Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

3. Những Duyên Hệ Của Danh Và Sắc

08/05/201111:55(Xem: 12520)
3. Những Duyên Hệ Của Danh Và Sắc

VI DIỆU PHÁP TOÁT YẾU

Nārada Mahā Thera- Phạm Kim Khánh dịch

Chương VIII

PACCAYA-SAṄGAHA-VIBHĀGO
Toát yếu về những duyên hệ

Những Duyên Hệ Của Danh Và Sắc

Bằng cách nào?

A/. Bằng sáu phương cách danh liên hệ với danh. Tâm vương và tâm sở vừa chấm dứt liên hệ với tâm vương và tâm sở khởi sanh liền theo đó trong hiện tại theo cách vô gián duyên, đẳng vô gián duyên, vô hiện hữu duyên và ly duyên.

Những tốc hành tâm (javanas) trước liên hệ với những tốc hành tâm theo liền kế đó theo cách tập hành duyên (tức thói quen lặp đi lặp lại).

Tâm vương và tâm sở đồng phát sanh tương quan liên hệ với nhau theo cách tương ưng duyên.

B/. Bằng năm phương cách danh liên hệ với danh và sắc.

Những yếu tố nhân, Thiền và Đạo liên hệ với danh và sắc đồng phát sanh theo cách nhân duyên, Thiền duyên, và Đạo duyên.

Tác ý (cetanā) đồng phát sanh liên hệ với danh và sắc đồng phát sanh và tác ý không đồng phát sanh liên hệ với danh và sắc do nghiệp tạo theo cách nghiệp duyên.

Các uẩn quả (thuộc danh pháp) tương quan liên hệ với nhau và với sắc đồng phát sanh theo cách quả duyên.

C/. Chỉ bằng một phương cách danh liên hệ với sắc.

Tâm vương và tâm sở khởi sanh liền theo sau sắc (trước đó), liên hệ với sắc trước theo cách hậu sanh duyên.

D/. Chỉ theo một phương cách sắc liên hệ với danh.

Trong đời sống sáu căn môn liên hệ với bảy thức giới và năm đối tượng liên quan với năm lộ trình thức theo phương cách tiền sanh duyên.

E/. Bằng hai phương cách những khái niệm, danh và sắc liên hệ với danh -- đó là cảnh duyên và thân y duyên.

Nơi đây cảnh có sáu là sắc, thinh v.v... Nhưng thân y duyên có ba là: cảnh thân y duyên, vô gián thân y duyên và bẩm chất thân y duyên (vì đó là bản chất cố hữu của nó).

Cảnh (đối tượng) tự nó khi trở thành nổi bật lên thì tác hành như một cảnh thân y duyên (điều kiện trọn vẹn tùy thuộc nơi đối tượng). Tâm và tâm sở vừa chấm dứt tác hành như vô gián thân y duyên (điều kiện trọn vẹn tùy thuộc liên tục không gián đoạn). Bẩm chất thân y duyên có nhiều loại: trạng thái tham v.v..., trạng thái có đức tin v.v..., an lạc, đau khổ, cá nhân, vật thực, thời tiết, điều kiện lưu trú, nội cảnh và ngoại cảnh, tùy trường hợp, tùy thuộc liên hệ với trạng thái đạo đức v.v... Nghiệp, cùng thế ấy, cũng liên hệ với quả.

F/. Danh và sắc liên hệ với danh và sắc theo chín phương cách tùy trường hợp -- đó là bằng cách tăng thượng duyên (điều kiện nổi bật), đồng sanh duyên (cùng khởi sanh chung), hổ tương duyên (tương trợ lẫn nhau), y chỉ duyên (nương nhờ), vật thực, căn duyên (khả năng kiểm soát), bất tương ưng duyên (điều kiện chia lìa), hiện hữu duyên (điều kiện có mặt), và bất ly duyên.

Nơi đây tăng thượng duyên có hai:

i. Cảnh duyên quan trọng liên hệ với trạng thái tâm theo cách tăng thượng duyên khách quan.

ii. Tăng thượng duyên gồm bốn phần cùng tồn tại trong một lúc, liên hệ với danh và sắc đồng thời hiện hữu theo cách đồng sanh duyên.

Duyên hệ đồng sanh gồm ba phần: tâm vương và tâm sở tương quan liên hệ với nhau và liên hệ với sắc pháp đồng hiện hữu; Tứ Đại tương quan liên hệ và liên hệ với những chuyển hóa của sắc pháp; ý căn và những danh uẩn hậu quả tương quan liên hệ vào lúc tái sanh.

Duyên hệ hỗ tương gồm ba phần: tâm vương và tâm sở tương quan liên hệ với nhau; Tứ Đại Chánh Yếu tương quan liên hệ với nhau; ý căn và các danh uẩn hậu quả tương quan liên hệ với nhau vào lúc tái sanh.

Y chỉ duyên gồm ba phần: tâm vương và tâm sở tương quan liên hệ với nhau và với các sắc pháp cùng hiện hữu; Tứ Đại tương quan liên hệ với nhau và với các chuyển hóa của sắc pháp; và sáu căn môn liên hệ với bảy thức giới theo cách y chỉ duyên.

Thực duyên gồm hai phần: vật thực ăn được liên hệ với thân nầy; và chất dinh dưỡng vô hình tướng liên hệ với danh và sắc đồng hiện hữu theo cách thực duyên.

Căn duyên gồm có ba phần: năm giác quan liên hệ với năm loại thức; sắc mạng căn liên hệ với những sắc pháp đã chấp thủ; những yếu tố thuộc danh mạng căn liên hệ với danh và sắc đồng hiện hữu theo cách căn duyên.

Bất tương ưng duyên gồm ba phần: Vào lúc bà mẹ thọ thai, ý căn liên hệ với quả (hậu quả của nghiệp), và tâm vương, tâm sở liên hệ với danh và sắc đồng khởi sanh theo cách tương ưng duyên; những tâm vương và tâm sở tiếp theo sau đó liên hợp với thân trước, theo cách tiền sanh duyên; sáu căn môn, trong đời sống, liên hệ với bảy thức giới theo cách tiền sanh duyên.

Năm loại duyên hệ -- đồng sanh duyên, tiền sanh duyên, hậu sanh duyên, thực duyên, sắc mạng căn duyên -- theo mọi phương cách liên hệ với hiện hữu duyên và bất ly duyên.

Tất cả mọi duyên hệ đều được bao gồm trong cảnh duyên, thân y duyên, nghiệp duyên và đồng sanh duyên.

Nơi đây sắc pháp đồng sanh nên được hiểu biết là có hai phần: xuyên qua cuộc sống nó phải được hiểu là khởi sanh do tâm, và vào lúc tái sanh là khởi sanh do nghiệp.

Tóm lược

Như vậy, những duyên hệ thuộc ba thời kỳ và ngoài thời gian; nội và ngoại, được cấu tạo (hữu vi) hay không được cấu tạo (vô vi) có ba phần, theo khái niệm, danh và sắc.

Tất cả, những tương quan duyên hệ, Paṭṭhāna, có hai mươi bốn.

Chú Giải

18. Hetu-paccaya, Nhân-Duyên.

Nơi đây danh từ paccaya có đôi phần khó hiểu. Chữ nầy được định nghĩa là cái gì do nhờ đó có hậu quả phát sanh. Nói cách khác, đó là nguyên nhân. Hơn nữa, danh từ nầy được giải thích là "yếu tố thuận lợi", hay "yếu tố hỗ trợ" (upakārako dhammo). Hetu được định nghĩa là "cái gì do đó một hậu quả được thiết lập". Chữ nầy được dùng trong ý nghĩa "cội rễ" (mūlaṭṭhena). Như rễ của cây là hetu; như phân bón giúp sức cho cây mọc lên là paccaya. Trong tạng Abhidhamma, Vi Diệu Pháp, hai danh từ liên hệ với nhau nầy được dùng trong hai ý nghĩa khác nhau. Tuy nhiên trong Tạng Kinh, hai danh từ nầy được xử dụng đồng nghĩa, không có sự phân biệt, thí dụ như nói ko hetu, ko paccayo -- lý do là thế nào? nguyên nhân là thế nào?

Trong bộ Paṭṭhana, Tương Quan Duyên Hệ, 24 paccaya (duyên) được liệt kê, và hetu, nhân là một trong số 24 ấy. Hetupaccaya, nhân duyên, được giải thích "nhân tự nó là một duyên" hoặc "là một hetu (nhân), nó trở thành paccaya (duyên)".

Danh từ hetu được giải thích là yếu tố hỗ trợ hay giúp ích trong ý nghĩa như rễ cây hỗ trợ, giúp cho cây lớn lên (mūlaṭṭhena upakārako dhammo). Duyên hệ theo cách "nhân duyên" có thể được xem là gần nghĩa nhất với danh từ.

(Xem Compendium, trang 279; Journal of the Pāli Text Society, 1915-1916, trang 29-53).

"Nhân" thuần túy tinh thần. Đó là sáu nhân thiện và bất thiện. Xem Chương I.

19. Ārammana, hoặc Ālambana, Cảnh (trong nghĩa trần cảnh), hay đối tượng.

Ārammaṇa do "a" + căn "ram", thích thú trong. Ālambana do "ā" + căn "lamb", đeo níu theo. Những gì mà chủ thể thích thú trong đó, hoặc đeo níu theo đó, là "cảnh" hay "đối tượng".

Có sáu loại cảnh. Thí dụ như hình sắc, tác hành như tương quan duyên hệ với nhãn thức theo phương cách "cảnh duyên". Phải nói rằng không có chi tại thế hay siêu thế mà không trở thành một đối tượng của tâm.

20. Adhipati, Tăng Thượng (trong ý nghĩa lớn trội lên).

Theo nghĩa đen, adhipati là tự mình nắm chủ quyền, hay làm chúa tể chính mình.

Một trong bốn yếu tố tăng thượng -- ý muốn, tư tưởng, tinh tấn và lý trí -- có thể vào một lúc nào, duyên hệ với những tâm sở và các sắc pháp đồng phát sanh theo cách "tăng thượng duyên".

"Mỗi khi những hiện tượng như tâm và tâm sở khởi sanh, làm nổi bật (tăng thượng) một trong bốn yếu tố thì đối với hiện tượng kia là một điều kiện hỗ trợ theo cách tăng thượng duyên". (Paṭṭhāna)

21. Anantara và Samanantara,

Vô Gián và Đẳng Vô Gián, tức liên tục không gián đoạn và tức khắc tiếp theo.

Trong ý nghĩa, không có sự khác nhau giữa hai danh từ. Hai chữ chỉ khác nhau theo ngữ nguyên. Theo triết học Phật Giáo, khi một chặp tư tưởng chấm dứt thì tạo điều kiện cho một chặp tư tưởng khác khởi sanh liền tức khắc. Chặp tư tưởng sau thừa hưởng tất cả tiềm năng của chặp tức khắc liền trước đó. Trạng thái của chặp tư tưởng hoại diệt duyên hệ với chặp tư tưởng sau liền kế đó theo cách vô gián duyên và đẳng vô gián duyên.

22. Sahajāta, Đồng Sanh.

Duyên hệ theo phương cách đồng sanh, thí dụ như bốn danh uẩn -- thọ, tưởng, hành, thức -- những tâm sở khác nhau đồng phát sanh cùng lúc trong một loại tâm, bốn Đại Chánh Yếu (đất, nước, lửa, gió) đồng khởi sanh cùng lúc, sự hiện hữu của ba "thành-phần-mười", vào lúc được thọ thai v.v... Ta có thể ghi nhận rằng trong pháp Paṭicca-samuppāda (Tùy Thuộc Phát Sanh) cả hai xúc và thọ hiện hữu như nhân (xúc) và quả (thọ) đồng phát sanh cùng một lúc, theo phương cách đồng sanh duyên.

Một tâm sở có thể đồng sanh với một tâm sở, một danh pháp với một sắc pháp, một sắc pháp với một sắc pháp, và một danh pháp với một danh pháp.

23. Aññamañña, Hỗ Tương.

Cũng như trong một cây nạn chống có ba chân, chân nào cũng cần thiết, giúp chống đỡ hai chân kia, cùng thế ấy danh pháp và sắc pháp, duyên hệ lẫn nhau theo phương cách hỗ tương duyên. Nên phân biệt hai duyên hệ, đồng sanh và hỗ tương. Nó không giống hệt nhau. Thí dụ như sắc pháp do tâm tạo không hỗ tương duyên hệ với cái tâm hiện hữu, hay như những chuyễn hóa của Tứ Đại hiện hữu. Thông thường danh và sắc hỗ tương liên hệ với nhau.

24. Nissaya và Upanissaya, Y Chỉ và Thân Y Chỉ,

tức tùy thuộc nương nhờ và trọn vẹn tùy thuộc nương nhờ. Danh từ upanissaya do "upa" + "ni" + căn "si", nói dối. Upa là một tiếp đầu ngữ nhằm tăng cường ý nghĩa. Cũng như cây cối tùy thuộc nương nhờ nơi đất để đứng vững, như bức tranh tùy thuộc nơi cái khung căng bố để người họa sĩ vẻ trên đó, nissaya, y chỉ duyên, cũng dường thế ấy. Upanissaya được định nghĩa là hình thức mạnh mẽ của nissaya. Y chỉ và thân y chỉ được so sánh như những cơn mưa mà cây cối phải tùy thuộc nương nhờ. S. Z. Aung phiên dịch upanissaya là "điều kiện đầy đủ". Thí dụ như năm trọng nghiệp là giết mẹ, giết cha v.v... sẽ là một upanissaya, điều kiện đầy đủ, để tạo quả tái sanh trong khổ cảnh. Giới thân cận, giáo dục tốt đẹp v.v... sẽ là duyên hệ theo phương cách y chỉ duyên (nissaya), tức điều kiện nương nhờ, để có được sức khoẻ, tài sản sự nghiệp, và kiến thức sâu rộng trong một kiếp sống tương lai. Cũng như hành động thiện trở thành upanissaya, thân y chỉ, tức sự nương nhờ mạnh mẽ, cho những hành vi tốt trong tương lai, cùng thế ấy, nó cũng có thể trở thành upanissaya cho những hành vi xấu, thí dụ như lòng hãnh diện kiêu căng.

Xem bài viết thâm sâu của Ngài Ledi Sayadaw về vấn đề nầy trong Pāli Text Society Journal, 1916, trang 49-53.

25. Purejāta, Tiền Sanh.

Sanh ra trước, hoặc cái gì hiện hữu trước đó. Sáu căn môn vật chất và sáu trần cảnh đối tượng được xem là tiền sanh duyên. Những vật tiền sanh, đã hiện hữu trước đó, chỉ được xem là duyên hệ khi nó vẫn còn tiếp tục hiện hữu trong hiện tại chớ không phải chỉ vì trước đó nó hiện hữu.

26. Pacchājāta, Hậu Sanh.

Trong 89 loại tâm vương, 85 loại, ngoại trừ bốn tâm quả Vô Sắc, và 52 tâm sở, duyên hệ tiền sanh với cơ thể vật chất theo cách hậu sanh duyên.

27. Āsevana, Tập Hành, tức thói quen huân tập, lặp đi lặp lại.

Thông thường, một thói quen được lặp đi lặp lại có chiều hướng giúp cho mình điêu luyện trong công việc làm ấy. Điều nầy áp dụng cho việc tốt cũng như cho những việc làm xấu. Bằng cách lặp đi lặp lại nhiều lần ta có thể tự tạo nhiều khả năng trong một công việc. Āsevana có nghĩa là sự lặp đi lặp lại như vậy. Trong lộ trình của tốc hành tâm (javana) chặp tư tưởng thứ nhì duyên hệ với chặp thứ nhất, chặp thứ ba duyên hệ với chặp thứ nhì, chặp thứ tư liên hệ với chặp thứ ba theo phương cách tập hành duyên. Vì lẽ ấy chặp tư tưởng thứ tư của tốc hành tâm được xem là có năng lực rất mạnh.

28. Kamma, Nghiệp.

Nghiệp có nghĩa là tác ý, vốn giữ vai trò trọng yếu trong sự tạo nghiệp thiện hay nghiệp bất thiện bằng ý, khẩu, hay thân. Tác ý nầy mà danh từ chuyên môn gọi là Nghiệp, duyên hệ với những sắc pháp khởi sanh do Nghiệp v.v... Cũng như hột duyên hệ với cây, cùng thế ấy Nghiệp (Kamma) duyên hệ với quả phải có, không thể tránh.

29. Vipāka, Quả

Cũng như làn gió mát làm êm dịu lòng người ngồi dưới tàng bóng mát mẻ của một cội cây, cùng thế ấy các tâm sở hậu quả của những loại tâm có bản chất an lành thanh tịnh duyên hệ với những tâm sở và những sắc pháp đồng phát sanh theo phương cách quả duyên.

30. Āhāra, Vật Thực.

Cũng như thức ăn vật chất bồi bỗ cơ thể vật chất, cùng thế ấy, thức ăn tinh thần đem chất dinh dưỡng đến cho những trạng thái tâm. Thức ăn liên hệ với cơ thể theo cách thực duyên, hay điều kiện dinh dưỡng vật chất, cùng thế ấy những xúc chạm tinh thần (phassa) duyên hệ với những thọ cảm, với những tác ý hay hành động thiện và bất thiện (manosañcetanā), với thức tái sanh (paṭisandhi viññāṇa); và thức tái sanh (viññāṇa) duyên hệ với danh và sắc.

31. Indriya, Căn.

Căn là những yếu tố được lược kê trong Chương VĪ, trở thành duyên hệ với danh pháp và sắc pháp đồng thời hiện hữu bởi vì nó tác hành nhiệm vụ kiểm soát trong phạm vi của nó. Thí dụ như tín căn kiểm soát những tâm sở đồng phát sanh thuộc về đức tin trong tôn giáo; danh mạng căn và sắc mạng căn kích thích, khơi dậy, làm sống sự linh động cho danh và sắc; niệm căn kiểm soát các tâm sở trong phạm vi quán niệm; thọ căn, trong sự ưu phiền và hạnh phúc v.v...

32. Jhāna, Thiền.

Bảy chi thiền: 1. tầm, 2. Tứ (hay sát), 3. phỉ, 4. lạc, 5. xả, 6. khổ, và 7. định, hay nhất điểm tâm, tương quan duyên hệ với nhau và duyên hệ với những tâm sở đồng phát sanh theo phương cách tri giác và quán niệm. Thí dụ như chi thiền tầm (vitakka) duyên hệ với các tâm sở đồng phát sanh bằng cách hướng dẫn những tâm sở ấy về đối tượng. Xem Chương I.

1, 2, 3, 4, 7 nằm trong hai loại tâm bắt nguồn từ tham; 1, 2, 6, 7 trong những loại tâm sân; 1, 2, 5, 7, trong các loại tâm si.

33. Magga, Đạo.

Magga có nghĩa là phương cách hay con đường. Một con đường dẫn đến những trạng thái đau khổ, khổ cảnh, con đường kia đưa đến những trạng thái hạnh phúc. Cỗ xe chở khách đi đường đến khổ cảnh là những "Chi Đạo" tà kiến, tà tư duy, tà tinh tấn, và tà định. Chiếc xe chạy thẳng đến những trạng thái hạnh phúc là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định. Những chi đạo nầy duyên hệ với cả hai danh và sắc, đưa đi xuống trong trường hợp bất thiện pháp, và đưa vượt ra khỏi những kiếp sinh tồn (niyyāna) trong trường hợp thiện pháp.

34. Sampayutta, Tương Ưng, hay liên hợp với.

Mặc dầu có những đặc tính cá biệt rõ ràng nhưng trong quan kiến cùng tột, vì những tâm sở đồng phát sanh, đồng hoại diệt trong một lúc, đồng có chung một đối tượng, và khởi sanh ở chung một căn môn, cho nên tất cả đều tương quan duyên hệ với nhau theo cách tương ưng duyên.

35. Vippayutta, Bất Tương Ưng,

tức chia tách ra. Vippayutta là nghịch nghĩa với sampayutta. Vị ngọt và vị đắng có thể trợ giúp lẫn nhau bằng cách là khác nhau. Thí dụ như cái tâm tùy thuộc nơi ý căn, tức duyên hệ với ý căn theo cách "bất tương ưng" bởi vì cả hai, tâm và ý căn không tương quan dính liền với nhau, như nước và lá sen.

36. Atthi, Hiện Hữu.

Atthi là sự duyên hệ của những trạng thái đồng phát sanh trong hiện tại, giống như đồng sanh duyên. Thí dụ như trạng thái thấy đối tượng là do có sự hiện hữu của ánh sáng.

37. Natthi, Vô Hiện Hữu, tức vắng mặt trong hiện tại.

Cũng như lúc ánh sáng tan biến thì tiếp theo sau đó là bóng tối, cùng thế ấy khi cái đi trước tan biến thì cái đi tiếp theo sau xuất hiện. Đó là duyên hệ theo phương cách "vô hiện hữu", tức không có mặt. Thí dụ như nhãn thức (dassana) tương quan duyên hệ với cái tức khắc tiếp liền theo sau là sự hiểu biết rõ ràng (sampaticchana) theo cách vô hiện hữu duyên.

38. Vigata và Avigata, Ly và Bất Ly.

Theo thứ tự, cũng giống như Natthi và Atthi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]