Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

C. Chơn Không Diệu Hữu

03/09/201102:43(Xem: 6851)
C. Chơn Không Diệu Hữu

THỰC TẠI VÀ CHÍ ĐẠO
Phổ Nguyệt, Ph.D.

PHẦN MỘT
TRI KIẾN

CHƯƠNG BA
TRI KIẾN PHẬT GIÁO

C- CHƠN KHÔNG DIỆU-HỮU

1). Chơn lý tuyệt đối.- Một thực thể không lệ thuộc nhơn quả, duyên sanh, thoát ngoài đối đãi là chơn lý tuyệt đối. Không thuộc nhơn quả nên không sanh diệt vô thường. Không thuộc duyên sanh nên không hợp tướng giả dối. Thoát ngoài vòng đối đãi nên không trị liệu so sánh, không bàn luận, không suy nghĩ đến được. Thực tế nầy không lệ thuộc thời gian, không bị chi phối của không gian, vượt ngoài mọi đối tượng của vũ trụ. Chính nó là sinh mạng là mạch sống của chúng sinh, mà chúng sinh không nhận ra nó. Nó hiển nhiên hằng có mặt nơi chúng ta, mà chúng ta lãng quên nó một cách đáng thương. Nó là thể chẳng sanh chẵng diệt, vĩnh cửu trường tồn của chúng ta, chúng ta không biết đến nó, đi nhận cái sanh diệt tạm bợ làm mình. Bỏ quên thực tế nầy là vô minh, là si mê, nhận được nó là giác ngộ, là trí tuệ. Bỏ quên nó, đi theo sanh diệt là luân hồi, nhận sống với nó là vô sinh giải thoát. Bởi thực tế này hệ trọng dường ấy, nên chúng ta phải biết : nó tên gì? Làm sao nhận ra nó? Nhận được nó có ích gì? Chúng tôi sẽ theo thứ tự giải quyết những thắc mắc nầy.

Thực thể nầy nguyên không có tên, trong Phật Pháp tùy công dụng gắng gượng đặt rất nhiều tên. Kinh Kim Cang gọi là Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật, tức là trí tuệ cứu cánh như kim cang. Bởi vì trí tuệ nầy không có gì phá hoại được nó, mà nó hay phá hoại tất cả, như chất kim cang. Kinh Viên Giác gọi là Viên Giác Tánh, là tánh tròn đầy, vì đối với các chơn lý, chúng ta nhận được từng phần chơn lý nào thì giác ngộ phần chơn lý ấy, nên gọi là phần giác. Chỉ nhận được chơn lý tuyệt đối nầy mới gọi là giác ngộ viên mãn. Kinh Pháp Hoa gọi là Tri Kiến Phật hay Phật Thừa. Kinh Hoa Nghiêm gọi là Trí Huệ Phật. Kinh Lăng Nghiêm gọi là Chơn Tâm hay Như Lai Tàng. Nó là tâm thể chơn thật hay là kho tàng Như Lai của chúng sanh. Kinh Duy Ma Cật gọi là Pháp Môn Bất Nhị. Vì nó vượt ra vòng đối đãi hai bên. Thiền Tông gọi là Chơn Tánh. Nó là tánh chơn thật của tất cả chúng sanh. Lại còn có những tên thông dụng là: Chơn Như, Phật Tánh, Pháp Thân, Đạo, Bản Lai Diện Mục..., không thể kể xiết.

Tạm biết tên thể nầy là một cách khái quát rồi, chúng ta cần phải nhận ra mặt mày của nó mới là điều thiết yếu. Song phàm có nói năng trình bày đều thuộc tương đối, làm sao diễn đạt khiến người chưa hiểu nhận được. Đây quả là điều thiên nan vạn nan. Tuy nhiên, chúng tôi cũng gắng gượng trước tạm đặt những nguyên tắc kế dẫn lời Phật dạy trong kinh, sau cùng nhắc lại những phương tiện của thiền sư, họa chăng quý độc giả có nhận được phần nào chăng.

Phàm cái gì có hình tướng đều do duyên hợp là hư giả, cái gì có tác động là sanh diệt cái gì đối đãi không thật. Ngược lại cái không hình tướng, không tác động, không đối đãi là chơn thật thường còn vô sanh. Cái gì không hình tướng thì không giới hạn chỗ nơi trong ngoài. Vừa đặt câu hỏi tìm chỗ nơi nó là sai. Cái không tác động thì không sanh diệt, không bị vô thường theo thời gian. Đặt vấn đề thời gian với nó là sai. Cái không đối đãi thì không còn so sánh phân biệt. Đặt vấn đề so sánh phân biệt với nó là sai. Nó là thực thể của tri giác, không phải đối tượng giác trí. Nếu khởi nghĩ cầu biết nó là sai. Nó không hình tướng, không tác động, không đối đãi, mà có mặt ba nơi ấy. Cho nên nghĩ ly khai hình tướng, tác động, đối đãi để tìm nó là sai. Nếu chỉ nhận ra nó là tự ta trực nhận thầm nhận. Lời Phật dạy, phương tiện Tổ chỉ đều là đập cỏ rắn sợ, hay vỗ nước cá đau đầu mà thôi. Chúng ta muốn nhận ra nó phải khéo nhìn theo tinh thần ngón tay chỉ mặt trăng. Mặt trăng không nằm tại đầu ngón tay, khéo nương theo ngón tay thấy mặt trăng ở tận trong hư không. Hoặc nhìn theo tinh thần soi gương. Nhơn thấy bóng trong gương, biết được mặt thật của nình, đừng chấp bóng là thật, đợi khi xoay gương mất bóng la hoảng lên mất mình.

Đây là phương tiện tạm đặt những nguyên tắc nương nó khả dĩ thấy được thực thể của chính mình.

Thực thể nầy biểu lộ thường xuyên nơi sáu cơ quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) của chúng ta, mà không lệ thuộc hoàn toàn sáu cơ quan ấy. Dễ nhận thấy nhất là ở mắt và tai. Vì thế Đức Phật khi muốn chỉ thực thể chẳng sanh chẳng diệt ấy thường dùng phương tiện chỉ ngay nơi mắt và tai của chúng ta. Một thí dụ trong kinh Lăng Nghiêm có đoạn:... Phật bảo La Hầu La đánh một tiếng chuông, hỏi A Nan: Hiện giờ ông nghe chăng? A Nan và đại chúng đồng thưa: Chúng con nghe. Tiếng chuông bặt dứt, Phật lại hỏi: Hiện giờ các ông nghe chăng? A Nan và đại chúng đồng đáp: Chẳng nghe. La Hầu lại đánh một tiếng chuông, Phật hỏi: Hiện giờ các ông nghe chăng? A Nan và đại chúng đáp đồng đáp: Nghe. Phật hỏi A Nan: Ông tại sao nghe? Tại sao chẳng nghe? A Nan và đại chúng đồng bạch Phật: Nếu đánh tiếng chuông thì chúng con được nghe. Đánh lâu tiếng bặt âm vang dứt hết thì gọi không nghe.

Phật lại bảo La Hầu La đánh chuông, hỏi A Nan: Hiện giờ có tiếng chăng? A Nan và đại chúng đồng thưa: Có tiếng. Đợi giây lâu tiếng bặt, Phật lại hỏi: Hiên giờ có tiếng chăng? A Nan và đại chúng đáp: Không tiếng. Giây lâu La Hầu La lại đánh tiếng chuông. Phật hỏi: Hiện giờ có tiếng không? A Nan và đại chúng đồng đáp: Có tiếng. Phật hỏi A Nan: Nói thế nào là có tiếng, thế nào là không có tiếng? A Nan và đại chúng đồng bạch: Nếu đánh chuông thì gọi có tiếng, đánh lâu tiếng bặt âm vang dứt hết thì gọi không tiếng. Phật quở A Nan và đại chúng: Hôm nay tại sao các ông tự nói rối loạn? Đại chúng và A Nan đồng thời hỏi Phật: Thế nào hôm nay chúng con nói rối loạn? Phật bảo: Tôi hỏi các ông nghe thì các ông đáp nghe, tôi hỏi các ông tiếng thì các ông đáp tiếng, chính nghe với tiếng mà đáp không nhất định. Tại sao như thế chẳng gọi là rối loạn? Này A Nan, tiếng bặt không còn âm vang ông nói không nghe, nếu thật không nghe thì tánh nghe đã diệt, giống như cây khô, lại đánh tiếng chuông thì ông làm sao mà biết? Biết có biết không chính là thinh trần (tiếng) hoặc có hoặc không, đâu phải tánh nghe kia là có là không. Nếu tánh nghe thật không thì ai biết nó không? Thế nên,A Nan, tiếng ở trong tánh nghe tự nó sanh diệt, chẳng phải tánh nghe của ông do có tiếng không tiếng mà nó thành có thành không. Ông còn điên đảo nhận lầm tiếng làm cái nghe đâu còn lạ gì chẳng mê lầm cho cái thường làm đoạn. Trọn không nên nói lìa các thứ động tịnh thông bít mà bảo không có tánh nghe...

Thí dụ 2: Không nghĩ thiện nghĩ ác, cái gì là Bản Lai Diện Mục của Thượng Tọa Minh? của Lục Tổ là bài thuyết pháp ngắn gọn phản ảnh trung thực một sự nghiệp to tác của Tổ vừa lãnh hội nơi Ngũ Tổ và đang mang nó vào phương nam. Chính đó cũng là bản hoài của chư Phật.
Bản lai diện mục là: Bộ mặt thật xưa nay của chúng ta, nó là tên khác của Đạo, của Pháp thân, của Phật tánh, của Chơn tâm... Chúng ta có mặt thật muôn đời không đổi, mà tự bỏ quên nó, bám vào thân hình tạm bợ cho là thật mình. Cái thân mình đang chấp giữ là thật mình, nó thay đổi từng phút từng giây, hợp tan không nhất định. Thế thì lấy gì bảo chứng cho nó là thật? Quả thật một hình tướng biến thiên, một hợp thể tạm bợ. Nó có mà không thật có vì luôn luôn đổi thay, còn mà không thật còn vì hợp tan chẳng định. Nếu chấp chặt nó là ta, thật là cái ta tạm bợ làm sao! Hoặc có người biết thân nầy giả dối, chính cái tâm biết thiện, biết ác, biết phải biết quấy, tốt xấu... mới thật là ta. Song cái tâm phân biệt hai, cũng là thay đổi tạm bợ. Vì vừa dấy nghĩ về lành, dữ thì nó đã sanh diệt rồi. Nếu buông hết mọi vấn đề đối đãi, tìm lại nó thì tung tích vắng tanh. Thế là ta ở đâu? Mất rồi sao? Thật bối rối vô cùng, nếu chấp cái suy nghĩ làm ta, chỉ vì chấp thân tạm bợ, tâm giả dối làm ta nên muôn kiếp trôi lăn trong sanh diệt, gọi là luân hồi.

Ngay nơi thân tạm bợ, tâm giả dối, chúng ta nhận ra Bộ mặt xưa nay của chúng mình và sống hẳn với nó, dòng sanh diệt ngay đây liền dừng, kiếp luân hồi đến đây giải thoát. Bộ mặt xưa nay chưa từng bị sanh diệt, một thực thể không do duyên hợp, làm gì bị đổi thay, tan hợp. Nó vẫn có và thường còn mà chúng ta quên đi, gọi là Vô Minh. Nhận ra nó không còn lầm quên nữa gọi là Giác Ngộ.

Muốn chỉ Bộ Mặt Xưa Nay cho người không có cách kỳ diệu nào bằng câu Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng Tọa Minh? của Lục Tổ. Người ta cứ thắc mắc cái gì là bản lai diện mục của Thượng Tọa Minh mà chẳng nhớ không nghĩ thiện, không nghĩ ác là tối quan trọng. Chính khi không nghĩ thiện, nghĩ ác là bản lai diện mục của Thượng Tọa Minh chứ gì. Bởi khi tâm bình thường, tĩnh táo, không dấy nghĩ thiện ác, phải quấy... là động, là chạy theo sanh diệt bộ mặt thật xưa nay bị khuất lấp mất rồi. Cho nên qua câu nói nầy, Thượng Tọa Minh khéo thấy được bộ mặt thật xưa nay của mình, gọi là ngộ đạo. (Tự Gia Bảo, tr 17 - 29)

ĐẶC ĐIỂM CỦA CHƠN TÂM

Ngộ Tánh Giác: Thần Tú viết bài kệ để trình chỗ tâm Ngài thấy được:

Thân là cội Bồ Đề
Tâm như đài gương sáng
Luôn luôn phải lau chùi,
Chớ để dính bụi bặm.

Trong khi đó Huệ Năng, qua bài thơ, chỉ cho tánh giác của mình:

Bồ Đề vốn không cây,
Gương sáng cũng chẳng đài,
Xưa nay không một vật.
Chỗ nào dính bụi bặm?

Bồ Đề chỉ Tánh Giác, Tánh Giác không có hình tướng thì không phải là cây, đây là bác câu thân thị Bồ Đề thọ. Ngài Thần Tù nói thân nầy là cây Bồ Đề, Ngài Huệ Năng nói trái lại: Bồ Đề là Tánh Giác, tánh giác đâu có hình tướng mà nói là cây. Câu thứ nhất bác hình thức cây Bồ Đề. Đến câu thứ hai Ngài Thần Tú nói: Tâm như đài gương sáng, như vậy đài gương sáng là gương sáng hay đài sáng? Nếu nói đài gương sáng thành ra nhấn mạnh chữ đài. Gương là tự nó sáng không cần có đài mới sáng, nếu nói đài gương sáng là đã lầm cái hình thức thứ hai. Đến câu thứ ba Bổn lai vô nhất vật, tức là chỗ chân thật đó xưa nay không một vật huống nữa là dính bụi bặm? Ngài Thần Tú nói luôn luôn phải lau chùi, nhưng xưa nay không dính một vật thì chùi cái gì? Đã không có một vật thì có gì dính bụi? Như thế rõ ràng Ngài Huệ Năng thấy được cái bản tánh xưa nay không có một hình trạng không có một tướng mạo, chính bản tánh đó tự thanh tịnh, không cần lau chùi mới thanh tịnh, phải không? Đó là Ngài đã thấy được, còn Ngài Thần Tú không thấy được, cho nên Ngài Thần Tú suy nghĩ theo lối tu nặng nề về hình thức: cái gương có bụi dính nay rán chùi cho hết bụi, đó là chưa thấy được bản tánh thực vì tánh giác đó không tướng mạo, đã không tướng mạo thì có gì nhiễm, có gì dính được nó, thấy rõ được như vậy thì không bao giờ lầm, không phải lau chùi gì cả, phải không? Lau chùi là cái chỉ hình thức bên ngoài, chứ tánh giác không có tướng mạo nên nó hằng thanh tịnh, hằng thanh tịnh thì chỗ nào dính bụi mà phải lau chùi? Như vậy qua bài kệ nầy mọi người thấy rõ là Ngài đã vô cửa: ngộ được tánh giác.

Ngộ Thực Thể Bản Tâm: Ngài Huệ Năng khi nghe Ngũ Tổ nói kinh Kim Cang, đến câu Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm, ngay lời đó Ngài đại ngộ, thấy tất cả muôn pháp chẳng lìa tự tánh, mới thưa rằng:

Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh,
Đâu ngờ tự tánh vốn không sanh diệt,
Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ,
Đâu ngờ tự tánh vốn không dao động,
Đâu ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp.

Khi trước nghe đọc câu Kim Cang Ngài Huệ Năng đã ngộ rồi? Tại sao tới đây Ngài ngộ nữa? Như thế lần ngộ trước và lần ngộ sau khác nhau ở điểm naò? Cái ngộ trước là Ngài thấy Bản lai vô nhất vật, nghĩa là thấy thể tánh đó không có một hình tướng, không có một vật tượng, chỉ là một thể tánh rỗng lặng, vì thấy được chỗ đó nên được vào cửa. Đến chỗ nầy Ngài thấy thế nào? Ngài nói: Đâu ngờ tâm mình thanh tịnh, đâu ngờ tâm mình chẳng sanh diệt, nó tự đầy đủ, nó không dao động, nó hay sanh muôn pháp. Như thế đến đây Ngài mới thấy thực thể của bản tâm. Khi trước Ngài chỉ mới thấy chỗ không có vọng đó là tánh không, bởi thấy được tánh không nên mới được vào cửa. Vào cửa chưa phải là xong việc, phải thấy được cái đầy đủ, thanh tịnh, chưa từng sanh diệt, không dao động và hay sanh muôn pháp, thấy tột cái đó mới gọi là thấy được bản tánh của mình. Như vậy qua đoạn nầy, chúng ta mới thấy rõ người học đạo không phải ngộ một lần là xong. Trong nhà thiền, thường nói rằng đại ngộ ít ra cũng 3, 4 lần, còn tiểu ngộ thì vô số.

Tiểu ngộ là sao? Tỉ dụ chúng ta nghe một thời giảng, chúng ta có lóe sáng một điều gì mình thích, mình thấy điều đó từ trước đến nay mình chưa từng biết, nay mình biết, đó là tiểu ngộ. Còn đại ngộ là một lần nhận ra được thì vui cả 5, 7 ngày, nghĩa là điều đó là một việc lớn mà từ trước đến nay chưa bao giờ mình phát minh được, nay mình phát minh được, đó là đại ngộ. Nhưng một lần cũng chưa xong, phải đôi ba lần như thế. Thế nên người học đạo phải có ngộ chứ không ngộ thì khó vào đạo. Ngài Thần Tú chưa ngộ, Ngài hiểu lý kinh mà chưa ngộ đạo nên vào cửa không nổi.
(Kinh Pháp Bảo Đàn, tr 45 - 47).

TRUNG KHÔNG DIỆU HỮU

Về nguyên lý Không, kinh sách Phật giáo trình bày rất nhiều khía cạnh qua nhiều kinh nghiệm khác nhau. Mỗi khía cạnh có một kinh nghiệm độc đáo nhằm mục đích lột trần được chân giá trị của nguyên lý Không. Nhờ những kinh nghiệm độc đáo nói trên, Phật giáo trở nên phong phú về mặt tư tưởng. Tư tưởng về nguyên lý Không, tuy rằng được nhiều kinh sách trình bày tường tận, nhưng tóm lược không ngoài bốn lãnh vực sau đây: Hư Không, Huyễn Không, Nhân Không và Chân Không.

1).Hư Không (Không Đại): Hư Không là không gian, khoảng cách, không khí hay môi trường sống. Hư Không, theo Phật giáo có nghĩa là môi trường sống của vạn pháp. Nguyên vì Hư Không là một trong bảy yếu tố quan trọng (Thất Đại) để sanh khởi vạn pháp, nên gọi là Không Đại. Thất Đại gồm có: Địa Đại, Thủy Đại, Hỏa Đại, Phong Đại, Không Đại, Kiến Đại và Thức Đại (Kinh Lăng Nghiêm, quyển 3).

Vạn pháp sở dĩ được hiện hữu, được phát triển, được tồn tại trong vũ trụ đều nhờ Hư Không bao trùm, che chở, bảo vệ và nuôi dưỡng. Đặc biệt hơn nữa sự hiện hữu, sự phát triển và sự tồn tại của vạn pháp, tất cả đều thể hiện ở phía trong nội tâm của Hư Không. Giả sử Hư Không nếu không được thành lập thì vạn pháp nhất định không có mặt trong thế gian, cho nên Đức Phât ghép Hư Không vào một yếu tố quan trọng gọi là Không Đại, một trong Thất Đại. Theo Kinh Lăng Nghiêm, quyển 3 của dịch giả Thích Chơn Giám, Đức Phật giải thích Hư Không có hai loại: Tánh Hư Không và Tướng Hư Không.

a) Tánh Hư Không: Tánh Hư Không Đức Phật giải thích: A Nan! Ngươi phải biết trong Tạng Như Lai, Tánh Giác tức là thiệt hư không, Hư Không tức là thiệt tánh giác thanh tịnh bản nhiên, đầy khắp pháp giới...

Theo Đại Thừa Khởi Tín, Ngài Mã Minh nói: Tâm chơn Như là cái tâm tánh bất sanh bất diệt. Thể và tướng nó to lớn bao trùm tất cả các pháp (Nhứt pháp giới đại tổng tướng pháp môn thể). Hai đoạn kinh trên cho thấy, Tánh Giác của Tạng Như Lai ở bên kinh Thủ Lăng Nghiêm giải thích chính là Tâm Chơn Như của Đại Thừa Khởi Tín trình bày, nguyên vì Tạng Như Lai theo Đại Thừa Khởi Tín là hình tướng của Tâm Chơn Như. Tánh Giác của Tạng Như Lai và Tâm Chơn Như, cả hai đều bao trùm cả pháp giới. Hơn nữa Tánh Giác tức là tánh Hư Không. Thế nên Tánh Hư Không không ngoài Tâm Chơn Như, đều thuộc môi trường sống của vạn pháp, có công năng bao trùm cả thế giới Chơn Như và cả thế giới mê vọng; bởi lý do đó muôn loài chúng sanh trong mười pháp giới. Bởi lý do trên, đức Phật mới gọi Tánh Hư Không là Không Đại.

b) Tướng Hư Không: Tướng Hư Không, cũng theo kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển 3, đức Phật giải thích: Chẳng qua theo nghiệp của chúng sanh, mà phát hiện ra đó thôi. Tướng Hư Không nầy như một giống hư không, ứng lượng của chúng sanh... đầy khắp mười phương. Chỗ nào có phương hướng xứ sở là chỗ đó có Tướng Hư Không.

Điều đáng chú ý, Tánh Hư Không của Tâm Chơn Như không phải là Tướng Hư Không của tất cả chúng sanh trong ba cõi. Tướng Hư Không của tất cả chúng sanh trong ba cõi sở dĩ khác nhau là do bởi nghiệp tướng của mỗi loại không giống nhau tạo nên. Nhưng đặc biệt nhất, Tướng Hư Không của tất cả chúng sanh trong ba cõi thảy đều thể hiện ở phía trong Tánh Hư Không của Tâm Chơn Như và được Tánh Hư Không của Tâm Chơn Như che chở với hình thức bao trùm. Giá trị trên đưa đến nhận thức, Tướng Hư Không của tất cả chúng sanh trong ba cõi không thể tìm thấy ngoài Tánh Hư Không của Tâm Chơn Như. Ngược lại Tánh Hư Không của Tâm Chơn Như cũng không thể tìm thấy ngoài Tướng Hư Không của tất cả chúng sanh trong ba cõi. Nguyên do trong vọng có chơn, và trong chơn có vọng, cũng như trong lý tánh có sự tướng và trong sự tướng có lý tánh tàng ẩn, tất cả đều không ngăn ngại với nhau.

Về Không Đại, đức Phật phân làm hai loại Hư Không: Tánh Hư Không và Tướng Hư Không. Theo đức Phật, Tánh Hư Không thuộc về Tâm Chơn Như sanh khởi và Tướng Hư Không thì thuộc về nghiệp chướng sanh khởi. Nhưng giá trị cả hai đều là môi trường sống của các bậc Thánh Đế Giác Ngộ và cũng như của các hạng chúng sanh phàm phu trong ba cõi.

2) Huyễn Không: Huyễn là giả tạo, không thật thể. Huyễn Không nghĩa là đứng về phương diện nguyên lý không, vạn pháp hoàn toàn không có thật thể. Huyễn Không còn có tên khác nữa là Ngoang Không. Ngoang Không nghĩa là đứng về phương diện nguyên lý Không, vạn pháp hoàn toàn trống rỗng không lưu lại chút dấu vết nào cả. Huyễn Không là danh từ dùng để chỉ cho những sự vật thuộc về đối tượng của huyễn hữu.

a) Huyễn Hữu: nghĩa là vạn pháp hiện có mặt (hiện hữu) trong thế gian đều là giả tạo, mang tánh chất nhân duyên sanh và không có thật thể. Vạn pháp sở dĩ được góp mặt trong thế gian là do Ngũ Uẩn tạo thành. Vạn pháp thật sự không có danh nghĩa. Danh của vạn pháp là do Ý Tưởng tưởng tượng đặt tên cho dễ phân biệt. Nghĩa của vạn pháp là do Ngũ Uẩn kết hợp và xây dựng nên. Ý tưởng nếu như không tưởng tượng để đặt tên thì vạn pháp không có Danh để gọi. Ngũ Uẩn nếu như không kết hợp với nhau để xây dựng thì vạn pháp nhất định không bao giờ có mặt trong thế gian. Không có Ngũ Uẩn là không có con người, không có Ngũ Uẩn thì không có địa cầu, không có hành tinh v.v... Chúng ta nếu như tách rời Ngũ Uẩn riêng rẽ từng loại một thì không thấy vạn pháp. Ngũ Uẩn là những yếu tố tạo nên vạn pháp. Cho nên vạn pháp được gọi là vạn hữu.

b) Huyễn Không: Vạn pháp đã không thật thể về mặt Huyễn Hữu và cũng không thật về mặt Huyễn Không. Riêng về phương diện nguyên lý Không, vạn phápchỉ có hình bóng với tánh cách Nghiệp Tướng được lưu lại trong Tâm Thức. Nghiệp Tướng gồm có Ngã Tướng và Pháp Tướng, gọi tắt là Ngã Pháp. Nghiệp Tướng một khi bị xóa đi thì vạn pháp không còn dấu vết nào cả. Cho nên về mặt nguyên lý Không, vạn pháp cũng hoàn toàn không có thật thể nên gọi là Huyễn Không.

3). Nhân Không.- Nhân là nguyên nhân, tức là chỉ cho hạt giống của các yếu tố và cũng được gọi là nhân tố.Không là ở trạng thái không, nghĩa là các nhân tố sanh ra vạn pháp đều nằm ở trong trạng thái Không. Các nhân tố gồm có Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, và Thức. Các nhân tố ở trạng thái Không được thấy trong nội dung của quyển Bát Nhã Tâm Kinh.

4). Chân Không.-Trong kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa có câu; Thị chư pháp không tướng, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm cho đến câu: Vô trí diệc vô sở đắc được trình bày nguyên lý Chân Không của thế giới Niết Bàn Tịch Tịnh và thế giới đây hoàn toàn không có hạt giống Nghiệp Tướng của chư pháp. Nguyên lý Chân Không theo Ngài Long Thọ gọi là Trung Không Diệu Hữu. Trung Không Diệu Hữu nghĩa là trong nguyên lý Chân Không, thế giới Niết Bàn hiện hữu một cách mầu nhiệm.

Các pháp hoàn toàn không có thật tướng, nên không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch, không tăng,không giảm. Đại ý nói thế giới Chân Không không có Nghiệp Tướng của các pháp, cho nên không có vấn đề sanh diệt, nhơ sạch, tăng giảm.

Chữ Tướng ở đây chỉ cho Nhân Tướng và Quả Tướng của các pháp. Nhân Tướng và Quả Tướng của các pháp trong Tam Tế của kinh Lăng Già Tâm Ấn và Luận Đại Thừa Khởi Tín gọi là Nghiệp Tướng. Tam Tế gồm có Nghiệp Tướng, Chuyễn Tướng và Hiện Tướng. Chuyễn Tướng và Hiện Tướng vạn pháp đều thưộc về Quả Tướng. Còn Nhân Tướng của vạn pháp thuộc về Nghiệp Tướng.

Thế giới Chân Không thì hoàn toàn không có dấu vết Nghiệp Tướng của vạn pháp. Cho nên trong Bát Nhã Tâm Kinh, Bồ Tát Quán Tự Tại nói: Thị chư pháp Không Tướng. Vạn pháp vì có Nghiệp Tướng làm nhân nên có bị sanh, bị diệt, bị nhơ, bị sạch, bị tăng và bị giảm. Ngược lại thế giới Chân Không nguyên do không có Nghiệp Tướng của vạn pháp cho nên không bị chi phối bởi vấn đề sanh diệt, nhơ sạch, tăng giảm. Bởi nguyên lý trên, Bồ Tát Quán Tự Tại trong Bát Nhã Tâm Kinh xác định tánh chất và giá trị của thế giới Chân Không là Bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm.

Thật tướng Chân Như Pháp Tánh thì không có Nhân Tướng của Ngũ Uẩn và Nghiệp Tướng của vạn pháp nên gọi là Chân Không. Thật Tướng Chân Như Pháp Tánh là thế giới chơn thật thường tại của chư Phật an trụ ở trạng thái Chân Không. Thế giới Chân Như Pháp Tánh nầy không có vấn đề sanh, diệt, cấu, tịnh, tăng, giảm, cũng không tất cả nghiệp tướng hư vọng và cũng không tất cả pháp tướng phương tiện. Chân Tâm nơi Pháp Thân của chư Phật trong thế giới Chân Như Pháp Tánh sinh hoạt dung thông và hiểu biết không bị ngăn ngại. Các kinh thường gọi thế giới Chân Như Pháp Tánh là thế giới Vô Dư Niết Bàn. (Bát Nhã Tâm Kinh Qua Cái Nhìn Của Duy Thức, tr 55-74)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567