Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

08. Cạm bẫy Thân Xác

31/10/201205:20(Xem: 6993)
08. Cạm bẫy Thân Xác
HÀNH HƯƠNG TÂM LINH
Tác giả: Minh Đức Triều Tâm Ảnh

CẠM BẪY THÂN XÁC

Trong lúc Triết Hựu nửa tỉnh nửa mê, hai người tỳ nữ vẫn tiếp tục câu chuyện. Chàng nghe không chính xác lắm, người em nói rằng, sự thực không phải là suy và tưởng, lý và luận mà phải thể nghiệm trọn vẹn con người mình. Phải nhảy vào dòng mới bơi qua được bờ kia, đừng như kẻ nọ đứng bên bờ này mà gọi: bờ kia ơi, hãy đến! Có tiếng thở dài rất khẽ của người chị. Em ơi! Trước đây chị tưởng là chị hiểu nhiều, nhưng bây giờ chị mới biết rằng, đối với đời sống trăm vạn ngõ ngách, chị chưa hề khám phá cho mình một điều gì mới mẻ. Vậy chị phải sống đi. Sống đi nghĩa là thế nào? Nghĩa là làm sao như thực biết rằng, đây là hạnh phúc, đây là đau khổ, đây là bóng tối, đây là ánh sáng, đây là tử sinh, đây là giải thoát. Em hãy nói rõ hơn. Nghĩa là sống như em đã từng sống vậy. Nghĩa là tập phạm tội như em ư?

Đôi mắt Triết Hựu đã nặng trĩu. Chàng không còn nghe gì nữa. Người chị kia sẽ bị sa-tăng cám dỗ, chàng nghĩ. Y sẽ sống đời thân xác như em, rồi sẽ lao vào dòng cuồng lưu ái dục ngàn đời. Có những vấn đề mà chỉ cần suy tưởng cũng đúng chứ. Ta chưa hề gãy tay gãy chân mà vẫn biết rằng gãy tay gãy chân là đau khổ chứ. Các bậc tâm linh, đạo sư đã khai mở, chứng nghiệm con đường viễn ly ái dục để thành tựu cái thanh tịnh và an lạc tôi thắng chưa đủ để tin ư? “Ai có tai, hãy nghe!” Chúng đã không nghe mà còn sống ngược lại? Cái bản năng, thân xác, nhục dục là cái thú vật, mà sao còn học đòi thú vật, biến mình thành thú vật? Mặc kệ chúng ở trong bóng tối. “Hãy để kẻ chết chôn người chết, còn ngươi, hãy đi rao giảng nước đức Chúa trời”.

Thế rồi… chàng thấy mình lạc vào một quốc độ pha lê. Chàng ngơ ngác thấy từng đoàn người cao lớn, trong suốt bay đi vun vút. Rồi họ nhòa tan (hay biến mất?) trong những đám mây ngũ sắc. Chàng cũng muốn bay theo nhưng thấy không có khí lực và đôi chân nặng nề không nhấc lên nổi. Khi ước muốn “muốn bay” thúc hối quá mãnh liệt trong chàng, chàng chợt thấy một phần trong cơ thể mình hóa hiện thành một cánh chim đen và bay theo.

- Một cánh chim “đêm” lạc vào xứ “ban ngày” của chúng ta. Hãy tiêu diệt nó!

Tiếng nói từ nơi mấy tầng cao vẳng xuống. Và chàng liền bị hằng ngàn con chim trắng bủa vây. Chúng thổi ra những đám mây lớn, dày đặc làm cho chàng chẳng thấy đâu là phương hướng. Như va chạm bởi một bức tường thành kiên cố, chim đen lảo đảo rơi xuống, lại rớt bên chân chàng!

Một vì tiên ông tóc trắng - khi nhìn lại, lại hóa ra là sa-môn đầu-đà - đến bên chàng, ôm chim đen trong tay khóc nức nở:

- Con tôi! Sao con lại đi vào thế giới này: thế giới của ban ngày, của tinh thần đầy ánh sáng. Tinh thần và ánh sáng đã hủy diệt con.

Chim đen mở mắt ra: đôi mắt tròn to và trong xanh vời vợi, phía bên trong lại hiện ra mấy sợi gân đỏ như máu. Chim chợt nói tiếng người:

- Con thèm bầu trời rộng, thèm cái trên cao, đâu ngờ rằng trên ấy lại có loài chim trắng hung dữ đã lấy mây trời làm vũ khí để tấn công con. Ở đây, than ôi, lại thiếu không khí quen thuộc của mình nữa.

- Phải rồi, con ạ - ở đấy, - vị sa-môn đầu-đà đưa tay chỉ vùng mây loãng - họ có đời sống khác, không khí khác, thân xác khác. Còn con chỉ là cái thân ô trược nặng nề. Con là cái vật chất, con không thấy sao? Cái vật chất ấy nó sẽ bị hủy diệt nơi cõi tinh thần sáng láng.

Chim gật đầu:

- Phải. Có cả cạm bẫy nữa. Vậy thì ta hãy trở về…

Nói xong, chim vươn cánh bay nhưng lại rơi xuống một vực thẳm tối đen; chợt từ trên cao, một con chim trắng đáp xuống và cắp chim đen vào mỏ. Rồi cả hai lại sa xuống, lần này chim đen thấy mình đang ở trên một bờ biển.

- Bên kia là xứ sở của ta - chim trắng chỉ vùng sáng láng bên kia đại dương và nói - nhưng ta chẳng thể đem ngươi qua bên ấy được, ta không có năng lực.

- Ta muốn qua bên ấy lắm, nhưng sao ta không nhấc đôi cánh lên nổi.

Chim trắng nhìn chim đen gật đầu:

- Sao ngươi nặng thế? Sao ngươi không rũ bỏ bộ lông đen của ngươi để biến thành bộ lông trắng nhẹ nhàng như ta? Dù đại vương ta cũng không thể cứu ngươi được đâu.

- Đại vương của ngươi là ai?

- Là Điểu vương.

- Chắc y lớn lắm, lại có nhiều phép lạ?

- Ta không rõ. Nhưng quả là có nhiều phép biến hóa.

- Hãy kể cho ta nghe.

- Đại vương của ta có thể làm chim đen, có thể là chim trắng, có thể hai màu, có thể trộn lẫn hai màu, có thể lớn mà cũng có thể bé. Thiệt là không lường nổi.

- Kỳ nhỉ.

- Vậy mới làm vua. Ô kìa! Đại vương ta!

Chim trắng đưa tay chỉ về phía biển xa: Vị tiên ông tóc trắng đang cỡi trên lưng cánh đại bàng bay vút lên mấy từng mây xanh thẳm.

- Vì tiên ông và con đại bàng, ai là thầy ngươi? Là đại vương ngươi?

- Ta không biết.

“Hãy bay!” Một cái gì bên trong thúc hối và chàng phóng mình ra phía biển. Chàng rơi xuống và chìm nghỉm. Chàng la chới với… cứu tôi, cứu tôi… Giữa vùng đen dầy đặc, chàng vùng vẫy một cách tuyệt vọng. Một lúc, vùng đen ấy sáng dần… Mặt nước lung linh từng gợn sóng li ti… Từng vòng từng vòng xoay tròn, từ to đến nhỏ dần… nhỏ dần cho đến khi còn lại một hạt đen như hạt nhãn. Hạt nhãn lại biến thành trong xanh vời vợi và phía bên trong lại hiện ra mấy sợi gân đỏ như lửa. À! Đôi mắt con chim đen! Chàng chú mục nhìn rõ thì đằng sau chim có một đám mây phủ xuống - đám mây từng sợi nhỏ chảy dài! Trong ánh sáng nhờ nhợ đúc kết lại thành hình…

- A! Một thiếu nữ.

Chàng tỉnh dậy nhưng vẫn nằm yên, đưa mắt lặng lẽ nhìn thiếu nữ. Một chiếc khăn mát đang đắp nơi trán chàng và trên tay thiếu nữ đang còn cầm một ly nước. Chiếc sari vắt từ trên vai xuống trễ tràng để lộ một vùng ngực trắng ngà. Thiếu nữ hơi thở dồn dập, đôi mắt long lanh nhìn chàng như âu yếm, như đắm đuối, như khát khao. Nàng lặng lẽ để bát nước xuống một bên, lật ngửa bàn tay chàng rồi để úp bàn tay của mình vào đó - dấu hiệu gọi tình - rồi cúi xuống, ôm chàng trong vòng tay dịu dàng. Vùng ngực mềm, mịn và mát của thiếu nữ phủ dập êm ái lên người chàng.

Trong lúc thiếu nữ đã hiện thành bà Eva trong vòng tay chàng, trong lúc cả người chàng là một khối lửa dục nóng hừng hực, trong lúc chàng sắp sửa thử nghiệm cái giây phút khoái lạc, bóng tối và tử sinh - thì phía sau xa hút vùng cảm thức mênh mông, chợt hiện ra một chút ánh sáng tinh thần le lói, tiếng một con sư tử khản giọng gầm vào tai chàng: “Hãy từ chối nó, đấng tinh thần đang nguyền rủa ngươi, hỡi thân xác.”

Cả một trời tuyết băng đổ ập xuống cơn nóng lửa của chàng, Triết Hựu xô thiếu nữ ra và bỏ chạy. Mùi hương kỳ lạ nơi thiếu nữ dậy thì cứ phảng phất theo chàng qua suốt mấy dặm dài. Trong ánh sáng nhờ nhợ của hoàng hôn, bất kể phương hướng, bất kể bụi bờ, gai gốc, chàng chạy mãi…

Chàng cố quên, cố xua đuổi qua một bên, lùi lại đằng sau sự ám ảnh của giây phút kề bên vực thẳm ấy - vực thẳm tử sinh hay đỉnh cao ngất của hoan lạc? - chàng cũng không biết nữa. Chàng không xác định được, quả thật, lý trí chàng, con sư tử chàng đã gọi đó là tội lỗi, sa đọa. Một bên thân xác thì gật đầu, một bên tinh thần thì lên án. Bên nào cũng hữu lý cả? Cuộc chiến tranh thầm lặng mà khốc liệt này xé con người chàng ra làm hai, chưa ngã ngũ ra sao nhưng hiện giờ ánh sáng đang làm chủ tình thế. Ánh sáng không phát quang đủ cả vùng tâm thức chàng, nên ở đấy thỉnh thoảng lại hiển hiện lên đôi mắt kia. Đôi mắt tròn, to và đen như hạt nhãn điểm một sợi gân đỏ như máu. Đôi mắt ấy xuất hiện từ thế giới nào? Thực hay hư? Nó ở bên ngoài hay bên trong chàng? Đôi mắt ấy là của chim đen hay của thiếu nữ? Chim đen là mộng mà thiếu nữ là thực? Chim đen hiển hiện từ vùng vô thức câm nín và thiếu nữ hiện thực ở cõi ý thức bình phàm? Ôi, đôi mắt ấy, có một cái gì như trần lao mà cũng có cái gì như lạc phúc. Nó vừa thiên đường vừa địa ngục. Từ chối nó, xua đuổi nó, nghĩa là từ chối và xua đuổi cả hai lối về? Có đúng chăng? Hựu nghĩ, chàng sẽ không bao giờ chạy thoát, bước ra khỏi, hết thắc mắc và khổ đau nếu chưa tìm thấy một lời giải thuộc thẩm quyền tâm linh này!

Hựu lại vấp té. Lồm cồm bò dậy. Lại chạy. Lý trí chàng vẫn không ngừng làm việc. Ngươi không được quyền nghỉ ngơi lý trí ạ! Phải làm việc. Phải lên đường. Dừng lại là chìm, là đắm. Và mày cũng phải biết bay xuống để cứu vớt cánh chim đen kia, rồi bay lên. Dù một lần nữa rơi xuống, phải bay lên. Đây là sứ mạng mà điểu vương đã giao phó. Điểu vương kia ở đâu? Vùng trời biển rộng ở bên kia phía ánh sáng? Ở đó có đấng Guru ta cỡi cánh đại bàng bay lên mây xanh. Ta đã bay theo nhưng đã rơi xuống biển. Ôi! Thân xác, sao ngươi nặng nề đến như vậy, ngươi phải bị hủy diệt tại xứ ban ngày ánh sáng ấy. Chim trắng ơi, ngươi phải có bổn phận cứu nó, đấy là thiên chức mà Thượng đế đã giao phó cho ngươi. Phải cưu mang nó. Phải cõng nó qua suốt dặm dài sinh tử xuống lên. Rồi đến một lúc nào đó mày cũng phải cõng cái trần gian này nữa, trần gian đau khổ, tương tranh và hệ phược này. Nhưng ở nơi ấy cũng có sự lạc phúc và sự an nghỉ nữa chứ, dù là an nghỉ giai đoạn? Nhưng trong ba ngàn cõi hữu vi có nơi đâu được gọi là an nghỉ vĩnh viễn? Niềm phúc lạc đời đời ở cõi đức Chúa trời, nơi đấng ấy - được khải thị, được hiểu biết, được nuôi dưỡng từ thuở ấu thơ, từ tuổi bình minh kiếm tìm của chàng - phải chăng là ở ngoài cõi diệt sinh hữu hạn? Cái mà ta thường gọi là định mệnh, có thật sự cột trói ta được, chi phối trọn vẹn hiện thể này như là một tất yếu, một định phận tiền căn? Và ai là kẻ ở ngoài định mệnh? Nếu Chrits ở ngoài định mệnh thì ngài đã không bị người Hê-brơ ném đá, không bị bắt tại vườn Ghết-sê-ma-nê, bị quân lính làm nhục rồi đóng đinh ngài trên thập tự giá? Nếu đức Phật ở ngoài định mệnh thì đức Phật đã không bị nàng Cinca (Chinh-cha) vu khống, Devadatta não hại, ăn thịt rừng (hay một loài nấm độc) của chàng Cunda rồi thọ bệnh, không chống được cơn khát phải ba lần năn nỉ ngài Ànanda đi kiếm nước? Nếu Krishna (hóa thân của thần Vichnou) ở ngoài định mệnh thì đã không bị bắn tên mà chết, bị đóng đinh lên thân cây? Hay tất cả những hiện tướng ấy đều mang một ẩn nghĩa huyền nhiệm? Một bài học vô ngôn tối thượng cho chúng sanh? Hay định mệnh và ở ngoài định mệnh theo nghĩa khác? Nghĩa là vẫn an lạc và tự do và tự tại trong định mệnh? Mang thân sinh diệt tại thế hữu hạn khổ đau mà tâm vẫn an trú ở cõi miền bất động hoặc được tắm mát phỉ lạc ở các tầng tịnh quang và tịnh thiên? Hoặc ở trong phiền não mà vẫn bồ-đề du hí và thần thông tam muội? Vậy là những nhân cách siêu việt tuy ở bờ này mà tâm trú bờ kia? Và bờ kia cũng chính là bờ này? Một tiếng gọi đò mà hai bờ đều đến? Cho nên giải thoát, vô hạn, bờ kia chỉ là sự chuyển hướng của một cái nhìn đảo lộn toàn bộ sự vận hành của pháp giới?

Ôi! Chàng than dài, ta không còn biết gì cả. Lưới mây vẫn vây phủ ở đó. Địa ngục có ở đó. Tử sinh nữa. Tinh thần sáng láng ở nơi chàng, nhất là phút giây bị chạy đuổi nhưng tỉnh thức trọn vẹn này, vốn không bao giờ muốn thỏa hiệp với cái có sẵn ngàn đời của thế gian, của đám đông. Chúng ô trược và xuẩn ngốc nữa. Những người như mẹ và cha, Vọng Việt, em gái chàng và thiếu nữ là hiện thân của những sa đọa bi thảm làm sao. Họ ở trong cái ngập ngụa sền sệt đen đúa của vô minh ái dục. Cha chàng chưa bước ra ngoài mọi âu lo rất tục, rất đời, rất người. Là kẻ suốt đời lăng xăng kiếm tìm danh và lợi, bon chen từng thế đứng cách ngồi, nhân danh là một nhà thông thái để rồi quẩn quanh mãi trong cái ù lì trây mốc của vật chất - vốn chẳng thông thái sáng sủa chút nào. Một lớp bụi vẫn đục, đê hạ lợn cợn trong hơi thở và trong máu huyết của cha chàng. Mẹ chàng là cá tính thứ hai, bóng dáng thứ hai của quỷ dữ. Một bên là đại biểu cho một tinh thần sa đọa, một bên là đại biểu cho một vật chất sa đọa - hai hiện tướng thô lậu có mặt đầy tràn trên trần gian. Nó đánh mất nhân tính và đọa làm thú vật. Em gái chàng cũng vậy nữa, thêm một kẻ tình nguyện vào dòng và thả trôi mình theo con sóng lũ. Vọng Việt cũng không ngoài thông lệ. Y nói về Thượng đế, về nhất thể trong lúc y sống với sa-tăng trong thế giới đa thể này. Y không chịu lên đường, chỉ tư duy về việc lên đường, rồi nằm an nghỉ trên chiếc giường thất bảo của ma vương. Còn chàng?

Kẻ chối từ hữu hạn thì đang một mình cô độc với đêm, tuyệt vọng, không chân trời, không phương xứ “Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách, nhật viễn gia hương vạn lý trình? (Thơ Trần Thái Tông - tạm dịch: "Vĩnh viễn làm người khách lênh đênh gió bụi. Quê nhà vạn dặm mỗi ngày mỗi xa.")có phải vậy không, quê hương mỗi ngày mỗi xa? Cựu lý mờ sau bóng biệt ngàn, ngựa phi thiên lý đã quan san, áo hàn cho kín thân gầy guộc, da tuyết bao quanh dáng võ vàng. Có phải vậy không? Rừng phơi tóc mộ phơi từng lớp, biển đắm xương mây đắm mấy hàng. Có phải vậy không? Nhìn mông tám hướng màu tro đọng, cát lấp đồi tây đá trở vàng… Đột nhiên Triết Hựu nằm lăn ra giữa đường rồi cười sằng sặc. Rồi lại ngâm thơ. Rồi chàng lại nghĩ: “Con cáo có hang, chim trời có tổ, song con người không có chỗ mà gối đầu”. Ôi! Đức Kitô dạy thế mà đúng thay! Triết Hựu đã bị trọng thương, chàng biết. Máu đang tuôn ra xối xả từ trái tim trinh nguyên. Cuộc đời này chúng đã vô lễ đối với chàng! Con cái ngài đã phản bội ngài rồi đó, Thượng đế ơi! Trên đồi Gô-gô-tha, Đức KiTô đã chuộc tội cho trần gian, chịu khổ đau và tội lỗi cho con người đó mà chúng có biết đâu? Ngài Krishna vào tù ra khám, khi làm ăn xin, khi làm kẻ tôi tớ cũng cho chúng đó mà chúng có hiểu gì đâu? Hãy chất hằng triệu địa ngục và bóng tối lên trần gian này! Lũ sa-tăng đang ngồi kia, đang vỗ tay nhăn răng cười! Chúng cười hoài, cười nghiêng ngửa cái bất lực của Thượng đế hay đã thắng ngài trong cuộc chạy đua về địa ngục? Lửa đã cháy đỏ tự bên trong, cháy đỏ nghi ngút, rồi chúng sẽ phóng hiện ra bên ngoài để thiêu đốt vũ trụ. Khi ấy, chàng sẽ ở đâu, trong cuộc tận thế ấy để tránh được cơn “đại hồng hỏa” phẫn nộ của Thượng đế? Chàng có được như Noe nhưng không phải là cỡi một chiếc thuyền - mà cỡi con hạc trắng để lênh đênh trên vùng khói bạc. Noe đem theo mỗi thứ mỗi loại mỗi giống để lập lại một thế giới mới, còn chàng thì một mình bay ra cõi ngoài. Noe nhận chịu trần gian và điều hòa lại những quy định, những phạm trù - đến một lúc nào đó sẽ biến thành nhà tù lớn - để cho con cái ngài sinh sát lẫn nhau, nuốt chửng nhau, cười cợt vỗ tay trên những nghĩa địa và những xác chết. Rồi lại là những cuộc xây dựng mới, cải tổ mới, cải thiện mới, từ chối mới, Thượng đế mới. Mới tất cả. “Cùng tắc biến, cực tắc phản”. Mới tức cũ, cũ tức mới. Tới cùng là lui, lui cùng là tới. Sống là chết. Chết là sống. Chết sống. Sống chết…

Triết Hựu gục xuống một lúc, khi tỉnh lại, chàng thấy mình đang ở giữa một cánh đồng hoang, chân thấp chân cao chàng lê đến một trang trại nằm trên một vùng đất cao.

Đèn đã lên. Triết Hựu hiện đến nhà người như một oan hồn lạc loài trong đêm vắng. Mỗi linh hồn rồi cũng lạc loài vô trú xứ như chàng? Đến bên cửa nhà người dù thiếu thốn vật chất hay tinh thần đều là dấu hiệu cưu mang một định mệnh trần ai. Còn trường hợp chàng, định mệnh săn đuổi hay “cái ấy” săn đuổi?

- Chị ơi chị! Ma!

Một người con gái thấy bóng chàng,sợ hãi, bỏ chạy vào phía bên trong.

- Ma nào? Làm gì mà rộn thế?

Ma thật sao? Triết Hựu chợt nhìn lại mình: quần áo xác xơ rách rưới, dơ bẩn, chân tay mặt mày bê bết bùn đất trộn lẫn với máu ở các vết sây sứt - ở đó không tìm thấy một bóng dáng nào là con nhà giàu sang quý phái. Phải rồi. Ta là một bóng ma trên cuộc đời, vất vưởng, vô định, “không một chỗ để gối đầu”.

Ngọn đèn được vặn sáng và có tiếng dép kéo lê về phía cửa. Hai người con gái hiện ra: đẹp não nùng, đẹp như liêu trai!

Triết Hựu cố trấn tỉnh ngửng đầu lên nhìn một lúc rồi cúi đầu nói:

- Phải rồi - giọng chàng chậm rãi, đều đặn và xa xôi - Tôi là một bóng ma đi bên lề cuộc đời, một bóng ma bất thực giữa thế giới mà cái gì cũng tưởng như thực hữu, một bóng ma trần trụi mọi thứ của cải, bạc tiền, áo cơm, sự nghiệp; một bóng ma không còn một mảnh đất, một trú xứ để nương gá, dù bên ngoài hay bên trong…

Hai người con gái đăm đăm nhìn Triết Hựu. Người chị, ý chừng lớn tuổi hơn một tí, nhìn sâu vào mắt chàng, lắng nghe chàng nói với sự im lặng đầy hiểu biết…

- Tôi đang chạy trốn mọi ám ảnh hãi hùng, tôi đang tuyệt đối cô đơn trên đường chạy đua về Thượng đế. Xung quanh tôi không còn ai. Tất cả đều bị bắt giữ lại. Bây giờ tôi đang đói, lại mệt, xin các người cho tôi một bữa ăn mọn, được nghỉ ngơi một lúc rồi hẳn lên đường…

Người em nhìn chị một cách tò mò:

- Y đang thiếu sự an ủi? Y không nhà, không cửa, lại thiếu cả tình thương chăng?

Người chị quay qua em trừng mắt rồi nghiêng người một bên, đưa đèn ra phía trước cho sáng:

- Tiện thiếp không những có nghĩa vụ với Thượng đế là phải phân chia đồng đều cơm bánh trần gian; mà đây còn là một đặc ân, một diễm phúc cho chị em thiếp nữa - xin hân hạnh mời chàng.

Sau đó, thiếu nữ lấy cho Triết Hựu một bộ y phục, chàng tắm rửa rồi đắp thuốc vào những vết thương. Dưới ánh đèn chàng đã trở thành một mỹ nam tử.

- Ai tin lành, kẻ ấy có Thượng đế. Hai nàng tuy là kẻ ở lại nhưng cũng là đang ra đi, đang về với ngài.

Bên mâm cơm, chàng vừa ăn vừa nghe người chị tâm sự:

-Thiếp trước đây cũng có một người chồng, nom hao hao giống chàng vậy. Y là kẻ luôn luôn săn đuổi, kiếm tìm, lên đường. Y không khác chàng lắm đâu. Vòng tay thiếp đã không giữ chàng lại được. Rừng thẳm, tuyết lãnh, non cao đã vĩnh viễn cướp mất của chị em thiếp một người chồng khả kính và khả ái. Chàng cô độc trên đường về với Thượng đế thì nào đã có nghĩa gì, chị em thiếp cô độc giữa cuộc đời, giữa tuổi xuân hoa mộng…

Thiếu nữ đã có chồng, chàng nghĩ. Nỗi buồn đau kia được ẩn kín phía trong đôi mắt xanh sâu dịu dàng, ít ra không có sợi gân đỏ như máu. Chàng lại rùng mình. Phải có một cái gì để quên đi sự ám ảnh cùng để an ủi thiếu phụ - bây giờ gọi là thiếu phụ:

- Đời là bể khổ. Tôi khổ. Anh khổ. Chị khổ. Chúng nó khổ. Tôi vẫn muốn nói một điều gì đó để chia sẻ hoặc cảm thông sâu xa sự cô độc của đời nàng. Nhưng có thừa không? Có đầu môi chót lưỡi không? Cả thế giới đang sụp đổ. Ngôn ngữ cũng đã sụp đổ, đã hết sứ mạng truyền thông tuyệt đối. Tất cả đều đang đi về hủy diệt. Kẻ lên đường là kẻ chiến đấu với hư vô và hủy diệt. Chồng nàng lên đường, bỏ lại đời xuân của nương tử, nếu không là kẻ hát bài ca chiến thắng trên đỉnh đầu tử vong, thì cũng là một chiến sĩ thiên tài với ngạo khí ngút ngụt chín tầng mây. Y là một trong những kẻ cứu vớt sự sa đọa cho thế giới này.

Nương tử ơi! Nương tử phải biết hãnh diện chứ?

Thiếu phụ mở lớn đôi mắt nhìn chàng. Nàng nói là nàng không nghĩ tới những điều ấy, không cần nghĩ đến những điều ấy thì đúng hơn. Nàng là đàn bà, nàng chỉ có trái tim, chỉ có lý lẽ của con tim. Chỉ có điều ấy là thực, là sự sống, còn ngoài ra tất cả không ý nghĩa gì. Thượng đế, tổ quốc, tự do, chân lý đều là cái rỗng không. Con tim nàng đang thổn thức, đang rỉ máu - thì giá trị mà chàng gọi là vĩnh cửu, là đứng trên đỉnh đầu tử vong kia, có hàn gắn được vết thương này không? Trong chân lý của Thượng đế, nơi cõi của đức Chúa trời, chẳng biết người ta có phản bội tình yêu thương không, mà chồng nàng đã phản bội, dù nhân danh cái gì cao cả nhất thì cũng là kẻ phản bội…

Thiếu phụ cầm bàn tay chàng run run đầy xúc động. Nàng kể cho chàng nghe về tuổi xuân của đời nàng - giọng nói xa xăm, buồn diệu vợi - về một gia đình quý tộc sa sút, vỡ nợ, sống ăn xin sự khinh bỉ của mọi người, may nhờ gia đình Thiếu Quang bảo bọc, cứu vớt - Thiếu Quang là tên của chồng nàng. Cảm vì nghĩa, nặng vì tình cha nàng đem giao hai người con gái làm tì nữ hầu hạ để đáp ơn. Nhưng vì vai vế, sự tương kính, việc này biến thành chuyện hứa hôn giữa hai họ. Đám cưới được cử hành tốt đẹp khi thiếp vừa tròn mười tám và em thiếp vừa đủ mười lăm. Ôi! Hai chị em cùng lấy một chồng - nàng nhấn mạnh ở điểm này và trong giọng nói có một cái gì như xót xa, như đau đớn - nhưng chỉ ba tháng sau, chàng nghe theo tiếng gọi của cái gì như là hư vô, như là bất thực - trong cái hư vô, cái bất thực kia có Thượng đế, có đức Chúa trời, có chân phúc không thì thiếp không biết nữa - để lên đường đi theo đoàn du sĩ! Thiếp cũng không đau lòng lắm đâu chàng ơi, vì thiếp còn biết được tuổi xuân hoa bướm là gì, ái ân lạc thú ra sao, nhưng còn em thiếp, mang tiếng là gái có chồng mà chưa hề biết đến hương vị gối chăn…

Thiếu phụ kể xong gục đầu xuống trong đôi cánh tay dấu đôi mắt lệ đỏ.

- Tỷ tỷ, sao tỷ tỷ lại khóc? Sao tỷ tỷ không mời công tử ở lại cho vui? Ở lại chứ đừng đi đâu nữa? Mình cũng có ruộng vườn, gia súc, tôi tớ đủ để sống với nhau một đời an nhàn, hạnh phúc?

Ôi, sự ngây thơ thần thánh, chàng nói thầm. “Nếu con không được biến thành như trẻ thơ thì con chẳng thể vào được nước đức Chúa trời đâu”. Vị thánh vô vi của Trung Hoa kia cũng gọi là “xích tử chi tâm”, có phải là chỉ một trạng thái tâm mà cuộc đời chưa nhiễm độc, chưa vấy lên đấy những kinh nghiệm, kỷ niệm, quá khứ, kiến thức, truyền thông, lễ nghi, giáo điều? Và tâm hồn đang trong sáng như pha lê, trắng tinh như mảnh lụa mới? Thiếu nữ có đau khổ đâu, chỉ có thiếu phụ mới đau khổ. Chỉ có kẻ ăn trái cấm rồi mới đau khổ, mới bị đày ra khỏi miền vĩnh phúc. Thiếu phụ còn mong được phạm tội nữa, nàng đang nuối tiếc bóng tối và tử sinh!

Triết Hựu chợt đứng dậy, cương quyết và dứt khoát, vòng tay xá hai người con gái:

- Tôi được nhị vị công nương cho y phục, cơm nước, thuốc men và chỗ nghỉ. Công đức ấy tôi xin được thành kính dâng lên đấng Cao cả. Một đêm hội ngộ, một khắc tương phùng, tôi xin được kết cỏ ngậm vành bao giờ tìm ra đạo lớn…

Chàng xá mình thật sâu. Thiếu phụ ngước lên nhìn, không nói năng, không ngạc nhiên nhưng đôi mắt là như ẩn chứa cả nỗi buồn thiên cổ.

- Không được đâu công tử ơi, công tử phải ở lại - thiếu nữ chợt chạy đến nắm tay chàng như van lơn - Vì công tử mà tỷ tỷ động đến vết thương lòng mà từ lâu tưởng như đã lành lặn. Vì công tử mà tỷ tỷ phải khóc. Công tử phải ở lại.

Thiếu phụ chợt quay qua nói với chàng:

- Rồi ai cũng phải lên đường cả, không ai có thể ở lại. Thiếp cũng đã lên đường, từ một cuộc đời tuổi xuân đầy nhựa thắm để bây giờ thành người mùa thu cô phụ võ vàng. Rồi thiếp cũng còn phải lên đường nữa để đến cõi miền già nua tuổi xế. Rồi cứ thế lên đường nữa cho đến nấm mồ. Và phải chăng, như vậy là đã được dừng nghỉ, hay lại phải bắt đầu một cuộc ra đi mới? Một cuộc lên đường mới? Sinh rồi diệt? Diệt rồi sinh? Sinh cực vi diệt dã, diệt cực vi sinh dã?

Đêm đã khuya lắm. Thiếu nữ đã đi nghỉ. Và thiếu phụ vẫn còn nói, nói mãi. Hình như những nỗi niềm u uẩn chất chứa bấy lâu, bây giờ có môi trường thuận lợi là chàng - một bóng dáng nào đó của người tình cũ - nên đã đổ đầy lai láng như cơn mưa lớn vào lòng trường giang. Chàng yên lặng lắng nghe với thái độ nghiêm trang, thành kính. Chàng tự nghĩ, nhân duyên nào đưa ta đến đây chỉ để ngồi nghe những chuyện tầm thường như vậy, những chuyện nhi nữ thường tình như vầy? Tâm sự này là tâm sự ngàn đời hay là của một vài hoàn cảnh chủ quan riêng lẻ. Bỏ đi thì sợ thất kính, mà ngồi lại thì càng lúc chàng càng cảm thấy tâm mình đâm ra mềm yếu. Hình như có cái gì đó từ nỗi cô đơn ngút ngụt trong lòng người thiếu phụ truyền lây qua chàng. Ôi! Nàng là một con chim nhỏ mà cuộc đời là một mùa đông lạnh lẽo, nàng là một chiếc thuyền con mà cuộc đời là một đại dương bão tố hãi hùng…

Thiếu phụ đã không còn nói nữa, chàng nghe một hơi thở dài. Ngoài kia có tiếng vạc đi ăn sương. Đây là ngọn đèn dầu lạc nửa mờ nửa tỏ. Kia là kiếp người và canh tàn tháng lụn… Những tiếng xào xạc của lá, tiếng dế nỉ non vọng vào trong tim chàng.

Thiếu phụ đã ngồi đối diện với chàng từ bao giờ.

Chàng cúi xuống để tránh đôi mắt ân tình mời gọi và hơi thở phập phồng của thiếu phụ. Con sư tử trong chàng đang khản giọng gọi không ra hơi. Chàng nuốt nước bọt:

- Hãy cùng lên đường với tôi, hiền tỷ! Hãy cùng tôi mạnh dạn bước ra ngoài thời gian hạn cuộc và những buồn đau thúc phược của kiếp người. Hãy từ chối bóng tối và sinh mà lên đường với tôi, hiền tỷ!

Thiếu phụ lắc đầu:

- Biết bao sa-môn, đạo sĩ đã thất bại, đã thất điên bát đảo trên lộ trình. Đã gục xuống. Đã đứng lên. Rồi lại gục xuống. Những cánh chim non tản loạn giữa bầu trời. Vô ích thôi, công tử. Có kẻ, cuối cùng, lại tìm cái chết thơ mộng hơn, cực lạc hơn là chết trong suối tóc của mỹ nhân, trong vòng tay tình ái.

- Tôi không gục, chàng nói - đồng thời gọi thầm tên sư tử - Tôi đã thắng một lần! Nàng cũng vậy, nàng ơi! Hãy như sư tử chúa và ra đi “xin đừng, xin đừng mọi sự”

Thiếu phụ đã cầm hai bàn tay chàng:

- Thiếp yếu lắm chàng ơi! Thiếp yếu lắm. Trong thiếp bao giờ cũng phục tùng, nô lệ - "Xin vâng, xin vâng đủ mọi sự”. Ngay đêm nay, nếu chàng muốn, thiếp cũng xin … vâng chàng, vì chàng ơi, thiếp cô đơn quá!

Không có tiếng sư tử vọng lại mặc dù chàng đã gọi “sư tử ơi, cứu ta”! Bất thần, một đám mây phủ chụp xuống, cả người chàng chợt như ngộp đầy hương, rồi chàng bị siết chặt lại trong đôi tay mềm mại của thiếu phụ…

… Những hơi thở nóng hổi nồng nàn, những kiếm tìm cuồng bạo, những chiếm hữu dã thú, những đê mê, những chết chóc, địa ngục, những ngất ngây, những lạc thú… Tất cả cái ấy đồng đến với chàng, chúng đến một lúc…!

“Chưa bao giờ chàng thấy bóng tối và tử sinh có giá trị kinh khiếp như vậy.”

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]