Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm 23 - Dược Vương Bồ tát bổn sự

20/06/201111:44(Xem: 8677)
Phẩm 23 - Dược Vương Bồ tát bổn sự

PHÁP HOA KINH THÂM NGHĨA ĐỀ CƯƠNG
Hoà thượng Thích Từ Thông
Nhà Xuất Bản TP. Hồ Chí Minh 2001

Phẩm 23: DƯỢC-VƯƠNG BỒ-TÁT BỔN SỰ

Lúc bấy giờ Bồ-tát Tú Vương Hoa bạch Phật:

“ Thế Tôn ! Làm thế nào mà Bồ-tát Dược Vương du hành tự tại nơi thế giới Ta-bà? Bồ-tát Dược Vương có bao nhiêu ngàn muôn ức hạnh khổ khó làm? Nguyện Thế Tôn giải nói một ít cho Thiên Long, Bát Bộ, cho các hàng Bồ-tát từ nước khác đến cùng hàng Thanh Văn ở đây nghe, để tất cả đều được vui mừng.”

Phật đáp:

Trong quá khứ cách nay vô lượng hằng sa kiếp, có Phật hiệu Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức. Ngài có 80 ức đại Bồ-tát, 70 hằng sa đại Thanh Văn, thọ 42 ngàn kiếp, chư Bồ-tát cũng sống lâu như thế. Trong nước của đức Phật ấy không có đàn bà, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la… cũng chẳng có các khổ nạn. Đất bằng lưu ly, mặt phẳng như bàn tay, có trồng cây báu trên có màn báu bao trùm, tràng phan, hoa báu buông thòng. Khắp nước, bình báu, lò hương dẫy đầy. Cách mỗi cây khoảng một lằn tên có một đài bằng bảy báu. Dưới những cội cây ấy, có chư Bồ-tát, Thanh Văn ngồi. Trên mỗi đài trăm ức chư Thiên trỗi nhạc trời, hát múa cúng dường Phật.

Lúc bấy giờ, đức Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức nói kinh Pháp Hoa cho Bồ-tát Nhất-thiết Chúng-sanh Hỉ-kiến cùng các hàng Bồ-tát, Thanh Văn nghe.

Bồ-tát Hỉ-kiến ưa tu tập khổ hạnh, trong pháp của Phật Tịnh Minh Đức tinh tấn kinh hành, một lòng cầu thành Phật, mà mãn 12.000 năm, được chánh định “ Hiện nhất thiết sắc thân”. Bồ-tát mới tự nói trong lòng:” Được chánh định này là nhờ nghe kinh Pháp Hoa. Vậy ta nên cúng dường Phật Tinh Minh Đức và kinh Pháp Hoa”. Tức thời Bồ-tát nhập định, trong hư không rưới các thứ hoa hương cõi trời cúng dường Phật.

Cúng dường xong, Bồ-tát xuất định và tự nói trong lòng: “Tuy ta đã dùng thần lực cúng dường Phật, nhưng sao bằng lấy thân cúng dường”. Bồ-tát liền uống các chất thơm, kế uống dầu làm bằng các thứ hoa thơm mãn 1.200 năm, rồi lấy dầu thơm thoa thân, dùng áo báu cõi trời quấn mình trước đức Phật Tịnh Minh Đức, rưới các thứ dầu thơm lên áo và dùng sức nguyện thần thông mà tự đốt thân. Ánh sáng toả soi 80 ức hằng sa thế giới. Trong ánh sáng ấy, chư Phật đồng thời đều khen : “Lành thay ! Lành thay ! Như vậy mới thật là tinh tấn, mới thật là cúng dườn Pháp. Các lối cúng dường khác bằng hương hoa, chuỗi ngọc… đều chẳng bằng, thậm chí đem cả một nước thành quách, vợ con mà bố thí cũng chẳng bằng. Trong các lối bố thí, bố thí thân là bậc nhất”.

Nói xong, chư Phật im lặng. Lửa thân Bồ-tát cháy trót 1.200 năm mới tắt.

Cúng dường Pháp xong và sau khi mạng chung, Bồ-tát Hỉ Kiến phục sanh trong nước Phật Tịnh Minh Đức, tại nhà vua Tịnh Đức, phục sanh một cách bỗng nhiên, trong trạng thái ngồi kiết già. Hoá sanh xong bèn vì cha đọc bài kệ:

Đại Vương nay nên biết

Nhờ kinh hành nơi ấy

Tức thời đặng tất cả

Chánh định trong các thân

Sau cần cố gắng hơn

Nên bỏ thân yêu mến

Dâng cúng dường Thế Tôn

Để cầu tuệ Vô Thượng

Nói xong, thưa với vua cha: “Trước cúng dường Phật Tịnh Minh Đức, tôi “giải được tất cả đà-la-ni của tiếng nói chúng sanh”, kế lại nghe vô số kệ của Kinh Pháp Hoa. Nay Phật Tịnh Minh Đức vẫn còn, tôi xin cúng dường nữa. Bồ tát bèn ngồi lên đài bảy báu, bay lên hư không, qua đến chỗ Phật Tịnh Minh Đức, làm lễ và đọc một bài kệ khen Phật:

Lạ lùng thay dung nhan

Mười phương soi ánh sáng

Tôi đã từng cúng dường

Nay lại còn thân kiến

Nói kệ xong, Bồ-tát Hỉ Kiến bạch Phật Tịnh Minh Đức rằng: “Thế Tôn còn trụ thế chứ?” Đức Phật bảo: “Giờ diệt độ đã đến, ngươi nên sắp đặt gường đi, ta trong đêm nay sẽ nhập Niết Bàn”. Phật lại nói thêm: “Ta nay giao phó Phật – Pháp và Vô Thượng Giác cho ngươi, cho các Bồ-tát và các Đại Đệ Tử. Ta cũng giao cho ngươi ba ngàn đại thiên thế giới, bảy báu, các cây báu, đài báu và chư thiên hầu hạ. Sau khi ta diệt độ, ta cũng giao cho ngươi tất cả xá lợi của ta, ngươi nên lưu bố khắp nơi để cho đông người được xây nhiều tháp cúng dường”. Đến cuối đêm, Phật Tịnh Minh Đức nhập Niết Bàn.

Bồ-tát Hỉ Kiến đã dùng gỗ chiên-đàn làm giàn hoả thiêu, thâu xá lợi đựng vào 84.000 bình báu, xây 84.000 ngọn tháp cao ba thế giới.

Bây giờ, Bồ-tát lại tự nghĩ: Cúng dường xá lợi như thế chưa đủ. Bèn ở trước 84.000 ngọn tháp, đốt 2 cánh tay được trang nghiêm bằng trăm phước, suốt 72.000 năm, khiến vô số hạng cầu quả Thanh Văn và vô lượng người phát tâm cầu Vô thượng giác đều đứng vững trong chánh định “Hiện nhất thiết sắc thân”.

Các Bồ-tát, trời, người A-tu-la… thấy vậy đều sầu khổ buồn thương. Bồ-tát trong đại chúng, bèn lập thệ: Ta bỏ 2 tay ắt sẽ được thân Phật. Nếu quả đúng như vậy, thì xin cho 2 tay ta tự nhiên trở lại, ấy là nhờ phước đức và trí tuệ thuần hậu của Bồ-tát.

Đức Phật Thích Ca hỏi Bồ-tát Tú Vương Hoa: “Ý ngươi nghĩ sao? Bồ-tát Hỉ Kiến thuở xưa đâu phải ai lạ, chính nay là Bồ-tát Dược Vương đó. Ông ấy đã xả bỏ, bố thí, vô lượng số thân như thế. Này Tú Vương Hoa, ai phát tâm muốn được Đạo vô thượng mà đốt ngón tay hay ngón chân cúng dường Tháp Phật, còn hơn người dùng nước, thành, vợ, con cùng trân bảo trong 3.000 đại thiên thế giới mà cúng dường. Còn ai dùng bảy báu trong khắp 3.000 đại thiên thế giới mà cúng dường Phật, Bồ-tát, Duyên Giác, La-Hán, cũng không có công đức bằng người thọ trì kinh Pháp Hoa, chừng một bài kệ bốn câu.

Tú Vương Hoa, trong các dòng nước, biển là bậc nhất. Cũng thế, trong các kinh của Như Lai nói, kinh Pháp Hoa là sâu lớn hơn hết.

Trong các thứ núi, núi Tu-di là bậc nhất. Trong các thứ kinh, Kinh Pháp Hoa là cao hơn hết.

Trong các tinh tú, mặc trăng là bậc nhất. Trong cá kinh, Kinh Pháp Hoa là sáng soi hơn hết.

Như mặt trời năng trừ mọi thứ tối tăm. Kinh Pháp Hoa năng phá tất cả những tối tâm của cái chẳng lành.

Trong các hàng Tiểu vương, Đại-đế là bậc nhất. Trong các thứ kinh, Kinh Pháp Hoa đáng tôn trọng hơn hết.

Như Đế Thích làm vua thống ngự 33 cõi trời, Kinh Pháp Hoa và vua các kinh.

Như Phạm Thiên là cha của tất cả chúng sanh. Kinh Pháp Hoa là cha của tất cả Hiền Thánh.

Trong hàng Phàm-phu, Tứ Thánh, và Duyên Giác là bậc nhất. Trong tất cả các kinh do Như Lai, Bồ-tát, Thanh Văn nói, Kinh Pháp Hoa là bậc nhất trong hàng chúng sanh.

Trong tất cả Thanh Văn và Duyên Giác, Bồ-tát là bậc nhất. Trong tất cả các kinh, Kinh Pháp Hoa là bậc nhất.

Như Phật là vua các pháp, kinh nầy là vua của các kinh.

Tú Vương Hoa ! Kinh nầy có thể cứu tất cả chúng sanh, làm cho chúng sanh xa rời các khổ não; Kinh nầy có thể cho chúng sanh nhiều lợi ích, làm thoả mãn những mong cầu của chúng sanh, như ao nước trong có thể làm thoả mãn người khát nước. Như người lạnh được lửa, như trần truồng được quần áo, như đi buôn gặp người dẫn mí, như con gặp mẹ, như muốn qua sông gặp thuyền, như bệnh gặp thầy, như tối được đèn, như nghèo được báu, như dân được vua, như hàng hải gặp biển, như đuốc trừ tối. Kinh Pháp Hoa nầy cũng thế, có thể làm cho chúng sanh xa lìa mọi thứ thống khổ, mọi thứ bệnh tật, có thể cởi mở sự trói buộc của sanh tử.

Ai nghe được kinh nầy, hoặc tự mình chép, hoặc bảo người chép, thì được công đức nhiều cho đến nỗi trí tuệ Như Lai cũng không ước tính được. Nếu chép kinh này mà còn dùng các thứ hoa hương, đèn dầu cúng dường, cũng được vô lượng công đức như thế.

Tú Vương Hoa! Ai nghe phẩm “Bồ-tát Dược Vương Bổn Sự“ này cũng được vô biên công đức. Nếu là đàn bà thì sau khi dứt báo thân, không còn trở lại làm đàn bà nữa. Năm trăm năm sau Phật diệt độ, người nữ nào nghe kinh nầy và tu hành đúng theo lời kinh dạy, khi mạng chung, được vãng sanh nơi thế giới thanh tịnh và an lạc.

Bây giờ, các đức Phật đồng khen: Hay thay! Lành thay ! Này thiện nam tử, ngươi có thể trong pháp của Phật Thích Ca mà thọ trì, đọc tụng, suy gẫm Kinh Pháp Hoa và nói cho người khác nghe, ngươi đặng công đức vô lượng vô biên, lửa chẳng đốt được, nước chẳng làm trôi, phá được giặc ma, đánh bại quân sanh tử và diệt trừ các quân thù khác. Thiện nam tử, trăm ngàn đức Phật sẽ hộ trì ngươi, tất cả trời, người, không ai bằng ngươi, trừ Như Lai, không Bồ-tát, Duyên Giác, Thanh Văn nào có trí tuệ bằng ngươi.

Ai nghe phẩm “Dược Vương Bổn Sự” này mà biết tuỳ hỉ khen ngợi, người đó trong đời hiện tại, miệng thường thoảng mùi thơm hoa sen, và các lỗ chân lông thường tiết mùi trầm.

Tú Vương Hoa, ta giao phó phẩm “Dược Vương Bổn Sự” cho ngươi: Năm trăm năm sau khi ta diệt độ, phải đem ra truyền bá nói rộng ở cõi Diêm-phù-đề và đem sức thần thông mà giữ gìn, vì đây là phương thuốc hay cho người bệnh thế gian, ai bệnh mà nghe được kinh này thì bệnh liền tiêu diệt, chẳng già, chẳng chết.

Thấy ai thọ trì kinh nầy, Tú Vương Hoa nên dùng hoa sen xanh đựng đầy hương bột rải trên người ấy và nghĩ rằng: Người này chẳng bao lâu quyết định sẽ trải cỏ ngồi nơi Đạo tràng, phá các ma quân, thổi ốc pháp, đánh trống pháp, độ thoát tất cả chúng sanh ra khỏi sanh già bệnh chết ưu bi khổ não.

Lúc đức Phật nói phẩm “Dược Vương Bổn Sự” nầy có 84.000 Bồ-tát được Đà-la-ni “Giải nhất thiết chúng sanh ngôn ngữ”.

Đức Phật Đa Bảo trong tháp báu khen Tú Vương Hoa Bồ-tát: Lành thay ! Lành thay! Tú Vương Hoa, ngươi thành tựu những công đức không thể nghĩ bàn mới hỏi được đức Phật Thích Ca việc như thế, làm lợi ích cho tất cả chúng sanh.

THÂM NGHĨA

Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự là sự tích xa xưa của Bồ-tát Dược Vương. Mật ý của phẩm kinh nầy. Phật dạy cho chúng sanh về “một phương thuốc chúa”. Bởi vì chúng sanh cõi Ta-bà lắm bệnh nguy nan. Trong đó bệnh Chấp ngã, Chấp pháp là thứ bệnh gốc sinh ra các bệnh.

* Theo các tiền bối, bắt đầu từ phẩm Dược Vương là phần * Nhật Phật Tri Kiến. Các phẩm trước, hướng dẫn cho hiểu kỹ (ngộ) về Phật tánh. Đến đây, chỉ cách thực hành, làm cho Phật tánh thể hiện để sống trong Phật tánh ấy (Nhật Phật tri kiến).

* Bồ tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỉ Kiến ở vào thời Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức, cách đây vô lượng hằng sa số kiếp xa xưa, nhưng hiện nay là Bồ-tát Dược Vương đệ tử Phật Thích Ca. Đó là một dữ kiện để tìm học hiểu về một phương thuốc chúa.

* Nhất Thiết Chúng Sanh Hỉ Kiến Bồ-tát là vị Bồ-tát mà ai thấy cũng dễ thương cũng vui mừng.

Muốn thành tựu “ phương thuốc chúa”, trước hết chúng ta phải là một Bồ-tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỉ Kiến ấy.

* Tam muội: “Hiện Nhất Thiết Sắc Thân” của Bồ-tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỉ Kiến được, là kết quả của quá trình tu học Đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa, Bồ-tát dám làm những hạnh khó, tinh tấn kinh hành, một lòng cầu thành Phật ở thời Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức Như Lai. Chính nhờ cái vốn liếng Diệu Pháp Liên Hoa đã tu học hồi xa xưa ấy, mà nay thành một phương thuốc chúa, một Bồ-tát Dược Vương trong thời hiện tại.

“ Hiện Nhất Thiết Sắc Thân” có nghĩa là thứ tam muội “tự tại vô ngại” trước mọi hạng người, mọi căn cơ, chủng tánh của mỗi hạng chúng sanh. Nói cách khác: thứ tam muội “ như như bất động” trước ngọai cảnh.

Phải cúng dường Phật, đem tất cả những thứ thơm tho nhất, quí giá nhất trong thứ thơm tho để cúng dường Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức Như Lai. Cúng dường cho thật nhiều cho thường xuyên bền bỉ. Chẳng những thế, còn cúng dường luôn cả thân mạng nữa. Uống tất cả những thơm tho quí nhất vào cơ thể, ướp tất cả những thơm tho quí nhất vào thân. Làm như vậy trải thời gian cả 1.200 năm để cho thân tâm trở thành một chất thơm tho. Sau đó tự đốt bằng sức nguyện thần thông để cúng Phật.

Cúng dường như thế là chân tinh tấn là “ cúng dường pháp”.

Cúng dường như thế có nghĩa là cúng dường bằng sự chuyển hoá chất lượng không thanh tịnh của thân tâm biến thành chất lượng thanh tịnh thơm tho, chất lượng Phật ở thân tâm mình.

* Đốt. Đốt đi. Đốt nữa. Đốt mãi, đốt với thời gian dài 1.200 năm hay lâu hơn nữa cũng nên. Bởi vì “cái bản ngã của con người khó mà diệt trừ trong một sớm một chiều”. Bồ-tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỉ Kiến phải đốt đến 1.200 năm “cái ta”, “cái bản ngã” mới hết. Còn Phật tử chúng ta ngày nay, chưa được chúng sanh nào “Hỉ Kiến”, vậy phỏng độ mình phải đốt thêm bao nhiêu năm nữa mới biểu lộ sự hỉ-kiến khi chúng sanh chiêm ngưỡng dung nhan.

Chết đi cái hoàn cảnh ô trược để sống lại trong hoàn cảnh trong sạch của nhà vua Tịnh Đức. Chết đi cái tứ đại thai sanh ô trược, để sống lại trong hoá sanh tinh khiết. Đó là tiến trình phát triển của sự vật từ giản đơn đến phức tạp, từ chưa hoàn thiện lên hoàn thiện. Chúng luôn luôn phủ định lấy nhau. Bảo thủ là lạc hậu. Cố chấp là dẫm chân một chỗ.

* Trước giờ phút nhật Niết Bàn, (đây là đức Phật thứ 4, nhập Niết Bàn, sau khi nói Kinh Pháp Hoa xong) Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức phó thác tất cả Phật pháp, Bồ-tát, Đệ-tử, bảo thọ, bảo đài, thất bảo, xá lợi… cho Bồ-tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỉ Kiến. Một đệ-tử Bồ-tát như thế, thảo nào Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức chẳng uỷ thác chúc luỵ tất cả Phật sự cho.

* Vào bàn tay Bồ-tát thì nắm xương tàn (xá lợi) cũng làm nên Phật pháp rất nhiều, làm cho Phật pháp cao siêu vĩ đại. Phải làm được như thế thì sự cúng dường xá lợi mới có ý nghĩa. Công đức ở chỗ tuyên dương chánh pháp, lợi lạc quần sanh, chớ tháp cao ba thế giới mà xây đến 84.000 ngôi, thì Bồ-tát “vác dù đi quyên tỏi” biết đến bao giờ thành tựu, mà thành tựu để được gì cho Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức và Bồ-tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỉ Kiến.

“ Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai”. (Hễ là vật chất thì hư huyễn tất cả. Chừng nào thấy được cái tánh “ phi vật chất” của vật chất mới thấy được Như Lai Phật).

* Thiện tâm, thiện hạnh, thiện chí như thế mà Bồ-tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỉ Kiến chưa tự mãn với công đức của mình. Trước 84.000 tháp Bồ-tát nguyện đốt 2 tay “trăm phước” trang nghiêm mà người trí hiểu là đốt đi những cặp phạm trù đối đãi: Phải Trái. Ta Người. Thân Sơ. Thương Ghét. Tốt Xấu. Trọng Khinh. Lấy Bỏ. Hơn Thua. Sang Hèn. Trí Ngu. Thành Bại.

Đốt, Bồ-tát đốt mãn 72.000 năm để cúng dường cho đến “cái ta” tàn rụi mới thôi.

* Nếu đốt để huỷ diệt, đốt để cho tàn đời thì chẳng khác gì những kẻ thất tình thất chí đã làm, chẳng có gì ích lợi cho ai. Bồ-tát đốt 2 tay Phải Trái để có 2 tay Phước Đức, Trí Tuệ. Đó là một hình thức cải tạo để mà xây dựng. Mà xây dựng cái mới, tất nhiên phải tốt đẹp hơn lên.

Cái tinh thần đó của Đại thừa Phật giáo nói lên tánh tích cực lạc quan tự tin khả năng hoán cải, chuyển hoá của chính con người, để đưa con người đến đỉnh cao của giải thoát giác ngộ.

* Tất cả tạng bí yếu của Như Lai đều gồm chứa ở Kinh Pháp Hoa. Cho nên, đối với sông ngòi, kinh rạch, Kinh Pháp Hoa là biển. Với gò nổng đồi cao, Kinh Pháp Hoa là núi. Với các tinh tú Kinh Pháp Hoa là trăng. Với các vua quan, Kinh Pháp Hoa là Chuyển LuânThánh Vương. Với tam thập tam thiên, Kinh Pháp Hoa là Đế Thích. Với tứ quả Thanh Văn, kinh Pháp Hoa là A-la-hán. Đối với các pháp, kinh Pháp Hoa là Phật.

Kinh nầy có thể cứu khổ tất cả chúng sanh. Nghe kinh nầy, người có bệnh, bệnh sẽ lành. Người sợ già, sợ chết sẽ không già không chết. Vì kinh nầy là Dược Vương là Phương Thuốc Chúa.

“ Trường không túng sử song phi cốc

Cự hải hà phòng nhất điểm âu”.

(Ngại gì bọt sóng lô nhô biển

Vài áng mây thưa giữa khoảng không)

Tinh thần bấy uý đó của Tuệ Trung Thượng sĩ, chắc chắn là phát xuất từ tư tưởng của Đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa nầy.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]