Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

6. Chương Thứ Sáu

18/07/201115:14(Xem: 9844)
6. Chương Thứ Sáu
TỊNH ĐỘ GIÁO KHÁI LUẬN

Nguyên tác Nhật ngữ:Vọng Nguyệt Tín Hanh

Hán dịch:Ấn Hải - Việt dịch: Viên Thắng - Hiệu đính: Định Huệ

 

Chương thứ sáu

Bản nguyện tại nhân vị của Phật A-di-đà

Như chương trên đã nói tín ngưỡng về Phật A-di-đà, là theo quan niệm về Đức Phật mà tiến triển, nghĩa là tuy Thích Tôn thị hiện nhập Niết-bàn ở Diêm-phù-đề, nhưng chân thân của Ngài không diệt độ, gọi là Phật A-di-đà. Theo sự khảo sát cho rằng có sự tồn tại thực tế về thế giới Cực Lạc ở phương tây. Nhưng tư tưởng kiến tạo cõi Phật thanh tịnh phát triển mạnh mẽ và nguyên nhân đệ tử Phật giáo Đại thừa lấy Di-đà làm người giác ngộ trước, lại thêm tính cách đặc biệt của Đức Phật mà đưa đến. Kinh Vô Lượng Thọcũng theo giáo lý kiến tạo cõi Phật thanh tịnh, tường thuật nghĩa tướng của nhân nguyện và quả thành của Đức Phật đó. Vì vậy, Phật A-di-đà trở thành một Đức Phật trong các Đức Phật ở mười phương được nhân dân tôn sùng mãi mãi.

Tiết thứ nhất

Các bản dịch kinh Vô Lượng Thọ

Kinh nói đầy đủ về nghĩa tướng của nhân nguyện và quả thành của Phật A-di-đà là Kinh Vô Lượng Thọ. Theo Hán dịch, kinh này có năm bản dịch; ngoài ra, còn có bản Phạn và bản dịch Tây Tạng. Năm bản Hán dịch gồm: kinh Đại A-di-đà, kinh Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác, kinh Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Thọ Như Lai hộitrongkinh Đại bảo tíchkinh Đại thừa Vô Lượng Thọ trang nghiêm.Trong đó, kinh Đại A-di-đà2 quyển, đời Ngô, ngài Chi Khiêm dịch, Xuất tam tạng ký tập và kinh lục khác đều có ghi chép việc này. Về kinh Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác4 quyển thì Lịch đại tam bảo kýquyển 4, Khai nguyên thích giáo lụcquyển 1 đều dựa theo Ngô Lục mà ghi kinh này do ngài Chi-lâu-ca-sấm dịch vào đời Hậu Hán, nhưng Xuất tam tạng ký tậpquyển 2, ghi ngài Trúc Pháp Hộ dịch kinh này vào đời Tây Tấn. Lương cao tăng truyệnquyển 1 và Tùy chúng kinh mục lụcquyển 1 của ngài Pháp Kinh thì kinh này ghi do ngài Bạch Diên dịch vào thời Tào Ngụy. Nhưng trong đó thuyết ngài Chi-lâu-ca-sấm dịch, dịch ngữ của kinh này không phù hợp các kinh như Đạo Hành bát-nhã v.vLại trong Xuất Tam Tạng Ký Tậpv.v…cũng chưa nói đến việc này; cho nên sự thật không đủ để tin nhận. Trong hai bản dịch của Trúc Pháp Hộ và Bạch Diên phải tuân theo bản dịch nào cũng làm cho mọi người khó xác định. Nhưng chúng ta đối chiếu với Chính Pháp hoa, do ngài Pháp Hộ dịch thì thấy cả hai bản kinh này cũng có rất nhiều điều không phù hợp. Do đó, thà chọn lấy bản của ngài Bạch Diên dịch là thỏa đáng hơn.

Kinh Vô Lượng Thọ2 quyển theo Lịch đại tam bảo kỷquyển 5, Khai Nguyên Thích giáo lụcquyển 1, đều ghi niên hiệu Gia Bình, đời Tào Ngụy (241-254) ngài Khang Tăng Khải ở chùa Bạch Mã, Lạc Dương dịch. Trong Bảo Xướng lụcthấy có ghi điều này; nhưng trong Xuất tam tạng ký tậpv.v…chưa nói đến điều này. Thuyết của Bảo Xướng lụce là có liên quan một thuyết khác về người dịch kinh Bình đẳng giácmà văn trên đã ghi; bởi vì, kinh này còn có tên khác là kinh Vô Lượng Thọ, cho nên hiểu lầm xem giống như kinh Vô Lượng Thọ.Kinh này phải lấy ngài Khang Tăng Khải dịch làm chính xác nhất. Về sau, niên hiệu Vĩnh Sơ thứ 2, đời Lưu Tống (421) ngài Bảo Vân ở chùa Đạo Tràng, Dương Đô dịch kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Phật bản hạnhdo ngài Bảo Vân dịch so với kinh này qua hai cách dịch ngữ và quy tắc phiên dịch rất giống nhau.

Tân tập dị xuất lục trong Xuất tam tạng kí tậpquyển 2, có nói ngài Chi Khiêm dịch kinh A-di-đà2 quyển; ngài Trúc Pháp Hộ dịch kinh Vô Lượng Thọ2 quyển (còn gọi kinh Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác), ngài Bảo Vân dịch kinh Tân VôLượng Thọ2 quyển, tổng cộng thành ba bộ. Do đó, có thể biết kinh này cùng bản Phạn, nhưng khác người dịch.

Vô Lượng Thọ Như Lai hội, trong kinh Đại bảo tích2 quyển; Khai nguyên thích giáo lụcquyển 9, ghi: niên hiệu Tiên Thiên thứ 2, đời Đường (712) ngài Bồ-đề-lưu-chi dịch. Kinh Đại thừa Vô Lượng Thọ trang nghiêm, 3 quyển, trong Đại Trung Tường Phù pháp bảo lục nói sơ lược là vào niên hiệu Thuần Hóa thứ 2, đời Tống (991), ngài Pháp Hiền (tức là ngàiThiên Tức Tai) dịch. Năm bản trên đây là kinh Vô Lượng Thọcùng bản Phạn nhưng khác người dịch.

Ngoài ra, kinh Bi hoavà bản dịch khác là kinh Đại thừa bi phân-đà-lợi, ghi lại sự phát tâm và bản nguyện của Phật Di-đà. Kinh Bi hoacó 10 quyển, Xuất tam tạng ký tậpquyển 2, ghi là do ngài Đàm-mô-sấm dịch vào niên hiệu Huyền Thỉ thứ 8, đời Bắc Lương (419). Lại trong Biệt lục, ghi: “Ngài Đạo Cung dịch kinh Đại thừa bi phân-đà-lợi8 quyển. Trong các kinh lục, tuy nói là mất tên người dịch nhưng có lẽ kinh này ngài Đạo Cung dịch vào đời Bắc Lương, cũng chưa xác định. Kinh này hiện còn có bản Phạn; bản dịch Tây Tạng cũng còn trong tạng kinh tiếng Tây Tạng.

Tiết thứ hai

Điểm bất đồng về số nguyện trong các bản dịch

Nay căn cứ vào các kinh để nghiên cứu về các điều có liên quan đến bản nguyện ở nhân vị của Phật A-di-đà, số nguyện có khác nhau. Kinh Đại A-di-đà kinh Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác nói có hai mươi bốn nguyện. Kinh Đại thừa Vô Lượng Thọ trang nghiêmnói có ba mươi sáu nguyện. Kinh Vô Lượng Thọ, bản Phạn nói có bốn mươi sáu nguyện. Kinh Vô Lượng ThọVô Lượng ThọNhư Lai hộitrong kinh Đại bảo tíchnói có bốn mươi tám nguyện. Kinh Đại thừa Vô Lượng Quang trang nghiêmTây Tạng dịch, nói có bốn mươi chín nguyện. Kinh Bi hoanói có năm mươi hai nguyện. Tuy đồng là các kinh nói hai mươi bốn nguyện, hoặc bốn mươi tám nguyện, nhưng thứ tự và nội dung nguyện văn xếp trong các kinh ấy đều không nhất trí. Điều đó chứng tỏ một sự thật là những kinh này trải qua các niên đại biên soạn trước sau dần dần mà thành. Mặc dù xác định niên đại biên soạn kinh điển tất nhiên không phải dễ, nhưng đại khái căn cứ vào thời đại dịch kinh trước sau, kiểm thảo nội dung kinh điển thì có thể hình dung ra được.

Trong các bản dịch đã nói ở tiết thứ nhất, hai kinh Đại A-di-đà kinh Bình đẳng giácđược dịch vào thời Tam Quốc ở Trung Quốc, tức là dịch vào thời Hậu Hán khoảng giữa thế kỷ thứ III. Do đó, biết được thuyết hai mươi bốn nguyện đã được thành lập trước. Ngoài ra, hai mươi bốn nguyện trong kinh Bình đẳng giác được công nhận là do từ nguyện văn trong kinh Đại A-di-đàđem chỉnh sửa lại mà hoàn thành, chứng tỏ được thời đại biên soạn kinh Đại A-di-đàlà trước kinh này. Bốn mươi tám nguyện trong các kinh khác tương đương gấp đôi hai mươi bốn nguyện của kinh này, từ con số trên thấy được bốn mươi tám nguyện có sau hai mươi bốn nguyện. Đồng thời cho thấy nguyện văn trong kinh Vô Lượng Thọlà từ hai mươi bốn nguyện trong kinh Bình đẳng giác, sau đó tăng thêm hai mươi nguyện khác. Lại kinh Vô Lượng Thọdịch vào đầu thế kỷ thứ V, vào thời Lưu Tống; do đó biết thuyết bốn mươi tám nguyện nhất định đề xướng sau thế kỷ thứ II, III là không còn nghi ngờ. Kinh Đại thừa Vô Lượng Thọ trang nghiêmđược dịch vào cuối thế kỷ thứ X, nhưng ba mươi sáu nguyện này là căn cứ bốn mươi tám nguyện mà hoàn thành, kinh này có lẽ được biên soạn trước kinh Vô Lượng Thọ.

Tóm lại, trình bày các thuyết có liên quan đến bản nguyện của Phật Di-đà, là dựa theo thời đại dần dần phát đạt tập hợp thành là sự thật rất rõ ràng, không thể nói là có sơ sót hoặc không hoàn chỉnh. Nhờ đó, chúng ta hiểu được sự biểu hiện tín ngưỡng của nhân loại đối với Phật Di-đà là phát triển không ngừng.

Tiết thứ ba

Hai mươi bốn nguyện trong kinh Đại A-di-đà

Nay trước tiên nêu ra hai mươi bốn nguyện trong kinh Đại A-di-đàđược công nhận là thành lập đầu tiên:

1/ Không có ba đường ác: Khi tôi thành Phật, trong nước tôi không có địa ngục, cầm thú, ngạ quỷ và loài côn trùng nhỏ nhít.

2/ Chuyển nữ thành nam, tất cả đều hóa sanh: Khi tôi thành Phật thì trong nước tôi không có người nữ; nếu có người nữ đến sanh trong nước tôi thì thành người nam. Lại nữa chư thiên, nhân dân và loài côn trùng nhỏ nhít sanh trong nước tôi, đều là hóa sanh từ hoa sen trong ao nước bảy báu, được thân của người trưởng thành đều thành bồ-tát và a-la-hán.

3/ Cõi nước rộng lớn, bảy báu làm đất, nhà cửa, y phục có tự nhiên: Khi tôi thành Phật cõi nước tôi rộng lớn vô cùng, do bảy báu tự nhiên mà thành, vô cùng xinh đẹp. Nhà ở, y phục, thức ăn uống tự nhiên có đầy đủ như chỗ ở của thiên vương tầng trời thứ sáu.

4/ Chư Phật tán thán, nghe danh hiệu liền vãng sanh: Khi tôi thành Phật thì vô số cõi Phật trong mười phương đều nghe danh hiệu của tôi, các Đức Phật ngồi trên tòa lớn giữa chúng tì-kheo tăng giảng nói sự thanh tịnh tốt đẹp của cõi nước và công đức của tôi. Chư thiên, nhân dân và loài côn trùng nhỏ nhít nghe danh hiệu của tôi đều hớn hở vui mừng, họ đều sanh về nước của tôi.

5/ Hạ bối vãng sanh: : Khi tôi thành Phật, nếu có chúng sanh đời trước làm ác nghe danh hiệu của tôi, muốn sanh về cõi nước của tôi thì họ phải phản tỉnh sám hối, làm lành, trì kinh, giữ giới không ngừng; sau khi họ mạng chung không đọa ba đường ác, liền sanh về nước của tôi.

6/ Trung bối vãng sanh: Khi tôi thành Phật, nếu có kẻ thiện nam, người thiện nữ muốn sanh về nước tôi, nhờ tôi mà họ càng làm việc thiện, hoặc bố thí, nhiễu tháp, thắp hương, rải hoa, đốt đèn, treo lụa nhiều màu sắc, cúng dường thức ăn cho sa-môn, xây dựng chùa tháp, đoạn tuyệt ái dục, trai giới thanh tịnh, nhất tâm niệm danh hiệu tôi suốt ngày đêm không dừng nghỉ thì được sanh về cõi nước của tôi mà làm bồ-tát.

7/ Thượng bối vãng sanh, đắc Bất thoái chuyển: Khi tôi thành Phật, nếu có kẻ thiện nam, người thiện nữ tu đạo bồ-tát, thực hành sáu pháp ba-la-mật; hoặc có sa-môn không hủy phạm kinh giới, đoạn ái dục, trai giới thanh tịnh, nhất tâm muốn sanh về cõi nước của tôi, ngày đêm không dừng nghỉ thì khi người đó sắp mạng chung, tôi cùng các bồ-tát, a-la-hán liền bay xuống tiếp đón người đó sanh về cõi nước của tôi, làm bồ-tát A-duy-việt-trí.

8/ Lại không có đường ác: Khi tôi thành Phật các bồ-tát trong nước tôi muốn sanh đến cõi Phật phương khác, không còn đọa trong ba đường ác, tôi đều khiến cho họ đắc Phật đạo.

9/ Đều cùng hình sắc, đồng một chủng tộc: Khi tôi thành Phật, tướng mạo của các bồ-tát và a-la-hán trong nước tôi đều đoan chính, trắng trẻo xinh đẹp, cùng một hình sắc, cùng một chủng tộc; như chư thiên ở cõi trời thứ sáu.

10/ Tha tâm trí thông: Khi tôi thành Phật, các bồ-tát và a-la-hán trong nước tôi đều biết những điều suy nghĩ, mong muốn của nhau.

11/ Không có ái dục, không có ba độc: Khi tôi thành Phật, các bồ-tát và a-la-hán trong nước tôi đều không có tâm dâm dục, không bao giờ nghĩ đến phụ nữ, cũng không có người sân hận, ngu si.

12/ Kính mến nhau, không có ganh ghét: Khi tôi thành Phật, các bồ-tát và a-la-hán trong nước tôi đều kính mến lẫn nhau, không bao giờ ganh ghét nhau.

13/ Cúng dường Phật cõi khác đều được như ý: Khi tôi thành Phật, nếu các bồ-tát trong nước tôi muốn cúng dường vô số các Đức Phật trong mười phương thì bay đến cõi đó, vừa nghĩ liền tự nhiên được đầy đủ trăm thứ phẩm vật, đem cúng dường khắp các Đức Phật, cho đến giữa trưa thì bay về nước tôi.

14/ Ăn uống tự nhiên có đầy đủ: Khi tôi thành Phật, nếu các bồ-tát và a-la-hán trong nước tôi khi muốn ăn thì trong bát bảy báu tự nhiên đựng đầy thức ăn uống trăm món hiện ra trước mặt.

15/ Đầy đủ tướng đại nhân: Khi tôi thành Phật, thân của các các bồ-tát trong nước tôi đều màu vàng tử ma, đầy đủ ba mươi hai tướng quí, tám mươi vẻ đẹp như Đức Phật.

16/ Giảng kinh như Đức Phật: Khi tôi thành Phật, tiếng nói của các bồ-tát và a-la-hán trong nước tôi vang vọng như ba trăm tiếng chuông, giảng kinh hành đạo đều như Đức Phật.

17/ Thần thông thù thắng: Khi tôi thành Phật, thấy suốt nghe thấu, bay đi tự tại hơn gấp mười lần các Đức Phật khác.

18/ Trí tuệ thù thắng: Khi tôi thành Phật, trí tuệ của tôi giảng kinh, hành đạo hơn gấp mười lần các Đức Phật khác.

19/ Thọ mạng vô lượng: Khi tôi thành Phật, kiếp số tuổi thọ của tôi, dù cho vô số bích chi-phật và a-la-hán trong khắp mười phương đều nhất tâm tính đếm cũng không thể biết được.

20/ Bồ-tát vô số, thanh văn vô số: Khi tôi thành Phật, số lượng các bồ-tát và a-la-hán trong nước tôi, dù cho vô số bích chi-phật và a-la-hán trong khắp mười phương có nhất tâm tính đếm cũng không thể nào biết hết.

21/ Người trong nước sống lâu: Khi tôi thành Phật, thọ mạng của các bồ-tát và a-la-hán trong nước tôi là vô số kiếp.

22/ Túc mạng trí thông, thiên nhãn trí thông, thiên nhĩ trí thông: Khi tôi thành Phật, các bồ-tát và a-la-hán trong nước tôi đều được trí tuệ dũng mãnh, có túc mạng trí thông tự biết việc đời trước đã làm, và cũng biết rõ việc đến đi hiện tại trong mười phương.

23/ Người trong nước có ánh sáng: Khi tôi thành Phật, các bồ-tát và a-la-hán trong nước tôi đều được trí tuệ dũng mãnh, trên đỉnh đầu đều có ánh sáng.

24/ Ánh sáng vô lượng, tiếp xúc ánh sáng thì cảm thấy khoan khoái: Khi tôi thành Phật, ánh sáng trên đỉnh đầu của tôi rất đẹp, vượt hơn ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, gấp trăm nghìn vạn ức lần và hơn cả các Đức Phật khác. Ánh sáng này chiếu khắp vô số thiên hạ, ai thấy ánh sáng của tôi đều làm việc thiện và họ đều sanh về nước tôi.

Tiết thứ tư

Nghiên cứu về hai mươi bốn nguyện

Trong hai mươi bốn nguyện này, ba nguyện đầu là nguyện công đức trang nghiêm ở Tịnh độ Phật Di-đà. Bốn nguyện, từ thứ tư đến thứ bảy là nguyện chúng sanh ở cõi khác sanh về nước đó. Chín nguyện, từ nguyện thứ tám đến nguyện thứ mười sáu và bốn nguyện, từ nguyện thứ hai mươi đến nguyện hai mươi ba, hợp thành mười ba nguyện, là nguyện các bồ-tát và a-la-hán hưởng thụ công đức lợi ích trong cõi nước của Ngài. Nguyện thứ mười bảy, mười tám, mười chín và nguyện thứ hai mươi bốn, tổng cộng có bốn nguyện, là nguyện liên quan đến tự thân Phật A-di-đà thành tựu công đức đã lập. Nhưng trong một nguyện vì có nhiều ý nghĩa, nên theo kinh khác phân biệt tỉ mỉ ra thì tổng cộng có ba mươi bảy nguyện. So với bản nguyện của Phật A-súc: không có ba đường ác, nhà cửa tự nhiên, y phục tự nhiên, ăn uống tự nhiên có đầy đủ, mọi người đều xinh đẹp, đồng một chủng tộc, không có ba độc, quang minh vô lượng, đắc Bất thoái chuyển v.v…nói đại thể cả hai bên đều nhất trí.

Các nguyện khác phải nói là thêm nguyện mới, đặc biệt có lập nguyện chuyển nữ thành nam, trong nước Phật A-di-đà không có người nữ, tất cả đều là hóa sanh, chắc chắn là từ thuyết có người nữ trong cõi nước Phật A-súc được cải thiện thêm. Vì vậy, thuyết bản nguyện kinh này nhất định đề xướng sau kinh A-súc Phật quốc.

Lại nữa, đối chiếu với hai mươi chín nguyện trong kinh Phóng quang bát-nhãthì hai mươi mốt nguyện: không có ba đường ác, mọi người đều hóa sanh, cõi nước rộng lớn, bảy báu làm đất, y phục tự nhiên, ăn uống tự nhiên có đầy đủ, mọi người đều xinh đẹp, đồng một chủng tộc, tha tâm trí thông, không có ái dục, không có ba độc, nhẫn nhục không hại, đầy đủ tướng đại nhân, thọ mạng vô lượng, bồ-tát vô số, người trong nước sống lâu, túc mạng trí thông, thiên nhãn trí thông, thiên nhĩ trí thông, người trong nước có ánh sáng, quang minh vô lượng, hai kinh này ghi nhất trí.

Đồng thời, đắc Bất thoái chuyển tương đương với không có tà tụ trong kinh Phóng quang bát-nhã. Do đó, chúng ta có thể nghĩ rằng giữa hai kinh này có sự liên quan mật thiết. Nhưng kinh Phóng quang bát-nhãnói bồ-tát tương lai thành Phật; cho nên trong đó không có nói văn phát nguyện về chúng sanh vãng sanh. Còn bản kinh này nói bản nguyện của Phật A-di-đà đã thành Phật, cho nên có nguyện mới là chúng sanh sanh về cõi nước đó, tức là kêu gọi nhân loại ở cõi này sanh về nước đó. Hai kinh bất đồng ở một điểm này.

Tiết thứ năm

Hai mươi bốn nguyện trong kinh Bình Đẳng Giác

Kinh Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác cũng nêu ra hai mươi bốn nguyện, nhưng nội dung nguyện văn xếp theo thứ tự thì không nhất trí với kinh Đại A-di-đà. Nay nêu sơ lược đề mục của các nguyện trong kinh này:

1/ Không có ba đường ác.

2/ Không còn có đường ác.

3/ Thân của trời, người đều sắc vàng.

4/ Trời, người không khác và đồng một chủng tộc.

5/ Túc mạng trí thông.

6/ Thiên nhãn trí thông.

7/ Tha tâm trí thông.

8/ Thần túc trí thông.

9/ Thiên nhĩ trí thông.

10/ Không có ái dục.

11/ Chắc chắn đạt đến diệt độ.

12/ Thanh văn vô số.

13/ Quang minh vô lượng và tiếp xúc với ánh sáng thì được khoan khoái.

14/ Thọ mạng vô lượng.

15/ Người trong nước sống lâu.

16/ Không có tâm ác.

17/ Chư Phật ca ngợi và nghe danh hiệu Phật liền vãng sanh.

18/ Thượng bối vãng sanh và đắc Bất thoái chuyển.

19/ Hạ bối vãng sanh.

20/ Nhất định đạt đến bổ xứ.

21/ Được tướng đại nhân.

22/ Cúng dường chư Phật đầy đủ như ý muốn.

23/ Thức ăn uống tự nhiên có đầy đủ.

24/ Giảng kinh như Đức Phật.

Trong đây có bốn nguyện mà trong một nguyện bao hàm hai ý nghĩa có bốn nguyện, nên tổng cộng thành hai mươi tám nguyện. So với kinh Đại A-di-đàthì số nguyện trong kinh Bình đẳng giác có giảm, tức là trong kinh Bình đẳng giácthiếu mười hai nguyện của kinh Đại A-di-đà,đó là nguyện thứ hai (chuyển nữ thành nam, mọi người đều được hóa sanh), nguyện thứ ba (đất đai rộng lớn, bảy báu làm đất, nhà cửa tự nhiên, y phục tự nhiên) nguyện thứ sáu, thứ mười hai, thứ mười bảy, thứ mười tám, thứ hai mươi ba và vô số bồ-tát trong nguyện thứ hai mươi. Nhưng thêm ba nguyện mới là thần túc trí thông, chắc chắn đạt đến diệt độ, nhất định đạt đến bổ xứ. Nếu lấy số nguyện nhiều ít để nói về thời đại biên soạn thì có trước sau, theo ý nghĩa mà xét thì bản kinh này có lẽ được biên soạn trước kinh Đại A-di-đà. Nếu lấy việc bỏ bớt, thêm vào và chỉnh sửa, xếp lại vị trí cho hợp lí thì lại thấy kinh này phải xuất hiện sau. Nghĩa là nguyện thứ mười tha tâm trí thông, nguyện thứ hai mươi ba túc mạng, thiên nhãn, thiên nhĩ trí thông trong kinh Đại A-di-đàhợp lại thành một nguyện. Sắp xếp như vậy, chẳng những không theo thứ tự mà còn thiếu thần túc trí thông. Kinh này từ nguyện thứ năm đến nguyện thứ chín có thêm thần túc trí thông; đồng thời gộp lại năm loại thần thông.

Lại nữa, kinh Đại A-di-đàđã ghi nguyện thứ nhất không có ba đường ác, nguyện thứ tám không còn có đường ác thì kinh này xếp lại thành nguyện thứ nhất và nguyện thứ hai. Lại nữa so sánh, đối chiếu kinh Đại A-di-đàđã ghi nguyện mười chín thọ mạng vô lượng, nguyện hai mươi bốn quang minh vô lượng thì kinh này ghi là nguyện thứ mười ba, mười bốn. Qua sự so sánh này đủ thấy những nguyện này nhất định đều căn cứ cùng loại với kinh Đại A-di-đàmà sắp xếp chỉnh sửa lại.

Lại nữa bản kinh này thêm hai nguyện mới là nhất định đạt được diệt độ, chắc chắn đạt được bổ xứ. Nhân dân trong cõi nước ấy nhất định không chỉ trụ ở Vô dư niết-bàn. Lại các bồ-tát ở trong cõi nước ấy phát nguyện chắc chắn đạt đến Nhất sanh bổ xứ, vì nguyện văn thánh chúng cõi nước ấy đều tinh tiến tu đạo, nguyện đắc giải thoát ba thừa có ý nghĩa rất trọng đại. Lại nữa bản kinh này lược bớt một số nguyện từ chuyển nữ thành nam, cho đến y phục tự nhiên v.v…Hoặc ghi chép việc trang nghiêm Tịnh độ đặt ở văn sau. Riêng bản kinh này lược bỏ ba nguyện trung bối vãng sanh, người trong nước có quang minh, bồ-tát vô số. Chúng ta rất khó hiểu ý này.

Kinh này ghi thuyết ba bối vãng sanh, nhưng nguyện văn chỉ có hai, thượng bối và hạ bối, thiếu trung bối vãng sanh. Lại nữa hai nguyện người trong nước có quang minh, bồ-tát vô số, trong kinh Phóng quang bát-nhãcó ghi; đồng thời, trong kinh A-di-đàcũng có nói bồ-tát vô số. Có lẽ nên giữ lại các nguyện này, không biết có phải vì hạn chế chỉ có hai mươi bốn nguyện hay không mà nguyện văn lược bỏ trung bối vãng sanh quan trọng như thế. Thật sự khó hiểu ý này.

Tiết thứ sáu

Ba mươi sáu nguyện trong kinh Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm

Kinh Đại thừa Vô Lượng Thọ trang nghiêmnêu có ba mươi sáu nguyện, nhưng nguyện văn bản kinh này ghi hoàn toàn bất đồng với các bản kinh khác, tức là kết thúc nguyện văn các bản kinh khác đều nói: “Nếu không như vậy thì không thành Chính giác”, đây là nói Đức Phật phát nguyện. Đoạn cuối các nguyện của kinh này đều ghi: “Đều đắc Vô thượng chính đẳng chính giác” là để tóm kết, với ý là nguyện chúng sanh thành Phật. Đây là đặc trưng nguyện văn của bản kinh này, cho nên ý này có khác với các bản kinh khác.

Nay tạm thời theo tiêu chuẩn kinh Đại A-di-đàđể nói đề mục các nguyện:

1/ Tất cả chúng sanh trong ba đường ác khi sanh về Cực Lạc đều thân sắc vàng.

2/ Trời, người không có sai khác.

3/ Thần túc trí thông.

4/ Túc mạng trí thông.

5/ Thiên nhãn trí thông.

6/ Tha tâm trí thông.

7/ Trụ chính định tụ.

8/ Nhất định đạt đến diệt độ.

9/ Nhị thừa làm Phật sự.

10/ Người trong nước có ánh sáng.

11/ Người trong nước sống lâu.

12/ Không có những điều bất thiện.

13/ Thượng bối vãng sanh.

14/ Tùy nguyện vãng sanh.

15/ Được tướng đại nhân và chắc chắn đạt đến bổ xứ.

16/ Tu hạnh Phổ Hiền.

17/ Cúng dường chư Phật.

18/ Nói nhất thiết trí.

19/ Đến phương khác cúng dường Phật.

20/ Không đến cúng dường Phật.

21/ Phẩm vật cúng dường tự hiện đến.

22/ Na-la-diên lực.

23/ Đắc trí biện tài.

24/ Hương thơm lan tỏa cùng khắp.

25/ Cõi nước chiếu sáng rực rỡ.

26/ Thường được an vui.

27/ Chuyển nữ thành nam.

28/ Nhị thừa thành Phật.

29/ Người, trời hết lòng cung kính.

30/ Y phục tự nhiên hiện trên thân.

31/ Nghe danh hiệu Phật đắc nhẫn.

32/ Được thấy Đức Phật thì thành tựu chính định.

33/ Đầy đủ căn lành.

34/ Đắc Phổ đẳng định.

35/ Tùy ý nghe pháp.

36/ Đắc ba thứ pháp nhẫn.

Trong đây có hai nguyện mà một nguyện bao hàm hai ý nghĩa, tổng cộng thành ba mươi tám nguyện. Đại khái phân biệt hai nguyện thứ mười ba, mười bốn trong hai mươi sáu nguyện ở đoạn trước là nguyện chúng sanh sanh về Cực Lạc. Hai mươi bốn nguyện khác và nguyện thứ ba mươi lăm là nguyện nhân dân, thánh chúng cõi Phật A-di-đà được hưởng thụ công đức lợi ích. Lại nữa nguyện từ thứ hai mươi bảy trở xuống (trừ nguyện thứ ba mươi lăm) là nguyện chúng sanh ở thế giới khác nhờ nghe danh hiệu của Đức Phật A-di-đà mà được công đức lợi ích. Nếu so sánh với nguyện văn của kinh Bình đẳng giácthì nguyện thứ nhất của kinh Vô Lượng Thọ trang nghiêm, tức là nguyện thứ nhất không có ba đường ác, nguyện thứ hai không còn có đường ác, nguyện thứ ba hết thảy mọi người đều sắc vàng của kinh Bình Đẳng giác, nghĩa là ba nguyện hợp thành một nguyện. Nguyện thứ hai của kinh Bình đẳng giác nói người, trời không có sai khác cho đến tha tâm trí thông tổng cộng có năm nguyện, tương đương với nguyện thứ tư trở xuống có tám nguyện của kinh Vô Lượng Thọ trang nghiêm. Nguyện thứ bảy trụ chính định tụ tức là nửa sau của nguyện thứ mười tám đắc Bất thoái chuyển của kinh kinh Vô Lượng Thọ trang nghiêm. Nguyện thứ tám nhất định đạt đến diệt độ là nguyện thứ mười một của kinh kinh Vô Lượng Thọ trang nghiêm. Nguyện thứ mười bốn tùy nguyện vãng sanh là nửa sau của nguyện thứ mười bảy tức là nghe danh hiệu Phật được vãng sanh của kinh kinh Vô Lượng Thọ trang nghiêm. Nguyện thứ mười tám nói nhất thiết trí tương đương nguyện thứ hai mươi bốn của kinh kinh Vô Lượng Thọ trang nghiêm. Lại nữa nguyện thứ mười một, mười hai, mười ba, mười lăm, mười sáu, mười bảy, tổng cộng có sáu nguyện, đại khái các nguyện này phù hợp với các nguyện người trong nước sống lâu v.v…của kinh kinh Vô Lượng Thọ trang nghiêm.

Lại nữa, nguyện thứ chín, nhị thừa làm Phật sự nguyện văn nói: “Nếu có chúng sanh sanh về nước tôi, tuy trụ địa vị thanh văn, duyên giác, nhưng có thể đi cùng khắp trăm nghìn câu-chi na-do-tha trong cõi báu làm các Phật sự”, là chỉ rõ mọi người đều đắc Vô thượng chính đẳng chính giác. Theo dự đoán cho thấy, nguyên tắc chúng sanh đều được thành Phật, là từ ý nghĩa thanh văn vô số trong kinh Bình đẳng giácmà ra. Nếu như thế, thì mười bảy nguyện trong đoạn đầu của kinh này là trích lấy từ kinh Bình đẳng giác.

Lại nữa, kinh này lược bớt bảy nguyện: thiên nhĩ trí thông, không có ái dục, quang minh vô lượng, thọ mạng vô lượng, chư Phật ca ngợi, hạ bối vãng sanh, thức ăn uống tự nhiên có đầy đủ. Nhưng trong đó bỏ ba nguyện quang minh vô lượng, thọ mạng vô lượng, chư Phật ca ngợi; bốn nguyện còn lại là nguyện chúng sanh thành Phật đều là nguyện văn kinh này, chỉ nêu ra nguyện lợi tha, lược bớt ba nguyện công đức trang nghiêm của tự thân Đức Phật, là có liên quan nguyện tự lợi.

Có lẽ lược bỏ thiên nhĩ trí thông, thức ăn uống tự nhiên có đầy đủ là do đã có ghi chép trong trang nghiêm Tịnh độ. Nói hạ bối vãng sanh phần nhiều là hợp chung với tùy nguyện vãng sanh. Không có ái dục có lẽ ở trong trụ chính định tụ đã hàm có ý này. Lại kinh này tăng thêm nguyện mới thứ mười người trong nước có ánh sáng và nguyện thứ chín đến phương khác cúng dường Đức Phật, trở xuống có mười tám nguyện, tổng cộng thành mười chín nguyện. Trong đó, từ nguyện thứ mười chín đến nguyện hai mươi sáu có tám nguyện và nguyện thứ bảy, thứ mười, thứ ba mươi lăm, tính ra có mười một nguyện là nói nguyện thánh chúng cõi nước kia hưởng thụ công đức lợi ích và cõi nước trang nghiêm. Nguyện thứ hai mươi bảy trở xuống có chín nguyện (trừ nguyện thứ ba mươi lăm) là nguyện có liên quan chúng sanh ở thế giới khác nghe danh hiệu Phật được lợi ích. Trong đó, thánh chúng nước kia được công đức lợi ích là bổ sung ý nghĩa không đủ của kinh Bình đẳng giác.Ba nguyện đặc biệt là người trong nước có ánh sáng, chuyển nữ thành nam, y phục hiện trên thân, vốn có trong kinh Đại A-di-đàđã nói đến, trong kinh Bình đẳng giáclại lược bỏ. Nay chẳng qua lặp lại mà thôi.

Lại nữa nói chúng sanh ở phương khác khi nghe danh hiệu Phật được lợi ích, trong kinh Đại A-di-đàkinh Bình đẳng giácghi người được lợi ích chỉ đối với người chuyên môn cầu sanh về Tịnh độ. Kinh này rộng khắp mười phương thế giới, đặc biệt là chúng sanh ở thế giới Ta-bà được lợi ích thấm nhuần giáo pháp và nghe danh hiệu Phật A-di-đà, theo đó mà đắc Vô sanh pháp nhẫn. Thuyết này căn cứ theo thuyết nghe danh hiệu Phật hoan hỷ vãng sanh trong nguyện thứ mười bảy của kinh Bình đẳng giác(nguyện thứ tư trong kinh Đại A-di-đà), đem nguyện này mà nới rộng ý nghĩa. Nhưng có quan quan hệ kiến lập chín nguyện mới, khai thác một mặt mới về bản nguyện. Đây là điểm trọng yếu của bản kinh ba mươi sáu nguyện này.

Tiết thứ bảy

Bốn mươi tám nguyện trong kinh Vô Lượng Thọ

Kinh Vô Lượng ThọVô Lượng ThọNhư Lai hộitrong kinh Đại bảo tíchđều đưa ra bốn mươi tám nguyện. Về mặt câu chữ trong hai kinh này, tuy có khác nhau chút ít, nhưng nguyện văn và thứ tự của hai kinh có thể nói là nhất trí, do đó mà biết được hai kinh này là đồng bản dị dịch. Nay nêu sơ lược đề mục của các nguyện trong kinh này:

1/ Không có ba đường ác.

2/ Không còn có đường ác.

3/ Thân của trời, người đều thân sắc vàng.

4/ Người, trời không có khác.

5/ Túc mạng trí thông.

6/ Thiên nhãn trí thông.

7/ Thiên nhĩ trí thông.

8/ Tha tâm trí thông.

9/ Thần túc trí thông.

10/ Không khởi tham dục (không có ái dục).

11/ Nhất định đạt đến diệt độ.

12/ Quang minh vô lượng.

13/ Thọ mạng vô lượng.

14/ Thanh văn vô lượng.

15/ Người trong nước sống lâu.

16/ Không có các điều bất thiện.

17/ Các Đức Phật ca ngợi.

18/ Niệm Phật được vãng sanh.

19/ Thượng bối vãng sanh.

20/ Hạ bối vãng sanh.

21/ Được tướng đại nhân.

22/ Nhất định đạt đến bổ xứ và tu hạnh Phổ Hiền.

23/ Cúng dường chư Phật.

24/ Cúng dường đầy đủ như ý muốn.

25/ Nói nhất thiết trí.

26/ Na-la-diên lực.

27/ Trang nghiêm vô số.

28/ Thấy cây đạo tràng.

29/ Đắc trí biện tài vô ngại.

30/ Trí biện tài vô cùng.

31/ Cõi nước chiếu sáng rực rỡ.

32/ Hương thơm lan tỏa khắp nơi.

33/ Tiếp xúc với ánh sáng thì được khoan khoái .

34/ Nghe danh hiệu Phật đắc nhẫn.

35/ Chuyển nữ thành nam.

36/ Thường tu phạm hạnh.

37/ Trời, người hết lòng cung kính.

38/ Y phục hiện trên thân.

39/ Thường được an lạc.

40/ Trong cây hiện mười phương cõi Phật.

41/ Đầy đủ các căn.

42/ Được thấy Đức Phật thì thành tựu chính định.

43/ Sinh vào nhà tôn quý.

44/ Đầy đủ các căn lành.

45/ Đắc Phổ đẳng định.

46/ Tùy ý nghe pháp.

47/ Nghe danh hiệu Phật không còn thoái chuyển.

48/ Đắc ba thứ pháp nhẫn.

Nguyện văn kinh này được cho là căn cứ vào kinh Bình đẳng giác kinh Vô Lượng Thọ trang nghiêm. Trong đó, hai mươi lăm nguyện ở đoạn trước, nguyện văn và thứ tự đại khái nhất trí với kinh Bình đẳng giác. Chỉ có hai nguyện: nghe danh hiệu được vãng sanh là nửa sau của nguyện thứ mười bảy và nguyện phẩm vật cúng dường như ý muốn là nửa sau của nguyện thứ hai mươi hai là biệt lập của kinh Bình đẳng giác, chỉ trừ một nguyện thức ăn uống tự nhiên có đầy đủ mà thôi. Ba nguyện, trung bối vãng sanh, người trong nước có ánh sáng, bồ-tát vô số vốn trích lấy từ kinh Đại A-di-đà; nhưng đến khi kinh Bình đẳng giáclược bỏ thì kinhĐại A-di-đàcũng lược bỏ chưa nêu ra. Do đó, chúng ta đủ biết hai mươi lăm nguyện ở đoạn trước kinhĐại A-di-đàchủ yếu là căn cứ vào kinh Bình đẳng giácmà thành.

Lại nữa, mười bốn nguyện trong hai mươi ba nguyện ở đoạn sau, từ nguyện thứ hai mươi sáu, hai mươi chín, ba mươi mốt, ba mươi hai, ba mươi bốn, ba mươi lăm, và ba nguyện từ nguyện thứ mười bảy trở xuống, ba nguyện từ nguyện thứ bốn mươi hai, bốn mươi bốn trở xuống và nguyện thứ bốn mươi tám, đại khái mỗi nguyện phù hợp với kinh Vô Lượng Thọ trang nghiêm. Cho nên, kinh này bổ sung thêm chín nguyện: trang nghiêm vô số, thấy cây đạo tràng, trí biện tài vô ngại, tiếp xúc với ánh sáng thì được khoan khoái, thường tu phạm hạnh, trong cây hiện mười phương cõi Phật, đầy đủ các căn, sanh vào nhà tôn quý, nghe danh hiệu Phật không thoái chuyển. Trong đó, tiếp xúc với ánh sáng thì được khoan khoái là nửa sau của nguyện quang minh vô lượng trong kinh Bình đẳng giáclập riêng thành một nguyện. Nguyện thường tu phạm hạnh là căn cứ vào nguyện vănVô Lượng ThọNhư Lai hộitrong kinh Đại bảo tíchvà chuyển hóa nguyện Nhị thừa thành Phật từ kinh Trang nghiêm.Đồng thời mười một nguyện trong đoạn sau như: nghe danh hiệu Phật đắc nhẫn, chuyển nữ thành nam, thường tu phạm hạnh, trời người hết lòng cung kính, các căn đầy đủ, được thấy Đức Phật thì thành tựu chính định, sanh vào nhà tôn quý, đầy đủ các căn lành, đắc Phổ đẳng định, nghe danh hiệu Phật không còn thoái chuyển, đắc ba thứ pháp nhẫn, đều là phát nguyện cho chúng sanh ở thế giới khác nghe danh hiệu Phật được công đức lợi ích. Còn hai nguyện mùi thơm lan tỏa cùng khắp, tiếp xúc với ánh sáng thì được khoan khoái, cũng là nguyện dùng hương thơm, quang minh làm lợi ích, khiến cho chúng sanh ở phương khác cùng được hưởng công đức rộng rãi.

Ở đây, đều kế thừa ý của kinh Trang nghiêmcho rằng mở rộng cho chúng sanh ở phương khác được lợi ích. Nhưng ba mươi sáu nguyện trong kinh Trang nghiêmđều nguyện cho chúng sanh đồng thành Phật đạo. Đổi nguyện thanh văn vô số thành nhị thừa làm Phật sự, nhưng chưa lập riêng nguyện nhị thừa thành Phật, có liên quan đến tự thân Đức Phật, nên thiếu các nguyện: quang minh vô lượng, thọ mạng vô lượng, chư Phật tán thán v.v.. trái với thuyết truyền thống. Nay đối chiếu những điều nguyện trong bản kinh này hoàn toàn sinh động, khôi phục lại hình thức cũ sẵn có nguyện văn. Đồng thời, cũng tăng thêm các nguyện nghe danh hiệu được lợi ích, là gấp đôi hai mươi bốn nguyện, đó là muốn tập hợp lại đầy đủ tất cả các nguyện.

Tiết thứ tám

Bốn mươi sáu nguyện theo bản Phạn

Kinh Vô Lượng Thọtheo bản Phạn, nêu lên bốn mươi sáu nguyện. Nguyện văn và thứ tự đại khái giống với kinh Vô Lượng Thọbản Hán dịch. Đặc biệt phù hợp với Vô Lượng ThọNhư Lai hộitrong kinh Đại bảo tíchđã ghi. Chỉ thiếu bốn nguyện: hạ bối vãng sanh (tức là trồng các công đức), được tướng đại nhân, trí biện tài vô cùng, thường tu phạm hạnh trong bốn mươi tám nguyện; còn thêm hai nguyện: không đến cúng dường Phật và mây âm nhạc, mưa hoa. Theo các học giả nhận định bốn mươi sáu nguyện là có thiếu sót, nên muốn dựa theo bản dịch Tây Tạng để bổ sung thêm. Như thế, lại lược bớt ý kinh.

Nguyện văn bản Phạn thì cho rằng y theo kinh Vô Lượng Thọ trang nghiêm, trong đó thiếu nguyện được tướng đại nhân, e rằng là do thiếu sót. Hai nguyện không trồng các công đức, trí biện tài vô cùng; trong kinh Trang nghiêmcũng không có hai nguyện văn này, vì nó không quan trọng, nên chưa chọn lấy. Nguyện thường tu phạm hạnh là chuyển hóa nguyện nhị thừa thành Phật trong kinh khác. Lại nữa, hai nguyện không đến cúng dường Phật và mây âm nhạc, mưa hoa là thêm vào. Nguyện không đến cúng dường Phật trong kinh Trang nghiêmthì đã có mây âm nhạc, mưa hoa, phần nhiều tương đương với nguyện phẩm vật cúng dường tự đến trong kinh khác. Nếu như thế thì Hán dịch kinh Vô Lượng Thọlại dựa theo bản Phạn mà sửa đổi thêm, bỏ bớt hai nguyện, không đến cúng dường Phật và mây âm nhạc, mưa hoa, nhưng lại bổ sung thêm bốn nguyện trồng các công đức v.v...

Tiết thứ chín

Bốn mươi chín nguyện theo bản dịch Tây Tạng

Kinh Đại thừa Vô Lượng Quang trang nghiêm, bản dịch của Tây Tạng nêu ra bốn mươi chín nguyện. Ngoài bốn mươi sáu nguyện trong bản Phạn, còn thêm ba nguyện: được tướng đại nhân, trí tuệ biện tài vô cùng, thường tu phạm hạnh, nhưng thiếu nguyện trồng các công đức. Do đó, chúng ta biết còn có một bản dịch nữa.

Tiết thứ mười

Năm mươi hai nguyện trong kinh Bi Hoa

Trong quyển thứ ba, kinh Bi hoanêu ra gồm có năm mươi hai nguyện. Nay nêu ra đề mục các nguyện:

1/ Không có ba đường ác.

2/ Không còn có đường ác.

3/ Thân của trời, người đều sắc vàng.

4/ Người, trời không có khác.

5/ Túc mạng trí thông.

6/ Thiên nhãn trí thông.

7/ Thiên nhĩ trí thông.

8/ Tha tâm trí thông.

9/ Thần túc trí thông.

10/ Không khởi tham đắm.

11/ Đắc Bất thoái chuyển.

12/ Tất cả mọi người đều hóa sanh.

13/ Người trong nước sống lâu.

14/ Không có các điều bất thiện.

15/ Hương thơm lan tỏa khắp nơi.

16/ Được tướng đại nhân.

17/ Nhất định đạt đến Bổ xứ.

18/ Cúng dường chư Phật.

19/ Nói Nhất thiết trí.

20/ Na-la-diên lực

21/ Trang nghiêm vô số.

22/ Đắc trí biện tài.

23/ Cây bồ-đề của bồ-tát .

24/ Cõi nước chiếu sáng rực rỡ.

25/ Thường tu phạm hạnh.

26/. Nhân dân chí thành cung kính.

27/ Các căn đầy đủ.

28/ Thường được an vui.

29/ Đầy đủ căn lành.

30/ Y phục hiện trên thân.

31/ Được thấy Đức Phật thì thành tựu chính định.

32/ Trong cây hiện mười phương cõi Phật.

33/ Đắc Phổ đẳng định.

34/ Của cải tự nhiên có đầy đủ.

35/ Mặt đất bằng phẳng không có cấu uế.

36/ Không có các phiền não.

37/ Không có các khổ nạn.

38/. Thấy cây đạo tràng.

39/ Quang minh vô lượng.

40/ Thọ mạng vô lượng.

41/ Bồ-tát vô số.

42/ Các Đức Phật ca ngợi.

43/ Nghe danh hiệu Phật được vãng sanh (niệm Phật vãng sanh).

44/ Thượng bối vãng sanh.

45/ Nghe pháp tùy hỉ.

46/ Nghe danh hiệu Phật không còn thoái chuyển.

47/ Đắc ba thứ pháp nhẫn.

48/ Nghe danh hiệu Phật thì đắc tổng trì.

49/ Đắc nhẫn sau khi Phật nhập diệt.

50/ Đắc tổng trì sau khi Phật nhập diệt.

51/ Chuyển nữ thành nam.

52/ Thành người nam cho đến sau khi Phật nhập diệt.

Ý nghĩa nguyện văn đại khái tuy giống với kinh Vô Lượng Thọ, nhưng theo thứ tự là có trước sau. Lại nữa, kinh Bi hoa ghi cõi nước của Phật Di-đà không có nhị thừa, tất cả đại chúng thuần là bồ-tát. Vì thế, lược bớt thanh văn vô số, lại thêm bồ-tát vô số. Ngoài ra các nguyện nghe danh hiệu Phật đắc nhẫn, nghe danh hiệu đắc tổng trì, chuyển nữ thành nam v.v...và được lợi ích lâu dài cho đến sau khi Đức Phật Di-đà nhập diệt, đây là các điểm rất đặc sắc của kinh này.

Tiết thứ mười một

Kết luận

Nói tóm lại, bản nguyện ở nhân vị của Phật A-di-đà nói chung có sự sai khác, có kinh ghi hai mươi bốn nguyện, hay ba mươi sáu nguyện, hoặc bốn mươi tám nguyện. Điều này biểu thị bản nguyện của Phật Di Đà trải qua ba thời kỳ mà dần dần tập hợp thành ý nghĩa. Trong đó, kinh Đại A-di-đàkinh Bình đẳng giáctuy nêu ra hai mươi bốn nguyện, nhưng y theo sự nghiên cứu về việc sắp xếp nguyện văn thì biết kinh Đại A-di-đàđược thành lập sớm nhất. Ba mươi sáu nguyện trong kinh Vô Lượng Thọ trang nghiêm, mười mấy nguyện văn ở đoạn trước đại khái khế hợp với kinh Bình đẳng giác, đủ biết nguyện văn sau căn cứ theo nguyện văn trước mà lập ra. Bốn mươi tám nguyện trong kinh Vô Lượng Thọ, hai mươi lăm nguyện ở đoạn trước tương đồng với kinh Bình đẳng giác, mười hai nguyện ở đoạn sau khế hợp với kinh Trang nghiêm, đủ để chứng minh kinh Vô Lượng Thọlà y theo kinh Bình đẳng giáckinh Trang nghiêm.

Bản Phạn với bản dịch Tây Tạng và kinh Bi hoađều thuộc về bốn mươi tám nguyện, nhưng số nguyện cũng có khác nhau mà cũng có giống nhau. Nhưng kinh ghi hai mươi bốn nguyện đặc biệt đối với nhân dân Tịnh độ Di-đà được hưởng thụ công đức lợi ích mà lập nguyện. Ở kinh ghi ba mươi sáu nguyện là mở rộng ra công đức lợi ích của cõi nước kia; đồng thời cũng cổ xúy mới thêm chúng sanh ở phương khác nghe danh hiệu Phật được lợi ích. Đến kinh bốn mươi tám nguyện lại ghi thêm nghe danh hiệu Đức Phật được lợi ích, là nói ân huệ rộng lớn của Đức Phật trùm khắp mười phương thế giới. Cuối cùng đến kinh Bi hoachúng sanh được lợi ích cùng khắp, đến đời sau khi Như Lai nhập diệt. Các nguyện văn này dường như là nhất trí với các nguyện văn trong A-súc Phật quốckinhPhóng quang bát-nhã. Trái lại, bản nguyện của Phật Di-đà theo các bản dịch đã ghi đều có sai biệt. Bởi vì, xưa nay tín ngưỡng Phật Di-đà rất thịnh hành ở Ấn Độ và các nước, ân sủng của Phật A-di-đà dần dần lan rộng, đây là kết quả chung theo yêu cầu của đại chúng.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]