Nguyễn Tường Bách
(Ký Sự Du Hành Tại Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng)
PHẦN THỨ TƯ
TÂY TẠNG HUYỀN BÍ (tt)
TU VIỆN DREPUNG
Như đã nói, Trisong Detsen được xem là nhà vua có công du nhập Phật Giáo vào Tây Tạng. Trong thế kỷ thứ tám vì có nhiều trường phái Phật Giáo khác nhau cùng thịnh hành nên nhà vua thấy cần phải thống nhất quan điểm rõ ràng. Sau nhiều cuộc tranh luận ông đưa ra ba chủ trương rõ rệt. Một là, về mặt giới luật, Tây Tạng theo phương pháp của phái Nhất thiết hữu bộ trong cách đào tạo tăng sĩ. Hai là, về mặt triết học, Phật Giáo Tây tạng theo quan điểm của phái Trung Quán bắt nguồn từ Long Thụ. Ba là, về mặt thiền định thì chủ trương theo pháp thiền định của mật tông [9] .
Ta cần biết rằng Nhất thiết hữu bộ là một nhánh của Tiểu thừa, phái Trung Quán là đỉnh cao triết học của Đại thừa và thiền định mật tông bắt nguồn từ Kim cương thừa nên có thể nói không sai là Phật Giáo Tây Tạng mang tất cả các nét của ba nguồn giáo pháp Phật Giáo. Đó là thời kỳ truyền giáo lần thứ nhất, nó chấm dứt khoảng giữa thế kỷ thứ 9 và gây dấu ấn mạnh nhất lên phái Ninh-mã (Nyingmapa) của Tây Tạng. Muốn hiểu xã hội Tây Tạng ta cần hiểu tăng sĩ Tây Tạng vì không có nước nào trên thế giới mà hình ảnh tăng sĩ đậm nét trong xã hội như trong nước này. Như trên có nói, kể từ Trisong Detsen, tăng sĩ Tây Tạng được đào tạo dựa trên giới luật của Nhất thiết hữu bộ, áp dụng trong môi trường địa phương cụ thể của Tây Tạng.
Tu sĩ Tây Tạng có sáu cấp bực. Mức đầu tiên là cư sĩ, đó là những người tại gia, giữ năm giới luật. Trong mức đầu này cũng có những người xuất gia phụng sự trong các tu viện, tương tự như cận sự nam (hay nữ) ở Trung Quốc. Mức thứ hai được gọi là sa-di, đó những tiểu tăng được thụ 36 giới với số tuổi khoảng bảy tám tuổi. Mức thứ ba là tỉ-kheo, được thụ giới sớm nhất là 20 tuổi. Tỉ-kheo Tây tạng có đến 150 giới luật phải được tôn trọng. Mức độ thứ tư được gọi bằng tiếng Tây Tạng là Geshe, đó là học vị có thể dịch là "tiến sĩ Phật học".
Muốn trở thành Geshe, tăng sĩ phải nắm vững năm lĩnh vực. Đó là Luật tạng, A-tì-đạt-ma luận(Abhidharma, có khi được gọi là Thắng pháp tập yếu luận), toàn bộ Kinh Bát-nhã ba-la-mật nhất là Kinh Kim Cương, Trung quán luận và triết lý Tính Không và cuối cùng là Nhân minh luận, nhất là của Trần-na(Dignana) và Pháp Xứng (Dharmakirti). Thường thì người ta cần khoảng 12 năm mới lĩnh hội được năm lĩnh vực nói trên và phải trải qua nhiều kỳ sát hạch vấn đáp. Vị Đạt-lai lạt-ma thứ 14 hiện nay cũng phải tốt nghiệp Geshe như mọi tăng sĩ cao cấp khác.
Với mức thứ tư, tuy người tăng sĩ đã được đào tạo rất sâu nhưng ông mới xong ngưỡng cửa của tiểu thừa và đại thừa. Đó là mức độ cao cấp nhưng kiến thức vẫn còn từ sách vở sinh ra. Mức thứ năm chính là nơi mà tăng sĩ được đào tạo trong các phép mật tông, bằng lý thuyết và thực nghiệm. Lúc đó người tăng sĩ được gọi là Gyupa, "quán đỉnh". Đó là lúc tăng sĩ đi vào truyền thống mật thừa, đi vào mối quan hệ riêng của thầy-trò. Trong phái Cách-lỗ thì tăng sĩ chỉ đi vào mức thứ năm sau khi đã thật vững vàng về các giáo pháp của tiểu thừa và đại thừa.
Còn trong các phái khác thì ít nghiêm khắc hơn, có khi tăng sĩ được trực tiếp đưa vào mật tông mà chưa đi qua các bước nói trên. Các vị Gyupa là đặc biệt quan trọng trong Phật Giáo Tây Tạng vì đó là những người không được đào tạo bằng kinh sách mà là những kẻ đã thực chứng và dạy học trò bằng phép truyền tâm. Nếu họ chết đi mà không kịp trao truyền lại cho hậu thế thì dòng truyền thừa của họ tuyệt diệt.
Mức thứ sáu là Khenpo, đó là các vị sư trưởng đứng đầu các tu viện hay các vị đại sư. Các vị sư trưởng là người cho phép các vị tăng khác quán đỉnh hay thụ giới. Các vị Khenpo đều phải là những người được Đạt-lai lạt-ma ấn chứng.
Ta hay nghe từ "Rinpoche" nói về các vị tăng sĩ Tây Tạng. Rinpoche có nguyên nghĩa là "cao quí" được dành chỉ cho cấp tăng sĩ thứ tư trở lên. Đặc biệt từ "lạt-ma" lẽ ra chỉ dành để chỉ chung cho các vị từ cấp thứ năm trở lên nhưng ngày nay các sách vở phương tây sử dụng tùy tiện, cứ mỗi tăng sĩ được gọi là "lạt-ma".
Trong Phật Giáo Tây Tạng có thêm một đẳng cấp rất đặc thù, đó là các vị tái sinh Tulku, được xem như thân tái sinh của một lạt-ma cao trọng đã chết. Người Trung Quốc gọi các vị này bằng từ "tự tại chuyển thế". Các vị này thường được "khám phá" trong số tuổi sáu bảy và được thọ giới cũng như học tập ngay. Thường các vị đó lĩnh hội rất nhanh, chưa tới 30 đã đạt danh hiệu Geshe và sau đó thường đảm nhiệm vai trò của đời sống cũ, thí dụ trở thành tu viện trưởng tại những tu viện ngày xưa.
Quanh Lhasa có ba tu viện lớn nhằm đào tạo tăng sĩ tới cấp bực thứ tư Geshe, đó là Drepung, Ganden và Sera. Trong cả ba thì Drepung lớn nhất, đó là tu viện có lúc chứa đến 10.000 tăng sĩ. Trong các vị tu học tại Drepung có một vị tên là Losang Gyatso, về sau trở thành Đạt-lai lạt-ma thứ năm, người lãnh đạo chính trị và tinh thần của Tây Tạng trong thế kỷ 17. Trong ba tu viện Drepung, Ganden và Sera, chúng tôi chọn đi Drepung.
Drepung nằm dưới chân một ngọn núi, cách Lhasa khoảng 10km. Từ xa ta đã thấy đây là một hệ thống những tòa tu viện rất lớn, với danh từ ngày nay ta có thể gọi là "campus". Đó là một làng đại học Phật Giáo với hàng chục công trình xây cất.
Drepung được một đệ tử của Tông-khách-ba tên là Jamyang Choje xây dựng đầu tiên năm 1416. Trong những thế kỷ sau Drepung được tiếp tục xây dựng để trở thành tập hợp tu viện lớn nhất của phái Cách-lỗ và cũng của toàn Tây Tạng với hàng chục điện thờ, khám thờ và vô số tranh tượng. Trong chính điện lớn nhất mà người Tây Tạng gọi là Dukhang, ta thấy bức tượng Văn-thù, vị bồ tát chủ trí tuệ mà tôi đã được đảnh lễ tại Ngũ Đài sơn Trung Quốc. Đây là nơi đào tạo khoảng 400 vị Geshe và 50 vị tái sinh Tulku học tập trí huệ bát nhã của Ngài. Trong thời gian Đạt-lai lạt-ma thứ năm trị vì, Drepung cũng trở thành trung tâm quyền lực chính trị của Lhasa.
Trong chính điện Dukhang này, đây là nơi tập hợp quan trọng nhất của các cuộc hành lễ với hàng ngàn tăng sĩ, với thanh la não bạt, với những loại kèn đồng rất dài phát ra tiếng rất trầm. Ta đã biết âm nhạc tế lễ đóng vài trò rất quan trọng trong Phật Giáo Tây Tạng. Những loại âm thanh đều đại diện cho những yếu tố của pháp giới. Những tiếng rất trầm hầu như phát ra từ lòng đất nói lên nền tảng vô thủy vô chung của vạn sự, những tiếng xập xỏa ngắn, sắc và vang dội nhảy múa trên âm trầm không dứt, chúng đại diện cho thế giới hữu hiện khi có khi không của vạn pháp. Chính điện này cũng là nơi hàng ngàn người tụng niệm cùng lúc, dưới những bức tượng vàng vĩ đại, trong tiếng âm thanh của chuông trống, trong tiếng niệm thần chú của vị chủ lễ.
Tôi đi qua những con đường lát đá. Đó là những nơi mà ngày xưa tăng sĩ tranh luận về nhân minh học, môn logic lý luận Phật Giáo hết sức sâu sắc. Đó là nơi mà tăng sĩ phải trả lời ngay những câu hỏi câu đố được đưa ra song song với một tiếng vỗ tay rất lạ của người hỏi. Cách vỗ tay đó được xem để đánh thức tâm trí của người được hỏi. Phái Cách-lỗ là môn phái chịu lý luận nhất trong các môn phái Phật Giáo xưa nay. Họ cho rằng đã theo đại thừa thì phải biết lý luận để giáo hóa cho những người muốn học hỏi và cách giáo hóa dễ làm nhất là lý luận logic.
Tôi đến những phòng thờ của các vị tu viện trưởng. Nơi đây tôi mới biết rõ những gì Govinda đã kể trong cuốn "Con đường mây trắng"(Govinda, sách đã dẫn). Đó là những chỗ ngồi thiền định mà trên đầu là một tấm lụa nhiều màu tượng trưng cho bầu trời. Dưới bầu trời đó, xung quanh đều là tranh tượng của Phật Bồ tát, các vị tăng sĩ sống một cuộc đời tôn giáo cả ngày lẫn đêm. Trước mặt họ luôn luôn là tượng Phật, họ cúng đèn, tượng trưng cho giác ngộ; cúng nước, tượng trưng cho đời sống.
Đây là nơi mà hàng ngàn người sống cuộc đời phạm hạnh, bồi dưỡng trí huệ, tăng trưởng bồ đề tâm, quán niệm về cái vô thường của sự sống, về sự miên viễn của cái chết. Những người đó theo bước của Văn-thù, dùng lưỡi kiếm bén chém màn vô minh để phá vòng sinh tử. Vô minh là khâu đầu tiên của "mười hai nhân duyên". Nơi đây tại Tây Tạng, người ta học kỹ những giáo lý tiểu thừa như tứ diệu đế, mười hai nhân duyên..., đâu phải chỉ có luật tạng. Ôi, đó là những giáo lý tiểu thừa tưởng như giản đơn nhưng không bao giờ ta hiểu hết.
Tiểu thừa hay đại thừa chỉ có một mục đích duy nhất là xé "miếng da voi của vô minh". Hai trường phái đó đối với người Tây Tạng chỉ là phương tiện tùy theo căn cơ hành giả. Nơi đây người ta quí trọng đức Văn-thù, mỗi lần đọc Trung quán luận người ta cầu đến Văn-thù . Bao nhiêu tăng sĩ Tây Tạng đã lên đường đi bộ đến Ngũ Đài sơn. Ngài là người giúp tăng sĩ phá vòng vô minh. Phá được vô minh là chấm dứt cái chết lẫn cái sống, thoát được vòng tử sinh do quỉ sứ đang ôm giữ [10]. Những tăng sĩ đó ngày nay đâu cả?