Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

II. Pháp yếu riêng

26/06/201103:38(Xem: 9126)
II. Pháp yếu riêng

KINH DI GIÁO
Thích Hoàn Quan Việt dịch
Trung tâm Phật giáo Hayward xuất bản 1994

PHẦN CHÁNH TÔN

II. PHÁP YẾU RIÊNG

1. Thiểu dục

Tỳ kheo các ông! Phải biết người đa dục vì cầu lợi nhiều nên khổ não cũng nhiều; người thiểu dục, không mong cầu không ham muốn thì không khổ não.

Ngay nơi hạnh Thiểu dục còn phải tu tập huống gì là Thiểu dục để sanh ra các công đức?

Người thiểu dục thì không dua nịnh để vừa ý người, cũng không bị các căn dẫn dắt. Người tu hạnh Thiểu dục, tâm được thản nhiên không sự lo sợ, gặp việc có dư, thường không thiếu thốn. Người có thiểu dục, thì có Niết Bàn. Ấy là công đức Thiểu dục.

2. Tri túc

Tỳ kheo các ông! Nếu muốn khỏi các khổ não. Phải quán Tri túc, vì pháp 'Tri túc tức là chỗ giàu có, vui vẻ và an ổn. Người tri túc tuy nằm dưới đất cũng được an vui; người không Tri túc tuy giàu mà nghèo, người biết Tri túc tuy nghèo mà giàu. Người không Tri túc thường bị Ngũ dục sai khiến, bị người Tri túc thương xót. Ấy là công đức Tri túc.

GIẢNG NGHĨA

Thiểu dục: Ít dục vọng, ít ham muốn.

Đa dục: Nhiều dục vọng, nhiều ham muốn.

Thản nhiên: Xem như thường, không bị ngoại cảnh làm động tâm.

Tri túc: Biết đủ. Biết được phân lượng hay tài sức của mình, được bấy nhiêu là đủ rồi, không cần quá phần.

ĐẠI Ý

Bài này đức Phật dạy: hàng xuất gia phải ít muốn và biết đủ. Có ít muốn và biết đủ mới có thể tu hành và dứt trừ được phiền não.

GIẢI THÍCH

Trước đã nói qua những Pháp yếu chung, đây nói về những Pháp yếu riêng. Pháp yếu chung là những Pháp yếu dạy chung cho hàng Tam thừa và Ngũ thừa. Còn Pháp yếu riêng là Pháp yếu chỉ thành tựu các công đức của bậc Thánh nhơn xuất thế. Phần này có chia làm 8 đoạn:

1. Công đức Thiểu dục.

2. Công đức Tri túc.

3. Công đức xa bỏ.

4. Công đức siêng năng.

5. Công đức không quên chánh niệm.

6. Công đức Thiền định.

7. Công đức Trí huệ.

8. Công đức không Hý luận.

Bài này nói về công đức Thiểu dục và Tri túc. Câu: "Ngay nơi hạnh Thiểu dục còn phải tu tập, huống gì là Thiểu dục hay sanh ra các công đức," là nói: ít lòng ham muốn là để diệt trừ một ít phần phiền não, còn phải dụng công tu tập hạnh Thiểu dục mới được huống gì là ít lòng tham muốn để được sanh ra công đức thì lẽ tất nhiên phải dụng công tu tập hạnh Thiểu dục càng nhiều hơn.

Lòng tham muốn của con người là một cái hang không đáy, nên chúng ta đối với Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc (hay Tài, Sắc, Danh, Thực, Thùy) đòi hỏi mong cầu không lúc nào biết nhàm chán. Được thì vui, mất thì giận, do đó mà gây ra không biết bao nhiêu tội lỗi, nào sát sanh, trộm cướp, nào tà dâm, vọng ngữ... để rồi đọa lạc vào nơi địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.

Người xuất gia mong cầu giải thoát, lẽ tất nhiên phải Thiểu dục để lần lần đến chỗ tuyệt dục. Thiểu dục không phải chỉ đối với ái dục không thôi, mà đối với năm thứ dục đều nên chán bỏ.

Ít tham muốn để thành một vị sư; không tham muốn để thành một vị Phật. Nói một cách khác, có "ít tham muốn" vị sư đó mới đủ tư cách dẫn dắt tín đồ; có "không tham muốn" vị Phật đó mới đầy đủ công đức độ tận chúng sanh.

Trong nhất thời, chúng ta không thể làm đúng như lời dạy của ngài Phù Dung là: "Ngộ thinh ngộ sắc như thạch thượng tài hoa, kiến lợi kiến danh như nhãn trung trước tiết". Những kẻ xuất gia học đạo lúc nào cũng phải lấy đó làm phương châm tiến thủ.

Muốn được Thiểu dục, chúng ta cần phải biết pháp Tri túc. Có Tri túc chúng ta mới thấy nhẹ nhàng, sung sướng, mới không bứt rứt trong lúc thất thời, mới không kiêu hãnh trong khi đắc thế, mới không thấy thiếu thốn một thứ gì; nếu không Tri túc thì dù trong địa vị nào cũng thấy khổ sở, cũng thấy chán ngán. Như câu chuyện vua Ả Rập với cái áo lót mình của bác Tiều phu.

Người học Phật nếu biết Tri túc, chẳng những được sự an ổn, sung sướng, tự mình có thể giải thoát được sự phiền não khổ đau, mà còn có thể cứu độ được mọi người khỏi điều đau khổ. Vì thế đức Phật thường đem pháp Tri túc dạy cho chúng đệ tử của Ngài.

Người biết Tri túc, một giỏ cơm, một bầu nước, cũng thấy sung sướng lắm rồi. Vậy nên, người học Phật luôn luôn phải nhớ nghĩ pháp Tri túc; nếu không Tri túc sẽ bị Ngũ dục quấy nhiễu, chẳng những không thể học đạo, thành Phật mà còn phải trầm luân sanh tử, mai một chí xuất gia của mình.

Vậy chúng ta cũng nên đọc thêm hai bài thơ cổ dưới đây, để cùng nhau suy gẫm.

Bài thứ nhất:

Đồ lợi tham danh mãn thế gian
Bất như dưỡng tánh tự thanh nhàn
Lung kê hữu thực than oa cận
Dã hạt vô lương thiên địa khoang
Phú quí bách niên nan bảo thủ
Luân hồi lục đạo dị tuần hoàn
Khuyến quân tảo mích tu hành lộ
Nhất thất nhơn thân vạn kiếp nan.

Dịch nghĩa:

Chen chúc lợi danh khắp cõi trần
Sao bằng dưỡng tánh chốn am vân
Gà lòng lứa đủ, không toàn mệnh
Hạt nội lương oi, được vẹn phần
Phú quí trăm năm không giữ mãi
Luân hồi sáu nẻo dễ xoay vần
Khuyên ai sớm tính đường tu tiến
Kẻo mất thân này khó gặp thân.

Bài thứ hai:

Đản tự vô tâm ư vạn vật
Hà sầu vạn vật thường vi nhiễu
Thiết ngưu bất phạ sư tử hống
Khắp tợ mộc nhơn khán hoa điểu
Hoa điểu phùng nhơn diệc bất kinh
Do mộc nhân thể tự vô tình
Tâm cảnh như như chỉ giá thị
Hà lự Bồ đề đạo bất thành.

Dịch nghĩa:

Tự tâm, vạn vật lặng yên
Lo gì vạn vật theo phiền nhiễu ta
Xưa nay ngựa sắt đâu mà
Khiếp uy sư tử gầm la, phải hờ
Dóng như người gỗ đứng trơ
Nhìn con chim vẽ hững hờ trêu ngươi
Dẫu khi chim vẽ gặp người
Tịch nhiên nào có mấy đời hãi kinh.
Vì chưng người gỗ vô tình,
Trong tâm, ngoại cảnh thinh thinh một màu
Lo gì giác đạo cao sâu,
Tự nhiên sẽ được cơ cầu mà chị

3. Xa bỏ

Tỳ kheo các ông! Muốn cầu quả vị tịch tịnh vô vi an lạc, phải xa lìa chỗ ồn ào náo nhiệt. Riêng ở nơi vắng vẽ. Người ở nơi vắng vẽ được Đế thích, chư Thiên thảy đều kính trọng, thế nên phải bà con, bầu bạn một mình ở chốn rảnh rang, lo diệt gốc khổ. Nếu thích đông người sẽ bị các sự phiền nhiễu. Ví như cây lớn phải bị lũ chim lót ổ, sẽ có mối lo khô gãy. Còn dính líu với thế gian tất bị dìm trong các khổ; ví như voi yếu mắc lầy, không thể tự ra được. Ấy là công đức Xa bỏ.

4. Siêng năng

Tỳ kheo các ông! Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc gì là khó, thế nên các ông phải chuyên cần tinh tấn. Ví như giọt nước chảy luôn có thể soi thủng phiến đá. Nếu như tâm của hành giả thường thường biếng nhác bỏ bê chẳng khác nào kéo lửa chưa nóng mà ngưng, tuy muốn được lửa, lửa cũng khó được. Ấy là công đức siêng năng.

GIẢNG NGHĨA

Tịch tịnh Vô vi An lạc: Tức là Niết Bàn, vì đức tánh của Niết Bàn xa lìa phiền não gọi là Tịch. Dứt hết tất cả khổ hoạn gọi là Tịnh. Không phải do công phu tu chứng mới có, nên gọi là Vô vi. Xa hẵn các sự khổ lụy, đầy đủ các công đức lành, nên gọi là an lạc.

Đế thích: Chủ cõi trời Đao lợi, ở thành Hỷ kiến trên đỉnh núi Tu di thống lãnh 32 cõi trời khác (cõi Đao lợi là cõi trời thứ 33). Tiếng Phạn gọi là Thích Ca Đề Hoàn Nhơn Đà La (Sákra devànàm Indra), cũng gọi là Năng, tức là họ của Thiên đến, Đề Hoàn dịch là Thiên, Nhơn Đà La dịch là Đế, tức là Năng Thiên Đế. Nay dùng cả Phạn ngữ lẫn Hoa ngữ gọi là Đế Thích. Tức là một chúng trong Thích ca viện thuộc về Thai tạng giới Mạn trà la.

Trong Pháp hoa sớ, quyển hai thì giải thích như sau: "Thích Đề Hoàn Nhơn, theo ngoại ngữ nói đủ là Thích ca Đề Hoàn Nhơn Đà Lạ Thích ca dịch là Năng, Đề Hoàn dịch là Thiên, Nhơn Đà La dịch là Chủ. Vì vị trời này cai trị giáo hóa Thiện pháp đường, là nơi trung tâm quần hội của chư thiên, nên gọi là Năng Thiên Chủ".

Chư Thiên: Dục giới có 6 vị thiên, gọi là lục dục thiên; Tứ thiền thuộc về sắc giới có 18 vị thiên; Bốn xứ thuộc về Vô sắc giới có bốn vị thiên; ngoài ra còn có Nhật thiên, Nguyệt thiên, và Di đà thiên v.v... các vị thiên thần thuộc về thiên hộ, gọi đó là Chư thiên.

ĐẠI Ý

Bài này đức Phật dạy: Người xuất gia phải xa lánh tất cả, siêng năng tinh tấn lo tu thiện nghiệp không nên lười nghỉ.

GIẢI THÍCH

Trong bài này đọan thứ nhất nói về công đức Xa bỏ, tránh sự ồn ào nhiều sự ô tạp, vì nơi đó khiên cho tán loạn tâm người, không làm sao yên định thần chí được. Do đây người muốn cầu quả vị Tịch tịnh Vô vi An lạc phải tránh xa chỗ đông người. Như đóng cửa ẩn mình ở nơi hang sâu núi thẳm hay nương mình trong một túp lều tranh, đó đều là công việc tấn tu đức xa bỏ. Nếu ai có thể tránh xa được nơi ồn náo, riêng ở chỗ vắng vẻ an nhàn thì người ấy tất được Đế thích và Chư thiên cùng nhau kính trọng.

Nhưng ở chỗ vắng vẻ an nhàn không phải là biếng nhác, chỉ vì không muốn cho nhiều người làm bận rộn, cốt để tư duy nguồn gốc phát sanh ra khổ mà bồi đắp cho cây trí huệ ngày một tốt tươi.

Nếu người ưa ở chỗ huyên náo, chẳng những không thể tinh chuyên tu tập pháp tư duy mà còn phải bị các nhân duyên làm tăng khổ thọ. Chẳng khác nào cây lớn thường bị các giống chim quần tụ trên những nhác nhóc, tất không sao tránh khỏi sự khô gãy do chúng gây nên.

Người mê tâm bị thế tục buộc ràng hằng bị chìm đắm trong biển khổ phiền não, không có thời kỳ ra khỏi, chẳng khác nào con voi già say rượu mắc trong bùn lầy, không đủ sức tự ra. Hàng Tỳ kheo đã xuất gia phải tự tiên liệu chớ để thâm nhiễm thế gian mà không thể tự cứu lấy mình.

Đoạn thứ hai là nói đến công đức siêng năng. Bất cứ nghề nghiệp gì, được tinh xảo là do chuyên cần, bị hư hỏng là do biếng trễ. Cần thì không bỏ phế, tinh thì không xen tạp. Do đấy mà đức Phật dạy chúng đệ tử tinh tấn siêng tu trí huệ và phải bền lòng chuyên nhất.

Nếu tinh tấn siêng tu trí huệ, thì trí huệ không sao không sáng tỏ, còn chán nản biếng lười thì một việc nhỏ cũng không thành. Giọt nước tuy không lớn, nhưng rốt lại có thể xoi thủng được phiến đá. Kéo cây lấy lửa nếu chẳng ngừng tay thì lửa ắt sẽ được. Còn như siêng năng một lúc, trễ nải nhiều ngày thì chỉ uổng công vô ích mà thôi. Thế nên Tỳ kheo phải luôn luôn tinh tấn.

5. Không quên chánh niệm

Tỳ kheo các ông! Cầu thiện tri thức, cầu thiện hộ trợ, không bằng không quên chánh niệm. Nếu có người không quên chánh niệm, các giặc phiền não sẽ không vào được. Thế nên các ông cần phải nhiếp niệm tại tâm, nếu để mất niệm sẽ mất các công đức. Nếu niệm lực được vững chắc, tuy vào trong giặc Ngũ dục cũng không bị chúng làm hại. Ví như mặc giáp vào trận thì không còn phải lo sợ điều gì. Ấy là công đức không quên chánh niệm.

6. Thiền định

Tỳ kheo các ông! Nếu người nhiếp tâm thì tâm ở trong định, nên có thể biết được pháp tướng sanh diệt trong thế gian. Thế nên các ông phải thường tinh tấn tu các thiền định, nếu được định rồi thì tâm không còn tán động. Ví như người giữ nước, khéo giữ đê điều. Cũng thế, hành giả vì nước trí huệ, khéo tu thiền định khiến cho không bị chảy mất. Ấy là công đức thiền định.

GIẢNG NGHĨA

Thiện tri thức: Tri là biết được lòng, Thức là biết được tánh. Đây chính là bạn tốt, là những người làm cho ta được lợi ích, dẫn ta tiến trên con đường Đạo nghiệp, chứ không phải chỉ những người học rộng, hiểu nhiều (xin xem lời giải trong kinh Tứ thập nhị chương, bài thứ 9 cùng dịch giả đã xuất bản).

Thiện hộ trợ: Những người bạn tốt, bảo hộ và giúp đờ ta trên con đường tiến tu đạo nghiệp, nhưng khác hơn thiện tri thức là chỉ giúp đỡ mà không biết được lòng và hiểu được tánh.

Nhiếp niệm: Nhiếp là thu nhỏ lại. Niệm là ý niệm, tâm niệm. Nhiếp niệm là gom giữ những ý niệm ở tâm lại một chỗ, không để cho nó suy nghĩ, vọng tưởng.

Niệm lực: Là một trong Ngũ lực. Do sự chuyên niệm mà được sức mạnh có thể chống lại các sự chướng ngại khác, gọi là niệm lực.

Pháp tướng: Là những pháp cùng một tánh có hình tướng bên ngoài có thể thấy được, tức là phần cảnh, trái với pháp tánh là những pháp không có hình tướng thuộc về nội tâm không thể thấy được

Trong Đại thừa nghĩa chương, quyển hai nói: "Tất cả những pháp hữu vi, thuộc về thế đế đều gọi là pháp tướng".

Sanh diệt: Các pháp hữu vi y nơi nhân duyên hòa hiệp, tuy chưa có pháp mà vẫn có, gọi là sanh; y như nhân duyên ly tán, tuy đã có pháp mà vẫn không, gọi đó là diệt. Những pháp có sanh, nhất định có diệt, ấy là pháp hữu vi. Những pháp có diệt mà nhất định không có sanh, ấy là pháp vô vi.

Nếu đứng về chánh kiến Trung đạo mà nói thì: Pháp hữu vi sanh diệt là giả sanh giả diệt mà chẳng phải thật sanh thật diệt.

ĐẠI Ý

Bài nầy đức Phật dạy chúng ta phải giữ gìn Chánh niệm và nhiếp tâm vào trong định lực.

GIẢI THÍCH

Không quên chánh niệm tức là không để tà niệm chen vào. Chúng ta cầu Thiện tri thức giúp đỡ biết cách phát triển đường lối tu hành cũng không bằng luôn luôn giữ gìn được chánh niệm chẳng hề để mất trong một phút giây nào. Chánh niệm được kiên cố rồi dù cho có vào trong cảnh đời Ngũ dục cũng không còn e ngại; nếu rời bỏ chánh niệm, tà niệm ắt sẽ thừa cơ xâm nhập, chẳng khác nào con điên đã ngự trị trong tâm chúng ta vậỵ

Đệ nhị tổ của thiền tôn, ngài Huệ Khả, nói rằng: "Ta điều phục được tự tâm thì đâu có can gì đến việc của kẻ khác". Nếu chúng ta giữ gìn được chánh niệm, chẳng khác nào người mặc giáp sắt ra trận. Vì nhờ có giáp sắt che chở nên không còn sợ bị giặc làm hại nữa.

Tâm của chúng ta là tâm tán loạn, thường do tâm tán loạn này mà vào trong lục trần, ngũ dục và chịu các thứ khổ não. Vì thế hàng Tỳ kheo muốn được sanh trí huệ, cần phải nhiếp tâm tu tập thiền định. Nhờ định phát huệ mới có thể được quả giải thoát vô thượng, thành tựu được việc rất hiếm có. Chẳng khác nào người giữ nước, việc tiên quyết phải sửa sang đê điều nước mới không tràn ra bên ngoài gây nhiều tai hại. Hàng Tỳ kheo muốn cho nước trí huệ khỏi bị chảy mất cũng phải nhiếp tâm tu tập Thiền định.

7. Trí huệ

Tỳ kheo các ông! Nếu người có trí huệ thì không có tham trước, thường tự tinh sát không để sanh ra tội lỗi. Thế là ở trong pháp của ta có thể được sự giải thoát. Nếu chẳng vậy, đã chẳng phải là bậc đạo nhân, lại cũng chẳng phải là kẻ bạch y, không biết gọi là gì! Người có trí huệ chân thật, ấy là chiếc thuyền tốt có thể vượt qua biển già, bịnh, chết; cũng là ngọn đèn sáng chiếu phá cảnh tối tăm, mờ ám; là món thuốc hay trị tất cả các chứng bịnh, là lưỡi búa bén chặt đứt cây nghiệp phiền não. Thế nên các ông phải dùng huệ: Văn, Tư, Tu mà tự làm cho thêm phần lợi ích. Nếu là người có trí huệ chiếu soi, dù cho nhục nhãn cũng là người thấy được rõ ràng. Ấy là công đức Trí huệ.

8. Không Hý luận

Tỳ kheo các ông! Các thứ hý luận làm cho tâm mình rối loạn, dù đã xuất gia vẫn chưa được giải thoát. Thế nên Tỳ kheo phải mau dứt bỏ loạn tâm hý luận. Nếu các ông muốn được quả vui Tịch diệt, tức phải khép trừ mối hoạn hý luận. Ấy là công đức không hý luận.

GIẢNG NGHĨA

Tham trước: Tham lam nhiễm trước theo sở thích của mình.

Tinh sát: Suy xét kỹ càng mà tự thức tỉnh.

Hý luận: Lời nói đùa, lời luận bàn phi lý, vô nghĩa. Lại không luận là lời lẽ nói đúng lý hay không đúng lý tất cả những ngôn thuyết đều thuộc về hý luận.

Trong Đại thừa huyền luận, quyển hai nói rằng: “Hý luận là tên giả muộn để ví dụ, đối với đạo không có lợi ích, như đứa bé nói đùa mà thôi.”

Trong kinh Tối thắng vương, quyển một nói rằng: Tánh thật tế không có hý luận, duy riêng đức Như lai chứng được, hý luận hằng dứt, gọi là Niết bàn.

Như thế, danh từ Hý luận, ta có thể hiểu theo nghĩa: Giả dối, không thật. Tất cả các pháp hữu vi, sanh diệt đều gọi là Hý luận.

ĐẠI Ý

Bài này đức Phật dạy: Hàng Tỳ kheo phải dùng trí huệ làm gốc và phải mau dứt bỏ các thứ hý luận vô nghĩa.

GIẢI THÍCH

Có trí huệ thì có thể tránh được tất cả chướng ngại; người có trí huệ thường phải suy xét kỹ càng mà tự thức tỉnh, không để cho công việc làm thêm tội lỗi. Tội lỗi ít mới có thể vượt qua biển cả sanh, lão, bịnh, tử, có thể tự độ và độ người, đó mới là bậc Đạo nhân. Tỳ kheo không như pháp này mà tu hành đạo nghiệp thì không phải là hàng xuất gia, cũng không phải là hàng bạch y, không thuộc về lớp nào, hạng nào, không biết gọi bằng gì ?

Trí huệ chính là chiếc bè báu qua biển sanh tử, lưỡi búa bén đốn chặt cây phiền não. Tỳ kheo nếu không bảo trì trí huệ, bằng cách tự tinh sát thì dù có được nghe Phật pháp, cũng chẳng khác nào người được thuốc hay, thầy giỏi mà chẳng chịu sắc uống, chắc chắn phải chết một cách oan uổng.

Trí huệ có ba thứ: Văn huệ, Tư huệ, và Tu huệ. Tất cả thiện nghiệp đều nhờ trí huệ mới tăng trưởng.

Bảy đoạn trước nói về công đức phương tiện trưởng dưỡng tự tánh. Riêng đoạn thứ tám là chỉ bày tự tánh ly khai các lậu. Vì không phải là một pháp đối trị nên không đồng với bảy đoạn trước. Vì thế công đức này ở sau cùng.

Tự tánh của mỗi người xưa nay thanh tịnh, chỉ vì Hý luận khuấy nhiễu nên lần lần trái với bản tánh thanh tịnh sẵn có của mình. Tuy nhiên, khi chứng được thật trí của Sơ quả thì đã thấy được lý Tứ đến, dứt được Phân biệt phiền não, nhưng Câu sanh phiền não vẫn còn tiềm phục để chờ cơ hội hoạt động. Nhân vì thứ phiền não này từ vô thỉ đến nay do Hý luận luân thành, hết sức vi tế rất khó đoạn trừ. Vì vậy mà từ bậc Kiến đạo đến đệ Tứ quả muốn được niết bàn cứu cánh, phải dứt bỏ các thứ Hý luận, thường quan sát khiến cho hai chướng tập khí hoàn toàn không còn sanh trưởng nữa.

Kinh văn đến đây đã hết phần chánh tôn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]