Nguyên tác: Wherever You Go, There You Are.
Tác giả: Jon Kabat-Zinn - Dịch giả: Nguyễn Duy Nhiên.
"Thiền tập áp dụng vào đời sống hằng ngày"
PHẦN HAI
TRÁI TIM CỦA SỰ TU TẬP
7.- NÊN NGỒI THIỀN BAO LÂU?
Hỏi: Tôi nên ngồi thiền bao lâu?
Đáp: Làm sao tôi biết được.
Câu hỏi người ta hỏi tôi nhiều nhất là họ nên ngồi thiền trong bao lâu! Lúc tôi mới khởi sự đem thiền tập áp dụng vào áp dụng cho những bệnh nhân trong nhà thương, chúng tôi đã cảm thấy rằng, điều quan trọng là họ cần phải được thực tập ngồi thiền trong một thời gian tương đối dài, ngay từ lúc mới bắt đầu. Vì tôi tin vào nguyên tắc là, nếu bạn đòi hỏi nhiều ở người ta, hoặc là yêu cầu họ tự đòi hỏi họ nhiều, thì bạn sẽ thu gặt được nhiều. Còn ngược lại, nếu bạn đời hỏi một chút thôi, bạn sẽ chẳng thu lượm được bao nhiêu. Chúng tôi yêu cầu mọi người phải thực tập khoảng bốn mươi lăm phút mỗi ngày ở nhà. Tôi nghĩ là bốn mươi lăm phút lâu đủ để cho ta có thể tĩnh lặng xuống và giữ chánh niệm, và có lẽ ít nhất cũng kinh nghiệm được mùi vị của một sự buông thả hoàn toàn và một cảm giác lành mạnh. Và thời gian ấy cũng lâu đủ để cho ta có cơ hội tiếp xúc lại với những cảm thọ mà ta muốn trốn tránh. Vì trong cuộc sống hàng ngày, chúng thường khống chế đời ta và cướp đi khả năng tĩnh lặng và chánh niệm của ta. Chúng là những sự buồn chán, bất an, nóng nảy, sợ hải, lo lắng, mơ mộng, tưởng nhớ, đau đớn, mệt mỏi và đau khổ.
Và kết quả là quyết định ấy của chúng tôi rất đúng! Hầu hết những người tham gia chương trình của chúng tôi đều sẵn sàng thay đổi nếp sống của họ, và chuyện ấy không phải dễ, để ngồi thiền mỗi ngày bốn mươi lăm phút, ít nhất là trong vòng tám tuần liên tiếp. Và đa số người vẫn còn tiếp tục giữ được lối sống mới ấy. Sau một thời gian, không những nó trở nên dễ dàng hơn, mà còn cần thiết hơn, nó trở thành một sợi dây cấp cứu của họ.
Những khuôn mẫu đó cũng có bề trái của nó. Những gì là thử thách nhưng có thể thực hành được đối với một người vào giai đoạn này của cuộc đời, có thể gần như là bất khả trong một giai đoạn khác, cũng cùng với một người ấy. Ý niệm về "dài" và "ngắn", chúng tương đối vô cùng. Một người mẹ với những đứa con nhỏ, chắc chắn là không thể nào có được bốn mươi lăm phút để làm bất cứ một việc gì. Nhưng có phải là nó có nghĩa bà ta sẽ không thể thực hành thiền được hay chăng?
Nếu cuộc đời bạn đang ở giữa một cơn khủng hoảng bất tận, hoặc bạn đang sống trong một xáo trộn về xã hội và kinh tế, có lẽ bạn sẽ không có tâm thần đâu mà ngồi thiền lâu, cho dù có thì giờ chăng nữa. Sẽ có chuyện này chuyện nọ xảy ra làm ngăn trở, nhất là khi bạn nghĩ rằng mình phải bỏ bốn mươi lăm phút mỗi ngày để không làm gì hết. Và sống trong một gian nhà chật chội, đông người ở, cũng có thể là một chướng ngại cho sự tu tập hàng ngày của mình.
Ta không thể hy vọng rằng các sinh viên y khoa có thể đều đặn bỏ ra một khoảng thời gian dài nhàn rỗi mỗi ngày, cũng như những người phải làm việc trong các hoàn cảnh hoặc tình trạng khẩn cấp. Và đối với những người chỉ tò mò nhưng không hề cương quyết thực tập, không muốn hy sinh những tiện nghi, an nhàn và thời giờ của mình, thì cũng vậy thôi.
Vì vậy, đối với những ai muốn đạt được một sự quân bình trong đời sống, thì sự linh động không những là hữu ích mà còn rất cần thiết. Ta nên nhớ rằng, thiền tập không có dính dáng gì đến thời giờ. Năm phút ngồi thiền cho đúng đắn cũng có thể thâm sâu bằng hoặc hơn bốn mươi lăm phút. Sự tinh chuyên của bạn quan trọng hơn vấn đề thời gian. Vì khi ngồi thiền là chúng ta bước ra khỏi giờ phút thông thường và thể nhập vào giây phút hiện tại, nơi đó không có kích thước của không gian và thời gian. Vì vậy, nếu bạn có ý muốn thực hành, dù một chút thôi, việc đó cũng đủ là quan trọng. Ta cần phải nhen nhúm và nuôi dưỡng chánh niệm cho thật cẩn thận. Nó cần phải được bảo vệ khỏi những ngọn gió lớn của cuộc sống xô bồ, của một tâm hồn bất an và đau khổ. Cũng như là một ngọn lửa nhỏ cần phải được che chở, trú tránh những cơn mưa to và gió lớn.
Nếu lúc đầu bạn có thể thực tập chánh niệm được trong năm phút hoặc một phút thôi, cũng là tốt đẹp lắm rồi. Nó có nghĩa là bạn đã ý thức được giá trị của sự dừng lại, của việc chuyển từ hoạt động sang sinh động.
Khi chúng tôi hướng dẫn thiền tập cho các sinh viên y khoa, để giúp họ đối phó với sự căng thẳng và đôi khi là những thương tích gây ra bởi nền giáo dục y khoa hiện đại, hoặc cho những thể thao gia muốn luyện tâm cũng như thân để đạt được một thành quả cao, hoặc cho những bệnh nhân trong các y viện, còn cần phải tập nhiều thứ khác ngoài thiền tập, hoặc cho những nhân viên trong các lớp cấp tốc, chúng tôi không bao giờ nhấn mạnh về việc phải ngồi bốn mươi lăm phút mỗi ngày. Chúng tôi chỉ đòi hỏi việc ấy với những bệnh nhân của mình, hoặc những ai đã sẵn sàng thay đổi lối sống của họ vì một lý do riêng nào đó. Vì vậy, chúng tôi chỉ khuyên họ thực tập mỗi ngày mười lăm phút, hoặc là mỗi ngày hai ba lần nếu họ có điều kiện.
Nếu nhìn kỹ một chút ta sẽ thấy rằng, trong chúng ta rất ít có ai - cho dù làm nghề gì hoặc đang ở trong hoàn cảnh nào - mà lại không thể bỏ ra mười lăm phút mỗi ngày được. Nếu mười lăm phút không được thì mười phút, năm phút.
Bạn nhớ không, trong toán học, một đường thẳng dài một thước có vô số những điểm, và trong một đường dài một tấc cũng có vô số bấy nhiêu điểm. Nếu vậy thì có bao nhiêu là những phút chốc trong khoảng thời gian mười lăm, hoặc năm, mười hay bốn mươi lăm phút? Chúng ta sẽ có rất nhiều thời giờ, nếu ta chỉ cần biết thực tập chánh niệm trong những phút chốc này thôi. Bạn hãy luôn duy trì ý muốn thực tập và nắm lấy cơ hội - vào bất cứ thời điểm nào - và tiếp xúc nó với thật trọn vẹn bằng một ý thức sáng tỏ. Thời gian thực tập dài hay ngắn cũng đều tốt cả, nhưng đôi khi ngồi "lâu" cũng chẳng đem lại lợi ích gì, nếu ta có những khó khăn hoặc sự bực bội lớn trong sự tu tập của mình. Tốt hơn ta nên tiến bước một cách thật từ tốn theo khả năng của mình, còn hơn là sẽ không bao giờ nếm được mùi vị của chánh niệm và tĩnh lặng, chỉ vì những chướng ngại quá to tát. Hành trình ngàn dặm thật sự bắt đầu bằng một bước của ta. Khi chúng ta quyết định cất bước đầu tiên ấy - hay trong trường hợp này là ngồi xuống trong chốc lát - ta sẽ có thể tiếp xúc được với thời gian vô tận trong ngay giây phút này đây. Mọi quả trái tu tập của ta bắt nguồn từ một hành động đó, và chỉ từ đó mà thôi.
Khi người thật sự muốn tìm tôi, người sẽ thấy tôi ngay tức thì - tôi hiện hữu trong căn nhà nhỏ bé nhất của thời gian.
Kabir.
Thực tập: Bạn hãy thử ngồi trong những thời gian dài, ngắn khác nhau. Xem chúng có ảnh hưởng gì đền sự thực tập của mình. Sự tập trung của ta có bị suy giảm theo thời gian không? Bạn có bị mắt kẹt trong việc "phải" còn cố gắng bao lâu nữa không? Sự bất an có bao giờ khởi lên không? Tâm ta có phản ứng hoặc quan tâm quá đáng không? Ta có cảm thấy mệt mỏi? Lo âu? Buồn chán? Thúc hối? Buồn ngủ? Nếu bạn mới tập ngồi, bạn có thấy những thắc mắc như là "Cái này thiệt là vô ích" hoặc "Mình làm như vầy không biết có đúng không đây?" hoặc là "Không biết mình có những cảm giác như vậy là đúng không?"
Những cảm thọ ấy, chúng khởi lên ngay tức thì hay là sau khi bạn ngồi một thời gian? Bạn có thể xem chúng như là những trạng thái khác nhau của tâm thức không? Bạn có thể quan sát chúng mà không phán xét, không phản ứng, cho dù chỉ trong một thời gian ngắn không? Nếu bạn có thể trải chiếu ra đón mời chúng, quan sát chúng, để cho chúng được như là, bạn sẽ có thể học được những gì là chân thật và không thay đổi trong bạn. Và những gì vững vàng sẽ càng thêm vững vàng, khi chúng được nuôi dưỡng bằng sự bền vững và tĩnh lặng trong ta.