Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

01_Tuệ Sỹ Đạo Sư - Thơ và Phương Trời Mộng (sách pdf, trọn bộ 3 tập)

31/05/201211:49(Xem: 19725)
01_Tuệ Sỹ Đạo Sư - Thơ và Phương Trời Mộng (sách pdf, trọn bộ 3 tập)

tue sy-dao su-3

TUỆ SỸ ĐẠO SƯ
Thơ và Phương Trời Mộng 

(trọn bộ 3 tập)

Tác giả: Nguyên Siêu
Ban Tu Thư Phật Học Hải Đức Nha Trang
In lần thứ nhất
California - Hoa Kỳ 2002
Tái bản lần thứ nhất
California - Hoa Kỳ 2006


Lời Ngỏ

 

Qua những bài của Thầy Tuệ Sỹ, với nhiều thể loại, truyện ngắn, hồi ký, các tài liệu giáo dục, những văn kiện gởi nhà cầm quyền CSVN, những nghiên cứu tư tưởng Phật học... mang nội dung uyên áo lịch nghiệm theo từng thể tài một, người viết lấy đó làm bước đầu cho sự tập thành quyển sách này.

Với khả năng thô thiển, chỉ mong gửi được chút tâm tình đến tất cả chư vị hằng quan tâm đến tiền đồ của quốc gia dân tộc, mang hoài bão xây dựng quê hương, sẽ nghe được tiếng thét bi hùng qua các văn kiện mà Thầy đã dốc hết tâm huyết tánh mạng mình trước sức mạnh của sắc thép. Những bài học làm người đúng nghĩa của một con dân yêu Tổ quốc giống nòi, những tư tưởng siêu thoát, những ý thơ lai láng tuyệt cùng, huyền diệu cùng những áng văn chương đầy tự tình dân tộc.

Bằng tấm lòng chân thành của người học trò nghĩ về bậc Thầy cao cả - đứng trước ngọn cuồng phong, hứng chịu những cơn lốc thời đại, mà lưng Thầy không cong, chân Thầy không quỵ - mạo muội làm công việc biên soạn này.

Lượng biết sức mình, nên xin được thưa cùng Thầy, với sự khuyến tấn, chỉ giáo, với sự tác thành nhân cách tương lai cho đàn hậu duệ, xin Thầy từ bi hoan hỷ cho những điều khiếm khuyết.

việc làm này, trong cung cách của người học trò đối với Thầy, chỉ mong đáp đền ân đức cao dày qua một thời gian được cùng sống, cùng học, cùng làm việc chung với Thầy. Với một tâm niệm hoài mong báo bổ công ơn giáo huấn, tài bồi của Thầy hơn suốt thập niên 72-84, ngày Thầy "được" chế độ đương thời trao cho bản án tử hình năm 1988. Và kể từ đó cho đến nay, 2001, chưa gặp lại Thầy. Dù không gian có cách xa nghìn trùng, thời gian có trôi qua đôi ba mươi năm, nhưng vẫn thoáng đâu đây như một hôm nào đó, lời Thầy giảng bài trong lớp học còn vang vọng. Dáng dấp gầy gò của Thầy với nụ cười tươi, như đóa mai vàng trong đêm giao thừa lễ Phật nơi chánh điện của mùa Xuân năm nào, như vẫn còn hiện diện quanh đây. Những ngày Thầy trò âm thầm, lặng lẽchuyên chú dịch Kinh A Hàm, 1977, đánh máy bản thảo tại Thư Viện, Thầy như bậc kỳ tài, thạc đức làu thông kinh điển chấp bút - Tăng TriệuTăng DuệKhuy Cơ - bên hình ảnh khả kính của Ôn Từ Đàm - Viện Trưởng. Tất cả những tài sản tinh thần quý giá đó vẫn luôn trân quý, bảo trọng cho mãi đến mai sau.

Người viết tập thành quyển sách này, chỉ làm công việc góp nhặt tư liệu của một chặng đường lịch sử quê hương dân tộc, mà Thầy là một trong những chứng nhân trên chặng đường lịch sử đó. Một chặng đường mà suốt cả một chiều dài lịch sửchưa bao giờ dân tộc cũng như đạo pháp bị vây khổn, áp bức đến phải thất tán tha hương.

Đắn đocưu mang mãi trong nhiều năm qua, với khả năng hạn hẹp người viết chỉ e có nhiều thất thố, nhưng bằng tâm tình Thầy trò, cùng sự khuyến khích của các bậc Tôn túc, cũng như sự đóng góp của quý Phật tử, bằng hữu nên mãi đến hôm nay mới mạo muội ra mắt chư vị độc giả.

Trong không khí tĩnh lặng, trong ánh bạc huyền ảo của vầng trăng 16 trên ngọn đồi Pháp Vươngthấp thoáng hình dáng ai bên chiếc dương cầm đang tấu lên khúc nhạc thanh bình, mơ mùa xuân Thái Hòa cho quê hương ngày mai tươi sáng.

Chân thành kính thâm tạ sự ưu ái của Quý Ngài, Quý Phật tử và bằng hữu.

Cali, ngày 16 tháng 9, năm Tân Tỵ - 2001

Ban Tu Thư Phật Học Hải Đức Nha Trang

Nguyên Siêu


MỘT

 

Nói về một người, hay đúng hơn, viết về một người đã khó, mà viết về một nhân vật đặc thù lại càng khó hơn. Viết về một người Thầy của mình, những tưởng là dễ, ngờ đâu lại khó hơn gấp bội.

"Nhứt thiết chúng sinhtâm tưởng dị cố, tạo nghiệp diệc dĩ, do thị cố hữu, chư thú luân chuyển". Tất cả chúng sinh, vì ý nghĩ việc làm không giống nhau, nên lưu chuyển trong các loài cũng không giống nhau. Mỗi con người sinh ra trên cõi đời này đều có nguyên nhân và lý do của nó. Nói theo chữ nhà Phật thì đó là nghiệp lực - ngoại trừ Chư vị Bồ Tát có mặt trong cuộc đời này là do nguyện lực - còn tất cả đều là do nghiệp tái sinh.

Vậy chuyện một người, là chuyện một thời điểm của lịch sử, của một đời người, từ lúc chào đời cho đến khi nhắm mắt giã từ, cũng là thể theo nghiệp lực.

Chuyện của một người, là ta chỉ nói đến người ấy trong đời hiện tại này mà không nói đến tiền thân của người ấy có thể đã có từ vô lượng kiếp, và bây giờ, thân đó chỉ là một thân trong vô lượng tiền thân, một hình ảnh trong vô lượng hình ảnh. Chuyện của một người, là từ khi sinh ra rồi lớn lên, trưởng thành theo năm tháng. Xuôi theo giòng thời gian năm tháng đó, chuyện một người quả thật không thể kể xiết. Khi vui, khi buồn, khi vinh, khi nhục, nhiều lúc vui lòng, nhiều khi phật ý. Nhiều lần thánh thiện nhưng cũng lắm lúc phôi pha. Vậy chuyện của một người là chuyện của năm mươi năm, hay hơn thế nữa. Chuyện đó được nối kết từng bước chân đi, từng hành động nhỏ, từng cách ăn tiếng nói, từng cái nhìn, cái ngồi, cái đứng, cái xử sự, lối xã giao.
Chuyện một người là chuyện của một nhân sinh quan, một nghệ thuật sống, một nhận định để xác định hay phủ định. Chuyện một người là bao gồm phần đời sống tâm linhtư tưởng hiểu biết, phần đời sống vật thể, nhu cầu áo cơm vật thực. Và còn nhiều nữa để nói về chuyện một người. Chỉ có thể nói đến những gì hiện bày cụ thể bên ngoài, còn cái gì tiềm ẩn, kín đáo sâu xa thì muôn đời không thể nói hết được. Nói chuyện một người, kỳ thực chỉ nói lên được một đôi phần của người đó mà không thể nói hết, nói cho trọn vẹn.

Người xưa có nói: "Họa hổ họa bì, nan họa cốt. Tri nhân tri diện bất tri tâm." Vậy thì muốn viết về một người, làm sao viết lên tâm tư người đó, ý chí người đó, nguyện lực người đó? Bởi vì những thứ ấy tồn đọng trong tận cùng trái tim sôi sục bầu máu nóng. Bầu máu nóng vì hạnh nguyện độ sinh. Trái tim sôi vì từ bi cứu thế.

Chuyện một người đã âm thầm len lỏi đi vào lòng nhân loại bằng phong cách của kẻ sĩ, những lời thơ, ý kệ đầy ắp tấm lòng hào hiệp, chan hòa ước vọng một quê hương trong tự tình dân tộc.

Chuyện của một người mà cũng là chuyện của nhiều thế hệthế hệ đã qua, thế hệ hiện tại và thế hệ tương lai.

Khi ta nói chuyện một người, mới nghe qua tưởng là đơn giản, dễ dàng, nhưng kỳ thật không như mình nghĩ. Cho dù, chuyện một người được khởi sự từ thuở ban sơ, hay cuối đời sinh tử đi nữa thì vẫn là tuyệt cùng kỳ bí, tuyệt cùng mầu nhiệm. Chuyện một người mà người viết muốn nói đến là những nguồn tư tưởng siêu xuất, là trí tuệ của kẻ xuất trần, là bước chân đã dạo trên khắp các miền thi ca văn học nhân loại, là những suy tư cho nhân thế, là ngòi bút thép viết lên nguyện vọng đời người chân chính, là ý chí kim cương trước cường quyền, vững như núi trước cuồng phong bão tố.

Người viết muốn nói chuyện của một người, muốn nói đến cái Dũng của kẻ bất khuất trước bạo lực, cái Hùng trong những nỗi nguy nan và cái Bi giữa biển đời nhiều khổ lụy.

Chuyện của một người đã can trường đứng lên - bất chấp hiểm nguy của chính bản thân - để cất cao tiếng hát ca ngợi tự dotự do cho loài người, cho cỏ cây sỏi đá, cho đến cả mù khơi sương tuyết.

Chuyện của một người bị vây khổn và tù hãm. Nơi đây hình dạng gầy gò được hiển lộ bằng đôi mắt ngời sáng có thần, sâu thẳm, vầng trán hàm tàng tất cả những tình tự quê hương nòi giống, ưu tư đến sự tồn sinh của dân tộc. Chuyện một người, từ lúc cất tiếng khóc chào đời cho đến ngày hôm nay, hình dạng đó, trái tim đó và ước nguyện đó vẫn như bình minh rạng rỡ tinh khôi, của từ thuở con người hạnh ngộ. Chuyện của một người, ở đây chỉ là chuyện của một mẫu người dung dị, một siêu trầm của dòng suy tưởng mênh môngphiêu diêu thoát tục, thể nhập vào chốn tục trần, nhiều mộng mơ để hành xử, hiển bày lòng từ bi cứu thế độ nhân.

"Vị sư đó, dáng mảnh khảnhmắt tinh anh, từ thờ trẻ, đã từng đứng trên bục giảng Viện Đại Học Vạn Hạnh (Sài Gòn trước 75) thao thao giảng những luận đề Triết học Đông, Tây, kim cổ, những thảo luận uyên thâm về Phật giáo Nguyên Thỉ, Phật giáo Đại ThừaThiền TôngTánh Không Luận...

... Vị sư đó, vào tuổi trung niên, đã lững thững dấn bước chân Bồ Tát bất thối vào chốn nguy nan để dấy lên lớp lớp hải triều gọi kêu tự dodân chủ công bình cho nhân sinh giữa vô minh dằng dặc.

Vị sư đó, mọi thời, mọi lúc, cứ như nhất hành trạng vô úythong dong với chiếc lam y, tự tại trong áo nâu sòng, dù đang giữa thị tứ đô hội, giữa núi đồi cỏ cây tịch mặc, hay giữa chốn ngục tù với án tử hình vô nghĩa (1988)..." (Hoa Đàm, 15-9-2000)

Chuyện một người, tưởng như vô tận để nói, như tiếng dương cầm, dìu dặt rong chơi trong gió, thong dong trong mây, và lững lờ trong hơi sương, khói đá, tựu thành tinh thể thời gian, đến khi mặt trời thức giấcchuyển hóa núi đồi vũng tuyết, nước loang để lưu lại dấu vết côn trùng trườn mình trong lau sậy.

Đó là chứng nhân của một thời. Con người gầy guộc của tuổi trẻ Việt Nam với một nỗi cô đơn kinh hoàng, một vùng trời trống vắng như tâm tư bị xô dạt xuống vực thẳm, chợt vươn vai vùng dậy, để nhìn thấu đáo tuổi trẻ của hôm nay, tuổi trẻ được nâng niu trong tháp ngà vọng tưởng, trong tự ngã vong thân.

Tuổi trẻ trong cái nhìn của Đạo, mà Đạo là con đường thánh thiện để tuổi trẻ đi lên. Phật là con người toàn giácgiác ngộ cho ai có được hạnh lành. Vậy, chuyện một người có thể chuyện của tuổi trẻ, vì người ấy đang ưu tư về tuổi trẻ, để khởi hướng đi cho tuổi trẻ, đang nuôi dưỡng tuổi trẻ để tuổi trẻ có thể nhìn sâu vào bản thể của quê hương dân tộc, có cái nhìn thuần hậu về Đạo Pháp. Đó là những bước chân vững chắc, là hình ảnh hạo nhiên tự dựng, xây mạch sống như nhiên hùng tráng.

Chuyện một người, nói về tuổi trẻ, để vực dậy ý thức, tiềm năng ngàn đời còn vùi sâu trong vô thức, để đứng lên, để tập đi, tập nói, tập nhìn đời qua lương tâm sùng phụng, qua lương tri tinh khiết, trong ngần.

Đó là ý thức vào đời bằng tài sản tự thân.


 

HAI

Bây giờ, trăng mồng 8 hãy còn non, e lệ sau áng mây đầu đỉnh núi. Gió nhè nhẹ. Sóng êm đềm. Cua còng đó đây nằm phì nước bọt. Dấu chân người in trên cát. Cát lưu dấu chân người. Người đã đi về dĩ vãng, dấu chân người như còn lưu lại nơi đây. Cái hùng vĩ của núi rừng, như cái bao la của biển cả đã đưa người đi vào đại dương, đưa người đi vào rừng xanh. Trời xanh, cây lá xanh, và giấc mơ xanh của người về từ miền núi cao, sương trắng. Từ đó, người xây dựng cuộc sống như truyện một người trên mặt đất khô, trên rừng cây khô, trên thảm cỏ khô, trên từng chiếc lá khô phơi bày trên con đường của dế giun linh hoạt.

Bóng người thoáng qua, nhưng dư âm của người còn vang vọng. Dáng dấp người gầy guộc, nhưng tâm trí người minh mẫn. Như tia nắng mặt trời, như lấp lánh trăng sao, của bầu trời cao, xanh thẳm.

Bên cửa sổ, dáng người ưu tư mái tóc trắng của Cha, chiếc lưng còng của Mẹ. Hai hình ảnh hai triết lý sống bùng dậy và nung nấu quả tim người. Tôi không mong mình sẽ là loài hải âu ngủ trên sóng nước, như dáng người nằm ngủ trong chiếc nôi, ngồi ngủ trên chiếc đôn, thức trong lòng quê hương như người đã từng cưu mang, coi nhẹ sự sống chết.

Người tù, thân sau chấn song, chân tay trong dây xích sắt. Xích đôi tay, xiềng đôi chân. Một chế độ đang đập nát khối óc tri thức, tẩy sạch não loài người văn minh tiến bộ. Người tù chỉ còn lại dăm ba chữ để u ơ nói chơi. Nói để biết mình có nói. Nói để biết mình có nghe, và nói để ngôn ngữ lần khần.

Người đã nói. Nói đến một núi rừng âm u trong bóng đêm mịt mùng. Đêm trong đêm. Đêm trong muôn trùng của đêm đang gieo rắc hạt mầm, đêm đang nẩy nở đốt cháy ánh ban mai. Mặt trời hồng tắt lịm. Bên ghềnh đá đêm nay, bóng người ngồi đếm từng đêm trôi qua trong những đêm trường tĩnh mịch.

Tôi không mơ một ngày về trong cái đêm đen tối mịt mùng ấy, khi không còn long lanh những ánh sao trong bầu trời mênh mông u tối mịt mù. Đêm của người hành khất đi xin chút lương tri. Đêm của kẻ bị tước đoạt mất quê hương trên chính quê hương của mình xin được về nương thân nơi chôn nhau cắt rốn. Đêm đen đó đã đánh thức ý thức của loài chim. Nhặt từng sợi cỏ khô. Nhặt từng cánh lá khô. Nhặt từng nhánh cây khô. Kết tụ thành tổ ấm, nuôi dưỡng đàn chim non. Chim Việt.

Người tu chung thân như tạm quên là mình đang ở trong chốn lưu đày. Người đã đi qua cồn cát, bãi sậy, nương dâu mà vun trồng những hạt nhân cho nhân loại. Hạt nhân của nhân bản. Hạt nhân của nhân luân. Hạt nhân của nhân nghĩa. Hãy tưới mát vườn rau quê mẹ, để người về trên đôi chân trần, với hai bàn tay thô mà vui xới ruộng đồng.

Bên vỉa hè, hay phòng biệt giam, đối với người tù, chỉ có không gian mới gần, thời gian thì rất xa. Sau chấn song tù, cạnh lỗ gió, dưới tường rêu, bên hàng cỏ mục, mùi ẩm mốc rong rêu, tôi chỉ hình dung thấy đàn mối đang đụn từng khối đất. Đất của mình, đất của Mẹ, đất của người tu chung thân.

Lớn khôn là kết quả nung đúc của thời gian, già nua là kết quả của tuổi đời chồng chất. Tuổi của người tù nguyện xin ở tù, như giọt sương rơi nguyện thấm vào lòng đất, để vun quén bãi hoang thành vườn cây trái ngọt.

Loài sâu bọ gậm nhắm gốc cà non, loài dế mèn khóc thâu đêm trường, đổ lệ. Một lần không lối về? Đường xưa, đất lạnh!

Cho đến hôm nay, tất cả đều giã từ như vang tiếng gọi của người từ đỉnh núi, từ lòng biển sâu và dừng lại nơi đâu đó để rồi tồn trữ, luân lưu vọng lên lời kinh siêu thoát. Qua nét bút, bên đĩa dầu hao, người tù trầm mình trong suy tưởng, như con ong xây thành tổ sáp hút mật no tròn nuôi chủng loại ong con.

Người vẫn đợi, như mây trời thênh thang dong duổi theo từng bước chân cô lữ. Bóng người nhỏ dần sau cánh cửa nhà tù khép kín.


BA

Núi rừng Trường Sơn trùng trùng điệp điệp. Người tù co ro trong trại giam. Đêm tối mịt mù. Một ánh lửa. Ánh lửa từ một chiếc lò dã chiến làm bằng lon sữa bò để đun nước pha trà? Ánh lửa từ nhà bếp chuẩn bị nấu ăn? Hay ánh lửa từ một thuở hồng hoang nào còn vương lại! Ánh lửa trong mường tượng, bập bùng trong đêm lửa trại ngở như mới hôm qua! Tiếng củi than nổ lách tách, ngọn lửa reo vui bốc cao.

Đêm Trường Sơn vẫn hoàn toàn u tịch, thoảng tiếng gió rít qua các tầng lá cây cao ngất.

Người tù nín thở lắng nghe. Hòa trong tiếng gió, thoảng như âm vọng tiếng trống đồng thủa rừng núi Phong Châu, tiếng trống bập bùng lễ hội thanh bình của dân tộc Lạc Việt tự ngàn xưa trong lòng Trường Sơn ngạo nghễ. Là Trường Sơn hùng vĩ, chạy dài ôm lấy Đông Hải, là địa linh, là nhân kiệt.

Trường Sơn xưa là hơi thở, chất ngất hồn thiêng sông núi.

Khởi đầu từ đâu? Một cơn gió thoảng. Trường Sơn như sống lại thủa nào Châu Hoan dũng liệt bên bến sông Lam. Ánh trăng vằng vặc vẫn còn in bóng người tráng sỹ năm nào mài kiếm dưới trăng:

Quốc thù vị phục đầu tiên bạch,

Kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma!

Trường Sơn đó, Trường Sơn của một đêm nào sao đầy trời trên thành Lục niên núi Bồ Liệp, của nhuệ khí ba quân trên núi Quyết: "Giặc đến phen này chỉ mua lấy cái chết mà thôi!"

Tiếng suối reo ở chân đồi nào đưa người vào Tân Sở, ghềnh thác nào theo người về trong núi Vụ Quang?

Một ánh lửa sáng rực lên. Bộ Việt Thường thời lập quốc. Một ánh sao băng ngang bầu trời. Hịch Cần Vương ngày nào kêu gọi toàn dân.

Xuôi về Nam, chiều về vang câu hát vọng quốc của Huyền Trân Công Chúa vượt ngàn Châu Ô, Châu Rí. Và đâu đó còn âm hưởng của khúc khải hoàn ca ngày tái chiếm.

Tiếng củi nứa nổ lách tách trong ánh lửa bập bùng. Làn khói bốc cao, thoát ra khỏi những tàn cây dầy đặc. Làn khói bay lên cao, cao mãi.

Trường Sơn đó, từ thời lập quốc, là nơi dung dưỡng bao nhiêu nhân tài, hào kiệt. Đã có biết bao nhiêu người con yêu của giống nòi dũng liệt từ Trường Sơn mà vươn lên, mà vùng dậy.

Gió thổi mạnh. Rừng cây rạp mình trong gió, Trường Sơn nổi giận. Giông bão tơi bời. Những con đường mòn của một lũ người khát máu cưỡng bách biết bao nhiêu tài nguyên ưu tú của đất Tổ để rồi sinh bắc tử nam! Trường Sơn đã trở thành một nơi miễn cưỡng tiếp nhận hình hài máu xương của những thế hệ thanh niên rường cột dân tộc vì những ý thức điên cuồng từ phương bắc.

Trường Sơn đó, một thời nào lừng lẫy, oai linh.

Trường Sơn đó, bây giờ chỉ còn là nơi chôn vùi bao thân xác của tương lai dân tộc vì một cuồng vọng ngoại lai.

Trường Sơn đó, bây giờ chỉ là những nhà tù của đám chủ nhân trong lòng chứa đầy hận thù của một tín điều không tưởng.

Trường Sơn đó, bây giờ thêm một lần tiếp nhận những oan khiên đầy ngang trái.

Trường Sơn đó, bây giờ, cúi đầu tủi nhục.

Người tù khơi lại ánh lửa sắp tàn, mong Trường Sơn ngày mai rực sáng.

BỐN

Người tù co ro trong chiếc chiếu rách bươm, gối đầu lên gốc cây cháy nám. Khí lạnh của Trường Sơn đêm nay xuống thật thấp, người tù trằn trọc. Nghĩ gì về quê hương dân tộc.

Có ai nhìn thấy người tù đó trong vóc thân tiều tụy. Nhưng ai đó được nhìn thấy người tù đến tận cùng tâm não? người tù nghĩ gì về số phận hiện tại của mình bị đoanh vây bởi bao ác thú của núi rừng?

Trở nhẹ mình, thoáng đâu đây có tiếng chân người đang bước trên lá khô. Người tù mở mắt nhìn những người trông coi tù đang đi tới - hay đó cũng là những kẻ bị tù? - Thỉnh thoảng người tù và người coi tù cũng có những giây phút thoáng nhìn nhau đồng cảm. Chẳng hạn như đêm nay, giữa núi rừng Trường Sơn rét buốt. Hai con người, hai tâm hồn cùng suy nghĩ, cảm nhận về số phận, số phận người coi tù có khác biệt gì mấy với số phận của người tù?

Người coi tù ngồi xuống, đốt điếu thuốc thô. Ánh lửa lóe lên trong đêm đen tăm tối. Phải chi đó là một chút ánh sáng của lương tri thì cũng đủ làm cho núi rừng Trường Sơn bớt lạnh.

Hai người cách nhau một khoảng cách ngắn. Có thể là họ đối diện nhau, nhưng không nói. Có thể trong sự im lặng đó họ đã nói với nhau thật nhiều. Nói về một quê hương lầm than đói khổ, rách nát vì những "đỉnh cao trí tuệ". Nói về một dân tộc nghèo đói, tụt hậu mà những "đỉnh cao" chỉ nghĩ đến quyền lực của bản thân. Nói về những đạo đức bị phá bỏ. Nói về văn hóa lịch sử của giống nòi vị chà đạp, hủy diệt. Nói về đời sống tâm linh bị xiềng xích, gông cùm... và dường như họ còn muốn nói nhiều hơn nữa trong mọi địa hạt, nói đến quyền sống của con người.

Điếu thuốc tàn. Người chăn tù mở ba lô lấy chiếc mền mỏng khoác lên người rồi thao thức. Người chăn tù mơ về một phương trời nào đó có mái ấm gia đình, có cha mẹ, vợ con, có nhiều hình ảnh thân yêu của một con người cần có, mà nơi đây, giữa rừng Trường Sơn trống vắng, người chăn tù cảm thấy cô đơn trong đêm trường vắng lặng. Người tù có thể có những suy nghĩ khác hơn. Người tù đứng lên, như dãy Trường Sơn ngạo nghễ, vững chãi. Là gia bảo của giang sơn gấm vóc, người tù muốn dựng lại những gì của quê hương, dân tộc đã bị sụp đổ. Cảnh tỉnh một thế hệ vong thân, dựng lại những thế hệ trẻ để tiếp nối dòng sinh mệnh quê hương.

Hai con người, hai tâm sự. Tâm sự người tù là tâm sự của kẻ vùng dậy, thét gào đòi công bằng cho quần chúng đang bị bóc lột, đòi tự do dân chủ cho đất nước. Người tù ở tù vì mọi người bị tù - Một nhà tù khổng lồ nhốt trọn mấy chục triệu người dân. Người tù kêu gọi tầng lớp thống trị thức tỉnh lương tâm để còn kịp nhìn thấy quê hương dân tộc đang rơi vào hố thẳm, đã bước thụt lùi mấy chục năm trước những văn minh tiến hóa của nhân loại. Người tù đã tình nguyện nhốt mình trong tù vì sự an nguy cho tất cả. Người tù đã nhận chân được giá trị đích thực của sự ở tù và sự chết trong tù. Người tù chấp nhận ở tù để người dân được tự do. Người tù chấp nhận sẽ chết trong tù để người dân được sống bằng sự sống: "Những điều tôi nói đúng hay sai, tôi biết bản thân tôi phải chịu trách nhiệm, và có thể phải chịu những hình phạt khổ nhục nhất. Trên hết, lịch sử sẽ không bao giờ tha thứ cho các phần tử trí thức mà nhân dân đã tốn nhiều công sức bồi dưỡng, nhưng vì khiếp nhược, xu phụ quyền thế, mà phải câm miệng trước những bất công và thống khổ mà nhân dân phải âm thầm chịu đựng. Cho nên, ở đây, tôi đặt tất cả sinh mạng và phẩm cách của một con người vốn không có phương tiện tự vệ nào, không có bất cứ sự bảo vệ nào của pháp luật, ngoài nhục hình và sự chết, trong bàn tay sắt của bạo lực chuyên chính, cũng như nhiều con người đáng kính và đáng phục khác đã chấp nhận và đã chết, để cho lương tri và lý trí của con người Việt Nam còn tồn tại trong ý nghĩa cao đẹp nhất của dân tộc."

Người tù đã quyết mở ra một sinh lộ cho dân tộc trong tử lộ của bản thân. Người tù đã chiêm nghiệm và ý thức bao nhiêu cái chết trong nhà tù của chế độ. Những người tù đã chết trong ý thức tự tồn dân tộc. Sự chết này, như đã đóng góp xác thân, xương máu để tô đậm cho giang sơn gấm vóc được thanh bình thịnh trị. Như những chiếc lá mục nuôi dưỡng cho núi rừng Trường Sơn xanh ngát.

Tâm sự người tù có phải là tâm sự của núi rừng Trường Sơn chất ngất.


NĂM

Người tù vào cuộc lữ

con người vào cõi phù hư, quanh quẩn

đâu đây như là cát bụi chiêm bao, thông già quán trọ?

người tù hóa thân vào cát bụi

như bồ tát hóa thân làm hạnh độ sinh

hạnh nguyện tư lương độ đời kham nhẫn

Bồ Tát bước chân

vào cuồng lưu giòng đời sinh tử

hành trang là lãng du cát bụi đá mòn

là nỗi lạnh sương khuya

là chiêm bao gió lốc

là đỉnh đá tóc huyền sương mai

là hương tóc cũ là một kiêu hùng

trao thân cho cát bụi

người yêu cát bụi chẳng chung tình

gửi nguyện ước cho muôn trùng

trùng dương dậy sóng

chỉ còn là tự tình để yêu đốm lửa đêm thâu

gửi thân tạo dựng

quê hương với nỗi hờn thiên thu khổ lụy

cho một khoảng trống vắng mông mênh

sau lưng, bụi đường khỏa lấp

chôn chân mục nát rêu phong

từ đó, thì thầm nghe phương trời nào là gác trọ.


Sáu

Những ngày đầu của lớp học chuyên khoa dưới mái Phật Học Viện đến nay đã tròn 32 năm. Thời gian 32 năm quả là dài, nhưng kỷ niệm dường như mới hôm qua. Những hình ảnh quả Quý Ôn, Quý Thầy nhất mực lo cho Tăng sinh ăn học đã in sâu vào tâm trí, khó có thể quên được. Một đời của Quý Ngài đã hy sinh cho việc đào tạo Tăng tài, xây dựng, tài bồi cho thế hệ kế thừa mạng mạch Phật pháp, cho dẫu hao tổn bao nhiêu tâm huyết Quý Ngài cũng chẳng từ nan. Những sự hy sinh cao cả ấy đã khiến anh em cựu học Tăng, mỗi lần có dịp gặp nhau lại tha thiết nhắc đến những kỷ niệm đẹp của thời cắp sách dưới mái học đường.

Ngày đầu tiên gặp Thầy Tuệ Sỹ từ Sài Gòn ra đảm nhận lớp chuyên khoa của Viện, bản thân người viết cũng như anh em học Tăng ai cũng cảm thấy có một cái gì là lạ. Có lẽ một phần vì dáng người nhỏ nhắn, gầy gò của Thầy, cộng với mái tóc hơi dài, ung dung trong bộ áo nhật bình 4 vạt bạc thếch màu đà, dài quá đầu gối một chút khiến Thầy có vẻ khác thường hơn người. Hình như Thầy là vị giảng sư duy nhất của Viện có cung cách ăn mặc giản dị và khiêm tốn như thế.

Nghe tin Thầy ra dạy, cả Viện xôn xao chuẩn vị đón Thầy, ngay cả Quý Thầy trong Ban Giám Đốc của Viện cũng nôn nao không kém.

Không khí Phật Học Viện tự nhiên tươi vui, nhộn nhịp hẳn lên. Nào là dọn phòng ốc, nào là lo sắm sửa bộ tách trà, phin lọc cà phê, cắt đặt người làm thị giả...

Không những bên Viện, mà đến Quý Ôn bên Tỉnh Hội dường như cũng bận rộn hẳn lên. Chiều nào Quý Ôn cũng chống gậy qua Viện coi sóc công việc và chuẩn bị những thứ cần dùng cho Thầy. Đích thân Quý Ôn, sắp xếp từ nơi ăn, chốn ở, từ giường nằm, bàn làm việc cho đến bàn uống trà, cà phê... Có lần người viết được thoáng nghe, Quý Ôn chỉ sợ công việc giảng dạy ở đây không giữ được một vị Thầy tài giỏi thông minh hiểu biết như Thầy, để cùng Quý Ôn chăn dắt Tăng sinh.

Bao nhiêu háo hức, nôn nao, chờ đợi. Rồi ngày ấy cũng đến. Cả Viện rộn ràng tiếp đón Thầy, Quý Ôn trong Ban Giám Đốc vui mừng, ai cũng cười, ai cũng nói. Riêng các anh em học Tăng, tuy rất ngưỡng mộ Thầy, nhưng chỉ dám đứng xa mà nhìn. Quy luật của Viện đối với học Tăng thời bấy giờ rất nghiêm túc, nên chúng tôi không được ngồi ngang hàng hoặc nói chuyện với Quý Ôn, cần thưa gửi việc gì đã có vị lãnh chúng đại diện, và: "Giá trị đánh điệu ngang bằng với ý nghĩa cắm ba nén nhang lên bàn thờ Phật."

Trong thời gian đầu ở Viện, Thầy còn nghỉ ngơi chưa giảng dạy, nên anh em cũng chưa có dịp tiếp xúc với Thầy. Cho đến hôm Thầy đến lớp và cũng là ngày giới thiệu Thầy với học Tăng. Ôn Vụ Trưởng Vụ Phật Học Viện đích thân đưa Thầy tới giới thiệu với lớp học, cả lớp đứng dậy im phăng phắc. Sau đôi lời giới thiệu, Ôn Vụ Trưởng trao nhiệm vụ giảng huấn lớp cho Thầy.

Lần đầu tiên nghe Thầy giảng, sao mà khó hiểu quá! Có lẽ chưa quen, hay vì trình độ mình quá kém chăng? Có lẽ cả hai. Cả lớp học hầu như không ai lãnh hội kịp những lời Thầy giảng. Một hôm Thầy giảng Triết học Tây Phương, Thầy cứ thao thao bất tuyệt trên bục giảng, đám học Tăng chúng tôi lại được dịp ngỡ ngàng trước những danh từ Triết học mới lạ.

Thế rồi, vào những giờ văn học Trung Hoa, Thầy cũng vẫn thao thao bất tuyệt. Nào là "Tựa Đằng Vương Cát" của Vương Bột:

Nam Xương cố quận,

Hồng Đô tân phủ.

Tinh phân Dực Chẩn,

Địa tiếp Hành Lô...

Lạc hà dữ cô vụ tề phi,

Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc.

Trước những đôi mắt ngưỡng phục của chúng tôi, và bằng những tư tưởng uyên bác, Thầy đã dẫn anh em học Tăng đi từ những tư tưởng Đông Phương qua Triết lý Âu Tây. Cả một trời kiến văn thông thái, chưa kể những am hiểu sâu sắc về Kinh, Luật, Luận mà Thầy trao truyền cho lớp học.

Suốt bốn năm Trung đẳng, từ năm 1970-1974, ngày hai buổi đều đặn cắp sách đến lớp học, Thầy trò chẳng rời nhau. Từng giờ học, từng bữa ăn, những buổi chiều tản bộ trên đồi Trại Thủy, khi nấu nước sớm nơi nhà bếp, hay khi hóng gió trên tháp sắt nhìn ra biển khơi, lúc nào Thầy cũng chu đáo, ân cần khuyến khích anh em gắng học để nối tiếp Quý Ôn trong trách nhiệm truyền thừa đạo Pháp.

Bốn năm Trung đẳng, thời gian tuy không dài, nhưng anh em đã học được rất nhiều từ nơi Thầy, từ sự tu tập bản thân đến kiến thức trên nhiều lãnh vực. Thầy rất nghiêm túc và khắc khổ trong công việc giảng dạy và nghiên cứu. Nhờ vậy, nên thời gian sau này anh em học Tăng chúng tôi đã tỏ ra khá vững vàng trong công việc phiên dịch, thuyết pháp, giáo dục...

Ngày thi mãn khóa Trung đẳng rồi cũng đến.

Chắc hẳn anh em học Tăng khó mà quên được thời gian học thi ngày ấy, ai ai cũng cố gắng hết sức để khỏi phụ lòng Thầy. Dãy Tăng đường xây trên lưng đồi Trại Thủy, phía trước là lối đi dưới hàng bông sứ, phía sau nhìn xuống cánh đồng dừa, xóm Xưởng, Phương Xài, Ngọc Hiệp... dường như được thắp sáng suốt đêm, vì anh em mỗi người một bóng đèn tròn treo lửng lơ trên vách cặm cụi học thi. Sự chăm chỉ này phần lớn là nhờ công lao của Ôn Từ Đàm (Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Viện Trưởng Viện Cao Đẳng Phật Học Hải Đức, Nha Trang) và Thầy.

Lên Cao Đẳng, anh em càng nhìn thấy rõ hơn tinh thần trách nhiệm của Thầy. Thầy đích thân soạn thảo chi tiết chương trình bốn năm Cao Đẳng và Thầy đã nhận trách vụ Giám Học Học Vụ của Viện Cao Đẳng Phật Học năm ấy, 1974.

Năm Cao Đẳng Phật học bắt đầu, 1974, Thầy như một "Đạo Sư", hướng dẫn, chỉ đạo những luận đề cao hơn, và Thầy cũng gần gũi với anh em học Tăng hơn.

Nhưng chính vì sự gần gũi và trách nhiệm giáo huấn nặng nề, Thầy có vẻ khắt khe, nghiêm túc hơn thời gian Thầy dạy chúng tôi ở ban Trung Đẳng. Ban ngày Thầy dạy học, ban đêm đi canh thiền. Từ phòng Thầy ở, nay là văn phòng của Ôn Viện Trưởng, đến cư xá Tăng Sinh Viên, mới cất trên cốc Ôn Già Lam (Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Giám Viện Phật Học Viện), phải leo lên hai tam cấp và qua một cái cổng. Ấy vậy mà cứ đến mười giờ đêm hô canh ngồi thiền là đã thấy Thầy canh thiền, bất chấp những đêm mưa bão, chưa bao giờ thấy Thầy vắng mặt ngày nào. Và đó cũng là điều anh em học Tăng phải "ngán" Thầy mà chẳng dám "ngọa thiền."

Thầy "khó" trong lãnh vực giảng dạy, và "nghiêm" trong phạm vi tu tập, nên có lần Thầy đã bỏ lớp, về phòng đóng cửa không tiếp ai, vì một anh em học Tăng không thuộc bài. Thầy tâm sự: "Kể từ ngày tôi đến với quý thầy cho đến hôm nay, tôi không đi đâu cả, chỉ nhất mực hướng dẫn cho quý thầy và mong quý thầy phải học, mong quý thầy phải ý thức bổn phận của mình, nếu không sẽ uổng công Quý Ôn đã lo lắng. Khi xưa tôi cũng vậy, mình phải nghĩ đến công ơn của Thầy Tổ, công ơn của đàn na thí chủ lo cho mình, đừng phí công ấy mà đắc tội." Lời lẽ tuy giản dị nhưng đanh thép, hàm chứa bao nhiêu tâm huyết lo lắng cho đàn hậu duệ. Và cũng chính vì tâm huyết ấy mà sau biến cố 75, Thầy nhất quyết ở lại với quê hương.

Thời gian êm đềm trôi qua dưới mái Học Viện, nhưng sự êm đềm ấy đã bị biến cố 75 bất ngờ thổi đến, phá tan bao mộng ước tương lai. Viện Cao Đẳng đóng cửa, quý Thầy không còn được giảng dạy như xưa; anh em học Tăng phân tán mỗi người mỗi nơi, có người phải rời Viện về nhà với cha mẹ. Việc học bị dừng lại nơi đây. Thầy một mình một bóng, thỉnh thoảng gặp một vài học Tăng chuyện trò, nhưng không khí đã ảm đạm mất rồi, đâu còn những ngày rộn rã khi xưa.

Để khỏi lãng phí thời giờ và để khuây khỏa, Quý Ôn đề nghị anh em học Tăng dịch Kinh A Hàm và Thầy duyệt lại. Công việc dịch Kinh sách đã làm Thầy hăng hái, mẫn tiệp hơn lên. Mỗi sáng, sau giờ công phu sớm, điểm tâm xong, thầy trò dẫn nhau lên Thư Viện, mỗi người mỗi việc, người dịch sách, người chấp bút duyệt bản thảo, và người viết cặm cụi đánh máy cho đến khi dịch xong bộ Trung A Hàm. Và rồi những bộ sách khác được tiếp nối: Truyện Pháp Cú, tuyển tập Nikàya A Hàm... sau đó đưa qua nhà in Hoa Sen của Viện để in.

Nhưng, thời gian êm ả ấy cũng chẳng được bao lâu. Năm 1977, thời cuộc biến đổi khốc liệt hơn, người phải đi lao động kinh tế mới, người bị buộc đi nghĩa vụ quân sự... Anh em lần lượt trở về nguyên quán, nơi chùa của Thầy Tổ, thất tán tha phương, tù tội và ngay cả Thầy cũng cùng chung số phận với anh em. Cũng từ năm ấy, Thầy phải về làm rẫy ở Vạn Giả, cách Nha Trang khoảng 60 cây số, về hướng Bắc. Thầy một mình lặng lẽ trong những chuyến tàu đêm đi về hôm sớm, ghé thăm Chùa, Viện.

Cho đến một hôm, mọi người bàng hoàng khi nghe tin Thầy bị bắt giam ở trại tù Phan Đăng Lưu, Sài Gòn, (1978-1980). Sau đó, Thầy được thả về tạm trú tại Tu Viện Quảng Hương Già Lam, cho đến ngày bị bắt lại và "được" nhà nước ban cho cái án tử hình, năm 1984 (bằng những sự vận động và can thiệp của nhiều quốc gia trên thế giới, án tử hình giảm xuống còn án tù chung thân).

Cuộc đời cũng có lắm cái bất ngờ. Năm 1980, Quý Ôn sai mang máy quay ronéo vào Chùa Già Lam, để giúp việc dịch Kinh sách. Người viết lại có cơ duyên được học lại với Thầy lớp Cao Cấp Phật học tại Già Lam (lớp học này dĩ nhiên không hợp pháp đối với nhà nước đương thời). Thầy lại trở về với vai trò giảng dạy, từ những tư tưởng Tánh Không cho đến Nhơn Minh Luận, từ chân trời Hoa Nghiêm duyên sinh cho đến giáo nghĩa u huyền Bát Nhã... anh em học Tăng lại được dịp quây quần về núp bóng Ôn Già Lam để cùng học với Thầy.

Thời gian này, anh em học Tăng vừa học vừa làm việc với những công trình trước tác, phiên dịch của Ôn Già Lam, dưới sự trông coi và hướng dẫn làm việc của Thầy.

Ngay cho đến bây giờ, những công trình biên khảo ấy của Ôn Già Lam, nhiều bản cũng chưa được in ấn, kể cả bộ Tự Điển Phật Học Phổ Thông, bộ Bách Khoa Phật Học Đại Tự Điển... Anh em học Tăng được nương tựa dưới bóng tùng đức độ của Ôn và dưới sự coi sóc của Thầy, đã hoàn thành được nhiều công trình trong lãnh vực văn học khảo cứu. Một trong những kết quả gặt hái được là sự thành tựu các tác phẩm cho ngày "Truyền Thống Cúng Dường Pháp", 19-09 Âm lịch hàng năm, cũng là ngày sinh nhật của Ôn Già Lam. Đây cũng là ước nguyện bày tỏ lòng tri ân công đức của Ôn, trong suốt mấy thập niên qua. Ôn đã vì tương lai của đàn hậu duệ, mở ra các Phật Học Viện, đào tạo bao lớp Tăng tài để cung ứng cho đạo pháp. Sự hy sinh và ân đức của Ôn còn mãi in sâu trong tâm khảm của tất cả cựu học Tăng ngày ấy.

Bốn năm, 1980-1984, trôi qua trong âm thầm lặng lẽ với dáng vẻ bình an, nhưng tự trong thân tâm của mỗi học Tăng tạm trú chúng tôi đều hiểu rằng: "Không ai có thể biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra cho mọi người, cũng như chương trình đang học có được hoàn tất như ước nguyện."

Cho đến một ngày, Thầy lại dở dang với chương trình dạy, cả hai lần Thầy dạy đều không hoàn tất - lớp học ở Viện Hải Đức Nha Trang, và lớp học ở Chùa Già Lam. Thầy lại bị bắt mang đi vào ngày 01 tháng 04 năm 1984, chế độ tuyên án tử hình năm 1988 (do sự can thiệp của quốc tế, Thầy bị tù gần 15 năm, và bị chế độ quản chế sau khi ra khỏi tù cuối tháng 9 năm 1998). Ước vọng đào tạo Tăng tài một lần nữa lại không thành, Ôn Già Lam viên tịch.

Nghĩ lại những ngày qua, tuy không thiếu những kỷ niệm đẹp, nhưng sao cũng lắm nỗi bất trắc, kinh hoàng!

 

 
pdf-download

Tuệ sỹ những phương trời viễn mộng tập 1

Tuệ sỹ những phương trời viễn mộng tập 2

Tuệ sỹ những phương trời viễn mộng tập 3




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]