Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm Thứ Bảy: Lợi Ích Cho Cả Kẻ Còn Người Mất

06/05/201107:22(Xem: 11191)
Phẩm Thứ Bảy: Lợi Ích Cho Cả Kẻ Còn Người Mất

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN THIỂN THÍCH
Tuyên Hóa Thượng Nhân giảng thuật
Vạn Phật Thánh Thành

Quyển Trung
Phẩm Thứ Bảy
LỢI ÍCH CHO CẢ KẺ CÒN NGƯỜI MẤT

"Lợi ích" ở đây là lợi ích gì? Đó là sự lợi ích mà cả "kẻ còn" cùng "người mất" đều được thọ hưởng. "Kẻ còn" tức là người còn sống, và "người mất" tức là người đã chết. Phẩm này mang lại sự lợi ích cho cả người sống lẫn người chết. Đối với người còn sống thì có được những lợi ích như thế nào ư? Tất cả đều được giảng giải rõ ràng trong phẩm thứ bảy này.

Kinh văn:

Lúc đó, Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát bạch cùng Đức Phật rằng: "Bạch Đức Thế Tôn! Con xem xét chúng sanh trong cõi Diêm Phù, cử tâm động niệm không chi là chẳng phải tội. Họ từ bỏ những thiện lợi có được và phần nhiều thối thất tâm tốt ban đầu, nếu gặp ác duyên thì niệm niệm tăng trưởng. Những hạng người này như kẻ đi trong bùn lầy mà còn mang đá nặng, nên càng khốn đốn, nặng thêm dần, chân càng lún xuống sâu.

Nếu được gặp hàng Tri Thức thì sẽ được gánh vác giùm bớt, hoặc gánh hết cho. Vì hàng Tri Thức đó có sức rất mạnh, lại dìu đỡ, khuyến khích làm cho mạnh chân lên. Nếu đến chỗ đất bằng phẳng rồi, thì phải xét nghĩ đến con đường hiểm xấu ấy, không đi vào đó nữa."

Lược giảng:

Lúc đó, khi nói phẩm thứ bảy "Lợi Ích Cho Cả Kẻ Còn Người Mất" này, Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát bạch cùng Đức Phật rằng: "Bạch Đức Thế Tôn! Con xem xét chúng sanh trong cõi Diêm Phù, cử tâm động niệm không chi là chẳng phải tội."

"Cử tâm động niệm" tức là trong lòng dấy khởi vọng tưởng, tâm trí dao động xôn xao. "Cử" có nghĩa là dấy lên, làm nổi dậy. Chúng sanh ở cõi Nam Diêm Phù Đề thường khởi những tâm niệm gì? Họ thường khởi tà niệm, dục niệm, tham niệm! "Động niệm" tức là sanh lòng ích kỷ, đố kỵ, ganh ghét, chướng ngại.

Có nhiều người hễ thấy ai hơn mình thì sanh lòng ganh ghét, còn gặp kẻ thua mình thì lại có tâm coi thường. Bởi họ cho rằng người ta rất ngu xuẩn, không giỏi giang tài trí bằng họ, nên đem lòng khinh rẻ người ta; rồi đến khi gặp người nào thông minh tài giỏi hơn họ thì họ lại sanh lòng tỵ hiềm, ghen ghét. Quý vị xem, như thế thì phải làm sao?

Đối với kẻ ngu si kém cỏi thì quý vị chớ nên cất nhắc đề bạt; và đối với người thông minh trí tuệ thì quý vị cũng đừng ganh ghét tỵ hiềm. Đáng lý ra, đối với những kẻ u mê ngu tối thì chúng ta cần phải phát tâm giáo hóa, giúp họ mở mang trí tuệ, khiến họ trở nên thông minh sáng suốt mới đúng; tuy nhiên, phần nhiều chúng ta lại không chịu làm như thế!

Cho nên, chúng ta "cử tâm động niệm, không chi là chẳng phải tội," đó cũng là vì chúng ta chưa phát khởi tâm Bồ Tát vậy. Tâm lượng Bồ Tát là nếu có người nào hơn mình thì mình càng vui mừng và càng kính trọng người ấy thêm, chứ chẳng mảy may hờn ghen ganh tỵ; còn nếu có người nào kém thua mình thì mình càng cần phải tìm cách để làm cho người ấy được bằng mình—như thế mới là phát tâm của bậc Bồ Tát. Song le, chúng sanh chúng ta chưa phát tâm Bồ Tát, do đó "cử tâm động niệm," tất cả đều là tội lỗi.

"Họ, các chúng sanh ấy, từ bỏ những thiện lợi có được và phần nhiều thối thất tâm tốt ban đầu." "Từ bỏ những thiện lợi có được" tức là vất bỏ những lợi ích tốt lành mà mình đang sở hữu. Thí dụ, quý vị muốn gieo trồng thiện căn nên sốt sắng làm việc thiện, nhưng lại làm không được lâu dài; hoặc là chăm chỉ học Phật Pháp nhưng học được một năm hoặc hai năm rồi thôi, không hăng hái học nữa; hoặc là gặp một hoàn cảnh nào đó làm quý vị thối thất Đạo tâm—như thế là quý vị đã "từ bỏ những thiện lợi có được" vậy.

Giả sử có người, tâm nguyện lúc ban sơ là muốn học Phật Pháp, muốn xuất gia đi tu; thế nhưng, xuất gia được một năm, hai năm, rồi ba năm, lại nghĩ rằng: "Ôi! Xuất gia cũng chẳng là gì cả, tu tới tu lui ròng rã đã ba năm trời mà vẫn chưa thấy khai ngộ, chưa chứng quả vị, có lẽ là hết hy vọng rồi!"; và thế là thối tâm nản chí, bèn hoàn tục, không làm người xuất gia nữa.

Đó là nói về người xuất gia; còn người tại gia học Phật Pháp thì sao? Có người trong một năm đầu thì cảm thấy Phật ở ngay trước mặt mình, rất gần gũi với mình; học được hai năm thì cảm thấy Phật ở cách xa mình tới mười vạn tám ngàn dặm; và học được ba năm thì thế nào? Thì cảm thấy "Phật đáo Tây Thiên," thấy Phật ở xa tít tận chốn trời tây! Đó gọi là "thối thất sơ tâm." Có câu:

“Học Đạo đừng mất tâm nguyện ban đầu, sẽ sớm thành Phật.”

(Học Đạo bất phụ sơ tâm, thành Phật hữu dư.)

Trong việc tu hành, nếu quý vị có thể không đánh mất tâm nguyện ban đầu của mình, như muốn học Phật Pháp hoặc muốn xuất gia, thì sẽ sớm được thành Phật!

Người xuất gia chúng ta phải thường xuyên tự hỏi chính mình: "Vì sao mình muốn xuất gia?"; bởi người xuất gia thì phải khác với người tại gia, khác như thế nào? Ví dụ, người tại gia suốt ngày thích tỉ tê chuyện trò, nói chuyện phiếm; người xuất gia thì trái lại, cần phải nói ít lại, bớt nói chuyện—nếu là những lời có ích, hữu dụng thì nói được; bằng không thì chớ nên nói nhiều. Có câu:

“Mở miệng, tổn thần khí

Nói nhiều, sanh thị phi.”

(Khẩu khai, thần khí tán,

Thiệt động, thị phi sanh.)

Chúng ta hễ mở miệng là thần khí liền phân tán, thần hao khí tổn; nói nhiều thì lại sanh thị phi, lôi thôi lắm chuyện, không "thị" thì cũng "phi," chẳng "phải" thì cũng "quấy." Một khi đã có "thị phi" thì sẽ không tương ưng với Đạo; mà thần khí bị phân tán thì đối với Đạo cũng chẳng thể tương ưng. Cho nên, chúng ta tu Đạo thì phải luôn luôn tự kiểm điểm chính mình. Đừng soi mói chuyện của người khác, chỉ cần tự mình tu tâm dưỡng tánh cho hoàn hảo—như thế gọi là không "thối thất sơ tâm." Nói tóm lại, nếu ban đầu thì phát lời thệ nguyện rất kiên cố, rất thành khẩn, nhưng được một thời gian thì trở nên lơ là xao lãng, rồi dần dần quên bẵng đi, thì đó chính là "thối thất sơ tâm" vậy.

"Nếu gặp ác duyên thì niệm niệm tăng trưởng." Nếu các chúng sanh đang thối thất sơ tâm mà gặp phải nhân duyên xấu ác, quý vị nói xem, thì sẽ thế nào? Thì họ chẳng những không lùi bước trước ác duyên mà còn mỗi niệm mỗi gia tăng, ác duyên càng lúc càng lấn lướt, lớn mạnh. Tôi gặp rất nhiều người ban đầu tu hành hết sức thành tâm tinh tấn, về sau gặp phải ma cảnh rồi bị "chuyển" theo ma quỷ; đây là trường hợp gặp phải ác duyên vậy. Nói chung, những việc không tương ưng với Đạo, khiến cho quý vị không thể tu tập, đều gọi là "ác duyên," hay duyên sự chẳng lành.

"Tăng trưởng" chính là "tăng ích"—có nghĩa là càng ngày càng nhiều hơn, mỗi lúc mỗi lớn mạnh hơn. Chúng ta tu hành thì cần phải "tu tập" tâm Bồ Đề lại, khiến cho tâm Bồ Đề của mình mỗi ngày mỗi gia tăng; đó gọi là "tăng ích." Nếu tâm Bồ Đề của quý vị cứ mỗi ngày mỗi sút giảm, ít dần đi, thì gọi là "táng thất" (đánh mất). Thế nhưng tâm Bồ Đề của chúng ta thông thường không phải mỗi lúc một gia tăng, trong khi đó, những ác duyên mà chúng ta gặp phải thì càng ngày lại càng nhiều thêm.

"Những hạng người này như kẻ đi trong bùn lầy mà còn mang đá nặng." Ở đây, Địa Tạng Vương Bồ Tát đưa ra một tỷ dụ. Thí dụ có một người đang đi trên đường thì gặp phải vũng bùn lầy lội chắn mất lối đi. Lội qua vũng bùn thì cũng chưa đến nỗi nào, nhưng người này còn phải vác một tảng đá nặng trên lưng nữa.

"Đá nặng," chữ Hán là "trọng thạch"; chữ "thạch" này còn có thể hiểu là thạch, một đơn vị đo lường dung tích của người Trung Hoa (một thạch tương đương với một trăm lít, hoặc mười đấu). Do đó, "trọng thạch" có thể hiểu là "đá nặng," đồng thời cũng có thể hiểu là "vật rất nặng."

Vậy, giả sử có người đã mang trên lưng những vật rất nặng (chừng một trăm cân hoặc hai trăm pounds chẳng hạn), mà còn phải lội qua bùn lầy nữa. Người ấy, hễ cứ nhấc được chân này lên thì chân kia lại lún xuống, rút được chân kia lên thì chân này bị lún xuống trở lại, cho nên tới lui đều trở ngại, vô cùng khó khăn vất vả—đó gọi là "sa lầy." Trong hoàn cảnh này, người ấy nếu không mang đồ vật nặng nề thì còn có thể gắng gượng lội qua được bãi lầy, nhưng nay còn phải vác thêm vật nặng trên người nữa, "nên càng khốn đốn, nặng thêm dần, chân càng lún xuống sâu."

"Vật nặng" này là dụ cho cái gì? Chính là ác nghiệp của chúng ta. Còn "bùn lầy" thì sao? "Bùn lầy" tiêu biểu cho ba đường ác—địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.

Trong chốn bùn sình lầy lội, mỗi bước là mỗi khó khăn gian khổ, và gánh nặng trên lưng như càng lúc càng đè nặng thêm, khiến chân càng lúc càng lún sâu hơn; quý vị nghĩ xem, làm thế nào bây giờ?

"Nếu được gặp hàng Tri Thức ..." Giả sử kẻ đang vác nặng lội đi trong bùn ấy may mắn gặp được bậc Thiện Tri Thức như chư Phật, chư Bồ Tát, hoặc người có đại trí huệ chẳng hạn; thì sẽ như thế nào? "Thì sẽ được gánh vác giùm bớt, hoặc gánh hết cho." Vì phải mang vác nặng nề nên người ấy càng lúc càng bị sa lầy sâu hơn, không thể tự mình lội ra được; chỉ có hàng Thiện Tri Thức mới có năng lực gánh bớt giùm người ấy một phần hay một nửa, hoặc nguyên cả gánh nặng đó.

"Vì hàng Tri Thức đó có sức rất mạnh, lại dìu đỡ, khuyến khích làm cho mạnh chân lên." Bậc Thiện Tri Thức có sức lực mạnh mẽ, có thể nâng đỡ dìu dắt và chỉ bày cho kẻ gánh nặng đang đi trong bùn đó cách thoát ra khỏi vũng bùn. Chẳng những thế, các bậc Thiện Tri Thức còn khuyên bảo, nhắc nhở: "Hãy cẩn thận, nhớ đi đứng phải cho vững vàng một chút!"; khiến cho kẻ ấy mạnh chân vững lòng mà đi tiếp.

"Nếu đến chỗ đất bằng phẳng rồi, thì phải xét nghĩ đến con đường hiểm xấu ấy, không đi vào đó nữa." Một khi đã ra khỏi nơi bùn lầy và đến được chỗ đất bằng phẳng rồi, thì quý vị phải giác ngộ, phải biết rằng con đường mình vừa vượt qua ban nãy là một con đường hiểm trở, đầy bất trắc. Biết được như thế rồi thì từ nay chớ lội đi trong bùn sình, chớ dại dột mà dấn thân vào hiểm lộ thêm lần nữa!

Kinh văn:

"Bạch Đức Thế Tôn! Những chúng sanh tập khí xấu ác, bắt đầu từ mảy mún rồi lần đến nhiều vô lượng.

Đến khi những chúng sanh có tập khí như thế sắp sửa mạng chung, thì cha mẹ cùng quyến thuộc nên vì họ mà tạo phước đức, để giúp cho lộ trình phía trước của họ. Hoặc treo phan lọng và thắp đèn dầu, hoặc chuyển đọc tôn kinh, hoặc cúng dường tượng Phật cùng tượng của chư Thánh, cho đến niệm danh hiệu của Phật, Bồ Tát cùng Bích Chi Phật, làm cho mỗi danh mỗi hiệu đều thấu vào nhĩ căn của người sắp mạng chung, hoặc nơi bổn thức nghe biết.

Các chúng sanh đó, cứ theo nghiệp ác đã gây tạo mà suy lường quả báo chiêu cảm, tất phải đọa vào ác đạo; song nhờ quyến thuộc vì kẻ lâm chung mà tu nhân Thánh này, các tội đó thảy đều tiêu sạch.

Như sau khi người ấy đã chết, nếu lại có thể trong bốn mươi chín ngày vì người ấy mà tu tạo nhiều phước lành, thì có thể làm cho người chết đó vĩnh viễn xa lìa chốn ác đạo, được sanh vào cõi trời hoặc cõi người, hưởng sự vui thù thắng vi diệu; quyến thuộc hiện tại cũng được vô lượng lợi ích."

Lược giảng:

Địa Tạng Vương Bồ Tát lại bạch cùng Đức Phật rằng: "Bạch Đức Thế Tôn! Những chúng sanh tập khí xấu ác, bắt đầu từ mảy mún rồi lần đến nhiều vô lượng." Những chúng sanh tập tành theo thói ác đều bắt đầu từ cái ác nhỏ nhất, ít xấu ác nhất, rồi tích tụ lại dần mà thành ra nhiều đến vô lượng vô biên.

"Đến khi những chúng sanh có tập khí như thế sắp sửa mạng chung, thì cha mẹ cùng quyến thuộc nên vì họ mà tạo phước đức, để giúp cho lộ trình phía trước của họ." Giả sử những chúng sanh có thói quen xấu ác này hấp hối sắp chết, thì cha mẹ hay những người thân thuộc của họ nên làm các việc phước đức để trợ giúp cho họ trên "tiền lộ," tức là con đường trước mắt mà họ sắp phải đi theo. Cho dù phải đi theo con đường dẫn đến địa ngục hoặc thác sanh trở lại làm người, thì họ cũng đều được hưởng sự lợi ích từ các việc phước đức ấy. Đó chính là "giúp cho lộ trình phía trước" của kẻ lâm chung vậy.

"Hoặc treo phan lọng và thắp đèn dầu, hoặc chuyển đọc tôn kinh, hoặc cúng dường tượng Phật cùng tượng của chư Thánh, cho đến niệm danh hiệu của Phật, Bồ Tát cùng Bích Chi Phật." Thân nhân của người đang hấp hối có thể tạo phước đức giúp người ấy bằng cách làm những việc như treo tràng phan bảo cái, thắp đèn ở nơi thờ Phật; hoặc đọc tụng Kinh Địa Tạng, Kinh Kim Cang hay những kinh điển Đại Thừa khác; hoặc sắm sửa phẩm vật cúng dường trước tượng Phật, tượng Bồ Tát hoặc tượng của các vị A La Hán ... đều được cả. Thêm vào đó, họ cũng có thể trì niệm danh hiệu của chư Phật, danh hiệu của chư Bồ Tát, hoặc danh hiệu của chư Bích Chi Phật (Bích Chi Phật tức là bậc Duyên Giác).

Khi niệm, cần phải "làm cho mỗi danh mỗi hiệu đều thấu vào nhĩ căn của người sắp mạng chung, hoặc nơi bổn thức nghe biết." Lúc gia quyến hoặc bạn bè tụng niệm thì phải niệm sao cho kẻ đang hấp hối nghe được rành rẽ từng danh hiệu của Phật, Bồ Tát hay Bích Chi Phật; hoặc là trước khi người ấy chết, lúc thần thức chưa phân tán hết, phải khiến cho người ấy nghe hiểu được rõ ràng.

"Bổn thức" hay "thần thức," là chỉ cho Thức Thứ Tám (đệ bát thức). Thức Thứ Tám này thì "khứ hậu lai tiên," đến trước nhưng lại đi sau; do đó có bài kệ nói rằng:

Tam Tàng mênh mông không cùng tận,

Vực sâu bảy sóng đùa trước gió,

Giữ gìn chủng tử căn thân khí,

"Đến trước đi sau," làm "ông chủ"!

(Hạo hạo Tam Tàng bất khả cùng,

Uyên thâm thất lãng cảnh tiền phong,

Thọ huân trì chủng căn thân khí,

Khứ hậu lai tiên tác chủ ông.)

“Tam Tàng mênh mông không cùng tận”,(Hạo hạo Tam Tàng bất khả cùng.) "Hạo hạo" có nghĩa là rộng lớn, mênh mông. "Tam Tàng" là chỉ cho Thức Thứ Tám—tức là A-lại-da thức, hay còn gọi là "tàng thức" (thức chứa). Vì sao gọi là "Tam Tàng"? "Tam Tàng" ngụ ý rằng các chủng tử của ba đời —quá khứ, hiện tại và vị lai—đều được tàng trữ, giữ lại trong Thức Thứ Tám này. Các chủng tử ấy—niệm tâm của chúng ta—ví như những đợt sóng trên biển cả vậy, vô cùng vô tận, nên nói là "bất khả cùng."

“Vực sâu bảy sóng đùa trước gió " (Uyên thâm thất lãng cảnh tiền phong) " bảy sóng” (thất lãng) là chỉ cho Thức Thứ Bảy. Thức Thứ Bảy còn được gọi là "truyền tống thức," vì thức này có chức năng chuyển đạt ý tứ của sáu thức trước tới cho Thức Thứ Tám. "cảnh trước gió” (cảnh tiền phong)—tức là giống như ngọn gió từ phía trước thổi tới.

“Giữ gìn chủng tử căn thân khí " (Thọ huân trì chủng căn thân khí") Do vì Thức Thứ Tám nhận sự "truyền tống," chuyển giao ý tứ từ Thức Thứ Bảy, nên gọi là "giữ “ (thọ huân.) "gìn chủng tử” (trì chủng) có nghĩa là gìn giữ các chủng tử ở bên trong. "Căn thân khí" tức là "căn thân khí giới" đều ở trong các chủng tử đó. Thức Thứ Tám có công năng duy trì chủng tử của tất cả các pháp, thân căn, thế giới.

"Đến trước đi sau," làm "ông chủ"! (Khứ hậu lai tiên tác chủ ông). Con người, khi sanh ra thì Thức Thứ Tám đến trước nhất, và lúc chết thì Thức Thứ Tám là thức đi sau cùng. Quý vị khởi vọng tưởng muốn làm điều gì thì đều do Thức Thứ Tám làm chủ tể ủng hộ, trợ giúp; cho nên nói thức này là "Đến trước đi sau," làm "ông chủ"!

Trong phần kinh văn này, "bổn thức" là chỉ cho Thức Thứ Tám. Khi vừa mới chết, tuy các thức đã phân tán, đã rời khỏi xác thân rồi—nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức đều không còn—song Thức Thứ Tám thì vẫn còn nán lại, chưa đi hẳn. Ngay lúc này, nếu quý vị vì người chết mà tụng Kinh niệm Phật hoặc làm việc công đức, thì phải lớn tiếng tụng niệm và kể ra để cho Thức Thứ Tám của người ấy nghe biết—đó gọi là "nơi bổn thức nghe biết" (văn tại bổn thức) vậy.

Địa Tạng Vương Bồ Tát nói tiếp: "Các chúng sanh đó, cứ theo nghiệp ác đã gây tạo mà suy lường quả báo chiêu cảm, tất phải đọa vào ác đạo. Nếu căn cứ theo nghiệp ác đã tạo tác lúc còn sống mà suy xét, thì những chúng sanh đó đáng lẽ phải chịu quả báo đọa lạc trong ba đường ác; song nhờ quyến thuộc vì kẻ lâm chung mà tu nhân Thánh này, gieo trồng nhân duyên Thánh Đạo, chăm làm các thiện sự, cho nên các tội đó thảy đều tiêu sạch, chẳng còn thừa sót."

"Như sau khi người ấy đã chết, nếu lại có thể trong bốn mươi chín ngày vì người ấy mà tu tạo nhiều phước lành ..." Giả sử nội trong bốn mươi chín ngày sau khi chết, nếu thân quyến lại có thể vì người mới qua đời mà làm nhiều thiện sự, "thì có thể làm cho người chết đó vĩnh viễn xa lìa chốn ác đạo, thoát khỏi cái khổ trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, và được sanh vào cõi trời hoặc cõi người, hưởng sự vui thù thắng vi diệu."

Trong vòng bốn mươi chín ngày—bảy thất—sau khi chết, thì tại địa ngục vẫn còn đang thẩm xét, chưa quyết định tội trạng của người mới qua đời; cho nên trong suốt kỳ hạn đó, nếu thân nhân có thể làm nhiều việc thiện để hồi hướng cho, thì người ấy sẽ được rất nhiều lợi ích.

"Quyến thuộc hiện tại cũng được vô lượng lợi ích." Nếu thân nhân quyến thuộc có thể vì kẻ lâm chung mà niệm danh hiệu Phật, danh hiệu Bồ Tát—Nam mô Địa Tạng Vương Bồ Tát—danh hiệu của bậc A La Hán hoặc Bích Chi Phật, hoặc tụng đọc các kinh điển, thì không những người ấy được hưởng sự an vui đặc biệt vô cùng vi diệu, mà đồng thời, các quyến thuộc còn sống cũng được vô lượng vô biên sự lợi ích!

Kinh văn:

"Vì lẽ đó nên nay con đối trước Đức Phật Thế Tôn, cùng Thiên Long Bát Bộ, nhân và phi nhân v.v... mà khuyên bảo các chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề: Vào ngày lâm chung, cần phải cẩn thận, chớ giết hại và chớ gây tạo ác duyên, cũng đừng bái tế quỷ thần, cầu xin vọng lượng.

Vì sao thế? Vì việc sát hại cho đến tế bái đó không có mảy may năng lực lợi ích cho người mất, mà chỉ kết thêm tội duyên, làm cho thâm trọng hơn thôi.

Giả sử người chết đó, trong đời vị lai hoặc hiện tại sanh, đắc được phần Thánh Quả, sẽ sanh vào cõi trời, cõi người; nhưng vì lúc lâm chung bị hàng quyến thuộc gây tạo ác nhân, làm cho người chết cũng mắc lấy ương lụy, phải đối biện, chậm sanh vào chốn tốt lành.

Huống chi là người sắp chết lúc sống chưa từng có chút thiện căn, phải y theo bổn nghiệp mà tự đọa ác đạo! Hàng quyến thuộc nỡ nào làm tăng nghiệp tội của người ấy?!

Ví như có người từ xứ xa đến, tuyệt lương thực đã ba ngày, lại vác theo đồ vật nặng hơn trăm cân, bỗng gặp kẻ lân cận gởi ít món đồ nữa, vì thế mà càng khốn đốn, nặng nề thêm."

Lược giảng:

Địa Tạng Vương Bồ Tát lại bạch tiếp: "Vì lẽ đó nên nay con đối trước Đức Phật Thế Tôn, cùng Thiên Long Bát Boä— Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già—nhân và phi nhân v.v... mà khuyên bảo các chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề, vào ngày lâm chung, cần phải cẩn thận, chớ giết hại và chớ gây tạo ác duyên, đừng gây ra những nghiệp duyên chẳng lành, cũng đừng bái tế quỷ thần, cầu xin vọng lượng, cũng không nên tế lễ cầu xin nơi những quỷ thần, ngoại đạo, cùng tất cả sơn yêu thủy quái." (Vọng lượng là thuộc loài sơn tinh thủy quái.)

Giảng đến đây, tôi nhớ có một bài kệ nói rằng:

Có người mê muội chẳng an khang,

Hứa giết heo dê tế quỷ thần,

Oan nghiệp sát sanh bao đời trước,

Khác nào trên tuyết phủ thêm sương?

Chớ tưởng heo dê thú vật mãi,

Hình dung biến đổi đã muôn lần,

Luân hồi xoay chuyển vay rồi trả,

Đất trời lồng lộng trốn được đâu!

( Hữu đẳng mê nhân bất an khang,

Đối thần kỳ hứa tái trư dương,

Sát sanh oan nghiệp tiền sanh sự,

Như hà tuyết thượng hựu gia sương?

Hưu vật nhận định thị trư dương,

Cải đầu hoán diện kỷ thiên trường,

Như xa luân chuyển tương hoàn báo,

Vân hải đằng không vô xứ tàng!)

“Có người mê muội chẳng an khang,” (Hữu đẳng mê nhân bất an khang). Ở đây, "chẳng an khang" tức là bất ổn, không ổn thỏa, làm không được tốt.

“Hứa giết heo dê tế quỷ thần,” (Đối thần kỳ hứa tái trư dương). Ở Trung Hoa có một phong tục sai lầm mà chúng ta không hề thấy xảy ra ở các nước phương Tây. Người Trung Hoa thường gọi việc tang ma cho người chết là "bạch sự" (việc trắng), còn việc kết hôn là "hồng sự" (việc đỏ). "Bạch sự" tức là "tang sự," là chuyện buồn; "hồng sự" thì là "hỷ sự," là chuyện vui. Bất luận là trong nhà gặp phải tang sự hay hỷ sự, người ta đều giết heo giết dê để cúng tế quỷ thần; hoặc muốn cầu xin thần linh việc gì đó, họ cũng đem gà đem vịt đến tế lễ. Quý vị chưa thấy cảnh người ta đem gà đến các nơi như miếu Thành Hoàng để cúng tế sao? Hạng người này chính là " mê muội chẳng an khang "—do mê tín, chẳng hiểu quy củ phép tắc nên không thấy "an khang," và vì thế mà làm việc gì cũng không thỏa đáng, không hợp lý cả!

Vậy, những kẻ ngu muội mê tín đó đến trước tượng của thần linh mà vái van cầu khẩn: "Xin Ngài phù hộ cho cha (hoặc mẹ, hoặc anh, hoặc em...) của con sau khi chết không bị đọa địa ngục; được vậy thì vài hôm nữa con sẽ giết heo, giết dê và đem đến cúng tế cho Ngài, để Ngài thọ dụng." Họ đem heo đem dê tới để "đánh bạc" với quỷ thần!

"Oan nghiệp sát sanh bao đời trước” (Sát sanh oan nghiệp tiền sanh sự") . "Sát sanh" là một thứ nghiệp oán thù. Đời trước, quý vị đã có sát sanh, đã từng gây tạo oan nghiệp; nay trong đời hiện tại nếu quý vị lại tiếp tục sát sanh nữa, thì thế nào? Thì chẳng khác nào trên tuyết lại phủ thêm một lớp sương nữa vậy!

“Khác nào trên tuyết phủ thêm sương?” (Như hà tuyết thượng hựu gia sương?") Có tuyết xuống thì trời đã rét lạnh rồi, thế mà bây giờ lại thêm một lớp sương nữa, thì thời tiết lại càng băng giá, rét lạnh thêm nhiều; tương tự như thế, đời trước quý vị đã từng gây oan nghiệp rồi, nay lại tiếp tục tạo tội thì oan nghiệp lại càng chồng chất thêm vậy.

“Chớ tưởng heo dê thú vật mãi,” (Hưu vật nhận định thị trư dương) . Quý vị chớ nên cố chấp, khăng khăng cho rằng loài vật muôn kiếp vẫn là loài vật, đừng tưởng rằng heo mãi mãi là heo và dê mãi mãi vẫn là dê!

“Hình dung biến đổi đã muôn lần,” (Cải đầu hoán diện kỷ thiên trường) . Con người có thể đầu thai làm heo, và heo cũng có thể thác sanh làm người.

Quý vị có nhận thấy không? Dân tộc nào thích ăn thịt heo thì dân tộc đó đều có vẻ hao hao giống heo; quốc gia nào thích ăn thịt bò thì dân chúng trong quốc gia đó đều có cặp mắt từa tựa như mắt bò. Có nơi thì dân chúng đều không thích thịt heo hay thịt dê, mà chỉ thích ăn ếch nhái nên toàn quốc ai nấy đều có cặp mắt tương tự như mắt ếch vậy. Nói tóm lại, người dân của một nước mà thích ăn thịt của loài động vật nào, thì dân chúng trong nước đều có những nét đặc trưng giống loài động vật đó; cho nên, mỗi quốc gia đều có một chủng loại riêng biệt!

“Luân hồi xoay chuyển vay rồi trả,” (Như xa luân chuyển tương hoàn báo). Chúng ta vẫn như cái bánh xe, cứ tiếp tục lăn chuyển, tuần hoàn vay trả.

Trong Kinh Lăng Nghiêm có chép rằng: "Dương phục vi nhân," có nghĩa là "dê lại làm người." Dê có thể làm người, thế thì heo không thể làm người sao? Chẳng những heo, dê có thể làm người, mà bất cứ sinh vật nào cũng đều có thể làm người được cả; đó chẳng qua chỉ là một sự "đổi xác" mà thôi. Một khi đã thay đổi thể xác rồi, thì quý vị sẽ không thể nhận ra được nữa. Linh tánh từ thân người có thể "dọn" sang thân heo, và linh tánh từ thân heo cũng có thể "dọn" sang thân người—người và vật đều có thể hỗ tương "dọn nhà" như thế. Hiện tại chúng ta được làm người, thì có thể ví như chúng ta đang ở nơi nhà cao cửa rộng; và đến khi chúng ta chạy vào con đường làm heo làm dê, thì chẳng khác nào đang từ nhà cao cửa rộng mà dọn sang nhà tranh vách đất, hoặc một nơi tồi tàn lụp xụp nhất để ở vậy; cho nên nói "như xa luân chuyển tương hoàn báo."

“Đất trời lồng lộng trốn được đâu!” (Vân hải đằng không vô xứ tàng) . Kẻ không hiểu rõ thì cho rằng chúng sanh là mỗi loài mỗi khác; còn người đã đắc Túc Mạng Thông thì biết rằng giữa con người và các loài chúng sanh có một mối quan hệ liên đới. Trong âm thầm lặng lẽ, và cho dù ở những nơi mà con người không nhìn thấy được, như ngoài biển cả hoặc trong hư không, chẳng ai trốn thoát được nhân quả, mà cũng chẳng có chỗ nào để ẩn thân hầu trốn tránh nhân quả được cả! Luật Nhân Quả vĩnh viễn tồn tại trong khắp cõi hư không, thái không. Bởi "gieo nhân nào thì gặt quả nấy," cho nên nếu sát sanh thì phải chịu sự báo ứng của sát sanh. Quý vị gây tạo bất cứ nghiệp gì thì nghiệp đó đều tồn tại và chiêu cảm sự báo ứng; vì vậy không nên cầu xin nơi loài vọng lượng hoặc yêu tinh quỷ thần.

Bấy giờ, Địa Tạng Vương Bồ Tát nói tiếp: "Vì sao thế? Vì việc sát hại cho đến tế bái đó không có mảy may năng lực lợi ích cho người mất." Việc hàng quyến thuộc của người chết giết heo giết dê để cúng tế các ác quỷ tà thần, chẳng mang lại chút năng lực nào có thể trợ giúp hoặc làm lợi ích cho người ấy cả; "mà chỉ kết thêm tội duyên, làm cho thâm trọng hơn thôi!" Việc sát sanh và tế lễ đó chỉ khiến cho tội chướng của người chết càng sâu nặng thêm mà thôi!

"Giả sử người chết đó, trong đời vị lai hoặc hiện tại sanh, đắc được phần Thánh Quả, sẽ sanh vào cõi trời, cõi người." Người ấy đã từng làm những việc công đức nên được phước báo, đáng được sanh vào cõi người hoặc cõi trời.

"Nhưng vì lúc lâm chung bị hàng quyến thuộc gây tạo ác nhân, gieo trồng ác nghiệp, làm cho người chết cũng mắc lấy ương lụy, phải đối biện."

"Ương lụy" tức là liên lụy, ảnh hưởng, làm cho kết quả trở thành không tốt đẹp.

Ở đây, "đối biện" tức là đối chất biện luận với Diêm La Vương. Ví dụ, Diêm La Vương có thể phán bảo: "Hiện nay người nhà của ông đã vì ông mà giết rất nhiều heo để cúng tế quỷ thần rồi đấy!"

Bấy giờ, người chết kia hẳn sẽ tự bào chữa: "Việc đó không liên quan gì tới tôi cả. Tôi nào có bảo họ giết heo giết bò gì đâu! Đó là họ tự ý làm, tôi làm sao ngăn cản họ được!" Đáng tiếc là ở địa ngục không có luật sư biện hộ, thành ra tự mình phải bào chữa cho mình vậy!

"Chậm sanh vào chốn tốt lành." Lẽ ra, người ấy đáng được sanh lên cõi trời sớm hơn, nhưng vì còn phải mất thì giờ để biện luận, nên việc vãng sanh bị chậm trễ rất nhiều.

"Huống chi là người sắp chết lúc sống chưa từng có chút thiện căn, phải y theo bổn nghiệp mà tự đọa ác đạo! Hàng quyến thuộc nỡ nào làm tăng nghiệp tội của người ấy?!" Trong trường hợp kẻ lâm chung trước kia chưa từng tạo được chút phước lành nào cả, thì căn cứ theo ác nghiệp đã gây ra, kẻ ấy phải đọa vào đường ác; thế thì, những bà con thân thích sao còn nhẫn tâm làm cho nghiệp tội của người đó nặng nề thêm? Cho nên, quý vị đừng vì người chết mà sát sanh, hoặc làm những việc tàn ác; mà hãy ăn chay, niệm Phật, tụng Kinh hồi hướng cho họ.

Ở đây có một tỷ dụ; tỷ dụ như thế nào? "Ví như có người từ xứ xa đến, tuyệt lương thực đã ba ngày. Đã ba hôm rồi người ấy chưa được ăn uống gì cả, thế mà lại vác theo đồ vật nặng hơn trăm cân. Đã vậy, người đó bỗng gặp kẻ lân cận gởi ít món đồ nữa, vì thế mà càng khốn đốn, nặng nề thêm."

Tỷ dụ này ngụ ý rằng người đó vốn đã có tội rồi, lẽ ra hàng quyến thuộc nên vì người đó mà làm việc phước thiện hầu giảm bớt nghiệp tội; thế nhưng họ chẳng những không làm việc phước lành, mà còn nhân danh người đó để giết hại chúng sanh nữa!

Trong tỷ dụ trên, người từ xứ xa đến nọ vốn đã ba ngày trời không ăn không uống, trên lưng lại phải vác đồ rất nặng, cho nên đã kiệt sức, đi không muốn nổi rồi; thế mà hàng xóm lân cận lại còn gởi thêm vài món đồ nữa, vì vậy càng nặng và vất vả hơn trước nhiều. Điều này biểu thị cho việc người đó vốn đáng tội phải đọa địa ngục rồi, quý vị lại còn vì người đó mà sát sanh hại vật, gây thêm tội lỗi nữa, cho nên thời gian người đó phải ở trong địa ngục càng lâu dài hơn; vì thế mà nói là "càng khốn đốn, nặng nề thêm."

Trong tỷ dụ trên, "đồ vật nặng" là dụ cho Ngũ Uẩn; "nặng hơn trăm cân" là dụ cho Thập Ác; "kẻ lân cận" là chỉ cho gia quyến của người chết; "gởi ít món đồ nữa" là chỉ cho việc quyến thuộc vì người chết mà giết hại heo dê, làm cho nghiệp tội của người đó càng thâm trọng thêm.

Kinh văn:

"Bạch Đức Thế Tôn! Con xem xét chúng sanh cõi Diêm Phù Đề, ở trong giáo pháp của chư Phật, nếu có thể làm thiện sự chừng bằng một sợi lông, một giọt nước, một hạt cát, một mảy bụi, thì tất cả đều tự mình được sự lợi ích."

Nói lời như thế xong, trong Pháp Hội có một vị Trưởng Giả tên là Đại Biện, ông Trưởng Giả này từ lâu đã chứng Vô Sanh, hiện thân Trưởng Giả để hóa độ thập phương, ...

Lược giảng:

Địa Tạng Vương Bồ Tát bạch với Đức Phật rằng: "Bạch Đức Thế Tôn! Con xem xét chúng sanh cõi Diêm Phù Đề, ở trong giáo pháp của chư Phật, nếu có thể làm thiện sự chừng bằng một sợi lông, một giọt nước, một hạt cát, một mảy bụi, thì tất cả đều tự mình được sự lợi ích." Chỉ cần họ có thể ở trong Phật Giáo thì việc thiện họ làm được dù lớn dù nhỏ cũng đều tạo được công đức, và hết thảy công đức đó đều là của họ, hoàn toàn thuộc về họ.

Khi Địa Tạng Vương Bồ Tát nói lời như thế xong, trong Pháp Hội có một vị Trưởng Giả tên là Đại Biện ... Vị Trưởng Giả giàu có này có đầy đủ bốn loại vô ngại biện tài (Tứ Vô Ngại Biện)—Nghĩa Vô Ngại Biện, Pháp Vô Ngại Biện, Từ Vô Ngại Biện, Nhạo Thuyết Vô Ngại Biện.

Ông Trưởng Giả này từ lâu đã chứng Vô Sanh. Từ thuở lâu xa về trước, Trưởng Giả Đại Biện đã chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn và đạt đến quả vị Niết Bàn; nay ông hiện thân Trưởng Giả để hóa độ thập phương. Vì muốn giáo hóa, độ thoát tất cả chúng sanh trong khắp mười phương, nên ông hiện thân làm một vị đại phú Trưởng Giả.

Kinh văn:

... chắp tay cung kính hỏi Địa Tạng Bồ Tát rằng: "Thưa Đại Sĩ! Trong cõi Nam Diêm Phù Đề có chúng sanh nào sau khi mạng chung mà hàng quyến thuộc kẻ lớn người nhỏ, đều vì người chết đó mà tu công đức, cho đến thiết trai, tạo những thiện nhân, thì người chết đó có được lợi ích lớn và được giải thoát chăng?"

Địa Tạng Bồ Tát đáp rằng: "Này ông Trưởng Giả! Nay tôi vì tất cả chúng sanh trong hiện tại cùng vị lai, nương oai lực của Đức Phật mà lược nói về việc đó.

Này ông Trưởng Giả! Những chúng sanh ở hiện tại hay vị lai, lúc sắp mạng chung mà nghe được danh hiệu của một đức Phật, danh hiệu của một vị Bồ Tát, danh hiệu của một vị Bích Chi Phật, thì bất luận là có tội hay không tội, thảy đều được giải thoát cả."

Lược giảng:

Ông Trưởng Giả Đại Biện bấy giờ chắp tay cung kính hỏi Địa Tạng Bồ Tát rằng: "Thưa Đại Sĩ! Trong cõi Nam Diêm Phù Đề có chúng sanh nào sau khi mạng chung mà hàng quyến thuộc kẻ lớn người nhỏ, đều vì người chết đó mà tu công đức, cho đến thiết trai, làm cơm chay để cúng dường Tam Bảo, tạo những thiện nhân, gieo trồng những chủng tử thiện lành, thì người chết đó có được lợi ích lớn và được giải thoát chăng? Chẳng hay người chết đó có thể đạt được sự lợi ích to lớn, hoặc có thể thoát khỏi mọi nghiệp tội hay không?"

Địa Tạng Bồ Tát đáp rằng: "Này ông Trưởng Giả! Nay tôi vì tất cả chúng sanh trong hiện tại cùng vị lai, nương oai lực của Đức Phật mà lược nói về việc đó. Tôi sẽ mượn đại oai thần lực của Phật mà nói sơ lược đôi điều về việc đó!"

Quý vị xem! Bồ Tát Địa Tạng không nói là dùng sức oai thần của chính mình, mà lại nói là nương vào đại oai thần lực của Phật; đó là vì sao? Đó là biểu thị lòng tôn kính của Ngài đối với Đức Phật, và cũng chính vì thế mà lúc nào Ngài cũng nhắc đến Phật trước tiên.

Bồ Tát Địa Tạng nói tiếp: "Này ông Trưởng Giả! Những chúng sanh ở hiện tại hay vị lai, lúc sắp mạng chung mà nghe được danh hiệu của một đức Phật, danh hiệu của một vị Bồ Tát, danh hiệu của một vị Bích Chi Phật hoặc Duyên Giác, thì bất luận là có tội hay không tội, thảy đều được giải thoát cả."

Tại sao lúc sắp mạng chung mà nghe được một danh hiệu của Phật, Bồ Tát, hoặc Bích Chi Phật, thì bao nhiêu tội chướng đều có thể tiêu trừ?

Lúc sắp mạng chung tức là lúc mà mạng căn của con người sắp sửa đoạn dứt. Mạng căn vốn do ba yếu tố là "noãn" (hơi ấm), "tức" (hơi thở), và "thức" (sự hiểu biết) hợp lại mà thành; con người chết, tức là mạng căn đứt đoạn. Mạng căn khi đoạn thì đầu tiên là cơ thể mất dần hơi ấm (noãn khí), kế đến là không còn hô hấp (tức), và sau đó là đến lượt thần thức ra đi. Ba thứ "noãn, tức, thức" đều đoạn hết, tức là mạng chung—mạng căn đã đứt, không còn nữa. Có câu:

“Chim sắp chết thì tiếng kêu bi thảm,

Người sắp chết thì lời nói thiện lành.”

(Điểu chi tương tử, kỳ điểu dã ai,

Nhân chi tương vong, kỳ ngôn dã thiện.)

Con người, khi sắp chết thì thiên lương trỗi dậy, lương tâm có thể nhận ra được những gì mình đã làm trong suốt một đời này, là đúng hoặc là không đúng. Đó là một sự "phản tỉnh." Lúc bấy giờ, kẻ lâm chung chân chánh nhìn nhận những việc làm không đúng của mình; do đó mà sanh lòng ăn năn sám hối. Một khi đã khởi tâm sám hối rồi, thì cho dù chỉ nghe thấy danh hiệu của một đức Phật, một tôn Bồ Tát, hoặc một tôn Bích Chi Phật, cũng đều có thể diệt được vô lượng tội chướng, gieo trồng vô lượng thiện căn! Vì thế, lúc sắp mạng chung là một thời điểm tối quan trọng; đồng thời, đó cũng là thời điểm khó phát khởi thiện tâm cầu sám hối nhất!

Vì sao thường ngày chúng ta cần phải niệm Phật? Thường ngày niệm "Nam Mô A Di Đà Phật," là chuẩn bị cho lúc lâm chung không bị quên mất. Nếu ngày ngày đều niệm Phật, thì đến lúc sắp mạng chung chúng ta sẽ không thể nào quên câu niệm Phật được. Nếu quý vị suy nghĩ một cách đơn giản, cho rằng đợi đến lúc sắp mạng chung rồi hãy niệm Phật, hãy sanh thiện tâm, thì e rằng tới lúc đó mới biết là không dễ dàng chút nào, và cũng đã quá muộn màng! Tuy nhiên, nếu lúc lâm chung mà sanh được thiện tâm thì vô cùng vi diệu—chỉ cần một niệm sám hối là có thể tiêu trừ hết thảy nghiệp tội!

Kinh văn:

"Như có người nam hoặc người nữ nào, lúc sống đã không tu thiện nhân mà lại tạo nhiều nghiệp tội, sau khi mạng chung lại được hàng quyến thuộc vì người chết mà tu tạo phước lợi lớn nhỏ; thì tất cả Thánh sự, trong bảy phần công đức, người chết được một phần, còn sáu phần thuộc về người sống hiện lo tu tạo đó.

Vì thế cho nên, các thiện nam thiện nữ ở hiện tại và vị lai, nghe lời nói vừa rồi đó nên cố gắng tự tu hành, thì được hưởng trọn phần công đức.

Đại quỷ Vô Thường không hẹn mà đến, thần hồn vơ vẩn mịt mờ, chưa rõ là tội hay phước, trong bốn mươi chín ngày như ngây như điếc, hoặc ở tại các ty sở để biện luận về nghiệp quả, sau khi thẩm định xong thì cứ y theo nghiệp mà thọ sanh.

Trong lúc chưa biết ra sao đó thì đã ngàn muôn sầu khổ, huống là phải bị đọa vào các ác đạo!

Người chết đó khi chưa được thọ sanh, ở trong bốn mươi chín ngày luôn luôn trông ngóng hàng cốt nhục quyến thuộc tu tạo phước lực để cứu vớt cho. Quá ngày ấy rồi thì cứ theo nghiệp mà thọ báo.

Nếu là tội nhân thì phải trải qua trong trăm ngàn năm, không có ngày được giải thoát; còn nếu là tội Ngũ Vô Gián thì phải đọa vào đại địa ngục, chịu mãi những sự đau khổ trong ngàn kiếp muôn kiếp."

Lược giảng:

Địa Tạng Vương Bồ Tát lại bảo ông Trưởng Giả Đại Biện rằng: "Như có người nam hoặc người nữ nào, lúc sống đã không tu thiện nhân mà lại tạo nhiều nghiệp tội ..." Giả sử có người nam hoặc người nữ nào đó khi còn sống đã có tu Ngũ Giới và Thập Thiện; song, mặc dù đã thọ Ngũ Giới và phát tâm tu Thập Thiện, người ấy lại không làm thiện sự, chẳng trồng thiện nhân, lại còn tạo thêm biết bao nghiệp tội nữa.

"Sau khi mạng chung lại được hàng quyến thuộc vì người chết mà tu tạo phước lợi lớn nhỏ." Nếu sau khi người nam hoặc người nữ ấy qua đời, thân nhân có thể vì người chết mà tu tạo một vài việc phước lợi nho nhỏ hoặc một vài việc phước lợi lớn lao, "thì tất cả Thánh sự, trong bảy phần công đức, người chết được một phần, còn sáu phần thuộc về người sống hiện lo tu tạo đó." "Thánh sự" cũng chính là thiện sự.

Như vậy, trong bảy phần công đức thì người chết chỉ được hưởng một phần mà thôi; sáu phần công đức còn lại là thuộc về người sống, tức là hàng quyến thuộc đã lo tu tạo phước lợi đó.

"Vì thế cho nên, các thiện nam thiện nữ ở hiện tại và vị lai, nghe lời nói vừa rồi đó nên cố gắng tự tu hành, thì được hưởng trọn phần công đức." Bởi nhân duyên đó, tất cả thiện nam thiện nữ trong đời này và đời sau hãy nhân lúc mình đang được "mắt tinh tai thính," còn đang khỏe mạnh, mà cố gắng tự mình tu tập thiện sự. Trong lúc còn sống, nếu chính quý vị tự làm việc công đức, thì mỗi một phần công đức tạo được đều là của riêng quý vị, hoàn toàn thuộc về quý vị.

"Đại quỷ Vô Thường không hẹn mà đến." Vì sao gọi là "quỷ Vô Thường"? Bởi vì khi nó tìm đến thì quý vị không còn "thường" nữa, song quý vị lại không thể biết được khi nào thì nó xuất hiện!

"Thần hồn vơ vẩn mịt mờ." Câu này nguyên văn chữ Hán là "minh minh du thần." "Minh minh" tức là rất hắc ám, tối tăm. "Du thần" cũng là "du hồn," cũng chính là "hồn phách," và cũng là "thân trung ấm," lại còn gọi là "thân trung hữu" của con người.

Cái "hữu" trong "thân trung hữu" chính là cái "hữu" của "Hữu duyên Sanh" trong Thập Nhị Nhân Duyên—Vô Minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh Sắc, Danh Sắc duyên Lục Nhập, Lục Nhập duyên Xúc, Xúc duyên Thọ, Thọ duyên Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sanh, Sanh duyên Lão Tử.

Lúc năm ấm trước đã diệt, năm ấm sau chưa sanh, thì khi năm ấm trước sau chưa sanh đó, gọi là "thân trung ấm." "Thân trung ấm" nhìn đại địa thì chỉ thấy tối đen như mực, thấy thế giới này như không có ánh sáng của mặt trời mặt trăng; cho nên nói là "minh minh du thần" vậy.

"Chưa rõ là tội hay phước." Người mới chết đó bấy giờ cũng chưa biết rõ là mình đã gây tội hay tạo phước nữa!

"Trong bốn mươi chín ngày như ngây như điếc." Tại nước Trung Hoa, do ảnh hưởng của đạo Phật, nên nội trong bảy thất—bốn mươi chín ngày—sau khi người thân chết, thì quyến thuộc thường thỉnh Tăng sĩ, hoặc Đạo sĩ tụng Kinh để siêu độ vong linh. "Như ngây" tức là giống như một kẻ không biết gì cả; "như điếc" tức là cũng không nghe thấy bất kỳ âm thanh nào cả.

"Hoặc ở tại các ty sở để biện luận về nghiệp quả." Ở địa ngục không phải chỉ có một vị Diêm La Vương thôi, mà có tới mười vị, gọi là Thập Điện Diêm Quân. Dưới quyền của mỗi vị Diêm Quân lại phân ra rất nhiều bộ môn; do đó mỗi vị Diêm La Vương có năm ty sở, đó là:

Tiên Quan (cấm sát sanh),

Thủy Quan (cấm trộm cắp),

Thiết Quan (cấm tà dâm),

Thổ Quan (cấm nói lưỡi đôi chiều),

Thiên Quan (cấm rượu).

Dưới quyền mỗi vị Diêm La Vương đều có năm vị quan giữ các chức sự này, gọi là Ngũ Ty. Ngũ Ty là trông coi về nghiệp tội gây tạo trong một đời của mọi người. Mỗi ty kiểm soát một loại nghiệp tội, cho nên người chết lúc sống phạm loại nghiệp tội nào thì tới ty sở tương ứng với nghiệp tội đó để thẩm vấn, biện luận.

"Sau khi thẩm định xong, thì cứ y theo nghiệp mà thọ sanh." Sau khi biện luận nghiệp quả, người chết phải chờ sự thẩm định, xem đã gây tạo tội lỗi gì thì sẽ phải chịu quả báo gì. Một khi đã thẩm định xong, thì người ấy phải y theo những nghiệp mình đã tạo mà thọ lấy quả báo.

"Trong lúc chưa biết ra sao đó thì đã ngàn muôn sầu khổ, huống là phải bị đọa vào các ác đạo!" Trong thời gian chờ đợi kết quả thẩm định, người ấy rất lo âu buồn bã, không biết tương lai mình sẽ đi đầu thai làm trâu làm ngựa, làm heo làm dê, hoặc trở lại làm người. Bởi chính mình cũng không biết được mình sẽ ra sao cho nên trong lòng cứ phập phồng lo sợ, cảm thấy vô vàn thống khổ; thì huống chi là lúc đã đọa lạc vào các đường ác—địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh—bấy giờ còn thống khổ đến chừng nào?

"Người chết đó khi chưa được thọ sanh, ở trong bốn mươi chín ngày luôn luôn trông ngóng hàng cốt nhục quyến thuộc tu tạo phước lực để cứu vớt cho." Trong khi chờ đợi để được đi thọ sanh, tức là trong vòng bốn mươi chín ngày sau khi chết, người đó từng giây từng khắc, tâm tâm niệm niệm, lúc nào cũng mong mỏi, trông chờ hàng thân thích ruột thịt sẽ tụng Kinh Địa Tạng, lễ bái Địa Tạng Sám, hoặc lễ lạy Địa Tạng Vương Bồ Tát, cúng dường Tam Bảo, tạo vô số phước lợi để cứu vớt cho mình.

"Quá ngày ấy rồi thì cứ theo nghiệp mà thọ báo." Quá bốn mươi chín ngày rồi thì người chết đó phải thọ lấy quả báo tùy theo nghiệp tội mà mình đã gây tạo.

Người chết đó, "nếu là tội nhân, là kẻ có tội, thì phải trải qua trong trăm ngàn năm, không có ngày được giải thoát; còn nếu là tội Ngũ Vô Gián thì phải đọa vào đại địa ngục, chịu mãi những sự đau khổ trong ngàn kiếp muôn kiếp." Nếu tội lỗi mà người chết đã phạm thuộc về năm tội ác tày trời—giết cha, giết mẹ, giết bậc A La Hán, làm thân Phật chảy máu, phá hòa hợp Tăng—thì người ấy sẽ bị đọa địa ngục Vô Gián.

Ngũ Vô Gián tức là năm thứ nghiệp cảm hành hạ liên tục, không gián đoạn:

1) Thời gian không gián đọan (Thời vô gián - thời gian thọ khổ là liên tục, không gián đoạn). Kể từ lúc vào địa ngục cho đến khi được thoát ra, trong suốt thời gian này, tội nhân liên miên thọ khổ, không có một giây một khắc nào được ngưng nghỉ; cho nên gọi là "thời vô gián."

2) Thân hình không gián đọa n (Hình vô gián) . Một người ở địa ngục thì thấy thân thể mình choán chật cả ngục; mà rất nhiều người cùng ở trong ngục thì cũng thấy thân hình của họ chật đầy cả ngục như thế; đó là "hình vô gián" (hình không gián đoạn).

3) Khổ không gián đọan (Khổ vô gián). Từ khi bước chân vào địa ngục, tội nhân phải liên tục chịu đựng những khổ hình bởi các tội khí như cái chĩa, gậy gộc, không hề gián đoạn.

4) Sanh mạng không gián đoạn (Mạng vô gián). Tội nhân ở địa ngục này, một ngày một đêm là cả vạn lần chết đi, muôn lần sống lại—sanh mạng cũng không gián đoạn.

5) ) Quả báo không gián đoạn (Quả báo vô gián). Quả báo mà tội nhân thọ chịu cũng liên miên bất tận, không gián đoạn.

Vậy, nếu phạm tội Ngũ Vô Gián thì phải đọa vào các địa ngục lớn như tám địa ngục lạnh, tám địa ngục nóng ..., và trải qua thời gian dài có đến hằng ngàn hằng vạn kiếp vẫn phải ở mãi trong địa ngục mà thọ lãnh những sự đau khổ.

Kinh văn:

"Lại nữa, này ông Trưởng Giả! Sau khi những chúng sanh gây nghiệp tội như thế mạng chung, hàng cốt nhục quyến thuộc vì họ mà làm chay cúng dường để trợ giúp nghiệp đạo, thì khi thức ăn chưa làm xong cùng trong lúc đang làm, chớ có đem nước gạo, lá rau đổ vung vãi nơi đất, cho đến các thứ đồ ăn chưa dâng cúng cho Phật và chư Tăng thì chẳng được ăn trước.

Nếu ăn trái phép và không được tinh sạch kỹ lưỡng, thì người chết đó trọn không được trợ lực nào cả.

Nếu có thể kỹ lưỡng giữ gìn tinh sạch đem dâng cúng cho Phật cùng Tăng, thì trong bảy phần công đức, người chết hưởng được một phần.

Này ông Trưởng Giả! Vì thế nên những chúng sanh trong cõi Diêm Phù, sau khi cha mẹ hay người quyến thuộc chết, nếu có thể thiết trai cúng dường, chí tâm cầu khẩn, thì những người như thế, kẻ còn lẫn người mất đều được lợi ích cả."

Nói lời này xong, tại cung trời Đao Lợi có ngàn muôn ức na-do-tha quỷ thần của cõi Diêm Phù Đề đều phát tâm Bồ Đề vô lượng.

Ông Trưởng Giả Đại Biện làm lễ mà lui ra.

Lược giảng:

Địa Tạng Vương Bồ Tát lại bảo Trưởng Giả Đại Biện rằng: "Lại nữa, này ông Trưởng Giả! Nay Ta sẽ vì Ông mà nói cặn kẽ hơn. Sau khi những chúng sanh gây nghiệp tội như thế mạng chung, hàng cốt nhục quyến thuộc vì họ mà làm chay cúng dường để trợ giúp nghiệp đạo ..." Sau khi những chúng sanh đã từng gây tạo nghiệp tội nói trên qua đời, thân nhân bạn bè của họ có thể đứng ra thay họ mà làm một bữa ăn chay tươm tất thành kính cúng dường Tam Bảo, để giúp cho nghiệp đạo của họ. "Nghiệp đạo" này tất nhiên là ám chỉ "ác nghiệp"; do đó, "trợ giúp nghiệp đạo" tức là giúp cho người chết được nhẹ bớt ác nghiệp.

"Thì khi thức ăn chưa làm xong cùng trong lúc đang làm, chớ có đem nước gạo, lá rau đổ vung vãi nơi đất, cho đến các thứ đồ ăn chưa dâng cúng cho Phật và chư Tăng thì chẳng được ăn trước." Trước lúc thọ trai hoặc sau khi làm xong các thức ăn, quý vị không nên tùy tiện đổ bỏ nước gạo và vất bỏ rau cải một cách bừa bãi. Lại nữa, khi các thức ăn chay đã nấu nướng xong, nếu chưa đem cúng Phật và chư Tăng chưa dùng tới, thì quý vị không được tự mình ăn trước. Do đó tại chùa chiền hoặc Phật Đường, bất luận quý vị làm món ăn gì dể cúng dường, thì đều phải dâng lên cúng Phật trước. Thông thường, vào ngày đản sanh của Đức Phật, thì mọi người nấu vài món ăn chay tinh khiết, thanh đạm để cúng dường Phật; sau khi cúng Phật xong thì mọi người mới cùng nhau ăn.

Ở Trung Hoa, cúng Phật thì thường là sắp ba chén cơm đầy và thức ăn trước tượng Phật, và cần phải sắp đặt cho đàng hoàng ngay ngắn, chứ không được tùy tiện để sang một bên, hoặc muốn đặt đâu thì đặt! Ví dụ, cúng ba chén cơm thì phải trang trọng đặt ngay ngắn ở chính giữa bàn thờ và ngay trước tượng Phật; ba chén nằm thẳng hàng, khoảng cách đều nhau, tươm tất trịnh trọng. Cúng trái cây cũng phải trịnh trọng như vậy. Phía trước tượng Phật, nơi để sắp đồ cúng, thì không được để đồ bừa bãi. Đó là biểu thị lòng cung kính.

Nếu quý vị tùy tiện để đồ vật trên bàn thờ Phật tức là không cung kính Phật; vì sao? Lấy thí dụ, nếu quý vị để một đống đồ ngổn ngang, bừa bãi ngay trước mặt một người nào đó, thì hẳn nhiên là người ấy sẽ cảm thấy bực bội, không vui rồi! Nếu gặp những kẻ quen thói bê bối cẩu thả như heo như chó, thì không nói làm gì; song nếu nhằm người thích ngăn nắp sạch sẽ mà quý vị để đồ đạc lung tung trước mặt họ, thì họ sẽ bực bội ngay. Hơn nữa, Phật là một người thanh tịnh nhất, do đó việc quý vị đặt để các vật phẩm bừa bãi, thiếu tôn kính trước mặt Phật là điều không nên! Trước mặt Phật chỉ nên thiết đặt các cúng phẩm như hoa quả, thức ăn mà thôi, ngoài ra không nên có đồ gì khác.

Ngoài thông lệ dâng ba chén cơm và thức ăn cúng Phật, có khi người ta dâng cúng năm chén, bảy chén, chín chén, hoặc nhiều hơn nữa tùy theo tính cách của dịp lễ. Như vào dịp Lễ Cúng Thiên chẳng hạn—mấy cái bàn đặt trước mặt tượng Phật đều toàn là thức ăn chay được sắp đặt từng chén từng chén một rất đàng hoàng tươm tất, đâu ra đó cả; chứ không phải là dùng một cái bát thật lớn rồi bỏ chung mọi thứ vào đó để cúng, hoặc mua một hộp bánh rồi thờ ơ để lên bàn thờ cho xong chuyện, chẳng buồn mở ra, bởi như thế không phải là cúng Phật mà là ô nhục Phật! Các phẩm vật dâng cúng cho Phật thì phải được mở ra cho đàng hoàng, không nên để nguyên cả bao bì giấy gói như thế mà đặt trên bàn thờ; bằng không, đó không phải là cúng Phật! Đây là những vấn đề mà tất cả mọi người đều nên biết. Nếu quý vị dâng đồ cúng trước tượng Phật mà không mở ra, chỉ thuận tay đặt bừa một gói trên bàn thờ rồi quay lưng bỏ đi, thì đó là một hành vi bất kính, vô lễ! Bởi cho dù đem thức ăn cho bất cứ một người nào, quý vị cũng không đến nỗi dằn mạnh cái chén trước mặt người đó rồi nói cộc lốc: "Nè, ăn đi!"; vì làm như thế người ta sẽ không ăn nổi!

Ở Trung Hoa có câu: " Người quân tử không ăn cơm thí” (Quân tử bất thực ta lai thực). Ngay cả đối với người ăn xin, khi quý vị cho họ chén cơm mà không nói được một câu tử tế: "Mời ông dùng tạm bát cơm này," thì họ cũng chẳng ăn đâu! Đó gọi là " không ăn cơm thí" Thế thì, huống gì là việc cúng Phật? Có nhiều người để nguyên cả gói quà lên bàn thờ, không mở ra. Tôi bắt gặp rất nhiều lần như thế rồi, có điều tôi không có nhiều thì giờ để giảng về vấn đề này

Bây giờ Phật Giáo truyền bá đến phương Tây, quý vị cần phải biết về các nghi thức hành lễ. Các chén cơm Thượng Cúng (cúng ngọ) nhất định phải sắp cho ngay ngắn tươm tất, đúng nơi đúng chỗ, không được bạ đâu để đó, muốn đặt đâu thì đặt. Cúng hoa quả trái cây cũng vậy—bình hoa chưng trên bàn thờ cũng phải cân xứng, trang trọng; nếu đặt để không đúng vị trí, đáng lẽ ở góc này thì quý vị lại dời nó sang góc kia, thì sẽ không đẹp, thiếu cân đối. Mọi việc đều cần phải có quy củ phép tắc. Nếu nói rằng có quá nhiều quy củ như thế làm sao mà nhớ cho hết được ư? Không nhớ được thì quý vị khỏi phải tu hành! Bởi tu hành tức là ở mọi nơi mọi lúc đều phải đúng với giáo pháp, luôn luôn tuân theo khuôn phép, nền nềp.

Lại nữa, xuất gia thì có quy củ của xuất gia, tại gia thì có quy củ của tại gia. Vị đại đệ tử xuất gia trước nhất thì phải vâng lời Sư Phụ; kỳ dư, vị đệ tử thứ nhì phải nghe lời của đại đệ tử, vị đệ tử thứ ba thì phải nghe lời của đại đệ tử và nhị đệ tử, không được "mục vô sư trưởng," xem thường sư phụ cùng các sư huynh. Làm đại đệ tử mà không nghe theo sự giáo hóa của Sư Phụ, thì gọi là "mục vô sư trưởng," không xem ai ra gì cả! Còn vị nhị đệ tử thì nhất định phải nghe theo sự giáo hóa của sư huynh, không được khinh mạn sư huynh.

Nếu quý vị ở vào cương vị của vị tam đệ tử thì nhất định phải nghe lời của vị đệ tử thứ nhất và thứ nhì. Vị thứ nhất và vị thứ nhì sai bảo việc gì thì quý vị nhất định phải vâng lời; không vâng lời tức là không tuân quy củ. Không bảo quý vị làm gì cả thì quý vị phải nhất định đừng làm; bằng không, đó cũng là bất tuân quy củ vậy!

Trong đoàn thể Phật Giáo nhất định là có nhiều bậc sư trưởng, trưởng bối, quý vị không được "mục vô sư trưởng." Hễ quý vị xuất gia sau người ta dù chỉ một ngày thì quý vị cũng phải làm "sư đệ"; còn nếu quý vị xuất gia trước người ta một ngày thì quý vị sẽ thành "sư huynh." Người nào xuất gia trước thì người đó là lớn hơn, người nào xuất gia sau thì người đó vai vế nhỏ hơn. Bất luận là tuổi tác chênh lệch bao nhiêu, cho dầu quý vị có một trăm tuổi đi chăng nữa, mà xuất gia sau thì cũng phải là "sư đệ" như thường. Lại nữa, mặc dù quý vị mới một tuổi, song nếu xuất gia trước, thì quý vị sẽ thành "sư huynh."

Người xuất gia lấy ngày mình xuất gia làm ngày sinh nhật cho cuộc đời xuất gia của mình; rồi đến lúc lâm chung thì tính lại xem "tăng lạp" (tuổi xuất gia) của mình được bao nhiêu năm. Thí dụ, có người "thế thọ" là sáu mươi và "tăng thọ" là bốn mươi, có nghĩa là người ấy tuổi đời sống được đến sáu mươi tuổi và xuất gia được bốn mươi năm.

Đặc biệt là lúc thọ Giới của người xuất gia—hễ ai thọ Giới trước thì người đó làm "sư huynh." Mặc dù là cùng đi thọ Giới với nhau, quý vị vẫn phải gọi người vừa bước lên đàn thọ Giới trước quý vị là "Giới huynh," và người thọ Giới trễ hơn quý vị là "Giới đệ." Tuy nhiên, trong Giới Đàn thì mọi người đều xưng hô với nhau là "Giới huynh" cả. Quý vị gọi tôi là "Giới huynh," tôi cũng kêu quý vị là "Giới huynh"; không dùng danh xưng "Giới đệ" nữa. Đó là vì mọi người đều lễ phép lịch sự, cho dù "Giới đệ" cũng được gọi là "Giới huynh."

Ngoài ra, những vị xuất gia làm "tiểu" Sa Di trong chùa, thì nhất định là phải nghe lời chỉ huy của các "đại" Sa Di; nếu không nghe theo tức là "phạm thượng," ngỗ nghịch bất hiếu, là "phạm thượng tác loạn" vậy. Quy củ của người xuất gia trong Phật Giáo thì rất chú trọng đến trật tự trên dưới, chứ không tùy tiện, suồng sã như người tại gia được.

Tôi bình thường cũng không có thì giờ để giảng về các quy củ cúng Phật, cho nên cũng xuề xòa, thấy tạm được thì cũng thông qua, để xem coi quý vị rốt ráo là ngu si hay có trí huệ! Nếu quý vị là người có trí huệ thì không cần phải đợi có người dạy bảo mới biết được. Từ trước tới nay không có ai dạy cho tôi cả, song tôi chỉ cần nhìn qua một thoáng là hiểu được ngay. Đối với những kẻ ngu si, cho dù quý vị tận tâm dạy dỗ, thì họ cũng không thể nào nhớ được. Vì thế, qua cách xử sự mọi việc, trong mọi lúc, ở mọi nơi của một người đều thể hiện được là người đó có trí huệ hay không.

Như vậy, thức ăn chưa được dâng cúng cho Đức Phật cùng chư Tăng, thì mọi người không được ăn trước. Do đó khi ăn uống ở chùa, cần phải đợi cúng Phật xong và người xuất gia cũng đã thọ dụng rồi, thì người tại gia mới nên cùng nhau ngồi ăn. Người tại gia tuyệt đối không được ăn trước người xuất gia. Không riêng gì việc cúng Phật, mà luôn cả việc cúng dường Tam Bảo, mọi người đều phải theo đúng phép tắc như thế.

"Nếu ăn trái phép và không được tinh sạch kỹ lưỡng, thì người chết đó trọn không được trợ lực nào cả." Giả sử quý vị không tuân giữ quy củ này mà ăn trước, hoặc là lúc nấu nướng lại cẩu thả lơ đễnh, không chú ý, không làm đàng hoàng, đó gọi là "bất tinh cần"—không được tinh sạch kỹ lưỡng. Cúng dường Tam Bảo thì không được lơ đễnh; bởi nếu quý vị cúng dường Tam Bảo một cách qua loa cẩu thả, thì người chết sẽ chẳng hưởng được một mảy phước nào cả.

"Nếu có thể kỹ lưỡng giữ gìn tinh sạch đem dâng cúng cho Phật cùng Tăng ..." Nếu quý vị có thể đặc biệt chú ý, hết sức cẩn thận giữ gìn những thức ăn này được tinh sạch, rồi cung cung kính kính đem dâng cúng cho Đức Phật và chư Tăng, thì trong bảy phần công đức, người chết hưởng được một phần."

Năm ngoái chúng ta có tổ chức Lễ Truyền Cúng, hôm đó tất cả đại chúng đều quỳ xuống và cùng nhau dâng thức ăn cúng Phật. Những món ăn chay được múc ra từng dĩa hoặc chén, rồi mọi người tuần tự chuyền tay nhau dâng cúng và đặt lên bàn thờ Phật. Chùa đã thận trọng nấu nướng nhiều món chay để cúng Phật; có tới cả trăm món khác nhau được đặt trong các khay vuông để mọi người chuyền tay nhau dâng cúng. Cũng có khi người ta dâng cúng Phật các xâu chuỗi tràng hạt hoặc y phục.

Bất cứ thứ gì cũng có thể cúng dường cho Phật được cả; có điều, đó phải là đồ mới, tốt đẹp, chứ không được đem những thứ mà mình không thích hoặc cũ kỹ hư hoại dâng cúng cho Phật! Như có một người nọ, ông ta mua bó rau mùi đến cúng dường Tam Bảo, thế mà ông ta lặt lấy phần tươi tốt để ở nhà dùng, rồi đem phần già và dai đến cúng dường tôi, để tỏ ra rằng ông ta cũng biết cúng dường—như thế thì hoàn toàn chẳng được chút công đức nào cả.

Vậy, nếu quý vị có thể vì người chết mà chuẩn bị các món ăn chay một cách thận trọng, tinh khiết để cúng dường cho Phật cùng chư Tăng, thì trong bảy phần công đức, người chết sẽ hưởng được một phần, kỳ dư, sáu phần còn lại thì thuộc về người sống.

"Này ông Trưởng Giả! Vì thế nên những chúng sanh trong cõi Diêm Phù, sau khi cha mẹ hay người quyến thuộc chết, nếu có thể thiết trai cúng dường, chí tâm cầu khẩn, thì những người như thế, kẻ còn lẫn người mất đều được lợi ích cả." "Thiết trai" tức là thiết lập, bày biện các thức ăn chay để cúng dường Tam Bảo. "Chí tâm" tức là thành khẩn, thiết tha đến cực điểm, không có gì hơn được nữa.

Chính vì những lý do nói trên, cho nên tất cả chúng sanh ở cõi Nam Diêm Phù Đề nếu có thể vì cha mẹ hoặc bà con thân thích của mình đã qua đời mà làm chay để cúng dường Tam Bảo và thiết tha dốc lòng cầu khẩn, thì chẳng những người còn sống được sự lợi ích, mà luôn cả người đã chết cũng được lợi lạc.

Nói lời này xong, tại cung trời Đao Lợi có ngàn muôn ức na-do-tha quỷ thần của cõi Diêm Phù Đề đều phát tâm Bồ Đề vô lượng. Lúc Địa Tạng Vương Bồ Tát dứt lời, đông đảo quỷ thần của thế giới Diêm Phù hiện diện tại Đao Lợi thiên cung đều phát tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.

Ông Trưởng Giả Đại Biện làm lễ mà lui ra. Ông Trưởng Giả Đại Biện hướng về Bồ Tát Địa Tạng mà cúi lạy, hướng về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng cúi đầu đảnh lễ, rồi lui vào đứng sang một bên.

Người xuất gia, không chỉ có đệ tử lạy Sư Phụ, mà ngay cả sư đệ cũng nên lạy sư huynh. Đừng như người Mỹ, cha mẹ anh em đều không tương can, chẳng ai để ý tới ai cả. Chúng ta không nên như thế. Làm thân sư đệ thì phải như vậy, ai biểu quý vị chịu làm sư đệ làm chi? Ai biểu quý vị xuất gia trễ, sau người khác làm chi? Quý vị xuất gia sau thì phải làm sư đệ, mà sư đệ thì phải kính trọng sư huynh; không kính trọng sư huynh tức là phạm sai lầm, phạm quy củ của Phật đã dạy, về sau sẽ bị lửa thiêu chết!

__________

hết Phẩm Thứ Bảy

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]