Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

07. Từ Linh Sơn, nhớ về Yên Tử

12/02/201216:01(Xem: 8409)
07. Từ Linh Sơn, nhớ về Yên Tử
MÙI HƯƠNG TRẦM
Nguyễn Tường Bách
(Ký Sự Du Hành Tại Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng)

PHẦN THỨ HAI
ẤN ĐỘ SUỐI NGUỒN THIÊNG LIÊNG

TỪ LINH SƠN NHỚ VỀ YÊN TỬ

Có nhiều truyền thuyết giải thích tại sao núi Linh Thứu còn có tên là “đỉnh kên kên”. Có thuyết cho rằng tôn giả A-nan, một vị học trò thân cận của Phật, trong lúc thiền định trong động đá bị ma quỷ hiện thành chim kên kên dọa nạt. Tôi không hiểu nếu hiện hình con gì thì còn có người sợ chứ chim thì mấy ai sợ. Lại có người cho rằng nơi đây chim kên kên hay đến làm tổ. Cũng có kẻ nói rằng đá núi nơi đây có hình chim kên kên, thuyết này xem ra đứng vững hơn cả.

Như ta đã biết, trong hơn bốn mươi năm giáo hóa, Đức Thích-ca đã giảng nhiều bài kinh quan trọng tại Linh Thứu. Cuối đời mình, nơi đây Ngài đã dùng Báo thân để giảng bộ kinh Diệu pháp liên hoa cho thiên nhân cũng như loài người, bộ kinh Đại Thừa nổi tiếng mà Phật tử Việt Nam hay gọi là kinh Pháp Hoa.

Cũng trên đỉnh Linh Thứu này, ngày nọ, Đức Thích-ca không nói gì, lẳng lặng đưa một cành hoa lên cao. Hội chúng chẳng ai hiểu gì cả, chỉ có một đại đệ tử của ngài là Đại Ca-diếp mỉm cười, cũng chẳng nói năng gì. Hành động “niêm hoa vi tiếu” này là đầu nguồn của Thiền tông, một tông phái chủ trương “tâm truyền tâm”, đạt giác ngộ không cần và không thể sử dụng ngôn ngữ văn tự mà dùng tuệ giác vốn có sẵn nơi tâm mà tiếp cận với thực tại. Linh Thứu là quê hương của Thiền tông, đây cũng là suối nguồn của nhiều tông phái quan trọng khác. Đại Ca-diếp được xem như Tổ thứ nhất của Thiền tông Ấn Độ. Về sau Đại Ca-diếp truyền cho A-nan, rồi cứ thế mà dòng truyền thừa Thiền tông tiếp diễn liên tục đến gần ba mươi đời sau, trong đó có Long Thụ là truyền nhân đời thứ 14 mà ta đã biết.

Khoảng tám trăm năm sau khi Đức Thích-ca nhập diệt có một kẻ lữ hành từ Trung Quốc đến thăm Linh Thứu. Người đó là một vị tăng sĩ, tên gọi là Pháp Hiển, sinh khoảng cuối thế kỷ thứ tư. Năm 399, Pháp Hiển lên đường thăm Ấn Độ, thăm các thánh tích quan trọng của Đức Thích-ca và mười lăm năm sau mới về nước, mang theo vô số kinh điển. Theo tập ký sự còn lưu lại, Pháp Hiển mang nhang đèn đến Linh Thứu, vừa dâng hương, “đèn tự cháy sáng”. Pháp Hiển, “buồn đến phát khóc”, ở lại trong núi một đêm và tụng đọc kinh Lăng Nghiêm để nhớ lại vị đạo sư đã giảng kinh này tại đây.

Sau Pháp Hiển hơn hai trăm năm, một đại sư Trung Quốc lừng danh khác là Huyền Trang, biệt danh Đường Tam Tạng cũng đến chiêm bái Linh Thứu. Trên đỉnh núi Linh Thứu ngày nay còn một nền đá ghi lại ngày xưa Đức Thích-ca đã trú nơi đây và ngàn năm sau Huyền Trang đã nghỉ lại qua đêm. Vị tăng sĩ Việt Nam đầu tiên đi Linh Thứu có lẽ là Đại Thặng Thăng, sinh trong thế kỷ thứ bảy. Đại Thặng Thăng với ba vị tăng sĩ Việt Nam khác cùng đi với nhà sư Trung Quốc Nghĩa Tịnh (635-713) bằng đường biển đến Ấn Độ, đến tham bái Linh Thứu và các thánh tích khác, cuối cùng chẳng may bỏ mình tại xứ người.

Không phải chỉ có lữ khách từ xa đến Ấn Độ, ngược lại tăng sĩ Ấn Độ đi các nước khác cũng rất nhiều mà con người đầy huyền thoại nhất thời đó là một tăng sĩ mặt đen, râu rậm, tướng mạo như một võ sư. Đó là Bồ-đề Đạt-ma, có lẽ sinh năm 470. Bồ-đề Đạt-ma chính là truyền nhân đời thứ 28 và là đời cuối cùng của Thiền tông Ấn Độ, bắt đầu với Đại Ca-diếp và A-nan. Năm 520 Bồ-đề Đạt-ma lên đường đi Trung Quốc bằng đường biển, theo một tài liệu thì có ghé Việt Nam trước khi đến Nam Kinh gặp nhà vua Trung Quốc Lương Vũ Đế. Gặp Vũ Đế, Bồ-đề Đạt-ma khai thị yếu tính Thiền tông rất rõ ràng nhưng vua không lĩnh hội vì lòng còn bị các quan niệm thiện ác, tốt xấu chi phối. Bồ-đề Đạt-ma thấy cơ duyên chưa tới, đi về hướng Bắc Trung Quốc, vượt sông Trường Giang đến Lạc Dương, lên núi Tung sơn, ở chùa Thiếu Lâm, chín năm tọa thiền quay mặt vào vách.

Tưởng Thiền tông như thế là đứt đoạn, tổ Thiền thứ 28 đã rời Ấn Độ đi Trung Quốc, ở Trung Quốc thì quay mặt vào vách không nói năng gì. Nhưng không phải, trong một ngày đầy tuyết nọ, có người rút dao tự chặt cánh tay tỏ lòng thành khẩn, xin Bồ-đề Đạt-ma khai thị. Người đó là Huệ Khả (487-593). Chỉ nghe một câu “an tâm”, Huệ Khả đại ngộ, trở thành truyền nhân của Bồ-đề Đạt-ma, đời sau gọi là nhị tổ của Thiền tông Trung Quốc. Huệ Khả truyền cho Tăng Xán, vị tam tổ này sinh ra lúc nào không rõ chỉ biết tịch năm 606. Tăng Xán sau đó truyền cho Đạo Tín (580-651), rồi vị này truyền lại cho Hoằng Nhẫn (601-674).

Các vị truyền nhân này đều sống một cuộc đời kỳ dị, giác ngộ qua những câu vấn đáp xem ra ngớ ngẩn, mỗi người mỗi khác nhưng giống nhau ở chỗ lấy “tâm truyền tâm, thấy tánh thành Phật” làm gốc. Đến đời thứ sáu, với Lục tổ Huệ Năng (638-713) thì tính cách “bất lập văn tự” mới đạt tột đỉnh vì Huệ Năng mới đầu chỉ là một anh chàng tiều phu mù chữ. Về sau, Huệ Năng không có truyền nhân chính thức, thiền Trung Quốc được xem là có sáu vị tổ, như thiền Ấn Độ có 28 vị. Thế nhưng Huệ Năng là người khai sáng Thiền Trung Quốc rực rỡ hơn ai hết, để lại cho hậu thế vô số thiền sư xuất chúng và một dòng truyền thừa mãnh liệt đến thế kỷ thứ 11 và cả đến ngày nay.

Thiền tông không dừng ở Trung Quốc. Tổ thứ ba Tăng Xán vốn có ít học trò, trong đó có một vị tên là Tì-ni-đa Lưu-chi [38]. Vị này sinh năm nào không rõ, chỉ biết tịch năm 594. Sau khi ngộ pháp xong, Tì-ni-đa Lưu-chi đi về phương Nam, đến Giao Chỉ, ngụ ở chùa Dâu ngày nay, thuộc tỉnh Hà Bắc Việt Nam. Tại đây Tì-ni-đa Lưu-chi khai sáng dòng Thiền Việt Nam, truyền 19 đời, đến thế kỷ thứ 13, có ảnh hưởng mạnh lên đến các vua thời Lý.

Song song, trong số học trò sau mấy đời của Huệ Năng có một vị nói năng rất ít, được gọi tên là Vô Ngôn Thông. Năm 820, Vô Ngôn Thông về phương nam đến tỉnh Bắc Ninh Việt Nam ngày nay, khai sáng một dòng Thiền mới, truyền 17 đời, cũng đến thế kỷ thứ 13.

Trong thế kỷ thứ 11 một vị thiền sư Trung Quốc tên gọi là Thảo Đường, không rõ vì duyên cớ gì đi lưu lạc tận Chiêm Thành. Thảo Đường bị vua Việt Nam là Lý Thánh Tông bắt làm tù binh trong một trận chinh phạt nước này năm 1069. May thay cho Thảo Đường, Lý Thánh Tông là một nhà vua trọng đạo lý. Biết Thảo Đường là môn đệ của thiền sư Tuyết Đậu Trùng Hiển, Lý Thánh Tông phong làm Quốc Sư, tự nhận mình làm học trò. Cũng lại là một điều mà chỉ ngày xưa mới có. Sau đó, Thảo Đường khai sáng dòng Thiền thứ ba của Việt Nam, truyền được sáu đời, kéo dài đến cuối nhà Lý.

Khác với Thiền Trung Quốc chia thành “ngũ gia thất tông”, hầu như ba thiền phái Việt Nam chỉ đợi ngày hợp nhất. Qua đầu thế kỷ thứ 13, ba dòng Tì-ni-đa Lưu-chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường nhập lại một dòng duy nhất. Không rõ cơ duyên nào mà lịch sử Việt Nam lại sản sinh nhiều nhân vật lỗi lạc trong các thế kỷ 12,13 của đời Lý Trần. Dưới ảnh hưởng của Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ, ba dòng Thiền đó tập hợp thành một, xuất phát từ núi Yên Tử, hiện nay thuộc tỉnh Quảng Ninh, gọi là phái Thiền Yên Tử. Tại Việt Nam núi Yên Tử trở thành đỉnh cao vòi vọi của một dòng Thiền vừa rất quí tộc vừa rất nghệ sĩ.

Giữa thế kỷ thứ 13, một nhân vật kiệt xuất ra đời, đó là Trần Nhân Tông (1258-1308). Vừa làm vua chăm lo bảo vệ bờ cõi, vừa là thiền sư đạt đạo, Trần Nhân Tông trở thành tổ thứ sáu của dòng Thiền Yên Tử. Nhưng vì nhân cách của Trần Nhân Tông quá rực rỡ, đời sau tôn ông làm sư tổ, lấy hiệu Trúc Lâm của ông đạt tên làm phái Thiền Trúc Lâm, một dòng Thiền có tính nhập thế. Năm 1304, Trần Nhân Tông đích thân đi cả nước tìm truyền nhân, gặp ngay một thiếu niên “có đạo nhãn”, liền truyền pháp cho, người đó là Pháp Loa (1284-1330), tổ thứ hai của Trúc Lâm.

Đến năm 23 tuổi, Pháp Loa gặp một nhân vật kỳ dị, lúc đó đã 51 tuổi, tên gọi là Huyền Quang. Huyền sử chép rằng, mẹ của Huyền Quang là Lê Thị, ba mươi tuổi mà chưa có con, hay đến chùa cầu nguyện. Đầu năm 1254, trụ trì chùa là sư Tuệ Nghĩa mơ thấy trong chùa “đèn đuốc sáng choang, Đức Thích-ca chỉ tôn giả A-nan mà bảo, ngươi hãy tái sinh làm pháp khí Đông Độ và nhớ lại duyên xưa”. Năm đó Lê Thị sinh Huyền Quang. Gặp Pháp Loa, Huyền Quang tôn làm thầy mặc dù thầy trẻ hơn mình gần ba mươi tuổi.

“Duyên xưa” là duyên gì? Đông Độ Việt Nam thật ra là có duyên với đạo Phật, Việt Nam đến với đạo Phật sớm hơn cả Trung Quốc. Trong thế kỷ thứ nhất sau công nguyên, tại Việt Nam đã hình thành một trung tâm đạo Phật là Luy Lâu, thuộc Bắc Ninh ngày nay. Luy Lâu phát triển song song với hai trung tâm của Trung Quốc là Lạc Dương và Bình Thành [39]. Thiền Việt Nam đã xuất phát cả trước khi Bồ-đề Đạt-ma đến Trung Quốc. Trong thế kỷ thứ ba, tăng sĩ Khương Tăng Hội người Giao Chỉ đã viết luận giải về Đại Thừa và Thiền tông cho nên nhiều người cho rằng Khương Tăng Hội chính là người sáng lập Thiền Việt Nam, không phải đợi đến lúc Thiền Trung Quốc du nhập.

Người đời sau tôn ba vị Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang là “tam tổ” Thiền Việt Nam, xứng danh ngang hàng với sáu vị Tổ Thiền Trung Quốc và 28 vị Tổ Thiền Ấn Độ. Núi Yên Tử của Việt Nam, Tung sơn của Trung Quốc và Linh Thứu của Ấn Độ là nơi sản sinh các dòng Thiền đó.

Suốt bảy thế kỷ sau Trần Nhân Tông, trong vô số những người đã đến thăm Linh Thứu, có một đứa con cháu lạc loài của ông đứng ngẩn ngơ trên núi chiều nay. Ôi, con người đích thực của bao vị thánh nhân hầu như chìm trong bóng tối của lịch sử. Thường người ta chỉ biết Trần Nhân Tông là một nhà vua giỏi bảo vệ bờ cõi, nào ngờ là một đại sư đạt đạo mà học thuật và nhân cách của ông đã truyền thừa cho các thế hệ đến ngày nay.

Tưởng Huyền Trang chỉ là một nhân vật huyền thoại, sư phụ hiền lành của Tôn Hành Giả, nào ngờ là một nhà dịch kinh tác tuyệt về văn chương và nội dung, sáng lập cả một tông phái đại thừa tại Trung Quốc. Tưởng Bồ-đề Đạt-ma chỉ là tổ sư võ công Thiếu Lâm, nào ngờ là kẻ đã khai sáng Thiền tông miền Đông Á, mở đường cho vô số người cầu hiểu biết. Tưởng Đức Thích-ca là một ông bụt hoang đường, nào ngờ là một con người từng sống, từng hoạt động, từng chết trên trái đất này.

Rời Linh Thứu với lòng u hoài chiều hôm đó, tôi chỉ có thể nhắc lại đây lời của Schumann: “Chuyến hành trình theo dấu chân Đức Phật là một niềm vui, đồng thời là một cảm hoài xao xuyến, vì phần lớn các nơi Ngài đã đặt chân đến, ngày nay người ta chỉ còn tìm thấy sự đổ nát và hiu quạnh. Nhưng tính vô thường của vạn sự há chẳng phải là thông điệp của Ngài ư? Ngài chẳng đã nói rằng Pháp sẽ có ngày bị quên lãng, nhưng sẽ được khám phá lại một cách mới mẻ ư? Có thể Ấn Độ đã quên người con trai vĩ đại của mình, nhưng tại các nơi khác ở châu Á, mà cũng trong các tâm hồn tại châu Âu và Mỹ, thì thông điệp của Ngài vẫn còn sinh động. Chúng ta hãy mừng vui rằng, có một đầu óc ưu việt đã thấu hiểu cái Khổ và nguyên nhân của nó và đã chỉ rõ cách giải thoát nó nằm ngay nơi chúng ta”.

________________________________________

[1] Mahasiddha, sống trong khoảng từ thế kỷ thứ tám đến thứ mười hai tại Ấn Độ. Huyền sử ghi lại 84 vị Đại thành tựu giả, xem Dowman Keith, Master of Mahamudra. Song and histories of the Eightyfour buddhist Siddhas, New York, 1985
[2] Xem chương “Con trâu điên” trong phần thứ tư
[3] Dakini, các vị nữ thần thường được nhắc đến trong Kim Cương Thừa, xuất hiện để bảo vệ giáo pháp.
[4] Trích câu kệ về Từ Đạo Hạnh
[5] Kosala
[6] Pataliputra
[7] Trị vì từ 324 đến 185 trước công nguyên
[8] Ngày nay chỉ còn khoảng 10 trụ
[9] Xem chương “Đền Jokhang” trong phần thứ tư
[10] Tác phẩm đáng chú ý nhất là ”Sur les traces du Bouddha“, Paris 1929 của R.Grousset (1885-1952), nguyên là giám đốc bảo tàng viện Guimet tại Paris và hội viên viện Hàn Lâm Pháp. Nhiều tư liệu trong sách này được trích từ tác phẩm này
[11] Sarvastivada
[12] Asanga, thế kỷ thứ 4, đại luận sư của Phật giáo, người sáng lập Duy thức tông
[13] Vasubandhu, khoảng 316-396, mới đầu là luận sư của Nhất thiết hữu bộ, về sau của Duy thức tông, là tổ thứ 21 của Thiền tông Ấn Độ
[14] Trị vì từ 320 đến 499
[15] Nagarjuna
[16] Madhyamika
[17] Silabhadra
[18] Xem Archaeological Survey of India, Report 1922-23
[19] Dignaga
[20] Dharmapala
[21] Vijnaptimatratasiddhi
[22] Thập đại luận sư: Thân Thắng, Hỏa Biện, Đức Huệ, An Huệ, Nan-đà, Tịnh Nguyệt, Hộ Pháp, Thắng Tử, Thắng Hữu, Trí Nguyệt
[23] Santideva
[24] Bodhicaryavatara
[25] Vật tráng tắc lão, Thị vị bất Đạo, Bất Đạo tảo dĩ (Việt dịch Nguyễn Duy Cần)
[26] Lời Phật Thích-ca
[27] Buddhaghosa
[28] H.W.Schumann, Auf den Spuren des Buddha Gotama, Walter Verlag 1992.
[29] Hình trích của S.Dhammika (sách đã dẫn)
[30] Cách nói Phật hay dùng chỉ những người sẵn sàng tiếp thu
[31] Assaji
[32] Anathapindika
[33] Devadatta
[34] Ngôi chùa này nằm dưới chân núi Linh Thứu, phía đông Vương Xá
[35] Ratna mountain
[36] The Dalai Lama at Harvard, Jeffrey Hopkins, University of Virginia
[37] Sách đã dẫn
[38] Vinitaruci
[39] Ngày nay là Đại Đồng thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]