Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tuyển tập 20

26/11/201102:45(Xem: 13424)
Tuyển tập 20

Tình Tự Quê Hương 20

01. Hồn sông núi, gác câu thề bỏ ngỏ

02. Ta về

03. Khổ nghèo ôm thân phận

04. Không thành danh cũng thành nhân em nhé

05. Ngày qua như một cơn mê

06. Kê đầu gối trăng

07. Trăm năm chi nữa đón mời thế nhân

08. Bao năm đi nữa vẫn còn trời quê

09. Thương người phế binh

10. Hãy nói dùm tôi

Hồn sông núi, gác câu thề, bỏ ngõ!

Tháng 04-2005

Một ngày năm ấy

Quê hương tràn khói lửa

Họ đã chiếm Miền Nam. Dẫm ra Miền Trung

Và đạp lên đất Bắc. Vậy là hết rồi

Bóng dáng thực dân, bắt đầu quay lại

Bốn năm sau, như con tàu cần tay lái

Họ trao cho mình lập chính thể quốc gia

Chỉ coi về hành chánh, trị an, lấy lệ qua loa

Còn tất cả, họ nắm vai trò chủ chốt

Một ngày năm ấy

Trận cứ điểm dâng cao cùng tột

Biến Việt Nam thành hai mảnh phân đôi

Bến Hải chia phôi. Hai bờ vĩ tuyến

Miền Bắc đây rồi, buồn buồn khói quyện

Miền Nam đây rồi, mờ tỏa bụi bay

Hai khối tranh nhau, đạn xới bom cày

Làm tan nát ngửa nghiêng mọi miền đất mẹ

Một ngày năm ấy

Xéo cả quê hương, điêu linh quạnh quẽ

Họ bày trò, Việt Nam tự quyết lấy nhau

Sự tự quyết kia, nói nữa chi đau

Những vết tích tro tàn khơi tức tưởi

Miệng không nói được, tê đầu ngọn lưỡi

Tai không nghe được, tủi nhục phủ đầu

Vận nước nổi trôi, cuốn chảy qua cầu

Giờ lịch sử rung theo chiều dĩ vãng

Một ngày năm ấy

Tấp bờ lau, giạt bơ phờ, tản mạn

Trông mong manh, liều nhắm mắt, từ ly

Cuối phương trời phó một chuyến ra đi

Thân đất khách mấy mươi năm trôi nổi

Một ngày năm ấy

Quá khứ dần qua, tương lai chưa tới

Quê hương ơi, còn đợi biết bao giờ

Việt Nam ơi, sông nước chảy mấy bờ

Thuyền viễn xứ lang thang về bến cũ

Một ngày năm ấy

Nhận bao nhiêu, không đủ

Cho bao nhiêu, không thừa

Tình quê hương tròn nguyện ước hay chưa

Hồn sông núi gác câu thề bỏ ngõ !

Ta về

Tháng 04-2005

“Ta về ta tắm ao ta

Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”

Ta về gìn giữ keo sơn

Dù xưa dù cũ không sờn sắc son

Ta về xây đắp núi non

Dù cho nước chảy đá mòn chẳng phai

Ta về xây dựng tương lai

Dù cho tháng đợi năm dài chẳng thuyên

Ta về thăm lại mọi miền

Nước non một dãi nối liền quê hương

Ta về nhắn gởi tình thương

Rung lên từng nhịp trên đường ta đi

Ta về thăm lại Kinh Kỳ

Thành đô Phố cũ những gì xa xưa

Ta về cho nắng đổ mưa

Cho hương thơm nhụy cho vừa những ai

Ta về Bến Nghé, Đồng Nai

Nhớ thương lục tỉnh, vành đai Sài Gòn

Ta về Hà Nội bồn chồn

Buồn trông hoài cổ nghe hồn nao nao

Ta về như giấc chiêm bao

Như đêm đã hết trăng sao còn gì

Mới ngày nào đó ta đi

Thời gian đã đổi đến khi ta về

Mới ngày nào đó ta về

Thời gian đã đổi lối về ta đi

Ta đi không nghĩa từ ly

Như tàu rời bến cũng vì sân ga

“Ta về ta tắm ao ta

Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”

Khổ nghèo ôm thân phận !

Tháng 04-2005

Ai có hiểu những con người nghèo khó

Cả cuộc đời thắt ngặt đến ngu ngơ

Cái nghèo đeo dai dẳng muốn phát khờ

Làm chi được cái khôn đem bó rọ

Mới mở mắt đã thấy đầy gian khó

Đến tối mò cái khổ lại chồng thêm

Có những khi đang ngủ nó nổi lên

Thành giấc mơ hãi hùng lo trối chết

Khổ với nghèo ngày càng thêm đan kết

Tháng năm dài đờ đẫn thở hết ra

Đi đó đây nhìn cuộc sống của người ta

Về vừa tới xó nhà trông phát quải

Người cùng khốn cái nghèo đèo cái dại

Mới có câu cái khó bó cái khôn”

Theo thời gian thêm ứ đọng dập dồn

Tiền với bạc chẳng bao giờ dính túi

Vậy mà suốt đời sớm hôm cặm cụi

Mái nhà tranh đắp vá đám ruộng cằn

Khi thất mùa phải lo chạy cân đong

Khi bịnh hoạn nằm lì không thang thuốc

Người dư dả nói sao nghe mướt rượt

Đâu phải tôi chỉ an phận thủ thường

Không có tiền làm sao chải với bương

Đã vay mượn vài phen lời sanh lỗ

Trả không nổi nên đày thêm cái khổ

Số khổ nghèo còn lớn hơn số không

Còn nặng hơn đeo tù ngục cùm gông

Không xiềng xích mà cả đời tù túng

Người nghèo khổ còn hơn người giam lỏng

Còn hơn người vỡ nợ thở không ra

Chuyện nọ kia càng khốn khổ thấy bà

Nên lủi thủi xó nhà ôm thân phận !

Không thành danh cũng thành nhân em nhé !

Tháng 5-2005

Người em nhỏ, đang làm gì, đứng đó

Sao buồn buồn, dáng tư lự, đăm chiêu

Hay nhìn đời giữa gió tấp muôn chiều

Cái tuổi trẻ của em, nhiều ái ngại

Đời là cuộc trường chinh ngàn quan ải

Sống là cuộc phiêu hành vạn chông gai

Ai cũng như ai, rồi cứ thế, miệt mài

Và mỗi kẻ, một cuộc đời, tiến bước

Vì lớn hơn em, nên tôi đi trước

Vì nhỏ hơn tôi, em sẽ đi sau

Cùng nhân gian nhưng sẽ chẳng giống nhau

Vốn đã khác bỡi mỗi người một vẻ

Đã bước đi, phải đôi lần vấp té

Vấp té rồi, thì lại phải đứng lên

Đừng sợ lo, mà nằm đó, ngủ quên

Đời, phải biết thành công nhờ thất bại

Em cứ giữ con thuyền và vững lái

Nước muôn sông, đời muôn nẻo, để đi

Sống trong đời đừng có ái ngại chi

Em cứ sống, rồi ra, em sẽ biết

Em cứ sống như lòng em đã quyết

Cứ bước đi rồi sẽ đến, em ơi

Khi đã mang một kiếp sống con người

Không thành danh cũng thành nhân, em nhé !

Ngày qua, như một cơn mơ !

Tháng 5-2005

Ngày qua, rồi đã đi đâu

Sao tìm lại được bóng câu xa mờ

Ngày qua, như một cơn mơ

Dọc đường trôi nổi bên bờ bụi bay

Ngày qua, qua mãi ai hay

Rong rêu dĩ vãng phủ dày gió sương

Ngày qua, ngọn cỏ bên đường

Bước đi bước để bước vương dấu giày

Ngày qua, chiếc lá vàng bay

Rụng rơi mấy lá, vàng bay lá vàng

Ngày qua, mây gởi lên ngàn

Trăng sao mờ nhạt lang thang phương trời

Ngày qua, chìm nổi chơi vơi

Hoa trôi man mác, nước trôi hững hờ

Ngày qua, đã mất bao giờ

Phải chi đừng đến bao giờ ngày qua

Thì ta còn có bên ta

Thời gian đừng đến, ngày qua sao về

Ngày qua, như một cơn mê

Bỗng choàng thức giấc, bốn bề đã qua.

Kê đầu gối trăng !

Tháng 5-2005

Cho tôi tìm lại ngày qua

Để trông dĩ vãng đã xa đâu rồi

Cho tôi tìm lại cuộc đời

Những ngày xưa cũ lên đồi rêu phong

Cho tôi tìm lại bên dòng

Thuyền xa bến nước còn mong đôi bờ

Cho tôi tìm lại giấc mơ

Khi đang ngái ngủ vật vờ đêm qua

Cho tôi tìm lại mái nhà

Đường xưa lối ngõ ngàn xa đi về

Cho tôi tìm lại ước thề

Những khi nào đó còn chưa toại nguyền

Cho tôi một giấc ngủ yên

Để quên tất cả giữa miền hoang vu

Cho tôi tìm lại thiên thu

Của tôi mãi mãi mặc dù chưa qua

Cho tôi tìm giãi ngân hà

Có vì tinh tú ngàn xa chưa về

Tay ôm giấc điệp mân mê

Vầng trăng nghiêng bóng nằm kê gối đầu

Canh dài tỉnh mộng đêm thâu

Vầng trăng còn đó kê đầu gối trăng.

Trăm năm chi nữa,

đón mời thế nhân !

Tháng 5-2005

Canh dài nói chuyện đêm thâu

Sao nghe đến cả tinh cầu lặng yên

Canh dài thời khắc nối liền

Sao nghe quán trọ giữa miền hoang vu

Một đêm rơi vực thâm u

Ba đêm lên đỉnh thiên thu riêng mình

Nghe từng âm vọng rung rinh

Nghe từng làn gió lung linh mịt mờ

Vầng trăng khi tỏ khi mờ

Ngàn sao xa tít vật vờ ngàn xa

Một đêm, qua nữa chưa qua

Sao lu chưa tắt, trăng tà chưa vơi

Đêm dài thời khắc rụng rơi

Trăm năm, thôi nhé ! Cuộc đời quá lâu

Đeo chi đá đã đeo sầu

Qua chi mấy khúc nhịp cầu lại qua

Sắc màu gợn sắc chưa pha

Châu còn lẫn đá, ngọc ngà chưa trui

Bao đêm, thức trắng, ê người !!!

Trăm năm chi nữa, đón mời thế nhân !!!

Bao năm đi nữa, Vẫn còn trời quê !

Tháng 5-2005

Trời quê, một cõi xa xưa

Nhớ nhung biết mấy, chưa vừa là sao

Ra đi, một độ thuở nào

Thời gian rụng nhớ vẫn nao nao lòng

Nhớ con sông nhỏ cong cong

Nhớ đồng lúa chín theo dòng tuổi thơ

Nhớ đò đứng đợi hai bờ

Người đi người đến lơ thơ sáng chiều

Nhớ trời quê vắng cô liêu

Nhớ em bé nhỏ thả diều kéo dây

Đêm về, bóng tối khép mây

Trăng sao khép cả chưa đầy không gian

Còn không xóm nhỏ thôn làng

Mái tranh nhả khói chứa chan đêm ngày

Trời quê cứ thế, còn đây

Tình quê cứ thế, đến nay chưa tròn

Đi-về, bao chuyến héo hon

Về-đi, bao chuyến, hao mòn bờ mi

Đi-về, đưa tiễn về-đi

Đi về cũng nhớ, về đi cũng buồn

Ô hay ! uống nước nhớ nguồn

Ô hay ! cây cội, tròn vuông vuông tròn

Chôn nhau, cắt rốn, tấm son

Bao nhiêu năm nữa, vẫn còn trời quê !

Thương người phế binh !

(Viết để thương người phế binh, và cảm ơn

đến những ai còn nghĩ đến người phế binh).

Tháng 5-2005

Tôi thấy rồi anh, lê đôi nạn gỗ

Tôi thấy rồi anh, rê chiếc xe lăn

Chinh chiến qua rồi, ai thương ai nhớ

Thân phận phế binh, một kiếp nhục nhằn

Tôi thấy rồi anh, người mất một tay

Tôi thấy rồi anh, người mất một chân

Một tay xin nhớ, ôi cuộc chiến này

Một chân xin nhớ, ai người chinh nhân

Tôi thấy rồi anh, người mất đôi tay

Tôi thấy rồi anh, người mất đôi chân

Lết lê từ đó, ngày lại qua ngày

Khổ đau từ đó, thân chẳng toàn thân

Làm trai khi đất nước đao binh

Gìn giữ quê hương phó phận mình

Người thác, cho tròn hồn lịch sử

Người còn, dù chẳng vẹn thân hình

Một thuở chiến bào bay khói lửa

Một thời oanh liệt chí hùng anh

Một phần thân thể non sông giữ

Một phế binh già nhớ tuổi xanh

Chinh chiến qua rồi ai nhớ thương

Ngày xưa vì nước gọi lên đường

Ngày nay vì nước ôm thân phận

Khắp cả miền quê đến phố phường

Phế binh, in ấn khắp gần xa

Mặt báo, cốp bi, rải mọi nhà

Còn chiếu thành phim cho rõ ảnh

Cảm ơn người nhắn gởi dùm ta.

Hãy nói dùm tôi !

Tháng 5-2005

Hãy nói dùm tôi,

Quê hương mình sao còn nhiều gian khổ

Người dân tôi, còn đợi đến bao giờ

Tấm thân gầy, đong tàn tạ xác xơ

Tâm trí mỏi, đầy những khoen vết tích

Hãy nói dùm tôi,

Dòng nghiêng ngửa, ngửa nghiêng thuận nghịch

Đừng phóng lao, mà hàn gắn đau thương

Đừng đắp mô, mà san phẳng mọi đường

Vượt ghềnh thác, bắc nhịp cầu dấn bước

Hãy nói dùm tôi,

Dòng chuyển hóa, người sau nương kẻ trước

Biết noi gương, và tránh những lỗi lầm

Biết lắng nghe những tiếng nói âm thầm

Để chỉnh trang mọi đường đi nước bước

Hãy nói dùm tôi,

Từ thằng Cu con Hẽm, khi được lên quyền chước

Nắm quyền uy tế thế, chứ không cậy uy quyền

An dân, bình thiên hạ, là tiếng nói thiêng liêng

Chứ không phải, ngồi mát ăn bát vàng, rệu rã

Hãy nói dùm tôi,

Đội đá vá trời, dù ngàn năm cũng vá

Lấp biển dời non, dù muôn vạn chẳng sờn

Đường đi khó, khó mấy cũng đi, mới rõ thiệt hơn

Sức tiếp sức, người tiếp người và trao từng thế hệ

Hãy nói dùm tôi,

Của anh, của chị, của em, của tôi, dù ai cũng thế

Đất nước nầy, non sông nầy, không phải của riêng ai

Mỗi chúng ta, chẳng qua chỉ là những gạch nối dài

Cùng tác tạo, cùng đẩy xô giữa dòng lịch sử.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]