Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm 12: Phân biệt Đế

03/05/201115:33(Xem: 10333)
Phẩm 12: Phân biệt Đế

GIẢI THOÁT ĐẠO LUẬN
VIMUTTI MAGGA
Thiện Nhựt chuyển dịch sang tiếng Việt

Phẩm 12: Phân biệt Đế
Chi 1: Phân biệt Trí
, Khởi diệt Trí, Quán diệt Trí


Vào thời đó, người toạ thiền đã hiểu rõ ấm, giới, nhập, nhân duyên đế, đã nghe nói đến hạnh đầu-đà và thiền rồi.

Phàm phu vì chưa được giải thoát nên còn lo sợ về sự tái sanh vào các nẻo dữ, do quán tưởng về các nẻo dữ, về sự sanh tử từ thuở vô thủy (= chẳng biết được lúc mới bắt đầu), về một sát-na (= đơn vị thời gian hết sức ngắn) chẳng thể đắc được, về thí dụ ba trăm mâu kích nhọn, về thí dụ muốn cứu lửa đang cháy trên đầu, mà còn chưa thông hiểu Bốn Thánh đế,thì phải khởi lòng mong muốn, tinh tấn dõng mãnh, chuyên tâm trì niệm đầy đủ, để có thể phân biệt rõ ràng Bốn Thánh đế.

Hỏi: Như thế, phải làm thế nào?

Đáp: Người toạ thiền đó trước hết, nên nghe giảng về Bốn Thánh đế hoặc tóm tắt, hoặc nói rộng, hoặc vừa tóm vừa rộng, rồi do theo lời văn, do nơi nghiã kinh, do sự đọc tụng mà gắng thọ trì.

Vào thời đó, người toạ thiền đi đến nơi yên tịnh, ngồi xuống, tâm chẳng tới lui, chẳng loạn động, lòng khởi lên niệm Bốn Thánh đế. Trước nhứt về Khổ đế, nên khởi niệm hoặc qua ấm, hoặc qua nhập, hoặc qua ấm giới pháp. Về ấm, khởi lên ý tưởng về các ấm tương ưng theo tự tướng, đúng như đã được giảng rõ về Mục: Ấm Phương tiện. Về nhập, khởi lên ý tưởng về các nhập tương ưng với tự tướng, đúng như đã học về Mục:Nhập Phương tiện. Về giới, khởi lên ý tưởng về các giới tương ưng với tự tướng, đúng như đã nghe giảng rộng về Mục: GiớiPhương tiện.

Người toạ thiền như thế đã hiểu rõ ấm, nhập, giới rồi, biết rõ chỉ có ấm, nhập, giới mà thôi, chớ chẳng hề có chúng sanh nào, chẳng hề có thọ mạng nào. Khi ý tưởng nầy đã khởi lên trong tâm, người toạ thiền đắc được hành và tưởng.

Bấy giờ, nói tóm lược lại thì chỉ có hai loại khởi lên: danh sắc. Như thế, sắc ấm, mười nhập, mười giới thuộc về sắc. Bốn ấm kia, ý nhập và bảy giới thuộc về danh. Pháp nhập, pháp giới hoặc thuộc về danh, hoặc thuộc về sắc.

Sắc sắc, còn danh danh, hai thứ khác biệt hẳn. Sắc là không danh. Danh là không sắc. Sắc chẳng lià danh; danh chẳng lià sắc, cũng như cái trống và tiếng trống. Sắc dựa và danh mà sanh ra, danh dựa vào sắc mà sanh ra, cũng người mù với kẻ què, cả hai nương nhau mà đi xa.

Hỏi: Danh sắc khác biệt nhau như thế nào?

Đáp: Danh thì chẳng có thân, còn sắc thì có thân. Danh thì có chỗ biết, sắc chẳng có chỗ biết. Danh di chuyển nhẹ nhàng, sắc di chuyển chậm chạp. Danh chẳng kết tụ, sắc hay kết tụ. Danh thì hay biết (= giác), biết (= tri), suy nghĩ (= ), hiểu biết (= thức); sắc thì chẳng như thế. Sắc thì đi, dựa, ngồi, nằm, co, duỗi; danh thì chẳng như thế. Danh thì, biết tôi đi, tôi dựa, tôi ngồi, tôi nằm, tôi co, tôi duỗi; sắc thì chẳng như thế. Sắc thì uống, ăn, nhai, nếm; danh thì chẳng như thế. Danh thì biết tôi uống, tôi ăn, tôi nhai, tôi nếm; sắc thì chẳng như thế. Sắc thì vỗ vai, bỡn cợt (= hí), cười (= tiếu), khóc (= đề), nói năng đủ cách; danh thì chẳng thế. Danh thì biết tôi vỗ vai, tôi bỡn cợt, tôi cười, tôi khóc, tôi nói năng đủ cách; sắc thì chẳng thế.

Đó là chỗ sai biệt giữa danh sắc. Người toạ thiền như thế biết rõ chỉ có danhsắcđây mà thôi, chẳng có chúng sanh nào, chẳng có thọ mạng nào, và do đó mà đắc được hành và tưởng.

Giờ đây, nói tóm lược lại tất cả: Khổ đế là, khiến tri kiến thanh tịnh như thật về Danh-Sắckhởi lên; đó là lời nói chung mô tả Khổ đế, cần phải được hiểu biết rõ. Người toạ thiền, nhờ khởi lên được Khổ đế mà có được tư tưởng đứng đắn về chúng sanh. Sau đó, nên quán tiếp về nhân duyên gây ra Khổ.

Hỏi: Khổ đó, do nhân duyên nào, do nguồn gốc nào?

Đáp: Người toạ thiền đó biết như vầy: Khổđó do sanhlàm nhân duyên mà ra. Sanh là, do hữu làm nhân duyên. Hữu là, do thủ làm nhân duyên. Thủ là, do khát ái làm nhân duyên. Ái là, do thọ làm nhân duyên. Thọ là, do xúc làm nhân duyên. Xúc là, do sáu nhập làm nhân duyên. Sáu nhập là, do Danh-Sắc làm nhân duyên. Danh-Sắc là, do thức làm nhân duyên. Thức là, do hành làm nhân duyên. Hành là, do vô minh làm nhân duyên. Như thế, vô minhduyên hành, hành duyên thức, sanh duyên lão tử, mà thành ra sầu lo, khổ não. Như thế, khổ ấmắt thành và khởi lên. Bằng cách đó, người toạ thiền dùng sợi dây nhân duyên ràng buộc mà quán tưởng rộng ra.

Bấy giờ, nói tóm lược lại: chính thọ đó đã làm nhân duyên cho ái mớithành ra Khổ Tập, nguồn gốc của sự khổ. Khổ tập nầy đã làm khởi lên, hoặc trí hiểu biết về Pháp Nhân Duyên, hoặc trí thanh tịnh lià mọi nghi ngờ, đấy là những lời lẽ diễn tả về Tập đếđã làm cho trí khởi lên. Người toạ thiền ấy khi đã khởi lên được Khổ tập, thì trong ba thời (quá khứ, hiện tại và vị lai) vượt qua được mọi sự nghi nan.

Giờ đây, quán tưởng về Khổ Diệt. Cái chi diệt làm cho Khổ đó diệt đi? Người toạ thiền ấy biết rằng sanh đã diệt thì Khổ đó diệt. Theo sau sự diệt của sanh là sự diệt của hữu. Hữu đã diệt thì thủ cũng diệt. Hễ thủ diệt, thì ái cũng diệt. Theo sau sự tiêu diệt của vô minh là sự tiêu diệt của hành. Hành đã diệt thì thức diệt theo. Theo sau sự tận diệt của sanh lão tử, sầu lo, khổ não cũng dứt. Như thế, toàn bộ Khổ ấm thành ra tiêu diệt hết. Như thế, người toạ thiền đã dựa theo sợi dây nhân duyên gây tiêu diệt, mà quán tưởng rộng thêm ra.

Tóm lại, thọ đó duyên ái, khi ái đó diệt thì khổ diệt theo, khiến cho Diệt đế khởi lên, thiền giả theo đó khởi lên Diệt đế.

Bấy giờ, quán tưởng tiếp về Khổ Diệt Đạo. Đạo là con đường, đường nào? Phải có đầy đủ những gì mới làm cho ái diệt đi? Người toạ thiền ấy đã biết rõ năm thọ ấm là như thế, nên quán tưởng về các lỗi lầm của năm thọ ấm, đó là đạo, là con đường diệt khổ. Đó cũng là sự đầy đủ làm cho ái diệt đi để khiến khởi lên Đạo đế, như đã được nói rộng qua trước đây trongMục Phương tiện Đế.

Như thế là người toạ thiền đã lần lượt làm khởi lên trong trí mình Bốn Thánh đế.

Vào thời đó, người toạ thiền quán thấy năm thọ ấm, qua một trăm tám mươi pháp lần lượt kết tụ và phân biệt với nhau. Người ấy quán sát mọi sắcpháp trong quá khứ, vị lai và hiện tại, hoặc bên trong, hoặc bên ngoài, hoặc lớn, hoặc nhỏ, hoặc thô, hoặc diệu, hoặc gần, hoặc xa, tất cả sắc pháp đó đều là vô thường, khổ, vô ngã. Cùng một thế quán rộng rãi đó, người ấy quán tất cả thọ, tưởng, hành, thức. Nơi mỗi ấm nầy, có mười hai cửa vào (= nhập), như thế thì tại năm ấm, có năm lần mười hai pháp môn (= cửa) thành ra sáu mươi; do đó sanh ra sáu mươi vô thường kiến, sáu mươikhổ kiến, và sáu mươi vô ngã kiến,tổng cộng lại là một trăm tám mươi.

Lại nữa, còn có một trăm tám mươi pháp môn tại các cửa vào: sáu nội nhập, sáu ngoại nhập, sáu thức thân, sáu xúc thân, sáu thọ thân, sáu tưởng thân, sáu tư thân, sáu ái thân, sáu giác thân, và sáu quán thân; mười lần sáu nầy thành ra sáu mươi. Do đó mà sanh ra sáu mươi vô thường kiến, sáu mươi khổ kiến, và sáu mươi vô ngã kiến, tổng cộng lại ba lần sáu mươi ra một trăm tám mươi.

Qua năm dài tháng rộng, từ mùa nầy qua tháng khác, nửa tháng, rồi ngày, rồi đêm, cho đến một niệm sát-na, tất cả các pháp hành đó biến chuyển đổi thành mới, tương tục nhau tựa như ngọn lửa mồi từ đèn nọ truyền sang đèn kia mãi. Do theo lẽ vô thường trong việc các hành biến chuyển đó, người toạ thiền quán phân biệt về các hành ấm.

Qua các nẻo dữ của tái sanh phải chịu cảnh khổ đói lạnh, sợ hãi, mong cầu, chia lià cùng người thân, già, bịnh, chết, sầu bi, khổ não, các pháp hành đó thăng trầm tương tục mãi. Do theo lẽ khổ đó trong việc các pháp hành biến chuyển, người toạ thiền quán phân biệt về các hành ấm.

Tùy theo các ấm, nhập, giới, nhân duyên, đế, nghiệp quả báo là nhân duyên khiến phải lại sanh ra, nên chẳng có chúng sanh, lại bất động, chẳng có sự việc nào do tự tánh mà thành khởi được. Do lẽ vô ngã đó trong việc các pháp hành biến chuyển, người tọa thiền quán phân biệt về các hành ấm.

Sắc là vô thường, khi xét theo nghiã phải bị biến diệt. Sắc là khổ,khi xét theo nghiã gây nên lo sợ. Sắc là vô ngã, khi xét theo nghiã sắc là chẳng thật. Như thế đó, người ấy đã quán phân biệt theo cách tóm tắt và theo cách rộng rãi.

Cùng theo cách kể trên, người ấy quán phân biệt thọ, tưởng, hành thức như thế, nghiã là quán thấy các ấm nầy vô thường với nghiã biến diệt, khổ với nghiã gây lo sợ, vô ngã với nghiã chẳng thật. Đấy là cách quán phân biệt vừa tóm tắt, vừa rộng rãi.

Như thế, do phân biệt được lẽ vô thườngmà trừ bỏ được thường tưởng, do phân biệt được lẽ khổ mà trừ được lạc tưởng, do phân biệt được lẽ vô ngã mà trừ được ngã tưởng.(Lạc tưởng = trước việc khổ mà lại có ý tưởng tưởng là vui)

Hỏi: Thế nào là phân biệt rộng rãi về lẽ vô thường?

Đáp: Người toạ thiền thấy đúng như thật rằng chư hành đều chẳng hiện hữu trước khi chúng khởi lên và chẳng tồn tại sau khi đã diệt mất, người ấy khởi tâm trú vào cảnh giới vô tướngđược an tâm. Như thế là người ấy đã quán phân biệt rộng rãi về lẽ vô thường.

Hỏi: Thế nào là phân biệt rộng rãi về lẽ khổ?

Đáp: Khi quán tưởng về chư hành tâm cảm thấy lo sợ, bởi do sự mong muốn, và người ấy muốn an tâm nên trú vào cảnh giới vô nguyện(= chẳng mong cầu). Đấy là cách phân biệt rộng rãi về lẽ khổ.

Hỏi: Thế nào là phân biệt rộng rãi về lẽvô ngã?

Đáp: Khi quán tưởng về tất cả mọi pháp (= sự vật), thấy chúng đều tùy thuộc vào sự vật khác, từ đó mà khởi lên tâm trú vào cảnh giớiKhông, khiến được an tâm. Đấy là cách quán phân biệt rộng rãi về lẽ vô ngã.

Cùng thế ấy mà quán phân biệt về ba cõi (= dục giới, sắc giới, vô sắc giới), năm nẻo tái sanh, bảy nơi trú xứ của thức, chín chốn cư trú của các loại chúng sanh. Người toạ thiền nhờ xét đến các lẽ: lẽ biến diệt, lẽ gây lo sợ, và lẽ chẳng thật, mà khởi lên sự quán tưởng.

Đến đây chấm dứt Phân biệt trí.

Ngườitoạ thiền đã phân biệt rõ về năm thọ ấm đều ứng vào nơi ba tướng (=vô thường, khổ vô ngã) rồi, liền mong muốn được thoát khỏi tất cả mọi hành. Bấy giờ, khi quán bên trong năm thọ ấm, người ấy hiểu rõ việc nắm giữ ba tướng đó, lúc khởi lên cũng như lúc diệt đi. Như thế, người ấy thông đạt được rằng, mọi pháp (= sự vật) đều chẳng có trước khi chúng khởi sanh, hiện chỉ có vào lúc sanh, và sẽ biến mất đi khi sự sanh đã diệt.

Việc nắm giữ ba tướng vô thường, khổ và vô ngãthể hiện ra ba hình thức: nắm giữ tướng các phiền não, nắm giữ tướng định và nắm giữ tướng huệ. Nơi đây, kẻ phàm phu mê mờ lúc thấy, nghe, hay, biết về cảnh giới, thì ưa lấy cảnh thấy, nghe, hay, biết đó làm thích thú, khởi lên lạc tưởng, thường tưởng điên đảo, rồi nắm giữ và bám níu vào, khiến phải dính mắc phiền não, tựa như con thiêu thân đâm đầu vào ngọn lửa.

Đấy gọi là chấp thủ (= bám níu) vào phiền não.

Hỏi: Thế nào là nắm giữ lấy tướng định?

Đáp: Người toạ thiền muốn đắc được định, nơi ba mươi tám đề tài quán tưởng, dùng niệm chánh trí nắm giữ lấy tướng định của mỗi đề tài, để cột tâm lại, tựa như người quản tượng dùng cây kích có móc câu mà kềm giữ con voi.

Đấy gọi là nắm giữ tướng định.

Hỏi: Thế nào là nắm giữ lấy tướng huệ?

Đáp: Người siêng năng quán, lấy trí huệ ban đầu tâm phân biệt được tự tướng của mỗi thứ: sắc, thọ, tưởng, hành, thức, rồi muốn khởi tu tâm xả liền nắm giữ lấy tự tướng đó, tựa như kẻ rượt đuổi con rắn độc. Đấy gọi là nắm giữ lấy tướng huệ.Như vậy, nắm giữ được tướng huệ là điều đáng vui mừng.

Hỏi: Thế nào là nắm giữ tướng của sắc, thọ, tưởng, hành, thức?

Đáp: Về tướng của sắc:hoặc do điạ giới, hoặc do thủy giới, hoặc do hoả giới, hoặc do phong giới, hoặc do căn nhập, hoặc do thân nhập, người toạ thiền quán tưởng như thế và nắm giữ lấy tướng của sắc.Về tướng của thọ: hoặc do vui, hoặc do khổ, hoặc do chẳng vui chẳng khổ, người ấy quán tưởng như thế và nắm giữ lấy tướng của thọ. Về tướng của tưởng: hoặc do sắc tướng, hoặc do pháp tướng, người ấy quán tưởng như thế và nắm giữ lấy tướng của tưởng. Về tướng của hành: hoặc do cảm xúc, hoặc do suy tư, hoặc do hay biết, hoặc do quán sát, hoặc do tác ý, người ấy quán tưởng như thế và nắm giữ lấy tướng của hành. Về tướng của thức: hoặc do nơi căn thức, hoặc do nơi ý thức, người ấy quán tưởng như thế và nắm giữ tướng của thức. Như thế, người toạ thiền khéo nắm giữ lấy các tướng và khéo khiến cho các tướng sắc, thọ, tưởng, hành và thức, được khởi lên.

Lại nữa, bằng hai cách sau đây, người toạ thiền khéo nắm giữ được tướng của tâm:do đối tượng, và do tác ý.

Tâm khởi lên do theo đối tượng. Do theo đối tượng của sắc, đối tượng của thọ, đối tượng của tưởng, đối tượng của hành, đối tượng của thức, mà tâm ta khởi lên; người toạ thiền nên quán thấy như thế.

Như thế là do đối tượng mà nắm giữ tướng của tâm.

Hỏi: Thế nào là do tác ý mà nắm giữ tướng của tâm?

Đáp: Khi ta tác ý vào sắcnhư vầy, tâm ta hiện đang khởi lên, người toạ thiền nên quán tưởng như thế. Khi ta tác ý, chăm chú vào thọ, vào tưởng, vào hành, vào thức, tâm ta hiện đang khởi lên, người toạ thiền nên quán tưởng như thế.

Như thế, là do sự tác ý mà nắm giữ được tướng của tâm.

Hỏi: Thế nào là khéo nắm giữ các tướng?

Đáp: Do các cách vừa kể trên, người toạ thiền quán tưởng về các tướng của sắc, của thọ, của tưởng, của hành và của thức. Nếu do các cách đó mà kham quán thêm hơn lên nữa, thì người ấy sẽ nắm giữ được các tướng đó thật khéo kéo.

Thông đạt sự sanh diệt của các tướng đó, là thấy hiểu rõ có sự sanh khởi, có sự biến diệt của chúng. Như thế, sắc đã sanh, hiện đang có mặt, tướng sanh đó của sắc biến đổi thành diệt đi mất. Khi hai giai đoạn khởi sanh biến diệt ấy được huệ nhãn nhìn thấy rõ ràng, đó gọi là thông đạt sự khởi diệt.

Lại nữa, có ba cách để thông đạt được sự khởisanh các tướng và sự biến diệtcủa các tướng (khởi diệt = khởi sanh và tiêu diệt): do nhân, do duyên, và do tự vị (từc là do tự tánh).

Hỏi:Thế nào là do nhân mà thông đạt được khởi tướng?

Đáp: Ái, vô minh và nghiệp làm nhân để khởi lên ấm, nay nhờ có huệ nhãn nhìn thấy được nguyên nhân đó mà thông đạt được tướng khởi sanh.

Hỏi: Thế nào là do duyên mà thông đạt được khởi tướng?

Đáp: Do duyên thực phẩmmà sắc ấm khởi lên; do duyên xúc chạm mà ba ấm khởi lên và do duyên Danh-Sắc mà thức ấm khởi lên, nay nhờ có huệ nhãn nhìn thấy được các duyên cớ đó mà thông đạt được tướng khởi sanh.

Hỏi: Thế nào là do tự tánh mà thông đạt được sự khởi tướng?

Đáp: Như ngọn đèn cứ tiếp tục cháy chẳng ngừng tắt, chư hành tự đổi mới trước sau chẳng gián đoạn, từ lúc sanh, lúc đang hiện có, rồi lúc biến diệt đi, tự tánhấy được huệ nhãn nhìn thấy rõ mà thông đạt được tướng khởi sanh.

Như thế, nhờ do nhân và do khởi lên sự thấy mà thấy được tướng của Tập đế. Nhờ do duyên, do tự tánh và khởi lên niệm hay biết mà thấy được Khổ đế, rồi lấy tướng đó làm chỗ thấy và hay biết được ngay trong sát-na cũng chẳng thể đắc.

Đó là ba cách, do nhân, do duyên, do tự tánhgiúp ta thông đạt được tướng khởi.

Hỏi: Thế nào là do ba cách, thông đạt được tướng diệt?

Đáp: Ba cách đó là: do nhân diệt, do duyên diệtvà do tự tánh diệt. Như thế, một khi ái diệt, vô minh diệt và nghiệp diệt, thì ấm trở nên diệt, rồi do huệ nhãn nhìn thấy rõ các nguyên nhân đã diệt nên thông đạt được tướng diệt. Do thực phẩm diệt, sắc ấm trở nên diệt; do sự xúc chạm diệt, ba ấm trở nên diệt; do Danh-Sắc diệt, thức ấm trở nên diệt; rồi do huệ nhãn nhìn thấy rõ các duyên cớ đã diệt nên thông đạt được tướng diệt. Như ngọn đèn tiếp tục cháy chẳng ngừng tắt, từ lúc sơ khởi, qua lúc đang hiện có, cho đến lúc tàn diệt đi, đều do nơi tự tánh, rồi nhờ huệ nhãn nhìn thấy rõ mà thông đạt được tướng diệt.

Như thế, qua sự tiêu diệt của nguyên nhân (= nhân diệt), người toạ thiền nhìn thấy được Diệt đế, và nhờ thấy được tướng của Diệt đế mà thành chỗ thấy và hay biết được tướng vô sanh. Do duyên diệt, do tự tánh diệt, do chỗ đã thấy diệt, người ấy lấy tướng của Khổ đếlàm thành cái thấy sơ khởi và hay biết ngay trong sát-na chẳng thể đắc được.

Hỏi: Nếu qua sự khởi sanh và biến diệt mà thấy Khổ đế, và lấy tướng đó làm chỗ thấy, thì làm thế nào mà thượng trí khởi lên được?

Đáp: Khởi thấy diệt có dụng ích gì? Do tướng của Khổ đế, ta thấy được những điều chưa từng được thấy. Khổ đó bao trùm tất cả, cho chí đến tận các hành, khiến thấy được các hành tướng đó đúng như thật. Do niệm khởi, tâm vượt thoát khỏi các hành, mới thấy được các lỗi lầm của chư hành đúng như thật. Từ hành tướng đó, khởi tâm niệm vượt thoát khỏi các hành, mới nhìn thấy được nơi nơi khổ đều tràn đầy, đó gọi là đã thấy đến tận bờ ranh.

Đó cũng như con chim bay, đang bị lửa cháy vây quanh, chẳng khỏi lo sợ khi còn chưa vọt lên được trên không trung. Từ trên không trung, chim nhìn xuống thấy ngọn lửa bao vây tràn khắp bốn bên. Cùng thế đó mà người tọa thiền nhìn thấy khổ như thế, cứ suy rộng ra cũng có thể biết được.

Do nhân, do duyên do thấy sự khởi sanh, người toạ thiền thông đạt được tướng khởi của nhân duyên. Mối tương quan giữa sự hiện hữu và sự khởi thành: cái nầy khởi lên khiếncái kia cũng khởi lên theo. Khi nhân diệt và duyên cũng diệt, thì thấy sự diệt của tướng nhân duyên, thành ra thông đạt được: cái nầy chẳng có nên cái kia chẳng thành, cái nầy diệt cho nêncái kia cũng diệt theo. Do theo tự tánh, do theo tướng khởi diệt mà đã thấy được sự khởi thành, đó là thông đạt nhân duyên pháp: biết được sự khởi sanh, biết được sự tận diệt, biết được sự định trụ.

Như thế, do thấy được sự khởi sanh cùng sự tận diệt mà hiểu biết được bốn pháp: pháp một tướng, pháp nhiều loại, pháp vô sự, và pháp chỉ trú. Trong khi các hành nối tiếp nhau như một dòng tương tục, thấy được sự khởi sanh của chúng thì tránh được sự cố chấp khác loại (= chủng chủng chấp). Trong khi các hành trước sau chuyển biến, thấy được sự biến diệt của chúng thì tránh được sự cố chấp vào một tướng (= nhứt chấp). Thấy được các hành trước sau đều chẳng động, chẳng có tự tánh, thì lià được sự cố chấp có tự ngã (= ngã chấp).

Thấy được các hành trước sau biến chuyển đều do nhân duyên, thì tránh được cái chấp về vô sự (= vô sự chấp)

Kẻ phàm phu ít học còn chưa hiểu đúng được tánh đồng nhứt, nên dính mắc vàothường kiếnđoạn kiến. Do chẳng hiểu đúng về pháp khác loại, thành ra phải kẹt vào thường kiến. Vì còn chẳng hiểu được pháp vô sự, thành ra chấp vào ngã kiến. Vì chẳng hiểu biết được pháp nầy, nên mới nói vô sự. Như vậy, nơi ngôn ngữ thông thường, lấy một tướng làm ngôn ngữ ưu thắng; lấy tướng khác loại thâu nhiếp chư pháp làm thành một tướng; lấy nghiã phân biệt làm thành tướng khác loại; lấy nghiã phiền não lập thành đồng một tánh; lấy nghiã phương tiện làm thành tánh khác loại; lấy nghiã thọ quả báo làm thành đồng một tánh; lấy nghiã gây nghiệp quả làm thành tánh thấy khác loại. Người toạ thiền như thế thấy tánh đồng nhứt, nên chẳng còn chấp cái thấy khác loại nữa. Nếu thấy được tánh khác loại, nên chẳng còn chấp vào tánh đồng nhứt nữa. Nếu hiện thấy một tánh, liền tác ý và hay biết để đoạn trừ cái thấy ấy. Nếu hiện thấy một tánh, thì liền trừđoạn kiến ấy. Nếu hiện thấy tánh khác loại, thì liền trừ thường kiến ấy. Người toạ thiền như thế, do thấy được sự sanh khởi và tiêu diệt của chư hành mà thấy được pháp một tánh và pháp khác loại.

Hỏi: Thế nào là thấy các hành khởi lên mà lại vô sự? Tại sao chư hành đã vô sự, bất động, lại khởi lên được và chỉ trú?

Đáp: Tự tánh và nhân duyên hoà hiệp với nguồn gốc đã làm nhân duyên cho sự sanh khởi của chư hành. Như thế, do pháp chỉ trú khiến sanh, nên được sanh ra. Do theo nghiã chẳng có thọ mạng và theo nghiã bất động, mà pháp vô sự có thể biết được. Do theo nghiã tự tánh và nghiã cơ duyên, như thế pháp chỉ trú có thể hiểu được.

Khiến cho Không lại hiện lên, thành ra vô sự; khiến nghiệphiện lên thành ra có chỗ sở tác. Như thế, pháp chỉ trú khiến hiện lên vô sự, nên được gọi là pháp. Như thế, làm cho pháp chỉ trú hiện lên, đó gọi là hành.

Như thế, do hay biết về pháp một tánhmà thành thông đạt được tướng Khổ.Do hay biết về pháp khác tánhnhư thế mà thành thông đạt tướng vô thường. Do hay biết vềpháp vôsựcùng pháp chỉ trúnhư thế, mà thành thông đạt được tướng vô ngã.

Hỏi: Người toạ thiền nên quán sự khởi sanh và sự tiêu diệt của chư hành nơi tất cả mọi phạm vi chẳng sót, hay chỉ cần quán một phạm vi là đủ?

Đáp: Nếu nơi một phạm vi, quán sát chư hành và nắm giữ lấy tướng khởi diệt của chúng, thì thông đạt được tất cả mọi chư hành khắp nơi đều đầy đủ, cũng như một người nếm nước biển tại một nơi trên biển lớn, tức biết rằng nước biển ở đâu cũng mặn như thế. Như thế, có thể suy ra mà biết được.

Do hai cách sau đây mà biết được chư hành đầy đủ: do đối tượng, do chẳng mê mờ.Do thông đạt việc nắm giữ tướng khởi sanh và tiêu diệt của chư hành, người toạ thiền hiểu rõ ràng và đầy đủ được đối tượng của mọi hành. Do đó, đoạn trừ được sự vô tri, nên các hành khác còn lại đều chẳng còn mê mờ nữa mà được hiểu rõ ràng và đầy đủ. Như thế, Khởi diệt trí là trí phân biệt được tất cả chư hành, phân biệt được từ lúc chư hành vừa khởi sanh lên, phân biệt được cho đến lúc chư hành tiêu diệt. Lại phân biệt được trước khi khởi sanh ra, chư hành đều rỗng vắng; cũng phân biệt được sau khi tiêu diệt, chư hành cũng đều rỗng vắng; bởi vì chẳng có sự khởi sanh nào cả vào lúc trước khi chư hành khởi sanh; và cũng chẳng còn có sự tiêu diệt nào thêm nữa vào lúc sau khi chư hành đã tiêu diệt.

Do đó, Khởi diệt trí trở thành Phân biệt trí, biết rõ tất cả chư hành.

Khởi diệt trí chấm dứt.

Ngườitoạ thiền như thế đã chánh kiến (= thấy rõ thật đứng đắn) tướng sanh diệt, khéo phân biệt được rằng chư hành rồi ra sẽ tán diệt, liền muốn đắc được định. Bấy giờ, người ấy chẳng tác ý và quán sự sanh khởi, chỉ thấy các tâm sở diệt: do đối tượng của sắcmà tâm sở khởi sanh rồi tiêu diệt, người ấy chỉ y theo đối tượng đó sanh diệt mà quán thấy tâm sở đang diệt. Cùng thế ấy, theo đối tượng của thọ, đối tượng của tưởng, đối tượng của hành, đối tượng của thức đangkhởi lên trong tâm, người ấy quán sát sự sanh diệt của tâm sở liên hệ với đối tượng ấy, và thấy được sự sanh diệt của tâm.

Lại nữa, bằng ba cách nầy mà thấy được các tâm sở diệt: do kết tụ, do song hành, do phân biệt.

Hỏi: Thế nào là do kết tụ mà thấy được các tâm sở diệt?

Đáp: Trong các oai nghi (= tư thế, đi, đứng, nằm, ngồi) tại các nơi, khi tâm và các tâm sở liên hệ khởi lên, người ấy nhìn thấy sự diệt đi của các oai nghi và qua sự kết tụ, mà thấy được tâm và các tâm sở diệt theo.

Lại nữa, do quán sắc vô thường, thọ vô thường, tưởng vô thường, hành vô thường, thức vô thường, lúc ấy khởi tâm và các tâm sở liên hệ với các đối tượng vô thường đó, rồi do sự kết tụ lại mà thấy được sự biến diệt của các đối tưọng và các tâm sở liên hệ. Cùng một cách ấy, người ấy quán về các đối tượng củakhổvô ngã.

Như thế, nên do kết tụ mà quán thấy sự diệt của tâm và các tâm sở liên hệ.

Hỏi: Thế nào là do song hành mà quán thấy được sự diệt của tâm và các tâm sở?

Đáp: Đã phân biệt được sắc là vô thường, người ấy khởi tâm quán về vô thường, theo sự vô thường mà thấy được tâm khi sanh khi diệt. Cùng thế song hành ấy, người ấy quán thọ, tưởng, hành, thức cũng vô thường, theo các đối tượng vô thường đó, tâm và các tâm sở khởi lên rồi lại biến diệt, và thấy được sự diệt của tâm và các tâm sở liên hệ. Cùng một cách ấy mà quán tiếp về các đối tượng của khổ,vô ngã.

Như thế, nên do sự song hành mà quán thấy sự diệt của tâm và các tâm sở liên hệ.

Hỏi: Thế nào là do phân biệt mà thấy được sự diệt của tâm và các tâm sở?

Đáp: Đã quán sắc là vô thường, và tùy theo đối tượng của sự vô thường mà khởi tâm, nên người ấy đã thấy được sự diệtcủa tâm và các tâm sở. Như thế, người ấy hiểu rõ quán phân biệt sự diệtcủa tâm và các tâm sở liên hệ. Rồi cùng theo lối đó mà quán về thọ, tưởng, hành, thức cũng vô thường, tùy theo đối tượng vô thường mà khởi tâm, và thấy được tâm sanh diệt, lấy chính cái thấy đó mà nhìn chính cái thấy đó diệt. Đó là cách do sự phân biệt mà thấy được tâm và các tâm sở diệt.

Cùng thế ấy mà quán khổ,quán vô ngã. Như thế, do sự phân biệt mà hiện chỉ quán về sự diệt của chúng. Khi sự quán về sự diệt đã nhuần nhã rồi, thấy rõ chư hành trong sát-na, thì đắc được sự lợi lạc. Qua trí huệ hiểu biết rõ ràng đó, người toạ thiền ấy, chẳng còn tùy thuộc vào duyên nào khác, với tâm chuyên nhứt, nhìn thấy toàn thể thế gian nầy, do theo tự tánh, tựa như hột cải trên đầu cây dùi, trong sát-na biến đổi từ sanh, già đến chết.

Vào thời đó, người toạ thiền nhìn thấy ra được như thế, như đã nói trong bài Kệ sau đây:

Theo tự tánh, đôi "Danh-Sắc" đó
Chuyển, cùng chuyển và diệt, cùng diệt.
Đây sanh, nhân đó cũng sanh,
Diệt
đây, đócũng duyên theo diệt liền.

Ấm vô thường vốn là pháp diệt;
Cùng là pháp diệt, pháp khổ sanh,
Như tiếng vang khi dùi đánh trống.

Sắc, hương,... cùng với năm pháp nọ,
Chẳng bởi do nơi mắt sanh ra,
Cũng chẳng khởi sanh do nơi sắc,
Nhưng chẳng lià cặp đôi "mắt sắc".

Các pháp hữu vi y duyên sanh
Như tiếng vang khi dùi đánh trống.

Sắc, hương,... cùng với năm pháp nọ,
Chẳng bởi do nơi tai sanh ra,
Cũng chẳng theo âm thanh sanh khởi,
Nhưng chẳng lìa cặp đôi "tai thanh"

Sắc, hương,... cùng với năm pháp nọ
Chẳng bởi do nơi mũi sanh ra,
Cũng chẳng theo mùi hương sanh khởi,
Nhưng chẳng lìa cặp đôi "mũi hương".

Sắc, hương,... cùng với năm pháp nọ,
Chẳng bởi do nơi lưỡi sanh ra,
Cũng chẳng theo vị nếm sanh khởi,
Nhưng chẳng lìa cặp đôi "lưỡi vị".

Sắc, hương,... cùng với năm pháp nọ,
Chẳng bởi do nơi thân sanh ra,
Cũng chẳng theo xúc chạm sanh khởi,
Nhưng chẳng lìa cặp đôi "thân xúc".

Các pháp đó sanh, chẳng do sắc,
Chẳng ra ngoài cõi ý bên trong,
Theo nhân duyên mà sanh khởi,
Như tiếng vang theo dùi đánh trống.
Căn của chúng rất là yếu ớt.
Nhân ban sơ cũng rất yếu mềm,
Nhân hiện tại chẳng mạnh chi hơn,
Buộc chung vào nên càng kiệt quệ,
Hoà hợp lại cũng chẳng tăng cường,
Có tương ưng cũng vẫn yếu mòn.
Chuyển động vượt qua còn lắt lẻo,
Lướt đi chậm yếu chẳng an trụ,
Chẳng có sức tự mình chuyển độ,
Thiếu khả năng làm khởi sanh lên,
Giống như ảo ảnh thành càn thát.

Ngay ban sơ, các pháp đó khởi,
Chẳng do tự thân mà sanh ra,
Chẳng do tự lực mà hiện hữu,
Tồn tại được cũng tùy pháp khác,
Lại khiến sanh thêm pháp hữu lậu.

Thân thể yếu mềm chẳng tự sanh,
Chẳng do tự nhân, chẳng tự sự,
Chẳng có tự tánh, luôn tuỳ thuộc
Vào chư hành, các pháp hữu vi.
Vì sanh thân yếu, đời sống ngắn,
Chẳng từ đâu đến, chẳng về đâu,
Gốc gác xa gần biết là đâu?

Tâm nầy vô ngã, chẳng thọ mạng,
Mỗi niệm buộc ràng với khổ, lạc,
Trong sát-na, vượt biển trèo non,
Trải tám vạn kiếp, một lần trú

Chưa hề trở lại, chẳng hai tâm.
Quá khứ, vị lai, cùng diệt mất,
Hiện trú đây, toàn là các ấm.
Kia đã qua rồi, nghe đã mất,
Nọ còn chưa đến, khoảng còn vắng,
Đó chẳng khởi tướng dị biệt lên,
Do chẳng khởi sanh, hiện tại sanh.
Từ chỗ vô tâm, thế giới mất,
Trong nghiã đệ nhứt: chẳng đến, đì.
Tương lai chẳng tựu, chỉ chuyển sanh,
Các pháp sanh trụ như hột cải.
Pháp diệt, tức là buổi ban sơ,
Thế gian cùng pháp sơ chẳng lìa.
Chẳng thấy đến đi, chẳng thấy sanh,
Chư pháp chẳng sanh, tựa Hư-không,
Giống như điện chớp, phút chốc mất.

Người toạ thiền đó thấy sự diệt vô tận như thế, nhập vào định. Cũng như khi cọ xát hai khúc gỗ làm khói lửa khởi lên trong sát-na, trí quang minh liền khởi lên trong sát-na, cùng với nỗi mừng vui, an lạc, giải thoát, niệm xứ và xả ly cũng đồng khởi lên. Lúc đó, nếu người toạ thiền còn chưa hiểu rõ pháp thiền, tâm sẽ tán loạn hoặc sanh lòng tăng thượng mạn (= kiêu căng).

Hỏi: Làm thế nào trừ tâm tán loạnđó?

Đáp: Người toạ thiền đó khởi lên mừng về pháp thiền, nỗi mừng đó khiến cho tâm được an, và pháp thiền sẽ điều nhiếp tâm, khiến cho tâm thông đạt theo sự quán định mà lià xa thường tưởng. Như thế mà diệt sự tán loạn tâm.

Hỏi: Thế nào là khởi lòng tăng thượng mạn?

Đáp: Người toạ thiền nơi pháp thiền khởi lên được tướng sáng, tưởng rằng đã đắc được pháp xuất thế gian rồi, nhưng vì còn chưa đắc mà lại chẳng khởi thêm tinh tấn, do đó mà sanh lòng tăng thượng mạn. Còn người toạ thiền hiểu biết, rõ được phiền não ấy, vốn là một pháp ở thế gian, đã làm cho định bị tán loạn, trong khi pháp xuất thế gian chính là đối tượng Niết-bàn, nên dùng sự hiểu biết đó mà trừ được tâm tán loạn, trừ được lòng kiêu mạn và chỉ nhìn thấy sự tịch diệt, đó là khéo tu hành, biết tu hành nhiều.

Trí quán về Diệt chấm dứt.

(Giải Thoát Đạo Luận: Quyển thứ Mười Một).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]