Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

04. Vô thường

17/12/201115:19(Xem: 7401)
04. Vô thường

CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC

Tác giả: Viên Minh
Đồng tác giả: Trần Minh Tài

VÔ THƯỜNG

Ba tướng (Tilakkhana) vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta) là ba tính chất nội tại của vạn pháp. Những yếu tính đó đôi lúc được gọi là pháp tánh (dhammatā), như thị tánh (yathābhūtā), chân đế (paramatthasacca)hay thực tánh (sabhāva). Đức Phật đã chỉ rõ:

"Tất cả hữu vi là vô thường
"Tất cả hữu vi là khổ
"Tất cả pháp đều vô ngã"

Lý vô thường không phải là giáo lý duy nhất của Đức Phật. Vào thế kỷ thứ 6 trước tây lịch, một triết gia hy lạp Herakleitos đã nói "Tất cả đều ở trong trạng thái biến đổi" (All is in a state of flux)hay "Mọi vật đều trôi chảy"nghĩa là vạn hữu đều bị chi phối bởi luật vô thường, biến đổi. Về phương diện hiện tượng, chân tính của lý vô thường đã được chứng thực một cách hùng hồn qua kinh nghiệm giác quan của chúng ta.

"Không có thực tại bất biến, chỉ có biến đổi. Tình trạng của mọi cá thể đều bất định, tạm thời và chắc hẳn phải hủy diệt. Trong mỗi sinh cơ bao gồm mỗi yếu tố vật chất và một chuỗi yếu tố tâm linh liên tục. Chính sự phối hợp giữa những yếu tố này đã tạo ra cá nhân, mọi người, mọi vật và cả chư thiên; vì thế cũng là tập thành, duyên hợp. Và trong mỗi cá nhân, sự liên hệ giữa những phần tử tập thành luôn luôn thay đổi, không bao giờ tồn tại trong hai sát-na liên tiếp. Khi một cá thể vừa mới tập thành thì sự phân tán cũng đã bắt đầu. Không có một cá thể nào không tập thành, không một tập thành nào không thay đổi, không một thay đổi nào không dị biến, và không một dị biến nào mà không phân tán, hủy diệt, chu trình đó không sớm thì muộn cũng phải hoàn tất"(Tiến sĩ Hàn Lâm Viện Anh T.W. Rhys Davids).

Nhưng chúng ta có thể hỏi tại sao vạn hữu đều vô thường, biến đổi? Luật vô thường phổ quát liên hệ mật thiết với định lý nhân quả, trong đó sự hình thành tiên định hủy diệt và sự hủy diệt tiên định một sự hình thành khác. Như kinh Mahāparinibbāna (Đại Bát-Niết-bàn) dạy: "Cái gì hiện hữu cũng phải có nguyên nhân, điều kiện và hủy diệt".

Luật vô thường được biểu thị qua ba phương diện:

- Vô thường của kiếp sống.
- Vô thường qua sát-na.
- Vô thường trong pháp hữu vi.

1. KIẾP SỐNG VÔ THƯỜNG .

Theo Phật giáo thì cái gì có sinh tất có diệt. Nói rõ hơn là tất cả cái gì do duyên hợp mà sinh thì cũng do duyên tan mà diệt. Một kiếp sống của một con người khởi đầu sinh ra do duyên tinh cha, noãn mẹ và hương ấmmà thành nên dĩ nhiên khi duyên sinh nghiệp hoặcthọ mạng hoặccả haikhông còn thì chết. Một kiếp người tất yếu phải trải qua các giai đoạn biến đổi sinh, lão, bệnh, tửtheo định luật vô thường của các pháp hữu vi.

Ngày nay thuyết bảo toàn năng lượng chứng minh rằng vật chất không hoàn toàn bị hủy diệt, chúng chỉ biến đổi từ hình thái nầy qua hình thái khác. Phật giáo nói rằng không những vật chất mà cái tâm cũng vậy, chúng luôn luôn biến đổi từ quá khứ đến hiện tại và vị lai. Có thể nói sự biến đổi nầy là không có bắt đầu, không có chấm dứt (vô thỉ vô chung). Thật vậy, khó mà chấp nhận được rằng "có"sinh từ "không"hay "không"sinh từ "có".Làm gì có một vật tự sinh mà không do những điều kiện đã có sẵn hợp thành, và cũng không thể có một vật nào đi đến hủy diệt hoàn toàn. Có sinh từ khônghay ngược lại là để chỉ cho sự sinh diệt diệt sinh của một giai đoạn quy ước nào đó như cách Lão Tử nói: "Lấy đất làm ra cái chén, tức là cái chén từ không mà có"điều nầy thì không có gì khó hiểu.

Vậy không một ai thoát khỏi định luật vô thường, sống chết trong một kiếp người. Đức Phật dạy trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada) rằng:

Na antalikkhe na samuddamajjhe.
Na pabbatāna
ṁ vivaraṁ pavissa
Na vijjati so jagatippadeso
Yatthatthita
ṁ nappasahetha maccu.

"Dù giữa không trung, biển cả
hay trong núi thẳm hang sâu,
không đâu trên cõi trần thế
có thể tránh khỏi tử vong".

2. SÁT-NA VÔ THƯỜNG

Sát-na (khana)là thời gian chớp nhoáng của mỗi biến đổi. Sát-nanghĩa đen là chớp mắt,ám chỉ thời gian cực nhanh, trong một giây có hàng tỷ sát-na thế mà trong một sát-na lại có ba thời: sinh - trụ - diệt. Theo Abhidhamma Mahāvibhāsanhững sự biến đổi của hiện tượng được giải thích một cách rõ ràng như sau: "Vạn pháp luôn luôn biến đổi, không một vật gì có thể tồn tại trong hai sát-na liên tiếp".Đó là sự biến đổi mắt thường không thấy được, cho nên mới phát sinh quan niệm thường kiến, chỉ khi nào đạt được trí tuệ mới thấy rõ thực tánh vô thường của vạn hữu.

Khi ngũ căn bắt đầu tiếp xúc với ngũ trần cho đến khi nhận thức được đối tượng ấy thì một tiến trình tâm-sinh-vật lýkhởi lên rồi diệt đi qua 11 giai đoạn, kéo dài 17 sát-na. Trong một giây có hàng tỷ tiến trình tâm sinh diệt mà mỗi sát-na lại có 3 thời sinh trụ diệt nữa, như vậy trong một giây có biết bao sự sinh diệt vô thường.

Vào thế kỷ thứ 5, Ngài Buddha Ghosađã viết trong Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) như sau: "Theo nghĩa rốt ráo, mỗi sát-na của sự sinh tồn rất ngắn ngủi, chớp nhoáng như một ý niệm phát khởi. Giống như một bánh xe, khi lăn chỉ tiếp xúc với mặt bằng tại một điểm, khi dừng cũng chỉ tựa trên một điểm, cũng vậy mỗi sát-na sinh tồn của chúng sanh chỉ tồn tại trong một tâm niệm; khi tâm niệm chấm dứt, thì đời sống chúng sanh ấy cũng chấm dứt: ở quá khứ chúng sanh ấy chỉ sống trong một tâm niệm quá khứ chứ không sống trong một tâm niệm hiện tại và vị lai; trong vị lai chúng sanh ấy chỉ sống trong một tâm niệm vị lai chứ không sống trong một tâm niệm quá khứ và hiện tại".

Như vậy, có một nguyên động lực nào nhờ đó mọi vật biến đổi hay không? Tất cả xe cộ chạy được là nhờ một động cơ, máy xay chạy bằng gió, quả đất quay quanh trục và quỹ đạo của nó vì ảnh hưởng bởi lực ly tâm và sức hút của mặt trời. Vì thế động lực của sự biến đổi thể hiện theo nguyên tắc bốn tướngcủa pháp hữu vi là sinh, trụ, dị, diệt. Tuy nhiên, vì một sát-na quá nhanh nên chỉ diễn ra ba trạng thái sinh (uppāda), trụ (thiti), diệt (bhanga) mà thôi.

3. HỮU VI VÔ THƯỜNG

Đức Phật dạy: "Sabbe sankhārā aniccā"hoặc "Aniccā vata sankhārā"có nghĩa là tất cả pháp hữu vi đều vô thường, biến đổi không ngừng. Pháp hữu vi (sankhārā) là tất cả hiện tượng hay những gì hiện hữu do nhiều yếu tố hợp thành, hay nói cách khác là donhân duyênsinh. Nhân là lý do hay yếu tố nội tại, duyên là điều kiện bổ sung; khi đầy đủ nguyên nhân và điều kiện thì một pháp hữu vi hay một hiện tượng được hình thành, khi nguyên nhân và điều kiện tan rã thì hiện tượng ấy trở về không. Không phải hữucó từ khônghay không là bản chất của hữu hiểu theo nghĩa triết học, mà cụ thể là không và có là do nhân duyên tan hợp. (Ở đây chúng ta không nói cái không của ý niệm trong trí tuệ). Trong sự biến đổi của pháp hữu vi, chúng ta có thể chấp nhận ngay rằng mọi vật đều có sinh có diệt, có thành có không, do vô thường hay giả hợp, nhưng khó thấy được sự sinh diệt vô thường đó trong từng giây, từng phút bằng giác quan, bằng tưởng tri hay bằng thức tri, mà chỉ có thể thấy được bằng trí tuệ bát-nhã (pannāya passati) mà thôi.

Chính vì bản chất của pháp hữu vi là chuyển biến vô thường nên pháp này sinh thì pháp kia sinh, pháp này diệt thì cái kia cũng diệt, hoặc ngược lại: pháp này diệt giúp pháp kia sinh, pháp này sinh tạo điều kiện cho pháp kia diệt. Vô thường khiến người ta đau khổ hay vô thường giúp con người tiến hóa còn tùy thuộc vào mức độ nhận thức về yếu tính nầy của sự sống.

Hữu vi có hai loại là sắc hữu vi và tâm hữu vi:

- Sắc hữu vi: là hữu vi trong hiện tượng vật lý thiên nhiên và trong hiện tượng sinh học. Bản chất là vô thường, vô ngã nhưng nổi bật là vô thường(sabbe sankhārā aniccā’ti)

- Tâm hữu vi: là hữu vi trong hiện tượng tâm lý thuần túy, thuộc định luật về tâm (citta niyāma),và trong hiện tượng tâm lý tạo tác, thuộc định luật về nghiệp (kamma niyāma).Bản chất là vô thường, khổ, vô ngã nhưng nổi bật là khổ (sabbe sankhārā ca dukhā’ti).

Vì không phân biệt được hai loại hữu vi này nên nhiều người đã gán cái khổ lên tất cả mọi thứ, khiến cho Đạo Phật bị xem là bi quan yếm thế, mặc dù sự thật là ngay cả hiện tượng vật lý tự nhiên lắm lúc cũng không hoàn toàn tự nhiên mà chính là do con người góp phần tạo ra, như bão, lũ, động đất và rất nhiều hiện tượng khác đã mang dấu ấn bàn tay con người góp sức vào, hiện tượng sinh học lại càng rõ nét hơn trong nguyên tắc "tướng tự tâm sinh"vì vậy sắc hữu vi tự nó không khổ cũng đã biến thành nỗi khổ của con người dù là trên bình diện vật lý hay sinh lý.

Trong KinhVô Ngã Tướng (Anattalakhanasuttaṁ) Đức Phật hỏi các vị tỷ kheo:"Cái gì vô thường cái ấy khổ hay lạc?". Các vị tỷ kheo trả lời là:"Khổ". Cái gì vô thường(Yampanāniccaṁ) ở đây ám chỉ ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc thuộc sắc hữu vitrong hiện tượng sinh học, cụ thể như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân; còn thọ, tưởng, hành, thức thuộc tâm hữu vi.Tuy nhiên, trong hai loại sắc hữu vi thì loại thuộc hiện tượng sinh học hầu hết do tâm sinh nên tính chất nổi bật của các sắc ấy vẫn là khổ, đúng như các vị tỷ kheo đã trả lời một cách đúng đắn.

Tóm lại, vì vô minh ái dục những người không nhận ra được bản chất vô thường của pháp hữu vi đã có ảo vọng về một bản ngã và thế giới thường còn, từ đó phát sinh ra thường kiến, ngã chấp, và cũng từ đó nhận lấy hậu quả phiền não khổ đau, luân hồi sinh tử. Chỉ khi nào nhận chân được thực tánh vô thường và loại trừ những tà kiến ngã chấp chúng ta mới có thể tự do tự tai, ung dung giải thoát.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]