Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

22. Chánh niệm có phải là tâm linh không

04/02/201213:08(Xem: 9875)
22. Chánh niệm có phải là tâm linh không
NƠI ẤY LÀ BÂY GIỜ VÀ Ở ĐÂY
Nguyên tác: Wherever You Go, There You Are.
Tác giả: Jon Kabat-Zinn - Dịch giả: Nguyễn Duy Nhiên.
"Thiền tập áp dụng vào đời sống hằng ngày"

PHẦN III
TINH THẦN CHÁNH NIỆM

22.- CHÁNH NIỆM CÓ PHẢI LÀ TÂM LINH KHÔNG

Nếu bạn tra chữ tâm linh (spirit) trong tự điển, bạn sẽ thấy nó bắt nguồn từ tiếng Latin, Spirare, có nghĩa là thở. Hơi thở vào là sự khởi đầu và hơi thở ra là sự chấm dứt. Từ đó chúng ta có vô số những hình ảnh liên kết tâm linh với hơi thở, như là năng lượng chủ yếu, tâm thức, linh hồn, ơn phước bề trên, một cái gì thần thánh, thiêng liêng và không thể diễn tả được. Nhưng chúng ta đã nhận thấy, sự quý giá và to tát của món quà ấy có thể sẽ không bao giờ được biết tới, nếu sự chú tâm của ta bị lôi kéo đến một nơi chốn nào khác. Tác dụng của chánh niệm là để đánh thức ta dậy với tính chất linh động của sự sống trong mỗi phút giây mà ta đang có. Với chánh niệm, mọi việc khởi đầu. Thật ra không có một việc nào lại không nằm trong lãnh vực của tâm linh.

Tôi luôn tránh xử dụng danh từ tâm linh được chừng nào tốt chừng ấy. Tôithấy nó không cần thiết và cũng chẳng thích hợp trong công việc của mình ở nhà thương, đem sự thực tập chánh niệm vào môn y khoa và sự trị liệu, cũng như trong những môi trường hoạt động khác của tôi, như là với các cộng đồng thiểu số, ở nhà tù, trương học và với những tổ chức chuyên nghiệp, thể thao gia... Tôi cũng không thấy danh từ tâm linh thích hợp gì lắm đối với đường lối tu tập, phát triển và đào sâu của chính tôi.

Nhưng ta cũng không hề chối bỏ rằng, thiền tập có thể được xem như là nền tảng của một phương pháp "tu tập tâm linh". Chi có điều tôi không hài lòng với sự thiếu chính xác, không hoàn toàn, và nhiều khi là lối giải nghĩa sai lầm của danh từ ấy. Thiền tập có thể là một con đường uyên thâm để tự phát triển, để tinh luyện quan điểm, cũng như tri giác và tâm thức của mình. Nhưng theo tôi thấy, danh từ tâm linh đã tạo nên nhiều vấn đề hơn là nó có thể giải quyết.

Có người nói về thiền tập như một "kỷ luật của tâm thức". Tôi thích lối diễn tả đó hơn là tu tập tâm linh, vì danh từ tâm linh có thể khơi dậy những ý niệm khác nhau tùy theo mỗi người. Những ý niệm này dù muốn dù không, cũng đã quấn bện vào trong niềm tin và những ước muốn nằm sâu trong tâm thức của mình, ít khi nào ta chịu khảo sát chúng cho kỹ. Ta đã để cho chúng ngăn cản không cho mình phát triển hoặc tin rằng rằng mình thật sự có khả năng ấy.

Thỉnh thoảng cũng có những người đến gặp tôi trong nhà thương, họ nói rằng thời gian ở trong bệnh viện chuyên khoa về làm giảm sự căng thẳng, là một kinh nghiệm tâm linh lớn nhất mà họ đã từng có. Tôi rất mừng khi họ cảm thấy như vậy, vì nó xuất phát trực tiếp từ kinh nghiệm của chính họ về thiền tập, chứ không phải từ một lý thuyết, niềm tin hoặc một hệ thống tư tưởng nào. Tôi cho rằng mình hiểu người ấy muốn nói gì, nhưng tôi cũng biết rằng họ đang cố gắng diễn tả bằng ngôn từ những kinh nghiệm nội tâm vượt ra ngoài mọi nhãn hiệu. Và tôi cũng mong ước rằng bất cứ một kinh nghiệm hoặc tuệ giác nào, nó sẽ tiếp tục sống, mọc rễ và tăng trưởng trong họ. Hy vọng họ ý thức được sự tu tập không phải là để ta đi đâu hết, dù dó là những kinh nghiệm tâm linh an lạc và thâm sâu chăng nữa. Hy vọng họ sẽ hiểu rằng chánh niệm vượt ra ngoài mọi ý thức, mong ước và ghét bỏ, rằng bây giờ và ở đây là một sân khấu mà sự việc đang khai triển không ngừng nghỉ.

Ý niệm về tâm linh có thể giới hạn tư tưởng của ta thay vì mở rộng nó ra. Chuyện ấy rất thông thường, vì từ đó ta sẽ phân biệt cái này là tâm linh còn cái kia thì không. Khoa họa có thuộc về tâm linh không? Làm cha mẹ có là tâm linh không? Con chó có tâm linh không? Thân ta có tâm linh không? Tâm ta có tâm linh không? Sanh con thì sao? Chuyện ăn uống có tâm linh không? Vẽ, chơi nhạc, đi dạo, nhìn một đóa hoa thì sao? Thở có thuộc về tâm linh không, hay là leo núi? Câu trả lời rõ ràng là nó hoàn toàn tùy thuộc vào phương cách tiếp xúc của ta, có chánh niệm và ý thức hay không!

Chánh niệm cho phép mọi vật chiếu tỏa sáng như là danh từ "tâm linh" đã gọi lên. Einstein có nói về một "cảm giác vũ trụ tôn giáo" mà ông đã kinh nghiệm được, khi suy tư về sự kết cấu cơ bản của thế giới vật lý. Nhà di truyền học nổi tiếng Barbara McClintock, công trình của bà đã từng bị khinh thường và bỏ qua trong nhiều năm, cho đến khi bà được công nhận bằng giải thưởng Nobel vào tuổi tám mươi,có nói về "một cảm giác đối với các sinh vật" trong một cố gắng khám phá và tìm hiểu sự phức tạp của tính di truyền trong cây bắp. Tôi nghĩ, cuối cùng thì tâm linh có nghĩa là kinh nghiệm được trực tiếp sự toàn vẹn và sự liên hệ mật thiết của mọi vật, thấy được cái một và tất cả thể nhập vào nhau, không có một cái nào là riêng rẽ và dư thừa. Nếu bạn có thể thấy được điều ấy thì mọi việc đều là tâm linh theo nghĩa sâu xa nhất. Phát triển khoa học cũng là tâm linh. Sự rửa chén cũng vậy. Chính kinh nghiệm nội tâm mới đáng kể và bạn phải thật sự có mặt. Những cái khác chỉ là tư tưởng mà thôi.

Nhưng cùng một lúc bạn cũng phải cẩn thận, coi chừng khuynh hướng tự dối lừa, tự mê hoặc, tự kiêu của mình, và những sự thúc đẩy đi lợi dụng và sự tàn nhẫn đối với kẻ khác. Thời đại nào cũng đã có quá nhiều khổ đau gây nên bởi những kẻ bị dính mắc vào một quan điểm duy nhất về cái "chân lý" tâm linh. Và còn bao nhiêu nữa được gây ra bởi những kẻ núp sau tấm áo choàng tâm linh, sẵn sàng hại người khác cho tham vọng của mình.

Hơn thế nữa, ý hướng về tâm linh của ta thường bao giờ cũng mang một màu sắc thiêng liêng hơn mọi điều khác. Những quan điểm nhỏ nhoi còn kẹt trong chữ nghĩa này, lại hay đặt để tâm linh lên trên những tính chất "thô lậu", "ô nhiễm", "mê lầm" của thân, tâm và vật chất. Bị rơi vào quan điểm ấy, người ta có thể lợi dụng danh nghĩa của tâm linh để đi trốn tránh cuộc đời.

Trong lãnh vực thần thoại, ý niệm về tâm linh có mang một đặc tính hướng thượng và bốc lên, như James Hilmman và các nhà đề xướng môn Archetypal Psychology có đề cập đến. Năng lượng của tâm linh thăng hoa, vượt lên trên những tính chất trần tục của thế giới này, để tiến tới một thế giới vô sắc, đầy ánh sáng và tỏa chiếu, một thế giới không có nhị nguyên, nơi đó mọi vật thể nhập lại làm một, thành một vũ trụ đồng nhất. Nhưng vì sự đồng nhất không phải là một kinh nghiệm thông thường của con người, nên câu chuyện không hề chấm dứt ở đó. Thường thì đó gồm có chín phần là mơ tưởng và chỉ có một phần là kinh nghiệm trực tiếp mà thôi. Hoài bảo của một sự đồng nhất về tâm linh, đạc biệt là ở tuổi trẻ, thường bị thúc đẩy bởi sự ngây thơ và mơ mộng, một khao khát muốn thoát khỏi mọi khổ đau và trách nhiệm của cuộc đời, mà trong đó có cả sự ẩm thấp và tối tăm.

Ý tưởng về sự siêu việt (transcendence) có thể là một sự vượt thoát rất lớn. Đó là lý do trong nhà Phật, đặc biệt là Thiền tông, có nhấn mạnh về sự trở về với đời sống thường ngày, hoàn tất một vòng tròn, hay còn được gọi là "thỏng tay vào chợ". Nó có nghĩa là ta đứng vững vàng ở bất cứ một nơi nào, trong một hoàn cảnh nào, không trên cũng chẳng dưới, chỉ đơn giản có mặt nhưng thật trọn vẹn. Trong nhà thiền có câu "Phùng Phật sát Phật, phùng Tổ sát Tổ", là nếu ta có gặp Phật hay Tổ trên đường thì cứ thẳng tay giết các ngài. Nó có nghĩa là bất cứ một sự dính mắc nào trong khái niệm về Phật, về giác ngôi cũng đều còn cách xa mục tiêu. Bạn còn nhớ bài tập về thiền núi không? Hình ảnh ngọn núi mà ta xử dụng không phải chỉ là một đỉnh cao cách xa mọi nền tảng của sự sống. Nhưng nó ăn sâu vào nền tảng, đâm rễ vào đất đá, một thái độ sẵn sàng ngồi yên và chịu đựng mọi tình trạng thời tiết, sương mù, mưa gió, nóng, lạnh, tuyết đá, hoặc nói theo từ ngữ của nội tâm là sự thất vọng, buồn lo, giận dữ, bối rối và đau khổ.

Theo tôi nghĩ, đất đá là một biểu tượng cho linh hồn (soul) hơn là cho tâm linh (spirit). Chiều hướng của nó là đi xuống, và hành trình của linh hồn là một biểu tượng trở xuống, đi vào lòng đất. Nước cũng thế, là một biểu tượng của linh hồn, thể hiện yếu tố hướng hạ như trong bài thiền tập về mặt hồ, nước tích chứa ở những chỗ trũng thấp, có tính cách tiếp nhận, thường là lạnh lẽo và ẩm thấp.

Cảm nhận của linh hồn được mọc rễ trong cái nhiều hơn là trong cái một, nó phát xuất từ một tự thể phức tạp và mơ hồ. Nhưng câu truyện về linh hồn là những câu truyện của một hoài bảo, của sự liều chết, của sự chịu đựng tăm tối và đối diện với bóng đêm, của sự bị chôn vùi dưới lòng đất hoặc đáy nước, của sự lạc lõng và đôi khi hoàn toàn bối rối, nhưng lúc nào cũng kiên trì và bền gan. Và chính nhờ sự bền gan ấy, cuối cùng ta cũng tiếp xúc lại được với tự thể châu báu của mình, ta bước ra từ bóng đêm và lòng đất tối tăm mà ta rất sợ hãi, nhưng phải đối diện. Tự thể quý báu ấy của ta lúc nào cũng có mặt ở đây, nhưng nó phải được khám phá lại một lần nữa, mới tinh, qua sự trầm mình trong bóng tối và khổ đau. Thật ra nó bao giờ cũng là của ta, cho dù người khác hoặc chính ta có nhận thấy được hay không.

Những câu truyện thần tiên trong mọi nền văn hoá phần nhiều là truyện về linh hồn hơn là về tâm linh. Như người lùn trong câu truyện "Dòng nước của sự sống" là một hình ảnh của linh hồn. Câu truyện Cô Bé Lọ Lem cũng là truyện về linh hồn. Trong suốt câu truyện, có một sự chuyển hóa diễn biến trong nội tâm của nhân vật chánh, một sự trưởng thành, một sự tôi luyện và sau đó một con người mới toàn vẹn hơn xuất hiện. Đó là một con người đã được phát triển hoàn toàn, thể hiện được sự đồng nhất của linh hồn và tâm linh, của thăng và trầm, sắc và vô sắc.

Thực hành thiền tập tự nó là một tấm gương phản chiếu hành trình tiến hóa và phát triển này. Nó phải trải qua biết bao nhiêu những thăng trầm. Không những bắt ta đối diện mà phải còn ôm chặt lấy nỗi đau và bóng tối, cũng như hạnh phúc và ánh sáng. Nó nhắc nhở chúng ta nên xử dụng bất cứ những gì xảy đến trong bất cứ một trường hợp nào, như là một cơ hội để quán chiếu, để mở rộng, để phát triển trong sức mạnh và tuệ giác, và để đi theo con đường của chính mình.

Đối với tôi, những danh từ "linh hồn" và "tâm linh" là những cố gắng để diễn tả kinh nghiệm làm người của mình, trong khi ta cố tự tìm hiểu và đi tìm một chỗ đứng cho mình trong cái thế giới kỳ lạ này. Không có một công trình tâm linh chân thật nào lại có thể thiếu phần linh hồn, cũng như không một công trình linh hồn nào lại không có phần tâm linh. Những con quỷ dữ, con rồng hung tợn, người lùn, bà phù thủy, hoàng tử và công chúa, ông vua, bà hoàng... trong truyện thần tiên, tất cả những nhân vật ấy, đều đang có mặt nơi đây, trong giờ phút này, để sẵn sàng chỉ dạy ta. Nhưng chúng ta phải biết lắng nghe, và phải có thái độ của bậc anh hùng, dám mang một hoài bảo lớn. Nhưng thật ra, dù ta có ý thức được hay không, nó cũng đã thâm nhập sâu xa vào trong cơ cấu của cuộc đời này, vì đó là sự sống của một con người toàn vẹn. Có lẽ một việc làm tâm linh nhất mà mỗi người chúng ta có thể làm, là nhìn bằng chính con mắt của mình, thấy được sự toàn vẹn và hành động với một nhân phẩm và lòng từ ái.

HẾT.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]