Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bậc Ứng Cúng

02/08/201209:57(Xem: 11443)
Bậc Ứng Cúng

ĐOẠN TRỪ LẬU HOẶC

Tác giả: Acharya Buddharakkhita
Dịch giả: Pháp Thông

BẬC ỨNG NG

NHỮNG PHẨM HẠNH CỦA BẬC LẬU TẬN

Phần đính kèm này nhằm giới thiệu những phẩm chất hay đức hạnh của một con người lý tưởng, bậc A-la-hán, bậc xứng đáng được tôn trọng cúng dường (ứng cúng). Bậc A-la-hán hay Ứng cúng là bậc đáng được tôn trọng cúng dường bởi lẽ các Ngài đã vượt qua các lậu hoặc (vô lậu).

Biết được các Bậc Lậu Tận đã ứng xử như thế nào trong đời sống hàng ngày, có lẽ là một trong những kinh nghiệm mang tính giáo dục quý giá nhất đối với một người đi tìm chân lý. Bởi vì, không sớm thì muộn, một ngày nào đó hành giả cũng sẽ trở thành một trong những Bậc Lậu Tận, nên hành giả phải cố gắng sao cho được tốt hơn hay ngang bằng với cách ứng xử của các bậc ấy. Cuộc hành trình vạn dặm nào cũng khởi sự bằng những bước chân đầu tiên. Và cho dù trạng thái tuyệt đỉnh của tâm linh có cao vời đến đâu chăng nữa, do quyết tâm nhắm đến đó, một ngày kia cuộc hành trình ấy tất sẽ phải hoàn tất. Cho dù cách cư xử của ta ban đầu có bất toàn đến thế nào đi nữa, nếu cứ bước theo gót các bậc đại nhân này, tự nó sẽ bảo đảm thành quả cuối cùng.

Trong Dhammapada - Pháp Cú Kinh -chương nói về Bậc A-la-hán là một trong những chương gây ra nhiều cảm hứng. Nó bộc lộ những phẩm chất của vị A-la-hán - Bậc Lậu Tận - trong những từ rõ ràng và giản dị nhất. Vị A-la-hán không có người đồng đẳng trong thế gian này, bởi vì các Ngài đã siêu xuất thế gian, không còn phải chịu sinh tử luân hồi nữa. Bởi vậy, chỉ có vị ấy là mẫu người lý tưởng, là tiêu biểu cho cứu cánh tối thượng và đáng để cho mọi người noi theo.

Những bài kệ sau đây sẽ chứng minh cho điều ấy.

"Hành trình [14] đã đến đích
Sầu muộn thảy tiêu vong
Bậc đoạn tận kiết sử [15]
Đâu còn lo sợ chi.

"Tự sách tấn, chánh niệm,
Không lưu luyến trú xứ
Như ngỗng trời rời ao
Bỏ ao không nuối tiếc.

"Tài sản không tích chứa
Ăn uống như thực tri [16]
Tự tại trong hành xứ
Không [17], vô tướng [18], giải thoát [19]
Như chim giữa hư không
Dấu chân thật khó tìm.

"Ai lậu hoặc đoạn tận,
Ăn uống chẳng đam mê
Tự tại trong hành xứ
Không - vô tướng - giải thoát
Như chim tung trời cao
Tung tích nào đâu thấy".

"Ai các căn tịch tịnh
Như ngựa hay khéo thuần
Dứt trừ mạn, lậu hoặc
Chư thiên cũng phải thân.

"Như đất, không hiềm hận
Như trụ cột vững chắc
Như hồ sâu không bùn
Vị ấy, luân hồi dứt.

"Người tâm ý thanh tịnh,
Lời tịnh, nghiệp cũng tịnh
Chánh tri pháp giải thoát
Như vậy, được an ổn.

"Không tin tưởng mù quáng,
Hiểu rõ pháp vô sanh.
Chặt đứt mọi hệ lụy,
Đoạn tận
mọi cơ hội
Xả bỏ mọi ái dục.
Bậc vô thượng trên đời.

"Làng mạc hay núi rừng
Thung lũng hay đồi cao
Nơi nào La-hán trú
Nơi đó tất an vui.

"Khả ái thay núi rừng
Chổ phàm nhân không thích
Vị ly tham mến ưa
Vì, không tìm dục lạc."

Ba mươi bảy phẩm hạnh đặc biệt của Bậc Lậu Tận (Khīnāsava)đã được kể ra trong mười bài kệ trên, Gatiddhino(hành trình) là phẩm chất thứ nhất.

Đời sống, theo Đạo Phật, là một cuộc hành trình, Addham.Mà hành trình thì có thể là một cuộc lang thang vô định hoặc có thể là một cuộc hành hương chí thượng. Trong một thế giới lưỡng phân, mọi thứ đều được biểu thị bằng tính hai mặt bẩm sinh này. Trí tuệ nằm ở chỗ biết chọn lựa con đường hướng thượng mang tính giáo dục tích cực, mặc dù muôn vàn khó khăn có thể phải trải qua.

Suy cho cùng, bất luận cái gì khó thành tựu mới đáng để thành tựu. Và để trở thành bậc Ứng Cúng trong số các bậc đáng cúng dường tôn trọng ấy, ta chỉ có một sự chọn lựa duy nhất, đó là con đường khó khăn và vì vậy cũng là con đường đáng để thành tựu. Thuận theo con đường của thế gian thì dễ, nhưng tầm thường và không có gì xứng đáng cả. Các bậc Thánh A-la-hán không bao giờ chọn con đường tầm thường ấy, mà chấp nhận trả những giá rất đắt để hoàn tất cuộc hành trình (gatiddhino), vượt qua đại dương luân hồi.

Bậc A-la-hán cũng còn được gọi là bậc Vô Ưu (Visokassa). Là sự hiện thân của tâm xả, các Ngài vượt qua những đối đãi của thế gian thường sinh ra những sầu bi, khổ, ưu, não và những trạng thái đau buồn, thống khổ khác. Ưu sầu chỉ là trắc diện, trong nét phác họa rõ ràng, của một điều kiện tâm lý bị thiêu đốt do sự mất mát hay thất vọng sanh. Nó bắt nguồn từ căn (suc), có nghĩa là đốt cháy hay thiêu đốt.

Khi một người nào đó mất một người thân, hay một vật gì quý giá, hoặc ngược lại, khi họ không thành tựu những ước mong của mình, thì tâm can nóng bừng lên, có thể nói là vậy, và bị thiêu đốt, nỗi đau phát sanh từ đó được biểu hiện bằng sự ưu sầu, khổ não v.v... Bởi lẽ các bậc A-la-hán không tầm cầu điều gì, nên các Ngài cũng chẳng bao giờ mất mát gì. Vì thế cho nên các Ngài là bậc Vô Ưu, bậc Tịnh Lạc.

Bậc A-la-hán được gọi là Vippamutto, hoàn toàn giải thoát, bởi vì các Ngài đã thoát khỏi, không chỉ những hạn chế của nhân giới mà còn cả những hạn chế của thiên giới. Và sự kiện này đã được nêu bật bằng đức tính sabbāganthappahino, bậc đoạn lìa mọi ràng buộc.

Samsāra(luân hồi) được biểu thị bằng đặc tính của cơn sốt dục. Cơn sốt là một lối so sánh gây ấn tượng thực sự. Bậc A-la-hán là bậc đã thành công trong việc chuyển cái nóng có tính tàn hại của cơn sốt dục ấy thành nhiệt tình nóng bỏng của việc thành tựu Siêu Thế mà nhờ đó thực hiện được chiến công kỳ diệu nhất.

Đôi lúc cũng có người sẽ hỏi, khi một Bậc A-la-hán đã thành tựu cứu cánh tối thượng, các Ngài cần nỗ lực thêm nữa để làm gì? Những nỗ lực của Bậc A-la-hán là dấu hiệu của nhiệt tình sẵn có của vị ấy, và chính nỗ lực này các Ngài dùng để làm mẫu mực cho giáo pháp (dhamma). Bậc A-la-hán luôn luôn tích cực, uyyunñjati, "vì hạnh phúc của số đông, vì lợi ích của số đông". Như vậy nỗ lực của vị ấy được đi kèm với lòng bi mẫn và vị tha và vì Ngài là hiện thân của pháp, làm mẫu mực cho giáo pháp, và tích cực trong việc cổ xúy giáo pháp, nên các Ngài luôn luôn chánh niệm.

Nếu cuộc sống thế gian được nêu bật bằng sự khát khao hưởng thụ, thì những chứng đắc Siêu Thế cũng được phân biệt bằng sự an lạc. Tuy nhiên, sự khao khát lạc thú và sở hữu chắc chắn sẽ đưa đến loạn động, trong khi Siêu Thế được biểu thị bằng đặc tính tịnh lạc cố hữu của nó. Nếu như hàng phàm phu, bị câu thúc trong cái thế gian của nó, thích thú trong đó và luyến ái đời sống gia đình của họ v.v..., thì bậc A-la-hán, với sự xuất ly và ly dục hoàn toàn của các Ngài, hoan hỷ trong sự tự do của đời sống không gia đình, trong sự giải thoát khỏi mọi ý niệm thuộc về. Chính vì vậy mới có hình ảnh tương tự, "như thiên nga rời hồ, bỏ lại mọi trú xứ" để nói lên sở hành của các Ngài.

Do đó, cội nguồn hạnh phúc thực sự hiển nhiên không nằm trong sự tích chứa, không ở sự hưởng thụ uống ăn, dục lạc hay bất cứ một điều trần tục nào, mà là ở sự xuất ly. Chính vì vậy mà Đức Phật mới nói rằng dù cho trú xứ có thể là làng mạc xa xôi hẻo lánh hay một nơi thâm sơn cùng cốc, có thể là một thung lũng thâm u hay trên đồi cao heo hút, nhưng nếu có các A-la-hán trú, nơi ấy cũng trở nên thú vị, bởi vì các Ngài không đi tìm những lạc thú trần gian như những kẻ phàm phu, nên cảm thấy hoan hỷ trong đời sống vô dục ở bất kỳ trú xứ nào.

Các Bậc A-la-hán cũng sử dụng mọi nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, như thực phẩm, y phục, nơi trú ngụ..., nhưng khác phàm phu ở chỗ, các Ngài thọ dụng nó với trí tuệ, và do đó được giải thoát khỏi sự ràng buộc của nó. Bởi lẽ không luyến ái, nên các Ngài không tích nghiệp để lót đường cho sanh hữu tương lai. Các Ngài giống như chim trên trời, không để lại tung tích.

Tung tích hay con đường cũng là hình ảnh tượng trưng cho một cảnh giới tái sanh. Sau khi các vị A-la-hán nhập vô dư Niết Bàn (Parinibbāna), tựa như loài chim bay trên trời cao, không thể nào theo dấu được con đường vô tung tích của các Ngài. Vì vậy, mới có thuộc tính gatidurannayā [20], ở đây muốn nói đến chiều kích Siêu Thế của sự giải thoát, hoàn toàn không giống như chiều kích của thế gian. Trong cõi thế mặc dầu đầy rẫy những con đường, nhưng không có con đường nào trong đó có thể đem ra so sánh hay mô tả với Siêu Thế được.

Vị A-la-hán chỉ lui tới những nơi giải thoát - Vimokkha- tức là Tam giải thoát môn: Không, Vô Tướng, Vô Nguyện (xem lại Phần 2.2). Chính nhờ lui tới những nơi giải thoát ấy mà tâm của một vị A-la-hán đã chuyển thành cái được gọi là Như Thị (Tādī), trú trong "Như Thị", tức là, trú trong chân lý, dẫn đến trạng thái Lậu Tận ànàsava.

Bởi lẽ Bậc Như Thị đã hoàn toàn an tịnh và định tĩnh, các Ngài giống như đất, không giận hờn cũng chẳng hân hoan. Các Ngài không dễ dàng lay động như cột trụ trong đền thờ (Indakhīla),và thanh tịnh tuyệt đối như hồ nước sâu thẳm không bùn nhơ. Những ảnh dụ này thực vô cùng thích hợp cho người không còn sanh tử luân hồi nữa vậy.

Đức tính định tĩnh và an tịnh của bậc A-la-hán làm cho vị ấy trở nên thân ái ngay cả với các hàng chư thiên, như một tấm gương hoàn thiện của sự thu thúc. Với ý nghĩ, lời nói, và hành nghiệp đã an tịnh, lại thêm các căn khéo được nhiếp phục của mình, bậc A-la-hán có thể ví như con ngựa quý đã được người đánh xe thiện xảo thuần hóa và huấn luyện một cách hoàn hảo. Tuy nhiên, sự tự chủ của bậc A-la-hán chỉ là sự phản ánh của tình trạng đã thoát khỏi kiêu mạn, lậu hoặc và những gì tương tự như vậy của các Ngài. Bởi thế, vị A-la-hán mới được gọi là bậc Chánh Trí Giải Thoát - Sammadañña Vimutto.

Vị A-la-hán cũng không thể đem so sánh với bất kỳ một người nào hay một vật nào trong tam giới, dù cho họ có cao quý đến đâu chăng nữa. Chư thiên trong cõi trời chắc chắn là đáng tôn quý, theo nghĩa rằng họ hưởng được những quyền lực và phúc lạc lớn hơn. Nhìn từ góc độ con người, nhiều vị trong họ đúng là toàn năng thật. Và so với thọ mạng trăm năm của cõi người thì tuổi thọ hàng trăm, hàng ngàn kiếp, chứ không chỉ năm, của họ chắc chắn sẽ trở thành vĩnh hằng. Nhưng chư thiên, dù viết hoa (ám chỉ thượng đế chí tôn) hay viết thường (chư thiên nói chung), cũng chưa thoát khỏi tam giới và phải chịu sự chi phối của quy luật nhân quả, nghiệp báo, do đó vẫn còn phải tái sanh. Bởi lẽ các bậc A-la-hán đã siêu việt mọi pháp thế gian, đã bẻ gãy vòng luẩn quẩn của tử - sanh luân hồi, và đã tìm được lối vào Siêu Thế, các Ngài thực sự ưu việt hơn cả các hàng chư thiên. Bậc A-la-hán có thể hoặc là một người hoặc là một vị chư thiên. Thực vậy, có vô số chư thiên đã đạt đến trạng thái hoàn thiện tối cao này (A-la-hán quả), và do đó sự bảo hộ của các Ngài luôn luôn sẵn dành cho tất cả những ai đang hộ trì Tam Bảo: Phật Bảo - Pháp Bảo - Tăng Bảo.

Trong chương nói về các vị A-la-hán này, bài kệ 97 được xem là khơi dậy sự tò mò nhất bởi vì chủ tâm dụng từ mang nghĩa đôi ở đó, tức là trong bài kệ này mỗi từ được dùng theo hai nghĩa, một nghĩa có vẻ hơi khiếm nhã và nghĩa kia lại vô cùng cao thượng. Những từ hóc búa đó là - asaddha, nghĩa đen là bất tín. Nhưng trong trường hợp của một vị A-la-hán thì nó lại có nghĩa là không tin tưởng mù quáng, bởi vì Bậc A-la-hán có một niềm tin bất động nơi những gì vị ấy trực tiếp kinh nghiệm, ở đây muốn nói đến các đạo quả tuệ Siêu Thế và Niết Bàn. Và chính sự tuệ tri này mà vị ấy đương nhiên thoát khỏi niềm tin mù quáng.

Kế đến là từ Akataññumà nghĩa đen là người không biết hay nhìn nhận một thiện sự; tức là một người vong ân hay bội ân. Tuy nhiên trong bài kệ này (Akataññu ) lại mang nghĩa là người thông hiểu Pháp Vô Sanh (Akataññu= vô + sanh + người thông hiểu). Ý muốn nói ở đây là bậc A-la-hán đã đạt đến tột đỉnh tâm linh, đã chứng đắc Niết Bàn, pháp vô sanh. Sở dĩ Niết Bàn được gọi là vô sanh bởi vì đã vượt ra ngoài vòng lẩn quẩn của nghiệp báo và tái sanh. Samsāra(luân hồi), một từ đồng nghĩa của vòng luẩn quẩn này biểu thị một sự tái tạo liên tục được coi là không bao giờ dứt và vô nghĩa.

Thế gian này được biểu thị bằng sự sáng tạo bất tận dựa trên các quy luật của thế gian như quy luật vật lý, sinh học, đạo đức (nghiệp) và tâm. Ngược lại, Siêu Thế là sự đối lập của hệ lụy và loạn động bẩm sinh trong sự sáng tạo, đặc tính thuần túy của siêu thế là an lạc và tịch tịnh. Nếu như cuộc sống và thế gian được tạo ra bởi Nghiệp (kamma), thì Niết Bàn vượt qua mọi hoạt động có chủ ý và sáng tạo ấy. Do đó, khác với luân hồi, Niết Bàn vô thỉ vô chung, không do bất kỳ một quyền lực hay tác nhân nào tạo ra, và Niết Bàn cũng không có một sự hỗ trợ căn bản nào như một đấng thượng đế v.v... Niết Bàn hoàn toàn không tạo tác (vô vi).

Trong một đoạn tán dương tìm thấy ở Udana (Cảm hứng ngữ, Tiểu Bộ), Đức Phật rõ ràng đã trình bày rằng nếu một chiều kích vô vi và vô sanh như vậy không hiện hữu, thì sự giải thoát khỏi thế gian chắc chắn sẽ không thể xảy ra. Bởi lẽ có cái vô sanh, và có Bậc liễu ngộ vô sanh, nên sự giải thoát khỏi hệ lụy thế gian là điều có thực.

Sandhicchedo, nghĩa đen, người đã phá dỡ nhà. Trong bài kệ này Sandhicchedocó nghĩa là người đã chặt đứt mọi ràng buộc, tức là người đã phá tan căn nhà do tham ái thiết kế và do nghiệp xây dựng. Lối nói khó hiểu này làm nổi bật những yếu tố, nhờ đó mà bánh xe sanh hữu tiếp tục chuyển động không ngừng, như đã được Đức Phật trình bày trong bài Pháp Duyên Khởi (Paticca Samuppada) của Ngài.

Hatāvakāso, nghĩa đen, người bỏ lỡ mọi cơ hội hay những dịp may có thể được lợi v.v... Trong bài kệ này Hatāvakāsocó nghĩa là người đã diệt trừ mọi cơ hội tác nghiệp thiện, ác và như vậy cũng đoạn diệt luôn cái vòng luẩn quẩn của nghiệp và tái sanh. Bởi lẽ các Bậc A-la-hán không tạo cơ hội cho sự kéo dài mãi của hệ lụy, nên các Ngài được gọi là người hủy diệt mọi cơ hội. Sau khi đã tẩy trừ mọi tham ái bằng đạo tuệ Siêu Thế cao nhất (A-la-hán đạo), và nhờ đó trở thành một Bậc không tin tưởng mù quáng, Bậc thông hiểu vô sanh, Bậc phá hủy ngôi nhà gọi là luân hồi, và Bậc đã giết chết mọi cơ hội; vị ấy xứng đáng là Bậc tối thượng nhân (Uttamapuriso), Bậc vô dục (Vitaraga), tức là người không còn đi tìm bất cứ cái gì để làm thỏa mãn các giác quan.

Đức Phật đã nói lên bài kệ khó hiểu này để giải thích một vấn đề rất dễ gây tranh cãi, mà trong đó trưởng tử của Ngài, Tôn giả Xá Lợi Phất bị xuyên tạc. Tương truyền rằng khi Đức Phật đang trú tại Kỳ Viên Tịnh Xá (Jetavanavihāra), ba mươi vị Tỳ khưu nọ sống trong rừng nhiệt tình hành các pháp khổ hạnh, trở về viếng Bậc Đạo Sư, sau mùa an cư, để đảnh lễ Ngài. Với Phật nhãn, Thế Tôn biết họ có tiềm năng chứng đắc A-la-hán quả và các thắng trí (thần thông).

Ngài muốn nhấn mạnh đến sự cần thiết phải làm cho ngũ căn (tinh thần) là tín (saddhā), tấn (viriya), niệm (sati), định (samādhi)và tuệ (paññā)thuần thục, dẫn đến sự đoạn trừ các lậu hoặc, và từ đó chứng đắc trạng thái bất tử của Niết Bàn. Ba mươi vị Tỳ khưu hành khổ hạnh ở rừng này căn cơ đã chín mùi, các vị đã tu tập thuần thục ngũ căn, và tất cả cái mà họ cần lúc này chỉ là sự khích lệ tinh thần dưới hình thức một bài pháp từ chính miệng Đức Thế Tôn.

Đức Phật, với một sự lượng định chín chắn, đặt một câu hỏi cho Tôn giả Xá Lợi Phất, lúc ấy cũng đang ngồi trong hội chúng. Đức Phật hỏi: "Này Sāriputta(Xá Lợi Phất), ông có tin rằng tín căn, khi được khéo tu tập và thực hành thuần thục, sẽ đem đến bất tử, đồng quy vào bất tử không?"

Tôn giả Xá Lợi Phất trả lời: "Bạch Đức Thế Tôn, con không xét vấn đề này bằng niềm tin vào sự trình bày của Đức Thế Tôn, nghĩa là: tín căn khi được khéo tu tập và thực hành thường xuyên sẽ đưa đến bất tử, đồng quy vào bất tử (Niết Bàn). Mà, bạch Đức Thế Tôn, chỉ có những ai chưa liễu tri, chưa tỏ ngộ, chưa thông hiểu, chưa chứng đắc và chưa kinh nghiệm bằng tuệ giác pháp bất tử này, chắc chắn sẽ là hợp lý cho họ để hiểu bằng cách tin vào lời người khác nói rằng tín căn, khi được khéo tu tập và thực hành thường xuyên sẽ đưa đến bất tử, sẽ đồng quy vào bất tử." Đối với bốn căn còn lại Đức Phật cũng nêu câu hỏi như vậy và Tôn giả Xá Lợi Phất cũng khẳng định theo cách trên.

Lúc bấy giờ, một số Tỳ khưu, do không hiểu ngụ ý của cuộc đối thoại này đã biến nó thành vấn đề tranh cãi. Một số trong họ, phát xuất từ lòng ganh tỵ với Tôn giả Xá Lợi Phất, người đã được Bậc Đạo Sư dành cho một vị trí nổi bật trong Giáo Pháp và còn được rất đông đệ tử, cả tăng lẫn tục hết sức kính trọng. Họ đi khắp nơi rêu rao rằng: "Này mọi người, Trưởng lão Xá Lợi Phất vẫn chưa từ bỏ tà kiến cũ của ông ấy. Ngay đến hôm nay mà ông ta cũng không tin nơi Đấng Chánh Đẳng Giác."

Khi Bậc Đạo Sư biết được những lời buộc tội vu khống này, Ngài hỏi họ, "Này các Tỳ khưu, tại sao các người lại đi nói như vậy? Lẽ ra, những gì Ta muốn nói khi hỏi Xá Lợi Phất cần phải được hiểu như vầy: 'Này, Xá Lợi Phất ông có tin rằng không tu tập ngũ căn, không thực hành định tuệ, có thể có người nào đã từng chứng đắc đạo - quả Siêu Thế chưa?' Những gì Xá Lợi Phất trả lời là: 'Bạch Đức Thế Tôn, con không tin rằng đã từng có một người nào có thể chứng đắc được bằng cách ấy.' Như vậy rõ ràng là vị ấy không tin rằng khi một người chưa hoàn tất những điều kiện tiên quyết, như thực hành bố thí và các nghiệp công đức khác, lại có được một kết quả như vậy. Điều đó không có nghĩa là vị ấy không tin nơi những ân đức của Bậc Giác Ngộ và các vị Thánh Đệ Tử của Bậc Giác Ngộ ấy. Tất cả những gì Xá Lợi Phất muốn nói là vị ấy không đơn thuần tin vào lời của người khác chỉ vì sự cả tin của mình. Song đối với vị ấy, những gì ta trình bày là một sự thực bất di bất dịch, do sự kiện rằng chính tự thân vị ấy, bằng trực giác tuệ của mình, đã thể nhập pháp ấy, đã tự mình đạt đến những chứng nghiệm siêu nhiên khác, như các thiền định và đạo quả Siêu Thế đưa đến Niết Bàn. Do đó, vị ấy không thể bị chỉ trích."

Rồi Đức Thế Tôn phân tích thêm và ráp các sự kiện lại với nhau. Sau đó Ngài thuyết pháp, và công bố bài kệ này để kết luận.

"Không tin tưởng mù quáng,
Thông hiểu pháp vô sanh.
Chặt đứt mọi hệ lụy,
Đoạn tận mọi cơ hội
Xả bỏ mọi ái dục
Bậc vô thượng trên đời."


[1] Trong bản tiếng Anh chỉ nói: Dục lậu khởi lên trong 8 tâm căn tham (the canker of desire for sense pleasures arises in the eight states of consciousness rooted in (lit. accompanied by) greed).Các đoạn khác cũng cần hiểu như vậy.

[2] Các tâm ly tà thường hợp với ngã mạn (māna)

[3] no-āsavā dhamma:các pháp phi lậu

[4] Sāsava dhamma:ở đây phải hiểu là pháp bị lậu biết; cảnh lậu (Dhamma sangani).

- Trong bản tiếng Anh thì dịch là: "the factors that are subject to (influence of) cankers." (các pháp phải chịu ảnh hưởng của lậu hoặc).

- Tự điển Hán-Pāli, sāsavadịch là hữu lậu (có cảnh lậu) khác với bhavāsavacũng là hữu lậu nhưng với nghĩa là sanh hữu.

[5] Anāsavā dhammā:các pháp không bị lậu biết.

- Trong bản tiếng Anh chú thích:..."the factors that are not subject to (the influence of, being beyond the range of) cankers": các pháp không phải chịu (ảnh hưởng của, hay vượt qua tầm ảnh hưởng của) các lậu hoặc.

- Từ điển Hán-Pāli dịch Anasāva là vô lậu.

[6] Āsavasampayuttā dhammā:các pháp tương ưng lậu.

[7] Āsavavippayutta dhammā:các pháp bất tương ưng lậu.

[8] Āsavā ceva sāsava ca dhamma: pháp lậu và cảnh lậu.

[9] Āsavā ceva ca āsava dhamma: các pháp cảnh lậu mà phi lậu.

[10] Āsavā ceva āsavasampayuttā ca dhamma: các pháp lậu và tương ưng lậu.

[11] Āsavasampayuttā ceva no ca āsavā dhamma: pháp tương ưng lậu mà phi lậu

[12] Āsavavippayuttā sāsavā dhamma: pháp bất tương ưng lậu và cảnh lậu

[13] Āsavavippayuttā anāsavā dhamma: pháp bất tương ưng lậu mà phi cảnh lậu.

[14] Hành trình ở đây có nghĩa là vòng sanh tử luân hồi.

[15] Kiết sử (sabbaganthappahīnassa)ở đây muốn nói đến tham, sân và tà kiến.

[16] Như thực tri (pariññātabhojana: chánh niệm thực) theo chú giải có ba pariññā(biến tri) mà một vị tỳ khưu khi thọ dụng vật thực cần quan tâm là: (1) ñāta-pariññā: biết đích xác tính chất của vật thực thọ dụng. (2) Tīrana- pariññā: tin chắc về sự đáng nhờm gớm của vật thực ấy. (3) Pahāna-pariññā: đoạn trừ tâm tham đắm trong khi ăn.

[17] Không (sunnata): theo chú giải có nghĩa là không còn tham ái, một tên gọi của Niết Bàn.

[18] Vô tướng (animittam): không còn tướng tham, sân, si, cũng là một tên gọi của Niết Bàn.

[19] Giải thoát (vimokkho): giải thoát khỏi sanh hữu; Niết Bàn.

[20] Gatidurannavā (gati tesam durannaya): không thể dõi biết được sanh thú của các Ngài, bởi vì Bậc A-la-hán đã đoạn trừ tham ái và không còn phải chịu tái sanh luân hồi nữa

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]