Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

03. Hoa Thị Thành

12/02/201216:01(Xem: 7619)
03. Hoa Thị Thành
MÙI HƯƠNG TRẦM
Nguyễn Tường Bách
(Ký Sự Du Hành Tại Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng)

PHẦN THỨ HAI
ẤN ĐỘ SUỐI NGUỒN THIÊNG LIÊNG

HOA THỊ THÀNH

Ra khỏi máy bay cảm giác đầu tiên của tôi là thấy hơi nóng khủng khiếp tràn đến. Tôi nhủ thầm: “Đức Phật ngày xưa phải chịu cái nóng này sao“. Sân bay Patna làm tôi nhớ đến sân bay Qui Nhơn, nó có cái nhỏ của loại sân bay làng, hành khách đi bộ dưới cánh máy bay vào ga lãnh hành lý. Trên đường đi bộ tôi cũng đi ngang những đoạn sân bê-tông có lót loại lưới sắt của quân Mỹ hồi xưa như ở sân bay Qui Nhơn mà lúc tôi đến vẫn còn. Patna là nơi đầu tiên tôi đến sau Delhi, dù đoán trước, tôi cũng phải ngỡ ngàng về sự nghèo nàn và luộm thuộm của xứ Ấn Độ. Tới đây tôi mới nếm cái nóng Ấn Độ, Delhi là miền ôn đới nằm phía bắc gần Hy-mã lạp sơn thì khác hẳn. Ra khỏi sân bay Patna, quang cảnh hiện ra với tôi đúng là miền nhiệt đới châu Á, với các loại cây như cây me, liễu, chuối hay cau của chúng ta.

Patna hay Hoa Thị Thành là đây, đây là nơi A-dục vương triệu tập hội nghị kết tập lần thứ ba khi ông đã trị vì toàn nước Ấn Độ. Thấy Patna, tôi thất vọng tự nhủ, cố đô của A-dục vương ngày nay như thế này sao? Không thể được!

Đó là một thành phố nằm trên bờ nam sông Hằng, dơ bẩn và buồn tẻ. Tôi ngẩn ngơ đi xích lô trong thành phố, để cho ấn tượng tự kéo đến, ấn tượng của kinh thành nhà vua A-dục mà tôi yêu mến. Tới đây tôi mới biết Delhi là quá sang trọng, quá sạch sẽ. Sông Hằng gần Delhi cũng sang trọng hơn sông Hằng của Patna. Những người giàu có kiêu ngạo họ sống ở Delhi hay những nơi nghỉ mát như Simla cả, họ đâu cần đến đây xây cất nhà cửa. Còn nhà nước Ấn Độ xem ra quá tải với những vấn đề của dân số đặt ra, họ đâu có kinh phí để sửa chữa xây dựng. Khi tôi đến, trời đã về chiều, thành phố với một triệu rưỡi dân này gây một cảm giác buồn bã. Thật ra qui mô thủ phủ này rất lớn, xứng đáng là kinh thành của Ma-kiệt-đà một thời hiển hách, đô thị có một bề dài chừng 10 cây số. Ngày nay ánh sáng vương giả đã tắt.

Nhưng Hoa Thị Thành, nơi đây bao nhiêu thánh nhân đã sống, là kinh đô của triều đại Maurya và Gupta, tại sao hiếm có những di tích văn hóa? A-dục vương cho xây cất biết bao công trình trên toàn xứ Ấn Độ nhưng ngày nay Hoa Thị Thành sao chỉ có những di tích tầm thường như một cái tháp bán cầu tên là Golghar cao 30 mét chứa thóc gạo phòng đói kém của một người Anh tên là John Garstin xây năm 1786 mà người ta giới thiệu với du khách?

Tôi nhớ rằng, trước công nguyên xứ sở hùng mạnh của nhà vua Chandragupta của nước Ma-kiệt-đà này đã từng liên hệ với “phương tây”. Phương tây ở đây tức là Hy Lạp mà đại sứ nước này tại Ấn Độ là một vị tên gọi là Megathenes. Magathenes kể lại nhiều giai thoại về thư từ qua lại giữa Ấn Độ và Hy Lạp thuở đó. Theo đó, vua Ấn Độ Bindusara (con của Chandragupta) yêu cầu vua Hy Lạp gửi rượu ngon và nho khô, đồng thời một ít sách vở về “triết học”. Hy Lạp cũng là một quê hương vĩ đại về triết học của loài người.

Vua Hy Lạp Antiochus trả lời là rượu và nho thì đang gửi nhưng triết lý thì không ai “cho không biếu không”. Chúng ta biết thời đó tại Ấn Độ, triết học và văn hóa rất phát triển tại Hoa Thị Thành và hẳn Bindusara muốn so sánh học thuật nước mình với nước ngoài. Người kế vị Bindusara chính là vua A-dục và vị này, sau một thời kỳ chinh chiến, lấy triết lý Phật giáo làm chủ đạo, nhưng đồng thời hết sức tôn trọng các tôn giáo khác. Đó là một điều rất mới lạ trong lịch sử tôn giáo Ấn Độ.

Megathenes cũng viết về Hoa Thị Thành trong tác phẩm “Indika”, rằng đây là một thành phố phồn vinh với 570 tháp và 64 cổng thành. Tất cả những công trình đó nay ở đâu? Người ta kể tôi nghe rằng năm 750 có một đại hồng thủy và tất cả đều bị hủy diệt, nay chỉ còn nền đá. Thì ra Hằng hà đã nổi giận thật sự và có lẽ biến cố đó đã làm dịu con sông thiêng. Ngày nay ra bến sông Hằng ta thấy nó êm dịu như mặt hồ.

Thực tế lịch sử chưa hẳn như vậy. Huyền Trang đã đến đây khoảng năm 639 và theo lời kể của ông thì lúc đó thành phố này đã suy tàn. Sau A-dục vương thì Hoa Thị Thành còn là cố đô Ấn Độ cho đến thế kỷ thứ tư dưới triều đại Gupta [14] và sau đó chìm vào bóng tối. Khi Huyền Trang đến thì ông chỉ còn tìm thấy hai ba tu viện của hàng trăm ngôi đền ngày trước. Nơi đây Huyền Trang đến bờ sông Hằng, thăm lại một tảng đá cũ, đây là nơi Phật Thích-ca lúc đó đã tám mươi tuổi nhìn lại kinh thành lần cuối trước khi qua bờ bắc để về Câu-thi-na, nơi Ngài nhập diệt. Huyền Trang viết: ”Ở bờ nam con sông, đứng trên một tảng đá lớn hình vuông, Ngài nhìn A-nan một cách trìu mến và nói: ‘Đây là lần cuối mà ta nhìn ngắm ngai vàng và kinh thành’”.

Tôi đi tìm lại tảng đá nhưng ngày nay không còn ai biết đến nó. Bờ nam sông Hằng giờ đây lầy lội bùn đen và vẫn là chỗ thiêu xác như mấy ngàn năm trước. Nếu phải tìm một thành phố cổ, ngày xưa là một kinh đô cường thịnh, ngày nay đã rơi vào bóng tối của nghèo nàn và quên lãng, biểu tượng cho tính vô thường của mọi sự thì đó phải là Hoa Thị Thành.

Điều gì làm Hoa Thị Thành sớm bị hủy diệt, khác với các trung tâm văn hóa nằm gần đó, cũng trong tiểu bang Bihar ? Tôi cho rằng Hoa Thị Thành là kinh thành vua chúa, nó có đặc trưng của một kinh đô chính trị của A-xà-thế dựng nên, khác hẳn với những công trình văn hóa. Và không có gì chóng tàn bằng những chế độ chính trị vì chúng là đối tượng của sự hủy diệt. Chỉ năm mươi năm sau khi vua A-dục chết, triều đại hùng hậu này đã suy tận.

Chính trị có cái đặc biệt dễ làm say lòng người là khi nó cường thịnh thì ai cũng tưởng nó thiên thu vĩnh viễn, thế nhưng nó ngầm chứa cái mầm bội phản của phe phái và khi hết thời thì nó suy tàn rất nhanh, như nhà xây trên cát. Lịch sử thế giới, kể cả lịch sử mười năm trở lại đây, luôn luôn nhắc lại điều này nhưng con người vốn chóng quên và dễ say mê, họ luôn luôn lao vào chính trị và học lại cái bài học đó. Và cũng đừng nghĩ là chính trị chỉ nằm trong chính trường, nó cũng có thể nằm trong các tu viện mà vì lẽ đó Tây Tạng ngày nay đang chịu thảm họa. Vì là thuần túy kinh đô chính trị, Hoa Thị Thành ngày nay không còn gì. Nếu không bị thiên tai năm 750 thì nó cũng sẽ bị tín đồ Hồi giáo phá hoại vài thế kỷ sau đó.

Tôi ngồi xích lô cho xe chạy quanh thành phố, từ những ngõ ngách trong nội thành đến bờ sông Hằng, nơi cúng tế và thiêu xác. Một niềm hoài vọng tràn ngập tâm tôi. Những con đường nhỏ hẹp này hẳn đã ghi dấu biết bao nhiêu người của mấy trăm thế hệ. Nó là nơi trị vì của vua chúa cũng như chỗ lui tới của những thánh nhân. Trên bước đường đi trong đô thị này với số tuổi khả kính của hơn 2500 năm, ta có thể nghĩ ngày xưa biết đâu đây là nơi mà Phật và đoàn tăng già đã đi qua, các vị du già sư ngồi thiền định, các vị đại thành tựu giả làm nghề thợ may, thợ giày, thợ giặt… như sách vở kể lại. Ngoài những điều đó ra thì Hoa Thị Thành ngày nay chỉ là trạm nghỉ chân cho khách hành hương đi thăm những thánh địa gần đó và là điểm xuất phát đường bộ cho lữ khách đi Kathmandu, thủ đô Nepal.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]