Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

C. Kết luận

24/01/201214:51(Xem: 7395)
C. Kết luận

Lịch sử đức Phật Thích-ca-mâu-ni

Gia Tuệ

Phần I: Từ Đản sanh đến Thành đạo

C/- Kết luận

Nhìn qua lịch sử xưa nay, những anh hùng cái thế lập nhiều chiến công hiển hách trên những đấu trường, thắng ngàn quân, trăm trận nhiều vô số kể, nhưng thử hỏi có ai thắng được dục vọng của chính mình? Thắng người đã là một việc khó, thắng được chính mình lại là một việc làm khó hơn. Đức Phật đã thắng cả ngoại ma lẫn nội ma, vượt qua tất cả dục vọng thấp hèn, Ngài thật xứng với danh xưng Đại Hùng, Đại Lực.

Ngài không vì quyền lợi riêng mà chiến đấu, cũng không vì tình thương yêu hạn hẹp ở cha mẹ, vợ con, bè bạn, quốc gia, lãnh thổ; mà vì lòng từ vô lượng đối với tất cả chúng sanh mà đi tìm con đường giải thoát cho mọi loài. Ngài xứng với danh hiệu Đại Từ, Đại Bi.

Vì tình thương yêu rộng lớn, không bỉ thử, không thân sơ, nhân ngã ấy, Ngài từ bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, uy quyền, lạc thú trần gian, cam chịu một cuộc đời sống trong kham khổ, đạm bạc thiếu thốn, giáo hóa đó đây, Ngài xứng với danh xưng Đại Hỷ, Đại Xả.

Đọc vài trang sử tóm gọn về cuộc đời của một đạo sư, một bậc thầy cao cả đáng tôn đáng kính của nhân loại, để hiểu về Ngài có khác nào con muỗi hút nước ở đại dương. Nhưng từ những nét đại cương, khái lược về cuộc đời của Đức Phật cũng đủ làm cho chúng ta suy gẫm ý nghĩa sâu sắc và đúng đắn mà nhân loại đã tôn xưng Ngài là bậc Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ, Đại Bi, Đại Hỷ, Đại Xả.

Sự xuất hiện của Đức Thích Ca Mâu Ni trong trần thế là cả một vinh hiển lớn cho con người và xã hội. Ngài là kết tinh của muôn ngàn hương hoa Bi, Trí, Dũng; là hiện thân của chân lý giải thoát, là điềm lành cho hết thảy chúng sanh trong tam thiên đại thiên thế giới. Nếu cuộc đời không đau khổ tối tăm, Đức Phật đã không xuất hiện ở đời. Ngài ra đời vì một mục đích trọng đại là chỉ bày cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến của chính mình. Hay nói khác hơn, "vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người" mà Đức Thế Tôn xuất hiện ở thế gian.

Cuộc đời của Đức Phật là cả một bài thuyết pháp hùng hồn trác tuyệt, dù cho có dùng hàng vạn ngôn từ mỹ dụ cũng không thể nào diễn đạt cho hết ý nghĩa thiêng liêng. Đời sống của Ngài là một biểu hiện sống động cho giáo lý của Ngài. Ngài nói và thực hành với kết quả mỹ mãn, tương ứng với những gì Ngài thuyết giảng. Đời sống Đức Điều Ngự là cả một bằng chứng hiển nhiên cho giáo pháp khả thi, khả hành, khả chứng, vượt thời gian, không gian, hiện tại lạc trú của Ngài. Đó không phải là những tín điều mặc khải, càng không phải là những lời dạy suông, những ý niệm hoang tưởng, những lý thuyết xây dựng trên mây, trên khói.

Lịch sử của Đức Phật là lịch sử của một con người, nhờ tu tập bản thân, đã trở thành một con người hoàn thiện, một bậc thánh giữa thế gian. "Con người vĩ đại nhất sinh ra ở đời này", như lời Tagore đã nói.

Bằng cuộc đời của Ngài, bằng những lời dạy của Ngài được kết tập lại trong ba tạng kinh điển, Đức Phật đã khai thị cho loài người biết rằng, bất cứ một người nào, với sự nỗ lực của bản thân, đều có thể vươn lên đỉnh cao của giác ngộ và giải thoát. Có thể nói, không một tôn giáo nào, không một hệ tư tưởng nào đề cao con người và đặt niềm tin vào con người như là đạo Phật. Tính nhân bản tuyệt vời của đạo Phật chính là chỗ đó.

Tránh mọi điều ác, làm mọi điều lành, gột rửa nội tâm để trở thành một bậc thánh, một con người hoàn thiện về đức hạnh và trí tuệ, mỗi con người chúng ta đều có khả năng và bổn phận thực hành bức thông điệp đó, bức thông điệp bất hủ mà Đức Phật đã trao cho loài người, cho mỗi chúng ta./.

Chú thích

(1) Asita (A Tư Đà): vị đạo sĩ ẩn tu trên đỉnh Hymalaya, người được kính nể nhất vì đạo hạnh và đức độ tại Ấn lúc bấy giờ.

(2) Channa (Xa Nặc): người hầu cận tâm phúc bên cạnh Thái tử.

(3) Kantaka (Kiền Trắc): Theo truyền thuyết, con ngựa Kantaka rất hung dữ, không ai điều phục được ngoài Thái tử Siddhatta.

(4) Năm anh em Tôn giả Kodanna: Kondanna, Bhadhya, Vappa, Mahanama và Asaji.

(5) Bodhi: Tên một loại cây tại Ấn Độ, Hán dịch là cây bồ đề. Bodhi còn có nghĩa là trí tuệ.

Sách tham khảo

1. Thích ThiệnSiêu, Tỏa ánh từ quang, BTS tỉnh Thừa Thiên-Huế, Huế, 1992.

2. Thích Thiện Siêu, Phật tử, VNCPHVN, TP HCM, 1997.

3. H.W.Schumann, Trần Phương Lan dịch, Đức Phật lịch sử, Viện NCPHVN, TP HCM, 1997.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]