Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 38-42

12/06/201020:56(Xem: 7571)
Chương 38-42

KINH TỨ THẬP NHỊ CHƯƠNG
Thích Viên Giác dịch và giảng

Chương 38-42

Chương 38

I. Chánh Văn

Ðức Phật hỏi một vị Sa môn: "Sinh mạng của con người tồn tại bao lâu?". Ðáp rằng: "Trong vài ngày". Phật nói: "Ông chưa hiểu Ðạo". Ðức Phật lại hỏi một vị Sa môn khác "Sinh mạng con người tồn tại bao lâu?". Ðáp: "Khoảng một bữa ăn". Phật nói: "Ông chưa hiểu Ðạo". Ðức Phật lại hỏi một vị Sa môn khác nữa: "Sinh mạng con người tồn tại bao lâu?". Ðáp: "Khoảng một hơi thở". Phật khen: "Hay lắm! Ông là người hiểu Ðạo".

II. Ðại Ý

Mạng sống con người rất mong manh, chỉ trong một hơi thở, thở ra mà không thở vào là qua đời khác.

III. Giảng Nghĩa

Chương này Ðức Phật trắc nghiệm trình độ tu tập và khả năng nhận thức về vô thường. Những vị Sa môn đã trả lời khác nhau, bày tỏ sự nhận thức sâu cạn của mình. Vị thứ nhất đã hiểu cuộc đời là vô thường, mạng sống con người cũng vô thường, nhưng ông nghĩ rằng thời gian vài ngày là nhanh rồi. Vị thứ hai cho là một bữa ăn, tức khoảng nửa tiếng, tưởng rằng như vậy là ngắn lắm rồi, nhưng Ðức Phật vẫn chưa chấp nhận. Vị thứ ba đáp rằng chỉ trong hơi thở và được Phật khen ngợi, vì 2 lý do:

1) Về mặt nguyên lý: sự vô thường diễn ra trong từng giây phút (sát na vô thường).

2) Về mặt tu tập: sự quán chiếu về vô thường của thân mạng là để loại bỏ sự thấy sai lầm về thân (thân kiến), để thấy rõ bản chất thực của thân là vô ngã, thì hành giả phải thấy sự diễn biến liên tục của thân qua hình ảnh cụ thể là hơi thở. Sinh mạng thay đổi qua từng hơi thở. Nói một cách ấn tượng thì thở ra mà không thở vào là chấm dứt, như người xưa nói: "Nhất tức bất hồi thiên thu vĩnh biệt".

Thật ra, không phải khi ta nhắm mắt xuôi tay mới gọi là chết, mà ta đã chết qua từng sát na (thời gian rất ngắn), sinh mạng thay đổi rất nhanh, chỉ có những người hiểu Ðạo biết quán chiếu mới hiểu rõ.

IV. Nhận Xét Và Kết Luận

1) Chương này Ðức Phật trắc nghiệm trình độ tu tập của các vị Sa môn về chủ đề cơ bản là sự vô thường của sinh mạng.

2) Sinh mạng con người chuyển biến liên tục, sự tồn tại rất ngắn, chỉ trong thoáng chốc. Ðó là sự thực. Thấy được lý thật này, sự ảo ảnh về thân, chấp thủ bản ngã mới có thể rơi rụng.

Chương 39

I. Chánh Văn

Ðức Phật dạy: "Người tu học theo con đường của Phật thì phải tin tưởng và thực hành những lời Phật dạy. Thí dụ ăn mật, ở giữa hay chung quanh bát đều ngọt. Giáo pháp của ta cũng vậy" (đều có vị ngọt giải thoát).

II. Ðại Ý

Ðệ tử Phật thì phải có niềm tin đối với Ðức Phật và Giáo Pháp

III. Giảng Nghĩa

Chương này đề cập đến niềm tin của người đệ tử đối với bậc Ðạo sư. Người đệ tử muốn thành tựu kết quả tu tập phải có niềm tin vào ông thầy, vào lời dạy của thầy; nếu không, tâm hoài nghi sẽ cản trở, chướng ngại cho sự tu tập. Ðiều này rất quan trọng cho lộ trình tu tập Thiền Ðịnh (Ðại hành tâm). Yêu cầu của chương này là phải có niềm tin tuyệt đối, đối với lời dạy của Phật, tất cả những lời dạy của Ngài đều sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, đều có hương vị giải thoát.

Ðiều đó không có nghĩa là tin theo một cách mù quáng, vô điều kiện. Niềm tin đó phải xuất phát từ sự thấy rõ, như trong kinh Kàlama. Ðức Phật dạy: "Này các Kàlama, đừng để bị dẫn dắt bởi những báo cáo, hay bởi truyền thống, hay bởi tin đồn. Ðừng để dẫn dắt bởi thẩm quyền kinh điển hay bởi lý luận suông, hay bởi suy lý, hay bởi sự xét đoán bề ngoài, hay bởi vì thích thú trong những lý luận , hay bởi những điều tuồng như có thể xảy ra, hay bởi ý nghĩa "Ðây là bậc Ðạo sư của chúng ta". Nhưng này các Kàlama, khi nào các ông tự biết mình biết chắc chắn rằng những việc ấy là Thiện, là tốt, hãy chấp nhận theo chúng". (Tăng Chi, Kinh Tứ Sát, Trung Bộ 1)

Người tu tập đôi khi thiếu sự sáng suốt, dễ bị mê hoặc bởi uy tín của Ðức Phật do người khác lợi dụng, sẽ đi vào con đường tà đạo mà cứ nghĩ rằng mình đã đi đúng chánh pháp.

Niềm tin đối với bậc Ðạo sư là cần thiết cho sự tu tập, nhưng phải được xét nghiệm bằng trí tuệ để phân biệt ở đâu là Phật dạy, ở đâu là trá ngụy, nhất là trong thời kỳ không có Phật xuất hiện như thế giới hôm nay.

Giáo điển của Ðức Phật xuất phát từ trí tuệ siêu việt của Ngài nên toàn thiện viên mãn. Vì vậy, toàn bộ giáo lý đều có một mục đích duy nhất như Pháp Hoa Kinh nói: "Khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến". Chỗ khác, Ðức Phật dạy: "Nước trong 4 biển tuy nhiều, nhưng chỉ một vị là vị mặn. Giáo pháp của ta cũng vậy, chỉ có một vị là vị giải thoát". Thí dụ bát mật ở giữa hay 2 bên đều ngọt là vậy.

IV.Nhận Xét Và Kết Luận :

Ðệ tử của Phật tu tập dưới sự dẫn dắt của bậc Ðạo sư phải có niềm tin tuyệt đối đối với giáo pháp, vì giáo pháp chỉ có một vị là vị giải thoát.

Chương 40

I. Chánh Văn

Ðức Phật dạy: "Sa môn hành đạo đừng như con trâu kéo vất vả; thân tuy có tu tập mà tâm không tu tập. Nếu tâm có tu tập thì không cần thân tu tập (hình thức bên ngoài).

II. Ðại Ý

Tu tập chủ yếu là nội tâm chớ không phải là hình thức bên ngoài.

III. Giảng Nghĩa

Chương trước đề cập đến niềm tin đối với bậc Ðạo sư, đối với giáo pháp để mà tu tập. Chương này đề cập đến vấn đề tu tập trong tâm chứ không phải hình thức bên ngoài. Con trâu làm việc vất vả thân xác, trong tâm nó không có nội dung gì. Người tu hành, bề ngoài tu tập vất vả, nhưng không có tiến bộ nội tâm thì chẳng khác con trâu chỉ biết cày bừa.

Ðạo Phật chú trọng tu tâm dưỡng tánh, lấy niềm vui Ðạo (hạnh phúc bên trong) làm khích lệ cho con dường tu tập đoạn trừ phiền não.

Chương này cảnh giác những người tu hành chỉ lo chỉnh đốn oai nghi hình thức mà quên tu tập bên trong tâm thức, kết quả chẳng ích gì.

Khi trong tâm đã thanh tịnh, đã giác ngộ thì chẳng cần phải tu tập gì nữa, như câu nói truyền thống: "Những việc nên làm đã làm, không còn tu học gì nữa". Ý nói là bậc vô học A La Hán.

IV. Kết Luận

Người tu hành chú trọng thanh lọc tâm thức, đoạn trừ phiền não, chứ không chú trọng hình tướng tu tập bên ngoài. Tu tập bên trong mà thành công rồi thì chẳng cần phải tu tập gì nữa.

Chương 41

I. Chánh Văn

Ðức Phật dạy: "Người hành Ðạo giống như con trâu chở nặng đi trong bùn sâu, mệt lắm mà không dám nhìn hai bên, ra khỏi bùn lầy rồi mới có thể nghỉ ngơi. Người Sa môn phải luôn quán chiếu tình dục còn hơn bùn lầy, một lòng nhớ Ðạo mới có thể khỏi bị khổ vậy.

II. Ðại Ý

Chướng ngại chủ yếu của sự tu tập là tình dục, phải chánh niệm tĩnh giác thường trực mới khỏi sa ngã.

III. Giảng Nghĩa

Chương này đề cập đến sự chướng ngại chủ yếu của một vị Sa môn trên lộ trình tu tập là tình dục, khi mà cội nguồn của tình dục chưa đoạn trừ, thì người tu hành phải luôn luôn chánh niệm tĩnh giác để đoạn trừ, không được khinh thường chủ quan như đã được nhấn mạnh ở các chương trước, chẳng khác nào con trâu mang vật nặng trên lưng đi vào con đường bùn lầy, phải nhất tâm cẩn thận vượt ra khỏi đường lầy rồi mới nghỉ ngơi.

Ðối với tình dục nói riêng, đối với phiền não tham, sân, si nói chung, đoạn trừ chúng là như đặt gánh nặng xuống. Tùy theo căn trí của mỗi người mà sự đoạn trừ tham dục kết quả chậm hay nhanh. Trong kinh Tăng Chi, Ðức Phật đề cập đến 4 hạng người:

- Hạng đạo hành khổ, thắng trí chậm.
- Hạng đạo hành khổ, thắng trí nhanh.
- Hạng đạo hành lạc, thắng trí chậm.
- Hạng đạo hành lạc, thắng trí nhanh.

Nghĩa là:

1- Người bản tính tham dục cường thịnh, bị khổ bởi tính tham dục đó. Người ấy khả năng yếu, ngũ căn tín, tấn, niệm, định, tuệ, yếu nên khả năng yếu, chậm chạp trong quá trình đoạn diệt các lậu hoặc.

2- Người bản tính tham dục cường thịnh bị khổ bởi tính tham dục đó. Người ấy năm căn tín, tấn, niệm, định, tuệ, dồi dào, khả năng mạnh, nên nhanh chóng đoạn diệt các lậu hoặc.

3- Người bản tính tham dục không cường thịnh, không bị khổ bởi tính tham dục. Nhưng năm căn tín, tấn, niệm, định, tuệ yếu nên khả năng yếu, chậm chạp trong quá trình đoạn diệt các lậu hoặc.

4- Người bản tính tham dục không cường thịnh, không bị khổ bởi tham dục. Người ấy năm căn tín, tấn, niệm, định, tuệ mạnh, nên có khả năng nhanh chóng đoạn diệt các lậu hoặc.

Tóm lại, sự đoạn trừ tình dục, sân hận, ngu si, tùy thuộc vào khả năng tinh thần (5 căn) của mỗi người chứ không tùy thuộc vào tình dục mạnh hay yếu.

IV. Kết Luận

1) Thí dụ con trâu chở nặng đi trong bùn sâu, rất phù hợp với trường hợp người tu hành chưa đoạn trừ ái dục.

2) Người tu hành luôn chánh niệm tĩnh giác, làm chủ thân, khẩu, ý thường xuyên mới có thể đoạn trừ tham dục.

Chương 42

I. Chánh Văn

Ðức Phật dạy: "Ta xem địa vị vương hầu như bụi qua kẽ hở, đem vàng ngọc quý giá như ngói gạch, xem y phục tơ lụa như giẻ rách, xem đại thiên thế giới như một hạt cải, xem cửa phương tiện như các vật quý giá hóa hiện, xem pháp vô thượng thừa như mộng thấy vàng bạc lụa là, xem Phật đạo như hoa đốm trước mắt, xem thiền định như núi Tu Di, xem Niết Bàn như ngày đêm đều thức, xem phải trái như sáu con rồng múa, xem pháp bình đẳng như nhất chân địa, xem sự thịnh suy như cây cỏ 4 mùa".

II. Ðại Ý

Thái độ của bậc giác ngộ là xả ly toàn bộ tham ái và chấp thủ đối với các pháp.

III. Giảng Nghĩa

1. Chú thích từ ngữ, thuật ngữ:

Ðại thiên thế giới: (còn gọi là tam thiên đại thiên thế giới) theo vũ trụ quan Phật giáo thì 1000 thế giới bằng một tiểu thiên thế giới,1000 tiểu thiên thế giới thành một trung thiên thế giới, 1000 trung thiên thế giới thành một đại thiên thế giới. Ở đây muốn nói đến cái lớn rộng so sánh với vật nhỏ bé như hạt cải.

Ao A Nậu (Anavatapta) dịch là Vô nhiệt não, ao này ở trên núi Hy Mã Lạp Sơn, nguồn của con sông Hằng và các con sông khác ở Ấn Ðộ. Theo truyền thuyết nước ao đó là nước thiêng có 8 công đức: lắng sạch, trong mát, ngọt ngon, nhẹ diệu, nhuần trơn, an hòa, trừ đói khát và tội lỗi, bổ khoẻ về thể xác và tinh thần.

Pháp vô thượng thừa: pháp Ðại thừa, con đường dẫn đến Phật quả.

Phật đạo: con đường thành tựu quả vị Phật.

Núi Tu Di: còn gọi là núi diệu cao đó là hòn núi trung tâm của một thế giới. Ðó là ngọn núi lớn nhất không có núi nào lớn hơn, vì vậy dùng để thí dụ cho điều gì lớn lao, vững chãi.

Niết bàn: (Nirvana) còn gọi là Nê Hoàn.

Nir: ra khỏi, vana: rừng, tức là ra khỏi rừng phiền não. Niết bàn còn có nhiều tên gọi khác như Diệt (diệt phiền não), Diệt độ (dứt sinh tử), Tịch diệt (lặng lẽ tịch tịnh), Bất sanh (không còn sanh tử), Vô vi (không tạo tác nghiệp), an lạc, giải thoát ...

2. Giải thích nội dung:

Chương 42 là chương cuối cùng của Kinh Tứ Thập Nhị Chương, được coi là bản tổng kết của bộ kinh, nghĩa là đúc kết nội dung tư tưởng của toàn bộ kinh để rút ra một kết luận cốt lõi.

Chương này trình bày 13 đối tượng chấp thủ của mọi người dưới nhãn quan của bậc giác ngộ viên mãn, cho thấy trí tuệ siêu việt vượt thoát khỏi sự trói buộc tâm lý tham ái và chấp thủ, điều này tiêu biểu cho sự giải thoát. Trong nguyên bản kinh xưa thì chương này được trình bày 3 đối tượng mà thôi, còn bản kinh này thì thêm vào khá nhiều gồm 13 điều, có điều hay và những điều không cần thiết.

Ba đối tượng đầu là đối tượng của lòng tham ái:

1) Xem địa vị vương hầu như bụi qua kẽ hở: Bụi qua kẽ hở rất nhỏ bé, dao động và vô thường. Ðịa vị công danh là đối tượng ham muốn của số đông, vì thế mà sinh tranh chấp, phiền muộn. Bậc giác ngộ vì đã thấy bản chất của vũ trụ nên họ không còn tham đắm danh vị.

2) Xem sự quí giá của vàng ngọc như gạch ngói: Vàng bạc là sinh mệnh của con người như người ta vẫn nói: "Tiền tài là huyết mạch". Vì vậy con người phải vất vả tìm kiếm, có khi phải hy sinh thân mạng, danh dự, tình cảm ... Tìm kiếm được rồi lo giữ gìn để đừng mất mát. Bậc giác ngộ xem những thứ quý giá ấy chẳng khác nào ngói gạch, không có gì đáng kể.

3) Xem y phục tơ lụa như giẻ rách: Ham chuộng trang sức, làm đẹp cơ thể, thỏa mãn tự ngã là điều quan trọng của nhiều người. Vì vậy, y phục tơ lụa được quan tâm coi trọng. Ðối với bậc giác ngộ thì sự quý giá của y phục bằng lụa là không tác động đến tâm tư, xem nó với giẻ rách không khác.

Ba điều này được coi là nhóm thứ nhất, là đối tượng tham ái của chúng sinh.

4) Xem đại thiên thế giới như hạt cải: Ðại thiên thế giới là nói đến cái rộng lớn bao la của vũ trụ vạn hữu, đối với hạt cải là vật nhỏ, quá nhỏ. Khái niệm phân biệt và chấp trước vào cái lớn, cái nhỏ không phù hợp với chân lý duyên sinh – Người giác ngộ thấy sự vật bình đẳng – Ðiều này có một thiền sư đã nói:

"Càn khôn tận thị mao đầu thượng
Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung"

(Trời đất rút lại bằng đầu sợi lông; mặt trời, mặt trăng có thể nằm lọt trong một hột cải - thiền sư Huyền Giác trong chứng Ðạo Ca).

5) Xem nước ao A Nậu như dầu thoa chân: Hình ảnh đối nghịch khác là ao A nậu và dầu thoa chân, một bên là nước Thánh linh thiêng trong sạch, một bên là dầu thoa chân phòng rắn rít của người Ấn Ðộ xưa. Giữa cái sạch, cái dơ người đời phân biệt rất rõ. Nhưng dưới nhãn quan của bậc giác ngộ thì chúng là một, "Bất tăng bất giảm, bất cấu bất tịnh" của kinh Bát nhã.

Hai đối tượng 4 và 5 thuộc nhóm thứ hai, là đối tượng chấp thủ của người tu hành còn thấp, hoặc là kiến chấp của hàng trí thức học giả.

6) Xem cửa phương tiện như các vật quý được hóa hiện: Phương tiện là cách xử trí khôn khéo để dẫn dắt chúng sinh vào con đường Ðạo hay nói cách khác sử dụng những phương thức khác nhau, tùy theo điều kiện thực tế đạt được mục đích – vì vậy phương tiện là biện pháp tạm thời không thật cũng như các vật quý giá, tuy quý nhưng là đồ hóa hiện không thật.

7) Xem pháp vô thượng thừa như mộng thấy vàng lụa: Vô thượng thừa là cỗ xe lớn hơn bất cứ loại xe nào, cũng gọi là Ðại thừa, tức xe lớn đưa chúng sinh đến Phật quả, cao siêu hơn cửa phương tiện ngụ ý là của thanh văn, duyên giác. Ðây là lộ trình của Bồ Tát thừa, mặc dù nó quý thật nhưng chỉ trong cơn mộng không thật.

8) Xem Phật đạo như hoa đốm trước mắt: Phật đạo hay là Phật quả là mục tiêu của Ðại thừa Bồ Tát, tu tập đạt đến Phật quả là hoàn tất mục đích của mình. Tuy nhiên đã là con đường hay quả vị thì vẫn không thật, chỉ là giả lập, giả thuyết. Do có sự đối đãi mà gọi là Phật đạo, ma đạo. Giống như hoa đốm trước mắt là do bệnh mắt mà có, nếu hết bệnh thì còn gọi hoa đốm là gì nữa?

9) Xem thiền định như núi Tu Di: Núi Tu Di cao lớn và vững chãi, thiền định là tâm thức tập trung cao độ, ổn định và vững chãi. Mục đích của thiền định là trí tuệ đoạn trừ lậu hoặc chứ không phải mục đích an ổn vững chãi. Vì vậy đối với thiền định, bậc giác ngộ chỉ xem núi Tu Di không quan trọng gì mấy, chỉ được cái vững chãi mà thôi. Chấp thủ vào đó thì không ích gì.

10) Xem Niết bàn như ngày đêm đều thức: Niết bàn là tịch diệt, là chấm dứt phiền não, là mục tiêu của định tuệ. Ngày đêm đều thức có nghĩa là sự tỉnh thức thường trực. Ðối với bậc giác ngộ, Niết bàn không có gì là cao siêu huyền bí hoặc cảnh giới siêu nhiên nào đó mà chỉ là sự tỉnh thức thường trực.

Từ đối tượng thứ 6 cho đến đối tượng thứ 10 thuộc nhóm 3, là các đối tượng (Pháp xuất thế) chấp thủ của Nhị thừa, xuất thế. Tất cả chỉ là giả danh, giả lập không nên thủ trước.

11) Xem sự phải trái như sáu con rồng múa: Phải trái là những đối cực của cuộc sống, người ta khổ vì thấy có phải có trái, ta phải người trái ... thực ra phải và trái là những khái niệm hết sức tương đối. Phải người này chưa hẳn là phải kẻ khác. Phải lúc này chưa hẳn là phải trong tương lai. Chẳng khác nào 6 con rồng múa một lượt nhưng không biết đâu là đầu là đuôi của con này hay của con kia. Do thấy vậy mà tự tại giải thoát.

12) Xem pháp bình đẳng như nhất chân địa: Nhất chân địa là từ chỉ cho địa vị chứng được thật tướng của vạn pháp. Pháp bình đẳng chính là nhất chân địa.

Ðiều 12 này nói vào đây là thừa, không cần thiết, lập lại các phần pháp xuất thế, hơn nữa đặt nó vào đây trở nên lạc lõng và vô nghĩa.

13) Xem sự thịnh suy như cây cỏ 4 mùa: Cuộc đời hết thịnh tới suy, hết suy tới thịnh, chẳng khác nào cỏ cây vào mùa Xuân thì đâm chồi nảy lộc, mùa Hạ xanh tốt, mùa Thu vàng úa, mùa Ðông tàn rụng. Ðó là qui luật tự nhiên muôn đời. Vì vậy, thái độ của bậc giác ngộ là thản nhiên trước sự đổi thay, thịnh suy của cuộc đời – Vạn Hạnh thiền sư cũng nói:

"Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cỏ xuân tươi thu lại khô
Ngẫm cảnh thịnh suy đừng sợ hãi
Thịnh suy như sương đầu ngọn cỏ"

Bỏ qua một bên điều 12 là xem pháp bình đẳng như là nhất chân địa, vì lạc điệu và không hay. Còn lại điều 11 và điều 13 thuộc về nhóm 4, là đối tượng chấp thủ thường tình của con người, phải trái, thịnh suy. Người giác ngộ nhìn sâu vào lòng cuộc sống, thấy rõ bản chất vô thường bất định của mọi sự nên đối nhân xử thế một cách nhẹ nhàng thanh thản. Ðó là thái độ xả ly toàn diện.

IV. Nhận Xét Và Kết Luận

1. Trong 13 đối tượng dưới nhãn quan của bậc giác ngộ có thể chia làm bốn nhóm: một là điều 1, 2, 3 đối tượng của ái dục, tham ái. Hai là điều 4, 5 đối tượng của tư duy phân biệt, chấp thủ quan điểm, khái niệm. Ba là điều 6, 7, 8, 9, 10 đối tượng chấp thủ của các bậc Thánh nhị thừa. Bốn là điều 11, 13 (bỏ điều 12) đối tượng chấp thủ của con người nói chung về cuộc đời, về quan niệm sống.

2. Qua 13 đối tượng dưới nhãn quan của bậc giác ngộ, ta thấy thái độ xả ly toàn diện. Xả ly tham ái và chấp thủ. Ðây là con đường độc nhất vô nhị của Phật giáo và cũng là phần cốt lõi của sự tu tập trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương.

Hết

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]