Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

IX. Tổng thích kinh đề

17/11/201115:54(Xem: 10977)
IX. Tổng thích kinh đề

 

A DI ĐÀ KINH HỢP GIẢI

Bửu Quang tự đệ tử Như Hòa hợp dịch

Phần Hai

IX. TỔNG THÍCH KINH ĐỀ(giải thích chung về danh hiệu của bản kinh)

A. Kinh danh sai biệt(những tên gọi khác nhau của kinh)

Kinh này mang tên là Phật Thuyết A Di Đà Kinh, nhưng trong kinh văn ghi rõ kinh này tên là “Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức, Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh” (kinh khen ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn, được hết thảy chư Phật hộ niệm). Vì thế, Ngài Huyền Trang dịch là Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ Kinh.

B. Lập danh phương thức(cách thức đặt tên kinh)

Phàm tên kinh được đặt không ngoài vận dụng ba yếu tố: nhân, pháp, dụ. Ba yếu tố ấy dùng riêng lẻ hay ghép với nhau, tạo thành bảy loại như sau:

1. Đơn nhân lập danh(chỉ dùng người để đặt tên): như Phật thuyết A Di Đà Kinh, Ương Quật Ma La Kinh v.v...

2. Đơn pháp lập danh:như Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh, Thật Tướng Bát Nhã kinh, Đại Thừa Lý Thú Lục Ba La Mật Kinh...

3. Đơn dụ lập danh(chỉ dùng thí dụ để đặt tên): như Phạm Võng Kinh, Bửu Tích kinh, Bửu Vân kinh... thuần dùng thí dụ để đặt tên kinh.

4. Nhân pháp lập danh: như Địa Tạng Bồ Tát Bản Nguyện kinh, Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức Kinh, Văn Thù Sở Vấn Bát Nhã kinh,Thắng Thiên Vương Bát Nhã Kinh v.v...

5. Pháp dụ lập danh: như Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh (Kim Cang là dụ, Bát Nhã Ba La Mật là pháp), Diệu Pháp Liên Hoa Kinh...

6. Nhân dụ lập danh: như Như Lai Sư Tử Hống Kinh. Như Lai là nhân, Sư Tử Hống là dụ.

7. Nhân pháp dụ lập danh: như Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh. Đại Phương Quảng là pháp, Phật là nhân, Hoa Nghiêm là dụ. Một ví dụ là Như Lai Đại Phương Tiện Nhất Thừa Thắng Man Sư Tử Hống Kinh cũng dùng cả ba nhân, pháp, dụ để đặt tên kinh.

Kinh A Di Đà này chỉ dùng nhân để đặt tên.

C. Biệt thích kinh đề(giải thích riêng về tên kinh này)

Tên kinh gồm có hai phần: Thông và Biệt. Thông là “Kinh”, biệt là “Phật Thuyết A Di Đà”.

C.1. Phẫu tự biệt thích(giải thích theo lối phân tích từng chữ trong tên kinh)

Kế tiếp đây là phần giải thích từng chữ trong tên gọi của kinh:

1.Phật:

Chữ Phật phải hiểu theo bốn khía cạnh: Sự, lý, nhân, quả.

1.1. Ước về Sự: Phật là hiệu chung của mười phương tam thế hết thảy chư Phật. Nói chính xác, Phật là một trong mười hiệu của chư Phật Thế Tôn. Trong kinh này, chữ Phật riêng chỉ đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

1.2. Ước theo Lý:Phật gọi đủ theo tiếng Phạn là Phật Đà, thường dịch là Giác Giả (bậc giác ngộ) hay còn dịch là Đại Giác. Giác bao hàm ba nghĩa: tự giác, giác tha, và giác hạnh viên mãn.

Hiểu theo nghĩa thông thường, Giác là giác ngộ, hàm nghĩa Phật là người giác ngộ. Thế sao không dịch là Giác Nhân mà lại dịch là Giác Giả? Chữ Giả có nghĩa rộng hơn, ngụ ý bao gồm hết thảy hữu tình chứ không chỉ hạn cuộc trong loài người. Kinh nói: “Phàm hết thảy những ai có tâm(tri giác) đều sẽ có thể thành Phật”. Bởi thế, nếu dịch là Giác Nhân thì hóa ra chỉ riêng nhân loại mới có khả năng thành Phật! Trong kinh Pháp Hoa nói: long nữ tám tuổi thành Phật, chẳng lẽ lại gọi vị Phật ấy là giác long hay sao?

Vị thánh nhân ấy giác ngộ chân lý vũ trụ và thật tướng của nhân sinh. Chân lý vũ trụ và Thật Tướng của nhân sinh thật ra chẳng ngoài duyên khởi tánh không. Hết thảy hữu tình mê muội nơi duyên khởi tánh không, nhận lầm vũ trụ thật có vạn pháp, thân do tứ đại giả hợp là thật có, nên mê say đắm đuối, trầm luân sanh tử. Đức Phật nhận thức minh bạch duyên khởi tánh không nên đốn phá vô minh, siêu xuất sanh tử.

- Tự Giác: ngoài thì giác ngộ hết thảy các pháp đều là huyễn hóa, vô thường, là pháp sanh diệt; trong thì nhận rõ ai nấy đều có Phật tánh thường trụ bất sanh bất diệt.

- Giác Tha: chúng sanh chẳng được giải thoát chỉ vì chưa giác ngộ, Đức Phật chẳng nỡ riêng mình thọ hưởng sự giải thoát an vui mà bỏ mặc chúng sanh chìm đắm trong biển khổ sanh tử. Vì thế, Ngài vận dụng mọi phương tiện thiện xảo để khiến đại địa chúng sanh đều được giác ngộ như mình.

- Giác Hạnh Viên Mãn:Tự Giác là huệ mãn, Giác Tha là phước mãn.

* Huệ mãn là từ lúc ban sơ phát Bồ Đề tâm, nương vào Thỉ Giác trí (3) để đoạn trừ trọn vẹn ba thứ kiến hoặc, tư hoặc, trần sa hoặc, chứng ngộ trọn vẹn ba trí, thấu rõ nguồn cội bản tâm nên trí huệ viên mãn. Đó là “huệ mãn”.

* Phước mãn là sau khi tự giác, bèn nương vào tối thượng thừa, chỉ lấy việc lợi sanh làm sự nghiệp, lấy hoằng pháp làm việc nhà, trải ba A-tăng-kỳ kiếp tu trọn lục độ, vạn hạnh, khai thị pháp giới hữu tình, công đức viên mãn nên gọi là “phước mãn”.

Tự Giác là khác với phàm phu si mê bất giác, Giác Tha là khác với Nhị Thừa chỉ chuyên tự giác; Giác Hạnh Viên Mãn là khác với Bồ Tát chỉ mới đạt phần chứng (chứng ngộ chưa trọn vẹn). Nói cách khác, thành đạo là tự giác, giáo hóa chúng sanh là giác tha, tự giác và giác tha đạt đến mức triệt để tối cực nên gọi là “giác hạnh viên mãn”.

Hơn nữa, tự giác là luận trên phương diện Lý Trí, giác tha là luận về phương diện Bi hạnh, giác mãn là “tri hành hợp nhất”, lấy tự lợi, lợi tha, phước huệ viên mãn làm mục đích duy nhất.

Vì sao chỉ mình Đức Phật đầy đủ ba ý nghĩa giác ngộ ấy? Vì Nhị Thừa thiên chấp Thiên Không chân lý nên tự giác chưa viên mãn, công đức của Bồ Tát chưa trọn vẹn (phước chưa đủ), đồng thời vẫn còn chút phần vi tế vô minh, sở chứng chưa viên mãn (huệ chưa viên mãn) nên chẳng thể sánh bằng Phật được!

1.3. Ước về nhân: chữ Nhân chỉ nhân địa (quá trình tu nhân, ở đây chỉ nhân địa hiện tại).

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã thành Phật trong vô lượng kiếp nhiều như vi trần từ trước, do vì giáo hóa chúng sanh cõi này nên thị hiện tu nhân trong cõi Sa Bà. Đức Thế Tôn đã thị hiện giáng sanh tại vườn Lâm Tỳ Ni làm thái tử dòng họ Thích Ca. Năm mười chín tuổi, thị hiện xuất gia, sáu năm tu hành khổ hạnh tại núi Già Da (tại thôn Tư Na, ở phía nam sông Ni Liên Thiền), hàng phục ma quân, thành đạo, giáo hóa chúng sanh. Đến rằm tháng Hai năm Ngài tám mươi tuổi, cơ duyên hóa độ đã mãn, bèn thị hiện Niết Bàn tại rừng Ta La Song Thọ.

1.4. Ước về Quả: tức là rốt ráo chứng đắc cực quả A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Trong phần giảng về kinh văn, sẽ giải thích tỉ mỉ ý nghĩa chữ A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.

2. “Thuyết”: có nghĩa là giảng nói. Ý nói: kinh này do chính nơi kim khẩu của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tuyên thuyết.

Thuyết còn có nghĩa là Duyệt (vui vẻ). Thấy đã đến lúc cơ duyên thành thục để diễn nói bản hoài cứu độ chúng sanh, biết rõ chúng sanh đời mạt sẽ do pháp môn này mà được độ thoát, cho nên Phật vui sướng, không ai thỉnh mà tự giảng ra bản kinh này.

3. A Di Đà: dịch là Vô Lượng Quang hay Vô Lượng Thọ. Đức Phật ấy quang minh vô lượng, thọ mạng vô lượng. Thật ra công đức, trí huệ, thần thông v.v... của Ngài mỗi mỗi đều vô lượng, nhưng ở đây lấy quang minh và thọ lượng làm tiêu biểu.

Có hai thứ vô lượng: Vô lượng vô lượng (nghĩa là vô lượng tuyệt đối, hoàn toàn không thể nào tính đếm được) và hữu lượng vô lượng (vô lượng có thể tính đếm được, tức là một con số rất lớn như kinh Hoa Nghiêm một trăm lạc xoa (một trăm ngàn) là một câu chi, câu chi lần câu chi làm một a du đa.... cho đến a tăng kỳ lần a tăng kỳ làm một a tăng kỳ chuyển. A tăng kỳ chuyển lần a tăng kỳ chuyển làm một vô lượng. Như vậy, con số vô lượng rất lớn, nhưng vẫn là hữu hạn vì vẫn có thể tính đếm được).

Pháp Thân của Phật A Di Đà vô thỉ vô chung (không có khởi đầu, không có kết thúc), Báo Thân của Ngài hữu thỉ vô chung, đều thực sự là “vô lượng vô lượng”. Còn như Ứng Thân của Phật, ứng hiện tùy theo căn cơ, khi duyên hóa độ đã hết liền diệt. Đó là hữu thỉ hữu chung. Ứng Thân của Phật A Di Đà tuy thọ mạng vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp nhưng vẫn có ngày nhập diệt, đó là ý nghĩa của chữ “hữu lượng vô lượng”.

Pháp Thân của Phật A Di Đà thường trụ bất biến, đấy chính là ý nghĩa “vô lượng thọ”. Căn Bản Trí của Phật chiếu khắp mười phương; đấy chính là ý nghĩa “vô lượng quang”. Như vậy, vô lượng thọ và vô lượng quang của Phật cũng là kết quả của sự tu tập. Kinh chép, trong quá khứ vô lượng vô biên kiếp về trước, tỳ kheo Pháp Tạng từng làm Chuyển Luân Thánh Vương, nghe đức Thế Tự Tại Vương Phật thuyết pháp, bèn phát nguyện xuất gia, được đặt pháp danh là Pháp Tạng, phát bốn mươi tám nguyện, tận lực tu tập những hạnh khó làm trong vô lượng kiếp nhằm trang nghiêm y báo và chánh báo của cõi Phật. Do đó, đến khi nhân viên quả mãn, thành Đẳng Chánh Giác, Ngài cảm được thọ lượng, quang minh mỗi thứ đều vô lượng, nên được hiệu là A Di Đà.

Lại nữa, lúc chúng ta niệm Phật, từng câu phân minh, tương ứng với Phật, đó chính là ý nghĩa chữ Quang. Từng câu không gián đoạn, nhất tâm bất loạn, đấy chính là ý nghĩa chữ Thọ. Quang là trí của Như Lai, Thọ là lý của Như Lai. Trí chiếu soi Lý, Lý hiển thị Trí, Lý - Trí nhất như, quang - thọ chẳng hai. Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ, niệm niệm chiếu soi cùng tột, niệm Phật đến mức như thế thì Quang lẫn Thọ luôn hiển hiện nơi tự tâm.

Nếu phán định theo thuyết Lục Tức Thành Phật của tông Thiên Thai thì:

- Chúng sanh luôn sẵn đủ Quang lẫn Thọ nơi tự tâm nhưng mê muội chẳng hề chứng biết. Đấy gọi là Xứng Lý Tức Quang Thọ (tức là chỉ có Quang lẫn Thọ về mặt Lý, chưa thực sự chứng ngộ).

- Nghe hiểu pháp môn Tịnh Độ, hiểu ý nghĩa của danh hiệu Phật A Di Đà. Đấy là Danh Tự Tức Quang Thọ.

- Đã nghe biết, tin hiểu, bèn chấp trì danh hiệu, đấy là Quán Hạnh Tức Quang Thọ.

- Những phiền não, cấu trược thuộc về phần thô đã đoạn thì gọi là Tương Tự Tức Quang Thọ.

- Phá được một phần vô minh, hiển hiện tự tánh Phật, thì gọi là Phần Chứng Tức Quang Thọ.

- Phá sạch toàn bộ vô minh, lý trí viên mãn đến cùng cực, đấy là Cứu Cánh Tức Quang Thọ.

4. Kinh: gọi đủ là Khế Kinh, tiếng Phạn là Tu Đa La. Khế nghĩa là “khế hợp” (phù hợp, tương xứng), bao hàm ý nghĩa: Trên khế hợp với đạo lý của chư Phật đã nói, dưới khế hợp với căn cơ của tất cả chúng sanh được độ.

Chữ Kinh có năm nghĩa:

- Xuất sanh: Nếu chúng sanh tu hành đúng theo lời Phật dạy thì sẽ sanh khởi được tất cả nhân quả của thiện pháp. Đấy là ý nghĩa của chữ Xuất Sanh.

- Hiển thị: Kinh của Đức Phật thuyết có khả năng chỉ rõ các pháp xuất thế gian, sự, lý, tánh, tướng, nhân, quả, tu, chứng v.v... Đấy là ý nghĩa của Hiển Thị.

- Dũng tuyền(suối phun): Mỗi một chữ trong kinh chứa đựng hết thảy pháp, dung hàm vô lượng nghĩa, như nước vọt ra từ mạch suối, dù có dùng bao nhiêu vẫn chẳng cạn. Đấy là ý nghĩa của Dũng Tuyền.

- Thằng mặc(mực thước): Kinh Phật giảng giải đạo lý khiến cho chúng sanh phân biệt được đâu là tà, đâu là chánh, hiểu rõ sự lý, biết nhân rõ quả, bỏ ác tu thiện, như thợ mộc dùng dây nhúng mực để đo lường sự cong ngay của cây gỗ trước khi cưa đục cho đúng.

- Kết man(kết thành tràng hoa): Kết man là dùng chỉ xỏ các bông hoa thành tràng để tạo ra vật trang sức đẹp đẽ. Kinh Phật xuyên suốt sự, lý, nhân quả, khiến chúng chẳng bị lạc mất. Đấy là ý nghĩa của chữ Kết Man.

Thông thường, chữ Kinh thường được hiểu theo nghĩa “quán nhiếp thường pháp”:

- Quán là xâu kết lại, dính kết lại theo thứ tự, là thâu tóm, hệ thống hóa, tập hợp lại những pháp đã thuyết giảng, chẳng để bị tản mác.

- Nhiếp là giống như nam châm hút mạt sắt. Kinh điển có công năng thu hút những chúng sanh có khả năng hóa độ chẳng để cho họ bị đọa lạc.

- Thường là đạo lý chẳng biến đổi trong suốt cả ba đời. Những pháp Phật đã thuyết đều phát xuất từ lòng đại bi vô tận, giảng ra những pháp phù hợp với pháp tánh, bàn luận đến những điểm cùng tột vi diệu của chân lý, nên thường gọi là “xứng tánh cực đàm”. Những pháp đức Phật đã giảng đều là lý chân nghĩa thật, dẫu ngàn đời muôn kiếp, vĩnh viễn chẳng thể thay đổi được, nên gọi là Thường.

- Pháp nghĩa là mười pháp giới đều phải tuân theo khuôn phép ấy.

Kinh còn có thể hiểu là đường lối; nghĩa là Kinh chính là con đường để tu hành thành Phật. Có thuyết nói Kinh còn có nghĩa là thuyền bè, ngụ ý: kinh Phật có thể dẫn dắt, độ chúng sanh vượt khỏi biển sanh tử.

Kinh Phật được gọi là “Khế Kinh” vì gồm đủ bốn điều khế hợp: khế sự, khế lý, khế giáo, khế cơ.

a. Khế sự:

Đức Phật dùng Phương Tiện Quyền Trí giảng giải nhân quả của trời người, các pháp tu chứng của Nhị Thừa v.v... đều tương xứng với sự tướng thế tục, nên gọi là Khế Sự.

b. Khế lý:

Phật dùng Thật Trí giảng ra đệ nhất đế lý. Bất cứ điều nào Đức Phật đã giảng xét về sự hay lý đều xứng hợp với Đệ Nhất Nghĩa Đế nên gọi là Khế Lý.

c. Khế giáo:

Khế giáo là dù thị hiện trong cõi ngũ trược ác thế để thuyết pháp lợi sanh, chúng sanh căn tánh ương ngạnh khó độ, những giáo pháp của Đức Phật đã thuyết đều hoàn toàn giống hệt như những giáo pháp của mười phương chư Phật đã thuyết.

Trong hội Hoa Nghiêm, khi chư Bồ Tát trước sự chứng minh của Đức Phật Bổn Sư Thích Ca, giảng về thứ tự tu chứng Thập Hạnh, Thập Trụ, Thập Hồi Hướng v.v... xong thì có các đại Bồ Tát nhiều như số vi trần trong bất khả thuyết các cõi Phật ở mười phương, đồng danh đồng hiệu hiện ra tán dương: “Lành thay! Lành thay! Hàng Phật tử các ông! Nói ra những pháp chân thật chẳng dối... Trong cõi nước của chúng tôi cũng thuyết pháp này, thậm chí văn tự, danh tự, câu chữ cũng đều tương đồng”.

d. Khế cơ:

Cơ là căn cơ của chúng sanh. Căn tánh của chúng sanh tuy có đại, tiểu bất đồng, nhưng cứ nương theo kinh tu tập thì không ai là chẳng được lợi ích. Đấy gọi là “khế cơ”.

Trong tựa đề Phật Thuyết A Di Đà Kinh đây, Phật là đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni là vị đã chứng cực quả, là chủ thể thuyết pháp. A Di Đà là Cực Lạc giáo chủ, là bậc chứng ngộ cực quả được đề cập đến. Phật Thích Ca và Phật Di Đà cùng chứng cực quả, vì sao Phật Thích Ca lại phải thuyết ra pháp này để xưng tán Phật A Di Đà? Đó là vì cõi Sa Bà uế ác, y báo lẫn chánh báo cõi này đều do vọng tưởng hoặc nghiệp chiêu cảm, huyễn khởi sanh tử vô cùng, khó tìm được chỗ cậy nhờ, nương tựa. Dù đức Phật Thích Ca mẫn niệm ứng cơ nhiếp hóa, nhưng khi duyên hóa độ đã hết, liền nhập diệt, chúng sanh không cách nào gặp gỡ được nữa. Còn y báo, chánh báo cõi Cực Lạc đều là do những công đức sẵn có trong bản tâm thanh tịnh hiển hiện, hữu tình, vô tình cõi Cực Lạc đều thuyết pháp bất tuyệt. Chúng sanh nghe pháp ấy tăng trưởng đạo tâm, phiền não tiêu trừ, quyết chứng Bồ Đề. Bởi những lẽ ấy, Phật Thích Ca phải tán dương cõi Cực Lạc và Phật A Di Đà, đấng giáo chủ cõi ấy, để chúng sanh phát tâm ưa thích, nhàm chán sanh tử, phát nguyện vãng sanh, vĩnh thoát khổ hải.

D.Giáo lý hạnh quả phán thích(phán định về giáo lý hạnh quả của kinh này)

1. Định nghĩa:

Những lời dạy bảo của thánh nhân được lưu truyền lại gọi là Giáo. Chỉ thú, nghĩa lý của những lời dạy ấy là Lý. Từ Lý khởi tu là Hạnh. Do hạnh quyết định chứng đắc là Quả.

Bất cứ bộ kinh nào của Phật đã thuyết ra đều có đủ bốn phần Giáo, Lý, Hạnh, Quả này. Nếu không có đủ bốn phần này, chúng sanh do đâu mà tuân theo lời dạy để hiểu rõ Lý, từ lý khởi hạnh tu tập mà chứng cực quả. Hóa ra, những lời giảng thuyết ấy biến thành hý luận hư huyễn hay sao?

2. Phán định:

Trong kinh này, toàn bộ kinh văn từ câu “như thị ngã văn” cho đến câu “tác lễ nhi khứ” là thuộc về Giáo. Giáo pháp được phô diễn bởi kinh này là giáo pháp phương tiện tối thắng, chí diệu viên đốn.

Lý được hiển thị bởi kinh này chính là lý Thường - Lạc - Ngã - Tịnh.

Pháp môn Trì Danh Niệm Phật dạy trong kinh này chính là Hạnh.

Do tu tập pháp môn này sẽ chứng được A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Đó chính là Quả.

E. Kinh đề tổng luận(luận chung về tên kinh này)

Trong kinh này, Phật là thuộc về Lý, về Quả, tức là Pháp Thân đức. A Di Đà là Hạnh. Kinh này đặc biệt chỉ dạy diệu hạnh Trì Danh, đấy tức là Bát Nhã đức. Chữ Thuyết và chữ Kinh thuộc về Giáo, tức là Giải Thoát Đức.

Nếu phối hợp với Tam Bát Nhã để giải thích thì: Phật là Thật Tướng Bát Nhã, A Di Đà là Quán Chiếu Bát Nhã, Thuyết và Kinh là Văn Tự Bát Nhã.

Tên gọi của kinh này có những nghĩa lý như thế, văn nghĩa của kinh này cũng có vô lượng nghĩa như thế, chẳng thể luận bàn trọn vẹn được.

F. Phiên dịch kinh nhân(người phiên dịch kinh)

Dao Tần Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập dịch

1. Dao Tần:

Trong lịch sử Trung Hoa có nhiều triều đại cùng mang danh xưng là Tần nên để phân biệt, ta thường thêm họ của người sáng lập vương triều ấy vào trước tên triều đại.

Vào đời nhà Chu, Chu Hiếu Vương phong đất Thiểm Tây cho Phi Tử, đặt hiệu cho đất phong là Tần. Phi Tử là hậu duệ của Bá Ích, rất tinh thông về thuật luyện ngựa nên được nhà vua rất yêu quý. Hậu duệ của Phi Tử là Doanh Chính thôn tính lục quốc, thống nhất Trung Hoa, lập ra nhà Tần, xưng đế hiệu là Tần Thủy Hoàng Đế, truyền được ba đời. Đấy là nhà Doanh Tần (246-206 trước công nguyên).

Đến thời Tam Quốc, Tư Mã Viêm thôn tính Đông Ngô, Bắc Ngụy, Tây Thục; lập ra nhà Tấn. Truyền đến đời Tấn Nguyên Đế (húy là Tư Mã Duệ 317-323), triều đình suy yếu, các tướng lãnh nổi lên cát cứ mỗi phương, lập ra những triều đại song hành với nhà Đông Tấn. Sử gọi là thời Nam Bắc Triều. Phương Nam có bốn triều đại của Hán tộc là Tống, Tề, Lương, Trần. Phía Bắc có nhà Hậu Ngụy (chia làm Đông Ngụy và Tây Ngụy), Bắc Tề, Bắc Lương, Tiền Triệu, Tiền Tần, Hậu Tần, Lưu Tống, Tiền Yên, Hậu Yên... Đông Ngụy bị nhà Bắc Tề diệt, Bắc Tề và Tây Ngụy bị nhà Bắc Chu soán ngôi.

Nhà Tiền Tần còn gọi là Phù Tần, do Phù Kiên lập ra ở đất Quan Trung. Vì Quan Trung thuộc đất Thiểm Tây (đất Tần cũ), nên xưng quốc hiệu là Tần. Do tham vọng, Phù Kiên xua quân đánh chiếm Đông Tấn, nhưng bị thất trận. Trên đường rút lui, Phù Kiên bị một bộ tướng là Dao Trành hạ sát, soán đoạt vương vị. Dao Trành vẫn xưng quốc hiệu là Tần. Sử gọi là triều đại ấy là nhà Hậu Tần hay Dao Tần.

Nhà Hậu Tần truyền được ba đời, tổng cộng 34 năm. Ngài La Thập dịch kinh ở kinh đô Trường An (thuộc tỉnh Thiểm Tây ngày nay) của nhà Hậu Tần dưới thời Dao Hưng, nên Ngài đề thời đại là Dao Tần.

b. Tam Tạng Pháp Sư:

b.1. Tam Tạng:

Tam Tạng là danh xưng chung của hết thảy kinh điển Phật giáo.

Hiểu tổng quát, Tam là số lượng (ba thể loại: Kinh, Luật, Luận). Tạng là hàm tàng (chứa đựng), ngụ ý: về mặt hình thức, Tam Tạng hàm chứa rất nhiều văn tự, quyển, bộ; về mặt thực chất, Tam Tạng hàm chứa hết thảy nghĩa lý.

Hiểu chi tiết, toàn bộ kinh điển Phật giáo được chia thành ba tạng:

- Kinh Tạng: ghi chép toàn bộ những lời thuyết pháp của đức Thế Tôn.

- Luật Tạng: ghi chép những cấm giới dành cho thất chúng Phật tử do Phật đã chế lập.

- Luận Tạng: là những điều biện luận về giáo lý giữa Phật và chư đại đệ tử, cũng như những trước thuật của lịch đại tổ sư nhằm xiển minh giáo nghĩa.

Những điều được thuyết minh trong Tam Tạng không ngoài tam học: Giới, Định, Huệ. Kinh Tạng minh thị nhất tâm, hiển thị pháp tánh nên thuộc Định học. Luật tạng thúc liễm tam nghiệp nên thuộc về Giới học. Luận tạng phân biện tà chánh, nên thuộc về Huệ học.

b.2. Pháp sư:

Chữ Pháp Sư có thể giải thích theo ba mức độ:

* Giải thích theo mặt chữ:

Pháp nghĩa là quy tắc, Sư nghĩa là đạt đến trình độ bậc thầy. Mọi sự phải có quy tắc làm khuôn mẫu thì mới có thể hợp tình, xứng lý. Một vật phải qua tay nhà nghề bậc thầy gọt giũa, đào luyện mới có thể đạt đến mức tận thiện, tận mỹ.

Học Phật cũng thế. Nếu dùng những quy tắc Phật pháp để chỉ đạo hành vi của mình lẫn người, khiến cho mọi hành vi đều xứng hợp với khuôn mẫu chánh đáng; dùng gươm trí huệ Phật pháp chạm trổ, gọt giũa nhân cách của mình lẫn người thì cả mình lẫn người mới trở thành những con người tận thiện tận mỹ. Bậc có khả năng làm được như vậy gọi là Pháp Sư.

* Căn cứ theo Phật pháp để giải thích:

Pháp là chánh pháp do đức Phật đã giảng. Sư nghĩa là khuôn phép. Người xuất gia tinh thông Tam Tạng, đáng làm khuôn phép cho trời người noi theo thì được gọi là Pháp Sư.

* Căn cứ trên hạnh tự lợi, lợi tha:

Nếu tự mình có thể tuân phụng Tam Tạng giáo pháp của chư Phật thì gọi là Sư. Dùng giáo pháp ấy để tu trì cho chính mình thì gọi là Tự Lợi Pháp Sư. Diễn thuyết những giáo pháp ấy để hóa độ, dìu dắt chúng sanh thì gọi là Lợi Tha Pháp Sư.

Ngài Cưu Ma La Thập được tôn xưng là Tam Tạng Pháp Sư vì không những Ngài thông suốt tinh tường cả ba tạng mà còn là bậc thật tu Giới Định Huệ, là bậc pháp sư tự mình phụng trì Phật pháp, lại còn có khả năng dùng Phật pháp hóa độ, dìu dắt chúng sanh, đầy đủ hạnh tự lợi, lợi tha, kham làm bậc gương mẫu cho cả trời lẫn người noi theo.

c. Cưu Ma La Thập:

Đọc cho đủ âm phải là Cưu Ma La Kỳ Bà (Kumarajiva), Hán dịch là Đồng Thọ, hàm ý: tuổi nhỏ nhưng đã có đức hạnh của một bậc lão thành. Cha Ngài là Cưu Ma La Viêm, dòng dõi đời đời làm tướng quốc ở Trung Thiên Trúc. Ông La Viêm chẳng muốn làm Tể Tướng bèn xin vua cho phép đi thăm các nước, đi đến xứ Quy Tư (hoặc còn đọc là Cưu Ty, nay là huyện Khố Xa, Tân Cương).

Quốc vương Quy Tư hâm mộ đức hạnh, học vấn của Ngài nên thỉnh ông làm quốc sư, gả em gái cho. Họ sinh được người con tài danh là Pháp Sư La Thập.

Năm bảy tuổi, Sư theo mẹ lên chùa lễ Phật, thấy một cái bát sắt đặt trước tượng. Sư cầm giở lên xem, chợt nghĩ: “Mình còn nhỏ làm sao đủ sức giở nổi cái bát to như thế này?”, bèn cảm thấy bát nặng giở lên không nổi. Do vậy, Ngài đại ngộ diệu chỉ “vạn pháp duy tâm”. Chẳng lâu sau, cha mất, Ngài theo mẹ xuất gia. Từ năm lên chín tuổi, Sư đã theo mẹ đi khắp các xứ trong Thiên Trúc học đạo. Thoạt đầu, Ngài học các kinh luận Tiểu Thừa với Ngài Bàn Đầu Đạt Đa (Bandhudatta) xứ Kế Tân. Rồi theo Ngài Tu Lê Da Tô Ma (Suryasoma) học kinh Đại Thừa, theo Ngài Tỳ Ma La học Luật.

Ngài La Thập thông minh dị thường, mỗi ngày tụng thuộc cả ngàn bài kệ, nên nhanh chóng bác thông Tam Tạng, thâm đạt nghĩa lý Đại Thừa. Ngài tinh thông cả những ngoại điển như Tứ Vi Đà, Ngũ Minh v.v... Pháp Sư biện tài vô ngại lại thêm học thức siêu tuyệt nên từng hàng phục nhiều tay ngoại đạo trứ danh đương thời. Bởi đó, danh tiếng Ngài chấn động khắp toàn xứ Ấn Độ. Khi các quốc vương Tây Vực thỉnh Ngài thuyết pháp, họ thường bày pháp tòa sư tử bằng vàng, thỉnh Ngài đăng tọa, rồi quỳ gối nghe giảng.

Khi lâm chung, mẹ Ngài dặn dò: “Duyên hóa độ của con ở tại phương Đông, Phật pháp tại đó sẽ nhờ con mà được hưng thịnh”. Tuân theo di huấn, Ngài trở về phương Đông, trụ tại nước Quy Tư, được quốc vương rất mực ưu đãi, kính trọng.

Khi ấy, Phù Kiên đã chiếm cứ Thiểm Tây, lập ra nhà Tiền Tần. Người dân trong nước ấy mỗi đêm thường thấy ở phương Tây Nam có hào quang ngất trời, ai nấy đều lấy làm lạ. Quan Thái Sử tâu với vua: “Phương Tây Nam có bậc đại trí huệ thánh giả. Theo phương hướng mà suy, vị ấy ắt đang ở trong nước Quy Tư”. Vua bảo: “Ta nghe tiếng Pháp Sư Cưu Ma La Thập đã lâu. Ngài trí huệ hơn người, học vấn xuất chúng. Ông nên đem binh qua đó thương nghị với vua xứ Quy Tư, được thì tốt. Không được thì diệt luôn nước ấy”.

Nói xong, vua sai Lữ Quang lãnh mấy vạn binh rầm rộ kéo sang Quy Tư. Nhận thấy Quy Tư binh ít, thế cô, khó lòng bảo tồn đất nước, Ngài La Thập khuyên quốc vương nên để cho Ngài theo Lữ Quang sang Trung Hoa. Trong khi ấy, nhân dịp Phù Kiên chinh phạt Đông Tấn thất bại, Dao Trành làm phản giết chết vua, tự xưng đế. Lữ Quang đi đến Lương Châu, nghe tin đó, bèn chiếm cứ Lương Châu, tự xưng là Tam Hà Vương, đặt quốc hiệu Lương. Trong thời gian bị giữ tại Lương Châu, Pháp Sư La Thập dành trọn thời gian học hỏi văn hóa, triết học Trung Quốc.

Sau khi Dao Trành chết, Dao Hưng kế vị, bèn cử binh công hãm Lương Châu, tiêu diệt vây cánh của Lữ Quang, đón được Ngài La Thập về Tần, tôn làm Quốc Sư, dành riêng vườn Tiêu Dao làm đạo tràng dịch kinh cho Ngài La Thập. Người tham dự đạo tràng dịch kinh có khi lên đến cả ba ngàn người. Những vị hữu danh là Tăng Triệu, Tăng Duệ, Đạo Sanh, Đạo Dung, thường được xưng tụng là “Thập môn tứ kiệt” (bốn tay kiệt hiệt dưới trướng Ngài La Thập). Những bản kinh Ngài dịch được lưu hành rộng rãi nhất là Pháp Hoa, Duy Ma Cật, Kim Cang và kinh A Di Đà này.

Lúc gần viên tịch, Pháp Sư từng phát nguyện: “Nguyện những bản kinh luận tôi dịch được lưu truyền rộng rãi trong thế gian. Nếu những bản dịch ấy không trái với Phật ý, thì sau khi tôi chết, dù thiêu thân lưỡi tôi vẫn không nát”. Ngài viên tịch vào ngày 12 tháng Tám năm Hoằng Thỉ thứ mười lăm (sách Nhị Khóa Hiệp Giải ghi là năm Hoằng Thỉ thứ 18), thọ 74 tuổi. Khi đại chúng cử hành lễ trà tỳ nhục thân Ngài ở vườn Tiêu Dao, toàn thân cháy tan, riêng cái lưỡi còn nguyên vẹn, màu sắc tươi nhuận như khi sống. Tương truyền, Ngài là bậc dịch kinh của cả bảy đức Phật.

3. Dịch:

Dịch là phiên dịch, tức là chuyển dịch ý nghĩa từ tiếng Phạn sang Hoa văn. Ở Trung Hoa vào thời cổ, vua đặt các chức quan ở bốn phương đặc trách việc chuyển dịch ngôn ngữ của các lân quốc sang tiếng Hán. Chức quan này ở phương Nam gọi là Tượng, ở phương Bắc gọi là Dịch, ở phương Tây gọi là Địch Đề, ở phương Đông gọi là Ký.

Kinh Phật từ phương Tây Trung Hoa truyền vào, lẽ ra phải dùng chữ Địch Đề, nhưng sao lại dùng chữ Dịch? Ấy là do hai vị Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan là những bậc dịch kinh tiên khởi của Trung Hoa đã theo đường phương Bắc vào Tàu. Các bản dịch của hai Ngài được quan đặc trách ngôn ngữ phương Bắc phê duyệt nên dùng chữ Dịch. Từ đó, các thế hệ sau đều tuân theo cách gọi này.

Bản kinh A Di Đà này được Ngài La Thập dịch vào ngày mồng Tám tháng Hai năm Hoằng Thỉ thứ tư (402) tại chùa Thảo Đường.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]