Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. 18 loại tâm vô nhân

08/05/201111:55(Xem: 10466)
4. 18 loại tâm vô nhân

VI DIỆU PHÁP TOÁT YẾU

Nārada Mahā Thera
Phạm Kim Khánh dịch

Chương I

(CITTA - SAṄGAHA - VIBHĀGO)

NHỮNG LOẠI TÂM VƯƠNG KHÁC NHAU

Ahetuka CittĀni -- 18
18 loại tâm vô nhân

5.

Akusala Vipāka Cittāni

(1) Upekkhāsahagataṁ Cakkhuviññāṇaṁ; tathā (2) Sotaviññāṇaṁ, (3) Ghāṇaviññāṇaṁ, (4) Jivhā- viññāṇaṁ, (5) Dukkhasahagataṁ, Kāyaviññāṇaṁ, (6) Upekkhāsahagataṁ Sampaṭicchanacittaṁ, (7) Upekkhāsahagataṁ Santīraṇacittañ c'āti.

Imāni satta'pi Akusala Vipāka Cittāni nāma.

Kusala Vipāk'āhetuka Cittāni

(8) Upekkhāsahagataṁ kusalavipākaṁ Cakkhu-viññāṇaṁ; tathā (9) Sotaviññāṇaṁ, (10) Ghāṇa- viññāṇaṁ, (11) Jivhāviññāṇaṁ, (12) Sukhasaha-gataṁ Kāyaviññāṇaṁ, (13) Upekkhāsahagataṁ Sampaṭicchanacittaṁ, (14) Somanassasahagataṁ Santīraṇacittaṁ, (15) Upekkhāsahagataṁ Santīraṇa cittaṁ c'āti.

Imāni aṭṭha'pi Kusalavipāk'āhetuka cittāni nāma.

Ahetuka Kiriya Cittāni

(16) Upekkhāsahagataṁ Pañcadvārāvajjanacitaṁ; tathā (17) Manodvārāvajjanacittaṁ, (18) Somanassa- sahagataṁ Hasituppādacittañ c'āti.

Imāni tīṇi' pi Ahetuka-Kiriya Cittāni nāma.
Icc'evaṁsabbathā'pi aṭṭhārasāhetukacittāni samattāni
Sattākusalapākāni -- puñ
ñāpākāni aṭṭhadhā
Kiriyāciṭṭāni tīṇī'ti -- aṭṭhārasa Ahetukā.

§5

Tâm Quả Bất Thiện Vô Nhân:

(1) Nhãn thức, đồng phát sanh cùng thọ xả. Cùng thế ấy (2) Nhĩ thức, (3) Tỷ thức, (4) Thiệt thức, (5)Thân thức, đồng phát sanh cùng thọ khổ, (6) Tiếp Thọ Tâm, đồng phát sanh cùng thọ xả, (7) Suy Đạc Tâm, đồng phát sanh cùng thọ xả.

Bảy loại tâm nầy là tâm Quả Bất Thiện Vô Nhân.

Tâm Quả Thiện Vô Nhân:

(8) Nhãn thức Quả Thiện, đồng phát sanh cùng thọ xả. Cùng thế ấy, (9) Nhĩ thức, (10) Tỷ thức, (11) Thiệt thức, (12) Thân thức, đồng phát sanh cùng thọ lạc, (13) Tiếp Thọ Tâm, đồng phát sanh cùng thọ xả, (14) Suy Đạc Tâm, đồng phát sanh cùng thọ hỷ, (15) Suy Đạc Tâm, đồng phát sanh cùng thọ xả.

Tám loại tâm nầy là tâm Quả Thiện Vô Nhân.

Tâm Hành Vô Nhân:

(16) Ngũ Môn Hướng Tâm, đồng phát sanh cùng thọ xả. Cùng thế ấy, (17) Ý Môn Hướng Tâm, (18) Tiếu sanh Tâm, đồng phát sanh cùng thọ Hỷ.

Ba loại tâm nầy là tâm Hành Vô Nhân.

Như vậy chấm dứt, tất cả có mười tám loại Tâm Vô Nhân.

TÓM LƯỢC:

Bảy tâm Quả Bất Thiện. Tám tâm Quả Thiện. Ba tâm Hành. Tâm Vô Nhân có mười tám.

Chú Giải:

23. Hetu, Nhân

Hetu thường được dịch là "điều kiện tạo nhân". Trong những bài kinh ta thường gặp các câu như "ko hetu ko paccayo", do nhân nào, do duyên nào. Trong Vi Diệu Pháp, Abhidhamma, hai danh từ hetu và paccaya được phân biệt rõ ràng và mỗi chữ có một ý nghĩa riêng biệt. Hetu là nguyên nhân, hay căn cội, nguồn gốc từ đó phát xuất, chỉ sáu nhân (tham, sân, si, và không tham, không sân, không si) đã được giải thích ở phần trên. Paccaya là điều kiện hỗ trợ, hay duyên (upakāraka dhamma). Hetu như rễ cây. Paccaya như nước, phân bón v.v...

Mười tám loại tâm kể trên được gọi là "Ahetuka" vì các loại tâm nầy không có "nhân đồng phát sanh" (sampa-yuttaka hetu). Phải hiểu rằng chí đến các loại tâm vô nhân (ahetuka citta) nầy cũng phải có một hiệu nhân (nibbattaka hetu, nhân có hiệu lực, hay khả năng trổ quả). Ngoài ra, 71 loại tâm còn lại gọi là sa-hetuka, hữu nhân. Hai loại chỉ có một nhân, sáu mươi chín loại có hai hoặc ba nhân.

24. Dvipañcaviññāṇa, Ngũ Song Thức

Ở đây có năm cặp tâm quả, thiện và bất thiện (tức năm tâm quả thiện và năm tâm quả bất thiện) được liệt kê. Gọi như vậy bởi vì các loại tâm, hay thức, nầy tùy thuộc ở năm giác quan. Những tâm nầy tương đối yếu ớt nên chỉ phát sanh cùng thọ Xả, hay vô ký, ngoại trừ thân thức, phát sanh cùng thọ Khổ hay thọ Lạc. Nên ghi nhận rằng trong Abhidhamma năm cặp tâm nầy có khi được đề cập đến là "Dvipañcaviññāṇa" (Ngũ Song Thức). Còn hai loại tâm Sampaṭicchana citta, Tiếp Thọ tâm, và Pañcadvārāvajjana citta, Ngũ Môn Hướng tâm, được gọi là "Mano-Dhātu", Ý Giới, hay nguyên tố tâm, và 76 loại còn lại là "Mano Viññāna Dhātu", Ý Thức Giới.

25. Sampaṭicchana, Tiếp Thọ Tâm,

Là khoảnh khắc lúc tâm tiếp nhận và thọ lãnh một đối tượng, trần cảnh. Santīraṇa là lúc tâm dò xét, quan sát đối tượng, Suy Đạc Tâm. Còn lúc tâm hướng về đối tượng của một trong năm giác quan thì gọi là Pañcadvārāvajjana, Ngũ Môn Hướng Tâm. Manodvārāvajjana, Ý Môn Hướng Tâm, là lúc tâm hướng về đối tượng tinh thần. Pañcadvārāvajjana và Manodvārāvajjana là hai chặp tư tưởng duy nhất thuộc về tâm hành (kriyā) mà người không đắc Quả A La Hán có thể có. Tất cả các tâm hành khác (Kiriya Cittas, cũng được gọi là tâm "duy tác", có làm mà không tạo nghiệp) thì chỉ chư Phật và chư vị A La Hán có.

Chính Manodvārāvajjana citta, Ý Môn Hướng Tâm sẽ tác hành nhiệm vụ quyết định (Votthapana), sẽ được đề cập đến trong phần sau.

26. Hasituppāda, Tiếu Sanh Tâm

Là một loại tâm riêng biệt của chư vị A La Hán. Nguyên nhân của sự mĩm cười là một thọ Hỷ. Tùy tâm tánh mỗi người, mười ba loại tâm có thể làm mĩm cười. Một phàm nhân tầm thường (puthujjana) có thể cười với một trong bốn loại tâm bắt nguồn từ căn Tham đồng phát sanh cùng thọ Hỷ, hay một trong bốn loại tâm Kusala Citta, Thiện, đồng phát sanh cùng thọ Hỷ.

Chư vị Nhập Lưu (Sotāpanna), Nhứt Lai (Sakadā- gāmi), và Bất Lai (Anāgāmi) có thể mĩm cười với một trong hai loại tâm bất thiện không liên hợp với tà kiến, đồng phát sanh cùng thọ Hỷ, hoặc một trong bốn tâm Thiện (Kusala Cittas).

Chư vị A La Hán và chư Phật Độc Giác (Pacceka Buddha) có thể mĩm cười với một trong bốn loại tâm Hành Đẹp (Sobhana Kiriya Citta, Duy Tác Tịnh Quang Tâm) hoặc Hasituppāda (Tiếu Sanh Tâm), tâm làm mĩm cười.

Chư Phật Chánh Giác (Sammā Sambuddho) mĩm cười với một trong hai tâm Hành Đẹp (Sobhana Kiriya Citta, Duy Tác Tịnh Quang Tâm) đồng phát sanh cùng Trí Tuệ và thọ Hỷ. Trong Hasituppāda (Tiếu Sanh Tâm, hay tâm làm mĩm cười) chỉ có niềm vui suông.

Sách Compendium of Philosophy viết rằng kinh điển Phật Giáo có ghi nhận sáu phân hạng cười:

1. Sita, một nụ cười mĩm, biểu hiện nhẹ nhàng trên vẻ mặt.
2. Hasita, một nụ cười chỉ nhích môi vừa đủ hé cho người ta thấy chót răng.
3. Vihasita, nụ cười khẽ phát ra một tiếng động nhỏ.
4. Upahasita, một nụ cười làm chuyển động đầu vai và tay.
5. Apahasita, một nụ cười làm chảy nước mắt.
6. Atihasita, bật cười lớn tiếng, ngả nghiêng ngả ngửa làm chuyển động cả thân mình, từ đầu đến chân.

Vậy, cười là một hình thức diễn đạt của thân (kāyaviññatti) có thể, hay không, phát sanh cùng với tiếng động (vacīviññatti). Người có văn hóa giáo dục cười với hai hạng đầu. Người thường với hai hạng giữa, và hạng chúng sanh thấp kém có hai lối cười xếp hạng sau cùng.

27. Tiến Trình Tâm

Tâm, chủ thể, tiếp nhận đối tượng từ bên trong hay bên ngoài.

Khi đang ngủ mê, tâm được gọi là an nghỉ, hay nói cách khác là ở trong trạng thái Bhavaṅga. Chúng ta luôn luôn có một trạng thái tâm tiêu cực như thế khi tâm không tương ứng với ngoại cảnh. Luồng Bhavaṅga (Hộ Kiếp) ấy bị gián đoạn khi có một đối tượng nhập vào tâm. Lúc ấy tâm Bhavaṅga rung động trong một sát na (chặp tư tưởng) và tan biến.

Kế đó Ngũ Môn Hướng Tâm (Pañcadvārāvajjana) khởi sanh và diệt. Đến giai đoạn nầy dòng trôi chảy tự nhiên bắt đầu bị kiểm soát và chuyển hướng về đối tượng. Tức khắc sau đó nhãn thức [1] (Cakkhu Viññāṇa) khởi sanh và diệt, nhưng không hiểu gì hơn ngoài sự thấy đối tượng. Tiếp theo tác hành nầy của giác quan có một chặp tư tưởng tiếp thâu đối tượng đã nhận (Sampaṭicchana) gọi là Tiếp Thọ Tâm. Rồi đến khả năng dò xét (Santīraṇa, Suy Đạc Tâm) trong chốc lát quan sát đối tượng đã tiếp thâu. Sau đó đến giai đoạn nhận định gọi là Xác Định Tâm (Voṭṭhapana) phân biện lựa chọn. Đây là giai đoạn mà ý chí tự do góp phần của nó. Sau đó là giai đoạn tâm lý cực kỳ quan trọng -- giai đoạn Javana, Tốc Hành, hay Xung Lực. Chính ở giai đoạn nầy mà hành động được xét là thiện hay bất thiện. Nghiệp được tạo ở giai đoạn nầy. Nếu nhận định chân chánh (yoniso manasikāra, có sự chú ý chân chánh) Javana trở nên thiện. Nhận định sai lầm (ayoniso manasikāra) luồng Javana trở nên bất thiện. Trong trường hợp một vị A La Hán luồng Javana nầy không thiện, cũng không bất thiện, mà chỉ thuộc về cơ năng, hành (kiriya, duy tác, chỉ có tác hành mà không tạo hậu quả). Giai đoạn Javana nầy thường trôi chảy trong bảy sát na tâm (chặp tư tưởng). Lúc lâm chung chỉ có năm chặp. Toàn thể tiến trình chỉ tồn tại trong một thời gian cực nhỏ, chấm dứt bằng tâm ghi nhận, hay Đăng Ký Tâm (Tadālambana), kéo dài hai chặp.

Như vậy, hoàn tất trọn vẹn lộ trình một tư tưởng sau mười bảy chặp tư tưởng, hay sát-na tâm[2].

Ba loại tâm Bhavaṅga là Vipāka (quả). Ba loại nầy hoặc là một trong hai chặp tâm Suy Đạc (Santīraṇa) đồng phát sanh cùng thọ Xả, đã được đề cập đến trong phần trước, hoặc một trong tám loại tâm Quả Đẹp (Sobhana Vipāka Cittas), sẽ được mô tả trong đoạn 6.

Pañcadvārāvajjana (Ngũ Môn Hướng Tâm) là một tâm Hành (Kiriyā Cittas). Pañca Viññāṇa (Ngũ Quan Thức) là một trong mười tâm Quả Thiện và Bất Thiện (Kusala và Akusala Vipāka Cittas). Sampaṭicchana (Tiếp Thọ Tâm) và Santīraṇa (Suy Đạc Tâm) cũng là tâm Quả (Vipāka Cittas). Manodvārāvajjana (Ý Môn Hướng Tâm), một tâm Hành (Kiriyā Citta) tác hành như Xác Định Tâm (Votthapana). Ta có thể vận dụng tự do ý chí ở giai đoạn nầy. Bảy chặp của luồng Javana tạo thành nghiệp (Kamma).

Đăng Ký Tâm (Tadālambana) là một tâm Quả (Vipāka), một trong ba tâm Suy Đạc (Santīraṇa) hay một trong tám tâm Quả Đẹp (Sobhana Vipāka Cittas).

Như vậy, trong một tiến trình tư tưởng có nhiều chặp, và các chặp tư tưởng nầy có thể là Nghiệp (Kamma), Quả (Vipāka), hay Hành (Kiriyā) [3].

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]