Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

03. Việt Nam

24/01/201212:34(Xem: 6663)
03. Việt Nam

 

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂNPHẬT GIÁO ĐẠI THỪA BỒ TÁT GIỚI

Thích Thái Hòa

- Việt Nam

Theo Nguyễn Lang - Nhà Sử học Phật giáo, thì trung tâm Luy Lâu là một trung tâm Phật giáo sớm nhất ở Việt Nam, nó được thiết lập bởi các nhà Tăng sĩ Đại thừa Phật giáo đến từ Ấn Độ, khoảng đầu kỷ nguyên Tây lịch.7

Điều nhận định này có lý, nếu căn cứ vào sách Lý Hoặc Luận của Mâu Tử, đây là một tác phẩm mà Mâu Tử đã viết vào thế kỷ thứ II, nhằm nêu lên chính lý để loại bỏ những ngộ nhận đối với đạo Phật của một số thức giả bấy giờ.

Sách có đề cập sự ra đời, xuất gia, thành đạo, giáo hóa và Niết Bàn của đức Phật; có đề cập đến người Phật tử tại gia thọ trì năm giới, thì phải ăn chay một tháng sáu ngày và phải sám hối những tội lỗi đã làm, để có những sự tiến bộ mới trong sự tu tập tâm chí, còn các Bậc Sa môn thì hành trì 250 giới và phải ăn chay trường, giới này không phải được nghe bởi hàng Ưu Bà Tắc, họ đi đứng thì nghiêm túc có phép tắc uy nghi, ngày đêm thì giảng đạo, tụng kinh và hoàn toàn không tham dự thế sự.

Sự hiểu biết về đạo Phật của Mâu Tử vào thế kỷ thứ II như vậy là rất chính xác. Và như vậy, thì Mâu Tử học đạo với ai? Chắc là ông ta đã học đạo với các Bậc Tăng sĩ Đại thừa, vì chỉ có những vị Tăng sĩ này mới dạy tín đồ ăn chay kỳ, còn các Ngài thì ăn chay trường, đúng như sách Lý Hoặc Luận đã nói.

Vì sao các Tăng sĩ Đại thừa ăn chay trường, vì các Ngài ngoài thọ Tỷ khưu giới ra, các Ngài còn hành trì Bồ tát giới nữa, đó là giới dựa trên nền tảng của Bồ đề tâm mà hưng khởi Đại trí và Đại bi, có năng lực yêu thương và nhiếp hộ hết thảy chúng sanh, không nở làm tổn hại chúng sanh dưới bất cứ hình thức nào.

Rõ ràng hành trì giới luật của các Bậc Sa môn như Mâu Tử nói, không những có đồng thời với Mâu Tử mà phải có trước đó, nghĩa là ít ra tinh thần giới luật như vậy, phải có trên đất nước Việt Nam khoảng thế kỷ đầu.

Lại nữa, trong sách Lý Hoặc Luận, Mâu Tử đã giải thích một số thắc mắc về cách thực hành Bồ tát dạo qua hạnh thí xả của Thái tử Tu Đại Noa (Sudàna)8 như sau:

"Ngoại nhân hỏi: Ở trong kinh Phật kể rằng: Thái tử Tu Đại Noa lấy tài sản của phụ vương mà bố thí cho người lạ, lấy voi báu mà tặng cho kẻ ghét mình, đem vợ con mà cho người khác, thế là không quý trọng người thân, mà quý trọng kẻ khác là trái ngược với lễ, không thương người thân mà thương kẻ khác là trái ngược với đức hạnh. Tu Đại Noa không phải là người nhân từ, thế mà đạo Phật rất tôn trọng ông ta, thì đâu không phải là lạ đời?

Ngài Mâu tử đáp: "Thái tử Tu Đại Noa quán xem sự vô thường của cuộc đời, tài sản không phải là báu vật thật sự, nên tùy ý bố thí. Nhờ vậy mà nước của cha được vận may, kẻ oán thù không thể xâm hại”.

Qua sự thắc mắc của ngoại nhân và sự trả lời của Mâu Tử ở trong sách Lý Hoặc Luận về sự thực hành Bồ tát đạo như vậy, cho chúng ta thấy rằng, các kinh Bản Sinh bấy giờ đã truyền bá sâu rộng trong quần chúng, cũng như trong thành phần trí thức Việt Nam. Và tinh thần thọ trì Bồ tát giới, thực hành Bồ tát đạo để thành Phật đã có mặt trên đất nước Việt Nam muộn lắm là ở thế kỷ thứ II.

Lại nữa, căn cứ Lục Độ Tập Kinh, một bản kinh được dịch sớm nhất trên đất Giao Chỉ bởi Tăng sĩ Khương Tăng Hội, thì tinh thần Bồ tát giới, thực hành Bồ tát đạo có trên đất nước Việt Nam lúc bấy giờ lại rất cụ thể.

Vì nội dung của kinh này là thuật lại tinh thần Bồ tát đạo của tiền thân đức Phật và các vị Bồ tát. Và chính do thực hành tinh thần ấy, mà ngày nay đức Phật Thích ca đã thành Phật, và các vị Bồ tát rồi cũng sẽ thành Phật.

Lục Độ Tập Kinh do Ngài Khương Tăng Hội dịch có tám cuốn, ba cuốn đầu nói về Bố thí độ, các cuốn sau thì mỗi cuốn đều nói về một độ trong các độ còn lại.

Chỉ đọc đề kinh, chứ chưa bàn đến nội dung cũng đủ biết rằng, đây là một bộ kinh đề cập đến tinh thần hành Bồ tát đạo, thực hành Bồ tát giới.

Vậy tinh thần Bồ tát giới ở trong kinh này là như thế nào?

Kinh nói: "Những kẻ cuồng ngu bạo ngược, ưa tàn hại chúng sanh, tham lam trộm cắp của kẻ khác, buông lung theo dâm dục, uế trược, nói lời hai lưỡi, nhục mạ thô ác, nói lời dối trá thêm thắt. Tâm tham lẫn, sân hận và ngu si. Nguy hại người thân, giết hại bậc Thánh, báng bổ Phật pháp, nhiễu loạn các bậc Hiền Thánh, ăn trộm tài sản nơi tín ngưỡng, ôm lòng phản bội, tệ ác, phá hủy Tam Bảo, đó là những tội cực ác.

Thà đến chỗ triều đình, phố thị chịu nỗi khổ róc thịt, thân chịu ướp muối phơi khô, chứ đã tín kính Tam bảo, thề nguyện tế độ cùng khắp chúng sanh, đền trả bốn ân thì trọn đời không thể nào làm những tội ác ấy.9

Qua nội dung đã dẫn ở trên, cho chúng ta thấy rằng, giới tướng của Bồ tát lúc bấy giờ vẫn lấy Thập Thiện giới làm căn bản và có thêm những điều răn cần thiết như sau:

- Không được làm nguy hại người thân.

- Không được giết hại Bậc Thánh.

- Không được báng bổ Phật pháp.

- Không được nhiễu loạn các Bậc Hiền Thiện.

- Không được ăn trộm tài sản nơi tín ngưỡng.

- Không ôm lòng tệ ác, phản bội.

- Không phá hủy Tam Bảo.

Kinh còn nêu rõ mục đích và lý tưởng trì giới của Bồ tát như sau:

"Bồ tát đời đời thực hành giáo pháp để thành tựu Như Lai là Bậc Vô sở trước Chánh chơn, là Bậc Chánh giác tối thượng của đạo, là Bậc Thầy của trời và người".10

Chính trong Lục Độ Tập Kinh còn nêu rõ những tấm gương trì giới kiên cố, cao khiết của các vị Bồ tát, kể cả tiền thân đức Phật Thích ca Mâu Ni trong thời kỳ đang thực hành Bồ tát đạo.

Như vậy, Lục Độ Tập Kinh do Tăng sĩ Khương Tăng Hội, dịch vào thế kỷ thứ III-TL, trên đất Giao Chỉ đã làm cho chúng ta thấy rằng, vào thời kỳ này tinh thần thọ trì Bồ tát giới đã phát triển và phổ biến trên đất Giao Chỉ lúc bấy giờ là như thế nào.

Khương Tăng Hội là người Việt gốc Ấn, vì cha mẹ Ngài là người Sogdiane (Khương Cư) - Ấn Độ, đến cư ngụ tại Giao Chỉ. Ngài rất giỏi Phạn ngữ và Hán ngữ, tu tập tinh cần, đã dịch nhiều kinh điển từ Phạn sang Hán.

Theo sách Cao Tăng truyện, Ngài đã đến Kiến Nghiệp tức thủ đô nước Ngô (Nam Kinh ngày nay) vào năm Xích Ô thứ 10, tức là năm 255, và Ngài đã tịch trên đất Trung Hoa năm 280 TL.

Kể từ Ngài Khương Tăng Hội đến các Tăng sĩ về sau trên đất Giao Chỉ, chắc chắn các Ngài không những là các Tăng sĩ hành trì giới Thanh Văn mà còn hành trì giới Bồ tát nữa.

Vào thế kỷ thứ VI, khi Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi đến Việt Nam ở tại chùa Pháp Vân, thì bấy giờ đã có Thiền sư Quán Duyên là vị thông hiểu và đã dạy Phật pháp cho đồ chúng tại đó. Trong đồ chúng ấy có Ngài Pháp Hiền đã đắc pháp với Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi, và Tổ đã nhận định về Ngài Pháp Hiền như sau:

"Nay lại có Pháp Hiền Thượng Sĩ, đắc pháp với Tỳ Ni Đa Lưu Chi, truyền bá tông chỉ Tam Tổ, là một vị Bồ tát sống, cư trú tại chùa Chúng Thiện, dạy dỗ giáo hóa đồ chúng có hơn 300 người, không thua kém gì Phật giáo ở Trung Quốc".

Lại nữa, Kinh Tượng Đầu Tinh Xá là bản kinh do Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi dịch và truyền dạy vào thế kỷ thứ VI, đã đề cập đến tên Bồ đề, tức là bản chất của Bồ tát giới như sau:

"Đức Phật bảo Ngài Văn Thù Sư Lợi rằng: Bồ đề siêu việt tam giới, siêu việt ngôn ngữ, siêu việt văn tự, không còn địa điểm nương tựa.

Lại nữa, Văn Thù! An trú vào nơi không an trú là an trú Bồ đề, an trú ở nơi không chấp trước tức là an trú Bồ đề; an trú ở nơi pháp không tức là an trú Bồ đề; an trú ở nơi pháp tính tức là an trú ở nơi Bồ đề; an trú ở nơi chân lý tất cả các pháp không có thể tướng là an trú Bồ đề, an trú nơi vô lượng tín là an trú ở nơi Bồ đề, an trú ở nơi không tăng, không tăng giảm là an trú Bồ đề...".11

Thế kỷ thứ X, Ngài Đỗ Pháp Thuận ngoài việc hướng dẫn vua trị nước, an dân, Ngài còn biên tập cuốn Bồ Tát Hiệu Sám Hối Văn, tiếc rằng cuốn sách này hiện nay không còn, nhưng với đầu đề của sách cũng cho chúng ta đoán chắc rằng, nội dung có thể nói lên tinh thần sám hối bằng cách kính lễ hoặc trì tụng hoặc thực hành theo tinh thần Bồ tát.

Cũng thế kỷ này, Thiền sư Viên Chiếu (998-1090), Ngài tu tập không những giỏi về pháp Tam Quán của kinh Viên Giác, mà Ngài còn rất giỏi ngôn ngữ của thi ca, và chính Ngài là một bậc thi tài bấy giờ.

Ngài đã soạn các tác phẩm:

- Tán Viên Giác Kinh.

- Thập Nhị Bồ Tát Hạnh Tu Chứng Đạo Tràng.

- Tham Đồ Hiển Quyết.

- Dược Sư Thập Nhị Nguyện Văn.

Bấy giờ, vua Lý Nhân Tông cho đem cuốn Dược Sư Thập Nhị Nguyện Văn tặng Vua Triết Tông nhà Tống. Vua Tống giao cho các Thiền sư chùa Tướng Quốc xem và bảo rằng, có chỗ nào đáng sửa thì sửa lại. Nhưng, các Thiền sư đã thưa với Vua rằng: "Đây là Đấng hóa thân Đại sĩ ra đời ở phương Nam, giảng giải kinh điển rất tinh vi, chúng tôi không dám thêm bớt gì nữa".12

Nhìn vào hai tác phẩm - Thập Nhị Bồ Tát Tu Chứng Đạo Tràng và Dược Sư Thập Nhị Nguyện Văn, cũng để thấy rằng, tinh thần hành trì Bồ tát giới và phổ biến Bồ tát đạo của Ngài Viên Chiếu vào thời bấy giờ, trong thiền viện cũng như trong tầng lớp xã hội.

Thiền sư Trí Bảo (?-1190) là cậu của Thái úy Tô Hiến Thành, thời vua Lý Anh Tông. Theo Đại Nam Thiền Uyển Truyền Đăng Tập Lục, thì Ngài Trí Bảo xuất gia tu học tại chùa Thanh Tước, ở núi Du Hỷ. ngài tu học đạt đạo nhưng rất khiêm tốn, gặp bất cứ ai dù giàu hay nghèo đều chắp tay cung kính và tránh đường cho họ đi, Ngài thường thực hành hạnh Bồ tát bằng cách bắt lại cầu cống, sửa sang đường sá, hoặc xây tháp làm chùa cho mọi người tu tập, Ngài còn giỏi về thi ca. Câu thơ:

"Tương tức mãn thiên hạ

Tri âm năng kỷ nhân".

(Quen biết đầy thiên hạ

Tri âm được mấy người.)

Tác giả chính là Ngài.

Và tinh thần tu tập Bồ tát giới, hành trì Bồ tát đạo của Ngài, chúng ta có thể thấy rất rõ qua bài kệ sau đây:

"Bồ tát tư tài tri chỉ túc,

Ư tha từ bi bất xâm dục.

Thảo diệp bất dữ, ngã bất thủ,

Bất tưởng tha vật đắc như ngọc.

Bồ tát tự thê phương tri túc,

Như hà tha thê khởi tham dục?

Ư tha thê thiếp tha sở hộ,

An nhẫn tự tâm khởi tâm khúc".

Dịch:

Tài sản đối với Bồ tát thì luôn biết đủ và ngừng lại, lòng từ bi đối với người thì không xâm phạm đến sắc dục; dù chỉ là chiếc lá ngọn cỏ mà người không cho thì không nên lấy, không nghĩ tưởng đến tài vật của kẻ khác, thì đức sáng như ngọc kim cương.

Hàng Bồ tát tu tại gia, thì đối với vợ mình nên biết đủ; đối với vợ của người khác, thì có người khác bảo hộ, tại sao tự tâm mình lại khởi lên ý tưởng tà vạy?

Bài kệ này, Ngài Trí Bảo đã giảng dạy cho Tăng sĩ và cư sĩ lúc bấy giờ đã theo học với Ngài.

Trong suốt thế kỷ đầu cho đến đời Lý, thọ trì Bồ tát giới có thể nằm trong hàng Tăng sĩ, còn hàng cư sĩ chỉ có thể hành trì pháp Tam quy, Ngũ giới mà thôi và nếu có vị nào trong hàng cư sĩ muốn tiến xa trong sự tu tập, thì cũng có thể hành trì thêm Thập thiện giới.

Đối với hàng vua chúa, quan quyền suốt những thế kỷ này, có những vị có đức tin đối với Phật pháp một cách sâu xa và có tâm nguyện hộ trì, nhưng sự học tập Phật pháp và sự đạt ngộ tâm linh không bằng các vua quan đời Trần.

Vua Trần Thái Tông (1218-1277), vượt thành với mộng xuất gia không thành, vua phải nghe lời Thầy là Trúc Lâm Quốc Sư, xuống núi để lo việc chăn dân, lấy dân ý làm ý của mình trong sứ mệnh điều hành đất nước.

Mặc dù, vua rất bận rộn việc đời, nhưng không xao lãng việc đạo, vua nói: "Ròng rã trong mười năm trời, mỗi khi có cơ hội việc nước nhàn rỗi, Trẫm lại tụ họp các bậc Kỳ-Đức để học hỏi Đạo Thiền, các kinh điển của các hệ thống giáo lý chính, không có kinh nào là Trẫm không nghiên cứu".13

Nếu chúng ta đọc các tác phẩm của Vua còn để lại trong Khóa Hư Lục, thì chúng ta thấy rằng; Vua không phải chỉ là một vị minh quân hiểu đạo, hộ đạo, ái đạo mà còn là bậc hành đạo rất thâm sâu, có sự chứng ngộ của tâm linh cao tuyệt, có lòng từ bi đối với hết thảy mọi người và chúng sanh.

Những điều này đã hiện rất rõ trong bài văn Giới Sát Sanh của Vua như sau:

"Xét đến bản chất đồng nhau của loài noãn sinh, thai sinh, thấp sinh và hóa sinh, thì tính thấy, nghe, hiểu biết của họ đâu có gì khác nhau!

Nguyên nhân chỉ là do họ tạo nghiệp tích tụ những điều oan trái, do đó mà nhận lấy những danh hiệu khác nhau đó thôi; nhưng thật ra những loài ấy cũng có gốc rễ đạo lý từ nơi loài người.

Ngày nay họ sanh ra nơi quần loại lớn bé có khác nhau, hoặc họ từng là bạn bè, anh em, bây giờ thay áo, đổi mũ, biến thành những loài có lông, có cánh, có vảy, chừ vợ quên chồng, chồng quên vợ, con trái với cha mẹ, cha mẹ trái với con, thấy chúng khác đầu, khác mặt, liền bắt vào chặt chân mổ ruột, chúng cũng tham sống, sợ chết có khác gì chúng ta, nhưng phải chịu đau thương thống thiết, không nói được nên lời!

Nay, quý vị giết chúng rồi chúng sẽ trở lại giết quý vị, chúng ăn thịt quý vị, quý vị ăn thịt chúng, cứ như vậy mà vĩnh viễn đắm chìm trong sự oán trách thù hận, lâu dài, đời đời vay trả nợ nhau, kiếp kiếp trả thù oán nhau.

Người biết phản tỉnh, thì còn trở lại với quê hương, xứ sở, kẻ buông lung tâm tính, thì vĩnh kiếp trầm luân địa ngục.

Sách Nho thì bảo: Hãy thể hiện tính nhân từ, ban rải tâm đức hạnh. Đạo Đức kinh thì khuyên: Hãy yêu thương những loài vật ham sống. Còn đức Phật thì dạy: Hãy phụng trì giới ngăn ngừa sự giết hại".

Và trong bài văn Khuyến Phát Bồ Đề Tâm của Vua, Vua đã nói rất rõ giá trị của vàng bạc, của thân thể và đạo lý.

Đối với vàng bạc thì con người bảo nó là quý, nhưng nó không quý bằng thân mạng con người, và thân mạng con người là nhờ sinh ra và lớn lên trong xứ sở có văn hóa, có đầy đủ các căn.

Tuy nhiên, thân thể ấy, vẫn không quý báu bằng chỗ tột cùng của Đạo. Vua nói: Chính đức Thế Tôn cầu Đạo mà Ngài đã xả thân để cứu khổ.

Vua còn nói: "Than ôi! Thân mệnh là rất trọng mà còn nên bỏ để mong cầu đạo quả Vô Thượng Bồ Đề, huống chi là những của báu tầm thường như vàng bạc, ngọc ngà lại tiếc nuối làm chi".14

Bởi do tinh thần tu tập hiểu đạo và có những chứng ngộ tâm linh sâu xa của Vua Trần Thái Tôn như vậy, nên đã làm cho Phật giáo vào thời đại này, có những đường nét độc đáo và thâm sâu vào lòng quần chúng hơn so với Phật giáo đời Lý.

Vào thời đại này, không những mở ra cho Phật giáo Việt Nam một thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang tính nhập thế tích cực, mà còn mở ra cho Phật giáo Việt Nam những đường nét độc đáo như: Tín ngưỡng, văn hóa, giáo dục, triết học,... và đồng thời tạo nên sức mạnh đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân để bảo vệ và phát triển về ý thức độc lập dân tộc.

Vua Trần Nhân Tông đã có tâm nguyện xuất gia từ nhỏ, nhưng không được Phụ hoàng là Trần Thánh Tông cho phép, bởi vậy Vua phải miễn cưỡng lên ngôi, sau đó truyền ngôi lại cho con là Trần Anh Tông và xuất gia.

Khi chưa xuất gia tu học, Vua đã học Phật với Tuệ Trung Thượng Sĩ, tức là một vị cư sĩ có sở học rất độc đáo và uyên bác về đạo Phật, nhất là Thiền tông.

Mặc dù chưa xuất gia, nhưng Vua đã có nếp sống rất thanh tịnh, Vua đã giữ gìn giới hạnh và ăn chay trường.

Có lần, Vua mời Văn Túc - Vương Đạo Tái (con của Trần Quang Khải) đến chơi, ăn cơm ở Dưỡng Đức Điện, Vua nhìn Đạo Tái ăn và làm bài thơ:

"Món quay cước đỏ thắm

Món Mã yên vàng thơm.

Sơn Tăng giữ tịnh giới,

Cùng ngồi không cùng ăn".

Mặc dù, đến năm 1299, Vua mới thực hiện hạnh nguyện xuất gia, nhưng thời gian trước đó Vua đã tự ví mình là một Sơn Tăng hành trì trai giới rất nghiêm tịnh.

Sau khi xuất gia, Vua có đạo hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng, đã nỗ lực tu tập và truyền bá Phật pháp trong nhân gian, Vua dạy dân chúng phải hành trì Thập Thiện giới, đây là giới học làm nền tảng đạo đức để xây dựng hạnh phúc và an lạc cho chư Thiên và loài người trong tinh thần Phật giáo.

Năm 1304, Vua Trần Anh Tông đã thỉnh Ngài Điều Ngự Giác Hoàng vào Đại Nội và xin thọ tại gia Bồ tát giới.

Năm 1305, Vua Trần Nhân Tông tức Điều Ngự Giác Hoàng đã tổ chức lễ truyền thọ Tỷ khưu và Bồ tát giới cho đệ tử của mình là Pháp Loa.

Trước khi Điều Ngự Giác Hoàng mất, Ngài đã trao truyền tâm ấn cho Pháp Loa, bấy giờ Ngài Pháp Loa kế thừa Ngài Điều Ngự Giác Hoàng, lãnh đạo Phật giáo Trúc Lâm và đã làm nhiều Phật sự quan trọng như:

- Năm 1319, Ngài đã trao truyền giới pháp tại gia cho Hoa Dương Công chúa.

- Năm1320, Ngài đã trao truyền Bồ Đề Tâm Giới cho Tuệ Nhân Đại Vương và Quốc Phụ Thượng Tể là Quốc Chẩn.

- Năm 1323, Văn Huệ Vương và Tuy Huệ Vương đến chùa Báo Ân xin thọ Bồ Đề Tâm Giới và Pháp quán đỉnh.

- Năm 1324, Chiêu Hoàng Thái Phi xuất gia, thọ Bồ tát giới... và con cháu trong Hoàng tộc phát tâm xuất gia tu tập rất nhiều.

Ngài Pháp Loa đã có những bản nguyện rộng lớn như sau:

"Chư Phật và Bồ tát có những hạnh nguyện nào, tôi đều tha thiết cầu xin tìm học và làm theo. Dù chúng sanh có khen chê, kính trọng, dù kẻ bố thí hay xâm đoạt, nhưng khi mắt thấy tai nghe sự khổ đau của họ, thì đều xin cứu độ, khiến cho hết thảy đều bước lên nấc thang giác ngộ".15

Do Ngài có những đại nguyện rộng lớn như vậy, nên trong cuộc đời tu tập và hoằng pháp, Ngài đã làm những Phật sự đưa lại những lợi ích cho chúng sanh.

Kế thừa Ngài Pháp Loa là Ngài Huyền Quang, ngài này cũng tiếp tục phát huy tinh thần Phật giáo Đại thừa, trong đó gồm cả Thiền học, Tịnh độ và Mật tông.

Nhưng, sau khi Ngài Huyền Quang viên tịch, Phật giáo ở giai đoạn này đã bắt đầu xuống dốc bởi nhiều lý do:

1. Tăng sĩ đông đảo phát sinh nhiều quan điểm dị biệt.

2. Người xuất gia tu đạo không hẳn là người hảo tâm, không hẳn là người vì sự nghiệp giải thoát, mà trong đó lắm người vì danh lợi, lắm người giới hạnh bị khuyết tật và trở nên hèn mạt.

3. Các vua chúa sau Trần Anh Tông không còn có sự hiểu biết và hành trì Phật pháp một cách sâu xa như các vua chúa trước đó.

4. Các Nho sĩ lợi dụng một số khuyết tật của một số Tăng sĩ để xuyên tạc Phật giáo trong triều đình, cũng như ngoài quần chúng.

5. Các Bậc chân tu thì ẩn cư.

Khi đất nước bước qua thế kỷ XIV, vào triều đại Hậu Lê, một triều đại có xu hướng học tập, hướng đến khoa bản, danh vọng, chứ không phải học hỏi để khai phóng tâm linh.

Lại nữa, tinh thần vô ngã, vị tha trong đạo Phật không được các nhà trí thức Phật giáo bấy giờ khai triển triệt để, nhằm phụng sự con người, mà trái lại tinh thần ấy bị xuyên tạc méo mó bởi các Nho sĩ bấy giờ.

Đất nước từ Hậu Lê đến Trịnh-Nguyễn phân tranh, và triều Nguyễn thống nhất sơn hà, trị vì cho đến thời Pháp thuộc, mãi đến khi Vua Bảo Đại bị truất phế, đất nước bị chia hai vào năm 1954.

Suốt chiều dài năm thế kỷ của đất nước, Phật giáo Việt Nam cũng thăng trầm trong những nỗi thăng trầm của lịch sử dân tộc.

Nhưng, điều đáng nói ở đây, là sự suy đồi của Phật giáo ở giai đoạn này là sự suy đồi về đạo hành và trí hành, về văn hóa và tư tưởng, chứ không hẳn suy đồi về mặt tín ngưỡng.

Các Vua Lê cũng như Vua chúa triều Nguyễn cũng đều sùng mộ Phật giáo, vẫn xây chùa, đúc chuông, đúc tượng, vẫn mời các Tăng sĩ đến cung đình để cầu mưa, giải hạn.

Chính mùa hạ năm 1434, Vua Lê Thái Tông sai các quan rước Phật từ chùa Pháp Vân về kinh đô để làm lễ cầu mưa, và dựng trai đàn chẩn tế ngay ở điện Cần Chánh để tu tạo công đức. Rằm tháng bảy năm ấy, Vua lại cho tổ chức đại hội Vu Lan, mời chư Tăng đến cầu nguyện, rồi cúng dường chư Tăng, ân xá năm mươi tù nhân.

Năm 1448, có nạn hạn hán, Vua Lê Nhân Tông xuống chiếu cho các quan văn võ phải ăn chay và giữ gìn trong sạch đến chùa Báo Ân để làm lễ cầu mưa. Vua đích thân lạy Phật, các Nho thần chẳng ưa chi Phật, nhưng cũng lạy theo. Vua còn sai Thái úy Lê Khả đến chùa Pháp Vân ở xã Cổ Châu, rước tượng Phật ở chùa này đem về tôn trí tại chùa Báo Thiên ở kinh thành, rồi thỉnh chư Tăng đến tụng kinh, sám hối và cầu nguyện. Vua và Hoàng hậu đều đích thân lạy Phật, đích thân tổ chức trai Tăng cúng dường để cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa.

Vua lại còn xuống chiếu tự trách mình như sau:

"Từ năm trước đến nay, tai dị xảy ra luôn, như lũ lụt, hạn hán, sâu bọ không năm nào không có. Hoặc là chính trị của Trẫm, trên không thuận lòng trời, dưới chưa thỏa chí dân, mà sinh ra thế chăng? Hoặc có đại thần giúp đỡ, không phải là người giỏi, điều hòa trái phép, xếp đặt sai lễ mà sinh ra chăng?

Nay, các ngươi, trên từ thần liêu trong ngoài, dưới đến sĩ dân, có người nào vì Trẫm dám nói, chỉ ra những việc của Trẫm và tể thần hại đến nhân dân chính sự chăng?”.

Mặc dù, Vua xuống chiếu như vậy, nhưng kẻ trung thực với quốc dân thì ít mà người nịnh hót với Vua thì nhiều; kẻ trung thành với điều phải thì ít, nhưng những kẻ a tùng dối trá thì lắm, do đó các Nho sĩ vẫn tìm cách xuyên tạc Phật giáo đủ điều, đến nỗi đẩy các Tăng sĩ vào chỗ ẩn cư.

Các Ngài đã ẩn cư thiệt, nhưng không phải vì vậy mà để cho những kẻ Nho sĩ, mặc tình thao túng triều đình và thao túng nhân dân.

Hai tác phẩm Quán Âm Thị Kính và Quán Âm Nam Hải đã được phổ biến rộng rải từ triều Lê và ảnh hưởng sâu rộng về mặt đạo đức tín ngưỡng trong lòng nhân dân, không những vào buổi đương thời mà ngay cả bây giờ nữa.

Chuyện Quán Âm Thị Kính ra đời vào lúc nào và do ai sáng tác thì không biết, nhưng nó rất phổ biến vào đời Lê và chắc chắn nó được hình thành từ những nhà bác học Phật giáo.

Nội dung của truyện như sau: "Có một chàng trai xuất gia, tinh tấn tu hành liên tiếp trong chín kiếp, đến kiếp thứ mười là kiếp cuối cùng để thành Phật, chàng thác sinh làm con gái nhà họ Mãng, huyện Hồ Nam, quận Lũng Tài, thành Đại Bang, nước Cao Ly.

Nàng tên là Thị Kính, có tài, có sắc, đầy đủ đức hạnh, lớn lên cha mẹ gã cho chàng Thiện Sĩ họ Sùng.

Thiện Sĩ lo việc đèn sách, nàng lo việc nội trợ. Nhân một đêm đọc sách Thiện Sĩ thấy mệt, nằm ngã lưng xuống ngủ, Thị Kính ngồi may vá một bên, trông thấy sợi râu mọc ngược bên cạnh cằm của Thiện Sĩ, nàng cầm dao lên định cắt sợi râu, không ngờ Thiện Sĩ cựa mình tỉnh dậy, tưởng là vợ giết mình, liền la làng chuyển xóm lên. Thị Kính cố sức giải bày, nhưng Thiện Sĩ không tin, cuối cùng nàng bị đuổi về nhà cha mẹ.

Sau đó, Thị Kính cải dạng thành nam xin đi tu, ở một chùa thật xa tên là chùa Vân, với pháp danh Kỉnh Tâm, dù ăn mặc nâu sòng đơn giản, nhưng chú tiểu Kỉnh Tâm rất đẹp lạ thường.

Thị Mầu - con gái của Ông Phú hộ trong làng thường đến chùa và đem lòng thương yêu trộm, rồi tìm đủ mọi cách quyến rũ, nhưng chú Kỉnh Tâm một mặt khước từ.

Thị Mầu đã tìm cách có thai với tên đầy tớ trong nhà, sau đó hô hoán là có thai với chú Kỉnh Tâm, niềm oan đó chú Kỉnh Tâm phải gánh chịu mọi sự bôi bác, phỉ nhổ, mọi hình phạt cay đắng của dân làng.

Chùa phải cho chú Kỉnh Tâm ở ngoài cổng Tam Quan, Thị Mầu sau khi sinh con đã đem con đến cổng chùa giao cho chú Kỉnh Tâm, Kỉnh Tâm phải đi xin sữa để nuôi cậu bé mỗi ngày, và mỗi ngày chú đều bị dân làng mắng nhiếc thậm tệ, cứ như vậy mỗi ngày qua, chú Kỉnh Tâm nuôi dưỡng chú bé lớn khôn.

Sau đó, chú Kỉnh Tâm sức khỏe yếu dần, biết mình không còn sống được bao lâu nữa, nên đã viết bức thư để lại dặn cậu bé rằng, sau khi ta chết thì trao bức thư này cho vị trú trì.

Đến khi chú Kỉnh Tâm chết, mọi người mới vỡ lẽ ra Kỉnh Tâm là gái giả trai để tu hành.

Trong lúc chùa và dân chúng lập đàn làm chay cầu siêu độ cho chú Kỉnh Tâm, thì Phật Thiên Tôn hiện ra trên mây ngũ sắc, truyền cho Kỉnh Tâm thành Phật hiệu là Quán Âm.

Khi thành Phật Quán Âm, Ngài đã cứu độ cả cha mẹ, người tình cũ, con thơ và cả hằng hà sa chúng sanh khác".

Qua cốt truyện của Quan Âm Thị Kinh, một tác phẩm Phật giáo rất phổ biến ở triều Lê chúng ta thấy gì?

Hẳn nhiên, tùy theo góc độ mà mọi người đứng nhìn để phát hiện vấn đề theo cách thấy của mình.

Nhưng, ở đây chúng tôi đứng từ tinh thần Bồ tát giới, tu tập Bồ tát đạo để nhìn, thì cốt truyện có những tinh thần như sau:

1. Nêu cao tinh thần nhẫn nhục độ trong Bồ tát đạo.

2. Tinh thần tu tập là phải ở trong nghịch cảnh, ở trong sự bạc bẻo khó khăn. Nói cách khác, sự thành tựu đạo quả là sự thành tựu ở ngay nơi mảnh đất sinh tử đầy ngang trái và khổ đau này.

3. Đạo Phật không hèn yếu như một số Nho sĩ xuyên tạc và hiểu lầm, đạo Phật đủ khả năng để chịu đựng mọi ngang trái, mọi bạc đãi đối với mình, đạo Phật còn trung hiếu hơn cái trung hiếu mà Nho sĩ đang đề cao cho triều đình trong sách lược trị dân.

4. Tinh thần trung hiếu trong đạo Phật rất bao la, siêu việt, chứ không phải trung hiếu một cách tầm thường như các Nho sĩ đã học được từ giáo lý Khổng - Mạnh là tam cương, ngũ thường, tam tòng, tứ đức.

Bởi vậy, sau khi nghe đức Phật Thiên Tôn truyền trao cho Kỉnh Tâm làm Phật, thì Sư cụ ở chùa Vân liền ngâm:

"Nay bà Thị Kính hóa duyên,

Nam mô Phật, độ vô biên hằng hà.

Hóa thân được cả mẹ cha,

Kìa là bạn cũ, nọ là con thơ.

Thế gian trông thấy sờ sờ".

Nên, tinh thần Quan Âm Thị Kính là tinh thần thực hành Bồ tát giới, thành tựu Bồ tát đạo của Phật giáo trong triều Lê đó vậy.

Lại chuyện Quan Âm Nam Hải, do một vị Tăng đời Nguyên sáng tác, truyền vào Việt Nam khoảng thế kỷ XIV-XV và đã lưu truyền trong dân gian rất phổ biến suốt triều Nguyễn.

Nội dung cốt truyện Quan Âm Nam Hải như sau:

"Vua Diệu Trang ở nước Hưng Lâm sinh ba công chúa, công chúa thứ nhất là Diệu Thanh, công chúa thứ hai là Diệu Âm và công chúa thứ ba là Diệu Thiện.

Hai công chúa chị vâng lệnh vua cha đi lấy chồng, còn công chúa thứ ba là Diệu Thiện chỉ muốn đi tu thôi.

Vua cha tức giận bắt công chúa Diệu Thiện giam ở ngoài vườn, hai chị và hoàng hậu lén vua ra thăm công chúa và khuyên công chúa nên đi lấy chồng, nhưng nàng có tâm nguyện dứt quyết đi tu thôi.

Vua cha liền bày mưu kế, sắp đặt cho công chúa đến tu một chùa lớn, nhưng mật lệnh cho vị trú trì trong chùa là phải hành hạ công chúa, bắt công chúa làm những việc nặng nhọc, để công chúa thối tâm tu hành, nhưng công chúa vẫn không nản lòng, vẫn siêng năng ngày đêm, ngồi thiền, niệm Phật, lao tác mọi công việc.

Nhiều tuần lễ trôi qua, thấy Diệu Thiện không bỏ chùa, vua nghi là vị trú trì không tuân theo lệnh mình để đày đọa công chúa, nên đã ra lệnh đốt chùa.

Diệu Thiện biết rằng, chính vì do sự tu tập của chính mình mà chùa bị đốt, liền cắn ngón tay ngửa mặt lên trời mà cầu nguyện.

Vua hạ lệnh đem công chúa ra xử chém, nhưng lưỡi gươm khi đến cổ của Diệu Thiện thì bị gãy hai. Đột nhiên trời tối sẫm xuống và có một con mãnh hổ nhảy vào mang Diệu Thiện đi lên núi để Diệu Thiện nằm ở đó rồi bỏ đi.

Diệu Thiện nằm thiêm thiếp, hồn nàng đi xuống âm phủ, chứng kiến bao nhiêu cảnh tượng khổ đau rùng rợn của những người đã tạo ác nghiệp khi còn sống.

Trong khi chứng kiến những cảnh tượng đó, Diệu Thiện rất đau xót. Nàng liền nhất tâm trì chú, niệm Phật. Do công đức từ bi ấy, cảnh giới địa ngục liền thay đổi. Diêm Vương ban xá tất cả tội nhân trong mười tám địa ngục.

Hồn Diệu Thiện trở lại nhân gian nhập vào xác, người tỉnh dậy phân vân chưa biết đi đường nào, thì Phật Tổ Như Lai hóa thân làm chàng trai tuấn tú, tới gần để thử tâm công chúa, nhưng Ngài thấy Diệu Thiện tâm nguyện tu hành vững chắc, nên chỉ đường cho về núi Hương Tích ở Việt Nam, sau nhiều năm tu hành ở núi này, công chúa đã trở thành Phật Quan Âm tại đây.

Sau này, Vua Diệu Trang bị bệnh nan y, Vua yết bảng cầu lương y, hứa rằng nếu ai chữa lành bệnh thì sẽ được trao ngôi. Bấy giờ, không có ai chữa lành, thì Quan Âm là Diệu Thiện hóa thân làm lương y vào chữa bệnh cho Vua, xem mạch xong, lương y nói: Bệnh này không thể chữa trị, nếu không xin được một tay và một mắt của một vị Tiên nữ trên núi Hương Tích và cam quyết rằng, Vua cho người đến xin thì Tiên nữ chắc sẽ sẵn lòng bố thí.

Vua giữ lương y lại và cho sứ thần đi qua nước Đại Việt đến núi Hương Tích, xin được một mắt một tay của Tiên nữ đem về để chữa, nhưng bệnh chỉ thuyên giảm một nữa thân hình.

Lương y bảo phải xin nốt một mắt và một tay còn lại của Tiên nữ để làm thuốc chữa lành hoàn toàn.

Mọi người thấy rằng đi xin như vậy là quá đáng, nhưng lương y nói rằng, vị Bồ tát xả thân cứu người nên thế nào lên xin cũng được toại nguyện.

Kết quả là Tiên nữ bố thí tiếp phần còn lại, đem về chữa Vua khỏi bệnh, Vua định truyền ngôi cho lương y, nhưng chưa kịp làm lễ thì lương y đi mất.

Sau khi lành bệnh, Vua đến núi Hương Tích để tạ ơn Tiên nữ.

Hoàng gia trên đường đến núi Hương Tích, thì tại kinh đô Hương Lâm có cuộc đảo chánh. Phật Quan Âm tức hóa thân Diệu Thiện sai người đem pháp thuật cứu nguy tình thế, giải cứu Diệu Thanh và Diệu Âm.

Sau đó, Diệu Thanh và Diệu Âm cùng đi đến núi Hương Tích với phái đoàn hoàng gia. Lúc đó Quán Âm hiện thân trở lại làm công chúa Diệu Thiện đứng thẳng giữa động, hai mắt bị móc, hai tay bị cắt, máu chảy ròng ròng, Vua và Hoàng hậu nhận ra là con gái của mình, Hoàng hậu lăn ra khóc và bất tỉnh.

Tiếp đến, Diệu Thiện nói: Mình đã móc mắt, cắt tay để cứu cha, nhưng nếu cha mẹ phát nguyện bỏ ác làm lành, tu hành theo đạo Phật, thì bà sẽ có mắt, có tay nguyên vẹn trở lại.

Vua và Hoàng hậu phát nguyện tu tập bỏ ác làm lành theo đạo Phật, lập tức tay và mắt của Ngài Quan Âm hóa thân Diệu Thiện trở lại như cũ. Lúc ấy cả gia đình đều ở lại tu tập tại núi Hương Tích.

Sau đó, công chúa Diệu Thanh được thành tựu hạnh Văn Thù Bồ Tát, cưỡi con voi Sư tử xanh. Công chúa Diệu Âm trở thành hạnh Phổ Hiền Bồ tát cưỡi con voi trắng”.

Cốt truyện Quan Âm Diệu Thiện như vậy, được phổ biến sâu rộng, suốt trong triều đại nhà Lê và cả nhà Nguyễn nữa.

Qua cốt truyện, chúng ta thấy rằng, tinh thần tu tập cầu đạo quả bồ đề, giáo hóa chúng sanh, độ song thân và quyến thuộc, hiếu nghĩa trung tín của đạo Phật rất là siêu việt, rất là rộng lớn, những tinh thần ấy mà có được là chính nhờ tinh thần Bồ tát giới, thực hành Bồ tát đạo đó vậy.

Như vậy, qua cốt truyện Quan Âm Thị Kính và Quan Âm Nam Hải là những truyện mang tinh thần xả kỷ, nhẫn nhục, trung hiếu, đầy tinh thần từ bi và trí tuệ của Phật giáo Đại thừa, tức là đạo lấy tinh thần Bồ tát đạo làm nền tảng cho sự tu tập và hoằng pháp lợi sanh.

Tinh thần tu tập và hoằng pháp ấy, không những đã được sâu rộng trong quần chúng Việt Nam lúc bấy giờ tiếp nhận và thực hành, mà ngay cả ngày nay đạo Phật được phát triển lớn mạnh trên toàn cầu, cũng chính là nhờ tinh thần của những người Phật tử tại gia cũng như xuất gia thực hành Bồ tát đạo vậy.

Chúng ta có thể nói rằng, sau khi Phật giáo bị tuột dốc ở cuối đời Trần và bị bài xích bởi các Nho sĩ triều Lê, nhưng Phật giáo vẫn tiếp tục có mặt, vẫn tiếp tục tồn tại, dù là sự có mặt của Phật giáo ở thời đại này không như thời đại Lý-Trần, nhưng tinh thần Bồ tát đạo đã ăn sâu trong tầng lớp quần chúng. Và nhờ tinh thần Bồ tát đạo ấy, mà bên ngoài đạo Phật in tuồng như suy vi, nhưng kỳ thực đạo Phật vẫn hưng thịnh trong lòng những ai có tâm nguyện thực hành Bồ tát đạo.

Vào hậu bán thế kỷ XVII, Thiền sư Chân Nguyên xuất hiện, nỗ lực tu tập, tham học với Thiền sư Minh Hương, Ngài đã thọ Bồ tát giới, đốt hai ngón tay, thệ nguyện thực hành Bồ tát đạo, Ngài đã nỗ lực gây dựng lại những gì đã bỏ quên đối với truyền thống Phật giáo Việt Nam trước đó.

Năm 1692, Vua Lê Hy Tông đã mời Ngài vào cung để tham vấn đạo Phật. Nhà Vua đã phục tài đức của Ngài và tặng mỹ hiệu là Vô Thượng Công.

Năm 1722, Ngài được Vua Lê Dụ Tông quý trọng và hiến tặng danh hiệu Tăng Thống.

Năm 1726, vào tiết tháng mười Ngài ngồi kiết già mà tịch, thọ 80 tuổi, Vua quan đều kính nể, liền xây dựng hai tháp hiệu là Tịch Quang ở chùa Long Đông và chùa Quỳnh Lâm để thờ Ngài.

Cùng thời với Ngài Chân Nguyên có Ngài Minh Châu-Hương Hải, sau những ngày xuất gia tu học và hoằng pháp, năm 1683, Ngài Hương Hải đến giữ Phật pháp ở Sơn Nam, làm cho Phật pháp không bị đứt đoạn.

Bấy giờ, ở Đàng Trong, Chúa Nguyễn Hoàng (1558-1613) đã dựng xây nhiều chùa chiền làm cơ sở tín ngưỡng cho quần chúng.

Năm 1601, Chúa cho trùng dựng chùa Thiên Mụ, sau đó Chúa làm lễ Vu Lan, lập trai đàn và làm lễ bố thí tại đây.

Chúa cho dựng chùa Sùng Hóa trên nền chùa cổ ở xã Triêm An, huyện Phú Vang.

Năm 1607, Chúa cho lập chùa Bảo Châu ở Trà Kiệu, Quảng Nam.

Năm 1609, Chúa cho lập chùa Kính Thiên, ở Thuận Trạch, Quảng Bình...

Trong thế kỷ XVII, ở Đàng Trong, đã có mặt các Tăng sĩ như:

- Ngài Viên Cảnh và Viên Khoan ở Quảng Trị.

- Ngài Minh Hoằng-Tử Dung khai sơn chùa Ấn Tôn, tức chùa Từ Đàm-Huế ngày nay.

- Ngài Giác Phong khai sơn chùa Thiên Thọ, tức chùa Báo Quốc-Huế ngày nay.

- Ngài Từ Lâm, khai sơn chùa Từ Lâm-Huế ngày nay.

- Ngài Hưng Liên, chùa Tam Thai-Quảng Nam.

- Ngài Pháp Hóa, chùa Thiên ấn -Quảng Ngãi.

- Ngài Tế Viên, khai sơn chùa Hội Tông- Phú Yên.

- Ngài Nguyên Thiều, khai sơn chùa Thập Tháp Di Đà ở Bình Định, chùa Quốc Ân và chùa Hà Trung ở Huế...

Nhờ có mặt của các vị cao Tăng, mà Phật giáo Đàng Trong ở thế kỷ XVII, XVIII được trổi dậy và làm cho chánh pháp không bị mai một.

Lại nữa, các Chúa Nguyễn phần nhiều đều hâm mộ Phật pháp và muốn dùng Phật pháp làm nền tảng tín ngưỡng cho nhân dân.

Vào năm 1695, Chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho người đến tỉnh Quảng Đông để thỉnh Ngài Thạch Liêm sang Thuận Hóa dạy đạo, Chúa đã thọ Bồ tát giới với Ngài Thạch Liêm, có pháp danh là Hưng Long, đạo hiệu là Thiên Túng Đạo Nhân.

Quốc mẫu, Công chúa và các anh em trong phủ Chúa đã phát tâm thọ Bồ tát giới với Ngài Thạch Liêm cả.

Năm 1695, giới đàn được tổ chức tại chùa Thiền Lâm vào ngày mồng 8 đến ngày 12 tháng 04. Trong giới đàn này có đến ba ngàn giới tử vừa là xuất gia vừa là tại gia.

Giới tử xuất gia thọ Sa di và Tỷ khưu giới lên đến 1400 vị, Ngài Liễu Quán đã thọ Sa di trong giới đàn này. Và ngày mồng chín tháng 04 là ngày trao truyền Bồ tát giới cho các vị Tỷ khưu.

Có lần Ngài Thạch Liêm đã giảng hai chữ "trai giới" cho Chúa Nguyễn Phúc Chu nghe như sau:

"Trai giới không phải là chỉ để cho sạch miệng, sạch mình và sạch tư tưởng thôi đâu. Vua mà thọ trì trai giới là làm cho quốc gia từ trên xuống dưới đều được thanh lý chỉnh tề, không một người nào không ngồi đúng chỗ, không một việc nào không giải quyết thỏa đáng. Làm được như vậy mới là sự hành trì trai giới viên mãn của một ông Vua".

Sau đó Chúa được Ngài Thạch Liêm đề nghị thực hiện trai giới bằng cách:

"Trả tự do cho những người bị giam cầm oan ức, phóng thích bớt những tù nhân bị giam cầm trong ngục thất, chẩn cấp cho những kẻ đói nghèo, tháo gỡ cho những kẻ bị đè nén ép uổng, bãi bỏ bớt những điều lệ quá nghiêm khắc, dễ dãi cho những người buôn thúng bán lưng và cho những thợ thuyền".

Ngài còn khuyên Chúa bỏ Luật "tượng hình", là bắt tội nhân phạm trọng giao cho voi quật đến chết, những đề nghị này của Ngài Thạch Liêm đều được Chúa nghe lời.

Nhờ vào sự giáo hóa của Tăng sĩ ở Đàng Trong vào thế kỷ này, cũng như nhờ có đức tin đối với Phật pháp của các Chúa Nguyễn mà nhất là Chúa Nguyễn Phúc Chu, nên đạo Phật Đàng Trong có những sắc thái hưng vượng.

Ngài Liễu Quán (1670-1742), ra đời từ Phú Yên, về đất Thuận Hóa tu tập, thọ Sa di giới với Ngài Thạch Liêm tại giới đàn Thiền Lâm năm 1695, thọ Tỷ khưu Bồ tát giới với Ngài Từ Lâm tại chùa Từ Lâm-Huế, tham vấn lý thiền với Ngài Minh Hoằng-Tử Dung ở chùa Ấn Tôn, rồi chứng ngộ và hoằng pháp, mở bốn giới đàn để làm bậc Hòa thượng thí giới, nhờ vậy mà mạng mạch Phật pháp được lưu chảy đến bây giờ trên đất thần kinh Huế.

Đạo hạnh của Ngài rất được Chúa Nguyễn Phúc Khoát quý trọng, thiền vị của Ngài lại mang hương vị đậm đà sắc thái dân tộc, do đó mà đã được phát triển mạnh mẽ trong những thế kỷ qua và hiện nay vẫn còn tiếp tục vậy.

Sau khi thống nhất sơn hà, các Vua nhà Nguyễn cũng có lòng tín ngưỡng đạo Phật.

Vào năm 1815, Vua Gia Long ra lệnh tu bổ lại chùa Thiên Mụ.

Năm 1826, Vua Minh Mạng sắc lệnh xây dựng lại chùa Thánh Duyên ở biển Tư Hiền-Thừa Thiên Huế.

Năm 1830, Vua cấp chứng đạo độ điệp cho 53 vị cao Tăng cả nước để các Ngài tự do hành đạo.

Năm 1844, phụng hành di chúc của Vua Minh Mạng. Vua Thiệu Trị xây dựng tháp Từ Nhân, sau đổi là tháp Phước Duyên ở chùa Thiên Mụ và cũng năm này Vua Thiệu Trị xây dựng lại chùa Diệu Đế.

Các bậc cao Tăng ở thời buổi này, như Ngài Mật Hoằng đang hành đạo tại Gia Định, đạo phong rất nổi tiếng, Vua Gia Long triệu thỉnh về cung năm 1815 để làm trú trì chùa Quốc Ân và hoằng pháp tại đây.

Năm 1808, Ngài Phổ Tịnh ở Quảng Nam được bà Hoàng Thái Hậu rước về trú trì chùa Thiên Thọ tức Báo Quốc ngày nay.

Thiền sư Thanh Đàm đạo hạnh rất nổi tiếng, lại thêm uyên bác Phật học, trú trì thiền viện Nguyệt Quang, hoằng hóa Phật pháp ở Ninh Bình và đã chú giải nhiều kinh điển Đại thừa như Pháp Hoa Đề Cương, Bát Nhã Trực Giải...

Thiền sư An Thiền trú trì chùa Đại Giác ở Bắc Ninh, tại đây Ngài đã hoằng pháp và sáng tác nhiều tác phẩm như Phụng Chiếu Cầu Pháp, Bản Quốc Thiền Môn Kinh, Đại Nam Thiền Học Sơ Khởi...

Thiền sư Nhất Định, trú trì chùa Thiên Thọ, sau đó trú trì Linh Hựu Quán và chùa Giác Hoàng, Ngài rất được Vua Chúa và nhân dân kính nể, về sau ưa yên tĩnh, nên Ngài đã từ bỏ các chức vị trú trì, tìm đến núi Dương Xuân lập thảo am An Dưỡng, tức là chùa Từ Hiếu ngày nay.

Thiền sư Giác Ngộ, ở xã Đồng Xuân, huyện Phú Yên, Ngài xuất gia tu tập ở núi Long Sơn, đạo hạnh của Ngài rất kỳ vĩ, Vua Minh Mạng rất ngưỡng mộ, đã thỉnh Ngài về kinh đô trú trì chùa Giác Hoàng, sau đó Ngài đã xin rút lui về núi ẩn tu.

Thiền sư Diệu Nghiêm, hiệu là Pháp Chuyên, trú trì chùa Từ Quang-Núi Đá Trắng ở Phú Yên. Đạo hạnh của Ngài rất nghiêm mật, thông suốt kinh luận, đã viết và chú giải nhiều tác phẩm như: Sự Nghĩa Luật Yếu Lược, Sự Nghĩa Quy Nguyên, Kinh Báo Ân... Ngài đã viết một bài tựa ở sách Đại Học Hoằng Giới, có đoạn nói về Đại thừa giới như sau:

"Sách Đại Học mới là đại pháp của chúng sanh có thiện căn phát Bồ đề tâm xuất gia học Phật. Trong đó có phân ra Đại thừa, Tiểu thừa.

Đại thừa chính là do đức Phật Lô Xá Na, lúc mới thành tựu Vô Thượng Chánh Giác dưới cây bồ đề, vì các vị Bồ tát Đại thừa mà truyền tụng mười trọng giới và bốn mươi tám giới khinh, nên giáo huấn và khiến họ hành trì tam tụ tịnh giới".

Lại nữa, cũng trong bài tựa này, Ngài có nói:"Người xuất gia đầu tiên phát Bồ đề tâm là muốn thành Phật, trước hết là cần phải khiêm hạ thân tâm, để phá trừ tính kiêu mạn nhằm mong cầu gặp được vị Minh sư trì luật để thiết tha thọ giới”.

Kinh dạy:"Chúng sanh thọ giới của Phật tức là đi vào địa vị của chư Phật, địa vị đồng đẳng với Đấng Giác Ngộ mà Ngài đã tiếp tục trao truyền cho hết thảy chúng sanh.

Do đó, đức Lục Tổ ở Tào Khê, theo thể Đại thừa đã được truyền tâm ấn của Phật để kế thừa ngũ Tổ Hoằng Mai, thế mà sau đó Lục Tổ còn phải mong cầu thọ giới.

Vậy, Giới há đâu phải là nhỏ? Nên Giới gọi là Đại Học..."

Qua bài tựa của sách Hoằng Giới Đại Học, chúng ta cũng đủ để biết, tinh thần thọ và trì Bồ tát giới của Ngài Diệu Nghiêm lúc bấy giờ là như thế nào?

Năm 1808, Ngài Viên Ngộ dựng chùa Lan Nhã và hành đạo tại làng Thanh Ba, tỉnh Gia Định. Ngài thường phát nguyện thực hành theo hạnh của Bồ Tát Trì Địa, chuyên chặt gai dọn đường để cho dân chúng qua lại.

Năm 1820, bệnh đậu mùa phát sinh trong vùng dân chúng bị lây nhiễm mắc bệnh. Ngài nhịn ăn để trì chú, tụng kinh và cầu nguyện cho đến khi bệnh hết hoành hành, dân chúng sống bình yên ngài mới ăn trở lại.

Năm 1846, Ngài tuyệt thực 49 ngày và viên tịch.

Vào những tháng năm đất nước bị Pháp thuộc, các Vua Thành Thái, Duy Tân... bị nạn, nhân dân gặp nhiều tai ương, Phật giáo cũng cùng chung số phận.

Tuy nhiên, trong thời này cũng có nhiều bậc cao Tăng xuất hiện, như ở Huế có Ngài Tuệ Pháp, mở trường dạy học ở chùa Thiên Hưng, Ngài Tâm Tịnh ở chùa Từ Hiếu, Ngài Viên Giác ở chùa Ba La Mật, Ngài Viên Thành ở chùa Trà Am..., ở Bình Định có Ngài Phước Huệ, Ngài Phổ Tế..., ở chợ Lớn có Ngài Từ Phong, ở Bến Tre có Thiền sư Khánh Hòa, ở Châu Đốc có Ngài Chí Thành, ở Trà Vinh có Ngài Huệ Quang, Ngài Khánh Anh, ở Gò Vấp có Ngài Tâm Thông, ở Gò Công có Ngài Huệ Tịnh,…

Ở Bắc có Ngài Thanh Hanh, Thanh Tường, Thanh Ất, Doãn Hài, Quang Nghiễm... chính các Ngài đã được nêu danh ở trên là những hạt nhân để chấn hưng Phật giáo sau này.

Từ những hạt nhân ấy phát sinh ra các bậc cao Tăng ở Trung như: Ngài Giác Nhiên, Giác Nguyên, Giác Tiên, Tịnh Khiết, Tịnh Hạnh, rồi đến các Ngài Đôn Hậu, Phước Hộ, Trí Thủ, Mật Khế, Mật Hiển, Mật Nguyện, Chánh Thống, Thiện Trí, Trí Nghiêm, Trí Quang, Thiện Minh, Huyền Quang, Thiện Siêu, Thanh Trí, Đức Tâm, Nhất Hạnh,...

Ở Nam phát sinh những vị cao Tăng như Ngài Trí Thiền, Hiển Thụy, Hành Trú, Thiện Hoa, Thiện Hòa, Trí Tịnh, Nhật Liên, Quảng Liên,...

Ở Bắc phát sinh những Ngài cao Tăng như Ngài Tuệ Tạng, Trí Hải, Tâm ứng, Tâm Bảo, Tố Liên, Thanh Hoán, Thanh Hậu, Giải Ngạn, Tuệ Chiếu, Đức Nhuận, Quảng Độ, Tâm Châu, Thanh Kiểm,...

Đối với những hàng cư sĩ tận tâm hộ đạo ở những thời điểm chấn hưng Phật giáo thời này có nhiều vị ở Bắc như: Lệ Thần-Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Văn Giáp, Nguyễn Năng Quốc, Thiều Chửu, Đỗ Nam Tử, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Hữu Tiến,...

Ở miền Trung có cư sĩ Tâm Minh-Lê Đình Thám, Ưng Bàng, Nguyễn Đình Hòa, Nguyễn Khoa Tân, Viễn Đệ, Nguyễn Khoa Toàn, Ưng Bình, Bửu Bác, Trần Đăng Khoa, Lê Thanh Cảnh, Lê Thanh Khiết, Trương Xướng, Tôn Thất Tùng, Tôn Thất Hàng,...

Ở miền Nam có các vị như: Phạm Ngọc Vĩnh, Huỳnh Văn Quyền, Trần Nguyên Chấn, Trần Văn Khuê, Nguyễn Văn Nhơn, Lê Văn Phổ, Nguyễn Gia Cần, Nguyễn Văn Khỏe, Chánh Trí-Mai Thọ Truyền,...

Tiếp nối dòng máu chánh pháp của bao thế hệ đi trước, phong trào chấn hưng Phật giáo tiền bán thế kỷ XX ra đời dưới sự lãnh đạo của các Bậc cao Tăng và sự tận tình hộ đạo của các hàng cư sĩ đương thời, Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học ra đời năm 1931, do Ngài Khánh Hòa đề xướng và Ngài Từ Phong làm Chánh hội trưởng. Tiếp theo là Hội Lưỡng Xuyên Phật Học ra đời và có giấy phép ký ngày 13/08/1934, do Ngài An Lạc chùa Vĩnh Tràng, Mỹ Tho làm Chánh hội trưởng.

Năm 1937, Hội Phật Học Kiêm Tế ra đời, đặt trụ sở tại chùa Tam Bảo ở Rạch Giá do Ngài Trí Thiền làm Chánh tổng lý.

Năm 1932, Hội An Nam Phật Học ra đời, do Ngài Giác Tiên khởi xướng, và cư sĩ Tâm Minh-Lê Đình Thám làm Chánh hội trưởng đầu tiên.

Năm 1934, Bắc Kỳ Phật Giáo Hội thành lập, do Ngài Trí Hải, Tâm Ưng, Tâm Bảo khởi xướng và bầu Nguyễn Năng Quốc làm Chánh hội trưởng đầu tiên.

Bấy giờ bên cạnh các Hội Phật Học còn có ba Giáo Hội Tăng Già Trung-Nam-Bắc làm những Bậc Đạo Sư chứng minh và hướng dẫn sự tu tập và hoằng pháp của các Hội.

Đến ngày 06/05/1951, các vị đại biểu của sáu tập đoàn Phật giáo Trung-Nam-Bắc đã cùng nhau quần tụ về chùa Từ Đàm-Huế để hội nghị, đưa Phật giáo Thống nhất ba miền với danh hiệu là Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam.

Trong Đại hội, bản tuyên ngôn được công bố, mang tinh thần Bồ tát giới, thực hành Bồ tát đạo như sau:

"Bánh xe chánh pháp xoay vần trên khắp quốc độ Việt Nam đến nay đã gần 20 thế kỷ. Nhân tâm, phong tục, văn hóa, chính trị trong nước đều đã ảnh hưởng sâu xa của Phật giáo. Tăng đồ và thiện tín từ Bắc vào Nam, một lòng quy ngưỡng Đức Điều Ngự Thích Ca Mâu Ni, sống trong tinh thần Từ-Bi-Hỷ-Xả và luôn lo toan xây dựng hòa bình.

Nhưng sự đời không hòa hợp với lòng mong mỏi, hoàn cảnh trước đây, chia ranh giới ba phần, nên Phật sự cũng phải tùy duyên, mặc dù Phật pháp là bất biến, sự tướng mỗi phần mỗi khác, làm cho mắt bàng quan xem như có phần chia rẽ.

Nay, cơ duyên thuận tiện, Phật Giáo Việt Nam phải được thống nhất. Hơn nữa, họa chiến tranh đang gieo rắc khắp nơi, nhân loại đang lâm vào cảnh lầm than phiền não. Chính là lúc Đạo Từ Bi và Vô Thượng phải đem nước Cam Lồ mà rưới tắt lửa sân si để xây dựng cảnh hòa bình cho nhân loại".

Mặc dù, Phật giáo đã thống nhất với sáu tập đoàn vào năm 1951, nhưng không phải vì vậy, mà có sự êm xuôi để hoằng pháp, vẫn còn có những khả năng và những mâu thuẫn nội tại đến ngoại tại, nên cũng năm 1951 này, Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Toàn Quốc ra đời, suy cử Ngài Tuệ Tạng làm Thượng Thủ.

Đạo dụ số 10 của chính quyền bảo hộ soạn ra ép buộc Quốc trưởng Bảo Đại ký năm 1950, đặt ra các tổ chức tôn giáo là một hiệp hội thông thường, ngoại trừ tổ chức Thiên Chúa Giáo là vượt lên trên thể chế Hiệp Hội.

Mọi vận động đưa đến Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam vô cùng khó khăn, khó khăn từ phía nội bộ, vì có những Tăng sĩ tuy tu tập nhưng mang đầy ngã tính và ngã sở, lại khó khăn bên ngoài là các thế lực chính trị lợi dụng tôn giáo để phục vụ cho mưu đồ đảng phái và cũng tìm cách phân hóa nội bộ Phật giáo thành từng nhóm như Thuyền Lữ, Cổ Sơn Môn, Lục Hòa Tăng,... để thống trị.

Năm 1963, lệnh triệt hạ cờ Phật giáo của chính quyền Tổng Thống Ngô Đình Diệm và đã bắn chết các Phật tử tại Đài Phát Thanh-Huế, và từ đó làm phát khởi phong trào đấu tranh đòi hỏi bình đẳng tôn giáo và yêu cầu chính quyền của Tổng Thống Ngô Đình Diệm đáp ứng năm nguyện vọng của Phật giáo đồ như sau:

1. Yêu cầu chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thu hồi vĩnh viễn công điện triệt hạ Giáo kỳ Phật giáo.

2. Yêu cầu Phật giáo phải được hưởng một chế độ đặc biệt như các Hội truyền giáo Thiên Chúa giáo đã được ghi trong Đạo dụ số 10.

3. Yêu cầu chính phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ và khủng bố tín đồ Phật giáo.

4. Yêu cầu cho Tăng Ni Phật giáo được tự do truyền đạo và hành đạo.

5. Yêu cầu chính phủ đền bồi một cách xứng đáng cho những kẻ chết oan vô tội và kẻ chủ mưu giết hại phải đền tội xứng đáng.16

Năm nguyện vọng Phật Giáo Việt Nam đòi hỏi, chính quyền của Tổng Thống Ngô Đình Diệm không đáp ứng, lại còn đán áp Phật giáo một cách mãnh liệt, khiến xu thế thời đại phải dẫn đến cuộc cách mạng ngày 01/11/1963, chính quyền của Tổng thống cai trị miền Nam cáo chung.

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời, sau bốn ngày đại hội kể từ ngày 31/12/1963 đến ngày 04/01/1964, với một bản Hiến Chương bao gồm hai Viện: Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo.

Viện Tăng Thống do Ngài Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Tăng Thống, Viện Hóa Đạo do Ngài Hòa thượng Thích Tâm Châu làm Viện Trưởng, văn phòng của hai Viện đầu tiên đều đặt trụ sở tại chùa Ấn Quang - Chợ Lớn - Sài Gòn.

Lời mở đầu của bản Hiến Chương có nội dung như sau:

"Công bố lý tưởng hòa bình của giáo lý đức Phật, hai tông phái Phật giáo (Bắc tông và Nam tông) tại Việt Nam, thực hiện nguyện vọng thống nhất thật sự hoài bão từ lâu để phục vụ nhân loại và dân tộc. Đó là lập trường thuần nhất của GHPGVNTN.

GHPGVNTN không đặt sự tồn vong của mình nơi nguyên vị cá biệt mà đặt sự tồn tại ấy trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc.

Quan niệm thống nhất Phật Giáo Việt Nam được thể hiện theo chủ trương điều hợp, nghĩa là giáo lý, giáo luật và nếp sống của hai tông phái cũng như hai giới Tăng sĩ và cư sĩ chẳng những được tôn trọng mà còn phải nỗ lực phát triển trong sự kết hợp có chỉ đạo.

Chính đó là sắc thái đặc biệt của nền Phật Giáo Thống Nhất tại Việt Nam".

GHPGVNTN là kế thừa kết quả của một quá trình tu tập và hành đạo, trên bản nguyện thượng cầu, hạ hóa của lịch Đại Tổ Sư Việt Nam.

Nếu hàng Tăng sĩ và cư sĩ Phật giáo không có tâm nguyện tu tập và hoằng pháp lợi sinh, dựa trên nền tảng Bồ đề tâm, thì ngày nay không những không có đạo Phật trên đất nước Việt Nam đã đành, mà nền văn hóa và tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam không biết sẽ như thế nào, nhưng chắc chắn rằng, không như ngày nay, nghĩa là không có một niềm tự hào gì xứng đáng cho nền văn hóa và tôn giáo dân tộc.

Mặc dù, lịch Đại Tổ Sư đã kế tục nhau truyền trao chánh pháp qua bao thời đại thăng trầm của lịch sử và các vị cư sĩ đã có công tâm tận tình hộ đạo không kể cả gian nguy, nếu không phát khởi đại nguyện, không kiên tâm trì chí, không khéo vận dụng và ứng xử thì ngày nay Phật giáo Việt Nam, có còn chăng chỉ là một món đồ cổ để trang hoàng ở bảo tàng viện cho khách tham quan.

Thế mới biết, trải qua bao sự thăng trầm, đạo Phật vẫn còn đó, vẫn hiển lộ ra đó, với bất cứ ai có tâm nguyện rộng lớn, lấy Bồ đề tâm làm bản chất, lấy Bồ tát giới làm bản nguyện hoằng pháp độ sinh, thì dù ma quân có tàn hoại Đạo Pháp đi nữa, nhưng Đạo Pháp vẫn sáng ngời, không hề bị tổn hại một sợi lông.

Trái lại, người tu tập và hộ đạo mà không dựa trên Bồ đề tâm, thọ trì Bồ tát giới, thực hành Bồ tát đạo, đã không như vậy mà lại còn mang đầy ngã tính và ngã tướng, thì dù cho Thiên thần có ủng hộ, thì Đạo Pháp vẫn đắm chìm như mặt nhật rơi xuống rừng sâu.

Viết đến đây, lòng tôi nghẹn ngào, xúc động vô cùng quý kính các bậc cao Tăng và Phật tử quá khứ đã dày công xây dựng đạo, đời và vô cùng thương tưởng đến thế hệ tương lai, đồng thời làm lời sách tấn cho chính bản thân mình đang hành đạo trong thời buổi hiện tại.

Nhân loại hiện tại và tương lai muốn sống trong tinh thần hòa bình, cộng tác và hiểu biết, thì các nhà lãnh đạo chính trị trên thế giới, không những chỉ xem đạo Phật như là một phần tín ngưỡng trong cuộc sống của nhân loại, mà phải hiểu biết thêm rằng, giềng mối cho sự ổn định thế giới, bảo vệ công bằng lẽ phải cho xã hội, yêu mến loài người, loài vật và thiên nhiên lại là những điều then chốt về Đức hành và Trí hành của Phật giáo, mà tiêu biểu nhất là tinh thần thọ trì Bồ tát giới.

"Nếu một vị quốc chủ thọ trì Bồ tát giới, thì chỉ cần một giọt mực nơi ngọn bút của họ rơi xuống trên mảnh giấy, cũng đủ sức làm cho ngọn sóng triều nhân ái trào dâng làm tươi nhuận cả sơn hà đại địa.

Giọt mực ấy, chẳng khác nào giọt nước cam lồ đầu cành dương liễu của Bồ Tát Quán Thế Âm, rảy xuống trần gian làm cho vạn cây khô hồi sinh trở lại thành sức sống của mùa xuân và chuyển hóa cõi uế độ trở thành tịnh độ".

Bất cứ lúc nào và ở đâu, có những vị thọ trì, thực hành Bồ tát giới, thì ở đó có đạo Phật thật sự, ở đó có tinh thần hòa bình và an lạc, ở đó có tinh thần vị tha, vô ngã, ở đó đang và sẽ có cõi Tịnh Độ vậy.

T.T.H.


1 Kinh Đại Bản- Trường Bộ III, ĐHVH, 1972.

2 Lược sử Phật giáo Ấn Độ - Thích Thanh Kiểm, tr91-93, Vạn Hạnh 1963.

3 Lịch sử triết học Ấn Độ- Thích Mãn Giác, tr169-171, ĐHVH, 1967.

4 Theo các sách Hậu Hán kỷ - Phật Tổ Thông Kỷ - Mâu Tử Lý Hoặc Luận.

5 Việt Nam Phật Giáo Sử Luận- Nguyễn Lang, tr.22, Lá Bối xb. 1972 - Paris.

6 Phật Thuyết Đại Thừa Phương Đẳng Yếu Tuệ Kinh, tr.186, ĐTTT 12.

7 Việt Nam Phật Giáo Sử Luận I- Nguyễn Lang, tr.17 - Lá Bối xb, 1977 - Paris.

8 Theo Bản Sanh Kinh.

9 Lục Độ Tập Kinh IV, tr.16 - ĐTTT 3.

10 Sách đã dẫn, tr.17, nt.

11 Việt Nam Phật Giáo Sử Luận I - Nguyễn Lang, tr.17 - Lá Bối xb, 1977 - Paris.

12 Sách đã dẫn, tr.176, nt.

13 Bài tựa Thiền Tông Chỉ Nam- Trần Thái Tôn.

14 Khóa Hư Lục- Trần Thái Tôn.

15 Theo sách Tam Tổ Thực Lục.

16 Theo sách Công cuộc tranh đấu của Phật Giáo Việt Nam, Đuốc Tuệ - Sài Gòn, 1964.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]