Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

04. Hoa Thiên Hương

01/11/201204:11(Xem: 8681)
04. Hoa Thiên Hương
NGƯỜI TRỒNG HOA VÀ CHÀNG TU SĨ
Tác giả: Minh Đức Triều Tâm Ảnh

Hoa Thiên Hương




Có người nói rằng, Mư-jô-chư là một nghệ sĩ đã khai sinh nghệ thuật cắm hoa ở Nhật Bản. Có người lại quả quyết rằng, không, ngài là một vị thiền sư, chẳng phải ngài cắm hoa, mà ngài đem sự bất tử đặt giữa lòng tạo vật. Ở đây, ta sẽ cảm nhận cái khoảnh khắc sinh diệt chính là vẻ đẹp chân thường và hằng cửu, không có vẻ đẹp nào khác như ý niệm con người đã từng phác tưởng. Nhưng dẫu thiền sư hay nghệ sĩ, Mư-jô-chư đã tồn tại, vừa rực rỡ, vừa khiêm tốn như cụm hoa “Thiên Hương” - một loài hoa dại sống ở góc rừng, xó núi, trung thành với không thời gian mà nó ngụ cư. Trọn vẹn, chính là sự hiến dâng âm thầm và cao cả vậy.

Có lẽ ta không cần phải xác định ngài là thiền sư hay nghệ sĩ, vì dẫu sao, danh từ không thật nghĩa bằng chính con người. Vả chăng, Mư-jô-chư sinh ra và lớn lên như một con người bình thường, cũng có tình yêu - một tình yêu nhỏ bé nhưng thanh khiết. Ngài từ bỏ đời sống tại gia như chưa hề có ý niệm từ bỏ, chẳng có bước chuyển tiếp nào. Và đột nhiên, ngài như là một nghệ sĩ, như là một thiền sư - bằng cốt cách, phong thái, cả đời sống cũng như cái mà ngài biểu hiện.

Về già, ngài sống trong một sơn động bên chân ngọn Phú Sĩ, nhu cầu thanh bạch và khiêm tốn của một cánh chim trời. Đi đứng tới lui, ăn nói giản dị như một người dân cày. Khi màu hoa anh đào phô ánh huy hoàng, tươi nõn, người ta thấy ngài bước những bước nhẹ nhõm để nhàn du đây đó; khi thì trên con lộ vắng, tịch mịch tiếng chim ca; khi trên chiếc thuyền nan lãng đãng như cụm lục bình trên sông nước; khi lững thững trên lối về sơn đạo xanh mướt cỏ và rải rác những khóm hoa Thiên Hương. Khi màu hoa anh đào tàn tạ, cánh héo úa và sắc màu ảm đạm như loang nhạt màu máu tía - lục ám hồng hi xuân khứ dã - người ta thấy bóng dáng ngài ngồi lặng lẽ ở đâu đó, trước cửa sơn động, trên tấm thạch bàn hay dưới một cội thông già. Người ta thấy ngài không có bạn, không đệ tử, không có “nhàn đàm thiên ban sự”, không có trịnh trọng hai tay nâng bát trà - theo nghi thức trà đạo - trong một trà thất ấm cúng được trải ra trong một không gian nhỏ hẹp, thanh bình. Ngài ngồi ở đâu đó, chẳng phải thiền tư, chẳng phải thiền tưởng, chẳng phải thiền tọa, chẳng phải để tâm chìm ngập trong cõi mơ hồ sắc sắc không không, chẳng phải trì chú, niệm kinh, lần chuỗi...

Ngài tới lui đây đó để làm gì? Không ai hiểu. Ngài ngồi như vậy để làm gì? Không ai hiểu. Nếu bảo ngài là một nghệ sĩ - thì đúng là một nghệ sĩ cô liêu, xa hút và sâu thẳm nhất - mà nghệ phẩm chính là bóng dáng của mình giữa lòng tạo vật, trong mỗi khoảnh khắc đến và đi, vào ra như hơi thở. Nếu bảo ngài là một vị thiền sư - thì đây đúng là một thiền sư “vô học, vô tu, vô công, vô hạnh, vô chứng” vậy!

Khi từ giã cõi đời, ngài tự cắm cho mình một bình hoa Thiên Hương, hai tay nắm hai nắm đất, mỉm cười ung dung trong thế bán già. Có chăng, ngài đang nhìn bình hoa như nhìn vào cõi bất tử nào?

Mư-jô-chư tịch vào hậu bán thế kỷ XVII, có lưu lại trong sơn động một cuốn tự truyện viết theo lối cổ văn. Thời gian sau, một nhà sư vô danh tìm đến, hỏa táng thi hài của ngài rồi bỏ đãy ta bà mang đi mất...

Đây là một phần của cuốn tự truyện, dường như không liên hệ gì đến giai đoạn học đạo của ngài mà thiền sử đã lược bỏ. Tuy thế, nó quan trọng xiết bao - nếu không muốn nói là quan trong nhất - cái bước chuyển sinh không gián cách của nó, từ “tục” đến “thanh”, từ bờ này qua bến nọ. Ở đây là con người bình thường giữa cuộc đời, và đạo là cái gì tự nhiên giữa lòng nhiên giới; dường như không hề giải quyết “cái tôi”, mà một sớm mai kia, “cái tôi” hốt nhiên là “nó” - cùng với tạo vật, sinh tồn, cái đẹp và sự bất tử.

Nếu một người sống chân thật, lặng lẽ, cô đơn, không làm hại ai, biết chiêm ngưỡng cái đẹp - là một thiền sư - thì Mư-jô-chư đúng là một vị thiền sư, biểu hiện bằng cả cuộc đời của mình vậy. “Tôi là một thanh niên sinh ra và lớn lên trong một ngôi làng nhỏ bé, khiêm tốn nép mình bên chân ngọn núi Phú Sĩ. Cha tôi là một quan chức của triều đình, vì một bất đồng nào đấy về chính kiến nên bị hồi hưu. Người là một “kẻ sĩ” với vốn liếng học vấn và kiến thức vừa đủ để tạo cho mình một nếp sống trung lưu. Nhưng Người không chịu thế. Bản ngã và trí khôn của Người lại thúc hối Người chạy theo danh vọng và địa vị; muốn biến đổi cuộc sống tẻ nhạt, tầm thường, vô danh của dòng họ, tổ tiên thành những danh gia vọng tộc. Đến lứa tuổi năm mươi, Người mới hiểu rằng, đấy là một nỗ lực bất khả và vô vọng. Người đã chẳng cưỡng được cái “tất định” của nghiệp, cái phận số đã an bài - mà lại bị lún sâu thêm dưới đống bùn quan hoạn ấy. Cuối đời, Người dường như mất trí vì bất đắc chí. Gia sản chắt chiu, dành dụm được, Người đem ra phá tán hết. Rốt cuộc trắng tay lại hoàn tay trắng, cộng thêm với những vết thương không bao giờ lành. Đấy là tai tiếng để lại cho gia đình. Đấy là một phần hồn thanh cao bị nhơ nhuốc.

Tôi sinh ra lúc gia đình đã sa sút nhiều. Mẹ tôi vì bận rộn công việc đồng áng nên suốt ngày tôi làm bạn với đất cát cỏ cây. Tôi đen, khỏe và không hề bệnh tật. Tôi có được học hành, cũng có đọc sách và ham mê văn chương thi phú ít nhiều. Tuy thế, không có duyên phần với khoa cử, tôi cũng bình an được với cuộc sống ruộng vườn, đồng áng. Tôi không có cái “mã” thư sinh, mà dáng người lại cục mịch quê mùa. Thế nhưng, để biếm nhẽ, người trong làng gọi tôi là “công tử, con quan hồi hưu!”. Mẹ tôi đối với tôi bằng tình thương vừa phải nhưng nghiêm khắc, Người đúng là nghiêm phụ hơn là hiền mẫu. Mẹ tôi mất, việc chạy chữa thuốc thang phải bán đi tất cả ruộng vườn còn lại.

Năm đó, tôi vừa chẵn hai mươi. Gia sản còn lại là ngôi nhà dột nát - trước đây cho gia nhân ở - cùng mảnh đất nhỏ và con trâu cày. Tôi đi cày thuê để tự nuôi sống.

Cuộc đời thầm lặng trôi qua, chẳng vui, chẳng buồn. Mọi người vẫn nhìn tôi qua bóng dáng của cha tôi nên họ không ưa tôi. Điều đó cũng dễ hiểu là vì cha tôi đã tách lìa thôn ấp quá lâu, muốn bước tới những chốn sang cả của kinh đô và cung đình. Lại nữa, bằng cấp, trí thức và sự thông đạt đôi khi là lá chắn ngăn cách với đám quần chúng ngu dốt và nghèo hèn. Ít giao tiếp được hiểu là ngạo mạn, kiêu căng. Ít thân cận được hiểu là khinh khi, vô lễ. Vươn lên cao hơn đồng nghĩa với phản bội. Thế nên, dẫu tôi có hòa đồng, thật sự sống đời bình dị của người dân cày, cũng vẫn bị lầm oan, nghi ngờ, ghét bỏ. Cá tính tôi cũng lặng lờ, phớt tỉnh nên lại càng bị hiểu lầm hơn. Tôi đối với ai cũng vậy, không biết cách chào hỏi sao cho người ta vui, không biết nói gì để phân ưu khi người ta gặp chuyện buồn.

Tôi làm việc, sống, vô tình, chẳng có mối bận tâm nào khác. Như một cái cây, rễ đâm sâu vào lòng đất - thế là phải hít thở, phải trải qua nắng mưa, mùa xuân, mùa đông, sương tuyết, ánh trăng dịu dàng, những làn gió thu mát lạnh và cả những cơn bão dông quá quắt... Tôi không biết giận ai, chưa nghĩ rằng mình sẽ thương ai. Cũng chẳng biết gì ngoài nhu cầu ăn ở - vốn đã quá dễ dàng đối với tôi. Đi cày thuê với con trâu, thế là tôi dư tiền. Nghĩ là mình có thể sửa lại căn nhà dột nát, may thêm một chiếc áo để thay cái đã rách nên tôi cũng biết dành dụm. Tôi cũng có giúp đỡ những người khốn khổ hơn tôi chút ít gì đó, bằng công hay bằng của, nhưng đều không đáng kể. Họ thiếu, tôi thừa, thế là nên san sẻ. Nó là chuyện tự nhiên như “nước chảy xuống chỗ thấp”, như “bớt chỗ dư, bù chỗ thiếu” vậy thôi.

Cuộc đời của tôi tưởng như êm ả thế, nhưng mà không! “Thiêng liêng” dường như luôn tìm cơ hội để thò chân quậy sóng, rồi nó xô đẩy con người vào chốn xa khơi hút mắt nào đó mà chẳng ai lường trước được.

“Ngươi phải ra đi, ấy là nghiệp định!

Sự sống chết của ngươi - Bất tử có cần chi!

Chìm nổi, khổ vui - nào có ra gì!

Vùng đứng dậy - trong ánh mắt long lanh

triêu dương thần nữ!”

Mùa xuân năm ấy, tôi đi cày thuê cho một gia đình cự phú ở ngôi làng kế cận. Tôi ở thôn Đoài, nhà kia ở thôn Đông. Hai làng cách nhau một hòn núi và một thung lũng. Khi được người gọi, tôi nhận lời ngay mà quên bẵng đi là trước đây, cha tôi và chủ gia đình đó có mối bất hòa. Tôi không rõ nguyên nhân ra sao, nhưng có lẽ họ ở chung triều, do cạnh tranh đất đứng, chỗ ngồi mà ra.

Đây là lần đầu tiên tôi đi ra khỏi ranh giới làng. Với trâu và cày, tôi bước đi trong sương sớm. Hai bên đường, bắp đậu đã lên xanh, và ngút ngàn trước tầm mắt là cánh đồng lúa nõn đang thời con gái. Đây là vụ cày muộn nhất mà tôi nhận cày rồi sau đó nghỉ ngơi chút đỉnh, có thể đọc sách, làm thơ, chăm chút mấy khóm hoa hoặc nghiên cứu triết đạo học. Những khoảng thời gian trọn vẹn cho mình thật vô cùng thú vị. Ân sủng cuộc đời có gì hơn - khi cơm áo đủ dùng, có mái che mưa nắng trên đầu và niềm an lạc tịnh mịch với cổ nhân, cổ thư, thánh hiền?

Đến eo núi thì nắng sớm đã lên. Vị thần triêu dương xòe những tia nắng vàng rực rỡ xuyên chiếu ngàn cây nội cỏ. Và ô kìa! Trong tầm mắt tôi, chạy suốt theo cả triền thung lũng là một rừng hoa Thiên Hương nở rộ. Hoa long lanh nhiều sắc màu, lấp lánh sương mai như ngàn ngàn, trùng trùng viên bảo châu li ti reo ca nhảy múa.

“Đẹp quá!” Tự nhiên tôi thốt lên và lặng người đi giây lâu. Ôi! Thật là một cảnh sắc huy hoàng, suốt đời tôi chưa từng thấy. Thế giới đổi khác. Tôi lặng lẽ ngồi xuống. Bỏ trâu, bỏ cày, tôi ôm gối, mở lớn mắt chiêm ngưỡng cái kỳ diệu của thiên nhiên trời đất. Giây phút này không bao giờ tìm lại được. Nó mong manh hơn cả những tia nắng, hơn cả hạt sương; nhưng đồng thời, nó chân phúc, vĩnh cửu hơn cả những gì người ta hằng ý niệm. Những cái thoáng đến, thoáng đi trong đời mà người ta thường cưu mang, ấp ủ như uớc mơ, danh vọng, sự nghiệp... cho chí nước mắt, niềm vui, hận thù, gian dối... trong giây phút này đây, không còn nữa. Chỉ còn lòng mình trải ra với mênh mông, vô tận, cái đẹp, cái sáng, cái chân phúc... Có gì cuồn cuộn trong cổ tôi, nó muốn trào ra, nó căng lồng ngực làm hơi thở tôi dồn dập, máu huyết như muốn vọt ra. Thế là đột nhiên tôi cất tiếng hát:

“- Ôi! Rừng hoa Thiên Hương ơi!

Ngươi nở ra từ trái tim của đất

Đất nuôi sống ngươi, lặng lẽ, âm thầm

ngươi cựa mình, nứt ra từ vĩnh cửu

Ngươi cho ta sự vô tận

Sự huy hoàng từ phù du của niềm đau nỗi chết

Ta hát lên

Ca tụng ngươi!

Rừng hoa Thiên Hương ơi!

Cái đẹp của ngươi và trái tim ta,

Đồng nhịp thở!

Ta hôn lên linh hồn của ngươi

Để nghe sự ngây ngất và an lạc

Làm run run kiếp sống tất tả nặng nề

Ta có ngươi là bạn

Như cỏ, như cây, như chân thật, như đá cuội

Trên đồi hoang vu và rác rưởi!

Đôi mắt ngươi long lanh

Như thì thầm, như nhắn gởi

Trong cuộc hành trình vô định

Thoáng giây là vuột mất

Tao ngộ một lần,

Ôi! Muôn trùng cách xa!...”

Và rồi tôi quỳ xuống lạy trời, hôn đất, rồi khóc nức nở. Ôi! Hạnh phúc, hoan lạc xiết bao!

Có ngờ đâu, tình cảm của tôi lại dạt dào đến thế. Từ lâu, sự dửng dưng lạnh lùng đã tạo cho tôi một cá tính trầm mặc, cỗi cằn và xa cách. Tôi đã dường như gỗ đá trước những niềm đau, nỗi khổ, sự thất vọng hay lo lắng của người đời. Bản tính này đẩy tôi tới góc trời cô lập nên chẳng thể hòa đồng được với thôn xóm, mặc dù tôi chưa hề khởi lên ý niệm phân biệt. Vả chăng, tôi cũng là người lao động như họ. Tôi yêu mến tri thức cũng như yêu mến lao động. Vẻ sáng, vẻ đẹp của tri thức và lao động, chỉ hiện hữu nơi một tâm hồn đẹp, một trạng thái tinh thần đã được thăng hoa. Vậy thì lao động hay tri thức chỉ là công cụ phô diễn, là hai phụ tá khuông phò cho cái chí chân, chí mỹ và chí thiện. Thiếu vẻ sáng, vẻ đẹp của tâm hồn thì lao động hay tri thức chỉ dẫn đưa con người đến hố thẳm, địa ngục thảm họa của trục vật nô lệ!

Bây giờ thì tôi hiểu. Từ lâu, tâm hồn tôi chỉ ngủ quên! “Thất tình” ngủ quên khá lâu trong vô thức chợt ào ào bước ra, dẫu không xô động, ồn ào, nổi loạn - chúng có vẻ lễ độ, khiêm tốn và nhỏ nhoi - nhưng tôi dễ dàng thấy rõ mặt chúng. Chúng đã đến, tôi tiên liệu sự đau khổ đã đến. Nghiệp định lưu đày đã cho sứ giả báo triệu. Chúng có thể là trái cây độc, tri thức, con rắn cám dỗ đã thè lưỡi ra từ vùng câm nín, tối tăm, đen nghịt ngàn đời...

Tôi thở ra và đứng dậy. Mặt trời đã lên cao. Sương đã khô trên hoa lá. Tôi đưa mắt nhìn quanh. Sự huy hoàng của rừng hoa Thiên Hương không còn nữa; hoa thì còn đấy, nhưng sự “vĩnh cửu” của nó đã tan nhòa trong sương sớm. Có cái gì đó như mới mẻ, tinh khôi, sáng long lanh... vừa biến mất, không bao giờ trở lại, không bao giờ được gặp lại! Giây phút kỳ ngộ thế là đã qua đi, mất đi vĩnh viễn...

Tôi lần xuống đồi. Con trâu cày của tôi không có ở đó. Khi tìm ra thì quả là tai hại. Ngót một đám ngô lớn, con trâu của tôi đã ăn và dẫm nát hết sạch. Người ta giữ trâu và bắt tôi phạt vạ. Điều này thì đúng rồi và tôi có thể cày thuê để trả nợ dần dần. Nhưng oái ăm thay! Chủ của đám ngô chính là gia đình cự phú kia, đã lợi dụng cơ hội để trả thù; nên sau khi cho người đánh tôi đến ngất xỉu, họ cột trói tôi lại rồi đẩy vào một nhà chứa phân. Suốt một ngày một đêm bị đau đớn vì thể xác bầm dập, nhức nhối, tôi còn phải chịu sự đói khát, muỗi mòng và hôi hám nữa. Sáng ngày, họ dẫn tôi ra huyện đường cách đấy mười dặm cùng với lá thư tay. Chẳng hỏi cung, tra xét gì lôi thôi, họ tống tôi vào ngục tối!

Thật là kỳ lạ. Cuộc đời không đơn giản chút nào. Nó thầm lặng nhưng phức tạp, bí hiểm dường bao! Bóng tối dễ đồng lõa với nhau nên tôi chẳng thể chờ đợi gì hơn ở công lý. Trong lao tối, tôi ngất xỉu vì đói, vì mệt, vì khát, vì đau buồn. Ôi! Có bao giờ tôi nghĩ rằng, đến một lúc nào đó trong đời, tôi lại phải chịu cảnh huống đau buồn và sầu khổ như thế này? Những tình cảm vẩn đục, lợn cợn bắt đầu đến với tôi, dày vò tôi và làm cho tôi chảy nước mắt. Tâm hồn rệu rã, bạc nhược và vô cùng tối đen. Mặc dầu bị còng hai tay nhưng tôi cũng rán lần đến ô vuông nhỏ, ở đó có một thứ ánh sáng mờ đục từ bên ngoài hắt vào. Tôi hít một ít khí trời ẩm mốc, nồng nặc, không tỉnh táo được chút nào mà lại lả đi.

Chẳng biết mấy ngày đã trôi qua, người ta tháo còng, cho tôi ăn, cho uống bằng khẩu phần ít ỏi của con chó con nhưng thiu hôi và tanh tưởi. Thời gian sau đó, tôi được đưa ra khỏi lao phòng, chung với những tù nhân khác, có nước, có ánh sáng, có khí trời, được làm việc, tôi hồi sức rất nhanh. Đồng thời, sự phẫn nộ, cô đơn và hận thù lại tìm đến. Tôi dùng hai tay bưng mặt, gục đầu xuống, nghiến răng để chống chọi với những tình cảm đầy bóng tối, xấu ác này. Và nhủ thầm với lòng rằng, dẫu sao, “định mệnh” đã đến, “nó” đã đến, vậy hãy cam chịu nó như cam chịu môt đám đất khó cày, một người chủ khó tính, một ung nhọt ở nơi thân. Tôi sẽ chiến thắng. Hãy đứng lên, ngửa mặt, vươn cao và thách thức mọi sự. Yếu đuối, bạc nhược tâm hồn là nguyên nhân của sa đọa, trầm luân và tội ác. Ngươi là sư tử chứ không phải là cừu non. Hãy uy dũng, hiên ngang và lớn rộng tâm hồn. Sự ngu si, hèn hạ của con người chẳng làm gì nổi ngươi. Thế là tôi khỏe hẳn.

Từ đó, tôi đã thản nhiên và an bình trước mọi sự hành hạ kỳ quái của những tên cai ngục. Ở đây, đừng bảo hợp lý hay phi lý. Không có cái “lý” nào cả. Chỉ có cúi đầu tuân phục, nghe mắng chưởi và lãnh đòn vọt. Tuy thế, tôi chẳng sợ gì, vì trong tôi đã có rừng hoa Thiên Hương, mặt trời và màu xanh của cây cỏ. Lại có cả sư tử và cừu non nữa chứ. Nếu gọi được là “tiến bộ” thì tôi đã tiến bộ rất nhanh về sự tháo vác, nhẫn nhục, nụ cười và sự tha thứ, bao dung. Chỉ nom vài tháng sau là tôi lấy lại tấm thân thể lực điền, sự vững chãi và trẻ trung của tâm hồn. Từ những công việc nhẹ như làm cỏ, quét sân, lau nhà, làm bếp... đến những công việc nặng nhọc như bổ củi, đào mương, tải đá... chẳng việc gì mà tôi không làm bằng cả sự nhiệt tình, hoan hỷ và lương thiện. Người ta tin cậy tôi, cho tôi coi sóc một đám bạn tù và sống dưới chế độ lương thực, làm việc và ngủ nghỉ khác. Thế là tôi nhanh chóng học thêm một điều: sự ganh tỵ, ghét bỏ từ xung quanh lại tìm đến!

A! Thật khó sống làm sao? Tôi mỉm cười và tự nhủ. Tôi đem chúng lên cán cân và bắt đầu sống thí nghiệm “lừng khừng”, nghĩa là sống vừa phải, chừng mực trong mọi công việc lẫn thái độ khu xử. Như vậy, tôi không còn là tù nhân gương mẫu nữa, bù lại, bạn bè đỡ gay gắt và méo mó khi nhìn tôi. Sóng chỉ còn xao rất ít và tôi rút ra được kinh nghiệm sống này; và nó chính là “chân lý đời” chăng?

Rằm tháng bảy đã đến. Nhà tù mở cửa lao xá bảy ngày cho bà con thân nhân đến thăm viếng và các hội đoàn từ thiện đến ủy lạo. Tôi chợt thấy rằng, trong những ngày này, sự rãnh rỗi của mình không phải là điều đáng vui. Trong lúc mọi người vui vẻ, được ăn ngon, được nhận những món quà quý báu từ thế giới ánh sáng và đầy thân thuộc ở bên ngoài, thì tôi, với ít của từ thiện, thui thủi nằm dài nơi góc vắng hoặc thơ thẩn nơi những chỗ không có một ai. Tôi cảm nghiệm sự cô đơn đến xót xa tận cùng, chợt đâu tôi nghĩ quấy rằng, chẳng có ai thăm hỏi, tặng một món quà, một lời an ủi dẫu đãi bôi, một cái nhìn giả vờ thông cảm - thì cũng là một thiếu sót ở đời! Đôi khi như thế là bất hạnh nữa! A! Sống - có nghĩa là phải đầy đủ tất cả những cái tầm thường và rỗng không ấy? Có gì đó đã sai lầm trong tôi chăng? Có cái gì đó đã sa đọa trong tôi chăng? Rõ ràng là có một cái gì đó đã làm cho sự trong sáng, thánh thiện thuở đầu đời ở trong tôi không còn nữa. Tránh đi là hơn. Thế là tôi rút lui vào thế giới thầm lặng đầy mặc cảm của mình.

Bất chợt, vào buổi sáng ngày thứ năm, người ta gọi đúng tên tôi. Tôi mở mắt ngạc nhiên, mở lớn tai xem thử có nhầm lẫn nào chăng? Tôi vừa e ngại, vừa rụt rè, thận trọng tiến ra cổng nhỏ đến khu vườn tiếp tân. Đến nơi, tôi chọn một gốc mù u rậm lá nhìn dáo dác ngược xuôi. Một cô gái quê cũng đang ngược xuôi dáo dác trong ghế đợi. Bất giác tôi chạy tới và kêu lên: “Chuồn chuồn”; rồi run run nắm lấy tay nàng, nghẹn ngào im lặng. Tay nàng cũng run run trong tay tôi, nghẹn ngào, im lặng. Bốn tia mắt gặp nhau, con mắt nào cũng tươm nước như một màn sương ướt.

Chẳng biết chúng tôi ngồi với nhau như thế trong bao lâu. Chợt dưng, nàng đứng phắt dậy, đặt cái gì đó vào tay tôi, áp hai tay vào hai má tôi, nhìn tôi với cái nhìn bi thương khó tả. Đột nhiên, nàng hôn vào má tôi rồi hối hả quay lưng bỏ chạy...

Tôi đứng bất động, lạ lùng với cái cảm giác nóng ấm, đê mê ở trên má. Tay tôi sờ vào đấy rất lâu, có cái gì đó rất mới mẻ mà tôi chưa cảm giác được ở trong đời. Khi nàng bỏ chạy, gót chân thoăn thoắt ấy không còn là của một cô gái tinh nghịch nữa, mà là một cái gì rất khó hiểu, một cái gì rất thân thương và bí mật mà tôi chưa hề thấy ở nơi nàng. Thế đấy, nàng đến với tôi như sớm mai, như sự lóe lên của ánh nắng huy hoàng, như sứ giả của rừng hoa Thiên Hương. Chợt nhiên, tôi linh cảm mơ hồ một sự mong manh nào đó, như hạt sương trên nhụy hoa, như một sự vĩnh cửu tinh khôi vừa tan mất:

“Đôi mắt ngươi long lanh

như thì thầm

như nhắn gởi

trong cuộc hành trình vô định

thoáng giây là vuột mất

tao ngộ một lần

Ôi! Muôn trùng cách xa!..”

Tôi hát lên nho nhỏ khi về lao phòng. Tôi trân trọng gói quà của nàng. Người ta thôi thì đủ thứ sơn hào hải vị, riêng tôi, ngoài quà từ thiện, còn có thêm gói bánh kê của nàng - gói quà quý báu do tự tay nàng trồng ra, làm nên, bằng mồ hôi và bằng cả tấm lòng. Tôi dùng nó không cho ai thấy, còn cất để dành! “Chuồn chuồn”, tên thật là Sin-yai-ko, là một cô gái quê nhỏ nhắn và xinh đẹp. Cô ta đi ở thuê cho một gia đình tương đối khá giả, đạo đức và lương thiện. Nàng làm lụng giỏi, tính tình cũng không phải dịu dàng gì. Nói thế cũng không đúng hẳn, nàng rất dịu dàng nhưng đôi khi cũng rất chanh chua, rắn mắt và cứng đầu. Nghe đâu, nàng là con của một tu sĩ theo phái Tân Tăng, ra đời với nhiều mặc cảm, cô đơn và nghèo khó. Cha nàng là một tu sĩ có danh, uy tín nhưng lại khước từ tất cả, sống đời rày đây mai đó với phong thái hạc nội mây ngàn, lãng đãng nghệ sĩ hơn là một thiền sư. Nàng mang ít dòng máu của cha nên thông minh, tài hoa và lãng mạn; một ít dòng máu của mẹ nên chịu khó, siêng năng và sùng đạo. Nơi góc tâm hồn nàng lúc nào cũng có khoảng trời thiêng liêng, cao cả, thơm ngát trầm hương thanh khiết. Nàng hãnh diện ở vào cái giai cấp thấp thỏi nhất của xã hội đủ để khinh bỉ và chế riễu cái hợm hĩnh ngu si của giai cấp “trọc phú”. Chúng tôi có nhiều lý do để gần gũi nhau, ấy là sự nghèo khổ, có chút ít chữ nghĩa và tâm hồn. Chúng tôi không thân thiết đến độ yêu thương chết bỏ hay thề non hẹn biển; chỉ thân thiết vừa đủ để gặp nhau thì chào hỏi, nói vài câu trống rỗng bá vơ hoặc đôi khi trao đổi một cuốn sách hay, một câu thơ thú vị.

Một hôm, nàng đi dự lễ chùa ở đâu đó với bộ khoác trẻ trung và tươi tắn ở bên ngoài. Từ xa, màu áo xanh trong sáng, dáng dấp nhỏ nhắn, bước chân thoăn thoắt của nàng làm tôi liên tưởng đến một con chuồn chuồn đang bay lượn nhởn nhơ trong nắng sớm.Tôi bèn gọi:

“- Chuồn chuồn!”

Nàng quay lại, trừng mắt:

- Cái gì vậy?

- Là tên của nàng.

Nàng chau mày:

- Không có nghĩa lý gì cả, chẳng có tư tưởng, chẳng phải thi tứ! Anh này trống rỗng mất rồi!

Tôi cười cầu hòa:

- Đúng thế! Một hình ảnh thoáng hiện trong tôi và tôi gọi tên, chẳng ra sao cả. Xin lỗi nàng vậy.

- Thế thì lại khác. Nàng dịu dàng nói - Một hình ảnh thoáng qua! Hay đấy! Nghĩa lý, tư tưởng, thi tứ mà làm gì! Được lắm, chàng trống rỗng ạ!

Thế là nàng bắt đầu “thương” tôi, có kỳ không chứ? Tôi không hiểu. Chẳng lâu sau đó, gặp tôi, nàng nói:

- Hãy nhìn ngắm vô duy những hình ảnh thoáng qua, cha tôi bảo đấy là Cái Đẹp Thiên Thu!

Tôi rúng động cả châu thân! Ôi! Sin-yai-ko! Nàng đã khai ngộ cho tôi như vậy đó. Tri ân biết mấy. Bây giờ nàng lại đến thăm tôi nữa. Vĩnh cửu còn đầy dấu ấn trên má tôi. Nó cho tôi sự diệu kỳ ngọt ngào của đời sống.

Ngày cuối tuần, “Chuồn chuồn” lại đến thăm tôi. Lần này, món quà của nàng là một bó hoa Thiên Hương cuối mùa. Ôi! Quý báu kỳ lạ mà cũng ngẫu nhiên kỳ lạ. Hay là nàng biết rõ câu chuyện của tôi? Sau này tôi mới biết, việc tôi mê mải ngắm nhìn rừng hoa Thiên Hương mà bị rơi vào vòng lao lý, người ta đã đồn đại, thêu dệt và xem đấy là hành động của một gã điên khùng, quái gở!

Tôi có yêu hoa không? Quả thật, điều này chính tôi cũng mơ hồ lắm. Nhưng rõ ràng là với bó hoa trên tay, tôi cảm động vô cùng. Mùa hoa Thiên Hương đã tàn tạ khắp nơi vào tiết tháng bảy, thế nhưng ở đây lại còn tươi nõn. Chắc “Chuồn chuồn” của tôi phải lặn lội lên tận những bờ khe nước ở núi sâu. Ôi! Biết bao là tấm lòng! Chợt dưng, một vọng tưởng đến với tôi: bó hoa này phải trở nên Bất tử!

Thế là tôi nghĩ cách gắn bó hoa ấy lên đầu giường. Người ta ăn trái sa-kê và quăng vỏ rải rác khắp đó đây. Vỏ sa-kê có gai cứng, tôi lấy một tấm và bỏ vào trong cái bát vỡ miệng. Loay hoay giờ lâu tôi mới làm xong “tác phẩm” của mình. Tôi đã cố gắng trưng bày trọn vẹn bó hoa vào đó, chỉ cắt tỉa bớt một ít thân, cành và lá rườm rà. Tôi tận dụng, trân trọng và thưởng ngoạn trọn vẹn món quà tinh thần của nàng. Các bạn tù của tôi, họ nói là họ sửng sốt khi chợt thấy một khóm hoa Thiên Hương mọc ở đầu giường. Căn phòng sáng rỡ lên, tràn đầy sinh khí, vui tươi và mát mẻ. Nhưng niềm vui của tôi không được bao lâu, vì mắc gai của vỏ sa-kê không đủ sức giữ cọng hoa được bền. Thế là hôm sau ra ngoài lao dịch, tôi kiếm về những cái gai cứng, sỏi và sạn làm chân cắm. Bình hoa được làm lại sau một ngày, vậy là phải loại bớt một số hoa lá cành tàn úa và bầm dập. Tôi loay hoay hoài mà chẳng được gì cả, bình hoa nom xấu một cách kỳ dị. Tôi lại bỏ, cắm kiểu khác. Thế là một số gai, cành lại bị hư. Tôi chán nản bỏ đi. Khuya, tôi thắp đèn làm lại, vẫn không vừa ý, tôi âu sầu và đi ngủ.

Suốt đêm tôi trằn trọc. Và bó hoa Thiên Hương lại hiện ra. Từ bó hoa Thiên Hương và sắc màu, nó mơ màng dẫn tôi đến một thế giới đầy hoa sắc. Vị thần Bất tử bước ra từ chòm mây trắng huyền hoặc, trang sức bằng vòng hoa Thiên Hương, nói với tôi:

- Ngươi muốn bất tử không?

- Có muốn. Tôi đáp.

- Vậy thì ngươi hãy chết! Chết tức phục sinh và bất tử!

Vòng hoa Thiên Hương xoay xoay rồi hiện hình chiếc búa. Vị thần Bất tử đánh vào đầu tôi. Hoảng hốt, tôi ôm đầu và vùng chạy.

Đấy là khoảng quá nửa đêm về sáng. Bình hoa đầu giường bị rơi đổ tung tóe. Dường như trong cơn mộng du, nửa tỉnh, nửa mê, tôi đã ngồi dậy và cắm lại bình hoa.

Trong giấc ngủ, vị thần Bất tử hiện ra, nhìn tôi mỉm cười.

- Ngài đến đây làm gì nữa? Tôi trừng mắt hỏi.

- Ngươi còn muốn bất tử không?

Tôi không nói không rằng, thò tay nắm chiếc búa. Vị thần Bất tử đột nhiên biến mất, để lại mấy đóa hoa rung rinh trong làn mây trắng. Ôi! Đấy là cả một bình hoa chứ! Đẹp quá! Sáng ngày, tôi giật mình khi thấy bình hoa cắm hồi khuya - giống bình hoa trong mộng y hệt. Tôi ngồi bó gói yên lặng ngắm mãi mà không nghe tiếng kẻng báo hiệu giờ ăn và giờ lao tác. Tôi được bạn tù lôi dậy và họ thương hại tôi như thương hại một gã tâm thần.

Chuyện của tôi thế là được người ta đồn đại, thêu dệt rồi lan rất nhanh. Cả trại, từ ban giám đốc, giám thị, cai tù, tù nhân, ai cũng nhìn tôi bằng tia mắt khác lạ. Là chuyện gì đây? Tôi linh tính là có chuyện gì rồi nên bình tĩnh chờ đợi.

Hôm đó, tôi được gọi lên văn phòng ban giám thị.

- Hãy khai đi!

Viên giám thị đầu hói nhìn tôi bằng ánh mắt lừ đừ, mệt mỏi. Hỏi xong, y ngáp. Tôi được người ta cho ngồi trên chiếc ghế thấp. Khai gì? Tôi có hiểu gì đâu? Thế là tôi cất tiếng hỏi:

- Khai gì?

Viên giám thị trở người, hai cùi chõ chống trên bàn, nâng lấy cằm, nhìn tôi một cách hờ hững, rồi cất giọng nhừa nhựa như ban đầu:

- Khai đi!

Tôi ngước mắt lên nhìn y rồi cũng hờ hững nhìn ra cửa sổ. Ồ! Nắng mai đẹp quá!

- Mư-jô-chư! Y gọi.

Tôi nhìn y. Y lại cất giọng khàn khàn, đều đều:

- Hãy khai đi!

- Chắc có một lầm lẫn nào chứ? Tôi nói. Thưa ngài, chắc có một lầm lẫn nào chứ?

- Không lầm đâu! Mư-jô-chư! Không lầm đâu!

Y đứng dậy, bước đến và chậm rãi nắm cổ áo tôi. Và thật bất ngờ, chớp nhoáng, tôi thấy tối tăm mặt mũi, thân mình bị bốc đi, văng bắn vào một góc tường. Máu phọt ra từ mũi, tôi nghe cay cay ở mắt, dường như ở đó đã bị xé rách.

- Khai đi, Mư-jô-chư!

Giọng y vẫn như cũ. Y đứng chống nạnh và nhìn ra cửa. Tôi nhướng mắt, nghe nhầy nhụa ướt và nghe tai mình lùng bùng. Nó cũng kỳ khôi và vô lý như chuyện rừng hoa Thiên Hương và việc ở tù của tôi vậy.

- Ta chỉ có thời gian hút xong một điếu thuốc. Y nói - chừng đó để làm việc này. Giọng y đục, nhừa nhựa, khàn khàn, trầm trầm - Nếu khôn thì khai, dại thì cứ im lặng và cứng đầu, ta không cấm. Cái đó gọi là tự do. Chối làm chi? Cậu cũng hiểu hậu quả của nó rồi. Làm gì ư? Làm gì thì cậu biết lấy chứ? Phải thế không? Khai gì ư? Ai biết là cậu sẽ khai gì? Dễ thôi!

- Tôi chẳng biết gì hết. Tôi nói - Thật là rừng rú! Ông đánh tôi bằng tay đấm thú vật. Tôi là một con người, một công dân. Tinh thần Thần đạo truyền thống của chúng ta không cho phép ông làm điều đó. Nhưng tôi là Phật tử. Tôi tha thứ cho ông và cầu nguyện đức Phật gia hộ hạnh phúc cho ông. Tôi chỉ cắm một bình hoa Thiên Hương thôi, ấy là việc tôi làm.

Y ngồi vào bàn, gật gật đầu.

- Tốt, cứ khai nữa!

- Đấy là khai à? Tôi ngạc nhiên hỏi.

- Cứ tiếp tục. Y nói - Cắm một bình hoa Thiên Hương, ấy là chuyện con cóc dưới gầm giường cậu, nó cũng biết. Nhưng mà “dấu hiệu” kìa? “Ý nghĩa” kìa? Ây mới là điều!

- Tôi không biết gì cả.

- Biết mà!

Giọng y vẫn không lớn hơn, không nhỏ hơn, vẫn lừ đừ và ngái ngủ. Rồi y lại bước tới, chậm rãi vỗ vỗ vào vai tôi, và thật bất ngờ, chớp nhoáng hơn cả lần trước, y tống tôi bằng một cú đấm vào quai hàm. Tôi bị bắn tung đi, rồi bất tỉnh.

Sau đó, tôi còn bị kêu lên gọi xuống nhiều lần nữa. Đôi mắt lừ đừ và cái giọng khàn khàn trầm trầm bình thản của y làm cho tôi kinh sợ. Nhưng tôi biết gì mà khai? Thế là tôi lại bị hộc máu, bất tỉnh, người ta quăng cái xác tôi vào ngục. Các bạn tù thương hại, ân cần chăm sóc những vết thương cho tôi. Hơn tháng, tôi mới lấy lại sức. “Khai đi” - Giọng của viên giám thị đôi khi vang lên trong bóng tối, tôi nhìn quanh dáo dác rồi đưa tay ôm mặt. Cái âm thanh ấy ám ảnh và đe dọa khủng khiếp làm cho tinh thần tôi bất an, dao động.

Sau này tôi mới hiểu, đây là vụ trả thù truyền đời do sự vu cáo của tên cự phú ở thôn Đông. Cha tôi thì đã mất rồi nhưng tôi bây giờ là nạn nhân kế tục. Nguyên thời ấy có một lực lượng chính trị chống lại triều đình, đằng sau có thế lực Gia-tô giáo trong và ngoài nước yểm trợ. Dấu hiệu bí mật của họ là khóm hoa Thiên Hương. Họ đang hoạt động trong bóng tối, đả kích Phật giáo, phân hóa tinh thần Thần đạo dân tộc và khuynh đảo cả thế lực của Thiên hoàng. Triều đình đã ra tay ngăn chặn, đập vỡ từ trong trứng nước. Chỉ dại khờ và xui xẻo cho tôi - còn ngồi đây mà chiêm ngưỡng cụm hoa Thiên Hương!

Để xác tín cho tất cả những điều này, hôm kia, đến gặp tôi trong tù là một tu sĩ của triều đình. Y phục vụ cho một thế lực. Y thương xót đưa mắt nhìn tôi rồi nói:

- Phước thay là linh hồn không bị mất đi vì loài “quỷ dữ”! Phước thay là linh hồn còn trong trắng như đóa sen tinh khiết ở cõi “thượng phẩm thượng sanh!” Ta chúc mừng linh hồn của con!

- Còn linh hồn của ngài, nó ở đâu?

Tôi cất giọng hỏi. Và lạy Phật, lần đầu tiên trong đời, tôi có một câu nói khiếm nhã đối với một tu sĩ tích cực nhập thế.

- Đầu tiên, Chúa sáng tạo ra vũ trụ. Y giả vờ không nghe câu hỏi của tôi nên vẫn tiếp tục nói, hai đùi rung rung với nụ cười hiền dịu. Và thế là có vạn vật, con người, muôn thú và cỏ cây. Cái con người - Y nhấn mạnh rồi lại rung đùi - vị thủy tổ của nó bị đức Chúa trời trừng phạt, lưu đày miên viễn ra khỏi Vườn Địa Đàng - vì tội cứng đầu, ngạo mạn, không tuân ý Chúa! Ai bảo nó không chịu phục tùng nô lệ! Phước thay cho ai sống đời tùng phục tùng, nô lệ ngài - vì thế là sẽ được ngài cho lên Thiên đàng, ăn cái bánh “cực lạc”. Tội cho ai ngỗ nghịch, bất tuân, phỉ báng ngài thì sẽ bị đày ở hỏa ngục đời đời, ăn cái bánh “cực hình”!

- Ngài muốn nói gì? Tôi ngắt lời và hỏi.

- Có muốn. Tu sĩ gật gật - Muốn cho con hiểu rằng, ta hiểu rõ gốc nguồn của “tà giáo” ấy. Đừng con! Đấy là âm mưu của lũ Quỷ trắng - bắt con người nô lệ vào đấng thần linh mà bỏ quên năng lực tự chủ, tự giác của mình. Ta có thể thay đổi hoàn cảnh, chuyển nghiệp bằng tâm ý thiện lương, bằng sự sáng suốt của trí tuệ... Con hãy bỏ đi sự cầu nguyện và chiêm ngưỡng bá vơ, dẫu là cầu nguyện và chiêm ngưỡng “hương trời”; “thiên hương” không bằng “thiên lương”, “thiên lương” không bằng “tuệ giác” - là năng lực sáng suốt tự tâm. Đừng dại gì để mất linh hồn và làm nô lệ cho quỷ dữ!

- Ngài là ai? Tôi hỏi.

- Là tu sĩ... Y ngạc nhiên nói.

- Vậy thì tôi tin những điều ngài nói. Và ở trong “linh hồn” tôi, tôi cũng có những điều như vậy. Tôi đang sống với tự lực, tự chủ và tự giác. Và một đời hiền lương vô hại. Hốt nhiên tôi thấy rừng hoa Thiên Hương một sớm mai kia, giữa sương trắng và nắng vàng - nghĩa là tôi thấy sự chí chân, chí mỹ cùng sự bất tử của trời đất. Một thoáng mong manh đó, lòng tôi nở hoa cùng với tạo vật. Hạnh phúc thay cho ai được thấy sự bất tử này giữa đời sống hám danh, trục lợi, cụn mằn, vị ngã. Mây mù u tối ở nơi tâm địa con người và trần gian, trong phút giây ấy được rọi sáng bởi mặt trời thiên phúc. Tôi hít thở với thiên phúc. Và đấy chính là “thượng phẩm thượng sanh”, là Niết-bàn, là Tịnh Độ, là Cực lạc mà ta hằng chối từ trong mỗi phút giây. Đất Phật mở ra cho những người con nhìn thấy. Các quan niệm về Thượng đế, thiên đường vĩnh viễn và địa ngục vĩnh viễn là những tư tưởng ấu trĩ - nhưng dù sao, Chúa cũng đã từng nói: “Ta là ánh sáng, là sự sống, là con đường”? Vậy thì kệ cho ai loay hoay tô vẽ Chân phúc theo cái bầu dục vọng vô độ của họ, đong nước Thiên đàng bằng cái bình ham muốn không đáy. Chính ngài đang làm cái công việc gì đó, ngài Đại đức? Ngài rao giảng nhầm chỗ rồi, có một nơi nào ở cái quán đầu chợ thích hợp cho ngài hơn. Hãy bước đi! Vậy là tôi đã vô cùng trân trọng và lễ độ với ngài rồi!

Vị tu sĩ há hốc. Tôi còn muốn nói nữa. Một sự phẫn nộ đâu đó, nó trào ra, nó vọt ra. Vị tu sĩ nhìn tôi với đôi mắt mở lớn, y thối dần ra cửa rồi biến mất.

Từ đó, người ta không bắt tôi khai điều gì nữa. Có lẽ họ đã rõ trắng đen. Và có lẽ họ đã quên tôi như quên một con chó ghẻ, một bó giẻ rách.

Mùa xuân lại đến, mới đó mà đã một năm trời trôi qua rồi nhỉ! Ngày tháng trong tù cũng không dài lắm đâu. Tôi biết mùa xuân qua làn khí ấm cùng với ánh nắng trong lành. Người ta rộn rịp đi thăm tù trong những ngày mở cửa lao xá.

Tôi hít thở khí trời, và cảm ân xiết bao khi thấy mình được sống và còn mạnh khỏe. Đồng thời, tôi lại thấp thỏm chờ đợi. “Chuồn chuồn”, hoa Thiên Hương và tôi như được gắn bó với nhau trong một định mệnh không rời. Thật trong sáng và thật đẹp là sự nhớ nhung này. Nhưng nàng không thấy đến. Cửa lao xá sắp đóng lại thì một tu sĩ đột ngột bước vào phòng cùng với tên giám thị đầu hói. Họ nói gì với nhau, sau đó, tôi được gọi đến. Viên giám thị tỏ vẻ kính cẩn đối với vị tu sĩ này.

-... Nó đấy! Là hoa Thiên Hương!

Vị tu sĩ nom đã đứng tuổi, lặng lẽ nhìn tôi, đôi mắt to, đen, phản chiếu màu xanh bên ngoài cửa sổ. Có một cái gì đó lặng lẽ, ấm áp trong đôi mắt hiền dịu. Không khí thân thiết tỏa ra xung quanh. Ở nơi tu sĩ này, tất cả đều toát ra cái dung dị nhưng không phải thường phàm...

- Ta nghe tin thì đã quá muộn... làm cho ngươi đau khổ trong bao lâu. Nhưng mà... nó thế, là nó thế!

- Vâng, nó thế là nó thế - Tôi thầm lặp lại lời nói của tu sĩ và ngơ ngác nhìn cả hai người. Tôi không hiểu ra sao cả!

- Ngươi được tự do. Viên giám thị đầu hói nói - Đây chỉ là một sự nhầm lẫn đáng tiếc. Cầu nguyện đức Phật gia hộ cho ngươi!

Tôi im sững giây lâu. Thế đấy! Chỉ là sự nhầm lẫn! Chợt dưng, tôi nhảy lùi mấy bước, hầm hầm nhìn tên giám thị, vẫy tay nói:

- Lại đây! Tao sẽ đấm cho ngươi mấy đấm. Lại đây!

- Gì vậy? Cái gì vậy? Vị tu sĩ nhìn tôi hỏi.

- Hắn đã đánh tôi chết đi sống lại nhiều lần - vì cái hiểu lầm đáng tiếc của hắn. Cái giọng tra tấn khàn khàn, trầm trầm của hắn đã làm cho tôi bị ám ảnh, sợ hãi ngay cả trong giấc ngủ. Tôi thù hắn, tên đao phủ khốn kiếp!

Vị tu sĩ vỗ nhè nhẹ lên vai tôi:

- Mư-jô-chư! Thế là con đã đấm rồi, có phải vậy không? Tâm con đã đánh hắn ta rồi đấy!

Tôi đớ người ra. Cánh tay từ từ bỏ thõng xuống. Tôi ngước mắt nhìn tu sĩ, biểu lộ sự biết ơn vô hạn - vì người đã nói đúng. Phải! Người đã nói rất đúng. Cơn nóng nảy bỗng dịu dần rồi hoàn toàn tắt ngấm: sự ám ảnh, hận thù, sợ hãi đã tiêu tan ở trong tôi!

Thế là sau đó, tôi theo tu sĩ đi ra khỏi tù, không hiểu gì cả. Cái nhân duyên, nghiệp báo thật là quái gở! Trong cái vòng quay dường như tất định ấy, tôi có tham dự vào đấy không? Ý chí của tôi cũng có đấy, nhưng nhỏ nhiệm làm sao trong cái dòng thác cuồn cuộn của nghiệp lực cơ hồ không cưỡng được, cơ hồ như những chuyện tình cờ, ngẫu nhiên! Ai là kẻ hốt nhiên đến, hốt nhiên đi, thong dong như chưa hề vướng vấp vào một kháng lực tất yếu nào? Tôi đang bước qua một ngã rẽ của đời mình và hy vọng học thêm được nhiều điều.

Chúng tôi theo hướng trở về làng cũ. Vị tu sĩ cất những bước đi dài, vai không động, thoăn thoắt trên đầu cỏ. Đến một ngọn đồi thì chiều đã ngã bóng non tây.

Vị tu sĩ bây giờ mới ngồi xuống, chậm rãi kể nhiều chuyện cho tôi nghe. Ngạc nhiên xiết bao khi biết ngài là cha của Sin-yai-ko, “Chuồn chuồn” của tôi. Sin-yai-ko cũng bị bắt sau khi tặng khóm hoa Thiên Hương cho tôi. Bốn tháng sau, ngài nghe tin, vội đến can thiệp, Sin-yai-ko được thả ra nhưng đã mắc bệnh trầm trọng, thang thuốc thảy đều bất lực. Trước khi nhắm mắt qua đời, Sin-yai-ko yêu cầu thống thiết ngài phải đùm bọc che chở cho tôi.

Nghe xong, trời đất quay quay đảo lộn trong tôi. Đợi cho tôi tỉnh táo đôi chút, ngài dẫn tôi đến một ngôi mộ chưa xanh cỏ. Ai đã thắp nhang ở đấy và cắm thêm một khóm hoa dại. Màu hoa nhàn nhạt trong nắng chiều mang vẻ quạnh hiu, ảm đạm không thể tả.

Tôi ngồi xuống, nhìn nắm đất rất lâu, đột nhiên tôi thốt lên:

- Khó kham nhẫn! Khó kham nhẫn!

Vị tu sĩ chăm chú nhìn thẳng vào mắt tôi:

- Vậy thì bước tới hay tránh qua một bên?

Tôi cũng nhìn thẳng vào mắt ngài, lắc đầu:

- Hai đàng đều chẳng thể!

- Nếu chọn lựa?

- Ra khỏi nó!

- Bằng cách nào?

Chợt nhiên tôi đứng dậy, cười ha hả, cười chảy nước mắt. Và rồi, tôi hát:

“- Ôi! Rừng hoa Thiên Hương ơi!

Ngươi nở ra từ trái tim của đất

Đất nuôi sống ngươi,

Lặng lẽ, âm thầm

Ngươi cho ta sự vô tận

Sự huy hoàng

Từ phù du của niềm đau, nỗi chết

...

Đôi mắt ngươi long lanh

như thì thầm

như nhắn gởi

tao ngộ một lần

Ôi! Muôn trùng cách xa!..”

Để cho tôi chìm ngập trong thế giới hồi tưởng của riêng mình, vị tu sĩ thò tay vào đãy ta bà lấy ra một bức tranh đã cũ vàng. Trong tranh, người con gái bị tật một chân đang bước đi trong chiều muộn, đến cánh rừng hoa anh đào nhờn nhạt, đằng sau là khung trời xa thẳm.

- Đấy là “dì” của Sin-yai-ko! Vị tu sĩ chậm rãi nói - Là một người đàn bà tật nguyền nhưng tâm hồn vô biên, đủ để khinh thị và cao ngạo cả niềm đau, nỗi chết, cả sự bất hạnh của chính mình. Ta là một tu sĩ đa tình, muốn bảo vệ, che chở cho nàng nhưng lại bị nàng phủ nhận. Ta đã từ bỏ mọi thứ trên đời, một thời, để chạy theo nàng. Thì bây giờ, ta cũng từ bỏ mọi thứ trên đời... để...

Tôi trầm ngâm nhìn vào bức tranh:

- Đi tìm mùa xuân cũ đã mất?

- Đấy không phải là điều vô vọng sao? Tu sĩ nói. Nhưng còn ngươi thì thế nào, Mư-jô-chư?

- Có cần gì thứ vô vọng ấy - Tôi có quyền mà! Tôi có quyền mà!

Vị tu sĩ mỉm cười lặng lẽ, thò tay vào đãy ta bà lấy ra một khúc sáo ngắn. Người leo lên một tảng đá cao, ngồi xếp bằng rồi bắt đầu thổi.

Ôi, tiếng sáo! Tôi chồm dậy. Tôi muốn hét to lên cho nứt vỡ cả đất trời! Thân thế tôi mà gì? Niềm đau nỗi khổ của tôi là gì? Tôi bị bốc tung vào vô tận. Tôi bị ném vào giữa ruột đại dương sâu. Tôi như được chắp đôi cánh đại bàng để bay vút qua hàng ngàn miệng núi lửa... Tôi không còn là tôi, mà là một thực thể phiêu bồng, vô danh, lướt qua hàng triệu kiếp trả vay, sinh tử.

Ôi! Kinh khiếp, vĩ đại thay là tiếng sáo!

Mặt trời đã tắt, vì sao Hôm xuất hiện. Vị tu sĩ đứng dậy, bóng cắt giữa nền trời.

- Ta đi chứ? Tu sĩ nhìn ra xa nói.

- Vâng, ta đi!

Vị tu sĩ bước xuống, cất tranh cất sáo vào đãy ta bà, nắm tay tôi rồi dẫn tôi lên núi cao.

Tôi là Mư-jô-chư - “Tôi đã đi tu như vậy đó.”

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]