Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

05. Bình Thành và Động Vân Cương

12/02/201216:01(Xem: 7741)
05. Bình Thành và Động Vân Cương
MÙI HƯƠNG TRẦM
Nguyễn Tường Bách
(Ký Sự Du Hành Tại Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng)

PHẦN THỨ BA
TRUNG QUỐC, XỨ SỞ CỦA BỒ-TÁT

BÌNH THÀNH VÀ ĐỘNG VÂN CƯƠNG

Trong thế kỷ thứ hai sau công nguyên có ba trung tâm phát triển Phật giáo, tại Trung Quốc và Việt Nam (Giao Chỉ). Ngoài Lạc Dương được nhiều người biết, ta phải kể đến Bình Thành tại tỉnh Sơn Tây Trung Quốc và Luy Lâu, ngày nay thuộc tỉnh Bắc Ninh Việt Nam.

Theo tài liệu lịch sử, Bình Thành được xây dựng rất sớm, khoảng trong thế kỷ thứ 5 trước công nguyên. Thị trấn này ngày nay là Đại Đồng, cách Bắc Kinh khoảng 350km về hướng tây, được Vạn lý trường thành bao bọc hai mặt, là một vị trí chiến lược. Trong thời Hán Sở tranh hùng trước công nguyên, Hạng Vũ diệt nhà Tần, đốt phá Hàm Dương (phía bắc Trường An) và rút quân về đóng ở Bình Thành. Về sau Hạng Vũ bị Lưu Bang diệt. Khoảng sáu trăm năm sau, thời mà lịch sử Trung Quốc gọi là Nam Bắc Triều (420-588), Trung Quốc bị chia làm hai miền Nam-Bắc, mỗi miền lại chia ra nhiều nước nhỏ. Trong các nước Bắc Triều có một nước gọi tên là Bắc Ngụy của nhà vua Đạo Vũ đế. Đạo Vũ đế lấy Bình Thành làm kinh đô năm 398, thống nhất phương Bắc năm 439, trở thành một nước có uy thế.

Đạo Vũ đế rất sùng tín đạo Phật. Trong thời Bắc Ngụy có hàng ngàn tăng sĩ Ấn Độ, Tây Vực đến đây, tu sĩ lên đến hàng chục vạn người, chùa chiền hơn 30.000 ngôi. Nhưng hình như sự vật lúc nào lên đến đỉnh cao nhất lại bị hoại diệt nên cũng trong thời Bắc Ngụy, đạo Phật bị pháp nạn. Đây là pháp nạn lần thứ nhất trong bốn pháp nạn [11] của Phật giáo tại Trung Quốc.

Pháp nạn này do nhà vua Thái Vũ Đế gây ra. Thái Vũ Đế là con của Đạo Vũ Đế, mới đầu cũng tin tưởng đạo Phật. Thế nhưng ngày nọ, ông thân hành đi dẹp loạn, thấy trong một ngôi chùa có vũ khí. Chùa bị dèm pha, Thái Vũ Đế hạ chiếu chỉ dẹp bỏ đạo Phật, tàn sát vô số tăng sĩ. Đó là năm 446. Sau đó không ai được chứa chấp tăng ni, chùa chiền tranh tượng bị phá hủy. Thế nhưng Thái Vũ Đế lại có một người con tôn trọng đạo lý, đó là thái tử Thác Bạc Hoảng. Vị thái tử mật báo tăng ni trốn lánh, đem kinh sách tranh tượng đi cất giấu trong núi non gần đó và cũng vì thế mà bị mưu hại.

Sáu năm sau, Thái Vũõ Đế mất, ông chỉ sống được 45 tuổi. Em của thái tử Hoảng là Thác Bạc Duệ lên ngôi là Văn Thành Đế, lúc đó tăng ni trong núi mới dám trở lại hoằng pháp. Nhà vua Văn Thành Đế là người trọng đạo lý, tạ lỗi cho cha bằng cách cho xây dựng "Vân Cương thạch quật" ở sườn nam núi Ngô Châu, cách Bình Thành 16km. Nhà sư Đàm Diệu là người khởi công xây dựng, để danh lại đến ngày hôm nay. Vân Cương là một trong ba thạch động nổi tiếng nhất của Trung Quốc, hai nơi kia là Long Môn và Đôn Hoàng.

Qua năm 494, triều Ngụy dời đô về Lạc Dương, vì thế mà Bình Thành và Vân Cương chìm vào quên lãng. Hơn bốn trăm năm sau, năm 907, đó là thời nhà Liêu bắt đầu trị vì một vùng miền Bắc bao la của Trung Quốc, vương triều có đến năm kinh đô mà một là Bình Thành, lúc đó đã mang tên Đại Đồng. Trong thời đó tại Đại Đồng, Hoa Nghiêm tự được xây dựng, Vân Cương thạch động nhờ thế mà cũng được tu bổ thêm.

Tôi đến Đại Đồng từ Bắc Kinh bằng xe lửa chạy đêm. Đại Đồng nằm trên độ cao khoảng 1200m, tàu chạy trên những cao nguyên ngút ngàn vùng bắc Trung Quốc, qua những ruộng lúa mì, ngô, hướng dương. Đi xe lửa mới thấy cái mênh mông của nước này, trên bản đồ hai nơi xa nhau không bằng đầu ngón tay út mà tàu chạy cả đêm không thấy tới. Tàu đến ga Đại Đồng lúc trời còn sáng tinh sương, đúng là lúc thợ thuyền hối hả đi làm. Họ là những người thợ mỏ than, Bình Thành ngày nay đã trở thành kinh đô than đá của Trung Quốc! Than đá xem ra quan trọng hơn kinh điển.

Nó làm ra điện để công nghiệp hóa đất nước. Cũng đúng thôi ! Đại Đồng là một thành phố kỹ nghệ, anh hướng dẫn du lịch hãnh diện kể như thế, là thành phố lớn thứ 12 của Trung Quốc, với than đá vô tận và công nghiệp chế tạo thiết bị cho ngành nông lâm nghiệp. Xe đi một vòng trong Đại Đồng, trung tâm Phật giáo Bình Thành mà tôi hào hứng muốn tới thăm ngày nay khắp nơi được phủ bằng một lớp bụi than mờ mờ. Tôi được đưa vào một khách sạn ăn sáng lấy sức sau một đêm đi xe lửa, tên nó là khách sạn "Vân Cương".

Đúng thế, tôi đến đây để thăm công trình đồ sộ của Vân Cương thạch quật mà tiền nhân của các anh thợ mỏ này đã tạo tác từ 15 thế kỷ trước. Cả những người thợ mỏ ngày nay lẫn những nghệ nhân ngày xưa, họ cũng là những người vào núi đập đá, đục đẻo, chịu gian khổ từ năm này qua năm khác, những con người chân cứng đá mềm, đem mồ hôi và cả xương máu để làm nên sự nghiệp cho đất nước họ, dù đó là công trình văn hóa hay công nghiệp.

muihuongtram-03-04

Và như Blofeld đã từng ca tụng, đây quả là một thạch quật vĩ đại. Công trình này có 53 động chạy dài khoảng 1km từ đông sang tây, gồm 51.000 tượng Phật mà tượng lớn nhất cao 17m, tượng tí hon nhất chỉ cao 2cm. Phần lớn tượng được tạc trong thời Bắc Ngụy, từ năm 460 đến năm 494. Một ít tượng khác được hoàn thành trong thời nhà Đường (618-907). Trong các động, ngoài tranh tượng ta còn thấy các Kinh được minh họa bằng các tượng đá khắc nổi trên tường, đó là một nghệ thuật Phật giáo độc đáo mà ta hay thấy tại Trung Quốc, được gọi là "biến tướng" của kinh. Tại Vân Cương, biến tướng của Duy ma cật sở thuyết kinh [12] được trình bày. Về sau tại các thạch quật Bảo đỉnh sơn hay Bắc sơn, tôi còn được thấy các biến tướng của các Kinh khác.

Trong nắng sớm tôi ngắm nhìn các động cả thạch quật mà ngày nay chỉ còn khoảng 20 động có thể tham quan được. Mới đầu công trình này để Văn Thành Đế sám hối cho vua cha, nhưng rõ ràng là cả chục ngàn nghệ nhân đã sáng tạo nơi đây để cho giáo pháp trướng tồn với thời gian, để lòng sùng tín của họ trở thành những tác phẩm nghệ thuật, để những gì trong tim óc thành tháp tượng thấy được, sờ được. Vì nghệ thuật, nói cho cùng, là quá trình biến những gì trừu tượng thành vật thể, đối tượng của năm giác quan, dùng chúng mà diễn tả lại lòng cảm khái, sự rung động nội tâm.

Động số 3 là động lớn nhất với tượng Phật và hai vị Bồ-tát. Sau đó là động số 5 với bức tượng lớn nhất của Vân Cương cao 17m. Động số 6 chứa một cột đá cao 16m, trình bày cuộc đời đức Phật. Động 17 chứa tượng Di-lặc ngồi tréo chân, một thế ngồi thiền định ít thấy. Trong động 18 có tượng Phật Thích-ca mâu-ni mà trong vạt áo là vô số các vị Bồ-tát. Quá nhiều động và quá nhiều hình tượng, khách tham quan có lẽ không mấy ai xem được kỹ. Chỉ ngắm tượng thôi mà người ta đã hết sức, hãy nhớ đến gian khổ của người xưa, tôi tự nhủ.

Cuối cùng là động 20, đó là động chứa bức tượng Phật Thích-ca, cao 13,7m, đây là nơi được xem là biểu tượng cho Vân Cương thạch động. Tiếng tụng kinh của Phật tử vang trong nắng và mùi hương trầm quen thuộc của Trung Quốc làm tôi nhớ những ngày ở Ấn Độ. Hình ảnh của "người con trai vĩ đại của Ấn Độ" [13] đã qua đến đây từ thế kỷ thứ nhất và nghệ thuật tạc tượng của Gandhara (ngày xưa thuộc về Ấn Độ) cũng đã định hình tại Trung Quốc, tại Vân Cương này trong thế kỷ thứ năm. Đó là nền nghệ thuật tạc tượng của Phật giáo đại thừa, xem Phật là Ứng thân, là nhân dạng của Pháp thân không sinh không diệt. Nền nghệ thuật đó gặp gỡ những đầu óc ưa làm chuyện vĩ đại của người Trung Quốc để sinh ra những tượng Phật khổng lồ mà họ gọi là "Đại Phật", những thạch quật đồ sộ mà Vân Cương mới chỉ là một.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]