Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

III. Phân Tích Bát Nhã Tâm Kinh

03/09/201102:43(Xem: 7510)
III. Phân Tích Bát Nhã Tâm Kinh

THỰC TẠI VÀ CHÍ ĐẠO
Phổ Nguyệt, Ph.D.

PHẦN HAI
GIẢI THOÁT TRI KIẾN

CHƯƠNG MỘT

CÁI NHÌN BÁT NHÃ TÂM KINHQUA LĂNG KÍNH THỜI KHÔNG

III. PHÂN TÍCH BÁT NHÃ TÂM KÍNH QUA LĂNG KÍNH THỜI KHÔNG

A.- Chủ Thể Quan Sát:

Quán Tự Tại hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thế khổ ách.

Quán Tự Tại Bồ Tát, chủ thể quan sát, hay hành giả, trong quá trình tư duy sâu sắc (Trí quan sát) mới thấy được ngũ uẩn đều không, nên vượt qua mọi khổ ách.

Hành thâm: tức qua một thời gian thực hành nghiền ngẫm với Trí rộng khắp nhiều phương diện, lúc ấy mới thấy được ngũ uẩn đều không. Không ở đây là hai giai tầng thực tại của Tánh Không. Tánh Không thứ nhất là Tướng Không của ngũ uẩn (dung thể Không của ngũ uẩn chiếm trong không gian) tức là Tự tính Tuyệt đối; còn Tánh Không thứ hai là không thật là nó nữa, là thực tại giả lập do lịch trình huyễn hóa ngũ uẩn. Cho nên suy xét kỹ thì thấy rõ mọi khổ ách (là quá khứ)-- khi ở thể không tuyệt đối (hư không)-- không thể chạm vào hư không được dù hiện tại hay quá khứ. Còn ở thực tại giả lập, khổ ách quá khứ thì hiện tại không còn nữa. Sự đau khổ đã qua đi, chúng ta chỉ còn vương vấn trong ký ức và luôn lập lại bằng ảo giác âm vang trong tâm thức mà thôi. Vậy khi hành thâm Trí Bát Nhã mới thấy thực tướng của ngũ uẩn là Tánh không, nên hiện tại không có khổ ách nào còn vì vậy đã vượt khỏi khổ ách rồi vậy.

B.- Đối Tượng Quan Sát:

Xá Lợi Tử! Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc; Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức diệc phục như thị.

+Sắc không khác Không, Không không khác Sắc :

Sắc và dung thể Không của Sắc là Một, cho nên Sắc không khác Tướng Không của nó và Tướng Không của Sắc cũng không khác Sắc. Vì Sắc chiếm cứ không gian và không gian dung chứa Sắc khắn khít nhau như Một, cho nên dung thể Không của Sắc và Sắc là Một. Không nầy là Tự Tính Tuyệt Đối.

+Sắc biến thành Không, Không biến thành Sắc:

Thí dụ: Ta nhìn Sắc ở thời điểm T1 thì qua T2 (1 sát na), ta thấy Sắc ở T1 không còn thật là Sắc ở T2 nữa. Nhưng ở T2 ta vẫn thấy Sắc ở T2 là thật, dù ở T2 xem Sắc ở T1 không thật. Chẳng hạn, ông A ở T1,qua T2 thì lập tức ô. A thêm ( T2-T1) tuổi nên ô. A T2 không phải là ô. A T1. Tuy nhiên, dù ô. A ở T1 không thật là ô. A ở T2, nhưng ở T2 ta vẫn thấy ô. A ở T2 là thật. Đó là lịch trình huyễn hóa của Sắc qua Trí Phân Biệt; hay Sắc và Không có Tự Tính Tùy Thuộc (theo Thời gian). Rồi đến Thọ, tưởng, Hành, Thức đều giống như vậy.

Theo triết lý Duy Thức, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, là tiến trình tri thức đúng thực tướng của ngũ uẩn hay vạn pháp. Tri thức đúng chủ tri sai lầm vì chủ thể nhận thức bóng dáng của ngũ uẩn cho là ngũ uẩn thật. Tri thức đúng chủ tri sai lầm đó là tự giác. Ngũ uẩn mà chủ thể nhận thức sai lầm đó chỉ là ngũ uẩn giả lập. Tri thức đúng tự tính giả lập của ngũ uẩn là giải thoát khỏi nhân duyên chằng chịt, luân hồi, sanh diệt của ngũ uẩn, đối tượng, hay tha nhân nói chung, tức là giác tha. Vậy tri thức đúng thực tướng của vạn pháp là con đường giải thoát mọi ràng buộc, sai lầm, nhân duyên, luân hồi, khổ đau để đến bờ giác ngộ Niết Bàn tịch tịnh. Đó cũng là con đường tự giác và giác tha.

C.- Đặc Tính Các Pháp.-

Xá LợI Tử! Thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Thị cố không trung vô Sắc, vô Thọ, Tưởng, Hành,Thức; vô Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý; vô Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp; vô Nhãn GiớI, nãi chí vô Thức Giới; Vô minh diệc Vô minh tận; nãi chí vô Lão Tữ diệc vô Lão Tử tận; vô Khổ, Tập, Diệt, Đạo; vô Trí diệt vô Đắc.

a).-Tự tính tuyệt đối.

Các pháp không tướng là tánh không của các pháp có đặc tính như sau : Bất sanh bất diệt, là bản tánh cố định vì các pháp thuộc vào tự thân nó, không có tự tính giả lập hay tùy thuộc áp đặt lên nó, nên nó chính là nó, không gì ngoài nó. Dung thể không của vạn pháp và vạn pháp là một. Tánh Không của vạn pháp tức nhiên không sanh không diệt; Tướng Không (dung thể Không luôn khắn khít với vạn pháp nên không thay đổi) thì không tăng không giảm. Chất thể Không (Hư không) thì không tốt không xấu, không thiện không ác, và không sạch không nhơ.

b.-Tự tính giả lập.

Tự tính giả lập là tự tính của thực tại kiến lập tự nhiên. Khi sự vật nhìn thấy qua nhãn căn thì chỉ nhìn thấy hình ảnh của sự vật ở võng mạc của nhãn căn mà thôi. Hình ảnh nầy được lăng kính hội tụ ở nhãn căn từ sự vật bên ngoài không gian. Hình ảnh ấy tăng hay giảm tùy theo khoảng cách không gian gần hay xa đối với chủ thể. Cơ quan cảm giác của mỗi người đều khác nhau, cho nên cái thấy đó cũng có chỗ khác nhau. Vì là hình ảnh của sự vật nên nó không thật. tự tánh giả lập cũng là tánh không. Tánh không ở đây có hai nghĩa :

(1). Hình ảnh là thể không (không nắm bắt được, là hư không), khi hình ảnh thay đổi thì thể không có sanh có diệt.

(2). Hình ảnh đó không thật là của sự vật, vì do giác quan con người nhận thấy.

Tự tính gỉả lập còn gọi là Báo Thân, vì tự tánh nầy hay thay đổi theo thời không, nên nó có sanh có diệt, có tăng có giảm.

c.-Tự Tính Tùy Thuộc.

Thực tại được hình thành do nhân duyên của thọ tưởng hành thức nên có tự tính tùy thuộc. Hình ảnh của sự vật nầy ở trong tâm thức mà tâm (Ý) trực nhận, cũng thay đổi luôn theo nhân duyên. Thực tại được nhận thức theo quan niệm, làm cho ta thấy chất thể của hình ảnh sự vật có màu sắc, tốt xấu, thiện ác, sạch nhơ v.v...Tự tính của sự vật nầy cũng là hình ảnh của sự vật trong tâm thức tùy thuộc nhân duyên (lục dục, thất tình), nên chất thể thay đổi theo môi trường sạch nhơ và sanh diệt theo thời gian. Tự tánh tùy thuộc còn gọi là Hóa Thân.

Tóm lại, trong không gian (Hư không) có hai thế giới:

+ Thế giới gác ngộ, thì mọi sự vật đều có sáu đặc tướng không: không sanh không diệt, không tăng không giảm, không sạch không nhơ. Ở tự tính tuyệt đối, Tánh Không của sự vật : không sanh không diệt; Tướng Không sự vật: không tăng không giảm; Chất Không sự vật : không sạch không nhơ.

+Thế giới mê vọng thì có sanh có diệt, có tăng có giảm, có sạch có nhơ. Ở tự tính giả lập, tánh và thể của hình ảnh sự vật có sanh có diệt, có tăng có giảm theo thời không. Ở tự tính tùy thuộc, tánh và chất của hình ảnh sự vật có sanh có diệt, có sạch có nhơ tùy thuộc môi trường nhân duyên và thời gian.

d.-Tính Vô ngã.

Do đó, trong Không hay tánh Không của ngủ uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là tự tính Không của nó mà thôi, nên ngũ uẩn không có thực thể. Thường thì Thân ngũ uẩn được con người tri nhận sai lầm là Cái Ngã của mình, kỳ thực, thực tướng của ngũ uẩn là tánh không, nên ngũ uẩn vô ngã.

e.- Không gian tính :

+Nhân.

Tánh không của Nhãn, Nhĩ, Tỹ, Thiệt, Thân, Ý của thân xác là thể không của cảm quan. Lục căn là căn để chủ yếu tiếp xúc đối tượng trong không gian, là nguồn gốc, là những chủng tử, khi có điều kiện, sinh ra các cảm giác. Tánh không của lục căn tùy thuộc vào duyên mới phát sinh cảm giác, nên chúng chỉ là tự tính giả lập.

+Duyên.

Tánh không của Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp. Lục trần cũng không có thực thể; thật sự chúng là thực tại giả lập và chúng là những yếu tố (duyên) tạo ra cảm giác và ý thức khi kết hợp với lục căn. Lục trần tùy thuộc vào lục căn mới phát sinh ra cảm giác. Lục trần được xem là duyên, nên chúng có tự tính tùy thuộc.

+ Quả.
Tánh không của Nhãn giới cho tới Thức giới. Lục Thức chỉ là Ý thức do Nhân Lục căn, Duyên Lục trần kết hợp thành Quả là Lục thức. Nhân đã không có thực thể, Duyên cũng không có thực thể, thì Quả làm gì có thực thể. Do đó Lục thức là hiện tượng vô thường của tánh không, của tự tính tùy thuộc. Lục thức là sự hiểu biết đối tượng Lục trần qua Lục căn của chủ thể, nên lục thức được tri nhận sai lầm là Tâm. Theo đặc Tướng Không của vạn pháp, thì Tâm hay Pháp tức chủ thể hay đối tượng đều không có thực thể. Tâm vô thường, Pháp vô Ngã.

f.- Thời Gian Tính.

Tánh Không của thập nhị nhân duyên. Không có Vô Minh, không tận Vô Minh, cho đến không có Lão và Tử, cho đến không có tận diệt Lão và Tử. Đặc Tướng Không của Vô Minh là tánh không, nên Vô Minh tự nó rỗng không vì nó là Tri kiến mà Tri Kiến là một thực tại giả lập hay tùy thuộc vào nhân duyên áp đặt lên nó. Có Vô Minh (Sanh) thì Không có Vô Minh (Diệt) là giai đoạn 1. Không có Vô Minh (Diệt ), thì Không không có Vô Minh ( Sanh), là giai đoạn 2 và cứ như thế theo thời gian sanh, diệt, sanh v.v...; Có Lão và Tử (Sanh), không có Lão và Tử (Diệt), là giai đoạn 1. Không có Lão và Tử (Diệt), Không không có Lão và Tử (Sanh), giai đoạn 2, và cứ như thế chạy dài theo thời gian vô tận. Đó là Biện Chứng Nụ Hoa Quả của Hegel. Nụ tàn thì Hoa trổ, Hoa rụi thì Quả sanh. Đó là nhị bội phủ định. Hai lần phủ là một quyết. Đói thì ăn. Không đói thì không ăn. Không phải không đói mà không ăn.

Nói tóm lại, Tánh Không của Thập Nhị Nhân Duyên là Tính Không duyên khởi là lịch trình (thời gian) huyễn hóa sự vật mà thôi.

g.- Giải Kiến: Tánh Không của Tứ Diệu Đế.
Tánh không của Khổ, Tập, Diệt, Đạo được giải kiến bằng Thọ, Tưởng, Hành, Thức.

Cảm thọ Khổ là quả, do Tập là Tưởng, là ký ức là nhân. Hành là Diệt là quả, nên Thức là Đạo là nhân. Con đường tri thức đúng của Khổ,Tập, Diệt, Đạo là Thực Tướng Không của Thọ, Tưởng, Hành,Thức. Tánh không của Tứ Diệu Đế cũng được giải kiến theo hai hướng của thực tại. Thực tại tương đối là tính không của Khổ Tập Diệt Đạo với Tự tính giả lập hay tùy thuộc. Còn Thực tại tuyệt đối là tánh không của Thọ Tưởng Hành Thức với Tự tính tuyệt đối.

h.- Giải Kiến: Tánh Không của Trí và Đắc.

Chân Trí hay Chân Đắc là thực tướng của Tri và Hành. Tri thức đúng (tự tính tuyệt đối) là Chứng, là giác ngộ, mà giác ngộ mới thực hành đúng là Đắc. Chứng (Tri) và Đắc (Hành) tự nó đầy đủ, là chân lý tối hậu, không có gì áp đặt lên nó như dùng ngôn từ hay công ước. Như vậy Không Trí Không Đắc được giải kiến bằng Tướng Không (tuyệt đối) của Trí và Đắc. Vì Trí và Đắc là thực tại giả lập, nên tri thức đúng thực thể của chúng tức là nắm bắt tự tính tuyệt đối của chúng.

D.-Quả Đạt Được.

Dĩ vô sở đắc cố, Bồ Đề Tát Đỏa y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố, Tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo, mộng tưởng, cứu cánh Niết Bàn. Tam thế chư Phật y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố, đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Cố tri Bát Nhã Ba La Mật Đa, thị Đại thần chú,thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thực bất hư. Cố thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa chú, tức thuyết chú viết :
Yết Đế, Yết Đế, Ba La Yết Đế, Ba La Tăng Yết Đế, Bồ Đề Tát Bà Ha.

(1).- Quả: Khi hành Trí Bát Nhã Cứu Cánh thì đạt được hai quả sau đây :

a). Thoát khỏi khổ ách. (Thời gian huyễn hóa sự vật) Như ngay khi chiếu kiến ngũ uẩn giai không của Bồ Tát Quán Tự Tại thì quả là thoát mọi khổ ách.

Ngũ uẩn là thực tại kiến lập, là tánh không. Cho nên, Thọ (Sợ hải), Hành (điên đảo), Tưởng (mộng tưởng) là tánh không hay là cái không thật có đó, nên không có gì chướng ngại, liền vượt qua mọi sợ hãi, điên đảo, mộng tưởng. Tri thức đúng tự tính giả lập là giải thoát mọi khổ ách, vì khổ ách không thật có. Sắc tức thị không, và không tức thị sắc

b).-Giác ngộ Niết Bàn. (vô thời không)

Chiếu kiến ngũ uẩn giai không trên bình diện tuyệt đối, tức ngũ uẩn và không không khác, tánh không của ngũ uẩn là thể không của ngũ uẩn,là tự tính tuyệt đối. Cho nên, thực hành Trí Bát Nhã Cứu Cánh là Tri thức đúng thực tướng (thể không tuyệt đối) của vạn pháp, tức là con đường giải thoát đến bờ giác ngộ Niết bàn, đến cứu cánh.

c).- Chứng Minh:

Các đức Phật ba đời, cũng hành trì theo pháp Bát Nhã Cứu Cánh đều chứng quả Vô Thượng Giác.

Phật ba đời là Phật Tánh hay Tánh Không của Tự Tính Tuyệt Đối. Vì ba đời, là quá khứ đã qua không thật; vị lai chưa đến cũng không thật; hiện tại không nắm bắt được: ba thời đều bất khả đắc. Đó là Pháp Đẳng Không. Trong Kim Cang Tam Muội, phẩm 23, Phật dạy :

--Đúng như lời Tu Bồ Đề nói: Đại Thừa đồng đẳng với hư không.

Như hư không không có phương hướng, chẳng phải dài vắn vuông tròn, chẳng phải vàng đỏ trắng đen. Đại thừa cũng như vậy.

Như hư không chẳng phải quá khứ vị lai hiện tại, chẳng cấu chẳng tịnh, chẳng tăng chẳng giảm, chẳng sanh chẳng diệt, không dừng thay đổi, chẳng phải thiện hay bất thiện, ký hay vô ký, chẳng thấy nghe hay biết v.v... Đại thừa cũng lại như vậy. Thế nên Đaị Thừa đồng đẳng với hư không.

--Tu Bồ Đề! Đúng như lời ông nói, hư không dung thọ vô lượng vô biên vô số chúng sanh. Đại Thừa cũng lại như vậy. Vì chúng sanh vô sở hữu. Do vì chúng sanh vô sở hữu, hư không vô sở hữu, đại thừa vô sở hữu nên đều bất khả đắc.

Vì đến tất cả pháp đều bất khả đắc, nên đại thừa dung chứa và thọ nhận tất cả ( vô lượng vô biên vô số chúng sanh ).

Vì tất cả các pháp bất khả đắc, nên trong quá khứ hiện tại vị lai, Thanh Văn, Bích Chi Phật, Bồ Tát và Phật đều bất khả đắc. Thế nên trong ba đời đều bình đẳng, vì tất cả đều bất khả đắc.

--Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát an trụ Bát Nhã Ba La Mật học tướng ba đời bình đẳng, sẽ được nhứt thiết chủng trí.

--Bạch Thế Tôn! Lành thay! Lành thay! Đối với Đại Bồ Tát đại thừa an trụ Bát Nhã Ba La Mật :
Quá khứ chư Đại Bồ Tát học nơi đây được Nhứt Thiết Chủng Trí.

Vị lai chư Đại Bồ Tát học nơi đây sẽ được Nhứt Thiết Chủng Trí.

Hiện tại chư Đại Bồ Tát trong vô lượng vô số quốc độ 10 phương cũng học được nơi đây mà học được Nhứt Thiết Chủng Trí.
--Bạch Thế Tôn! Nhứt Thiết Chủng Trí chính là Đại Bồ Tát Đại Thừa vậy.
--Tu Bồ Đề! Đúng như vậy. (tr. 70-71)

Do đó trongba đời chư Phật (dùng Phật tánh hay Tánh không), hành trì theo phép Bát Nhã Cứu Cánh đều chứng quả Vô Thượng giác (Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác) hay Vô Thượng Bồ Đề tức là Nhứt Thiết Chủng Trí là Trí giác tuyệt đối.

2.- Tán Tụng

Thế nên biết rằng Bát Nhã Ba La Mật, chính là thần chú vĩ đại nhứt, thần chú chiếu minh, thần chú vô thượng, thần chú đẳng không hay tuyệt đỉnh, chính là chân lý bất vọng, có năng lực siêu phàm tiêu trừ tất cả khổ nạn.

Đó là lời tán tụng thành quả của hành trì Trí Bát Nhã Cứu Cánh.Thần chú là kỷ thuật, phương pháp đi vào thực tính của vạn pháp. Đó là pháp đại thần diệu vì nó vĩ đại, tuyệt đối tác năng vô tận. Đại minh chú là pháp Đại chiếu minh, giải trừ sự tối tăm (vô minh), dứt mọi phiền não kiến chấp. Vô Thượng chú là pháp vô thượng Bồ Đề là chỗ giác ngộ của Phật, không còn ai hơn nữa gọi là Vô Thượng; xa lìa tà vọng gọi là chánh,ngộ được chân lý gọi là Giác. Phật tâm Vô Thượng Giác là phát tâm mong cầu trí giác vô thượng, quả Phật cứu cánh. Vô Đẳng Đẳng chú tức là pháp đẳng không, học tướng ba đời bình đẳng (Phật ba đời) sẽ được Nhứt Thiết Chủng trí. Hay Tâm Vô Đẳng Đẳng cũng là Tâm Vô Thượng bồ Đề trên Tâm Thinh Văn, Bích Chi Phật và tất cả mọi thứ tâm. Cho nên Trí Bát Nhã Cứu Cánh là phương pháp diệt trừ khổ ách, bởi vì phương pháp trí cứu cánh cũng là phương pháp tri nhận đúng chân lý, không hư dối, tức là tri nhận tự tính tuyệt đối. Trí Bát Nhã Cứu Cánh là Tri Thức Đúng, tức là tiến trình nhận thức đúng thực thể, nên giải thoát mọi sự hiểu biết sai lầm ràng buộc bởi nhân duyên chằng chịt, khổ đau, luân hồi mà đến bờ giác ngộ Niết bàn. Đó là kỷ thuật hay phương pháp thiết thực như hành trì các pháp (thần chú) như pháp tuyệt đối vĩ đại, pháp chiếu minh, pháp vô thượng, pháp đẳng không, chắc chắn sẽ giác ngộ Niết bàn như hành trì Trí Bát Nhã Cứu Cánh vậy.

E.- Kết Luận.

Phật liền đọc (nói): Yết Đế, Yết Đế, Ba La Yết Đế, Ba La Tăng Yết Đế, Bồ Đề Tát Bà Ha, là chấm dứt ngay mọi vọng tưởng, đạt cứu cánh niết bàn.

Thật ra nói đến thần chú--dù có nghĩa là kỷ thuật hay phương pháp--thần chú là mật ngữ không cần biết tới nghĩa của nó.

Khi hành giả đọc thần chú, hành giả (chủ thể) nghe (biết) tiếng thần chú (đối tượng). Nghe là năng tri, thần chú là sở tri. Còn chủ tri và khách thể là còn nhị nguyên, đối đãi, nhân duyên chằng chịt. Như đã trình bày ở phần trước theo quan điểm duy thức, là Tri Thức đúng cái tri thức sai lầm đó (chủ thể cảm giác và đối tượng giả lập) là quá trình giải thoát mọi vọng tưởng điên đảo, đạt được cứu cánh niết bàn.

Vậy khi hành giả đọc câu thần chú xong thì năng sở song vong có nghĩa là khi đọc thần chú tức là chủ thể đọc (nghe), thần chú (đối tượng), hành giả ngay đó Biết được mình đang nghe âm thanh đọc. Bởi vì Biết được là trực giác (do tâm, chứ không do cảm quan của chủ thể tri thức) được âm thanh đó. Năng tri (đọc: phát ra âm thanh của chữ) là nghe âm thanh của thần chú là do căn tai. Câu thần chú là tiếng được nghe (sở tri), nó là thực tại giả lập. Cho nên dùng trực giác (tâm) nhận thức ngay thể không của chủ tri và sở tri, tức là biến nhị nguyên (chủ khách) thành nhứt nguyên (chủ khách đều không). Đó là tri thức đúng thực tướng của tâm và vật.

Nói rõ hơn là khi hành giả đọc câu chú, ngay đó nhận Biết đang nghe âm thanh đọc mà thôi. Vì lẻ, khi đọc dùng tánh nghe của căn tai (cảm giác) chuyển cho trực giác từ tánh nghe đó mà thể nhận nơi thể không của của tiếng đọc thần chú được nghe thành âm thanh. Do đó nghe đọc thần chú, nhận Biết ngay đang nghe âm thanh đọc mà thôi.
Dù thần chú có nghĩa là--Vượt qua, vượt qua, đến bờ bên kia một cách nhanh chóng-- nhưng hành giả chỉ cần thể nhận nơi thực tướng (âm thanh đọc) mà không cần biết ý nghĩa của thần chú là ngôn ngữ giả lập.

Vậy khi đọc câu thần chú xong, ngay đó nhận biết tánh nghe mà thôi, đó là đạt được Giác Ngộ viên mãn.

Nên nhớ rằng, Giác Ngộ nầy chỉ trong khoảnh khắc Tĩnh Giác, là Trực Tâm, nên phải tiếp tục để được Thâm Tâm chí đến Bồ Đề Tâm mới gọi là Giác Ngộ Niết Bàn.

Vài thí dụ về thực hành Trí Bát Nhã Cứu Cánh. Đó là,
Tri thức đúng cái Tri Thức sai lầm của chủ khách:
--Đọc thần chú là Biết cái đang đọc thành tiếng; hay Biết đang nghe tiếng đọc (chỉ nghe âm thanh, không cần hiểu nghĩa thần chú).
--Biết (Tâm) Cái mình biết (Năng Sở).
--Nhìn vào trong (thể không của sự vật), như Trực tâm là Tâm trực nhận nơi thể không của sự vật.
--Hoặc giả, thực hiện Chân Trí ngay nơi đối tượng hiện quán v.v (Giải lý chi tiết ở phần Thắp Sáng Hiện Hữu)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]