Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

5. Thanh Tịnh Ðạo

08/05/201111:55(Xem: 11557)
5. Thanh Tịnh Ðạo

VI DIỆU PHÁP TOÁT YẾU

Nārada Mahā Thera- Phạm Kim Khánh dịch

Chương IX: ĐỀ MỤC HÀNH THIỀN

Thanh Tịnh Đạo

Khi đã phát triển các tầng Thiền (Jhānas), tâm của hành giả trở nên trong sạch như mặt gương được lau chùi bóng loáng, phản chiếu mọi sự vật một cách rõ ràng, trung thực. Tuy nhiên, những tư tưởng xấu xa bất tịnh vẫn chưa hoàn toàn bị loại trừ, bởi vì tâm định chỉ tạm thời đè nén những khuynh hướng tâm tánh bất thiện mà không tận diệt. Các tâm bất thiện nầy có thể trồi lên mặt và tái phát bất cứ lúc nào, một cách bất ngờ.

Giới điều hòa hành động và lời nói; Định kiểm soát tâm; nhưng chính Tuệ (paññā), giai đoạn cuối cùng, giúp người có nguyện vọng tiến triển từ phàm trở nên thánh, tận diệt mọi ô nhiễm mà tâm Định (Samādhi) tạm thời khắc phục.

Trước tiên, hành giả trau dồi quan kiến trong sạch, "Kiến Tịnh" (diṭṭhi visuddhi) [1] để nhận thức thực tướng của vạn pháp, thấy sự vật đúng như sự vật là vậy. Với tâm nhứt điểm hành giả phân tách và quan sát cái gọi là chúng sanh. Công trình quán sát và tìm hiểu nầy cho thấy rằng cái được gọi là "Ta" chỉ là sự cấu hợp phức tạp của tâm và cơ thể vật chất, danh và sắc, cả hai đều ở trong trạng thái luôn luôn biến chuyển đổi thay, luôn luôn trôi chảy như một dòng suối trường lưu bất tức.

Khi đã thành đạt quan kiến chân chánh về bản chất thật sự của cái gọi là chúng sanh, và hoàn toàn dứt khoát với mọi ảo tưởng về một linh hồn trường cửu, hành giả cố tìm những nguyên nhân sanh ra cái "Ta", và nhận định rằng trong thế gian nầy vạn pháp đều do duyên sanh, không có chi tự nhiên phát khởi mà không tùy thuộc nơi một hay nhiều điều kiện, trong quá khứ hay ở hiện tại. Kiếp sống hiện tiền là do vô minh (avijjā), ái (taṇhā), thủ (upādāna), nghiệp (kamma) trong quá khứ, và vật thực trong kiếp sống hiện tại. Do năm nguyên nhân ấy cái gọi là chúng sanh được cấu tạo, và cũng như nguyên nhân quá khứ tạo duyên cho hiện tại, cùng thế ấy, nhân hiện tại tạo điều kiện cho tương lai. Chú tâm suy niệm như thế ấy hành giả vượt thoát ra khỏi mọi hoài nghi về quá khứ, hiện tại và tương lai [2].

Tiếp theo, hành giả suy niệm rằng tất cả những vật được cấu tạo, hay các pháp hữu vi, đều vô thường (anicca), phải chịu đau khổ (dukkha), và không có một linh hồn trường cửu (anattā). Hướng tầm mắt về bất luận nơi nào, hành giả chỉ thấy ba đặc tướng ấy phát lộ rành mạch, rõ ràng, không thể lầm lẫn. Hành giả nhận thức rằng đời sống chỉ là một sự trôi chảy, một di động liên tục do những nguyên nhân từ bên trong và bên ngoài chi phối, tạo duyên. Dầu ở các cảnh trời hay trên quả địa cầu hành giả không tìm được nơi nào có hạnh phúc thật sự, bởi vì mọi sự vật đều không ngừng chuyển biến đổi thay.

Trong lúc cố tâm chuyên chú hành thiền, suy tưởng về bản chất thật sự của đời sống như thế, sẽ có một ngày kia, trước sự ngạc nhiên của chính mình, hành giả chứng kiến một ánh hào quang (obhāsa) phát tủa ra từ thân mình. Lúc ấy hành giả chứng nghiệm một trạng thái an lạc thỏa thích, một cảm thọ hạnh phúc vắng lặng trước kia chưa từng bao giờ được biết. Hành giả càng tinh tấn củng cố tâm định, tâm đạo càng nhiệt thành và tăng trưởng vững chắc, chánh niệm càng trở nên rõ ràng toàn hảo, và tuệ Minh Sát càng trở nên sâu sắc bén nhạy một cách lạ thường. Lầm tưởng mức tiến bộ khá cao ấy là Đạo Quả Thánh, nhất là vì thấy có hào quang, hành giả phát tâm ưa thích trạng thái tinh thần ấy. Nhưng rồi, sớm nhận thức rằng những hiện tượng mới mẻ ấy chỉ làm trở ngại tiến bộ tinh thần và đạo đức, hành giả trau giồi và phát triển trạng thái trong sạch của tuệ giác liên quan đến "Con Đường và Không-Phải-Con-Đường" [3].

Đã nhận thức con đường chân chánh, hành giả gom tâm quán tưởng về sự phát sanh (udaya ñāṇa, tuệ sanh) và sự hoại diệt (vaya ñāṇa, tuệ diệt) của tất cả các pháp hữu vi. Trong hai trạng thái sanh và diệt, sự hoại diệt hiển lộ nổi bật và chiếm ưu thế hơn nên dần dần gây ấn tượng mạnh hơn trong tâm hành giả, bởi vì sự biến chuyển được nhận thấy hiển nhiên và rõ ràng hơn sự trở thành. Do đó, hành giả hướng tâm chú niệm của mình về sự phân tán của sự vật (bhaṅga ñāṇa, tuệ diệt) và nhận định rằng cả hai, danh và sắc, hai thành phần cấu tạo cái gọi là chúng sanh đều ở trong trạng thái luôn luôn đổi thay, trôi chảy, không thể tồn tại giống hệt trong hai khoảnh khắc kế tiếp. Bây giờ phát sanh đến hành giả sự hiểu biết rằng tất cả những gì bị phân tán đều đáng sợ (bhaya ñāṇa, tuệ kinh hãi). Toàn thể thế gian phát hiện trước mắt hành giả như một đống củi đang phừng cháy, một nguồn hiểm họa. Kế đó hành giả suy tưởng về tánh chất rách nát, đổ vỡ, và tạm bợ nhất thời (ādīnava ñāṇa, tuệ hiểm nguy) của thế gian đáng kinh sợ nầy, có cảm giác nhàm chán nó (nibbidā ñāṇa, tuệ chán nản) và nảy sanh ý muốn tẩu thoát ra khỏi đó (muñcitukamyatā ñāṇa, tuệ muốn giải thoát).

Hướng về đối tượng ấy, hành giả chăm chú đặt chánh niệm vào ba đặc tướng vô thường, khổ, và vô ngã (paṭisaṅkhā ñāṇa, tuệ suy tư) và sau đó phát triển tâm xả trọn vẹn, hoàn toàn thản nhiên đối với các pháp hữu vi (tức các hành) -- không luyến ái cũng không ghét bỏ, hay bất toại nguyện -- đối với bất luận sự việc gì trên thế gian (upekkhā ñāṇa, tuệ xả) [4].

Khi đạt đến mức độ tinh thần nầy, hành giả chọn một trong ba đặc tướng vô thường, khổ, vô ngã, cái nào thích hợp với mình nhất, và gia công khai triển minh sát theo chiều hướng ấy cho đến ngày vẻ vang tươi sáng mà hành giả thành tựu mục tiêu cuối cùng -- Đạo Quả Niết Bàn [5], mục tiêu cứu cánh cùng tột.

"Cũng như người đi trong đêm tối, nhờ trời chớp nhìn thấy quang cảnh quanh mình rồi giữ lại hình ảnh ấy trước mắt một ít lâu, cùng thế ấy, do cái chớp bật sáng lên của tuệ giác, hành giả nhoáng chứng ngộ Niết Bàn một cách rõ ràng, và hình ảnh ấy lưu niệm trong tâm, không còn phai mờ nữa [6]".

Vị hành giả chứng ngộ Niết Bàn lần đầu tiên được gọi là Tu Đà Huờn (Sotāpanna, Nhập Lưu) -- người bước vào dòng suối chảy đến Niết Bàn lần đầu tiên. Dòng suối là Bát Chánh Đạo.

Vị Tu Đà Huờn (Nhập Lưu) không còn là người phàm tại thế (puthujjana) nữa mà đã trở thành bậc Thánh (Ariya).

Khi chứng đắc tầng Thánh đầu tiên vị Thánh Nhập Lưu tận diệt ba Thằng Thúc (saṁyojana), cũng gọi là Kiết Sử, tức là ba trong mười dây trói buộc cột trói chúng sanh vào những kiếp sinh tồn của vòng luân hồi. Ba dây trói buộc ấy là:

1. Sakkāya-diṭṭhi, Thân Kiến.

"sati" + "kāye" + "diṭṭhi", theo đúng ngữ nguyên, là quan kiến khi có một nhóm hay một tổ hợp tồn tại. Nơi đây danh từ kāya ám chỉ năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức, hay nói cách khác, là hợp thể phức tạp danh và sắc. Tin rằng có một thực thể không biến đổi, một linh hồn trường cửu trong khi, đó chỉ là một sự cấu thành, một tổ hợp tâm--vật-lý phức tạp, hiểu biết và tin tưởng như vậy được gọi là sakkāya-diṭṭhi, thân kiến. Bộ Dhammasaṅgani [7], Pháp Tụ, sách phân loại các pháp, kể ra hai mươi loại lý thuyết về linh hồn khác nhau. Danh từ Sakkāya-diṭṭhi thường được dịch là ảo kiến về tự ngã, lý thuyết về bản ngã, hay ảo ảnh của bản ngã luận.

2. Vicikicchā, Hoài Nghi.

Có sự hoài nghi về:

1. Đức Phật,
2. Giáo Pháp,
3. Giáo Hội Tăng Già,
4. giới luật (sikkhā),
5. quá khứ,
6. vị lai,
7. cả hai, quá khứ và vị lai, và
8. pháp Thập Nhị Nhân Duyên Paṭicca-Samuppāda) [8].

3. Sīlabbataparāmāsa, Giới Cấm Thủ.

Tin tưởng nơi những nghi thức và lễ cúng (một cách sai lầm). Bộ Dhammasaṅgani, Pháp Tụ, giải thích điểm nầy như sau:

"Có giáo lý của những vị đạo sĩ ẩn dật và những vị Bà La Môn ngoài giáo lý nầy (tức ngoài Phật Giáo), dạy rằng ta có thể tự thanh lọc bằng cách giữ giới hay bằng những nghi thức cúng tế, hay bằng cả hai, nghiêm trì giới luật và hành đúng nghi thức cúng tế."

Để tận diệt bảy Thằng Thúc (saṁyojana) còn lại vị Tu Đà Huờn còn phải tái sanh nhiều lắm là bảy lần. Niềm tin nơi Đức Phật, Giáo Pháp, và Giáo Hội Tăng Già của Ngài thật hoàn toàn vững chắc. Bất luận trong trường hợp nào và không vì lý do gì Ngài còn vi phạm năm giới căn bản. Các Ngài không còn tái sanh vào khổ cảnh bởi vì đang vững tiến trên con đường dẫn đến giác ngộ.

Từ đây vị hành giả, bấy giờ là bậc Thánh Nhân đã thoáng chứng Niết Bàn từ xa, càng quyết tâm gia công, tiến bộ nhanh chóng, kiện toàn tuệ giác, trở thành bậc Tư Đà Hàm (Sakadāgāmi, Nhứt Lai) tầng thứ nhì trong bốn tầng Thánh, bằng cách làm suy giảm hai Thằng Thúc (saṁyojana) là tham dục (kāmarāga, lòng tham duyên theo Dục Giới), và bất toại nguyện (paṭigha).

Vị Thánh Nhân nầy được gọi là Nhứt Lai vì Ngài chỉ còn tái sanh vào cảnh người một lần nữa thôi, nếu trong kiếp hiện tiền chưa đắc được Đạo Quả A La Hán. Nên ghi nhận rằng vị Thánh Nhân Nhứt Lai (Tư Đà Hàm), đắc tầng Thánh thứ nhì, chỉ có thể làm suy giảm sức trói buộc chặt chẽ của hai Thằng Thúc đã cột trói Ngài từ quá khứ vô tận. Mặc dầu là rất ít khi, nhưng đôi lúc các Ngài còn phải bận rộn vấn vương với một vài tư tưởng luyến ái và sân hận, tuy ở mức độ rất thấp.

Chí đến khi thành tựu tầng Thánh thứ ba, Anāgāmi, Bất Lai (A Na Hàm), Ngài mới trọn vẹn tận diệt hai Thằng Thúc ấy. Kể từ đó Ngài không còn tái sanh vào cảnh người hay cảnh trời Dục Giới nữa, vì đã hoàn toàn tận diệt mọi ham muốn thỏa mãn vật chất của Dục Giới.

Sau khi viên tịch ở đây Ngài tái sanh vào cảnh Vô Phiền Thiên, hay Tịnh Cư, cảnh giới hoàn toàn tinh khiết (Suddhāvāsa), thích hợp với các vị A Na Hàm và A La Hán.

Một cư sĩ tại gia, nếu là người độc thân, có thể chứng đắc Đạo Quả A Na Hàm (Anāgāmi).

Bậc Thánh Bất Lai (A Na Hàm) giờ đây cố gắng thành tựu bước tiến cuối cùng để tận diệt năm Thằng Thúc còn lại là tâm luyến ái những cảnh Sắc Giới (rūparāga), luyến ái những cảnh Vô Sắc Giới (arūparāga), ngã mạn (māna), phóng dật (uddhacca), và vô minh (avijjā) và đắc Quả A La Hán, tầng Thánh cùng tột.

Những vị Nhập Lưu, Nhứt Lai, và Bất Lai được gọi là Sekhas, ta thường gọi là "bậc Hữu Học", trong ý nghĩa là những vị "còn phải học thêm nữa", bởi vì các Ngài còn cần phải tu luyện thêm nữa mới đến tuyệt đỉnh. Chư vị A La Hán được gọi là Asekhas, thông thường được dịch là "bậc Vô Học", vì các Ngài không còn phải học hay hành thêm.

Một vị A La Hán, Arahant, theo nghĩa đen là bậc Ứng Cúng -- xứng đáng thọ lãnh lễ vật cúng dường -- không còn tái sanh nữa vì Ngài không còn tạo nghiệp mới. Mầm mống tái tạo đã bị tận diệt.

Vị A La Hán nhận thức rằng tất cả những điều phải làm đã được hoàn tất viên mãn, gánh nặng phiền não đã được đặt xuống, và tất cả những hình thức ái dục, những mức độ vô minh, đều hoàn toàn bị tiêu diệt, loại trừ. Vị hành giả hữu phước ấy bấy giờ đã đến mức tột đỉnh cao quý hơn tất cả các cảnh trời, hoàn toàn dứt bỏ mọi tham vọng, mọi ô nhiễm của thế gian, và chứng nghiệm hạnh phúc vô cùng cao thượng mà ngôn ngữ trần gian phàm tục không thể mô tả -- hạnh phúc Niết Bàn.

Ghi chú:

[1] Giai đoạn thứ ba của Thanh Tịnh Đạo (Visuddhi Magga).

[2] Kaṅkhāvitaraṇavisuddhi, Đoạn Nghi Tịnh, là giai đoạn thứ tư của Con Đường Trong Sạch (Thanh Tịnh Đạo)

[3] Maggāmaggañāṇadassanavisuddhi, Đạo Phi Đạo Tri Kiến Tịnh, giai đoạn thứ năm của Thanh Tịnh Đạo (visuddhimagga).

[4] Chín loại tuệ giác ấy -- tức udaya, vaya, bhaṅga, bhaya, ādīnava, nibbidā, muñcitukamyatā, paṭisaṅkhā, upekkhā ñāṇas được gọi chung là Paṭipadāñāṇādassanavisuddhi, Đạo Tri Kiến Tịnh, quan kiến trong sạch trong sự phân biện phuơng thức thực hành, giai đoạn thứ sáu của Thanh Tịnh Đạo.

[5] Tuệ giác nằm trong Đạo siêu thế có tên là Ñāṇadassana Visuddhi, Tri Kiến Tịnh, giai đoạn thứ bảy của Thanh Tịnh Đạo.

[6] Dr. Paul Dahlke.

[7] Xem bản dịch Dhammasaṅgani (từ Pāli ra Anh ngữ) trang 257-259.

[8] Xem bản dịch Dhammasaṅgani (từ Pāli sang Anh ngữ), trang 239.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]