Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 3

18/03/201201:48(Xem: 9607)
Chương 3

NGÕ THOÁT

tức Phương Trời Cao Rộng 3

truyện dài của Vĩnh Hảo

Chiêu Hà xuất bản tại California, Hoa Kỳ năm 1996

flowerba

CHƯƠNG BA

Khi ta chào đời, có những thứ không cùng có mặt với tiếng khóc, với cảm giác đói no, nóng lạnh của ta. Một trong số đó là sự hổ thẹn.

Năm xưa, có lần vào một đêm mưa nhẹ ở Nha Trang, tự dưng tôi muốn đi một cách thong thả xuống phố và tôi đã đánh một vòng tản bộ dưới cơn mưa đó. Thỉnh thoảng ở Nha Trang mới có một cơn mưa phùn lất phất. Thường thường là mưa lớn. Cơn mưa nhỏ hạt nhất thì trong vài phút cũng đủ thấm ướt cả áo quần. Tôi đi như thế, băng qua con đường đất trên lưng đồi Trại Thủy, xuống phố, cố ý không mang theo áo mưa. Lầm lũi và thật chậm rãi, tôi đi xuống trung tâm thành phố Nha Trang, vòng qua đường Duy Tân chạy dọc theo bãi biển rồi quay lui, băng đồi Trại Thủy, về phòng riêng. Trên đường đi, hầu như tôi không lưu ý gì chung quanh. Tôi cũng chẳng suy tư về bất cứ vấn đề gì. Trong tôi chỉ có cảm giác mát lạnh, vui vui. Những giọt nước mưa thi nhau vỡ trên cái đầu ít tóc của tôi, chảy từng dòng trên má, lòn xuống cổ, lăn vào áo trong và thấm vào da thịt. Chiếc áo nhật bình để đi đường của tôi nặng trĩu cả nước. Đôi chỗ trên đường phố, nước mưa chảy thành dòng, như con suối nhỏ. Chân tôi vui thích lội bì bõm trong dòng nước chảy xiết đó như thuở còn bé.

Sau khi ghé phòng tắm để rửa chân, tôi về phòng riêng, cởi hết áo ngoài, áo trong, cởi tất cả và lấy khăn lau toàn thân. Sau đó tôi lên đi-văng, tắt đèn, nằm duỗi thẳng hai tay hai chân, trần truồng mỉm cươi mà ngủ. Luật chùa ngăn cấm tăng sĩ làm điều đó, cho là mất tư cách, mất oai nghi. Nhưng tôi đã tự cho phép mình một lần. Tôi nghĩ những điều răn cấm tương tợ như vậy đều đựoc chế ra để áp dụng trong đời sống tập thể ở các đại tùng lâm, các tu viện lớn có đông đảo tăng sĩ; còn đối với người ẩn cư trên núi thẳm rừng sâu, điều răn cấm như thế trở nên vô nghĩa. Tôi có phòng riêng, biệt lập với mọi người trong chùa thì có khác gì tôi đang ở một mình trên núi cao?

Đêm đó, tôi ngủ rất ngon. Nhưng khi tiếng chuông khuya lọt vào khung cửa sổ rộng, tôi giật mình thức dậy và sực thấy mình trần truồng, lập tức tự xấu hổ. Ôi niềm xấu hổ đã trở thành thói quen đến nỗi người ta không sao tẩy xóa được dù ở riêng một nơi hoang vu, tịch mịch không có bóng dáng người thứ hai. Rõ ràng là một câu nói trong Luận ngữhay kinh luật của Phật, đã uốn nắn cho tôi cái thói quen tự chế đó. Tọa mật thất như xử thông cù, tức là ngồi trong phòng kín cũng phải giữ cái lễ như đứng trước ngã tư đường. Phải thấy như mình đang ở trước một đám đông, phải giữ tư cách, phải biết hổ thẹn. Không thể hồn nhiên mãi như những đứa con nít. Phải trưởng thành và phải học mọi thứ từ nề nếp và qui ước của xã hội, của đoàn thể, của tôn giáo, vân vân.

Bây giờ đứng đây, trong cửa sắt ngăn cách với xã hội, bên cạnh người bạn tù đang cởi trần mặc quần cụt, tôi biết tôi có thể thực tập trở lại những động tác hồn nhiên của trẻ nít khi cởi bỏ áo quần. Và đồng lúc, tôi lột bớt sự hổ thẹn của mình để bắt đầu cuộc sống của một tù nhân.

Trong phòng không có chỗ nào để treo áo quần. Người ta không cho phép tù nhân có bất cứ một vật cứng nhọn gì trong phòng giam. Tôi phải xếp gọn áo quần của mình, đặt dưới đất, nơi đầu nằm.

Người bạn tù của tôi ngoài năm mươi tuổi. Khi ông đứng dậy bước đến bên cửa thông gió, đưa mũi ra ngoài để thở, tôi thấy tướng ông hiên ngang như một con gấu ngựa. Ông ta cao đến gần một thước chín, vạm vỡ, to lớn lạ thường. Cái bụng phệ đưa ra trước như một cái trống vẫn không làm giảm đi vẻ mạnh mẽ, rắn chắc của một gã đàn ông có thể lực tốt. Râu tóc ông đã điểm bạc. Hàm râu rậm với những sợi cứng, tua tủa chĩa ra và quắp lên phía trên như những cái móc câu. Ngó ông, tôi bỗng liên tưởng đến hình ảnh của Từ Hải trong truyện Kiều. Có lẽ ông có cái bụng không được cân xứng với thân thể như cái bụng của Từ Hải, nhưng “râu hùm hàm én mày ngài, vai năm tấc rộng lưng mười thước cao”thì hẳn là chẳng chịu thua kém.

“Ăn gì chưa?” ông ấy hỏi tôi.

“Dạ chưa,” tôi đáp.

“Vậy để tôi báo cho mấy anh trực sinh biết để họ đưa cơm vào.”

Dứt lời, ông gọi một anh tù đang quét dọn ngoài hành lang. Những người tù có tội nhẹ và án nhẹ, hoặc ở lâu gần mãn án, được cán bộ chọn ra để lo việc vệ sinh, chia cơm nước cho các tù nhân khác trong trại, được gọi chung là trực sinh. Từ nôm na hơn, thông dụng hơn, là “anh nuôi”. Tôi thích cái từ nôm na ấy hơn là cái từ trực sinh, một từ hán-việt nặn ra từ khuynh hướng đua đòi sáng tạo và tâm lý thích khoe chữ. Buổi chiều sau giờ ăn, các anh nuôi cũng bị tống vào giam trở lại cho đến sáng hôm sau.

Một anh nuôi tiến đến gần cửa thông gió, hỏi:

“Gì vậy?”

“Thông báo cho anh biết có tù mới vào phòng này, chưa có cơm nước gì cả.”

“Đưa ca ra đây,” anh nuôi nói.

“Anh ta mới vào, đi tay không, có ca đâu mà đưa.”

“Có đồ đạc gì không?”

“Đã nói rồi anh ta đi tay trơn à.”

“Tội gì?”

“Chính trị.”

Anh nuôi bước qua phòng giam tập thể đối diện phòng biệt giam chúng tôi. Nơi đó, có người bạn tù không quen biết nào đó đã biếu tặng tôi một ca cơm và cái muỗng nhựa cắm sâu vào đó. Anh nuôi quay lại đưa cho tôi ca cơm ấy. Vừa nhận xong các thứ linh tinh đó từ tay ông bạn tù chuyền vào, đã nghe cửa gió đóng sập một tiếng mạnh: đến giờ nghỉ trưa.

Tôi ngồi xuống nền xi-măng. Trong phòng đã nóng, bây giờ càng nóng hơn. Đã vậy, không khí có vẻ bị thiếu đi trong không gian chật hẹp. Chỉ một chốc, mồ hôi đã tắm ướt thân tôi, chẳng có gì có thể dùng thay quạt. Người bạn tù của tôi có một tấm cạc-tông nhỏ, hai bên được dán đắp lên cho dầy bằng những bao thuốc lá Hoa Mai và Đà Lạt. Ông ta thảy cái quạt tự chế đến tôi:

“Quạt đỡ đi. Thay nhau mà quạt. Rán chịu rồi sẽ quen thôi. Cậu tên gì?”

“Thưa, tên Khang.”

“Tôi là Trọng. Cũng tội chính trị như cậu, nhưng tôi chỉ bị tình nghi thôi. Cậu mới bị bắt hay ở trại nào chuyển qua?”

“Dạ mới bị bắt sáng nay.”

“Bắt ở nhà hả?”

“Thưa không, bị bắt ngoài đường.”

“Khổ thân! Như thế ở nhà chắc chẳng ai hay biết gì hết.”

“Phải. Nhưng không sao, nhà không biết càng tốt chứ. Biết thì mất công lo lắng thôi, đâu ích gì.”

“Nói như cậu là biết chẳng có kinh nghiệm gì ở tù cả. Thực ra bị tù cộng sản mà có gia đình biết, thăm nuôi mỗi tháng, thì còn có cơ may sống đựoc đến ngày tự do. Vả lại, gia đình biết cậu ở tù sẽ ít lo hơn là chẳng biết cậu trôi dạt nơi đâu. Chẳng phải vậy sao? Cậu có vợ con gì chưa?”

“Thưa chưa.”

“Bao nhiêu rồi mà chưa vợ?”

“Dạ hai mươi sáu.”

“Hăm sáu mà chưa có vợ con! Trễ vậy! Vào tuổi đó tôi đã có hai ba đứa con rồi. Hề hề. Ở ngoài cậu làm nghề gì?”

“Ơ… chẳng làm gì. Giống như kẻ thất nghiệp vậy thôi.”

“Thất nghiệp là phải! Cái mã của cậu chỉ ngồi văn phòng là thích hợp thôi chứ đâu có lao động nặng nhọc đua theo người ta đươc. Mà cái nghề ngồi phòng giấy ngày nay thì chỉ có con cháu gia truyền của tụi quỷ đó mới được ưu tiên thôi. Cậu làm sao chen vào nổi.”

“Trước đây cháu cũng có làm ruộng, làm rẫy đó chứ.”

“Cậu mà làm ruộng à? Nói thiệt hay giỡn chơi vậy! Cỡ như tôi đây, sức gấp ba người thường mà nghe tới ruộng, rẫy cũng thấy ngán nữa là… Thôi, mình ăn cơm trưa chứ.”

Bữa cơm đựơc bày ra. Mỗi người một ca cơm loại có dung tích một lít nhưng cơm chỉ được chừng nửa ca. Giữa chúng tôi là một chén chao nhỏ, chỉ có mấy miếng chao bị vữa nát nổi lềnh bềnh trong chút nước tương sền sệt. Ông Trọng múc chao bỏ vào ca cơm của tôi, nói:

“Rán ăn nghe. Chắc ăn kiểu này cậu không nuốt nổi đâu hả? Thôi, đàng nào mình cũng phải ở tù lâu rồi. Đừng lo nghĩ chi cho mệt. Ăn khỏe, ngủ ngon để có sức chịu đựng lâu dài.”

“Không sao đâu chú. Cháu ăn uống kham khổ cũng quen rồi. Mà ăn chay kiểu này càng thích chứ sao. Chú cũng ăn chay à?”

“Đâu có, ở đây anh em cho gì mình ăn nấy. Chao của mấy người có thăm nuôi bên phòng giam tập thể họ biếu mình đó. Ở đây, hễ mình mới vào thì người ta hỏi ngay mình tội gì, nếu nói là tù chính trị thì họ gởi đồ biếu xén cho đến ngày mình có thăm nuôi mới thôi. Còn những tù hình sự như buôn đô la, tổ chức vượt biên… họ đâu thèm đếm xỉa, hoặc có giúp đỡ chăng thì cũng chỉ lấy lệ chứ không tận tình như đối với tù chính trị đâu. Thực ra tôi bị bắt ở nhà, gia đình đều biết cả, nhưng cán bộ trại chưa cho phép thì cũng đâu có thăm nuôi hay gởi gắm gì được. May mà lúc bị bắt đi có mang theo được áo quần, thuốc hút…”

Bữa cơm đạm bạc trôi qua thật nhanh. Ăn xong, ông Trọng bảo:

“Để ca ở đó đi. Chốc nữa có nước mình tắm rồi rửa luôn thể.”

“Bao giờ thì có nước, thưa chú?”

“Giấc trưa này thì thường có. A, có rồi kìa.”

Tôi nhìn sang cái vòi nước cạnh nhà cầu, thấy nước chảy lõm tõm từng giọt. Có một bình nhựa dung tích khoảng một lít rưỡi đặt sẵn ở đó để hứng nước. Vòi nước được ông Trọng mở sẵn, không bao giờ đóng. Tôi nói:

“Đâu có, nước đâu đã chảy!”

“Đó, chảy đó. Chảy như vậy chứ muốn chảy sao nữa! Hề hề. Nó chảy như thằn lằn đái á. Như vậy là tốt rồi. Mình hứng đầy mấy cái ca với bình nhựa là đủ tắm thôi.”

Nói rồi ông ấy bước đến vòi nước, rửa cái ca nhựa của ông và luôn tiện rửa luôn cái ca của tôi nữa. Tôi giành làm việc đó nhưng ông xua tay bảo tôi cứ nghỉ cho khỏe, khi nào có nước đủ tắm ông sẽ gọi. Tôi ngồi bó gối quan sát kỹ phòng giam.

Vì là phòng đôi nên chúng tôi có được hai cầu tiêu và hai vòi nước. Nhưng cầu tiêu và vòi nước phía phòng 8 đã bị hư. Sửa cầu tiêu có lẽ là công việc khó khăn, trở ngại, tốn nhiều thời gian và công sức. Có lẽ đó là lý do người ta đập cái vách ngăn đôi hai phòng. Vách đúc bề dày hai tấc. Không có chỗ nào để bám tựa vào mà leo lên trần nhà. Trần nhà khá cao, cũng đúc bằng bê-tông có một lỗ vuông trống với diện tích ngang bằng với cửa thông gió dưới này. Công dụng của lỗ trống này không phải để thông gió, mà để mấy anh lính gác ở tầng trên có thể nhìn xuống quan sát người tù trong phòng. Lỗ vuông trên trần nhà đựơc ngăn lại bởi một tấm lưới sắt. Qua tấm lưới sắt, tôi thấy một cái bóng đèn tròn cỡ 100 watt. Có lẽ tấm lưới sắt được gắn vào để bảo vệ cái bóng đèn nhằm tránh sự phá hỏng của tù nhân bên dưới. Mỗi phòng có mỗi bóng đèn. Như vậy, cái phòng ăn thông giữa tôi và ông Trọng có được hai bóng. Có điều, theo ông Trọng nói, điện chỉ được thắp lên từ sáu giờ chiều cho đến sáu giờ sáng hôm sau.

Trên vách, phía đầu nằm của phòng 9, tức là phía của tôi, có một ảnh đức Phật Thích Ca, có lẽ được vẽ bằng đầu cây diêm quẹt, đường nét khoét sâu vào lớp vôi dày, không màu sắc, ở trong bóng tối phải nhìn kỹ mới thấy. Vách phía phải bên phòng 8 của ông Trọng là ảnh đức Chúa Giê-su trên thập tự giá. Cả hai bức ảnh đều do bàn tay của một họa sĩ kỳ tài vẽ nên. Nét vẽ rất điêu luyện, sống động, làm nổi bật phong thái riêng của hai vĩ nhân siêu việt của nhân loại. Đức Giê-su với khuôn mặt an nhẫn, tha thứ và chịu đựng; đức Thích Ca với vẻ an nhiên, tự tại và nụ cười từ bi, giải thoát.

oOo

Tôi được hơn ba lít nước để tắm. Phải xối nước thật tằn tiện mới đủ. Nhưng cũng thật là thú vị để được tắm một cách trang nghiêm và đầy sự chú tâm như thế. Tôi cũng lắng nghe những giọt nước trong mát chảy trên cơ thể y như lúc nào đi trong mưa vậy. Ông Trọng tắm trước rồi, bây giờ ngồi nhìn tôi, ông bật cười vì tôi vẫn còn mang cái e thẹn xấu hổ từ thế giới bên ngoài vào. Khi tôi thay đồ, ông nói:

“Lần sau có tắm cậu đừng bận quần nữa. Thiệt đúng là cậu chưa từng ở tù. Đấy, cậu coi, có một một cái quần cụt mà làm cho nó ướt đi thì có phải là cậu phải mặc quần dài suốt ngày trong cái phòng nóng như thiêu này không! Còn thay đồ cứ thay tự nhiên, làm gì mà trốn nấp vậy! Làm như con gái không bằng! Ở tù phải dẹp ba cái chuyện mắc cỡ, rụt rè. À này, chắc hồi trước đến giờ cậu chưa hề đi lính phải không?

“Không hề,”tôi đáp.

“Thảo nào. Nếu cậu có ở trong quân đội rồi thì chuyện ở tù cũng không khó lắm đâu. Nói tóm là phải có sống một đời sống tập thể thì mới sớm quen thuộc được với cảnh tù.”

Ông Trọng nói vậy mà không biết rằng tôi cũng đã từng sống tập thể. Nhưng cái tập thể của tôi không phải là tập thể quân đội. Cái tập thể đó không những đã dạy tôi nếp sinh hoạt đồng đội và sự phân công phân nhiệm hợp lý trong nếp sống chung, mà còn dạy tôi kiểm soát thân và tâm, đưa tất cả mọi ý nghĩ, lời nói, động tác vào khuôn khổ nề nếp của một con người trang nghiêm, có đạo đức. Con người ấy đâu cần thiết phải biết đứng tồng ngồng trơ trẽn trước đám đông mà không hổ thẹn. Con người ấy không cần thiết phải biết thay áo quần thật nhanh, chạy thật lẹ, ăn thật mau, nói thật lớn tiếng… mà tất cả đều phải ngược lại: chầm chậm, trang nghiêm, cẩn trọng, đầy chánh niệm. Dù sao, tôi cũng phải cố gắng và tin là vài lần sau đó, tôi sẽ quen được việc khỏa thân trước mặt kẻ khác, dù kẻ ấy là một gã cai tù, một tù nhân đứng tuổi; hoặc thậm chí, kẻ ấy là một đức Phật, một tượng vẽ trên vách tường…

Tôi ngả lưng một giấc ngắn thì nghe tiếng khóa mở lách cách. Ông Trọng nói:

“Mặc áo vào đi. Nó kêu cậu lên hỏi cung tiếp đó.”

Cửa sắt mở toang ra với tiếng khô khốc của cặp bản lề rỉ sét. Đúng như ông ấy đoán, một viên cán bộ thò đầu vào, gọi tên tôi và hối thúc, làm tôi chưa kịp cài nút áo.

“Ra ngoài rồi cài nút,” ông Trọng nhắc và cầm đôi giép da đưa tôi, ra dấu tôi bước ra ngoài gấp.

Tôi ra ngoài, đứng cài nút áo và mang giép. Viên cán bộ lườm hỏi tôi:

“Mới nhập trại hả?”

“Vâng.”

“Lần sau nghe gọi là ra liền nhé, chậm là tôi đạp cho một cái à!”

Tôi được đưa đến bàn trực ở đầu dãy. Long và Hùng đang chờ tôi ở đó. Long ra hiệu tôi đi theo anh về phía phòng vấn cung. Lúc ấy các phòng vấn cung đề trống vì hãy còn trong ngày Chủ nhật. Tôi chẳng hiểu sao khi sáng Long nói ngày mai mới làm việc tiếp, vậy mà chiều nay anh đã trở lại. Long kéo ghế ngồi trước, soạn hồ sơ ra. Tôi ngồi vào ghế còn lại. Hùng vẫn đứng ở mép cửa.

“Sao, ở dưới đó thoải mái không?” Long hỏi.

“Cũng thường,” tôi đáp.

Im lặng một lúc như để lựa lời, Long nói:

“Đáng lẽ ngày mai chúng ta mới làm việc, nhưng tôi muốn tranh thủ làm sớm cho xong. Chắc anh Khang cũng muốn vậy, phải không?” Long tằng hắng một tiếng, tiếp tục. “Tôi vẫn còn thắc mắc một điểm là ai đã soạn viết các tài liệu cho Lực Lượng Việt Nam Phục Quốc Nội Biên. Cuối các bài viết đều có đóng dấu và cả chữ ký của ông Trần Văn Lương hoặc Chủ tịch Nguyễn Hữu Thiện, nhưng trên thực tế, chúng tôi biết ông Lương và ông Thiện không tự viết các bản văn ấy. Họ chỉ đọc và ký thôi. Người khác viết. Mà có người khai là chính anh viết.”

“Vâng, tôi viết.”

Tôi chấp nhận sự kết tôi đó dễ dàng quá khiến Long hơi lúng túng. Hình như anh mong đợi là tôi khăng khăng chối cãi để rồi buộc tội phải khai một người nào khác đã làm công việc ấy. Long ngập ngừng, rồi nói:

“Tôi không nghĩ vậy. Phải có một người khác. Có thể là người kia soạn viết và anh chỉ góp ý hay hiệu đính các tài liệu đó thôi.’

“Tất cả đều do tôi..”

“Thế bây giờ anh có thể viết lại y hệt những tài liệu đó không?”

“Y hệt thì dĩ nhiên là không. Nhưng viết lại các văn bản ấy bằng một bố cục và lời lẽ khác thì đựơc.”

“Thế anh có thể nói lại đại ý các văn bản mà anh đã soạn viết không?”

“Anh nói văn bản nào?”

“Anh viết mấy bản?” Long khôn khéo hỏi lại.

“Thế anh tịch thu được mấy bản?” tôi cũng hỏi ngược lại Long.

“Anh không có quyền hỏi tôi đâu. Anh chỉ có bổn phận khai cung là anh đã viết bao nhiêu bản văn cho tài liệu truyền đơn của lực lượng Phục quốc mà thôi!”

“Tôi không chối chạy đâu. Tôi chỉ yêu cầu anh nói rõ là anh muốn tôi nói đại ý của bản văn nào mà thôi.”

Long ngập ngừng một lúc rồi nói:

“Lời hiệu triệu quốc dân.”

“Ừ thì bài đó là lời hiệu triệu của lực lượng Phục quốc, kêu gọi toàn dân đứng dậy lật đổ chế độ cộng sản, kêu gọi cả những người đã lầm lỡ đi theo con đường cộng sản sớm quay trở về với dân tộc để cùng nhân dân xây dựng một xã hội dân chủ, bình đẳng, thịnh trị, thái bình. Đại ý lời hiệu triệu chỉ có vậy thôi. Cùng một ý đó, anh muốn tôi viết lại bao nhiêu bản hiệu triệu có bố cục và lời lẽ khác nhau, tôi đều viết được cả.”

Hai má Long giật giật lên mấy cái. Y lườm tôi một lúc rồi cười khinh khỉnh, nói:

“Bẻ nạng chống trời. Các anh chỉ biết điên cuồng làm công việc ấy. Thôi, không cần phải nói chuyện đó với anh. Rồi đây, ai là kẻ chấp bút, làm bí thư cho ông Lương cũng sẽ lòi ra, không che giấu gì chúng tôi được đâu.”

“Tôi có che giấu đâu. Tôi đã tự nhận tôi viết rồi mà.’

“Không phải anh. Có một người khác viết hết các văn kiện. Còn anh thì chỉ sữa chữa hay góp vào một vài quan điểm chính trị mà thôi.”

“Thế à? Ừ thì vậy cũng được đi. Tôi viết hay ai khác viết thì cũng ý đó, quan điểm đó. Cũng là chống lại chế độ này cả. Có khác gì đâu chứ.”

“Anh đồng ý là có một kẻ khác viết, phải không?”

“Không. Tôi nói là tôi viết. Còn chuyện tin hay không là quyền của các anh.”

Long ghi vào sổ tay. Xong, y đốt thuốc, ngậm chắc điếu thuốc giữa hai môi, bặp mấy cái rồi nói:

“Chuyện đó tạm gác lại, điều tra sau. Bây giờ tôi muốn anh kể lại nguyên do nào đưa dẫn anh đến chuyện rời bỏ chùa Già Lam, thành lập tổ chức từ thiện tên gì nhỉ, à, Đoàn Phật Tử Phụng Đạo,rồi lại đẻ ra cái gọi là Hội Lạc Long tại Long Thành, ngay chính ở cơ sở của anh? Không phải chỉ nguyên do không thôi, ý tôi còn muốn hỏi là những ai đã xúi giục anh, hoặc đã tham gia, cọng tác với anh trong các tổ chức nói trên.”

Câu hỏi của Long đẩy ngược tôi về bao nhiêu chuyện dập dồn của năm năm trước.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]