḥ sarve

欲界繫十八

[30a-b] Tất cả hệ thuộc Dục giới

Hệ thuộc, nghĩa là không phân ly; chúng dính chặt vào Dục giới.

b. Sắc giới

rūpe caturdaśa

色界繫十四

[30b] Mười bốn trong Sắc giới.

Có 14 giới trong Sắc giới (rūpadhātu).

vinā gandharasaghrāṇa-

jīhvāvijñānadhātubhiḥ //30/

除香味二識

[30b-d] Trừ các giới hương, vị,

Thức của mũi và thức của lưỡi.

Thật vậy, trong cõi này không có hương và vị. Vì hai giới này thuộc loại đoàn thực,[24]và vì thác sinh lên đây chỉ những ai ly dục đối với loại thực phẩm này. Do vậy, thức của mũi và thức của lưỡi cũng không có; vì đối tượng của chúng không tồn tại.

Phản nạn rằng, như vậy trong cõi này xúc giới (spraṣṭavyadhātu) cũng không tồn tại; vì nó cũng thuộc loại đoàn thực?

[Không phải vậy] Xúc nào mà tự tính không phải là thực phẩm (āhārasvabhāva)[25], thức ấy có ở cõi này.

Phản nạn rằng, nếu vậy, hương và vị cũng như thế?[26]

[Không phải vậy] Hương và vị, ngoài tính cách làm thức ăn, không có công dụng gì. Nhưng ở đây có xúc, vì là sở y của căn, là sự duy trì, là y phục. Vì vậy, với những ai đã ly dục đối với thực phẩm thì hương và vị ở đây vô dụng; nhưng xúc thì không phải vậy.

Vị khác[27]nói, do y chỉ các thiền (dhyāna) và định (samāpatti), mà các sắc được thấy, thanh được nghe; và thân được ích lợi do xúc đặc biệt cùng song hành với khinh an (praśrabdhi). Cho nên, ba giới này phát sinh với sự sinh khởi của Thiền, mà hương và vị thì không.

Phản nạn rằng, như vậy, căn của mũi và lưỡi không tồn tại ở đây vì vô dụng.

[Không phải vậy][28]Chúng có công dụng. Thật vậy, nếu không có hai giới này thì sẽ không có ngôn ngữ và vẻ đẹp của thân.

Nếu vì mục đích sắc đẹp và phát ngôn, thì y xứ (adhiṣṭhāna) là cần thiết; cần gì căn?

Không có căn thì y xứ không xuất hiện; như y xứ của nam căn.[29]Lẽ đương nhiên nó không xuất hiện, vì không có công dụng. Nhưng y xứ của mũi và lưỡi có công dụng. Do đó, lẽ đương nhiên nó xuất hiện mà không có căn.

Mặc dù[30]không có công dụng, căn vẫn sinh khởi; như đối với những cái chết nhất định trong thai. Có thể có.[31]Không có công dụng, nhưng không phải không có nguyên nhân. Vậy, nguyên nhân gì cho sự phát sinh của căn? Nghiệp đặc biệt do khát ái liên hệ đến căn này. Những ai dứt khát ái đối với cảnh, thì nhất định cũng dứt khát ái đối với căn. Với những ai đã ly dục đối với cảnh, căn của mũi và lưỡi nơi đó không thể phát sinh.[32]

Hoặc, tại sao nam căn cũng không hiện sinh nơi đó?[33]Vì không đẹp.[34]

Sự ẩn kín của mã âm tàng[35]có gì là không đẹp?[36]Vả lại, sự sinh khởi của nó không chỉ vì có công dụng. Vì sao? Đó là do năng lực của tác nhân (kāraṇa). Mặc dù không đẹp mắt, nhưng nếu có nguyên nhân thì có sự sinh khởi.

Ở đây, mâu thuẫn với Kinh.[37]Kinh nói, «với căn không khuyết tật, không thiếu bớt.» Những căn nào tồn tại ở đó, các căn ấy không khiếm khuyết, không khuyết tật, thì có gì là mâu thuẫn?

Phản nạn rằng, nếu vậy, ở đây cũng tồn tại nam căn.[38]

Nhưng Kinh ấy nói như vậy.[39]Mặc dù ở đây có căn của mũi và lưỡi, nhưng không có hương và vị. Thật vậy, do thông qua tự thể nội thân (ātmabhāva), chứ không phải thông qua cảnh vực, mà khát ái phát sinh nơi sáu xứ (āyatana). Nhưng thông qua xúc dâm dục (maithunasparśa) mà ái phát sinh nơi nam căn. Do vậy, điều được chứng minh là hệ thuộc trong Sắc giới có mưới bốn giới.

c. Vô sắc giới

ārūpyāptā manodharma-

manovijñānadhātavaḥ/

無色繫後三

[31a-b] Hệ thuộc Vô sắc giới, gồm ý, pháp

và ý thức giới.

Những ai đã ly dục đối với sắc sinh ở đây. Do đó, ở cõi này, mười giới mà tự tính là sắc, tức là năm sở y và các đối tượng của chúng, cùng với năm thức giới, không sinh khởi.[40]

5. Hữu lậu – Vô lậu

Có bao nhiêu giới là hữu lậu (sāsrava)? Có bao nhiêu giới là vô lậu (anāsrava)? Ý giới, pháp giới và ý thức giới đã nói trên,

a. Cả hai

sāsravānāsravā ete trayaḥ

意法意識通

[31c-d] Ba giới này hoặc hữu lậu hoặc vô lậu.

Chúng là vô lậu khi được liệt vào đạo đế (mārgasatya) hay vô vi (asaṃskṛta). Ngoài ra, là hữu lậu.

b. Duy hữu lậu

śeṣās tu sāsravāḥ //31/

所餘唯有漏

[31d] Còn lại là hữu lậu.

Mười lăm giới còn lại duy chỉ hữu lậu.

6. Tầm - Tứ

Có bao nhiêu giới là hữu tầm (savitarka)[41]và hữu tứ (savicāra)? Bao nhiêu chỉ có tứ? Bao nhiêu giới không tầm không tứ?

a. Năm thức thân

savitarkavicārā hi

pañca vijñānadhātavaḥ/

五識唯尋伺

[32a-b] Hữu tầm tứ, thật vậy,

Là năm thức giới.

Chúng luôn luôn liên hệ tầm và tứ.[42]Từ thật vậy(hi)[43]có mục đích hạn chế.

b. Ba giới cuối

antyās trayas triprakārāḥ

後三三

[32c] Ba giới sau cùng, cả ba trạng thái.

Những giới sau cùng, chỉ cho ý giới, pháp giới và ý thức giới. Ba giới này đủ cả ba trạng thái (prakāra).[44]

1/ Ở đây, trong Dục giới và Sơ thiền, có tính chất tầm-tứ gồm có ý giới, ý thức giới, phần pháp giới tương ưng tâm (saṃprayukta), và trừ bản thân tầm và tứ.

2/ Thiền trung gian (dhyānāntara), không có tầm; duy chỉ có tứ.

3/ Từ Nhị thiền trở lên cho đến Hữu đỉnh (bhāvagra), không tầm và không tứ. Hết cả pháp giới không tương ưng tâm, và tứ trong Thiền trung gian, cũng vậy.

4/ Nhưng, tầm thì luôn luôn không có tầm mà chỉ có tứ; vì không có hai tầm đồng thời, và vì chỉ có liên hệ với tứ.

Tứ trong Dục giới và trong Sơ thiền không xuất hiện trong ba trạng thái này. Trường hợp này được nói như thế nào? Nói là không tứ duy tầm; vì không có hai tứ đồng thời, và vì chỉ liên hệ với tầm.

Do đó nói rằng trong các địa vị (bhūmi) hữu tầm hữu tứ, các pháp có bốn trạng thái: 1. Hữu tầm hữu tứ là các pháp tương ưng tâm trừ đi tầm và tứ. 2. Không tầm duy tứ, là tầm. 3. Không tầm không tứ, là các pháp không tương ưng tâm. 4. Không tứ duy tầm, là tứ.

c. Mười giới sắc

śeṣā ubhayavarjiāḥ //32/

餘無

[32d] Còn lại, không cả hai.

Mười giới có sắc (rūpin) còn lại luôn luôn không tầm, không tứ, vì không tương ưng tâm.

Nếu năm thức thân (vijñānakāya) có tầm, có tứ, tại sao chúng được nói là không phân biệt (avikalpa)?

nirūpaṇānusmaraṇa-

vikalpenāvikalpakāḥ/

說五無分別 由計度隨念

[33a-b] Do [không có] phân biệt bằng thẩm sát và ức niệm,

nên chúng là không phân biệt.

Truyền thuyết[45]nói, phân biệt có ba dạng. Phân biệt do tự tính (svabhāva)[46], bằng thẩm sát (abhinirūpaṇa),[47]và bằng hồi ức (anusmaraṇa).[48]Chúng chỉ có phân biệt do tự tính, mà không hai dạng kia; do đó nói chúng là không phân biệt. Cũng như con ngựa có một chân được gọi là không chân (apādaka). Ở đây, phân biệt do tự tính là tầm (vitarka). Điều này sẽ được nêu rõ trong chương về tâm sở (caitta)[49]ở sau.

d. Ý phân biệt

Vả lại, tự tính của hai cái kia là gì? Nói theo thứ tự,

tau prajñāmānasī vyagrā

smṛtaḥ sarvaiva mānasī //33/

以意地散慧 意諸念為體

[33c-d] Cả hai, là tuệ với tâm ý không tập trung;

tất cả niệm, đều là tâm ý.

Tuệ (prañā)[50]tương ưng ý thức được gọi là tâm ý (mānasī).[51]Không tập trung (avyagra), tức là không có định tâm (asamāhita). Đó là phân biệt bằng thẩm sát. Tất cả sự ức niệm của tâm ý,[52]trong trạng thái định hay không định, là phân biệt bằng hồi ức.

7. Sở duyên

Có bao nhiêu giới có đối tượng?[53]Có bao nhiêu giới không đối tượng?

a. Bảy tâm giới

sapta sālambanāś citta-

dhātavaḥ

七心…[有所緣]

[34a-b] Bảy tâm giới có đối tượng.

Các thức giới của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và ý giới; tám tâm giới có đối tượng vì chúng nắm bắt cảnh vực (viṣaya).

b. Các giới khác

ardhaṃ ca dharmataḥ/

法界半 有所緣[餘無[54]]

[34b] Và một phần pháp giới, có đối tượng.

Có đối tượng là [những pháp] mà tự tính là tâm sở (caittasika). Còn lại mười giới không có sắc và một phần pháp giới mà không tương ưng tâm, là không đối tượng.

8. Chấp thọ

Có bao nhiêu giới là được chấp thọ?[55]Có bao nhiêu giới không được chấp thọ?

a. Không chấp thọ

navānupāttāte

前八界及聲 無執受

[34c-d] Chín không chấp thọ.

Những gì là chín? Bảy giới có đối tượng đã nói trên, và toàn phần giới thứ tám (pháp giới),

cāṣṭau śabdaś ca

Tám giới ấy cùng với thanh.

Chín giới này không được chấp thọ; đó là bảy tâm giới, pháp giới và thanh.

b. Cả hai

anye nava dvidhā //34/

餘二

[34d] Chín còn lại, cả hai thứ.

Tức hoặc được chấp thọ hoặc không được chấp thọ. Ở đây, mắt tai, mũi, lưỡi, thân, hiện tại là chấp thọ; quá khứ và vị lai là không được chấp thọ. Các giới sắc, hương, vị, xúc, hiện tại không tách rời căn là được chấp thọ; ngoài ra là không chấp thọ. Như các thứ, trừ đi gốc rễ của chúng, tóc, lông, móng, răng, phân, nước tiểu, đàm, nước giải, máu. [56]

Chấp thọ (upātta) nghĩa là gì? Những thứ được tâm và tâm sở nắm giữ làm điểm sở y, vì hữu ích hay tổn hại chúng đều phụ thuộc lẫn nhau. Tức là điều mà thế gian gọi là «có cảm giác.»[57]

9. Đại chủng

Có bao nhiêu giới mà tự tính là đại chủng (bhūtasvabhāva)? Có bao nhiêu giới là đại chủng phái sinh (bhautika)?[58]

spraṣṭavyaṃ dvividhaṃ

觸界中有二

[35a] Xúc có hai thứ.

Đó là đại chủng và đại chủng phái sinh. Trong đây, đại chủng có bốn. Đại chủng phái sinh là tính chất trơn láng, v.v… có bảy thứ. Phái sinh, vì là cái tồn tại trong các đại chủng.[59]

śeṣā rūpiṇo nava bhautikāḥ/

餘九色所造

[35b] Chín giới có sắc còn lại là phái sinh.

Năm căn giới và bốn cảnh vực (viṣaya); chín giới này duy chỉ là phái sinh.

dharmadhātvekadaśaś ca

法一分亦然

[35c] Và một phần pháp giới.

Cái được biết là vô biểu, là phái sinh.

Còn lại bảy tâm giới và pháp giới trong đó trừ vô biểu, không cả hai.

a/ Đại đức Buddhadeva nói, «Mười xứ[60]duy chỉ đại chủng.» Điều nầy không đúng. Vì theo trong Kinh, một cách xác định, đại chủng là bốn tính chất, cứng, v.v…[61]Và vì chúng[62]là cái được xúc.[63]Thật vậy, tính chất cứng v.v… không được nắm bắt bởi con mắt các thứ; và thân căn cũng không nắm bắt màu sắc.

Và Kinh cũng nói: «Này Tỳ-kheo, con mắt là nội xứ, tịnh thể của sắc phái sinh của bốn đại, là cái có sắc, có thể được thấy, có đối kháng. Cho đến, thân cũng vậy. Sắc, này Tỳ-kheo, là ngoại xứ, phái sinh của bốn đại, là cái có sắc, có thể được thấy, có đối kháng. Thanh, này Tỳ-kheo, là cái có sắc, không thể được thấy, có đối kháng. Cũng vậy, hương và vị. Xúc, này Tỳ-kheo, là ngoại xứ, bốn đại chủng, phái sinh của bốn đại chủng, không thể thấy, có đối kháng.»

Như vậy,[64]một phần của xúc bao hàm các đại chủng; phần còn lại thì không.

b/ Nhưng, Kinh nói, «Những gì nơi con mắt, nơi khối thịt, là tính chất cứng (kakkhaṭa), thuộc thể rắn (kharagata).»[65]Kinh nêu rõ tính chất ấy của khối thịt[66]không tách rời với [con mắt] ấy.

Nhưng, trong Kinh Garbhavikranta,[67]có nói, «Sáu giới này, Tỳ-kheo, là con người (puruṣa)»? Ý nghĩa là nêu rõ thực thể căn bản (maulasattvadravya)[68]của con người. Lại nữa, bởi vì Kinh cũng nói, có sáu xúc xứ.[69]Và bởi vì sẽ sai lầm nếu nói tâm sở không tồn tại.[70]Và cũng không chính xác để thừa nhận rằng tâm sở chính là tâm. Vì Kinh nói, «Tưởng và thọ là các tâm sở. Pháp ấy loại tợ tâm, y chỉ tâm.»[71]Cũng như Kinh nói, tâm có tham.[72]Sự sai biệt của đại chủng và phái sinh trong mười giới cũng vậy.

10. Khả tích

Có bao nhiêu là khả tích (saṃcita), và có bao nhiêu không khả tích (asaṃcita)?

saṃcitā daśa rūpiṇaḥ //35/

十色可積集

[35d] khả tích, mười có sắc.

Năm căn giới, và năm cảnh vực của chúng, là những khả tích, vì là hợp thể của cực vi (paramāṇusaṅghata)[73]. Còn lại là không khả tích. Ý nghĩa là như vậy.

Trong mười tám giới, những giới nào bị chẻ, những giới nào chẻ?[74]Những giới nào bị đốt, những giới nào đốt?

11. Gián đoạn

chinatti chidyate caiva

bāhyaṃ dhātucatuṣṭayam/

謂唯外四界

能斫及所斫

[36a-b] Chẻ và bị chẻ

Bốn giới bên ngoài.

Sắc, hương, vị và xúc: hoặc là búa, hoặc là cây.

Pháp ấy là gì mà được gọi là chẻ (cheda)[75]? Sự cắt đứt dòng chảy hợp thể vốn hiện khởi liên tục, tạo thành các phần đoạn. Các căn, thân chẳng hạn, không bị chẻ. Khi toàn chi thể bị chẻ, nó không tạo thành hai chi. Thật vậy, chúng không trở thành hai căn, vì chi bị cắt ra không còn là căn nữa. Chúng cũng không chẻ. Vì trong suốt,[76]như ánh sáng của minh châu.

12. Trọng lực

Cũng như chẻ và bị chẻ, cũng vậy, bốn giới bên ngoài:

dahyate tulayaty evaṃ

vivādo dagdhṛtulyayoḥ//36/

亦所燒能稱

能燒所稱諍

[36c-d] Bị đốt và cân cũng vậy.

Đốt, bị cân, còn tranh luận.

Nó bị đốt,[77]thì nó cũng cân.[78]Các căn không vậy, vì tính trong suốt, như ánh sáng của minh châu. Thanh cũng không, vì nó không có tính gián đoạn.

Cái đốt, chính là bốn giới. Cái đốt ấy cũng là cái được cân.[79]

Có vị nói rằng, chỉ có hỏa giới là cái đốt. Và chỉ cái có trọng lực, là cái được cân.

Bao nhiêu giới là dị thục sinh? Bao nhiêu giới là sở trưởng dưỡng? Bao nhiêu giới là đẳng lưu tính? Bao nhiêu giới là thật vật? Bao nhiêu có tính sát na?

13. Hậu quả-phát triển

vipākajaupacayikāḥ

pañcādhyātmaṃ…/

內五有熟養

[37a-b] Dị thục sinh, sở trưởng dưỡng,

Năm nội giới.

Năm nội giới, con mắt các thứ, là dị thục sinh[80]và sở trưởng dưỡng.[81]Chúng không là đẳng lưu. Không có đẳng lưu nào tách rời dị thục và sở trưởng dưỡng.

Ở đây, dị thục sinh là cái phát sinh từ dị thục nhân.[82]Trong đó lược bỏ từ trung gian. Như nói «xe bò.»[83]Hoặc được nói là dị thục khi nghiệp đã đi đến thời gian cho kết quả. Tức là, nghiệp sau khi được nấu chín;[84]cái phát sinh từ đó được gọi là dị thục. Nói cách khác, khi quả là cái đã chín, nó được gọi là dị thục sinh. Hoặc trong nhân giả thuyết là quả, cũng như trong quả giả thuyết là nhân. Kinh nói, «Sáu xúc xứ này là nghiệp quá khứ.»

Sở trưởng dưỡng[85]là những cái được tích lũy từ thực phẩm, từ sự trang sức, từ ngủ nghỉ, từ định. Có vị nói,[86]do bởi phạm hạnh. Nhưng phạm hạnh chỉ là sự không gây tổn hại chứ không phải do bởi đó mà có sự tích lũy. Tính liên tục[87]của sở trưởng dưỡng bảo vệ tính liên tục của dị thục, như sự bảo vệ của thành trì ngoại vi.

Thanh là sở trưởng dưỡng[88]và cũng là đẳng lưu.

…vipākajaḥ/

na śabdaḥ…

聲無異熟生

[37b] Thanh không là dị thục sinh.

Tại sao? Vì nó hoạt động do bởi ý muốn.[89]Nhưng Prajñaptinói, «Tướng đại nhân được thành tựu từ sự tu tập hoàn thiện tránh xa lời thô ác.»[90]Các vị khác nói, thanh thuộc khâu thứ ba:[91]từ các nghiệp mà có các đại chủng; từ các đại chủng mà có thanh. Hoặc các vị khác nữa nói, thanh thuộc khâu thứ năm: từ các nghiệp mà có các đại chủng dị thục; từ đây mà có các sở trưởng dưỡng; từ sở trưởng dưỡng là đẳng lưu;[92]từ các đẳng lưu là thanh. Nếu vậy, cảm thọ nơi thân, vốn phát sinh từ đại chủng do nghiệp sinh, không thể là dị thục? Nếu thọ cũng như thanh,[93]mâu thuẫn không phù hợp.

14. Đẳng lưu

… apratighā aṣṭau

naiḥṣyandika vipākajāḥ//37/

八無礙等流

亦異熟生性

[37cd] …Tám không đối kháng

Là đẳng lưu và dị thục sinh/

Những gì là tám? Bảy tâm giới và pháp giới. Thuộc đẳng lưu[94]là những gì được sinh từ nhân đồng loại biến hành.[95]Những gì phát sinh từ nhân dị thục[96]là dị thục sinh. Chúng không phải là sở trưởng dưỡng, vì không tồn tại sự tích tụ cho những gì không có tính đối kháng.

tridhānye…

餘三

[38a] Còn lại, gồm cả ba.

Bốn giới khác còn lại, đó là sắc, hương, vị, xúc. Chúng là dị thục sinh, là sở trưởng dưỡng, cũng là đẳng lưu.

15. Thực chất

… dravyavān ekaḥ

實唯法

[38a] Có thực chất, chỉ một.

Có thực chất[97]là vô vi, vì chắc thật. Vì vô vi tồn tại trong pháp giới, do đó nói, chỉ một pháp giới là có thực chất.

16. Sát-na

kṣaṇikāḥ paścimās trayaḥ/

剎那唯後三

[38b] Thuộc sát na, ba giới cuối.

Những giới cuối, kể theo thứ tự văn mạch, là ý giới, pháp giới và ý thức giới. Một sát na trong phẩm loại vô lậu tối sơ[98]thuộc khổ pháp trí nhẫn (duḥkhe dharmajñānakṣānti), chúng không phải là đẳng lưu[99]do đó được nói là có tính sát na. Không có pháp hữu vi đã sinh khởi nào khác mà không phải là đẳng lưu. Ở đây tâm tương ưng với khổ pháp trí nhẫn là ý giới và ý thức giới. Còn lại những gì tồn tại cùng lúc với tâm này, là pháp giới.

17. Thành tựu

Điều này cần được nghiệm xét: Trong khi thủ đắc nhãn giới mà vốn chưa thành tựu,[100]có thành tựu giới của thức con mắt không? Hoặc khi thành tựu giới của thức con mắt, có thành tựu giới của con mắt không? Tụng nói:

cakṣuvijñānadhātvoḥ syāt

pṛthak lābhaḥ sahāpi ca// 38/

眼與眼識界

獨俱得非等

[38cd] Nhãn giới và nhãn thức giới

Có sở đắc riêng, và cùng lúc.

1/ Thủ đắc riêng biệt.[101](a) Hoặc chỉ thủ đắc giới của con mắt mà không thủ đắc giới của thức con mắt. Đó là sở đắc một cách tiệm tiến căn con mắt trong Dục giới; và khi chết ở Vô sắc giới mà tái sinh vào cõi thiền thứ hai.[102](b) Hoặc thủ đắc giới của thức con mắt chứ không giới của con mắt: khi tái sinh các cõi thiền từ thứ hai trở lên, nhãn thức hiện tiền; hoặc từ đó chết tái sinh các cõi thấp hơn.

2/ Thủ đắc cùng lúc.[103](a) Thành tựu cả hai khi sở đắc. Đó là chết ở Vô sắc giới tái sinh vào Dục giới và Phạm thế. (b) Không thủ đắc cả hai: trừ các trường hợp kể trên.

Khi thành tựu (samanvāgata) giới của con mắt, có thành tựu luôn giới của thức con mắt không? Có bốn phạm trù:

Thứ nhất, tái sinh trong các cõi thiền từ thứ hai trở lên, thức con mắt không hiện tiền.

Thứ hai, sinh trong Dục giới, con mắt chưa sở đắc hoặc đã mất.

Thứ ba, sinh trong Dục giới, con mắt đã sở đắc và chưa mất; sinh trong Sơ thiền; sinh trong các cõi thiền thứ hai trở lên khi đang nhìn.

Thứ tư, trừ các trường hợp trên.

Cũng như vậy, sở đắc và thành tựu của giới của con mắt và giới của sắc; giới của thức con mắt và giới của sắc, theo sự hợp lý mà suy diễn.

Từ , trong và cùng với,[104]có mục đích tóm lược điều được lập luận như vậy.

18. Nội nghoại

Có bao nhiêu giới thuộc nội tự thân?[105]Bao nhiêu giới ngoại thân?

dvādaśādhyātmikāḥ…

內十二眼等

[39a] Nội giới, có mười hai.

Những gì là mười hai?

… hitvā

rūpādīn…

[39ab] Trừ đi các giới có sắc.

Sáu thức và sáu sở y của chúng; đây là mười hai giới nội tự thân. Sáu giới thuộc cảnh vực, gồm sắc các thứ, là các ngoại giới.

Trong khi không tồn tại tự ngã, do đâu mà nói nội tự thân và ngoại tại? Vì là điểm y chỉ cho quan niệm về cái tôi chủ thể,[106]tâm được gọi là tự ngã. Như Kinh nói, «Do bởi tự ngã được khéo chế ngự,[107]kẻ trí đạt đến thiên giới.» Và nơi khác, Thế Tôn nói đến sự chế ngự đối với tâm, «Tốt đẹp thay, sự chế ngự đối với tâm. Tâm được chế ngự dẫn đến an lạc.» Do sự gần gũi với sở y của tâm vốn được cho là tự ngã, các căn, kể từ con mắt, được nói là thuộc nội tự thân. Sắc các thứ, vì là cảnh vực, nên được gọi là ngoại tại.

Nếu vậy, sáu thức giới không thể được gọi là thuộc nội tự thân. Thật vậy, khi chưa trở thành trạng thái ý giới, chúng không làm sở y cho tâm.[108]Nhưng khi chúng trở thành trạng thái ý giới, chúng không vượt ngoài đặc tính của ý giới. Nếu không như vậy, ý giới chỉ là quá khứ chứ không là vị lai, hiện tại. Nhưng mười tám giới được thừa nhận[109]thuộc cả ba thời. Vả lại, nếu thức vị lai và hiện tại không có đặc tính của ý giới, thì ý giới trong thời quá khứ cũng không được xác nhận. Thật vậy, đặc tính[110]thì không biến đổi trong các thời.

19. Đồng phần-Bỉ đồng phần

Bao nhiêu giới là đồng phần?[111]Bao nhiêu là bỉ đồng phần?

a. Đồng phần

…dharmasaṃjñakaḥ/

sabhāgaḥ…

法同分…

[39b-c] Những gì được quan niệm là pháp

Là đồng phần.

Cảnh vực được hạn định[112]cho thức. Nếu ở trong cảnh vực ấy thức đã hiện khởi, hay là pháp tất yếu hiện khởi (utpattidharmī);[113]cảnh vực đó được gọi là đồng phần. Không một pháp giới nào mà trong đó không sinh khởi hay sẽ sinh khởi vô biên ý thức.[114]Quả vậy, tất cả Thánh nhân một cách tất yếu phát khởi tâm này: «Tất cả pháp là vô ngã.» Đối với tâm ấy, trừ tự thể và những gì cộng tồn, tất cả pháp đều là đối tượng của nó. Lại nữa, tâm sát na này[115]lại là đối tượng của tâm sát na khác.[116]Như vậy, trong hai sát na, tất cả pháp đều là đối tượng. Do dó, một cách xác định, tất cả pháp đều là đồng phần.

b. Bỉ đồng phần

… tatsabhāgāś ca

śeṣāḥ…

…餘二

[39cd] và bỉ đồng phần,

Những giới còn lại.

Từ «và» (ca) chỉ cho đồng phần. Cái gì được gọi là bỉ đồng phần?[117]

… yo na svakarmakṛt//39/

作不作自業

[39d] Những gì không thực hiện chức năng của nó.

Điều được nói đó có nghĩa là gì? Cái gì thực hiện chức năng của nó thì đó là đồng phần.[118]Ở đây, con mắt nào đã thấy sắc, sẽ và đang thấy sắc, con mắt đó được gọi là đồng phần. Cũng vậy, cho đến ý; mỗi giới được đề cập với hoạt động theo đối tượng cá biệt của nó.

Theo các nhà Kaśmira, con mắt bỉ đồng phần có bốn trường hợp: con mắt sau khi thấy sắc,[119]đã diệt, đang diệt, sẽ diệt, hay con mắt thuộc pháp không sinh khởi.

Mặt khác, theo các nhà phương Tây (Pāścāttya), có năm trường hợp: pháp không sinh khởi gồm có hai, tương ưng với thức và không tương ưng với thức. Cho đến thân, nên biết, cũng vậy. Nhưng, ý giới, nếu là pháp không sinh khởi, nó là bỉ đồng phần.

Các sắc đã, đang và sẽ được thấy bởi mắt đều là đồng phần. Chúng là bỉ đồng phần trong bốn trường hợp: những sắc sau khi được thấy, đã, đang và sẽ diệt, hay thuộc pháp không sinh khởi. Cũng vậy, cho đến xúc; mỗi giới cần được biết với hoạt động cá biệt liên hệ đến căn của nó. Con mắt nào là đồng phần đối với một người thì cũng đồng phần đối với tất cả. Bỉ đồng phần cũng vậy. Như vậy cho đến ý.

Tuy nhiên, sắc là đồng phần đối với người nhìn thấy nó. Với người không nhìn thấy, sắc ấy là bỉ đồng phần. Tại sao vậy? Quả thật, có hiện tượng, sắc mà một người nhìn thấy thì cũng được nhiều người nhìn thấy, như trong sự nhìn ngắm mặt trăng, khiêu vũ, lực sĩ giao đấu. Nhưng không có hiện tượng, hai người nhìn bằng một con mắt chung. Bởi vì con mắt không cộng thông, cho nên đồng phần và bỉ đồng phần được xác định bằng mỗi cá thể. Nhưng, sắc các thứ vốn cộng thông nên được xác định bởi nhiều cá thể khác nhau. Cũng như sắc; các giới thanh, hương, vị, xúc, nên biết, cũng vậy.

Thanh có thể là như vậy. Nhưng hương, vị, xúc được tiếp nhận bởi một cá thể này thì không được tiếp nhận bởi một cá thể khác vì không cộng thông, tức là, vì tiếp nhận áp sát.[120]Vậy, theo lẽ chúng cũng như con mắt các thứ? Điều đó cũng đúng, nhưng vẫn có hiện tượng cộng thông. Hiện tượng đó là, hương các thứ có thể làm phát sinh thức khứu giác của một cá thể này thì đối với cá thể khác cũng vậy; nhưng con mắt các thứ thì không như vậy. Do đó, chúng được suy lý như sắc.

Vậy, sự đồng phần và bỉ đồng phần của thức con mắt các thứ, vì là pháp sinh hay pháp không sinh, cũng như ý giới.

Đồng phần có nghĩa là gì? Phần,[121]là sự giao thiệp hỗ tương[122]của căn, cảnh, thức. Hay phần là sự tương giao tác dụng.[123]Có chung phần ấy[124]nên được gọi là đồng phần. Hoặc do bởi tác dụng cộng đồng của xúc.[125]

Những gì không phải là đồng phần, nhưng là đồng loại với đồng phần, nên nói là bỉ đồng phần.

20. Đoạn trừ

Có bao nhiêu giới được đoạn trừ ở kiến đạo?[126]Bao nhiêu được đoạn trừ ở tu đạo?[127]Bao nhiêu phi sở đoạn?[128]

daśa bhāvanayā heyāḥ pañca ca...

十五唯修斷

[40a] Mười giới được đoạn trừ bởi tu, và năm thức giới.

antyās trayas tridhā

後三界通三

[40b] Ba giới cuối thuộc cả ba.

Ý giới, pháp giới, và ý thức giới, theo thứ tự liệt kê, ba giới này được kể là ba giới cuối, gồm cả ba hình thái.

Được đoạn trừ bởi kiến (darśanaheya) là tám mươi tám tùy miên (anuśaya), cùng với những cộng hữu của chúng (tatsahabhūva),[129]đắc (prapti)[130]của chúng, và cùng với các tùy hành.[131]Được đoạn trừ ở tu đạo (bhāvanaheya) là các pháp hữu lậu còn lại. Vô lậu thuộc phi đoạn (apraheya).

Há không phải có một pháp khác được đoạn trừ bởi kiến (darśnaprahātavyam), tức dị sinh tính (pṛthagjanatvat), và nghiệp thân, khẩu, ý dẫn đọa ác thú; vì pháp này hoàn toàn tương phản với Thánh đạo?[132]Tuy vậy, pháp ấy không phải được trừ bởi kiến. Điều này được nói vắn tắt.

na dṛṣṭiheyam akliṣṭaṃ

na rūpaṃ nāpy aṣaṣṭam[133]//40

不染非六生 色定非見斷

[40cd]Không phải là kiến đoạn, không phải phi nhiễm ô,

không phải thứ sáu sinh, cũng không phải là sắc.

Không có pháp không nhiễm ô[134]nào được đoạn trừ bởi kiến; sắc[135]cũng không. Dị sinh tính thuộc loại vô ký không nhiễm ô, vì đã thành tựu đoạn thiện căn,[136]hay ly nhiễm.[137]Nghiệp thân và ngữ là sắc. Do đó, chúng không được đoạn trừ bởi kiến.[138]Vì sao?[139]Vì không mâu thuẫn với các chân đế (satyeṣu),[140]và vì không phải là sở duyên (anālambanatvāt),[141]và vì sẽ vẫn là dị sinh trong khổ pháp trí nhẫn (duḥkhe dharmakśṣātau).

Thứ sáu, chỉ cho ý xứ. Bởi vì nó phát sinh từ chỗ khác, sinh từ năm căn,[142]nên gọi là phi thứ sáu sinh (aṣaṣṭa). Cái này cũng không được đoạn trừ bởi kiến.

21. Kiến - Phi kiến

Trong mười tám giới, bao nhiêu giới là sự thấy? Bao nhiêu là phi thấy?

cakṣuś ca dharmadhātoś ca

pradeśo dṛṣṭiḥ...

眼法界一分 ... ( 說名見)

[41a-b] con mắt, và một phần pháp giới, là sự thấy.

Một phần đó là gì?

...aṣṭadhā/

八種 (說名見)

[41b]... mười tám thứ.

Năm kiến,[143]gồm hữu thân kiến các thứ, là những sự thấy (dṛṣṭi). Chánh kiến thuộc thế gian; sự thấy thuộc hữu học; sự thấy thuộc vô học. Tám hình thái của pháp giới này là những sự thấy. Còn lại, không phải là sự thấy.

Trong đây, hữu thân kiến các thứ sẽ được diễn giải trong “Phẩm Tùy miên” khi thích hợp.

Lại nữa, thế gian chính kiến là tuệ thuộc hữu lậu thiện tương ưng với ý thức. Thuộc hữu học (chánh kiến), là vô lậu (chánh kiến) của bậc hữu học. Thuộc vô học (chánh kiến) là (chánh kiến) của bậc vô học.[144]Như sự thấy sắc khi có mây, khi không mây, lúc ban đêm, lúc ban ngày; cũng vậy, sự thấy pháp bởi cái thấy (dṛṣṭi) nhiễm ô hay không nhiễm ô, thế gian hay hữu học, vô học.

Ở đây, vì sao thế gian chánh kiến (laukikī samyagdṛṣṭi) được nói là chỉ tương ưng với ý thức? Bởi vì,

pañcavijñānasahajā dhīr

na dṛṣṭir atīraṇāt //41/

五識俱生慧 非見不度故

[41cd] Tuệ cùng sinh với năm thức

Không phải là sự thấy, vì không suy đạc.

Sự thấy là khả năng phán đoán (santīrika),[145]vì nó làm phát khởi sự khảo sát.[146]Tuệ (prajñā) cùng sinh với năm thức thì không như vậy,[147]nên không phải là sự thấy. Cũng như vậy, các pháp khác, và tuệ nhiễm ô hay không nhiễm ô đều không phải là sự thấy.

Con mắt cũng không có suy đạc, tại sao lại là thấy? Thấy ở đây có nghĩa là quán chiếu sắc (rupālocana).[148]Bởi vì,

cakṣuḥ paśyati rūpāni

眼見色...

[42a] Mắt thấy các sắc.

Nếu con mắt có thể thấy, tương ưng với thức khác[149]cũng có thể thấy?[150]Không phải tất cả mắt đều thấy.[151]Vậy cái gì thấy?

sabhāgaṃ...

... 同分

[42b] đồng phần.

Khi có thức, nó thấy. Ngoài ra, không thấy.

Nếu vậy, thức y nơi con mắt cũng thấy?[152]

...na tad āśritam/

vijñānaṃ...

非彼能依識

[42a-b] Không phải thức y chỉ kia.

Thức không thể thấy. Vì sao?

... dṛṣyate rūpaṃ

na kilāntaritaṃ yataḥ //42/

傳說不能觀 彼障諸色故

[42cd] Sắc không được nhìn thấy,

Truyền thuyết nói, khi bị ngăn cách.

Truyền thuyết nói, sắc không được nhìn thấy khi bị che khuất bởi vách tường các thứ. Nếu thức có thể thấy, do tính không đối kháng của nó, nó không bị trở kháng qua vách tường các thứ, cho nên nó có thế thấy ngay cả sắc bị che khuất. Thật vậy, khi bị che khuất, thức con mắt không phát sinh. Đã không phát sinh, làm sao thấy? Vì sao nó không sinh? Những vị[153]chủ trương con mắt thấy thừa nhận rằng, do tính chất có đối kháng của nó con mắt không có tác dụng gì khi bị ngăn che, thức không sinh khởi vì nó hoạt động trên cùng một cảnh vực với sở y.

Vậy,[154]tại sao mắt không thể thấy vật bị ngăn che, như thân căn với đối tượng tiếp hợp (prāptaviṣaya)[155]? Vì tính cách đối kháng của nó. Tại sao người ta có thể thấy vật bị ngăn cách bởi pha lê, vân mẫu, thuỷ tinh, nước? Do đó, không phải vì tính cách đối kháng mà con mắt không nhìn thấy sắc bị ngăn che. Nghĩa là thế nào?[156]Nơi nào sắc tuy bị khuất nhưng ánh sáng không bị ngăn, ở đó thức của mắt sinh khởi. Nhưng nơi nào ánh sáng bị ngăn, nơi đó nó không khởi. Vì không khởi nên không thấy vật bị khuất.

Tuy thế, ở đây Kinh nói: “Các sắc được thấy bởi mắt.” Đây ý muốn nói, mắt được y chỉ bởi thức. Như nói: “Sau khi nhận thức các pháp bởi ý.” Không phải rằng ý nhận thức các pháp, vì nó đã quá khứ.[157]Cái gì nhận thức? Ý thức. Hoặc hành vị của cái y chỉ được ám chỉ bằng cái được y chỉ.[158]Như người ta nói, “Cái giường kêu.” Như Kinh nói, “Sắc được nhận thức bởi mắt, khả ái.” Không phải rằng các sắc này được nhận thức bởi mắt. Kinh cũng nói, “Này Bà-la-môn, mắt là cửa... cho đến, để nhìn thấy sắc.” Do đó biết rằng, thức nhìn thấy ngang qua cửa là con mắt. Ở đây, sự thấy (darśana) nói là cửa. Thật vô lý khi nói, “Sự thấy để thấy các sắc.”

Nếu thức thấy (paśyati), cái gì thức biệt (vijānāti)? Sự sai biệt của hai cái này là gì? Cái gì nhận thức sắc, cái đó thấy sắc. Cũng như một phần tuệ (kaścitprajñā)[159]được nói là thấy (paśyati), và cũng tuệ tri (prajānāti).[160]Cũng vậy, một phần thức (kaścid vijñānaṃ)[161]được nói là thấy, và cũng thức biệt.

Một số vị khác nói, “Nếu mắt thấy, hành vi thấy có gì khác với kẻ tác nghiệp là con mắt?”[162]Chất vấn này không chính xác. Nếu cho rằng, “thức nhận thức” (vijñānaṃ vijānāti); ở đây cũng không có sự phân biệt tác giả với tác nghiệp.

Quan điểm khác nói,[163]“thức của mắt thấy,” nhưng do sở y của nó mà nói “mắt thấy.” Cũng như do sở y của tiếng kêu mà nói “Chuông kêu.” Nếu vậy, con mắt cũng có khả năng thức biệt, vì nó là sở y của thức? Không có khả năng ấy. Thế gian công nhận con mắt thấy. Khi nó phát khởi, người ta nói, sắc được thấy, mà không nói được thức biệt.

Điều này được nói trong Vibhāṣā:[164]“Được thủ đắc bởi mắt, được tiếp nhận bởi thức của mắt, được nói là được thấy.” Do đó nói, mắt thấy, mà không nói nó thức biệt. Thức chỉ khi nào hiện diện mới thức biệt sắc. Như gọi mặt trời là “kẻ tạo ngày.”[165]

Ở đây, các nhà Kinh lượng bộ (Sautrāntika) nói, “Sao lại vô ích thế![166]Do duyên con mắt và sắc, thức của mắt khởi lên. Ở đây, cái gì thấy, cái gì bị thấy? Không có gì khác hơn là pháp, duy chỉ là nhân và quả. Nhưng tùy thuận thế tình mà quy ước rằng “mắt thấy; thức thức biệt.” Không nên ở đó mà cố chấp. Thật vậy, Thế Tôn nói, “Không nên cố chấp từ nghĩa địa phương[167]và chạy theo khái niệm của người đời.

Nhưng các nhà Vaibhāṣika ở Kaśmira chủ trương như vầy: mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý thức biệt.

22. Phụ luận
i. Hai vị trí

Nếu con mắt thấy, vậy nó thấy các sắc bởi một con mắt, hay bởi cả hai?

ubhāyām api cakṣurbhyā

paśyati vyaktdarśanāt/

或二眼俱時 見色分明故

[43ab] Cả hai mắt đều cùng

thấy, vì sự thấy được rõ ràng.

Các nhà Abhidharmika đều nói, cả hai mắt cùng thấy. Thật vậy, cả hai mắt đều mở thì sự thấy tỏ rõ hơn. Khi một mắt mở, con kia hơi nhắm, người ta nhìn thấy hai mặt trăng. Không phải do sự đổi khác của một trong hai con.[168]Cũng không phải có sự phân hai do sở y bị phân hai, vì không có vị trí cố định của thức, như sắc.[169]

ii. Cảnh tiếp hợp

Nếu mắt thấy, tai nghe, cho đến ý thức biệt, trong chúng, cái nào tiếp hợp đối tượng? Hoặc không tiếp hợp?

cakṣuḥ śrotramano’ prāptaviṣayaṃ...

眼耳意根境 不至...

[43cd] Mắt, tai, ý, không tiếp hợp đối tượng.[170]

Thật vậy, mắt thấy sắc từ xa, nhưng không thấy thuốc trong con mắt. Tai nghe tiếng từ xa. Nếu đối tượng tiếp hợp, thiên nhãn và thiên nhĩ không khởi lên với những thiền giả trong cõi người, như căn của mũi.

Nếu con mắt có đối tượng không tiếp hợp, tại sao nó không thấy tất cả đối tượng xa, và bị che khuất?[171]Thì cũng như, tại sao nam châm không hút hết thảy kim loại không đến gần? Đối tượng tiếp hợp cũng đồng như vậy. Cũng như, tại sao mắt không thấy tất cả vật tiếp hợp như thuốc trong mắt hay thẻ tre? Lại nữa, cũng như mũi các thứ vốn nhận đối tượng tiếp hợp nhưng không phải là nhận tất cả, vì không thể nhận các thứ cộng hữu như mùi hương v.v... Cũng vậy, mắt chỉ có thể có đối tượng không tiếp hợp mà không phải là tất cả.[172]Ý cũng vậy không có khả năng tiếp cận, và là phi sắc.

Lại nữa, một số vị khác quan niệm tai có đối tượng tiếp hợp và cả không tiếp hợp; vì nó có thể nghe âm thanh trong lỗ tai.

Nhưng, còn lại mũi, lưỡi, thân

... trayam anyathā //43/

三相違

[43d] Ba căn này khác biệt.

Nghĩa là chúng có đối tượng tiếp hợp. Mũi tại sao có đối tượng tiếp hợp? Vì ngưng thở thì không ngửi được mùi hương.

Tiếp hợp là thế nào? Sự sinh khởi không có gián cách.[173]

Vậy thì, các cực vi (paramāṇa)[174]có tiếp xúc nhau hay không?

Phái Kaśmīrika nói, không tiếp xúc. Tại sao? Nếu chúng tiếp xúc toàn thân, các vật thể trở thành hỗn hợp. Nếu tiếp xúc từng phần, cực vi có các phần tử (sāvayava).[175]Nhưng cực vi thì không có các phần tử (nirayava).

Nếu vậy, âm thanh xuất hiện như thế nào?[176]Nếu chúng tiếp xúc, tay sẽ dính trong tay; đá sẽ dính trong đá.

Nhưng, vậy tại sao khối hợp chất khi kích nhau không bị phân rã? Do chúng được duy trì bởi phong giới (vāyadhātu). Có loại gió có tác dụng làm phân tán, như gió thời kỳ kiếp hoại (saṃvarttanyām); và có loại có tác dụng kết hợp, như gió thời kiếp thành (vivarttanyām). Nay bằng cách nào ba căn này do sự tiếp hợp không gián cách mà được nói là có đối tượng tiếp hợp? Sự tiếp hợp chính là trạng thái không gián cách; ở trung gian không có bất cứ vật gì. Vả lại, không có gì sai lầm, vì do có phần tử nên các hợp thể (saṃghāta)[177]tiếp xúc nhau.

Vả lại, bằng lý luận như vậy, văn nghĩa của Vaibhāṣika được chứng minh: “Vật được xúc (spṛṣṭa) sinh khởi do nhân là vật được xúc, hay do nhân là vật không được xúc?”[178]Sau khi hỏi như vậy rồi, Vaibhāṣika trả lời, “Về nhân, có khi do nhân là xúc mà vật phi xúc phát sinh, như khi nó bị phân tán.[179]Có khi do nhân phi xúc mà vật bị xúc phát sinh, như khi nó được tích hợp.[180]Có khi nhân xúc, vật được xúc phát sinh, khi vật đã tích hợp càng được tích hợp.[181]Có khi nhân phi xúc làm phát sinh vật phi xúc, như bụi bay qua cửa sổ.[182]

Đại đức Vasumitra nói: Nếu các cực vi tiếp xúc, chúng tồn tại đến sát na sau.

Đại Đức[183]nói, chúng không tiếp xúc, nhưng do không gián cách mà quy ước là chúng tiếp xúc. Ý kiến của Đại đức đáng được chấp nhận. Nếu không vậy, trong các trung gian trống của giữa cực vi không gián cách nhau, cái gì cản trở sự đi qua, để thừa nhận chúng có tính đối ngại? Vả lại, các hợp thể không gì khác hơn là các cực vi. Chính những cực vi hợp thể này được xúc chạm, cũng như chúng bị băng hoại (rūpyante).[184]

Lại nữa, nếu tưởng tượng rằng cực vi có bộ vị phân biệt (digbhāgabheda),[185]dù được xúc hay không được xúc, chúng có bộ phận (sāvayavatva).[186]Nếu không có bộ phận, không chứng minh được chúng có tiếp xúc.[187]

iii. Hình lượng

a. Lượng của đối tượng

Phải chăng, các căn này, con mắt v.v… tiếp nhận đối tượng theo chiều kích và trọng lượng của tự thân với tốc độ rất nhanh, như núi non,[188]vòng lửa các thứ;[189]hay nhất thiết là lượng tương xứng hay không tương xứng?[190]Đáp: Tùy theo đối tượng tiếp hợp hay không tiếp hợp như đã nói. Đó là,

tribhir ghrāṇādibhis tulya-

viṣayagrahaṇaṃ matas/

應知鼻等三 唯取等量境

[44ab] Ba (căn), mũi v.v… chỉ

tiếp nhận đối tượng tương xứng.

Tùy theo mức độ cực vi của căn và cực vi của đối tượng được kết hợp mà nhận thức được dẫn khởi. Nhưng quy luật này không áp dụng cho mắt và tai. Có khi nó nhìn thấy đối tượng nhỏ hơn như đầu sợi tóc. Có khi nó nhìn thấy đối tượng ngang bằng như quả nho. Có khi nhìn đối tượng lớn hơn, như quả núi, với một con mắt mở. Cũng vậy, với tai, khi nghe tiếng muỗi, hay tiếng sấm.

Ý không phải là vật cố kết, hình lượng của nó không được xác định.

b. Cực vi của căn

Các cực vi của các căn này, mắt v.v… được tích hợp (sanniveśa)[191]như thế nào? Cực vi của mắt được bố trí tùy theo hạn lượng của đồng tử, như hoa thì-la (ajājīpuṣpa),[192]được trùm lên bằng một màng mỏng trong suốt khiến không bị phân tán.

Có thuyết nói, chúng được chồng thành lớp như viên bi (piṇḍavat). Chúng không che khuất nhau, như pha lê, vì trong suốt.

Cực vi của căn lỗ tai được bố trí bên trong như lá bối (bhūrja).[193]

Cực vi của căn của mũi ở bên trong xoang mũi (ghāṭābhyantare) có hình que (śalākāvat).[194]

Ba căn đầu này được bố trí như tràng hoa (mālāvat).[195]

Cực vi của căn lưỡi như hình bán nguyệt. Truyền thuyết nói,[196]chúng chỉ bằng đầu sợi tóc, ở phần giữa của lưỡi, không được trùm khắp bởi cực vi của căn của lưỡi.

Cực vi thân căn bố trí theo hình của thân.

Cực vi của nữ căn như hình cái trống cơm.

Cực vi của nam căn hình như ngón tay cái.

Ở đây, các cực vi của căn của mắt có khi toàn thể là đồng phần (sabhāga); có khi là bỉ đồng phần (tatsabhāga). Có khi một số đồng phần, một số bỉ đồng phần. Cũng vậy, cho đến các cực vi của căn của lưỡi. Nhưng các cực vi của thân căn thì không toàn thể đồng phần. Đối với các chúng sinh bị giam cầm trong địa ngục thiêu đốt, vô lượng cực vi của thân căn là bỉ đồng phần. Truyền thuyết nói,[197]với tất cả cực vi ấy,[198]khi thức khởi, thân thể (āśraya: sở y) bị vỡ vụn. Không có một cực vi của căn hay một cực vi của cảnh duy nhất làm phát sinh thức. Vì năm thức thân lấy hợp thể (saṃcita) làm sở y và đối tượng. Do đó, cực vi được nói là không biểu hiện (anidarśana), vì không được nhìn thấy.

iv. Thời gian tính của thức

Có sáu thức giới đã được nói, thức con mắt cho đến ý thức. Đối tượng của năm thức duy hiện tại; của thức cuối cùng thông cả ba thời. Sở y của chúng cũng như vậy chăng? Không phải như vậy. Tại sao?

caramasyāśrayo’ tītaḥ

pañcānāṃ sahajaś ca taiḥ //44/

後依唯過去 五識依或俱

[44cd] Sở y của thức cuối là quá khứ;

Của năm thức, và đồng thời.

Sở y của ý thức giới là ý vô gián diệt (samanantaraniruddhaṃ manas)[199]

Từ (ca) chỉ cho quá khứ. Mắt là sở y đồng thời (sahaja) của thức con mắt. Cũng vậy, cho đến thân là sở y đồng thời của thân thức. Sở y quá khứ của chúng là ý. Như vậy, năm thức thân này là hai căn sở y.[200]Do đó nói rằng, “Cái là sở y cho thức con mắt, cái đó có là điều kiện không gián cách (samanantara)[201]cho thức con mắt không?

Có bốn trường hợp. Thứ nhất, con mắt.[202]Thứ hai, pháp giới, tâm sở pháp quá khứ không gián cách.[203]Thứ ba, ý quá khứ không gián cách.[204]Thứ tư, các pháp trừ pháp đã nói. Cũng vậy, cho đến căn tự thân của thân thức.

Ý thức, thuộc trường hợp đầu.[205]Cái nào làm sở y thì cũng là điều kiện không gián cách. Có cái có thể làm điều kiện không gián cách, nhưng không phải là sở y, đó là pháp giới tâm sở thuộc quá khứ không gián cách.

v. Định danh sở y và thức

a. Sở y

Thức khi sinh khởi y thác cả hai, tại sao chỉ có mắt v.v… chứ không phải là sắc v.v… được nói là sở y?

tadvikāravikāritvād

āśrayāś ca cakṣurādayaḥ/

隨根變識異 故眼等名依

[44ab] Vì (thức) biến dị theo sự biến dị của nó

Nên (nói) mắt v.v... là sở y.

Cái được y thác (adhīna) là các giới. Do sự biến dị của mắt v.v... mà thức ấy cũng biến dị. Vì do sự lành mạnh hay tổn thương (của mắt) mà (thức) trở nên hoặc bén nhạy hoặc chậm lụt. Nhưng nó không biến đổi với sự biến đổi của sắc v.v… Do đó, chỗ y thác của nó không phải là mắt v.v… Cái gì làm chỗ y thác, cái đó là sở y.

b. Thức

Lại nữa, tại sao cái mà bởi đó sắc v.v... được nhận thức được gọi là thức của mắt, cho đến ý thức, chứ không gọi là thức của sắc, cho đến thức của pháp? Cái gì có những cái này, mắt v.v… là sở y; thì đối với chúng,[206]

ato’ sādhāraṇatvāc ca

vijñānaṃ tair nirucyate //45/

彼及不共因 故隨根說識

[45cd] Và do bởi tính cách cá biệt,

Bởi cái đó nó được định danh là thức.

Tính cách cá biệt (asādhāraṇatva)[207]là gì? Mắt của người khác không thể làm sở y cho thức (của người này). Nhưng, sắc là đối tượng (ālambana) của ý thức, và cũng là đối tượng cho thức con mắt của người khác. Cho đến thân thức, nên biết, cũng vậy. Vì vậy, do tính chất sở y, và do tính cách cá biệt, thức được định danh bởi các (căn) ấy, chứ không phải bởi sắc các thứ. Cũng như nói “tiếng trống”, “mầm lúa.”[208]

c. Giới địa của nhận thức

Một người tồn tại trong thân nhìn thấy các sắc bằng con mắt; khi ấy thân, con mắt, sắc, thức có cùng ở trên một giới địa không? Chúng ở khác giới địa?

Đáp: tất cả có sự khác biệt.

1/ Một người sinh trong Dục giới (kāmadhātu):

- Nhìn sắc của giới địa đó bằng con mắt ở đó; tất cả đều trong cùng một giới địa này (svabhūmi).

- Nhìn các sắc trong giới địa của bản thân[209]bằng con mắt của Sơ thiền, bấy giờ thân và sắc cùng ở giới địa này, nhưng thức và mắt ở giới địa khác.[210]

- Nhìn các sắc trong giới địa của Sơ thiền, ba thứ kia[211]thuộc giới địa khác.

- Nhìn các sắc ở Dục giới bằng con mắt của Nhị thiền, khi ấy thân và sắc ở Dục giới, [212]con mắt ở giới địa kia (tadbhūmikaṃ),[213]thức ở giới địa Sơ thiền.

- Nhìn sắc trong sơ thiền, thức và sắc thuộc địa giới ấy; thân thuộc Dục giới; mắt thuộc địa giới Nhị thiền.

- Nhìn sắc trong giới địa Nhị thiền, sắc và mắt thuộc giới địa ấy; thân thuộc Dục giới; thức thuộc Sơ thiền.

- Cũng vậy, với con mắt thuộc thiền thứ ba và thứ tư mà nhìn sắc trong giới địa của bản thân hay trong giới địa thấp hơn, theo sự thích hợp mà suy.

2/ Một người sinh trong giới địa Sơ thiền:

- Bằng con mắt trong địa giới này nhìn các sắc ở đây, tất cả đều cùng giới địa của bản thân. Nếu nhìn sắc trong giới địa thấp hơn, ba thuộc giới địa của bản thân.[214]

- Bằng con mắt Nhị thiền nhìn (sắc) trong giới địa của bản thân;[215]ba thuộc giới địa bản thân, mắt thuộc giới địa kia.[216]Khi nhìn các sắc ở Dục giới, thân và thức thuộc giới địa bản thân, sắc thuộc hạ giới, mắt thuộc giới địa kia.[217]Khi nhìn (sắc) thuộc Nhị thiền, mắt và sắc thuộc giới địa ấy; còn lại, thuộc giới địa bản thân.[218]

- Cũng vậy, bằng con mắt của Tam thiền,[219]theo sự hợp lý mà suy.

3/ Một người sinh ở Nhị thiền,[220]bằng con mắt thuộc giới địa bản thân hay giới địa khác, nhìn sắc thuộc giới địa bản thân hay giới địa khác, cũng vậy, tùy theo sự hợp lý mà suy.

Nhưng, theo nguyên lý (niyama)[221]sau đây:

na kāyasyādharaṃ cakṣuḥ

眼不下於身

[46a] Mắt không thấp hơn thân.

Thân, mắt và sắc thuộc cả năm giới địa: Dục giới, cho đến giới địa Tứ thiền. Mắt và sắc thuộc hai: Dục giới và Sơ thiền. Trong đây, thân thuộc giới địa nào, mắt thuộc giới địa ấy; hoặc mắt ở giới địa cao hơn chứ không thấp hơn. Cảnh vực sắc cùng giới địa với mắt hay thấp hơn.

urdhvaṃ rūpaṃ na cakṣuṣaḥ/

色(識)非上眼

[46b] Sắc không cao hơn mắt.

Thật vậy, không bao giờ sắc thuộc giới địa cao hơn có thể được thấy bởi mắt thuộc giới địa thấp hơn.

vijñānaṃ ca...

...識 ...

[43c] ... và thức...

Cũng như sắc, thức không cao hơn mắt.

... asya rūpaṃ tu

kāyasyobhe ca sarvataḥ// 46/

色於識一切 二於身亦然

[46cd] Nhưng sắc đối với nó, và cả hai đối với thân, từ tất cả.

Đối với nó(asya), chỉ thức con mắt vừa được nói, có đối tượng sắc từ tất cả: cao cả: cao hơn, thấp hơn, và giới địa bản thân.

Thân có hai, sắc và thức, từ tất cả.

Cũng như mắt, được nói, được nói chi tiết, nên biết,

tathā srotraṃ...

如眼耳亦然

[47a] Tai cũng vậy...

“Tai không thấp hơn thân, thanh không cao hơn tai. Thức, và thanh đối với nó; và thân, cả hai: từ tất cả.[222]” Đó gọi là nói chi tiết.

... trayāṇāṃ tu

sarvam eva svabhūmikam /

次三皆自地

[47b] Với ba,

Tất cả thuộc tự địa.

Ba giới: mũi, lưỡi, thân, có thân, đối tượng, thức, đều thuộc giới địa bản thân. Sau khi nêu tổng quát như vậy, sau đây sẽ nêu chi tiết sai biệt.

kāyavijñānam adharasvabhūmi

身識自下地

[47cd] Thân thức, thấp hơn bản địa.

Thân, thân giới, xúc, luôn luôn tại bản địa. Nhưng, thân thức, có khi tại bản địa,[223]như người sinh Dục giới và Sơ thiền. Có khi ở giới địa thấp hơn, như người sinh Nhị thiền.[224]

aniyataṃ manaḥ // 47/

意不定應知

[47d] Ý bất định.

Có khi ý đồng giới địa với thân, ý, thức và pháp; có khi cao hơn hay thấp hơn. Trong thân thuộc năm giới địa, ý v.v…[225]ở tất cả giới địa, khi thọ sinh và khi nhập định. Tuỳ theo sự hợp lý, như sẽ được nói chi tiết trong phẩm “Phân biệt định.” Vì mục đích lược bỏ sự rườm rà mà ở đây không nói thêm nữa, vì kết quả ít mà công sức lớn.

Đã nói xong phụ luận.[226]

23. Sở thức

Nay sẽ nghiên cứu vấn đề này: Trong mười tám giới, và trong sáu thức, cái gì được nhận thức bởi cái gì?[227]

Đáp:

pañca bāhyā dvivijñeyāḥ

五外二所識

[48a] Năm ngoại, hai sở thức.

Các giới sắc thanh, hương, vị, xúc, theo thứ tự, được lãnh thọ (anubhūta) bởi các thức mắt, tai, mũi, lưỡi, và được thức biệt (vijñāyante) bởi ý (manas). Mỗi giới này như vậy được nhận thức bởi hai thức.

Mười ba giới còn lại, vì không phải là cảnh vực của năm thức thân, chỉ được nhận thức bởi một ý thức.

24. Thường tính

Trong mười tám giới này, bao nhiêu giới là thường?

nityā dharmā asaṃskṛtāḥ

常法界無為

[48b] Thường hằng là các pháp vô vi.

Theo đó, một phần của pháp giới là thường hằng. Còn lại đều là vô thường.

25. Căn-Phi căn

Bao nhiêu là căn? Bao nhiêu phi căn?

dharmādha indriyaṃ ye ca

dvādaśādhyātmikāḥ smṛtā// 48/

法一分是根 并內界十二

[48cd] Phân nửa pháp giới là căn.

Và mười hai nội giới được ghi nhớ.

Trong Kinh,[228]hai mươi hai căn được nói đến: căn mắt (cakṣurindriya), căn tai (srotrendriya), căn mũi (ghāṇendriya), căn lưỡi (jīhvendriya), căn thân (kāyendriya), căn ý (manaindriya), căn nữ (strīndriya), căn nam (puruṣendriya), căn sinh mạng (jīvitendriya), căn lạc (sukhendriya), căn khổ (duḥkhendriya), căn hoan hỷ (saumanasyendriya), căn ưu phiền (daumanasyendriya), căn buông xả (upekṣendriya), căn tín (śraddhendriya), căn tinh tấn (vīryendriya), căn ức niệm (smṛtīndriya), căn định (samādhīndrya), căn tuệ (prajñendriyam), căn sẽ biết điều chưa biết (anājñātamājñāsyāmīndriya), căn biết (ājñendriya), căn đã biết rõ (ājñāvīndriya).

Nhưng các nhà Abhidharmika không theo thứ tự của sáu xứ, mà đặt ý căn ngay sau mạng căn, vì tính cách có đối tượng của nó (sālambanatvāt).

Trong đây, phân nửa pháp giới là mười một căn kể từ mạng, và ba căn sau, vì là một phần của pháp giới.

Mười hai giới nội tự thân (adhyātmika),[229]gồm năm giới kể từ mắt theo như tên gọi, ý căn bao gồm bảy tâm giới. Căn nam và nữ là một phần thân giới, sau này sẽ nói. Năm giới còn lại, và một phần pháp giới được lập thành phi căn.



[1]Skt. sanidarśana, (có tính chất) được chỉ cho thấy, thuộc hữu hình. Sphut., yena viśeṣeṇa yogāt tad vastu tathā nidarśayituṃ śakyate sa nidarśanam ity ucyate, «vật thể nào có thể được chỉ cho thấy một cách thích đáng với sự đặc thù, cái ấy được nói là cái được chỉ cho thấy (nidarśaṇa).» Ht. hữu kiến 有見; Cđ. hữu hiển 有顯.

[2]Skt. anidarśana, (có tính chất) không được chỉ cho thấy, vô hình. Ht. vô kiến 無見; Cđ. vô hiển 無顯.

[3]sanidarśana eko’ tra rūpaṃ.

[4]sapratigha, (có tính) phương hại, gây trở ngại. Ht. hữu đối 有對; Cđ. hữu ngại 有礙.

[5]apratigha, Ht. vô đối 有對; Cđ. vô ngại 無礙.

[6]sapratighā daśa/ rūpiṇaḥ. Sphut., rūpaṇaṃ rūpam, tad eṣām astī’ti rūpiṇaḥ, sắc có tính biến hoại; cái nào có tính chất này, đó là cái có sắc(rūpiṇa). HT., Cđ. hữu sắc 有色.

[7]Skt. pratigha, sự gây trở ngại, sự đề kháng (→ sân, não hại). Ht. đối 對; Cđ. ngại 礙.

[8]pratighāta, Ht. ngại 礙; Cđ. tương chướng 相障.

[9]āvaraṇa-pratighāta, Ht. chướng ngại hữu đối 障礙有對; Cđ. chướng ngại 障礙.

[10]Sphut., yatraikaṃ sapratighaṃ vastu tatra dvitīyasyotpattir na bhavati, nơi nào có một vật thể hữu đối, nơi đó không tồn tại vật thể thứ hai.

[11]viṣayapratighāta; HT. cảnh giới hữu đối 境界有對; Cđ. trần ngại 塵礙.

[12]Cf. Thi thiết luận(T26n1538 p524a2): « Hỏi: Do nguyên nhân gì mà cá ở trong nước thì thấy, nhưng trên đất liền thì không thấy?…»

[13]pratihanyate, dạng động từ của pratigha & pratighāta, ở đây được hiểu “tấn công.” Sphut., jale pratihanyata iti jale svaviṣaye pravartata, “nó bị tấn công trong nước, nghĩa là nó hoạt động trong nước là cảnh vực của nó.” Cf. Samyutta iv. 201: evameva kho bhikkhave assutavā putthọjano cakkhusmiṃ haññati manāpāmapehi rūpehi, “Cũng vậy, này các Tì-kheo, phàm phu vô văn ở nơi con mắt bị tấn công (bị bức hại) bởi các sắc khả ái hay không khả ái.” Ht., Cđ. hữu ngại 有礙.

[14]śiśumāra, Ht. phiên âm: thất-thú-ma-la 室獸摩羅; Cđ. ngạc 鼉.

[15]piśāca, một loại quỷ ăn thịt người. Ht. tất-xá-già 畢舍遮; Cđ. quỷ 鬼.

[16]ālambanapratighāta. Ht. sở duyên hữu đối 所緣有對. Cđ. duyên duyên ngại 緣緣礙.

[17]nipāta, sự rơi xuống, sự xông vào (tấn công). Ht. hòa hội 和會; Cđ. dĩ đáo 以到.

[18]Trường hợp, cảnh giới hữu đối (viṣaya-pratighāta), mà không phải là chứng ngại hữu đối (āvaraṇa-pratighāta).

[19]Trường hợp, chướng ngại, mà không phải là cảnh giới.

[20]Vừa cả hai.

[21]Không phải cả hai.

[22]Ht., «Nếu vậy, vô lậu duy chỉ là vô ký?»

[23]Chỉ ba thiện căn: vô tham, vô sân, vô si; trīṇi kuśalamūlāni: alobhaḥ, adveṣaḥ, amohaḥ.

[24]kavaḍīkārāhāra, thức ăn được vo thành miếng, Hán: đoạn thực 段食; đoàn thực 摶食.

[25]Ht.: «Trong cõi này, có loại xúc mà tự tính không phải là đoàn thực.»

[26]Sphut., «Hai giới này, mà tự tánh không phải là thực phẩm, cũng tồn tại trong cõi này.»

[27]Sphut., «vị khác» ở đây chỉ Đại đức Śrīlāta.

[28]Sphut., vaibhāṣīyaḥ kaścit, trả lời của một vị Tì-bà-sa sư nào đó.

[29]Ht., «Cũng như không có nam căn thì cũng không có y xứ (của nam căn).»

[30]Thêm một giải thích khác của Vaibhāṣika.

[31]Sphut., ācārya āha, đây là lời của Luận chủ, tức Thế Thân.

[32]Sphut., «trong Sắc giới, hai căn mũi và lưỡi không tồn tại, vì không có nguyên nhân.»

[33]Sphut., Luận chủ nêu vấn đề.

[34]Sphut., trả lời của Vaibhāṣika.

[35]kośagatavastiguhya; Ht. âm tàng ẩn mật 陰藏隱密; Cđ. tượng vương âm 象王陰.

[36]ibid., ý kiến của Luận chủ.

[37]ibid., Vaibhāṣika dẫn chứng Kinh.

[38]Không tồn tại quan năng sinh dục trong Sắc giới. Cf. Tì-bà-sa 145, T27n1545 p746a4.

[39]ibid., kết luận của Vaibhāṣika.

[40]Ht.: «Do đó, chỉ có ba giới sau cùng hệ thuộc Vô sắc giới.»

[41]Ht. hữu tầm hữu tứ 有尋有伺. Cđ. hữu giác hữu quán 有覺有觀. Về ý nghĩa, cf. bản luận, Ch.ii, K.28, 33.

[42]Ht., «Vì hành tướng của chúng thô, hoạt động hướng ra ngoại giới.»

[43]Skt. hi, Ht. duy 唯; Cđ. định 定.

[44]triprakāra, tam phẩm 三品. Ba trường hợp được nêu thành ba vấn đề trên.

[45]Sphut., từ kila (Ht. truyền thuyết 傳說, Cđ., bỉ thuyết 彼說) nêu rõ đây là ý kiến của người khác. Ý của Luận chủ được nói đoạn sau.

[46]svabhāva-vikalp; Ht., Cđ. tự tính phân biệt 自性分別.

[47]abhinirūpaṇa-vikalpa; Ht. kế đạc phân biệt 計度分別; Cđ. nhị hiển thị phân biệt 二顯示分別.

[48]anusmaraṇa-vikalpa; Ht. tùy niệm phân biệt 隨念分別; Cđ. ức niệm phân biệt 憶念分別.

[49]Bản luận, Ch.ii, K.33.

[50]Ht. tuệ 慧; Cđ. trí 智.

[51]Ht. ý địa 意地; Cđ. tâm địa 心地.

[52]Ht., «Tất cả sự ức niệm đều có tự thể là ý địa.»

[53]sālambana, hình dung từ, chỉ tính chất sở hữu đối tượng, tồn tại trong liện hệ đối tượng; Ht. hữu sở duyên 有所緣; Cđ. hữu duyên duyên 有緣緣.

[54]Trong bản Ht. Bản Sanskrit và Cđ. không có.

[55]upātta, được tiếp thu (nhận), tính chất gần với khái niệm vật chất hữu cơ. Định nghĩa của bản luận đoạn sau. Ht. chấp thọ 執受; Cđ. hữu chấp 有執.

[56]HT. «Các thứ trong thân, trừ phần kết hợp với gốc… Và các thứ ngoài thân, như sắc, hương, vị, xúc trong đất, nước…»

[57]sacetana, có tính nhạy cảm; Ht. hữu giác xúc 有覺觸; Cđ. hữu giác 有覺.

[58]Hán: (đại) sở tạo 大所造.

[59]Định nghĩa bhautika: bhūteṣu bhavatvāt.

[60]Ht., 10 sắc xứ.

[61]Cf. bản luận, i. k 12 trên.

[62]Chỉ bốn tính chất cứng, ẩm, nóng, động. Xem i. K 12 trên.

[63]Xem, i. k 10d.

[64]Ht., «Như vậy, theo trong Kinh…» Kết luận của Luận chủ.

[65]Sphut., dẫn Kinh để lập luân, tự thể của nhãn căn là tính chất cứng, v.v… tức bốn đại chủng.

[66]Skt. tenāvinirbhāgavarttino māṃsapiṇḍasyaiṣa, Ht., «Không tách rời khối thịt nhãn căn mà có tính chất cứng (địa đại) các thứ.» Cđ. «Khối thịt và nhãn căn không tách rời nhau.» Giải thích của Sphut., tena cakṣurindriyeṇāvinirbhāgavarttino’ adhiṣṭānasyaitad, «cái đó (chỉ tính cứng v.v…) của y xứ (chỉ con mắt thịt) không phân ly với căn con mắt.» Theo đó eṣa (etad), đại từ, Ht. hiểu là «kiên tính.»

[67]Ht. Cđ. Nhập thai kinh 入胎經. Dẫn Kinh để chứng minh bốn đại chủng cũng là tự thể của nhãn căn v.v… Cf. Pāli, M. iii. 239 (Dhātuvibhaṅga): chadhāturo ayaṃ, bhikkhu, puriso chaphassāyatano aṭṭhārasamanovicāro caturādiṭṭhāna, «Sáu giới, Tỳ-kheo, là con người này; là sáu xúc xứ, 18 ý cận hành, bốn thắng xứ.»

[68]Ht. bản sự 本事. Cđ. chúng sinh căn bản 眾生根本. Sphut., nêu hai giải thích: «hoặc, bốn giới đầu (bốn đại) là thực thể căn bản (mūlasattva), vì năm xúc xứ (sparśāyatana), của con mắt v.v… từ đó mà phát sinh. Ý giới (manodhātu) cũng là thực thể căn bản, vì ý xúc xứ (manaḥsparśāyatana) từ đó mà sinh khởi. Hoặc, bốn giới đầu, vì là sở y của sắc phái sinh; và ý giới, vì là sở y của tâm sở; nên chúng chính là thực thể căn bản.» Nghĩa là, theo ý Kinh, thực thể căn bản, chứ không phải là tự thể.

[69]Tì-bà-sa 74(T27n1545 p381c16): «Sáu xứ (con mắt...) khi làm sở y cho xúc được gọi là sáu xúc xứ.» Nghĩa là, ngoài xúc còn có thọ tức các tâm sở khác nữa.

[70]Quang ký 2: «Kinh tuy nói sáu xúc xứ, mà ngoài ra cũng còn có các tâm sở khác.» (Bởi vì các tâm sở khác không được bao gồm trong sáu xúc xứ.)

[71]Quang ký 2: «Kinh nói, tưởng các thứ y chỉ tâm. Đâu có phải nói tự thể của tâm trở lại y chỉ chính nó.»

[72]Sphut., sarāgaṃ cittam iti cittarāgayoḥ parasparato’ arthāntaratvam, tâm có tham, tâm và tham là hai ý nghĩa khác nhau.

[73]Ht. cực vi tụ 極微聚.

74 Cf. Tì-bà-sa 133 (T27n1545 p689c8): «Bao nhiêu xứ hòa hiệp nói là năng đoạn? Bao nhiêu xứ hòa hiệp nói là sở đoạn?»

[75]Động từ căn: chid, cắt, chặt, chẻ, làm gián đoạn. Năng động: chinatti, chintte, nó chặt; Hán: năng chước 能斫; thụ động: chidyte, nó bị chặt; Hán: sở chước 所斫.

[76]accha. Ht: tịnh diệu 淨妙. Cđ. thanh tịnh 清淨.

[77]Động từ căn: dah, thiêu, đốt cháy. Năng động: dahati/dahate, nó đốt; danh từ tác nhân: dagdhṛ: người đốt, dāhaka, cái đốt, sự đốt; Ht. năng thiêu 能燒. Thụ động: dahyte, nó bị đốt 所燒.

[78]Động từ căn: tul, cân. Năng động: tolayati/tulayati, nó cân 能稱. Thụ động: tolyate, nó bị cân; danh từ thụ động: tulya, cái bị cân, sự cân bằng; Ht. sở xứng 所稱.

[79]Ht.: «Cái năng thiêu cũng là cái sở xứng. Tự thể như trước»

[80]Vipākaja, được sinh ra như là sự chín muồi của nghiệp quá khứ. Cđ. quả báo sinh 果報生.

[81]Aupcayika, cái được tích lũy lên, được phát triển thêm lên. Cđ. tăng trưởng sinh 增長生.

[82]vipākahetor jātāḥ vipākajāḥ.

[83]Sphut., yathā gobhir yukto ratho goratha iti, «cũng như xe được kéo bởi những con bò được gọi là xe bò.»

[84]Động từ căn; pac; pacati, nó nấu; pacyate, nó được nấu, →vi-pacyate, nó được nấu chín.

[85]Skt. aupacayika < upa-caya: dồn chứa lên → sự phát triển. Ht. sở trưởng dưỡng 所長養. Cđ. tăng trưởng 增長.

[86]Cf. Tạp A-tì-đàm tâm luận 1 (T28n1552 p879a7): «Vì được trưởng dưỡng bởi phạm hạnh, chánh thọ.»

[87]Skt. santāna: sự nối kết thành một quá trình liên tục. Hán: tương tục 相續.

[88]Sphut., anupacitakāyasya śabdasauṣṭhavādarśanāt, «bởi vì, đối với thân không khỏe mạnh (=không được phát triển) thì thanh không tỏ ra vi diệu.»

[89]Sphut., yat tu vipākajaṃ na tasyecchayā pravṛttiḥ, «Cái gì như là kết quả của quá khứ, cái đó không hoạt động theo ý muốn.»

[90]Tức khẳng định thanh cũng là dị thục sinh.

[91]Quá trình ba đoạn của thanh: karma (nghiệp) - bhūtāni (các đại chủng) - śabda (thanh).

[92]Xem cht. dưới.

[93]Thanh hoạt động do ý muốn. Thọ không do ý muốn.

[94]Skt. naiṣyandika < ni-syad: tuôn chảy xuống.

[95]Skt. sabhāgasarvatraga-hetu: nhân phổ biến (sabhāgahetu, Ht. biến hành nhân) và đồng loại (sarvatraga-hetu, Ht. đồng loại nhân). Hai nhân này cho quả lưu loại (niṣyanda-phala, đẳng lưu quả), kết quả tương tự và cùng loại với nhân. (ii.56)

[96]Vipākahetu, ii. 54.

[97]Skt. dravyavant [<dravya: thực chất, thực thể, thực vật]; Ht. hữu thật sự 有實事. Cđ. hữu thật vật 有實物.

[98]Skt. prathamānāsrave, vô lậu tối sơ, chỉ sát na đầu tiên chứng Dự lưu hướng.

[99]Vì ba giới ấy trong một sát-na này không do nhân đồng loại nên không phải là quả đẳng lưu. Sphut., pūrvakṣaṇāsravābhāvāt, «vì vô lậu chưa có trong sát na trước đó.»

[100]K. ii. 36, đạt được cái trước đó chưa có, gọi là thủ đắc (pratilambha, Ht. hoạch 獲 ). Cái đã có mà chưa mất, gọi là thành tựu (samānvagata).

[101]Skt. pṛthak lābhaḥ. Ht. độc đắc.

[102]Trong hai trường hợp, nhãn căn trước đó chưa tồn tại (chưa thành tựu).

[103]Skt. saha. Ht. câu đắc.

[104]ca: sahāpi ca.

[105]Nội tư thân, hay nội tại; Skt. ādhyātmiaka: adhi (tăng thượng) + ātma (tự ngã). Cđ. ngã y 我依, nội 內. Ht. nội 內. Xem định nghĩa dưới.

[106]Skt. ahaṃkāra < ahaṃ (đại từ nhân xưng, chủ cách) + kāra (sự tác thành). Hán: ngã chấp 我執.

[107]Skt. ātmanā hi sudāntena, «do bởi khéo tự chế ngự» (= do bởi tự ngã được khéo chế ngự, ātman, danh từ, được dùng như phản thân đại từ).

[108]Xem K.i.17a-b.

[109]Quan điểm Hữu bộ: tam thế thực hữu.

[110]Đặc tính hay yếu tính, là tính cách không xả bỏ tự thể (Sphut., na hi svabhāvaparityāgo ‘sti).

[111]Skt. sabhāga, rất khó dịch: sa (=saha, cộng đồng, cộng hữu) + bhāga (bộ phận, bộ loại). Trong liên hệ ở đây, Ht. đồng phần 同分; Cđ. đẳng phần 等分. Nơi khác, liên hệ nhân quả, sabhāga-hetu, Ht., Cđ. đồng loại nhân 同類因.

[112]Skt. niyataḥ. Ht. định 定. Quang ký 2: «định, hàm nghĩa bất cộng. Vì mỗi cảnh là đối tương riêng biệt cho mỗi thức tương ứng.»

[113]Ht., sinh pháp 生法. Cđ., định sinh vi pháp 定生為法.

[114]Tì-bà-sa 71 (T27n1545 p370c7): «Hỏi: Pháp giới có khi nào là bỉ đồng phần không? Đáp: Không. Không một pháp nào mà không được nhận thức bởi vô lượng ý thức, quá khứ, hiện tại và vị lai.»

[115]Ht. «Những thứ đã được trừ như vậy...»

[116]Skt. anyasya cittakṣaṇasya, sát-na của tâm. Ht. đệ nhị niệm tâm 第二念心. Cđ. đệ nhị sát-na tâm 第二剎那心.

[117]Skt. tat-sabhāga: tat (đại từ, cái đó) + sabhāga (xem cht. 319 trên). Ht. bỉ đồng phần 彼同分 Cđ. phi đẳng phần 非等分.

[118]Quang ký 2: «Phần, hàm nghĩa là loại 分是類義. Nghĩa là nó thâu nhận một cách phổ biến những gì là đồng loại.»

[119]Ht.: «...không nhìn sắc.»

[120]Skt. prāptagrahaṇa, sự nhận thức khi tự thân đối tượng đi thẳng đến trong căn; giữa căn sở y của thức và tự thân đối tượng không có gián cách. Ht. chí (căn) phương thủ 至根方取. Cđ. chí đáo căn 至到根. Xem K.i.43.

[121]Skt. bhāga; động từ căn bhaj: phân chia, chia phần hay nhận phần.

[122]Skt. anyonyabhajanam, sự chia phần cho nhau. Ht. cánh tương giao thiệp 更相交涉. Cđ. cánh hỗ tương ưng 更互相應.

[123]Skt. kātribhajanam, sự phân chia công tác. Ht. kỷ tác dụng 己作用. Cđ. cộng tác nhất công năng 共作一切能.

[124]Định nghĩa tiền tố sa- (trong sabhāga): sa eṣām asti (chúng có cái đó). Sa: ngữ cơ của tad, đại từ nhân xưng ngôi thứ ba số ít; dùng làm tiền tố trong phức hợp từ.

[125]Skt. sparśasamānakāryatva, trạng thái cùng phần chung là tiếp xúc. Ht. sở sinh xúc 所生觸. Cđ. đồng dĩ nhất xúc vi sự 同以一觸為事.

[126]darśanaheya, Ht. kiến sở đoạn 見所斷; Cđ. kiến đế sở diệt 見諦所滅.

[127]bhāvanaheya. Ht. tu sở đoạn 修所斷; Cđ. tu đạo sở diệt 修道所滅.

[128]aheya. Ht. phi sở đoạn 非所斷; Cđ. phi sở diệt 非所滅.

[129]Sphut., tatsahabhuva, các pháp đồng thời sinh khởi với các tùy miên, là các pháp tương ưng (samprayukta) của chúng: thức, thọ, v.v… và các pháp không tương ưng (asamprayukta): bốn tướng sinh, trụ, dị, diệt và các tướng tùy phụ (tallakṣaṇānulakṣaṇāni: các tướng và tùy tướng của nó).

[130]tatprapti: tat (nó), chỉ tùy miên

[131]Thuận chính lý 6: “88 tùy miên, cùng với tâm và tâm sở pháp tương ưng với chúng, và các pháp câu hữu là các đắc của chúng và các tướng (sinh, trụ, dị, diệt) của chúng, đều là kiến sở đoạn.”

[132]Quang ký: ý kiến của Kinh bộ (Sautrāntika), “Dị sinh tính, không khởi khi đắc Thánh; vì tương phản với Thánh, nên đáng lý thuộc kiến đoạn.” Sphut, quan điểm của Vātsīputriya (Độc tử bộ): “Vì tương phản với Thánh đạo,... do đó, như hữu thân kiến các thứ, cả hai được đoạn trừ bởi kiến.”

[133]Kệ tụng theo Sphut.

[134]Hiển tông: “Bất nhiễm, đây chỉ thiện hữu lậu, và vô phú vô ký.”

[135]Hiển tông: “Sắc hữu lậu, nhiễm hay không nhiễm.”

[136]Sphut., “Đoạn thiện căn tức không thành tựu các thiện pháp nhưng vẫn thành tựu dị sinh tính.”

[137]Chính lý: “Dị sinh tính thuộc tính chất vô ký không nhiễm ô. Nếu nó là nhiễm ô, hạng dị sinh ở Dục giới sau khi đã ly dục tham (chứng Sơ thiền) không còn là định sinh nữa.”

[138]Hiển tông: “Pháp bất nhiễm và các sắc pháp không thuộc kiến đoạn. Vì chỉ khi nào hoàn toàn đoạn trừ các phiền não lấy chúng làm đối tượng, bấy giờ mới nói là đoạn trừ.”

[139]Kiṃ punaḥ kāraṇam, theo Sphut và bản Cđ.; nhảy sót trong bản Huyền Trang và Thakur.

[140]Cđ. vi tứ đế lý 違四諦理, trái với lý bốn Thánh đế. Không có câu này trong bản Ht. Sphut., dị sinh tính, vì là ác tính phi phiền não (akleśaduṣṭatvāt), nên không mâu thuẫn với Thánh đế.

[141]Sphut., nghiệp thân và ngữ không phải là sở duyên.

[142]Ht., tức năm thức.

[143]Ht., năm nhiễm ô kiến 五染污見.

[144]Cđ., “ Các vô lậu kiến trong thân của bậc vô học.”

[145]Santīrika, Hán: quyết đạc 決度. Sphut., “santīraṇa, khả năng phán đoán, là khả năng dẫn khởi sự quyết định trước khi khảo sát đối tượng.”

[146]upadhyāna = upanidhyāna, Ht. thẩm lự 審慮 . Cđ. giản trạch 簡擇 .

[147]Ht., Cđ. “Vì là vô phân biệt.”

[148]Bảo sớ: Thế Hữu chủ trương con mắt thấy. Pháp Cứu, thứ con mắt thấy. Diệu Âm, tuệ tương ưng với thức con mắt thấy. Thí dụ bộ, thức con mắt đồng thời hòa hiệp với tâm, tâm sở thấy. Độc tử bộ, tâm-tâm sở hòa hiệp thấy.

[149]anyavijñānasamaṅgino. Cđ. dư thức tương ưng 餘識相應. Ht. dư thức hành thời 餘識行時, khi thức khác đang hoạt động

[150]Chánh lý: “Nếu con mắt có thể thấy, tại sao không thể trong cùng một lúc nắm bắt tất cả đối tượng?” Bảo sớ: “Nếu con mắt có thể thấy, thì khi thức của tai đang hiện khởi, mắt cũng có thể thấy.”

[151]Chính lý: “chỉ một phần ít con mắt là thấy sắc; đó là con mắt khi đồng phần... Khi nào có thức trú trì, khi đó con mắt là đồng phần.”

[152]Quang ký: Tiền đề của thức kiến gia (vijñānavādin).

[153]Sphut., chỉ những vị chủ trương mắt thấy trong Vaibhāṣika.

336Sphut., Luận chủ chấp nhận quan điểm thức kiến, đặt vấn đề và giải thích.

[155]Ht. cảnh hiệp 境合; Cđ. chí cảnh 至境. Thân căn chỉ có thể nhận thức khi đối tượng đến áp sát nó (prāpta-viṣaya), nhưng với con mắt thì không; xem i. 43cd.

[156]Cđ.: “Nếu vậy, tại sao nó không thấy?” Ht.: “Nếu vậy, chủ trương nhãn thức là thế nào?” Chất vấn của nhãn kiến gia.

[157]Xem i. 17.

[158]Sphut., “Hành động của thức y chỉ được ám chỉ bằng con mắt được y chỉ... Như những người ngồi trên giường kêu, được nói là cái giưòng kêu.”

[159]Ht. thiểu phần tuệ 少分慧. Quang ký: “Có tuệ không phải là kiến, nên nói là một phần (thiểu phần).” Cđ. “Ví như có giải thoát được gọi là kiến hoặc được gọi là trí.”

[160]Ht. giản trạch 簡擇. Cđ. trí 智.

[161]Sphut., nói là kaścit (một phần nào đó), vì không phải tất cả thức đều thấy.

[162]Bảo sớ: theo Thái Pháp sư, đây là chất vấn của Độc tử bộ (Vātsīputriya).

[163]Bảo sớ: theo Thái Pháp sư, quan điểm của Đàm-ma-đa-la bộ.

[164]Cf. Tì-bà-sa, quyển 95.

[165]divasakara; Ht. năng tác trú 能作晝.

[166]Skt. kim idam ākāśaṃ khādyate, “tại sao nhai nghiến hư không?” Ht., như hà cộng tụ tra xế hư không 如何共聚楂掣虛空?

[167]Janapadanirukti. Ht. Phương vực ngôn từ方域言詞; Cđ. Phương ngôn 方言. Cf. M.iii. 230: janapadaniruttiṃ nābhiniveseyya samaññaṃ nātidhāvanti; S.iv. 230: yaṃ ca sāmaṃ ñātaṃ taṃ ca atidhāvanti, yaṃ ca loke saccaṃmataṃ taṃ ca atidhāvanti.

[168]naikatarānyathbhāvāt; Sphut.: Nếu cả hai con, một mở và một hơi nhắm, hoặc nhắm lại cả hoặc mở cả, bấy giờ không thấy hai mặt trăng.Ht. “(Mở một con và xúc chạm một con thì thấy hai mặt trăng). Nhắm một con và xúc chạm một con thì sự kiện ấy không có.” Cđ. “do một trong hai con biến dị sẽ thấy không rõ.”

[169]Ht. “Không giống như ngại sắc.”

[170](a) prāptaviṣaya, đối tượng vươn đến để kết hợp với chủ thể phát sinh nhận thức. Ht. chí cảnh 至境. Cđ. chí trần至塵.

[171]Quang ký: nạn vấn của Thắng luận sư (Vaiśeṣika), chủ trương cả sáu căn đều nhận đối tượng tiếp hợp.

[172]Ht., thêm: “Tai cũng vậy.”

[173]nirantarotpattiḥ, không có khoảng cách giữa căn và cảnh. Chính lý: “Căn và cảnh tiếp cận nhau để sinh khởi, mới có thể tiếp nhận.”

[174]Cđ. lân hư 鄰虛.

[175]Ht. hữu phần 有分. Cđ. hữu phương phần 有方分.

[176]Sphut., “Nếu chúng không tiếp xúc, khi không có sự đánh gõ, âm thanh không thể phát ra.” Ht. “(Âm thanh phát ra) Do cực vi vô gián sinh. Nếu chúng xúc nhau, khi đá chọi đá, tay vỗ tay, chúng sẽ dính lại.”

[177]Ht. hòa hiệp sắc 和合色. Cđ. vi tụ vật 微聚物.

[178]“Đối với các vật phi xúc, cũng được hỏi như vậy” (Ht.)

[179]viśīryate, Ht. “khi vật hòa hiệp bị ly tán.” Sphut., tadyathā śuṣkā mṛccūrṇīkriyamāṇā, như bột cục bị sấy khô. Quang ký: “Như đám bột rải trong không.”

[180]cayaṃ gacchati, Ht. “Vật ly tán lúc đang hòa hiệp.”

[181]cayavattāṃ cayaḥ; Cđ. “Tụ kết hợp với tụ.” Ht. “Vật đã hòa hiệp lại được hòa hiệp.”

[182]vātāyanaraja; Ht. “hướng du trần đồng loại tương tục.” Quang ký: “Tụ vi tế sinh tụ vi tế; hoặc sinh đồng loại.”

[183]Quang ký: tức Đại đức Pháp Cứu (Dharmatrata).

[184]Xem cht.102, tr.19 trên (i. 13).

[185]Ht.: phương phần 方分.

[186]Ht.: hữu phương phần有分.

[187]Ht.: “Nếu không có phương phần, dù thừa nhận có tiếp xúc, cũng không có lỗi ấy.”

[188]Sphut., “Tại sao sự tiếp nhận các đối tượng lớn, như núi non, được đặc trưng bởi một lần, mà không phải theo thứ tự?”

[189]Sphut., “...Với tốc độ rất nhanh... như sự tiếp thu vòng lửa đang quay diễn theo thứ tự, nhưng được đặc trưng như là một lần.”

[190]Sphut., “Con mắt có đối tượng tương xứng khi nhìn quả nho; không tương xứng khi nhìn đầu sợi tóc hay nhìn ngọn núi.”

[191]Ht. an bố sai biệt 安布差別. 

[192]Cđ. Thì-la hoa 時羅花. Ht. hương tuy hoa 香荾花.

[193]Ht. “Xoáy tròn như vỏ cây hoa cuốn lại 卷樺皮.” Cđ. “Như vỏ cây phù-hưu-xà 浮休闍皮.”

[194]Ht. “Trên dưới úp nhau như hai móng tay.”

[195]Ht. “Được bố trí nằm ngang, không có cao thấp.”

[196]Quang ký: “Theo sự tương truyền của các cổ đức phương Tây, y phương gia cho rằng trong thiệt căn có một điểm nhỏ bằng đầu sợi lông. Chỗ không có thiệt căn, là điểm mạt-ma (marman, tử huyệt). Lấy kim chích vào đó, người kia chết ngay.” Sphut.: āgamasūcinārthaḥ kilaśabdaḥ, “Từ kila chỉ cho sự truyền đạt của Thanh giáo.”

[197]Quang ký: chỉ quan điểm truyền thống của Hữu bộ.

[198]Ht.: “Toàn thể thân căn làm thức phát khởi.” Cđ.: “Nếu tất cả đều làm phát sinh thân thức.” Bản Thakur đọc là sarvaiḥ kila. Sphut. đọc sa kila.

[199]Xem i. k. 17a-b.

[200]Ht., thêm: “Năm căn, mắt v.v… là biệt sở y. Ý căn là là sở y thông cho cả năm.” Sphut.: sở y là nhãn căn và sở y là ý căn.”

[201]Ht. đẳng vô gián duyên 等無間緣. Cđ. thứ đệ duyên 次第緣. Xem k.i. 62.

[202]Ht.: nhãn căn câu sinh. Sphut.: Mắt, là sở y cho nhãn thức, chứ không là đẳng vô gián duyên.

[203]Sphut.: Có tính chất đẳng vô gián chứ không có tính chất sở y. Sáu sở y của thức là mắt v.v… cho đến ý.

[204]Sphut.: Cả hai, là sở y và là đẳng vô gián.

[205]Ht.: “Tức là, nó làm sở y cho ý thức chứ không làm đẳng vô gián duyên cho ý thức v.v...” Cđ.: “Ý thức không có trường hợp đầu; vì pháp nào làm sở y thì cũng làm thứ đệ duyên.” Sphut.: “Cái gì làm sở y cho ý thức thì cũng là đẳng vô gián duyên.”

[206]eṣām, trong bản Ht., bỉ 彼, thuộc tụng văn theo sau. Do đó, phần trường hàng có thêm giải thích: “bỉ, chỉ sở y được gọi là mắt v.v… đã nói trên.”

[207]Ht. Cđ. bất cộng (nhân) 不共因.

[208]Sphut.: “Cũng như trong đời người ta nói tiếng trống, mầm lúa, chứ không nói tiếng dùi, mầm ruộng.”

[209]Ht., sắc thuộc Dục giới.

[210]Cđ., mắt và thức thuộc sơ định.

[211]Ht., thân ở Dục giới; ba thứ kia thuộc sơ định.

[212]Ht., tự địa sắc 自地色.

[213]Ht., mắt thuộc nhị định.

[214]Ht., ba thuộc sơ định, sắc thuộc Dục giới.

[215]Ht., nhìn sắc thuộc sơ định.

[216]Ht., ba thuộc sơ định; mắt thuộc nhị định.

[217]Ht., thân thức thuộc sơ định, sắc thuộc Dục giới, mắt thuộc nhị định.

[218]Ht., thân và thức thuộc sơ định, sắc và mắt thuộc nhị định.

[219]Ht., (...) và Tứ thiền, nhìn sắc tự địa, hay hạ hoặc thượng địa.

[220]Ht., sinh ở tĩnh lự thứ hai, thứ ba hay thứ tư.

[221]Ht., quyết định tướng 決定相. Cđ. quyết phán 決判.

[222]Lặp lại tụng văn trên; thay mắt bằng tai, sắc bằng thanh.

[223]Ht., thức đối với thân và xúc, hoặc tại tự địa, hoặc thấp hơn.

[224]Ht., sinh vào ba định trên.

[225]Ht., ba thứ. Tức ý, thức và pháp.

[226]ānuṣaṅgikaḥ; Sphut.: phụ luận của tụng i. 41, cakṣuś ca dharmatoś ca dṛṣṭiḥ.

[227]Ht.: cái gì là thức? Cái gì là sở thức?

[228]Sphut., Kinh được Phật nói cho Jātiśroṇa brahmaṇa (Sinh Văn bà-la-môn). Cf. Pāli, Vbh 122 sq; Vism 491 sq.

[229]Cđ. ngã y 我依.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]