Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

3. Chánh Niệm Như Trụ Cột Của Đập Nước

19/04/201114:05(Xem: 6988)
3. Chánh Niệm Như Trụ Cột Của Đập Nước

Upasika Kee Nanayon (K.Khao-suan-luang)
ĐƠN GIẢN VÀ THUẦN KHIẾT
Tổng Hợp Các Bài Giảng của Nữ Thiền Sư Thái Lan

Chương 3

Đi Ngược Dòng

Chánh Niệm Như Trụ Cột Của Đập Nước

Bàn luận về việc tu tập đem lại cho ta nhiều lợi ích hơn là bàn luận về bất cứ chuyện gì khác, vì nó giúp ta phát triển trí tuệ. Nếu hành theo phương pháp tu tập này từng bước một chúng ta có thể biết được bản thân, biết được nội tâm mình. Khi ta biết được bản thân qua sự quán sát, truy nguyên những tai hại và khổ đau do phiền não, ái dục, và chấp thủ gây ra, thì sẽ có lúc ta đạt được sự hiểu biết chân chính, giúp ta ngày càng ly tham và ngày càng buông bỏ. Rồi tâm ta sẽ tức khắc tĩnh lặng, không còn có những tâm hành thường thao túng tâm do thiếu sự quán chiếu bản thân.

Các nguyên tắc để tìm hiểu bản thân là những công cụ quan trọng nhất của chúng ta. Chúng ta phải có những nỗ lực với chủ đích để có thể làm chủ chúng, nhất là việc sử dụng chánh niệm để tập trung tâm và đưa nó đến an định. Nếu chúng ta không tập trung duy trì tâm an trụ hay xả làm vị thế căn bản của tâm, nó sẽ lang thang đuổi theo vọng tưởng hay các xúc chạm giác quan khiến tâm tán loạn và bất an. Nhưng khi chúng ta tập chế ngự các căn bằng cách duy trì chánh niệm liên tục trong tâm, thì giống như đóng các cột trụ cho một con đê. Nếu có dịp quan sát các trụ đê, ta sẽ biết rằng các trụ này được đóng sâu, rất sâu vào trong đất để chúng hoàn toàn vững chắc, không di động. Nhưng nếu ta đóng chúng xuống bùn, chúng sẽ dễ dàng bị lay chuyển dù đụng chạm nhẹ. Điều này có nghĩa là chánh niệm của ta phải vững chắc như thế nào để giúp tâm kiểm soát được sự yêu hay ghét khi tiếp xúc với các đối tượng bên ngoài.

Tâm phải luôn duy trì được chánh niệm vững chắc trong mọi hoạt động, với từng hơi thở ra vào, để tâm không còn chạy tán loạn theo đuổi các vọng tưởng. Nếu ta không chế ngự được điều này, tâm sẽ bị kích động khi có sự tiếp xúc với các căn, giống như con thuyền không lái trôi dạt đến bất cứ nơi nào mà gió và sóng đưa đẩy đi. Đây là lý do tại sao ta cần chánh niệm để canh giữ tâm trong mọi lúc. Nếu ta có thể duy trì chánh niệm liên tục trong mọi hoạt động, tâm của ta sẽ liên tục bình ổn, sẵn sàng để quán chiếu, truy nguyên nhằm đạt được tuệ.

Bước đầu tiên trong việc đóng cột trụ cho cái đê của chúng ta nói cách khác, để làm cho chánh niệm vững chắc là chúng ta phải tập trung vào sự bình ổn tâm như một vị thế cơ bản của tâm. Không có gì phải nghĩ ngợi. Chỉ cần làm cho tâm vững chắc trong sự bình ổn của nó.Nếu ta có thể liên tục làm được điều này, đó chính là lúc ta sẽ có được một mẫu mực chân chính cho sự quán niệm của ta, vì tâm sẽ tập trung vào định. Nhưng tâm định này là cái mà ta phải kiểm soát chặt chẽ để chắc chắn nó không phải là tâm thờ ơ, mù mờ. Hãy làm cho tâm vững chắc và tập trung để tâm không phóng dật hay xao lãng khi ta ngồi thiền. Ngồi thẳng lưng, duy trì chánh niệm vững chắc và ta không cần phải làm điều gì khác. Giữ tâm định tĩnh, bình ổn, không suy nghĩ đến điều gì hết. Phải chắc chắn rằng sự ổn định này được duy trì liên tục. Khi có bất cứ điều gì khởi lên, bất cứ bằng cách nào, hãy giữ tâm bình thản. Chẳng hạn nếu có cảm thọ lạc hay khổ, đừng chú tâm đến cảm thọ ấy. Chỉ chú tâm đến sự ổn định của tâm và ta sẽ có cảm giác buông xả trong sự ổn định đó.

Nếu ta thận trọng không để cho tâm phóng dật hay xao lãng, định tâm sẽ trở nên liên tục. Ví dụ, nếu ta sẽ hành thiền trong một giờ, hãy chủ tâm bình ổn tâm như thế trong nửa giờ đầu, rồi chắc chắn rằng tâm không đi lang thang cho đến khi hết giờ. Nếu ta thay đổi vị thế, chỉ là một sự đổi thay bên ngoài của thân, trong khi tâm vẫn duy trì ổn định vững chắc, buông xả trong từng lúc, dầu ta đang đứng, ngồi, nằm hay làm bất cứ gì.

Chánh niệm là yếu tố chính trên tất cả, nó kiềm chế tâm không phóng dật hay phán đoán sự việc. Tất cả mọi việc phải dừng lại. Hãy giữ cho nền móng này vững chắc với từng hơi thở vào, ra. Rồi ta có thể giảm bớt sự tập trung vào hơi thở, trong lúc vẫn giữ tâm trong trạng thái bình ổn. Nếu sự tập trung của ta quá căng, hãy điều chỉnh để nó cân đối với hơi thở. Tâm sẽ có thể duy trì được trạng thái này trong suốt giờ hành thiền, không có ý nghĩ nào có thể đi chệch đường. Sau đó kiềm giữ tâm để dầu ta làm hay nói gì, tâm vẫn ổn định trong trạng thái hiểu biết nội tâm bình thường của nó.

Nếu tâm vững vàng tự bên trong, ta sẽ được hoàn toàn bảo vệ. Khi có sự tiếp xúc với các căn xảy ra, ta vẫn duy trì ý thức về trạng thái tâm bình ổn của ta. Dầu có đôi lúc chánh niệm bị lơ là, ta vẫn có thể trở lại trạng thái tâm vững chắc ngay. Ngoài ra ta chẳng cần phải làm gì cả. Tâm sẽ buông xả mà ta không cần làm gì khác. Cái cách mà ta thường thích cái này, ghét cái kia, quay trái ở đây, quay phải ở đó, giờ đây sẽ không xảy ra. Tâm sẽ tiếp tục duy trì trạng thái bình ổn, buông xả, quân bình. Nếu lơ là chánh niệm, ta dễ dàng chú tâm trở lại, nhận biết lúc nào tâm tập trung và bình ổn đối với các đối tượng của nó, rồi duy trì tình trạng đó như thế.

Các cột trụ cho cái đê chánh niệm phải được đóng sâu xuống để chúng vững chắc và an toàn đối với mọi hoạt động của ta. Hãy tiếp tục cố gắng làm điều này bất kể ta làm việc gì. Nếu ta có thể rèn luyện để tâm được có nền tảng vững chắc, tâm sẽ không làm những việc nguy hại. Tâm sẽ không gây phiền não cho ta. Nó không phóng dật. Nó sẽ lặng lẽ. Một khi tâm lặng lẽ, tập trung, nó trở nên tinh tế hơn, thâm nhập sâu hơn vào bên trong và nhận biết được chính trạng thái định của nó từ bên trong.

Còn các xúc chạm giác quan, những thứ bên ngoài luôn sinh diệt, nên không ảnh hưởng đến tâm định tĩnh. Điều này có thể khiến cho ái dục tan biến. Ngay cả những lúc chúng ta thay đổi oai nghi vì đau đớn khởi lên trong thân, tâm lúc đó vẫn vững bền, vẫn tập trung, không phải vào cái đau, mà vào chính sự vững chãi của nó. Khi ta thay đổi oai nghi, sẽ có phản ứng của thân và tâm vì khí huyết lưu thông tốt hơn và cảm giác dễ chịu xảy ra thế chỗ cho những đau đớn, nhưng tâm sẽ không vướng mắc vào lạc hay khổ. Nó sẽ vẫn ổn định, tập trung và vững chãi trong sự bình ổn của nó. Trạng thái vững chãi này có thể dễ dàng giúp ta buông bỏ những khát vọng tiềm tàng trong các cảm thọ. Nhưng nếu ta không giữ tâm tập trung trước như vậy, tham ái sẽ tạo ra tán loạn, khiến tâm bắt đầu muốn thay đổi, đảo lộn sự việc để có thứ hạnh phúc này, hạnh phúc nọ.

Nếu ta liên tục tu tập theo cách này, cố sức bền bỉ làm mãi thì cũng giống như đóng cột trụ vào trong đất. Chúng ta đóng càng sâu vào thì cột càng không thể lay động. Chính đó là lúc ta sẽ có thể đối phó với các xúc chạm giác quan. Nếu không, tâm sẽ bắt đầu sôi sục vọng tưởng đuổi theo sắc, thanh, hương, vị và xúc. Đôi khi nó cứ dựng lên những những điều vô nghĩa sáo mòn mãi. Đấy là do các cột trụ chánh niệm của ta chưa vững chắc. Chúng ta vấp ngã trong đời sống là do chưa rèn luyện chánh niệm đủ liên tục để tâm tập trung, buông xả một cách vững chãi. Vì thế, chúng ta phải làm cho con đê chánh niệm của ta vững chắc, an toàn.

Sự định tâm này là điều chúng ta nên phát triển trong mọi hoạt động, với từng hơi thở vào, ra. Như thế, chúng ta sẽ có thể nhìn thấu suốt những mê lầm của mình, để thấy chân lý về vô thường và vô ngã. Nếu không, tâm sẽ đi lạc đó đây, giống như một chú khỉ tinh ranh. Nhưng khỉ cũng có thể bị bắt và được huấn luyện để làm trò. Cũng vậy, tâm là cái cũng có thể được rèn luyện, nhưng nếu ta không buộc nó vào cây cột chánh niệm và cho nó hưởng mùi vị của cái gậy, nó sẽ rất khó dạy.

Khi rèn luyện tâm ta không nên ép nó quá, mà cũng không nên để mặc cho nó hành xử theo thói quen cũ. Ta phải thử thách bản thân để xem cách nào đem lại hiệu quả. Nếu ta không giữ tâm chánh niệm tập trung, tâm sẽ nhanh chóng chạy đuổi theo vọng tưởng hay dao động khi tiếp xúc với các trần cảnh. Khi ta để tâm trôi dạt theo trần cảnh, chính là vì ta chưa thiết lập chánh niệm làm nền tảng vững bền. Trong trường hợp đó ta không thể dừng lại. Ta không thể trở nên tĩnh lặng. Ta không thể được giải thoát. Đây là lý do tại sao chúng ta phải đóng cọc trụ cho con đê của ta được tốt đẹp, vững chắc, để tâm được vững chãi, tập trung, dầu chúng ta ngồi, đứng, đi hay nằm xuống. Sự vững chãi này rồi sẽ giúp ta đối phó với tất cả mọi thứ. Chánh niệm của ta sẽ trụ trên nền tảng của nó, giống như chú khỉ bị buộc vào cột. Nó không thể chạy thoát hay quậy phá. Nó chỉ có thể chạy loanh quanh cái cột mà dây buộc vào.

Tiếp tục huấn luyện tâm cho đến khi nó đủ thuần thục để lắng đọng và quán sát sự vật, vì nếu tâm còn tán loạn, thì nó chẳng có ích lợi gì cả. Ta phải rèn luyện tâm cho đến khi nó biết sự vững chãi nội tâm là gì. Nếu ta lừng khừng, thiếu quyết tâm tu tập, tâm sẽ vướng mắc vào vọng tưởng, vào những việc sinh diệt. Ta phải làm tâm dừng lại. Tại sao nó tác hại như vậy? Tại sao nó vương vãi tứ tán như vậy? Tại sao nó cứ lang thang mãi? Hãy đưa nó vào vòng kiểm soát! Bắt nó dừng lại, ổn định và tập trung trở lại.

Ở giai đoạn này tất cả chúng ta đã tu tập đủ để đạt ít nhất chút hương vị của thiền định. Bước kế tiếp là dùng chánh niệm để duy trì định tâm trong tất cả mọi hoạt động, để dầu có lúc xao lãng, chúng chỉ kéo dài trong chốc lát, chứ không biến thành những vấn đề lâu dài. Cứ tiếp tục đóng trụ cọc cho đến khi chúng đủ vững chắc để đối đầu với chấn động của các đối tượng bên ngoài, và cho đến khi các tâm tạo tác từ bên trong lệch lối ra ngoài được bắt dừng lại.

Việc tu tập này thật sự không khó đến thế. Điểm quan trọng là, bất kể ta lựa chọn đối tượng thiền quán nào, ta phải duy trì chánh niệm tỉnh giác về trạng thái tâm định và xả. Khi tâm đi lạc ra ngoài đối tượng, ta hãy cứ tiếp tục đưa tâm trở lại trung tâm. Dần dần tâm sẽ trụ vững trong vị thế của nó. Chánh niệm sẽ trở nên liên tục, sẵn sàng để quán sát, truy nguyên, vì khi tâm đã thật sự ổn định, nó có sức mạnh để biết sự việc bên trong nó rõ ràng. Nếu tâm thiếu tập trung, nó có thể đảo lộn mọi thứ hầu lừa dối ta, nhảy từ vấn đề này sang vấn đề khác, từ vai trò này đến vai trò khác. Nhưng nếu nó an định, nó có thể tiêu trừ mọi thứ tất cả phiền não, tham ái và chấp thủ ở khắp nơi.

Như vậy, tựu trung lại là Pháp hành này đòi hỏi sự nỗ lực và kiên trì để tập trung tâm. Một khi tâm đã vững chắc, nó có thể chịu đựng được khổ đau, uế nhiễm mà không bị vấy bẩn, kích động, cũng giống như các trụ đê có thể đương đầu với bão tố mà không lay chuyển. Ta phải biết rõ ràng trạng thái tâm này để ta không chạy theo việc thích cái này, ghét cái kia. Trạng thái này rồi sẽ trở thành khởi điểm để ta quán chiếu, truy nguyên vấn đề hầu đạt được tuệ giác sâu xa để thấy rõ ràng thấu suốt, nhưng ta phải chắc rằng sự tập trung của ta vẫn được duy trì. Sau đó, ta sẽ không phải suy nghĩ gì hết. Chỉ cần nhìn ngay vào bên trong, sâu xa và tinh tế.

Điểm quan trọng là ta đừng phóng tâm và tránh những xao lãng. Chính điều này loại đi được nhiều mê lầm, vô minh và không chừa chỗ cho ái dục quấy động tâm, khiến nó lạc lối. Đấy là do chúng ta đã thiết lập tư thế của mình trước rồi. Nếu như chúng ta có mất đi sự thăng bằng bình thường một chút, chúng ta sẽ tập trung trở lại ngay vào an định. Nếu chúng ta làm được điều này nhiều lần, sự vững chắc của tâm với chánh niệm liên tục sẽ giúp chúng ta có thể tiến sâu vào trong các chân lý của vô thường, khổ và vô ngã.

Tuy nhiên lúc đầu ta không cần phải quán niệm. Tốt hơn chỉ nên chú tâm vào sự vững chắc của vị thế của ta, vì nếu ta bắt đầu quán niệm trong khi tâm chưa thật sự tập trung, ổn định, thì rốt cục ta chỉ khiến tâm sinh tán loạn. Vì thế hãy chú tâm để sự tập trung trở thành nền tảng căn bản của tâm và rồi bắt đầu quán chiếu, truy nguyên càng sâu hơn. Điều này sẽ đưa đến các tuệ càng lúc càng nhạy bén, sâu sắc hơn, đưa tâm đến trạng thái tự do, giải thoát nơi nó không còn bị các uế nhiễm quấy rầy nữa.

Chính điều này sẽ giúp ta thật sự chế ngự các căn môn. Lúc mới bắt đầu, ta chưa có thể thật sự kiềm chế mắt và tai, nhưng một khi tâm đã an trụ vững chãi, thì mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân sẽ tự động được kiểm soát. Nếu không có chánh niệm và định, ta không thể kiểm soát mắt vì tâm muốn dùng mắt để nhìn quanh quất, nó muốn dùng tai để nghe tất cả mọi chuyện. Như thế, thay vì tu tập kiềm chế bên ngoài, nơi các giác quan, chúng ta kiềm chế ở bên trong, ngay tại tâm, khiến tâm luôn luôn an trụ vững chắc và bình thản. Bất kể ta đang nói năng hay làm gì đó, sự tập trung của tâm vẫn nguyên vẹn. Khi đã làm được điều này, các đối tượng giác quan không còn ý nghĩa gì với ta nữa. Ta không có vấn đề với sự vật như "Cái này tốt, tôi thích. Cái kia xấu, tôi không thích. Cái này đẹp; cái kia đáng ghê tởm". Đối với âm thanh ta nghe cũng thế. Ta không có vấn đề với chúng. Thay vào đó, ta chú ý vào tâm an định, bình thản và không vướng mắc. Đây là nền tảng căn bản cho tâm xả.

Khi ta có thể làm điều này, các pháp sẽ trở nên trung tính. Khi mắt thấy sắc, cái thấy là xả. Khi tai nghe âm thanh, cái nghe là xả -tâm xả, âm thanh xả, các pháplà xả -vì chúng ta đã đóng năm trong sáu căn môn và tự ổn định ngay tại tâm. Điều này bao trùm mọi thứ. Bất cứ điều gì mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưõi nếm, hay thân xúc chạm, tâm sẽ không có vấn đề với bất cứ điều gì. Tâm vẫn tập trung, bình thản và vô tư. Chừng ấy cũng đã đủ, giờ thì hãy trải nghiệm đi.

Đây là vào cuối mùa mưa, thời điểm khi sen và súng trổ hoa sau cuối mùa mưa ẩn cư. Vào thời Đức Phật, Ngài thường yêu cầu các vị tăng cao hạ giáo huấn các tân tăng trong suốt mùa mưa ẩn cư, rồi họ sẽ đến gặp Phật khi sen nở hoa. Nếu tâm luôn vững chãi, thì tâm cũng sẽ nở hoa. Nó nở hoa vì các uế nhiễm không thể thiêu đốt, quấy rầy hay kích động tâm nữa. Vì vậy hãy hết sức cố gắng trong thời gian tới để quán sát, tìm hiểu các trạng thái tâm định và xả một cách liên tục. Dĩ nhiên, nếu ta thiếp ngủ, cứ ngủ; nhưng khi nằm xuống ngủ, cố gắng tâm an trụ, bình ổn cho đến lúc thiếp đi. Khi thức dậy, các hoạt động của tâm vẫn ở trong trạng thái an định, bình ổn đó. Hãy thực hành, để tâm có thể trở nên yên tĩnh, thanh thản và hủy diệt các uế nhiễm, tham ái, khổ. Rồi để ý xem nó bắt đầu trổ hoa chưa.

Cảm giác tươi mát, tâm thanh tịnh không bị phiền não quấy nhiễu sẽ tự phát sinh. Ta không cần phải làm gì cả ngoài việc giữ tâm vững chắc và an định. Một điều chắc chắn là: Nếu tâm an trụ trong định, phiền não không thể đốt cháy hay khuấy động nó. Ái dục không thể khích động nó. Khi tâm định vững chãi, những ngọn lửa tham, sân, và si sẽ không thể đốt cháy nó được. Hãy tự chiêm nghiệm xem tâm an định sẽ đối mặt với vọng tưởng, hủy diệt phiền não, và dập tắt các ngọn lữa như thế nào. Nhưng ta phải nghiêm chỉnh tu tập, cố gắng giữ chánh niệm liên tục. Đây không phải là chuyện đùa, ta không thể yếu hèn, vì nếu yếu hèn ta sẽ không thể chống cự lại với điều gì hết, ta sẽ chỉ đi theo sự kích động của phiền não và ái dục.

Cốt lõi của việc tu tập chỉ là biết dừng lại để tâm có thể lắng đọng và vững chãi. Đó là việc không để rơi vào bất thiện, không lạc lối và vướng mắc trong phiền não. Cố gắng giữ tâm vững chãi. Trong tất cả mọi hoạt động của ta: ăn uống, tiêu hóa, hay bất cứ việc gì, giữ tâm an trụ bên trong. Nếu ta biết trạng thái tâm lúc an trụ, bất động, không còn lung lay, không còn yếu hèn thì lúc đó mức độ cơ bản của tâm sẽ tự do và rỗng không vì không còn những gì sẽ thiêu đốt nó, rỗng không vì không còn chấp thủ. Đây là điều khiến ta có thể khám phá ra sự vững chắc của tâm trong mọi thời điểm. Nó bảo vệ ta khỏi mọi phiền não. Tất cả mọi chấp thủ vào ngã, "tôi", "chúng nó" hoàn toàn bị tẩy sạch, cắt bỏ đi. Tâm hoàn toàn an định. Nếu ta có thể duy trì tình trạng vững bền này trong bảy ngày, nó sẽ giúp ta tự mình đạt đến tuệ.

Vì vậy tôi yêu cầu mỗi người trong chúng ta xem thử mình có thể đi suốt con đường không. Kiểm soát những tiến bộ hằng ngày. Và hãy chắc rằng ta kiểm soát mọi thứ hết sức cẩn trọng. Đừng buông lơ, khi thì vững chãi, khi thì không. Làm sao cho tâm tuyệt đối vững chắc. Đừng để ta trở nên yếu hèn, Ta phải chân thành trong tất cả những điều mình làm nếu ta thật sự muốn dập tắt khổ ưu, bất an. Nếu không thật lòng, ta sẽ trở nên yếu đuối trước sự kích động của lòng ham muốn thứ này, thứ kia, làm điều này, việc nọ, hay bất cứ gì khác, như ta đã từng làm nô lệ cho ái dục bấy lâu nay.

Cuộc sống hằng ngày là nơi để ta có thể thử thách mình, hãy quay về trận chiến! Duy trì một vị thế quân bình vững chắc. Rồi tất cả các đối tượng của tâm sẽ trở nên quân bình chính tâm sẽ cảm thấy an trụ trong sự quân bình. Không còn vấn đề tốt xấu. Tất cả sẽ dừng lại trong trạng thái quân bình, vì các pháp tự chúng chẳng tốt, xấu, có ngã hay bất cứ gì. Tất cả chỉ vì tâm đã chạy ra bên ngoài và biến chúng thành vấn đề .

Vì thế xin hãy quay vào bên trong cho đến khi ta thấy được sự quân bình của tâm và sự giải thoát liên tục khỏi "cái ngã", rồi lúc đó ta sẽ thấy đóa tâm sen trổ hoa như thế nào. Nếu nó chưa nở hoa, chính vì nó bị khô héo trong sức nóng của phiền não, ái dục, và chấp thủ đang ngầm cháy bên trong tâm. Nhưng dần dần chúng ta sẽ tu tập để truy tầm chúng ra và tiêu hủy chúng. Nếu không, đóa hoa sen sẽ héo dần đi. Cánh hoa sẽ rơi rụng và thối rữa. Vì thế hãy nỗ lực giữ cho hoa vững chãi cho đến khi hoa nở. Đừng lo lắng điều gì sẽ xảy ra khi hoa nở. Chỉ cần giữ cho hoa tâm vững chãi và đảm bảo rằng nó không bị phiền não thiêu đốt.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]