Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

3. Phần Chánh Tôn

26/06/201103:38(Xem: 7189)
3. Phần Chánh Tôn

KINH DI GIÁO
Thích Hoàn Quan Việt dịch
Trung tâm Phật giáo Hayward xuất bản 1994

PHẦN CHÁNH TÔN

I. PHÁP YẾU CHUNG

1. Đối trị tà nghiệp

a. Căn bản thanh tịnh

Tỳ kheo các ông! Sau khi ta nhập diệt, phải tôn trọng quý kính Ba là đề mộc xoa (giới luật), như đêm tối gặp ánh sáng, như người nghèo gặp của báu. Phải biết pháp nầy là Thầy của các ông, dù ta có trụ ở đời cũng không khác pháp nầy vậỵ

b. Phương tiện thanh tịnh

Người trì giới chẳng được mua bán đổi chác, tạo ruộng cất nhà, nuôi người mướn tớ, và chăn nuôi gia súc; tất cả mọi sự trồng trọt và các thứ của báu đều phải xa bỏ, như tránh hầm lửa; chẳng được đốn chặt cây cỏ, đào xới đất đai, điều chế thuốc thang, coi tướng kiết hung, trông xem tinh tú, tìm tòi suy thạnh, coi ngày đoán số đều không nên làm. Phải tiết chế nơi thân, ăn uống đúng giờ, nếp sống trong sạch. Không được tham dự việc đời, đi sứ, thông tin; luyện bùa chú, nấu tiên dược, giao hảo người quyền quý, thân hậu kẻ khinh mạn, đều không nên làm. Phải tự giữ tâm chánh niệm mong cầu giải thoát. Chẳng được che dấu tội lỗi, khoe bày dị tướng dối gạt mọi người. Đối với bốn món cúng dường phải biết lượng và biết đủ; được vật cúng dường không nên chứa cất.

GIẢNG NGHĨA

Ba la đề mộc xoa (Patrimoksa): Dịch là Biệt giải thoát. Nghĩa là người giữ được giới nào, phần nào thì sẽ giải thoát được giới đó, phần đó. Cũng có nghĩa là người giữ giới luật sẽ giải thoát được tội Thất chi ở thân khẩu, và giản biệt được Định cộng giới và Đạo cộng giới, gọi là Biệt giải thoát.

Khinh mạn: Khinh lờn kiêu mạn

Dị tướng: Hình tướng khác lạ. Mặc dù bên trong không tu hành chơn chất, che giấu những điều bất chánh, nhưng bên ngoài làm ra vẻ con người chân thật, ai nấy nhìn vào phải lầm; hay làm các điều chú thuật mê hoặc chúng sanh.

ĐẠI Ý

Đoạn nầy Phật dạy các đệ tử phải giữ gìn giới luật, có hai phần:

1. Lấy giới luật làm căn bản và tôn trọng như bậc thầỵ

2. Tránh xa những điều có thể làm suy kém việc trì giới.

GIẢI THÍCH

Phàm là đệ tử xuất gia mong cầu giải thoát phiền não đều gọi là Tỳ kheo. Tỳ kheo có bốn nghĩa:

1. Trừ cẩn: Ý khen ngợi Tỳ kheo là bậc Phước điền.

2. Bố ma: Vì người xuất gia mong cầu giải thoát, tiêu diệt tất cả vọng tưởng điên đảo, do đó bọn ma vương thấy thì sanh lòng sợ sệt.

3. Khất sĩ: Hàng Tỳ kheo thọ 250 giới, bỏ tất cả tài sản chỉ còn một bình bát và ba tấm y, lấy việc khất thực mà nuôi sống.

4. Phá ác: Hàng Tỳ kheo đêm ngày chuyên tâm tu Giới, Định, Huệ, để phá trừ ác nghiệp, làm các thiện nghiệp, nên gọi là Phá ác.

Đức Phật khi sắp nhập Niết Bàn, ngài dạy chúng đệ tử tỳ kheo phải nên tôn trọng, gìn giữ ba la đề mộc xoa. Ba la đề mộc xoa có nghĩa là Biệt giải thoát hay Xứ giải thoát.

Sở dĩ đức Phật dạy chúng đệ tử phải tôn trọng giới luật là vì đức Phật đã nhờ nó mà tự mình được đại Niết Bàn, nên đức Phật muốn cho chúng Tỳ kheo đối với những hành chỉ có chỗ nào chưa quyết, thì trực tiếp hỏi Phật, chứ để khi Phật nhập Niết bàn rồi thì không còn biết hỏi ai.

Vì thế khi chế định giới luật, đối với chúng Tỳ kheo, ngài dạy rằng: "Sau khi ta nhập Niết Bàn các ông phải tôn trọng giới luật và y đó hành trì sẽ được giải thoát. Tôn trọng giới luật, chính là tôn trọng ta, ta còn ở đời lãnh đạo các ông, sau khi ta nhập Niết Bàn, người lãnh đạo các ông chính là giới luật. Có giới luật thì chẳng khác nào đi trong đêm tối gặp được ngọn đèn sáng, quyết không bao giờ bị lạc đường. Các ông đã có giới luật phải nên vui mừng như được của báu. Phải biết rằng: Giới luật là vị Đạo sư sau này của các ông, cũng như ta còn ở đời không khác vậỵ

Đoạn thứ hai nói đến các Phương tiện trì giới, có xa lìa chúng, giới thể mới được thanh tịnh. Đoạn văn nầy gồm có ba phần:

- Từ câu "Người trì giới...đến đào xới đất đai" là Phật răn dạy hàng Tỳ kheo không được lo việc sanh sản sự nghiệp như người thế tục để gây thêm tội lỗi, có mười một việc:

1. Không được mua bán.
2. Không được mua sắm.
3. Không được đổi chác.
4. Không được mua ruộng tậu nhà.
5. Không được nuôi chứa nhân dân.
6. Không được nuôi chứa tôi tớ.
7. Không được chăn nuôi súc vật.
8. Không được trồng trọt mọi thứ.
9. Không được chứa cất của báu.
10. Phải xa nơi thị tứ.
11. Không được đốn chặt cây cỏ, đào xới đất đai.

Mười một điều này đều khiến cho Tỳ kheo có thể tăng trưởng tội lỗi, tiêu mất công đức, nên người xuất gia tất chẳng nên làm.

- Từ câu "Điều chế thuốc thang... đến coi ngày đoán số" là Phật dạy hàng Tỳ kheo chẳng nên đồng với ngoại đạo làm các thứ kỹ thuật không đáng để súc tích của cải mà thương tổn đến trí huệ. Có năm việc như sau:

1. Không được điều chế thuốc thang.
2. Không được coi tướng kiết hung.
3. Không được trông xem tinh tú.
4. Không được tìm tòi suy thạnh.
5. Không được coi ngày, đoán số.

Năm việc này là của hàng ngoại đạo đều có thể làm ngăn ngại chánh niệm.


- Từ câu "Phải tiết chế nơi thân... đến vật cúng dường không nên chứa cất" là Phật dạy hàng Tỳ kheo phải gắng sức giữ gìn Tịnh giới chẳng được lo việc kinh doanh, sanh sản sự nghiệp như kẻ phàm phu thế tục, mà phải khất thực nuôi sống để cho chủng tử thiện căn được dẫn sanh. Chẳng vậy, các công đức lành không sao phát khởi được.

Phải biết, giới là nguyên lưu của công đức lành, là nơi an trụ yên ổn nhất. Vì thế, hàng Tỳ kheo phải tôn trọng giới pháp, tiết chế nơi thân chẳng để buông lung, tiết chế việc ăn uống cho khỏi no chán; không tham dự việc đời để tránh điều phiền phức; tôn trọng tự tánh, cột lấy tâm mình, giữ gìn chánh niệm, chẳng nên che dấu tội lỗi làm ô uế Tịnh giới, chứa chất tâm nhơ; đối với bốn món cúng dường phải tự biết lượng, và được sự cúng dường không nên cất giữ vì nó sẽ làm mờ ám trí tuệ.

Tóm lại, đoạn văn nầy nói: "Trước phải xa lìa công việc của phàm phu thế tục, sau là xa lìa các tà thuật, giữ mình trong Tịnh giới để cầu chứng Pháp thân thanh tịnh của Như lai".

c. Công đức trì giới

Đây là lược nói về tướng trì giới. Giới là căn bản chính, thuận dòng giải thoát, nên gọi là Ba la đề mộc xoa; nhân y nơi giới này mà được sanh các thứ thiền định và trí tuệ diệt khổ.

d. Lợi ích của giới

Thế nên Tỳ kheo phải giữ Tịnh giới, chớ khiến hư kém. Nếu người nào hay giữ gìn Tịnh giới thì người ấy có được Thiện pháp, nếu không giữ Tịnh giới, các công đức lành đều không sanh được. Do đây phải biết giới là chỗ ở công đức an ổn nhất.

GIẢNG NGHĨA

Giải Thoát: Tiếng phạn gọi là Mộc đề (Muti) hay Mộc xoa (Moksa). Nghĩa là lìa sự ràng buộc mà được tự tại, tức là giải được sự trói buộc của nghiệp, thoát khỏi khổ quả Tam giới. Giải thoát còn là biệt danh của Niết Bàn vì Thể của Niết Bàn lìa tất cả sự trói buộc; lại cũng là biệt danh của Thiền định, như: Tam Giải thoát và Bát Giải thoát.

Thiền định: Thiền là thiền na (dhyàna), dịch là Tư duy tu, cũng gọi là Tịnh lự. Tư duy tu nghĩa là tư duy cảnh sở đối mà nghiên tập. Tịnh lự nghĩa là Tâm thể vắng lặng mà hay nghiệm xét. Định là dịch chữ Tam muội của Phạn ngữ, có nghĩa là Tâm định, chỉ ở một cảnh mà xa lìa mọi sự tán động. Nghĩa là Tâm khảo sát nơi vật là Thiền, đối với một cảnh tịnh niệm là Định. Vì thế sanh từ Định thì rộng, chỉ cho tất cả việc dứt Tưởng ngưng Tâm; danh từ Thiền thì hẹp, chỉ là một phần của Định. Bởi vì sự suy nghĩ xét nét của Thiền na tự nó có nghĩa "định chỉ tịch tịnh", nên được gọi là Định, còn Tam muội không có nghĩa suy nghĩ xét nét, nên được gọi là Thiền. Hiệp chung cả Tổng và Biệt gọi là Thiền định.

Trí huệ: Tiếng Phạn gọi là Nhã na (jnàna); Trung hoa dịch là Trí; hay Bát Nhã (Prajna); Trung hoa dịch là Huệ. Quyết đoán là Trí, giản trạch là Huệ; lại biết được Tục đế là Trí, rõ lý Chơn đế là Huệ.

Trong đại thừa nghĩa chương quyển chín nói: "Thấy rõ gọi là Trí, hiểu rõ gọi là Huệ, hai Pháp đều riêng khác: Biết Tục đế là Trí, hiểu Đệ nhất nghĩa đế là Huệ, hiệp chung lại thì nghĩa đồng".

Trong Pháp hoa sớ quyển hai nói: "Huệ thì quán Không, còn Trí thì quán Hữu".

Công đức: Công là công năng của Phước lợi, công năng nầy là đức của Thiện hạnh, nên gọi là Công đức. Lại Đức có nghĩa là Được, do tu Công mà có được những sở đắc, gọi là Công đức. Theo sự giải thích của ngài Thiên Thai trong kinh Nhân Vương thì: “Thí cho người là Công, qui về mình là Đức.”

ĐẠI Ý

Bài này đức Phật dạy: Hàng Tỳ kheo phải cố gắng giữ gìn Tịnh giới không cho yếu kém để gieo trồng công đức và sẽ được nhiều lợi ích.

GIẢI THÍCH

Đoạn thứ nhất nói: Giới có công năng tăng trưởng công đức thiện căn, vì thế Giới chính là căn bản thuận dòng giải thoát. Nếu Tỳ kheo có thể trì giới sanh Định thì giải thoát được khổ phiền não. Ấy là do Giới sanh Định, nhơn Định phát Huệ. Do đó biết rằng Chân Trí Huệ không thể xa lìa Giới Định mà sanh ra được.

Đoạn thứ hai nói về sự lợi ích của Giới để khuyên tu Giới. Nghĩa là Tỳ kheo phải nên trụ trong Tịnh giới, chớ để cho Giới Thể bị thương tổn và Giới Tướng bị yếu kém. Ấy là Phật khuyên Tỳ kheo không nên xa lìa Giới Hạnh.

Mặc dầu có Thiện pháp mà không trì giới thì Thiện pháp sẽ lần lần tan mất. Vì thế Tỳ kheo phải an trụ trong Tịnh giới, tinh tấn siêng tu.

2. Đối trị khổ vọng

a. Khổ do Căn và Dục buông lung


Khổ do Căn buông lung.

Tỳ kheo các ông! Đã có thể an trụ trong giới rồi, phải kềm chế ngũ căn chớ để buông lung vào trong ngũ dục. Thí như người chăn trâu, cầm roi nhìn nó, chẳng cho tuông rông phạm nhằm lúa mạ người.

Nếu thả lỏng ngũ căn, chẳng những chạy theo ngũ dục không bờ mé, không thể kềm chế được, mà còn gây hại rất nặng, cũng như ngựa chứng, chẳng dùng dây cương chế ngự chính nó sẽ đưa người ta vào hầm hố. Giả sử như bị giặc cướp, khổ chỉ một đời, còn họa ương của giặc ngũ căn phải đền nhiều kiếp, không thể không cẩn thận!

Thế nên người trí chế phục ngũ căn mà không theo, giữ chúng như giặc chẳng thể buông lung; dẫu cho chúng có buông lung, chẳng bao lâu cũng phải làm cho chúng đều tiêu diệt.

GIẢNG NGHĨA

Ngũ căn: Nhãn căn, Nhĩ căn, Tỷ căn, Thiệt căn và Thân căn. Căn có nghĩa là Sanh trưởng và Tăng thượng. Căn của cây cỏ có sức tăng thượng sanh ra nhánh lá; căn của Mắt có sức mạnh phát sanh ra Nhãn thức. Căn có hai thứ: Phù trần căn và Thắng nghĩa căn.

Ngũ dục: Ngũ dục là năm thứ khiến cho người ta sanh tâm ham muốn. Năm thứ Dục ấy là: Sắc, Thanh, Hương, Vị và Xúc. Năm thứ nầy làm ô nhiễm chân lý, nên cũng gọi là Ngũ trần. Theo trong kinh Hoa nghiêm sớ sao quyển 27, Ngũ dục còn chỉ cho: Tài dục, Sắc dục, Ẩm thực dục, Danh dục và Thùy miên dục.

Chế ngự: Ngăn ngừa, bắt phải theo.

ĐẠI Ý

Bài này đức Phật dạy hàng Tỳ kheo phải giữ gìn ngũ căn chớ cho chạy theo trần cảnh.

GIẢI THÍCH

Ngũ căn còn được gọi là Ngũ quan. Phật dạy hàng xuất gia phải giữ Căn môn của mình, đừng để cho chúng chạy theo Trần cảnh. Nếu để chúng chạy theo trần cảnh thì sẽ gây ra không biết bao nhiêu sự tai hại, thống khổ, như: tà dâm, vọng ngữ v.v... cũng do đó mà phát sanh.

Vì thế, hàng Tỳ kheo cần nhất phải giữ gìn năm căn. Nghĩa là: Tai đừng nghe tiếng tà. Mắt đừng nhìn ngó điều bất chánh. Mũi đừng nên ham thích những mùi thơm. Miệng đừng để cho thèm khát vị ngon. Thân chẳng nên ăn mặc xa hoa. Có như vậy, sau mới chuyên tâm tu niệm được. Bằng không, năm căn sẽ tha hồ chạy theo năm trần, để rồi dẫn sanh ra các thứ phiền não: tham, sân, si ...
Vì thế, hàng Tỳ kheo phải cột giữ căn môn chớ để chúng buông lung mà gây ra các khổ. Cũng như người giữ trâu cầm roi đứng nhìn, chẳng để cho nó xâm phạm lúa mạ của người mà phải bị chủ nhơn bắt thường làm khổ.

Bị trâu làm hại lúa mà khổ, khổ ấy vẫn còn nhẹ, chứ buông thả ngũ căn chẳng những ngũ dục thêm nhiều không kềm chế được mà nó còn làm mất luôn cả pháp thân, huệ mạng, vĩnh kiếp trầm luân trong biển sanh tử, không biết chừng nào ra khỏi. Bị con ngựa chứng làm hại rớt xuống hầm sâu, khổ chỉ một đời, còn bị ngũ căn làm hại, tai họa có thể muôn kiếp và lan tràn cho cả thế giới chúng sanh!


Khổ do dục buông lung.

Năm căn này tâm là chủ tể, thế nên các ông phải khéo chế phục tâm mình. Tâm rất đáng sợ còn hơn là độc xà, ác thú, giặc cướp, lửa dữ. Ngoài những thứ dụ trên chưa đủ lấy gì để so sánh. Thí như người ta bưng chén mật, bước đi hốp tốp, chỉ nhìn chén mật mà không thấy hầm sâu. Lại như voi điên không móc sắt, khỉ vượn gặp được cây, nhảy nhót, ngồi chuyền, khó mà cấm cản. Phải mau kiềm nó không cho dông ruổi. Nếu buông thả tâm này sẽ làm mất việc lành của người; kiềm nó một chỗ, thì không việc nào là không làm được. Thế nên Tỳ kheo phải siêng năng tinh tấn chế phục tâm mình.

b. Khổ về tham cầu ăn uống

Tỳ kheo các ông! Thọ các thức ăn uống phải coi như uống thuốc, dầu ngon dầu dở cũng chớ sanh tâm lựa chọn, cốt để thân nầy trừ được đói khát. Như con ong hút mật, chỉ hút vị hoa chẳng làm hại đến hương sắc. Tỳ kheo cũng vậy, thọ người cúng dường cốt tự trừ khổ, không được cầu nhiều, làm thương tổn thiện tâm của người. Thí như kẻ trí, biết trù liệu sức trâu chở được bao nhiêu chẳng cho quá nặng làm nó kiệt sức.

GIẢNG NGHĨA

Chủ tể: Đứng đâu coi sóc công việc. Người có quyền lực tuyệt đối thống trị hết thảy.

Chế phục: Kiềm giữ, bắt buộc phải phục tùng theo ý mình.

Tinh tấn: Tinh thuần và tấn tới. Tâm mạnh dạn làm các điều lành và đoạn các điều ác. Nghĩa là tinh thuần không xen lộn các việc ác, tấn tới không giải đải sụt lùi.

ĐẠI Ý

Bài này đức Phật lại khuyên các Tỳ kheo phải kiềm chế tự tâm, và không nên mong cầu được nhiều sự thọ dụng, có hai phần:

1. Đối trị tâm ngũ dục.

2. Đối trị tâm mong cầu được nhiều thức ăn uống.

GIẢI THÍCH

Trong bài này, đoạn thứ nhất, tiến lên một bước, đức Phật khuyên hàng Tỳ kheo ngăn dứt Tâm buông lung, tức là phải đối trị Tâm ngũ dục. Vì đối với ngũ căn, Tâm là chủ tể, nên Tâm rất đáng sợ hơn ngũ căn. Tai hại còn hơn là độc xà, ác thú. Ở đây Phật đưa ra hai thí dụ:

Thí dụ thứ nhất là: "Người bưng chén mật, chỉ vì mắc lo nghĩ đến chén mật mà phải bị rớt xuống hầm sâu." Chén mật là dụ cho tâm ngũ dục dắt dẫn con người. Rớt xuống hầm sâu là dụ cho sự đọa lạc.

Thí dụ thứ hai là: “Con voi điên không móc sắt, giống khỉ vượn gặp được cây thì nhảy nhót, leo chuyền không bao giờ ngừng nghỉ.”

Tâm của chúng ta chạy theo ngũ dục cũng thế, nó sẽ gây ra không biết bao nhiêu tai hại, chẳng khác nào như người chỉ lo nhìn chén mật, hay con voi điên bị sút dây, giống khỉ vượn được đại thọ.

Nếu ai có thể giữ tâm mình, chuyên tu thiện pháp, thì không có pháp nào là không thành tựu.

Cho nên chúng ta nếu kiềm chế tâm mình trong giới luật, trong việc bố thí hay trong việc tu trí huệ để khiến cho nó tập trung lại một chỗ, không sanh ra vọng tưởng, điên đảo, thì chẳng những phiền não, vô minh thảy đều tiêu dứt mà còn làm được công đức cứu độ chúng sanh.

Vì thế, người xuất gia cần nhất là phải ngăn ngừa tâm ngũ dục bằng cách dùng giới luật tinh tấn tu hành các thiện pháp để chế phục không cho nó chạy theo ngũ trần mà hại các công đức.

Đoạn thứ hai là đối trị cái khổ cầu được nhiều thức ăn uống. Phàm là kẻ xuất gia đối với việc ăn uống cần phải biết lượng và biết đủ, chớ có tham lam quá nhiều, mà phải nên coi đó như là uống thuốc. Vì uống thuốc cốt trị bệnh hoạn, ăn uống cốt trị bịnh đói.

Thế nên, người xuất gia chẳng quản gì thức ăn ngon dở, chỉ đủ no là được. Chẳng khác nào con ong lấy mật, chỉ hút vị hoa mà không làm hại đến hương sắc. Cũng thế, người xuất gia lãnh thọ sự cúng dường, không nên mong nhiều mà sanh ra tham niệm, chỉ cần lành được bệnh đói mà thôi.

Do đó, hàng Tỳ kheo dùng bát để thọ thức ăn, tùy theo lượng lớn nhỏ vừa chừng. Người lớn thì dùng bát lớn, người nhỏ thì dùng bát nhỏ. Thí như người trí biết lượng sức trâu, không nên chở quá nặng mà làm cho hao tổn sanh lực.

Cũng thế, người xuất gia không nên thọ dụng quá nhiều mà làm mất lòng tin và sức chịu đựng của đàn na tín thí.


c. Khổ về biếng nhác và ngủ nghỉ

Tỳ kheo các ông! Ngày thì chuyên tâm tu tập thiện pháp không nên để mất thì giờ; đầu hôm và gần sáng cũng chớ có bỏ bê; giữa đêm tụng kinh để tự tiêu tức, không vì nhân duyên ngủ nghỉ khiến cho một đời luống qua, chẳng được một sự gì!

Phải nghĩ đến ngọn lửa vô thường thiêu đốt các thế gian mà phải sớm cầu tự độ, chớ nên ngủ nghỉ. Các thứ giặc phiền não thường rình rập giết người còn hơn là oan gia, đâu nên ngủ nghỉ không tự thức tỉnh? Con rắn độc phiền não ngủ ở trong tâm các ông, chẳng khác nào con hắc nguyên đang ở trong thất các ông mà ngủ vậỵ Các ông phải sớm dùng móc sắt trì giới đuổi trừ nó, khi con rắn ngủ ra rồi, mới có thể yên giấc. Nếu nó chưa ra mà các ông ham ngủ, ấy là người không biết hổ thẹn. Áo mặc hổ thẹn, đối với các thứ trang sức, rất là hơn hết. Hổ thẹn ví như móc sắt có thể ngăn dứt được sự phi pháp của người. Thế nên Tỳ kheo thường phải biết hổ thẹn, không được tạm bỏ. Nếu xa lìa hổ thẹn thì mất các công đức.

Người có hổ thẹn thì có thiện pháp, nếu người không biết hổ thẹn cùng với những loài cầm thú không khác chút nào vậỵ

GIẢNG NGHĨA

Tiêu tức: Mòn dần là tiêu, thở ra là tức. Làm cho phiền não tự nó tiêu mòn dần theo hơi thở.

Hắc nguyên: Con rắn hổ mang, giống rắn cực độc cùng loại với rắn mai gầm, dụ cho phiền não.

Hổ thẹn: Hổ là hổ han. Thẹn là thẹn thùa. Khi thua sút người về việc thiện, hay làm điều gì sái quấy sanh lòng xấu xa, đối với người là hổ, đối với mình là thẹn.

ĐẠI Ý

Bài này nói về những khổ do biếng nhác và ngủ nghỉ gây ra và phương tiện đối trị.

GIẢI THÍCH

Mục đích chính của người xuất gia là mong cầu thoát ly sanh tử để tự độ và độ người. Đó là công việc trọng đại nhất và cần thiết nhất. Thế mà mạng sống của con người như mây trôi, như bóng sổ thì công viêc cấp bách lại càng cấp bách hơn. Chúng ta không thê chần chờ, biếng nhác được!

Vì thế, ở đây đức Phật dạy chúng ta đối với việc mong cầu giải thoát phải chuyên cần tinh tấn, phải ngày đêm gia công tu tập các pháp lành không nên giải đải; không vì sự biếng nhác vì ngủ nghỉ để rồi một đời trôi qua, rốt cuộc không được gì hết.

Để đối trị chứng bệnh biếng nhác và ngủ nghỉ, đức Phật dạy cho chúng ta ba phương pháp:

1. Quán vô thường.
2. Quán phiền não.
3. Biết hổ thẹn.


- Phải nghĩ đến ngọn lửa vô thường thiêu đốt các thế gian mà chúng ta lại đang sống trong biển lửa ấy. Chúng ta phải mau siêng năng tu tập các pháp lành để sớm cầu tự độ.

- Phải biết phiền não chẳng khác nào bọn giặc giết người, đang rình rập chực giết hại chúng ta. Nó lại ở ngay trong tâm chúng ta, chẳng khác nào con rắn độc đang nằm ngủ trong nhà, nó có thể giết chết chúng ta bất cứ lúc nào. Vậy chúng ta không nên biếng nhác, ham mê ngủ nghỉ, phải siêng năng dùng thứ móc sắt Giới luật để đuổi trừ nó. Chừng nào nó ra rồi, chúng ta mới có thể yên giấc được.

- Thêm nữa, chúng ta phải luôn luôn biết hổ thẹn. Có hổ thẹn, khi thấy điều tốt chẳng bằng người chúng ta mới cố gắng. Có hổ thẹn, khi làm những điều dở, chúng ta mới biết xấu hổ mà không dám làm.

Vì thế, cổ đức có nói: "Hổ thẹn là mẹ sanh ra muôn công đức lành".

3. Đối trị phiền não

a. Đối trị Giận dữ

Tỳ kheo các ông! Giả như có người đến cắt đứt mỗi mỗi thân phần, phải tự nhiếp tâm không để sân hận, và cũng phải giữ gìn nơi miệng chớ thốt ra lời nói ác. Nếu buông thả lòng sân thì tự ngăn chánh đạo, mất công đức. Công đức của Nhẫn, trì giới, khổ hạnh không thể sánh kịp. Người tu hạnh Nhẫn, mới gọi là người có sức mạnh.

Nếu ai không thể vui vẻ nhận lãnh những sự cay độc của lời mắng ác như uống nước cam lồ, thì không thể gọi là người Trí huệ nhập đạo. Vì sao? Vì hại của giận dữ sẽ phá hoại các pháp lành và cả danh thơm tiếng tốt, đời này và đời sau người không ưa thấy. Phải biết lòng sân còn hơn là lửa dữ, thường phải đề phòng, không cho nó xâm nhập. Giặc cướp công đức, không gì hơn giận dữ.

Người thế tục thọ hưởng dục lạc, chẳng phải là người hành đạo, không biêt pháp ngăn ngừa giận dữ, còn có thể tha thứ; người xuất gia học đạo không còn thọ hưởng dục lạc mà vẫn còn ôm lòng giận dữ, càng không thể được! Thí như trong lúc trời quang mây tạnh mà sấm chớp nỗi lên là điều không thể có.

GIẢNG NGHĨA

Nhẫn: Tức là nhẫn nhục. Tiếng Phạn gọi là san đề (ksanti). Nghĩa là nhận lãnh mọi sự khinh khi, nhục mạ, não hại mà không giận tức.

Theo trong kinh Duy Ma Cật thì Nhẫn nhục là Tịnh độ của Bồ tát. Bồ tát khi thành Phật đủ 32 tướng tốt trang nghiêm đều do tu hạnh Nhẫn nhục. Vì Nhẫn nhục sẽ làm cho nhan sắc dịu hòa, dung mạo đoan chánh, do đó mà được quả báo thân tướng tốt đẹp.

Nhẫn nhục là một pháp trong sáu pháp Ba la mật của Bồ tát.

Khổ hạnh (Dushara-carya hay Tapas): Làm cho thân thể chịu các hạnh khổ cực không sao chịu được. Đây là chỉ cho những hạnh nghiệp của ngoại đạo dạy bảo. Họ cho khổ hạnh là đạo xuất ly giải thoát. Pháp khổ hạnh, các nhà tư tưởng Ấn độ thường thực hành. Đức Phật cũng đã từng sáu năm tu theo khổ hạnh.

ĐẠI Ý

Đoạn này đức Phật dạy: Muốn đối trị lòng sân phải tu pháp Nhẫn nhục.

GIẢI THÍCH

Muốn cải thiện đời sống cần phải cải thiện tự tâm, tức là xây dựng tâm lý; cũng như muốn có một cuộc cách mạng, trước cần phải triệt để cải cách những thói xấu ở nơi tự tâm của con người, khiến cho tự tâm được tốt đẹp, mới mẽ, đó là xây dựng một tinh thần hoàn bị. Sau đó, chúng ta mới có thể xây dựng một xã hội toàn thiện, toàn mỹ được. Ấy chính là chế phục phiền não vậỵ

Hàng Tỳ kheo xuất gia, phải coi Pháp thân huệ mạng là sanh mạng thứ nhất, còn nhục thân, nhục thể là sanh mạng thứ hai. Do đó, hàng Tỳ kheo cần phải duy trì sanh mạng thứ nhất mới có thể đạt đến mục đích cứu cánh, đồng thời cũng bảo tồn được ý nghĩa của sanh mạng thứ hai vậy.

Đức Khổng tử và Mạnh tử có nói: "Sát thân thành nhân" và "Xả thân thủ nghĩa". Nghĩa là: "Sát thân này để thành điều nhân" và "Bỏ kiếp này để giữ lấy điều nghĩa".

Người quân tử trọng điều "nhân nghĩa" hơn là "sự sống", thì người xuất gia học đạo cũng phải giữ Pháp thân, Huệ mạng hơn là nhục thân, nhục thể của mình.

Do đó, người tu hành muốn cầu Phật đạo, khi có người đến cắt đứt mỗi mỗi thân phần, phải tự an tâm vào trong Phật pháp, chớ để mặc cho lòng sân nổi dậy. Nếu để một chút lòng sân nổi dậy là người ấy không có trí huệ, bỏ mất Phật pháp mà làm theo việc điên đảo rồi! Vì thế, người nhẫn nhục mới có thể gọi là người tu hành có trí huệ.

Tuy nhiên, nhẫn nhục ở đây hoàn toàn không đồng với lối nhẫn nhục thông thường của người đời. Người đời nhẫn nhục chỉ vì sợ kẻ cường bạo làm hại mà nhịn nhục cho qua chuyện; còn Nhẫn nhục trong đạo Phật là một phương pháp cảm hóa con người mà không phải dùng đến bạo lực. Ấy mới gọi là bậc Đại Nhân đầy đủ sức mạnh.

Nếu người xuất gia thường nổi tâm sân hận thì các công đức lành sẽ bi hư hoại, phải chịu trầm luân sanh tử. Do đó, người xuất gia đối với tâm sân hận coi như lửa dữ. Nó có thể đốt cháy cả rừng công đức (nhất sân chi hỏa năng thiêu vạn khoảnh công đức chi lâm).

Người thế tục, không biết Phật pháp, không chế phục được tâm sân, vì thế khi gặp việc trái ý liền nổi giận, đó cũng chỉ là thường tình có thể tha thứ được. Còn người xuất gia đã bỏ ngũ dục rồi, phải y theo Phật pháp mà chế phục tâm sân không cho nó phát khởi, nếu trái lại thì không phải là người xuất gia mong cầu giải thoát.

b. Đối trị Kiêu mạn

Tỳ kheo các ông! Phải tự vò đầu, đã bỏ những đồ trang sức tốt đẹp, mặc áo hoại sắc, mang bình bát để khất thực tự sống, nếu còn khởi tâm kiêu mạn phải mau diệt nó đi. Tăng trưởng lòng kiêu mạn, kẻ thế tục bạch y còn không nên có huống gì người xuất gia nhập đạo; vì mong cầu giải thoát nên tự hạm mình mà đi khất thực lại còn kiêu mạn hay sao?

c. Đối trị Dua nịnh

Tỳ kheo các ông! Tâm Dua nịnh cùng với Đạo trái nhau. Vì thế, phải nên chất trực tâm mình. Phải biết tâm Dua nịnh chỉ là lừa đảo, người nhập đạo không nên có. Do đây, các ông phải nên thẳng lòng, dùng chất trực làm gốc.

GIẢNG NGHĨA

Hoại sắc: Tiếng Phạn gọi là ca sa (kasàpa), Trung hoa dịch là hoại sắc. Vì muốn tránh năm sắc chánh là Xanh, Vàng, Đỏ, Trắng và Đen, nên người ta dùng những màu đã phá hư màu sắc chánh để nhuộm, gọi đó là hoại sắc.

Hoại sắc có 3 thứ: Màu Xanh hoại sắc, màu Đen hoại sắc và màu Mộc Lan hoại sắc (Mộc Lan: một thứ cây có hoa thơm (maguphia). Hoa như hoa sen, có màu hồng, màu vàng và màu trắng. Người ta còn gọi là Mộc Liên).

Khất thực: Là một hạnh trong 12 hạnh đầu đà. Hàng Tỳ kheo đi khất thực để nuôi thân, đó là chánh mạng thanh tịnh. Nếu làm cá thứ nghề nghiệp mà nuôi sống ấy là tà mạng.

Theo trong kinh Thập Nhị Đầu Đà nói, thì Tỳ kheo có ba pháp: 1/ Ăn do người thỉnh, 2/ Ăn cùng chúng Tăng, và 3/ Ăn do thường đi khất thực.

Hai pháp trước là nhân duyên khỏi ra phiền não. Vì sao? Vì ăn do người thỉnh, nếu được thỉnh thì tự cho mình là người tốt, có đầy đủ phước đức, rồi sanh tâm kiêu mạn tự tôn. Nếu không được thỉnh thì lại sanh tâm giận ghét hoặc tự bỉ bạc lấy mình. Ấy là pháp tham ái, làm ngăn trở Đạo niệm.

Còn ăn cùng chúng Tăng, thì phải theo phép tắc của chúng tăng, giúp đỡ, coi sóc mọi công việc của chúng Tăng. Do đó tâm thường tán loạn bỏ bê việc tu niệm.

Vì cả hai Pháp thực trên đều la nhân duyên sanh phiền não và loạn Đạo tâm, nên phải theo pháp đi Khất thực.

Khất thực còn được gọi là Đoàn Tùy hay là Bát Tùy. Tiếng Phạn gọi là Phân Vệ (nhưng danh từ Phân Vệ có lẽ là dùng lầm của danh từ Hán ngữ). Chính tiếng Phạn là Tân Trà Ba Đa (Pindapàta). Tân Trà dịch là Đoàn; Ba Đa dịch là Tùy có nghĩa là ăn tùy theo thứ lớp vật thực đựng trong bình bát, còn chữ Đoàn (hay chữ Bát) có nghĩa là ăn từng nắm, từng vắt. Do vì bên Ấn độ phần nhiều vắt cơm sắp theo thứ lớp ở trong bình bát.

Phân Vệ: Theo trong Luật Tăng Kỳ thì nghĩa là: những thức ăn khất thực được, đem Phân phát cho Tăng ni để hộ Vệ khiến họ tu hành. Lại còn có nghĩa là Phân thân của đức Phật bảo hộ chúng sanh.

Kiêu mạn: Kiêu căng và Ngã mạn. Tứ là tâm tự cao và khinh người, một trong sáu thứ phiền não. Theo trong Câu xá luận thì Mạn có bảy thứ:

1. Mạn: Đối với người thấp kém hơn mình khinh khi cho mình là hơn.

2. Quá Mạn: Đối với người bằng mình, khinh khi cho mình là hơn.

3. Mạn Quá Mạn: Đối với người hơn mình, ngược lại khinh khi cho mình là hơn.

4. Ngã mạn: Đối với mình và vật sở hữu của mình mà sanh tâm khinh thị mọi người.

5. Tăng thượng mạn: Chưa chứng được thánh đạo mà tự cho mình đã chứng.

6. Ty mạn (Hạ liệt mạn): Đối với người hoàn toàn hơn mình, tự thấy mình kém mà sanh tâm tự cao.

7. Tà mạn: Làm những điều xấu khi được thành công, rồi ỷ vào đó mà sanh tâm khinh người.

Bạch y: Người tại gia, người thế tục. Vì người đời thường mặc đồ trắng nên gọi là bạch ỵ

Chất trực: Thành thật, thẳng thắn, không lừa dối.

ĐẠI Ý

Bài này Phật dạy: Chúng ta phải giữ gìn đức thành thật, khiêm cung để gây cho mọi người một niềm tin và lòng tôn kính đối với Tam bảo, ngõ hầu hoàn thành chí nguyện Tự lợi, Lợi tha.

GIẢI THÍCH

Tâm kiêu mạn là một trong sáu phiền não, nếu chúng ta không dứt trừ thì: một, không thâu phục được nhân tâm; hai, không thành được Phật đạo. Không thâu phục được nhân tâm tức nhiên không thể hóa độ được chúng sanh; không thành được Phật đạo thì phí uổng chí xuất gia của mình.

Do đó Phật dạy hàng Tỳ kheo phải diệt trừ tâm kiêu mạn. Muốn diệt trừ tâm kiêu mạn phải tự nghĩ rằng: hàng Tỳ kheo đã cạo tóc xuất gia, bỏ tất cả sự giàu sang, danh lợi và đồ trang sức tốt đẹp, mặc áo hoại sắc, mang bình khất thực, đã sống một cuộc đời như thế, sao còn sanh tâm kiêu mạn? Nếu có khởi tâm kiêu mạn, phải mau vò đầu để tự cảnh tỉnh.

Kiêu là tự cho mình hơn người, khinh thị kẻ khác; còn Mạn là tự ỷ thế lực lăng mạ mọi người. Thí như chúng ta được sự ăn ngon mặc đẹp, nhà cao cửa rộng, tự nhiên tâm kiêu căng, hống hách nổi lên.

Tâm kiêu mạn, hàng tại gia thế tục còn không nên có, huống gì là kẻ xuất gia học đạo!

Đức Thích ca Mâu ni vốn là bậc vương tử, giàu sang, quyền quý, Ngài có thể coi rẻ tất cả mọi người. Thế mà, Ngài bỏ hết vương vị, diệt trừ tâm ngã mạn, tu hành khổ hạnh không màng đến lợi danh, quyền thế, xem vàng bạc như ngói gạch, coi vương vị như không hoa. Nhưng ở thời mạt pháp, nguyên tử này, đệ tử của Ngài, thì ôi! phần nhiều đi ngược lại!

Tâm dua nịnh là tâm khi dối, không thật. Người dua nịnh là kẻ tiểu nhơn, họ chỉ vì chút lợi danh quyền lực mà phải vào lòn ra cúi, hùa theo kẻ khác để mong người ban cho mình một vài ân huệ.

Trong đây, đức Phật dạy hàng Tỳ kheo phải dứt trừ tâm dua nịnh, sự thật là đức Phật dạy cả hai chúng tại gia và xuất gia, chứ không riêng gì hàng Tỳ kheo mà thôi đâu.

Vậy thì, dầu là giới nào, chúng ta cũng phải giữ cho lòng mình được ngay thật. Trong kinh Duy Ma Cật, về phẩm Phật Quốc có nói: Trực tâm thị Bồ tát tịnh độ (Tâm ngay thật là cõi Tịnh độ của Bồ Tát), và phẩm Đồng Bồ Tát cũng nói: Trực tâm tức thị đạo tràng (Tâm ngay thật tức là đạo tràng).
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com