Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đoạn 6

05/07/201209:19(Xem: 10161)
Đoạn 6

TRUYỀN TÂM PHÁP YẾU GIẢNG GIẢI

HT Thích Thanh Từ

ĐOẠN 6

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Thế nào là thế đế?

Đáp: Nói nhánh nhóc ấy làm gì? Xưa nay thanh tịnh đâu nhờ nói năng vấn đáp, chỉ không tất cả tâm liền gọi là trí vô lậu. Ông mỗi ngày đi đứng ngồi nằm tất cả nói năng, chớ đắm pháp hữu vi, nói ra nháy mắt thảy đồng vô lậu. Như nay nhằm đời mạt pháp, phần nhiều người học Thiền học đạo đều đắm tất cả thanh sắc, sao không cùng ta mỗi tâm đồng hư không đi, như cây khô hòn đá đi, như tro tàn lửa tắt đi, mới có một ít phần tương ưng. Nếu không như thế, hôm nào sẽ bị Diêm Vương dẫn ông đi.

GIẢNG:

Thế đế cũng gọi là thế tục đế. Đệ nhất nghĩa đế cũng gọi là Thánh đế. Thế đế là đối với đệ nhất nghĩa đế mà lập. Chữ đế là lẽ thật. Hỏi thế đế là nói về thế tục, những vấn đề rất thường tình. Cho nên ở đây Ngài đáp: Nói nhánh nhóc ấy làm gì?Tổ giải thích: xưa nay thanh tịnh đâu nhờ nói năng vấn đáp, chỉ không tất cả tâm liền gọi là trí vô lậu,đơn giản làm sao. Chúng ta cứ tìm hiểu ngôn ngữ, văn tự mà không buông tất cả tâm cho thanh tịnh. Nếu tâm không thanh tịnh dù hỏi tới đâu cũng chỉ là ngôn ngữ thôi. Vì vậy Ngài nói chỉ không tất cả tâm liền gọi là trí vô lậu. Chúng ta không tất cả tâm dấy khởi lăng xăng, gọi là trí vô lậu.

Ông mỗi ngày đi đứng ngồi nằm tất cả nói năng, chớ đắm pháp hữu vi,nói ra nháy mắt thảy đồng vô lậu.Đi đứng ngồi nằm nói năng v.v… là tướng hữu vi, đừng mắc kẹt nó. Nếu không mắc kẹt thì mọi hành động đều là vô lậu. Ngược lại nếu mắc kẹt trong pháp hữu vi thì rơi vào hữu lậu.

Như nay nhằm đời mạt pháp, phần nhiều người học thiền học đạo đều đắm tất cả thanh sắc, sao không cùng ta mỗi tâm đồng hư không đi, như cây khô hòn đá đi, như tro tàn lửa tắt đi, mới có một ít phần tương ưng.Ngài dạy chúng ta học đạo không phải học ngôn ngữ, hình thức mà phải tập mỗi tâm đồng hư không. Mỗi tâm đồng hư không là sao? Tâm tâm không dính với cảnh, tâm tâm không dính với hơn thua phải quấy v.v… là tâm đồng với hư không.

Như cây khô hòn đá đi,tại sao bảo mình phải như cây khô như hòn đá? Nhịn đói để chết cứng như cây khô, hòn đá phải không? Nói cây khô, hòn đá để chỉ tâm không dính, không kẹt, không gì làm lay động được tâm.

Như tro tàn lửa tắt đi,mới có một ít phần tương ưng. Làm sao tâm như lửa tắt, như tro tàn? Nghe một lời nói trái tai nổi nóng lên là lửa tắt hay lửa cháy? Lửa cháy chớ không tắt. Nghe nói nặng, nói nhẹ mà tâm vẫn lạnh không bực, không nóng nảy là lửa tắt. Lửa tắt thì tro lạnh, tro tàn. Nghe nói danh lợi mình thích, có lửa không? Sân là lửa mà tham cũng là lửa. Cho nên chúng ta phải khéo tu, làm sao tâm như lửa tắt tro tàn, mới đi tới chỗ tương ưng cùng Phật pháp hay tương ưng cùng chân tâm Phật tánh.

Nếu không như thế, hôm nào sẽ bị Diêm Vương dẫn ông đi.Đó là câu nói cảnh cáo. Cảnh cáo ai? Ai không để lửa tắt tro tàn. Nếu người như lửa tắt, tro tàn thì Diêm Vương biết đâu mà dẫn.

CHÁNH VĂN:

Ông chỉ lìa hẳn các pháp hữu vô, tâm như vầng mặt trời trong hư không, ánh sáng tự nhiên không chiếu mà chiếu, không phải là việc của sức phản tỉnh. Khi đến đây thì không chỗ nương tựa, tức là làm hạnh của chư Phật, bèn là “nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia”. Đây là pháp thân thanh tịnh của ông, gọi là A-nậu Bồ-đề. Nếu không lãnh hội được ý này, dù ông học được biết nhiều, siêng năng khổ nhọc tu hành, áo cỏ ăn cây, không biết tâm mình đều gọi là hạnh tà, quyết định sẽ làm quyến thuộc của thiên ma, tu hành như thế sẽ có ích lợi gì?

GIẢNG:

Ở trên Ngài dạy như lửa tắt tro tàn. Đến đây Ngài dạy phải biết lìa các pháp hữu vi tức là lìa hai bên như có không, phải quấy, hơn thua v.v… Khi nào chúng ta không nghĩ hai bên, lúc đó tâm động hay tịnh? Tâm tịnh. Thường thường chúng ta không nghĩ thiện thì nghĩ ác, không nghĩ phải thì nghĩ quấy, luôn luôn nghĩ trong đối đãi. Mà đối đãi là tướng sanh diệt, sanh diệt là động. Cho nên chúng ta lìa hết các tâm, các pháp hữu và vô.

Nếu tất cả hai bên đều lìa thì tâm mình như vầng mặt trời trong hư không, ánh sáng tự nhiên không chiếu mà chiếu, không phải là việc của sức phản tỉnh.Câu này rất thiết yếu, ai có tu mới thấy nó quan trọng. Khi ngồi tu, tâm không dấy niệm, nhiều người cảm thấy vô tri quá, lúc ấy lại khởi nghĩ muốn sáng đạo, có hào quang mới thích. Đó là sai lầm. Vì vậy Ngài dạy nếu không dính kẹt hai bên, tâm như vầng mặt trời trong hư không, ánh sáng tự nhiên không chiếu mà chiếu. Hai chữ không chiếu mà chiếu nói được ý quan trọng này. Không chiếu mà chiếu là sao? Thường thường lúc tâm yên, nó không phản quan, không soi lại, nên nói không chiếu, nhưng nó vẫn sáng, dấy niệm liền biết nên nói chiếu. Đó là không chiếu mà chiếu. Chỗ này rất thiết yếu. Bởi vì khi tu chúng ta nghe nói niệm dấy đừng theo, rồi nhìn niệm hoài. Nhìn niệm như vậy là chiếu hay không chiếu? Chiếu. Vì vậy niệm dấy lên liền đè xuống. Người nào ngồi nhìn niệm như vậy, một giờ đầu sẽ nặng trĩu, không khéo thành đau đầu. Cho nên trong khi tu, chiếu mà không chiếu, chỉ bàng bạc nhẹ nhàng như mặt trời trong hư không thôi. Tâm không khởi niệm chiếu nhưng rất sáng, niệm lên vẫn thấy chớ không phải không thấy.

Tuy nhiên, nói không nhìn chớ không phải thả lỏng, chỗ này rất khó. Nhiều người nghe nói không nhìn liền thả lỏng, mặc tình nó làm gì thì làm, như vậy tu làm chi? Không nhìn mà không thả lỏng nghĩa là tâm lúc nào cũng biết, do biết nên niệm lên không chạy theo. Nếu niệm không lên thì cứ như vậy biết thôi, chớ không phải chăm chăm nhìn. Nhiều người chăm chăm nhìn nên nghe tim đập, nghe nghẹn thở, đó là bệnh. Vì vậy ai ngồi thiền mà tim đập quá thì biết dụng công nhiều, chăm chỉ quá. Cho nên chỗ này phải nhớ thật kỹ.

Không phải là việc của sức phản tỉnh,vậy mà cứ quay lại soi hoài. Tuy không phải quay lại mà vừa dấy niệm liền thấy. Như ánh sáng mặt trời bủa khắp, không cố tình soi rọi chỗ nào, mà sáng tất cả mọi nơi. Khi đến đây thì không chỗ nương tựa tức là làm hạnh của chư Phật.Tu tới chỗ này không còn chỗ nương tựa nữa, tức đang tu theo hạnh chư Phật. Tổ dẫn kinh Kim Cang làm chứng “nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia”, Lục Tổ và ngài Trần Thái Tông cũng thấy chỗ này.

Như vậy chúng ta thấy lời dạy trong kinh và chỗ thấy của chư Tổ rất trùng hợp, sự tu không mất gốc. Chúng ta tu mà không nắm vững, nên sanh bệnh này tật nọ, rồi đổ thừa tu thiền sanh bệnh. Khi không có niệm đối đãi dấy lên, lúc đó tâm mình sáng, biết một cách bàng bạc, giống như ánh sáng mặt trời trong hư không trùm khắp. Cái bàng bạc trùm khắp đó không chiếu một chỗ nào, mà không lúc nào không chiếu. Bởi nó sáng biết nên cái gì dấy động liền biết. Nếu tâm của chúng ta được như vậy là tu hạnh của chư Phật, không còn dính kẹt. Cho nên kinh nói “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”.

Đây là pháp thân thanh tịnh của ông, gọi là A-nậu Bồ-đề.Chúng ta thử ngồi lại tu, mới thấy mình có sẵn pháp thân. Chỉ ba phút, năm phút tâm không dấy niệm đối đãi duyên theo cảnh, lúc đó vẫn thường tri giác nên gọi là pháp thân. Pháp thân tuy có sẵn, nhưng vừa có niệm đối đãi dấy lên là nó phủ che. Vì vậy lặng niệm lại thì pháp thân hiện ra, chớ không đâu hết.

Pháp thân ở đâu mà ngộ? Nó không có chỗ nơi. Cho nên các Tổ nói “ngộ rồi đồng không ngộ”. Không có cái thứ hai. Pháp thân không hai, nó sẵn từ trong. Cái có sẵn đó là cái của chính mình hay nói chính xác hơn thì không có chữ “của” nữa. Thêm một chữ là trật. Cái chính mình mà chúng ta quên, chạy theo đối đãi hai bên thành ra khuất lấp. Bây giờ dừng đối đãi hai bên thì cái đó hiện rõ ra. Khi nó hiện ra, chúng ta biết rõ để sống, đó là sống trở lại pháp thân. Còn thấy ngờ, không biết phải mình không, rồi chạy theo niệm, đó là bỏ quên nó. Cho nên Tổ dẫn kinh nói “người cầu Vô thượng chánh đẳng chánh giác làm sao an trụ tâm”, Phật trả lời “không trụ sắc sanh tâm, không trụ thanh hương vị xúc pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Kỳ tâm là tâm vô thượng Bồ-đề, không dính sắc thanh hương vị xúc, đó là tâm vô thượng Bồ-đề.

Chúng ta có Phật mà không chịu sống với Phật lại đi sống với ma, đó là lỗi lớn. Sống với ma rồi sợ ma, chạy đi tìm Phật. Không gặp Phật thật chạy tìm Phật giả lạy, như vậy cứ quanh quanh quẩn quẩn. Thật đáng thương! Vì vậy ở đây chư Tổ chỉ thẳng lối tu trực chỉ, không tìm kiếm ở đâu hết, đừng để tâm dính kẹt hai bên. Tâm không dính kẹt hai bên mà hằng tri hằng giác là Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Tâm chân thật không phải xa, xa là vì chúng ta không chịu nhận. Hồi xưa không có ai chỉ dạy nên không biết, bây giờ có người chỉ dạy rồi chúng ta phải khéo nhận, khéo biết.

Nếu không lãnh hội được ý này, dù ông học được biết nhiều, siêng năng khổ nhọc tu hành, áo cỏ ăn cây, không biết tâm mình đều gọi là hạnh tà, quyết định sẽ làm quyến thuộc của thiên ma, tu hành như thế sẽ có ích lợi gì?

Ngài trách nếu người không lãnh hội được ý trên, dù học làu làu Tam Tạng kinh điển, siêng năng khổ nhọc tu hành, lấy cỏ kết thành áo, ăn lá cây mà không biết tâm mình, đều gọi là hạnh tà. Học giỏi, hiểu nhiều, tu khổ hạnh mà không biết tâm mình, đều gọi là hạnh tà. Chỗ này chúng ta phải lưu ý. Mình có tâm ham học, ham tu là rất tốt, người thế gian rất kính nể. Nhưng đối nơi chỗ cứu kính, nếu không nhận ra bản tâm thì tất cả các việc trên đều là hạnh tà. Nếu là hạnh tà quyết định sẽ làm quyến thuộc thiên ma. Tu hành để cầu giải thoát sanh tử, mà như vậy thì có lợi ích gì.

CHÁNH VĂN:

Chí Công nói: “Phật vốn tâm mình làm, đâu được trong văn tự cầu.”

GIẢNG:

Phật là từ tâm mình mà thành, chớ không phải trong chữ nghĩa. Nếu lấy chữ nghĩa làm sở đắc, đó là sai lầm.

CHÁNH VĂN:

Dù ông học được tam hiền tứ quả, thập địa mãn tâm, cũng chỉ là ngồi trong phàm thánh, không thấy đạo.

GIẢNG:

Được tam hiền tứ quả, là bậc nào? Nếu Bồ-tát thì thập tín, thập trụ, thập hạnh là tam hiền. Tứ quả là Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán. Được những quả vị này cho tới thập địa mãn tâm cũng còn ngồi trong đối đãi phàm thánh, chớ chưa phải chỗ chân thật. Đã là phàm thánh đối đãi thì không thấy được đạo. Không thấy được đạo tức không nhận ra Phật tánh hay pháp thân của chính mình.

CHÁNH VĂN:

Các hạnh vô thường là pháp sanh diệt, thế lực hết thì tên lại rơi xuống, chiêu cảm quả đời sau không như ý. Đâu bằng môn thật tướng vô vi, một phen vượt lên thẳng đến địa vị Như Lai. Vì ông không thể như người kia nên cần đến hóa môn của cổ nhân, học hiểu cho rộng.

GIẢNG:

Ở đây Ngài nói thật rõ ràng, nếu còn nằm trong phàm thánh thì chưa thấy đạo. Vì tam hiền, thập thánh là đối với phàm, cho nên còn hai bên đối đãi, còn đối đãi là không thấy đạo. Thấy đạo tức thấy được pháp thân. Tất cả hạnh là tướng sanh diệt nên vô thường. Vô thường sanh diệt có ngày phải hết. Nếu hết thì rơi trở lại, như mũi tên bắn lên thật cao, nhưng khi hết sức đẩy nó rớt xuống. Chỉ thấy được cái thật của mình mới không lên, không xuống. Cốt lõi của người học đạo là thấu suốt được thật tướng vô vi. Có thế mới một phen vượt lên thẳng địa vị Như Lai.

Vì ông không thể như người kia nên cần đến hóa môn của cổ nhân, học hiểu cho rộng.Người kia là người nào? Người kia là người lên thẳng địa vị Như Lai. Do không thể như người kia nên cần đến hóa môn của cổ nhân, học hiểu cho rộng. Hóa môn là cửa giáo hoá, có học nhiều hiểu rộng mới truyền đạo được. Nếu đủ khả năng đi thẳng lên địa vị Phật thì không phải quanh co.

CHÁNH VĂN:

Chí Công nói: “Không gặp minh sư xuất thế, uổng uống pháp dược đại thừa.”

GIẢNG:

Nếu chúng ta ra đời không gặp minh sư chỉ dạy thì uổng uống pháp dược đại thừa, vì không thể hiện được tâm chân thật.

CHÁNH VĂN:

Ông hiện nay trong tất cả thời đi đứng ngồi nằm chỉ học vô tâm, lâu ngày sẽ thật đắc.

GIẢNG:

Trong tất cả thời, từ sớm đến chiều đi đứng nằm ngồi, chỉ cần vô tâm. Vô tâm là vô tâm nào? Người ta dễ lầm chữ vô tâm lắm, tưởng vô tâm như gỗ như đá. Ở đây vô tâm là vô cái tâm sanh diệt, trong bốn oai nghi đều không dấy niệm sanh diệt, gọi là vô tâm. Nếu không có niệm sanh diệt, lâu ngày sẽ thật đắc được pháp vô sanh.

CHÁNH VĂN:

Vì ông lực lượng kém không thể đốn siêu, cần được ba năm, năm năm hoặc mười năm phải được chỗ vào, tự nhiên hội giải.

GIẢNG:

Nếu khả năng chúng ta kém không thể tiến thẳng được thì cần cù tu hành ba năm, năm năm, mười năm cũng được chỗ vào.

CHÁNH VĂN:

Nếu ông không thể như thế, thiết tha đem tâm học thiền học đạo, Phật pháp có gì liên hệ?

GIẢNG:

Nếu không được như vậy, dù đem tâm thiết tha học thiền học đạo cũng không có gì liên hệ với Phật pháp.

CHÁNH VĂN:

Cho nên nói: “Như lai nói ra đều vì giáo hóa người, như nắm lá vàng bảo là vàng để vỗ trẻ con khóc, quyết định không thật.”

GIẢNG:

Chúng ta không đi thẳng ngay chỗ chân thật, mà cứ bám vào giáo lý, bám vào kinh điển, nên Ngài dẫn trong kinh nói: “Như lai nói ra đều vì giáo hóa người, như nắm lá vàng bảo là vàng để vỗ trẻ con khóc, quyết định không thật.”Giáo pháp của Phật là giáo pháp chân thật hay giáo pháp để an ủi người? Chỗ này chỗ hơi khó nói. Lâu nay chúng ta tán thán lời Phật dạy là chân thật, cứu kính, không gì làm lay chuyển được. Nhưng ở đây Phật nói, giáo lý của Ngài như nắm lá vàng nói là vàng để vỗ con nít khóc thôi, chớ không phải vàng thật. Cho nên nói tới chỗ cuối cùng thì tất cả lời Phật nói là phương tiện, chớ không phải cứu kính. Cứu kính thì phải vượt qua lời nói.

Như bây giờ chúng ta đọc Bát-nhã chiếu kiến ngũ uẩn giai không, đó là lời bên ngoài, thành hay không do tự mình làm. Nếu lấy lời bên ngoài làm vàng ngọc, rồi đọc hoài có thành không? Như vậy mới thấy Phật Tổ dạy chúng ta phải làm, chớ không phải nói. Song lâu nay đa số người kẹt lời nói, nên học đạo hành đạo bằng cách đọc tụng lại lời của Phật, cho đó là trung thành với Phật.

Phật dạy giáo lý để khuyên chúng ta tu. Nếu đạt được lý thì phải quên lời, cũng như qua sông phải bỏ bè. Giáo lý là ngón tay chỉ mặt trăng, thấy mặt trăng rồi phải bỏ ngón tay. Giáo lý là phương tiện mà lâu nay chúng ta lại lấy làm cứu kính. Suốt một đời tu cứ đọc hoài lời Phật. Một ngày tụng ba biến, bảy biến kinh Kim Cang hay nửa bộ Pháp Hoa… như vậy cho là tu kỹ. Đọc tụng mà không hành đúng lời Phật dạy, đó chỉ là mắc kẹt trên phương tiện, không thấu triệt được chỗ cứu kính.

CHÁNH VĂN:

Nếu có thật đắc thì không phải người khách trong Tông môn của ta, vả lại cùng bản thể của ông có gì liên hệ?

GIẢNG:

Nếu người bám vào giáo điển cho là thật đắc thì không phải ở trong tông môn nhà Thiền, cũng không liên hệ gì tới bản thể của mình. Vì Phật tánh là bản thể, cái bên ngoài làm sao gọi là bản thể của mình được. Vì vậy không thể nói trong tông môn của ta, cũng không phải bản thể của ông.

CHÁNH VĂN:

Cho nên kinh nói: “Thật không có chút pháp có thể được gọi là A-nậu Bồ-đề.”

GIẢNG:

Kinh Kim Cang nói “thật không có chút pháp có thể được gọi là A-nậu Bồ-đề”.A-nậu Bồ-đề là vô thượng chánh đẳng chánh giác. Không có pháp nào gọi là vô thượng chánh đẳng chánh giác hết. Vì vô thượng chánh đẳng chánh giác là tâm. Đã là tâm mình thì không phải pháp bên ngoài.

CHÁNH VĂN:

Nếu như hội được ý này mới biết Phật đạo ma đạo đều lầm.

GIẢNG:

Nếu người thấu suốt được nghĩa này thì Phật đạo ma đạo đều lầm. Sao vậy? Ma đạo lầm thì phải, Phật đạo vì sao lầm? Vì Phật đạo ma đạo là cũng là hai bên, mà hai bên thì không phải thể chân thật. Nếu có lối ở ngoài, dù phải quấy gì cũng là lối ở ngoài, không phải cái thật của mình. Vì vậy nên nói đều lầm.

CHÁNH VĂN:

Chỗ xưa nay thanh tịnh trong sáng, không tướng vuông tròn, lớn nhỏ, dài ngắn v.v… Vô lậu vô vi không mê không ngộ, rõ ràng thấy không một vật, không người cũng không Phật, “hạt bọt trong biển đại thiên sa giới, tất cả Thánh Hiền như điện chớp”.

GIẢNG:

Ở đây nói lên chỗ chân thật của mình xưa nay thanh tịnh, trong sáng, không tất cả tướng vuông tròn, lớn nhỏ, dài ngắn, vô lậu vô vi, không sanh không diệt, không hai bên mê ngộ. Thấy không một vật là đến chỗ cứu kính, rõ ràng không có một vật. Không người cũng không Phật nữa. Ở đây dẫn bài “Chứng Đạo Ca” của ngài Huyền Giác hạt bọt trong biển đại thiên sa giới, tất cả Thánh Hiền như điện chớp, những hình ảnh ấy đều tạm bợ hư ảo, không có gì thật.

CHÁNH VĂN:

Tất cả không bằng tâm chân thật pháp thân, từ xưa đến nay cùng Phật, Tổ đồng một loại, chỗ nào thiếu kém một mảy lông? Đã hội được ý như thế cần phải cố gắng trọn một đời này thôi, hơi thở ra không bảo đảm trở vào!

GIẢNG:

Tất cả mọi thứ đều không bằng tâm chân thật tức pháp thân của mình. Tâm chân thật đó từ xưa đến nay cùng Phật, Tổ không khác, không thiếu kém một mảy lông. Chư Phật có tâm chân thật, chúng ta cũng có tâm chân thật, tâm Phật tâm chúng ta không khác. Chúng ta biết được như vậy rồi phải cố gắng buông xả, không nên mắc kẹt hai bên.

Nói buông xả ai nghe cũng dễ quá, buông xả là bỏ hết đi. Nhưng trên thực tế buông xả dễ hay khó? Có cái đang dính mắc, biểu buông cho nhẹ nhàng, nhất là đang gánh một gánh thật nặng, bảo quăng xuống đi, quăng xuống được thì khỏe, thảnh thơi làm sao. Vậy mà làm không dễ. Thành ra buông bỏ là lẽ thật mà chúng ta không can đảm nên buông không được. Nếu gánh một gánh đất hay một gánh gì hôi hám, ai bảo buông đi chúng ta thấy dễ, nhưng nếu gánh một gánh đồ quí mà bảo buông thì không dám buông. Như vậy chúng ta có thể buông được cái xấu dở, còn cái hay tốt thì không thể buông.

Ở đây Tổ bảo tất cả tâm tốt xấu hay dở đều buông. Bởi vì tốt xấu hay dở đều là tướng động, tướng sanh diệt. Nếu mình bám vào một tướng nào cũng đều là gốc của sanh diệt. Cho nên buông hết cái sanh diệt thì cái chân thật rõ ràng thường biết mới hiện ra. Do đó nhà Phật bảo buông tất cả để được tất cả hoặc nói ngược lại được tất cả là mất tất cả. Sao lạ vậy? Bây giờ nói như thế gian làm đâu được đó. Năm năm, mười năm, hai ba chục năm nhà lầu xe hơi đủ hết gọi là được tất cả. Nhưng tới khi thở khì ra không hít vô thì sao? Mất tất cả. Tất cả cái được đều mất, bởi vì chúng cung cấp cho thân này. Có cái gì không vì thân này đâu, như sắm xe để mình đi, cất nhà để mình ở, cái gì cũng để cho thân này. Khi thân này hoại thì tất cả cái được ấy đều mất hết. Đó là được tất cả mà mất tất cả. Còn chúng ta buông tất cả cái sanh diệt, tạm bợ phải quấy, hơn thua, để tâm chân thật hiện tiền. Ấy là bỏ tất cả mà được tất cả, bởi vì trong cái chân thật đã đầy đủ hết rồi. Vậy buông tất cả sẽ được tất cả không sướng hơn sao.

Người tu mới nhìn thấy như thiệt thòi, khờ dại. Nhưng sự thật trong cái khờ dại ấy có cái vi diệu bên trong, chớ không phải khờ dại như mấy chú khờ khờ ngoài đường. Người tu sống thâm trầm trong nội tâm, chớ không chạy theo hình tướng bên ngoài.

Đã hội được ý như thế,cần phải cố gắng trọn một đời này thôi,ngay trong đời phải làm cho tròn; hơi thở ra không bảo đảm trở vào.Một câu nhắc này buồn làm sao, thở khì ra nhắm mắt đi xuôi. Như vậy còn mong chờ cái gì mà không cố gắng. Cố gắng làm gì? Không phải cố gắng cuốc đất hay cất nhà nhiều, mà cố gắng buông tất cả. Đó là chỗ thiết yếu. Buông tất cả sẽ được tất cả, có thiệt thòi gì đâu mà không chịu buông. Những người hay phân biệt hơn thua phải quấy, hay phân biệt tốt xấu v.v… dễ buông hay khó? Khó buông.

Phật dạy trong kinh Kim Cang “nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện, ưng tác như thị quán”. Thế gian có gì thật đâu, không thật thì buông dễ chớ tại sao lại khó? Chúng ta nói buông nhưng nghe khen cũng thấy thật, nghe mắng cũng thấy thật, nên buông không được. Muốn buông phải có trí tuệ Bát-nhã nhìn các pháp như huyễn như hóa. Thấy như vậy thì buông không khó khăn, buông được đời tu mới có giá trị. Nếu buông không được thì hơi thở ra không hít vào uổng đi một đời, tất cả đều mất hết.

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Lục Tổ không hiểu kinh sách sao được truyền y làm Tổ. Thượng tọa Tú là Thủ tọa của năm trăm người, làm thầy giáo thọ, giảng được ba mươi hai bản kinh luận, tại sao không được truyền y?

GIẢNG:

Câu hỏi này có lẽ một ít chư Tăng, chư Ni cũng thắc mắc, một ông nhà quê dốt nát mà được truyền y, còn một vị thông minh giảng kinh thao thao lại không được, tại sao như vậy?

CHÁNH VĂN:

Đáp: Vì kia (Tú) có tâm là pháp hữu vi, có tu có chứng cho là phải. Ngũ Tổ trao cho Lục Tổ, Lục Tổ khi ấy chỉ nhằm khế hội, được thầm trao ý thậm thâm của Như Lai. Thế nên truyền y cho Ngài, ông chẳng thấy nói:

Pháp bản pháp vô pháp
Vô pháp pháp diệc pháp
Kim phó vô pháp thời
Pháp pháp hà tằng pháp.

Dịch

Pháp bản pháp là không pháp
Pháp không pháp cũng là pháp
Nay trao cái không pháp này
Mỗi pháp đâu từng là pháp.

GIẢNG:

Pháp bản pháp vô pháp,pháp bản là pháp gốc, pháp chân thật, pháp đó vốn không pháp. Chữ “không pháp” này hay vô cùng. Khi Lục Tổ trình bốn câu kệ cho Ngũ Tổ, trong có câu“bản lai vô nhất vật”,vật là pháp, xưa nay không có một pháp, Lục Tổ thấy đến chỗ này nên Ngũ Tổ mới cho vào thất giảng kinh Kim Cang rồi truyền y bát. Đệ tử của Lục Tổ là Nam Nhạc Hoài Nhượng, khi tới, Tổ hỏi một câu hết sức tầm thường: “Ông đến có mang vật gì không?” Nghe tầm thường như vậy mà tám năm sau Ngài mới trả lời nổi “nói một vật tức không trúng”. Tổ hỏi thêm: “Có tu chứng không?” Đáp: “Tu chứng chẳng phải không, nhiễm ô không thể được.” Sau đó được Tổ ấn chứng.

Nói “một vật không trúng” giống như Tổ thấy “bản lai vô nhất vật”. Nói một vật không trúng tức là không có một vật. Không có một vật là không ngơ sao? Cho nên Tổ hỏi gạn lại “có tu chứng không”, trả lời “tu chứng chẳng phải không”, nhưng “nhiễm ô không thể được”. Như vậy để thấy nó không phải là cái không ngơ. Chính chỗ đó nên nói pháp gốc là vô pháp, tức không có pháp gì hết. Bởi vì có một pháp là có một vật, mà có một vật là có tướng sanh diệt. Tâm chân thật vượt ngoài tướng sanh diệt, làm sao có một pháp.

Vô pháp pháp diệc pháp,như trên đã nói bỏ tất cả là được tất cả. Không một pháp mà là tất cả pháp, bởi vì không có pháp nào ngoài nó. Như vậy pháp gốc không phải pháp, nhưng không có pháp nào ngoài nó.

Kim phó vô pháp thời,nay trao cái không pháp này, nói trao nhưng sự thật có gì đâu để trao. Thầy thấu suốt như vậy, trò hiểu đúng chỗ của thầy gọi là trao, chớ có gì để trao đâu. Vì vậy nói: “pháp pháp hà tằng pháp”, tức pháp pháp đâu từng là pháp. Chỗ chân thật này không thể diễn tả được, chỉ tạm nhắc tới nhắc lui hai trường hợp như sau:

Trường hợp thứ nhất dễ nhớ dễ thấy nhất là một giờ nửa giờ chúng ta ngồi dưới gốc cây một mình, tâm rỗng rang, không dính mắc gì hết, lúc đó có một vật nào không? Không có một vật, không dính là không có vật. Lúc ấy có tri giác không? Rỗng rang nhưng tri giác hiện tiền. Chỉ không một vật vướng bận trong lòng, lúc đó rỗng rang, tri giác rõ ràng. Thế thì có ai không được một phút hai phút như vậy, đủ biết chúng ta có cái chân thật sẵn đây rồi. Nhưng nếu sực nhớ chuyện này chuyện kia liền quên nó. Đó là nói trường hợp ngồi thảnh thơi ngắm trời ngắm mây, hoặc ngồi dưới cội cây chơi như vậy mà có những phút rất tỉnh.

Trường hợp thứ hai là khi ngồi thiền. Khi ngồi yên tĩnh, chúng ta thấy không có niệm nào hết, lúc đó đâu có pháp gì. Không có một pháp nhưng tất cả động tịnh bên ngoài, mình đều biết hết. Không có một vật mà vẫn hằng giác tri thì Phật Tổ chỉ dạy mình tu đâu phải là chuyện bâng quơ, mà rất thực tế. Có những giờ phút ngồi chơi hoặc ngồi thiền, chúng ta nhận được rõ ràng như vậy nhưng vì nó bàng bạc, rỗng rang nên dễ quên.

Tôi thường ví dụ như chúng ta đang ngồi chơi ngó trời trong veo, thấy cũng thích thích. Nhưng đàng kia có chiếc máy bay, bấy giờ mình xoay lại nhìn chiếc máy bay mà quên bầu trời trong veo. Chừng nào máy bay bay qua mất rồi, họa chăng ta mới nhìn lại bầu trời trong veo cũ. Như vậy cái nào hấp dẫn hơn? Qua hình ảnh ví dụ này chúng ta thấy cụ thể vô cùng. Ngồi nhìn bầu trời trong veo, tâm yên ổn, thời giờ trôi qua mình không quan tâm. Nhưng nhớ chuyện vui buồn thì chạy theo không còn nhớ tới bầu trời trong veo. Một khi vui buồn trỗi dậy, nó dây chuyền hết cái này tới cái kia, gỡ được nút này lại sanh nút khác, không yên. Vậy mà chuyện buồn vui dường như hấp dẫn hơn, còn bầu trời lặng lẽ thênh thang thì dễ quên. Bao giờ chúng ta nhìn bầu trời trong không thấy chán, dù có chim bay hay máy bay bay cũng kệ, chỉ nhớ bầu trời trong veo thì tiến khá rồi. Tuy cũng có chim bay qua, nhưng mình không quan tâm, như thế khả dĩ không đánh mất cái quí báu có sẵn nơi mình.

CHÁNH VĂN:

Nếu hội được ý này mới là kẻ xuất gia, mới là tu hành tốt. Nếu không tin tại sao Thượng tọa Minh chạy đến ngọn Đại Dữu tìm Lục Tổ, Lục Tổ hỏi: “Ngươi đến cầu việc gì, vì cầu y vì cầu pháp?” Thượng tọa Minh nói: “Không vì y mà đến, chỉ vì pháp mà đến.” Lục Tổ bảo: “Ông hãy tạm thời thu niệm, thiện ác đều chớ nghĩ tính.” Thượng tọa Minh nhận lời này. Lục Tổ bảo: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính khi ấy hiện lại bộ mặt thật của Thượng tọa Minh khi cha mẹ chưa sanh.” Thượng tọa Minh ngay câu nói đó bỗng nhiên thầm khế hội, bèn lễ bái thưa: “Như người uống nước, lạnh nóng tự biết, tôi ở trong hội Ngũ Tổ uổng dùng công phu ba mươi năm, ngày nay mới biết lỗi trước.”

GIẢNG:

Chỉ một câu nói mà Thượng tọa Minh nhận ra được cái chân thật của mình. Song muốn trình bày chỗ chân thật ấy, Ngài nói như kẻ uống nước lạnh nóng tự biết, không diễn tả cho người khác biết được. Chúng ta có phần chớ không phải vô phần, nhưng vì không khéo nhận nên có cũng như không.

CHÁNH VĂN:

Lục Tổ bảo: “Khi đến đây mới biết Tổ sư từ Ấn Độ đến, chỉ thẳng tâm người thấy tánh thành Phật, không ở nói bàn.”

GIẢNG:

Lục Tổ bảo có nhận được rồi mới biết Tổ sư từ Ấn Độ sang chỉ thẳng tâm người thấy tánh thành Phật, không ở nói bàn. Nghĩa là phải nhận ngay được tâm mình là Phật, không phải suy luận, nói bàn mà biết được.

CHÁNH VĂN:

Đâu không thấy Tổ A-nan hỏi Tổ Ca-diếp: “Thế Tôn ngoài truyền y Kim Lan, còn riêng truyền pháp gì?”Ca-diếp gọi:“A-nan.”A-nan đáp: “Dạ.”Ca-diếp bảo: “Cột phướn trước chùa ngã.”Đây là chỗ bộc lộ của Tổ sư vậy. Ngài A-nan ba mươi năm làm thị giả chỉ vì trí tuệ đa văn bị Phật quở: “Ngươi ngàn ngày học tuệ, không bằng một ngày học đạo. Nếu không học đạo, một giọt nước cũng không tiêu.”

GIẢNG:

Tổ Ca-diếp khi nghe Tổ A-nan hỏi “Thế Tôn ngoài truyền y Kim Lan, còn pháp gì khác không”, Tổ Ca-diếp chỉ gọi “A-nan”, A-nan đáp “dạ”, Tổ Ca-diếp bảo “cột phướn trước chùa ngã”. Đó là chỉ cho ngài A-nan pháp mà Phật truyền riêng cho Ngài. Phật truyền pháp gì? Truyền cây phướn trước chùa ngã, phải không? Người xưa đã chỉ rõ cho người sau, nếu không khéo chúng ta không sao nhận ra được. Bởi vậy nên đa số cứ suy nghĩ, tại sao cây phướn trước chùa ngã. Suy nghĩ như vậy biết chừng nào ra.

Ngài A-nan theo Phật, nổi tiếng là đa văn, tức trí tuệ học giỏi nhớ nhiều, rốt cuộc bị Phật quở: “Ngươi ngàn ngày học tuệ không bằng một ngày học đạo. Nếu không học đạo một giọt nước cũng không tiêu.” Học tuệ là học gì? Học đạo là học gì? Tuệ đây là văn tuệ, tư tuệ. Còn đạo là tánh thật của chính mình. Nói thấy đạo là nhận ra bản tánh chân thật của chính mình. Chúng ta biết quay lại nhận ra tánh chân thật đó là học đạo, còn cứ theo chữ nghĩa học thuộc lòng bài này bài nọ, đó là học tuệ. Ở đây Phật dạy nếu không học đạo, một giọt nước của thí chủ cũng khó tiêu. Cho nên người tu phải học đạo. Bây giờ đa số tu sĩ chịu học gì? Chịu học tuệ. Lâu lâu thi lên cấp này cấp nọ, giỏi nữa tới bằng Tiến sĩ, oai quá chừng. Đó là học tuệ, không phải nhân giải thoát. Nhân giải thoát là trở về chính mình.

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Thế nào được không rơi vào giai cấp?

Đáp: Chỉ hằng ngày ăn cơm mà chưa từng nhai một hạt gạo trắng, trọn ngày đi mà chưa từng đạp một cân đất, cùng khi ấy không có tướng nhân, tướng ngã…, trọn ngày không rời tất cả việc mà không bị các cảnh mê hoặc, mới gọi là người tự tại.

GIẢNG:

Ăn cơm mà chưa từng nhai một hạt gạo trắng, nghĩa là sao? Câu này mang ý nghĩa ăn mà không dính vị ngon vị dở, vì vậy ăn cả ngày mà không kẹt vị. Trọn ngày đi mà chưa từng đạp một cân đất là sao? Nghĩa là đi mà không dính với cây cối, cỏ hoa, không dính với tất cả những gì trên đất. Khi ấy không thấy có mình thật, có người thật v.v…

Trọn ngày không rời tất cả việc mà không bị các cảnh mê hoặc,chúng ta nghe nói ăn mà không nhai nát hạt gạo, đi mà chưa từng đạp cân đất, không có tướng nhân, tướng ngã tưởng là không làm gì hết, nhưng ở đây Tổ dạy trọn ngày không rời tất cả việclà việc gì cũng làm, nhưng đặc biệt không bị các cảnh mê hoặc. Làm tất cả mà không dính tất cả, dính là bị mê hoặc. Như vậy mình nên làm hay không nên làm? Khi không việc thì nghỉ, có việc thì làm, làm tất cả mà đừng bị việc kéo lôi, làm cho mình mắc kẹt trong đó. Mới gọi là người tự tại,ai được vậy mới là tự tại.

Chúng ta có bệnh, khi không làm thì ai kêu làm nói để tôi tu, không chịu làm gì hết. Nghe cũng phải, để cho rảnh tu, chớ bắt làm hoài làm sao tu. Như vậy làm có nghĩa là không tu. Nếu ai cũng sợ làm tu không được thì chắc tới giờ múc nước lạnh uống cho rồi, làm gì có cơm ăn. Cho nên phải hiểu rằng không phải ngồi không mới gọi là tu. Chúng ta làm tất cả việc mà không bị cảnh mê hoặc, lôi kéo mới là người tự tại. Làm thì cứ làm, mà không bị việc làm cho kẹt là đúng.

CHÁNH VĂN:

Lại, lúc nào mỗi niệm đều không thấy tất cả tướng, chớ nhận ba thời trước sau, quá khứ không đi, hiện tại không dừng, vị lai không đến, ngồi ngay an ổn mặc tình không câu chấp, mới gọi là người giải thoát.

GIẢNG:

Người giải thoát là không dính tất cả niệm, không kẹt ba thời, không bị tất cả tình chấp trói buộc.

CHÁNH VĂN:

Cố gắng! Cố gắng! Trong môn này ngàn người, muôn người chỉ được ba người, năm người.

GIẢNG:

Ngài nói trong môn học này, ngàn người muôn người chỉ được năm ba người. Sao khó lắm vậy. Khó hay dễ? Không khó, nó dễ nhưng người ta không chịu dễ, bảo bỏ niệm mà không chịu bỏ cứ giữ hoài. Giữ cái nghĩ lăng xăng lộn xộn đau đầu hay thảnh thơi? Than đau đầu mà kêu bỏ không chịu bỏ. Bảo làm việc nhẹ nhàng lại nói khó, còn việc khó khăn thì cho là dễ, thật vô lý. Khó là vì chúng ta không can đảm, không dứt khoát, buông là buông, không cho nó tái lại, như vậy lần lần mới hết. Quí vị buông mà tiếc hoài. Tâm dính kẹt sao dễ vướng quá, chỉ nghe thoang thoáng gì đó là thấy khó chịu rồi. Ví dụ mình không làm việc ấy, bỗng ai đi ngang nói nho nhỏ, nghe động tới tên mình thì hơi khó chịu rồi, muốn tìm hiểu xem họ nói cái gì? Họ khen hay chê mình? Chưa kêu tận mặt chỉ nói nho nhỏ có tên mình là muốn điều tra rồi, như vậy dính hay không dính? Mới phớt qua thôi, chưa gắn vô mà mình đã dính, huống nữa chỉ mặt chú này hư xấu thì thôi ba bốn ngày bỏ ăn bỏ ngủ. Đó là vì chúng ta dễ dính quá, nên gỡ khó. Nếu không thèm dính thì buông rất dễ, có khó gì đâu. Như vậy lỗi buông không được là lỗi tại ai? Tại mình giữ kềm mãi nên không mất.

CHÁNH VĂN:

Nếu không làm việc này, ắt có ngày thọ ương. Cho nên nói: “Cố gắng đời nay phải xong xuôi, còn đâu nhiều kiếp mang tai họa.”

GIẢNG:

Cố gắng đời nay giải quyết cho xong, thì khỏi nhiều kiếp mang tai họa. Nếu không chịu giải quyết ngay đời này thì những kiếp sau phải mang họa, bị lôi kéo trở lại sanh nơi này, nơi kia chịu nhiều khổ nhọc.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]