Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

10 Hành Sách Ðại Sư

07/05/201111:10(Xem: 8008)
10 Hành Sách Ðại Sư
Hành Sách Ðại Sư
Liên Tông Thập Tổ


chutotinhdo-10Hành Sách Ðại Sư, tự là Triệt Lưu, người đời nhà Thanh, con của Tưởng Toàn Xương, một bậc lão nho ở vùng Nghi Hưng, Cha ngài là bạn phương ngoại với Ðức Thanh Hòa thượng, tức Hám Sơn Ðại Sư.

Niên hiệu Thiên Khải thứ sáu, sau khi Hám Sơn Ðại Sư thị tịch được ba năm, một đêm Tưởng Toàn Xương nằm mộng thấy ngài Hám Sơn vào nhà mình. Cũng trong đêm ấy, Hành Sách Ðại Sư sanh ra, nên nhân đó ngài lại được cha đặt cho ngoại hiệu là Mộng Hám. Ðến khi khôn lớn, cha mẹ kế tiếp qua đời, ngài cảm sự thế vô thường, có ý niệm thoát tục.

Năm hai mươi ba tuổi, ngài thế phát xuất gia với Nhược Am Hòa Thượng ở chùa Lý An. Tu hành tinh tấn không đặt lưng xuống chiếu. Trải năm độ nắng mưa, ngài tỏ suốt nguồn chân, ngộ vào pháp tánh. Sau khi Nhược Am Hòa Thượng thị tịch, Ðại Sư trụ trì chùa Báo Ân. Thời gian này, ngài được bạn đồng tham là Tức Am thiền sư khuyên tu Tịnh Ðộ, lại gặp Tiều Thạch Pháp Sư hướng dẫn duyệt lãm về Thiên Thai Giáo Quán. Kế đó, ngài cùng Tiều Thạch Pháp Sư đồng nhập thất tu môn Pháp Hoa tam muội. Nhân đây, túc huệ của Ðại Sư khai phát, ngộ suốt đến chỗ cốt tủy của Thai giáo.

Niên hiệu Khang Hy thứ hai, ngài cất am ở núi Pháp Hoa, bên bờ sông Tây Khê tại Hàng Châu, chuyên tu Tịnh Ðộ. Nhân đó lại đặt tên chỗ ở của mình là Liên Phụ Am. Ðến năm Khang Hy thứ chín, Ðại Sư trụ trì chùa Phổ Nhân ở Ngư Sơn, đề xướng thành lập Liên Xã. Học giả các nơi hưởng ứng tu tập rất đông. Ngài từng làm bài văn khuyên phát lòng tin chân thật rằng:

"Phần đông người tu tập xưa nay đều ưa thích Niệm Phật tam muội. Tuy nói quả cao để tu tiến, mà kẻ sau ít được thành công. Ấy bởi do tín nguyện không chuyên, nên chẳng thể đồng về cảnh Tịnh. Nay đã họp nhiều liên hữu, cùng nhau tu tập Tịnh nhân, nếu không xét kỹ chỗ phát tâm, đâu biết rõ lối đường thoát khổ. Ðồng nhơn chúng ta dựa vào pháp hội, lòng tin chí nguyện phải thật, phải chân. Nếu không chân chính, tuy ăn chay niệm Phật, tu phước phóng sanh, chỉ là người lành thế gian, duy hưởng nhơn thiên phước báo. Lúc hưởng phước vui, dễ bề tạo nghiệp, đã tạo nhiều nghiệp ác, phải đọa khổ luân hồi. Ðiều này dùng chánh nhãn xét xem: chỉ hơn bọn xiển đề một bước! Nếu lòng tin như thế, đâu được gọi là chân? Vậy chân tín là thế nào?

Thứ nhất phải tin: Tâm, Phật và chúng sanh, cả ba không sai khác. Chúng ta là Phật chưa thành, Di Ðà là Phật đã thành. Giác tánh đồng một vẫn không có hai. Ta tuy điên đảo mê lầm, giác tánh chưa từng mất. Ta tuy nhiều kiếp luân chuyển, giác tánh chưa từng động. Nên nói: Khi một niệm hồi quang đồng về nơi bản đắc là như thế.

Thứ hai phải tin: Chúng ta là Phật danh tự, Di Ðà là Phật cứu cánh, tánh tuy không khác, ngôi cách vực trời. Nếu không chuyên niệm đức Phật kia, cầu về cõi Tịnh; tất phải chịu theo nghiệp lưu chuyển, chịu khổ vô cùng! Ðây gọi là pháp thân lưu chuyển sáu nẻo, không được thành Phật, mà vẫn cam phận chúng sanh.

Thứ ba phải tin: Chúng ta dù nghiệp sâu chướng nặng, sống lâu nơi cảnh khổ, vẫn là chúng sanh trong tâm của Di Ðà. Di Ðà tuy muôn đức trang nghiêm an vui ở cõi Tịnh, cũng là vị Phật trong tâm của chúng ta. Ðã rõ chân tâm vốn không hai, tất biết cảm ứng tự giao tiếp. Như đá nam châm hút sắt, việc này đâu lựa phải nghi? Ðây gọi: nhớ Phật, niệm Phật, hiện tiền hoặc tương lai, quyết định sẽ thấy Phật, cách Phật chẳng xa vậy.

Ðủ lòng tin chân thật như trên, tuy chút phước điểm lành như hạt bụi mảy lông, đều có thề hồi hướng Tây Phương, trang nghiêm Tịnh Ðộ. Huống nữa trì trai giữ giới, bố thí, phóng sanh, đọc tụng Ðại Thừa, cúng dường Tam bảo, tu các hạnh lành, há chẳng đủ làm tư lương Tịnh Ðộ ư? Chỉ e lòng tin chẳng chân thành, mới khiến bị chìm nơi hữu lậu. Cho nên trong việc tịnh tu, không chước chi lạ. muốn công không luống uổng, quả được tròn nên, thì ngày đêm khi hành đạo, không rời điều tin trên mà thôi!"

Ðại Sư thường tổ chức những kỳ đả thất để khuyến thích đại chúng tinh tấn thêm. Trong các kỳ thất, ngài khai thị đại ý rằng:

"Bảy ngày trì danh quí nơi giữ một lòng không loạn, chớ để trần lụy xen vào, không phải niệm mau, niệm nhiều là hay. Cách trì danh cần không huỡn, không gấp, bền bỉ chắc chắn, khiến cho câu Phật hiệu hiện rành rõ nơi tâm. Khi đi, đứng, nằm, ngồi, ăn cơm mặc áo, nên giữ câu hồng danh liên tục chẳng dứt, không tán loạn hôn trầm dường như hơi thở ra vào nối tiếp. Trì danh như thế gọi là nhứt tâm tinh tấn về phần Sự.

Nếu thể cứu được sâu vào thì muôn pháp đều như, nguyện không hai tướng. Ðó là chúng sanh cùng Phật, mình cùng người, nhân với quả, y báo với chánh báo, nhơ cùng sạch, khổ cùng vui, ưa với chán, lấy với bỏ, Bồ Ðề cùng phiền nảo, sanh tử cùng Niết Bàn.. các pháp ấy đều không hai, đều đồng một tướng, đồng một thể thanh tịnh. Như thế cứ thể cứu một cách thiết thật, không cần phải gắng gượng an bài. Thể cứu đến lúc cùng cực bỗng nhiên khế hợp với bản tâm. Chừng đó mới biết mặc áo, ăn cơm cũng là tam muội, cười đùa, giận mắng đều việc độ sanh. Khi ấy nhất tâm hay loạn tâm trọn thành hý luận, ngày đêm sáu thời tìm một mảy tướng khác cũng không thể được. Liễu đạt như thế mới chân chánh là người học đạo. Và trì danh như thế, gọi là nhứt tâm tinh tấn về phần Lý.

Sự nhứt tâm như trước tợ khó mà dễ. Lý nhứt tâm như sau tợ dễ mà khó. Chỉ nhứt tâm được như trước, quyết chắc dự phần vãng sanh. Nếu kiêm thêm cảnh nhất tâm sau, tất có thể lên ngôi Thượng Phẩm. Nhưng hai thứ nhứt tâm đây, đều là phần việc kẻ bác địa phàm phu, người hữu tâm đạo tục trong Liên Xã đều phải sách tấn thân tâm: gần trong bảy ngày, xa suốt một đời, nếu thường tin và tu như thế thì dù không chứng quả, cũng mạnh nhân sen. Ngày kia gởi chất liên trì tất không thuộc phẩm Trung, Hạ vậy.

Ðại Sư trụ trì chùa Phổ Nhân được mười ba năm. Niên hiệu Khang Hy thứ hai mươi mốt, ngày mùng Chín tháng Bảy, ngài thoát hóa, thọ 55 tuổi. Khi ấy có ông Tôn Hàn bị cấp bịnh tắt hơi, hôm sau bỗng sống lại nói: “Tôi bị minh ty bắt giam cầm nơi điện Diêm La. Bỗng đâu trong chỗ tối tăm thấy ánh sáng rực trời, hương hoa đầy khắp hư không. Vua Diêm La quỳ mọp xuống đất, đưa một vị Ðại Sư về Tây Phương. Tôi thưa hỏi Ðại Sư nào, được đáp là ngài Triệt Lưu. Nhờ ánh sáng của Ðại Sư chiếu đến, tôi mới được tha trở về”. Ðồng ngày ấy có con nhà họ Ngô chết, qua một đêm sống lại, cũng thuật việc mình nghe thấy y như ông Tôn Hàn.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]