Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

II. Hiển thể

17/11/201115:54(Xem: 11241)
II. Hiển thể

 

A DI ĐÀ KINH HỢP GIẢI

Bửu Quang tự đệ tử Như Hòa hợp dịch

II. HIỂN THỂ(minh định thể tánh của kinh này)

“Thể” là thể tánh (bản thể, bản chất). Thể tánh của một bản kinh được gọi là Giáo Thể, đôi khi còn gọi một cách tổng quát là Lý Thể. Theo đại sư Bân Tông: “Lìa hết thảy các tướng thì gọi là Tánh; chỗ hết thảy các nghĩa quy về gọi là Lý. Nghĩa trọng yếu của các pháp gọi là Thể”.Phô bày minh bạch yếu chỉ của một bản kinh, nêu rõ chỗ quy hướng của các giáo nghĩa được dạy trong kinh ấy thì gọi là “hiển thể”.

Nói một cách khác, hiển thể một bản kinh chính là minh định chân lý sẽ được phô diễn bởi bản kinh ấy. Một bản kinh nếu không có Thể thì thành ra ma thuyết, ví như một kẻ chỉ có cái tên, chẳng có thân thể thật. Mỗi một câu, một chữ trong kinh Phật đều nhằm mục đích vận dụng ngôn ngữ, danh tự để người nghe lãnh hội được chân lý. Bởi vậy, muốn thể hội được huyền nghĩa của kinh, điều tiên quyết là phải nhận chân thể tánh của kinh ấy là gì.

Nói chung, tất cả các kinh Đại Thừa đều lấy Thật Tướng làm Thể.

Thật Tướng chính là cái tâm hiện tiền của chúng ta, vô hình, vô tướng, chẳng sanh, chẳng diệt, rỗng rang, bao trùm vạn pháp, không sót một mảy gì. Muôn pháp sanh diệt chỉ là những điều hư vọng ảnh hiện trong tâm.

Chân tâm của ta dẫu suốt ngày ở trong vọng, nhưng luôn chân thường. Tâm ấy dẫu hằng tiếp xúc với muôn vật, muôn pháp, vẫn thường sáng tỏ, phân biệt mọi sự, mọi pháp rõ ràng không chướng ngại. Kinh thường diễn tả bằng câu “linh quang độc diệu, hồi thoát căn trần”(có thể tạm hiểu là: xét về bản thể, tâm ấy thiêng liêng, sáng suốt, duy nhất, chiếu rực, không vướng vào căn, trần. Gọi là thiêng liêng vì tác dụng nhận biết của tâm ấy luôn hiện hữu, không bị biến cải, không sai sót. Sáng suốt vì không bị trần cảnh làm ô nhiễm. Tâm ấy nhận thức rõ mọi pháp không ngăn ngại nên gọi bảo là chiếu rực. Tâm Phật và tâm chúng sanh đồng một thể nên gọi là duy nhất)

Thật Tướng có thể chia thành hai loại:

1. Vô Tướng Thật Tướng: lìa hết thảy tướng điên đảo, hư vọng chính là Thật Tướng chân như, bình đẳng.

2. Vô Bất Tướng Thật Tướng: trong các pháp sanh diệt, tồn tại một tánh bất sanh, bất diệt. Tướng sanh diệt hư vọng ấy chỉ là biệt tướng (tướng riêng của mỗi pháp). Những tướng sanh diệt hư vọng ấy dù thiên sai vạn biệt, nhưng đều không có thực thể, cho nên gọi là “vô tướng”. Nhưng tánh bất sanh bất diệt lại chân thật chẳng hư vọng, chúng sanh và Phật đồng một thể, thánh phàm chẳng hai. Cái Chân Như thật tánh bình đẳng ấy lại chẳng phải là vô tướng, nên gọi là “vô bất tướng”.

Để dễ hình dung xin mượn một thí dụ: sóng phát sanh từ nước, sóng chính là nước. Sóng có to nhỏ, nhưng tánh ướt chẳng đổi. Cũng thế, tánh Chân Như bình đẳng bất biến, nhưng tùy duyên có thể sanh khởi những tướng trạng sai biệt cho vạn vật, tùy duyên nhưng bất biến. Bởi thế, xét đến bản chất thì mọi tướng trạng sai biệt của vạn pháp, không tướng nào chẳng lấy tánh Chân Như bình đẳng làm thể.

Nếu xét tỷ mỉ, mỗi kinh lại lấy một khía cạnh của Thật Tướng làm thể. Chẳng hạn, kinh Hoa Nghiêm lấy “nhất chân pháp giới” làm thể, kinh Lăng Nghiêm lấy Như Lai Tạng Diệu Chân Như tánh làm thể.

Riêng về kinh Di Đà, chư sư cùng đồng ý kinh này lấy Thật Tướng làm tổng thể. Pháp sư Văn Châu giải thích:

“Kinh này chú trọng niệm Phật đến nhất tâm bất loạn, đấy chính là Thật Tướng mà cũng chính là Chân Như. Vì thế, cũng giống như các kinh điển Đại Thừa khác, kinh này lấy Thật Tướng ấn làm giáo thể...

Nếu xét trên phương diện sự tướng niệm Phật, phải lấy sự trang nghiêm của y báo, chánh báo cõi Cực Lạc làm Thể.

Đối với bậc thượng căn lợi trí, từ hữu tướng niệm Phật, họ sẽ đạt đến vô tướng niệm Phật, hiểu thấu suốt một niệm hiện tiền chẳng phải ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở khoảng giữa, chẳng phải quá khứ, hiện tại, vị lai, chẳng phải xanh vàng đỏ trắng, chẳng phải ngắn dài, vuông, tròn, thậm chí vô phi, bất phi, lìa hết thảy tướng tức là hết thảy pháp. Ngay khi đó, Pháp Thân hiển hiện, Tịch Quang hiển hiện, còn phân biệt gì là y báo, chánh báo trang nghiêm nữa! Bởi thế giáo thể của kinh này hoàn toàn là Thật Tướng.

...Y báo, chánh báo trang nghiêm của cõi Phật Di Đà đều phát xuất từ Chân Như tự tánh, cho nên kinh này lấy Chân Như Bình Đẳng Thật Tướng làm Thể”.

Riêng về biệt thể, pháp sư Bân Tông cho rằng kinh này lấy bốn đức Thường, Lạc, Ngã, Tịnh làm thể. Bân pháp sư giảng như sau:

“Vô sanh, vô diệt, thường hằng bất biến là Thường. Tịch diệt, vĩnh viễn an ổn, vĩnh viễn xa lìa các nỗi khổ là Lạc. Tự tại giải thoát, chân như vô ngại là Ngã. Lìa hết thảy trần, tuyệt các cấu nhiễm là Tịnh.

...Trước hết, minh định bốn đức của Y Báo:

- Cõi ấy không có thành, trụ, hoại không; ấy là Thường.

- Có lầu gác bảy báu, lưới giăng, cây báu mọc thành hàng, ao tắm, chim quý, thiên nhạc v.v... vô lượng trang nghiêm, mỗi mỗi đều vừa lòng thỏa ý. Đó là Lạc.

- Thế giới Cực Lạc trang nghiêm thù thắng, việc gì cũng như ý, mọi thứ hóa hiện, không có cảnh trái nghịch, luôn có niềm vui tùy thuận. Đó là Ngã (Ngã có nghĩa là Tự Tại).

- Thế giới Cực Lạc hoàng kim làm đất, bảy báu làm ao, tất cả mọi vật đều thanh tịnh trang nghiêm, có năm niềm vui thanh tịnh, không có nỗi khổngũ trược. Đó chính là Lạc.

Tiếp đến minh định bốn đức của Chánh Báo:

- Thọ mạng của Đức Phật và chúng sanh vãng sanh cõi ấy đều vô lượng, kéo dài bao kiếp chẳng tận. Đó là Thường.

- Hết thảy hữu tình sanh về cõi ấy liền được thân tâm tịch chiếu, vĩnh viễn không có phiền não. Đó chính là Lạc.

- Một phen đã vãng sanh cõi ấy, liền đoạn diệt được ngũ trụ (2), vĩnh viễn lìa khỏi nhị tử (phần đoạn và biến dịch sanh tử), được đại tự tại. Đấy chính là Ngã.

- Trong thế giới Cực Lạc, chúng sanh niệm Phật được vãng sanh về đấy đều là liên hoa hóa thân, thanh tịnh, nhiệm mầu thù thắng, tướng hảo trang nghiêm; tấm thân ô uế do tứ đại giả hợp thành của chúng sanh cõi Sa Bà làm sao so sánh được! Đấy chính là Tịnh.

Lại nên biết rằng: tứ đức (Thường, Lạc, Ngã, Tịnh) là tự tánh Di Đà, mà cũng chính là Phật tánh sẵn có của mỗi người chúng ta, còn gọi là Pháp Thân. Mê thì là chúng sanh, ngộ thì thành chư Phật. Nếu ai phát tâm niệm Phật, liền được vãng sanh thế giới Cực Lạc, hoa nở gặp Phật, đắc Vô Sanh Nhẫn, thân chứng Pháp Thân.

Pháp Thân ấy bất sanh, bất diệt, chẳng đến, chẳng đi, chính là Thường đức. Pháp Thân rốt ráo tịch diệt, vĩnh viễn lìa khỏi sanh tử, tức là Lạc đức. Pháp Thân tự tại vô ngại, rốt ráo giải thoát, tức là Ngã đức. Pháp Thân tuyệt các cấu nhiễm, vốn sẵn thanh tịnh, tức là Tịnh đức...

Hơn nữa, kinh chép: ‘Đều được bất thoái chuyển nơi A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề’ là nghĩa Thường. Lại chép: ‘Không có các điều khổ, chỉ hưởng các điều vui’ là nghĩa Lạc. Lại chép: ‘Tự nhiên đều sanh tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Người ấy lúc mất tâm không điên đảo’ là nghĩa Ngã. Lại chép: ‘Nhất tâm bất loạn’ là nghĩa Tịnh”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]