Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

V. Đời sống tinh thần

11/07/201102:55(Xem: 9035)
V. Đời sống tinh thần

ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA
NHỮNG LỜIKHUYÊN TÂM HUYẾT
Thựchiện với sự hợp tác của MATTHIEU RICARD
Chuyểnngữ từ tiếng Tây tạng sang tiếng Pháp: CHRISTIAN BRUYAT
Chuyểnngữ Pháp Việt: Hoang Phong

V
ĐỜI SỐNG TINH THẦN

Lời khuyên người tinvào tôn giáo

Tất cả mọi người đều cóquyền có niềm tin hay không. Tuy nhiên khi đã theo một tôn giáo nào và tin vàonhững gì tôn giáo ấy thuyết giảng thì hãy xem trọng những lời thuyết giảng ấyvà nhất là tránh đừng có hôm nay thì tin, ngày mai thì lại không. Chớ nên hànhđộng bừa bãi, lời nói phải đi đôi với sự suy nghĩ.

Một số người nghĩ rằng :«Nếu tôi đã đặt niềm tin vào Phật giáo thì tôi phải hội đủ khả năng để sốngmột cách hoàn toàn và trọn vẹn, còn nếu không thì tôi sẽ bỏ đạo!». Thái độmuốn «được tất cả hay là bỏ hết» là một thái độ thường thấy ở người Tâyphương. Tiếc thay, chẳng có cách nào giúp ta đạt được sự toàn thiện một cáchnhanh chóng cả. Muốn đi đến đích phải tập luyện từ từ: có phải đấy là điều cốtyếu hay chăng? Ta cũng không nên nói rằng : «Dù có tập hay không tập thì cũngthế, tôi sẽ chẳng bao giờ làm được!». Hãy tự đặt cho mình một mục tiêu rõ rệtvà dùng mọi cách để đạt cho được mục tiêu ấy thì từ từ thế nào rồi ta cũng sẽthực hiện được.

Mỗi người có một bảnchất khác nhau, cái thích nghi cho người này lại có thể không phù hợp với kẻkhác. Đấy là một điều luôn luôn phải ghi nhớ khi phán đoán về các tôn giáo vàcác con đường tâm linh khác. Sự đa dạng của tín ngưỡng tương ứng với sự đa dạngcủa con người. Ngay cả trong trường hợp không bắt buộc ta phải nhìn tínngưỡng trên khía cạnh đa dạng đó đi nữa thì vẫn có nhiều người đã và sẽ tìmthấy sự trợ giúp lớn lao của tín ngưỡng. Hãy ghi nhớ điều ấy trong lòng, nhấtlà vì mọi tôn giáo đều xứng đáng để được kính trọng. Điều này vô cùng hệ trọng!

Còn một điều khác cầnnói thêm là tất cả các tôn giáo đều có những nghi lễ cá biệt, tuy nhiênmỗi tôn giáo đều hàm chứa một số sắc thái có tính cách cơ bản hơn.

Chẳng hạn như trong cáchtu tập của Phật giáo thì điều cốt yếu là phải khắc phục được tâm thức. Đấykhông phải là một việc dễ dàng vì nó đòi hỏi một sự cố gắng thật kiên trì, thếnhưng nhiều người lại cứ xem đó là một việc thứ yếu. Một mặt thì họ tin vàogiáo lý Phật giáo, mặt khác thì lại không đủ sức để biến niềm tin của mìnhthành hiện thực. Người tu tập chỉ biết an lòng với những nghi thức lễ lạc bênngoài, những màn trình diễn hào nhoáng của lễ bái, còn kinh kệ thì đọc trên đầumôi cho có lệ.

Trong các nghi lễ Tâytạng, người ta thích dùng trống, chuông, chũm choẹ và các loại nhạc cụkhác. Nhiều người nhìn vào đó và cho rằng: «Đấy là những người đang lo tu tậpPhật giáo!». Tuy nhiên thật sự thì việc tu tập không hẳn là đúng như thế. Đấychỉ là cách giúp cho họ tránh sự xao lãng không tập trung được tâm thức để nhậnthấy những ảo giác trong thế gìới này để biểu lộ tình thương, lòng từ bi vàtinh thần Giác ngộ. Cách tu tập ấy đòi hỏi thật nhiều nghị lực và sự tập trungcao độ của tâm thức và đấy mới thật sự là cách tu tập thâm sâu của Phật giáo.Có phải thế hay chăng ?

Người ta cũng thấy mộthiện tượng tương tự đối với những người theo Thiên chúa giáo. Đi lễ nhà thờngày chủ nhật, đọc thật nhanh vài lời cầu nguyện, mắt thì nhắm lại, nhưng khiphải đối đầu với những khó khăn thường nhật thì trong trí lại phát sinh mọi ýnghĩ không phù hợp chút nào với tôn giáo của mình, không có một khả năng nào đểphát lộ đức tin hay một thái độ thích đáng với lời dạy của Đấng Ki-tô.

Dù sao đi nữa, nhữngđiều ấy cho thấy ta chẳng có gì biến đổi cả, vẫn rập khuôn như những kẻ khác màthôi. Ta chỉ biết tỏ lộ đức tin trong khoảng thời gian của một buổi lễ nhưngtrên thực tế thì tuyệt nhiên không thực thi được một điều gì thuộc vào đức tincủa mình cả.

Tôn giáo cũng tương tựnhư một phương thuốc điều trị. Phương thuốc ấy mang lại hiệu quả khi ta ốm đau,nhưng không phải lúc ta đang khoẻ mạnh. Khi mọi sự đều tốt đẹp thì đâu cần mangthuốc men ra khoe với kẻ khác và bảo với họ rằng: «Cái này thật tuyệt vời,cái này đắt, cái này màu sắc rất đẹp». Dù dáng dấp bên ngoài như thế nào thìchức năng duy nhất của một phương thuốc vẫn là việc chữa trị cho lành bịnh. Nếuthuốc men không mang đến một lợi ích nào cả khi ta thật sự cần đến thì cũngkhông nên phô bày chúng ra làm gì. Tương tự như vậy, một tôn giáo hay một conđường tu tập tâm linh phải tỏ ra hữu hiệu vào những lúc tâm thức gặp khó khăn.Nếu ta cứ tiếp tục phô trương tín ngưỡng khi mọi sự đều trôi chảy, nhưng đếnlúc phải đối đầu với khó khăn mà ta cũng chẳng hơn gì những kẻ thường tìnhthì như thế có ích lợi gì đâu?

Điều quan trọng chính làlàm sao để thấm nhuần thật sâu vào tâm thức những lời giảng huấn hay cách tutập mà ta đã thu nhận được và đem chúng ra áp dụng vào đời sống thường nhật.Đấy là một điều không thể làm được ngay tức khắc mà chỉ có thể khắc phục dầnnhờ vào sự tập luyện chuyên cần.

Lời khuyên người khôngtôn giáo

Số người không tôn giáorất đông. Đó là quyền của họ mà không ai có thể ép buộc họ phải thay đổi. Điềuquan trọng là cuộc đời họ cần có một ý nghĩa nào đó, tức là từ trong thâm tâm,họ phải được sung sướng... Cứ đi tìm hạnh phúc nhưng không được làm hại kẻkhác. Nếu như sự toại nguyện của họ lại phát xuất đến từ những khổ đau củakẻ khác thì sớm muộn chính họ cũng sẽ gánh chịu khổ đau.

Đời sống con người kéodài tối đa khoảng một trăm năm và nếu so sánh với những kỷ nguyên địa chất thìthật là quá ngắn. Nếu trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy mà ta làm những việcđộc ác thì cuộc đời ta sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả. Tất cả mọi người đều có quyềnđược hưởng hạnh phúc nhưng không ai được phép phá hoại hạnh phúc của ngườikhác. Mục đích sự hiện hữu của con người là không được làm cho bất cứ ai đaukhổ. Dù cho ta đạt đến tột đỉnh của giàu sang và hiểu biết nhưng nếu không cólòng từ bi và không biết kính trọng người khác thì sự hiện hữu của ta cũngchẳng xứng đáng là sự hiện hữu của con người. Cứ vui sống trong hạnh phúc vàtránh tối đa không làm thiệt hại cho người khác, đấy là những gì mà con ngườicó quyền và đây cũng là điều đáng mang ra để áp dụng cho mình.

Phần đông chúng ta chorằng hạnh phúc tùy thuộc vào sự chiếm hữu của cải vật chất. Tuy nhiên thật hếtsức rõ ràng là của cải vật chất không hội đủ điều kiện để mang lại hạnh phúc.Chỉ cần nhìn chung quanh là ta cũng sẽ thấy ngay điều này. Nhiều người có đầyđủ tiện nghi nhưng thường xuyên phải uống thuốc an thần, hoặc rơi vào cảnh rượuchè say sưa cốt để làm nhẹ bớt âu lo. Ngược lại là những người không có gì cảnhưng lại hạnh phúc, thư giãn, khoẻ mạnh và sống lâu.

Tôi xin nhắc thêm mộtlần nữa rằng điều quan trọng hơn hết không phải là sự thoả mãn thô thiển vànhất thời của các cơ quan giác cảm mà chính là sự thoả mãn trong tâm thức. Vìthế muốn trở thành một người tốt thì phải giúp đỡ kẻ khác, kềm bớt thamvọng và hài lòng với số phận của mình, và đây là những điều không nhất thiếtchỉ dành riêng cho những người có tôn giáo. Tôi nói ra những điều đó không phảiđể làm vui lòng một vị Trời hay để bảo đảm sẽ được tái sinh trong những điềukiện tốt đẹp. Tôi chỉ ngụ ý rằng nếu những ai muốn tìm thấy sự an bình trongnội tâm thì không thể nào không nghĩ đến những điều vừa nói trên đây.

Tiến bộ kinh tế và kỹthuật càng gia tăng lại càng làm cho chúng ta ràng buộc vào nhau nhiều hơn, tứclà bị lệ thuộc giữa người này với người kia nhiều hơn. Tất cả những gì ta làmđều tạo ra ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới này và những ảnh hưởng ấysớm muộn gì cũng sẽ xảy ra mà thôi. Tình trạng chung của thế giới lại phản hồivà ảnh hưởng đến hạnh phúc hay khổ đau của từng cá nhân. Không như trong quákhứ, ngày nay khi phóng nhìn vào mọi sự vật thì tầm nhìn của ta cũng cần phảimở rộng và vượt lên trên những quan điểm hẹp hòi. Ta không thể chỉ nhìnthấy một yếu tố duy nhất hay một nguyên nhân duy nhất là đủ mà phải quán xétmọi sự trên thật nhiều khía cạnh.

Tôi không có ý nói rằngta phải chối bỏ hạnh phúc của mình và hy sinh tất cả cho hạnh phúc của ngườikhác. Tôi chỉ muốn nói là cả hai không thể tách rời nhau. Nếu như ta cảm thấyliên hệ đến sự an bình và hạnh phúc của tất cả mọi người trên địa cầu này thìhãy tập nhìn mọi sự một cách bao quát hơn và ý thức được tầm quan trọng ở tháiđộ của mỗi cá nhân.

Có khoảng sáu tỉ ngườitrên địa cầu. Trong số sáu tỉ người ấy thì một phần lớn chỉ quan tâm đến nhữngtiện nghi vật chất mà chẳng hề chú tâm gì đến tôn giáo hay đời sống tâm linh.Những người không-tôn-giáo chiếm phần lớn nhân loại, vì thế dĩ nhiên là cáchsuy nghĩ và hành vi của họ giữ một vai trò then chốt trong sự tiến hóa của thếgiới này. Dù sao thì cũng đáng mừng vì sự kiện biết cư xử như một con ngườikhông cần phải dựa vào một tôn giáo nào cả mà chỉ cần là một con người!

Ngay cả súc vật cũngthế, những con thú biết sống hợp đoàn sẽ thu hút các con thú khác. Những conthú hung dữ sẽ làm cho các con thú khác bỏ chạy. Hãy nhìn những con chó hunghăng cũng sẽ thấy, những con chó khác dù to lớn hơn cũng tránh xa.

Điều đó cũng đáng để sosánh với cách cư xử của con người. Những ai tự chủ được mình, có những ý tưởngnhân ái và ngôn từ nhã nhặn thì nhất định sẽ có nhiều bạn hữu hơn. Người khácsẽ cảm thấy an lành bên cạnh họ và ngay cả súc vật cũng muốn đến gần họ. Bất cứtrong hoàn cảnh nào họ cũng tạo ra được một bầu không khí êm ái mà kẻ kháckhông muốn rời xa.

Ngược lại, khi ta cónhững ý tưởng bấn loạn không kiểm soát được, ngôn từ khiêu khích và hành vihung hăng, thì nhất định kẻ khác sẽ lánh xa và họ sẽ cảm thấy khó chịu khi bịbắt buộc phải tiếp xúc với ta. Họ sẽ không quan tâm đến những gì ta muốn nói,có thể ta chưa kịp cất lời thì họ đã tìm cách ngoảnh mặt đi nơi khác. Họ khôngthể nào tìm thấy hạnh phúc hay vui đùa bên cạnh ta được. Cuộc sống của ta sẽtrở nên khó khăn hơn, có đúng thế không?

Dù rằng chúng ta quáđông đúc trên địa cầu này nhưng mỗi người trong chúng ta chỉ biết nghĩ đếnriêng mình mà thôi. Ta lệ thuộc vào kẻ khác để có thức ăn, có áo mặc, có mộtchỗ đứng trong xã hội, để trở thành nổi tiếng, nhưng dù thế ta lại xem nhữngngười liên hệ mật thiết với ta là kẻ thù. Có phải là hết sức phi lý không?

Tuy nhiên, chỉ cần quantâm đến kẻ khác bằng hành vi và ý nghĩ trong đầu thì ta sẽ tìm thấy hạnh phúcvà an vui ngay trong cuộc sống này, đấy là tôi chưa kể đến những kiếp sốngtrong tương lai. Khi gặp phải khó khăn thì ta sẽ có người bên cạnh để tâm sự vàgiúp đỡ, chưa kể trường hợp mà kẻ thù của ta có thể sẽ trở thành bạn ta nữa.

Khi chỉ biết nghĩ đếnbản thân mình và xem người khác là thù địch thì ta còn sẽ phải đương đầuvới những khó khăn hết sức phi lý mà chính ta là người chịu trách nhiệm. Trongthế giới tân tiến ngày nay, nếu như sự sống bắt buộc phải cạnh tranh thì ta vẫncó thể làm tốt hơn người khác nhưng không cần phải đè bẹp họ.

Lời khuyên người tuhành,các nhà sư và cố đạo

Hầu hết những người tuhành đều không lập gia đình. Cuộc sống độc thân được nhiều tôn giáo xem là rấtquan trọng vì nhiều lý do khác nhau. Theo Phật giáo, nếu muốn đạt được Giác ngộthì trước hết phải loại bỏ những nọc độc của tâm thức, khởi sự là những thứ nọcđộc thô thiển nhất. Nọc độc nguy hiểm hơn hết là dục vọng, thứ nọc độc này chắcchắn sẽ buộc ta vào thế giới luân hồi, tức vòng tái sinh. Nếu nghiên cứu kỹmười hai mối dây tương liên (1), giải thích mười hai giai đoạn trói buộc conngười vào thế giới luân hồi, ta sẽ nhận thấy nghiệp trong quá khứ, nếu không códục vọng tác động thì cũng không thể phát sinh ra quả được.

Trong số những thể loạikhác nhau của dục vọng thì ham muốn dục tính là thứ mạnh nhất, bởi vì nó liênđới đồng loạt với tất cả các đối tượng của năm cơ quan giác cảm: hình tướng,âm thanh, mùi, vị và xúc giác. Vì thế nếu muốn loại bỏ dục vọng thì trước nhấtphải tấn công vào thứ dục vọng nóng bỏng nhất. Tiếp theo sẽ nhắm vào những dụcvọng khác, từ thô thiển đến tinh tế. Khi chận đứng được dục vọng và tìm thấy sựvui thú, người tu tập sẽ dần dần thăng tiến và tránh được sự bám víu. Trên đâylà quan điểm của Phật giáo. Về phần các tôn giáo khác thì mỗi tôn giáo đều cócách giải thích riêng của mình.

Trên phương diện thựctế, cuộc sống xuất gia đòi hỏi phải sống độc thân vì độc thân sẽ giải thoát chongười tu tập một phần lớn những ràng buộc đem đến mọi thứ phiền toái cho họ.Các tỳ kheo ni và các nhà sư khi đã lánh xa cuộc sống thế tục sẽ không còn bậntâm vì kẻ khác nhìn vào mình. Họ ăn mặc rẻ tiền và các nhu cầu vật chất thìđược hạn chế tối đa.

Khi lập gia đình thì dùmuốn hay không, ta cũng sẽ bị nô lệ cho một số ràng buộc xã hội. Phải chi tiêunhiều hơn so với trước đây khi còn độc thân ; và thói thường khi càng tiêu xàithì lại càng phải làm việc, tính toán và hoạch định nhiều hơn. Càng làm việc vàhoạch định nhiều thì lại càng phải đối đầu với những sức mạnh đối nghịch phátsinh, để rồi càng dễ bị xui khiến phạm vào những hành vi gây thiệt hại chongười khác. Những người nữ tu và các linh mục Thiên chúa giáo, khi từ bỏ đờisống gia đình để chọn đời sống tu hành, thì phải cầu nguyện từ năm đến sáu lầnmỗi ngày, đọc sách, suy tư và gần như không có một sinh hoạt nào có tính cáchthế tục. Cách thay đổi lối sống như thế mang đến thật nhiều lợi điểm.

Đến khi lìa đời thìngười tu hành sẽ được thanh thản hơn. Thông thường thì những kẻ khác luôn cónhiều âu lo : «Con ta sẽ làm gì? Ai đưa nó đi học? Nó sẽ sống ra sao? Cònvợ ta nữa, sẽ ra sao? Làm thế nào mà ông chồng già của ta lo toan mọi việc choxuể? Rồi đây cô vợ trẻ của ta sẽ sống với một người đàn ông khác chăng...».Nếu khi chết mà tránh được những điều buồn khổ như thế thì có phải là hay hơnkhông ?

Trong nhiều quốc gia,người cha là cột trụ duy nhất của gia đình. Nếu người cha ra đi thì người mẹ sẽmất tất cả và rơi vào lo âu, không biết phải làm cách nào để sinh sống. Nếu cócon cái thì cảnh huống lại trở nên thảm thương hơn nữa.

Khi chưa có gia đình thìta hết sức bận tâm vì chưa tìm được người bạn đời. Thế nhưng khi đã có gia đìnhthì lại cũng không phải vì thế mà ta sẽ trở nên thanh thản hơn. Người đàn ôngthì lo lắng không biết người vợ có còn nghe lời mình hay không, và người vợ thìkhông biết mình có còn làm vui lòng người chồng như trước hay không. Quả là rắcrối.

Cưới hỏi cũng là dịp đểtiêu phí những số tiền lớn. Lễ cưới phải thật vĩ đại. Ở Ấn độ, người ta thườngbỏ ra một phần lớn gia tài vào việc cưới hỏi. Thường thì họ tiện tặn đến độkhông dám ăn tiêu. Sau lễ cưới, có gia đình lại gặp cảnh khổ đau vì không cócon trong khi nhiều gia đình khác thì có thể có nhiều con nhưng lại không muốnnên phải phá thai.

Tránh được những thứ khổsở ấy có phải là nhẹ nhàng hơn không? Các nữ và nam tu sĩ đôi khi cũng có thểtự hỏi có nên chọn đời sống lứa đôi hay không, nhưng tốt hơn hết là nên bỏ cáiý nghĩ ấy đi vì như thế có lẽ họ sẽ ít bận tâm hơn? Đời sống độc thân quả thậtthanh thản hơn nhiều.

Một số người nghĩ rằngtôi vừa nêu lên một quan điểm ích kỷ. Tôi không tin là như thế. Những người lậpgia đình vì nghĩ đến bản thân họ chứ cũng chẳng phải vì sự tốt lành của ngườikhác. Lập gia đình với mục đích vị kỷ tức là tìm hạnh phúc cho riêng họ nhưngcũng không mấy khi họ thành công. Trong khi đó những người đã thệ nguyện sốngđộc thân, các nữ tu và linh mục Thiên chúa giáo chẳng hạn, thì họ hy sinh tấtcả để giúp đỡ người khác, tận tình chăm sóc những kẻ ốm đau. Tôi nghĩ đến MẹTeresa, không chồng con, không gia đình để hy sinh tất cả thời giờ cho ngườinghèo khó. Nếu có gia đình thì mọi thứ sẽ khó khăn hơn nhiều. Dù có đủ thiệnchí đi nữa nhưng còn công việc nhà đang chờ đợi, còn con cái ở trường và nhữngthứ khác để phải lo nữa.

Trong nội các chính phủlưu vong của chúng tôi, nếu cử một vị sư đi công tác ở một nơi nào đó thì vị ấysẵn sàng ngay. Nếu bảo vị này hãy đến một quốc gia nào đó thì chẳng khó khăn gìcả. Nếu gọi vị ấy về thì vị ấy về ngay. Cứ thử yêu cầu một thương gia làm nhữngviệc ấy thì sẽ thấy ngay là mọi sự sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều. Có thể ngườinày sẽ trả lời rằng: «Tôi vừa mở thêm một cửa hàng mới, tôi còn phải ở lạiđây, cho tôi xin lỗi vậy...».

Đến đây, tôi cũng xin đềcập đến bổn phận của những người tu hành vì họ lại còn có bổn phận giáo dục kẻkhác nữa. Tông Khách Ba (Tsongkapa) (2) nói rằng bất cứ trường hợp ta bước theomột con đường tâm linh nào thì cũng không nên chỉ biết biến cải người khác mà khôngtự biến cải lấy chính mình. Chẳng hạn khi ta muốn giảng về những nguy hại củasự giận dữ thì chính ta cũng không được giận dữ, nếu không thì khó mà thuyếtphục được ai khác. Đối với việc thuyết giảng về dục vọng và sự thoả mãn cũngthế.

Về vấn đề này, một vịlạt-ma mà tôi biết có lần viết thư cho tôi kể rằng tại Tây tạng từ khoảng bamươi năm trở lại đây, người Tây tạng đã xây dựng được nhiều tu viện với nhữngngôi chùa nguy nga và những pho tượng quý giá, nhưng trong thời gian đó tuyệtnhiên không thấy họ nói là đã xây lên được một trường học nào hay bệnh viện nàocả. Tôi tin chắc rằng nếu là những cố đạo Thiên chúa giáo thì họ sẽ không làmnhư thế. Những vị lạt-ma trẻ tuổi thì ban ngày mặc áo nhà tu một cách bìnhthường, nhưng đến tối thì thay trang phục và đi dự những buổi tiếp tân của thếtục và lại còn hành động như những nhân vật quan trọng hoặc giả dạng là nhữngnhà kinh doanh giàu có. Tôi tự hỏi Đức Phật có làm như thế hay không. Họ còncông khai đeo cả những chiếc đồng hồ hiệu Rolex nữa... Nói thế chứ tôi cũng cómột cái ! (Ngài bật cười thật to). Tôi có nó từ khi tôi thoát khỏi Tây tạng,chỉ có cái dây đeo thì không phải thứ thật ! Tôi tự nghĩ rằng có thể những vịlạt-ma đeo đồng hồ Rolex bằng vàng, đi xe sang trọng, nhưng khi họ gặp một bà cụgià ăn mày đói khổ thì chưa chắc họ đã ném cho bà cụ một cái nhìn.

Sự thật là như thế: ĐứcPhật thuyết giảng về sự khiêm tốn và tận tụy vì kẻ khác, nhưng chúng ta thìkhông hề bận tâm chút nào về những lời dạy ấy. Theo ý tôi, đấy là một trườnghợp mà báo chí nên tố cáo những hành vi đạo đức giả. Đấy là việc quan trọngphải làm.

Đức Phật dạy phải thuyếtgiảng cho kẻ khác sao cho thích hợp với nhu cầu của họ và đồng thời phải giữnhững hành vi của mình đi đôi với những gì mình giảng. Hãy tuân thủ giới luậttrước khi truyền lại cho kẻ khác.

Ghi chú :

1- Kinh sách gốcHán gọi là «Thập nhị nhân duyên».
2- Tông Khách Ba(Tsongkhapa) (1357 – 1438), là một vị đại sư Tây tạng sáng lập học phái Cách lỗ(Guelougpa), một trong bốn học phái Phật giáo Tây tạng.

Lời khuyên người haysuy tư

Cũng như các tôn giáokhác, Phật giáo gồm có một số giáo điều được đem ra học hỏi bằng phương pháp tựbiện (1) và truyền lại cho những thế hệ sau, từ thầy đến đệ tử, tuy nhiên chínhnhững người suy tư đã làm tăng thêm thật nhiều giá trị cho những lời giáo huấnấy bằng những kinh nghiệm sống mà chính họ đã thực hiện được. Mặc dù số ngườinày không đông đảo nhưng chính họ đã phất lên « lá cờ chiến thắng » trên phươngdiện thực hành. Nhờ vào sự bình lặng tinh thần và sự quán thấy sâu xa, họ đãđạt được những kinh nghiệm thiền định và những thành đạt nội tâm, đã thổi sựsống vào những hiểu biết lý thuyết mà nếu không có phần sinh khí đó thì nhữnghiểu biết lý thuyết chỉ phảng phất một chút huyền thoại hay chỉ mang tính cáchgiả tạo mà thôi. Tôi không biết nói gì hơn là khuyến khích họ hãy tiếp tục cốgắng nhiều hơn.

Ghi chú :

1- Tức có tínhcách thuần lý.

Lời khuyên người cóđức tin lớn

Trong tất cả mọi tôngiáo thì hiển nhiên là đức tin nắm giữ một vai trò thật quan trọng. Tuy nhiênđức tin ấy cần phải được xây dựng trên những nền tảng chính đáng. Long Thụ, mộtđại triết gia Phật giáo người Ấn thuộc thế kỷ thứ II, có nói rằng sự hiểu biếtvà đức tin phải đi sát cạnh nhau, tay trong tay. Thật vậy, Phật giáo xem đứctin là nguồn gốc mang đến cho ta sự đổi mới toàn vẹn và sự hiểu biết là nguồngốc đưa đến Giác ngộ, tuy nhiên cũng thấy Long Thụ khẳng định một cách rõ rànglà «đức tin phải thoát ra từ sự hiểu biết trong sáng»; nếu nói cách khác thìcâu ấy có nghĩa là phải hiểu được tại sao ta tin.

Phật giáo phân chia đứctin thành ba cấp bậc khác nhau: sự cảm ứng, ước vọng và niềm tin vữngchắc. Đức tin do cảm ứng là một hình thức của ngưỡng mộ, đó là đức tin màta cảm nhận được khi đọc một văn bản nào đó, khi gặp một nhân vật khác thường,hoặc khi nghe nói về Đức Phật. Đức tin của ước vọng hàm chứa khái niệm của mộtsự cố gắng: ta ước vọng được hiểu biết, được đào sâu thêm, trở thành giống nhưngười mà ta ngưỡng mộ. Cả hai thứ đức tin vừa kể không có tính cách vững bền vìkhông dựa vào sự hiểu biết đích thực. Đức tin vững chắc được thiết lập trên sựhiểu biết minh bạch, tin rằng những gì mà ta ước vọng sẽ thực hiện được. Đứctin đó dựa trên lý trí. Trong kinh sách, Đức Phật có dặn dò các đệ tử của Ngàikhông nên tin một cách mù quáng vào những lời Ngài giảng mà hãy kiểm chứngnhững lời nói của Ngài giống như người thợ kim hoàn đập, nấu và kéo vàng đểkiểm chứng độ tinh khiết của nó.

Trường hợp vừa nêu lêncũng tương tự như việc sùng kính. Nếu sự sùng kính không được đặt trên căn bảnvững chắc sẽ rất hời hợt. Một số Phật tử, người Tây tạng hay những người kháccũng thế. Họ mang trong lòng một sự tôn kính lớn lao đối với người thầytinh thần nhưng nếu người thầy qua đời thì lòng sùng kính của họ cũng biến mất.Tất cả đều chấm dứt trong lòng họ và nơi nương tựa trước đây để họ học hỏi cũngsẽ vĩnh viễn khép cửa lại. Tuy rằng trên phương diện tuyệt đối, dù cho ngườithầy đang hiện diện bằng xương thịt hay đã khuất thì cũng không có gì khác biệtcả. Người thầy tượng trưng cho bản thể tối hậu của tâm thức, lòng từ bi củangười thầy không thể bị ngăn cách bởi không gian. Những ai hiểu được những điềuấy sẽ tránh được sự bám víu vào hình tướng nhân dạng của người thầy. Họ nênhiểu rằng, mặc dù người thầy đã rời bỏ lớp vỏ bên ngoài bằng xương thịt, nhưngxuyên qua phần thân xác tuyệt đối thì sự hộ trì và sinh hoạt của vị ấy vẫn luônluôn hiện diện. Dù người thầy vẫn ở bên cạnh hay không còn nữa thì cũng chẳngcó gì khác biệt. Lúc nào ta cũng có thể thiền định hướng vào người thầy củamình (1).

Nếu một ngày nào đóngười thầy có rời bỏ thế giới này và khi đó ta nghĩ rằng lòng sùng kính của tamất hết đối tượng thì đấy có nghĩa là sự sùng kính của ta vẫn còn vướng mắctrong sự bám víu. Ta chỉ xem vị thầy ấy như một người bạn đồng hành, một ngườibình thường, một người phối ngẫu hay một người thân thuộc mà thôi. Trong trườnghợp như thế, sau khi mất đi thì người thầy sẽ hoàn toàn biến mất và phần ta thìcũng chẳng biết phải làm gì. Những gì mà ta đã cảm ứng trước đây nhất địnhkhông phải là sự sùng kính thực sự.

Ghi chú :

1- Trong Phật giáoTây tạng, vai trò của người thầy rất quan trọng. Thầy và đệ tử buộc chặt vàonhau bằng một mối tương quan thật thân thiết, trong mục đích giúp người đệ tửphát hiện được bản thể đích thực của mình. Trong bước đầu, người đệ tử đặt hếtlòng tin vào thầy mình để hội nhập với thực thể sâu xa của vị ấy và ngườithầy thì giúp cho đệ tử tinh khiết hóa tâm thức của mình. Cuối cùng thì hai đốitượng thầy và đệ tử sẽ trở thành một, để khám phá ra bản thể đích thực của tâmthức, tức là «thân tuyệt đối của Phật», là hiện thân của trí tuệ và từbi.

Lời khuyên người khôngcó thái độchia rẽ tôn giáo

Tôi thấy có hai thái độcó thể gọi là không chia rẽ tôn giáo. Thứ nhất là sự kính trọng đối với tất cảcác truyền thống. Chẳng hạn như tôi là một người Phật giáo nhưng đồng thời tôicũng hết sức ngưỡng mộ Thiên chúa giáo và các tôn giáo khác.

Thái độ thứ hai là khôngnhững chỉ kính trọng các tôn giáo khác, mà lại còn muốn được tu tập theo cáctôn giáo ấy nữa. Vì thế mà có một số người vừa tu tập cả Thiên chúa giáo lẫnPhật giáo. Đến một mức độ nào đó thì điều này hoàn toàn có thể thực hiện được.

Tuy nhiên nếu muốn tiếnxa hơn trên con đường tu tập thì lại khác. Khi suy tư sâu xa về «tánh không»(1) và «hiện tượng tương liên» (2) của tất cả mọi sự vật thì sẽ rất khó đểchấp nhận một vị Trời sáng tạo tự hiện hữu và bất biến. Cũng thế, nếu ai tin cómột vị Trời đứng ra sáng tạo vũ trụ thì nguyên lý tương liên sẽ là một trở ngạicho họ. Đạt đến một mức độ nào đó, ta sẽ nhận thấy những hạn hẹp thuộc nền tảngchung của các tôn giáo và đến lúc đó thì ta bắt buộc phải chuyên môn hóa (3),nếu có thể nói như thế. Điều đó không hề ngăn cấm ta kính trọng các đường hướngtu tập khác, nhưng quả thật khó để tu tập chung.

Ngoài ra trong Phật giáocòn có một nghi thức riêng biệt gọi là «quy y». Khi đã quy y Phật thì tôikhông mấy tin là người ta còn có thể quy y chúa Ki-tô, nếu không muốn thấy mìnhđứng trước một ngã ba đường (4). Trong trường hợp đặc biệt như thế, tôi nghĩrằng tốt hơn hết là hãy cứ xem đấng Ki-Tô như một vị Bồ-tát.

Ghi chú :

1- « Tánh không » là mộtkhái niệm vô cùng quan trọng trong Phật giáo. « Tánh không » xác định bản thểđích thực của vạn vật. Tất cả mọi hiện tượng, tức mọi biến cố và sự vật kể cảnhững tư duy và xúc cảm, đều không có một thực thể tự tại mà chỉ là kết quảluôn luôn biến động và đổi thay, do vô số nguyên nhân và điều kiện góp phần làmcho chúng phát sinh, tự chúng không có một sự hiện hữu nội tại và bền vững nàocả. Vì thế bản thể của chúng gọi là « tánh không ».

2- Còn gọi là « Lý duyênkhởi » trong các kinh sách gốc Hán. Khái niệm này chỉ định sự tương liên, tươngkết, và tương tạo của tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ. Không có một hiệntượng nào trong vũ trụ này có thể tự nó hiện hữu một cách độc lập vì tất cả mọibiến cố và sự vật, mọi tư duy và xúc cảm, đều lệ thuộc vào nhau, tương tác vớinhau. Không có một hiện tượng nào tự nó có thể hiện hữu một cách nội tại, bấtbiến và độc lập.

3- Tức là phảichọn một tôn giáo nào đó để tiến xa hơn.

4- Đức Đạt-Lai Lạt-Mathường nói rằng khái niệm về một vị Trời không đặt thành vấn đề cho người Phậtgiáo, nếu khái niệm đó được xem là tình thương yêu vô biên. Tuy nhiên nó sẽ tạora vấn đề, nếu xem đó là nguyên nhân đầu tiên sáng tạo ra thế giới này.

Theo thiển nghĩ củangười dịch thì việc kính trọng tất cả các tôn giáo là một điều hiển nhiên, cầnthiết và bắt buộc, vì tính cách đa dạng của con người và bối cảnh của nhân loạiqua không gian và thời gian. Nếu biết kính trọng tôn giáo thì cũng phải biếtkính trọng con người, nhất là nhân phẩm và sự tự do suy nghĩ của con người.Không nên dùng sức mạnh, uy quyền, tiền bạc, áp lực tình cảm, lợi dụng hoàncảnh của kẻ khác...để áp đặt một tôn giáo, dù là bất cứ một tôn giáo nào cũngthế, vì đấy là nguồn gốc đưa đến chia rẽ và có thể gây ra chiến tranh, nhưngười ta đã từng thấy qua lịch sử của xã hội con người, từ trước thời trung cổcho mãi đến ngày nay.

Lời khuyên người muốntu tập theo Phật giáo

Theo nguyên tắc chung,tôi nghĩ rằng tôn giáo của cha mẹ mình là tôn giáo thích nghi nhất cho mỗingười. Vả lại thật cũng không tốt nếu chạy theo một tín ngưỡng nào đó rồi saunày lại từ bỏ.

Ngày nay, nhiều ngườirất quan tâm đến đời sống tinh thần mà đặc biệt nhất là Phật giáo, nhưng thườngthì họ không suy xét cẩn thận để ý thức mình đang dấn thân vào một lãnh vựctinh thần có những đặc tính như thế nào. Trước hết phải tìm hiểu xem con đườngmà ta chọn lựa có thực sự phù hợp với bản chất và ước vọng của ta hay không.Hãy tự xét xem mình có đủ khả năng để theo đuổi hay không và sẽ gặt hái đượcnhững gì tốt lành sau khi tu tập. Hãy nghiên cứu những lời giáo huấn căn bảntrước đã. Trước khi bước vào Phật giáo, ta không thể nào biết hết được, tuynhiên ta vẫn có thể thâu thập được một số hiểu biết khá đầy đủ về những gìchính yếu và tiếp theo đó nên suy nghĩ một cách nghiêm túc hơn. Sau cùng, khiđã xem xét cẩn thận thì ta mới nên quyết định và như vậy thì mới thật là trọnvẹn. Được như thế chẳng những ta có thể đi xa hơn và nếu muốn thì có thể phátnguyện và xuất gia hẳn.

Người ta có thể tìm thấytrong Phật giáo rất nhiều phương pháp thiền định. Các phương pháp ấy gồm có sựlý luận phân giải, tập trung phi khái niệm vào một vật thể duy nhất, lắng thậtsâu vào nội tâm. Các đối tượng của thiền định có thể là hiện tượng vô thường,tính vô ngã, sự khổ đau, tình thương yêu, lòng từ bi và nhiều chủ đề khác nữa.Tuy nhiên, muốn tu tập một cách nghiêm túc thì cần phải có một vị thầy kinhnghiệm và đáng tin cậy để hướng dẫn.

Vị thầy giảng dạy cho tasẽ giữ một vai trò thật then chốt. Vì thế cũng phải nhận xét xem vị ấy có chânchính hay không, có hội đủ những phẩm tính đúng như mong muốn hay không, còn vềphần ta thì đã sẵn sàng và quyết định theo vị thầy ấy chưa.

Nói vắn tắt là ta hãyhết sức thận trọng. Không nên trở thành người Phật tử mà không nghĩ suy vàkhông biết gì cả. Hãy cố tránh trường hợp theo Phật giáo chỉ vì cảm thấy thíchrồi về sau mới biết là cách tu tập này hay cách tu tập kia không phù hợp vớimình hoặc là mình không đủ sức để thực hiện.

Một số người khi nghenói có một vị lạt-ma thuyết giảng ở đâu đó, liền đổ xô tới và đặt hết tin tưởngvào vị này mà chẳng cần tìm hiểu gì cả và cũng không hề tìm hiểu xem vị ấy cóhội đủ những phẩm tính cần thiết hay không. Sau một thời gian, họ mới thấy vịthầy ấy mang nhiều khiếm khuyết. Nhiều người Mỹ đã đến đây tìm tôi và kể lạimột số trường hợp như thế. Họ nghe nói có một vị lạt-ma gần nơi họ ở, tức thờihọ đặt hết lòng tin vào vị này mặc dù nhưng chưa kịp tìm hiểu cặn kẽ. Họ tiếpnhận những lời giáo huấn và nhất là chịu lễ thụ pháp, nhưng một hôm thái độ củahọ bỗng dưng thay đổi hẳn. Họ đùng đùng nổi giận và tuyên bố xem có ai muốnnghe chuyện tên lạt-ma ấy đã lạm dụng tình dục với các người bạn gái của họ haykhông, thế là họ đã vơ đũa cả nắm để nghĩ sai lầm về Phật giáo. Những người ấytự giao mình cho những vị lạt-ma thiếu khả năng và đã làm mất đi uy tín củanhững lời giáo huấn đích thực, rồi sau đó lại đổ trách nhiệm cho Đức Phật đãlàm họ thất vọng. Việc ấy từ đâu mà ra ? Chính là thái độ của những người khôngđược đúng đắn. Trước khi quyết định điều gì, phải tìm hiểu thật cẩn thận.

Quán xét một người thầylà bước quan trọng đầu tiên trên đường tu học, kinh sách đều có nói đến điềunày. Nếu chọn một một vị thầy tinh thần mà không kịp nghĩ suy gì cả, đến khinhững khiếm khuyết của vị ấy xuất hiện, lẽ tất nhiên là ta sẽ có cảm giác nhưbị giáng cho một tai họa. Dù sao, khi đã phát nguyện và tiếp nhận lễ thụ phápthì tốt hơn đừng để cho những ý nghĩ không tốt phát sinh.

Bất cứ một con người nàocũng có những phẩm tính tốt và những khuyết điểm. Kinh sách nói rằng một vịthầy tinh thần phải hội đủ những phẩm tính cao hơn chúng ta, nhưng thật sự câuấy có nghĩa là thế nào? Ví dụ một người nào đó được thụ giáo trực tiếp bằngkhẩu truyền, một phương pháp tu tập mà ngày nay đã trở nên rất hiếm hoi, thì dùcho người ấy không có những hiểu biết lớn lao nhưng trên phương diện truyền thụthì họ đạt được một cái gì đó mà ta không có, và trong giới hạn của ý nghĩa ấythì họ vẫn hơn ta.

Nếu ta liên hệ với một vịthầy không tốt và đã tiếp nhận từ vị này những lời giáo huấn của Đức Phật thìvị ấy vẫn xứng đáng để cho ta mang ơn. Nếu nhìn dưới góc cạnh đó và nếu như taxem người thầy là một kẻ tầm thường, hoặc tệ hại hơn là bất thần ta khinh ghétvị ấy, thì thái độ của ta không được đúng đắn lắm. Ngay cả trường hợp ta có hốitiếc đi nữa thì vị ấy cũng từng là người hướng dẫn tinh thần cho ta, vì thế tacũng nên tránh những thái độ quá cực đoan.

Nói như thế không cónghĩa là ta bắt buộc phải tiếp tục tiếp nhận sự giáo huấn của vị ấy. Ta hoàntoàn tự do tránh không gặp vị ấy nữa. Nói chung, khi ta đã tiếp nhận những lờigiáo huấn của Đức Phật qua một người nào đó thì nếu có thể và tốt hơn hết lànên trau dồi lòng tin tưởng của ta nơi người ấy. Nếu không thực hiện được thìthôi, nhưng phải giữ thái độ dung hoà, không nghĩ tốt mà cũng không nghĩ xấu.

Còn một điều nữa làkhông nên nghĩ rằng khi tu tập Phật giáo là ta có thể bay bổng lên trời xanh,đi xuyên ngang được vật chất hay nhìn thấy được tương lai. Mục đích của việc tutập Phật giáo là chủ động tâm thức của chính mình chứ không phải để đạt đượcnhững quyền năng kỳ diệu. Cũng có thể khi đã khắc phục được tâm thức thì dầndần từng chút, vài khả năng nào đó mà người ta gọi là « kỳ diệu » cũng có thểxảy ra, nhưng đấy chỉ những gì phụ thuộc. Nếu ta xem những thứ ấy là đối tượngchính của sự tu tập thì thật sự tôi không tin chút nào rằng đấy là sự tu tậpPhật giáo. Những người ngoài Phật giáo cũng có những loại khả năng như thế.Hình như có một lúc KGB và cả CIA cũng chú ý đến những khả năng này (1). Vì vậyta hãy nên giữ lấy sự thận trọng cho chính mình.

Ghi chú :

1- KGB và CIA làcác cơ quan tình báo của Nga và Mỹ. Các cơ quan này đã từng nghiên cứu việcdùng thần giao cách cảm ứng dụng vào việc truyền tin và gián điệp, nhưng hìnhnhư đã thất bại (?).

Lời khuyên người tutập Phật giáo

Trong lãnh vực tu tậptinh thần, lúc khởi đầu thì thường thường mọi người đều rất hăng say, tiếp theođó thì ngóng trông kết quả và sau cùng thì nản lòng rồi đâm ra chán nản. Trườnghợp ấy là dấu hiệu cho thấy một cái nhìn quá thiển cận. Mong đợi kết quả nhanhchóng là một điều sai lầm, trừ trường hợp của nhà du-già Mật-lặc Nhật-ba(Milarepa) (1). Phải chăng vì muốn nhấn mạnh đến điều đó mà kinh sách đã ghichép rằng Đức Phật mất đến «ba thời gian kalpa vô tận» (2) trước khi đạt đượcGiác ngộ hoàn hảo ? Như vậy về phần ta thì làm thế nào có thể đạt được Giác ngộsau vài năm ẩn cư ? Những điều trên đây chứng tỏ ta chẳng hiểu gì về các lờigiáo huấn cả. Nhiều người vẫn nghĩ rằng chỉ cần cầm cái chuông nhỏ (3) mà lắctrong ba năm thì sẽ đạt được thể dạng phật, quả thật hết sức ngây thơ.

Nhiệt tình tu tập là mộtđiều tuyệt vời, nhưng cũng phải hiểu rằng Đức Phật đã mất đến ba thời gian «kalpa» vô tận để tích lũy trí tuệ và những điều xứng đáng, vì vậy hãy nhìn vàođấy để hiểu rằng ta sẽ phải cần thật nhiều thời gian để đạt được sự Giác ngộtối thượng. Theo Phật giáo Bắc tông, thì Đức Phật đã đạt được Giác ngộ từ trướcqua thân xác trí tuệ (4). Sau đó Ngài hiển hiện trong thân xác hình tướng (5)để lập lại từ đầu quá trình của Giác ngộ. Nhưng đâu phải đấy là lý do để cho tavin vào mà bắt chước thực thi như Đức Phật, có phải thế không ? Chúng ta chỉ lànhững chúng sinh tập bước theo vết chân của Phật, và cũng chớ bao giờ quên làngay trong kiếp nhân sinh cuối cùng, chính Ngài cũng phải mất sáu năm gian khổ.Nếu hiểu được những điều ấy, ta sẽ tránh được cái nhìn thiển cận.

Quả đúng là người ta cónói con đường tu tập mau lẹ của Kim cương thừa có thể giúp đạt được thể dạngphật một cách nhanh chóng, không cần loại bỏ những xúc cảm tiêu cực. Nhưng nhưthế không phải là không nguy hiểm. Trong tiểu sử của ngài Mật-lặc Nhật-ba cómột giai thoại như sau. Có một vị lạt-ma nói với ngài Mật-lặc Nhật-ba rằng: «Nếu ai thiền định về những lời giáo huấn của ta vào ban ngày thì sẽ thành phậtngay ban ngày, những ai thiền định lúc ban đêm sẽ thành phật lúc ban đêm, cònnhững người may mắn hưởng được nghiệp thuận lợi thì khỏi cần thiền định làm gì». Ngài Mật-lặc Nhật-ba tự tin một cách chắc chắn mình là một trong những ngườimay mắn ấy, và ngài liền đi ngủ ! Nếu ta bắt chước những chuyện ngược đời nhưthế thì có thể ta sẽ rất hùng hổ lúc đầu nhưng sau đó thì thất vọng nhanhchóng. Ngược lại, nếu hiểu rõ được những bước tiến hành trên con đường tu tập thìlòng nhiệt thành của ta sẽ không bao giờ suy giảm. Hiểu được điều ấy thật làquan trọng.

Một điểm khác nữa là tôngiáo thường đưa ra những giới luật hay những quy tắc đạo đức để nâng cao giátrị con người. Trong Phật giáo nói riêng, có một số người không quan tâm đúngmức đến khía cạnh đạo đức đó mà chỉ biết lo thiền định để mong chờ những kếtquả diệu kỳ. Tuy nhiên chờ mãi mà không thấy gì xảy ra nên họ vô cùng chán nản.

Tôi xin lập lại một lầnnữa, mục đích của việc tu tập Phật giáo không phải để đạt được những khả năngkỳ diệu mà là để biến cải lấy con người của chính mình. Trở ngại lớn nhất là tachưa sẵn sàng để hy sinh thời giờ cần thiết cho việc thực hiện đó. Ta nghĩ rằngĐức Phật cần đến những thời gian «kalpa», nhưng mình thì chỉ cần hai hay banăm là giải quyết xong mọi chuyện. Vì thế mà tôi nghĩ con đường tu tập Bắc tôngrất cần thiết. Khi đã đạt được một sự hiểu biết vững chắc trên đường tu tập vànếu sau đó ta thật sự muốn bước vào Kim cương thừa, thì lúc ấy ta mới có thểhội đủ quyết tâm, dù cho phải để ra ba thời gian « kalpa » đi nữa. Khi đã hộiđủ nghị lực, ta mới có thể tu tập theo Kim cương thừa được. Đấy là một phươngpháp mang đến sự tĩnh lặng cho tâm thức và đạt được sự quán chiếu sâu xa mộtcách dễ dàng hơn, và khi đó ta mới có nhiều cơ may để thành công hơn.

Ngược lại, khi chưa thuđạt được căn bản vững chắc mà đã hấp tấp khởi sự ngay với Kim cương thừa thì tacó thể gặp nguy cơ tưởng lầm rằng mình sẽ đạt được dễ dàng thể dạng phật «trong một kiếp sống và bằng một thân xác» như người ta thường nói. Ta cũng cónguy cơ biến vị thần linh ảo giác (6) trong khi tu tập thiền định thành vị trờisáng tạo ra vũ trụ và nghĩ rằng nếu đặt hết đức tin vào vị này thì vị này sẽban cho mọi khả năng siêu việt, được sống lâu, giàu sang, và mọi thứ khác nữa,kể ra không hết.

Một số người không hoàntoàn tin tưởng vào các lời giáo huấn của Đức Phật nên chỉ lẩn quẩn trong việctìm hiểu với tính cách học hỏi. Một số người khác thì tin tưởng vào giáo huấncủa Đức Phật, nhưng lại chỉ nghiên cứu bằng những hiểu biết trí thức, hoàn toàncó tính cách lý thuyết. Mục đích chính của giáo huấn Phật giáo là giúp biến cảibản thân của chính mình, nhưng không phải là cách gán thêm cho mình những hiểubiết mới. Nếu sau khi học hỏi mà không đem ra để thực hành bằng thiền định, thìhoàn toàn không có một ích lợi gì cả. Ta sẽ gặp nguy cơ trở thành một «ngườiPhật giáo chán nản», một người chỉ hiểu giáo huấn của Đức Phật trên mặt lýthuyết, nói thì rất hay nhưng hoàn toàn không biết gì về «hương vị» của Phậtpháp, chẳng qua cũng vì họ không biết chuyển sự hiểu biết thành kinh nghiệmsống cho họ. Ngược lại, nếu biết áp dụng những lời giáo huấn vào bản thân mìnhthì ta sẽ khám phá ra những «hương vị đích thực», và nguy cơ trở thành «mộtkẻ chán nản» sẽ không còn nữa. Vì thế phải thấm nhuần thật sâu những lời giáohuấn vào tâm thức. Hiểu biết và thực hành luôn phải đi đôi với nhau.

Những ai muốn chọn mộtcuộc sống thiền định và những khoảng thời gian ẩn cư lâu dài, chẳng hạn nhưcách ẩn cư ba năm theo truyền thống Tây tạng, thì phải chuẩn bị trước thật cẩnthận qua những lần «tu tập mở đầu» (7). Tự giam mình giữa bốn bức tường màkhông biết thực thi đúng đắn sự tu tập để hướng tâm thức vào con đường tâm linhthì cũng không khác gì ngồi trong tù mà thôi. Nếu trong khi thiền định mà tachỉ biết tụng niệm nhưng không ý thức được gì cả thì ẩn cư cũng chẳng có íchlợi gì. Trước khi ẩn cư, ta là một người bình thường, nhưng khi trở ra ta cũngvẫn còn nguyên như cũ. Biết đâu ta chỉ thực hiện được thêm một thứ mới, ấy là sựkiêu hãnh, vì có thể ta nghĩ rằng đã tự giam mình trong ba năm nên ta xứng đángmang danh một vị «lạt-ma». Như thế có ích lợi gì hay không?

Trái lại nếu chuyên cầnngay trong lúc tu tập mở đầu, và sau đó thực hành một cách thường xuyên việc tutập chính yếu trước khi ẩn cư ba năm, thì chắc chắn sau khi hết thời gian ẩncư, tư duy, ngôn từ và hành vi của ta sẽ hoàn toàn biến cải. Hoặc ít ra ta cũngtrở thành một người kỷ cương hơn, và đó cũng là một điều đáng mừng.

Với tư cách một Phật tử,nếu ta ước muốn xả thân cho các công trình nhân đạo thì đấy cũng là một điềutốt nhưng cần phải xét lại xem chủ tâm của ta có hoàn toàn tinh khiết haykhông. Dù sao thì một hành động xã hội đơn thuần, không đi đôi với tình thươngvà lòng từ bi, cũng chưa phải là một hình thức dấn thân của Phậtgiáo, nhất là khi ta chưa quy y Phật.
Chính vì thế mà ngoàinhững công tác xã hội, ta nên dành ra một phần thời giờ để tu tập, ẩn cư vàthiền định về vô thường, khổ đau, v.v.

Ghi chú :

1- Mật-lặc Nhật-ba(Milarepa) (1052-1135) là một đại sư du-già Tây tạng, được xem như một Thánhnhân. Ngài để lại thật nhiều bài thi ca bất hủ, được góp nhặt và ghi chép lạitrong một tập sách rất nổi tiếng, mang tên là « Thập vạn ca » (Mười vạn bài cacủa Mật-lặc Nhật-ba).

2- Kalpa là tiếng Phạn,dịch âm là Kiếp hay là Kiếp-ba, kinh sách Tây phương dịch là éon hay aeon, làmột khái niệm trong Phật giáo chỉ định một thời gian thật dài. Mỗi Kiếp tượngtrưng cho một chu kỳ gồm có sinh, thành, hoại, diệt của các thế giới. Trườnghợp trên đây có ý nói Đức Phật đã trải qua vô lượng kiếp trong một thời gianthật dài trước khi đắc đạo.

3- Trong các buỗi lễthuộc Phật giáo Tan-tra, người hành lễ thường lắc một cái chuông nhỏ để tượngtrưng cho Tánh không hay là Trí tuệ. Ba năm là có ý nhắc đến thời gian ẩn cư banăm, ba tháng, ba ngày theo truyền thống Tây tạng. Qua câu nói có tính cáchchâm biếm trên đây, Đức Đạt-Lai Lạt-Ma muốn nhấn mạnh đến cách tu tập mù quángcủa một số người chưa thực hiện được gì mà đã nghĩ đến kết quả.

4- Còn gọi là Pháp thânhay Chân như.

5- Còn gọi là Báo thânhay Thụ dụng thân.

6- Các vị «thần linh»làm đối tượng cho sự quán tưởng trong khi thiền định không phải là những vịthần linh hiện hữu bên ngoài mà chỉ là những biểu hiện của thực thể nội tâm củachính mình, hay bản thể tối hậu của chính mình. Tu tập bằng cách quán tưởng nhưthế nhắm vào mục đích biến cải tâm thức của người hành giả trở thành hoàn hảohơn.

7- «Tu tập mở đầu haykhai mào» là để chuẩn bị tâm thức trước khi bước vào cách «tu tập chính thức». Trong các giai đoạn này phải có một vị thầy gỉỏi hướng dẫn và xác nhận đủsức, sau đó mới được ẩn cư ba năm, ba tháng, ba ngày.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]