Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

04. Phật Giáo và Sức Khỏe Tâm Thần của người tị nạn Campuchia

26/01/201204:17(Xem: 7497)
04. Phật Giáo và Sức Khỏe Tâm Thần của người tị nạn Campuchia

PHẬT GIÁO & NỮ GIỚI

NỮ GIỚI & PHẬT GIÁO
(Truyền Thống, Cải Cách, Phục Hồi)
Biên soạn: Ellison Banks Findly
Chuyển ngữ: Diệu Liên Lý Thu Linh, Diệu Ngộ Mỹ Thanh, Giác Nghiêm Nguyễn Tấn Nam

Phần IV
THÂN VÀ SỨC KHỎE


PHẬT GIÁO VÀ SỨC KHỎE TÂM THẦN

CỦA NGƯỜI TỴ NẠN CAMPUCHIA
Theanvy Kuoch


Tôi là con gái của Kim Tho và Bun Phao Kuoch. Tôi được sinh ra trong một thành phố ở miền Tây Campuchia nơi gia đình tôi đã sinh sống hằng thế kỷ. Ngoại tôi là cô con gái độc nhất của ông cố tôi, là tỉnh trưởng vùng này, và bà cố tôi là người vợ cả của ông. Vì là tỉnh trưởng, ông cố tôi có đến ba mươi người vợ lẽ đến từ những gia đình ở khắp nơi trong vùng đất đó.

Ông cố của tôi là một Phật tử, và có thể là gia đình tôi theo Phật giáo bắt đầu từ khi những bài pháp của đức Phật lần đầu tiên được truyền vào đất Campuchia vào khoảng thế kỷ thứ mười ba. Tên của ông cố tôi nằm trên cổng lớn ở ngôi chùa mà gia đình tôi vẫn còn đến lễ bái, và cũng như ông cố là nguồn gốc cuộc sống của chúng tôi về mặt gia đình, Phật giáo là nguồn cội nhân cách của chúng tôi. Giáo lý Phật giáo được cha mẹ tôi tôn trọng triệt để, và tôi tin rằng những lời giáo huấn này đã giúp gia đình chúng tôi khắc phục được những khó khăn to tác. Đây là thời điểm của Khmer Đỏ, từ năm 1975 đến 1979.

Có một thời gian gia đình tôi rất thịnh vượng. Khi còn nhỏ tôi hay giúp cha tôi thu tiền thuê trên hai mươi bảy khu đất, và mỗi nơi cha tôi đi qua, mọi người đều dành cho ông sự kính trọng. Nhưng sự thịnh vượng của chúng tôi bị mất đi đơn giản như lúc nó đến, và bắt đầu từ khi tôi được 11 tuổi vào năm 1957, gia đình tôi phải chật vật kiếm sống chỉ để có nơi ăn chốn ở. Tuy nhiên, kể cả khi chúng tôi mất hết tài sản vật chất, cha tôi tiếp tục duy trì được sự kính trọng trong cộng đồng.

Tôi được khuyên phải chăm chỉ học hành để có thể mang danh dự về cho gia đình. Cha tôi tin rằng tôi là đứa trẻ có thể chăm lo cho tất cả mọi người. Cha tôi cũng nghĩ rằng tôi sẽ đi thật xa, nhưng lúc ấy là một đứa trẻ không thể xa rời mẹ, tôi nghĩ điều đó không thể xảy ra.

Năm đầu tôi đến trường, mẹ dạy tôi bài học về sự kiên nhẫn, lòng biết ơn và tôn trọng gia đình. Bà dạy tôi không qua lời nói mà qua cử chỉ hành xử, và khuôn mặt. Tôi vẫn đang cố gắng bắt chước bà về tinh thần và tâm linh.

Mẹ tôi dẫn tôi đến trường vào năm mà bàn tay tôi có thể giơ cao lên khỏi đầu, chạm tai tôi. Bà giao tôi cho thầy giáo, nhưng tôi không thể nào kiềm giữ sự sợ hãi, nên tôi đã níu lấy váy của mẹ không cho bà về. Nhiều tuần sau đó, mẹ ở lại trường với tôi, lúc đầu bà ngồi gần tôi trong lớp học, rồi di chuyển ra hành lang nơi tôi vẫn còn nhìn thấy bà. Khi tôi sẵn sàng, tôi nói với bà hãy về nhà, và từ lúc đó trở về sau, trường học là niềm vui to tác đối với tôi, vì tôi cảm thấy thầy giáo là người mà tôi có thể tin tưởng và kính trọng, chỉ sau mẹ tôi và gia đình.

Cha tôi cũng tin vào giáo lý Phật giáo, nhưng ông phải đấu tranh nhiều hơn là mẹ tôi để chấp nhận sự mất mát của cải. Sự kiên nhẫn và tự chủ trong lúc nóng giận là điều không dễ dàng đối với cha tôi. Lúc còn trẻ, trong một lần mất bình tĩnh, ông đã đánh con ngựa của mình. Đây là sự kiện ám ảnh ông suốt đời. Nhìn lại, tôi nghĩ rằng lúc đó cha tôi khá trầm cảm, và vì quá lo lắng, ông trở nên rất nóng nảy. Nhưng ông thực hành giáo lý của Phật mỗi ngày trong cuộc sống của ông.

Mẹ và bà của tôi dạy rằng bố thí cho người khác là một niềm vui to tác. Mỗi buổi sáng chúng tôi cúng dường thực phẩm cho chư tăng khi họ đi ngang nhà. Có nghĩa là chúng tôi phải dậy thật sớm để nấu cơm. Mẹ tôi nói là bố thí sẽ được phước lành cho kiếp sống tới, và bà không để cho chúng tôi dâng cơm cho quý sư trừ khi chúng tôi thật sự muốn làm. Bà nói rằng thái độ của chúng tôi rất là quan trọng và nếu như chúng tôi bố thí chỉ vì muốn được tiếng tốt, chúng tôi sẽ bị mất phước.

Trong những năm ở trung học, tôi phải rời thành phố của mình và đến sống với một người bà con ở thành phố Battambang khá xa nhà tôi. Cuộc sống thay đổi nhanh chóng trong đất nước của chúng tôi, vì chiến tranh từ Việt Nam đang lan tràn. Đất nước đã đổi thay, nhưng tôi hiểu rất ít về những gì đang xảy ra, Phật giáo vẫn là mối liên kết của chúng tôi với cuộc sống không có nhiều hơn một ngàn năm nay. Chúng tôi vẫn cúng dưỡng chư tăng, vui vẻ tận hưởng những hội hè và lễ hội như chúng tôi vẫn thường làm.

Thời gian tôi vào đại học, tình trạng bất ổn đã trở thành cuộc nội chiến. Vậy mà nó dường như không thật đối với tôi, có thể vì tôi hoang mang trước cơ hội và sự sở hữu đi kèm với chiến tranh. Tôi đã chứng kiến Phnom Penh bị bao vây bởi quân Khmer Đỏ, biến thành phố mấy trăm ngàn người thành một hòn đảo với hơn hai triệu người tỵ nạn hay lạc lỏng ngay trên chính quê hương mình.

Tháng 4 năm 1975, vào dịp Tết Campuchia, quân Khmer Đỏ đã quyết định số phận của tôi và bảy triệu anh em đồng bào tôi. Vào buổi sáng ngày 14 tháng 4, đài phát thanh ngừng phát sóng những chương trình thường lệ. Quân Khmer Đỏ dành lấy đài phát thanh và nói rằng chúng tôi sẽ bị kẻ thù dội bom. Họ bảo chúng tôi chỉ lấy một ít đồ sở hữu và rời thành phố ngay lập tức.

Mẹ tôi đang ở thành phố để giúp chị tôi và em bé mới sinh, chúng tôi để mẹ, chị, em bé và con trai tôi trong xe. Anh rể tôi lái xe len lỏi qua những đám người đang trên đường ra khỏi thành phố. Đường đi dài hàng ngàn dặm, và dọc theo con đường có những biểu ngữ cho biết những gì sẽ xảy ra cho những người không chịu hợp tác với các vị lãnh đạo mới. Chiếc xe mau chóng hết xăng, nhưng chúng tôi có thể đẩy xe vì đám đông di chuyển rất chậm.

Mỗi ngày trên đường, tôi thấy gia đình tôi đang tiến dần đến cái chết. Anh trai tôi nổi giận vì đói quá, và chị tôi trở nên quá thèm khát đồ ăn, chị ăn bất cứ thứ gì đến tay chị. Tôi có nhiều thức ăn hơn họ vì tôi thỉnh thoảng tôi được làm việc ngoài đồng. Sau khi sanh con gái, chị tôi không thể làm việc được, nên tôi cố gắng chia sẻ thức ăn cho chị và mẹ, nhưng mẹ tôi ăn rất ít, dành phần còn lại cho anh trai tôi.

Ngày nọ quân Khmer Đỏ bắt chị tôi đi vì chị ăn cắp một ít thức ăn, họ bỏ chị vào tù và tra tấn chị mỗi ngày. Vì chị đang chăm sóc cho con trai tôi, nên con tôi cũng bị nhốt chung trong lồng với chị. Tôi nghe được tin này từ những người làm việc ngoài đồng, nhưng cuối cùng khi tôi có thể gặp được chị, thì chị đã bị đưa vào bệnh viện. Các bệnh viện của quân Khmer Đỏ là nơi mà người ta được chở đến để chờ chết. Khi tôi nhìn thấy chị, tôi biết rằng chị sẽ không còn sống được bao lâu nữa. Chị năn nỉ quân Khmer Đỏ cho tôi ở bên chị trong khi chị hấp hối, nhưng họ từ chối và bắt buộc tôi phải quay lại đồng làm việc. Khi tôi quay trở lại, giường của chị đã trống. Giờ chỉ còn mình tôi với con trai.

Cuộc sống dường như không còn là thật nữa, và tôi chẳng còn bất cứ cảm giác nào. Mọi nơi xung quanh tôi con người như những bộ xương biết đi. Tôi biết rằng chúng tôi đang đi gần đến chỗ chết, vì chúng tôi có thể nghe được tiếng khóc la trong đêm. Ban ngày, quân Khmer Đỏ mặc quần áo của những người đã chết. Kể cả trong những giờ phút kinh hoàng đó, nhiều người vẫn còn giữ được lòng từ bi. Người bạn thân của tôi dành một phần cơm của chị cho con trai tôi ăn, bởi vì nó ốm đến nổi nó không thể giữ thẳng cái đầu trên cổ. Chị bạn tôi liều mạng cho tôi và những người khác, và lòng từ bi của chị đã cho tôi can đảm để giữ mạng sống. Tinh thần này xuất hiện ở rất nhiều nơi - kể cả một lãnh tụ Khmer Đỏ đã giấu từng chút thức ăn cho tôi.

Cuối cùng, chúng tôi nghe rằng quân Việt Nam đã tiến vào Campuchia, và rằng quân Khmer Đỏ đã có kế hoạch giết chết tất cả chúng tôi. Họ bắt mọi người đào những cái hố thật lớn, mà chúng tôi biết chắc rằng đó sẽ là mồ chôn chúng tôi. Tôi không biết phải làm gì. Tôi không biết chạy đi đâu. Kế đó, một lãnh tụ Khmer Đỏ đến gặp chúng tôi vào ban đêm và nói rằng chúng tôi cần phải sửa soạn lên đường. Tôi không biết tin ai, vì vậy tôi đã cầu nguyện và đi theo ông. Ông dẫn chúng tôi ra khỏi trại tập trung đến một nơi an toàn.

Tháng 5 năm 1979, con trai tôi, cháu gái tôi và tôi với mấy trăm người trốn thoát và băng rừng trong vòng mười một ngày ròng rã. Mặc dù rất ốm yếu, tôi vẫn đủ sức mạnh để cõng con trai tôi trên lưng. Khi chúng tôi đến được nhà của cha tôi, tôi thấy một người chị của tôi đang đứng ở cửa; chị nhìn chúng tôi như nhìn những người xa lạ. Tôi gọi, “Chị, chị không biết em sao?” Thế rồi chị tôi nhận ra được giọng nói của tôi và bắt đầu khóc.

Sau hai tháng, thức ăn trở nên khan hiếm, tôi biết tôi phải đi đến biên giới Thái Lan. Các chị đưa cho tôi vài miếng vàng và nữ trang mà họ còn giữ được để tôi mua thức ăn. Một người chị nói với tôi rằng chị đã mơ thấy: tôi gặp trở ngại trên đường đi đến biên giới, nhưng sẽ không sao vì chị nhìn thấy một vị tăng đứng gần bên tôi.

Tôi hứa với con trai tôi rằng tôi sẽ mua kẹo cho nó, rồi tôi rời nhà vào lúc sáng sớm không kịp chào từ biệt cha tôi. Chuyến đi đến biên giới nguy hiểm hơn là tôi tưởng tượng. Một người lính già dẫn tôi và bạn tôi xuyên qua bãi mìn được đánh dấu bằng những xác chết. Thình lình, quân Campuchia và quân Việt Nam bắt đầu bắn nhau. Tôi chạy hàng giờ đồng hồ cho đến khi tôi đến được biên giới. Các trại tỵ nạn ở biên giới không được an toàn, nhưng đôi chân của tôi đã bị sưng nhiều vì trốn chạy, các móng chân của tôi đều tróc hết, nên tôi không thể nào đi tiếp.

Vào lúc này Hội Hồng Thập Tự đến trại và bắt đầu đưa người bệnh đến một trại tỵ nạn mới trên đất Thái. Bạn tôi đang lên cơn sốt rất nguy kịch, tôi phải đi với chị trên một chiếc xe cam-nhông vào trại Khao-I-Dang cùng với hàng ngàn người. Không lâu sau khi chúng tôi tới trại, chúng tôi được bác sĩ và y tá khắp nơi trên thế giới chào đón. Họ chăm sóc chúng tôi với lòng tử tế, tôn trọng. Họ hỏi trong chúng tôi có ai biết tiếng Anh hay tiếng Pháp để giúp họ ở bệnh viện.

Tôi đã học Anh-văn trước thời Khmer Đỏ, nói lưu loát tiếng Pháp và nghĩ rằng tôi có thể giúp họ vì tôi đã học qua một số kỹ năng về chăm sóc người bệnh khi tôi còn sống ở thành phố. Tôi bắt đầu làm việc cho một bệnh viện Đức do Hội Cứu Trợ Công Giáo Đức điều hành. Không bao lâu tôi chuyển qua làm việc trong phòng mổ, nhiều người được mang đến từ biên giới nơi mà cuộc chiến bắt đầu trở nên khốc liệt. Chúng tôi làm việc ngày đêm bên cạnh các bác sĩ và y tá, những người chẳng nghĩ đến sự thoải mái của bản thân. Lòng tử tế và từ bi của họ cho tôi hy vọng về cuộc sống của chính mình và nhắc nhở tôi về cuộc sống trước khi chúng tôi gặp nạn khổ.

Cuộc sống trong trại tỵ nạn chắc chắn là khó khăn, nhưng bây giờ chúng tôi có thể hy vọng. Biết rằng cái giá mà tôi phải trả cho hy vọng là tôi không thể nào quay trở về nhà. Tôi phải đi đến một đất nước mới và tạo cuộc sống mới để tôi có thể nuôi con và gia đình. Mỗi lần tôi rời trại cũ để đến một trại mới, tôi gặp những người cùng cảnh ngộ. Chúng tôi san sẻ cảm xúc, hiểu rằng việc đánh mất gia đình và tổ quốc thật là đau khổ. Nhưng tình thương mà chúng tôi nhận được ở các trại tỵ nạn là một trải nghiệm có ảnh hưởng sâu sắc đến việc tôi làm sau này khi tôi đến được Hoa Kỳ.

Tôi đến Hoa Kỳ một mình và được gửi đến Chicago để sống với những người mà trước đó tôi chẳng hề quen biết. Tôi quyết định không ở lại nơi đó và vào tháng 8, năm 1981 tôi dọn đến Connecticut để sống gần một y tá mà tôi quen ở trại tỵ nạn. Tôi hy vọng là cô ấy có thể giúp tôi tìm được việc làm để giúp đỡ người khác. Ở Connecticut, tôi gặp nhiều người khác cũng đã từng làm việc ở trại tỵ nạn; họ cũng bị thay đổi bởi những kinh nghiệm đã trải qua và muốn tiếp tục giúp đỡ những người tỵ nạn. Chúng tôi cùng nhau ra một kế hoạch thành lập một hội đoàn có thể mang chút tình thương đến với những người ở trại tỵ nạn sắp sang định cư tại Hoa Kỳ. Vì vậy, Hội Ủng Hộ Y Tế Khmer ra đời (KHA – Khmer Health Advocates).

Chúng tôi bắt đầu thành lập Hội Ủng Hộ Y Tế Khmer (KHA) vào năm 1982 để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người Campuchia vừa mới đến Hoa Kỳ, và ủng hộ những người ở trại tỵ nạn. KHA (Hội Ủng Hộ Y Tế Khmer) là chương trình hồi phục sức khỏe tâm thần cho những nạn nhân từng bị tra tấn và cam kết chăm sóc sức khỏe cho các gia đình Campuchia, nhất là ở Hoa Kỳ. Mục tiêu của KHA được ghi rõ ràng trong tờ quảng cáo:

Hàng ngàn người Campuchia trốn chạy chiến tranh trong thập niên qua, chịu đói khát và bị tra tấn ngay trên quê hương, và đã đến Hoa Kỳ như là những người tỵ nạn. Bị khủng hoảng và đau đớn với vô số vấn đề về sức khỏe, những người tỵ nạn này cần sự giúp đỡ đặc biệt để đối diện với cuộc sống ở miền đất mới, ngôn ngữ mới, và bắt đầu quá trình hồi phục sức khỏe.

Sứ mệnh của KHA là cung cấp:

Các dịch vụ y tế cần thiết cho những người thoát chết khỏi lò thiêu sống Campuchia, và hiện đang sống ở Connecticut và New England. Tại địa phương, KHA cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cơ bản cho cộng đồng, và giáo dục y tế theo tiêu chuẩn quốc gia.

Chúng tôi không bao giờ quên nghĩ tới những người còn ở lại đất nước Campuchia. Tôi biết rằng bằng cách làm việc thật chăm chỉ trong một hội đoàn như thế này, tôi có thể vượt qua nỗi nhớ con và gia đình.

Tất cả chúng tôi làm việc cho KHA một cách tự nguyện, vì vậy tôi phải tìm công việc làm khác để tự nuôi sống bản thân và gửi tiền về cho gia đình. Tôi bắt đầu làm việc cho cơ quan tái định cư, nơi tôi giúp đỡ những gia đình tỵ nạn mới đến đất nước này. Tôi chứng kiến những người từng sống rất mạnh mẽ ở các trại tỵ nạn, giờ bắt đầu nản lòng trong sự an toàn của những căn nhà mới. Chẳng bao lâu sau tôi có cảm giác như tôi chẳng biết tôi đang làm việc gì và cần phải học phương cách mới để giúp đỡ các đồng hương. Tôi rất may mắn là đã tìm được hai người đở đầu giúp tôi đối mặt với câu chuyện riêng của mình và tìm cách để giúp đỡ các gia đình Campuchia.

Sư Maha Ghosananda là một tăng sĩ Campuchia đang du học tại Ấn Độ khi Campuchia bị rơi vào tay quân Khmer Đỏ. Ông hiện là một trong những vị tăng thống trong Giáo Hội Phật Giáo ở Campuchia, rất nổi tiếng với pháp dhammayatras, hoặc thiền hành vì hoà bình.

Như đa số người dân Campuchia, sư cũng mất cả gia đình vào tay quân Khmer Đỏ, nhưng không giống đa số người Campuchia, sư sẵn sàng lắng nghe các câu chuyện kinh hoàng của những người tỵ nạn đã vượt thoát khỏi quê hương vào năm 1979. Điều này sư làm từ ngày này qua ngày khác. Sư chẳng bao giờ quay lưng với bất cứ người tỵ nạn nào, và dù người giàu hay nghèo sư đều đối xử như nhau, hiểu rõ nỗi đau khổ mà mỗi người còn mang nặng trong lòng.

Mỗi câu chuyện mà sư nghe được thuyết phục sư về sự cần thiết của lòng từ bi và niềm hy vọng. Sự chấp nhận tất cả mọi người vô điều kiện của sư dạy cho tôi bài học quan trọng về phương pháp trị liệu và làm thế nào để tiếp cận những gia đình cần sự giúp đỡ. Sư chỉ cho tôi phương cách để xoa dịu sân hận bằng cách chấp nhận và cách thức để giúp người ta bày tỏ bằng lời những mối quan tâm sâu thẳm.

Sư Maha Ghosananda đi đến đâu, nơi đó có tiếng cười - kể cả khi người ta đang trình bày những bi kịch to lớn nhất trong đời họ. Những người ở cạnh sư đều cảm thấy an lạc. Dầu tôi tự biết là mình không thể làm giống như sư, nhưng tôi cũng muốn trị liệu trong phương cách mà người ta cảm thấy thoải mái và tự tin về bản thân. Tôi học được phương cách này khi quan sát người đở đầu thứ hai của tôi, bác sĩ Ivan Borzormeny Nagy.

Bác sĩ Nagy là một trong những người đầu tiên sáng lập phương thức trị liệu gia đình. Ông đến Hoa Kỳ từ Hung-Gia-Lợi (Hungary) sau Đệ Nhị Thế Chiến và hiểu rất rõ về hậu quả của chiến tranh đối với các gia đình. Ông tin rằng gia đình là nguồn lực quan trọng nhất trong đời người. Triết lý này rất quan trọng đối với tôi vì, là một người Campuchia, tôi cảm thấy rất khó khi nghĩ đến bản thân mình ở ngoài vòng gia đình.

Hình thức gia đình trị liệu của bác sĩ Nagy được gọi là trị liệu gia đình theo bối cảnh; như tên gọi, phương pháp này đòi hỏi bác sĩ trị liệu phải xem xét nguồn gốc gia đình của người bệnh. “Câu chuyện của cá nhân và của gia đình là gì?” “Họ đã trải qua những điều gì?” “Những sự kiện nào đã xảy ra và làm cho gia đình họ trở nên như ngày nay?” “Họ có những tài sản gì, và ai nợ gì ai?” Ông sử dụng khái niệm về di sản gia đình để giải thích việc hành vi và giá trị gia đình được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác như thế nào. Tôi bắt đầu hiểu sự gắn bó giữa những người thân trong gia đình đôi lúc không bày tỏ ra ngoài như thế nào, nhưng nó luôn luôn là một yếu tố ảnh hưởng đến cách hành xử của chúng ta.

Giống như sư Maha Ghosananda, bác sĩ Nagy cũng dạy tôi không bao giờ đánh giá một gia đình. Ông chỉ cho tôi thấy rằng tôi có khả năng giúp đỡ một gia đình nếu tôi tập trung vào việc tìm hiểu sự thật hơn là chấp nhận những gì có vẻ là sự thật. Tôi thấy được điều này rất nhiều lần khi tòa án gửi đến chúng tôi những bệnh nhân bị kêu án bạo hành trẻ em hoặc bạo lực gia đình. Người ta thường hay đánh giá hoàn cảnh và quyết định ai là người có lỗi trong gia đình.

Bác sĩ Nagy dạy tôi một phương thức để giúp đỡ những thành viên trong gia đình nói về cuộc sống của họ. Ông nói rằng với những bệnh nhân mới, ông luôn luôn bắt đầu hỏi về việc họ giúp đỡ lẫn nhau như thế nào; câu hỏi đơn giản này cũng là câu hỏi đầu tiên mà ông hỏi tôi. Trước đó chưa từng có ai hỏi tôi về điều này, và câu hỏi này làm mắt tôi ngấn lệ vì tôi đã cố gắng, cố gắng rất nhiều, để giúp đỡ gia đình mình. Tôi nhớ rằng tôi đã cố gắng như thế nào để tìm kiếm thức ăn cho mẹ và chị tôi, và tôi đã làm việc cực nhọc đến thế nào để sống sót vì tôi không muốn con trai mình mồ côi. Cách nhớ này rất khác so với nỗi nhớ rùng rợn về việc gia đình tôi đang bị chết dần mòn. Tôi có thể nhớ khuôn mặt của mẹ tôi, và tôi biết tôi đã làm chính xác điều mà mẹ muốn tôi làm, khi tôi gắng gượng dùng chút sức lực còn lại để sinh tồn và chăm sóc cho con trai tôi.

Qua thời gian, tôi càng cảm nhận được sự quan trọng của việc khuyến khích người ta nói về những gì đã xảy ra đối với họ, bằng cách tập trung vào ước nguyện muốn giúp đỡ của họ. Ý muốn giúp đỡ người khác dựa vào lòng từ bi, là gốc rễ của Phật giáo. Đối với tôi, lòng từ là phương cách để kết nối với người, cảm nhận được những tình cảm của họ, và cũng chia sẻ với họ tình cảm của mình. Lòng từ bi là phương cách chữa bệnh hữu hiệu nhất cho những người từng bị tra tấn, và thường đó là phương cách duy nhất.

Người Campuchia gọi những gì đã xảy ra ở đất nước họ là Mahantdorai. Có nghĩa là thời đại của sự hủy diệt to tác. Nó không chỉ nói đến thời đại Khmer Đỏ, mà còn là thời đại của đất nước chúng tôi trong những năm cuối 1960 của cuộc nội chiến và dội bom. Nó cũng nói đến thời đại sau quân Khmer Đỏ khi sự bạo tàn tiếp tục tồn tại trong những bãi mìn ở Campuchia và trong những trại tỵ nạn.

Tôi không biết tại sao việc xấu ác này xảy ra, nhưng mẹ tôi tin rằng quân Khmer Đỏ đã lầm đường. Bà nghĩ rằng những năm chiến tranh làm cho con người bị rối loạn và bà cảm nhận rằng những người bị rối loạn có khả năng hành xử rất phá hoại, rất bạo tàn. Quân Khmer Đỏ càng ác độc và bạo tàn, mẹ tôi càng tin rằng chúng tôi cần phải tập trung ý chí để sống sót. Bà khuyên chúng tôi rằng đừng để cho bản thân mình bị lầm lỗi trong sự giận dữ và căm thù. Tôi nghĩ rằng mẹ tôi lo sợ việc đánh mất lòng từ hơn là sợ quân Khmer Đỏ.

Quân Khmer Đỏ đã đi theo nghiệp ác. Họ đã bị lạc đường. Họ đã đánh mất sự liên kết với quyền năng của Phật giáo và với tha nhân. Họ chỉ có thể gây ra sự tàn ác và đau đớn cho người vì họ đã đánh mất cảm giác. Những người sống sót mà tôi phỏng vấn đều mô tả họ đã bị cấm không được bày tỏ cảm xúc như thế nào trong thời Khmer Đỏ. Bất cứ dấu hiệu nào của nước mắt hoặc đau buồn đều bị mang tội tử hình. Quân Khmer Đỏ thường hay nói rằng nếu như anh chị khóc khi một người bị giết hoặc chết đi, đó là vì anh chị cũng là kẻ thù của chúng tôi, nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng quân Khmer Đỏ sợ sức mạnh của nước mắt. Những người có tâm sợ hãi rất nguy hiểm.

Di sản của Khmer Đỏ là sự đánh mất mối liên kết này. Đây là điều mà con người lo sợ nhất nhưng đó cũng là phần khó tránh trong cuộc sống của chúng ta hôm nay. Thân và tâm của chúng ta đã quen với cảm giác tê liệt mỗi khi chúng ta sợ hãi hoặc nhớ đến trải nghiệm của mình. Cha mẹ thì cho là con cái đã cắt đứt mối liên kết với họ, còn con cái thì oán trách cha mẹ không quan tâm đến mình.

Những người làm việc với dân Campuchia tỵ nạn, có thể thấy dấu vết của thương tổn và khủng hoảng trong tất cả. Về mặt thể chất cũng như tinh thần, dân tỵ nạn Campuchia bệnh nhiều hơn các dân tỵ nạn khác. Cộng đồng Campuchia vô tổ chức, và gia đình họ thường nghèo hơn các gia đình khác. Nhiều gia đình đang tan vỡ vì họ không thể chia sẻ được gì với nhau - nhất là chia sẻ nỗi đau buồn của nhau. Con cái chẳng còn kính trọng cha mẹ vì họ đã không còn dạy con làm điều tốt, tránh điều xấu và họ cũng không còn sức để giáo huấn con cái. Dường như nếp sống của người Campuchia đã bị đánh mất.

Nhưng, tôi hy vọng rằng quan điểm đó sai lầm. Tôi nhìn thấy dấu hiệu con người trở nên gần gũi hơn với nhau hơn. Qua nhiều năm, tôi biết rất nhiều người làm việc ngày đêm cố gắng giúp đỡ người đồng hương. Mỗi cộng đồng đều có những người giữa đêm thức dậy để đi chăm sóc cho người bệnh hoặc người đang gặp khó khăn. Khi Dự Luật Cải Cách Phúc Lợi (Welfare Reform Bill) lấy đi nhà cửa và thực phẩm của một số người, những người nghèo khác chia sẻ những gì họ có với hàng xóm và bằng hữu. Những câu chuyện này làm cho tôi tin tưởng rằng những gì tôi trân quý về nếp sống của người Campuchia vẫn còn tồn tại.

Tôi đã nghỉ đó là một phép lạ khi có rất nhiều người Campuchia còn sống sót, tôi cũng rất cảm động và tự hào thấy rằng nhiều giá trị từ niềm tin của người Phật tử vẫn còn tồn tại trong các cộng đồng người Campuchia, đặc biệt là tồn tại nơi những thanh thiếu niên. Mục đích của quân Khmer Đỏ là kiểm soát thân, tâm và tâm linh của chúng tôi và muốn biến chúng tôi trở nên giống họ - không có cảm xúc và chẳng có lòng từ. Mặc dù họ đã sử dụng bạo lực khủng bố, họ chẳng bao giờ có thể làm được việc này. Vì với một hành động bạo tàn, đã có một trăm hành động thiện lành, kể cả trong những ngày đen tối nhất.

Tôi chẳng bao giờ mơ cuộc sống của mình được như thế này. Tôi chỉ mơ được làm một người vợ, người mẹ hiền đức và chăm sóc cho gia đình. Sau tất cả những đau khổ, sức mạnh của tôi vẫn dựa vào Phật giáo. Phật pháp tồn tại trong tâm hồn và tâm trí tôi và nó đã cho tôi sức mạnh để chăm sóc chu đáo cho bệnh nhân và cộng đồng Campuchia. Mỗi thứ mà tôi cho đi, tôi nhận lại được trăm lần hơn, và tôi cảm thấy an lạc.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]