Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

09_Ôn Tuệ Sỹ - Bậc Thạch Trụ Thiền Gia (bài viết của TT Thích Nguyên Tạng)

20/09/202311:49(Xem: 19774)
09_Ôn Tuệ Sỹ - Bậc Thạch Trụ Thiền Gia (bài viết của TT Thích Nguyên Tạng)

on tue sy-2023

 
on tue sy-45



Ôn Tuệ Sỹ
Bậc Thạch Trụ Thiền Gia

 

Bài viết của TT Thích Nguyên Tạng
Do Phật tử Diệu Danh diễn đọc





 

Ôn Tuệ Sỹ là một bậc cao Tăng thạc đức của Phật Giáo Việt Nam đã và đang cống hiến trọn đời mình cho công cuộc hoằng Pháp lợi sinh.

Từ đầu những năm 70 thế kỷ trước, là một trí giả Phật giáo uyên thâm, Ngài được đặc cách bổ nhiệm là Giáo sư thực thụ Viện Đại học Vạn Hạnh và là Chủ bút của tạp chí Tư Tưởng do Viện Đại học Vạn Hạnh phát hành. Ngài là tác giả, dịch giả nhiều bộ sách biên khảo quan trọng đặc sắc về Phật giáo, Văn học, Triết học, Thơ ca như Thiền Luận Suzuki, Tinh Hoa Triết Học Phật Giáo; nhất là các bản dịch giá trị để lại cho đời như: A-tỳ-đạt-ma Câu-xá Luận (trọn bộ 5 tập), Các Tông Phái Phật giáo, Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết, Luận Thành Duy Thức, các bộ Kinh Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A-hàm và Tăng Nhất A-hàm, v.v...

Cuối năm 1998, sau 14 năm trong chốn lao tù, Ôn về tịnh dưỡng tại Đồi Trại Thủy Hải Đức Nha Trang, lúc đó người viết bắt đầu xây dựng trang nhà Quảng Đức để phổ biến giáo lý, và người viết có duyên liên lạc với Ôn qua email từ đó. Tác phẩm đầu tiên Ôn gởi tặng trang nhà Quảng Đức là Piano Sonata 14[1]. Tiếp đó người viết và Thầy Viện Chủ Tu Viện Quảng Đức Thích Tâm Phương đã email xin Ôn cho 2 câu đối về Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu, Ôn đã hoan hỷ gởi cho ngay vào ngày hôm sau:


邈天荒故里而癈興競走驚濤片葉浮囊挂衲藤羅此岸

行世闊参方比朝露含暉耀景空花水月懸河碧珞神洲



-Quảng mạc thiên hoang cố lý, nhi phế hưng cạnh tẩu kinh đào, phiến diệp phù nang, quải nạp đằng la thử ngạn

-Đức hành thế khoát tham phương, tỉ triêu lộ hàm huy diệu cảnh, không hoa thủy nguyệt, huyền hà bích lạc thần châu


Ôn dịch nghĩa:


-Chốn cũ dặm dài man mác, bởi phế hưng xô dậy sóng cồn, chiếc lá thuyền nan, vá áo chép kinh đất khách

-Đức tu mấy bước mù xa, tợ sương sớm nắng hồng đọng bóng, hoa trời trăng nước, ngân hà dằng dặc quê cha


 

Câu đối này hiện được trang trọng tôn trí tại Tổ Đường Tu Viện Quảng Úc Châu. Cho dù hai câu đối ngắn nhưng Ôn Tuệ Sỹ đã gởi gắm trọn vẹn bức thông điệp của mình đối với hàng Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam ở Hải ngoại: Cho dù thân đang sống trên những xứ sở Tây Phương hiện đại, đầy đủ xa hoa vật chất, nhưng mong rằng tất cả mọi hành giả nên an bần thủ đạo, thiểu dục tri túc, vá áo chép kinh trên đất khách và nhất là canh cánh bên lòng mình còn có một quê cha đất tổ bên kia bờ đại dương.

Cũng trong ý tưởng đó, Ôn cũng đã viết tặng cho Chùa Pháp Vân bên Toronto, Canada (do HT Tâm Hòa Trụ trì) câu đối được khắc trên điện Phật:

住天寒極地空花如雪鎖禪扃生死遙程幾許夢回故里

行色没浮漚暮影凝烟参晚课唄吟長夜有時聲斷洪洲

Pháp Trụ thiên hàn cực địa, không hoa như tuyết tỏa thiền quynh, sinh tử diêu trình, kỷ hứa mộng hồi cố lý.

Vân hành sắc một phù âu, mộ ảnh ngưng yên tham vãn khóa, bái ngâm trường dạ, hữu thời thanh đoạn hồng châu

Ôn dịch nghĩa:

Cực thiên Bắc, tuyết dồn lữ thứ, sắc không muôn dặm hoa vàng, heo hút đường về, non nước bốn nghìn năm soi nguồn đạo PHÁP

Tận hồng châu, chuông lắng đồi thông, bào ảnh mấy trùng sương đẫm, mênh mông sóng cuộn, dòng đời quanh chín khúc rọi bóng phù VÂN


Nhớ lại, vào chiều ngày Chủ Nhật, 25/5/2003, người viết bay từ Melbourne lên Sydney tham dự buổi phát hành thi phẩm Giấc Mơ Trường Sơn của Ôn Tuệ Sỹ, được long trọng tổ chức tại Trung Tâm Tiếp Tân Crystal Palace, Canley Heights, tiểu bang NSW, Úc Châu. Lễ ra mắt thi phẩm do hai đệ tử của Ôn Tuệ Sỹ tổ chức: Luật sư Quảng Tường Lưu Tường Quang (Giám Đốc hệ thống phát thanh Đài SBS), Cô Quảng Anh Ngọc Hân (Trưởng Ban Việt Ngữ, SBS Radio), có hơn 500 đồng hương đến tham dự và ủng hộ. Hôm ấy người viết đã phát biểu cảm tưởng "Giấc Mơ Trường Sơn” của Ôn Tuệ Sỹ đã ra đời trong một bối cảnh đất nước không như ý, nhưng người nghệ sĩ, thi sĩ, Thiền sư, mang tâm hồn vượt thoát, không bị trở ngại bởi không gian, thời gian, hoàn cảnh, con người và ý thức. "Giấc Mơ Trường Sơn” đã phôi thai từ những rừng thiêng, nước độc, nơi những con người bị vứt bỏ, lãng quên, sống vất vưởng  cho qua ngày, đoạn tháng, như tác giả đã tự bạch: “Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ; Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn.” Tuy nhiên từ nơi đó, phát tiết ra những vần thơ trác tuyệt: “Tình chung không trả thù người, Khuất thân cho trọn một đời luân lưu”. Xét cho cùng, tác giả đã làm những gì có thể với khả năng có được trong giai đoạn điêu linh của xứ sở, và tất nhiên Giấc Mơ Trường Sơn là niềm ước mơ, kỳ vọng cho đất nước sớm tỏa rạng ánh bình minh: “Chân trời sụp ngàn cây bóng rũ, Cổng luân hồi mở rộng bình minh[2].



on tue sy
TT Nguyên Tạng cùng 2 học giả Chris Dunk (người Úc) & Tiến sĩ Robert Topmiller ( người Mỹ, ngồi cạnh Ôn)
đến thăm Ôn Tuệ Sỹ tại Tu Viện Quảng Hương Già Lam cuối năm 2002.





 

Ôn là đệ tử xuất gia của Đức Trưởng Lão HT Thích Trí Thủ, được Sư Phụ ban cho pháp danh là Nguyên Chứng. Cùng với HT Đỗng Minh, Ôn đã theo học luật riêng với Sư phụ Trí Thủ ròng rã ba năm dài và kết quả chính bản thân Ôn đã ghi chép và biên tập thành sách “Đàm Vô Đức Bộ Tứ Phần Luật Tỳ Kheo Giới Bổn Hiệp Chú” [3]. Đó là công trình tim óc một đời của Hòa thượng Trí Thủ  để lại cho đời sau, mà sự đóng góp công sức và tâm huyết không nhỏ của Ôn Tuệ Sỹ.

Ôn kể rằng Hòa Thượng Trí Thủ thường hay nhắc nhở hàng đệ tử về quan điểm áp dụng giới luật: “Luật để nâng đỡ những tâm hồn yếu đuối, không phải để giẫm đạp những người đã té ngã, khiến cho vĩnh viễn đọa lạc…. Cũng vậy, người yếu đuối nên thường dễ phạm giới. Do tinh thần yếu đuối, nếu xử trị nặng, người ấy bất kham có thể dẫn đến đọa lạc. Với người ý chí kiên cường, việc xử trị nặng là tôi luyện cho ý chí được bền chắc hơn. Ở đời đi dạy học, nếu dạy sai một vài bài toán, thì khổ lắm cũng chỉ trong một đời người thôi. Nhưng hướng dẫn người sai lạc, khiến người ta muôn kiếp đọa lạc, thì tội của mình không phải là nhỏ. Làm thầy độ người, phải cẩn thận. Trong suốt đời chuyên trách giáo dục đào tạo Tăng tài, Hòa thượng cũng đã bao che cho nhiều học Tăng phạm kỷ luật, theo lẽ phải bị trục xuất. Những vị ấy về sau lại trở nên tinh tấn, giới hạnh thanh khiết. Hòa thượng nói, giới luật để uốn nắn người xấu thành người tốt, chứ không phải chỉ để trừng trị”[4].

Ôn Tuệ Sỹ nhớ lại sự kiện khó khăn trong đời của Sư Phụ Trí Thủ “Năm đó, là năm mà Hòa thượng bị đặt trước một quyết định sinh tử, không chỉ quyết định vinh nhục của bản thân, mà quyết định liên hệ đến vinh nhục, tồn vong của Đạo pháp. Đó là quyết định mà người xưa nói, hoặc “lưu phương thiên cổ”, hoặc “di xú vạn niên”. Hành xử của bậc trượng phu xuất thế, bằng tâm lượng nhỏ nhoi của người thường, đủ thiếu vào đâu mà đàm tiếu, khen chê? Chi nhị trùng hà tri chi? Mượn lời Trang Tử để nói vậy: “Hai con sâu con ấy mà biết gì?” Làm sao hai con chim sẻ nhỏ kia mà biết được chí con đại bàng vỗ cánh trên bầu trời vạn dặm kia?[5]

Với Đức Trưởng Lão HT Thích Mật Hiển, vị Giám luật thuộc Viện Tăng Thống GHPGVNTN, Ôn Tuệ Sỹ đã viết: “Trách nhiệm của Ngài Giám luật là duy trì giềng mối và sách tấn việc hành trì giới luật của toàn thể Tăng già Việt Nam, không phân biệt hệ phái. Trong cương vị đó, nhân cách của Ngài Giám luật không chỉ đơn giản biểu lộ đức tu trì của cá nhân Ngài, mà phản ảnh cụ thể tinh thần sinh hoạt của toàn thể Tăng già Việt Nam, trong một thời điểm nhất định. Sự hiện diện của Ngài có khi hữu hành, có khi vô hành, như cổ thụ trong rừng già; có khi đứng mà chịu giông bão để che chở những cây con; cũng có khi chỉ đứng trơ vơ đó. Nhưng sự hiện diện ấy, dù trong tình trạng hay hoàn cảnh nào, chính do sự hiện diện ấy mà khu rừng được kính trọng gọi là rừng già. Đó là nói chung về uy đức của Ngài Giám luật đối với toàn thể Tăng trong toàn quốc. Riêng trong một địa phương cá biệt, như Thừa thiên-Huế là nơi sinh trưởng và hành đạo của Ngài, sự hiện diện gần gũi ấy đã ảnh hướng nhất định đến sinh hoạt Thiền môn một thời. Không chỉ dừng lại ở một thời, mà ngay cả khi thời thế thay đổi, nhân tâm ly tán, Tăng-già có nguy cơ tan rã dưới sức ép đa dạng của xã hội, hình ảnh của Ngài trong quá khứ vẫn hiện diện vô hành đủ uy đức để duy trì giềng mối Tăng luân, mặc dù có thể hầu hết Tăng Ni thế hệ hiện tại ở Huế khó có thể mường tượng được phong thái vừa nghiêm khắc vừa từ ái của Ngài Giám luật trong quá khứ như thế nào. Thế hệ trưởng thành của chúng tôi trong hiện tại, dù trực tiếp hay gián tiếp tiếp nhận được sự giáo huấn giới luật của Ngài, vẫn cảm nhận một cách cụ thể ấn tượng được che chở bởi thành trì giới luật mà chính Ngài Giám luật là vị tướng quân đứng trấn giữ suốt trong những thời kỳ nhiễu nhương của đất nước và của đạo pháp. Tất cả chúng tôi, bất kể hiện đang đứng ở đâu trong hàng ngũ Tăng già, đều có chung ấn tượng như vậy”. [6]

 

Và rồi, “sự biến Lương Sơn”, theo sau Đại hội bất thường GHPGVNTN được tổ chức ngày 01/10/2003, tại Tu viện Nguyên Thiều, Bình Định, với sự tham dự đông đảo của chư Tăng đại diện các tỉnh với sự thỉnh cử 41 Hòa thượng, Thượng tọa vào hai Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo. Tiếp đó, chính thức một Đại Hội Bất Thường và Lễ Suy Tôn Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang lên ngôi vị Đệ Tứ Tăng Thống GHPGVNTN, được tổ chức tại Tu viện Quảng Đức trong ba ngày 10, 11, 12 tháng 10 năm 2003, quy tụ 134 chư Tôn Đức khắp nơi trên thế giới tham dự. Đại Hội này đưa ra kế hoạch chấn chỉnh cơ cấu điều hành của các cấp Giáo Hội hải ngoại để nhịp nhàng hòa hài với Giáo Hội Mẹ tại quê nhà. Vận mạng Ôn Tuệ Sỹ gắn liền với Đức Trưởng Lão HT Thích Huyền Quang và Đức Trưởng Lão HT Thích Quảng Độ trong giai đoạn lãnh đạo GHPGVNTN từ đó cho đến nay.

Về tình trạng pháp lý và sinh hoạt của GHPGVNTN tại quê nhà, Ôn Tuệ Sỹ đã nói “Gần ba thập kỷ nay, Nhà Nước đã sử dụng tối đa bạo lực chuyên chính vô sản để triệt hạ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất; toàn bộ cơ sở của Giáo hội bị chiếm dụng; các vị lãnh đạo, người thì chết trong tù, người thì bị tù đày ròng rã. Giáo hội ấy nếu còn tồn tại, thì còn khả năng để đe dọa sự tồn tại của Đảng Cộng sản Việt Nam nên phải vận dụng các sách lược tưởng chừng như đối đầu với kẻ thù nào đó vô cùng nguy hiểm.” Không những thế, Giáo hội ấy được nhiều cán bộ cao cấp của Nhà Nước tuyên bố là không còn tồn tại, hoặc không hợp pháp để tồn tại. Nhà nước sợ gì một tổ chức bất hợp pháp, để phải vận dụng ngần ấy Bộ, ban ngành, đối phó với một chuyến xe khách. Tất phải có nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Rất nhiều người hiểu rõ nguyên nhân sâu xa ấy”. [7]

Với tình hình biến chuyển như trên, mọi sinh hoạt của GHPGVNTN dường như bị ngưng trệ, Ôn Tuệ Sỹ chỉ còn biết gởi gắm niềm tin cho Tăng Ni Việt Nam ở Hải ngoại, nhưng Ôn không khỏi lo âu, trăn trở vì xã hội phương Tây có quá nhiều cám dỗ, nên thông qua các Đạo từ, Ôn đã ân cần nhắc nhở chúng xuất gia đệ tử phải luôn thắp sáng ngọn đèn Chánh pháp, để soi sáng tâm tư, bước đi không lạc lối, để không bị đắm nhiễm trong danh văn và lợi dưỡng, những cặn bã hư ảo dư thừa mà quyền lực thế tục ban cho.

Khởi đi từ nhu cầu cấp bách của sinh hoạt Tăng, Ni thuộc PGVN ở hải ngoại, trong bối cảnh lịch sử hiện tại này, Tăng Ni cần có một sinh hoạt Tăng đoàn hòa hợp, tương kính, tương lân và mở rộng, không phân biệt Giáo hội, Pháp phái, Tông môn, để hỗ trợ nhau nhiều mặt trong sứ mạng "Trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng", nhằm mang lại lợi lạc bản thân, Tăng đoàn và góp phần lăn chuyển bánh xe chánh pháp trên thế gian này. Sự tồn tại và phát triển của Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại không thể không đặt trên nền tảng bản thể hòa hợp và thanh tịnh của Tăng đoàn, vì Tăng đoàn là cội nguồn lưu xuất cho mọi sinh hoạt của đời sống người xuất gia qua phương châm "Hoằng pháp là sự nghiệp, lợi sanh là lẽ sống". Trên tinh thần này, chư Tôn Đức thuộc 4 châu gồm Hoa Kỳ, Canada, Âu Châu và Úc Châu đã quyết định thành lập tổ chức lấy tên là "Tăng, Ni Việt Nam Hải Ngoại" nhằm qui tụ và kết nối sinh hoạt của Tăng, Ni Việt Nam ở khắp các châu lục.

Từ năm 2007 đến nay, mỗi năm hay hai năm một lần, Tăng, Ni Việt Nam Hải Ngoại tổ chức Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư để Tăng, Ni nhiều thế hệ thuộc các Giáo hội, Tông môn, Pháp phái, có thể vân tập đầy đủ, tổ chức lễ tưởng niệm hiệp kỵ chung, nhằm khắc ghi và tán thán công đức truyền bá và bảo vệ đạo pháp của chư vị Tổ Sư tiền bối; trong dịp lễ này, cũng là nhân duyên đoàn tụ cho Tăng, Ni Việt Nam khắp nơi trong bối cảnh ly hương, sống xa Thầy Tổ, có cơ hội ngồi lại với nhau trong thâm tình Pháp lữ, cùng tụng kinh bái sám, trao đổi kinh nghiệm tu tập và hành đạo, trình bày và chia sẻ những Tăng sự cần thiết. Từ đó đến nay "Lễ Hiệp Kỵ, Ngày Về Nguồn" đã được luân phiên tổ chức tại các nơi như Canada, Hoa Kỳ, Đức Quốc, Pháp Quốc, Úc Châu…

Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư – Ngày Về Nguồn lần thứ 12, năm 2022, tại Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu với hơn 100 Tăng Ni khắp nơi trên thế giới về tham dự, nhân dịp này Ôn Tuệ Sỹ, trong cương vị Chánh Thư Ký – Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống, đã gởi Lời Đạo Từ chúc nguyện đến Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại: “Thật là một nhân duyên lớn để có ngày hôm nay, nhân duyên lớn để cảm nghiệm uy đức chúng Tăng hòa hiệp; chúng Tăng trong và ngoài nước, từ các châu lục cùng vân tập về trong ngày Hội này, ngày Hội Về Nguồn với tất cả ý nghĩa sâu xa của từ ngữ. Về nguồn, để hòa mình trong dòng suối truyền thống bao dung nhân ái. Về nguồn, để thắp sáng ngọn đèn Chánh pháp, thắp sáng tâm tư của chúng đệ tử Phật bước đi không lạc lối, để không bị mê hoặc bởi hư danh và lợi dưỡng, những cặn bã dư thừa mà quyền lực thế gian ban cho; để không mất tín tâm bất hoại nơi Thánh đạo xuất thế mà sẵn sàng khuất thân nô dịch cho bạo lực thế gian. …trong cơn đại dịch, một dân tộc đang quằn quại dưới cái ác cực kỳ, của một lớp người bằng vào quyền lực cấu kết phi nghĩa đã bòn rút tận xương tủy của hạng quần chúng thấp hèn; trong cái ác tàn bạo bất nhân ấy, dân tộc này trong tối tăm đã thấy ngời sáng của tình tự bao dung nhân ái, chia sẻ nhau từng bó rau, từng bát gạo. Truyền thống bao dung nhân ái một thời đã đoàn kết toàn khối dân tộc để tồn tại qua những trận chiến hung tàn từ tham vọng quyền lực của nước lớn. …Trong bối cảnh lịch sử đó, Phật giáo Việt Nam sẽ thắp sáng ngọn đèn Chánh pháp để đồng với dân tộc trong lịch sử thăng trầm, vinh nhục; hay chỉ là những cửa hàng rao bán tà tín, tà giáo, cầu khấn ma quỷ; không chỉ là hiện tượng xã hội phổ biến làm lũng đoạn kinh tế, mà còn ru ngủ, xói mòn sức sống, tự lực vươn lên, của những thế hệ đang lớn.

 

Chúng đệ tử tại gia được giáo giới thực hành bốn nhiếp sự, để xây dựng cộng đồng hòa hiệp cho một xã hội bình đẳng, cùng nâng cao phẩm giá con người. Chúng đệ tử xuất gia sống chung hòa hiệp bằng sáu pháp khả hỷ, hòa kính, làm sở y an toàn cho một thế giới dẫy đầy biến động hiểm nguy, thường bị nuốt chửng bởi quy luật vô thường hủy diệt. Nhưng khi mà chúng đệ tử Phật không còn biết đến giá trị của những giáo nghĩa ấy, đắm mình trong những giá trị thế tục, tư duy bằng dị kiến, dị giới của thế tục, dẫn đến những mâu thuẫn, tranh chấp đấy là lúc con thuyền Chánh pháp tự đánh chìm ngoài biển khơi bởi trọng tải của chính nó. Sự thực lịch sử đã chứng minh điều đó. Thực trạng của Phật giáo Việt Nam hiện tại đang góp phần không nhỏ cho những xáo trộn xã hội, đang gieo rắc những tà tín, tà giải, quảng bá lan tràn những thực hành mê tín dị đoan, tin tưởng năng lực phò hộ của cô hồn, của ma quỷ, hơn là tin tưởng vào nghiệp quả”. [8]

Và mới nhất, Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư – Ngày Về Nguồn lần thứ 13 tổ chức tại Đại Tự Khánh Anh, Evry, Pháp Quốc, từ thứ Năm, 17/8 đến Chủ Nhật 20/8/2023 với hơn 300 Tăng Ni khắp nơi trên thế giới về tham dự.  Ôn Tuệ Sỹ đã gởi Lời Chúc Từ có đoạn viết: “Trong bối cảnh đảo điên giá trị ấy, Ngày Hội Về Nguồn của Chư Tôn Trưởng Lão cùng bốn chúng đệ tử đang hóa đạo và hành đạo tại Hải ngoại đã và đang ghi đậm trong tâm tư dấu ấn bi kịch lịch sử của Phật giáo Việt Nam trong thời hiện đại. Những người con Phật đã cùng chung cộng nghiệp với dân tộc này, trong đất nước này, đã cùng chung những giai đoạn thăng trầm vinh nhục trong lịch sử, đã cùng hy sinh xương máu để bảo vệ giá trị nhân văn truyền thống dân tộc. Thế nhưng, sau cuộc chiến tàn khốc huynh đệ tương tàn, khi hòa bình vãn hồi trong hy vọng anh em cùng chung huyết thống, một lần nữa cùng hòa hiệp để gầy dựng lại những gì đã gãy đổ, xoa dịu vết thương dân tộc gây ra bởi chiến tranh. Bình minh vừa ló dạng, mà dân tộc chưa từng thấy được bóng mặt trời, thì một lớp người vì lẽ sống, lẽ sống cho ấm no và đồng thời cũng là lẽ sống cho những giá trị tinh thần, đã từ giã quê hương để đi tìm quê hương mới, tưởng chừng có thể thỏa mãn ước vọng chưa định hình về giá trị nhân phẩm, về lý tưởng tự do, nhân bản. Một cộng đồng cùng chung huyết thống tổ tiên mà trong chiến tranh đã bị kích động bởi hận thù giai cấp, mâu thuẫn ý thức hệ; cho đến lúc hòa bình, tình trạng phân hóa dân tộc càng trở nên trầm trọng. Hai bờ Thái Bình Dương rì rào sóng vỗ vẫn đang âm vang mối hận của những oan hồn chưa thể giải thoát khỏi oan khiên lịch sử….Cùng chung oan khiên lịch sử dân tộc ấy, chúng đệ tử Phật, hàng xuất gia cũng như tại gia, một thời đã cảm thấy khó hành đạo một cách trong sáng trong giáo nghĩa của Đức Thích Tôn mà không bị lạc hướng, đành phải bỏ lại đằng sau các huynh đệ đồng phạm hạnh tự lưu đày trong chính quê hương của mình. Giá trị mới được định hướng bởi ý thức hệ mới, hình thành phẩm giá đạo đức mới với sự rao giảng một trật tự xã hội ưu việt nhất trong lịch sử tiến hóa của xã hội loài người, để được đại khối quần chúng tuyệt đối tin tưởng. Định hướng phát triển của Phật giáo Việt Nam đã được công bố, và là định hướng lịch sử duy nhất: Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội. Tiếp theo đó, từ định hướng cơ sở, hiện tượng trăm hoa đua nở của quá nhiều giáo phái Phật giáo, với nhiều Đạo sư, Thiền sư xuất hiện, tự chứng tỏ là chân truyền giáo lý từ chính Đức Phật. Đại diện duy nhất, tiếng nói duy nhất của Phật giáo Việt Nam hiện tại là Phật giáo theo định hướng chủ nghĩa xã hội, được lãnh đạo bởi Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam thông qua các hàng Giáo phẩm để tập hợp quần chúng trong sứ mệnh cao cả của Phật giáo Việt Nam....Nhân Ngày Hội Về Nguồn, trong niềm hỷ lạc từ nguồn suối quy nguyên, và cũng trong tưởng niệm những vong hồn oan khuất dưới lớp sóng Thái Bình Dương, chúng đệ tử Phật cũng từ nhân duyên này mà suy tư về sự hưng suy, chánh tín và tà tín của Phật giáo Việt Nam trong vận nước thăng trầm, cùng hòa hợp thành nhất thể thanh tịnh, trong bản thể thanh tịnh hòa hợp của Tăng-già. Trên cơ sở đó để định hướng cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam không bị lệch hướng, không bị biến chất để trở thành công cụ của bất cứ thế lực chính trị nào. Phật giáo Việt Nam chỉ có thể tồn tại theo một định hướng duy nhất: cứu cánh giải thoát và giác ngộ” [9]


Đối với thế hệ trẻ Tăng Ni sinh Việt Nam, Ôn Tuệ Sỹ đã có lời khuyến tấn: “Người xuất gia, khi cất bước ra đi, là hướng đến phương trời cao rộng; tâm tính và hình hài không theo thế tục, không buông mình chiều theo mọi giá trị hư dối của thế gian, không cúi đầu khuất phục trước mọi cường quyền bạo lực. Một chút phù danh, một chút thế lợi, một chút an nhàn tự tại; đấy chỉ là những giá trị nhỏ bé, tầm thường và giả ngụy, mà ngay cả người đời nhiều kẻ còn vất bỏ không tiếc nuối để giữ tròn danh tiết. Chớ khoa trương bảo vệ Chánh pháp, mà thực tế chỉ là ôm giữ chùa tháp làm chỗ ẩn núp cho Ma vương, là nơi tụ hội của cặn bã xã hội. Chớ hô hào truyền pháp giảng kinh, thực chất là mượn lời Phật để xu nịnh vua quan, cầu xin một chút ân huệ dư thừa của thế tục, mua danh bán chức”. [10]

Qua những lời nhắn nhủ của Ôn Tuệ Sỹ gởi cho thế hệ trẻ Tăng Ni Việt Nam, cho chúng ta thấy rõ Ôn đã quan tâm, trăn trở cho tương lai Phật Giáo Việt Nam như thế nào.

Đúng như lời thẩm định của nhiều Chư Tôn Đức Giáo Phẩm rằng “Thầy Tuệ Sỹ là viên ngọc quý của Phật Giáo Việt Nam”. Quả thật Ôn Tuệ Sỹ là hiện thân của minh triết trong đời sống phạm hạnh và trong văn chương chữ nghĩa. Uy phong đạo hạnh, ngôn từ của Ngài lúc nào cũng tỏa sáng, những lời Đạo từ vàng ngọc của Ngài về một tương lai Phật Giáo Việt Nam phát triển là kim chỉ nam và là một tia sáng soi đường dẫn lối cho hàng hậu thế. Bên cạnh đó, công hạnh nhẫn nhục, chịu đựng sự giam cầm tù đày với bao thống khổ mà ý chí vẫn kiên cường, lập trường vẫn kiên định không xu thời, và trong nỗ lực cuối đời, Ôn đã tiếp nối công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam và ấn hành thành công đợt 1 bộ Thanh Văn Tạng 29 tập. Bao thế hệ Tăng Ni trong và ngoài nước đều nương nhờ ơn đức giáo dưỡng của Ôn. Công đức hộ trì và bảo vệ Chánh Pháp của Ôn thật vô biên, tứ chúng hậu thế sẽ mãi tạc dạ ghi lòng.

Hàng hậu học đệ tử chúng con xin thành kính đảnh lễ và niệm ơn Ôn đã thị hiện vào cõi giới Việt Nam và đã làm rạng danh cho nền Phật Giáo Việt Nam trong hậu bán thế kỷ thứ 20 và đầu thế kỷ 21 này./.




[1] Piano Sonata 14 , Thích Tuệ Sỹ : https://quangduc.com/p157a48839/piano-sonata-14

[2] Lễ phát hành Thi phẩm Giấc Mơ Trường Sơn: https://quangduc.com/a30450/ra-mat-giac-mo-truong-son

[4] Một Thời Truyền Luật, Thích Tuệ Sỹ:  https://quangduc.com/a48842/mot-thoi-truyen-luat

[5] Một Thời Truyền Luật, Thích Tuệ Sỹ:  https://quangduc.com/a48842/mot-thoi-truyen-luat

[6] Cổ Thụ Trong Rừng Thiền, Thích Tuệ Sỹ: https://quangduc.com/a48844/co-thu-trong-rung-thien

[7] Sự Biến Lương Sơn, Thích Tuệ Sỹ: https://quangduc.com/a48847/su-bien-luong-son

[8] Đạo Từ Ngày Về Nguồn của Hòa Thượng Tuệ Sỹ: https://quangduc.com/a74362/dao-tu-ve-nguon-ht-tue-sy

[9] Thư Khánh Chúc Ngày Hội Về Nguồn: https://quangduc.com/a75879/khanh-chuc-ngay-ve-nguon

[10] Thư gửi các tăng sinh Thừa Thiên-Huế: https://quangduc.com/a48854/thu-gui-cac-tang-sinh

 

 

 

🙏🙏🙏🌻🌻🌻🌺🌺🌺🌿🌿🌿💐💐💐




Những Bài Viết Về Ôn Tuệ Sỹ:


Đi Vào Cõi Thơ Tuệ Sỹ (Bùi Giáng)

Hai Vị Thiền Sư: Tuệ Sỹ và Lê mạnh Thát (Phạm Công Thiện)

Tuệ Sỹ Đạo Sư - Thơ và Phương Trời Mộng (Nguyên Siêu, trọn bộ 3 tập)
"Tuệ Sỹ Đạo Sư" và Các Phương Trời Viễn Mộng (Cư Sĩ Nguyên Giác)

Ôn Tuệ Sỹ, Bậc Thạch Trụ Thiền Gia (Thích Nguyên Tạng)

Tuệ Sỹ Thiền Sư (Thơ của Thích Chúc Hiền)
Uy vũ bất năng khuất (thơ của Tuệ Kiên)
Đọc Thơ Tù Của Thầy Tuệ Sỹ (Nguyễn Minh Cần)

Giấc Mơ Trường Sơn của Tuệ Sỹ - Món Quà Văn Học Đặc Sắc ...(Bạch Xuân Phẻ)

Những Phương Trời Viễn Mộng - Khung Trời Tuệ Sỹ (Nguyên Đạo Văn Công Tuấn)
Thị Ngan Am (Thơ của Quảng Diệu, Nhạc của T Viên Giác Phi Long)

Thầy Tuệ Sỹ: Như Một Vầng Trăng Sáng (Cư Sĩ Nguyên Giác)

Giáo dục vẫn là niềm tin sau cùng còn sót lại (Thích Tâm Nhãn)
Nhân duyên tôi biết thầy Tuệ Sỹ (HT Thích Thái Hòa)
Chén Trà Lão Triệu Châu (BS Đỗ Hồng Ngọc)

Sau Giấc Mơ Trường Sơn (Cư Sĩ Trần Kiêm Đoàn)

Thích Tuệ Sỹ, khuôn mặt tiêu biểu của văn hóa Việt Nam (Trần Hữu Thục)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]