Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. Chương Thứ Tư

18/07/201115:14(Xem: 10206)
4. Chương Thứ Tư
TỊNH ĐỘ GIÁO KHÁI LUẬN

Nguyên tác Nhật ngữ:Vọng Nguyệt Tín Hanh

Hán dịch:Ấn Hải - Việt dịch: Viên Thắng - Hiệu đính: Định Huệ

 

Chương thứ tư

Tịnh độ của Phật A-súc và bản nguyện của Ngài.

Tiết thứ nhất

Tín ngưỡng Phật A-súc

Chư Phật hiện tại xuất hiện trong mười phương, có lẽ tín ngưỡng Phật A-di-đà và Phật A-súc được lưu hành vào thời đại sớm nhất, tình hình phát triển trước sau của hai vị Phật này như thế nào, theo trong văn hiến hiện nay rất khó khảo cứu và xác định, rất có thể cùng một thời đại, do địa phương bất đồng nên tín ngưỡng cũng không nhất định.

Trong phẩmHằng-kiệt ưu-bà-di, kinh Đạo hành bát-nhãquyển 6, ghi lại tín ngưỡng Phật A-súc được lưu hành rất sớm: Sự việc Hằng-kiệt ưu-bà-di vào đời vị lai xả bỏ thân nữ, sanh về cõi Phật A-súc, tường thuật lại việc Phật A-súc ở nhân địa đã phát nguyện và kinh A-súc Phật quốcghi lại cõi Phật trang nghiêm v.v…Tương truyền bản kinh này do ngài Chi Sấm dịch vào đời Hậu Hán. Không những như thế, trong phẩmA-súc Phật quốc, kinh Duy-ma-cật sở thuyếtquyển hạ ghi: “Bồ-tát Duy-ma-cật từ thế giới Diệu Hỷ của Phật A-súc đến sanh trong cõi Ta-bà này”. Kinh Thủ-lăng-nghiêm tam-muộiquyển thượng ghi: “Thiên tử Hiện Ý ở trong pháp hội này, cũng đến từ cõi Phật A-súc”. Các kinh khác như phẩm Vãng sanhtrong kinh Đại phẩm bát-nhãquyển 2; phẩm Pháp cúng dườngtrong kinh Hải long vươngquyển 4; phẩm Khẩn-na-latrong kinh bồ-tát xứ thaiquyển 7; kinh Tu-lại; phẩm Kim cang thântrong kinh Đại bát niết-bànquyển 2; kinh Đại phương đẳng đà-la-niquyển 3 v.v…đều ghi lại sự việc có rất nhiều người vãng sanh về cõi Phật A-súc. Như thế, hai Đức Phật này đều là đối tượng được mọi người sùng bái sớm nhất.

Riêng kinh A-súc Phật quốcghi lại Tịnh độ của Phật A-súc và kinh Đại A-di-đàghi lại tỉ mỉ Tịnh độ của Phật A-di-đà, so sánh thời gian xuất hiện hai kinh này, mọi người cho rằng kinh A-súc Phật quốcbiên soạn sớm hơn kinh Đại A-di-đà. Cho nên, kinh A-súc Phật quốc hiện còn trong các kinh có liên quan đến Tịnh độ, có lẽ được biên soạn sớm nhất. Sự việc được ghi lại trong kinh này cho chúng ta biết ngay là, bắt đầu thời đại Phật giáo Đại thừa có rất nhiều tư tưởng về Tịnh độ.

Tiết thứ hai

Tịnh độ của Phật A-súc

Nay y theo kinh A-súc Phật quốc thuật lại sơ lược nhân vị của Phật A-súc và các thứ trang nghiêm ở Tịnh độ. Trước tiên kinh này ghi: Cách Diêm-phù-đề này một nghìn thế giới ở phương đông, có cõi nước tên là A-tỉ-la-đề (Abhirati, Hán dịch là Diệu Thiện, Diệu Lạc, Hoan Hỷ). Trong cõi này, xưa kia có Như Lai Đại Mục xuất hiện, thuyết sáu pháp ba-la-mật cho các bồ-tát. Lúc đó, có một vị tỳ-kheo học đạo bồ-tát, mong cầu thành Phật, luôn vâng theo lời Đức Như Lai dạy, phát nguyện không bao giờ tức giận, nên được tên A-súc (Akṣobhya). A-súc, Hán dịch là Vô Nộ, Bất Động. Vị tỳ-kheo này nhờ tu nhiều hạnh nguyện, nên được thành Phật bên cây đạo tràng bằng bảy báu, ở cõi A-tỉ-la-đề.

Kế đến, kinh này lại nói về tướng trạng thanh tịnh trang nghiêm ở Tịnh độ. Cõi Phật A-súc không có ba đường ác như địa ngục v.v…Tất cả mọi người đều làm việc thiện, đất đai bằng phẳng, không có đồi núi, hang khe, đá sỏi, núi non sạt lở. Mặt đất mềm mại như tơ lụa; nếu có người đi trên đó, tuy lún xuống, nhưng khi giở chân lên trở lại như cũ.

Cõi nước này không có ba thứ bệnh trúng gió, cảm lạnh, thời khí. Tất cả nhân dân đều cùng dung nhan xinh đẹp, không có dữ tợn, cũng không có xấu xí, dâm, nộ, si rất nhẹ; cũng không có việc bắt bớ, giam cầm. Cõi nước này không có các học thuyết sai lầm của ngoại đạo, giống như châu Uất-đan-việt, cũng không có vua cai trị. Khắp nơi cây cối mọc tươi tốt, thường nở hoa quanh năm. Lại có cây tên ba-kiếp rất kỳ lạ, cây này sanh ra các thứ y phục, chuỗi ngọc. Y phục ấy mới toanh đẹp đẽ, được ướp mùi hương lạ. Nếu mọi người muốn ăn uống thì thức ăn hiện ra trước mặt; giống như cõi trời Đao-lợi, thức ăn này thơm ngon, hơn cả cõi trời, cõi người. Nhà ở của nhân dân đều trang hoàng bằng bảy thứ báu, chung quanh có hồ, nước trong hồ tràn đầy có tám vị đặc biệt. Khi nhân dân muốn tắm thì hồ tắm trong sạch tự nhiên hiện ra.

Cây tô-mạn-na (Sumana) và cây đa-la (Tala) mọc thành hàng, khi gió thổi nhẹ phát ra năm loại âm thanh trầm bổng du dương, hay hơn âm nhạc ở thế giới Ta-bà này. Trong cõi nước ấy không có giá rét, cũng không có nóng bức, gió thổi nhè nhẹ làm mát mẻ sảng khoái. Những cô gái trong nước giống như thiên nữ, đẹp hơn ngọc nữ bảo của Chuyển luân thánh vương gấp trăm vạn ức lần. Những cô gái này không có những lỗi lầm như nói lời ác, ganh tỵ; chẳng đắm nhiễm vào việc tà. Đời sống nhân dân không có chợ quán mua bán, cũng không làm nghề cày cấy, gieo trồng. Mọi người chỉ cùng một hỉ lạc, trụ trong tịch định.

Đức Phật A-súc thường phóng ánh sáng chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới, che khuất ánh sáng mặt trời, mặt trăng. Khi Đức Phật đó đi kinh hành, trên mặt đất tự nhiên mọc lên hoa sen sắc vàng nghìn cánh. Lúc Ngài thuyết pháp, có vô số nhân dân đến lắng nghe; số người đắc quả Tu-đà-hoàn, cho đến đắc quả A-la-hán rất đông. Lại cõi này có ba cầu thang báu bằng vàng, bạc, lưu ly thông lên cõi trời Đao-lợi. Chư thiên ở cõi trời Đao-lợi thường xuống bằng cầu thang báu này để cúng dường Đức Phật A-súc. Người mới sanh về cõi nước này đều đắc A-duy-việt-trí, dần dần có thể thấy ngần ấy vạn ức chư Phật, tự mình ở trong nước trồng các cội công đức. Có sự sai khác giữa bồ-tát xuất gia và tại gia, bồ-tát xuất gia không được ở nhà, bồ-tát tại gia được ở trong nhà cao cửa rộng. Đức Phật A-súc giáo hóa khắp nhân dân cõi nước này xong, sau đó nhập Niết-bàn. Khi Phật nhập Niết-bàn rồi, vị kế tiếp được bổ xứ thành Phật, hiệu là Kim Sắc Liên Hoa Như Lai, lại giáo hóa tất cả chúng sanh như Phật A-súc. Kinh này có bản dịch khác làhội Bất Động Như Laitrong kinh Đại bảo tích. Kinh Bi hoaquyển 4, cũng nói giống như kinh này.

Tiết thứ ba

Bản nguyện của Phật A-súc

Mặc dù, kinh A-súc Phật quốcchưa liệt kê từng bản nguyện đã phát ở nhân vị như kinh Đại A-di-đà, nhưng qua tường thuật trong kinh A-súc Phật quốcchúng ta thấy có căn cứ hoàn toàn nơi giáo lý cõi Phật thanh tịnh. Trong việc ghi chép về Tịnh độ trang nghiêm, chỗ nào cũng biểu hiện cõi Phật A-súc tốt đẹp thanh tịnh. Kinh ghi lại xưa kia Phật A-súc phát đại nguyện, nói đến dự tưởng về tư tưởng bản nguyện. Hiện nay, căn cứ vào sự ghi chép về phát nguyện ở trên, xin thuật bản nguyện của Ngài như sau:

Cõi Phật A-súc không có ba đường ác địa ngục v.v…tức là nguyện không có ba đường ác; tất cả mọi người đều làm việc thiện, là nguyện không phạm mười điều ác; đất đai ở cõi Ngài bằng phẳng là nguyện đất đai bằng phẳng, không có cấu uế; không có ba thứ bệnh tật trúng gió, cảm lạnh, thời khí, là nguyện không có dịch bệnh; không có người xấu, là nguyện mọi người đều xinh đẹp; không có người thấp hèn, là nguyện cùng một giai cấp; dâm, nộ si nhẹ là nguyện không có ba độc; không có các ngoại đạo tà kiến là nguyện không có tà tụ; không có vua cai trị là nguyện trong nước không có vua; cây cối sanh ra y phục, chuỗi ngọc là nguyện y phục tự nhiên có đầy đủ; thức ăn uống trong nước tự nhiên có đầy đủ là nguyện ăn uống tự nhiên có đầy đủ; nhà cửa đều làm bằng bảy thứ báu trang nghiêm là nguyện nhà cửa tự nhiên tốt đẹp; nước trong hồ có tám vị đặc biệt là nguyện nước trong hồ có tám vị đặc biệt; khi gió thổi nhẹ qua các hàng cây phát ra âm thanh trầm bổng du dương là nguyện thường có nhạc trời trổi lên; ánh sáng của Phật A-súc chiếu khắp đại thiên thế giới là nguyện ánh sáng vô lượng; người sống trong cõi nước Ngài đều đắc A-duy-việt-trí là nguyện đắc Bất thoái chuyển; mọi người ở cõi chư Phật trồng các cội công đức là nguyện trồng đầy đủ căn lành; cây đạo tràng ở cõi Ngài có bảy thứ báu là nguyện thấy cây đạo tràng. Bốn nguyện là không có ba đường ác, không có dịch bệnh, ăn uống tự nhiên, nước có tám vị đặc biệt ở trong mười tám nguyện này, đồng nghĩa với bốn nguyện trong kinh Đạo hành bát-nhãvà mười nguyện: không phạm mười điều ác, đất đai bằng phẳng không có cấu uế, mọi người đều xinh đẹp, cùng một giai cấp, không có tà tụ, trong nước không có vua, y phục tự nhiên, ánh sáng vô lượng, đầy đủ căn lành v.v…đại khái giống với các nguyện trong kinh Phóng quang bát-nhã. Qua sự đối chiếu, chúng ta có thể biết giữa các kinh điển này có tính liên quan với nhau.

Tiết thứ tư

Căn cứ của thuyết Tịnh độ Phật A-súc

Kinh A-súc Phật quốccó lẽ là kinh điển nói về Tịnh độ của chư Phật ở vào thời kỳ sớm nhất. Tư tưởng này đại khái là đơn thuần, đồng thời cũng hiện thực, không có lý tưởng hóa. Nghĩa là những việc như cây cối sanh ra y phục, chuỗi ngọc, người nữ mang thai, nhân dân ca hát, vui chơi, sự khác biệt bồ-tát xuất gia và bồ-tát tại gia. Bồ-tát tại gia được ở nhà cao cửa rộng, điều này dường như hoàn toàn không giống thế giới Ta-bà. Đặc biệt là lấy y phục, chuỗi ngọc từ trên cây; đất cõi ấy mềm mại, khi đi lún xuống, sau đó trở lại như cũ. Trong nước không có vua, đời sống nhân dân vui hòa, đầy đủ vật dụng. Ai nấy đều xinh đẹp, không có sai khác đẹp xấu, hoàn toàn phù hợp truyền thuyết dân tộc Aryan sống vào thời cổ đại ở Ấn Độ, ôm ấp lý tưởng hướng về châu Uất-đơn-việt. Phẩm Uất-đơn-viếttrong kinh Đại lâu thánquyển 1 và kinh Thế kỷtrong Trường A-hàm đều nói như vậy.

Lại các cô gái trong cõi Phật A-súc xinh đẹp hơn ngọc nữ bảo của Chuyển luân thánh vương. Các cô gái đó không có những lầm lỗi như nói lời ác, ganh tị. Nhưng nói việc nhân dân trong nước mang thai là còn có ái dục. Kinh Phóng quangbát-nhãlập ra nguyện không có ái dục, nên được hóa sanh. Kinh Đại A-di-đàlập ra nguyện chuyển nữ thành nam, nhất định là đem kinh này sửa đổi thêm cho hoàn thiện hơn mà thành.

Lại kinh này ghi có ba cầu thang bằng chất báu bắc lên đến cõi trời Đao-lợi. Chư thiên ở cõi trời theo ba cầu thang báu này xuống đến trước Phật A-súc nghe pháp tu tập và cúng dường. Điều này căn cứ câu chuyện vào mùa an cư, Đức Phật Thích-ca lên cõi trời Đao-lợi thuyết pháp cho mẫu hậu là phu nhân Ma-ha-ma-da xong, lúc Ngài trở về Diêm-phù-đề thì hiện ra ba cầu thang báu, Đức Phật Thích-ca đi cầu thang báu ở giữa trở về mặt đất. Chuyện này đều được ghi trong các kinh như kinh Nghĩa túcquyển hạ, kinh Tăng nhất A-hàmquyển 28, kinh Soạn tập bách duyênquyển 9.

Các hình ảnh này được khắc thành phù điêu trên lan can của tháp Ba-lỗ-bồ-đa, theo truyền thuyết kể lại thì đây là câu chuyện cổ rất nổi tiếng đương thời; hiện nay lấy đây làm một loại trang nghiêm cõi Phật A-súc. Lại nói cây đạo tràng ở cõi Phật A-súc là do bảy báu hợp thành, cây cao một do-tuần, cành lá sum sê tươi tốt, che phủ một do-tuần. Chung quanh cây đạo tràng có lan can bốn mươi do-tuần. Chúng ta không nghi ngờ điều này, có lẽ đây là cây bồ-đề ở Phật-đà-già-da, mục tiêu được rất nhiều người thời bấy giờ sùng kính mà nêu ra. Kinh Vô Lượng Thọquyển hạ ghi: “Tịnh độ của Phật Di-đà có cây đạo tràng, cao bốn trăm vạn dặm”, đủ thấy cũng là do đây mà triển khai.

Lại nữa, người sanh về cõi Phật A-súc đều đắc A-duy-việt-trí. Bởi vì, khoảng thời kỳ đầu, đệ tử Phật giáo Đại thừa cho rằng chứng Bất thoái chuyển rất là rất quan trọng. Thuyết sau khi Phật A-súc nhập Niết-bàn, vị kế tiếp được bổ xứ thành Phật hiệu là Kim Sắc Liên Hoa Như Lai. Chúng ta cũng có thể nói đây là thuyết kế thừa tương lai Phật Di-lặc sẽ xuất hiện.

Do đây, chúng ta có thể biết việc ghi chép lại có liên quan đến Tịnh độ Phật A-súc, là lấy truyền thuyết châu Uất-đơn-việt và Phật truyện, đồng thời lấy những điều tín ngưỡng lưu hành lúc đó làm cơ sở, đủ biết điều này chẳng qua là lý tưởng hóa.

Nói tóm lại, kinh A-súc Phật quốclà kinh Tịnh độ có quan hệ với các kinh khác, được biên soạn rất sớm. Tư tưởng này tất nhiên là rất đơn giản chất phác. Nhưng kinh Đại A-di-đà, kinh Phóng quang bát-nhãv.v…đều có ghi chép lại; chủ yếu là thêm vào sự un đúc dung hội, dựa theo đó mà có rất nhiều điều được ngầm lộ ra.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]