Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

03. Nghi Thức Xuất Gia: Thế giới Mới Của Chư Ni Miến Điện

26/01/201204:17(Xem: 7768)
03. Nghi Thức Xuất Gia: Thế giới Mới Của Chư Ni Miến Điện

PHẬT GIÁO & NỮ GIỚI

NỮ GIỚI & PHẬT GIÁO
(Truyền Thống, Cải Cách, Phục Hồi)
Biên soạn: Ellison Banks Findly
Chuyển ngữ: Diệu Liên Lý Thu Linh, Diệu Ngộ Mỹ Thanh, Giác Nghiêm Nguyễn Tấn Nam

Phần II
CÁC VỊ THẦY, GIÁO PHÁP, VÀ SỰ TRUYỀN THỪA

Nghi Thức Xuất Gia:
Thế giới Mới Của Chư Ni Miến Điện

phatgiaovanugioi-05
Hiroko Kawanami

Các nữ tu Miến Điện là đông nhất trong thế giới Phật giáo Nguyên thủy.[1] Dầu họ chưa được thọ giới và thân phận chính thức của họ trong giáo đoàn vẫn còn mơ hồ, họ đã khởi xướng nhiều chuyển đổi trong cuộc sống của họ và đã tạo ra một tầng lớp đáng kể các nữ tu có tri thức trong vòng một trăm năm trở lại đây. Giờ đây các vị nữ tu này coi kiến thức Phật học sâu rộng là niềm tự hào của họ, và đã thu hút các học nữ từ nhiều nơi trên thế giới. Trong chương này, chúng tôi sẽ bàn về việc họ đã thay đổi được vị thế tôn giáo bằng ý chí sắt đá và ước vọng tiến bộ tâm linh như thế nào. Chúng ta cần nhận thức rằng công việc cấp bách nhất của họ không phải là để tìm một vị thế bình đẳng với chư tăng trong giáo đoàn, mà là để cải thiện tiêu chuẩn giáo dục, duy trì sự ảnh hưởng của họ trong giới tu sĩ, và đạt được sự công nhận kính trọng trong xã hội. Chúng tôi cũng sẽ phân tích tầm quan trọng của việc xuất gia đối với người nữ Phật tử với nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều có ước nguyện chuyển đổi trạng thái tâm linh hiện tại của họ.

Nữ Tu Trẻ và Sự Thăng Hoa Tri Thức Của Nữ Giới ở Miến Điện

Nói chung, nữ tu ở Miến Điện được chia làm hai thành phần tùy theo tình trạng gia đình của họ trước đó. Thành phần đầu tiên gồm các vị xuất gia khi còn trẻ, chưa lập gia đình, do đó chưa có kinh nghiệm về tình dục. Họ được rèn luyện để trở thành các nữ tu chuyên chính tùy theo tâm nguyện. Thành phần còn lại gồm các vị trước đó đã có gia đình hay là quả phụ, hoặc những người rời bỏ gia đình để xuất gia do muốn thay đổi cách sống. Thành phần đầu tiên được gọi là ngebyu, nghĩa là ‘người trẻ và thánh thiện’, thành phần thứ hai là tawdwet, ‘người bỏ nhà vào rừng’. Nam hay nữ ngebyuthường được xem như là dễ chứng đắc các thành quả tâm linh hơn là những người xuất gia tawdwet, và họ cũng được giữ các chức vụ quan trọng hơn trong các cơ cấu tu viện. Do được gia nhập chúng sớm hơn các vị nữ tawdwet, các nữ tu trẻ được giáo huấn về kinh điển Phật giáo nhiều hơn, do đó được cộng đồng cư sĩ kính trọng hơn. Thật vậy, hầu như tất cả các vị tăng học giả và nữ giáo thọ, cũng như những vị giữ các chức vụ quan trọng trong các ban bệ tôn giáo chính quy đều thuộc về thành phần thứ nhất. Các nữ tu tawdwetchỉ gây ấn tượng là họ dành nhiều thời gian cho việc hành thiền hơn.

Trong xã hội Miến Điện ngày nay, việc trở thành một nữ tu sĩ ngày càng được coi là một cơ hội cho các cô gái ở quê được học hành và được có một chỗ đứng trong tôn giáo. Trong bối cảnh đó, việc huấn luyện các nữ tu còn trong trắng đã trở lại vị trí quan trọng hàng đầu vì sự trong sạch và sự dốc lòng quyết tâm mà nó biểu trưng. Nhiều Phật học viện dành cho ni có tiếng tăm và các tiêu chuẩn giáo dục cao cấp đều đòi hỏi sự trong trắng như là một điều kiện để được nhập học. Tuy nhiên, các trung tâm thiền, nơi các vị nữ tu lớn tuổi thường đến tu thiền vào các cuối tuần, không quan tâm đến điều này. Ở đây chúng ta thấy có sự khác biệt giữa vị thế của các nhà nghiên cứu, các học giả (mà việc còn trong trắng là một giá trị tâm linh nữa) và những người hành thiền.

Bằng chứng của việc này là các nữ tu có học thức thường nhận được nhiều sự cúng dường và chăm sóc bởi cộng đồng cư sĩ hơn so với các vị nữ tu thiền, những người thường chịu thiệt thòi vì thiếu sự bảo trợ này. Do đó, vị thế của hai nhóm này trong giáo đoàn càng trở nên khác biệt. Khuynh hướng này được thành hình trong thời hậu chiến khi chư ni bắt đầu tham gia nhiều hơn vào các cuộc thi vào Phật học viện, đậu được các cuộc thi toàn quốc với điểm số cao và chiếm được sự ngưỡng mộ của xã hội. Chín mươi phần trăm của các trường hợp này là các nữ tu trẻ, chính yếu tố này đã góp phần vào việc dần thay đổi những hình ảnh tiêu cực của chư ni.

Khi tác giả King khẳng định, ‘theo truyền thống, phần lớn các tôn giáo đều loại trừ người nữ khỏi các việc học và dạy ở bậc cao.[2] Tuy nhiên, trong lịch sử các nữ tu Phật giáo gần đây, việc giáo dục đã trở nên quan trọng một cách đáng kể khi chư ni hy vọng với việc học họ có thể cải thiện vị trí xã hội cũng như tôn giáo của họ. Để củng cố cho nhận định này, các số liệu mà chúng tôi đã thu thập được trong thập kỷ vừa qua ở Miến Điện đã phản ảnh rằng có một sự liên hệ chặt chẽ giữa khuynh hướng của các cô gái trẻ (khoảng từ mười hai đến mười sáu tuổi) muốn được xuất gia và sự nâng cao tiêu chuẩn giáo dục cho các ni. Sau khi hoàn tất chương trình bậc bốn bắt buộc trong các trường tỉnh, nhiều cô gái trẻ xem việc trở thành nữ tu như là một lựa chọn hấp dẫn và đúng đắn, như là một nghề nghiệp có ý nghĩa sẽ tạo cho họ một con đường khác với con đường lập gia đình, sinh con đẻ cái, sống đời nội trợ.

Trường hợp điển hình là Daw Malayi (1880-1984), sinh ra trong một gia đình giàu có và đầy tín tâm ở vùng Nyaundon, hạ lưu Miến Điện. Gia đình bà trở nên giàu có nhờ mua bán ruộng đất, kinh doanh gạo, dầu, muối và là một gia đình rất có tâm đạo - vào mùa chay Phật giáo hằng năm, họ giữ giới, hạn chế giao dịch buôn bán và tham gia các chuyến hành hương.

Từ lúc còn ấu thơ, Daw Malayi đã rất ngưỡng mộ câu chuyện cuộc đời của đức Phật, và rất muốn được học hỏi giáo lý của Ngài. Bà cũng rất thích được trở thành nữ tu, nhưng cha bà đã ngăn cản bằng cách nói rắng các nữ tu rất nghèo đến nỗi họ chỉ ăn cơm với muối. Đến năm bà mười hai tuổi, vào lớp bốn, gia đình bà đã tích lũy được một tài sản đáng kể, và cha bà càng trở nên tích cực trong việc hỗ trợ chư tăng. Là một cô gái nhạy cảm, bà thường nghĩ về chết và địa ngục, và ngày càng trở nên quyết tâm rằng tương lai của bà là phải trở thành nữ tu. Nghe vậy, gia đình bà chống đối quyết liệt, cho rằng người con gái xuất thân từ một gia đình thiện lành không sống cuộc đời của kẻ “ăn xin”. Daw Malayi vẫn giữ nguyên ý chí sắt đá, nên đến học Phật với một vị cao tăng đang thăm viếng làng bà. Trong thời gian đó, bà cũng kết thân với các sư cô đi trong đoàn; bà còn đến ở với họ nhiều ngày để chứng tỏ với gia đình lòng quyết tâm của bà. Bỏ ngoài tai mọi lời dọa dẫm, dỗ ngọt của gia đình và bà con, Daw Malayi không mảy may lay chuyển quyết tâm. Khi một vị tăng, có họ hàng với gia đình, nói rằng nếu gia đình cứ tiếp tục ngăn cản con gái đi theo con đường tâm linh, thì họ sẽ bị nghiệp quả xấu, cuối cùng họ cũng chấp thuận lời thỉnh cầu của bà. Bà trở thành nữ tu năm mười bảy tuổi, cùng với một người em gái của bà.

Tuy nhiên, Daw Malayi vẫn gặp phải nhiều chướng ngại, ngay cả khi đã thành người tu. Một trong những động lực chính để bà xuất gia là được học hỏi kinh điển Phật giáo, nhưng vào thời đó, ít có vị tăng nào đủ cởi mở để vui lòng dạy cho các sư cô. Bà phải cất công tìm kiếm các vị tăng có lòng thông cảm, và cuối cùng bà đã tìm được một vị hữu học, nguyên là tăng sĩ, có lòng muốn giúp đỡ bà. Htayanga Hsaya-gyi, đã từng là một vị tăng hữu học, được vị nể, nhưng ông phải hoàn tục vì lý do chính trị sau khi vua Thibaw bị lật đổ năm 1885. Daw Malayi và em gái đến tạm trú trong một làng quê hẻo lánh nơi vị tăng đó sống để được ông dạy dỗ. Khi bà và em gái thành lập ni viện riêng, họ đã mời ông đến ở tại Sagaing. Ông đã hết lòng dạy họ và các sư cô khác. Nhiều vị này sau trở thành các nữ giáo thọ nổi tiếng. Do công lao này, vị tăng hoàn tục đó sau này được biết đến như là “người cha đẻ của nền giáo dục các nữ tu”. Thameikdaw Gyaung, ni viện của Daw Malayi, chính thức được thành lập năm 1911. Bà khuyên các đệ tử phải giữ giới luật và tinh tấn tu hành. Nhiều đệ tử của bà đã tham dự các kỳ thi kiến thức Phật học, và đã đậu với số điểm nổi trội, làm tăng thêm danh tiếng cho ni viện của bà. Nhiều ni viện chi nhánh của bà đã mọc lên khắp nơi trong nước. Chúng giữ một vai trò quan trọng trong nền giáo dục cho ni giới ở Miến Điện.

Một điển hình khác của người ni có ý hướng thiên về lý thuyết là vị ni nổi tiếng Daw Damasari (1878-1971). Bà sinh trong một gia đình kinh doanh trung lưu ở Mandalay, thượng lưu Miến Điện, cuối thế kỷ 19. Sau khi hoàn thành chương trình bậc bốn bắt buộc, bà lo việc buôn bán trong gia đình và được huấn luyện để trở thành người bán hàng tơ lụa. Bà “trắng trẻo, đẹp người, và đã trở thành một trong những cô gái bán hàng nổi tiếng nhất ở các gian hàng tơ lụa ở chợ Mandalay Zeigyo lúc bấy giờ”.[3]

Gia đình bà rất tín tâm và thường viếng thăm các tu viện, nhờ đó Damasari có được một kiến thức căn bản về Phật giáo từ khi còn rất nhỏ. Bà học kinh, giữ giới trong những ngày lễ hội, tham dự các buổi giảng pháp của quý sư. Bà kinh doanh khá thành công, nhưng dần cảm thấy chán những công việc mua bán nơi thế tục. Bà mong muốn được trở thành nữ tu sĩ, nhưng khi bà nói với gia đình về quyết định của mình thì họ đều chống đối. Anh của bà nói rằng anh ta thà chết còn hơn bị nói đến như là anh của một người nữ tu.[4] Khi được mười sáu tuổi, ước muốn của Daw Damasari trở nên quá mãnh liệt đến độ bà không thể chịu nổi nữa. Vì thế, bà đã hành động quyết liệt: bà cắt tóc và bỏ nhà ra đi cùng với một người bạn thân. Hai người ẩn náu trong một ni viện ở Mingun, nơi má chồng của bạn bà là một tu sĩ đang sinh sống tại đó. Cha mẹ bà giận dữ đi tìm bắt, nhưng bà nhất quyết không về nhà. Tuy nhiên, ni viện đó đã từ chối, không chấp nhận bà vì lời đe dọa của cha bà, rằng ông sẽ đưa ra tòa kẻ nào giúp cho con gái ông xuất gia.[5] Phải một năm sau thì sự dằn co giữa gia đình bà và ni viện mới chấm dứt. Do đó, khi bà được mười bảy, cha mẹ bà nhận thấy sự quyết tâm của con gái nên đành chấp thuận, và bà chính thức trở thành một nữ tu ở Mingun. Sau này, bà trở thành một trong những vị nữ tu uyên bác nhất của thế kỷ 20, trình độ hiểu biết của bà được ngay cả các bậc cao tăng nể trọng.

Tuy nhiên, không phải lúc nào sự nể trọng đó cũng được thể hiện ra, vì Daw Damasari có lần được Hội Phân Phối Gạo ở Mandalay nhờ làm chủ tọa một buổi lễ. Khi tin này được thông báo trong cộng đồng, họ đã phản đối dữ dội. Sự bài bác không phải xuất phát từ các vị tăng hữu học mà bà quen biết, mà phần lớn là do các cư sĩ và các vị tăng bình thường khác. Họ không chấp nhận vai trò của bà tại buổi lễ vì những lý do, mà trước tiên là, không thể chấp nhận việc một nữ tu sĩ được ở vị trí cao hơn chư tăng, vì họ ngồi dưới sàn, và thứ đến là họ không thể chấp nhận việc đặt một phụ nữ ngồi trên ghế vàng, mà theo truyền thống chỉ dành cho các vị vua và các vị tăng chính thống, và ba là, để một phụ nữ ngồi trên ngai vàng sẽ khiến vong linh tổ tiên của họ phẫn nộ. Tuy nhiên, sau đó Daw Damasari quyết định không tạo ra sự bất mãn nào, nên đã từ chối lời mời của Hội.

Động Lực Xuất Gia Của Phụ Nữ ở Miến Điện

Người ta thường cho rằng các nữ tu xuất thân từ các gia đình nghèo, khó khăn; tuy nhiên, theo truyền thống các nữ tu sĩ Miến Điện xuất thân từ đủ mọi tầng lớp xã hội. Thực ra các nữ tu khi mới vào tu viện phải dựa vào sự giúp đỡ của gia đình, vì khó mà tìm đủ các vị cư sĩ thí chủ để chu toàn cho họ, và phần lớn các gia đình nghèo không thể chu cấp cho thành viên không lao động. Mặt khác, các bậc cha mẹ Miến Điện thường ngăn cản con gái đi tu, vì so sánh với các nam tu sĩ, những người có nhiều cơ hội để thăng tiến trong xã hội, việc gia nhập vào ni viện của người nữ không thể đảm bảo an sinh hay quyền lợi gì cho họ. Trái lại, họ sẽ phải đối mặt với bao khó khăn và sự đối xử phân biệt trong xã hội; hơn nữa, ngay trong ni viện, họ cũng khó thăng tiến trong cơ cấu tổ chức của tu viện, trừ khi họ có quyết tâm và kiên nhẫn bám trụ. Khi được hỏi tại sao họ chọn làm người nữ tu sĩ Phật giáo, các sư cô thường có câu trả lời giống nhau: “Để tích lũy công đức”. Đó có thể là câu trả lời mẫu mực trong lãnh vực tôn giáo, nhưng nó không phản ảnh động lực thực sự khiến họ xuất gia, những động lực có thể có tính cách riêng tư và tế nhị.

Các động lực phổ biến nhất để người phụ nữ xuất gia là các trải nghiệm về sự khổ mà Phật giáo thường giảng dạy: bệnh tật, già yếu và cái chết của những người thân trong gia đình. Nỗi khổ đau dồn nén từ những bất hạnh, rủi ro về kinh tế hay trong xã hội cũng khiến họ nhận thức được khổ (dukkha), và đó có thể là nguyên nhân trực hay gián tiếp để họ xuất gia. Một số phụ nữ tôi phỏng vấn lại cho rằng lý do họ trở thành nữ tu là để tránh bị ép buộc vào những cuộc hôn nhân do gia đình định đoạt. Ý nghĩ về hôn nhân gợi ra các phản ứng mạnh mẽ đối với phụ nữ Miến Điện, vì họ cho rằng đó là một bổn phận đòi hỏi nhiều sức mạnh tinh thần cũng như thể chất. Trong một quốc gia mà tỉ lệ chết của trẻ sơ sinh cao, các phương pháp ngừa thai tốn kém, thì hôn nhân đối với người phụ nữ có nghĩa là phải thường xuyên mang thai, sinh sản đau đớn, mất con, và gánh nặng phải nuôi dưỡng con đông. Họ cũng nói về tính trăng hoa của các ông chồng, những sự liên hệ không tốt đẹp với mẹ chồng, sự mệt mỏi, tật bệnh, và sự phải chôn chặt cuộc sống vào xó nhà mà không có thời gian dành cho chính sự phát triển tâm linh của họ. Do đó, được củng cố bởi triết lý Phật giáo rằng việc sinh ra đời là khởi đầu của vòng luân hồi và kéo dài sự khổ đau đến thế hệ con cháu, nỗi lo sợ phải lập gia đình trở thành một động lực tiềm ẩn mạnh mẽ đối với nhiều cô gái trẻ.

Daw P. (1952), một nữ tu mà tôi đã phỏng vấn nói rằng cô đã sợ phải lập gia đình từ khi còn rất nhỏ, khi cô nghe được nhiều chuyện khủng khiếp về gia đình. Cô đã nghe chuyện về những ông chồng đánh vợ, ăn nhậu và không chung thủy. Cô cũng không muốn có con vì cô đã biết sinh con đau đớn đến nhường nào khi cô giúp đỡ một người chị bị sinh khó tại nhà. Cô đã quá sợ hãi khi chứng kiến người chị la hét trong đau đớn, đến nỗi ngay khi đó cô đã quyết tâm xuất gia. Cô cũng đã thấy cậu cô bị căn bệnh sỏi thận hành hạ đau đớn đến thế nào. Vậy là đủ để cô quyết tâm hơn. Năm 17 tuổi, cha cô mất, cuối cùng không còn ai cản trở việc cô rời gia đình đi tu.

Những năm gần đây, con số người nữ xuất gia ngày càng tăng vì một lý do không có trong quá khứ, đó là vì họ đã có người thân tu trong chúng. Trong vòng hai mươi năm trở lại đây, khi luật lệ và sự hạn chế của chính quyền trong việc cho gia nhập tăng chúng càng trở nên gắt gao hơn nhằm chặn các thành phần bất mãn và chống chính phủ len lỏi vào. Những người có thân nhân sống trong các tu viện sẽ dễ dàng nhận được các giấy tờ cần thiết và thư giới thiệu cần có để được xuất gia. Hơn thế nữa, do hoàn cảnh chính trị không ổn định trong những năm gần đây, các tu viện thường cũng ngần ngại khi phải nhận những người hoàn toàn xa lạ vào. Hơn một phần tư những người mới xuất gia gần đây đã sử dụng lý do đi tu theo người thân để gia nhập tăng đoàn, dầu trước năm 1980, thành phần này rất ít.

Một khuynh hướng phổ biến khác nữa trong hai mươi năm trở lại đây, là con số các cô gái trẻ đi tập tu gia tăng. Họ sống trong tu viện mà họ đã lựa chọn trong một thời gian nhất định, sau đó lại trở về với đời sống thế tục khi đã hoàn thành lời ước nguyện của mình. Điều thú vị là khuynh hướng này là một hiện tượng do đô thị hóa, không phổ biến trong quá khứ. Khi phỏng vấn các cô tập tu, chúng tôi được biết rằng một số đã ước nguyện làm thế vì một lý do nào đó, thí dụ, để được khỏi bệnh, được thi đậu, để giành lại người yêu từ tay tình địch, hay để vượt qua khó khăn kinh tế. Một số khác trở thành nữ tu trong một thời gian để tích lũy công đức hay để học kinh Phật, hay đơn giản chỉ vì “các bạn tôi cũng làm thế”. Có cô tập tu không chỉ vì lợi ích của bản thân mà còn muốn hồi hướng công đức cho cha mẹ. Hơn nữa, nhiều cô tập tu thường xuất thân từ các gia đình trung lưu, có học, và họ đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với các vị ni đã đậu cao trong các kỳ thi Phật giáo. Các vị nữ tu hữu học trong các y màu hồng có vẻ đã nắm bắt được trí tưởng tượng của dân thành thị, đem lại cho thế hệ các cô gái trẻ một loại thần tượng mới. Chính sự kiện này cho ta thấy sự thay đổi vị thế của các nữ tu sĩ Phật giáo trong xã hội Miến Điện ngày nay.

Phụ Nữ Trung Niên, Góa Phụ và Thành Kiến Xã Hội

Trong quá khứ, ở Miến Điện việc phụ nữ lớn tuổi đi tu là phổ biến. Nhiều vị đã rời bỏ vai trò làm vợ, làm mẹ trong gia đình để sống những ngày còn lại trong cô độc và lặng lẽ để quán chiếu về cuộc sống. Vì sự quản lý gia đình và sự phát triển tâm linh không thể đi đôi với nhau, việc người phụ nữ rời bỏ gia đình có nghĩa là bà thực sự bỏ lại các bổn phận nội trợ và giao lại bất cứ quyền hạn nào bà có ở gia đình cho con gái hay con dâu.

Cũng cần lưu ý rằng truyền thống xuất gia của người phụ nữ không phải lúc nào cũng do sự tự nguyện hay do niềm tin cá nhân. Những người phụ nữ đơn thân như các cô gái chưa lập gia đình hay các quả phụ là một gánh nặng cho xã hội, nên trong nhiều trường hợp, chính là do gia đình áp lực để một góa phụ trẻ phải cạo đầu, lùi về sống khổ hạnh, vì gia đình sợ rằng người đó sẽ lôi cuốn người khác phái, và làm điếm nhục gia phong. Có thể là theo truyền thống, các quả phụ đã tìm được nguồn an ủi khi trở thành người xuất gia, vì nếu không thân phận của họ không khác gì hơn là một “kẻ chết rồi trong xã hội”. Điều này rất khác so với hoàn cảnh hiện tại của các nữ tu Miến Điện, vì họ tích cực tham gia vào xã hội và ngày càng trở nên không thể thay thế trong cộng đồng tu.

Một thành ngữ Miến Điện nói rằng: “Nữ tu sĩ Phật giáo là những phụ nữ góa chồng, con chết, thiếu nợ, tán gia bại sản và khổ đau”. Các thành kiến này mô tả những người phụ nữ rời bỏ vai trò bình thường, thế tục của họ là những người hoặc là thất thế, hoặc có những tính nết đáng chê trách. Tuy nhiên, khi cẩn thận quán sát thực tại xã hội, ta thấy các nhận định đó không dựa trên các dữ kiện thực tế và cũng không tương đồng với cuộc sống thực sự của các nữ tu hiện đại. Hơn thế nữa, nếu đi tu là để trốn lánh thì tu viện chưa hẳn đảm bảo cho người nữ tu một nơi yên ổn, nơi họ có thể trốn tránh phiền não hay nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già. Trái lại, sau khi xuất gia, vai trò thực sự của người nữ tu sĩ và những gì đoàn thể mong chờ nơi người ấy là rất nặng nề, khắt khe. Vì thế, trừ khi người đó xem việc xuất gia là một sự gắn bó trọn đời, thì rất khó sống làm người nữ tu sĩ. Hơn nữa, việc rời bỏ ni chúng không phải bị điều tiếng chi, nên nữ tu sĩ có thể rời bỏ tu viện bất cứ lúc nào và trở về cuộc sống thế tục. Đa phần những người xuất gia để trốn tránh phiền não thường không trụ lâu hơn vài tháng. Do đó, khi vị thế xã hội, tôn giáo của chư ni tăng trưởng trong thời hiện đại, thì người nữ tu sĩ ngày càng ít bị gán với hình ảnh của người góa phụ cô đơn hay người không bình thường, mà là những phụ nữ có nhiều khả năng, cá tính, năng lực và có thể đóng góp tích cực cho xã hội.

Daw Z., một phụ nữ ngoài bốn mươi, và cô con gái ba mươi tuổi, Ma K., là hai vị ni minh họa cho sự khác biệt giữa những chức năng khác nhau trong tu viện. Người mẹ, Daw Z., xuất gia khi bà được 27 tuổi, đem theo đứa con gái nhỏ với bà, sau khi đã trải qua bao khốn khổ trong cuộc sống gia đình. Bà rất tín tâm và đã trở thành nữ tu sĩ trong một cộng đồng Phật giáo tại thủ đô xưa của Mandalay. Daw Z. đầu tiên sống với một người bạn tu lớn tuổi, người đã che chở cho bà và cô con gái nhỏ. Tuy nhiên, Daw Z. rất kỳ vọng vào tương lai của con gái, nên muốn con được theo chương trình Phật học chính thống. Để thực hiện được điều đó, bà đã gửi con cho một ni viện ở Rangoon, nổi tiếng có các vị thầy giỏi và tỉ số học viên đậu cao trong các kỳ thi Phật giáo trong nước. Ni viện này chỉ chấp nhận các cô gái trẻ chưa lập gia đình, nên chỉ cho con gái bà vào học. Vì muốn dành mọi điều tốt lành cho con, bà mẹ đành gửi con đến đó, không còn được chung sống với con. Tuy nhiên, sức khỏe con gái bà rất kém, nên bà rất lo lắng. Bà van nài vị ni trưởng của ni viện cho bà được ở lại chăm sóc con cho đến khi cô ấy khỏe lại. Dầu yêu cầu này trái với quy luật của tu viện, nhưng cũng được chấp thuận, vì Ma K. là một học viên xuất sắc, nên các thầy cô không muốn mất cô.

Lúc đó Daw Z. đảm nhiệm những công việc trong khuôn viên viện, giúp điều hành ni viện và trông coi việc phân phối thuốc men. Tuy nhiên, bà cũng không quên việc tu tập của mình. Ban đêm khi con gái đã ngủ, bà chú tâm học kinh điển và cuối cùng bà đã vượt qua được kỳ thi quốc gia. Trái với các quy luật, Daw Z. đã ở trường ni này suốt hai mươi năm. Thỉnh thoảng bà cũng tỏ ra áy náy vì là người đã có gia đình, nhưng tất cả mọi người trong ni viện đều coi bà là một trường hợp ngoại lệ. Dần dà bà trở nên không thể thiếu trong việc điều hành ni viện, và rất được mến mộ vì con gái bà luôn được công nhận là học viên xuất sắc của trường. Tuy nhiên, sau khi người con gái đã đậu kỳ thi quốc gia ở cấp độ cuối, và được trao danh hiệu Dhammasariya (“Pháp sư”), người mẹ cuối cùng quyết định rời bỏ ni viện. Với trình độ của người con gái, họ được phép lập chi nhánh trường của riêng họ. Hiện tại, họ đã được cúng dường đất và đang trong quá trình xây dựng trường ni của chính họ. Khi được hỏi về điều kiện để được nhập học tại đây, người mẹ trả lời rằng bà chỉ chấp nhận các cô gái trẻ ngebyuvì họ dễ giáo huấn hơn. Bà nói rằng, “Đầu óc họ vẫn còn trong sáng, lành mạnh” và họ có cơ hội tốt hơn để được huấn luyện thành các sư cô có nghề.

Vai Trò Của Chư Ni ở Miến Điện

Theo truyền thống, một số vai trò hay chức năng tôn giáo không dành cho ni. Thí dụ, việc chủ trì một nghi lễ nơi công cộng là một trong những điều cấm đó. Người ta coi là lẽ đương nhiên để chư tăng chủ trì các nghi lễ tôn giáo vì vị thế cao tột của họ trong tăng đoàn. Tuy nhiên, về kỹ thuật, không phải là chư ni không thể làm điều đó, như là chủ trì một buổi lễ truyền năm hay tám giới và xướng tụng các bài kinh trọng. Dầu người ta thừa nhận rằng người giữ nhiều giới có thể truyền giới cho người giữ ít hơn, nhưng xã hội không chấp nhận việc một vị ni có thể đảm nhiệm một vai trò tôn giáo quan trọng đến nỗi bà phải xuất hiện trước đám đông quần chúng. Về mặt lý thuyết, vấn đề này không liên quan đến khả năng của chư ni, nhưng liên quan đến vị thế và tiêu chuẩn về tôn giáo của người ấy.

Tôi đã chứng kiến, thí dụ, một sa-di nam trẻ, giữ 10 giới, chủ trì và truyền năm giới cho một đạo tràng cư sĩ. Nếu một nghi thức như thế được chấp nhận, thì cũng phải để cho một vị ni giữ tám giới làm điều tương tự như thế. Tuy nhiên, vì vấn đề liên quan đến việc xã hội có chấp nhận giao các quyền về tôn giáo cho phụ nữ không, và việc chấp nhận này tùy thuộc vào việc các tăng, cư sĩ và ngay cả các ni có muốn làm điều đó không. Khi được hỏi, người dân Miến Điện bày tỏ sự ngại ngùng về việc cho phép các nữ tu chỉ giữ tám giới được chủ trì các buổi lễ quan trọng. Chư tăng thì bày tỏ sự không đồng thuận với đề nghị này, và chính các ni dường như cũng rụt rè, ái ngại với khả năng này, dầu cũng có nhiều người trong số họ là những người có khả năng hành lễ, có đầy đủ kiến thức về các quy trình hành lễ.

Ở Miến Điện hiện nay, thuyết pháp là một lãnh vực tôn giáo quan trọng khác chỉ dành cho chư tăng. Dầu trong lịch sử Phật giáo có không ít các vị nữ giảng sư nổi tiếng,[6] các nữ tu Miến Điện đã không kế thừa được di sản đó. Trong một quốc gia mà các phương tiện truyền thông chưa được phát triển, thuyết pháp là một phương cách hữu hiệu để giao tiếp, và các vị giảng sư lỗi lạc có thể lôi cuốn hàng ngàn đệ tử từ khắp mọi nơi xa gần. Thí dụ có các vị nam giảng sư còn nổi tiếng hơn cả ngôi sao điện ảnh hay chính trị gia, và người ta rất sợ khả năng có thể điều động quần chúng của họ. Các nữ tu Phật giáo dường như bị cấm giảng pháp do áp lực xã hội, nên việc họ giảng pháp nơi đám đông ít khi xảy ra. Tuy nhiên, ở Tích Lan, có rất nhiều nữ giảng sư nổi tiếng, và ở các nơi khác ngày càng có nhiều các sư cô đảm nhiệm vai trò thuyết giảng trước đám đông.[7]

Thực ra các nữ tu Miến Điện cũng giảng dạy cho cư sĩ về giáo lý của đức Phật, nhưng phần lớn là ở những buổi hội họp nhỏ lẻ, thân mật. Thí dụ, họ giảng pháp bên trong các ni viện, cũng như tại nhà của Phật tử. Họ giảng pháp cho dân làng khi đi khất thực, và nhờ những bài pháp này, mà các cô gái trẻ trong làng có lòng muốn xuất gia. Các nữ tu cũng đến các trại giam để giảng pháp cho các nữ phạm nhân hay đến bệnh viện để an ủi bệnh nhân, nhưng đây là các hoạt động nhỏ lẻ được thực hiện trong những môi trường nhất định. Các nữ tu hữu học có khả năng nói trước đám đông vì diễn thuyết là một môn trong chương trình học của họ, và vì họ thường là các thính giả nhiệt tình ở các buổi giảng của chư tăng, nên họ cũng thâu lượm được nhiều giai thoại Phật giáo để sử dụng khi thuyết pháp.

Tuy nhiên, đa phần các nữ tu mà tôi phỏng vấn, dầu có học, nhưng họ cũng bày tỏ sự e ngại khi phải thuyết pháp trước đám đông. Họ lo sợ các vị thí chủ sẽ nghĩ thế nào về hình ảnh của họ trong mắt đám đông. Một vài vị bày tỏ, “Chư ni cần phải khiêm cung và nghiêm trang. Không tốt chi khi làm những việc táo bạo như là thuyết pháp trước đám đông”. Người khác lại nói, “Nhiệm vụ của chư tăng là giảng pháp, không phải việc của các ni”. Họ nghĩ là thính giả không thích nghe họ giảng pháp; và họ không có truyền thống thuyết pháp. Tuy nhiên, Daw Yusanda, một trong những vị ni đã phá vỡ khuôn mẫu này, bà thường thuyết pháp trong mùa an cư (tháng 7 đến tháng 10) ở một trong những tu viện nổi tiếng ở Rangoon. Phần lớn các chủ đề của bà là về giới luật, các hành vi đạo đức của nữ Phật tử, và vì lẽ đó bà không bị chỉ trích. Dầu vậy, để thoát khỏi các khuôn phép truyền thống, và để có đủ tự tin nói trước quần chúng, điều đó cũng đòi hỏi chư ni nhiều can đảm. Trong bối cảnh đó, Daw Yusanda đã lập ra một tiền lệ đáng nể.

Daw Yusanda, sinh năm 1943 trong một ngôi làng nhỏ ở thị trấn Pandaong. Khi mẹ bà xuất gia, người đem bà theo vào ni viện và sau này bà cũng xuất gia năm bảy tuổi. Bà được giáo dục theo chương trình Phật học chính quy tại trường ni Daw Nyanasari và đã vượt được kỳ thi Phật học quốc gia ở cấp bậc bốn. Khi tôi được gặp bà, bà đã đậu hai môn của kỳ thi Dhammasariya, và đang chuẩn bị cho môn thứ ba. Bà cũng là một thiền sinh tinh tấn, và đã hành thiền được sáu năm. Do ảnh hưởng của vị cao tăng, người đã dạy bà phương cách thuyết pháp, bà bắt đầu giảng pháp ở chùa chánh Shweidagon năm 1976, vào những ngày rằm và mùng một trong mùa chay. Bà cũng du hành khắp đất nước để giảng kinh, thuyết pháp ở nhiều nơi công cộng. Các đề mục bà thường giảng là về các hành vi xã hội của nữ giới, sự suy đồi đạo đức trong xã hội, và các đề tài về đạo đức và tôn giáo khác. Hiện nay, bà vẫn tiếp tục điều hành và dạy ở trường ni của bà ở Rangoon, nơi có mặt của hơn 60 học viên và 5 vị nữ giảng sư. Dầu nhiều thành viên trong ni viện lo lắng cho Daw Yusanda, bà đã được đám đông quần chúng tiếp nhận khá nhiệt tình, và bà có một lượng thính giả trung thành, phần đông là phụ nữ, thường đến nghe bà giảng kinh. Sự nổi tiếng của bà, một phần là nhờ các đề tài bà chọn để giảng, thường là đề cao các giá trị truyền thống và đạo đức cho nữ giới; nhờ thế dư luận cũng như chư tăng dễ chấp nhận hoạt động của bà hơn. Bà không phải là người hô hào cấp tiến hay cải cách, trái lại, bà còn rất phù hợp trong vai trò làm người chuyển tải các giá trị cổ truyền đến các nữ cư sĩ. Với nhiệm vụ này hình như chư ni làm dễ hơn chư tăng.

Cuối cùng, một trong những nhiệm vụ quan trọng khác nữa dành cho chư tăng ở Miến Điện là xướng tụng Minh Hộ kinh (paritta). Theo truyền thống, cư sĩ sẽ mời chư tăng đến tư gia vào những dịp lễ đặc biệt để tụng một hay hai trong 11 bài của Minh Hộ kinh mà họ tin rằng sẽ bảo vệ họ khỏi các ác ma. Nghi lễ này thường được tổ chức trong dịp sinh con, hay khi con trai trưởng thành. Các dịp khác cần được đọc kinh là ở những thời điểm chuyển tiếp hay khó khăn trong cuộc đời như là đám cưới, đám tang, bệnh hoạn, tai nạn, cũng như trong dịp năm mới Miến Điện diễn ra vào tháng Tư. Ngày nay, người ta mời chư ni đến nhà tụng kinh nhiều hơn vì họ nổi tiếng có giọng xướng tụng thanh tao, mạnh mẽ. Họ cũng được biết đến vì sự dễ tiếp cận, với phong cách giản dị, thân mật. Ngoài ra họ cũng được mời đến các nghi lễ Phật giáo như đám tang và lễ trưởng thành của con trai, để giúp và tiếp lễ cho chư tăng. Với tư cách là các chuyên gia hành lễ, sự có mặt của họ đã được công nhận và ủng hộ vì sự hiểu biết thấu đáo về các nghi lễ trang trọng, công phu. Hơn thế nữa, họ còn ban cho các vị cư sĩ những lời khuyên thực tiễn về những việc như là làm thế nào để tổ chức một buổi lễ trong khả năng tài chính của mình, cần mua gì, chuẩn bị gì, phải mời vị tăng nào, xưng hô với họ như thế nào. Với những vai trò như thế, họ trở nên thiết yếu đối với các cư sĩ, những người không còn nhiều hiểu biết về các truyền thống của cha ông. Các sự kiện nghi lễ tôn giáo này cũng giúp cho các ni có được sự cúng dường mà họ rất cần trong đời sống.

Giới Luật và Vai Trò của Phụ Nữ ở Miến Điện

Vì nữ tu sĩ Miến Điện chỉ giữ tám giới, họ không phải tuân giữ giới luật cấm giao dịch tiền bạc. Trái lại, chư tăng và nam sa-di, về phương diện này, đã đạt được sự xả bỏ, đó là kết quả của các giới luật trong kinh tạng truyền thống nghiêm cấm họ không được sử dụng tiền bạc. Do đó các sư cô thường làm nhiệm vụ giao dịch tiền bạc cho chư tăng, nên họ trở thành thủ quỷ hay người lo việc điều hành cho tu viện. Tuy nhiên, gần đây, nhiều vị ni cũng thọ 10 giới, như thế họ cũng không được nắm giữ tiền bạc. Nhiệm vụ này được giao lại cho các nam sa-di, và như thế các sư cô được có nhiều thời gian dành cho việc hành thiền và phát triển tâm linh của họ hơn.

Một số các nữ tu chỉ giữ 10 giới bán phần - vào những ngày lễ hay nữa ngày vào buổi chiều. Họ thường ăn chay hay chỉ ăn ngày một bữa để hoàn thiện hơn vị thế của họ. Sự hướng đến việc tu tập để được trong sạch hơn, hoàn thiện công phu trì giới, dù vẫn còn nhiều hạn chế trong môi trường tôn giáo của họ, cũng thể hiện ước nguyện mạnh mẽ của họ cho một cuộc sống tâm linh cao đẹp hơn. Các nữ tu Miến Điện có thể coi việc trở thành tỷ-kheo ni (bhikkhuni) đối với họ trong hoàn cảnh hiện tại là không tưởng; mặc dầu không có sự đảm bảo của một vị thế tôn giáo như thế, nhưng ước nguyện được phát triển tâm linh của họ không nao núng. Trở thành người giữ 10 giới tạo cho họ một môi trường lý tưởng để hoàn toàn tập trung vào việc phát triển tâm linh.

Ở Miến Điện có một số sư cô giữ 10 giới. Daw N. là một trong số họ. Là người có học vấn, nhưng cô xuất gia khá trễ - sau khi đã tốt nghiệp đại học Rangoon - dầu trước đó cô cũng rất tín tâm và thường hành thiền vào những dịp lễ trong nhiều năm. Cô quyết tâm xuất gia, nhưng bị gia đình cản trở quyết liệt. Cha cô ban đầu rất giận dữ, nhưng trước quyết tâm của cô, sau đó ông bằng lòng với điều kiện là cô không được đi khất thực. Ông là người kinh doanh vàng bạc rất giàu, nên để cho cuộc sống của con gái trong tu viện được thoải mái, ông quyết định chu cấp mọi chi phí cho cô. Mẹ và sáu anh chị em của cô cũng hết lòng hỗ trợ cô, nhờ đó cô có thể theo đuổi nguyện vọng của mình một cách rốt ráo, nghiên cứu kinh điển sâu sắc và qua được các kỳ thi quốc gia với điểm cao. Vào lúc cô hoàn tất mọi chương trình học, cô đã đủ tư cách để trở thành một vị giảng sư Phật giáo, và tiếng tăm là người học rộng của cô đã vang dội. Cô cũng nổi tiếng là người tu thiền giỏi, và càng nổi tiếng hơn khi cô trở thành một vị ni giữ 10 giới mà không nhận bất cứ sự cúng dường nào từ cư sĩ. Người ta khen cô có nghiệp lành, có được một gia đình giàu có và hết lòng hỗ trợ cô. Oái oăm thay, khi cô nổi tiếng về sự thanh cao và tâm buông xả thì người ta càng muốn cúng dường cho cô thông qua các vị cư sĩ phụ tá.

Tuy nhiên, như đã trình bày, để có thể trở thành một nữ tu giữ 10 giới, vị đó hoặc phải xuất thân từ gia đình giàu có hoặc con đường học vấn phải khá thành công để có thể được nhiều vị thí chủ ủng hộ về tài chánh. Điều này nghe có vẻ nghịch lý, nhưng để có thể duy trì tính chất buông xả cần có để giữ 10 giới, người nữ tu phải có đủ nguồn và sự hỗ trợ phẩm vật đầy đủ, vững bền, để có thể tận hưởng sự phong lưu của vị thế cao cả này. Vị ni này cũng cần phải có một người thư ký hay thị giả đáng tin cậy để chăm lo cho nhu cầu hằng ngày, nhất là những vấn đề liên quan đến việc cúng dường. Nhưng quý ni dầu ở địa vị cao quý đó cũng không được để ý đến như chư tăng, vì họ thường không đủ sức lôi cuốn các cư sĩ để các vị này luôn ở bên họ. Hơn thế nữa, chính các vị ni này cũng thường phải đảm nhiệm việc phụ tá cho các tăng giữ 10 giới về tiền bạc. Do đó, nếu riêng các vị ni này cũng có người phụ tá thì không thích hợp trong cơ cấu tổ chức tu viện ở Miến Điện.

Hiện nay ở Miến Điện còn có một danh hiệu thích hợp cho những người phụ nữ muốn từ bỏ đời sống gia đình nhưng không muốn hoàn toàn sống đời xuất gia ở tu viện, đó là du kỳ (yogi). Vị thế của yogi thường dành cho nam hoặc nữ cư sĩ giữ tám giới, tu thiền tại các cơ sở tôn giáo, trung tâm thiền, tu viện hay ni viện, trong một khoảng thời gian hay bán thời gian nào đó. Vị thế yogi giúp người ta có được một đời sống tôn giáo bình lặng để có nhiều thời gian và tự do để chú tâm vào sự tiến bộ tâm linh của cá nhân. Ở Miến Điện, phụ nữ lớn tuổi không còn trách nhiệm làm vợ, làm mẹ thường chọn làm yogi hơn là nữ tu. Dựa trên yếu tố đó, thành kiến cổ hủ xem các nữ tu Phật giáo là “các bà góa phụ già” ngày càng thiếu xác thực. Cuộc sống của yogi phù hợp với nhiều người vì, trước tiên, khi trình độ học vấn của các ni tiếp tục tăng lên, vị thế của họ càng được xem là một nghề nghiệp ‘chuyên môn’, thì những người phụ nữ lớn tuổi ít người có thể theo đuổi được. Thứ đến, vì những người phụ nữ quyết định hoàn toàn buông xả ở cuối đời, khó thích hợp với cuộc sống của người nữ khất sĩ. Thứ ba, một số yogi lớn tuổi xem việc ăn ngày một buổi là khó, vì họ không thể ăn nhiều vào buổi sáng như các vị nữ tu đã quen làm điều này từ lúc trẻ. Và cuối cùng, với tư cách là yogi, người phụ nữ vẫn có thể duy trì mối liên hệ bình thường với gia đình, đồng thời cũng cho người ấy lý do để không phải dính vào những vấn đề của gia đình, vì vị ấy thường di trú giữa các trung tâm thiền và nhà, hành thiền một khoảng thời gian nào đó rồi trở về nhà để nghỉ ngơi. Trên lý thuyết, vị thế tôn giáo của người yogi tương đương với người nữ tu giữ tám giới như là kiềm chế tình dục, không ăn sau giờ ngọ, không thụ hưởng các dục lạc và các vấn đề thế tục. Tuy nhiên, các nữ tu xem người yogi chỉ là các nữ cư sĩ, không phải là người xuất gia như họ, vì ‘các yogi vẫn còn để tóc”. Đối với chư ni, tóc là một biểu tượng quan trọng để phân biệt giữa họ và yogi, giữa những người thực sự là thành viên của chúng tu và những người không phải. Dầu vậy, nhiều tu viện và ni viện vẫn dành chỗ cho các bậc cha mẹ già yếu, bệnh tật của các sư cô đến sống với tư cách là các yogi. Các sư cô cũng coi đây là một cách uyển chuyển để những người vì tuổi tác không thể chịu đựng được cuộc sống gian nan của người khất sĩ. Những người yogi lại bày tỏ một quan điểm hoàn toàn khác. Phần lớn các yogi được phỏng vấn cho rằng họ chẳng bao giờ muốn trở thành nữ tu sĩ vì sinh hoạt của người nữ tu làm hao mòn thời gian và năng lực mà họ cần để hành thiền và rèn luyện tâm linh. Theo họ, các vị nữ tu phải bận rộn với việc nấu nướng và chăm lo cho chư tăng, và chúng tu, do đó lơ là với việc phát triển tâm linh của chính bản thân họ. Một vị yogi nói rằng bà không bao giờ muốn trở thành nữ tu vì bà thích được độc lập về phương diện tài chính, và muốn được giữ tài sản để có thể cúng dường cho chư tăng. Thực vậy, ý nghĩ phải tùy thuộc vào người khác về vật chất dường như đã khiến nhiều yogi không muốn xuất gia thành nữ tu sĩ.

Dầu vậy, theo quan điểm chung, người ta vẫn coi vị thế tôn giáo của người nữ tu cao hơn của yogi. Có thể nói rằng trong quá khứ, không có sự phân biệt rạch ròi giữa nữ tu và yogi, nhưng khi các khả năng hành lễ, trình độ học vấn, và vị thế tôn giáo của các nữ tu trở nên quan trọng hơn, thì sự khác biệt trong động lực và cách sống của họ càng được đề cao.



[1] Hiện nay có khoảng hơn ba mươi ngàn nữ tu sĩ Phật giáo ở Miến Điện, đây là nơi tập trung các nữ tu đông nhất trong một nước.

[2] King (1987).

[3] Ludu Daw Ama (1982), 354

[4] Ibid., 345

[5] Ibid., 356

[6] Altekar (1978), 209.

[7] Gombrich and Obeyesekere (1988), 285.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]