Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

04. Những giáo lý đi lên với hạnh

11/06/201307:15(Xem: 7940)
04. Những giáo lý đi lên với hạnh

GIÁO HUẤN DAKINI

Do YESHE TSOGYAL ghi lại và chôn dấu
Phát lộ bởi: NYANG RAL NYIMA OSER và SANGYE LINGPA

NHỮNG GIÁO LÝ ĐI LÊN VỚI HẠNH

Đạo sư Padmakara xuất hiện trong nhiều hình thức khác nhau với nhiều loại y phục. Trong cách thức vượt ngoài tuân thủ, Ngài tuân thủ mọi giới luật từ giới thanh văn cho đến các lời thệ Mật thừa của những bậc Vidyadhara. Ngài khẩu truyền chín thừa thứ bực và như thế chỉ bày cái thấy và hạnh là một thể thống nhất, đi xuống với cái thấy trong khi đi lên với hạnh. Bởi vì tâm Ngài sở đắc sự chứng ngộ toàn giác, với Bồ đề tâm Ngài yêu quý chúng sanh hơn chính Ngài.

Ngài là một hóa thân làm người, một bậc giác ngộ, và nói ra tất cả những lời dạy về làm sao để ứng xử, hành động (hạnh) đã được công chú Tsogyal chép lại.

Đạo sư vĩ đại nói: Bất kỳ giáo lý của những thừa ngoại hay thừa nội nào con thực hành, trước tiên con phải quy y Tam Bảo. Đã có những giới luật làm nền tảng cho sự thực hành của mình[7] , mỗi khi con đi về hướng nào, hãy quy y chư Phật và Bồ Tát của hướng ấy.

Hãy luôn luôn có niềm tin không lay chuyển vào Tam bảo. Làm như thế, con tạo ra một nối kết nghiệp báo ngay từ giờ, và trong tương lai con sẽ trở thành đệ tử của chư Phật. Bởi thế, cần yếu phải cúng dường và cầu nguyện Tam bảo.

Đạo sư Padma nói: Hãy thực hành Pháp thập thiện và hãy có niềm tin vào cái nên tránh và cái nên làm theo các loại hậu quả trắng và đen của những hành động ấy. Làm như thế những hành động của con sẽ giữ được sức mạnh lớn lao.

Bởi vì năng lực của chân lý là vĩ đại, hãy vất bỏ mọi hạnh xấu và tội lỗi, hãy áp dụng phương thuốc trị lại những phiền não của con, và dành cho những hành động công đức một nỗ lực lớn lao.

Người không tích tập công đức sẽ không tạo được một thái độ cao cả. Người tích tập công đức sẽ có một tâm thái cao cả. Một khi con giữ tâm thái cao cả trong hiện thể của con, con sẽ nỗ lực cho điều đức hạnh và kiềm chế với điều bất thiện. Bởi thế cần yếu là phát khởi siêng năng trong mọi loại phương tiện khác nhau cho việc tích tập công đức qua thân, ngữ và tâm của con.

Đạo sư Padma nói: Phát Bồ đề tâm, tâm đặt vào giác ngộ tối thượng, trước khi làm bất cứ một thực hành Pháp nào, là tối quan trọng. Người đã phát Bồ đề tâm sẽ trau dồi tâm bình đẳng, thấy tất cả chúng sanh là những người mẹ của mình, thoát khỏi thiên vị và thành kiến, để có thể phụng sự tất cả chúng sanh.

Trong hết thảy chúng sanh, không có một ai không từng là cha hay mẹ của con. Thế nên như một cách để trả ơn lòng tốt của tất cả chúng sanh, hãy bắt tay làm việc cho hạnh phúc của họ.

Hãy trưởng dưỡng từ bi cho tất cả chúng sanh. Thường trực tu hành Bồ đề tâm. Hãy tự huấn luyện mình làm lợi lạc cho tất cả chúng sanh qua mọi hành động của con. Hãy tự huấn luyện quý trọng người khác hơn chính con.

Tóm tắt, điểm thiết yếu nhất là quyết định phát Bồ đề tâm phải đi trước mọi thực hành nội và ngoại và những giai đoạn phát triển và thành tựu.

Phát sanh Bồ đề tâm là gốc rễ thâm sâu nhất của mọi thực hành Pháp.

Đạo sư Padma nói: Nếu con muốn đạt đến Phật tánh toàn giác bây giờ con hãy tu hành sự hiểu biết rằng tất cả mọi chấp ngã và chấp Pháp đều không có tự tánh.

Bất kể công hạnh gì con có thể dấn thân vào, hãy thấu hiểu rằng mọi hiện tượng là như mộng và huyễn thuật.

Hợp với giáo huấn khẩu truyền của ta, con hãy tu hành tánh không của mọi hiện tượng mà không bám chấp vào sáu ba la mật hay đại bi.

Bằng năng lực thiền định về tánh Không, con cần đi đến chỗ chứng ngộ rằng sáu ba la mật và đại bi được sinh ra cũng như huyễn mộng.

Dẫu con thiền định về tánh Không, hãy chắc chắn rằng nó phải trở thành một trợ giúp cho thực hành đức hạnh và một phương thuốc trị hết những phiền não của con.

Bất cứ thiện căn nào con dấn thân vào, hãy cung cấp nhiên liệu cho nó bằng Bồ đề tâm và không lìa khỏi sáu ba la mật.

Bất cứ con làm điều gì, hãy luôn luôn có ý định tăng trưởng công đức và giảm bớt nghiệp xấu.

Bất cứ hành động thân thể nào con dấn thân vào, hãy biến chúng thành công đức. Bất cứ lời nào con nói ra, hãy biến chúng thành công đức. Bất cứ ý nghĩ nào con khởi lên, hãy biến chúng thành công đức.

Tóm lại, hãy nỗ lực trọn vẹn chỉ cho sự hoàn thiện và đức hạnh của những hành động của thân, ngữ, tâm. Hãy xa lánh ngay cả một việc xấu hay tội lỗi nhỏ nhất.

Nếu con không giữ gìn sự che chở của áo giáp chánh niệm và tỉnh giác, những vũ khí của phiền não sẽ cắt đứt động mạch chủ cho việc đạt đến những cõi cao hơn và sự giải thoát. Bởi thế suốt bốn oai nghi của hoạt động hằng ngày, cần yếu là bảo vệ mình với áo giáp chánh niệm và tỉnh giác.

Đạo sư Padma nói: Trước hết hãy tin vào nhân và quả của những hành động của con.

Hãy nhớ trong tâm chẳng bao lâu chắc chắn con sẽ chết. Cuộc đời này chỉ kéo dài một chốc lát thế nên chớ có nỗ lực cho những sự vật của đời này.
Hãy nhớ trong tâm tương lai thì kéo dài và hãy nỗ lực cho lợi lạc của tương lai.
Hãy chuẩn bị và chắc chắn từ bây giờ cho sự lợi lạc của những đời tương lai để con không trượt vào lối mòn thoái hóa.
Chớ tự phụ về điều gì cả. Nếu con giữ sự kiêu hãnh khi nghĩ rằng con có học, lớn lao hay cao cả, con sẽ không có được phẩm tính tốt đẹp nào. Thế nên hãy vất bỏ tự phụ và tu hành Pháp mà không dao động dù chỉ một khoảnh khắc.
Hãy áp dụng những phương thuốc chống lại những hạnh xấu.Thậm chí một phiền não hay một việc không đức hạnh nhỏ nhất khởi lên trong con, hãy nghĩ đến nó như là một khổ đau to lớn nặng nề như núi Tu Di không thể chịu đựng được.
Những hành động được làm với sự nghi ngờ sẽ chẳng thành tựu được gì, thế nên chớ mang giữ một nghi ngờ nào nhỏ nhất.
Chừng nào con chưa từ bỏ được chấp ngã, bấy giờ hạnh xấu dù nhỏ đến đâu cũng sẽ còn mang lại những hậu quả. Thế nên cần yếu là phải tránh hạnh xấu.

Đạo sư Padma nói: Đã nhận những thệ nguyện của Đại thừa hay tiểu thừa[8], chớ bỏ chúng dù có mất mạng. Nếu con làm hư hỏng chúng, tối quan trọng là tức khắc sám hối và nhận lại những thệ nguyện.

Một số người khi thệ nguyện của họ bị hư hỏng, trở nên ngã lòng và còn mắc phải những hành động vi phạm hơn nữa. Nhưng giống như tự tẩy uế mình bằng cách tắm rửa và xịt nước thơm sau khi trợt vào chỗ dơ, hãy tịnh hóa những che chướng và những hành vi vi phạm làm sa đọa để cho việc vi phạm giới nguyện không bao giờ tích tập trở lại.

Chớ đồng hành hay làm bạn với người đã làm hư hỏng giới nguyện của nó dù chỉ một giây phút. nếu khi mặc áo trắng mà con đi vào một vũng bùn lầy, chất bùn đen đó chắc chắn sẽ phá hư màu trắng. Tương tự, dù cho những giới nguyện của tự thân con vẫn trong sạch, con chắc chắn sẽ bị nhiễm ô cho những giới nguyện bị hư hoại của những người khác. Còn nếu những giới nguyện của tự thân con không trong sạch, nó đã đen thì không thể bị nhuộm đen. Thế nên hãy rất cẩn thận.

Cần yếu là không sống chung với người xấu hay người đồng hành xấu đã đánh mất những giới nguyện của họ.

Bất luận thế nào con cần bảo đảm cho mình không phải hổ thẹn vì chính mình.

Đạo sư Padma nói: Trong bất kỳ hành động nào con dấn thân vào, chớ làm điều gì trái với Pháp mà điều ấy không trở thành sự tích tập công đức và trí tuệ.

Chớ ham muốn điều gì khác ngoài Phật quả toàn giác và làm lợi lạc cho khắp cả chúnh sanh.
Chớ chấp chính điều gì. Bản thân sự tham luyến là gốc rễ của trói buộc nô lệ.
Chớ phê phán những giáo lý khác và chê bai, coi rẻ người khác. Tất cả mọi giáo lý là rốt ráo không thể phân chia, như vị mặn của muối trong biển.
Chớ phê phán thừa nào của những thừa cao và thấp. Chúng đồng nhất là con đường để hành trình, như những cấp bậc của một cầu thang.
Con không thể biết người khác trừ phi con có thể tri giác bằng hiểu biết siêu nhiên. Thế nên chớ phê bình những người khác.
Trong cái nhìn tổng quát, tất cả chúng sanh trong bản tánh chân thật sâu sa của họ vốn vẫn là những vị Phật toàn thiện. Họ có bản tánh của giác ngộ. Chớ xem xét lỗi lầm và những mê vọng của người khác.
Chớ xem xét những giới hạn của những người khác mà hãy xem xét làm thế nào con có thể cải đổi chính mình.
Chớ xem xét những khuyết điểm của những người khác mà hãy xem xét những khuyết điểm của chính con.
Cái lớn nhất trong mọi cái xấu xa là bám chấp vào thành kiến tôn giáo và phê bình người khác mà không biết tâm thức họ. Thế nên hãy vất bỏ thành kiến như với thuốc độc.

Đạo sư Padma nói: Dù con đã chịu bao nhiêu lần tái sanh từ vô thủy, con đã không hoàn thành lợi lạc cho chính con và cho những người khác. Giờ đây, trong thân thể này, con nên hoàn thành lợi lạc của mình và của những người khác.

Dù con đã nhập thân bao nhiêu lần trong quá khứ, con đã không có cơ hội tu hành Pháp mà chỉ phóng sâu thêm vào ngục tối của sanh tử. Giờ đây hãy nỗ lực tu hành những giáo lý Đại thừa trong khoảng thời gian ngắn ngủi này khi con đã gặp được Pháp.

Hãy đồng hành với những người đức hạnh tăng trưởng. Hãy từ bỏ những bạn bè hạnh xấu tăng trưởng.

Chớ khao khát không ngừng sự vật như một con chó hay một con ma đói, mà hãy nghỉ ngơi thư thả nhờ áp dụng những phương thuốc trị liệu. Nếu con tự làm mình mệt mỏi với khao khát không ngừng, con sẽ làm xáo động tâm thức con bằng việc xấu, và qua đó xáo động tâm thức những người khác nữa. Như thế con sẽ tích tập hạnh xấu.

Nếu con xem chỉ một khó chịu nhỏ là khổ đau, nó sẽ trở thành đau đớn hơn. Con sẽ không tìm ra hạnh phúc trừ phi con để cho tâm thức con nghỉ ngơi thư thả.

Chớ đeo đuổi những khổ đau trước kia. Mọi thứ dù tốt hay xấu đều đã qua đi. Chớ dự đoán trước khổ đau tương lai.

Bất kể khổ đau nào có thể xảy ra với con bây giờ, chớ nhượng bộ nó mà phát triển can đảm thêm nữa.

Trong mọi trường hợp, nếu con không áp dụng những phương thuốc cho tâm thức con, khổ đau sẽ không bao giờ chấm dứt.

Hãy buông xả tâm con trong trạng thái bổn nhiên của nó mà không sửa trị hay làm hư hỏng nó và nhẹ nhàng chuyển nó thành công đức.

Đạo sư Padma nói: Khi con kiên trì thực hành Pháp, điều cần yếu là bằng thân ngữ tâm luôn luôn tu hành mọi hành động thiện căn cho sự lợi lạc của những người khác.

Trước hết, thực hành dần dần điều này với những công hạnh nhỏ nhất. Thỉnh thoảng hãy xét nghiệm xem con có bị ích kỷ làm dơ nhiễm hay không. Con sẽ không thành công nếu con còn giữ lại một chút vết bẩn nhỏ nhất của cái ta. Hãy chắc chắn con không bị làm bẩn bởi sự mhiễm ô của ích kỷ.

Sự khác biệt giữa thừa lớn và thừa nhỏ là sự phát Bồ đề tâm. Sự khác biệt không bởi do cái thấy của trí tuệ mà do bởi lòng bi. Bởi thế trong khi giữ gìn cái thấy về trạng thái tự nhiên, con hãy tu hành lòng bi.

Vì lợi lạc của chính mình và của những người khác, con hãy từ bỏ vĩnh viễn khổ đau của sanh tử.

Hãy tu hành lặp đi lặp lại cảm giác từ bỏ đối với sanh tử.

Hãy tu hành nhận lấy trên con gánh nặng khổ đau của những người khác.

Trước tiên hãy tu hành xem mọi chúng sanh như là chính con. Hãy tu hành cảm thấy rằng sự khổ đau của những người khác là khổ đau của chính con. Bấy giờ tu hành yêu quý chúng sanh hơn bản thân con.

Hãy tu hành đại bi, nó tự nhiên hành động vì lợi lạc của những người khác.

Danh từ Đại thừa chỉ đơn giản bao hàm yêu quý những người khác hơn bản thân mình. Đại thừa không bao giờ chứa đựng sự theo đuổi hạnh phúc chỉ cho chính mình mà không nghĩ đến sự khổ đau của những người khác khi tự xem mình là quan trọng hơn.

Đạo sư Padma nói: Nếu con tu hành tâm thức con trong từ, bi và Bồ đề tâm, con sẽ không tái sanh vào ba cõi thấp. Hơn nữa ngay giây phút ấy con cũng sẽ không bao giờ rơi trở lại. Chỉ điều này là giáo huấn khẩu truyền của ta.

Bất cứ nơi nào con đi, hãy giữ Bồ đề tâm trong tâm thức, chớ bao giờ tách lìa sự đồng hành của nó với con.

Bất cứ hành động nào con dấn thân vào, hãy làm nó vì lợi ích của chúng sanh. Hãy tu hành nhìn những người khác quan trọng hơn chính con. Con sẽ đạt được nhiều phẩm tính như là kết quả của sự tu hành này, chẳng hạn như samaya và những thệ nguyện không bị hư hoại. Trừ phi con trau dồi Bồ đề tâm, không thì con không bao giờ đạt đến giác ngộ, dù con có thể thành thạo thần chú và có rất nhiều thần lực.

Tất cả những thành tựu thông thường và tối thượng sẽ đến từ Bồ đề tâm khởi lên trong con người của con. Chỉ điều này là giáo huấn khẩu truyền của Ta.

Đạo sư Padma nói: Dù con có thiền định về tánh Không hay cái gì khác, nó vẫn là một thiền định sai lầm trừ phi nó trở thành một phương thuốc hiệu nghiệm chống lại những phiền não và tánh tầm thường thế tục. Bất cứ thứ gì không chống lại những phiền não và những tầm thường thế tục đều là một nguyên nhân để rơi vào sanh tử.

Nếu bất cứ giáo lỳ nào con nghiên cứu, suy nghĩ, hay trình bày trở thành một phương thuốc hiệu quả chống lại những phiền não cũng như là một trợ giúp khiến cho Pháp thanh tịnh sanh ra trong con, bấy giờ nó được gọi là một giáo lý Đại thừa và không sai lầm.

Bất kể con có thể được ca ngợi nhiều bao nhiêu như giỏi trong nghiên cứu, thuyết pháp và thiền định, nếu ý định của con chỉ là tám mối quan tâm thuộc thế gian, hoạt động của con được gọi là một thực hành tà pháp.

Trong mọi trường hợp, điều cần yếu là thiền định về hình tướng và hiện hữu[9] (vũ trụ và chúng sanh) như là những ảo ảnh huyễn thuật, để không cho phép sự luyến ái và bám chấp của con càng ngày càng mạnh thêm.

Một thiền giả vĩ đại đơn giản chỉ có nghĩa là thoát khỏi luyến ái và bám chấp.

Đạo sư Padma nói: Phúc lợi và hạnh phúc của tất cả chúng sanh có từ những giáo lý của Phật. Thế nên hãy học những tantra, kinh điển và nghe lời dạy của những bậc Đạo sư.

Những hành động và kết quả của chúng là hạnh phúc và khổ đau như những hạt giống lớn lên, thế nên hãy phân biệt giữa hành động tốt và xấu.

Nếu con không tuân thủ những thệ nguyện của con, gốc thực hành Pháp của con bị hư thối. Hãy bảo vệ những giới nguyện của con cẩn thẩn như hai con mắt mình.

Trong mọi trường hợp, nếu con không có niềm tin khi thực hành Pháp, cố gắng của con sẽ uổng phí, và điều gì con làm đều sẽ vô ích. Trong bất cứ điều gì con làm, cần yếu là thoát khỏi nghi gờ và không tin.

Đạo sư Padma nói: Một số người tự gọi mình là hành giả Mật thừa và dấn thân vào một cách cư xử thô lỗ nhưng đó không phải là hành động của một hành giả Mật thừa.

Đại thừa nghĩa là yêu quý hết thảy chúng sanh với một lòng bi không thiên vị.

Không thể tự cho mình là một hành giả Mật thừa mà rồi không chịu làm hạnh tốt và không bỏ hạnh xấu. Đối với mọi hành giả Mật thừa, điều cốt yếu là trau dồi đại bi trong con người họ.

Không phát khởi lòng bi trong con, con sẽ trở thành một người không phải là Phật tử với những quan kiến sai lầm, dù cho con có tự cho là một hành giả của Mật thừa.

Đạo sư Padma nói: Mật thừa có nghĩa là Đại thừa, Đại thừa có nghĩa là làm lợi lạc cho những người khác.

Để làm lợi lạc cho những người khác con phải đạt được ba thân của quả. Để đạt được ba thân con phải gom góp hai thứ tích tập. Để gom góp hai thứ tích tập con phải tu hành Bồ đề tâm. Con phải thực hành những con đường phát triển và thành tựu như một thể thống nhất.

Trong mọi trường hợp, một hành giả Mật thừa không có Bồ đề tâm là hoàn toàn không xứng hợp và cũng không phải đang thực hành Đại thừa.

Đạo sư Padma nói: Đại thừa và Kinh thừa[10] nói là hai nhưng rốt ráo chúng là một. nếu con không có cái thấy hay hạnh, con sẽ lạc thành một thanh văn. Thế nên hãy đi xuống với cái thấy trong khi đi lên với hạnh. Tối cần yếu là thực hành hai cái này như là một thể thống nhất. Đó là giáo huấn khẩu truyền của Ta.

SAMAYA

Đến đây hoàn tất giáo lý về đi lên với hạnh. Lời dạy này được ghi chép ở chỗ ẩn cư trên cao Chimphu vào ngày tám tháng cuối của mùa hè năm Con Thỏ.

Dấu ấn kho tàng.
Dấu ấn che dấu.
Dấu ấn giao phó.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]