Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phụ lục 1: Trăm bài thơ vịnh Tây phương

22/09/201113:39(Xem: 9943)
Phụ lục 1: Trăm bài thơ vịnh Tây phương

QUY NGUYÊN TRỰC CHỈ

Đại sư Tông Bổn - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải,

Nguyễn Minh Hiển hiệu đính Hán văn

QUYỂN THƯỢNG

PHỤ LỤC 1

Trăm bài thơ vịnh Tây phương

Ngài Tông Bổn trong khi biên soạn sách này có trước tác 100 bài thơ vịnh Tây phương, mỗi bài đều bắt đầu bằng hai chữ Tây phương nên gọi là Tây phương bách vịnh, được đưa vào làm phụ lục của quyển thượng này.

1.

Pháp xưa Phật dạy tại Tây thiên,
Sang Đông lập giáo hiệu Bạch Liên.
Mười tám bậc hiền cùng tiếp nối,
Khe Cọp cười vang, tích lưu truyền.

2.

Đạo lớn Tây phương lý rộng sâu,
Công đức vô biên dễ biết đâu!
Nào phải Thích tôn riêng chỉ lối,
Chư Phật đều khen pháp nhiệm mầu.

3.

Ơn sâu Phật chỉ hướng về Tây,
Chư Phật ngợi khen rõ pháp này.
Mười sáu phép quán, kinh ghi rõ,
Niệm Phật Di-đà, tối thượng thay!

4.

Tây phương Sơ quán phải tinh chuyên,
Hình mặt nhật rơi tợ trống huyền.
Chỉ hướng tâm về An Lạc quốc,
Là pháp thâm sâu Vô thượng thiền.

5.

Tây phương Nhị quán rõ ràng thay,
Nước đứng trong veo chẳng sóng lay.
Tâm nguyệt tròn vành toàn thể hiện,
Ngồi ngay quán tưởng lớp băng dày.

6.

Tây phương Tam quán: đất lưu ly,
Nhạc pháp vang rền, khắp liễu tri.
Mọi tướng trang nghiêm đều sáng suốt,
Một lòng quyết định dứt hẳn nghi.

7.

Tây phương Tứ quán: cây thành hàng,
Trăm báu trang nghiêm tỏa hào quang.
Thọ dụng hiện thành thường khoái lạc,
Ai ơi sao chẳng sớm thừa đang?

8.

Tây phương Ngũ quán thảy làu làu,
Ao thất bảo khai hoa bốn màu.
Nước đức, chim thiêng rền tiếng pháp,
Tiêu phiền, chứng đạo, pháp thêm mầu.

9.

Tây phương Lục quán thảy bao hàm,
Cõi tục hoa phiền chớ đắm tham.
Tánh thật Di-đà đầy đủ cả,
Hiện thành công án chẳng cần tham.

10.

Tây phương Thất quán vừa tương ưng:
Tòa báu nguy nga, nguyện lực thành.
Đại Thánh ngồi trên thường tự tại,
Thanh văn quả thấp, sức chẳng thành.

11.

Tây phương Bát quán cần rõ phân,
Chư Phật đều từ tâm tưởng sanh.
Mượn tượng gửi chân, hòa sự lý,
Lo gì Tịnh độ chẳng viên thành?

12.

Tây phương Cửu quán thân vàng ròng,
Tướng hảo quang minh chẳng chi bằng.
Nhiếp độ chúng sanh về Cực Lạc,
Tình thân như thể đấng cha lành.

13.

Tây phương Thập quán nhờ tâm thành.
Thường niệm Quán Âm đấng Đại từ,
Vừa nghe danh, được vô lượng phước,
Lành thay Đại sĩ nguyện rộng sâu!

14.

Tây phương Thập nhất quán khôn lường,
Thế Chí hào quang Phật tán dương.
Vì chúng bắc cầu qua biển khổ,
Phân thân giáo hóa khắp muôn đường.

15.

Tây phương Thập nhị quán dung thông,
Một niệm tinh thành tự thành công.
Nên tưởng tự thân sanh Cực Lạc.
Nghiêm trang ngồi tịnh giữa sen hồng.

16.

Tây phương Hóa Phật phóng hào quang,
Phân thân vô số độ chúng sanh.
Y, chánh trang nghiêm đều đủ cả,
Phép quán mười ba lý viên thành.

17.

Tây phương Giáo chủ đại từ bi.
Đạo sư tiếp dẫn chúng sanh quy.
Chín phẩm đều cho lên Bến giác,
Mãi không thối chuyển, chứng Bồ-đề.

18.

Một nẻo Tây phương thẳng bước nhanh,
Trọn phát ba tâm, chân lý thành.
Thượng phẩm thượng sanh trong chớp mắt,
Sanh ra gặp Phật, chứng Vô sanh.

19.

Tây phương khoái lạc thật kỳ thay!
Quán tưởng tinh thành, hoa nở ngay,
Thượng phẩm trung sanh, tùy nguyện đến,
Trang nghiêm ngồi tịnh, đóa sen bày.

20.

Tây phương lòng đạo nếu kiên trì.
Thượng phẩm hạ sanh có khó chi,
Nguyện thảy cùng lên thuyền Bát-nhã.
Sen vàng đã sẵn đợi người đi.

21.

Tây phương sáng rõ chẳng mơ hồ,
Kiên trì trai giới, thấu Khổ, Không.
Trung phẩm thượng sanh, nhờ sức Định,
Quả A-la hán được thần thông.

22.

Tây phương tu Giới được trọn lành,
Một niệm hoa khai, Thánh quả thành.
Trung phẩm trung sanh, chờ nửa kiếp,
Diệu quả Vô sanh ắt tự thành.

23.

Tây phương giúp Đạo: hiếu làm đầu,
Xử thế nhân từ: ruộng phước mầu.
Trung phẩm hạ sanh, nghe diệu pháp,
Nhờ duyên đời trước gặp bạn lành.

24.

Tây phương Hóa chủ, nguyện vô biên:
Một niệm qui y, diệt tội khiên.
Hạ phẩm thượng sanh, nghe hiệu Phật.
Nhờ thầy chỉ bảo, đại nhân duyên.

25.

Tây phương Đạo lớn từ xưa nay,
Chẳng bỏ người tạo nghiệp sâu dày.
Hạ phẩm trung sanh nhờ chỉ dạy,
Vừa nghe pháp Phật vững tin ngay.

26.

Tây phương quyết định lúc lâm chung:
Nhờ gặp bạn lành đường mở thông,
Hạ phẩm hạ sanh trong mười niệm,
Tội trừ bao kiếp, phước vô cùng.

27.

Tây phương tinh tấn chớ trì diên,
Nghi thành chờ đợi nửa nghìn năm.
Hào quang Đại Thánh soi chiếu đến,
Được về Tịnh độ lễ Kim Tiên.

28.

Tây phương, Sơ địa phát tâm kiên,
Bố thí lòng vui, gieo phước điền.
Thân mạng, của tiền đều bỏ hết,
Được lên thượng phẩm giữa tòa sen.

29.

Tây phương, Nhị địa phải tâm thành,
Niệm Phật trước nên quán lý minh.
Trì giới tinh nghiêm, lìa cấu uế,
Ruộng tâm thanh tịnh, đạo viên thành.

30.

Tây phương, Tam địa ý căn thành,
Nhẫn nhục nhu hòa, dạy chúng sanh.
Mọi phép thần thông đều đủ cả,
Tướng thân vàng rực tỏa quang minh.

31.

Tây phương, Tứ địa thể không hư,
Phiền não, lòng ma, thảy quét trừ.
Tinh tấn, tự nhiên sanh trí tuệ,
Xưa nay không khác, chứng chân như.

32.

Tây phương, Ngũ địa khó tựu thành,
Thấy biết hai thừa đâu dễ sánh.
Pháp thân thanh tịnh, rõ ý chính,
Tu sâu thiền định, lộ chân tình.

33.

Tây phương, Lục địa đạt viên dung,
Bốn phía toàn chân, mọi việc thông.
Bát-nhã hiện tiền không vướng mắc,
Toàn thân tay mắt mở toang dòng.

34.

Tây phương, Thất địa vừa rõ phân,
Bồ Tát vượt xa nhờ lòng lành.
Mỗi niệm rõ thông, sai biệt trí,
Nếu không phương tiện, chẳng viên thành.

35.

Tây phương, Bát địa ngộ Vô sanh,
Chư Phật Như Lai thảy chứng thành.
Chẳng động Pháp thân qua biển khổ,
Nguyện sâu rộng cứu khắp chúng sanh.

36.

Tây phương, Cửu địa pháp vô biên,
Đại sĩ hoằng dương chí lực kiên.
Tông, thuyết đều thông, xưng Thiện huệ,
Biện tài bốn đức thảy châu viên.

37.

Tây phương, Thập địa trí trước tiên,
Mưa pháp mây từ khắp Đại thiên.
Sư tử gầm vang, muông thú phục.
Nhất sanh bổ xứ, quả Phật thành.

38.

Tây phương giác ngộ, Phật sánh vai,
Vô biên hạnh nguyện xứng Phổ Hiền.
Đối diện Như Lai nhận giao phó,
Lợi sanh tiếp vật, khởi Vô duyên.

39.

Tây phương Diệu giác, quả châu viên,
Đủ mắt Văn-thù phước trí nguyên.
Thân Lô-xá-na, đủ công đức.
Bỏ lành, mặc rách, phương tiện truyền.

40.

Tây phương Viên giác, bậc thánh sư,
Đồng Thể Quán Âm đủ đại bi.
Mười hiệu, Ba thân đều trọn vẹn,
Ấy ngôi Vô thượng Phật Bồ-đề.

41.

Tây phương Viễn tổ sớm tiên tri,
Còn hướng về non lễ sáu thì.
Một hội trăm hai mươi ba vị,
Cùng sanh Tịnh độ, chứng Bồ-đề.

42.

Tây phương Đại Thánh, vua các pháp,
Tiếp dẫn chúng mê, phóng hào quang.
Mỏi nhọc chẳng nề hoằng nguyện nặng.
Thường chơi biển khổ, cưỡi thuyền từ.

43.

Tây phương dễ tới, đừng ngần ngại,
Chỉ cốt người tu phải quyết tâm.
Chớp mắt vượt qua dòng sanh tử,
Có duyên ắt gặp việc khó tầm.

44.

Tây phương gần đó, chớ cầu xa,
Một niệm Di-đà hãy thiết tha,
Giữ được suốt đời không niệm khác,
Hoa sen nước Phật đợi người qua.

45.

Tây phương chẳng phải phí sức nhiều,
Mười niệm viên thành, chốc lát siêu.
Phật tổ chỉ đường nhanh bước tới,
Đời này ắt được thoát trầm phiêu.

46.

Tây phương Từ phụ cảm thương đời,
Tiếp dẫn chúng mê về tận nơi.
Sớm tới tòa sen vui gửi thể,
Đừng vào cõi tục gá bào thai.

47.

Tây phương tin chắc, chớ ngờ đây,
Niệm Phật tu hành mau kịp ngày.
Ngày qua ngắn ngủi nên sớm liệu.
Xương khô vùi đất, mấy người hay!

48.

Tây phương cội rễ, giới trước tiên,
Giới luật tinh nghiêm, định cũng kiên,
Sức định chẳng khô, sanh trí sáng,
Trí sáng, tâm thông, tức Kim tiên.

49.

Tây phương chẳng đợi học đa đoan:
Một tiếng Di-đà trở mối sang.
Thấy được ban sơ mày mặt thật,
Mới hay sanh tử tức Niết-bàn.

50.

Tây phương thẳng đến, chớ lân la,
Thành bại nay đều do chính ta.
Chỉ cần niệm Phật không xen tạp,
Hoa sen Cực Lạc sẵn chờ ta.

51.

Tây phương ao báu nở hoa sen,
Vật báu trang nghiêm tự hóa thành.
Hiện giữa hào quang, tự thấy Phật,
Trang nghiêm ngồi giữa đóa sen lành.

52.

Tây phương Tịnh độ diệu kỳ thay!
Hoa ưu-bát-la khắp cõi khai.
Muôn việc hiện thành nền phú quí,
Mỗi đài hoa báu, mỗi Như Lai.

53.

Tây phương danh hiệu Phật đồng mình,
Nghe biết tin sâu chẳng khiếp kinh.
Nếu nhân một niệm bừng tỉnh dậy,
Nhọc chi mười vạn tám ngàn trình.

54.

Tây phương Hóa chủ độ mê tình,
Sức Phật gia trì đạo dễ thành.
Buông tay thẳng tiến không đường khác,
Bước đầu phải thấu rõ ý kinh.

55.

Tây phương giáo pháp đã đành rành,
Một niệm Di-đà cất bước nhanh.
Quyết định sớm lên tòa Sư tử,
Đồng danh, đồng hiệu chứng Vô sanh.

56.

Tây phương chớp mắt ngộ Vô sanh,
Lên ngôi Thượng phẩm, quả Phật thành.
Từ phụ Di-đà, thân thọ ký,
Về sau thuyết pháp độ chúng sanh.

57.

Tây phương nghiêm tịnh chốn an vui,
Vật dùng tùy ý hóa hiện thôi.
Các cõi trời, người không sánh kịp,
Trang nghiêm tòa báu hiện ngồi trên.

58.

Tây phương cõi Phật vượt chư thiên,
Hơn cả Bồng Lai cõi chư tiên;
Hơn cả giàu sang cùng vua chúa.
Và hơn cả hạng ngu si thiền.

59.

Tây phương vui khoái vượt Thiên cung,
Tuổi thọ khôn lường, phước chẳng cùng.
Kẻ thiếu niềm tin nghịch báng bổ,
Phật tử đủ duyên được về chung.

60.

Tây phương Phật tử đủ thần thông,
Thâu lại, buông ra phút chốc xong.
Tùy loại hiện thân, dùng phép lạ,
Mở quyền, hiển thật, dậy tông phong.

61.

Tây phương cảnh trí vượt Bồng Lai,
Uống khí, ăn mây, nuôi họa thai.
Đừng học xuất thần, tu luyện phép,
Cây khô há khiến được hoa khai?

62.

Tây phương Tịnh độ sen hóa sanh,
Khuyên khắp chúng sanh niệm Phật danh.
Hoa nở tức thời được thấy Phật,
Dứt trừ mãi mãi điều chẳng lành.

63.

Tây phương phú quí vượt vương hầu,
Mọi thứ trang nghiêm, tự đủ đầy.
Chỉ quyết một lòng cầu Tịnh độ,
Dứt ngay nẻo dữ chốn trầm luân.

64.

Tây phương đường trước sớm tu trì,
Muôn việc thị phi chẳng lo chi.
Buông xả thân tâm, chuyên niệm Phật,
Đã không phiền não, dứt lo âu.

65.

Tây phương thọ dụng kém ai đâu,
Ao bảy báu đầy bốn sắc hoa.
Thức ăn, y phục tự hóa hiện,
Vẹn toàn tướng hảo với quang minh.

66.

Tây phương nhìn khắp thảy hoa sen,
Trăm báu trang nghiêm trọn phô bày.
Chư thượng thiện nhân cùng hội tụ,
Số nhiều vô lượng vượt cát sông.

67.

Tây phương lối tắt vượt tham thiền,
Một niệm Di-đà, pháp trước tiên.
Chớp mắt vượt qua mười vạn ức,
Chỉ e người chẳng nhận tin liền.

68.

Tây phương chỉ sợ thiếu kiên trì,
Gắng sức chuyên cần thẳng bước đi.
Như thuyền xuôi nước, chèo lái đủ,
Di-đà tiếp dẫn có khó chi!

69.

Tây phương chẳng luận kẻ nghèo, giàu,
Sang, hèn, khôn, dại chẳng khác nhau.
Chẳng luận gái, trai, già với trẻ,
Chẳng phân tăng, tục, oán hay thân.

70.

Tây phương quyến thuộc cùng dòng pháp,
Cùng tu niệm Phật, kết tình thân.
Cùng phát nguyện sanh về nước Phật,
Nên cùng gieo cấy vãng sanh nhân.

71.

Tây phương mở đạo cảm Thích-ca,
Gieo nhân Tịnh độ niệm Di-đà.
Ba cõi sáu đường đều trải khắp,
Mới hay quả Phật, cõi người ta.

72.

Tây phương công đức nước trong ngần,
Thấu triệt cội nguồn niệm Phật nhân.
Không chỉ riêng người sanh Tịnh độ,
Muôn loài bay chạy cũng nhờ ân.

73.

Tây phương kim cổ mãi thường còn,
Cha lành thương xót độ cháu con.
Tám vạn bốn ngàn phương tu tập,
Di-đà một tiếng vượt trội hơn.

74.

Tây phương Cực Lạc vượt trội hơn,
Rộng khuyên hết thảy tu pháp này.
Giữ miệng chớ nên bàn chuyện nhảm,
Niệm Phật sớm chiều chẳng đổi thay.

75.

Tây phương có Phật hiệu Di-đà,
Sông mê độ hết chúng sanh qua.
Bốn mươi tám nguyện bày chín phẩm,
Sẵn đợi muôn người, chớ luống qua.

76.

Tây phương duy một nẻo không xa,
Một niệm vững tin phút chốc qua.
Chạm mắt, gặp duyên đều Cực Lạc,
Gió lay, nước chảy giảng Ma-ha.

77.

Tây phương đường tắt khéo tu hành,
Dũng mãnh chuyên cần tiến bước nhanh.
Chín phẩm đài sen đều sẵn đợi,
Hoa khai chắc chắn ngộ Vô sanh.

78.

Tây phương mau tắt dễ cầu sanh,
Chỉ tại đời nay một niệm thành.
Tinh tấn lại thêm tu phước, huệ,
Đài vàng thượng phẩm được nêu danh.

79.

Tây phương mỗi bước đạp liên hoa,
Tạ đức Thích-ca mở lối qua.
Ba lần thuyết giảng, không sai khác,
Một lòng niệm Phật, sớm về nhà.

80.

Tây phương đích thật ấy nhà ta,
Một niệm Di-đà đúng nẻo qua.
Tin sâu, niệm vững, được quả thật,
Dẫu cho cây sắt cũng nở hoa.

81.

Tây phương dễ đến mấy ai hay?
Đường tắt chớ ngờ, quyết tu ngay.
Chân kinh sáu chữ khi thuần thục,
Trên đài sen báu lễ Di-đà.

82.

Tây phương Từ phụ hiệu Di-đà,
Chín phẩm hoa sen dẫn người qua.
Tu tập dễ dàng, nhanh chóng đến,
Đáng thương kẻ nghi ngại thành xa!

83.

Khuyên tu Tịnh độ, lập Liên tông,
Tôn sư Huệ Viễn hoằng cõi Đông.
Niệm Phật, tham thiền chung một đích,
Xưa nay diệu hữu tức chân không.

84.

Tây phương nguyện lớn khắp mênh mông,
Một niệm Di-đà khéo dụng công.
Niệm niệm đành rành không dứt đoạn,
Lời lời thức tỉnh Chủ nhân ông.

85.

Tây phương thẳng hướng dễ tu trì,
Mấy ai rõ biết tánh A-di?
Ba cõi sáu đường mê sanh tử,
Suy cùng, sao chẳng xót thương chi?

86.

Tây phương công án sớm hành trì,
Lẳng lặng ngồi yên, khởi tâm nghi,
Nghi đến tình quên, tâm dứt tuyệt,
Hiểu ra, ta vốn thật Di-đà.

87.

Tây phương một tiếng ấy riêng truyền,
Chẳng mượn tu hành, tâm hiện tiền,
Các bậc thiện nhân nếu thấy tánh,
A-di-đà Phật sánh vai liền.

88.

Tây phương đạo lớn chẳng pháp riêng,
Một niệm Di-đà, sự, lý kiêm.
Thấu rõ ý mầu tinh tế ấy,
Mới hay niệm Phật tức tham thiền.

89.

Tây phương muôn khổ não không còn,
Người tu cần thấu triệt tự tâm.
Trước mắt thấy liền chân Cực Lạc,
Biết đất nơi đây thật vàng ròng.

90.

Tây phương mặt đất thật vàng ròng,
Vang trời cây báu giảng Pháp Không.
Như thế xưng danh là Cực Lạc ,
Bao nhiêu nạn khổ hóa thành không.

91.

Tây phương niệm Phật: pháp tối cao,
Chớ tin tà thuyết lòng động xao.
Thuở trước Thế Tôn ân cần nhắc,
Đường tắt là đây, đúng lối vào.

92.

Tây phương công đức thật khôn lường,
Không tin, báng bổ chuốc tai ương.
Địa ngục đọa vào vô số kiếp,
Biết bao giờ thoát khỏi đau thương?

93.

Tây phương đường rộng ít người qua,
Vì pháp môn này rất cao xa.
Kẻ chẳng chịu đi, ai kéo được?
Chỉ người tin chắc mới giao hòa.

94.

Tây phương dễ tới, khá tu hành,
Mười niệm tinh chuyên, ắt vãng sanh.
Khuyên khắp thế gian nam cùng nữ,
Hãy mau sớm liệu việc tu hành.

95.

Tây phương quê cũ sớm về thôi,
Mạng sống vô thường, thở một hơi!
Ngày tháng có chừng, nên tiếc lấy,
Đời nay bỏ luống, khó trông vời.

96.

Tây phương chẳng tới khó lòng thay,
Sức tợ dời non, lỡ kiếp này.
Nhắn nhủ thế gian người trí thức,
Sẵn kho báu vật, chớ về không!

97.

Tây phương trở lại, chớ trì nghi,
Một tiếng Di-đà sớm thọ trì.
Nhướng mắt lên cao, tay xuống vội,
Chẳng nhọc, không lâu, chứng Bồ-đề.

98.

Tây phương gấp gấp sớm tu trì,
Sống thác vô thường, chớ hẹn chi.
Ngày tháng qua nhanh như tia chớp.
Thân người há dễ được mấy khi?

99.

Tây phương một nẻo chớ dần dà,
Tinh thần phấn chấn thẳng đường qua.
Đào giếng đừng chờ khi khát nước,
Lên thuyền Tịnh độ sớm đi xa.

100.

Thơ vịnh trăm bài đã trọn vần,
Rộng khuyên tất cả sớm tu thân.
Đừng sá thân mình tìm kế sống,
Tây phương về được, hưởng Phật ân.

8. Khuyên người phát nguyện chân chánh, quyết định vãng sanh


Ngài Từ Chiếu Tông chủ dạy rằng: “Có hạnh, không nguyện, hạnh ấy ắt là không thành. Có nguyện, không hạnh, nguyện ấy ắt là yếu ớt. Không hạnh, không nguyện, ở mãi chốn Diêm-phù vô nghĩa. Có hạnh, có nguyện, thẳng nhập vào cõi vô vi. Đó là cái căn bản tu nghiệp thanh tịnh của chư Phật Tổ.

Vì sao vậy? Lý do trí dẫn đường, hạnh do nguyện khởi lên. Hạnh và nguyện được như nhau thì lý và trí đều gồm đủ.

Nguyện tức là điều ưa thích, mong muốn. Như mong muốn được sanh về cõi Tịnh độ phương tây; ưa thích được thấy đức Phật A-di-đà. Cần phải phát nguyện, sau mới được vãng sanh. Nếu không có tâm nguyện, căn lành rồi sẽ tiêu mất.

Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng: “Nếu chẳng phát nguyện lớn, ắt bị ma dắt dẫn.” Hết thảy quả Phật đều do từ nguyện lớn khởi lên, nên muốn được quả Vô thượng Bồ-đề, phải có nguyện ba-la-mật. Vì vậy, ngài Phổ Hiền khơi rộng biển nguyện vô biên, đức Di-đà mở ra bốn mươi tám cửa nguyện. Cho nên biết rằng mười phương chư Phật cho đến thánh hiền xưa nay đều do nơi nguyện lực mà thành tựu Bồ-đề.

Luận Trí độ, quyển tám, có câu hỏi rằng: “Chư Bồ-đề hạnh nghiệp thanh tịnh, tự nhiên được báo phần hơn, cần gì phải lập thệ nguyện, rồi sau mới được thọ báo? Vả lại, như người làm ruộng tất có lúa, há phải đợi có nguyện hay sao?”

Đáp rằng: “Làm phước không có nguyện, không có chỗ hướng về. Nguyện là sức dẫn dắt, quy hướng, nhờ đó mà thành tựu. Như Phật có dạy rằng: Như người tu hành ít phước, ít giới, chẳng rõ biết chánh nhân giải thoát, nghe nói về sự vui sướng ở cõi người, cõi trời nên thường mong cầu. Sau khi thác đều sanh về những cõi ấy. Đó đều là do nguyện lực dẫn dắt đến. Bồ Tát cầu sanh Tịnh độ là nhờ ở chí nguyện bền vững mạnh mẽ, mới được vãng sanh.” Lại dạy rằng: “Tuy tu ít phước, nhưng nhờ có nguyện lực nên được thọ báo Đại thừa.”

Luận Đại trang nghiêm dạy rằng: “Sanh về cõi Phật là chuyện lớn, nếu chỉ nhờ vào công đức thì không thể thành tựu được. Cần phải có nguyện lực giúp vào mới được vãng sanh, do nơi nguyện mà được thấy Phật.”

Kinh A-di-đà dạy rằng: “Như người có lòng tin, nên phát nguyện sanh về cõi ấy.”

Kinh Hoa nghiêm, phẩm Hạnh nguyện có dạy rằng: “Vào thời khắc cuối cùng trước lúc mạng chung, hết thảy các căn đều hoại mất, hết thảy thân thuộc đều lìa bỏ, hết thảy oai thế đều không còn, cho đến voi, ngựa, xe cộ, của báu, kho tàng đều không còn nữa. Duy chỉ có nguyện lớn là không lìa bỏ, luôn luôn dẫn đường phía trước, nên chỉ trong khoảnh khắc liền được vãng sanh về thế giới Cực Lạc.”

Do đó mà suy ra, nên thường xuyên phát nguyện, mong muốn được vãng sanh, ngày ngày đều cầu mong, đừng để thối mất chí nguyện.

Cho nên nói rằng: Pháp môn dù rộng lớn, không có nguyện cũng chẳng theo. Do đó mà Phật tùy theo lòng người, giúp người được như nguyện.

Than ôi! Nhìn khắp những người đời nay có lòng tin theo về cửa Phật, hoặc vì bệnh tật khổ não mà phát tâm, hoặc vì báo ơn cha mẹ mà khởi ý, hoặc vì muốn giữ lấy cửa nhà, hoặc vì sợ tai họa mà ăn chay. Dầu cho có lòng tin, nhưng chẳng có hạnh nguyện; tuy nói là niệm Phật, nhưng không đạt đến chỗ cội gốc của chính mình.

Phàm những kẻ làm việc thiện đều là mong được thỏa sự mong cầu, hiếm hoi lắm mới có người vì luân hồi sanh tử mà phát nguyện niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Thường khi người ta dâng hương đèn nơi đạo tràng, những lời cầu nguyện đều là hướng đến chỗ bộc bạch với thần minh để cầu cho được tai qua nạn khỏi, tuổi thọ dài lâu. Do đó mà trái ngược với ý nghĩa kinh sám, không phù hợp với bản nguyện của chư Phật. Dầu cho trọn đời tu hành tụng niệm cũng chẳng rõ lý thú, vận dụng công phu sai lầm. Cho nên mới nói là: “Suốt ngày tính đếm châu báu của người, còn tự mình chẳng được lấy nửa đồng tiền!” Đến khi lâm chung chẳng được vãng sanh Tịnh độ, đều chỉ là do chẳng có hạnh nguyện mà thôi!

Lại có những kẻ ngu si, khi về thọ giới theo Phật liền đối trước Tam bảo mà dâng hương phát lời thề rằng: “Nếu tôi phá giới, xin chịu bệnh dữ đeo đuổi nơi thân, mãi mãi đọa nơi địa ngục.” Hoặc thề rằng: “Nếu tôi phá giới, xin chịu nơi mắt trái chảy máu, mắt phải chảy mủ; tự mình cam chịu thọ báo.”

Đã từng thấy nhiều người miệng nói ra như vậy mà lòng không nhớ nghĩ, vẫn phá trai, phạm giới, rồi phải chịu tai ương hoạn họa, thọ các ác báo. Hoặc trong hiện tại chịu sự trừng trị của pháp luật, hoặc khi chết rồi phải đọa vào ba đường dữ: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Than ôi! Thật chẳng biết rằng Phật Tổ khởi lòng đại từ bi, có bao giờ dạy người những chuyện như vậy? Đó đều là chỗ lầm lỗi của bọn tà sư, lẫn lộn những thuật chú phạt mà cho là phát nguyện, thật là lầm lẫn biết bao!

Nghĩ mà thương xót, xin khuyên hết thảy mọi người đồng phát chánh nguyện, cầu sanh Tịnh độ, cùng nhau thẳng đến quả Phật.

Hẳn có người nói rằng: “Tôi là phàm phu, đâu dám mong cầu sanh về Tịnh độ, được làm Phật hay sao? Nếu mong cầu như vậy, lại thành ra hoang tưởng mà thôi.”

Xin thưa rằng: “Không phải vậy. Này quý vị! Phật tức là giác, Tịnh độ là tâm. Tâm này, ai mà chẳng có? Nếu tâm giác ngộ tức tự mình là Phật, còn khi tâm mê, ấy là chúng sanh. Người đời vì trái với giác, hợp với trần, cho nên phải luân hồi trong ba cõi, sanh ra theo bốn cách trong sáu đường. Nghiệp duyên thiện ác, thọ báo tốt xấu, đều do nhận lầm bốn đại là thân, sáu trần thật có. Vì thế mà nương theo những cảnh huyễn ảo bên ngoài, ngày đêm lưu chuyển, chẳng lúc nào chịu quay lại quán chiếu, ăn chay niệm Phật.

Suốt đời từ trẻ đến già chỉ lo việc nhà chẳng xong, tiền bạc của cải chưa được như ý, nhưng càng được nhiều lại càng mong cầu, lòng tham không thỏa! Dầu cho cũng có làm lành làm phước, thờ Phật thắp hương lễ bái, nhưng chỉ mong cầu được phú quí vinh hoa, sống lâu không chết. Vừa làm được đôi chút việc tốt đã khởi tâm mong cầu nhiều việc, muốn cho lúa gạo đầy kho, con cháu hiển đạt, trâu ngựa sanh nhiều... Vừa có một điều không như ý, liền oán trách Phật chẳng phù hộ. Còn như ngày ngày được thêm của cải, gặp nhiều chuyện vui, họ mới gọi là được cảm ứng! Tính toán tham lam như vậy, quả thật là những ý tưởng sai quấy.

Còn nói ngược lại rằng niệm Phật cầu sanh Tịnh độ là ý tưởng sai quấy, há chẳng phải là điên đảo lắm sao? Phàm những việc làm phước hằng ngày đều thuộc về pháp hữu vi, đó là cái nhân hữu lậu thế gian, chẳng phải đạo vô vi xuất thế.

Người Phật tử tu hành nên khéo suy xét. Ngày nay có duyên gặp được Phật pháp, nên tham cứu đến tận cội gốc, đừng vướng nơi những cành nhánh nhỏ nhặt. Chỉ trong một niệm quay về quán chiếu tự tâm, tu theo pháp xuất thế, phát nguyện lìa bỏ cõi Ta-bà, cầu sanh về Tịnh độ. Khác nào như người khách tha hương đã lâu, nay nhớ nghĩ muốn quay về quê cũ. Cái tâm nguyện muốn sanh về Tịnh độ, muốn thành quả Phật, sao có thể đồng với những ý tưởng sai quấy của kẻ phàm phu?

Trong bài sám Tịnh độ có nói rằng:

Nguyện khi tôi xả bỏ thân này,
Trừ được hết thảy mọi chướng ngại.
Trước mắt thấy Phật A-di-đà,
Liền được vãng sanh về Tịnh độ.

Nên có lời rằng:

Một khi thẳng bước trên đường chánh,
Mới hay từ trước dụng tâm tà.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]