Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 14

18/03/201201:48(Xem: 7907)
Chương 14

NGÕ THOÁT

tức Phương Trời Cao Rộng 3

truyện dài của Vĩnh Hảo

Chiêu Hà xuất bản tại California, Hoa Kỳ năm 1996

flowerba

CHƯƠNG MƯỜI BỐN

Tù nhân dưới chế độ cộng sản có quyền suy diễn, tưởng tượng, mơ mộng và hy vọng về ngày tự do của mình. Điều này mới thực sự là thứ tự do mà không anh công an cán bộ nào ngăn cấm nổi. Cho nên, suốt gần một tháng, từ lần khai cung cuối cùng đến nay, ông Trọng vẫn cứ hy vọng và chờ đợi tự do từng ngày từng giờ từng phút từng giây như thế, không chịu bỏ cuộc. Ngoài xã hội, ai lại chẳng yêu chuộng tự do, nhưng người ta bị tước đoạt tự do trắng trợn mà không dám hé miệng, và thì giờ của họ dành để nghĩ đến tự do cũng hiếm hoi: họ có những việc cấp bách cần làm khác. Chỉ có tù nhân trong các trại giam là đặt nhiều thì giờ cho vấn đề tự do nhất. Tự do lúc này chính là lý tưởng, là lẽ sống, là tình nhân của họ.

Tôi cũng không thoát khỏi thông lệ ấy. Đã nhiều lúc tôi mơ tưởng, ôm ấp hình bóng của tự do trong những giấc mộng lạnh giá của đêm tù. Nhưng tôi không hy vọng tự do từng giờ từng phút như ông Trọng. Tôi biết điều đó là vô ích, chẳng thiết thực. Tôi dùng thì giờ rảnh rang trong tù để ngồi thiền, tụng chú, niệm Phật. Tôi ngồi thiền hoặc tụng chú khi ông Trọng ngủ say. Tôi niệm Phật suốt ngày, xen kẽ vào những lúc ngồi không với ông ấy. Khi nào tôi và ông ngưng nói chuyện, khi đó câu niệm Phật khởi lên. Và ngày tháng cứ thế mà trôi.

Tôi đã trải qua một tháng ở trại giam này rồi. Cũng như ông Trọng, tôi chưa được cán bộ cho phép liên lạc với gia đình, nhưng tôi vẫn cứ vui vẻ, không mong đợi, không than trách. Thỉnh thoảng sư cô Trí Hải lại nhờ anh nuôi mang đến cho tôi một gói quà nhỏ và một vài phiếu tiền để cầm cự qua ngày. Tôi vẫn hầu như chưa biết thế nào là cái khổ trong tù. Chỉ có thời tiết nóng lạnh của ngày đêm là hơi phiền cho cơ thể tôi.

Từ cuối tháng năm bước qua đầu tháng sáu, thỉnh thoảng Sài-gòn có những cơn mưa tầm tã, nhất là về đêm. Ban ngày không mưa, trong phòng giam vẫn nóng hừng hực, nhưng ban đêm thì lạnh buốt. Tôi không quen mặc đồ tây chật bó để ngủ – lúc còn ngoài tù, trong thời gian lẩn tránh công an, tôi chỉ mặc đồ tây khi ra đường, còn trong nhà tôi vẫn mặc đồ tu rộng rãi (bộ vạt hò, tuơng tự bộ đồ bà ba của người dân quê Việt Nam) cho thoải mái; buổi tối mặc đồ tu mà ngủ thì còn thong thả hơn bộ pi-gia-ma nữa – nhưng bây giờ, trời lạnh quá mà tôi chỉ có bộ đồ tây duy nhất nên phải mặc vào để chống lạnh. Vậy mà đến khuya, cái lạnh cũng làm cho tôi phải co rúm người lại. Cả tôi và ông Trọng đều chưa được liên lạc với xã hội bên ngoài, lấy đâu mùng màn để đắp mà chống lạnh, chống muỗi. Muỗi thì thực ra không đáng ngại lắm vì phòng biệt giam bít bùng, họa hoằn lắm mới có một con muỗi chịu khó ghé vào. Chỉ có cái lạnh là không gì ngăn nổi. Cánh cửa sắt dường như còn muốn tiếp sức cho hơi lạnh tấn công chúng tôi nữa là đàng khác. (Cũng cần phải chua thêm ở đây rằng: là công dân Việt Nam, người ta phải tự biết là khi bị công an bắt vào tù thì mọi thứ nhu cầu sinh sống hàng ngày đều bị cắt đứt. Không bao giờ tù nhân được phát mùng màn, chăn chiếu, áo quần hay bất cứ thứ vật dụng cá nhân nào. Nhà giam của cộng sản chỉ phát cơm và chút nước muối để làm thức ăn thôi. Bởi xã hội cộng sản chỉ chú trọng miếng ăn thức uống, cho nên chỉ cần phân phát cho tù nhân hai thứ đó mà sống cầm hơi, khỏi chết, không cần phải cấp thêm thứ vật dụng nào khác! Nếu không có muỗng thì có thể bốc ăn bằng tay, còn không có ca hay chén để lãnh phần cơm, phải nhanh nhẹn lấy đại giấy báo hay bịch ni-lông đâu đó để anh nuôi xúc đổ vào, kẻo không kịp thì mất phần ăn. Tù nhân trong xã hội cộng sản muốn được sống còn thì phải tìm cách liên lạc với gia đình để được thăm nuôi. Nhưng liên lạc thì cũng phải chờ khi nào cán bộ cho phép mới được viết một lá thư. Thời gian lâu hay mau tùy hứng cảm và trí nhớ của cán bộ. May mà tôi được sư cô Trí Hải và bạn tù tiếp tế trong thời gian này).

Tôi nằm co như một con tôm, hai tay bó lấy chân, điều hòa hơi thở để chống lạnh mà vẫn không sao tránh được những cơn rùng mình chuyền qua xương sống và cái tê buốt như xâm kim dưới lòng bàn chân. Trong tư thế nằm co mình chống lạnh như vậy, đã có những lúc tôi cảm thấy mình bé nhỏ một cách lạ lùng khó hiểu. Chỉ có những đứa bé mồ côi bụi đời mới nằm ngủ trong tư thế đó mà thôi, chứ một thầy tu như tôi, ngay cả khi còn là thầy tu nhỏ xíu (chú tiểu), lúc nào cũng nằm ngay ngắn đàng hoàng, ngủ mà phải giữ tư cách như là đang thức, nằm tư thế uy nghiêm của sư tử để ngủ giấc ngủ cát tường(an lành): nằm nghiêng bên phải, tay phải co lên để gối đầu, tay trái duỗi theo hông, chân trái hơi co một chút, tựa trên chân phải đang duỗi thẳng. Nhưng tôi không thấy xấu hổ gì về chuyện nằm ngủ một cách mất trang nghiêm như đứa bé mồ côi bụi đời đâu. Tôi còn thích thú nữa là khác. Cứ nằm thử một cách mất trang nghiêm, một cách con nít như thế, tự nhiên người ta cảm thấy mình hồn nhiên vô tư lự ngay. Mà không phải sự việc sẽ ngưng lại ở chỗ vô tư lự. Nó còn dẫn người ta đến cái tâm trạng có vẻ như là tủi thân, cần tình cảm, hoặc bỗng dưng mà thương yêu con người, thương yêu cuộc đời chi lạ nữa! Tóm lại là trong tư thế nằm ấy, mọi thứ tình cảm–hình như bị dồn ép lại từ đôi chân co lên–tự nhiên dâng tràn, dâng tràn. Bất cứ hình ảnh nào, kỷ niệm nào, mộng ước nào, thuộc về tình cảm, cũng đều dấy hiện trong tư thế nằm kỳ cục đó. Tôi bỗng nghĩ bậy bạ rằng, không chừng vì vậy mà đức Phật dạy đệ tử phải nằm một chân duỗi ra, một chân hơi co lại cho được quân bình! Suy ra, một người nằm ngửa với hai chân duỗi thẳng đơ thì chắc là khô kiệt tình cảm, chẳng biết nghĩ đến ai; nằm nghiêng bên trái thì càng duy lý hơn (vì ép trái tim xuống phía dưới!), còn nằm sắp mà ngủ thì chắc là người khùng! Và tôi cũng nghiệm ra rằng, hễ bị lạnh, cơ thể con người sẽ co rút, nhưng tâm lý của hắn trở nên xung động, hoang tưởng, tràn ra ngoài. Phản ứng cơ thể trước cái lạnh nó lạ lùng như thế, mà phản ứng của tình cảm trong tư thế co mình cũng kỳ lạ không kém! Ừ thì có thể những suy nghĩ của tôi chẳng trúng trật vào đâu, nhưng dù sao, đó cũng là kinh nghiệm của bản thân tôi lúc ấy.

Trong tư thế như con sâu cuộn mình trên lá, hay như con ốc sên trở mình lắng nghe tiết lạnh của cơn mưa đầu mùa, tôi lắng nghe cái tê buốt của niềm cô đơn thấm vào da thịt mình. Rất lâu trong tư thế nằm đó vào mỗi đêm, tôi thấy mình như một đứa bé mồ côi đang thắc mắc rằng ai sinh ra nó. Tôi thấy tôi là em bé lam lũ ở thôn quê, trên các vùng kinh tế mới, hoặc theo cha mẹ bỏ vùng kinh tế mới để về thành phố sống lang thang ở các vỉa hè. Tôi nhớ những khuôn mặt hớt hơ hớt hải chạy loạn lúc tàn xuân của năm 1975. Nhớ sáu người bị xử bắn ở sân trại Nguyễn Văn Sâm, Phú Lâm vào năm 1978 vì tội chống chính quyền cách mạng nhân dân. Nhớ ba mẹ tôi, hai nhà nghệ sĩ thất thời hiền hậu, nét mặt lúc nào cũng lo âu, chỉ biết dang đôi tay trắng yếu đuối bất lực để bảo bọc bầy con khỏi móng vuốt của xã hội cách mạng siêu việt. Nhớ anh chị em. Nhớ những bạn bè cũ, mới, thân, sơ, tốt, xấu, từ Hội An, Nha Trang, Sài-gòn, Long Thành… Nhớ chú Đức tướng người vạm vỡ khỏe mạnh lại chết sớm vì cơn bệnh mắc phải trên chuyến vượt biên đường rừng. Nhớ hai sư cô Nguyên Anh, Nguyên Xuân, em ruột của chú Đức, cứ mỗi lần gặp tôi là nhắc chuyện anh mình, rồi ngồi khóc, làm cho người qua lại thầm chửi là tôi chọc ghẹo gì hai cô ấy! Nhớ cô bé Xù hàng xóm đi đâu mất biệt ở khung trời Phan Rang, không bao giờ tái ngộ. Nhớ cô bé Như Như tinh nghịch với cuộc tình của chàng trai tu sĩ trên đồi Trại Thủy thơ mộng năm xưa. Nhớ thiếu nữ tên Mộng Huyền với cuộc kỳ ngộ ngắn ngủi và một cuộc phân ly vội vàng để lại cả một dấu ấn nặng trĩu trong tâm hồn… Mộng Huyền ơi. Mộng Huyền ơi…

Chúng tôi được ông Hưng, một trong những người tổ chức, săp xếp thành từng toán, tập trung tại nhiều địa điểm khác nhau; rồi từ các địa điểm này, chúng tôi lại được chia thành từng cặp đôi để xuống bãi. Trừ trường hợp đã có cặp sẵn như vợ với chồng, vị hôn thê với vị hôn phu, bạn trai cùng bạn gái, ngoài ra, những người còn lại đều bị cặp mắt sắc lẻm lanh lợi của ông Hưng quét qua một lượt rồi sắp xếp đâu vào đó, thích hợp ngay. Ông già đi với bà già. Chú trung niên đi với cô trung tuần. Thanh nam cặp với thanh nữ. Bộ dạng nhà quê thì cặp với người quê nhà. Anh cải lương thì cặp với em vọng cổ. Chàng dân phố cặp với nàng thị thành. Lúc đó tóc tôi đã được hai tháng không cạo nên cũng xưng xửng, lúp xúp, không còn cái dạng đầu tròn của thầy tu, mà lại đội một cái mũ cát-két kiểu công nhân ăng-lê màu đen, rồi thêm mặc âu phục nữa, nên ông Hưng cũng chẳng ngại ngùng gì chuyện cặp đôi tôi với một thiếu nữ đang đứng nép vào một góc như là muốn tránh bị gọi tới vậy. Dẫu sao, người vượt biên trẻ tuổi như chúng tôi cũng ngoan ngoãn đối với người trong ban tổ chức y như lính quèn nghe lệnh cấp trên vậy. Nếu ông Hưng biết tôi là thầy tu, tôi nghĩ là ông vẫn cứ ra lệnh tôi đi chung với thiếu nữ kia như thường, và tôi sẽ tuân lệnh, cũng như thiếu nữ kia sẽ sẵn sàng tuân lệnh. Không ai trong chúng tôi muốn làm trở ngại gì cho chuyện sắp xếp ấy. Cho nên, bảo sao làm vậy. Tôi và nàng ngó nhau một cái thật nhanh. Nàng gật đầu nhẹ để chào. Tôi cũng gật đầu đáp lại. Rồi chúng tôi đóng vai tình nhân, cùng đi xuống bãi.

Trời lúc đó chưa tối hẳn. Nghe nói đường đi khá xa. Cứ đi bộ một lúc thì trời sẽ tối. Người tổ chức nói vậy. Chúng tôi vừa đi vừa ngó chừng người dẫn đường ở phía trước, cách khoảng trăm mét.

Sau lưng chúng tôi, mặt trời đã chìm xuống vực mây phía tây nhưng hãy còn nuối tiếc lưu lại dấu vết hồng tía của nó trên các đầu núi. Trước mặt chúng tôi, những cụm mây xa ở hướng biển như bị nền trời loang qua màu tím sẫm. Từng vệt mây tím kéo ngang như những nét vẽ còn ướt sơn khi chàng họa sĩ vừa buông cọ xuống. Chân trời tím. Tôi đưa tay tính chỉ nàng xem cái đẹp diễm lệ và thơ mộng ấy, nhưng nghĩ sao lại thôi. Nàng quay mặt qua, ngước nhìn tôi, chờ đợi. Thấy tôi không nói gì, nàng chỉ cười. Nước da nàng trắng hồng, nổi bật lên trong bộ đồ đen. Áo thun cổ tròn, dài tay, màu đen. Quần jean, cũng màu đen. Giày xăn-đan cũng màu đen hay màu hổ phách sẫm. Nàng cố tình trang phục toàn màu tối như vậy cũng dễ hiểu. Không phải để làm nổi bật màu da trắng như bông bưởi đâu, mà để thích hợp với đêm tối, thích hợp cho một cuộc vượt trốn. Tôi biết vậy, vì chính tôi cũng được người tổ chức của mọi chuyến vượt biên trước đây dặn dò như thế. Tôi mặc áo sơ mi dài tay màu xanh lá cây hơi sẫm, quần ka-ki đen, giày xăn-đăn đen. Theo sắp xếp, chúng tôi sẽ bước thong thả như cặp tình nhân đi dạo, từ điểm tập trung đến tận bãi biển. Đến bãi, chúng tôi sẽ lựa một chỗ thích hợp dưới gốc cây, trên bục đá, một quán nước nào đó để làm đôi tình nhân hóng mát.

Em tên Mộng Huyền. Anh tên chi vậy?

À, tên Khang, Vĩnh Khang.

Nàng nói tiếng Huế lai giọng Sài-gòn. Sau hai câu để biết tên nhau, chúng tôi cứ tiếp tục bước đi trong im lặng. Chúng tôi là những tình nhân đóng kịch, đâu có thân mật nắm tay nhau được. Giữa chúng tôi có một khoảng cách khá rộng. Chốc chốc nàng lại lấp cái khoảng trống đó bằng cách đi sát lại phía tôi.

Mình phải nói chuyện chi cho tự nhiên chứ đừng có lặng thinh mà đi như vậy người ta biết mình vượt biên đó,nàng yêu cầu với giọng nhỏ nhẹ, rót riêng vào tai tôi.

Ừ, phải vậy mới được,” tôi đáp. Nhưng rồi tôi cũng chưa biết phải nói chuyện gì. Chúng tôi đi thêm một đoạn trong im lặng. Cuối cùng, nàng lại cất tiếng:

Nhà anh ở đâu vậy?

Cũng Sài-gòn như Mộng Huyền vậy.

Sao anh biết em ở Sài-gòn?

Mấy người dân Bà Rịa, Long Hải, đâu cần người dẫn đường, đâu cần phải đóng kịch. Họ rành quá nên đi thẳng xuống bãi luôn cũng được mà. Nhóm người khi nãy được ông Hưng sắp xếp dặn dò, hầu hết là dân Sài-gòn.

Ừ há, vậy mà em không biết. Anh mới đi lần đầu hả?

Cũng khá nhiều lần. Bây giờ không nhớ là lần thứ mấy. Còn Mộng Huyền thì sao?

Em mới đi lần đầu thôi. Thực ra, em sợ lắm, em chẳng muốn đi đâu. Tại mẹ em bảo không đi thì mất cơ hội tốt, vì chuyến này mẹ em nghĩ là đàng hoàng, chu đáo lắm.

Tôi nhìn nàng, thích thú góp thêm niềm tin của mình về chuyến vượt biển:

Ừ, nghe nói có công an biên phòng lo bãi nữa mà, còn ghe thì mới đóng, máy tốt.”

Với lại có một ông thầy đi trong chuyến này nữa... Có thầy đi chung, mẹ em nói là tốt nhiều chuyện lắm. Nhất là có thể tránh được nạn hải tặc Thái Lan…

Cái gì? Ông thầy nào?

Em đâu biết. Chỉ nghe mẹ em nói có một thầy trẻ cần đi gấp trong chuyến này. Hình như thầy ấy bị công an tìm bắt dữ lắm, chắc là hoạt động chính trị. Tội nghiệp. Có lẽ thầy ấy tập trung ở địa điểm khác nên mình chưa thấy.

“Nãy giờ em nói thầy là thầy tu hả.

Chứ thầy gì nữa. Thầy tu ở chùa đó mà.

Em biết tên thầy ấy không?

Không. Hình như mẹ em có biết, nhưng cũng không biết mặt. Trời cũng tối rồi há anh, thấy ghê quá, chỗ này sao cây cối nhiều, âm u quá, rừng hả?

Nàng tự nhiên ôm lấy cánh tay tôi. Khoảng cách giữa hai chúng tôi đã được lấp. Biết nàng sợ, tôi cứ để yên cho nàng bấu lấy cánh tay mình như vậy. Vả lại, tôi nghĩ, đóng kịch cỡ này thì quá tốt rồi, sẽ chẳng ai nghi ngờ là tình nhân giả nữa.

Không phải rừng đâu, chỉ là vườn của người ta thôi. Vườn điều.

Anh rành quá há. Nhìn cây đó anh biết cây điều liền.

Ừ, có một dạo anh ở Long Thành… Ô, coi chừng mất dấu… Cái anh dẫn đường đâu rồi?

Khuất sau chỗ kia, chắc không sao đâu. Mình cứ đi tới. Theo hướng đó thế nào cũng tới bãi mà, phải không?”

Ừ, nhưng làm gì thì làm, mình phải bắt kịp anh chàng dẫn đường, vì chút nữa lên ghe lên tàu gì, mình cũng theo dấu hiệu của anh ta mà.

Chúng tôi tiến thêm một đoạn xa nữa, quẹo bên phải theo hướng mà người dẫn đường khuất vào khi nãy. Cách khoảng hơn trăm mét, chúng tôi thấy được mờ mờ lưng áo trắng của anh ấy. Nhưng rồi, anh ta không tiến tới nữa, lại chạy ngược về hướng chúng tôi. Tôi giữ Mộng Huyền lại:

Đừng bước tới nữa, chắc có chuyện. Anh dẫn đường chạy lui kìa!

Tôi vừa dứt lời đã nghe tiếng súng nổ đâu đó. Một tiếng rồi hai, ba tiếng. Rồi một loạt súng liên thanh nổ dòn. Tôi kéo Mộng Huyền bỏ con đường đất, chạy dạt về hướng vườn điều. Anh dẫn đường chạy vụt ngang qua, hô lên:

Chạy, chạy mau!

Rồi anh chạy về hướng đường nhựa. Tôi nghĩ nhanh, hướng đường nhựa không tốt, vì công an từ tư gia hay trụ sở ấp, xã, nghe tiếng súng nổ sẽ kéo tới từ hướng đó. Tôi liền kéo tay Mộng Huyền chạy băng vào vườn điều. Rồi tôi chạy trước, nàng chạy theo sau, cứ nhắm khoảng trống trước mặt mà chạy. Tự dưng, trong lúc hiểm nguy và cấp bách ấy, tôi cũng trở nên mạnh dạn, nhanh chân, chứ không chậm chạp khờ khạo như thường lệ. Hơn nữa, so với Mộng Huyền, tôi cũng là người có kinh nghiệm hơn, đó là chưa nói chuyện tôi là con trai, nàng là con gái: ít nhất tôi cũng phải biết chủ động trong những hoàn cảnh hiểm nguy này. Giữa những hàng điều có các lối đi rộng ba thước, cành lá hai bên túa ra choáng hơn một thước, hãy còn gần hai thước, rộng chán. Chúng tôi men theo các lối đó mà chạy về hướng tây, tức hướng ngược chiều với bãi biển, nơi có tiếng súng nổ. Cứ chạy một đoạn đường thẳng về hướng tây, chúng tôi lại rẽ qua một khúc, để tránh phía sau nhìn thấy, rồi lấy lại hướng tây, chạy thẳng tiếp. Chạy một đoạn khá dài mà tiếng súng nổ vẫn còn lẻ tẻ vọng sau lưng, nhưng Mộng Huyền đã có vẻ đuối sức, tôi phải đứng dậy chờ nàng từng chặp. Chúng tôi chạy băng suốt chiều ngang của mấy vườn điều. May mà giữ các khoảng vườn không có hàng rào rậm hay kẽm gai làm ranh giới, mà chỉ có những vồng đất làm dấu. Băng hết các vườn điều, chúng tôi hết lối. Trước mặt chúng tôi là một khoảng đất rậm rịt tre gai, cỏ tranh mọc cao ngang ngực, lau mọc quá đầu. Tôi quay lại lắng nghe động tịnh phía bãi biển. Tiếng súng đã ngưng nhưng có tiếng chó sủa và tiếng la hét khóc lóc đâu đó. Mộng Huyền đứng sát bên tôi, thở mạnh. Dưới ánh sao lờ mờ, tôi thấy khuôn mặt trắng bệch của nàng toát ra một vẻ liêu trai ma quái. Tôi hơi rùng mình. Không phải rùng mình vì sợ, mà vì một phấn khích nào đó, khó hiểu. Tôi nói khẽ:

Chắc mình phải băng qua đám cỏ này, tìm chỗ ngồi nấp. Đứng như vầy không ổn đâu.

Nàng có vẻ sửng sốt một chút khi đưa mắt nhìn đám cỏ rậm rịt, nhưng rồi cũng gật đầu nhẹ, tỏ ý tùy tôi. Tôi đi dọc theo đường ranh giữa đám cỏ và hàng điều cuối cùng để tìm một khoảng tương đối ít cỏ gai. Nàng bước theo tôi sát nút. Cuối cùng, tôi chọn vùng cỏ tranh, rẽ lối bước vào, dùng chân đạp ngã những ngọn cỏ lau cao khi cần để dọn đường cho nàng bước theo phía sau. Nàng im lặng chẳng nói một lời, có vẻ sợ hãi lắm. Thấy tội nghiệp, tôi quay lại khích lệ nàng:

Ráng một chút nữa đi, mình sắp đến một cánh đồng lúa thì phải.

Nàng không nói, chỉ chồm tới, níu lấy cánh tay tôi. Gió từ phía trước lùa đến chúng tôi mùi bông lúa của vụ đông xuân. Lúa tháng này mới ngậm hạt. Và tôi nghe phảng phất một mùi hương phấn nào đó từ phía nàng cũng phả nhẹ qua mũi tôi. Tôi và nàng đứng im một lúc. Nàng hỏi khẽ:

Có sao không anh?

Không sao. Mình thoát những người rượt đuổi rồi. Bây giờ chỉ còn tìm cách trở về lại đường nhựa để đón xe về Sài-gòn. Nhưng tốt nhất là phải chờ lúc sáng sớm, người ta còn ngủ.

Sao vậy?

Bây giờ công an, du kích hãy còn chạy tới chạy lui, họ sẽ chận đón bất cứ ai đi trên đường trong thời gian này. Ngoài quốc lộ, họ cũng sẽ chạy rà tới rà lui.

Sao anh rành quá vậy?

Trước đây cũng bị đổ bể một chuyến tương tự như vầy, nhưng chuyến đó còn nguy hiểm hơn nhiều. Thôi mình đi há.

Quả nhiên trước mặt chúng tôi là ruộng lúa cỡ vài mẫu tây, đang trổ bông, trải dài trên một vùng đất hơi trũng thấp như thung lũng. Chúng tôi đứng ở vị trí cao, có thể nhìn thấy bên phải cánh đồng là những hàng mít cao; bên trái cũng rợp bóng cây, hình như là điều hay một loại cây ăn trái thấp. Ẩn sau những lùm cây phía trước mặt chúng tôi, nơi tiếp giáp với cuối bờ ruộng, là một căn nhà ngói quét vôi trắng, nổi bật lên trên như một cồn đảo nhỏ. Dường như quanh đây chỉ có duy nhất căn nhà đó. Thấy nhà ngói khang trang, tôi ngần ngừ không dám đến, vì dân quê mà có nhà ngói thì thường là công an hay cán bộ đang làm việc cho nhà nước; còn không thì cũng là gia đình liệt sĩ có công với cách mạng.

Mình đi đâu vậy?nàng hỏi nhỏ.

Chắc tìm chỗ nào khuất để ngồi chờ sáng. Vườn mít phía kia đi.

Tôi đi trước, dọc theo bờ ruộng, về hướng phải, nàng theo sát phía sau. Một chặp, nàng lại níu lấy cánh tay tôi, đi ngang với tôi. Vào sâu với vườn mít, bóng đêm càng cô đặc lại như mực tàu. Dù sao, cỏ đã được chủ nhân dọn sạch sẽ, nên chúng tôi chẳng nhọc công tìm kiếm cũng chọn được một gốc mít to, đất hơi bằng phẳng. Tôi bảo nàng ngồi tạm ở gốc mít chờ tôi đi quơ một mớ cỏ chung quanh đem đến. Cỏ này vừa được cuốc dọn đâu chừng vài ngày, lại nằm trong bóng rợp của những cây mít nên chưa khô hẳn, mùi cỏ còn ngai ngái. Tôi giũ đất rồi trải cỏ xuống.

Mộng Huyền nằm nghỉ ở đây nghe.

Chứ anh đi đâu?

À… thì cũng gần đây thôi. Chỗ cây mít kế bên kìa.

Nàng ngập ngừng một lúc rồi nói:

Thôi, anh ở tuốt bên đó em sợ quá à. Hay là anh cứ nằm gần đây đi. Trải thêm cỏ chỗ này nè.

Tôi lưỡng lự nhưng rồi cũng làm theo ý nàng. Trải thêm cỏ. Chúng tôi nằm xuống. Nàng nằm phía trong, sát gốc mít. Tôi nằm ngoài, phía bên trái của nàng. Cùng nhìn lên trời. Nàng đặt hai tay xuôi theo thân hình. Tôi dặt hai tay đan trên bụng. Hình như nàng liếc nhìn tôi, rồi nàng bắtchước, đan hai tay đặt trên bụng, Cùi chõ trái của nàng và cùi chõ phải của tôi tựa vào nhau. Tôi nhìn qua phải, thấy hình dạng hai ngọn đồi cao vươn dậy trong bóng đêm. Sao lấp lánh giữa những cành lá. Có con chim ăn đêm nào đó vừa chuyền qua cành. Chúng tôi nằm im lặng ngó mông lung như vậy chứ chưa ngủ được. Đồng hồ lúc đó chỉ mới gần tám giờ tối. Một lúc, nàng hỏi nhỏ:

“Nhà anh ở quận mấy Sài-gòn vậy?

Ở tạm nhà một người quen, quận 3, đường Nguyễn Thiện Thuật. Còn Mộng Huyền?

Nguyễn Trãi, quận nhứt. Sáng mai anh đến nhà em chơi nghe.

Để coi thử.

Anh đừng ngại, nhà em chẳng có ai đâu, chỉ có mẹ em với em. Thôi, anh không đến liền cũng được nhưng anh nhớ cho em địa chỉ của anh há. Rồi khi nào tiện, em đến chỗ anh, hay anh đến nhà em.

Không được đâu… à, không tiện đâu.

Sao vậy? A, anh sợ chị ghen hả?

Đâu phải… độc thân mà. Có điều là không tiện thôi, tại vì nhà người quen, mình chỉ đến ở tạm, chẳng khai báo với công an.

“Vậy chứ gia đình anh ở đâu?

Nha Trang.

Ô, Nha Trang. Biển Nha Trang đẹp lắm, em có ra đó nghỉ hè với ba mẹ hồi xưa…” nàng thở dài, nói tiếp với giọng thật buồn. “Từ ngày ba đi tù, không còn một kỳ nghỉ hè nào cho gia đình cả… Thôi, vậy đi, sáng mai anh đến nhà em chơi. Đi chuyến này, thảm hại như vầy, ngày mai mình chia tay liền sao được! Buồn chết! Mai nay đi chơi một vòng phố, nha. Chắc anh không rành Sài-gòn bằng em đâu. Mai mình đi chơi cho khuây khỏa chuyện thất bại đêm nay, há!”

Để mai hãy tính. À này, hồi chiều Mộng Huyền nói là chuyến này có một ông thầy tu đi chung, sẽ tốt lắm mà. Sao tốt đâu không thấy, chỉ thấy chạy muốn đứt hơi.

Nàng bênh vực:

Chắc tại thầy ấy đổi ý không đi chuyến này.

Em cũng tin tưởng nơi mấy thầy dữ há! Vậy chứ em có nghe là một số thầy đi vượt biên bị mất tích trên biển không?

Em tin tưởng cái nghiệp chứ đâu phải tin hoàn toàn vào sự có mặt của mấy thầy. Em chỉ nghĩ rằng mấy thầy thường phước mạnh, nghiệp nhẹ, đi chung với họ mình có thể bớt gặp chướng nạn, không phải sao?

Tôi phì cười:

Ừ, cái đó người ta gọi là dựa hơiđó mà. Cũng có lý, nhưng trên thực tế, gặp trường hợp như đêm nay, chắc ông thầy đó cũng vắt giò mà chạy như tụi mình chứ đâu có hơn gì.

Nàng như chồm dậy, đưa nhanh bàn tay phải trắng muốt qua phía tôi, ba đầu ngón tay của nàng tì lên đôi môi tôi, ý chừng không cho tôi nói bậy:

Anh đừng nói vậy, mang tội chết!

Nhưng khi nằm trở lại vị trí cũ rồi, nàng lại cười lên khúc khích. Mấy ngón tay nàng đáp lên môi tôi thật nhanh rồi rút đi cũng thật nhanh nhưng nó kềm môi tôi một lúc lâu chẳng nói nên lời. Tôi mỉm cười, vui theo tiếng cười của nàng. Một lúc, nàng gợi một thắc mắc ngộ nghĩnh:

Anh đoán thử xem, gặp chuyện nguy hiểm như vầy, ông thầy đó sẽ như thế nào, có chạy không?

Ơ… anh nghĩ là không chạy đâu. Ông ấy đi từ từ, nếu công an bắt được thì bắt, không bắt được thì tốt. Nhưng cũng có trường hợp ông ấy phải chạy.

Trường hợp nào?

Trường hợp ông có trách nhiệm phải bảo vệ cho một em bé, một thiếu nữ, hay một người già cả chậm chạp nào.

Chứ không bảo vệ đàn ông con trai khỏe mạnh à?

Đàn ông con trai khỏe mạnh thì bỏ thầy mà chạy đi mất đất rồi, ông ấy có đuổi theo kịp đâu mà đòi bảo vệ.

Nàng lại cười phá lên, tự lấy tay bụm miệng. Tôi nhìn nghiêng thấy đôi vai và ngực nàng rung rung. Nam mô A Di Đà Phật, tôi khẽ nhắm mắt niệm thầm. Đang cười vui như vậy bỗng nghe tiếng súng lại nổ vang từ xa. Nàng bật ngồi dậy, tính đứng lên chạy. Tôi kéo nàng lại:

Khoan đã, tiếng súng ấy xa lắm. Chắc họ không tìm đến đây đâu. Mộng Huyền ngồi đây nha, chờ chút.Nói rồi tôi đứng dậy, bước một đoạn về hướng cũ, nghe ngóng. Hình như có tiếng la hét, chạy đuổi. Tôi vừa xoay lại, định quay về chỗ nàng thì đụng ngay nàng đứng sát phía sau. Nàng bước tới, tôi quay lui. Chúng tôi sáp vào nhau, không khựng lại được. Tôi phải cố gắng giữ thăng bằng để cả hai không té nhào. Tôi dùng hai tay kềm hai tay nàng lại. Chúng tôi đối mặt nhau, đứng sát nhau. Và ngay trong tư thế thuận lợi hợp tình đó, cọng với niềm hãi sợ cần được nương tựa, nàng choàng cả hai tay, ôm lấy tôi:

Em sợ quá. Anh đừng bỏ em ngồi một mình ở đó nữa nghe.

Ừ, không bỏ đâu. Chắc mình phải tìm chỗ khác khuất hơn để trốn, Mộng Huyền ạ.

Tôi gỡ tay nàng ra, kéo nàng đi dọc theo những hàng mít, hướng về phía quốc lộ. Nhưng đi một đoạn thì gặp bờ rào kẽm gai; sau bờ rào, cỏ mọc um tùm. Đã hết lối rồi. Từ chỗ này, chúng tôi chỉ còn hai hướng để chọn lựa: hướng thứ nhất, đi lui về phía trái của cánh đồng, nơi có vườn cây ăn trái thấp, mà hướng đó cũng là hướng đi về biển; hướng thứ hai, đi về chỗ ngôi nhà ngói đỏ quét vôi trắng. Tôi đứng lại định tâm một lúc. Hai hướng đi ấy, tôi chẳng thấy hy vọng loé lên ở hướng nào. Tôi lại đi nhanh, vơ một bó cỏ khô. Mộng Huyền cũng bắt chước, làm theo tôi, ôm một nhúm cỏ đi theo. Tôi chọn một gốc mít, trải cỏ xuống. Tôi bảo nàng nằm nghỉ, tôi ngồi bên cạnh.

Không đi nữa hả anh?nàng ngây thơ hỏi.

Không. Hết lối rồi. Đi lúc này còn nguy hiểm hơn. Cứ nán lại đây đi, không sao đâu. Trước sau gì mình cũng thoát.

Anh tin vậy à?

Ừ, linh tính cho biết vậy.”

Tôi vẫn có niềm tin như thế. Không phải tin vào một sức mạnh thiêng liêng nào mà tin ở sự bình tâm của mình. Một khi tâm tôi bình thản, có vẻ vô sự, thì tôi bình an. Có lần tôi và thầy Nguyên Lạc đi chung một chuyến vượt biên cũng đâu gần vùng này. Chúng tôi được tập trung trong một căn nhà. Bước vào nhà, đã thấy nằm ngồi la liệt sẵn dưới đất gần hai chục người vừa đàn ông, vừa đàn bà, vừa con nít. Tôi và Nguyên Lạc cũng lặng lẽ ngồi xuống đất, chờ đợi. Người ta nói khoảng tám giờ tối sẽ có người đến hướng dẫn từng tốp đi ra bãi đậu ghe. Vậy mà đến tám giờ rưỡi tối, vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Có người sốt ruột quá, bỏ về trước. Nguyên Lạc cũng khá lanh, chạy ra vườn sau của căn nhà, leo lên cây mít vừa để tránh điểm tập trung khá nguy hiểm của căn nhà, vừa thăm dò tình hình bên ngoài dễ dàng hơn. Những người còn lại trong nhà bồn chồn, nóng ruột, lo lắng, hãi sợ mà chẳng biết làm gì–vì bỏ về thì sợ bị bắt ngoài đường, mà cũng tiếc là sẽ mất cơ hội vượt biên. Trong khi mọi người xao động, đứng ngồi không yên như vậy, tự dưng tôi lại cảm thấy trong lòng vô cùng bình thản. Và bằng một tác động tự nhiên như là đổi thế ngồi khi mỏi, tôi ngồi xếp chân trong thế kiết già, hai tay đan vào nhau đặt trên lòng bàn chân. Cảm giác bình an đến với tôi lúc ấy, khiến tôi cứ ngồi yên mà mỉm cười một mình như thế. Đó là lần đầu tiên trên đời, tôi ngồi thiền giữa một đám đông người lạ. Một lúc khá lâu, mở mắt ra, tôi thấy mọi người trong căn nhà, có cả Nguyên Lạc từ ngoài vườn mới vào nữa, đều làm theo tôi, tất cả đều ngồi xếp bằng để cầu nguyện, niệm Phật hay cầu Chúa. Và đâu chừng nửa giờ đồng hồ sau đó, có tiếng la hét khóc lóc, rồi lại có tiếng súng nổ, ở nhà kế bên, chỉ cách nơi chúng tôi một bờ rào kẽm gai thưa. Công an vào xét và bắt những người tập trung ở nhà bên ấy. Rồi lại nghe tiếng công an lục xét, bắt người dẫn đi. Chó sủa vang rân. Đèn bin rọi chiếu tứ tung. Ánh sáng đèn bin có khi quét ngang hai cửa sổ của căn nhà mà chúng tôi đang ngồi. Đoàn người bên ấy bị công an dẫn đi đâu chừng mười phút thì có dấu hiệu của một cơn mưa lớn sắp đổ ụp xuống. Sấm chớp ì ầm. Gió cuốn qua cây vườn rào rạt. Và rồi mưa rơi thật lớn, mưa suốt đêm. Chúng tôi tự biết chuyến đi coi như thất bại. Một vài người tìm cách thoát đi. Số còn lại phải chờ gần sáng mới chia nhau từng đợt thoát ra khỏi căn nhà ấy, lòn theo những người đi lễ nhà thờ, ra lề đường đón xe trên quốc lộ để về lại Sài-gòn.

Nay dắt tay Mộng Huyền, không tìm ra lối, mà tự dưng tôi lại chẳng thấy một chút lo âu nào cả. Tôi biết đó là dấu hiệu của sự bình an.

Mộng Huyền nằm, thấy tôi cứ ngồi yên, bèn nói:

Sao anh không nằm, đàng nào cũng ở đây không đi nữa mà.

Mộng Huyền ngủ một chút cho khoẻ đi, tôi phải ngồi thức để canh giờ mà về.

Chỗ này đâu có đường đi.

Có một con đường phía bên phải của mình, cách đây khoảng bốn năm trăm thước. Khuya nay chừng ba giờ mình sẽ men theo con đường đó mà ra quốc lộ.

Sao anh biết có con đường?

Vì có cái nhà ngói nằm một mình trong đồng ruộng này, tất nhiên người trong nhà ấy phải tự trổ đường mà ra chứ. Mà đường cho xe chở lúa, chở phân, chở rơm thì tương đối rộng chứ không nhỏ đâu. Có điều, nếu chỉ có duy nhất một căn nhà ngói sử dụng con đường đó thì mình đi rất nguy hiểm, dễ bị chận hỏi.

Vậy sao đây?

Cứ yên tâm ngủ đi. Rồi mình cũng thoát mà.

Anh phải nói ra cái gì cho chắc ăn thì em mới yên tâm được chứ.”

Thì mình đi sớm, ra khỏi con đường riêng của căn nhà ngói, đến con đường chung của khu xóm trổ ra quốc lộ thì đâu ai biết mình thuộc nhà nào nữa. Tóm lại mình sẽ rời chỗ này khoảng ba giờ sáng, lúc người ta ngủ say, còn công an cũng mỏi mệt cả rồi.

Bây giờ mới gần chín giờ. Anh cũng nằm xuống ngủ một lúc đi.

Lỡ hai đứa ngủ quên hết thì phiền lắm. Mộng Huyền cứ ngủ, để anh canh chừng cho. Ngày mai ngủ bù cũng được mà.

Thôi, em không chịu đâu. Anh thức thì em cũng thức. Hay là anh nằm xuống đi, hai đứa nói chuyện, khỏi ngủ. Một chặp thì đến giờ về chứ gì đâu.

Tôi đành nằm xuống theo đề nghị của nàng. Chúng tôi nằm nhìn trời đêm kéo xuống càng lúc như càng thấp hơn. Muỗi khá nhiều, tôi phải dùng cái mũ cát-két để xua. Chúng tôi nói chuyện xì xào bằng hơi gió. Nàng hỏi về đời tư của tôi. Tôi chỉ ậm ừ trả lời cho qua. Tôi thất nghiệp. Tôi chỉ ở nhà đọc sách, đọc truyện. Tôi lang thang sống với bạn bè. Nàng cũng nói tôi nghe khá nhiều về tâm tình và sở thích của nàng. Nàng hai mươi bốn tuổi, nhỏ hơn tôi hai tuổi. Nàng chỉ học xong trung học dưới chế độ xã hội chủ nghĩa rồi nghỉ vì thuộc thành phần có cha là sĩ quan chế độ cũ phải đi học tập cải tạo. Nàng có người anh ruột rời nước từ năm 1975, đang ở Mỹ. Chỉ còn hai mẹ con sống trong một căn nhà rộng. Mẹ nàng mướn giáo sư về dạy dạy kèm Anh ngữ cho nàng để chờ ngày qua Mỹ. Nàng cũng được mẹ thuê giáo sư đến nhà dạy dương cầm. Nàng thích đọc truyện. Thường ra các quầy sách ở gần đường Ký Con, quận Nhứt Sài-gòn, để mua sách cũ về đọc. Không rõ tôi có bắt gặp nàng lúc nào đó trên con đuờng đầy những quầy sách ấy không. Nàng chưa có người yêu nhưng cũng có vài người bạn trai, không thân lắm. Nàng không thích chàng nào. Một chàng hay nói dóc. Một chàng thích giảng đạo và thường khích lệ nàng rửa tội, bỏ đạo Phật, theo một đạo khác. Một chàng thích ăn chơi và thường hãnh diện chuyện ăn mặc đẹp nhưng bên trong thì rỗng tuếch. Rồi tôi kiếm chuyện để kể nàng nghe. Những chuyện mà tôi chỉ mới viết trong đầu chứ chưa hề viết ra trên giấy cho ai đọc. Nàng hỏi, truyện của ai mà buồn quá, thảm quá. Tôi phịa tên một tác giả quen. Rồi kể tiếp chuyện khác. Nàng nói nàng sẽ không ngủ, nhưng rồi nàng cũng ngủ. Tôi hỏi nhỏ mấy lần, còn thức không vậy. Nàng không trả lời. Tôi nằm thức một mình, quạt muỗi cho nàng. Trời càng về khuya, màn đêm như được kéo dần lên trong khi sương lạnh thì chùng xuống từ từ. Nàng xoay người qua phía tôi, mở mắt nhìn tôi một thoáng, kéo tay tôi lên, tựa đầu, rồi đưa tay choàng ôm ngang ngực tôi. Tôi chẳng rõ là nàng ôm tôi trong giấc mơ hay nàng vừa mới thức. Hơi thở nàng hơi dồn dập lúc choàng tay ôm tôi, nhưng rồi cũng điều hòa trở lại. Thở rất nhẹ. Mùi sữa. Giống như mùi con nít. Tay và vai nàng rùng lên từng cơn. Biết nàng lạnh, tôi xoay qua trong một phản ứng tự nhiên, ôm lấy lưng nàng. Quả tình lúc ấy tôi chỉ thấy thương nàng như thương một đứa em gái nhỏ, nếu không nói là một chúng sinh bé nhỏ đang cần nương tựa. Chính cái nhu cầu cần được che chở của nàng đã đánh bạt đi bản năng khát dục của tôi, khiến tôi ứng xử như một chàng quân tử, một người anh lớn, hay như một gã đàn ông sung sướng được cơ hội bảo vệ phái yếu. Một thứ giá trị tinh thần cao kỳ nào đó trong tôi nghễu nghện đứng dậy, chiếm lĩnh cái vũ đài tâm tôi, và bởi nó được huấn luyện từ lâu như một thứ khí giới, hay một thứ áo giáp hữu hiệu, nó thừa năng lực để qui phục các thứ bản năng thấp hèn khác vốn quen nếp trong sự kềm chế.

Mặt chúng tôi kề sát nhau. Tôi nín thở. Nàng thở đều. Hơi thở nhẹ, thơm, vu vơ như cơn gió đi lạc. Và trong cái vẻ hoang sơ của bìa rừng với ngàn sao như sa xuống cùng sương lạnh, tôi nghe chừng đây không phải là lần đầu tiên tôi nằm với một thiếu nữ, một sinh vật giống cái, một cách gần gũi tự nhiên như vậy. Hình như từ một triệu năm trước, hay trăm ngàn năm, hay mười ngàn năm, hoặc chỉ mới đâu chừng một ngàn năm trước đây thôi, rõ ràng là tôi đã từng trải qua những đêm nằm lăn kềnh một cách vô tư giữa màn trời chiếu đất như đêm nay. Có cái gì đó rất quen thuộc trong cảnh nằm nghiêng, nhìn sau lưng một người phụ nữ, thấy bờ cỏ vươn lên, còn mây mù và sao đêm thì kéo thấp xuống dưới chân trời.

Tôi thích thú thả hồn lò dò lẫm dẫm đi tìm cái cảm giác quen thuộc bị bỏ rơi trong quá khứ xa xăm nào đó, bỗng nghe tiếng bước chân từ đâu hướng về phía chúng tôi. Tai áp sát dưới đât, tôi nghe rất rõ. Tiếng chân có vẻ cẩn trọng, dè dặt như rình rập hoặc không muốn phiền đến ai vào giấc khuya; nhưng tôi đoán kẻ ấy cũng phải to lớn lắm mới có những bước chân nặng thịch như vậy. Tôi khẽ rút tay ra khỏi đầu Mộng Huyền, gỡ nhẹ cánh tay nàng ra. Nàng ú ớ nói một vài chữ. Lạnh quá. Đừng bỏ em nghe. Tôi nằm im một lúc chờ nàng thở đều rồi mới rón rén ngồi dậy, nhìn quanh, nghe ngóng. Kẻ kia hình như ngừng bước khi thấy tôi ngồi dậy. Tôi không nghe tiếng gì nữa. Nhưng ở cạnh gốc mít cách chỗ chúng tôi chừng năm mươi thước, rõ ràng là có một bóng trắng đang đứng. Vóc người to lớn vạm vỡ. Tôi đứng dậy nhìn. Bóng kia từ từ bước về hướng chúng tôi. Lúc ấy tôi chỉ sợ công an chứ không sợ ma. Tôi biết có kêu Mộng Huyền dậy cũng chẳng chạy đi đâu cho kịp, đành đứng yên, chờ đợi. Hình như là một ông già, đầu quấn cái khăn rằn. Mặc áo bà ba trắng, quần dài đen. Nách ông kẹp một thứ gì như một cây gậy hoặc một cây súng. Ông tiến tới gần hơn. Không phải súng hay gậy mà là một cái rựa. Tôi tiến tới vài bước gần ông ấy, lên tiếng, không lớn lắm:

Chào bác. Tụi cháu đi lạc, ngủ tạm ở đây chờ trời sáng rồi ra quốc lộ đón xe…

Ông già chống cái rựa xuống đất, nhìn tôi rồi nhìn dáng Mộng Huyền đang nằm ngủ, hỏi:

Đi hai vợ chồng à?

Dạ, hai người.” Tôi định nói thêm: nếu cần gì bác cứ nói, cháu ở lại đây với bác để thương lượng sau, miễn bác thả cho cô ấy về là được rồi… Nhưng tôi chưa kịp nói gì đã thấy Mộng Huyền trờ tới, níu lấy cánh tay tôi:

Gì vậy anh?

Tôi quay qua nàng:

Không sao đâu, có bác này ở trong xóm… để coi bác tính sao…

Ông lão bật cười lên một tiếng:

Tính gì mà tính. Theo bác vô nhà mau chứ nằm đây không được đâu.”

Mộng Huyền níu tay tôi, ngón tay nàng bấm nhẹ trên tay tôi tỏ ý nên cẩn thận. Tôi nhìn dáng ông già bước đi trước, tự dưng thấy yên tâm. Tôi nói nhỏ với nàng:

Đi theo bác ấy, không sao đâu. Bác ấy cứu mình đó.

Mộng Huyền vẫn trù trừ chưa muốn bước. Ông già quay lại:

“Sợ hả? Ở ngoài này còn nguy hiểm hơn gấp trăm lần. Vượt biên không được thì vào nhà mà trốn chứ nằm ngoài sương như vầy suốt đêm sao! Mấy đứa bây may phước mới gặp tao. Không theo thì trước sau cũng vô tù nghe các con.”

Tôi kéo tay Mộng Huyền. Nàng ngoan ngoãn bước theo. Ông già dẫn chúng tôi đi băng vườn mít, qua một bờ ruộng nhỏ rồi đến một con đường đất khá rộng có trồng bạch đàn thẳng tắp ở hai bên. Con đường dẫn vào căn nhà ngói có tường quét vôi trắng. Ngôi nhà mà chúng tôi nhìn thấy trước đây từ xa. Tôi đưa tay nhìn đồng hồ dưới ánh sao đêm nhấp nháy. Gần mười hai giờ khuya.

Từ xa, chúng tôi có thể nhìn thấy căn nhà ngói với hai cửa sổ hắt ra thứ ánh sáng vàng vọt của một cây đèn dầu loại lớn. Cửa chính của căn nhà hình như cũng chỉ khép hờ nên ánh sáng bên trong túa ra một vệt thẳng đứng. Có lẽ có người còn thức bên trong căn nhà ấy. Mộng Huyền vẫn hai tay níu lấy cánh tay tôi. Tôi có thể nghe được những cơn rùng lạnh hay hãi sợ từ cơ thể nàng chuyền trực tiếp vào cánh tay tôi qua phần ngực bên trái của nàng. Phần ngực ấy đáng ra là nóng rang, lại rung mình trong một tiết điệu khó hiểu nào đó để rồi chính nó đã run rẩy mà còn khiến tôi cũng lạnh run theo. Tôi thở dồn dập.

Ông già bước gần đến cửa chính thì cất tiếng, chắc là để báo hiệu cho người bên trong khỏi giật mình khi ông đẩy cửa bước vào:

“Cũng khuya rồi há, sương lạnh quá.”

Một bà già thấp người từ trong bước ra, đón ông và chúng tôi. Ông khoát tay làm một cử chỉ như là muốn giao chúng tôi cho bà vợ, rồi ông rút vào trong lối đi có phủ tấm sáo vẽ hình ngôi chùa Một cột. Ông ho húng hắng ở trong đó. Bà già có vẻ như chẳng ngạc nhiên gì về sự có mặt của chúng tôi cả. Bà nắm tay Mộng Huyền kéo vào, vừa đóng cửa vừa nói:

Chao ôi, tội nghiệp chưa. Vô mau kẻo lạnh, con. Tao biết mà, mỗi lần có tiếng súng nổ là thế nào cũng có mấy cô mấy cậu chạy lung tung ở ngoài. Không biết ngõ thì cuối cùng cũng bị tụi nó bắt. Ông đi vòng vòng để rước mấy đứa bây vô đó. Nè, ăn gì chưa con, đói bụng không, để bác nấu cho ăn?

“Dạ không đói đâu bác,tôi đáp.

Không, cái vụ này thì phải nói thiệt à nghe, đói thì ăn, không đói thì thôi, đi ngủ. Phải thiệt tình mới được. Không đói hả? Thôi vậy thì đi ngủ há. Sáng sớm ổng đưa ra ngoài mà về. Yên tâm đi. Ổng cũng giúp nhiều người rồi chứ không phải chỉ hai vợ chồng bây thôi đâu,” bà nhỏ giọng xuống, “ổng tốt lắm, thấy cái bộ vó thì dữ dằn nhưng chưa có hại ai bao giờ. À, này con gái của má có muốn đi tiểu đi tiêu, rửa chân rửa cẳng gì để má dắt con đi. Con nữa, muốn đi không, à, hay con ngồi đây một chặp đi. Để bác dẫn bà xã con đi chút rồi trở lại liền.

Nói rồi, bà ấy kéo Mộng Huyền tính dẫn ra nhà sau. Mộng Huyền hơi níu lại, nhìn tôi như hỏi ý. Tôi tự nghĩ thật nhanh, sao lại hỏi ý trong cái trường hợp riêng tư này nhỉ hay là nàng sợ nên muốn có tôi đi theo, đứng canh chừng giùm nàng, yên tâm hơn là đi theo một người lạ.Tôi định đi theo nàng nhưng nghĩ lại, thấy không cần. Tôi tin tưởng hai ông bà ở đây. Tôi gật đầu thật nhanh để khích lệ nàng cứ yên tâm mà đi theo bác gái. Lúc ấy nàng mới chịu đi. Làm như tôi là ông cố vấn rất giỏi trong mọi trường hợp vậy!

Còn lại một mình nơi bàn khách, tôi bật cười với ý nghĩ rằng tôi và Mộng Huyền mới khi chiều đóng kịch làm tình nhân mà bây giờ đã thành vợ chồng. Nhanh quá! Một nỗi vui thú rất bản năng dấy lên trong lòng tôi một lúc. Lạy Phật, xin giúp con thêm bình tâm và yên tĩnh. Yên cả chuyện ách nạn bên ngoài và yên cả chuyện sóng gió bên trong.

Tôi ngồi ngó vu vơ. Nhà chia làm ba gian, gian giữa thờ tổ tiên. Hai bên bàn thờ là hai lối đi xuống nhà sau. Cạnh mỗi lối đi là một căn phòng, tôi đoán vậy Trên vách tường bàn khách, một cái khung kiếng lớn đặt nhiều ảnh nhỏ của gia đình. Hai khung kiếng khác nhỏ hơn là hình cô dâu và chú rể trẻ, có lẽ là con của ông bà chủ nhà. Và riêng biệt ở một vách khác phía phải của bàn thờ, một cái bằng tưởng lục gì đó. Chắc là bằng liệt sĩ hay giấy khen thưởng của nhà nước. Tôi rời bàn, đến nhìn, chưa kịp đọc đã thấy bác gái và Mộng Huyền bước lên. Bác gái nói với tôi:

À, cái này là bằng ghi công của ổng. Hồi đó ổng đi theo cách mạng, sau giải phóng ổng về hưu, được cái giấy này để treo. Xì, ban đầu cũng ham lắm, nhưng bây giờ thì hết rồi. Treo thì treo để chúng khỏi bắt nạt mình thôi chứ có đáng giá gì! Nè, con có muốn đi ngoài không, để nó đưa con đi há, nó biết đường rồi. Đi đi con, tự nhiên. Để bác lo mùng màn cho hai con. Có cái giường của con Thu ở phòng bển, nó theo chồng nên để trống, bác tháo mùng cất rồi, để bác lấy ra treo cho hai con.

Mộng Huyền kéo hai tay tôi xuống nhà sau. Có một cái đèn dầu nhỏ đặt ở cạnh bếp. Ngọn đèn chiếu lờ mờ một cánh cửa trổ ra vườn sau. Mộng Huyền đẩy cánh cửa, chỉ cho tôi thấy một nhà cầu cũng được xây đàng hoàng bằng gạch, quét vôi trắng, nằm biệt lập ở phía bên trái, sát mé ruộng. Nàng định bước theo, tôi nói:

“Mộng Huyền lên nhà trên với bác gái đi, không cần chờ ở đây đâu.

Nàng ngập ngừng một lúc rồi quay lên. Tôi bước ra ngoài, thấy sao trời sa xuống thật gần. Tôi vươn vai, phủi áo quần một lúc. Sau khi làm vệ sinh, rửa ráy, tôi trở vào, đóng chặt cửa sau lại. Có tiếng ho của bác trai ở căn phòng phía phải bàn thờ. Bác gái và Mộng Huyền đã treo xong mùng. Hai người ngồi nơi cạnh giường, trò chuyện. Thấy tôi trở lên, bác gái đứng dậy nói:

“Thôi, cũng khuya rồi, hai vợ chồng con đi ngủ để sáng còn dậy sớm mà theo ổng đi ra. Đừng có suy nghĩ gì hết á. Cứ ngủ ngon rồi bác kêu dậy.

Mộng Huyền leo lên giường, chui vào phía trong. Tôi còn trù trừ đứng ở ngoài thì bác gái thúc giục:

Lên giường nhét mùng lại đi, để bác thổi đèn rồi chẳng thấy đường bây giờ.

Tôi không kịp suy nghĩ gì nữa, vén mùng chui vào. Vừa nhét xong cửa mùng xuống dưới chiếu đã thấy đèn vụt tắt. Tối thui. Tiếng giép của bác gái sè sẹ rút đi, nhỏ dần rồi mất hút vào căn phòng bên phải của bàn thờ. Tôi ngồi im một lúc để mắt quen với bóng tối. Có một ngọn đèn nào đó rất nhỏ, tỏa một thứ ánh sáng mờ mờ huyền ảo từ bàn thờ ở gian giữa phản chiếu vào giường chúng tôi. Mộng Huyền nhìn tôi, nói thì thào bằng giọng hơi:

“Ngủ đi chàng. Thiếp cũng mệt lắm rồi,” rồi nàng cười khúc khích.

Tôi ái ngại nằm xuống, nhưng cũng nghe một nỗi rạo rực bừng khắp toàn thân. Kỳ lạ! Khi nãy nằm bên nhau ngoài rừng đã sao đâu, bây giờ vào đây giường chõng chăn màn đàng hoàng, lại thấy như có cái gì chướng chướng. Có lẽ vì cả bác trai và bác gái cứ đinh ninh và nhắc hoài hai chữ vợ chồngkhiến cho cái tự nhiên của tôi bị đánh mất. Hai chữ tình nhânđối với tôi còn có thể dễ dàng chấp nhận, chứ hai chữ vợ chồngthì có cái vẻ gì khủng khiếp và nặng nề lắm: nó không những chỉ mô tả cái yêu đương của một đôi trai gái (như chữ tình nhân) mà còn xác định một hình ảnh khắng khít, gắn bó, quấn quít, ràng buộc, cột trói, đeo chặt… một cách thực tế và dung tục của đôi trai gái khi họ chấp nhận buông bỏ tất cả tính thơ mộng lãng mạn ban đầu để xây dựng một tổ ấm, trong đó, mỗi cá nhân không còn là cá nhân, mọi riêng tư đều biến thành của chung, và lấy chính cái hệ lụy khủng khiếp đó làm niềm hạnh phúc bền lâu cho đời mình. Nói trắng ra, hai chữ vợ chồngấy gợi trong óc tôi một thứ dục tình nhầy nhụa nhưng đầy sức quyến rũ. Lạy các vị Phật và Bồ tát khắp mười phương thế giới, xin đừng thử thách con, con yếu lòng lắm, các ngài thừa biết chuyện đó rồi, đâu cần phải trắc nghiệm gì nữa!

Tôi muốn là tu sĩ tốt. Tôi muốn là người con trai đàng hoàng. Cả hai con người đó đều phải nghiêm túc, đứng đắn, không thể làm bất cứ điều gì cho nàng nghĩ rằng mình thiếu tư cách được.

Sao anh không nói gì hết vậy? Anh không thích em giỡn như vậy hả?nàng thì thào hỏi.

Đâu có sao. Giỡn vui chứ có sao đâu. À, phía trong có cái gối dài phải không? Có cần…

Anh tính đặt cái gối này ở giữa để làm hàng rào ngăn đó hả? Ngăn em hay ngăn anh vậy?” nàng hỏi rồi lại cười khúc khích, “anh cẩn thận quá sức. Chứ không phải hồi nãy hai đứa mình nằm chung trên cỏ ở ngoài rừng sao?

Lúc nãy khác, bây giờ thì... chỉ sợ là Mộng Huyền thấy ngại thôi.

Em không thấy ngại gì hết. Em tin tưởng anh mà. Anh kể chuyện gì cho vui đi, rồi mình ngủ. À, anh nghĩ coi, sao hai bác cứ đinh ninh mình là vợ chồng mà chẳng hỏi lại thử xem có đúng không. Bộ em giống vợ anh lắm sao?

Chắc tại hai bác thấy mình… Thôi, thắc mắc làm gì, ngủ cho rồi.

Anh muốn ngủ chứ không muốn nằm nói chuyện hả? Hồi nãy ngoài rừng, hình như chỉ có mình em ngủ thôi, còn anh thức, phải không? Ở ngoài đó lạnh quá. Lần đầu tiên em ngủ ngoài trời đó. Mà cũng là lần đầu tiên… em nằm trên tay một người con trai. Đã vậy còn vào đây nằm chung nữa… Anh với em hình như có cái duyên gì lạ lắm. Anh có nghĩ vậy không? Không hả, anh buồn ngủ hả? À, khi nãy ngoài kia, anh nói mình sẽ bình an, sẽ thoát. Sao anh đoán hay quá vậy! Bộ anh là thầy bói hả? Hi hi. Mà anh ơi, lúc vào đây, thấy hai bác đối xử tốt, tự nhiên em có ý nghĩ rằng: chắc là có ông thầy mà mẹ em nói, đi chung trong chuyến này. Dù ông ở nhóm khác nhưng cũng chung chuyến, cho nên bọn mình mới may mắn gặp hai bác tốt như vầy. Anh nghĩ đúng không?

Tôi không đáp. Giả vờ nhắm mắt. Niệm Phật. Nam mô A Di Đà Phật… Thấy tôi im, nàng tôn trọng, không nói nữa, nàng khẽ ngồi dậy kéo tấm chăn mỏng lên, đắp ngang ngực tôi, sửa lại cho ngay rồi nằm xuống. Chúng tôi đắp chung cái chăn. Chung chăn chung chiếu. Tôi thầm nghĩ. Sao giống vợ chồng quá. Mô Phật! Tôi nằm ngửa. Nàng nằm nghiêng, day mặt qua phía tôi. Tôi đoán là nàng đang nhìn tôi. Chặp lâu, một cánh tay nàng như rớt xuống, tựa vào lưng tôi, rồi nằm yên ở đó. Người tôi nóng ran. Nam mô A Di Đà Phật. Nam mô A Di Đà Phật…

Lạy Phật, do nhân duyên kỳ diệu nào mà ngài từ bỏ vợ đẹp con ngoan để xuất gia tầm đạo, chứng đắc đạo quả vô thượng; và do nhân duyên trớ trêu nào mà con phải nằm đây, bên cạnh một thiếu nữ yêu kiều! Phải chăng không có những hoàn cảnh như vầy thì chí nguyện xuất trần sẽ không kiên cường hơn sao? Ôi, đày đọa chi tôi, thằng con trai đa cảm này!

Khi bác gái đến cạnh giường tằng hắng mấy tiếng, tôi thức giấc và giật mình thấy rằng tôi và Mộng Huyền ôm chặt lấy nhau, đầu nàng rúc vào ngực tôi. Có lẽ chúng tôi đã ôm nhau thật chặt để đi hết cơn mộng ngắn ngủi phù du ấy, vì cái nghiệp thức mê muội mà linh giảo của chúng tôi tự biết rằng khi bừng tỉnh, chúng tôi sẽ chia tay nhau, không còn là vợ chồngnữa. Mộng Huyền cũng thức dậy, cười chào tôi buổi sáng đầu ngày bằng một nụ cười nửa bẻn lẻn nửa thích thú. Ngồi dậy, nhìn đồng hồ thấy đã bốn giờ, tôi nói:

Tụi con thức rồi, bác ạ.

Ừ, dậy rửa ráy sơ, ăn mấy củ khoai rồi ổng đưa hai đứa bây ra ngoài đường.

Mười lăm phút sau, chúng tôi cùng ngồi ăn khoai mì với hai bác ở bàn ăn gần nhà bếp. Ăn xong, tôi lễ phép thưa:

“Tụi con chẳng biết nói sao để cám ơn hai bác…

Bác gái xua tay:

Thôi, đừng có nói chuyện ơn nghĩa gì ở đây, hai bác không thích đâu. Giúp gì được cho ai thì giúp, hai bác đều nghĩ vậy. Bây khổ không sống được với tụi nó thì bây tìm đường đi. Ổng còn nói là chính ổng rước tụi nó vô đây để làm khổ dân, bây giờ ổng giúp cho bây đi để chuộc lại cái lỗi của ổng đó!

Tôi thực cảm động khi nghe bác ấy nói vậy. Và tôi càng tin tưởng mạnh thêm rằng chế độ này sẽ không tồn tại lâu dài, vì chính những người từng ủng hộ họ cũng quay lưng lại với họ rồi. Cả bốn người, hai già hai trẻ, ngồi bên nhau chẳng biết nói gì trong một lúc.

Bỗng dưng, trong một thoáng duyên mơ hồ nào đó, tôi thấy ấm lòng như thể hai ổng bà là chứng nhân cho cuộc hôn phối tạm bợ của tôi và Mộng Huyền. Rõ ràng là ở cái giây phút im lặng đó, trước mặt hai vợ chồng già chất phác, tôi thấy có cái gì rất gần gũi giữa tôi và nàng, như thể tôi và nàng là vợ chồng với nhau thực sự. Có thể trong một tiền kiếp nào đó, tôi mắc nợ nàng, hoặc có hứa hẹn gì đó với nàng, nhưng kiếp này vì tôi quyết chí đi tu, tôi không trả nợ được, nàng không đòi nợ được, đành phải làm vợ chồng với nhau trong vài giờ đồng hồ để xoá ân tình cũ… Tôi đang trầm ngâm suy nghĩ về điều đó, bỗng bác trai lên tiếng:

Chút nữa ra sau, hai đứa bây leo lên xe bò nghe. Kệ nó, nằm tạm trên xe một đỗi còn hơn nằm tù mọt gông. Bác đã dọn bớt đồ trên xe, lót sẵn ít rơm trên đó rồi. Bây nằm xuống, bác phủ rơm lên trên sơ sơ, phủ có lệ thôi. Rồi bác đánh xe ra ngoài lộ, băng qua phía bên kia đường để thuận chiều đón xe về, bây ở Sài-gòn mà, phải không? Ừ, ngó là biết ngay mà. Bác sẽ tìm chỗ nào khuất để bây xuống xe, rồi tìm cách ra quốc lộ. À, bây đi chùa hay đi nhà thờ? Chùa hả. Ngoài đó có ngôi chùa. Vậy bác cho bây xuống ở phía chùa đi ra, đứng ngay trước cổng chùa mà đón xe. Bác biết tụi nó còn ở ngoài nhiều lắm. Bây đi lạng quạng là tụi nó bắt liền. Xe bò của bác tụi nó chẳng dám đụng tới đâu. Bác cũng dân cách mạng mà. Vậy nha, đón xe về mà lo chuyến khác. Đi đứng cho cẩn thận, đừng để người ta gạt mà khổ.

Chúng tôi dạ cám ơn rồi đứng dậy. Bác trai bước ra vườn sau. Bác gái giữ chúng tôi lại, nói chờ một chút, khi nào bác trai ngoắc thì mới ra. Tôi nhìn ra cửa sổ thấy trời chưa hẳn sáng. Nhìn đồng hồ. Gần năm giờ. Và tôi chợt nẩy ý gởi tặng hai bác cái đồng hồ đeo tay của tôi. Tôi cởi đồng hồ ra thật nhanh, dúi vào tay bác gái:

Cái đồng hồ này con gởi tặng bác trai hay anh gì con rể của bác để làm quà. Bác nhận dùm con đi nghen, tụi con cám ơn hai bác thật nhiều.

Mộng Huyền thấy vậy cũng cởi nhanh chiếc đồng hồ đeo tay nhỏ xíu của nàng ra, dúi vào tay bác gái:

Con cũng gởi chị Thu cái này, con có cái khác ở nhà. Bác nhận cho tụi con vui, nghe bác.

Bác gái xua tay nằng nặc từ chối nhưng cũng vừa khi ấy, bác trai đưa tay ngoắc, chúng tôi lợi dụng cơ hội đó bước nhanh ra khỏi nhà. Vừa đến chỗ xe bò, chúng tôi đã bị bác trai thúc giục lên xe, chưa kịp nói thêm điều gì với bác. Thùng xe chiều ngang đâu chừng một thước rưỡi, còn chiều dài thì cỡ một thước tám, vừa đủ cho tôi duỗi chân. Thùng xe đóng khá cao, nếu chúng tôi có ngồi thì người ngoài cũng khó mà thấy được; nhưng bác trai bảo nằm thì chắc ăn hơn, vì nếu ngồi, có người đến đứng bên cạnh thùng xe, sẽ phát giác ngay cái đầu ló lên của chúng tôi. Tôi nằm xuống trước, Mộng Huyền nằm xuống sau. Hai bên có rơm hay thứ gì nêm chật cứng nên chúng tôi bị dồn vào khoảng giữa, nằm thật sát bên nhau. Chờ chúng tôi nằm yên đâu vào đó rồi, bác trai lấy hai bó rơm khá lớn, đặt nhẹ lên:

Bác để rơm lên à nghe. Nhắm mắt lại, coi chừng bụi. Được chưa. Có che khuất trên đầu không? Không hả, không thì tốt, còn để thở cho thoải mái chớ.

Hai bó rơm đủ che khuất thân hình chúng tôi từ ngang cổ cho đến chân. Rồi chiếc xe bắt đầu lăn bánh lọc cọc.

Bầu trời hãy còn lác đác vài ngôi sao ngái ngủ. Những nhánh cây bạch đàn từ hai bên đường chạy lui trên đầu chúng tôi. Xe bò không thể nào êm ái được. Chúng tôi bị dằn xóc dữ lắm. Rêm cả lưng. Càng dằn xóc, thân hình nàng và tôi càng ép sát vào nhau hơn. Một lúc thì giữa chúng tôi chẳng còn chút ngại ngùng gì trong chuyện choàng tay ôm lấy nhau nữa. Hình như trong tư thế ôm nhau, chúng tôi cảm thấy bớt bị dằn xóc. Mà cũng có thể, trong sức cuốn hút mê hoặc nào đó, chúng tôi hối hả ôm lấy nhau, muốn nói với nhau chút gì đó bằng đôi vòng tay và hai cơ thể bừng nóng để rồi sẽ chia tay nhau trong những giờ phút sắp tới. Một lúc sau, tôi thấy xe chạy êm, dễ chịu, không dằn xóc như trước nữa. Nhưng trái tim tôi lúc ấy, giống con xúc xắc, bị xốc mạnh và xốc liên tục trong một cơ thể run rẩy. Tôi nhìn xuống thấy Mộng Huyền nhắm nghiền đôi mắt. Khuôn mặt thiên thần, ngây thơ. Nàng tuyệt đẹp. Dường như đến lúc này, tôi mới thực sự nhận ra điều đó. Khuôn mặt nàng hơi xương. Vầng trán cao. Đôi mắt nhắm tạo thành hai vầng trăng lưỡi liềm cong. Rèm mi dài, đen, cũng cong lên một cách sung sức. Cánh mũi thon, cao. Môi trên, khoảng giữa, hơi đưa ra trước một chút. Môi dưới đầy đặn, hơi trề xuống. Hồng tươi như hoa. Đôi môi đẹp và khêu gợi đến nỗi tôi tưởng chừng chúng được hiện hữu với một chức năng duy nhất là để được hôn mà thôi. Tôi vội nhắm mắt lại.

Xe lục cục lăn bánh một lúc lâu thì trời sáng lên mờ mờ. Bầu trời đầy mây. Tôi vừa vui nhẹ trong lòng mà cũng vừa tự thán: cái nghiệp hay duyên nợ nào mà cứ đẩy ta hết nằm chung dưới đất, nằm chung trên giường, rồi lại nằm chung trên xe bò với một thiếu nữ duyên dáng như vầy?

Cũng khá lâu sau, xe dừng hẳn. Chúng tôi nghe tiếng bác trai nói nhỏ:

Âỵ, đến rồi. Hai đứa chuẩn bị sẵn nghe. Khi nào bác mở cái bửng ở sau thì tung rơm ra, nhảy xuống, chạy liền vô sân chùa nghe. Sân chùa nằm ở hướng sau xe đó.

Nghe bác nói vậy, nàng bén nhạy biết trước là sẽ bắt đầu chia tay, không còn lý do để ôm nhau, gần nhau nữa, bèn mạnh dạn ngước lên, hôn lấy môi tôi. Tôi ngập ngừng một lúc, muốn hôn trả lại nàng một cái trên trán nhưng không dám. Nàng có vẻ chờ đợi. Thấy tôi không có dấu hiệu gì là sẽ hôn cả, nàng cười nhẹ. Rồi chúng tôi đỡ nhẹ bó rơm lên, ngồi dậy.

Tấm bửng bật xuống, tôi nhảy xuống trước, phủi áo quần, cám ơn ông già. Mộng Huyền xuống sau, cũng phủi sơ, cám ơn vội vã. Chúng tôi tiến nhanh về hướng chùa. Chừng vài chục bước. Bờ rào thưa, chỉ cần bước qua, không cần leo. Ngang sân sau. Ngang nhà bếp. Phòng tăng. Chánh điện. Tượng Quan Âm lộ thiên. Tôi đứng lại chắp tay bái tượng Quan Âm. Nàng cũng làm theo. Rồi chúng tôi đi qua sân trước, đến cổng tam quan, đến sát con lộ. Đứng dưới cây muồng trâu cao rậm những cành lá và những chùm hoa vàng sẫm. Đường vắng. Xa xa, vài người dọn hàng bên lề đường. Hình như có một cái chợ ở đó. Có một quán nước gần chợ. Nàng ngước nhìn tôi, mỉm cười. Rồi ngó bâng quơ ở đâu. Tôi chỉ mong xe đò từ phía Vũng Tàu chạy đến. Một lúc, nàng bước đến gần tôi, hỏi nhỏ:

Sau chuyến này, anh còn muốn đi nữa không?

Chưa biết nữa.”

Em hy vọng sẽ đi chung với anh trong chuyến khác.

Nhưng đừng có xui xẻo như chuyến này.

Nàng ngó tôi một lúc, rồi nguýt dài.”

Chắc gặp em xui lắm hả?

Không phải. Chuyện đi không thành thì xui, thế thôi.

Nhưng em cũng thấy vui vui. Anh có thấy vậy không?

À… cũng vui.

Xe đò tấp vào. Chúng tôi lên xe. Ngồi bên nhau. Xe chạy một đoạn, bàn tay nàng đan lấy bàn tay tôi, giỡn với mấy ngón tay của tôi. Cử chỉ thân mật. Có lẽ nàng muốn đóng cho trót vai trò tình nhân hay vợ của tôi cho đến khi an toàn đặt chân xuống Sài-gòn.

Rời bến xe Hàng Xanh, chúng tôi tản bộ với nhau một đoạn, chưa biết quyết định phải chia tay thế nào. Lúc này nắng đã lên cao. Có lẽ khoảng tám giờ rưỡi sáng. Mấy anh xích lô, xe thồ, chạy tới chạy lui hỏi chúng tôi muốn đi đâu. Tôi không buồn trả lời. Nàng cũng không ngước mặt lên. Chúng tôi cứ bên nhau, bước tới, bước tới, chẳng kể gì ngựa xe xuôi ngược chung quanh. Một chặp, nàng nắm tay tôi, ngước nhìn tôi với đôi mắt rưng lệ:

Em chưa muốn chia tay. Mình đón xe lên Nguyễn Huệ uống cà phê nghe nhạc cho đỡ buồn. Anh đừng ngại, em còn tiền mang theo nè, nhiều lắm! Để em bao anh đi chơi hôm nay. Em biết có tiệm mở nhạc hay lắm. Đi nga, anh thích không?

“Cũng được.Tôi biết trời sáng như vầy tôi trở về nhà bà Bàng không tiện. Lúc nào vào nhà cũng lựa giấc ban trưa vắng người hoặc lúc trời mới nhá nhem tối.

Vậy đi xích lô há, chứ đi xe thồ mỗi đứa một chiếc sợ mình lạc nhau quá…nàng đề nghị.

“Ừ thì xích lô, có sao đâu. Xe bò còn đi được mà.

Nàng cười. Chúng tôi kêu xích lô. Nàng nói địa điểm rồi trả trước để tôi khỏi giành. Chúng tôi lên xe. Lại ngồi sát bên nhau.

Phố Sài-gòn người xe tấp nập. Nhưng buồn quá. Lại thêm một chuyến đi không thành. Hình như đến giây phút rời bến xe, tôi mới nhớ lại cái thực tế đó: vượt biên thất bại lần nữa! Không có lúc nào nặng trĩu buồn tê như lúc vượt biên không được, trở về. Tất cả mọi dự định, mọi sắp xếp cho cuộc sống, sẽ được tính lại từ đầu. Tôi buồn ủ rũ. Nhưng nàng thì có vẻ vui. Mười ngón tay búp măng nhỏ xíu của nàng nhảy múa trên cánh tay tôi trong một tiết điệu không lời nào đó mà chỉ có nàng, một tay chơi dương cầm mới nghe ra nổi.

Nếu anh đến nhà, em sẽ đánh đàn cho anh nghe. Anh biết chơi dương cầm không?

Không, nhưng anh mê nghe tiếng dương cầm và vĩ cầm lắm.”

“Em cũng biết vĩ cầm nữa, nhưng không nhuyển bằng dương cầm. Anh hát được không, giọng anh ấm như vầy chắc hát hay lắm hả?

Cũng tàm tạm.

Em sẽ đàn cho anh hát nha.

Tôi im.

Chúng tôi vào quán thì nhạc vừa trỗi bảnImaginecủa Beatles. Giọng ca John Lennon. Bản ấy tôi đã nghe nhiều lần và rất thích từ những ngày trước khi xuất gia. Chỉ thích nhạc, chẳng hiểu lời. Nay bất chợt nghe lại bản nhạc cũ với tâm thức mới, rôi rung động dễ sợ nhưng cũng chỉ nghe tiếng được tiếng không, chẳng làm sao mà bắt trọn được lời. Nàng nói, không hiểu lời cũng đâu có sao, có nhiều bản nàng cũng không hiểu gì cả mà vẫn thích. Âm nhạc tự nó đã là lời rồi. Nói vậy, nhưng nàng cũng nhắc tôi nghe từng câu… Imagine there is no heaven… No hell below us. Above us only sky… Imagine there’s no country… and there’s no religion too… Imagine all those people living for today…

Mở nhạc ngoại quốc như vậy, chủ quán phải trả tiền hoặc cho mấy anh công an khu vực uống cà phê, hút thuốc thơm miễn phí bất cứ lúc nào. Nàng chọn một bàn gần khung cửa kính. Chúng tôi cùng ngồi một phía, mặt hướng ra đường. Nàng nói ngồi đây nhìn thiên hạ dập dìu qua lại, thỉnh thoảng có mấy người ngoại quốc khối xã hội chủ nghĩa cũng cao lớn, cũng mũi lõ tóc vàng, đi ngang, sẽ có cảm tưởng mình đang ngồi trong một quán cà phê bên Tây.

Em tưởng tượng nhiều chỉ thêm khổ,tôi nói.

Em biết vậy, nhưng chẳng còn thứ vui nào khác trên đất nước này. Anh Ngôn của em có làm giấy bảo lãnh gia đình đó chứ. Nhưng nếu được đi liền mẹ em cũng chưa đi, vì bà muốn chờ ba về. Mà đâu phải có giấy xuất cảnh là đi được đâu. Chờ hoài, chờ hoài. Cho nên mẹ lo cho em đi. Nếu quen anh sớm chắc đời em vui hơn. Anh nói chuyện diễu quá đó nghen. Anh chọc em cười hoài. Nhưng sao mặt anh thấy lúc nào cũng nghiêm trang, như có vấn đề gì phải suy nghĩ, đắn đo, cân nhắc. Anh có muốn chia xẻ với em không? Anh lạ quá, lúc thì nói nhiều, kể chuyện tùm lum, lúc thì im lặng như tượng đá…

Cà phê tí tách nhỏ chậm. Nhạc ngoại quốc chọn lọc. Nàng cũng thích một số bản nhạc giống tôi. Uống xong cà phê, nàng lại kêu nước cam vắt để được ngồi thêm một lúc. Anh muốn về bây giờ chưa? Chưa, phải chờ trưa đứng bóng hoặc lúc sắp tối. Sao vậy? Bộ anh ở bất hợp pháp hay sao mà phải chờ? Ừ, đại loại như vậy, nói em nghe rồi mà. Hay anh đến nhà em chơi cái đã, khi nào anh muốn về thì về. Mà anh muốn ở lại cho đến ngày đi chuyến khác cũng được nữa, nhà em rộng lắm. Có phòng của anh Ngôn bỏ trống. Về nhà em đánh đàn anh nghe, há.

Chúng tôi cùng thả bộ với nhau một lúc trên hè phố Lê Lợi. Người qua kẻ lại nườm nượp. Chúng tôi im lặng không nói gì. Nỗi thất vọng từ chuyến vượt biển khiến chúng tôi có cảm giác như từ hành tinh khác bị rơi xuống hè phố này. Lạc lõng, xa lạ. Thôi, về nha anh. Đi bằng gì đây? Xích lô. Ừ. Lại xích lô. Lại ngồi sát bên nhau cho đỡ cô đơn. Đời sao buồn quá, anh nhỉ?

Mẹ nàng vừa ngạc nhiên, vừa thất vọng và cũng vừa mừng rỡ thấy nàng bước vào. Hai mẹ con ôm nhau. Nàng nói tíu tít một lúc. Ai đây? Dạ, anh ấy đi chung chuyến với con. Anh Khang. Không có ảnh chắc con chết quá mẹ ơi. À, mời ngồi. Uống nước trà nghe. Hình như mẹ nàng nhìn tôi với một vẻ ngờ vực khó hiểu nào đó. Mẹ nàng xuống nhà dưới. Nàng đứng lại với tôi, xoay qua xoay lại, nói huyên thuyên. Về nhà, nàng có vẻ tung tăng, nhí nhảnh, tự nhiên hơn. Anh ngồi đây nói chuyện với mẹ em nha. Em đi tắm cái đã, được không? Chút nữa, anh muốn tắm thì cứ tự nhiên, trong nhà có đồ của anh Ngôn để lại. Anh ấy cũng dáng trung bình, không mập không ốm như anh. Chắc đồ của anh Ngôn anh mặc vừa. Ngồi đây chờ em, đừng bỏ đi nha, em giận lắm đó. Hứa đi. Hứa. Tôi ngồi lại một mình ở xa-lông. Vài bức tranh lập thể trên tường. Tôi nhà quê chẳng thưởng thức gì được. Chỉ thấy tranh và đồ vật chung quanh màu sắc hài hoà, sáng, nhạt. Cây dương cầm ở góc trái phòng khách nổi bật lên một màu đen óng. Mẹ nàng trở ra với khay trà. Một người đàn bà đẹp, quí phái. Cũng gần năm mươi. Bà nói giọng Huế, nhỏ nhẹ. Có thể kể tôi nghe chuyện xảy ra làm sao không. Dạ thì như vậy, như vậy… Dĩ nhiên tôi không đủ can đảm để kể hết sự thực. Bà xuýt xoa. Phật trời ơi, may mà có cậu chứ không thì nó khờ lắm, nhát lắm, gặp chuyện gì ngồi một chỗ mà khóc thôi. Đâu có, Mộng Huyền cũng lanh lợi lắm chứ bác. Không đâu, nó khôn nhà dại chợ. Mẹ nói xấu con đó hả. Nàng bước lên với bộ đồ lụa màu hồng. Tóc còn ươn ướt. Nàng thật tươi mát như một đóa hồng hé nụ một sáng tinh mơ. Nàng vui vẻ nhắc lại vài chuyện của đêm qua, đôi mắt long lanh nheo riêng với tôi ở vài đoạn không tiện nói. Rồi mẹ nàng phải đi tìm gặp vài người liên quan đến nhóm tổ chức đê hỏi lại về chuyến đi. Nàng đưa mẹ ra cửa rồi đóng lại, trở vào, đánh đàn tôi nghe. Nàng đánh đàn hay, điêu luyện, tôi biết. Nhưng tôi không còn tâm lý đâu mà thưởng thức. Tôi muốn về. Trưa rồi, phải về. Anh về thực à? Anh không muốn ở chơi đến tối sao? Anh không muốn ở lại đây sao? Để em nói mẹ em cho anh ở lại. Ở đây cũng yên lắm. Không bao giờ công an xét nhà em đâu. Không, phải về. Còn nhiều việc phải lo. Thôi cũng được, nhưng anh phải biết rằng em lúc nào cũng chờ đón anh đến chơi hết nha. Anh biết địa chỉ em rồi đó. Đường này, căn nhà có giàn hoa chuông ở trước. Đối diện là căn nhà có giàn bông hoa giấy màu cam. Anh khó ghê không chịu cho em địa chỉ của anh! Thôi hẹn gặp lại anh. Nàng nhón lên, hôn tôi một cái nơi má.

Vài ngày sau tôi trở lại. Cái gì khiến tôi trở lại thì tôi không biết. Tôi buồn, tôi đi vu vơ, rồi tôi ghé nàng. Cũng có thể tôi ý tìm đến nàng, dù chẳng biết để nói gì. Tôi lúc ấy như con xúc xắc còn bị xóc trong dĩa, hoặc đã được người xóc dĩa đặt xuống bàn nhưng vẫn còn quay lăn theo cái trớn quá mạnh của cơn xóc. Biết làm sao bây giờ. Nó còn lăn thì cứ lăn.

Tôi bấm chuông. Nàng ra mở cửa, reo lên. Tôi vào trong, nàng ôm tôi. Nhớ anh quá. Nàng thật tự nhiên. Mẹ em đi vắng rồi, chốc nữa sẽ về. À, mẹ em nói là chuyến đi của mình hôm đó chưa có đổ bể hoàn toàn. Họ sẽ khởi hành trong vài ngày tới thôi. Anh có biết chuyện đó không? Anh có đi chuyến đó nữa không? Vậy hả. Anh cũng đi, ôi sướng ghê, có anh đi em vui biết bao. Em có nghĩ trước rồi: nếu anh không đi, em cũng không đi. Bậy, phần người nào thì người đó cứ lo đi. Chờ đợi chi nhau. Thực tình anh đó, lạnh lùng, lạt lẽo, mau quên quá. Bộ anh không nhớ gì chuyện hôm đó hết hả? Có anh đi, em thấy yên tâm hơn. Mẹ em cũng nghĩ vậy nữa. À, mẹ nói là có ông thầy đi trong chuyến rồi, nghe nói ổng cũng chạy thoát với một người nào đó. Vậy là em đoán trúng, thấy chưa. Chuyến sắp tới cũng có ông ấy đi nữa. Anh đi nha. Chuyến này chắc lắm mà. Kỳ rồi bị tụi du kích phá vì không được chia phần đó. Chuyến tới người ta mua luôn cả du kích lẫn công an. Ừ, thì đi. Tôi ngồi chơi với nàng một lúc. Nghe nàng đánh đàn. Nghe nàng nói chuyện. Nàng cười. Nàng khóc. Nàng nói yêu tôi. Nàng hôn tôi. Nhưng ruột tôi nóng quá. Công an đang tầm nã tôi. Mọi người khuyên tôi nên vượt biên gấp. Nhưng tôi đâu sợ bị bắt, vì vậy, tôi vừa muốn vượt biên, vừa muốn ở lại. Tâm tôi bất an. Như lên sốt. Tôi nghĩ là tôi không yêu được. Hay tôi có yêu mà lại chẳng muốn thừa nhận. Tôi đến nàng để thăm dò trái tim của tôi, hình như vậy. Tâm trí tôi băn khoăn, bấn loạn suốt thời gian đó mà chẳng biết bày tỏ cùng ai. Nếu tôi nói ra e chừng người ta lại tưởng tôi khùng, hoặc vướng một thứ bệnh tâm thần nào đó. Tôi không muốn trốn lánh công an nhưng cũng muốn trốn lánh công an, tôi không muốn vượt biên nhưng cũng muốn vượt biên, tôi không muốn ở tù nhưng cũng muốn ở tù, tôi không muốn làm thầy tu lãng mạn nhưng cũng muốn làm thầy tu lãng mạn… Tôi thích chọn lựa mà cũng không thích chọn lựa, cho nên mới đẻ ra những thứ chọn lựa trái ngược nhau mà thực chất của chúng đúng ra chẳng phải là chọn lựa gì cả. Tự do hay ở tù, yêu và tu, vượt biên và ở lại… và tất cả những cặp đôi đối nghịch khác, chẳng hạn như niết bàn và sinh tử, hạnh phúc và khổ đau… tôi đều thích, đểu có thể chấp nhận được. Và nếu vì sự kiện không biết chọn lựa cân nhắc gì cả ấy của tôi mà người ta cho rằng tôi mất tư cách, không lập trường, không căn bản… tôi nghĩ, tôi đều có thể chấp nhận được.

Ba hôm sau, chuyến đi khởi hành. Người ta sắp xếp tập trung tại nhiều địa điểm trên khu xóm khác với lần trước, vì tàu sẽ vào bãi mới chứ không phải bãi cũ. Tôi biết nếu tôi đi chuyến ấy, tôi sẽ gặp nàng. Nếu tôi gặp nàng ở một điểm tập trung, cùng ngồi với nàng trên ghe, cùng nàng đến trại tỵ nạn, cùng nàng đến Mỹ… chắc chắn tôi sẽ không khỏi yêu nàng. Nàng dễ thương như vậy, gần gũi tôi như vậy, làm sao tôi khỏi động tâm. Và chúng tôi sẽ không cần giả đò làm tình nhân hay vợ chồng nữa mà là làm thực! Tôi biết trước tôi sẽ thua cuộc. Thôi thì tôi ở lại, để nàng ra đi. Tạm biệt em, Mộng Huyền.

Nửa tháng sau, tôi không kềm được nỗi háo hức muốn biết tin nàng. Tôi đến nhà nàng. Bấm chuông. Mẹ nàng ra mở cửa mời tôi vào. Không nói gì. Chỉ khóc. Chỉ khóc. Tàu bị bão, lật chìm. Chết hết. Chỉ còn một thanh niên được tàu buôn vớt. Mẹ nàng nói, tôi tưởng thanh niên đó là thầy… té ra không phải. Phải chi có thầyđi chung với nó thì có thể chuyện không xảy ra thảm như vậy. Tôi thầm hỏi sao bà ấy biết tôi là thầy. Bà tự động giải thích: cái hôm thầy đến đây lần đầu, tôi đã biết rồi. Cái dáng như vậy, nói năng hiền lành chững chạc như vậy, lại có vẻ ngập ngưọng trong bộ âu phục như vậy, chỉ có Mộng Huyền thơ dại, vô tư như con nít mới không nhận ra. Lúc thầy về, tôi có nói nó nghe. Nói rằng thầy pháp danh là Tâm Quang. Nó đùa, nói rằng nó chỉ biết anh Khang thôi. Tôi bảo nó phải cung kính, không được đùa giỡn với thầy… Nó dạ, nhưng cứ cười cười, chẳng biết có chịu thực hành không. Hình như vài hôm sau thầy có trở lại, phải không? Nó giấu, nhưng tôi biết, vì thấy nó vui hơn những ngày trước. Rồi như vậy đó… nó cứ tưởng có thầy đi chung. Nó nói có thầy đi sẽ may mắn và vui nữa… Nó nói thầy nói chuyện vui lắm, chọc nó cười hoài, nhưng thầy thì lúc nào cũng buồn như có tâm sự gì đó. Hu hu. Nó thương thầy lắm. Tội nghiệp. Thầy đừng trách nó nghe. Nó còn non dại… không biết được cái chi là điều cấm kỵ… Tôi ghi tên tuổi của nó, thầy đem về làm lễ cầu siêu dùm nghe thầy. Ôi, chắc nó bơ vơ ngoài biển chẳng biết nương tựa ai. Nó chỉ tin có thầy mà thôi…

Tôi lặng người, như kẻ vô hồn, nhét mảnh giấy nhỏ ghi tên nàng vào túi áo, bước ra khỏi ngôi nhà có giàn hoa chuông vàng rực. Vì mẹ nàng và cả nàng đều tin rằng nếu có tôi đi cùng, nàng sẽ không gặp nạn, nên tôi có cảm tưởng là tôi hại nàng, có lỗi với nàng. Tôi cũng có cảm tưởng như tôi đã bỏ nàng, làm mất niềm tin nơi nàng. Nhớ đêm chạy nạn, nàng ôm tôi, nói: đừng bỏ em. Bị lạnh, nàng cũng ôm chặt tôi, nói: đừng bỏ em nha anh. Đi tắm, để tôi ngồi lại phòng khách, nàng cũng nói: đừng bỏ em đi, nha anh. Tại sao nàng cứ bị ám ảnh là tôi bỏ nàng. Phải chăng những cuộc phân ly đau khổ nào đó của nhiều kiếp hãy còn lưu lại và âm ỉ khuấy động trong tận cùng tiềm thức nàng, khiến nàng sợ hãi thốt lên lời ấy? Ôi, đời tôi sao cứ làm khổ người ta mãi vậy. Tại sao tôi cứ phải phụ người! Mộng Huyền ơi, hãy tha thứ cho anh. Anh đã có lỗi với em, vì anh đã không đi chuyến tàu ấy. Vĩnh biệt em… Nhưng thực ra, em nên hiểu rằng nếu anh có đi chung chuyến ấy, cũng không chắc là chúng ta có duyên gì với nhau. Trước sau rồi cũng chia tay thôi Mộng Huyền ạ. Anh đâu phải là kẻ biết yêu… bởi vì anh không bao giờ tin rằng thế gian này có thật cả.

Dù sao, anh cũng không thể quên được một đêm nằm bên nhau dưới ngàn sao lấp lánh, hay buổi sáng tinh mơ nhìn từng đám mây rượt đuổi theo chiếc xe bò đầy rơm.

Và làm sao quên được những bản nhạc hợp ý cùng nghe với nhau trong quán cà phê sang trọng hào nhoáng của một xứ sở nghèo đói tàn tạ nhưng lúc nào cũng ăm ắp những khẩu hiệu… Mộng Huyền ơi, mượn ý của John Lennon, hãy cùng anh tưởng tượng thử: nếu không có thiên đàng, địa ngục, quốc gia, tôn giáo, chủ nghĩa, ý thức hệ… nếu không có những tên gọi, những thông tục, những qui tắc, đạo đức, gia phong… không có những giấc mộng điên rồ, không có những niềm tự hào và tự ti, không có kẻ chiến thắng và người chiến bại, không có cai tù và tội phạm, không có tất cả những người máy và máy móc, không có tất cả những gì thuộc về khối óc của con người… chỉ có hai chúng ta hiện hữu trên đời với hai trái tim nguyên vẹn chưa hề biết dối gian dưới một bầu trời xanh biếc, thì sao nhỉ?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567