Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

11. Chuyện Kể Của Quái-đầu-đà

31/10/201205:20(Xem: 7610)
11. Chuyện Kể Của Quái-đầu-đà
HÀNH HƯƠNG TÂM LINH
Tác giả: Minh Đức Triều Tâm Ảnh

CHUYỆN KỂ CỦA QUÁI-ĐẦU-ĐÀ

“Trang viện họ Thạch ở về ngoại ô thành Ba-la-nại, kiến trúc theo lối cổ, thời A-dục. Bố cục kết cấu, phương vị, góc cạnh, đường nét, hình thể không tìm thấy là chỉ duy một nền văn minh nào. Hình như là cả một công trình tổng hợp, ẩn tàng nhiều triết lý sâu xa.

Nhìn tổng quát trang viện ta thấy có rất nhiều hình tròn to nhỏ khác nhau, nằm kề bên những hình thể khác nhau. Và chung quanh đa diện là những hình đá chạm nổi chư thần và chư thiên. Chính giữa trang viện được đưa nhô lên cao theo lối hình tháp - nhô lên cao rồi thắt eo lại. Ở vị trí hầu như cực tiểu đó, phóng vọt lên một hình tháp thứ hai, cao chớn chở rồi lơ lửng bên hông một khối tròn. Cái cực đại ở đây hầu như được bế lại, giảm trừ do một tượng thần nữ Kàlì bốn tay hai mặt. Một tay cầm thanh gươm, một tay xách sọ người - như án ngữ con đường truyền thông, liên lạc với không gian. Chính sự có mặt của thần Kàlì ở đây - như là một phản kháng siêu hình, nói lên một cái gì “không được hình thành, phải bị dang dở”. Vì, thay vì khối tròn phải được tiếp giao ở một trụ thẳng nhọn, lên cao - “bắt buộc” như vậy theo lối kiến trúc Nam phương. Kết cấu toàn bộ kiến trúc là cổ truyền, nhưng những đường nét hoàn toàn bị pha trộn bởi những hình thoi, hình tam giác, đa giác, vay mượn đặc chế của nền văn minh Hy Lạp - tạo nên một sắc thái đặc thù dày công sáng tạo.

Chầu xung quanh tháp chính là những tòa nhà nhỏ, án ngữ theo phương vị của chòm sao đại hùng tinh. Mỗi con sao là những hình khối bát giác nằm trên những nền hình vuông. Tháp cũng thắt eo lại, nở ra khối tròn. Một con rồng vàng ôm quanh khối tròn rồi vươn móng chới với ra giữa không gian. Phương là hình vuông, viên là hình tròn. Phương ở dưới, viên ở trên - rõ ràng là mô phỏng hình dáng con Rùa (lưng tròn bụng vuông) của vua Thần Hy trong huyền sử kinh dịch Trung Hoa. Hình tròn là thái cực. Rồng là một con vật thiêng liêng tượng trưng cho sự tương giao hoà bình giữa âm dương, kiền và khôn, con người và đạo - vì thủy tổ của rồng là rắn (Xà hóa Long). Rắn ở dưới đất, rồng ở trên trời. Rồng và thái cực là của văn minh cực đông - nhưng rồng mà ôm thái cực cũng là một phản kháng siêu hình khác, nếu không muốn nói là ngạo khí của một sinh vật hữu hạn muốn ôm tròn vô hạn?

Hai phản kháng siêu hình nói lên một thực tại cực kỳ mâu thuẫn: sự hữu hạn không bao giờ được phép vươn lên vô hạn (Thần hủy diệt đứng án ngữ con đường truyền thông). Và sự hữu hạn (khi đã thâm hội mật nghĩa hòa bình âm dương tượng trưng là rồng) thì có thể ôm gọn lỏn vô hạn (thái cực) ở trong lòng.

Còn tượng trưng của chòm sao đại hùng tinh và bắc đẩu là gì? Hướng bắc có phải là cội nguồn của sắc tộc Aryen, của giới cấp bà-la-môn được ân sủng của thánh kinh Vệ-đà, từ phương bắc đổ xuống xâm lấn dân bản xứ Dravidien? Hướng bắc là hãy trở về nguồn, ai trở về nhà nấy, hay mỗi người hãy tự trở về nguồn cội? Hay hơn thế nữa, khêu gợi một sự thăm dò tận nguyên tính? Ý thức cái quê hương sơ thủy đã rơi mất của mỗi hiện hữu?

Còn một mật nghĩa nào về hướng bắc nữa không? Các rợ Mãn, Mông, Nguyên, Thanh xâm lấn bình nguyên Trung Hoa, chiếm lấy nền văn minh nông nghiệp của Phục Hy, Thần Nông, Kinh dịch - để bây giờ các dân tộc phương đông thuở xưa cùng một gốc nguồn, không còn nhìn thấy anh em cùng thủy tổ?

Một sự phân hóa do óc chinh phục thiên nhiên - chinh phục chứ không phải là hài hòa - để tạo nên các trạng thái phân ly giữa con người và thiên nhiên, giữa con người và xã hội, giữa tự thể và tha thể?

“Dương trung hữu âm căn, âm trung hữu dương căn”, do vậy, dương là cái mạnh hình thức bên ngoài mà yếu cái bên trong, còn âm có nội lực vững vàng bên trong (dương) mà yếu cái bên ngoài. Trở về bắc cũng là một phản kháng siêu hình khác nữa: Đảo lộn toàn bộ sự vận hành của vũ trụ. Mà vũ trụ tất không thể đảo lộn, nó “như vậy là như vậy” từ vô thỉ đến vô chung. Vậy thì đây có phải là “đảo lộn lại cái nhìn”? Cái nhìn của tuệ giác, ở một cấp độ nào đó của tâm linh, lội ngược dòng, nhìn ngược chiều - lật ngược tất cả mọi tư duy, quan kiến, thói quen, kinh nghiệm, truyền thống, lịch sử, thời đại, hiểu biết - để đến bờ kia, xuất ra ngoài cái không thể xuất vừa tại vừa siêu, sinh diệt mà hữu tồn, không mà tức sắc?

Mười tám năm rồi, kiến trúc của toàn bộ trang viện để lại không biết bao nhiêu dấu hỏi trong óc mọi người. Trên kia là những câu trả lời, những luận giải hoặc là những nghi vấn của một vài thức giả có thẩm quyền về kiến thức. Vì trang chủ là một nhà đạo đức, thông thái; cùng người bạn của ông ta, kẻ kiến tạo ra nó là một điêu khắc gia, một kiến trúc sư, một nghệ sĩ, một nhà thơ, một hành giả Yogi - những nhân vật như vậy không thể tạo tác một công trình vô ý nghĩa! Mà ý nghĩa ở “đại thể” thì nhìn thấy, nhìn ở phương vị nào cũng thấy, cấp độ tâm linh nào cũng thấy, nhưng đi vào từng phần chi tiết, từng cá thể, từng bộ phận thì mông lung mờ mịt - không biết nó tượng trưng cho cái gì, nói lên cái gì - đôi khi trông có vẻ rời rạc và thừa thải nữa. Có những hiện hữu trông có vẻ tương quan với nhau, nhưng đồng thời chúng cũng có vẻ phủ nhận nhau. Vừa chấp nhận vừa chối bỏ! Không có thể xác định một hiện hữu ở ngoài mọi tương quan, nhưng đồng thời, từng bộ phận riêng lẽ vẫn hàm tàng một cái gì độc lập, tự chủ, riêng là nó, tự nó đã có ý nghĩa đặc thù, nói lên ý nghĩa cá biệt!

Dấu hỏi to lớn hơn là hình như công trình của tòa trang viện chưa hẳn là đã hoàn bị! Ở mỗi nơi hình như còn thiếu cái gì đó mà không biết thiếu cái gì. Nếu một nghệ sĩ giàu óc tưởng tượng thì y có thể tùy ý ghép thêm vào tòa kiến trúc bất cứ hình thể nào, đường nét gì - mà tòa kiến trúc vẫn không vì thế bị sai lệch ý nghĩa. Từ một ý nghĩa cố định nó khơi mở biết bao nhiêu ý nghĩa khác - nó là vậy nhưng không chắc chắn là phải vậy, nó có thể khác - Đấy là bài toán nhức óc của tòa trang viện họ Thạch - mà chưa có lời giải nào là sai cũng chưa có lời giải nào là đúng.

Đã mười tám năm rồi.

Một đêm kia, trang chủ họ Thạch gọi con trai đến nói chuyện:

- Con ạ! Đã mười tám năm nay, cha đợi chờ phút giây nầy - phút giây con đúng mười tám tuổi - để kể lại một chuyện xưa. Chuyện xưa nhưng mà nay, nhưng mà còn mãi. Con yêu quý, hãy lắng nghe!

Con trai trang chủ là một thanh niên mặt ngọc, nước da xanh, ốm yếu, mảnh mai, đặc biệt là có đôi mắt rất sáng - lóng lánh như có thần - Y chăm chú nhìn cha, lễ độ, im lặng.

- Con có khả năng về hội họa. Hội họa chỉ là sự mô phỏng thiên nhiên, bắt chước công trình sáng tạo của thần Bràhma. Ở phương diện ấy, hội họa mang ý nghĩa siêu hình: giữa con người với đời sống tại thế hữu hạn, sự diễn đạt khuôn đọng và hữu hạn - cùng thiên nhiên với sự bao la chớn chở, siêu nhiên, xuất thế và vô hạn của nó. Nói theo thuật ngữ truyền thống Vệ-đà là giữa Atman và Bràhman, giữa tiểu ngã và đại ngã. Cả hai bên có sự liên hệ với nhau như thế nào? Đó là bước lần tìm của triết học, của tôn giáo, cũng là chất liệu gợi hứng vô biên cho các nghệ sĩ gia về điêu khắc, hội họa, văn chương, thi ca…

Như con thấy, công trình của tòa trang viện này được sinh ra trong tinh thần đó, thuở cha mẹ vừa hứa hôn. Người sáng tạo là một nghệ sĩ uông việt, tài hoa, một nhà tư tưởng và cũng là một hành giả Yogi danh tiếng lẫy lừng. Y như là một con người toàn diện. Cha có một người bạn như vậy cũng hãnh diện, suốt một đời, hay còn hơn thế nữa.

Con ơi! Một đêm kia, sau cuộc đàm đạo giữa chúng ta, lão nghệ sĩ nói với cha rằng:

- Thạch lão đệ! Chúng ta là những hiện hữu bất toàn trong thế giới bất toàn. Nhưng nhờ bất toàn thế giới mới vĩnh cửu. Từ xưa đến nay, Thạch lão đệ có thấy một vĩ nhân, một siêu nhân nào để lại đời đời một tác phẩm bất toàn chưa? Bất toàn trong ý nghĩa “thành tựu cái bất toàn” chứ không phải chịu ở dưới định luật bất toàn?

- Xin lão huynh chỉ giáo?

- Mọi công trình, sáng tạo phẩm của nhân loại đều đã thành hình, đã hoàn tất? Đấng giáo chủ nào đó đã hoàn tất một hệ thống giáo lý. Đấng đạo sư nào đó đã hết bổn phận dẫn dắt môn đồ. Nhà giáo dục khởi thảo xong một quy chế, một chương trình đào tạo. Một người cha đã hết trách nhiệm với người con. Nhà văn buông bỏ cái bút xuống sau một tác phẩm dài ngày. Ta vừa xong một cuộc đàm đạo. Đứa tớ gái đã nấu xong một bữa cơm… Phải thế? Phải thế? Tất cả đều ước mong đi về cái hoàn tất, cái thành tựu. Dù được hay không được, nhân loại cũng chạy đua về cái hoàn tất ấy. Họ bảo, chỉ có điều ấy mới nói lên giá trị tại thế trong tương quan giữa con người và lịch sử…! Một cơn mưa đã tạnh. Mặt trời đã gác sau chân núi. Cây cối đã cho hoa và lá trong mùa xuân. Con rùa biển đã sinh xong trứng giữa bãi cát… Phải thế? Phải thế? Vì tất cả đã hoàn tất nên sau đó là sự chết! Phải, nếu không là sự chết thì cũng là những trạng thái gì tương tự như thế! Là những cái gì tiếp diễn ngay sau đó. Là sự suy đồi, là thoái hóa, là hỗn loạn, là ly biệt, là xa căn, một chuyển trạng, sự buồn nản, cái no ứ, màu vàng, cằn cỗi, tử vong và đau khổ… Phải mà! Sau cái hoàn tất là sự trống rỗng, cái thất nghiệp, cái thơ thẩn khi không có việc gì làm…, là gì đi nữa thì cũng hàm ẩn ý nghĩa tương tự: sự chết!

Lão đệ ơi! Cái thế giới này thật kỳ lạ! Nó màyà làm sao ấy! Nó luôn luôn tập trung nỗ lực, ý chí chiến đấu để đạt mục đích: cái hoàn toàn. Nhưng khi đạt cái hoàn toàn là gì? Là sự chết! Chân lý của nó là gì? Tranh đua để đi tìm cái chết! Không kỳ lạ sao chứ? Thế giới này nó như vậy đấy! Vô ích, vô vọng và xuẩn ngốc như vậy đấy!

Con ơi! Lão nghệ sĩ đã làm kích động tâm ta dữ dội... Cái nhìn của lão kỳ dị quá. Lão đã làm sáng lại kinh điển, cái sự sống và cái bề sâu. Có cái gì quá mới mẻ phía sau ngôn ngữ ấy làm cho ta run lên, hốt hoảng. Ta không biết mình đang đứng ở đâu, hiện hữu ở thế giới nào? Ôi! Ta chân không và ngộp thở.

Qua thời gian uống cạn một chung trà, đôi mắt lão nghệ sĩ sáng rực lên, người lão như to lớn hơn, giọng nói xuyên sâu hơn, như một mũi tên lao thẳng vào vùng tâm linh dày đặc của ta! Ôi! Tiếng nói ấy!

- Bổn phận cuối cùng và tột bực của nghệ sĩ là “lao thẳng vào dòng sống bất tử, uống cạn giọt nước đầu nguồn”, tạo cái sinh động nhịp nhàng cho thế giới tĩnh chỉ, ngưng đặc của hiện hữu.

Lão nghệ sĩ lại im lặng, khoảng cách im lặng chỉ như vừa đủ thời gian ngưng tắt của một gợn sóng trên mặt hồ.

Lão đệ ơi! Có những khi ta đứng rất lâu nhìn vào một khoảng mờ trên đỉnh núi - khoảng mờ do sương, tuyết hoặc mây. Khoảng mờ ấy được dấu kín và óc tưởng tượng của ta được tự do bay nhảy, luận lý, dự đoán, phỏng chừng, xác định! Thế giới đó vì là thế giới chưa biết - nên thật là muôn màu và vô hạn! Phải vậy không? Thế giới ấy không bao giờ chết, nó sống mãi, nó sống mãi theo với cái óc tưởng tượng của con người! Óc tưởng tượng của con người phong phú chừng nào, phức tạp chừng nào - thì thế giới ấy cứ y như vậy được sinh ra… sinh ra mãi… vô cùng vô tận… Và ta cũng được thẩm quyền tranh cãi với nhau mà không ai dám bảo người khác sai, cũng chẳng dám khẳng định là mình đúng. Nếu thật sự có người đã đến nơi vén mở khoảng mờ ấy - nếu quả có điều đó thật – thì y cũng ra đi với sự bí mật trong lòng, vì nếu có năm kẻ mù sờ voi thì y cũng chỉ là kẻ mù thứ sáu thôi - thế gian sẽ bảo y như thế!

Một tòa kiến trúc, một tác phẩm - giá trị ở chính khoảng mờ, hoặc là cái không hiện hữu lộ liễu, trần trụi mà người ta có thể chụp bắt được bằng giác quan. Phía sau đời sống, là khoảng mờ ấy. Là sự chết. Ta không biết gì về phía đằng sau nó cả. Ôi! Vì vậy mà nó mới vĩnh cửu, hấp dẫn và lôi cuốn xiết bao!

Con ạ! Khi ấy ta không hiểu rõ ràng lắm những điều lão nghệ sĩ nói. Những lý luận của lão nghệ sĩ quá thiên về tổng hợp, nên cũng mù mờ như chính cuộc đời mù mờ của lão. Ta hoàn toàn không chụp bắt được khoảng mờ ấy!

- A... ha... ha...! Nhưng phía sau các cuộc hoàn tất là sự chết, đồng thời không là sự sống sao? Một giáo lý, một chế độ chính trị, một tác phẩm, một bữa cơm, chiếc trứng của rùa trên hoang đảo? Ấy không là bắt đầu những sinh hoạt trần gian sao? Không là sự sống sao? Ôi! Bí mật ở đấy, mầu nhiệm ở đấy mà màyà cũng chính là ở đấy!

- Thạch lão đệ! Ai cũng làm cái việc hoàn thành thì lão sẽ để lại một tác phẩm “không hoàn thành”! Ai cũng khổ cầu cái hoàn toàn thì lão sẽ để lại một tác phẩm bất toàn! Hà… hà! Trước khi “trở về nguồn cội”, thì ta sẽ: “Thành tựu một cái bất toàn, nói lên giá trị bất toàn trong cái toàn thể bất toàn. Ấy là cái mà bên Phật giáo có vị Phật gọi là Bất Không Thành Tựu Như Lai vậy...”

Nhưng… Hỡi ôi!

Kể đến ngang đó, trang chủ họ Thạch im lặng một cách đột ngột. Người thiếu niên anh tuấn bỡ ngỡ nhìn cha, thấy trong đôi mắt của lão trang chủ ứa ra hai hàng lệ đỏ. Y kính trọng niềm xúc động ấy của cha nên không tò mò hỏi han gì. Lặng lẽ, chờ đợi…

- Lão nghệ sĩ giữ đúng lời hứa, nghĩa là trang viện này được thành tựu trong ý nghĩa “không thành tựu”. Nhưng hỡi ôi! Cũng chính vì thành tựu “cái bất toàn” đó nên lão nghệ sĩ đã ra đi. Đã ra đi vĩnh viễn.

Người thiếu niên anh tuấn hai mắt chợt sáng lên, lóng lánh một cách kỳ lạ, nhưng chỉ một thoáng sau đã trở lại bình thường. Y vẫn không hề hỏi một tiếng nào!

- Trang viện được khánh hạ đúng vào ngày cha mẹ thành hôn. Người ta đến dự lễ rất đông. Hình như có đủ cả các giới tai mắt thành Ba-la-nại, một phần vì nể lời mời của cha, một phần là để chiêm ngưỡng công trình kiến trúc kỳ dị của lão nghệ sĩ. Trong lúc mọi người đang trầm trồ bàn tán, khen cái đường nét này, thắc mắc cái bố cục kia… thì lão nghệ sĩ từ trên lầu cao chạy xuống, khuôn mặt tái xanh, thở hổn ha hổn hển. Lão chạy tới chạy lui, nhìn phía bên này tháp, nhìn phía bên kia tháp, rồi đột ngột la lớn:

- Ta phải làm cho nó “không được thành tựu”, ta phải làm cho nó “đúng thực là bất toàn”.

Chẳng ai hiểu ý lão nghệ sĩ muốn nói gì. Khi ấy lão đang cầm trong tay một cái búa lớn, ý chừng như đang định đập phá một cái gì! Mọi người hốt hoảng đổ xô lại hỏi nguyên cớ hoặc tìm cách ngăn cản. Cha đến gặp lão đúng lúc ấy Lão nói chậm rãi, tỉnh trí, sáng suốt:

- Ta đã phản bội thần Shìva, đồng thời lại phản bội luôn cả thần Vichnou. Lão đệ ơi! Đáng lý ra ta không còn trở lại trần gian này nữa, bởi không còn việc để làm, bởi tâm thức không hề còn mảy may dính líu một sự việc gì đang còn dang dở. Ân oán giang hồ, tình nghĩa áo cơm ta đã hoàn tất. Ta cứ tưởng là tâm ta đã niết-bàn. Nhưng hỡi ôi! Bây giờ thì hỏng rồi! Ta phải trở lại trần gian mất thôi. Ta phải trở lại để làm lại từ đầu. Từ đầu, nghĩa là tiếp tục lại cái gì đang còn dang dở! Thành tựu cái bất toàn! Nhưng thật ra - đã gọi là bất toàn thì làm sao thành tựu? Vậy mà ta lại đã tự đắc ngông cuồng muốn thành tựu cái bất toàn! Ôi! Khôi hài chưa? Ngu xuẩn chưa? Lý luận đã làm cho ta tử sinh. Trí thức đã làm cho ta luân hồi. Sự khôn ngoan đã làm cho ta vô minh, dại dột.

Lão nghệ sĩ lả ra trong tay mọi người. Chẳng mấy người hiểu rõ cái thâm sâu vô lượng trong cái ưu tư của lão nghệ sĩ. Sau khi được cứu tỉnh, Lão lại đứng đăm đăm nhìn trang viện, nhìn không chớp mắt. Lão đứng bất động như vậy rất lâu.

Con ơi! Cha rất ăn năn là không được gặp lão nghệ sĩ lần cuối cùng. Cả ngày hôm đó cha phải bận bịu với rất nhiều lễ lượt phiền phức, tiếp đón khách khứa, họ hàng, cho đến khi công việc tạm ngưng dứt thì gia nhân cho biết là lão nghệ sĩ đã ra đi. Lão gởi lời vĩnh biệt! Lão vào rừng? Vào non cao động vắng để ẩn tích mai danh? Vào sơn cùng thủy tận để thành tựu đạo lớn? Nào ai biết được. Nhưng quả thật, con ơi, từ độ ấy, cha đã mất đi một người bạn khả kính! Một người bạn mà, từ tuổi tác đến đức hạnh, đến trí tài, đều đáng bậc huynh trưởng hay hơn thế nữa: bậc thúc phụ!

Bí mật, nguyên do của sự ra đi của lão nghệ sĩ còn ẩn kín đến nay. Chẳng biết là có ẩn kín trong chiếc hộp này không, thì chỉ có con may ra mới hiểu được!

Nói xong, lão trang chủ lấy ra một hộp vuông vức, chiếc xinh xắn, trịnh trọng để lên bàn, trước mặt người con trai. Thấy hộp như thấy lại người xưa, lão lại cảm xúc để rơi vài giọt lệ.

- Gia nhân trao lại cho cha chiếc hộp này với lời dặn dò kỳ lạ của lão nghệ sĩ: “Nếu bí mật của sự chết, nếu bí mật của “khoảng mờ” mà ta tiên tri không lầm lạc, thì mười tám năm sau, lão đệ hãy trao chiếc hộp này cho người con trai rồi hãy kể câu chuyện về tòa trang viện, về cuộc đời của lão-nghệ-sĩ-bất-toàn này cho y nghe… Rồi chỉ có y mới là kẻ có thẩm quyền về sự bất tử! “Con ạ! Hôm nay, gọi con đến đây, là để ta hoàn thành tâm nguyện của người xưa, chiếc hộp này, cha chưa dám mở lấy một lần!”

Người thiếu niên anh tuấn kính cẩn đưa tay nhận chiếc hộp, nét mặt thoáng chốc biến đổi. Y đã hai lần đổi sắc mặt từ khi ngồi hầu chuyện đến bây giờ.

Mười tám năm trôi qua rồi, mà con ơi, thiệt như là giấc mộng đầu hôm. Lão nghệ sĩ ra đi mà để lại cho không biết bao nhiêu người dân thành Ba-la-nại những nghi vấn cũng như những cảm hoài xa xót. Cha lại nôn nóng đợi chờ đến phút giây này biết bao nhiêu? Tại sao lão nghệ sĩ lại biết rằng, cha sẽ có con trai đầu lòng? Và bí mật chiếc hộp lại là bí mật “sự chết”, bí mật của “khoảng mờ” mà chính tự thân con biết? Kẻ có liên hệ gì không đến lão? Cha nghĩ rằng, nếu lão nghệ sĩ nói đúng, thì con sẽ là kẻ tiếp tục một tiên tri từ quá khứ, con là kẻ đi nốt đoạn đường của lão nghệ sĩ đang còn dang dở, phải chăng? Hay chính con là hậu thân của lão nghệ sĩ?

Người thiếu niên anh tuấn không trả lời câu hỏi của người cha vội. Y vân vê, nhìn ngắm chiếc hộp ở trong tay mãi. Sắc mặt y thay đổi mấy lần. Rồi y lại nhắm mắt lại. Rất lâu. Khi mở mắt ra, y ngửng đầu nhìn nóc tháp rồi nói:

- Hình như tất cả ngọn nguồn của vấn đề là ở nơi thanh gươm của đức huyền mẫu Kàlì, phía chóp nóc tháp chính. Cha có khi nào nghĩ như thế không?

Y vẫn chưa mở hộp ra. Và đấy là câu nói đầu tiên của y.

- Con ơi! Cha cũng biết một phần! Mười lăm năm trước đây, cha thường thắc mắc tại sao lão nghệ sĩ lại bố trí đức huyền mẫu Kàlì và thanh gươm ở đó – ở cái phần mà nó phải vươn lên cao bởi một trụ thăng vót để tiếp giao luồng linh điển của vũ trụ! Lão nghệ sĩ đã chặt đứt mối cảm thông, cảm ứng của đất trời bởi bà vợ của đức thần hủy diệt Shìva. Câu hỏi phổ thông của mọi người là, công trình ở nóc tháp hình như chưa được hoàn thành. Con ơi, thật là kỳ diệu làm sao - một đêm kia, cha mới “thật sự hiểu thế nào là sự dang dở, sự bất toàn” hoặc tất cả những ẩn nghĩa trong câu chuyện xa xưa của lão nghệ sĩ.

Người thiếu niên anh tuấn chợt nhíu mày nghĩ ngợi một lúc rồi hỏi:

- Xin cha hãy nói cho con nghe về tất cả những gì mà cha gọi rằng hiểu, rằng biết - về những gì mà cha đã từng tư duy sâu kín nhất mà cha chưa hề nói với ai. Con cần nghe tất cả những điều ấy.

- Nói chứ. Nói chứ. - Lão trang chủ thấy vẻ mặt nghiêm trọng của con, vội vã trả lời - Con yêu quý! Cha sẽ nói hết. À! Nói bắt đầu từ chỗ nào nhỉ. À! Thôi! Cứ nói hết. Nói bắt đầu từ khi con mới ba tuổi. Phải! Lúc ấy, con mới chập chững biết đi. Cách đây đã mười lăm năm! Cái hôm gặp lão khách thương kỳ lạ ấy. Phải. Bắt đầu từ hôm ấy, cha mới lãnh hội thấm thía ý nghĩa về sự bất toàn, dang dở của cuộc đời….

Lão trang chủ tằng hắng lấy giọng rồi bắt đầu kể:

- Thuở đó, con vừa chập chững biết đi. Hôm ấy có người khách thương từ miền xa đến, y mang rất nhiều hàng hóa, có trên một trăm cỗ xe. Tất cả hàng hóa đều là vật quý, có rất nhiều thứ được sản xuất ở nước ngoài. Người ta để ý nhiều nhất là những hàng tơ lụa và những tấm thảm.

Cha có mặt trong những người đi xem và để ý một tấm thảm thêu những con rồng vàng. Đây là sản phẩm của Trung Quốc và là đồ ngự dụng, con nhà dân giả thường không được phép dùng. Thấy con rồng vàng, cha chợt nghĩ đến lão nghệ sĩ, đã một thời bôn ba sang vương quốc ấy để đọc thi và đọc dịch. Thấy vật, tưởng đến người xưa, cha có ý định mua tấm thảm ấy để an trí vào nơi tôn nghiêm nhất - hoặc là nơi thờ tự - nó ở nơi phía thượng lầu tây - nhìn ra khoảng núi rừng trùng điệp… Cha bèn trả giá để mua thì người khách thương cười khỉnh không trả lời. Hồi lâu, hình như khó chịu vì cha cứ trả giá cả, y hỏi một cách xấc xược rằng: ông có được bao nhiêu đồng tiền vàng? Gia đình ta tuy không giàu có hơn ai nhưng cũng thuộc hàng trưởng giả chứ - thế là cha xin trả một ngàn đồng tiền vàng - số tiền ấy là cả một phần gia tài của ta rồi. Ban đầu y cũng tỏ vẻ ngạc nhiên, nhưng sau y vẫn lắc đầu, bảo rằng, cho dù mười ngàn đồng tiền vàng nữa y cũng không bán. Mười ngàn đồng tiền vàng? Quả là không thể tưởng tượng được. Thế là cha đành tiếc rẻ và trở về nhà.

Đêm đó, trời đổ mưa. Cha vừa cầu kinh xong thì gia nhân vào cho biết là có một người khách xin được gặp mặt. Sau khi uống cạn ly nước thánh cha đến phòng khách thì thấy người khách thương đang ngồi chờ. Quả là kỳ lạ. Y đã tìm đến nhà. Và là để bán tấm thảm chăng?

- Chẳng hay ông đã đổi ý kiến? Một ngàn đồng tiền vàng - để mua một tấm thảm! Hẳn không phải ai cũng có thể làm được?

- Không. Tôi không phải đến đây để bán tấm thảm. Ông lầm! Tôi đến cũng không phải vì một ngàn đồng tiền vàng. Ông lầm! Bỏ ra cả một phần gia tài để mua một tấm thảm xa xỉ, đây không là điều ngạc nhiên đáng tìm hiểu sao?

- Hóa ra ông đến chỉ vì ngạc nhiên mà tìm hiểu thôi sao?

- Phải! Tôi đến chỉ để tìm hiểu rằng, quý phu nhân xấu đến mức nào, hung dữ đến mức nào mà ông phải bỏ ra số tiền lớn để mua tấm thảm ấy?

Tưởng tai mình nghe lầm, cha gặn hỏi lại:

- Ông đến để tìm hiểu rằng, hiền thê của tôi xấu đến mức nào và hung dữ thế nào sao? Sao kỳ vậy? Chuyện ấy nó có liên hệ gì đến tấm thảm và những ngàn đồng tiền vàng?

- Có chứ. Có chứ. Nếu không muốn nói là chỉ có điều ấy mới liên hệ! Ông không biết sao, tôi là một người đàn ông diễm phúc. Diễm phúc vì có một người vợ xấu như ma, lại hung dữ như quỷ. Từ khi lấy nàng về, vì mang phải cái nghiệp nghèo nên tôi luôn bị nàng đánh đập và chửi rủa. Nàng chửi mắng tôi là hạng cùng đinh, lại không có tài, không có chí, không có công danh sự nghiệp. Tôi phải đi làm ăn xa. Năm thứ nhất, tôi đem về cho nàng hai mươi đồng tiền vàng dành dụm được. Nàng bắt tôi nhốt vào phòng tối và mỗi ngày được ăn ba nắm cơm muối và được đánh đập ba lần. Năm thứ hai tôi lặn lội suốt năm trên rừng kiếm ngà voi, sừng tê giác, gạc nhung, cao hổ cốt, mật ong và trầm. Tôi đem về cho nàng được ba trăm đồng tiền vàng. Tưởng là sẽ được đền bù xứng đáng, ai ngờ nàng lại cho tôi một trận đòn nên thân! Nàng nói: Nam nhi người ta chí khí phải bay xa ngàn dặm, sức vượt kình ngư - còn nam nhi của anh chỉ đo bằng ba trăm và hai chục đồng tiền vàng, không hơn thế được! Sau lần thứ hai đó, tủi nhục và ê chề quá, tôi đi thẳng, đi xa, đi mải miết - quyết là phải có gia tài trăm vạn tôi mới trở về!

Người khách thương chợt ngước lên nhìn cha với đôi mắt mệt mỏi. Bây giờ cha mới để ý là y đã dày dạn và phong sương quá đỗi; vừng trán đã cày những vết nhăn quá sâu, nước da đen sạm mà người ta có thể bóc ra ở trên đó - mùi muối mặn của biển, nắng của sa mạc, bụi trần và ngày tháng.

- Ông chủ! Bây giờ gia tài tôi đã có trăm vạn sau hơn ba mươi năm bôn ba lưu lạc xứ người. Tôi giàu đến độ không còn muốn giàu nữa. Và có một điều làm cho tôi bần thần suy nghĩ bấy nay, là không biết bây giờ mình sống để làm gì? Bà vơỷ sứ của tôi quy đã chết. Tôi không biết trả thù ai, tôi không biết mang gia tài này về xứ để làm gì! Tôi tưởng rằng vợ tôi sẽ chóa mắt, sẽ kinh hãi bởi chí nam nhi của tôi, chí lấp bể vá trời! Tôi đã lặn lội vào triều đình Trung Quốc, bỏ ra hai chục ngàn đồng tiền vàng để mua tấm thảm kia - và cả rất nhiều đồ ngự dụng nữa - cốt là để mang về biếu nàng, biếu người vợ ma quỷ của tôi. Ôi! Tấm thảm ấy mà dùng để cho nàng lót chân thì tương xứng biết bao nhiêu! Thế mà! Ôi! Vợ tôi đã chết! Nàng đã chết thì đời này, tôi chẳng còn gì là sinh thú nữa!

Người khách buôn già thở dài não ruột. Cha đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Quả thật, phía bên ngoài chân trời có nhiều điều vượt quá sức tưởng tượng của con người. Mới mẻ biết bao! Kỳ dị biết bao! Trường hợp một người đàn bà, không hẳn là trường hợp của tất cả các người đàn bà - cái định kiến thường đem người ta đến những lầm lẫn tai hại.

Con ạ! Sau đó, người khách buôn già cho chúng ta chiếc thảm ấy, y không lấy đồng nào. - Diễm phúc thay cho những ai có bà vợ xấu xa và hung dữ để phấn đấu với cuộc đời - y nói - Các nàng cần phải được biếu những vật quý giá hơn thế nữa trên thế gian. Gia tài này của ông chủ, tựu trung cũng nhờ nàng, có phải?

Con ơi! Cha biết trả lời làm sao cho người khách thương ngu si tội nghiệp ấy hiểu rõ cái lầm lẫn tai hại của y? Cha chỉ nhìn y xót xa, im lặng. Sau rồi y nói tiếp:

- Nếu nàng yêu thương chìu chuộng tôi, thì tôi đâu có cơ hội đi đó đi đây để biết những chân trời xa rộng, sa mạc, đại dương, sông hồ và núi non hùng vĩ? Lại biết được cả những quốc độ có những kinh thành hoa lệ, có cả yêu thương đùm bọc lẫn cả tình đời phản trắc? Ồ! Tôi đã học được không biết là bao nhiêu, tôi thấy, tôi nghe, tôi nhìn cũng không biết là bao nhiêu. Nhiều lắm! Ông chủ ơi! Nếu không có nàng thì tôi chỉ là gã đàn ông hủ lậu quê mùa, lại chỉ là tên cùng đinh tay trắng hạ tiện. Cho hay, cái gì là hung dữ, xấu xa, độc ác - đều là nguyên nhân hoặc là lộ trình tiến thân - cho nam nhi trên đời này cả. Nhưng mà ông chủ ạ! Nếu vợ tôi đừng chết?

Đến đây cha mới bắt đầu để y vì trong câu nói của y đã hàm ẩn sự khôn ngoan của kinh nghiệm sống. Cha bèn hỏi:

- Nếu vợ ông không chết thì sao? Ông hãy nói tiếp đi?

- Chẳng sao cả! Nếu vợ tôi không chết, thế thôi! Nếu vợ tôi không chết và con đường thương mãi của tôi cứ lời rồi cứ lỗ? Cứ lời, cứ lỗ rồi tiếp diễn mãi như thế, tiếp diễn mãi không cùng. Đừng thành công! Đừng đến đoạn cuối. Đừng chấm dứt với gia tài hằng trăm vạn thì hay biết bao nhiêu? Có gia tài hằng trăm vạn trong tay là đồng nghĩa với sự buồn nản, khổ đau và sự chết. Tôi không còn sống được nữa ông chủ ạ! Sống thì phải làm gì, còn tôi là kẻ không còn biết sống để làm gì!

Con ơi! Thật là kỳ dị xiết bao! Con có thể tưởng tượng được điều này không: Thế là ý nghĩa ẩn mật sâu xa về sự bất toàn và sự không thành tựu của lão nghệ sĩ - cha đã tìm được lời giải ở nơi câu chuyện của lão khách thương ngớ ngẩn ấy!

Lão trang chủ kể đến ngang đây thì dừng. Thiếu niên nói:

- Con cũng hiểu, thưa cha! Nhưng hình như cha vẫn còn muốn nói thêm gì về điều ấy nữa chứ?

- Phải mà! Cha còn muốn nói nữa. Ngày hôm sau, lão khách thương đã tự tử bên đống hàng hóa trăm vạn của y. Rồi câu chuyện được truyền tụng không ngớt qua cửa miệng của mọi người.

Ôi! Cám cảnh thay thân phận của một kiếp người. Tối hôm sau, nhân một đêm trăng sáng, cha cứ đi thơ thẩn mãi ngoài vườn không ngủ được. Hình ảnh và câu chuyện của lão khách thương ám ảnh cha dữ dội. Hóa ra, con người, suốt đời chiến đấu được là nhờ động lực của hư vô! Lão khách thương suốt ba mươi năm bị đẩy bật ra khắp góc bể chân trời là nhờ cái “không thành”. Nhờ cái “không thành” thì y mới sống! Cái không thành, cái không thành, cha lẩm nhẩm trong miệng như vậy rồi ngước mắt lên nhìn nóc tháp. Một luồng điện xẹt qua và rung động trọn vẹn tâm thức của cha. Đức thần hủy diệt và thanh gươm ở đấy đang lấp lánh dưới ánh trăng, huy hoàng và rạng rỡ làm sao. Nhờ có ngài thì đời sống này mới tiếp diễn được liên tục, mới có thế giới và sự vĩnh cửu. Sự bất toàn mà lão nghệ sĩ đã cưu mang một đời có phảng phất dấu hiệu của “ý thức trầm luân” như cha vừa thấy đấy không? Một cái gì phản nghịch quá với tuyệt đối, như là một cái gì “khước từ tuyệt đối”, để cam phận, hoặc reo ca, dù hãi hùng, dù bi tráng, nước mắt hoặc tử vong, khơi vơi và viễn mộng - nghĩa là chấp nhận trọn vẹn dòng đời, lòng đời hữu hạn, dù nó có thống khổ thê lương đến mấy chăng nữa?

Con ơi! Con hiểu ý cha muốn nói gì chứ? Sự bất toàn và vĩnh cửu, lão nghệ sĩ có nghĩ như thế không? Nỗi đau đớn hoằng viễn của lão vào lúc cuối đời có còn để lại một dấu tích nào bên trong chiếc hộp kia không? Và về sự bất toàn, duy nhất chỉ có từng ấy hay là còn gì khác nữa?

Thiếu niên anh tuấn chợt nhếch môi cười:

- Cha đã ngộ về sự bất toàn ấy, con rất vui mừng. Còn lão nghệ sĩ, thưa cha, y chỉ là kẻ loay hoay. Kẻ đang còn tìm kiếm.

Người cha ngạc nhiên:

- Hóa ra con cũng đã từng tư duy về những điều tương tự ư?

- Thưa cha! Phải. - Người thiếu niên gật đầu mạnh mẽ - Con là một họa sĩ nửa vời, nửa mùa - ai cũng thường bảo con như thế. Thưa cha, bởi là họa sĩ, kẻ chuyên mô phỏng thiên nhiên, bắt chước thiên nhiên, đúng như cha nói - nên không có hình ảnh nào của ngoại giới mà con không chụp bắt với đôi mắt thịt của con, đôi khi bằng cả tâm nhãn nữa. Tòa trang viện này, là vật đã liên hệ thiết cốt với con trong mười tám năm nay. Con cùng nói, cùng thở va cùng vui buồn với tác phẩm bất toàn này, từ khi có nhận thức và tư duy. Con đã hiểu từ trong thâm sâu trực giác, rằng là nó với con cùng chung một sinh mệnh. Có nó thì con mới hiện hữu và ngược lại. Trực giác này nó mạnh mẽ dường bao? Mạnh mẽ như một xác tín, một khẳng định mà không biết nguyên do tại đâu: Con không hiểu. Con không cần hiểu. Thưa cha, cũng vì vậy, nhờ nó mà con đã hoàn thành những bức tranh tuyệt mỹ và vĩ đại - nếu không muốn nói là cổ kim hạn hữu.

Người cha chợt cười xòa:

- Những tác phẩm vĩ đại? Con có nói giỡn không chứ? Những bức tranh với dăm ba đường nét không thành hình của con, vẽ xong rồi lại xé bỏ?

Giọng thiếu niên vẫn trang nghiêm:

- Con không phải thiếu lễ độ để nói với cha rằng: cha là một nhà đạo đức, một học giả thông thái.

- Cha chưa hề bị lấm tai vì những tên gọi của người đời.

- Thưa cha! Con tin chắc cha có một phong thái thanh cao, một nội tâm thanh tịnh đáng kính như vậy.

Người cha tò mò hỏi:

- Quả đáng quý thay con ta! Nhưng con ơi, hình như con sử dụng ngôn ngữ cùng tư tưởng tinh tế quá, cha không nắm bắt được ý nghĩa!

- Thưa cha! Ý con muốn nói rằng, cha không phải là một nhà nghệ sĩ.

- À! Vậy ha - người cha lại cười vui - hồi xưa, lão nghệ sĩ cũng đã từng bảo cha như vậy. Có phải ý con muốn nói rằng, vì cha không phải là nghệ sĩ nên không thể hiểu nổi những bức tranh của con?

- Phải. Thưa cha! Lại còn hơn thế nữa, cha còn chưa hiểu rằng, con đã từng vẽ đêm, vẽ ngày. Con vẽ những bức tranh vĩ đại giữa không gian, khi con ngồi một mình nhìn ra phía cửa sổ, dưới xa kia là sông Gangà sóng vỗ tận chân trời xanh thẳm, và xa nữa, xa tít phương bắc là dãy tuyết sơn phủ mây trắng xóa. Con lại vẽ những bức tranh tuyệt mỹ tự tâm hồn, tự tâm nội đầy tràn chất ngất. Con lại còn vẽ nữa cả trong những giờ thánh tẩy, trong lúc tọa thiền, ngọa thiền, cho đến cả những lúc ngoạn du. Và cha ơi! Nhờ vậy con mới biết chắc rằng, lão nghệ sĩ đã không nói sai khi bảo công trình mình đã hỏng.

- Cha cũng chưa hiểu rõ lắm, từ chuyện vẽ tranh của con qua chuyện bất toàn của lão nghệ sĩ.

- Lão nghệ sĩ muốn dùng những chất liệu bất toàn, sự kiện bất toàn, dữ kiện bất toàn - để hoàn thành ý nghĩa bất toàn trong thế giới bất toàn. Ở phương diện này, lão nghệ sĩ đã thành công. Nhưng than ôi! Cũng chính vì thành công cho nên ý nghĩa ẩn mật đã trở nên thất bại!

- Con hãy nói rõ hơn? Có phải thế giới sự vật vốn tỉnh chỉ, trong lúc trò diệu hóa của mộng vốn biến động, thay đổi diệt sinh trong từng giây khắc?

- Cha nói đúng! Nhưng đấy mới chỉ là tiền diện của vấn đề. Chiều sâu thẳm của nó là: Lão nghệ sĩ đã thất bại khi “không hoàn toàn diễn đạt cái bất toàn”. Công trình trang viện là một phủ định chiều sâu tâm chứng của tác giả. Đến phút cuối cùng, ánh sáng ấy mới lóe lên nên Lão nghệ sĩ muốn đập phá cũng phải.

- Nhưng đập phá cũng là chối bỏ, phủ định. Chối bỏ, phủ định cũng là hình thức khác của thành công?

- Thưa cha, cha nghĩ đúng. Lão nghệ sĩ cũng đã có nghĩ đến điểm đó nên lão đã ngần ngừ bất quyết. Con cũng chính vì điểm này mà bị bế tắc trong thời gian gần đây. Điêu khắc là một cái gì tĩnh chỉ, một cái gì không còn biến hóa nữa, một cái gì chết - trong lúc vũ trụ là cái sống động không cùng. Thiên nhiên, tên gọi khác của đạo, là cái bao la, huyền nhiệm, kỳ diệu, nó là thế giới muôn màu muôn vẻ, trùng trùng và mới lạ trong từng giây khắc - Thế giới ấy, điêu khắc làm thế nào chụp bắt hoặc mô phỏng trên mặt đá, mặt gỗ ù lì xám ngoét? Như vậy, đạo gồm hai mặt tĩnh, mặt động. Thái cực sinh lưỡng nghi, nhất âm nhất dương chi đạo. Một âm thôi, nghĩa là tĩnh thì vũ trụ sẽ tiêu trầm - sẽ chỉ là thanh gươm và đầu người vừa mới chặt của huyền mẫu Kàlì, còn thiếu bàn tay kia đầy ơn phúc che chở và sáng hóa của bà. Vũ trụ vừa là thần Shìva vừa là thần Vichnou. Hai vị thần này ở dưới quyền điều động của thần sáng tạo (Bràhma). Cho nên, sáng tạo nghĩa là vừa sinh thành vừa hủy diệt, vừa xây dựng vừa đập bỏ. Ấy là sinh và tử vậy! Nhờ sinh nhờ tử mới tạo thành nguồn sống hằng cửu.

Thật ra, điều ấy cũng chẳng có gì là mới mẻ cả. Cha ơi! Nhưng mà từ khi con ngộ lý này, con không còn muốn tiếp tục công trình của lão nghệ sĩ nữa, con quay qua vẽ, nghĩa là con muốn vượt cái bế tắc của lão. Những bức tranh vẽ của con, không bao giờ thành hình, vì thành hình là dấu hiệu của sự chết. Con là một nghệ sĩ sáng tạo, vậy thì con phải là thần Vichnou (hoàn thành) vừa là cả thần Shìva nữa (xé bỏ). Nhưng khi mà tay con vừa xé bức hình, con hiểu rằng mình đã sai lầm một cách trọng đại, như lão nghệ sĩ đã từng sai lầm: chối bỏ tác phẩm! Ôi! Thưa cha! Sao con lại điên rồ, ngu xuẩn, kiêu căng đến mức như vậy: dám chối bỏ tác phẩm của mình? Hủy diệt công trình của một hiện hữu?

Điều ấy mới thoạt trông thì thật là giản dị và vô hại, nhưng khi đi sâu vào ta mới thấy nó kinh khiếp dường bao! Cha ạ! Vạn vật vốn tự sinh tự hóa. Tự sinh tự hóa nói lên chân lý tự do và nhân bản. Khi để cho vạn vật tự nhiên sinh hóa là dấu hiệu của đạo đức hằng cửu, vì mỗi hiện hữu sẽ tự tác tự thọ trong tác động nhân quả qua lại giữa nhau; nhưng khi mà ta tạo một “tác động” cho vạn vật sinh hóa, góp tay góp sức bởi ý đồ, mưu cầu hoặc tham vọng quỷ quyệt là ta đã tạo thêm nước mắt và tử vong cho cuộc đời. Mới đây, con có lãnh hội một số triết thuyết nền tảng phía bên kia trời tây. Những tư tưởng đó xoay quanh lý tưởng này: chinh phục thiên nhiên, cải tạo xã hội, tư tưởng cũng như con người. Nền tảng vẫn là âm dương mâu thuẫn và xung đột của Trung triết, vẫn là thần Shìva và Vichnou của Vệ-đà. Họ chỉ thấy một diện của thực tại và không thấy được diện thứ hai: xung khí dĩ vi hòa. Huyền mẫu Kàlì vừa là thần sanh đẻ vừa là thần giết chóc. Họ không thấy sự cần thiết quân bình của hai năng lực âm dương đó, nên đời sống của họ là những cuộc bạo động dài ngày trong lịch sử - hay hơn thế nữa - dẫn nhân loại đến chỗ diệt vong, chặt đứt gốc rễ trở về quê hương của con người, càng ngày càng sa đọa và vong bản! Họ chỉ thấy “chân lý đối tượng” và “chân lý mâu thuẫn” nên họ tiếp sức cho thế lực này hủy diệt thế lực kia và bảo là đẩy mạnh bánh xe lịch sử, đẩy mạnh bánh xe tiến hóa! Lấy con người để khống chế xã hội hay lấy xã hội để không chế con người - đều vô tình đi ngược lại định luật âm dương vận hành tương hỗ của Trung triết - đi ngược lại lộ trình sáng tạo vi diệu của thần Bràhma - nghĩa là phản bội chân-lý-toàn-diện, phản bội tự nhiên, phản bội đạo vậy. Họ là kẻ vô luân, vô đạo và cuồng tín nhất trên thế gian! Giáo lý nào, nghệ thuật sáng tạo phẩm nào mà không nhằm cưỡng ép, bức bách, khống chế - mà ở trong tinh thần gọi kêu, khơi mở tâm thức tự giác thâm sâu, nương và chuyển cuộc đời - thì giáo lý ấy, nghệ thuật sáng tạo phẩm ấy chính là vẻ đẹp, thiên thu, màu xanh, trái cây và cơm bánh cho con người trần gian khổ nạn này. Con xé bỏ bức tranh của mình, lão nghệ sĩ đập bỏ công trình của tòa kiến trúc - thì từ trong thẳm sâu của tự ngã chỉ là kẻ ngụy-đạo-đức, ngụy-nghệ-sĩ mà thôi!

Con vượt bỏ Tây phương, vượt bỏ lão nghệ sĩ nhưng con chưa vượt được “ý niệm vượt bỏ”! Thế là con vẫn còn kẹt trong nhị nguyên, mâu thuẫn, xung đột, nghịch chiều. Khổ đau trong con vẫn còn tồn tại.

Cha ơi! Để tìm lối thoát, con quay qua vẽ bằng tâm, tâm họa chứ không còn là bút họa nữa. Con vẽ trời đất, trăng sao, núi đồi, thung lũng, cây cối, khe, suối, sương mù…. Con phóng trên nền trời, trong tâm tưởng những màu sắc đẹp lạ kỳ. Nó đẹp hơn cả thực tại. Nó vượt xa thực tại. Con sung sướng miên man, con phỉ lạc biết bao nhiêu! Giai đoạn này con không cần ăn, không cần uống, vì con đã tự no đủ. Con sống no đầy, phỉ lạc trong thế giới tâm tưởng của riêng con!

Người thiếu niên anh tuấn im lặng đột ngột qua một hồi say mê trình bày con đường tâm chứng của mình qua hội họa. Người cha đi từ ngạc nhiên này qua ngạc nhiên khác. Trước mặt ông, đứa con trai chợt trở nên to lớn phi thường. Người ta thường gọi ông là một nhà đạo đức, một học giả - nhưng quả thật là nhỏ bé và hủ lậu quá so với thế giới này - cái thế giới nghệ sĩ trẻ trung - họ đi theo con đường của họ - con đường có bướm có chim, có nhật nguyệt; con đường được lát bằng những tấm thảm xanh như nhung của cây cỏ, da trời và biển rộng. Ôi! Thế giới của ta nhỏ hẹp quá - thế giới của chữ nghĩa, văn tự và kinh điển đã khô chết tự ngàn xưa. Cái thế giới không có lấy một hơi thở, một tiếng gà kêu, một con chim thình lình cất tiếng hót rộn rã giữa bình minh xanh, giữa hoàng hôn vàng. Phải. Cái thế giới chết của những chồng sách vở vô tri, không có cả một cơn gió khô, một đài hoa rụng, một chiếc lá úa. Dù khô, dù úa, dù rụng nhưng nó vẫn là dấu hiệu của sự sống. Ôi! Vĩ đại biết bao nhiêu là thế giới ấy! Không ngờ cuối cuộc đời tàn phế và khô nỏ của tâm hồn, ta lại có thêm chất nước, cỏ hoa, vị ngọt để lấy thêm sinh lực cho cuộc ra đi dài hạn…!

Nghĩ đến đây, lão trang chủ hân hoan quá, ông ôm chầm lấy người con trai:

- Kỳ lạ thay, con ta! Đáng kính đáng yêu biết mấy là con ta. Lối nào cũng về La Mã. Đồng quy nhi thù đồ. Cho đến bây giờ cha mới hiểu mật nghĩa ấy.

Đã từ lâu, nguyện vọng của cha chỉ được gói ghém trong chiếc hộp này, biết được bí mật của nó trước khi nhắm mắt - nhưng nay thì đã được khơi mở rộng lớn hơn, có kích thước vũ trụ hơn - ấy là bí mật của dòng đời, của lòng đời. Đạo là ở chỗ ấy, kỳ vĩ và tuyệt mỹ biết bao nhiêu.

Người thiếu niên anh tuấn khuôn mặt vẫn lạnh lùng, trầm mặc, trang nghiêm. Ở nơi y không có dấu hiệu nào chứng tỏ một con người bị tình cảm chi phối. Y đang tự chủ, đang trọn vẹn với thế giới nào đó của riêng y!

Niềm hân hoan vừa mới chớm nở trong lòng của lão trang chủ chợt tàn úa đi ngay bởi con người “tịch mịch bất khả tư nghị” của thiếu niên.

Người cha ân cần hỏi:

- Con vẫn đang còn nghi vấn về điều gì? Thế giới nhiệm mầu và tuyệt mỹ biết bao nhiêu?

Người thiếu niên anh tuấn trầm giọng đáp:

- Con cũng đồng ý với cha như vậy: thế giới nhiệm mầu và tuyệt mỹ biết bao nhiêu! Nhưng thưa cha, cũng giống y như trong những tranh vẽ của con: thế giới nhiệm mầu và tuyệt mỹ biết bao nhiêu!

- Vậy sao con … còn có vẻ “tịch mịch” đến như vậy?

- Thưa cha! Tại sao thì con đã nói rồi đấy chứ! Thế giới nhiệm mầu và tuyệt mỹ thật, nhưng nó chỉ thực tại ở trong tranh vẽ mà thôi, nó chỉ thực tại ở trong "tâm" và "tưởng" thôi!

Người cha há hốc mồm.

Người con tiếp:

- Con đã từng có những bức tranh ở trong tâm và tưởng, nó đẹp hơn cả thực tại, nó vượt quá thực tại, nhưng chưa bao giờ nó đẹp như là thực tại.

Thưa cha! Thế giới đó, tâm và cảnh, nó một hay là hai? Là một thì không thể được, là hai cũng chẳng phải. Vì sao? Vì tâm vẫn phân biệt được cảnh, từ chủ năng ta nhận biết được ngoại giới khách quan thì chúng chẳng thể là một được. Và nếu là hai cái cách biệt, thì mỗi cái riêng tự nó hiện hữu, độc lập chẳng liên hệ gì đến nhau. Mà có thật nó không liên hệ với nhau chăng, thưa cha? Nếu không liên hệ thì con đã chẳng xúc động thật tình vì một cảnh sắc huy hoàng của bình minh, sự dịu dàng và đầy ơn phúc của lá xanh và những cơn gió đìu hiu đầu thu va động lăn tăn trên đầu cây, ngọn cỏ! Hình như phải bảo rằng, ngoại cảnh quyết định cho các trạng thái tâm, nó liên hệ tương quan như bóng với hình, không có cái này thì không có cái kia và ngược lại.

Nhưng than ôi, thưa cha! Khi con vẽ bằng tâm và tưởng, thì những bức tranh đó đã tách rời thế giới cụ thể khách quan để nhảy vào thế giới nội cảnh. Nó là cái bóng của chiếc ảnh thực, nó là hình ảnh mô phỏng không rõ nét hoặc chẳng hoàn toàn trung thành thiên nhiên. Qua lăng kính tâm chắc nó đã đổi khác đi. Như vậy có ích gì không những bức tranh vẽ của con, thưa cha? Mặc dầu các đường nét có hoằng viễn cách mấy, có nguy nga cách mấy, nó cũng chỉ là cái bóng mờ của thực tại, một cái gì mông lung, ảo dị, một cái gì không bao giờ đúng y là thực tại, như nó là thực tại. Con là cái ấy. Ngươi là chân như. Vệ-đà bảo thế. Chân như là như chân như thực. Nhưng làm thế nào để hiểu rõ như chân như thực là gì? Như chân như thực là một thế giới mà ta chẳng thể nào chụp bắt được, vĩnh viễn là như thế, thưa cha!

Người cha thở một hơi dài:

-Thế là thế nào? Lại rối ren đến thế ư? Té ra con vẫn chưa đạt được cái gì sao? Cha đi từ bỡ ngỡ này đến bỡ ngỡ khác.

Con ơi! Kinh điển có lý luận, có tư tưởng, có con đường, nhưng là một cái gì dễ dàng và khả tri hơn thế. Các giáo chủ uyên thâm nhất của truyền thống Vệ-đà cũng trích dẫn cái câu đã trở thành thời thượng, sáo ngữ ấy: Ngươi là chân như. Phải chăng, đây là một thông điệp kêu gọi ý thức tự quy, trở về cái thâm sâu nhất của tự ngã? Và đây, ngươi là cái ấy, ở trong cái bản ngã sinh diệt đó chứ không là đâu hết. Các nhà luận giải và chú giải trong Áo-nghĩa-thư khi đề cập đến các cấp độ tâm linh thì họ tuần tự nói như thế này: Đầu tiên là ý thức bình phàm, cái ý thức chìm đắm và thụ hưởng các đối tượng vật chất. Từ ý thức ấy, con người tiếp xúc, kinh nghiệm ngoại giới.

Rất có thể vì nó chẳng thể đạt được những phúc lạc thâm sâu, tế vi - nên nó đành phải chuyển hướng vào bên trong: và đấy là trình độ thức giác thứ hai. Đây tạm gọi là thức giác nội giám, cái Yoni, cái chủ tể. Ta thì ta gọi đây là cái dòng sống, chủ khách câu vong. Nhưng còn một thức giác cuối cùng nữa, thức giác siêu việt, viên mãn, tri giác và suy tưởng có hiện hữu ở đây, nhưng không còn có tên là tri giác và suy tưởng nữa. Bất khả diễn đạt. Cái vô nhị và an tĩnh.

Con ơi! Suốt đời cha cũng nghiên cứu, cũng vẽ vời bằng thế giới tâm tưởng này nọ, nhưng cái biết của cha qua kinh nghiệm sách vở ấy chắc gì đã vượt qua được cái biết của con? Có thể cha sử dụng ngôn ngữ, cách diễn đạt, tuần tự phân tích hoặc tổng hợp - sẽ được mọi người đồng ý hơn - vì cái ấy vốn đã phổ thông, cái có sẵn từ nghìn đời. Nhưng con thì lại khác, con đi bằng con đường của chính mình, không nô lệ vào lề thói cũ, đầy sáng tạo. Con có hình ảnh và ngôn ngữ của riêng con. Nhưng con ơi, có một điều chắc chắn là trình độ giác ngộ của cha, đến đâu, cha biết - còn trình độ giác ngộ của con, đến đâu, cha không biết. Mọi tìm kiếm của con đều mới lạ, hấp dẫn và lôi cuốn cha. Còn cha ư? Cha lần mò theo con đường cũ,

con đường không sáng tạo, con đường mang vẻ đẹp đã phế tàn, thành quách lâu đài đều cũ kỹ, rêu phong, những bức tượng phủ đầy bụi, những cánh cửa sắt lâu đời đã rỉ sét. Có còn một hơi thở, một sự sống nào ở đấy không? Đôi khi cha tự hỏi lẩn thẩn như vậy. Hay đây là một bảo tàng viện, dấu tích vàng son của một thời đại chỉ còn cái gì là vô danh như tên gọi của nó trong lịch sử? Đấng Bràhman ư? Ngài ở đâu, mà nơi đây chỉ còn treo cái giá áo và vương miện của ngài:

“Tại ba phần ấy, một phần ngài ngự.

Ơ nơi phần chót, ba phần là của Bràhman

Để thực nghiệm cái có và cái không

Ngài có hai bản tính”

Phải. Ngài có hai bản tính.

Con ơi! Cái gì vậy? Đây có phải là mật thư cho những ai đi đến kho tàng, là chìa khóa mở cánh cửa sắt? Con ạ! Cha cũng đã bỏ công khá lâu để đi tìm mật nghĩa ấy. Con đường này cha đã không có cách gì vượt qua, kiếm tìm, khám phá. Con đường hầu như ai cũng biết, cũng đều tin chắc là sẽ đến đất hứa, nhưng rồi hình như lại lạc cả vào vùng đất trích. Người ta có quyền hoài nghi như vậy lắm chứ? Vì ai cũng có thể có thẩm quyền - mà đồng thời - chẳng ai có đủ thẩm quyền cả. Còn thế giới của con, con đường của con, biết đâu là con đường tắt? Con đường với chức năng và thẩm quyền của kẻ sáng tạo? Sao vậy? Con đừng làm cho cha thất vọng, con đường của con vẫn hứa hẹn có nhiều ánh sáng chứ?

Thiếu niên anh tuấn lắc đầu, giọng buồn bã:

- Theo truyền thống Vệ-đà thì có ba con đường thật. Con đường hành động, con đường chiêm ngưỡng thờ phượng và con đường trầm tư và thiền định. Các nhà luận giải càng ngày càng chia ngõ chia ngách và làm cho con đường trở thành mờ mịt và rắc rối thêm. Như cha biết đó, con có một người bạn - là Thiếu Quang - y là một nhà luận giải cấp tiến, uyên thâm Vệ-đà và thông bác nhiều giáo lý khác ngoài truyền thông. Y là kẻ đầy lòng mạo hiểm, y hoài nghi cả những luận giải của cả những bậc được coi là trí tuệ nhất. Và hầu như y đã phá bỏ tất cả mọi con đường. Rồi khám phá một con đường mới lạ hẳn. Nhưng y mới phát quang một đoạn đường rồi lại bối rối trước con lộ mà y mới khám phá ra: một con đường hẹp. Con đường này hoang liêu và cô tịch quá, lại là con đường dốc ngược, duy nhất một người lên. Y cứ đứng ở đấy mãi, phân vân bất quyết - vì trước mặt y chẳng hứa hẹn một bình nguyên nào cả: đấy là hướng Tây, hướng của mặt trời khô bỏng, của sa mạc. Đến đây là tự hủy chính mình. Mà giải thoát có phải là tự hủy chính mình. Mà giải thoát có phải là tự hủy? Tự hủy bản ngã với ý nghĩa siêu hình? Y không biết. Con không biết. Không có ai trả lời! Mà duy chỉ có lộ trình đó: lộ trình vô dục. Còn tất cả con đường đều là con đẻ của mộng thôi!

Cha ơi! Y bảo rằng, các nhà luận giải đang múa may trên mép rìa của thực tại, đang bò quanh miệng chén mà không biết trung tâm điểm là đâu. Làm gì có con đường hành động? Có nhận thức rồi mới có hành động chứ? Hay ý kinh bảo rằng, nhận thức chính là hành động? Có thể y là đồ đệ của Brentano bên kia trời Tây khi cho rằng, ý-hướng-tính là thuộc tính của ý thức nhằm tác động đến đối tượng! Nhưng sau đó y lại hỏi ngược lại thầy: nếu không có các đối tượng ngoại giới thì ý-hướng-tính do đâu tồn tại? Nói đúng ra, y thường lý luận ngược xuôi, sử dụng các triết thuyết, các tư tưởng như tay ảo thuật dùng làm phương tiện đối đãi với nhau – chứ y là kẻ phá hoại. Phá hoại toàn triệt. Y còn nói rằng, con đường hành động của ta và duy thực, duy nghiệm của bọn quỷ trắng có gì khác nhau? Mà nói đến duy thực, duy nghiệm thì quả là ngây thơ làm sao khi hiểu rõ pháp giới là cả một vận hành tương quan? Ấy, đấy, bây giờ, khi bảo vậy là y đã lôi Husserl ra để đối chứng với Brentano: “mọi công trình khảo cứu của tôi, đều được hướng dẫn bởi trọng trách xây dựng một cách hệ thống tính cách tiên thiên của mối tương giao này".

Cha ơi! Nếu nói theo ngôn ngữ của Đông phương ta, thì đấy là sự tương giao giữa tâm và vật, theo Phật giáo là lý duyên khởi vậy. Như thế, duy vật luận (duy thực, duy nghiệm) đã nói lên cái ấu trĩ của mình, mà duy-tâm-luận cũng ngu ngốc không kém: cả hai đều chưa hiểu mối tương quan trùng trùng của vạn hữu. Kẻ nào “duy-hành-động” thì kẻ đó chưa bước ra khỏi thế giới vật thể, còn lông lá và chưa có nhân tính. Còn con đường chiêm ngưỡng thờ phượng? Từ một tâm thức yếu đuối, y nương tựa vào những hình ảnh phù du bên ngoài. Phân tích kỹ thì tuy ý-hướng-tính của y nhắm đến các đối tượng bên ngoài, nhưng thật ra là để huân tập, làm vững mạnh đối tượng ấy ở bên trong y. Nhưng vững mạnh là vững mạnh cái gì? Vững mạnh một đấng, một ngài, một cảnh, một cõi? Tâm y tưởng tượng hoặc tạo ra một hình ảnh, và y lấy hình ảnh đó để tôn thờ! Đấy, y làm cái gì vậy? Thái độ ám thị này chưa phải là lối giải quyết trường cửa của kẻ trí. Y bảo vậy. Cuối cùng, chỉ còn con đường trầm tư và thiền định. Trầm tư và thiền định không phải là tìm kiếm kinh nghiệm hoặc hiểu biết. Kinh nghiệm và hiểu biết chỉ nhằm tô bồi và tích lũy bản ngã. Vả chăng, kinh nghiệm và hiểu biết là cái “có sẵn” trong y, chứ không phải là cái mới lạ đầy trẻ trung của sự sống? Vả chăng, tất cả chúng chỉ là hiện tượng sinh diệt bọt bèo? Nếu hiểu trầm tư và thiền định là nhằm phá vỡ cái lớp bản ngã thâm sâu, thiêu hủy các giả tướng vay mượn của cuộc đời - đốt cháy ý thức thường nghiệm - để cho cái-tôi-siêu-thế, cái chân ngã lộ diện nguyên hình - thì may ra không phản bội truyền thống tâm linh tuệ giác Ấn Độ. Chính Husserl bên kia trời Tây cũng bảo con người trở về với “ý-thức-siêu-nghiệm”, thì đã hẳn biết bỏ vật, bỏ tâm, bỏ những biểu tượng, ký hiệu để thâm đạt yếu tính của thực tại. Có thể con đường giảm trừ hiện tượng học của y không nói lên một thẩm quyền nào về trực giác - sự lãnh hội không do ý thức thường nghiệm – nhưng cũng nói lên được điều này: mọi chân trời tư tưởng đều có thể gặp nhau. Khác chăng là cái thực chứng và không thực chứng, trí thức và tâm linh, lý luận và thể nghiệm vô ngôn. Cho hay, trí thức có thể với tới những bến bờ ngoài khả năng của y. Đôi khi nó lại có thể hiểu bằng trực giác nữa nhưng không đủ thẩm quyền về những trực giác ấy. Các nhà thuần túy tâm linh học họ xây dựng cơ sở từ bến bờ này - chỗ mất tích, vô tăm bất lực của lý trí - và họ gọi là tôn giáo, đạo học. Những điều mà triết học khoanh tay thì tôn giáo và đạo học giải thích, nói ra, “như-thị-thuyết”.

Cha ơi! Nền văn minh tâm linh cao cả của Vệ-đà bây giờ đã sa đọa thành một triết học, một triết lý. Người ta đang bàn cãi với nhau, tranh cãi với nhau: hành động này vị tha, hành động kia vị kỷ, cách chiêm ngưỡng này có phước báo lớn, có công năng lớn, có lợi ích lớn hơn cách chiêm ngưỡng thờ phượng kia… Tất cả những lý luận của họ xem ra hợp lý dường bao - nhưng quả thật - không nói lên được, không phát quang được cái trực giác thâm sâu, cái tồn tại vinh quang và giềng mối cho mọi sinh hoạt, mọi hiện hữu: Tuệ giác và chân ngã. Chẳng có tiêu chuẩn bản căn và phổ biến cho toàn thể thế gian - hẳn thế - nhưng mà các tông phái con đẻ của Vệ-đà họ đưa ra từng tiêu chuẩn, từng giá trị, từng con đường mà không biết rằng: con đường, tiêu chuẩn, giá trị là những cái nhằm hủy diệt nhau! Đây cũng là giai đoạn của thời-cơ-chủ-nghĩa xuất hiện, tạo thành những bức bình phong, nhãn hiệu trá ngụy để khuynh loát và tranh giành ảnh hưởng. Ở Ấn Độ này tệ lắm cũng có vài triệu vị thần. Và thế là dĩ nhiên, có thần của tôi hơn thần của anh. Thần này cho tài, thần này cho lộc, thần kia cho phước, thần nọ cho thọ. Ôi! Sao mà rối rắm vậy? Đạo là nâng trần gian lên, lôi con người lên - mà con người thì lôi đạo xuống để phục vụ cho những mục đích đê hèn và vị kỷ của họ!

Phải chăng, từ tất cả những dữ kiện đó, từ tất cả mọi sinh hoạt mênh mang đó, tất cả mọi con đường đó… cuối cùng, đều do tâm? Tâm là chủ? Tâm tạo tác? Vậy cái Tâm ấy mới là cái bản căn chứ? Mới là cái cốt tủy chứ? Cứ chạy theo nhánh, theo ngọn mà bỏ quên gốc, không biết quay đầu trở lại, quay về nguồn, trở về chính mình. Trở về chính minh, trở về tâm. Thưa cha, nhà luận giải Vệ-đà cấp tiến nọ đã có công chặt đứt tất cả những ngành ngọn để đem về một gốc tâm duy nhất. Nhưng than ôi, thưa cha! Cuối cùng, y là kẻ còn tâm chứ không còn cảnh!

Thế là thế nào? Còn Tâm không còn Cảnh! Té ra bây giờ ta mới thấy rõ, loay hoay cho lắm thì y cũng chưa bước ra khỏi cái duy-tâm-luận hoặc là bình diện thứ hai của thức giác trong Áo-nghĩa-thư. Làm thế nào để bước qua giai đoạn thứ ba, để rồi bước vào thức giác thứ tư là cái vô nhị và an tĩnh đời đời?

Thưa cha! Trọn bộ thánh kinh Vệ-đà không nói con đường cho chúng ta đi, thảng hoặc có nói đến con đường nhưng không nói cách đi như thế nào. Nhưng nói đến con đường tất lại rơi vào nhị nguyên thuyết, tranh luận – đọa vào duy vật, duy tâm, duy danh, duy thực, duy nghiệm… Đây là một cái gì bất khả, là một cái gì đổ vỡ, một cái gì thất bại, một cái gì bất toàn!

Thiếu niên anh tuấn nói xong, người cha trầm mặc rất lâu. Thời gian ngưng lại. Mảnh trăng sơ huyền lơ lửng trên cao, giữa bầu trời xanh thẳm. Một cái gì rất cao, rất xa không thể với tới, không bao giờ với tới! Gió thổi hiu hiu nhè nhẹ khua gợn lăn tăn, xào xạc, xào xạc đâu đó trong không gian, rồi chìm mất. Đêm lại yên tĩnh, dịu dàng, mênh mông, rất cao và rất xa…!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]