Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần thứ chín

25/03/201213:05(Xem: 9252)
Phần thứ chín
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA NÓI VỀ CHÚA GIÊSU
Nguyên tác: LE DALAI LAMA PARLE DE JÉSUS
Éditions Brepols, Paris. 1996
Người dịch: Vĩnh An

PHẦN THỨ CHÍN

“Kế đó, các môn đệ lại trở về nơi họ ở. Tuy nhiên Maria đứng sát bên mộ phía ngoài mà khóc, bà vừa cúi người nhìn vào trong mộ; bấy giờ bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng một người ngồi đằng đầu, một người ngồi đằng chân nơi đã đặt thi hài Đức Giêsu. Họ nói với bà : “Này bà tại sao bà khóc ?” Bà nói với họ: “Tại vì người ta đã lấy Chúa tôi đi và tôi không biết họ đã đặt Ngài ở đâu ?” Nói thế rồi, bà quay lại và trông thấy Đức Giêsu đang đứng nhưng không nhận ra Ngài. Đức Giêsu nói với bà : “Này bà, tại sao bà khóc? Bà tìm ai?” Tưởng đó là người làm vườn, bà nói với Ngài : “Thưa ông, nếu chính ông đã đem Ngài đi, xin ông cho biết ông đã đặt Ngài ở đâu, tôi sẽ đến lấy Ngài” Đức Giêsu nói với bà : “Maria !” Bà quay lại nói bằng tiếng Hi-pri với Ngài : “Rabbuni !” có nghĩa là “Lạy Thầy !” Đức Giêsu nói với bà : “Đừnggiữ Ta lại vì Ta chưa lên cùng Cha ; nhưng hãy đi tìm anh em Ta và nói với họ : Ta lên cùng Cha ta và cũng là Cha các ngươi, Thiên Chúa của Ta và cũng là Thiên Chúa của các ngươi” Maria người Magdala đi đem tin cho các môn đệ : “Tôi đã thấy Chúa và đây là những lời Ngài đã nói với tôi.”[Gio-an 20, 10-18]

Đức Đạt Lai Lạt Ma : “Đoạn Phúc Âm này hoàn toàn phù hợp cho buổi họp bế mạc cuộc hội thảo. Cái pari nirvana, hay vô dư niết bàn của Đức Phật được coi như hành động vĩ đại sau cùng của cuộc đời Ngài và đoạn trích Phúc Âm của Thánh Gio-an dường như có một ý nghĩa tương tự.

“Đối với một người đã tin ở sự sống lại, nói về sự chết, cũng là nói về sự sống lại. Sự sống lại chỉ có thể xảy đến nếu khicái chết đã đến trước. Hôm nay chúng ta đã có một cuộc bàn cãi ngắn về đề tài này – một lần nữa dường như hầu hết các tôn giáo lớn đều giống nhau ở chỗ đời sống các vị tôn sư sáng lập đạo chứng tỏ sự quan trọng của việc các ngài đón nhận kinh nghiệm đau khổ và thừa nhận giá trị của nó.

“Trong cuộc thảo luận của tôi và cha Laurence hôm nay, cha có nhắc lại rằng Bede Griffiths đã phân biệt giữa thể xác vật lý, thể xác vi tế và thể xác tâm linh của Đức Giêsu. Trước cái chết của Đức Giêsu, đó là thân thể vật lý của Người : trong lúc sống lại, trước khi lên cùng với Chúa Cha, đó là thân thể vi tế, và sau khi lên trời, đólà thân thể tâm linh. Trong Phật giáo người ta đã tranh luận nhiều về các loại thân thể, như thân thể vi tế, thân thể tinh thần và thân thể tâm linh. Tuy nhiên, giữa thân thể vi tế của Đức Giêsu với thân thể vi tế mà các sách luận Phật giáo mô tả có một sự khác nhau to lớn. Những môtả của Phật giáo về mức độ ngày càng vi tế của hóa hiện quy chiếu theo các giai đoạn tiến hóa tâm linh của con người, từ tình trạng bình thườngcho đến sự giác ngộ trọn vẹn, trong khi ở trường hợp Đức Giêsu chúng tađối diện với một con người độc nhất, Con Thiên Chúa. Vì thế tiến trình qua nhiều giai đoạn không áp dụng được. Đức Giêsu không đi qua một loạt các giai đoạn tâm linh, phải thế không ?

Cha Laurence : Không, sự sống lại không phải là sự đầu thai lại.

Đức Đạt Lai Lạt Ma : Chúng ta không nói về sự đầu thai lại ở đây. Chúng ta đang nói về một cá nhân hành đạo. Người này càng có nhiều tiến bộ tâm linh thì thân thể vật lý của người ấy càng trởnên vi tế.

Cha Laurence : Trước khi chết, Đức Giêsu hiện diện với các môn đệ và với thế gian một cách nào đó, và sau khi chết, Người hiện diện với thế gian một cách khác. Chúng tôi nhìn thấy trong sự hiện diện lịch sử của Người ở thế gian, trong sự gặp gỡ của Người ví dụ như với Maria, một sự hiện diện phải được thừa nhận. Còn có một cách thức mới mà người hành đạo phải tri giác để nhận ra sự hiện diện mới của Đức Giêsu. Phúc Âm đã trình bày cho chúng tôi một giai đoạn trung gian giữa một mặt là sự chết và Sống lại và mặt khác là sự Thăng Thiên của Người. Và cách thức mà ngày nay Đức Giêsu hiện diện trong thế gian còn khác vớisự mô tả ấy. Ngày nay, chúng tôi nói rằng Người hiện diện bởi Chúa Thánh Thần.

Đức Đạt Lai Lạt Ma : Trong lòng của Phật giáo, một lần nữa, vẫn còn có những quan điểm khác nhau khi hiểu về vô dư niết bàncủa Đức Phật. Một trường phái tư tưởng – chủ yếu là phái vaibhasika, một trường phái Ấn Độ cổ xưa – khẳng định niết bàn của Đức Phật tạo thành sự hoàn thành của cuộc đời Đức Phật. Tất cả như thể sự xuất hiện của Đức Phật đã là một sự kiện lịch sử, sự biến mất của Ngài đã là một sự kiện lịch sử; cuộc đời Đức Phật có một khởi điểm và một chung cuộc. Vô dư niết bàn được coi như giây phút cuối cùng của một ngọn lửa. Khi bạn dập tắt ngọn lửa, đó là lúc cuối của nó; đó là hư vô toàn diện. Ngay cả dòng tâm thức liên tục của Đức Phật cũng phải chấm dứt. Các môn đệ trường phái vaibhasika tuyên bố rằng tâm thức mặc dù không có khởi đầu, phải có chung cuộc. Tâm thức có thể ngừng hiện hữu.

Trong trường hợp này, vấn đề đặt ra đối với các môn đệ của Đức Phật là phải tìm hiểu đâu là ý nghĩa của việc tôn thờ, dâng cúng và cầu nguyện Đức Phật? Để được lợi ích gì? Tại sao lại làm mọi điều đó khi mà Đức Phật không còn nữa ? Câu trả lời của truyền thống nàylà sự giác ngộ viên mãn của Đức Phật là kết quả của sự tích lũy công đức và trí huệ qua vô lượng kiếp. Suốt cả thời gian đó, Đức Phật đã pháttriển và vun trồng một ý hướng vị tha rất mạnh mẽ để phục vụ và mang lại lợi ích cho mọi người. Sức mạnh của năng lượng ấy và của chân lý ấy vẫn còn mãi ở giữa chúng ta. Và sức mạnh ấy sẽ đến phù trợ chúng ta khi thờ phụng và tôn kính Đức Phật. Tuy nhiên những gì liên quan đến con người lịch sử của Đức Phật đã kết thúc.

Quan điểm ấy không phải là quan điểm của một số truyền thống Phật giáo khác, trong đó có Phật giáo Tây Tạng. Theo trườngphái này, Phật tính hay sự giác ngộ viên mãn được quan niệm trong bối cảnh của học thuyết tam thân (ba kayas). Đức Phật Thích Ca rõ ràng là một nhân vật lịch sử –Ngài đã sống ở một thời kỳ nhất định tại một địa điểm, một bối cảnh và một môi trường nhất định – và vô dư niết bàn của Ngài ở Kushinagar là một biến cố lịch sử. Nhưng tâm thức và dòng tâm thức của Đức Phật đã tiếp tục và luôn luôn hiện diện. Đức Phật, như một thực thể hóa hiện dưới hình thức nhân loại đã ngừng tồn tại, nhưng Đức Phật luôn luôn hiện diện dưới hình thức sambhogakaya (Báo thân), tình trạng hoan hỷ trọn vẹn. Và Ngài tiếp tục hóa hiện và biểu hiện dưới những hình thức khác nhau thích ứng tốt nhất và có lợi nhất cho chúng sinh. Từ quan điểm này, nếu Đức Phật Thích Ca như một khuôn mặt lịch sử đã ngừng hiện hữu thì sự hiện diện của Đức Phật vẫn còn. Theo truyền thống này, tâm thức thì vô thủy, vô chung bởi lẽ nó liên tục.

Đối với một Phật tử hành giả, vô dư niết bàn của Đức Phật có một ý nghĩa rất tượng trưng bởi những lời cuối cùng của Đức Phậthướng về học thuyết vô thường và bản chất giả tạm của mọi vật. Ngài tuyên bố rằng mọi vật và mọi biến cố đều giả tạm, vô thường. Ngài cũng tuyên bố thân thể của một đấng toàn giác – Đức Phật, hay Như Lai (Tathagata) – thì cũng vô thường và chịu chung những quy luật. Nói xong những lời này, Ngài tịch diệt. Đối với một Phật tử hành giả, vô dư niết bàn của Đức Phật, hiện thể lịch sử đã tịch diệt tái khẳng định sự quan trọng của việc thực hành tính vô thường.

Tôi phải suy nghĩ về câu nói trong Phúc Âm của Đức Giêsu : “Ta chưa lên cùng Cha”. Tôi tò mò muốn biết thần học Kitô giáo giải thích như thế nào về sự Thăng Thiên.

Cha Laurence : Trước kia. Trong Phúc Âm của Thánh Gio-an, Đức Giêsu đã nói : “Ta biết ta từ đâu đến và ta biết ta sẽ về đâu” Người diễn tả cuộc đời Người, sứ mạng của Người như sự trở về suối nguồn của Người. Khắp mọi nơi, Người nói : “Ta đến từ Chúa Cha…” Sự Thăng Thiên của Người là sự hội nhập lại nhân tính đã được triển khai trọn vẹn vào suối nguồn của nó trong Cha, trong Thiên Chúa. Trong một ý nghĩa nhất định, Thăng Thiên là sự hội nhập toàn diện của Thiên tính và nhân tính Đức Giêsu.

Đức Đạt Lai Lạt Ma : Phật giáo nghĩ rằng một quan hệ đặc biệt kết hợp sự hóa hiện và sức mạnh hóa hiện và một hóa hiện chấm dứt khi đã hoàn thành số phận của mình. Người ta thấy ý tưởng hóa hiện được hấp thu lại về suối nguồn của mình, mặc dù trong một số trường hợp hóa hiện sẵn lòng biến mất. Như thế trong trường hợp Đức Phật Thích Ca lịch sử, sau khi nhập niết bàn thân thể vật lý của Ngài vẫn còn hiện diện ; thân thể này đã được thiêu ra tro, và mọi người có thể thấy. Một Phật tử hành giả sẽ nói tâm thức của Đức Phật, tinh thần siêu việt của riêng Ngài đã hội nhập hay hấp thu vào trạng thái dharmakaya (Pháp thân). Một số văn bản cũng tham chiếu một loại hiện tượng khác – hiện tượng các hữu thể tinh thần phát triển cao có khả năng tiếp xúc với những thế giới thuần túy khác và không cần tách khỏi thân thể vật lý củahọ.

Cha Laurence : Đấy là những điểm đại cương tráng lệ để hiểu sự sống lại theo ý nghĩa Kitô giáo và thật là phấn khởi. Tôi nghĩ rằng khi Kitô hữu hiểu về sự Phục sinh, sự lĩnh hội ấy cũng bao hàmmột chiều kích vũ trụ. Đức Giêsu là sự nhập thể của Thiên Chúa trong hình thể nhân loại, và qua Ngôi Lời của Thiên Chúa đã sinh ra sự Sáng tạo hay Vũ trụ. Lúc mà hình thể nhân loại của Đức Giêsu chết, xảy ra mộtsự biến đổi mở ra viễn ảnh những gì sẽ xảy đến cho toàn bộ vũ trụ. Thânxác nhân loại của Đức Giêsu trong toàn bộ năng lượng và hình thể vật lýcủa Người, được hấp thu vào trung tâm của suối nguồn vũ trụ, trong Thiên Chúa. Điều này sau cùng sẽ xảy ra cho toàn bộ vũ trụ. Tất cả trongvũ trụ đã từ Thiên Chúa mà đến, là một sự hóa hiện của Thiên Chúa và sẽtrở về với Thiên Chúa. Vì thế, tôi nghĩ trong sự sống lại, chúng ta nhìn thấy một sự biến đổi của vật chất đang trở lại suối nguồn nguyên thủy điều này xảy ra cho thân xác của Đức Giêsu dưới hình thể nhân loại –thể xác, tinh thần và tâm hồn – nhưng đó cũng là một viễn ảnh, một sự tham dự trước của điều sẽ xảy đến cho vũ trụ khi đến giờ của nó, ở thời kỳ sau rốt.

Thưa Đức ngài, vì chúng ta sắp đến lúc kết thúc cuộc hội thảo này, tôi nghĩ chúng tôi phải nhất trí nói rằng chúng tôi cần phải có hai cuộc đời – hay hơn thế ! – để đồng hóa quà tặng tuyệt vời của ngài dành cho chúng tôi. Tôi xin trình lên một vài câu hỏi do chủ tọa đặt ra từ các nhóm hay cá nhân. Chúng tôi phải sắp xếp và chọn lọc –vì nhiều câu hỏi liên quan đến cùng một đề tài. Như chúng tôi đã nói khi mở đầu cuộc hội thảo, tôi nghĩ rằng chúng tôi đã bắt đầu bằng việc quan tâm đến dân tộc và đất nước Tây Tạng mà ngài là đại diện và hiện thân đồng thời bảo đảm sự hỗ trợ hoàn toàn của chúng tôi vì công lý và hòa bình cho Tây Tạng.

Một trong các câu hỏi liên quan đến ý niệm không gianlinh thánh và đất thánh, theo sau lời chú giải của ngài về sự hành hương. Ngài đã nói về ích lợi rút ra từ các cuộc viếng thăm thánh địa. Câu hỏi mà chúng tôi xin đặt ra là : điều gì theo ngài làm cho một nơi thành thánh địa.

Đức Đạt Lai Lạt Ma : Theo tôi, lúc ban đầu, một nơi trở nên thánh nhờ sức mạnh của người hành đạo tâm linh đang sống ở đó. Sức mạnh của những thành tựu tâm linh một cá nhân “nạp vào” nơi đó và cho nó một năng lượng nào đó ; đến lượt nơi ấy “nạp lại” cho những ngườiđến viếng thăm. Kế đó các nơi thánh đóng một vai trò quan trọng khác nhất là đối với những người liên kết với cuộc đời của các vị thầy sáng lập các tôn giáo lớn. Khi đến viếng thăm những nơi ấy, các môn đồ của một tôn giáo có cơ hội đặc biệt để suy nghĩ sâu xa về mẫu mực của những vị tôn sư và khi được động viên, khích lệ như thế, họ có một cơ may theogương sáng các vị thầy.

Cha Laurence : Ngài có nghĩ rằng sẽ có ích khi người của các tôn giáo khác nhau cùng đi hành hương?

Đức Đạt Lai Lạt Ma : Vâng, đó chính là dự tính trong hoạt động của tôi. Tôi tin chắc thực hành ấy sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn.

Cha Laurence : Một câu hỏi khác có lẽ xuất phát từ sựkiện các Kitô hữu và các truyền thống khác – không phải ở Tây Tạng – nhạy cảm với các nhu cầu của Tây Tạng và xấu hổ vì sự dửng dưng của Phương Tây. Làm thế nào, với một phương tiện tâm linh hay một phương tiện khác mà ngài có thể đưa ra, các Kitô hữu, các Phật tử và tín đồ củanhững tôn giáo khác có thể giúp đỡ ngài và ủng hộ chính nghĩa của nhân dân Tây Tạng ?

Đức Đạt Lai Lạt Ma : Vì vấn đề tự do của Tây Tạng liên hệ chặt chẽ với sự tự do và quả thực với sự tồn tại của đời sống tâm linh ở Tây Tạng, và chắc chắn có hậu quả với toàn thế giới. Chất tâmlinh cổ xưa của Tây Tạng là giá trị quý báu. Nếu nó sống còn qua cơn đedọa, thì không chỉ người dân Tây Tạng có lợi, nhưng nó còn góp phần to lớn vào hạnh phúc của nhân dân Trung Quốc. Trong nghĩa đó, tôi nghĩ những người hành đạo và các tổ chức tôn giáo khác – mọi người nhìn nhận giá trị của tâm linh – phải có một vai trò đặc biệt đem đến sự ủng hộ cho chính nghĩa của chúng tôi.

Cha Laurence : Đối với nhiều người, có lẽ đại đa số chúng tôi ở đây, việc thực hành tĩnh tâm thiền định từ ngày này qua ngàynọ là phương tiện trực tiếp chúng tôi sử dụng để phát triển lòng từ bi và sự phục vụ quảng đại việc nghĩa như chính nghĩa của Tây Tạng. Hẳn là tất cả chúng tôi sẽ được động viên và thêm phong phú nếu ngài có thể bancho chúng tôi sự động viên và những lời khuyên về phương tiện kiên địnhtrong con đường trầm tư mỗi ngày. Rất nhiều người sống trong thành phố phải đối đầu với những vấn đề của cuộc sống hiện đại và cảm thấy những khó khăn lớn khi thiền định. Chính vì thế mà Cộng Đồng Kitô hữu thiền định đã được thành lập, để hỗ trợ họ. Những thực hành thiền định thường khó khăn cho những người không sống trong các tu viện – và đôi khi cũng khó cho những người đang sống trong tu viện ! Xin ngài vui lòng mang lạicho chúng tôi sự động viên và cái nhìn thấu suốt về điều phải phát triển để chúng tôi kiên trì và đào sâu sự thiền định mỗi ngày.

Đức Đạt Lai Lạt Ma : Nếu một người được lợi ích của sự thăng tiến tinh thần thúc đẩy, sẽ không thể bỏ qua việc thực hành thiền định. Đó là chìa khóa ! Một lời cầu nguyện đơn giản hay một ước muốn không thể sinh ra sự thay đổi tâm linh bên trong. Cách duy nhất để tiến bộ là có một nỗ lực bền bỉ do thiền định ! Đương nhiên, lúc ban đầukhông phải dễ. Các bạn sẽ cảm thấy những khó khăn hoặc lòng nhiệt thànhbị suy giảm. Hoặc giả một sự nhiệt thành thái quá sau một vài tuần hay một vài tháng được tiếp nối bằng sự suy thoái. Cần phải phát triển một tiếp cận đều đặn, kiên trì và dựa trên một sự tham gia dài hạn.

Cha Laurence : Khi nản lòng, những phương tiện chủ yếu nào giúp chúng tôi kiên định?

Đức Đạt Lai Lạt Ma : Cần thường xuyên suy nghĩ và cânnhắc cái được, cái mất về việc thiền định hay không thiền định. Một mặtphải đo lường lợi ích, giá trị và hiệu quả của việc thiền định, và mặt khác những hậu quả tiêu cực của việc gạt bỏ thiền định. Khi so sánh thường xuyên hai khía cạnh ấy, người ta có thể duy trì được lòng nhiệt thành. Hành tinh của chúng ta có hơn năm tỷ con người ; đại thể có thể chia làm ba hạng người : những người là tín đồ và hành đạo tâm linh; những người không chỉ vô tín mà còn chống tôn giáo ; và sau cùng những người không hành đạo cũng không đặc biệt phản đối tôn giáo. Họ ở trong một tình trạng lãnh đạm. Tuy nhiên cả ba loại người đó về cơ bản giống nhau : tất cả đều được thúc đẩy bởi bản năng và ước muốn tự nhiên được hạnh phúc và chiến thắng đau khổ.

Nếu người hành đạo hay tín đồ muốn so sánh mình với người khác thì không nên so sánh với những người thuộc nhóm thứ ba, mà phải so sánh mình với một đại diện của nhóm thứ hai gồm những người chống tôn giáo, không những không tin, họ còn nghĩ rằng tôn giáo vô ích và sai lầm. Các bạn hãy đối chiếu cuộc đời mình với cuộc đời của họ để xem cuộc đời nào chứng thực sự hài lòng và hạnh phúc lớn nhất. Dĩ nhiên,qua một số khía cạnh, những người làm bất cứ việc gì để đạt đến cứu cánh của họ có thể tạo ra ấn tượng họ rất thành công. Nhưng về lâu dài, phải phán đoán sự thành công của một phong cách sống bằng chất lượng cuộc sống mà một cá nhân biểu hiện và sự bình an nội tâm của người đó. Loại người thứ nhất cũng mong tìm được hạnh phúc và phương pháp của họ là tôn giáo. Ở đây, chúng ta gặp được những người hành đạo thuần thành chứ không phải những người chỉ thích nói mình tin và hành đạo mà đạo không có chút gì quan trọng trong đời họ. Nếu chúng ta so sánh hai loại người vừa kể, chúng ta phải thừa nhận không chút mơ hồ rằng cuộc đời người hành đạo chân thật biểu lộ nhiều hạnh phúc, thư thái và bình an hơn. Và cả trong xã hội nói chung, tôi tin chắc rằng người ta cũng sẽ dành cho loại người sau nhiều sự tôn kính và tín nhiệm hơn.

Khi xem xét sự việc dưới góc độ ấy, các bạn sẽ thấy hội nhập tôn giáo và một hình thức tâm linh nào đó vào cuộc đời của các bạn là một việc làm hữu ích. Các bạn hãy so sánh mình với người khác để củng cố niềm xác tín. Cũng là một điều tốt khi thỉnh thoảng đối chiếu các kinh nghiệm của mình với kinh sách. Bằng cách ấy, từ từ và từng bướcmột, các bạn sẽ thấy giá trị sâu sắc của cuộc sống tâm linh. Xác tín các bạn càng lớn, các bạn cảm thấy lòng nhiệt thành và sức mạnh càng caođể tiến lên phía trước.

Điều đó phải được coi là quan trọng, nhưng khổ nỗi trong thế giới thực tại, chúng ta quan sát thấy điều ngược lại. Nếu các bạn mong ước mạnh mẽ có được điều gì, nỗ lực của các bạn đương nhiên sẽ phải lớn hơn. Chúng ta hãy lấy ví dụ các nhà chính trị, quyết tâm phải được đắc cử : người ta thường có cảm tưởng họ hy sinh gần như tất cả để đạt được mục đích. Họ bắt đầu chiến dịch tranh cử, dừng lại ở tất cả địaphương. Trong suốt chiến dịch, họ già đi thấy rõ ! Thế đấy, họ cống hiến tất cả năng lực của họ. Người ta cũng thấy một sự quyết tâm như thếnơi một số nhà doanh nghiệp mà mục tiêu duy nhất của họ là kiếm được nhiều tiền và thu được nhiều lợi nhuận. Họ yêu thích tiền cuồng nhiệt đến nỗi họ sẽ hy sinh tất cả để đạt được mục đích ấy. Đối với người hànhđạo tâm linh cũng phải như thế nhưng dường như người ta chưa thấy nhữngngười hành đạo tâm linh nhiệt tâm trong nỗ lực của mình được như vậy ! Điều tôi muốn nói là nếu các bạn càng thấy rõ mục đích mình khao khát, các bạn càng phải dấn thân mạnh mẽ để đạt mục đích và trên con đường đạo, các bạn phải có động lực mạnh mẽ hơn.

Từ lúc khởi đầu, phải tuyệt đối hiểu rằng sự phát triển tâm linh không dễ dàng chút nào ; nó cần có thời gian. Nếu lúc đầu, người ta hy vọng một sự thay đổi triệt để quá nhanh thì đó là dấu hiệu của một sự thất bại không thể tránh khỏi ! Về tinh thần, phải chấp nhận sự tiến bộ cần có thời gian.

Cha Laurence : Ngài có thể nói với chúng tôi cần bao nhiêu thời gian ?

Đức Đạt Lai Lạt Ma : Trong ngôn ngữ Phật giáo, chúng tôi nói về vô lượng kiếp ! Và khi các bạn nghĩ bằng từ ngữ kiếp vũ trụ, thì năm tháng sẽ không là gì cả ! Một cuộc sống ngắn ngủi không là gì cả! Trăm năm nào có nghĩa gì đâu ! Suy tư về vô số kiếp thật ra giúp chúng ta triển khai một quyết tâm mạnh mẽ ! Nhưng điều ấy không quan trọng ở đây. Điều cốt yếu là làm thế nào để được thiện hảo trong suốt cuộc đời này !

Cha Laurence : Là Kitô hữu, chúng tôi tin rằng Chúa Thánh Linh đang hoạt động không chỉ ở giữa các Kitô hữu, nhưng trong toàn thể nhân loại, nơi nào người ta thấy có chân lý. Đã hẳn nhiều ngườisẽ đồng ý với tôi để nói rằng Thánh Linh đang hoạt động trong cách thứcngài và nhiều huynh đệ tu sĩ và Phật tử của ngài đã đem minh triết của đất nước Tây Tạng đến Phương Tây và đã là những khuôn mẫu của lòng từ bi, tha thứ và quảng đại với cái giá của những đau khổ và hy sinh cá nhân đáng kể. Tôi coi các lần thăm viếng của Đức ngài ở đất nước này và Phương Tây như một món quà tặng lớn lao cho Kitô giáo. Đối với những người Phương Tây đã đánh mất sự nhiệt thành tâm linh và quyết tâm thăng tiến, ngài cho phép hiểu tôn giáo dưới một góc độ mới. Tôi tự hỏi ngài có thể giúp chúng tôi hiểu được tại sao thế giới hiện đại – khi mà chúngta có nhiều thời giờ nhàn hạ, một sức khỏe và những điều kiện sống tốt nhất, nhiều tiện nghi vật chất hơn bao giờ hết – lại đánh mất ý nghĩa của tôn giáo chân chính và của sự thực hành tâm linh?

Đức Đạt Lai Lạt Ma : Có lẽ trong tu viện của các bạn,các bạn có thời gian nhàn rỗi, nhưng ở bên ngoài – nhất là trong những thành phố – cuộc sống chạy theo nhịp hối hả, như một chiếc đồng hồ, không bao giờ ngừng lại dù chỉ một giây ! Thật vậy, cách nay vài ngày thôi, tôi đã nói với một người thân cận khi quan sát kỹ cuộc sống trong các thành phố, người ta có cảm tưởng rằng tất cả những khía cạnh nhỏ nhặt của đời sống cá nhân phải được xác định thật chính xác, như một conđinh ốc được vặn khít chính xác vào lỗ đinh. Nói cách khác, các bạn không thể làm chủ cuộc sống riêng của mình. Để tồn tại, các bạn phải theo mô hình đó và nhịp sống đã được chia sẵn cho các bạn.

Cha Laurence : Thưa Đức ngài, Ngài sẽ nói gì về nhận xét mà ngài đã nghe thấy nhiều lần : “Tôi trầm tư tốt nhưng tôi không cóthời gian.”

Đức Đạt Lai Lạt Ma : Về việc này tôi xin kể lại các bạn một câu chuyện. Ngày xưa có hai nhà sư – một thầy và một trò. Một ngày kia, để cho đệ tử có thêm lòng can đảm, sư thầy nói : “Con tin ta đi, một ngày nào đó, chúng ta sẽ đi dã ngoại”. Ít ngày sau, sư thầy không còn nghĩ đến điều đó nữa. Sau đó, đệ tử nhắc lại lời hứa của thầy,nhưng vị này nhắc lại ông quá bận không thể đi dã ngoại trước một kỳ hạn nào đó. Một thời gian dài đã trôi qua mà vẫn không thấy đi dã ngoại.Người đệ tử ấm ức nhắc lại : “Khi nào chúng ta sẽ thực hiện chuyến đi dã ngoại lừng danh đó ?” – Thầy nói : “Không phải bây giờ, thầy bận việcquá chừng”. Cứ như thế, đến một ngày nọ, đệ tử thấy người ta khiêng mộtxác người chết, và thầy hỏi trò : “Việc gì xảy ra vậy?” Và trò đáp lại: “Có gì đâu, con người tội nghiệp ấy đi dã ngoại đấy!”

Bài học đạo đức của câu chuyện đó là trong cuộc sống,nếu các bạn không dành một khoảng thời gian đặc biệt cho một công việc mà bạn đang hoài bão, thì bạn sẽ luôn luôn có những công việc khác và luôn luôn bị bận rộn.

Cha Laurence : Thưa Đức ngài, tôi xin nói một vài lờiđể kết thúc cuộc hội thảo này ; kế đó tôi sẽ nhờ Xơ Eileen O’Hea bày tỏlòng biết ơn của tất cả chúng tôi. Trước hết, tôi xin cám ơn ngài từ nơi sâu thẳm nhất của hữu thể tôi – dù hữu thể vẫn còn là một mầu nhiệm đối với tất cả chúng ta. Nhưng tôi biết chính từ chiều sâu ấy mà chúng tôi cám ơn ngài về những điều ngài đã làm cho trở thành khả thi và mang lại cho mỗi người chúng tôi. Từ mấy ngày nay, tôi cảm nghiệm chúng tôi đang sống những giây phút lịch sử đã thành hiện thực nhờ lòng can đảm vàtinh thần rất cởi mở của ngài. Ngài đã quảng đại dành cho chúng tôi khoảng thời gian rất quý báu này trong thời khóa biểu và can đảm khám phá Phúc Âm vốn còn xa lạ với Ngài.

Khi nghe ngài nói, điều làm tôi ngạc nhiên là minh triết bằng trực giác và cảm thức của ngài về chân lý, vốn được huân tập trong Phật giáo đã cho phép ngài tìm hiểu rất sâu sắc và nắm bắt rất rõ ràng nhiều chân lý của Kinh Thánh và chỉ cho chúng tôi thấy được những ýnghĩa mới. Tôi cũng thấy rằng điều ấy có thể thực hiện được bởi chúng tôi đã trao cho ngài điều rất quý giá và linh thánh. Sự tín nhiệm của chúng tôi đã được trả lại gấp bội vì ngài đã bàn đến kho Kinh Thánh ấy với sự mến mộ, với cảm thức về sự linh thiêng và lòng tôn trọng sâu sắc nhất. Chúng tôi xin được cảm ơn ngài về tất cả điều đó.

Cách thức ngài đã khai thác Kinh Thánh cùng với chúngtôi đối với tôi – và cả chúng tôi nữa – như một bài tập về bất bạo động. Ngài cũng có thể bàn về các bản văn ấy một cách khái quát, phiến diện (và ngài có quyền làm như thế !) Nhưng trái lại, ngài đã vận dụng sức mạnh của minh triết, trực giác, trí tuệ và sức mạnh tâm linh với sự tế nhị hiếm thấy. Điều này là một bài học bất bạo động mà chúng tôi sẽ ghi nhớ mãi trong lòng. Trong quá trình đào sâu những văn bản khác nhau,để kết thúc chiều nay chúng ta có đoạn Phúc Âm về sự Sống lại, mầu nhiệm này là nền tảng của đức tin chúng tôi, tôi cảm thấy rằng ngài đã sử dụng một ngôn ngữ, một tư tưởng và những hình ảnh liên kết với nền văn hóa của chúng tôi và đưa chúng tôi đến giới hạn của ngôn ngữ. Trong lúc kết thúc cuộc hội thảo, chúng tôi chuẩn bị bước vào những hình thức diễn tả khác với đại hội liên hoan liên tôn giáo : ca, vũ, nhạc và ngôn từ. Những hình thức diễn tả ấy sẽ dẫn đưa chúng tôi vào một chiều kích khác của chân lý. Còn sự làm chủ tư tưởng và ngôn ngữ của ngài, như tôi đã nói, đã dẫn chúng tôi đến một giới hạn. Tôi không nghĩ rằng sự khám phá của chúng tôi chấm dứt. Tôi hy vọng và tôi nài xin Đức ngài, bằng mọi cách, vui lòng tiếp tục cuộc đối thoại này.

Tôi xin cám ơn ngài không chỉ nhân danh cho cộng đoànWorld Community for Christian nhưng còn nhân danh Giáo Hội và dòng tu. Tôi nghĩ rằng cuộc hội thảo này chứng tỏ những truyền thống tôn giáo khác nhau có thể tham gia một cuộc đối thoại sâu xa không chỉ giới hạn ởchỗ duyệt xét những điểm giống nhau hiển nhiên mà còn đề nghị cùng nhautìm tòi chân lý. Có lẽ chúng ta đang đi trên những con đường song hành nhưng tinh thần thì duy nhất. Là các Kitô hữu, chúng tôi được khuyến cáophải hiểu được vai trò của mình là người phục vụ Đức Giêsu tự giới thiệu mình trong Phúc Âm không phải như Chúa và Thầy nhưng như người phục vụ. Người nói : “Ta đã đến giữa các con để phục vụ”. Nhiều môn đệ của Đức Giêsu trong quá khứ đã quên điều ấy. Nhiều lần trong lịch sử, nhiều Kitô hữu và cả Giáo Hội đã đi tìm quyền lực tạm bợ, quyền lực chính trị và tôn giáo trên người khác gián tiếp qua chủ nghĩa tư bản và những hình thức độc tài khác. Với tư cách là con người, chúng tôi thừa nhận như thế là có tội. Nhưng ngài đã giúp chúng tôi hiểu được bản chất của đức khiêm nhường và vai trò của Kitô hữu, đồng thời có sự hiểu biết về chính mình trong cương vị môn đệ và người phục vụ. Chính vì thế chúngtôi dấn thân theo đuổi công việc này nhằm đem lại sự đoàn kết của các tôn giáo.

Sau cùng, tôi muốn cám ơn những người đã làm cho cuộchội thảo này thêm phong phú : những nhân viên ban tổ chức, nhóm quay phim và nhất là nhà phối trí Clem Sauvé đã từ Canada đến đây tám tuần qua để làm việc với chúng tôi, và sau cùng nhưng không phải là chuyện nhỏ – tôi mong rằng không làm cho vị đó lại cười – tôi xin cám ơn Thupten Jinpa, người thông dịch của ngài.

Và giờ đây tôi xin nhường lời cho Xơ Eileen.

Nữ tu Eileen : Thưa Đức ngài, tôi không biết có thể thêm gì vào những lời của cha Laurence, nhưng với tư cách người phát ngôn của tập thể có mặt ở đây, tôi xin nói tôi không biết diễn tả cách nào cho đầy đủ lòng biết ơn của chúng tôi. Ngài đã chia sẻ với chúng tôiminh triết của văn hóa và truyền thống Tây Tạng theo một phong cách giúp chúng tôi hiểu đâu là ý nghĩa thật của sự trong sáng và thuần khiếttinh thần. Bởi lẽ chúng tôi thừa nhận ước muốn của chúng tôi là đấu tranh để cùng đạt tới những đức tính ấy. Nhờ ngài, chúng tôi đã học hỏi được nhiều, không chỉ bằng lời nói, còn bằng sự hiện diện, lòng từ bi vàtình thương yêu tỏa sáng nơi ngài. Đối với tôi, lòng từ bi sẽ không còncó ý nghĩa giống như trước đây ! Tôi biết rằng đối với tôi – cũng như đối với nhiều người trong chúng tôi – cuộc gặp gỡ này đã thay đổi cuộc đời tôi và cuộc đời họ.

Chúng tôi thường nói Kinh Thánh Kitô giáo là Lời hằngsống của Thiên Chúa. Có những ngày Kinh Thánh dường như không nói với chúng tôi điều gì mới nữa, luôn luôn là những câu chuyện đã biết. Nhưng một động tác của ân sủng Chúa Thánh Linh dẫn dắt chúng tôi băng qua thờikỳ vô minh này. Nếu chúng tôi kiên trì, những từ ngữ trong Kinh Thánh sẽ sống lại và chứa đựng những ý nghĩa ngày càng sâu xa hơn. Khi lắng nghe ngài đọc Kinh Thánh, tôi xác nhận những lời của Đức Giêsu có được một ý nghĩa ngày càng sâu sắc hơn đối với tôi, và tôi nghĩ rằng mọi người có mặt tại đây cũng có thể xác nhận như tôi. Tôi tiếc không thể đáp lại vinh dự này bằng việc quy tụ để chia sẻ Kinh Phật như ngài đã chia sẻ Kinh Thánh Kitô giáo. Tôi cũng xin ngài hiểu nỗi đau khổ của chúng tôi trước sự tàn bạo mà dân tộc ngài phải chịu đựng. Bản thân tôi một công dân Hoa Kỳ, tôi xấu hổ vì chính phủ Mỹ không quyết tâm giúp đỡ ngài. Về vấn đề này, tôi có thể bảo đảm với ngài tôi không im lặng lâu hơn nữa.

Có người đã nói rằng chúng tôi đã tham dự một đại tiệc và chúng tôi ăn để sống. Tôi nghĩ tất cả chúng tôi sẽ sống tốt hơn sau lần tiếp xúc này với ngài. Tôi không biết liệu chúng tôi có còn cơ hội để gặp lại ngài hoặc giả tôi còn có đặc ân sống gần ngài như những ngày vừa qua. Nhưng tôi tin chắc chúng ta đã hợp nhất nơi đây, nơi mà chúng ta liên kết nhau trong lời cầu nguyện và sự tĩnh tâm thiền định. Chúng ta sắp chia tay nhau nơi đây chỉ ở bình diện thể lý, nhưng qua kinh nghiệm này, chúng ta luôn liên kết với nhau trong cảnh giới của sự hiệp thông ý thức.

Thưa Đức ngài, tôi cũng cám ơn ngài sâu sắc đã có mặtvới chúng tôi. Tôi xin gởi đến ngài lời cầu nguyện hạnh phúc, lòng biếtơn và lời chúc phúc của chúng tôi cho mọi dự án của ngài. Để kết thúc, tôi xin mượn lời Thomas Merton : “Ở trung tâm của hữu thể chúng ta có một nơi ánh sáng thuần khiết, một nơi mà tội lỗi và ảo tưởng không thể xâm phạm được”. Tôi cám ơn ngài đã cho phép chúng tôi nhìn thấy nơi ánh sáng thuần khiết ấy trong ngài nhờ cuộc hội ngộ này.

Đức Đạt Lai Lạt Ma : Tôi xin bày tỏ niềm vui của tôi đã có cơ hội chia sẻ thời gian rất quý báu này với các bạn. Tình bạn thắt chặt tôi với cha Laurence đã tăng thêm suốt mấy ngày nay. Nhân cơ hội này, tôi muốn bày tỏ sự biết ơn sâu sắc của tôi đối với những lo âu,thiện cảm và sự hỗ trợ mà cha Laurence Freeman dành cho công việc, đất nước và dân tộc tôi. Những tình cảm ấy xuất phát từ con tim rộng mở, không cần che đậy. Những tình cảm ấy làm cho tôi đầy ắp niềm vui lẫn nỗibuồn. Xin cám ơn.

Tôi cũng xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của tôi với tất cả các bạn đã tham dự các buổi đọc và thảo luận Phúc Âm. Mặc dù những điều tôi nói rất “sơ lược” và khá ngẫu hứng, tôi đã nhận thấy tất cả các bạn đều rất chú ý và tập trung. Điều này thật sự làm tôi cảm động. Vì thế nếu các bạn rút ra một chút lợi ích nào từ điều tôi đã nói trong mấy ngày qua, hoặc giả chỉ đơn thuần do việc các bạn đã tham dự cuộc hội thảo này, cũng đủ làm cho tôi vui sướng. Đây là lời kêu gọi mà tôi hướng về với tất cả các bạn : Xin các bạn vui lòng dùng mọi nỗ lực để đem lại cho cuộc sống làm người quý báu của các bạn có được nhiều ý nghĩa cao quý nhất.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]